intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Một số vấn đề đặt ra đối với đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0

Chia sẻ: Lệ Minh Vũ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

2
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Một số vấn đề đặt ra đối với đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0" phân tích những cơ hội, thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra đối với đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán tại Việt Nam. Trên cơ sở đó đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Một số vấn đề đặt ra đối với đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0

  1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI ĐÀO TẠO NHÂN LỰC KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP VÀ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 Trung tá, TS Phạm Hữu Hùng1 Đại tá, ThS Đào Khánh Hùng Tóm tắt Quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam đang chịu sự tác động mạnh mẽ của hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0. Xu thế toàn cầu hóa và những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 đang kéo các nền kinh tế xích lại gần nhau, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với hầu hết các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Để có thể tận dụng tối đa cơ hội, vượt qua thách thức, tạo đà phát triển nhằm bắt kịp, tiến cùng và vượt lên so với khu vực và thế giới, đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực xã hội nói chung và nhân lực ngành kế toán, kiểm toán phải hội tụ đầy đủ các yếu tố từ tư duy, óc sáng tạo, kỹ năng phân tích, tổng hợp, khả năng truyền thông… Đây cũng chính là vấn đề đặt ra đối với các cơ sở đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán. Vì lẽ đó, tham luận này phân tích những cơ hội, thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra đối với đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán tại Việt Nam. Trên cơ sở đó đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Từ khoá: Hội nhập kinh tế, cách mạng công nghiệp, đào tạo, kế toán, kiểm toán. MỞ ĐẦU Hội nhập kinh tế quốc tế là tất yếu khách quan đối với các nền kinh tế trên thế giới trong giai đoạn hiện nay. Sự phát triển của quá trình tự do hóa thương mại, xu hướng mở cửa nền kinh tế của các quốc gia cho phép thị trường được mở rộng, vượt ra khỏi phạm vi biên giới quốc gia và được quốc tế hóa ngày càng sâu sắc. Trong xu thế đó, để có thể phát huy lợi thế, tranh thủ mọi nguồn lực vì sự phát triển của đất nước, đòi hỏi các nền kinh tế phải tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Hội nhập kinh tế quốc tế (International Economic Integration) là thực hiện mở cửa nền kinh tế đất nước, tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động kinh tế quốc tế, hội nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu. Với cách tiếp cận như vậy, thực chất hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình tạo sự gắn kết chặt chẽ, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa các quốc gia với nhau hoặc giữa một quốc gia với các tổ chức kinh tế khu vực và toàn cầu. Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế giúp các quốc gia 1 Bộ môn Kinh tế chính trị - Khoa Lý luận Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh – Học viện Hậu cần – Bộ quốc phòng. Số điện thoại: 0964 352 871, Email: Huuhungpham400@gmail.com 277
