Gió bấc thổi qua ngàn dâu
lượt xem 3
download
Bà Tâm trằn trọc mãi vẫn không ngủ được. Nằm mãi cũng mỏi lưng, cái lưng bà độ này thường đau tê tê bên mạn phải khiến bà cứ phải giở mình liên tục. Người già thường hay thế, đã khó ngủ lại thêm chứng tê sườn, càng trằn trọc lại càng bứt dứt. Bà Tâm quyết định nhổm dậy, bà lại khẽ giở mình nghiêng người lần lần dưới gối tìm bao diêm. Trước lúc đi nằm rõ ràng bà đã đặt nó ở đấy sao tay bà lần sờ mãi không thấy. Mới có đầu hè trời đã...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Gió bấc thổi qua ngàn dâu
- Gió bấc thổi qua ngàn dâu TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN TRỌNG VĂN Bà Tâm trằn trọc mãi vẫn không ngủ được. Nằm mãi cũng mỏi lưng, cái lưng bà độ này thường đau tê tê bên mạn phải khiến bà cứ phải giở mình liên tục. Người già thường hay thế, đã khó ngủ lại thêm chứng tê sườn, càng trằn trọc lại càng bứt dứt. Bà Tâm quyết định nhổm dậy, bà lại khẽ giở mình nghiêng người lần lần dưới gối tìm bao diêm. Trước lúc đi nằm rõ ràng bà đã đặt nó ở đấy sao tay bà lần sờ mãi không thấy. Mới có đầu hè trời đã nóng khiếp, quá nửa đêm vẫn chưa thấy dịu. "Hay tại là mình khó ngủ? - Bà Tâm nhìn sang bên cạnh - Con Hòa ngủ ngon thế kia". Bà ngồi hẳn dậy và nhấc chiếc gối lên thì ra những lúc giở mình bao diêm bị sê dịch vào sát chân màn. Se sẽ chui ra khỏi chiếc màn, bà Tâm ngồi yên chốc lát cạnh mép giường cho tịnh tâm. Bà quay đầu lại nhìn con Hòa đang ngủ say rồi bà cẩn thận gài màn lại. Xong việc, bà nhẹ nhàng chụm tay đánh diêm. Đóm lửa nhỏ lóe lên làm bà vội rụt que diêm lại sát người để che ánh sáng. Bà đi những bước chậm như đang đếm từng viên gạch dưới nền nhà đến bên bàn thờ. Đánh tiếp mấy que diêm nữa, bà Tâm khêu vào cây đèn con. Tự dưng bà bần thần người lại. Ánh sáng nhỏ đủ soi từng tấm ảnh những người đã khuất. Đầu tiên là tấm ảnh cụ Thảo - mẹ chồng bà - Cụ nhìn bà bằng cặp mắt ướt nhoèn đầy những vết chân chim. Tiếp đó là ông Hoàng - chồng bà - ông nhìn bà nửa gần gũi, nửa xa lạ. Và hình như cặp mắt ấy như muốn hỏi bà điều gì mà chưa nói được thành lời. Nhưng lâu nhất là cái nhìn của anh Vũ - anh nhìn bà bằng cái nhìn trách móc. Đưa tay về phía tấm ảnh anh Vũ, bà Tâm rờ rờ lên đó. Bà có cảm tưởng đứa con trai dứt ruột của bà bằng xương bằng thịt đang để yên cho bà vuốt ve. "Con ơi! - Bà Tâm khẽ gọi - Con đừng trách mẹ. Con trách bao nhiêu, lòng mẹ đau bấy nhiêu". Nước mắt bà nối nhau từng giọt, từng giọt chảy thành dòng. Sợ mình khóc thành tiếng bà Tâm vội quệt nước mắt và bóp
- chặt miệng. Anh Vũ vẫn nhìn bà nhưng bây giờ ánh mắt đã có phần đỡ trách móc hơn. "Ừ con hiểu lòng mẹ là mẹ thanh thản lắm". Bà Tâm gật đầu nói với tấm ảnh và lại đưa tay rờ rờ khuôn mặt anh Vũ. Bà giật mình, hơi so người lại và đưa bàn tay vừa rờ tấm ảnh đặt vào má mình. Lòng bàn tay bà ướt đầm. Bà Tâm khuỵu xuống bấu cả hai tay vào bàn thờ. Sau vài giây bà với tay lấy mấy nén hương mồi vào ngọn đèn. Mùi hương chầm chậm tỏa thơm khắp gian thờ, vài sợi khói nhỏ từ đầu nén hương nhẹ thản bốc lên thẳng đứng . ***** Trong đám thôn nữ, Tâm không xinh trội lên nhưng được cái ưa nhìn. Nước da đầm đậm, mái tóc đen dài phủ quá hông, cặp mắt luôn cười và cái tuổi 17 đã làm nhiều anh chết mê, chết mệt. Dòng sông Đáy đoạn chảy ngang làng uốn khúc tạo nên bãi sông chắn trước đê. Mùa này sông cạn và chảy lững lờ. Bãi sông ngợp màu xanh của lá dâu non. Tâm bứt từng chiếc lá bỏ vào giành tre. Mùi lá dâu ngai ngái cộng với tiếng gió đẩy xào xạc làm cô phấn chấn. Đưa mắt ngước nhìn những chiếc lá rung rung dưới mỗi làn gió thổi, cô thở gấp. Ngừng tay hái dâu, Tâm ôm chặt lấy ngực. Cảm giác rạo rực chợt đến háo hức. Cô xấu hổ nhắm mắt lại khi nhìn xuống khuôn ngực mình nung nẩy. Vọng tới từ ngoài mặt sông tiếng cánh thợ bè đang hò hét làm cô vội nép vào mấy thân dâu. "Họ có thấy mình không nhỉ?" - Tâm tự hỏi và thấy nóng lên hai bên má. Cô ngồi thụp xuống, qua những thân dâu lưa thưa chạy thành hàng thẳng vút ra ngoài bãi, cô thấy anh Hoàng đang mải mê cày trên mảnh đất nhà cô thuê anh làm công thợ. "Chết rồi! - Cô khẽ kêu lên trong cổ - Phần cơm thợ của anh ấy mình còn để ở nhà". Tâm đứng dậy, quẩy hai giành lá dâu lại gần: - Anh Hoàng nghỉ đi. Đợi em về đưa cơm ra. - Còn sớm - Anh Hoàng thủng thẳng đáp. Nói vậy, Tâm còn nấn ná đứng nhìn anh con trai thường ngày không dám nhìn cô nhưng mỗi lần cô tình cờ ngoái lại là thấy ánh mắt ấy vội vã cúi xuống. Tâm lại gần hơn. - Để em giúp gì nhớ?... Anh Hoàng bảo em cày với.
