intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh doanh: Pháp luật về bảo vệ môi trường biển ở Việt Nam

Chia sẻ: Caphesuadathemhanh | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:66

61
lượt xem
13
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Khóa luận được nghiên cứu với mục tiêu nhằm tìm ra những điểm mạnh, thiếu sót trong các quy định pháp luật để hoàn thiện khung pháp lý trong việc bảo vệ tốt hơn môi trường biển. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh doanh: Pháp luật về bảo vệ môi trường biển ở Việt Nam

  1. ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI KHOA LUẬT HÀ THỊ NHUNG PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN Ở VIỆT NAM KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC NGÀNH LUẬT KINH DOANH Hệ đào tạo: Chính quy Khóa học: QH-2013-L HÀ NỘI, 2017
  2. ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI KHOA LUẬT HÀ THỊ NHUNG PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN Ở VIỆT NAM KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC NGÀNH LUẬT KINH DOANH Hệ đào tạo: Chính quy Khóa học: QH-2013-L NGƯỜI HƯỚNG DẪN: TS. Lê Kim Nguyệt HÀ NỘI, 2017
  3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan Khóa luận là công trình nghiên cứu độc lập của riêng tôi. Các kết quả nêu trong Khóa luận chưa từng được công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Những số liệu, ví dụ, trích dẫn trong khóa luận có nguồn gốc rõ ràng, đã công bố theo đúng quy định, do tôi tự tìm hiểu và phân tích một cách trung thực, khách quan và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Sinh viên Hà Thị Nhung
  4. MỤC LỤC Trang Trang phụ bìa Lời cam đoan Mục lục PHẦN MỞ ĐẦU .................................................................................................. 1 PHẦN NỘI DUNG .............................................................................................. 3 CHƯƠNG 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ PHÁP LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN. .................................................................... 3 1.1. Khái niệm. ............................................................................................ 3 1.1.1. Môi trường biển. .................................................................................... 3 1.1.2. Ô nhiễm môi trường biển. ..................................................................... 6 1.1.3. Bảo vệ môi trường biển. ........................................................................ 7 1.1.4. Pháp luật về bảo vệ môi trường biển ở Việt Nam. ................................ 7 1.2. Nguyên tắc của pháp luật về bảo vệ môi trường biển ở Việt Nam hiện nay… ...................................................................................................... 9 1.3. Pháp luật bảo vệ môi trường biển của một số quốc gia trên thế giới… ............................................................................................................ 12 1.3.1. Pháp luật Trung Quốc.......................................................................... 12 1.3.2. Pháp luật Canada. ................................................................................ 14 CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN Ở VIỆT NAM. ..................................................................................... 16 2.1. Sơ lược quá trình hình thành, phát triển của pháp luật bảo vệ môi trường biển ở Việt Nam. ............................................................................. 16 2.2. Một số nội dung cơ bản về pháp luật bảo vệ môi trường biển ở Việt Nam.. ............................................................................................................ 17 2.2.1. Phân cấp vùng rủi ro, phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển. ..... 19 2.2.2. Quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển. ............................... 24
