KINH TẾ HỌC VỀ CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG
lượt xem 9
download
Hiệu quả xã hội là một khái niệm chuẩn tắc trong kinh tế học. Đó là dạng tuyên bố “điều đó sẽ là gì”. Nghiên cứu yếu tố tác động đến chính sách công giải quyết các vấn đề môi trường là một dạng kinh tế học chuẩn tắc. Các mục tiêu chính sách cần bao nhiêu SO2 trong không khí, bao nhiêu phốt phát trong hồ nước, hoặc bao nhiêu lượng chất độc hại trong đất và làm thế nào thực hiện được các mục tiêu này? Kinh tế học thực chứng nghiên cứu các sự kiện thực tế...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: KINH TẾ HỌC VỀ CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG
- CHƯƠNG 5 KINH TẾ HỌC VỀ CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG Chương 4 chỉ ra rằng khi có ngoại tác, tài nguyên tự do tiếp cận, hoặc hàng hóa công, hệ thống thị trường sẽ không đạt được trạng thái cân bằng hiệu quả xã hội. Hiệu quả xã hội là một khái niệm chuẩn tắc trong kinh tế học. Đó là dạng tuyên bố “điều đó sẽ là gì”. Nghiên cứu yếu tố tác động đến chính sách công giải quyết các vấn đề môi trường là một dạng kinh tế học chuẩn tắc. Các mục tiêu chính sách cần bao nhiêu SO2 trong không khí, bao nhiêu phốt phát trong hồ nước, hoặc bao nhiêu lượng chất độc hại trong đất và làm thế nào thực hiện được các mục tiêu này? Kinh tế học thực chứng nghiên cứu các sự kiện thực tế đã xảy ra như thế nào, khó khăn nào cần vượt qua. Sản lượng thị trường thực tế và giá tương ứng của nó là các vấn đề nghiên cứu của kinh tế học thực chứng. Các câu hỏi đại loại như một nhóm nhà máy nhiệt điện nào đó phát thải ra bao nhiêu sulphur đioxít (SO2) và yếu tố nào quyết định lượng nhiên liệu sử dụng là các câu hỏi của kinh tế học thực chứng. Một số bước tổng quát trong phân tích chính sách chuẩn tắc: 1. Nhận dạng mức mục tiêu chất lượng môi trường. Mức mục tiêu có thể dựa vào mức phát thải hoặc mức tích tụ chất thải trong môi trường. 2. Quyết định phân chia các mức mục tiêu chất lượng môi trường này cho các nhà sản xuất như thế nào. 3. Quyết định các công cụ chính sách để đạt được mức mục tiêu. Phần 4 sẽ khảo sát kỹ các công cụ chính sách này. 4. Đặt câu hỏi nên phân phối lợi ích và chi phí của chương trình môi trường như thế nào và sự phân phối này có hợp lý hay không. Phần 3 sẽ đề cập đến các phương pháp tính lợi ích và chi phí. Chương này tập trung vào bước đầu tiên: xác định mức mục tiêu chất lượng môi trường. Xây dựng chính sách môi trường có hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc có được dữ liệu các biến số kinh tế và kỹ thuật đúng đắn hay không. Chất gây ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường như thế nào? Nhà sản xuất và người tiêu dùng phản ứng như thế nào với các chính sách? Trong nhiều trường hợp, chúng ta biết nhiều về phản ứng của nhà sản xuất và người tiêu dùng hơn là mối liên kết giữa chất gây ô nhiễm và chất lượng môi trường. Mặc dù khoa học môi trường ngày càng khám phá ra nhiều điều về mối liên kết này nhưng vẫn còn rất nhiều dữ kiện không chắc chắn. Các nhà khoa học chưa hiểu hết các tác động khác nhau của chất gây ô nhiễm lên môi trường. Có thể kể một số ví dụ về sự không chắc chắn khoa học này – chẳng hạn như các tranh luận về nguyên nhân gây hiện tượng thay đổi khí hậu, hợp chất nào trong nước thải của nhà máy giấy gây bệnh cho các bãi nuôi sò. Barry Field & Nancy Olewiler 107
