CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0<br />
THE 4.0 INDUSTRIAL REVOLUTION<br />
GS. TS. Hoàng Xuân Thảo<br />
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội<br />
Email: thaohx@hubt.edu.vn<br />
<br />
<br />
“Cách mạng công nghiệp 4.0” (đôi khi gọi tắt là cách mạng 4.0 hoặc công nghiệp 4.0)<br />
đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, mang đến cơ hội thay đổi bản chất các nền kinh tế,<br />
nhưng cũng chứa đựng những thách thức to lớn. Khái niệm “cách mạng công nghiệp<br />
4.0” được nhắc đến nhiều trên truyền thông, cùng với nó là những hy vọng về cuộc “lột<br />
xác” của các doanh nghiệp tại Việt Nam khi nắm bắt được làn sóng này. Vậy cuộc cách<br />
mạng công nghiệp 4.0 có những đặc trưng cơ bản nào?<br />
Từ khóa: cách mạng 4.0, ảo - thực, điện toán đám mây<br />
<br />
<br />
The "4.0 Industrial Revolution " (sometimes referred to as Revolution 4.0 or Industry 4.0)<br />
is taking place globally, offering the opportunity to change the nature of the economy, but<br />
also containing big challenges. The concept of "4.0 industrial revolution" is mentioned in<br />
the media, along with the hope of the "fundamental change" of businesses in Vietnam when<br />
catching this wave. So what are the basic characteristics of the 4.0 industrial revolution?<br />
Keywords: Industrial Revolution, Industrial Revolution 4.0, features of revolutionary<br />
industrial 4.0<br />
Ngày tòa soạn nhận được bài báo: 14/01/2018<br />
Ngày phản biện đánh giá: 20/02/2018<br />
Ngày bài báo được duyệt đăng: 20/03/2018<br />
<br />
<br />
<br />
Theo một báo cáo của chính phủ Đức, thì công nghiệp 4.0 (Industrie 4.0) là “sự kết nối các hệ<br />
thống thông minh vào một cơ sở sản xuất, tạo ra sự giao thoa giữa trí tuệ con người và trí tuệ<br />
nhân tạo, trên nền tảng của kỹ thuật số, nhằm nâng cao năng lực sản xuất một cách đột biến”.<br />
Còn trên nhiều diễn đàn khác, người ta lại mô tả cách mạng 4.0 (the Industrial revolution 4.0)<br />
như là lịch sử phát triển tuần tự của các nền công nghiệp: cách mạng công nghiệp lần thứ nhất<br />
(với đặc trưng sử dụng năng lượng hơi nước để cơ giới hóa sản xuất), lần thứ hai (với đặc trưng<br />
ứng dụng điện năng), lần thứ ba (với đặc trưng sử dụng điện tử và công nghệ thông tin) để tự<br />
động hóa sản xuất. Còn đặc trưng của cách mạng công nghiệp lần lần thứ tư này là tiếp nối từ<br />
cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, là sự giao thoa giữa các công nghệ, mà đỉnh cao là kỹ<br />
thuật số, trong đó có công nghệ ảo giao thoa với thực, trí tuệ nhân tạo và truyền thông trên nền<br />
internet kết nối vạn vật. So sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cách mạng 4.0<br />
<br />
4 TẠP CHÍ KHOA HỌC<br />
QUẢN LÝ VÀ CÔNG NGHỆ<br />
tiến triển theo hàm mũ chứ không theo cấp số cộng, số nhân thông thường. Ngoài ra, nó đang<br />
dần xoá sổ hầu hết các ngành công nghiệp ở các quốc gia về cung cách sản xuất và quản trị.<br />
<br />
1. Số hoá toàn bộ nền kinh tế<br />
Mọi đối tượng trên thế giới muốn xử lý được bằng máy tính đều phải coi chúng là dữ liệu và quy<br />
về bốn loại: dữ liệu số, dữ liệu văn bản, dữ liệu ảnh và dữ liệu âm thanh. Bốn loại dữ liệu đó<br />