  5. 2.2.3. Quy định về đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển… ............................................................................................................ 28 2.2.4. Ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu trên biển. ..................................... 30 2.2.5. Nhận chìm ở biển. ............................................................................... 37 2.2.6. Xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển tại Việt Nam. .... 40 CHƯƠNG 3. HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN Ở VIỆT NAM. ..................................................................................... 48 3.1. Đánh giá pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường biển. ............ 48 3.2. Một số kiến nghị cụ thể. .................................................................... 53 PHẦN KẾT LUẬN ............................................................................................ 58 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ......................................................... 59
  6. PHẦN MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài. Là một quốc gia ven biển, Việt Nam không thể phủ nhận những lợi ích mà biển đem lại cho nền kinh tế, xã hội nói chung cũng như an ninh- quốc phòng nói riêng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế và du lịch thì môi trường biển đang ngày càng bị ô nhiễm. Gần đây, tại Việt Nam đó là vụ việc Công ty Formosa xả chất thải chưa qua xử lý ra biển. Trên thế giới, hàng năm cũng ghi nhận nhiều vụ xả thải hóa chất ra đại dương hay tràn dầu ở biển gây ra hậu quả lâu dài tới con người cũng như môi trường sống của nhiều loài thủy sinh vật. Theo đánh giá của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, có nhiều nguyên nhân chính dẫn đến một số sự cố môi trường tại vùng biển và ven biển Việt Nam. Đó là những hiện tượng tự nhiên cực đoan như tảo độc, thủy triều đỏ, bão, lũ lụt; hoạt động của con người như giao thông vận tải biển, khai thác khoáng sản dưới đáy biển gây ra tràn dầu, tràn hóa chất... gây thiệt hại về kinh tế, tính mạng và sức khỏe con người, ô nhiễm môi trường. Song hậu quả to lớn và tiềm tàng nhất trên vùng biển và bờ biển Việt Nam, đó là biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nếu nước biển dâng thêm một mét trong 100 năm tới, Việt Nam sẽ có 17 triệu người phải gánh chịu lũ lụt hàng năm, các biện pháp phòng vệ sẽ tiêu tốn thêm 2,4 tỷ USD. [40, tr.61] Chính vì vậy, việc nghiên cứu pháp luật về bảo vệ môi trường biển giúp đánh giá được các ưu điểm cũng như thiếu sót trong quy định của pháp luật để định hướng hoàn thiện hơn quy định của pháp luật, giúp bảo vệ môi trường biển trước tình trạng ô nhiễm. 2. Phạm vi nghiên cứu. Khóa luận tập trung tìm hiểu những quy định về bảo vệ môi trường biển ở Việt Nam trên các khía cạnh liên quan đến hoạt động kiểm soát; phân cấp, phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển; ứng phó với sự cố tràn dầu; nhận chìm ở biển và chế tài được áp dụng để xử lý hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, khóa luận 1
  7. cũng đề cập đến một số điểm mạnh và các mặt hạn chế, tìm hiểu pháp luật một số quốc gia trên thế giới để rút ra bài học giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về vấn đề bảo vệ môi trường biển. 3. Mục tiêu nghiên cứu. Nghiên cứu để tìm ra những điểm mạnh, thiếu sót trong các quy định pháp luật để hoàn thiện khung pháp lý trong việc bảo vệ tốt hơn môi trường biển. 4. Phương pháp nghiên cứu. Khóa luận được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, đồng thời sử dụng các phương pháp thống kê, phân tích, tổng hợp, so sánh… để làm sáng tỏ vấn đề cần nghiên cứu. 5. Bố cục của khóa luận.  Phần mở đầu.  Phần nội dung. Chương I. Những vấn đề lý luận chung về pháp luật bảo vệ môi trường biển. Chương II. Thực trạng pháp luật về bảo vệ môi trường biển ở Việt Nam. Chương III. Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường biển ở Việt Nam.  Phần kết luận.  Danh mục tài liệu tham khảo. 2