- MỨC Ô NHIỄM MỤC TIÊU – MÔ HÌNH TỔNG QUÁT Chẳng có một chính sách công riêng lẻ nào có thể giải quyết được tất cả các vấn đề môi trường khác nhau. Nhưng chúng ta có thể dùng một mô hình đơn giản để xây dựng nền tảng cho bất kỳ tình huống chính sách nào. Mô hình này thể hiện một sự đánh đổi đơn giản thường áp dụng cho tất cả các hoạt động kiểm soát ô nhiễm. Một mặt việc giảm chất thải góp phần làm giảm thiệt hại mà con người phải gánh chịu do ô nhiễm môi trường; mặt khác, việc giảm chất thải lại sử dụng những nguồn lực lẽ ra có thể được dùng vào việc khác. Ví dụ, giảm phát thải sulphur điôxít của một nhà máy nhiệt điện sẽ làm giảm ô nhiễm không khí và lắng tụ axít. Chất lượng môi trường sẽ tăng và làm lợi cho con người và hệ sinh thái. Nhưng để giảm phát thải, nhà máy phải lắp đặt thiết bị giảm ô nhiễm hoặc chuyển qua dùng nhiên liệu chứa ít sulphur hơn (chẳng hạn khí thiên nhiên). Điều này làm tăng chi phí sản xuất. Nếu nhà máy có thể chuyển chi phí này cho khách hàng gánh chịu, giá điện sẽ tăng. Người tiêu dùng sẽ tiêu dùng ít hàng hóa hơn. Mô hình đơn giản trong chương này sẽ trình bày dạng đánh đổi như thế này. Thiệt hại do ô nhiễm Nói thiệt hại do ô nhiễm là nói đến tất cả những tác động bất lợi mà người sử dụng môi trường phải gánh chịu do suy thoái môi trường. Ví dụ một nhà máy đưa chất thải vào dòng sông làm ngộ độc các loài thủy sản, làm con người không thể sử dụng cá bắt được từ dòng sông này nữa. Chất độc nhiễm vào cá bắt đầu tham gia vào chuỗi thức ăn, làm ngộ độc các loài khác ăn những con cá bị nhiễm độc ban đầu – chẳng hạn như chim đại bàng hoặc chim ưng. Các thành phố ở lưu vực sông phải bỏ thêm chi phí để xử lý độc tố ra khỏi nguồn nước sinh hoạt v.v. Ô nhiễm không khí gây thiệt hại đến sức khỏe con người. Các ca tử vong tăng lên từ bệnh ung thư phổi, viêm phổi kinh niên đều liên quan đến mức độ các chất ô nhiễm không khí tăng cao, như sunphua điôxít, sợi amiăng, phóng xạ radon. Ô nhiễm không khí còn gây thiệt hại vật chất – làm xuống cấp vật liệu (ví dụ, các công trình điêu khắc ngoài trời ở thành phố Florence có từ thời Phục Hưng nay phải đem vào bảo quản trong nhà do ô nhiễm không khí) hoặc làm hạn chế tầm nhìn. Ngoài những thiệt hại gây ra cho con người, sự hủy hoại môi trường có thể gây ra ảnh hưởng quan trọng đối với nhiều yếu tố khác của hệ sinh thái. Các ảnh hưởng đó, như sự hủy hoại thông tin di truyền ở những loài động thực vật sắp bị tuyệt chủng, rốt cuộc sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với nhân loại. Đánh giá giá trị thiệt hại môi trường là một trong những công việc hàng đầu của các nhà khoa học môi trường và các nhà kinh tế học môi trường, và chúng ta sẽ bàn vấn đề này trong chương 7. Nói chung, ô nhiễm càng nhiều thì thiệt hại gây ra càng lớn. Để mô tả mối quan hệ giữa ô nhiễm và thiệt hại, chúng ta sẽ dùng khái niệm hàm thiệt hại. Một hàm thiệt hại thể hiện mối quan hệ giữa số lượng chất thải và giá trị thiệt hại của chất thải đó. Có các dạng hàm số thiệt hại khác nhau: Hàm thiệt hại theo lượng phát thải (Emission damage functions) thể hiện mối quan hệ giữa lượng phát thải từ một hoặc nhiều nguồn nào đó và thiệt hại môi trường gây ra từ lượng phát thải đó. Barry Field & Nancy Olewiler 108
