intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán trong bối cảnh kỷ nguyên số tại Việt Nam

Chia sẻ: Lệ Minh Vũ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

2
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán trong bối cảnh kỷ nguyên số tại Việt Nam" nghiên cứu, phân tích và làm rõ những lý luận về chuyển đổi số, nghiên cứu thực trạng nhân lực kế toán, kiểm toán tại Việt Nam trong từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực nguồn nhân lực quan trọng này. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán trong bối cảnh kỷ nguyên số tại Việt Nam

  1. ĐÀO TẠO NHÂN LỰC KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN TRONG BỐI CẢNH KỶ NGUYÊN SỐ TẠI VIỆT NAM TS. Phạm Thanh Hương1 Tóm tắt Nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh của kỷ nguyên số hay cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), các quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, công tác xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, doanh nghiệp đặc biệt coi trọng. Chuyển đổi số đang tạo ra sự thay đổi nhanh chóng trong cách quản lý, điều hành cũng như quá trình phát triển của doanh nghiệp. Kỷ nguyên số không chỉ tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội mà đặc biệt ảnh hưởng sâu sắc đến lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Kế toán, kiểm toán cần tập trung nguồn lực để chuyển đổi chức năng và bắt đầu hành trình hướng đến kế toán, kiểm toán 4.0, đặt công nghệ, chuyển đổi số làm cốt lõi của lĩnh vực kế toán, kiểm toán trong tương lai. Từ khóa: CMCN 4.0, kỷ nguyên số, chuyển đổi số, kế toán, kiểm toán, nhân lực chất lượng cao 1. Đặt vấn đề Chuyển đổi số đang tạo ra sự thay đổi nhanh chóng trong cách quản lý, điều hành cũng như quá trình phát triển của doanh nghiệp. CMCN 4.0 không chỉ tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội mà đặc biệt ảnh hưởng sâu sắc đến lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ tiêu cơ bản đến năm 2025, cụ thể như sau: 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động (đến năm 2030 là 100%); kinh tế số chiếm 20% GDP (đến năm 2030 là 30%); tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu là 10% (đến năm 2030 là 20%); Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (đến năm 2030 thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin)... [1]. Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán được xem là một trong những lĩnh vực 1 Khoa Kế toán - Kiểm toán, Đại học Thương mại, Email: huongphamvn.vcu@gmail.com, Số điện thoại: 0919050107 241
  2. ưu tiên. Các doanh nghiệp trong nước đã chủ động, quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ xây dựng chiến lược chuyển đổi số nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Trong đó cần chú trọng đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao thực sự đóng vai trò quyết định cho sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Những quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng cao, có môi trường pháp lý thuận lợi cho đầu tư và một môi trường chính trị - xã hội ổn định sẽ nắm phần thắng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này. Bài viết sau đây nghiên cứu, phân tích và làm rõ những lý luận về chuyển đổi số, nghiên cứu thực trạng nhân lực kế toán, kiểm toán tại Việt Nam trong từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực nguồn nhân lực quan trọng này. 2. Thực trạng nguồn nhân lực kế toán - kiểm toán Việt Nam Chuyển đổi số tại Việt nam có thể coi là một quá trình chuyển đổi toàn diện ở cả ba công nghệ nền tảng: công nghệ kỹ thuật, công nghệ quản trị và công nghệ giáo dục, đóng góp thiết thực vào phát triển bền vững đất nước. Con người đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trình chuyển đổi. Doanh