  8. PHẦN NỘI DUNG Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ PHÁP LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN 1.1. Khái niệm. 1.1.1. Môi trường biển. Biển có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển và an ninh của các nước có biển nói riêng và thế giới nói chung. Một số nước và vùng lãnh thổ đã tận dụng thế mạnh về biển để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, biển và đại dương còn là kho nước vô tận, cung cấp cho các lục địa một lượng hơi nước rất lớn để duy trì cuộc sống của con người, sinh vật trên Trái Đất và có tác dụng điều hoà khí hậu. Biển Đông, còn gọi là biển Nam Trung Hoa, là một biển rìa Tây Thái Bình Dương. Biển Đông là biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trải rộng từ vĩ độ 3o lên đến vĩ độ 26o Bắc và từ kinh độ 100o đến 121o Đông. Ngoài Việt Nam, Biển Đông được bao bọc bởi tám quốc gia khác là Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia. Theo ước tính sơ bộ, Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của khoảng 300 triệu người dân của các nước này. Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực mà còn cả của châu Á- Thái Bình Dương và Mỹ. Bên cạnh đó, Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương- Ấn Độ Dương, Châu Âu- Châu Á, Trung Đông- Châu Á. Năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông. Mỗi ngày có khoảng từ 150- 200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. Trong khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong đó có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới là cảng Singapore và Hong Kong. [35, tr.61] 3
  9. Nước ta giáp với Biển Đông ở ba phía: Đông, Nam và Tây Nam. Các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam là một phần Biển Đông trải dọc theo bờ biển dài khoảng 3.260km, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, với nhiều bãi biển đẹp như Trà Cổ, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Cam Ranh, Vũng Tàu… Có thể thấy, biển và môi trường biển đóng vai trò vô cùng quan trọng trên nhiều khía cạnh của nước ta. Theo Viện Nghiên cứu Quản lý biển và hải đảo, môi trường biển “bao gồm tất cả mọi thứ mà có thể có ảnh hưởng trực tiếp đến sự trao đổi chất hay các hành vi của con người và các sinh vật sống trong biển, bao gồm ánh sáng, không khí trên biển, nước biển, đất tại đáy biển (trầm tích biển) và các cơ thể sống trong biển”. Theo Khoản 4 Điều 1 Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (sau đây gọi là Công ước Luật biển năm 1982), môi trường biển bao gồm các tài nguyên sinh vật, các hệ sinh thái biển và chất lượng nước biển, cảnh quan biển. Như vậy, có thể hiểu, môi trường biển là các yếu tố vật lý, hóa học và sinh học đặc trưng cho nước biển, đất ven biển, trầm tích dưới biển, không khí trên mặt biển và các hệ sinh thái biển tồn tại một cách khách quan, ảnh hưởng đến con người và sinh vật. Theo Luật Biển Việt Nam năm 2012 ban hành ngày 21 tháng 06 năm 2012 (sau đây gọi là Luật Biển Việt Nam năm 2012), vùng biển Việt Nam bao gồm “nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982” (Khoản 1 Điều 3). Trong đó, từ quy định của Luật Biển Việt Nam năm 2012, có thể xác định:  “Nội thủy là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam” (Điều 9). Theo quy định tại Điều 5 và Điều 7 Công ước Luật Biển năm 1982, các quốc 4
  10. gia ven biển có hai phương pháp để xác định đường cơ sở, đó là phương pháp đường cơ sở thông thường và phương pháp đường cơ sở thẳng, cụ thể: “Đường cơ sở thông thường: áp dụng với các quốc gia có bờ biển thẳng, bằng phẳng, không có các đoạn lồi lõm ven bờ và ngấn nước thủy triều xuống thấp thể hiện rõ ràng và đường cơ sở được vạch vào ngấn nước thủy triều xuống thấp nhất dọc theo hướng chung của bờ biển.” “Đường cơ sở thẳng: được áp dụng đối với các quốc gia có bờ biển thuộc ba trường hợp sau đây: những nơi bờ biển khúc khuỷu, bị khoét sâu và lồi lõm; những nơi có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển; những nơi có các điều kiện thiên nhiên đặc biệt gây ra sự không ổn định của bờ biển như sự hiện diện của các châu thổ. Trong trường hợp này, đường cơ sở được xác định là đường thẳng gãy khúc nối các điểm nhô xa nhất của các đảo ven bờ, của các mũi, các đỉnh chạy dọc theo chiều hướng chung của bờ biển lại với nhau tạo thành đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải.” Nước ta có chuỗi đảo chạy dọc theo bờ biển được vận dụng để xác định đường thẳng. Trong Phụ lục đính kèm Tuyên bố ngày 12 tháng 11 năm 1982 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước ta ra tuyên bố xác định đường cơ sở thẳng ven bờ lục địa Việt Nam gồm “10 đoạn nối 11 điểm. Trừ điểm A8 nằm trên mũi Đại Lãnh, các điểm còn lại đều nằm trên các đảo. Điểm 0 nằm trên ranh giới phía Tây Nam của vùng nước lịch sử Việt Nam- Campuchia. Điểm A1: Hòn Nhạn (Kiên Giang); A2: Hòn Đá Lẻ (Cà Mau); A3: Hòn Tài Lớn; A4: Hòn Bông Lang; A5: Hòn Bảy Cạnh (Bà Rịa- Vũng Tàu); A6: Hòn Hải; A7: Hòn Đôi (Bình Thuận); A8: Mũi Đại Lãnh; A9: Hòn Ông Căn (Khánh Hòa); A10: Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi); A11: Đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị).”  