- Hàm thiệt hại theo mức độ tích tụ (Ambient damage functions) thể hiện mối quan hệ giữa mức độ tích tụ của chất thải trong môi trường xung quanh và thiệt hại gây ra. Hàm thiệt hại biên (Marginal damage functions) thể hiện mức thay đổi thiệt hại từ sự thay đổi một đơn vị phát thải hay một đơn vị mức độ tích tụ. Tổng thiệt hại (Total damages) là tổng thiệt hại tại mỗi mức phát thải. Trong chương này chúng ta sẽ tập trung phát triển mô hình tổng quát bằng hàm thiệt hại biên. Các hình dạng hàm thiệt hại biên Hình 5-1 minh họa nhiều dạng hàm thiệt hại biên khác nhau. Hai hàm trên cùng là các hàm thiệt hại biên theo lượng phát thải; trục hoành thể hiện lượng phát thải vào môi trường trong một khoảng thời gian nào đó. Sử dụng các đơn vị chính xác (pound, tấn v.v.) trong bất cứ trường hợp cụ thể nào phụ thuộc vào từng chất ô nhiễm liên quan. Trục tung thể hiện thiệt hại môi trường dưới dạng tiền tệ. Xét theo những con số thực tế, thiệt hại môi trường có thể bao gồm nhiều loại tác động khác nhau: số km bờ biển bị ô nhiễm, số người nhiễm bệnh phổi, số lượng động vật bị tiêu diệt, lượng nước bị nhiễm bẩn v.v. Tất cả mọi trường hợp ô nhiễm môi trường thường bao gồm nhiều hình thức tác động khác nhau, bản chất của những tác động này phụ thuộc vào chất gây ô nhiễm có liên quan cũng như thời gian và địa điểm phát thải. Để xem xét những tác động này một các toàn diện, ta cần phải gộp chúng thành một đại lượng đơn nhất. Ta sử dụng đơn vị tiền tệ cho mục đích này. Đôi khi ta có thể dễ dàng biểu diễn thiệt hại bằng đơn vị tiền tệ; chẳng hạn dễ dàng biết người ta chi bao nhiêu tiền cho chi phí phòng ngừa để tránh bị tác hại của ô nhiễm (ví dụ lắp lớp cách âm dày hơn để tránh tiếng ồn; mua kính đeo mắt, quần áo bảo vệ ngăn ngừa tác hại tia cực tím; mua nước uống đóng chai khi hệ thống nước máy bị nhiễm bẩn). Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, thường rất khó đánh giá giá trị thiệt hại biên (chúng ta sẽ khảo sát kỹ trong chương 7). Hàm thiệt hại biên theo lượng phát thải ở biểu đồ (a) hình 5-1 cho thấy những thiệt hại biên ban đầu chỉ tăng vừa phải nhưng sau đó lại tăng nhanh hơn khi lượng chất thải ngày càng nhiều. Các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học môi trường và kinh tế học cho thấy dường như đây là dạng đường biểu diễn tiêu biểu của nhiều loại chất gây ô nhiễm. Khi lượng chất thải ít, thiệt hại biên có thể tương đối nhỏ; mức độ tích tụ chất gây ô nhiễm ở môi trường xung quanh thấp đến nỗi chỉ có những người nhạy cảm nhất trong cộng đồng dân cư mới bị ảnh hưởng. Nhưng khí lượng phát thải tăng lên, các mức thiệt hại cũng tăng vọt, và khi lượng phát thải tăng cao hơn nữa, mức thiệt hại biên trở nên rất cao bởi vì các tác động môi trường ngày càng phát tán và trầm trọng. Biểu đồ (b) thể hiện một hàm thiệt hại biên theo lượng phát thải có hình dạng gần giống như trong biểu đồ (a) (tức là cho thấy thiệt hại biên tăng dần), nhưng bắt đầu ở mức cao hơn trên trục tung và tăng nhanh hơn. Biểu đồ này có thể biểu diễn một chất độc có ảnh hưởng chết người ngay cả khi lượng phát thải rất thấp. Hai biểu đồ dưới cùng trong hình 5-1 là các hàm thiệt hại biên theo mức độ tích tụ. Trục tung thể hiện giá trị tiền tệ của các mức thiệt hại, và trục hoành chỉ mức độ tích tụ chất ô nhiễm trong môi trường xung quanh, chẳng hạn đơn vị là phần triệu (ppm). Biểu đồ (c) thể hiện một hàm phức tạp, tăng ở những mức độ tích tụ thấp, sau đó có xu hướng biến thiên Barry Field & Nancy Olewiler 109