nghiệp muốn cải tiến thì đầu tiên phải có được nguồn lao động có tâm thế tốt, có năng lực quản trị và công nghệ. Từ đó, chính những con người này sẽ tham gia vào quá trình đổi mới phát triển công nghệ, chuyển đổi chiến lược phát triển, chiến lược kinh doanh, áp dụng công nghệ thông tin trong cả công nghệ kỹ thuật và quản trị để năng suất hơn, chất lượng hơn. Theo đánh giá của các chuyên gia, chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng nhanh chóng phục hồi sau đại dịch Covid-19. Do vậy, sự chuẩn bị nguồn nhân lực để thực hiện chuyển đổi số là quan trọng hơn bao giờ hết. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam tính đến năm 2020 là hơn 97,58 triệu người. Theo tính toán của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc, đến giữa thế kỷ XXI, dân số Việt Nam có thể đạt ngưỡng 100 triệu người. Nguồn nhân lực trí thức, tốt nghiệp từ đại học, cao đẳng trở lên là hơn 2,5 triệu người, bằng 2,15% dân số của cả nước. Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11 trong số 12 nước ở châu Á tham gia xếp hạng. Chỉ số cạnh tranh nguồn nhân lực Việt Nam đạt 3,39/10 điểm và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam chỉ xếp thứ 55/137 nước được xếp hạng. Một trong những nguyên nhân sâu xa của việc xếp hạng này chính là chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao chưa thực sự đáp ứng được với yêu cầu xã hội. Theo Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu (GII) năm 2020 [6], Việt Nam duy trì vị trí thứ 42 trong hai năm liên tiếp. Tuy kết quả xếp hạng chung GII vẫn giữ nguyên nhưng so sánh với 2019, Việt Nam có sự cải thiện trong hạng mục hiểu biết kinh doanh, tụt hạng trong các chỉ số liên quan đến Nguồn nhân lực và Nghiên cứu phát triển (hạng 79), đầu ra 242
  3. về kiến thức và công nghệ (hạng 37). Mặc dù Việt Nam đã nhấn mạnh trọng tâm vào cải cách chính sách công nghiệp 4.0, nhưng về kỹ năng kỹ thuật số của lực lượng lao động, Việt Nam đã tụt 4 bậc xuống vị trí thứ 96 trong Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Nhân tài Toàn cầu năm 2020 (GTCI). Nếu như các nền kinh tế trong khu vực (Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore...) đã chuẩn bị lực lượng chất lượng cao thì ở Việt Nam, nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung và kế toán, kiểm toán nói riêng này vẫn còn hạn chế. Nhân lực kế toán, kiểm toán đang tồn tại tình trạng nguồn nhân lực “vừa thừa lại vừa thiếu”, trong đó, rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay trên cả nước có khoảng hơn 200 trường Đại học, Cao đẳng đào tạo nghề kế toán - kiểm toán. Nhưng hiện nay, kế toán - kiểm toán luôn nằm trong tình trạng báo động đỏ về dư thừa nhân lực, và sẽ còn dư thừa trong nhiều năm nữa. Hiện trạng ngành kế toán – kiểm toán thất nghiệp nhiều, phải làm trái ngành mới có công việc. Tuy nhiên xét về khía cạnh nhu cầu nhân lực, thì ngành kế toán - kiểm toán vẫn nằm trong nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao tại Việt Nam hiện nay (hình 1). Hình 1. 10 ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất Việt Nam năm 2020 (Nguồn: Jobstreet.com) Như vậy có thể nói, ngành kế toán - kiểm toán dù nguồn cung nhân lực rất cao, tỷ lệ thất nghiệp cao nhưng nhu cầu tuyển dụng cũng rất lớn. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có nghịch lý như vậy?. Lý giải cho điều này có nhiều nguyên nhân song một trong những nguyên nhân cơ bản nhất đó là do chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo chưa đáp ứng chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số. Hiện nay, nước ta đang phải đối mặt với việc thiếu nguồn nhân lực cao về kế toán - kiểm toán. Theo thông tin phản hồi từ các doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự cho bộ phận kế toán có đến 80% - 90% những sinh viên được tuyển dụng chưa có khả năng tiếp 243
