intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đề cương ôn thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 năm học 2019-2020 – Trường THCS&THPT Đinh Tiên Hoàng

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

34
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

"Đề cương ôn thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 năm học 2019-2020 – Trường THCS&THPT Đinh Tiên Hoàng" giúp bạn ôn tập, hệ thống lại các kiến thức đã học, đồng thời giúp bạn rèn luyện kỹ năng giải bài tập hiệu quả để tự tin hơn khi bước vào kì thi chính thức. Mời các bạn cùng tham khảo đề cương!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đề cương ôn thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 năm học 2019-2020 – Trường THCS&THPT Đinh Tiên Hoàng

  1. Trường THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng ĐỀ CƯƠNG ÔN THI HỌC KÌ I Năm học 2020-2021 Môn Ngữ văn A/ Phần Đọc – hiểu: 1. Các phương thức biểu đạt: Tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính công vụ. 2. Các phong cách ngôn ngữ. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, phong cách ngôn ngữ chính luận, phong cách ngôn ngữ báo chí, phong cách ngôn ngữ khoa học. 3. Các thao tác lập luận: Giải thích, chứng minh, bình luận, phân tích, so sánh, bác bỏ 4. Các thể thơ: Lục bát, song thất lục bát, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, ngũ ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú, thơ hiện đại năm tiếng, bảy tiếng, tám tiếng, thơ tự do… 5. Các biện pháp tu từ: Ẩn dụ, hoán dụ, nhân hoá, so sánh, điệp từ ngữ, điệp âm, điệp vần, điệp cấu trúc, câu hỏi tu từ, liệt kê, đối… B/ Phần Làm văn: 1/ Nghị luận xã hội: Luyện viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về một đề tài có trong phần đọc hiểu (nghị luận về một tư tưởng đạo lí hoặc nghị luận về một hiện tượng đời sống) 2/ Nghị luận văn học: - “Sóng” - (Xuân Quỳnh) – Trọng tâm khổ 1,2 và 5,6,7 - “Người lái đò Sông Đà” - (Nguyễn Tuân). Trọng tâm nhân vật ông lái đò C/ Cấu trúc đề: Như đề thi THPTQG nhưng đơn giản hơn phù hợp với thời gian KT là 90 phút. GỢI Ý PHẦN VĂN HỌC: ĐỀ 1: Cảm nhận đoạn thơ sau: Con sóng dưới lòng sâu Con sóng trên mặt nước Ôi con sóng nhớ bờ Ngày đêm không ngủ được Lòng em nhớ đến anh Cả trong mơ còn thức Dẫu xuôi về phương bắc
  2. Dẫu ngược về phương nam Nơi nào em cũng nghĩ Hướng về anh – một phương (Trích “Sóng” – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập một , tr 155, 156) DÀN Ý: */ Mở bài: Xuân Quỳnh là một trong số ít những cây bút nữ có sức sáng tạo dồi dào của thơ ca thời kì kháng chiến chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh trẻ trung, chân thành và sâu lắng, thiết tha. “Sóng” là một trong những bài thơ tình hay nhất của Xuân Quỳnh. Bài thơ toát lên tình yêu nồng nàn của tuổi trẻ với khát vọng vĩnh cửu muôn đời, được viết trong dịp nhà thơ đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình) năm 1967. Tiêu biểu như đoạn thơ sau: “Con sóng dưới lòng sâu … Hướng về anh một phương” */ Thân bài: 1/ Cảm nhận đoạn thơ: a. Cảm nhận chung: Âm hưởng bài thơ dạt dào, nhịp nhàng gợi ra nhịp các con sóng liên tiếp nối nhau, lúc trào lên sôi nổi, lúc êm dịu lắng sâu. Chính thể thơ năm