- Đôi giành đổ kềnh, lá dâu vãi ra bay lật bật trên mấy luống cày mới. - Ấy Tâm, đứng ở đấy. Con trâu này lại gần nó "suỵt". - Nhưng em muốn biết cày - Tâm dừng lại và nói cố - Bảo em với... - Thì... - Hoàng không nói thành câu, anh dừng cày - Tâm... Tâm về lấy cơm đi... ra đây tôi bảo cho. ***** Họ ngồi bên thửa cày, mắt hướng ra sông. Hoàng ngồi đằng trước, bụng tuy đói nhưng anh không dám ăn nhanh. Phía sau lưng anh, Tâm vừa lấy que vạch vạch lên đất vừa nhìn Hoàng ăn. "Anh Hoàng chịu khó thật, hơn đứt trai làng mình" - Thực ra Tâm hơi thiên vị. Làng cô, một làng ven sông Đáy thì nghề trồng dâu nuôi tằm là nghề chính, vả lại ruộng đất ít cánh đàn ông thường lên Hà Nội kiếm việc làm. Cái cảm tình của cô với anh thợ cày thuê quê mãi bên Hưng Yên thật khó giấu nổi... Lúc cô quẩy hai giành lá dâu về tới nhà, bố cô với bộ mặt nghiêm nghị của một ông giáo làng nhìn cô ý muốn hỏi: "Sao có mấy lá dâu mà về chậm thế?". Còn mẹ cô, từ dưới bếp nói vọng ra "Cơm cho thợ mợ để trên thành bể ấy - Bà còn với theo - Phải ý tứ con ạ"... Hoàng có cảm giác nong nóng sau gáy, anh đưa tay xoa. Tâm vội vã đưa cái nhìn đi hướng khác "Hoàng chăm chỉ và hiền lành". Hai vai chắc nịch cùng tấm lưng bè khỏe bỗng thấy ngượng nghịu như không chắn nổi cái nhìn thôn nữ. Đợi Hoàng ăn xong, Tâm hỏi: - Có đủ không anh? - Đủ! - Hoàng chưa hiểu nhưng anh nhận thấy tay mình cứ khua mãi trong chiếc liễn sành - à... à không. Tâm đến bên Hoàng, cô đỡ lấy liễn cơm đã hết. Bốn mắt họ nhìn thẳng vào nhau. Hoàng ấp úng: - Nếu... Nếu... Tâm không chê tôi nghèo, tôi... tôi bảo cày cho.
- - Anh Hoàng - Giọng Tâm hơi lạc đi - Hay... anh Hoàng về quê nói người đến thưa chuyện với cậu mợ em. - Tâm không chê tôi thật chứ? - Hoàng bỗng chùng xuống nói như nói với mình - Làng tôi nghèo lắm. Mà U tôi chả biết ăn nói thế nào. - Nước mình độc lập rồi, em nghe người ta bảo Chính phủ sẽ chia ruộng cho mọi người. - Tôi cũng nghe nói thế - Giọng anh buồn buồn - Giá mà sớm hơn thì thầy tôi và hai anh tôi đỡ phải đi Nam kỳ. - Anh Hoàng ơi! - Tâm thảng thốt - Em không chê anh đâu. Từ ngoài sông gió thổi vào se se hơi nước. ***** Đến đầu thu, dòng sông Đáy đoạn chảy qua làng bỗng trở nên duềnh dàng, bãi dâu ngút ngát nằm khuất dưới màu nước đỏ. Tâm đứng đợi bên điếm canh đê, cô bồn chồn nghe dòng nước réo ngoài sông. Chuyến đò đầu cặp vào bến. Chuyến thứ hai rồi chuyến thứ ba. - Tâm. Đứng đây à? - Nghe tiếng nói phía sau lưng Tâm liền quay vội lại. Hoàng đã đứng ngay sau cô từ khi nào, anh nhoẻn nụ cười hiền hậu, trên vai Hoàng đang gánh một gánh nặng. - Tôi qua đò ở đoạn dưới - Anh quay lại - U ơi. Đi theo con đường đất chạy vòng vèo từ đê vào làng, cả ba người thật khó bắt chuyện. Bà Thảo hết nhìn con trai mình lại lén nhìn Tâm. Tiếng những bước chân nghe rõ mồn một. Ở trong nhà, mọi người đang ngồi đợi, Hoàng lúng túng chẳng biết đặt đôi quang gánh vào đâu cứ đứng tần ngần ngoài sân. Tâm phải đỡ hộ, cô nói: - Con chào cậu mợ. Cháu chào các bác. Gia đình anh Hoàng đến ạ. Sau đoạn đắn đo, bà Thảo lên tiếng: - Thưa các cụ. Nhà cháu xin mang ít nhãn đầu vụ, gọi là mời các cụ nếm thử.