  2. có khả năng tiếp cận thị trường thế giới, tiếp cận công nghệ hiện đại, phương pháp quản lý tiên tiến, tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang mở ra nhiều cơ hội về việc làm, đồng thời đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung và lĩnh vực kế toán, kiểm toán nói riêng. Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 đang được ứng dụng trên hầu khắp các lĩnh vực, tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới. Trên cơ sở ứng dụng một cách phổ biến trí tuệ nhân tạo (AL), hệ cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) và khả năng kết nối - Internet of Things (IoT), cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép kết hợp giữa hệ thống ảo và thực tế, tạo nên nền kinh tế số với khả năng sản xuất và quản trị vượt trội. Riêng đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những nền tảng mới, hỗ trợ một cách tích cực, giúp công việc kế toán trở nên thông minh, nhanh chóng, chính xác và hiệu quả hơn. Bởi vậy, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tác động đến nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán – chính là đối tượng và sản phẩm trực tiếp của giáo dục – đào tạo một cách đa chiều. Điều này đặt ra yêu cầu mới đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán đáp ứng yêu cầu cách mạng 4.0. Như vậy, hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, xã hội ở Việt Nam, trong đó có lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Nhận thức rõ cơ hội và thách thức, phân tích sát đúng thực trạng và đề ra giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong giai đoạn hiện nay. NỘI DUNG 1. Cơ hội và thách thức đặt ra đối với quá trình đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 1.1. Cơ hội đối với đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán Một là, hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều cơ hội việc làm, thu hút nhân lực xã hội tham gia làm việc trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán Xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới đẩy nhanh tốc độ luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ và lao động giữa các nền kinh tế. Trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự phát triển thị trường nói chung, thị trường lao động cũng được mở rộng vượt ra khỏi biên giới quốc gia, người lao động Việt Nam có thể làm việc tại nhiều quốc gia và ngược lại. Nhờ những thành tựu của thời kỳ đổi mới, đặc biệt là sự linh hoạt, sáng tạo trong thu hút đầu tư nước ngoài, nên mỗi năm, thị trường lao động trong nước tạo ra hơn 1 triệu vị trí việc làm cho người lao động. Ngoài ra, từ năm 278
  3. 2015 đến nay, trung bình mỗi năm, cả nước đưa hơn 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Mặt khác, cách mạng công nghiệp 4.0 với đặc trưng là tính kết nối (IoT) cho phép người lao động có thể tham gia vào nhiều công việc khác nhau trong quá trình hình thành chuỗi giá trị toàn cầu, thu hẹp khoảng cách về địa lý và không gian. Trong bối cảnh đó, nhân lực kế toán, kiểm toán Việt Nam có nhiều cơ hội việc làm với mức đãi ngộ tốt, có khả năng di chuyển và tham gia có hiệu quả trong thị trường lao động quốc tế. Đây chính là nguyên nhân cho phép nâng cao khả năng thu hút nhân lực xã hội (học sinh, sinh viên, người lao động…) tham gia làm việc trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán. Các cơ sở đào tạo bởi vậy cũng được quan tâm đầu tư đúng mức, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Hai là, các cơ sở đào tạo kế toán, kiểm toán có nhiều cơ hội đổi mới nội dung chương trình, tiệm cận với các chương trình đào tạo tiên tiến nước ngoài Hiện nay, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra từ đầu thế kỷ 21 ở các nước phát triển trên thế giới đang có ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam. Nhờ tận dụng những thành quả của công cuộc hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ sở đào tạo có điều kiện tiếp cận với chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới thông qua các chương trình hợp tác đào tạo. Cùng với hội nhập kinh tế, những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép khai thác kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại trong quá trình đào tạo, tiếp cận thông lệ quốc tế trong các hoạt động kế toán, kiểm toán; dễ dàng hơn trong trao đổi thông tin, hợp tác nghiên cứu khoa học trong môi trường mở. Môi trường đào tạo được mở rộng nhờ tận dụng không gian ảo và các bộ quy tắc trong hội