chữ, dòng thơ thường không ngắt nhịp và sự trở đi trở lại của hình tượng sóng đã tạo ra nhịp điệu và âm hưởng của bài thơ. Tác giả mô tả nhịp điệu bên ngoài nhằm diễn tả nhịp điệu bên trong tâm hồn - những đợt sóng tình yêu dào dạt, sôi nổi, da diết, khát khao của người con gái. Xuân Quỳnh mượn sóng để nói khát vọng tình yêu. Đó là một hình tượng đẹp rất phù hợp. Về kết cấu bài thơ, ngoài hình tượng “sóng” bao trùm còn có hình tượng “em”. “Sóng” là hình ảnh ẩn dụ của tâm trạng người con gái đang yêu, là sự hóa thân của “em”. Hai hình tượng này tuy là một nhưng lại phân đôi ra để soi chiếu vào nhau và cùng cộng hưởng. Nghĩa là tâm trạng người con gái đang yêu soi vào “sóng” để thấy mình rõ hơn, nhờ “sóng” để biểu hiện những trạng thái cảm xúc, những khát khao mãnh liệt của mình. b. Cảm nhận cụ thể: - Ở khổ đầu, nỗi nhớ trong tình yêu được thể hiện qua nhiều cung bậc. Nỗi nhớ chiếm cả tầng sâu lẫn bề rộng “dưới lòng sâu”, “trên mặt nước”. Nỗi nhớ bao trùm cả
  3. không gian “xuôi về phương bắc”, “ngược về phương nam”, “Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh một phương”. Nỗi nhớ khắc khoải trong mọi thời gian “Ngày đêm không ngủ được/ Cả trong mơ còn thức”. Tình yêu bao giờ cũng được thử thách trong không gian, thời gian. Nỗi nhớ thương, trăn trở, khát khao được gặp gỡ là phẩm chất đặc biệt của tình yêu. Cái hay của đoạn thơ là liên hệ với “sóng”, nhân hoá “sóng”. Con sóng nào cũng thao thức vỗ mãi suốt đêm ngày vì nhớ bờ không nguôi, không ngủ. Nỗi nhớ của em còn hơn thế. Nỗi nhớ thường trực, da diết, mãnh liệt trong ý thức, cả trong tiềm thức. Cách diễn đạt về nỗi nhớ của “em” thật độc đáo. “Em” hoá thân vào “sóng” để bày tỏ cảm xúc, nhờ “sóng” nói hộ tình yêu nhưng chưa đủ, “em” còn muốn tự bộc lộ nỗi nhớ thương tới anh, thật da diết, cồn cào. Đó cũng là lí do vì sao so với các khổ thơ khác trong bài, khổ thơ thứ năm này dài nhất. Lời thú nhận tự nhiên, chân thật, dịu dàng, tha thiết của “em” làm bật lên vẻ đẹp của một tình yêu vừa truyền thống vừa hiện đại. - Sang khổ sau, nhà thơ nói về lòng chung thuỷ của tình yêu chân chính. Không chỉ nhớ anh, em còn nghĩ về anh, hướng về anh. Dùng hình thức điệp từ ngữ, điệp cấu trúc câu kết hợp với nghệ thuật đối lập qua cách nói ngược “xuôi bắc, ngược nam”, tác giả nhấn mạnh rằng bất chấp không gian và thời gian, người phụ nữ luôn giữ vững lời thề vàng đá, luôn thuỷ chung son sắt. Xuân Quỳnh còn tạo nên một phương mới, duy nhất – phương anh, hợp quy luật tâm lí của những người đang yêu, đang xa, đang nhớ khắc khoải. Xuôi hay ngược, nam hay bắc đâu có gì quan trọng. Với “em” lúc đó chỉ có một phương duy nhất là phương anh mà thôi. Mượn hình ảnh con sóng ngoài khơi xô vào bờ, tác giả thể hiện niềm tin vững chắc vào tình yêu. Dù cuộc đời còn nhiều thử thách, khó khăn nhưng tình yêu đích thực sẽ đến được bến bờ hạnh phúc. Có thể nói, khát khao yêu thương của nhân vật trữ tình thật thiết tha mãnh liệt, chân thành, sôi nổi. Khát khao được yêu hết mình, sống hết mình cho tình yêu. Đó là khát khao chính đáng và đáng trân trọng. 2/ Đánh giá khái quát: Đọc đoạn thơ, ta cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu thật hồn hậu, chân thành, thủy chung đến tuyệt đối, tha thiết, nồng nàn, đắm say, mãnh liệt. Đây là đoạn thơ đẹp nhất, hay nhất trong bài thơ và tiêu biểu cho hồn thơ và phong cách thơ Xuân Quỳnh. */ Kết bài:
  4. “Sóng” của Xuân Quỳnh xứng đáng là một trong những bài thơ tình hay nhất của thơ ca Việt Nam hiện đại. ĐỀ 2: Cảm nhận đoạn thơ sau: Dữ dội và dịu êm Ồn ào và lặng lẽ Sông không hiểu nổi mình Sóng tìm ra tận bể Ôi con sóng ngày xưa Và ngày sau vẫn thế Nỗi khát vọng tình yêu Bồi hồi trong ngực trẻ (Trích “Sóng” – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập một , tr 155) DÀN Ý: */ Mở bài: Xuân Quỳnh là một trong số ít những cây bút nữ có sức sáng tạo dồi dào của thơ ca thời kì kháng chiến chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh trẻ trung, chân thành và sâu lắng, thiết tha. “Sóng” là một trong những bài thơ tình hay nhất của Xuân Quỳnh. Bài thơ toát lên tình yêu nồng nàn của tuổi trẻ với khát vọng vĩnh cửu muôn đời, được viết trong dịp nhà thơ đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình) năm 1967. Tiêu biểu như đoạn thơ sau: “Dữ dội và dịu êm … Bồi hồi trong ngực trẻ” */ Thân bài: 1/ Cảm nhận đoạn thơ: a. Cảm nhận chung: Âm hưởng bài thơ dạt dào, nhịp nhàng gợi ra nhịp các con sóng liên tiếp nối nhau, lúc trào lên sôi nổi, lúc êm dịu lắng sâu. Chính thể thơ năm chữ, dòng thơ thường không ngắt nhịp và sự trở đi trở lại của hình tượng sóng đã tạo ra nhịp điệu và âm hưởng của bài thơ. Tác giả mô tả nhịp điệu bên ngoài nhằm diễn tả nhịp điệu bên trong tâm hồn - những đợt sóng tình yêu dào dạt, sôi nổi, da diết, khát khao của người con gái. Xuân Quỳnh mượn sóng để nói khát vọng tình yêu. Đó là một hình tượng
  5. đẹp rất phù hợp. Về kết cấu bài thơ, ngoài hình tượng “sóng” bao trùm còn có hình tượng “em”. “Sóng” là hình ảnh ẩn dụ của tâm trạng người con gái đang yêu, là sự hóa thân của “em”. Hai hình tượng này tuy là một nhưng lại phân đôi ra để soi chiếu vào nhau và cùng cộng hưởng. Nghĩa là tâm trạng người con gái đang yêu soi vào “sóng” để thấy mình rõ hơn, nhờ “sóng” để biểu hiện những trạng thái cảm xúc, những khát khao mãnh liệt của mình. b. Cảm nhận cụ thể (Đoạn thơ có 2 khổ) b1/ Khổ thơ đầu là suy tư của nhà thơ về sóng và cảm xúc tình yêu : “Dữ dội và dịu êm Ồn ào và lặng lẽ Sông không hiểu nổi mình Sóng tìm ra tận bể” - Những tính từ “dữ dội”, “dịu êm”, “ồn ào”, “lặng lẽ” nghĩa đen nói về các đặc điểm trái ngược và thống nhất của sóng trong tự nhiên theo không gian, theo thời gian, lúc thế này, lúc thế khác, bề mặt dữ dội, bề sâu êm dịu và ngược lại. Còn nghĩa bóng nói về những mâu thuẫn khó hiểu, tâm trạng thất thường của người con gái khi yêu. Đó là quy luật của sóng nước, cũng là quy luật tâm lí của thiếu nữ. - Mặt khác trong cảm nhận của nhà thơ, muốn hiểu được bản chất tình yêu của người thiếu nữ hay phụ nữ, người thanh niên, nam giới nói chung cần biết vượt qua hoặc bỏ qua cái nông nổi, ồn ào bề mặt hình thức để khám phá, chiếm lĩnh cái bản chất dịu êm, cái khiêm nhường lặng lẽ ẩn giấu bên trong. - Cách mở đầu bài thơ bằng nhận xét, mô tả trực tiếp những đặc tính của thiên nhiên làm rõ những phẩm chất và quy luật tâm lí của con người khiến người đọc ngỡ ngàng, ngạc nhiên đến thú vị: “dữ dội - dịu êm,ồn ào - lặng lẽ” - Qua hai từ “sông” và “sóng”, nhà thơ muốn nói sóng sông khác sóng biển. Sóng từ ngàn năm vốn từ sông ra biển rộng, từ giới hạn chật hẹp tới không gian rộng lớn để thấy mình rõ hơn. Tương tự như thế, con người cũng có khát vọng hiểu được bề sâu rộng của tình yêu, khát vọng tìm thấy chính mình trong tình yêu. Đó là khát vọng muôn thuở của tuổi trẻ, đó là khát vọng muôn đời của trái tim đang yêu. Nó trở thành điều rất thường tình của người phụ nữ. Nghệ thuật nhân hóa “sông” và “sóng” làm cho hình ảnh thơ sống động hơn b2/ Khổ thơ thứ 2 là suy tư của tác giả về khát vọng tình yêu của con người: “Ôi con sóng ngày xưa
  6. Và ngày sau vẫn thế Nỗi khát vọng tình yêu Bồi hồi trong ngực trẻ” - Nghệ thuật ẩn dụ “con sóng ngày xưa, ngày sau” thể hiện tình yêu từ bao đời nay và mãi mãi về sau đều là khát vọng mãnh liệt của con người. “Vẫn thế” có nghĩa là không có gì thay đổi. Từ cảm thán “ôi” bộc lộ trực tiếp cảm xúc chân thành của nhà thơ khi nghĩ về tình yêu. - Cái hay của khổ thơ này là tác giả đưa ra nhận xét khái quát nhưng đậm chất trực cảm, cảm xúc chân thành, hồn nhiên và hết sức đúng đắn. “Sóng” là quy luật vận động của tình yêu, của muôn đời, vĩnh hằng. Khát vọng tình yêu mãi mãi rung động xao xuyến, bồi hồi trái tim tuổi trẻ. Nhận xét của nhà thơ thẳng thắn, mạnh bạo, giản dị và chân thành. 2/ Đánh giá chung: Đoạn thơ đặc sắc với thể thơ năm chữ dồn đuổi, nhịp thơ mô phỏng theo nhịp sóng làm cho lời thơ dạt dào cảm xúc. Nhiều biện pháp tu từ đặc sắc được phối hợp vừa bày tỏ được những suy tư của nhà thơ về đặc điểm của sóng và cảm xúc tình yêu vừa bộc lộ được cái tôi có ý thức chủ động, đầy khát khao nhưng cũng rất nữ tính. */ Kết bài: “Sóng” được xem là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Quỳnh và là một trong những bài thơ tình hay nhất của thơ ca Việt Nam hiện đại. ĐỀ 3: Phân tích hình ảnh ông lái đò trong trận thủy chiến trên sông Đà trong tùy bút “Người lái đò Sông Đà” của Nguyễn Tuân (Đoạn trích sách giáo khoa Ngữ văn 12, tập một) */Mở bài: GIới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật: Nguyễn Tuân là nhà văn độc đáo, tài hoa và uyên bác. Mọi sự vật, hiện tượng được ông quan sát chủ yếu ở phương diện văn hóa, mĩ thuật, nhân vật trong tác phẩm dù thuộc loại người nào cũng là những nghệ sĩ trong nghề nghiệp của mình. Ông lái đò trong tùy bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân cũng là một nhân vật như thế. */ Thân bài: 1. Phân tích: a) Ông lái đò là một dũng tướng trên mặt trận sông nước:
  7. */ Hoàn cảnh chiến đấu: Ông lái đò chiến đấu nơi ải nước hiểm trở có một chân trời đá hung dữ. Chúng mai phục trong lòng sông và bày thạch trận trên sông.Phối hợp với đá, sóng nước vừa hò reo làm thanh viện vừa trực tiếp đánh bằng những đòn hiểm độc. */ Diễn biến của trận đánh: - Ở vòng một của trùng vi thạch trận: + Sóng thác phóng thẳng vào thuyền, ùa vào mà bẻ gãy cán chèo trên tay ông lái đò. Chúng như thể quân liều mạng tiếp tục vào sát nách mà đá trái mà thúc gối vào bụng, vào hông thuyền, chúng đội cả thuyền lên, lật ngửa ông lái đò ra và đánh ông bằng miếng đòn hiểm độc nhất. + Ông lái đò hai tay giữ chặt mái chèo để khỏi hất lên khỏi sóng trận địa. Tuy bị đánh đau đến nỗi mặt méo bệch. Mắt nổ đom đóm, nhưng