- - Ấy chết, bác đừng khách khí - Ông Giáo vội đỡ lời - Đường sá xa xôi còn bày vẽ, mời bác uống đỡ chén nước. - Vâng - Bà Thảo thật thà - Đi đường xa thì có xa nhưng được thế này nhà cháu cũng thấy hết mệt - Bà thêm luôn - Ôi chao, các bác ạ ngoài đường lớn xe cam nhông chở rặt Tây là Tây chạy phát khiếp. Câu chuyện của bà Thảo được mấy người đàn ông chấp nhận, họ sôi nổi bàn tán. Bà Giáo thấy vậy nói chen vào: - Ơ hay các bác. Gia đình anh Hoàng đây đến thưa chuyện xin con Tâm. Chuyện Tây Tàu lúc khác bác hãy nói. - Vâng đúng đấy ạ - Bà Thảo được lời mạnh dạn hẳn lên - Nhà cháu hôm nay đến là để thưa chuyện xin cô Tâm về làm bạn với thằng Hoàng nhà cháu. Nhà cháu quê mùa có gì... - Ấy chúng tôi quên - Ông Giáo vội xin lỗi - Chuyện đánh nhau rục rịch lắm... Chẳng giấu gì các bác, con Tâm đây là út, nó với anh Hoàng thương nhau, chúng tôi không cản. Nghĩ lại mình là dân nước độc lập cũng phải tiến bộ chứ. Tâm đứng phía sau hồi hộp. Nhớ lại hôm thưa với cậu mợ cô. Mới đầu ông Giáo còn phân vân, ông hỏi kỹ "chúng mày thương nhau thật lòng chứ?". Còn mẹ cô đợi lúc không có anh Hoàng mới nói "Đi lấy chồng xa, làm dâu nhà người khổ lắm". Ông Giáo an ủi "Bà lạc hậu. Thì bà cũng đi làm dâu đấy thôi". Hết vụ cày anh Hoàng về quê. ***** Tuần hương cháy được một nửa. Khói hương kết thành màn đùng đục ngưng trên ban thờ. Bà Tâm trấn tĩnh lại, ngồi bó gối trên chiếc ghế dựa. Trên giường chợt con Hòa cựa mình xoay mặt vào trong. "Nó bằng tuổi mình hồi đó" - Bà so sánh. Sáng hôm qua nó về, nó bảo "Bố mẹ cháu cho cháu về chơi với bà ba ngày. Bà có thích không?". *****
- Một ngày hè năm 1978. Bà Tâm đi chợ huyện, con đường chang chang nắng, tính chuyện rẽ qua chùa Thầy ghé chơi mấy bà bạn đã mấy bận bảo tới mà chưa tới được. - Bác ơi, bác giúp cháu với - Từ gốc cây bên đường giọng gọi với ra làm bà Tâm chú ý. Một cô gái ngồi bệt dưới đất, hai chân cô xoài ra như đang cố gắng giữ cho người khỏi ngã vật. Cô gái lưng tựa vào thân cây, một tay chống xuống đất một tay ôm bụng nhăn nhó. Cạnh đó, chiếc xe đạp nữ đổ bên đường. - Rõ khổ - Bà Tâm hớt hải - chửa đẻ thế này còn đi đâu cho nắng. - Cháu... cháu đau quá. Bị đặt vào tình thế bất ngờ, bà Tâm đảo mắt nhìn trước sau con đường. Trời nắng quá chẳng thấy ai để gọi. Bà đặt chiếc rổ đựng mấy mớ rau cùng lạng thịt xuống: - Đẻ tới nơi rồi. Khổ quá sao không ở nhà mà đi thế này... - "Mẹ ơi, con đau quá mẹ ơi!" - Cô gái nhăn nhó kêu không để ý đến lời bà Tâm vừa nói. - Thôi thì thế này. Cháu cố bám vào xe để bác dắt đi. Chịu khó con nhé - Bà Tâm đổi cách gọi - Vài bước thôi lại gần chỗ kia cho mát rồi mẹ đi gọi người. Vất vả lắm bà mới giữ vững được chiếc xe. Hai người đàn bà chậm chạp dẫn nhau. Nắng đổ hầm hập. Cô gái đau đớn nhưng cũng phải cố mà bước. Họ cũng đến được gần mấy ngôi nhà. Để cô gái ngồi xuống chỗ có bóng mát, bà Tâm gọi: - Nhà có ai đấy không? Giúp mẹ con tôi với - Bà gọi vọng vào nhà này, gọi với vào nhà kia. Tiếng gọi khẩn thiết của bà có tác dụng. - Có chuyện gì thế? - Mấy người đàn bà ngó ra hỏi. - Khổ quá. Tôi đưa cháu đi đẻ, đến đây lại chuyển dạ. Có hai mẹ con chẳng biết xoay xở thế nào. - Mẹ con bà cứ ở đây, chúng tôi kiếm cái võng. - Vâng, cám ơn các bác, các bác giúp cho. Chốc sau. Cô gái được võng đi, bà Tâm dắt xe đạp đi theo:
- - Cố một tý con nhé. Kêu nhiều mất hơi. Sắp tới rồi. Chừng non giờ bà Tâm đi đi lại lại dọc hành lang trạm xá thì cô gái đẻ. Tiếng khóc "Oa ... oa..." khiến bà thở phào nhẹ nhõm "Vậy là mẹ tròn con vuông". Bà lại gần. - Con gái bà ạ? Cháu nội hay ngoại đây? - Cháu... Dạ cám ơn các bác, các chị. Dạ .... là ....là cháu ngoại ạ. - Rõ chán các bà, có con gái đã đi gả chồng lại cứ muốn ôm vào. - Vâng. Đến bây giờ bà Tâm thấy đói và mệt. Chiếc rổ đựng thịt rau cũng đã quên khuấy từ lúc dẫn cô gái đi. Bà nói: - Con đỡ mệt chưa? - Rồi bà cúi xuống nói nhỏ - Làng bác ở gần đây. Đợi khi nào mát bác đưa cháu về nghỉ tạm ở nhà bác ít bữa. Thôi cứ yên tâm chuyện đẻ đái không cố được đâu. Taybà và tay cô gái nắm chặt nhau. Nước mắt biết ơn chen xúc động chảy trên gò má. Cô gái nhìn bà mắt rơm rớm nói. - Mẹ tốt quá! Bà Tâm quay đi, chính bà cũng muốn che giấu cái hạnh phúc quá bất ngờ mà mấy chục năm trời bà đã mất nó. Vĩnh viễn mất nó. Bà tự nói với mình "Ta sẽ chăm sóc nó như con". Ở nhà bà Tâm được một tuần cô gái hồi phục. Căn nhà vốn vắng người bỗng chốc tíu tít bận rộn. - Thuận này - Bà nói với cô gái - Mẹ nghĩ đặt tên cho con bé là Hòa. Mẹ Thuận con Hòa thế là hợp lắm. - Bác ơi... "nếu như không có..." - Rồi. Cháu ngoan nhé, bà sang bên trạm xá lấy giấy chứng sinh cho.