Lãnh hải là “vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam” (Điều 11 Luật Biển Việt Nam năm 2012). 5
  11.  Vùng tiếp giáp lãnh hải là “vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải” (Điều 13 Luật Biển Việt Nam năm 2012).  Vùng đặc quyền kinh tế là “vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở” (Điều 15 Luật Biển Việt Nam năm 2012).  Thềm lục địa là “vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa. Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lý thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2.500 mét”. (Điều 17 Luật Biển Việt Nam năm 2012). 1.1.2. Ô nhiễm môi trường biển. Định nghĩa về ô nhiễm môi trường biển được quy định cụ thể tại Khoản 4 Điều 1 Công ước Luật biển 1982. Theo đó, “Ô nhiễm môi trường biển (Pullution du milieu marin) là việc con người trực tiếp hoặc gián tiếp đưa các chất liệu hoặc năng lượng vào môi trường biển, bao gồm cả các cửa sông, khi việc đó gây ra hoặc có thể gây ra những tác hại như gây tổn hại đến nguồn lợi sinh vật, và đến hệ động vật và hệ thực vật biển, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, gây trở ngại cho các hoạt động ở biển, kể cả việc đánh bắt hải sản và các việc sử dụng biển một cách hợp pháp khác, làm biến đổi chất lượng nước biển về phương diện sử dụng nó và làm giảm sút các giá trị mỹ cảm của biển”. Pháp luật về môi trường biển ở Việt Nam chưa đưa ra một định nghĩa cụ thể về môi trường biển bị ô nhiễm mà chỉ có khái niệm chung về ô nhiễm môi trường tại Khoản 8 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 ban hành ngày 23 6
  12. tháng 06 năm 2014 (sau đây gọi là Luật Bảo vệ môi trường năm 2014) như sau: “Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật”. Từ đó, có thể hiểu ô nhiễm môi trường biển là sự biến đổi của các thành phần của môi trường biển gây ra do hoạt động của con người, kéo theo nhiều tác động xấu đến hệ động thực vật biển, sinh vật biển và con người. 1.1.3. Bảo vệ môi trường biển. Khi tình trạng biển đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng, vấn đề bảo vệ môi trường biển được quan tâm hơn bao giờ hết. Có nhiều phương thức để có thể thực hiện được mục tiêu ngăn ngừa sự ô nhiễm của biển như tăng cường kiểm soát môi trường biển và vùng ven biển; quản lý tổng hợp và thống nhất đối với biển và hải đảo…. Một trong những cách thức hiệu quả đó là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Những quy định cụ thể về hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, nhận chìm ở biển, ứng phó với sự cố tràn dầu trên biền,… đã được cụ thể hóa rất rõ ràng để mọi cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước có thể hiểu và biết được trách nhiệm của mình trong vấn đề bảo vệ môi trường biển. Pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc định nghĩa bảo vệ môi trường biển. Từ khái niệm bảo vệ môi trường tại Khoản 3 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, có thể hiểu các hoạt động phòng ngừa, giữ gìn cũng như hạn chế các tác động xấu của con người; ứng phó với các sự cố môi trường xảy ra trên biển như tràn dầu; phòng ngừa, có các biện pháp phù hợp để giảm thiểu suy thoái môi trường biển, phục hồi môi trường biển chính là bảo vệ môi trường biển. Bên cạnh đó, việc khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên biển cũng là một trong những khía cạnh quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển. 1.1.4. Pháp luật về bảo vệ môi trường biển ở Việt Nam. Việc xây dựng bất kỳ ngành luật nào cũng đều hướng đến mục đích nhất định. Pháp luật về bảo vệ môi trường biển ở Việt Nam được thiết lập để có thể 7
  13. bảo vệ tốt cho môi trường biển nói chung, từ đó góp phần ổn định cuộc sống của người dân nói riêng. Bên cạnh các quy định về những hoạt động cần thực hiện để bảo vệ môi trường biển thì các biện pháp xử lý đối với hành vi của các cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm môi trường biển cũng được quy định cụ thể, theo nguyên tắc người gây ô nhiễm môi trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại và trách nhiệm khác của pháp luật bảo vệ môi trường. Khi các nguồn ô nhiễm từ lục địa theo sông ra biển như dầu thải, nước thải chưa xử lý, hoá chất, thuốc trừ sâu…; các công trình trên biển xuất hiện ngày nhiều hơn cùng với sự buông lỏng quản lý của cơ quan nhà nước,… môi trường biển đứng trước tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Thời gian gần đây, các sự cố môi trường xảy ra ngày càng thường xuyên. Điển hình là Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải ra biển gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt dọc bốn tỉnh miền Trung, kéo theo hàng loạt hệ lụy vô cùng nghiêm trọng. Chỉ tính riêng số hải sản chết dạt vào bờ ước tính khoảng hơn 100 tấn, cuộc sống của hơn 41.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự cố này. Không chỉ vậy, hệ sinh thái cũng như đa dạng sinh học bị sụt giảm nghiêm trọng vì các rạn san hô, phù du sinh vật không thể tồn tại. Không chỉ vậy, chất lượng môi trường biển và vùng ven bờ tiếp tục suy giảm theo chiều hướng xấu. Môi trường vùng nước ven bờ đã bị ô nhiễm dầu, kẽm và chất thải sinh hoạt, nơi cư trú của các loài thủy sản cũng bị ô nhiễm, hàm lượng hoá chất bảo vệ thực vật trong mẫu sinh vật đáy ở các vùng cửa sông ven biển phía Bắc đều cao hơn giới hạn cho phép. Đa dạng sinh học động vật đáy ở các vùng cửa sông ven biển miền Bắc và thực vật nổi ở miền Trung suy giảm rõ rệt. Chính vì yêu cầu cấp bách đặt ra từ thực tiễn biển đã, đang và sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng hơn nữa, pháp luật về bảo vệ môi trường biển đang từng ngày được hoàn thiện. Các nhà làm luật đã nghiên cứu, ban hành những quy định cụ thể để hạn chế, ngăn ngừa, kiểm soát tình trạng biển bị ô nhiễm cũng như có chế tài pháp lý cụ thể đối với các hành vi vi phạm. Pháp luật về bảo vệ môi trường biển ở Việt Nam chính là sự tổng hợp của những quy phạm pháp luật đó, 8
  14. đóng góp một phần không nhỏ trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ biển nói riêng. 1.2. Nguyên tắc của pháp luật về bảo vệ môi trường biển ở Việt Nam. Ngành luật nào cũng được xây dựng dựa trên những nguyên tắc nhất định. Các nguyên tắc giống như xương sống, làm giá đỡ cho toàn bộ hệ thống pháp luật. Trong pháp luật bảo vệ môi trường biển, nguyên tắc bảo vệ môi trường biển chính là những tư tưởng chủ đạo chi phối toàn bộ hoạt động xây dựng, thực hiện pháp luật của Nhà nước và công dân, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường biển. Nguyên tắc bảo vệ môi trường được cụ thể hóa trong Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đồng thời cũng chính là các nguyên tắc chủ đạo trong bảo vệ môi trường biển ở Việt Nam. Các nguyên tắc đó là: Thứ nhất, tất cả mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ môi trường biển. “Rừng vàng, biển bạc” là câu thành ngữ bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng đã từng được nghe. Ngay từ thời xa xưa, ông cha ta đã ý thức rất rõ về vai trò của biển trong đời sống con người. Biển không chỉ mang lại nguồn lợi hải sản; cung cấp nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú; giúp cho cuộc sống của nhiều ngư dân trở nên thuận lợi hơn mà còn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch, khai thác dầu mỏ,… Biển tác động trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế và mang lại giá trị quan trọng đối với an ninh- quốc phòng của mỗi quốc gia ven biển. Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận: trong 14 cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù đối với nước ta, thì có 10 cuộc bắt đầu từ hướng biển. Có thể nói, biển và môi trường biển có một vai trò hết sức to lớn. Chính vì vậy, môi trường biển cần được bảo vệ để có thể đảm bảo cho cuộc sống của người dân cũng như lợi ích quốc gia. Trách nhiệm này không thuộc về bất kỳ tổ chức, cá nhân hay cơ quan nhà nước nào hết mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Thứ hai, phát triển kinh tế luôn luôn phải gắn với bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển để đảm bảo quyền con người được sống trong môi trường trong lành. Ngày nay, tình trạng ô nhiễm ở mức đáng báo động không chỉ 9
  15. đối với không khí, đất hay nước mà biển cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ đến từ việc phát triển kinh tế không chú trọng bảo vệ môi trường. Hàng loạt các doanh nghiệp, nhà máy ở các tỉnh, thành phố ven biển không có hệ thống xử lý chất thải, rác thải đã xả thải trực tiếp ra biển, khiến môi trường biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thu hút đầu tư có thể sẽ mang lại hệ quả tích cực đến nền kinh tế, nhưng nếu thu hút một cách tràn lan mà không xét đến yếu tố môi trường thì mỗi người dân Việt Nam hiện tại và thế hệ sau này sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. Đảng và Chính phủ cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển kinh tế bền vững. Bên cạnh đó, sống trong môi trường trong lành chính là quyền chính đáng của con người, được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế. Công ước Luật biển 1982 cũng khẳng định việc ngăn ngừa, hạn chế ô nhiễm môi trường biển chính là để giữ cho môi trường biển luôn trong lành. Ngay trong Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam ban hành ngày 28 tháng 11 năm 2013 (sau đây gọi là Hiến pháp năm 2013) cũng chỉ ra rằng: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành” (Điều 43). Đồng thời, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 của Việt Nam đã nêu rõ: bảo vệ môi trường để con người sống trong môi trường trong lành. Thứ ba, để có thể đảm bảo môi trường biển được bảo vệ, một trong những việc quan trọng đó là tài nguyên biển cần phải được sử dụng một cách hợp lý, ngăn chặn, hạn chế các hành vi gây khai thác tài nguyên biển một cách bừa bãi. Không một tài nguyên nào có thể được hình thành chỉ trong thời gian ngắn ngủi vài tháng hay vài năm mà cần rất nhiều thời gian, chính bởi vì vậy cần phải sử dụng hợp lý tài nguyên, để những thế hệ sau có thể được hưởng nguồn lợi ích từ biển. Ngoài ra, yếu tố quan trọng không thể không nhắc tới đó chính là việc quản lý chất thải. Chất thải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các ô nhiễm về môi trường biển. Khi chất thải được xả ra biển, các loài động vật, sinh vật cũng như hệ sinh thái đều bị ảnh hưởng ít hay nhiều tùy thuộc vào lượng chất thải cũng như mức độ độc hại của chất thải. 10
  16. Thứ tư, biển có đặc trưng là không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia mà ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác. Do đó, bảo vệ môi trường biển Việt Nam cần phải gắn liền với việc bảo vệ môi trường biển trong khu vực và trên toàn thế giới. Lúc này, sự hợp tác của các quốc gia là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, khi thực hiện mục tiêu ngăn ngừa ô nhiễm môi trường biển cũng phải tuân thủ không xâm phạm đến chủ quyền hay an ninh của quốc gia khác mà cần tôn trọng, không gây phương hại đến lợi ích hợp pháp của họ theo nguyên tắc chung của pháp luật quốc tế. Thứ năm, con người không thể tạo ra biển mà biển được hình thành từ tự nhiên sau quá trình dài hàng ngàn năm, do đó, bảo vệ môi trường biển phải gắn liền với các quy luật tự nhiên. Mỗi quốc gia sẽ có một cơ chế khác nhau để bảo vệ môi trường, tùy thuộc vào tình hình xã hội, kinh tế, lịch sử của họ. Thứ sáu, “hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên và ưu tiên phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường”. Nguyên tắc này được xây dựng dựa trên môi trường sẽ được bảo vệ tốt nhất thông qua nhiều biện pháp phòng ngừa thiệt hại hơn là thông qua những nỗ lực hoặc đền bù sau khi gây tổn hại cho môi trường. Các biện pháp phòng ngừa sẽ trở nên hữu hiệu hơn khi mục đích của việc thực hiện là giảm thiểu các nguồn tổn hại cho môi trường biển thay vì giải quyết những hậu quả đã bị gây ra. Do đó, bảo vệ môi trường biển không phải là việc chỉ làm trong một thời gian rồi để đó mà cần được tiến hành thường xuyên, có như vậy thì mới hạn chế được những sự cố môi trường xảy ra. Thứ bảy, môi trường biển mang lại vô số nguồn lợi ích cho con người và con người cũng đang khai thác một lượng lớn tài nguyên từ biển nhưng trong quá trình khai thác ấy, hoạt động của con người cũng đã để lại cho môi trường nhiều tác động xấu, gây ô nhiễm. Chính vì vậy, bất kỳ ai được hưởng lợi từ môi trường biển nên có nghĩa vụ đóng góp tài chính để hạn chế các tác động do hành vi khai thác của mình gây ra. “Có qua có lại” là nguyên tắc hoàn toàn có thể thực hiện được. 11