nhập. Ba là, tư duy, phương thức làm việc và quá trình đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán buộc phải thay đổi đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 Hội nhập kinh tế quốc tế buộc các hoạt động kế toán, kiểm toán phải thay đổi phù hợp thông lệ quốc tế. Thông qua hội nhập, người lao động phải thay đổi tư duy, phương thức làm việc phù hợp chuẩn quốc tế, tiên tiến và hiện đại. Bên cạnh đó, cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi người lao động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán phải liên tục cập nhật, thu thập, xử lý thông tin mau lẹ đáp ứng sự biến chuyển không ngừng của sản xuất và thương mại quốc tế. Trong môi trường đó, để có thể tìm kiếm cơ hội việc làm với mức đãi ngộ tương xứng, cả người dạy và người học buộc phải thay đổi đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Đây là những điều kiện khách quan thuận lợi giúp cho công tác đào tạo nhân lực kế 279
  4. toán, kiểm toán thay đổi tư duy, phương thức theo hướng tích cực, phù hợp yêu cầu mới, đảm bảo đào tạo nhân lực đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của thời kỳ hội nhập. Bốn là, hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép hình thành các hình thức đào tạo mới giúp nâng cao chất lượng đào tạo Sự biến chuyển của nền kinh tế và mức độ ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, khả năng đáp ứng của kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay đã và đang cho phép hình thành các hình thức đào tạo mới như: E-learning, mobile- learning, đào tạo từ xa… Những hình thức đào tạo này tạo điều kiện để có thể tiếp cận tri thức nhanh hơn, nhiều hơn, đa dạng hơn, phù hợp hơn. Quá trình sử dụng các hình thức giảng dạy hiện đại, người dạy và người học phải thực sự sáng tạo, chủ động trong nghiên cứu và học tập, loại bỏ hiện tượng trông chờ, ỷ lại, thụ động, từng bước khắc phục hiện tượng “thầy đọc, trò ghi” tồn tại khá phổ biến trong các hình thức giảng dạy truyền thống. Mặt khác, nhờ hạ tầng công nghệ thông tin phát triển, sinh viên kế toán, kiểm toán có thể kết nối dễ dàng hơn với giảng viên, kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh trong quá trình học tập. Cùng với đó, xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực cho phép giảng viên xây dựng nội dung (sách điện tử ebook, bài giảng điện tử, ngân hàng câu hỏi ôn tập…) và tích hợp những nội dung đó một cách mau lẹ trên môi trường công nghệ, đáp ứng được các yêu cầu đa dạng của người học mọi lúc, mọi nơi. Đây là cơ hội để người học và người dạy nâng cao trình độ, khả năng tiếp nhận thông tin mới, tiếp cận với các hình thức đào tạo tiên tiến, hiện đại, phù hợp chuẩn mực quốc tế. Đây chính là những yếu tố căn cốt để có thể nâng cao chất lượng đào tạo trong giai đoạn hiện nay. 1.2. Một số thách thức đặt ra đối với công tác đào tạo kế toán, kiểm toán ở Việt Nam hiện nay Thứ nhất, chất lượng đào tạo ngành kế toán, kiểm toán chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn Thực tế cho thấy, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và đòi hỏi về số lượng nhân lực ngành kế toán, kiểm toán, không ít các cơ sở đào tạo mở thêm ngành kế toán, kiểm toán để thu hút người học, trong khi điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên còn có hạn chế nhất định, hệ quả tất yếu là chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Một bộ phận không nhỏ sinh viên tốt nghiệp ra trường còn gặp nhiều khó khăn với các hoạt động kế toán, kiểm toán của doanh nghiệp. Chương trình đào tạo chậm đổi mới, chưa thực sự phù hợp thực tiễn và yêu cầu của hội nhập. Số lượng sinh viên ra trường chưa tìm được công việc phù hợp ngành học, thậm chí thất nghiệp còn khá cao. Sản phẩm đào tạo chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp luôn phải tiến hành tự đào tạo, gây lãng phí thời gian và nguồn lực. Bên 280