- - Mẹ - Cô gái rơm rớm khóc, cô nhìn kỹ xuống mặt đứa con nhỏ đang nhắm tịt đôi mắt ngủ ngon lành nói - Bà ngoại đặt tên cho con là Hòa đấy... Một cơn gió nhẹ thổi qua khe cửa làm bà Tâm rùng mình. Chút lạnh của tiết trời đang chuyển từ đêm sang ngày làm bà thoát khỏi dòng suy tưởng. Bà nhìn lên ban thờ, những gương mặt của người đã khuất nhìn bà thông cảm. Hình như họ với bà vẫn còn những ràng buộc nào đó mà bà không lý giải được. Bà thấy họ đang đi đâu đó hoặc đang bên cạnh mình. Bà Tâm đứng dậy thắp thêm tuần hương nữa. Đã có gió nhẹ làm thoáng mát gian nhà đôi chút, bà lại nhìn về phía giường chỗ con Hòa đang ngủ: "Mới thế mà giờ nó sắp vào đại học rồi. Đời người nhanh thật". ***** Hai tháng sau Tâm chính thức đi làm dâu. Buổi tiễn cô đi thật bùi ngùi. Mẹ cô - bà Giáo mắt ngân ngấn nước bịn rịn chia tay con gái. Tâm trong lẫn lộn buồn vui nói chẳng thành lời ôm chầm lấy bà Giáo rồi chạy ùa xuống bến đò. Bữa đó trời trở bấc, gió hun hút thổi dọc triền sông, tê tái một nỗi niềm xa cách. Con đò nhỏ chòng chành xoay mũi. Về làm vợ anh Hoàng tháng trước thì tháng sau Tâm có mang. Lúc đầu cô không hay biết. Bà Thảo tinh ý thấy cô dâu tự nhiên bỏ bữa, miệng chốc chốc lại nôn khan liền gọi con trai mình lại: "Anh có thấy con Tâm sạch vào ngày nào không?". Khổ cho Hoàng, anh đỏ mặt lúng búng nói ậm ừ. Bà Thảo mắng "Mày đoảng quá. U thấy hình như vợ mày có mang rồi đấy". Chỉ mới nghe đến vậy Hoàng đã mừng ra mặt, anh tưng tửng như kẻ bắt được của. Hết đứng lại ngồi đợi Tâm từ ngoài đồng về "Chắc lại một anh thợ cày nữa rồi". Cuối năm ấy, anh Hoàng vào Vệ quốc "Cụ Hồ kêu gọi kháng chiến, con đi đánh giặc U nhé! - Rồi anh quay sang Tâm - Mình ở nhà chăm sóc U giúp tôi. Chữ mình dạy tôi thuộc rồi, tôi đi sẽ biên thư về". Có ai ngờ buổi chiều đông ảm đạm của năm 1946 lại là buổi cuối cùng vợ chồng họ ở bên nhau. Ôm chặt lấy chồng, Tâm kéo tay anh Hoàng đặt lên bụng mình "Nhà có thấy nó cựa quậy không?". Hồi nào đến giờ bụng Tâm đã lùm lùm
- tròn tròn - Cái bản chất hiền lành của anh nông dân làm anh xoa xoa mãi mà chẳng biết nói câu gì. Tâm cười "Thầy em cứ yên tâm". Gió bấc buốt lạnh khiến họ ôm chặt nhau hơn, Tâm khẽ nhăn mặt đẩy Hoàng ra "Họ nói đi xa vào gần vợ là xui lắm". Hoàng nài nỉ "Kệ". Cùng đoàn người đưa tiễn, Tâm theo đơn vị Hoàng tới tận bến sông Hồng. Có tiếng ai đó nhắc "Thôi bà con về đi. Bộ đội còn qua sông, đi đứng đông thế này Việt gian nó bảo Tây là lộ hết bí mật". Hoàng gỡ tay Tâm ra, anh quàng tay nải qua vai lặng lẽ bước xuống đò, mắt không dám ngoái lại. Chuyện vợ chồng mới chớm đã chia ly làm anh thấy lòng se sắt. Từng tốp Vệ quốc ngồi ngay ngắn trong khoang thuyền, trong họ trừ chỉ huy ra còn đều chưa có ai có súng. Có anh cầm gậy, có anh tư lự ngồi ngắm nghía lưỡi mác. Dòng sông mờ ảo sương đông. Đứng trên bờ Tâm thấy rối bời và chợt nhớ ra chiếc khăn tay thêu hai chữ "Hoàng + Tâm" cô còn giữ trong người. Lật lật mấy tà áo, Tâm rút khăn ra "Chờ với! Anh Hoàng ơi, còn chiếc khăn tay...". Cô chạy vội vàng hy vọng kịp đưa cho Hoàng. Bỗng cô thấy mình loạng choạng, chiếc khăn chới với tuột khỏi tay và bay theo chiều gió thổi. Cô ngã dúi dụi về phía trước. Tỉnh dậy Tâm thấy mình nằm trên giường. Bà Thảo khóc thút thít như một đứa trẻ. Tâm đưa mắt dò hỏi, bà Thảo nói trong tiếng nấc "Con ơi, cái thai... cái thai hỏng rồi". Nghe bà Thảo nói vậy Tâm bảng hoảng như người ngã từ trên cấy xuống. Cô cào cấu xuống chiếu khóc ngất đi. Lúc cô tỉnh lại đã thấy bà Thảo cứ ôm riết