- đều cho đến khi đạt đến những mức tích tụ cao hơn nhiều thì các mức thiệt hại tăng nhanh hơn. Hàm số này có thể đúng với những chất chẳng hạn như một chất ô nhiễm không khí ở mức độ tích tụ tương đối thấp đã gây ra thiệt hại rõ rệt đối với một số người nhạy cảm và ở mức tích tụ tương đối cao thì gây ra thiệt hại cho tất cả mọi người, trong khi ở chặng giữa thiệt hại biên không tăng nhanh. Biểu đồ (d) thể hiện một hàm thiệt hại biên theo mức độ tích tụ bắt đầu từ bên phải của gốc tọa độ rồi sau đó tăng tuyến tính theo mức độ tích tụ trong môi trường xung quanh. Hình 5-1: Các hàm thiệt hại biên tiêu biểu (a) (b) Thiệt Thiệt h ại h ại $ $ Lượng chất thải (tấn/năm) Lượng chất thải (kg/năm) (c) (d) Thiệt Thiệt h ại h ại $ $ Mức độ tích tụ (ppm) Mức độ tích tụ (ppm) Các hình trên biểu diễn hàm thiệt hại biên theo lượng phát thải và theo mức độ tích tụ. Biểu đồ (a) và (b) thể hiện hàm phát thải, biểu đồ (c) và (d) là hàm mức độ tích tụ. Hàm thiệt hại biên minh họa các độ dốc đường thiệt hại biên khác nhau, phụ thuộc vào loại phát thải và địa điểm phát thải. Các biểu đồ (a) và (d) minh họa một đặc tính trên thực tế còn nhiều tranh cãi. Chúng có các mức ngưỡng: là những trị số của lượng phát thải và mức độ tích tụ trong môi trường xung quanh mà dưới những trị số đó thì thiệt hại biên bằng không. Như vậy, chất gây ô nhiễm có thể tăng đến những mức ngưỡng này mà không làm cho các mức thiệt hại tăng lên chút nào. Như ta sẽ thấy trong các chương kế tiếp, việc giả định có hay không một mức ngưỡng trong hàm thiệt hại của một số chất ô nhiễm nào đó có ảnh hưởng quan trọng đối với chính sách kiểm soát môi trường trong thực tế. Đã có rất nhiều lý lẽ hùng hồn bảo vệ việc hàm thiệt hại cho một loại chất ô nhiễm nào đó có hay không có các mức ngưỡng. Hàm thiệt hại biên: Các đặc tính Hàm thiệt hại biên là yếu tố chủ yếu trong các phân tích chính sách chuẩn tắc. Phần này sẽ khảo sát các đặc tính của hàm thiệt hại biên. Mặc dù có thể phân tích hàm thiệt hại theo lượng phát thải hoặc theo mức độ tích tụ, chúng ta sẽ sử dụng hàm theo lượng phát thải vì sẽ dễ thiết lập các chính sách kiểm soát ô nhiễm hơn khi nhận dạng được nguồn phát thải. Trong khi hình 5-1 thể hiện các hàm thiệt hại biên phi tuyến, trong phần còn lại của chương này và các chương tiếp theo, chúng ta sẽ sử dụng hàm thiệt hại tuyến tính để dễ Barry Field & Nancy Olewiler 110
- dàng tính toán minh họa. Hình 5-2 thể hiện hai hàm thiệt hại biên có lượng phát thải ở trục hoành theo đơn vị phát thải trên mỗi đơn vị thời gian. Để đơn giản việc phân tích chúng ta có 2 giả thiết: Chất ô nhiễm là đơn chất, không tích tụ và được phân bổ đều. Không có mức ngưỡng, nghĩa là mỗi hàm thiệt hại biên đều xuất phát từ gốc tọa độ. Chúng ta sẽ thay đổi các giả thiết này trong mục 4 và 5. Trong khi đọc phần này, hãy nghĩ kết quả của chúng ta sẽ thay đổi như thế nào nếu chất thải là không tích lũy hoặc không có ngưỡng. Hàm thiệt hại biên được ký