  5. cạnh đó, số các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến công tác kế toán, kiểm toán liên tục xảy ra, gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội và tâm lý người làm nghề. Điều này đang đặt ra không ít thách thức cho các cơ sở giáo dục trong quá trình thay đổi và hội nhập. Thứ hai, hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép nguồn nhân lực dịch chuyển linh hoạt, tạo môi trường hợp tác, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường lao động đòi hỏi nguồn nhân lực trình độ cao Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, di chuyển lao động quốc tế chuyên môn cao chính là sự "trao đổi chất xám" (Brain Exchange), hay "tuần hoàn chất xám" (Brain Circulation) và vòng chu chuyển càng tăng càng đóng góp nhiều vào nguồn tri thức thế giới. Sự di chuyển này là do một số nước có lực lượng lao động dồi dào, chất lượng đáp ứng yêu cầu hội nhập có nhu cầu tìm kiếm công việc với mức thu nhập tốt hơn. Mặt khác, một số nước thiếu lao động có chuyên môn cao trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, nảy sinh nhu cầu tuyển dụng. Bên cạnh đó, các nhân tố như: mức độ phát triển của thị trường lao động thông qua khả năng thâm dụng lao động, mức đãi ngộ cho lao động có chuyên môn cao, cơ hội việc làm và triển vọng phát triển nghề nghiệp trong tương lai... vẫn tiếp tục được coi là những nhân tố quyết định sự di chuyển của lao động chuyên môn quốc tế trong nền kinh tế toàn cầu. Ngành kế toán, kiểm toán cũng chứng kiến sự di chuyển lao động chuyên môn cao trong thị trường lao động quốc tế, vừa có hợp tác vừa có cạnh tranh gay gắt nhằm tìm kiếm nơi làm việc có lợi nhất. Đây là thách thức đòi hỏi các cơ sở đào tạo cần đổi mới chương trình theo hướng thiết thực, chuyên sâu và hiện đại, từng bước xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp với yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, tăng số cơ sở đào tạo được chấp nhận văn bằng chứng chỉ tại nước ngoài. Ba là, hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động phổ thông, chuyên môn thấp sẽ bị đào thải và thay thế bởi máy móc thiết bị Thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra nhiều phần mềm hỗ trợ tích cực cho hoạt động kế toán, kiểm toán. Quá trình ứng dụng những thành tựu này ngày càng trở nên phổ biến, khiến lực lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đối mặt với thách thức dư thừa nguồn lao động trình độ thấp. Lao động trình độ thấp, không đáp ứng yêu cầu sẽ bị đào thải và thay thế bởi người máy, trí tuệ nhân tạo, các phần mềm ứng dụng... Theo các chuyên gia kinh tế dự báo, đào tạo kế toán, kiểm toán đang đứng trước thách thức rất lớn khi ước tính trong khoảng 10 năm tới khoảng 70% kỹ năng lao động hiện nay sẽ biến mất và 80% kỹ năng mới sẽ xuất hiện. Do vậy, quá 281
  6. trình đào tạo cần trang bị cho sinh viên những kỹ năng mà máy móc và trí tuệ nhân tạo chưa thể thay thế được. Đó là kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy hệ thống, tư duy phản biện, óc lôgic, khả năng sáng tạo, khả năng tự nghiên cứu, tự học… Đây là thách thức không nhỏ đối với hệ thống đào tạo ngành kế toán, kiểm toán trong bối cảnh hiện nay. Như vậy, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt công tác đào tạo nhân lực kế toán-kiểm toán tại Việt Nam trước những cơ hội và thách thức mới. Tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập và phát triển là con đường tất yếu để có thể cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. 