lấy người cô, bà đang cố giữ để cô hồi tỉnh. ***** Anh Hoàng đi mới thế đã năm năm. Năm mùa đông vắng chồng, nỗi nhớ nhung và lo âu đan xen vào tâm trí Tâm khiến cô thôn nữ ngày nào tưởng như mòn đi trong khắc khoải. Nhiều đêm Tâm tỉnh giấc, thói quen của buổi ban đầu quờ tay ôm lấy chồng đã nhường chỗ cho những ý nghĩ đôi khi cô phải tự mắng mình, tự ghìm lòng mình lại. Cô cố hình dung lại những lời nói, những cử chỉ của chồng mà không tài nào định hình một cái gì đó thật chính xác. Đêm đêm, cô mơ hồ ý thức cảm như có bàn tay đàn ông vuốt ve thân thể mình. Chập chờn tỉnh lại Tâm nhận ra đó chính là bàn tay của cô. Duy chỉ có một thứ mà
- cô còn nhớ được ở anh Hoàng, đó là mùi mồ hôi nồng nồng hơi đất của anh Hoàng, thứ mùi mà thường ngày cô vẫn gặp. Mấy tháng đầu, Hoàng có biên thư về. Nét chữ nguệch ngoạc cùng những câu cụt lủn trong thư phần nào đấy an ủi cô. Bà Thảo những lúc vắng người ngồi thở dài thườn thượt. Thương con trai, thương con dâu và nỗi thất vọng khi Tâm xảy thai làm bà chạnh lòng. Có lần bà nói "Phận làm đàn bà khổ lắm con ạ. Đời U, U biết... cố gắng đợi thằng Hoàng về". Tâm gật đầu lòng rối bời. Rồi một ngày cả làng Kẻ Gạo xôn xao hẳn lên. Đường thôn rộn ràng tiếng chân người, tiếng chào hỏi ríu rít. Bộ đội đơn vị Đồng bằng về đóng quân trong làng. Tâm đứng nhìn theo các anh bộ đội vui tươi, xem các anh ngày tập luyện, tối tối sinh hoạt ca hát mà cứ ước có anh Hoàng trong đó. Ước thôi, chứ đã mấy năm rồi không có thư anh Hoàng. Lâu lâu bà Thảo nhắc "Nó đi đánh giặc có mải mê thì cũng phải thư về chứ". Mỗi lần như vậy Tâm lại giả bộ ớ ra "Con quên đấy u ạ. Có thư của nhà con đây". Bà Thảo ngồi bệt trên cái bậu cửa lâu ngày chưa thay đang mọt rữa ra. Một tay bà têm trầu, tay kia bấu vào bậu cửa, miệng bà nhai chép chép, còn ánh mắt bà thì trông ra ngoài sân chờ đợi. Tâm ngồi cuối chiếc giường tre, lưng tựa vào vách, đọc những "lá thư của Hoàng" do chính tay cô viết. Cô bảo "Con chỉ đọc cho U nghe chỗ thư anh Hoàng viết cho U thôi nhé. Phần viết cho con, con không đọc đâu". Chẳng ngoảnh đầu lại, bà Thảo cười hồn hậu "Ừ. Đọc các chỗ nó biên cho U ấy". Nghe xong thư Tâm đọc, bà Thảo nhét thêm miếng trầu nữa vào miệng nói nửa mắng "Cái thằng, thư nào cũng ngắn ngủi làm U cứ lo lo là". Thành lệ rồi thành thói quen dăm ba tháng Tâm lại viết sẵn thư háo hức đọc cho bà Thảo nghe. Cầm lá thư "của con trai" bà Thảo vê vê theo từng con chữ và cẩn thận gấp lại. Nhân lúc Tâm quay đi bà lúi cúi gói vào chiếc khăn. Hai hôm trước lúc đơn vị Đồng bằng rút đi, làng Kẻ Gạo chợt buồn trông thấy. Nhà nhà lo gói ghém những gì có thể có được để làm quà tặng các anh bộ đội. Bà Thảo nhắc Tâm "Các anh bộ đội tốt thật, con xem gửi các anh đó cái gì chứ?". Tâm trả lời bà giọng xa xa "Các anh đông thế. Mà nhà ta có được anh nào đến ở đâu. Con chả biết gửi quà cho anh
- nào?". Hai mẹ con hết đứng lên ngồi xuống lại đi ra đi vào, kể cũng khó thật. Bà Thảo bảo: "Hãy cứ gửi chỗ mấy anh chỉ huy vậy". Tâm nghe lời mẹ chồng ngồi gói mấy ống đậu xanh, mấy ống lạc. Một tốp bộ đội đến. Các anh chào vọng từ ngoài ngõ "U ơi, cô Tâm ơi. Chúng tôi vào nhà được chứ?". Bà Thảo mừng quýnh sai Tâm đun ấm nước. Một anh dáng chừng là chỉ huy thưa "Con tên là Thuộc. Lê Tiến Thuộc quê Ninh Bình. Đây là cậu Mộng - "Mộng mơ ấy u", còn cậu này tên con gái, bọn con gọi là "cô Hoa" cả hai người Bắc Ninh. U ơi, chúng con đến giúp U và cô Tâm sửa lại cái mái nhà. Gọi là kỷ niệm quân dân trước lúc chia tay". Thấy bà Thảo