hiệu là MD và mức phát thải là E, được mô tả bằng các hàm số sau: MD1 = 0.4E MD2 = 0.6E Đầu tiên xem xét hàm MD1. Một đặc tính chủ yếu của hàm này là mối quan hệ giữa thiệt hại biên và tổng thiệt hại. Chiều cao của đường thiệt hại biên thể hiện tổng thiệt hại biến đổi bao nhiêu nếu lượng phát thải thay đổi một mức nhỏ. Khi mức phát thải là E1 = 30, thiệt hại biên là $12. Nếu mức phát thải tăng 1 tấn, từ 30 lên 31 tấn, thiệt hại cho người tiếp xúc với lượng phát thải này tăng $12; tương tự, nếu lượng chất thải giảm một lượng nhỏ, tổng thiệt hại sẽ giảm $12. Bởi vì chiều cao của đường MD, đo trên trục tung y, đo lường mức thiệt hại biên, diện tích dưới đường này giới hạn bởi tung độ gốc và mức phát thải thể hiện tổng thiệt hại của mức chất thải này. Trong trường hợp đường thiệt hại biên MD1 và mức phát thải 30 tấn, tổng thiệt hại là diện tích b, là một tam giác có diện tích $180 (30×$12). Tại mức phát thải 30 tấn, thiệt hại biên của MD2 là $18 và tổng thiệt hại là diện tích (a+b) = $270. Do đó: Tổng thiệt hại của một mức phát thải cho trước là diện tích dưới đường MD giới hạn từ gốc 0 đến mức phát thải đó. Barry Field & Nancy Olewiler 111
- Hình 5-2: Hàm thiệt hại biên cho chất ô nhiễm không tích lũy và không có mức ngưỡng $ 20 MD2 16 MD1 12 a 8 4 b 5 10 15 20 25 30 35 Chất thải (tấn/năm) Đồ thị trên thể hiện hai hàm thiệt hại biên. Trục tung biểu diễn giá trị thiệt hại biên của mỗi loại chất thải. Nếu lượng chất thải là 30 tấn, thiệt hại biên cho MD1 là $12, với MD2 là $18. Tổng giá trị thiệt hại được tính bằng diện tích dưới đường MD, từ gốc đến mức phát thải đang xem xét. Tại mức phát thải 30 tấn, tổng thiệt hại là diện tích b=$180 đối với MD1 và diện tích (a+b) = $270 đối với MD2. Những yếu tố nào giải thích cho sự khác biệt giữa MD1 và MD2 trong hình 5-2? MD2 có thể là tình huống có rất nhiều người bị một chất ô nhiễm ảnh hưởng, chẳng hạn như ở khu vực đô thị, trong khi MD1 có thể áp dụng cho khu vực nông thôn ít người; nghĩa là ít người thì ít thiệt hại. Một khả năng khác là, các hàm số này có thể áp dụng chung cho một nhóm người, nhưng ở vào những thời điểm khác nhau. Hàm thiệt hại biên MD2 có thể là tình huống khi có sự nghịch chuyển nhiệt độ làm chất thải bị giữ lại trong thành phố và tạo ra mức tích tụ chất thải tương đối cao. MD1 có thể là hàm thiệt hại trong điều kiện gió bình thường do đó hầu hết chất thải bị thổi ra ngoài thành phố. Như vậy, cùng lượng chất thải ở hai thời điểm khác nhau có thể tạo ra những mức thiệt hại rất khác biệt do những cơ chế vận hành của môi trường thiên nhiên. Bây giờ chúng ta sẽ xem xét khía cạnh còn lại của mối quan hệ đánh đổi – chi phí kiểm soát chất thải. Có hai câu hỏi: Tại sao mức phát thải mục tiêu không bằng không? Có cần phải luôn luôn xem xét chi phí? Chi phí giảm ô nhiễm Chi phí giảm ô nhiễm là những chi phí để giảm lượng chất thải vào môi trường, hoặc chi phí làm giảm bớt mật độ tích tụ trong môi trường xung quanh. Xét trường hợp nhà máy bột giấy nằm ở thượng nguồn dòng sông. Nhà máy này tạo ra một lượng lớn chất thải hữu cơ. Cách rẻ nhất để giải quyết lượng chất thải này là đổ chúng xuống sông. Nhưng nhà máy cũng có thể giảm lượng phát thải này bằng những công nghệ kiểm soát ô nhiễm hoặc thay đổi quá trình sản xuất (ví dụ dùng công nghệ tẩy không có clo). Chi phí thực hiện các hoạt động này được gọi là “chi phí giảm ô nhiễm”, bởi vì đó là chi phí gián tiếp làm giảm hay giảm trực tiếp lượng chất thải đổ xuống sông. Có nhiều cách để giảm lượng phát thải như Barry Field & Nancy Olewiler 112