  4. cận ngay được với công việc của một “Kế toán” thực sự. Khảo sát sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo, từ các trường Đại học Kế toán - Kiểm toán lớn và có uy tín của Việt Nam cho thấy có tới 2/3 trả lời chưa thể nắm bắt được công việc kế toán hay kiểm toán ngay khi được giao mà phải được đào tạo, hướng dẫn lại [13]. Hơn nữa, nguồn cung về nhân lực về kế toán - kiểm toán theo chuẩn quốc tế hiện nay cũng rất hiếm. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài luôn gặp khó khăn khi tuyển dụng kế toán - kiểm toán. Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/03/2013 đã chỉ rõ, Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, tăng nhanh số lượng doanh nghiệp dịch vụ kế toán - kiểm toán và số lượng kiểm toán viên, kế toán viên hành nghề; Mở rộng thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán trong và ngoài nước; Nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán - kiểm toán; đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ kế toán - kiểm toán đáp ứng yêu cầu quản lý của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, theo dự đoán của các chuyên gia tài chính, nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng nguồn nhân lực thì có khả năng nhân lực kế toán, kiểm toán các nước ASEAN phát triển hơn nước ta như Singapore Thái Lan, Malaysia, Philippines có thể sang Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với người lao động nước ta. Như vậy, xét một cách tổng thể, thực trạng nguồn nhân lực ngành kế toán - kiểm toán nước ta trong thời kỳ kỷ nguyên số hiện nay đang ở trong tình trạng thừa về số lượng song đang có hạn chế, gặp vấn đề về chất lượng. 3. Những thách thức đối với nhân lực kế toán, kiểm toán trong bối cảnh kỷ nguyên số Những thách thức đặt ra đối với nhân lực kế toán, kiểm toán trong bối cảnh kỷ nguyên số bao gồm: Thứ nhất: Thách thức do thị trường lao động chất lượng cao thiếu hụt Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường hiện đại, thị trường lao động cũng sẽ là thị trường tự do và cạnh tranh hoàn hảo, có sự vận động để phù hợp với các yếu tố của thị trường và thời cuộc. Thị trường lao động mang đầy đủ các tính chất của một thị trường cơ bản như tính cạnh tranh, tính đổi mới, tính đào thải, tính thay thế... đặc biệt trong thời đại chuyển đổi số khi mà một số công việc truyền thống có khả năng mất đi và thay thế bởi các công việc mang tính đặc thù công nghệ. Ngoài các thách thức truyền thống của một thị trường lao động chưa hoàn thiện tại Việt Nam thì thị trường nhân lực kế toán, kiểm toán trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay sẽ phải đối mặt với các thách thức do vấn đề đào tạo. Việc người lao động được đào tạo chuyên sâu về năng lực, trình độ và kỹ năng là vô cùng quan trọng để tạo nên hiệu quả công việc. Tuy nhiên chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán nói riêng là một lĩnh vực có tính đặc thù cao, hiện chưa có sự đào tạo một cách 244
  5. hoàn toàn phù hợp, chủ yếu nguồn nhân lực này là do tự học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Theo khảo sát của tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG (2017), tại Việt Nam nhân lực sẵn sàng cho công nghệ số chưa cao, các chương trình đào tạo đại học thay đổi rất chậm so với xu thế. Trong khi đó, hiện nay nhiều trường đại học tại các nước phát triển đã đưa các giáo trình về trí tuệ nhân tạo, học máy vào giảng dạy... Thực tiễn này, đòi hỏi cần quan tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo đủ khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, phương thức làm việc tiên tiến trong điều kiện số hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Thứ 2: Thách thức trong vấn đề nâng cao năng