xua tay, anh Thuộc gạt đi "Bọn con làm loáng cái là xong, U cứ để bọn con sửa. Bọn con là đồng chí với anh Hoàng cơ mà". Chẳng lỡ từ chối bà Thảo đành gật đầu. Tâm đã nghe thấy hết, cô mời "Các anh xơi bát nước đã. U con em thật chẳng biết lấy gì..." Cô bỏ lửng câu nói vì thực tế mái nhà đã mấy năm không sửa lại rạ mục nhiều chỗ, có hôm mưa hai mẹ con chạy lòng vòng khắp nhà che che chắn chắn. Mái nhà nhanh chóng được dỡ xuống. Của đáng tội để yên còn trông được, nhưng khi dỡ ra mới thấy dui mè đều nát cả. Anh Thuộc cười "Tưởng giản đơn không ngờ hỏng nhiều gớm. Nhưng U yên tâm trước lúc hành quân là "Báo cáo U xong". Nào các đồng chí". Cho mãi tới chiều tối dui mè kèo cột cái nào cần thay mới thay xong. Bà Thảo giục "Thôi tối rồi. Mà lợp rạ mau, thôi các anh nghỉ tay còn chuẩn bị mai đi". Tốp bộ đội đứng thành hàng trước mặt bà Thảo "Báo cáo U. Sáng mai chúng con làm sớm". Tâm quay đi che nụ cười. Đêm đó hai mẹ con bà Thảo sang ngủ nhờ bên nhà dì Thơm, người em kế bà Thảo. Tới đêm, trời nổi giông, mây đen ồ ạt kéo về, gió mát lạnh. Tâm trở dậy lo lắng "U ơi, U cứ ngủ ở đây với dì Thơm để con chạy lại nhà cất thúng lúa. Kẻo mưa ướt hết". Bà Thảo dặn "Ừ, mau mau kẻo ướt. Ngấm mưa dễ cảm lắm". Tâm choàng áo lá tơi chạy vội về nhà, mưa đã bắt đầu rơi những hạt nhỏ. Cô mò mẫm tìm thúng lúa, hấp tấp tuột tay thóc rơi ra nền vung vãi. Cuống cuồng vét vét, vét được chỗ này lại chạm tay chỗ khác còn thóc, Tâm hốt hoảng thực sự. Mưa đã bắt đầu nặng hạt. Bỗng có ánh đèn pin khua loang loáng, tiếng anh Thuộc hỏi vào "Cô Tâm đấy phải không? Chết thóc vãi thế này". Anh Thuộc chạy lại cùng Tâm vét nốt chỗ thóc vãi cho
- vào thúng. Lấy chiếc áo tơi Tâm đắp lên miệng thúng, cô bảo: "Xong rồi. Không có anh thì...". Thuộc nói "Mưa to quá Tâm nhỉ? Đúng là... à Tâm, cô đứng vào đây kẻo ướt hết bây giờ". Như một phản xạ tự nhiên cả Tâm và anh Thuộc nép vào nhau. Tấm ni lông bộ đội chỉ đủ che hai cái đầu, họ sát vào nhau hơn và dò dẫm bước ra khỏi căn nhà không mái. Mưa rơi lộp bộp, qua ánh đèn pin lấp loáng có mái của một ngôi nhà sập bên đường... Đến lúc này Tâm mới thấy ngượng ngùng khi có Thuộc bên cạnh. Họ đứng xoay lưng vào nhau bên trái nhà còn lại. Rất lâu, rất lâu. Mưa dữ dội hơn, họ co dần chỗ đứng lên lên bậc thềm rồi bất giác cùng ngồi xuống. Mưa ngấm lạnh làm Tâm rùng mình. Tiếng Thuộc hỏi như từ rất xa "Cô Tâm có lạnh lắm không?- Giọng anh thủ thỉ, chân tình - Làng tôi nghèo lắm, chẳng biết u tôi ở nhà ra sao nữa?". Cái âm điệu quen thuộc ấy chợt thúc vào trí nhớ của Tâm về Hoàng. Cô chập chờn ôm chặt lấy anh Thuộc. Cô mơ mơ "Anh Hoàng. Anh Hoàng". Sau giây sững sờ, anh Thuộc lấy thân xoay người che cho cô khỏi mưa hắt. Tâm như lạc vào cõi mộng, cô từ từ ngả người xuống, hơi thở gấp nóng "Anh Hoàng ơi". Sáng hôm sau trời bỗng quang lạ trong xanh và mát mẻ. Anh Thuộc cùng mấy anh tranh thủ từ sớm bắt tay lợp mái. Tâm thấy xấu hổ không dám gặp mặt, cô lấy cớ mệt lánh đi. Chiều tối hôm ấy bộ đội Đồng bằng hành quân. ***** Tháng ấy, đúng kỳ - Tâm hốt hoảng thấy mình không có kinh, cô chờn vờn một nỗi nửa sợ hãi nửa mừng khó tả. Bà Thảo ngóng lên trời, miệng nhai trầu nhắc: "Lâu rồi không có thư thằng Hoàng nhỉ?". Tâm lén nhìn bà, lén nhìn xuống bụng - hình như giọt máu của anh Thuộc trong đêm mưa ấy đang cựa quậy hình thành sinh linh trong cơ thể cô. "Trời ơi!" Tâm thốt lên khi cảm thấy mình đang mắc lỗi. Ba ngày sau, buổi đi chợ Cao về. Tâm gọi rối lên từ ngoài ngõ "U ơi, có thư anh Hoàng u à". Lại như mọi bữa, Tâm ngồi cuối giường, bà Thảo ngồi bệt lên bậu cửa - Lá thư lần này báo tin: Đơn vị Hoàng hiện về dưới Ninh Giang chỉnh quân". Nhét thêm miếng trầu nữa vào miệng, bà Thảo thủng thẳng nói "Con đi thăm nó đi. Biết đâu đấy...". Tâm nghèn nghẹn trả lời "Mai con đi u nhé". Bà Thảo nhắc thêm "Nó bận công tác, nói u khoẻ là