được lưu trong bộ nhớ dưới dạng hai trạng thái mà ta hay gọi là 0 và 1, giống như ra phố thấy<br />
hằng hà sa số các biển hiệu, nhưng suy cho cùng, cũng từ tổ hợp hai trạng thái sáng hoặc tối<br />
của bóng đèn. Công nghệ sản xuất ra bộ nhớ để lưu trữ thông tin về hai trang thái trên đạt đến<br />
trình độ tuyệt tác. Ghi được một trạng thái gói là 1 bit (ký hiệu là 1b). 8 bit ghi được một ký tự<br />
như chữ A, chữ B,... gọi là 1 byte (ký hiệu là 1B), 1.024B (theo hệ thập phân là 1.000B) gọi là<br />
một kilobyte (KB),1.000 KB là 1 megabyte (MB), 1.000 MB là 1 gigabyte (GB), 1.000 GB là một<br />
terabyte (TB), 1.000 TB là 1 petabyte (PB), v.v.<br />
Môt điện thoai iPhone có bộ nhớ 256GB=256.000.000.000B có thể ghi được 1.864.367 truyện<br />
Kiều, nếu đem số truyện Kiều này chồng lên nhau, sẽ có độ cao gần 50km. Nghĩa là một thư<br />
viện lớn nhất của chúng ta có thế ghi vào bộ nhớ của một điện thoại. Siêu máy tính Sunway<br />
TaihuLight trang bị đến 1,3PB bộ nhớ RAM (ghi được hơn 800 tỉ truyện Kiều và tốc độ đạt 124,5<br />
triệu tỉ phép tính/giây), trở thành hệ thống đầu tiên của nhân loại có bộ nhớ và tốc độ xử lý lớn<br />
nhất thế giới. Dữ liệu, khi đã số hoá, có tốc độ xử lý và truyền tải trong dây dẫn hoặc sóng điện<br />
từ vô cùng lớn. Nó là nền tảng cho công nghệ Internet, công nghệ truyền hình số, truyền thanh<br />
số, đào tạo số (Elearning), chính phủ số (chính phủ điện tử ), thương mại số, hải quan số và mọi<br />
công nghệ số khác.<br />
<br />
2. Giao thoa giữa ảo và thực<br />
Một công cụ hay một quy trình hoạt động nào đó, trong điều kiện cách mạng 4.0, được giao thoa<br />
giữa phần ảo (phần mềm) và phần thực (đó là phương tiện và con người). Để làm rõ vấn đề<br />
này, hãy quan sát các ví dụ sau.<br />
<br />
a) Tạo ra các đồ dùng<br />
- Khi ta dùng điện thoại Smart Phone để chụp ảnh, thì máy ảnh đó thực chất là ảo (phần mềm)<br />
và có “giao thoa” với một số phần thực, như ống kính, màn hình,… của điện thoại; nếu không<br />
thích “máy ảnh đó”, ta có thể tải máy ảnh khác, ví dụ như máy ảnh 360 chẳng hạn, trên mây<br />
(trên internet) về;<br />
- Tương tự như vậy, có hàng nghìn, hàng vạn đồ dùng ảo khác nằm trên mây, khi cần, ta có thể<br />
tải về để sử dụng: máy tính bỏ túi ảo, đồng hồ ảo, la bàn ảo, đèn pin ảo, bàn phím ảo, piano ảo,<br />
lịch ảo, sách, báo chí ảo, v.v.<br />
- Máy in 3D có thể in ra (tạo ra) một hình thể ba chiều và ta có thể cầm nắm được. Để hiểu được<br />
điều này, hãy quan sát qua máy in đang dùng hàng ngày. Giả sử muốn in ra giấy chữ “HUBT”,<br />
trước hết, nhờ phần mềm WORD, ta gõ chữ HUBT lên màn hình theo kích cỡ và màu sắc ta<br />
chọn. Ta phát lệnh in và máy in sẽ căn cứ vào chữ HUBT ảo đó “bôi” một lớp mực lên giấy đúng<br />
như chữ ảo HUBT trên màn hình. Có thể thay thế mực in bằng một dung dịch “đặc sền sệt”<br />
được không?<br />
Với máy in 3D, một ảnh 3D được tạo ra trên màn hình để làm mẫu. Phần mềm cắt khối đó thành<br />
n lớp theo chiều cao của hình 3D đó từ dưới lên trên, hoặc ngược lại. Máy in sẽ “đắp từng lớp<br />
một” (từ dưới lên trên hoặc từ trên xuống), cho đến lớp thứ n thì xong. Sản phẩm cuối cùng là<br />
<br />
TẠP CHÍ KHOA HỌC 5<br />
QUẢN LÝ VÀ CÔNG NGHỆ<br />
một khối ba chiều! “Mực in” có thể là dung dịch nhựa, dung dịch kim loại, bê tông, v.v. Tóm lại, ta<br />
có thể “in” ra một ô tô, một ngôi nhà,... thực sự. Công nghệ thật là khủng!<br />
b) Tạo ra một quy trình hoạt động<br />
Ảo giao thoa với thực còn là công nghệ chính để tạo ra một quy trình hoạt động của xã hội. Hãy<br />
quan sát một vài ví dụ sau.<br />
Doanh nghiệp ảo. Hãng taxi, như Uber hay Grab thuộc loại lớn nhất thế giới, nhưng không có<br />
một chiếc xe nào. Nòng cốt của hãng là phần mềm online dùng để liên kết với những người có<br />
ô tô muốn tham gia chở khách và khách hàng, tạo nên một logic trong cái gọi là “hãng taxi”. Nó<br />
tối ưu hóa quy trình hoạt động chở khách (người có ô tô phải ở gần người có nhu cầu đi tại thời<br />
điểm gọi). Phần mềm dựa trên cơ sở dữ liệu về đường phố xác định đường đi tối ưu đến địa<br />
điểm đón khách, đồng thời chuyển phần trăm lệ phí cho hãng và các quy định khác của hãng.<br />
Cung cách tổ chức theo “ảo- thực” này phá vỡ cung cách tổ chức truyền thống và ra đời hàng<br />
nghìn loại doanh nghiệp khác theo logic đó.<br />
Thương mại điện tử là hình thức mua và bán qua mạng: các hành động mua, bán, chọn hàng,<br />
thanh toán đều là ảo (do phần mềm chịu trách nhiệm), còn chở hàng đến cho người mua là thực.<br />
Trang web alibaba.com, amazon.com... là chuẩn mực cho sự giao thoa giữa ảo và thực.<br />
Hoạt động đào tạo ảo. Theo tài liệu của Đức, thì trong đào tạo một phi công quân sự, phần ảo<br />
chiếm tới 80%: phi công tập luyện trong một sa bàn ảo được cấu trúc giống như môi trường thực<br />
bởi phần mềm. Cũng đủ nút nọ, nút kia; cũng nhào lộn, ngắm, bắn,... Chừng nào thuần thục<br />
trong môi trường ảo, thì chuyển sang môi trường thực, nghĩa là tập trên máy bay thực. Phương<br />
thức đào tạo Elearning cũng là ảo giao thoa với thực, nhưng ảo chiếm trên 90%.<br />
Ngoài ra còn vô vàn quy trình hoạt động khác, như chính phủ điện tử, trường học điện tử, y học<br />
điện tử, hải quan điện tử, ngân hàng điện tử, chứng khoán điện tử,…<br />
<br />
c) Điện toán đám mây<br />
Điện toán đám mây (cloud computing) là một thuật ngữ mang tính ẩn dụ: “điện toán” được hiểu<br />
là tin học, còn “đám mây” được hiểu là Internet (dạng dây, không dây như 3G, 4G và 5G). Như<br />
đã biết, để tổ chức tính toán tai một cơ sở nào đó, ta phải trang bị ba thứ: một là, máy tính; hai là,<br />
hệ điều hành và, ba là, phần mềm (mua hoặc tự thiết kế). Một ví dụ đơn giản: muốn tính lương<br />
cho cơ quan, phải có máy tính, hệ điều hành Windows và phần mềm Excel. Nếu không trang bị<br />
ba thứ đó, ta có thể tổ chức tính toán được không? Trong thời đại Internet, tất nhiên là được:<br />
dùng “điện toán đám mây”.<br />
Vậy điện toán đám mây là gì?<br />
Đó là một dịch vụ tin học (điện toán) trên mạng Internet (mây) cho thuê bốn thứ: máy chủ trên<br />
mạng – Infrastructure as a service (IaaS), hệ điều hành và cơ sở dữ liệu – Platform as a Service<br />
(PaaS), phần mềm – Software as a Service (SaaS) và không gian lưu trữ – Memory as a Service<br />
(MaaS). Việc thuê dịch vụ trên có bốn điều lợi: rẻ hơn mua sắm, không cần lực lượng quản trị<br />
máy chủ và hệ thống mạng, không lo kỳ hạn (khoảng ba năm) phải thanh lý phần cứng và nâng<br />
cấp phần mềm, và ra đời một công nghệ mới là “điện toán di động” – nghĩa là ta có thể tính toán<br />