lực, chất lượng nhân sự tại các doanh nghiệp Muốn chuyển đổi số hiệu quả thì phải có nhân sự hiểu biết cả công nghệ và nghiệp vụ kế toán, kiểm toán. Thông thường nguồn nhân lực chủ yếu được tuyển dụng từ các trường đại học đào tạo kế toán, kiểm toán. Nguồn nhân lực này thường chỉ có kiến thức về công nghệ ở mức độ sơ đẳng. Hội nghị Bộ trưởng kỹ thuật số Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa diễn ra nhận định chuyển đổi kỹ thuật số kinh tế và xã hội cũng sẽ tạo ra các mâu thuẫn cho công tác nguồn nhân lực, đây là vấn đề toàn cầu. Dự báo đến năm 2025, máy móc sẽ ngang trình độ con người, 43% doanh nghiệp sẽ cắt giảm lao động, nhưng cũng có 1/3 doanh nghiệp lại mở rộng lao động. Dự báo sẽ có 40% lao động phải đào tạo lại, 94% doanh nghiệp yêu cầu kỹ năng mới. Thứ ba: Thách thức về khả năng thay đổi nhận thức của nguồn nhân lực Đây là thách thức rất rất quan trọng, cách mạng công nghệ 4.0 khác với 3 cuộc cách mạng công nghệ trước đó là sự thay đổi diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn gấp nhiều lần. Điều này dẫn đến khả năng bị thay đổi của con người về hành vi, về cảm xúc, về nhân cách ... trước sự gia tăng ứng dụng của trí tuệ nhân tạo, của robot, của tiến trình tự động hoá. Hay nói cách khác, hành xử của con người đang bị ảnh hưởng bởi công nghệ nhiều hơn so với 3 cuộc cách mạng công nghệ trước đó. 4. Đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán trong kỷ nguyên số Kỷ nguyên số sẽ thay đổi cách chúng ta làm việc, nhưng không thể khiến con người trở nên dư thừa. Cùng với công nghệ, nhiều công việc mới sẽ xuất hiện, trong khi có những công việc khác sẽ biến mất. Nâng cao năng lực số sẽ là chìa khóa quyết định sự thành công cho nhân lực kế toán, kiểm toán trong tương lai. Vì vậy nâng cao năng lực, chất lượng là một trong những vấn đề then chốt. Để nâng cao năng lực, chất lượng kế toán, kiểm toán trong kỷ nguyên số, cần phải tập trung vào ba nhóm giải pháp sau: 245
  6. Nhóm giải pháp 1: Giải pháp đối với các cơ sở đào tạo Tại hội nghị hiệu trưởng các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á tổ chức năm 2018 ở Brunei [7], vấn đề đào tạo đáp ứng sự thay đổi đã được thảo luận. Có một từ khoá được nhắc nhiều trong hội thảo này là tích hợp: tích hợp nội dung, chuyển từ đào tạo đơn ngành sang hướng đào tạo đa ngành, cân bằng giữa khoa học công nghệ và khoa học xã hội; tích hợp lý thuyết và thực tiễn, khuyến khích phương pháp học chủ động, học bằng trải nghiệm; tích hợp công nghệ với nội dung và phương pháp giảng dạy. Trường đại học quốc gia Singapore đã đề xuất 5 giá trị cốt lõi của người tốt nghiệp đại học trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của công nghệ, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Các giá trị này được hội nghị thống nhất cao, gồm: (1) Có kiến thức toàn diện và liên ngành, thay vì chỉ đào tạo đơn ngành như trước; (2) Có kiến thức về hội nhập quốc tế, các giá trị đa văn hóa và có kỹ năng ngoại ngữ; (3) Có trải nghiệm thực tiễn thông qua đào tạo gắn kết với doanh nghiệp; (4) Có nền tảng tự phát triển lâu dài thông qua khả năng tự học, học tập suốt đời; (5) Có tinh thần khởi nghiệp. Đây có thể nói là 5 giá trị cốt lõi mà các chương trình đào tạo cần trang bị cho sinh viên để đáp ứng sự thay đổi trong bối cảnh kỷ nguyên số. Để làm được điều này, các cơ sở đào tạo tại Việt Nam cần chú trọng những giải pháp sau: + Các trường đại học Việt Nam cần chủ động bên cạnh đào tạo các nguồn lực về các ngành nghề đang đào tạo như kế toán, kiểm toán, cần nghiên cứu và mở thêm các ngành đào tạo liên quan đến chuyển đổi số. Cần lựa chọn và liên kết chặt chẽ với các trường Đại học tại các quốc gia đi đầu trong kỷ nguyên số hiện nay. Cần nghiên cứu các chương trình đào tạo, có thể cử giảng viên sang trao