- được rồi. Nói nhiều nó xin về thăm lại ảnh hưởng". Ngày hôm đó, Tâm khăn gói "đi thăm chồng", ngang qua ngôi nhà sập lòng cô nhói lên khó tả. Tâm đi được một tuần thì trở về, cô lo ngại vào nhà. Bà Thảo hớn hở ra mặt, bà không hỏi gì nhiều chỉ nhìn Tâm cười làm rớt ra quệt trầu đỏ. Bà vuốt môi bảo Tâm "U mừng lắm". Ngày thằng Vũ đầy tuổi, bà Thảo lo sắm cúng lễ tươm tất. Thấy Tâm lóng ngóng bế con, bà Thảo ngần ngừ "Đặt tên là Vũ u thấy nó phong ba thế nào ấy". Tâm trả lời bừa: "Hôm gặp nhà con... nhà con bảo thích tên ấy". Bà Thảo chép miệng "Ừ thích thì đặt. U là u nói vậy". Bà con trong làng kéo đến mừng vui vẻ. Quân ta đang thắng lớn ở nhiều nơi: "Hoà bình sắp tới rồi. Ngày bố Hoàng về vui phải biết". Bà Thảo cười tít cả hai mắt, đon đả mời trầu. Tâm cúi xuống góc buồng. Đêm đó bà Thảo lên giường sớm, "Con vào với cu Vũ đi. Mai dọn cũng được". Rồi bà Thảo đổ bệnh. Gần như tất cả sức lực của cuộc đời bà đã trút hết. Tấm thân méo mó của bà bệt dí trên chiếc giường tre khẽ cựa mình là kêu cọt kẹt. Tâm lại gần "U ơi, u dậy uống bát thuốc". Bà Thảo từ từ mở mắt. Bà nhìn Tâm chằm chằm khiến cô nghi ngại. "U biết sức u... không chờ được tới... tới ngày đó đâu". Tâm gạt đi "U uống hết bát thuốc sẽ khoẻ thôi". Bà Thảo lắc đầu mắt lại nhắm nghiền, giọng bà thều thào: "Mẹ thằng Vũ... lại chiếc rương... lấy... lấy cho u... cái khăn tay nâu...". Đặt bát thuốc xuống, Tâm linh cảm một điều gì sẽ phải đến. Cô ngập ngừng cầm chiếc khăn tay nhuộm nâu lại bên bà Thảo. "Mẹ... thằng Vũ... mở... mở khăn... ra đi". Tâm run run mở từng nếp gấp của chiếc khăn. Cô bàng hoàng thấy những "lá thư của anh Hoàng" gấp gọn gàng không sót một cái nào trong đó. Đến lá thư cuối cùng có một mảnh giấy gấp, khuôn giấy khác hẳn các lá thư. Bà Thảo lại từ từ mở mắt hướng cái nhìn vào tờ giấy gật gật. Tâm sợ hãi giơ trang giấy "Đơn vị... đau đớn báo tin chiến sĩ Đỗ Liên Hoàng đã hy sinh tại mặt trận sông Lô; ngày... tháng... năm 1947". Tờ giấy run dữ dội trên tay Tâm, cô không cất nổi tiếng khóc. Bà Thảo nói từng câu ngắt quãng "U... cũng... là... đàn... bà. U biết U... có lỗi... u đã... đã giấu con. Con... cố gắng... nuôi... thằng... thằng Vũ...". Tâm oà khóc nức nở, khóc thảm
- thiết những mong rửa sạch lỗi lầm. Bà Thảo đưa tay mò mò, Tâm vội nắm chặt lấy tay bà: "U tha lỗi cho con". Không nói được nữa, bà Thảo chợt rướn người lên lấy hơi, dường như những gì còn lại chỉ có thế. Bà gật đầu rồi toàn thân bỗng chùng xuống. Tâm gào lên "U ơi! U đừng bỏ con. Anh Hoàng ơi, anh đừng bỏ em!". Căn nhà trống vắng chợt nhòa đi lẳng lặng. Nước mắt tả tơi, Tâm đau đớn vuốt mặt bà Thảo "U bỏ con ư?". Ngày Chính phủ chia ruộng, cả làng Kẻ Gạo, cả xã Chùa Cao nô nức đi nhận ruộng. Tâm dắt thằng Vũ nhập vào dòng người. Những bước chân lẫm chẫm của thằng Vũ làm cô luôn dè chừng chỉ sợ nó ngã. Bà Thơm - em gái bà Thảo tới, bà đi qua trước mặt cô rồi dừng lại trỏ tay đay nghiến "Rõ đẹp. Cô cũng còn dám vác mặt đi nhận ruộng cơ à - Bà bỗng bù lu bù loa - Ối chị Thảo ơi! Nhà chị vô phúc có được thằng cháu lạc loài - Chị ơi là chị ơi". Mọi người xúm lại ngỡ ngàng, bà Thơm được thể "Đấy bà con xem. Ngữ ấy đòi là vợ liệt sĩ để được chia ruộng đất đấy". Tiếng mấy người xôn xao "Thì bà nói ai cơ chứ?". "Còn ai nữa - Bà Thơm trỏ thẳng vào mẹ con Tâm đang sợ hãi dúm vào nhau - Nó đấy, cái con... con nặc nô kia chứ còn ai". Đám đông xì xào, kẻ hùa theo bà Thơm, người lắc đầu bỏ đi. Tâm đứng như chết rồi và nếu cu Vũ không khóc ré lên thì cô còn đứng như thế. Ôm choàng lấy thằng Vũ cô chạy thốc chạy tháo về nhà. Sang cát cho bà Thảo xong, Tâm cúi đầu đi dọc con đường làng bỗng chốc xa lạ với mình. Ở trụ sở Uỷ ban Hành chính xã, Tâm nghẹn giọng mãi mới đề đạt được yêu cầu của mình: Xin thay họ Đỗ bằng họ Lê cho thằng Vũ - Tâm tự nghĩ: "Thôi nó sinh ra ở đâu thì đấy chính là quê của nó". Lại một ngày đông, gió bấc hun hút thổi trên cánh đồng. Tâm giao lại căn nhà cho dòng họ Đỗ làng Kẻ Gạo dắt con trở về bên sông Đáy. ***** Trời sáng rõ, những tia nắng ban mai dọi qua khe cửa chiếu vào người Hòa. Cô ngơ ngác dụi mắt không thấy bà Tâm đâu "Bà ngoại dậy làm gì sớm thế?" - Hòa tự hỏi và giật mình thấy bà Tâm đang ngồi lặng trong ghế, cô rón rén bước lại gần. Hòa dừng lại mở căng mắt, trong mờ ảo của khói hương như xông kín gian nhà, những tấm ảnh đặt trên
- ban thờ đang lắc lư theo chiều hương toả. Hòa thoáng sợ hãi và ngoái nhìn lại bà Tâm, bà vẫn ngồi lặng như một cái bóng. Bóng của bà Tâm và bóng của những tấm ảnh trên ban thờ đang dình dịch lại gần nhau. Hòa bối rối muốn lay gọi bà Tâm song cô định tâm lại, nhè nhàng đến ngồi phủ quỳ trước mặt bà. Cô cứ phủ phục như vậy hồi lâu. Lát sau mới từ từ ngước mắt lên, hơi thở của bà Tâm nhẹ nhàng lan trên gương mặt cô. "Đêm qua bà ngoại đã thức cả đêm ư?". Hòa thầm đoán và khéo léo gỡ từ lòng bàn tay bà Tâm ra một mảnh giấy nhỏ, cô chăm chú đọc kỹ từng dòng chữ trên mảnh giấy. Hòa đọc đi đọc lại vài lần rồi áp mảnh giấy vào ngực, cô đăm đắm trông lên ban thờ. Đưa tay vuốt phẳng mảnh giấy, Hòa đứng lên đặt mảnh giấy vào chiếc đĩa con. Cô châm mấy nén hương và thành kính cắm vào từng bát hương nhỏ đặt trước mỗi tấm ảnh. Cô lùi lại vài bước và cúi đầu vái mấy vái "Cháu lạy hai cụ Giáo. Cháu lạy ông Hoàng. Cháu lạy bác Vũ - Hòa nghẹn ngào nói - Bác Vũ ơi, bác hy sinh ngày đó chỉ hơn cháu bây giờ có một tuổi... đã 25 năm qua bà không ngày nào không trông đợi bác về". Hòa khóc nức nở, mắt không thôi nhìn ảnh Vũ. Gương mặt trẻ trai của Vũ với những nét cương trực đang nhìn cô lặng im xa vời. Hòa lại nức nở "Bác biết không? Xã Chùa Cao vừa báo tin cho bà: Ủy ban nhân dân xã Chùa Cao trân trọng kính mời bà Lê Thị Tâm vợ liệt sĩ Đỗ Liên Hoàng và là mẹ Liệt sĩ Lê Dạ Vũ về dự lễ đón nhận Danh hiệu "Bà mẹ Việt nam anh hùng" do Nhà nước trao tặng cho bà Lê Thị Tâm. Xin trân trọng kính mời.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Tiểu thuyết Giã Biệt Tuổi Mộng Mơ
96 p | 156 | 16
-
Giòng Sông Thanh Thủy
190 p | 69 | 9
-
Kính vạn hoa (Nguyễn Nhật Ánh) - Tập 9 Con mả con ma
70 p | 62 | 8
-
5 điều lý thú về Vạn Lý Trường Thành
7 p | 99 | 7
-
Hạ Trắng, Mây Đông Mưa Tây
105 p | 76 | 6
-
Password của chồng
4 p | 45 | 5
-
Hảo Hán Cuối Cùng
9 p | 65 | 4
-
Cây cầu dang dở
6 p | 76 | 4
-
Cô Út
4 p | 85 | 4
-
Thương Chùm Hoa Khế
12 p | 49 | 4
-
Ván Cờ Xuân
10 p | 53 | 4
-
Truyện Cho Những Tình Nhân
8 p | 53 | 4
-
Dẫu có thế nào, em vẫn yêu anh
11 p | 70 | 4
-
Truyện ngắn Dẫu có thế nào, em vẫn yêu anh
20 p | 62 | 4
-
Mùa Xuân Nào Cho Mẹ
4 p | 72 | 3
-
Gió bấc qua đồng
12 p | 54 | 3
-
Bến xưa
4 p | 76 | 3
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn