ĐỀ KHẢO SÁT ĐẦU NĂM NĂM HỌC 2018-2019 Môn thi: NGỮ VĂN 9 Thời gian làm bài: 90 phút, không kể giao đề (Đề thi gồm: 01 trang) Câu 1 (2 điểm): Em hãy đọc kỹ đoạn trích sau rồi trả lời các câu hỏi: "Từng nghe: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, Quân điếu phạt trước lo trừ bạo. Như nước Đại Việt ta từ trước, Vốn xưng nền văn hiến đã lâu, Núi sông bờ cõi đã chia, Phong tục Bắc Nam cũng khác. Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập, Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên xưng đế một phương, Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, Song hào kiệt đời nào cũng có." (Trích Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi) Sách Ngữ văn 8, tập hai - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam 1) Văn bản Bình Ngô đại cáo được viết trong hoàn cảnh nào? 2) Giải nghĩa từ: nhân nghĩa. 3) Qua hai câu “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân - Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”, có thể hiểu cốt lõi tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là gì? 4) Để khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc, tác giả đã đưa ra những yếu tố nào? Câu 2 (2 điểm): Em hãy kể tên các phương châm hội thoại đã học. Biện pháp tu từ nào liên quan đến phương châm lịch sự? Xác định phương châm hội thoại có trong những ví dụ sau: a. Ăn không nói có. b. Lúng búng như ngậm hột thị. c. Ông nói gà, bag nói vịt. d. Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe. Câu 3: 6 điểm Từ bài "Bàn luận về phép học" của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về mối quan hệ giữa học và hành. PHÒNG GD-ĐT TP HẢI DƯƠNG TRƯỜNG THCS NGỌC CHÂU Đáp án đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 9 môn Văn Câu 1 1- Văn bản Bình Ngô đại cáo do Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Thái Tổ (Lê Lợi) soạn thảo, được công bố ngày 17 tháng Chạp năm Đinh Mùi (đầu năm 1428), sau khi quân ta đại thắng trong cuộc khánh chiến chống giặc Minh xâm lược. 2- Giải nghĩa từ nhân nghĩa: là khái niệm đạo đức của Nho giáo, nói về đạo lí, cách ứng xử và tình thương giữa con người với nhau. 3- Qua hai câu “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân - Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”, có thể hiểu cốt lõi tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là: lấy lợi ích của nhân dân, của dân tộc làm gốc; trừ giặc Minh xâm lược, bảo vệ đất nước để yên dân. 4- Để khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc, tác giả đã đưa ra những yếu tố: Nước ta có nền văn hiến lâu đời, có lãnh thổ riêng, phong tục tập quán, lịch sử và chủ quyền riêng, có truyền thống lịch sử vẻ vang. Câu 2 HS kể đúng 5 phương châm hội thoại đã học Biện pháp nói giảm, nói tránh Xác định: a) Phương châm về chất b) Phương châm cách thức c) Phương châm quan hệ d) Phương châm lịch sự Câu 3 a. Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận chứng minh văn học có bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, lời văn trong sáng, có cảm xúc và giọng điệu riêng. Trình bày đúng chính tả, ngữ pháp. b. Yêu cầu về kiến thức: * Vận dụng kĩ năng lập luận vào bài viết để làm nổi bật vấn đề: Học luôn đi với hành, lý thuyết luôn đi với thực hành thực tế, phê phán lối học chỉ cốt lấy danh... - Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đạt một số ý cơ bản sau: * Bài viết đủ bố cục 3 phần, mở bài + kết bài đạt: * Phần thân bài trình bày được các luận điểm: Thân bài (4 điểm): Ý1 (1 đ): giải thích học – hành là gì: Học là tiếp thu kiến thức đã được tích luỹ trong sách vở, học là nắm vững lý luận đã được đúc kết là những kinh nghiệm … nói chung là trau dồi kiến thức,mở mang trí tuệ. (0,5đ) Hành là: Làm là thực hành, ứng dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn đời sống. Học và hành có mối quan hệ đó là hai công việc của một quá trình thống nhất để có kiến thức, trí tuệ và đạt kết quả cao cho con người (0,5đ) Ý2 (1,5đ): Tại sao học đi đôi với hành: Tức là học với hành phải đi đôi không tách rời, hành chính là phương pháp, vận dụng thực tiễn. Nếu chỉ có học kiến thức, có lý thuyết mà không áp dụng thực tế thì học chẳng để làm gì cả vì tốn công sức thì giờ... (0,75đ) Nếu hành mà không có lý luận chỉ đạo, lý thuyết soi sáng dẫn đến mò mẫm sẽ lúng túng trở ngại,thậm chí có khi sai lầm nữa, việc hành như thế rõ ràng là không trôi chảy….(Có dẫn chứng). (0,75đ) Ý 3 (1,5đ): Học sinh cần học đi đôi với hành như thế nào: Động cơ thái độ học tập như thế nào: Học ở trường, học ở sách vở, học ở bạn bè, học trong cuộc sống (0,5đ); Luyện tập, vận dụng vào thực tiễn như thế nào: Chuyên cần, chăm chỉ…. (0,25đ) Tư tưởng sai lầm học cốt thi đỗ lấy bằng cấp là đủ mỹ mãn, lối học hình thức. (0,5đ) Cần học suốt đời, khoa học càng tiến bộ thì học không bao giờ dừng lại tại chỗ. (0,25đ) Chú ý: Học sinh có thể làm cách khác, giáo viên cần linh hoạt trong khi chấm bài.