đổi, học hỏi và có thể nhập khẩu các chương trình đào tạo của các trường đại học có kinh nghiệm về chuyển đổi số. Xem xét, liên kết đào tạo tích hợp theo các chương trình bậc đại học, các chương trình văn bằng hai hoặc chương trình thạc sỹ, tiến sĩ. Bên cạnh các chương trình đào tạo dài hạn, chính quy, các trường đại học cần thiết kế các chương trình đào tạo ngắn hạn phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đặc thù, nhu cầu sẽ khác nhau. + Cần dành kinh phí và có chính sách cụ thể trong việc phát triển các trung tâm R&D và hệ thống phòng lab nghiên cứu về khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, học máy. Đây là hoạt động cần nguồn kinh phí đầu tư rất lớn. Tuy nhiên trong kỷ nguyên số hiện nay, nếu các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học khối ngành kinh tế không có các hệ thống trung tâm R&D và hệ thống phòng lab nghiên cứu về khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, học máy sẽ rất khó khăn trong việc đào tạo được nguồn nhân lực cho chuyển đổi số trong đó có chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. 246
  7. + Bên cạnh đó, các trường Đại học, đặc biệt là các trường đại học khối kinh tế Việt Nam với đặc thù là kinh nghiệm về chuyển đổi số không nhiều cần phải nỗ lực xây dựng được một cộng đồng chuyển đổi số gồm tất cả các nhóm lợi ích liên quan: các doanh nghiệp, ngân hàng, các doanh nghiệp fintech, regtech, bigtech, các trường đại học khối kỹ thuật trong nước và quốc tế, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động chuyển đổi số [8]. Trong kỷ nguyên số, vai trò của “cộng đồng” cao hơn bất kỳ một giai đoạn nào. Cộng đồng này bền vững sẽ là nền tảng cho mọi ý tưởng, mọi sự phát triển của hoạt động chuyển đổi số và từ đó nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xã hội. Nhóm giải pháp 2: Giải pháp về phía doanh nghiệp Thứ nhất: Cần xây dựng chiến lược dài hạn và lộ trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số Một chiến lược có tầm nhìn dài hạn và lộ trình phát triển nguồn nhân lực bài bản là điều kiện tiên quyết để triển khai thành công công tác nhân sự hiệu quả, phù hợp mục tiêu, định hướng chung của doanh nghiệp. Chiến lược trước tiên cần xác định rõ các vị trí trọng yếu, đòi hỏi chuyên môn sâu, là trọng tâm, trụ cột trong hoạt động kế toán, kiểm toán của doanh nghiệp, từ đó đưa ra lộ trình xây dựng khung năng lực, chương trình tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, làm cơ sở cho việc quy hoạch, bổ nhiệm và sử dụng nhân lực hiệu quả. Song song với đó chiến lược cần có kế hoạch cụ thể trong việc đầu tư công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động và số hóa công tác quản trị nguồn nhân lực. Thứ hai, chú trọng công tác đào tạo kỹ năng mới cho các nhân sự kế toán, kiểm toán và khuyến khích tham gia các hiệp hội nghề nghiệp. Kỷ nguyên số đã và đang thay đổi cách thức cá nhân làm việc và tương tác. Khung năng lực làm việc của nhân sự kế toán, kiểm toán trong kỷ nguyên 4.0 thay đổi và được bổ sung rất nhiều. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tập trung và phát triển các chương trình đào tạo các năng lực làm việc mới cho nhân lực kế toán, kiểm toán. Khuyến khích nhân sự kế toán, kiểm toán chủ động học tập, bổ sung kiến thức kỹ năng, nâng cao trình độ. Ngoài ra, các chứng chỉ chuyên ngành như ACCA, CPA, ICAEW, CFA… rất hữu ích cho cán bộ nhân viên trong quá trình cập nhật kiến thức mới và nâng cao nghiệp vụ chuyên sâu theo chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, hiệp hội nghề nghiệp là nơi quy tụ nhiều chuyên gia để trao đổi kinh nghiệm tại các tổ chức lớn. Vì vậy, khuyến khích nhân viên rèn luyện học tập và tham gia các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp sẽ góp phần nuôi dưỡng lòng yêu nghề và tăng mức độ gắn kết với tổ chức. 247