bất cứ ở đâu, miễn là có laptop, máy tính bảng hoặc smartphone. GS. H. Richter nói: “Điện toán<br />
đám mây là thành tố rất nặng ký trong thời đại 4.0”.<br />
<br />
d) Blockchain<br />
Trong làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, blockchain (chuỗi khối) được xem là một công nghệ<br />
“chìa khóa” cho chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin tương lai.<br />
<br />
6 TẠP CHÍ KHOA HỌC<br />
QUẢN LÝ VÀ CÔNG NGHỆ<br />
Vậy blockchain là gì?<br />
Xưa nay một cơ sở dữ liệu (CSDL) thường để trong một máy chủ cụ thể trên mạng internet và<br />
chỉ có thành viên quản trị máy chủ đó mới truy xuất được CSDL ấy. Nếu CSDL đó bị đánh sập<br />
thì toàn bộ CSDL đó bị mất và hậu quả thật khôn lường. Nếu CSDL đó để trên nhiều máy chủ<br />
và mỗi khi cập nhật CSDL tại một máy chủ thì CSDL ấy ở các máy chủ khác được “đánh động”<br />
và có thể cập nhật theo (nếu “cùng chấp thuận”). Mỗi khi CSDL của một máy nào đó đị đánh<br />
sập thì những máy khác vẫn còn và vì vậy sẽ không bao giờ xẩy ra hiểm họa, trừ khi “trái đất nổ<br />
tung” và toàn bộ internet bị tiêu hủy. Blockchain được hiểu na ná như là “một CSDL không để<br />
tập trung mà phân tán ở mọi máy chủ tham gia mạng”. Người ta còn dùng cụm từ “sổ cái số”.<br />
Sổ cái số được ghi thành khối giao dịch như là các mắt xích của một sợi xích. Chẳng hạn, nhờ<br />
blockchain mà đồng tiền điện tử và các hoạt động khác được tiến hành một cách dễ dàng và<br />
xác thực. Blockchain hỗ trợ giao dịch thanh toán trực tiếp giữa bên bán và bên mua, không cần<br />
sự can thiệp và xác thực của ngân hàng, mà chỉ cần xác thực của các máy tính tham gia trên hệ<br />
thống. Hiểu nôm na là tiền điện tử, như bitcoin chẳng hạn, là cá, còn blockchain là nước: cá bơi<br />
trong nước và nước biết được cá “đi đâu về đâu”, “to nhỏ” ra sao,… Công nghệ blockchain còn<br />
là nền tảng của nhiều ứng dụng khác trong công nghiệp 4.0.<br />
<br />
3. Trí tuệ nhân tạo<br />
Ngày nay người máy (robot) đã trở nên rất thông dụng trong sản xuất, dịch vụ và nhiều hoạt<br />
động khác. Hạt nhân cơ bản nhất của người máy là phần mềm trí tuệ nhân tạo, hay trí thông<br />
minh nhân tạo, (tiếng Anh: artificial intelligence, hay machine intelligence, viết tắt là AI) được cài<br />
trong người máy và người máy sẽ hoạt động theo logic của sản phẩm AI đó. Người lái xe ô tô<br />
trên đường phải làm chủ được tay lái, không để xẩy ra tai nạn giao thông, đi đúng luật,... và thế<br />
là ô tô không người lái ra đời, bởi nó “học được” trí tuệ của người lái xe đó.<br />
GS. H. Richter khẳng định: “Trí tuệ nhân tạo đang giúp định dạng lại thế giới theo một logic<br />
khác”, còn GS. Stephen Hawking thì tỏ ra lo sợ AI sẽ là hiểm hoạ cho loài người, tức là có thể<br />
<br />
TẠP CHÍ KHOA HỌC 7<br />
QUẢN LÝ VÀ CÔNG NGHỆ<br />
một ngày nào đó máy móc sẽ kiểm soát con người. Elon Musk lại nghĩ đến nguy cơ AI không<br />
được kiểm soát.<br />
Thấy được ý nghĩa to lớn của trí tuệ nhân tạo, các hãng lớn, như Google, Facebook, Amazon,<br />
IBM, Microsoft,… đang đầu tư rất mạnh trong lĩnh vực này. Họ tạo ra một diễn đàn mở về trí tuệ<br />
nhân tạo, nơi những người quan tâm có thể trao đổi, thảo luận, đồng thời tăng cường sự hiểu<br />