ông vẫn cố nén vết thương, hai chân kẹp chặt lấy cuống lái, và trên thuyền vẫn nghe rõ tiếng chỉ huy ngắn gọn, tỉnh táo của ông. Cách xử trí đó cho thấy ông lái đò rất bình tĩnh, chủ động, tự tin, gan góc, dũng cảm, đầy kinh nghiệm. - Ở vòng hai của trùng vi thạch trận: + Hoàn cảnh khó khăn và nguy hiểm hơn vì nhiều cửa tử hơn, cửa sing được bố trí lệch qua bờ hữu ngạn. Sóng nước hồng hộc tế mạnh trên sông đá như hùm như beo. + Ông lái đò nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy. Cách xử trí đó cho thấy ông lái đò táo bạo, nhanh nhẹn, quyết đoán, mạnh mẽ, tay nghề vững vàng, đầy bản lĩnh. - Ở vòng ba của trùng vi thạch trận: + Sông Đà ít cửa hơn nhưng bên phải, bên trái đều là luồng chết, mà luồng sống lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ dưới chân con thác. + Ông lái đò phóng thẳng thuyền vào cửa giữa đó, thuyền vút qua cánh cổng đá cánh mở cánh khép, vượt qua một cách dễ dàng. Hành động này cho thấy, ông lái đò rất hiểu binh pháp của thần sông thần đá, quyết đoán thông minh và táo bạo. b) Ông lái đò là một nghệ sĩ tài ba: - Ông lái đò có tay lái hái ra hoa, vượt ghềnh thác rất ngoạn mục, rất lão luyện, điệu nghệ: “Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên được vừa tự động lái được, lượn được, thế là hết thác”. - Thích đối đầu với gian khổ, hiểm nguy, nhưng vừa qua khỏi những trùng vi thạch trận của Sông Đà thì tất cả sóng thác lại xèo xèo tan nhanh trong trí nhớ, ông lái đò
  8. không một lời nào bàn về cuộc chiến thắng vừa qua mà chỉ chú ý đến những việc gây ấn tượng mạnh như chuyện cá anh vũ, cá dầm xanh… túa ra đầy tràn ruộng. c) Thái độ của tác giả: Khi nói về người lái đó, nhà văn trân trọng, ca ngợi, tự hào, thường gọi là “ông lái đò Lai Châu, bạn tôi”. Qua đó tác giả muốn nhắn gửi với người đọc: Người anh hùng không chỉ có trong chiến đấu mà còn có cả trong cuộc sống lao động thường ngày. d) Nghệ thuật miêu tả ông lái đò: - Ngôn ngữ phong phú, điêu luyện - Dùng con sông hung bạo, làm nền để nổi bật tính cách người lái đò. Thiên nhiên càng hùng vĩ, dữ dội con người càng kiên cường, bản lĩnh. Thiên nhiên càng thơ mộng trữ tình, con người càng tài hoa nghệ sĩ. - Sử dụng tri thức của nhiều bộ môn như lịch sử, địa lí, thể thao, quân sự, võ thuật… để việc miêu tả trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. 2. Đánh giá chung: Ông lái đò là hình ảnh con người lao động mới thạo nghề, làm chủ cuộc sống. Nhân vật là biểu tượng của con người chiến thắng và chinh phục thiên nhiên. Nhà văn rất thành công khi xây dựng được một tượng đài về người lao động với tư thế hiên ngang, vững vàng trong cuộc sống. Hình ảnh ông lái đò thể hiện sự thay đổi trong cách nhìn, trong tình cảm của Nguyễn Tuân đối với người lao động và công cuộc xây dựng đất nước. */ Kết bài: Tùy bút Người lái đò Sông Đà là khúc hùng ca ca ngợi con người, ca ngợi ý chí con người, ca ngợi lao động vinh quang đưa con người tới thắng lợi huy hoàng trước sức mạnh tựa như thánh thần của dòng sông hung dữ. Tác phẩm là một áng văn đẹp được làm nên từ tình yêu đất nước thiết tha của một nhà văn uyên bác và tài hoa tuyệt vời. -----------------------------------------
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
4=>1