  8. Nhóm giải pháp 3: Giải pháp về phía cơ quan quản lý nhà nước Nghị quyết 52/NQ-TW của Bộ Chính trị và Quyết định 749/QĐ-TTg của TTgCP phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Ngân hàng được xác định là lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Về nguồn lực cho hoạt động chuyển đổi số, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia nêu quan điểm: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức... Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực…” từ đó đưa ra nhiệm vụ, giải pháp về “…tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số, hình thành văn hóa số. Chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số..”. Phát triển nguồn nhân lực là một trong những giải pháp quan trọng, do vậy các cơ quan quản lý nhà nước cần: + Cơ quan quản lý nhà nước cần quy hoạch nguồn cung cho thị trường nhân sự kế toán, kiểm toán chất lượng cao thiếu hụt. Các đơn vị cần phối hợp xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực. Theo đó, cần dự báo nguồn nhân lực trong từng thời kỳ để có kế hoạch đào tạo; xây dựng chương trình đào tạo khung trên cơ sở chuẩn mực quốc tế; xây dựng bộ giáo trình chuẩn theo tiêu chuẩn ở những quốc gia phát triển có chỉnh sửa cho phù hợp trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam; chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, nhân sự kế toán, kiểm toán. + Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có chính sách, biện pháp kết hợp thật tốt giữa đào tạo và sử dụng trong tổng thể phát triển kinh tế của đất nước, đáp ứng có hiệu quả nguồn lao động có chất lượng cao cho yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Kết luận Tóm lại, để tận dụng các cơ hội và vượt qua những thách thức trong bối cảnh kỷ nguyên số, chất lượng nguồn nhân lực luôn được xem là vấn đề cốt lõi quyết định sự thành công, phát triển bền vững trước những thay đổi và quá trình hội nhập của ngành kế toán, kiểm toán. Tuy nhiên ngành kế toán, kiểm toán cũng đang đối mặt với các thách thức ngày càng lớn trong việc phát triển nguồn nhân lực phù hợp với bối cảnh công nghệ. Giải quyết các vấn đề này cần những chiến lược đồng bộ, triển khai nhanh chóng và liên tục, đi kèm với những phân tích rủi ro và không thể chủ quan nóng vội. Những thách thức tuy nhiều nhưng đi kèm đó là những cơ hội không hề nhỏ để các doanh nghiệp tiếp tục gặt hái được các thành công hơn nữa, như nhiều doanh nghiệp Việt Nam và thế giới đã đạt được trong những năm vừa qua. 248
  9. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Báo cáo chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu (GII) năm 2020 2. Công ty Navigos Group, Báo cáo thị trường nhân sự 2021 3. Diễn đàn kinh tế số các Bộ trưởng kinh tế G20 4. GS.TS Vũ Hải Quân - Phân tích các thách thức của CMCN 4.0 đối với giáo dục đại học 5. McKinsey, 2020, Future Banking. 6. PGS.TS.Nguyễn Đức Trung - nguồn nhân lực ngành ngân hàng việt nam trong bối cảnh chuyển đổi số - thực trạng và một số kiến nghị 7. Phan Thanh Hải, Nguyễn Phi Sơn (2016), Đào tạo nhân lực cho ngành kiểm toán độc lập của Việt Nam trong các trường đại học – Cơ hội và thách thức khi gia nhập TPP, AEC; Kỷ yếu Hội thảo 20 năm thành lập hội kế toán kiểm toán Việt Nam. 8. Pwc Việt Nam, 2020, Báo cáo mức độ sẵn sàng về kỹ năng số tại Việt Nam. 9. PwC, Productivity 2021 and beyond (2021). 10. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 11. Ravin Jesuthasan, Nguồn nhân lực trong thời đại 4.0 12. Tata Consultant Service (2021), Fending Off the FinTechs: How Agile Financial Services Firms are Transforming Their Businesses, RamanaMurthy Magapu & Sathish Sankaranarayanan 13. WEF, Future of Jobs 2020 249
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2