biết của cộng đồng về nó. Các sản phẩm trí tuệ nhân tạo ra đời tạo ra bộ mặt mới cho hàng loạt<br />
các hoạt động đa dạng của nền kinh tế. Google đã xây dựng dự án trí tuệ nhân tạo cho hệ thống<br />
tàu điện ngầm London, truy vấn các thông tin nhằm giải quyết các sự cố phát sinh và cũng đã<br />
hoàn thiện hệ thống học máy TensorFlow. Cơ chế này ứng dụng trong nhận dạng thoại, hình ảnh<br />
và dịch thuật; có cơ chế như hoạt động của não người. Facebook dùng AI<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
giúp người khiếm thị có thể “nhìn thấy” ảnh qua một ứng dụng trên iOS. Công nghệ này dùng để<br />
tạo các bản đồ dân số và khách hàng lướt web trên toàn thế giới. Ngoài ra Facebook còn dùng<br />
AI để nghiên cứu hành vi người dùng, nhận dạng khuôn mặt, giúp xác định danh tính của người<br />
trong ảnh đăng trên mạng xã hội. Apple tập trung vào công nghệ nhận diện khuôn mặt và phản<br />
ứng của khách hàng và nhân dạng giọng nói của họ, cho phép người lái xe có thể bật hoặc tắt<br />
những chức năng nhất định trên xe bằng tiếng nói. Microsoft có dự án phân tích hành vi người<br />
dùng thông qua giọng nói, biểu cảm và khuôn mặt. AI của Microsoft cung cấp khả năng dịch<br />
thuật theo thời gian thực các ngôn ngữ chính và đang hỗ trợ thêm nhiều ngôn ngữ khác trong<br />
thời gian tới. Khả năng dịch thuật mạnh mẽ của các phần mềm là nhờ AI. Ngoài ra, hệ thống dịch<br />
thuật này có khả năng nhận dạng giọng nói người dùng và chuyển sang chữ viết (text) khi người<br />
<br />
8 TẠP CHÍ KHOA HỌC<br />
QUẢN LÝ VÀ CÔNG NGHỆ<br />
dùng nói. IBM sử dụng AI để phân tích ý nghĩa ẩn sau các bức ảnh, video, tin nhắn và lời thoại.<br />
IBM đang phát triển một ứng dụng trợ giảng giúp soạn ra bài học dựa trên tài liệu được cung cấp.<br />
4. Internet kết nối vạn vật<br />
Internet kết nối vạn vật, hay Internet vạn vật, hay cụ thể hơn là Mạng lưới vạn vật kết nối Internet,<br />
hoặc Mạng lưới thiết bị kết nối Internet (tiếng Anh: Internet of Things, viết tắt là IoT) là gì và tại<br />
sao lại là một trong các yếu tố đặc trưng cơ bản của nền công nghiệp 4.0?<br />
Như đã biết, máy tính kết nối được với Internet, sau đó là Smartphone và hiện tại là một số dòng<br />
tivi cũng đã kết nối với Internet. Thế còn ô tô, máy bay, tàu hỏa, du thuyền, nhà máy, ngôi nhà,<br />
con người thực, người máy, gia súc, cây cối, tủ lạnh, bàn ghế,... thì sao? Nhân loại đang hướng<br />
tới kết nối “tất tần tật” những thứ cần phải kết nối. Làm như thế có lợi gì?.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Bản chất của mọi sự hoạt động xã hội cũng như sản xuất, suy cho cùng, là “nắm bắt thông tin”,<br />
“xử lý thông tin” để “điều khiển” chúng. Một máy chủ cách xa hàng vạn dặm, nếu không kết nối<br />
Internet thì làm sao ta thuê và điều khiển được nó trong “điện toán đám mây”? Nói một cách tổng<br />
quát, một vật A có kết nối Internet thì dù có cách xa bao nhiêu đi nữa, ta vẫn có thể làm được<br />
các điều sau: một là, tuyền thông tin cho nó; hai là, nắm bắt thông tin từ nó để xử lý và, ba là,<br />
điều khiển nó theo ý muốn của ta. Một ví dụ cho thấy người dùng đã nhanh chóng thích nghi<br />
với IoT chính là các thiết bị đeo, các thiết bị này giúp con người theo dõi mọi thứ như ngủ nghỉ,<br />
tình trạng bệnh tât, điều khiển bệnh nhân từ xa, khám bệnh từ xa,… Các doanh nghiệp bắt đầu<br />
áp dụng công nghệ IoT vào các cảm biến thu thập dữ liệu, kết nối giữa máy móc với con người,<br />
cũng như giữa máy móc với nhau, tạo nên một hệ thống truyền thông khép kín. Ngoài ra, thông<br />
<br />
TẠP CHÍ KHOA HỌC 9<br />
QUẢN LÝ VÀ CÔNG NGHỆ<br />
tin phải truyền ngay tức khắc đến với từng người, do đó, các trang mạng xã hội đã thực sự làm<br />
cho Internet có bộ mặt mới. Facebook được xem là mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới ảo<br />
với trên hai tỷ người dùng. Nó là loại hình mạng xã hội chia sẻ hình ảnh, video, tin nhắn, v.v., tích<br />
hợp đa ngôn ngữ, giúp mọi người trên thế giới truyền và chia sẻ thông tin cho nhau.<br />
<br />
5. Vài lời kết luận<br />
Báo chí nói về nền công nghiệp 4.0 rất đa dạng và đa chiều. Có bài báo nói về công nghệ nano,<br />
di truyền, … là đặc trưng cơ bản của cách mạng 4.0. Tôi nghĩ không phải vậy.<br />
Trở lại câu chuyện lịch sử phát triển của các nền công nghiệp: Đặc trưng của 1.0 là “sức mạnh<br />
của hơi nước”, 2.0 là “sức mạnh của điện”, 3.0 là “sức mạnh của điện tử và tin học”. Còn của<br />
4.0 là “sức mạnh của công nghệ số”, trong đó có bốn cái chủ đạo: số hóa và công nghệ số hóa,<br />
công nghệ ảo giao thoa với thực, công nghệ trí tuệ nhân tạo, và công nghệ Internet kết nối vạn<br />
vật. Còn nano hay những thứ khác chỉ là nhở công nghệ số mới có thôi. Các báo trên thế giới,<br />
đặc biệt là truyền thông của Công hòa Liên bang Đức, đều tập trung vào bốn công nghệ đó.<br />
Các báo cũng đặc biệt nhấn mạnh tới chủ đề “Cải cách giáo dục đại học trong thời đại nền công<br />
nghiệp 4.0”. Ý chủ đạo của các tờ báo uy tín và các cuộc hội thảo về chủ đề này đều tập trung<br />
vào năm ý tưởng sau:<br />
1) Trang bị máy móc và cách thức tổ chức sao cho sinh viên và giảng viên dễ dàng tiếp cận được<br />
với những thứ ảo trên mây, hơn là thuyết trình đơn thuần theo cung cách truyền thống.<br />
2) Tổ chức tập huấn cho các giảng viên về cung cách tổ chức đào tạo ảo trên nền những công<br />
nghệ: điện toán đám mây, blockchain, dữ liệu lớn (Big Data) và làm quen với kinh doanh trên<br />
môi trường ảo.<br />
3) Khảo thí và kiểm định chất lượng đại học trên nền tảng công nghệ thông tin.<br />
4) Định hình các ý tưởng khởi nghiệp khi sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường.<br />
5) Tổ chức để giảng viên và sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học trên nền tảng liên kết giữa<br />
doanh nghiệp và nhà trường.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Tài liệu tham khảo<br />
1. Bit, byte và những khái niệm cơ bản | Tinhte.vn. https://tinhte.vn › Diễn đàn › Khoa học công<br />
nghệ › Khoa học.<br />
2. Blockchain . Wikipedia tiếng Việt. https://vi.wikipedia.org/wiki/Blockchain.<br />
3. Công nghệ Blockchain là gì? VnEconomy. vneconomy.vn/cong-nghe-blockchain-la-<br />
gi-20171212122328932.htm.<br />
4. Trí tuệ nhân tạo . Wikipedia tiếng Việt. https://vi.wikipedia.org/wiki/Trí_tuệ_nhân_tạo.<br />
5. Internet Vạn Vật.– Wikipedia tiếng Việt. https://vi.wikipedia.org/wiki/Internet_Vạn_Vật.<br />
6. Dữ liệu lớn. Wikipedia tiếng Việt. https://vi.wikipedia.org/wiki/Dữ_liệu_lớn.<br />
<br />
10 TẠP CHÍ KHOA HỌC<br />
QUẢN LÝ VÀ CÔNG NGHỆ<br />