  17. Cuối cùng đó là khi cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm môi trường thì phải có biện pháp khắc phục, giảm thiểu tối đa tác động do hành vi của mình gây ra. Hiến pháp năm 2013 đã chỉ ra rằng: “Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại” (Khoản 3 Điều 63). 1.3. Pháp luật bảo vệ môi trường biển của một số quốc gia trên thế giới. 1.3.1. Pháp luật Trung Quốc. Trung Quốc là quốc gia có điều kiện địa lý về biển rất thuận lợi, với đường bờ biển dài 18.000 km, nếu mở rộng ra Đài Loan và Hải Nam thì chiều dài bờ biển của Trung Quốc lên đến 30.000 km, với tổng diện tích mặt biển khoảng hơn 3 triệu km². Dựa trên bề dày lịch sử khai thác biển (khoảng 5.000 năm trước đây) với nghề khai thác muối biển, Trung Quốc đã sớm quan tâm đến việc xây dựng pháp luật về bảo vệ môi trường biển. [39, tr.61] Luật Bảo vệ môi trường biển của Trung Quốc gồm 10 Chương, 98 Điều. Ngoài những quy định chung về phạm vi áp dụng, cơ quan có trách nhiệm bảo vệ môi trường biển,…, nội dung liên quan đến việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển cũng được đề cập đến. Trung Quốc hết sức coi trọng công tác phòng ngừa và xử lý ô nhiễm biển. Kể từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX đến nay, chiến lược bảo vệ môi trường biển đã được đề ra, quy định những quy tắc và căn cứ cơ bản trong việc bảo vệ môi trường biển, từng bước kiện toàn cơ chế quản lý, phân công trách nhiệm cụ thể giữa các ngành, các cấp và các địa phương để bảo vệ tốt môi trường biển. Pháp luật về bảo vệ môi trường biển ở Trung Quốc có một số nội dung đáng chú ý đó là: Thứ nhất, pháp luật quy định cụ thể về cơ quan chuyên trách từ Trung ương đến địa phương có trách nhiệm trong tiến hành các công tác bảo vệ môi trường biển. Ngay từ năm 1949, Tiểu ban lãnh đạo nghiên cứu phát triển, bảo vệ tài nguyên biển thuộc Cục Hải dương quốc gia, nhóm chuyên gia nghiên cứu phát triển bảo vệ tài nguyên biển toàn quốc (đều thuộc Quốc vụ viện), các cơ quan quản lý biển ở các tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước và các đơn vị kế 12
  18. hoạch kinh tế độc lập đã được thành lập. Cơ chế quản lý biển kết hợp giữa nhà nước trung ương và địa phương cũng được xác lập nhằm tạo điều kiện phát triển lĩnh vực kinh tế biển. [39, tr.61] Thứ hai, cách thức để ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển gây ra bởi các Dự án xây dựng vùng bờ biển cũng được quy định rõ ràng. Những Dự án này phải có biện pháp xử lý ô nhiễm đạt chuẩn, áp dụng biện pháp cần thiết để bảo vệ các loài động thực vật hoang dã và môi trường sống của chúng. Thứ ba, các Dự án xây dựng biển phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường biển. Ví dụ như: dầu phế thải và phế thải từ những giếng khoan ngoài khơi không được phép xả ra biển, việc thăm dò và khai thác dầu khí phải được xây dựng kế hoạch dự phòng tràn dầu,… Thứ tư, các tàu hoạt động trên vùng biển, cảng, bến tàu,… phải được trang bị đầy đủ thiết bị, phương tiện phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển. Ngoài ra, những hoạt động liên quan đến sửa chữa tàu, phá dỡ tàu, sử dụng hóa chất cho việc vệ sinh tàu,… cũng cần báo cáo và được sự cho phép của cơ quan chức năng. Cuối cùng, về trách nhiệm pháp lý khi cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm, gồm có: trách nhiệm hành chính; trách nhiệm bồi thường thiệt hại và trách nhiệm hình sự. [42, tr.61] Có thể nói, Luật bảo vệ môi trường biển Trung Quốc khá đầy đủ, chi tiết. Nhưng nội dung liên quan đến ngăn ngừa ô nhiễm biển do dầu từ các tàu hoạt động trên biển được cụ thể ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau nên không đảm bảo tính thống nhất. Bên cạnh hạn chế đó thì ưu điểm đó là Trung Quốc có cơ quan chuyên trách là Tòa án Hàng hải, chủ yếu giải quyết các vụ kiện liên quan đến bồi thường thiệt hại do sự cố ô nhiễm dầu gây ra. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi pháp luật Trung Quốc, xây dựng một Tòa án để đảm nhận vai trò giải quyết các vụ kiện về bồi thường do sự cố tràn dầu. Từ đó, giúp pháp luật bảo vệ môi trường biển của Việt Nam hoàn thiện hơn. 13
  19. Bên cạnh việc ban hành Luật bảo vệ môi trường biển, đến nay Trung Quốc đã ban hành nhiều văn bản khác nhau nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển đi đôi với việc bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển, có thể kể đến như Luật về thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Trung quốc, Qui định quản lý sử dụng và bảo vệ đảo không có cư dân… 1.3.2. Pháp luật Canada. Canada là một quốc gia có diện tích tự nhiên lớn với ba mặt giáp biển, tổng diện tích vùng biển khoảng 3 triệu km2 và khoảng 24% tổng dân số sinh sống dọc bờ biển. Biển từ lâu đã trở thành một lợi thế to lớn cho việc phát triển kinh tế- xã hội ở Canada. Do sự phát triển của khoa học- công nghệ, sự gia tăng mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư cho các hoạt động khai thác, tài nguyên biển dần dần cạn kiệt, môi trường biển bị đe dọa bởi các nguồn ô nhiễm. Chính vì vậy, Chính phủ Canada phải xây dựng một hệ thống pháp luật, chính sách biển. Việc xây dựng chính sách biển quốc gia Canada được bắt đầu bằng việc xây dựng Luật biển Canada (Canada’s Ocean Act) (được Nghị viện thông qua ngày 18 tháng 12 năm 1996 và có hiệu lực từ ngày 31 tháng 01 năm 1997). Đạo luật gồm ba nội dung lớn về: xác định vùng biển của Canada; Chiến lược quản lý bờ biển và các quy định về quyền hạn, nhiệm vụ, chức năng của Bộ trưởng. Việc xác định vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được quy định hết sức rõ ràng, chi tiết. Không chỉ dừng lại ở đó, Luật Biển Canada còn quy định về thẩm quyền của Tòa án ngay ở phần đầu tiên. Về Chiến lược quản lý bờ biển, quy định việc áp dụng phương pháp quản lý tổng hợp đối với các vùng biển, nhấn mạnh sự hợp tác và hỗ trợ về chính sách và chương trình quản lý giữa các cơ quan và các chủ thể liên quan. Đồng thời, Chiến lược biển quốc gia Canada xác định rõ ba mục tiêu lớn trong quản lý biển; đó là: hiểu biết và bảo vệ môi trường biển; hỗ trợ các cơ hội phát triển kinh tế 14
  20. bền vững; và nâng cao vị thế về biển của Canada trên trường quốc tế. Để đạt được các mục tiêu này, Chiến lược cũng đã đề ra nguyên tắc chủ đạo cần phải tuân theo trong quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình quản lý biển; bao gồm: nguyên tắc quản lý tổng hợp; nguyên tắc phát triển bền vững; nguyên tắc cẩn trọng. Bên cạnh những nguyên tắc này, còn có một số nguyên tắc khác như: nguyên tắc quản lý dựa vào hệ sinh thái, nguyên tắc quản lý dựa vào khoa học. Để thực hiện quản lý biển, Chiến lược biển cũng đề ra các phương hướng hoạt động như: thiết lập một cơ chế và bộ máy cho sự liên kết và hợp tác giữa các chủ thể liên quan; tăng cường hoạch định quản lý tổng hợp cho tất cả các vùng biển của Canada kể cả các vùng ven biển; tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về quản lý biển, vận động các tầng lớp dân cư cùng với Nhà nước tham gia vào việc quản lý biển nhằm hướng đến những mục tiêu chung của đất nước. [41, tr.61] Trên cơ sở kinh nghiệm của Canada, Việt Nam cần xây dựng chính sách, pháp luật quản lý biển phù hợp và xác định các vùng biển của quốc gia là bước đầu tiên để thực hiện điều đó. Mặc dù, Tuyên bố ngày 12 tháng 07 năm 1977 của Chính phủ về cơ bản đã xác định được các vùng biển của Việt Nam, nhưng Tuyên bố này chỉ là văn bản do cấp Chính phủ ban hành và không đề cập đến vấn đề quản lý các vùng biển Việt Nam. Vì vậy, từ sự học hỏi pháp luật của Canada, Việt Nam nên xây dựng một đạo luật để quy định khung pháp lý cho quản lý biển ở mức độ vĩ mô. Đạo luật này sẽ quy định những nguyên tắc quản lý biển; phương hướng xây dựng chính sách biển quốc gia; thành lập cơ quan liên ngành với chức năng xây dựng và thực hiện các kế hoạch quản lý biển…[39, tr.61] 15
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
8=>2