2. Thực trạng đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 2.1. Một số kết quả đạt được Trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0, công tác đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán tại Việt Nam thời gian qua đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế. Các cơ sở đào tạo thường xuyên đổi mới chương trình đào tạo theo sát sự thay đổi của chuẩn mực, chế độ kế toán Việt Nam, đồng thời cập nhật chuẩn mực kế toán quốc tế. Một số cơ sở đào tạo đã tích cực nắm bắt xu hướng hội nhập, tham khảo các chương trình đào tạo ngành kế toán, kiểm toán của các trường đại học tiên tiến trên thế giới, lấy đó làm cơ sở chủ động điều chỉnh nội dung chương trình phù hợp yêu cầu thực tiễn; từng bước ứng dụng các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình liên kết quốc tế trong quá trình đào tạo; lựa chọn đưa vào chương trình giảng dạy một số nội dung của các tổ chức nghề nghiệp kế toán quốc tế. Đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo cả về chất lượng và số lượng. Hiện nay, 100% giảng viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo từ thạc sỹ trở lên đối với giảng dạy đại học. Các cơ sở đào tạo đẩy mạnh công tác bồi dưỡng đội ngũ, nâng cao chất lượng đào tạo thông qua các hình thức trao đổi đào tạo, hợp tác nghiên cứu khoa học với các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu khoa học lớn trên thế giới. Thông qua đó, chất lượng đội ngũ giảng viên từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhiều giảng viên đã ứng dụng các phương pháp hiện đại, sử dụng ngôn ngữ quốc tế vào giảng dạy đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo ngày càng được quan tâm đầu tư đúng mức, trang thiết bị kỹ thuật, hạ tầng thông tin viễn thông tại các cơ sở đào tạo được củng cố, hoàn thiện đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy, học tập. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trình độ ngoại ngữ, tin học, ứng dụng công nghệ thông tin được nâng lên, trở thành nhóm kỹ năng thiết yếu phục vụ công việc chuyên môn; bước đầu hình thành phẩm chất lao 282
  7. động quốc tế trong thời kỳ hội nhập. Sinh viên được cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới (kỹ năng số, kỹ năng ngoại ngữ…), có khả năng thích ứng với sự biến động của môi trường kinh doanh; từng bước hình thành 5 kỹ năng: Kỹ năng hợp tác, Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng sáng tạo, Tư duy phản biện và Học tập suốt đời. 2.2. Một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục Hiện nay, khung chương trình đào tạo kế toán, kiểm toán tại các trường đại học có sự khác biệt nhất định, sản phẩm đào tạo do vậy chưa đồng nhất, gây ra những khó khăn nhất định cho các đơn vị sử dụng lao động. Quá trình đào tạo diễn ra chủ yếu trong trường học, sinh viên ít được tiếp xúc với thực tế tại các đơn vị kinh tế. Thời gian kiến tập, thực tập ngắn, ít được giao các nhiệm vụ chuyên môn cụ thể. Quá trình thực tập chủ yếu là quan sát, tự học tập, ít được hướng dẫn. Việc đánh giá mức độ hiểu biết, tiếp cận thực tiễn công tác kế toán ở đơn vị thực tập của sinh viên còn nhiều hạn chế, nhiều đơn vị đánh giá, nhận xét hời hợt, qua loa, thiếu thông tin phản hồi. Mặt khác, quá trình đào tạo kế toán tại các cơ sở đào tạo hiện nay chủ yếu vẫn sử dụng các phương pháp truyền thống như thuyết trình, diễn giảng; khả năng ứng dụng trang thiết bị hiện đại, công nghệ thông tin vào giảng dạy chưa thực sự hiệu quả dẫn đến tính kết nối, khả năng tương tác hạn chế. Trên thực tế, phương pháp giảng dạy truyền thống đã bộc lộ những điểm chưa thực sự phù hợp, hiệu quả giảng dạy đem lại là không cao, chưa thực sự góp phần tạo nên những phẩm chất cần có đáp ứng yêu cầu hội nhập, cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, việc ứng dụng phương pháp giảng dạy hiện đại đòi hỏi phải đầu tư công nghệ, cơ sở hạ tầng, thời gian xây dựng bài giảng… trong điều kiện cơ sở vật chất còn có những hạn chế nhất định. Do vậy, việc đổi mới phương pháp giảng dạy vẫn chưa toàn diện. Bên cạnh đó, hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ cho việc giảng dạy và học tập chuyên ngành chậm đổi mới, chưa cập nhật đầy đủ các quy chuẩn kế toán, kiểm toán quốc tế. Thực tế cho thấy, hệ thống giáo trình, tài liệu chủ yếu tập trung vào kỹ thuật nghiệp vụ dựa trên chuẩn mực, chế độ kế toán Việt Nam. Các tài liệu còn ít các tình huống thực tiễn, chưa thực sự bám sát các tình huống sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hạn chế khả năng tư duy, suy luận logic, óc sáng tạo của sinh viên... Hệ thống học liệu điện tử còn ít và tương đối sơ sài, chậm cập nhật. Bên cạnh đó, mặc dù được các doanh nghiệp đánh giá tốt khả năng phán đoán và thích ứng linh hoạt với công việc, tuy nhiên, phần lớn sinh viên mới ra trường được doanh nghiệp đánh giá “ít sáng tạo”, “chưa có kỹ năng nghiên cứu độc lập” và chưa thực sự hài lòng với “thái độ của sinh viên đối với công việc”. 3. Một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán 3.1. Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước Tiến hành tổng kiểm tra, rà soát toàn diện các cơ sở đào tạo ngành kế toán, kiểm toán, đảm bảo tính khách quan, khoa học, phát triển, lấy chất lượng đầu ra và thông tin phản hồi từ 283
  8. các đơn vị sử dụng lao động làm tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo. Triển khai xây dựng và áp dụng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo, kiểm soát nghiêm nghặt chuẩn đầu ra. Trên cơ sở đó, tập trung hỗ trợ phát triển các cơ sở đào tạo đảm bảo chất lượng, xây dựng thương hiệu đào tạo; cương quyết xóa bỏ các cơ sở đào tạo không đảm bảo chất lượng, không đáp ứng các tiêu chí đề ra. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo. Ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát lĩnh vực giáo dục đào tạo; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, số hóa hệ thống giáo trình, tài liệu, nâng cao hiệu quả thư viện điện tử, đẩy mạnh hình thức đào tạo trực tuyến; có cơ chế khuyến khích các cơ sở đào tạo ngành kế toán, kiểm toán thiết lập các mô hình giả lập, đa phương tiện gắn với các tình huống thực tế giúp sinh viên tiếp cận với công tác kế toán tại doanh nghiệp ngay trong quá trình đào tạo. Nâng cao hiệu quả công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán của xã hội. Trên cơ sở đó, định hướng công tác đào tạo kế toán, kiểm toán đảm bảo sát, đúng, trúng nhu cầu xã hội và doanh nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương trong quá trình đào tạo. Đa dạng hóa các hình thức hợp tác như: Hợp tác nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý, từng bước đi vào chiều sâu trong hợp tác. Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và pháp luật, tạo môi trường pháp lý, điều kiện thuận lợi nhằm thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán nước ngoài tới làm việc tại Việt Nam. 3.2. Về phía các cơ sở đào tạo kế toán, kiểm toán Tích cực đổi mới chương trình đào tạo đảm bảo tính hệ thống, chuyên sâu, thiết thực, hiện đại và hội nhập. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong đào tạo, đảm bảo sinh viên được thực hành nhiều hơn nhằm tăng kinh nghiệm thực tế cho người học trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0. Thường xuyên nghiên cứu, cập nhật, điều chỉnh chương trình đào tạo bám sát sự vận động của thực tiễn. Theo đó, các yếu tố như: Thời lượng đào tạo, cấu trúc môn học, khối lượng khối kiến thức, chuẩn đầu ra phải thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung. Thực hiện phương châm “gắn quá trình học lý thuyết tại trường với thực hành tại doanh nghiệp” ngay trong quá trình đào tạo, cân đối nội dung trong mỗi học phần nhằm tạo điều kiện cho các sinh viên trải nghiệm thực tế ngay sau khi kết thúc học tập lý thuyết. Bám sát các chuẩn mực kế toán, kiểm toán Việt Nam và bộ quy tắc, chuẩn mực quốc tế để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp. Đẩy mạnh đào tạo trực tuyến, xây dựng hệ cơ sở dữ liệu mở, nâng cao hiệu quả của thư viện điện tử, từng bước ứng dụng và tăng cường các chương trình đào tạo e-learning, mobile-learning, các hình thức giảng dạy và học tập sử 284
  9. dụng trang thiết bị hiện đại… tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên tiếp cận các nội dung, tăng tính tương tác giữa người học và người dạy. Có cơ chế khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt là những nghiên cứu có tính ứng dụng cao như: Công nghệ, phương tiện dạy học hiện đại; ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý đào tạo; gắn nghiên cứu với các hoạt động chuyển giao ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán. Bố trí thời gian kiến tập, thực tập theo hướng tăng cường thời gian trải nghiệm thực tế gắn với các hoạt động chuyên môn cụ thể. Chú trọng thời lượng đào tạo các kỹ năng thực hành gắn với chức trách nhiệm vụ được giao, tăng cường hoạt động giúp hình thành kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ, tin học cho sinh viên. Lấy người học làm trung tâm trong quá trình đổi mới phương pháp đào tạo, nâng cao khả năng ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 trong tất cả các khâu của hoạt động giảng dạy từ chuẩn bị bài giảng, lựa chọn thông tin, thiết kế bài giảng, thực hành giảng dạy đến các hình thức học tập sau bài giảng, kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập. Đa dạng hóa hình thức truyền tải thông tin (qua hình ảnh, video, bài học online, case study, bài tập nhóm…). Xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp yêu cầu thực tế, đáp ứng nhu cầu của các đơn vị sử dụng lao động. Tổ chức hiệu quả việc gắn kết quá trình đào tạo tại nhà trường với hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp. Thí điểm, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên và sinh viên thực hiện các dự án do doanh nghiệp đặt hàng. Xây dựng các mô hình thực hành, mô phỏng, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận tình huống thực tế, tăng kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống. Tăng cường các hoạt động giao lưu, hội nghị, hội thảo có sự tham gia của giảng viên, sinh viên và doanh nghiệp nhằm gắn lý luận với thực hành. 3.3. Về phía người học Người học là yếu tố trung tâm của quá trình đào tạo. Mục đích, động cơ học tập đúng đắn sẽ quyết định tinh thần, thái độ và kết quả học tập của người học. Bởi vậy, bên cạnh sự định hướng của nhà trường, gia đình và xã hội, bản thân người học phải tự xây dựng cho mình mục đích, động cơ học tập đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Quá trình học tập, người học phải không ngừng nỗ lực biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, hình thành kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, chủ động nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng thành thạo trang thiết bị, công nghệ hiện đại; tự rèn luyện hoàn thiện các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, lập kế hoạch, kỹ năng làm việc độc lập kết hợp làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết các tình huống phức tạp, tư duy phán đoán, óc phản biện. Chủ động nghiên cứu và ứng dụng các phần mềm kế toán hiện đại nhằm giải quyết các vấn đề mới, vấn đề khó nảy sinh trong thực tiễn, hình thành kỹ năng sử dụng thành thạo máy móc, trang thiết bị hiện đại. Không ngừng nâng cao trình độ ngoại ngữ đủ khả năng tiếp 285
  10. cận với những quy chuẩn kế toán, kiểm toán quốc tế. Thấm nhuần nguyên tắc “Học đi đôi với hành”, “học để làm việc, làm cán bộ”. 3.4. Về phía các đơn vị sử dụng lao động, các tổ chức nghề nghiệp xã hội Trên cơ sở thực tiễn hoạt động, các đơn vị sử dụng lao động kế toán, kiểm toán đặt ra các yêu cầu cụ thể, chặt chẽ trong tuyển dụng, tạo ra những “đơn đặt hàng” đối với các cơ sở đào tạo, cung cấp cơ sở thực tiễn để các cơ sở đào tạo hoàn thiện nội dung chương trình, đặc biệt là những điểm mới của công tác kế toán, kiểm toán trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập kinh tế quốc tế. Thông qua đó, giúp sinh viên có đầy đủ thông tin và hoàn thiện bộ kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc. Phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức các kỳ tuyển dụng, cung cấp thông tin tuyển dụng đầy đủ, chính xác, minh bạch. Thường xuyên tổ chức các hoạt động bồi dưỡng kiến thức ngay tại doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng hướng dẫn thực tập, mạnh dạn giao trách nhiệm, phân công công việc chuyên môn cụ thể cho sinh viên đến thực tập, kịp thời bổ sung kiến thức thực tiễn, đánh giá nghiêm túc kết quả hoàn thành nhiệm vụ của sinh viên. Các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán giữ vững mối liên hệ với các cơ sở đào tạo, nâng cao tinh thần trách nhiệm khi tham gia vào quá trình đào tạo. Thường xuyên có ý kiến phản hồi đối với các cơ sở đào tạo về định hướng đào tạo, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động thực tế tại doanh nghiệp. Phản hồi kịp thời những vấn đề phát sinh, những điểm còn khuyết thiếu của quá trình đào tạo. KẾT LUẬN Hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt công tác đào tạo kế toán, kiểm toán trước những cơ hội và thách thức lớn. Trong bối cảnh đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán đã đạt những thành tựu nhất định, đáp ứng cơ bản những đòi hỏi của thực tiễn. Tuy nhiên, quá trình đào tạo vẫn không tránh khỏi những hạn chế nhất định, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả đào tạo, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặt khác, hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi ngày càng cao đối với nhân lực ngành kế toán, kiểm toán. Có thể ví von một cách hình tượng rằng: Hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 như một trường thi, chúng ta không sợ thi mà cần chuẩn bị tích cực cho các kỳ thi. Bởi vậy, các cơ sở đào tạo cần nắm bắt tốt những cơ hội, chủ động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. TÀI LIỆU THAM KHẢO A. Tài liệu tham khảo trong nước 286
  11. 1. Đại học Công nghiệp Hà Nội (2018), Báo cáo Hội nghị sơ kết triển khai đề án CDI giai đoạn 2016-2018, H.2018. 2. Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (2018), Kỷ yếu hội thảo nền kinh tế số trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Nxb Thông tin và truyền thông, TPHCM. 2018. 3. Đặng Văn Thanh (2021). Xu thế chuyển đổi số trong kế toán, kiểm toán và đào tạo cử nhân kế toán, tham luận Hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi số giảng dạy Kế toán trong bối cảnh đào tạo từ xa”, do Học viện Tài chính, phối hợp cùng MISA, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, ngày 25/8/2021. 4. Nguyễn Thúy Hằng (2020). Xu hướng thay đổi trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán dưới tác động của công nghệ, Tạp chí Tài chính, kỳ 2, tháng 12/2020. 5. Phan Nguyễn Hoàng Chánh, Lê Đức Thắng (2019). Phát triển ngành kế toán, kiểm toán Việt Nam thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Tài chính, kỳ 2, tháng 8/2019. 6. Quốc hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (2018) số 34/2018/QH14. 7. Trần Thị Ngọc Anh (2019). Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực kế toán, Tạp chí Tài chính, kỳ 2, tháng 9/2019. B. Tài liệu tham khảo nước ngoài 1.Astuti, B., Lestari, R., & Bhakti, C. P. (2019), Student Decision-Making Ability as A Preparation for Facing The Industrial Revolution 4.0. International Journal of Scientific & Technology Research, 8(10). 2.Brudermann, T., Aschemann, R., Füllsack, M., & Posch, A. (2019), Education for sustainable development 4.0: Lessons learned from the University of Graz, Austria. Sustainability, 11(8), 2347. 3.Hoai.T.T, Ba.N.T (2020), Studying the Competencies of University Graduates Responding to Industrial Revolution 4.0. VNU Journal of Science: Education Research, 36(1). 4.McMurray, S., Dutton, M., McQuaid, R., & Richard, A. (2016), Employer demands from business graduates. Education + Training 58 No. 1, 2016 pp. 112-132 5.Osmani, M., Weerakkody, V., Hindi, N., & Eldabi, T. (2019), Graduates employability skills: A review of literature against market demand. Journal of Education for Business, 94(7), 423-432. 6.Wye, C.-K., & Lim, Y.-M. (2009), Perception Differential between Employers and Undergraduates on the Importance of Employability Skills. International education studies, 2(1), 95-105. 287
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2