- thay đổi công nghệ sản xuất, chuyển đổi nguồn nhập lượng, tái chế chất thải, xử lý chất thải, loại bỏ một địa điểm v.v. Chi phí giảm ô nhiễm thường mỗi nguồn mỗi khác, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Chi phí giảm lượng thải SO2 từ một nhà máy điện hẳn nhiên sẽ khác với chi phí giảm khói độc hại từ các nhà máy hoá chất. Ngay cả đối với những nguồn tạo ra cùng loại chất thải, chi phí giảm ô nhiễm cũng có thể khác nhau do có những khác biệt về đặc điểm công nghệ của quá trình vận hành. Có nguồn tương đối mới, sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại, trong khi có nguồn lại sử dụng công nghệ cũ gây ô nhiễm nhiều hơn. Có thể biểu diễn hàm chi phí giảm ô nhiễm bằng đại số và bằng đồ thị. Ta thể hiện ý tưởng này bằng cách sử dụng khái niệm chi phí giảm ô nhiễm biên.1 Đơn vị trên các trục vẫn như cũ: lượng chất gây ô nhiễm trên trục hoành, và giá trị tiền tệ trên trục tung. Chi phí giảm chất thải biên thể hiện chi phí tăng thêm để giảm được một đơn vị chất thải, hay nói cách khác là chi phí tiết kiệm nếu lượng chất thải tăng lên một đơn vị. Trên trục hoành, các đường chi phí giảm ô nhiễm biên xuất phát từ lượng chất thải không được kiểm soát, tức là lượng chất thải trước khi thực hiện bất cứ hành động kiểm soát nào. Nói chung, chúng hướng lên phía trên về bên trái, cho thấy chi phí giảm ô nhiễm biên tăng dần. Trong chương 3, chúng ta đã thấy đường chi phí biên hướng lên trên về bên phải. Đường chi phí giảm ô nhiễm biên đi theo chiều ngược lại bởi vì sản phẩm chúng ta sản xuất ở đây lại là lượng chất thải giảm. Điểm mấu chốt cần ghi nhớ khi xem xét các hình vẽ trong mô hình tổng quát là Chúng ta đọc lượng chất thải từ bên trái sang phải dọc theo trục hoành, và đo lường lượng ô nhiễm giảm từ phải qua trái. Hình 5-3 minh họa ba hàm chi phí giảm ô nhiễm biên phi tuyến khác nhau mà chúng ta có thể thấy trong thực tế. Gọi MAC là chữ viết tắt đại diện cho chi phí giảm ô nhiễm biên. Biểu đồ (a): Đường MAC tăng lên rất ít khi giảm những lượng chất thải đầu tiên, nhưng sau đó tăng lên rất nhanh khi lượng chất thải trở nên tương đối ít. Biểu đồ (b): Đường MAC tăng liên tục. Biểu đồ (c): Đường MAC có chiều hướng giảm trong giai đoạn ban đầu, sau đó lại tăng dần. Hàm này có thể đại diện cho một tình huống trong đó chỉ có thể cắt giảm những lượng nhỏ ban đầu bằng các phương tiện kỹ thuật đòi hỏi phải đầu tư ban đầu rất lớn. Đối với những mức cắt giảm cao hơn, chi phí giảm ô nhiễm biên thực tế có thể giảm xuống khi người ta sử dụng những kỹ thuật này triệt để hơn. Tuy nhiên cuối cùng chi phí giảm ô nhiễm sẽ tăng. 1 Hàm chi phí giảm ô nhiễm biên là đạo hàm bậc một của hàm tổng chi phí giảm ô nhiễm. Barry Field & Nancy Olewiler 113
- Hình 5-3: Các hàm chi phí giảm ô nhiễm biên tiêu tiểu (a) (b) (c) $ $ $ Chất thải Chất thải Chất thải Các biểu đồ trên minh họa đường chi phí giảm ô nhiễm biên. Trong biểu đồ (a), khi mới giảm chất thải, chi phí tăng rất chậm, sau đó khi giảm nhiều hơn thì chi phí tăng nhanh. Biểu đồ (b) cho thấy chi phí tăng tương đối đều khi lượng chất thải giảm. Biểu đồ (c) cho thấy khi mới giảm lượng chất thải, chi phí biên giảm do tính quy mô kinh tế của công nghệ giảm ô nhiễm. Cuối cùng chi phí biên sẽ tăng khi lượng chất thải giảm dần về 0. Các đặc tính của hàm chi phí giảm ô nhiễm biên Để khảo sát các đặc tính của chi phí giảm ô nhiễm biên, ta hãy xem xét Hình 5-4; hình này thể hiện hai đường MAC co hàm số tuyến tính như sau: MAC1 = 60 – 4E MAC2 = 75 – 5E Từ hình vẽ (hay cho MAC = 0 trong mỗi phương trình và giải ra E), ta có thể thấy mức phát thải khi chưa có kiểm soát là 15 tấn mỗi tháng cho cả hai nguồn. Từ mức 15 tấn này, các đường MAC hướng lên trên về bên trái. Điều này có nghĩa chi phí giảm ô nhiễm biên tăng khi lượng phát thải giảm. Tại mức phát thải 10 tấn một tháng, MAC1 =$20 và MAC2 =$25. Khi giảm lượng phát thải đến 0, chi phí giảm ô nhiễm cho đơn vị cuối cùng này là $60 đối với nhà máy 1 và $75 đối với nhà máy 2. Do đó, càng giảm lượng phát thải nhiều, chi phí giảm thải biên càng lớn. Chú ý rằng khi vẽ hàm số tuyến tính cắt trục tung, chúng ta giả sử rằng tồn tại công nghệ giảm ô nhiễm đến mức bằng 0 với một chi phí nhất định. Nếu đường MAC trông giống biểu đồ (a) trong hình 5-3, không có công nghệ nào có thể giảm mức ô nhiễm bằng 0. Dĩ nhiên cũng còn một cách mà người gây ô nhiễm có thể giảm lượng phát thải xuống bằng 0, đó là ngừng hoạt động gây ra ô nhiễm, nghĩa là đóng cửa nhà máy hoặc thay đổi sản phẩm sản xuất, và cuối cùng gây ra ảnh hưởng kinh tế rất lớn. Nếu nguồn gây ô nhiễm chỉ là một nhà máy nhỏ trong một ngành công nghiệp lớn có nhiều nhà máy tương tự, chi phí thực từ việc đóng cửa nhà máy là không lớn. Thực sự, điều này ảnh hưởng rất ít đến giá cả hàng hóa, mặc dù cũng có một số tác động đáng kể lên việc làm và phúc lợi của cộng đồng địa phương. Nhưng nếu chúng ta đề cập đến chi phí giảm ô nhiễm biên cho cả ngành công nghiệp – chẳng hạn ngành công nghiệp hóa dầu ở Ontario hay Alberta – thì giải pháp đóng cửa để giảm ô nhiễm xuống bằng không là một giải pháp rất đắt giá. Như bất kỳ đồ thị biên nào, chúng ta có thể ước lượng cả giá trị biên tế và tổng giá trị. Nếu lượng phát thải hiện tại là 10 tấn/tháng, giá trị trên trục tung cho biết chi phí biên để có Barry Field & Nancy Olewiler 114
- thêm một đơn vị chất thải giảm được. Khu vực dưới đường MAC, giới hạn bởi điểm phát thải ban đầu là 15 tấn/tháng và bất cứ mức phát thải nào chính là tổng chi phí giảm thải đến mức phát thải đó. Đối với MAC1, tổng chi phí giảm ô nhiễm để có được mức phát thải 10 tấn/tháng bằng diện tích b = $50 (diện tích tam giác = 1/2×5×$20). Tổng chi phí giảm ô nhiễm của nhà máy 2 là diện tích a+b = $62,5 (diện tích tam giác = 1/2×5×$25). Điểm mấu chốt cần nhớ khi tính tổng chi phí giảm ô nhiễm (TAC) là phải đọc đồ thị từ phải qua trái. Hình 5-4: Chi phí giảm ô nhiễm biên cho một loại chất thải 80 70 MAC2 60 50 MAC1 40 $ 30 a 20 10 b 0 0 2 4 6 8 10 12 14 16 Chấ t thả i (tấ n/tháng) MAC1 và MAC2 đại diện cho 2 nguồn phát thải (hoặc 1 nguồn phát thải tại hai thời điểm khác nhau) có mức phát thải ban đầu là 15 tấn/tháng khi không có biện pháp kiểm soát ô nhiễm. Ở mức 10 tấn phát thải (nghĩa là giảm được 5 tấn) MAC1 = $20 và MAC2=$25. Tổng chi phí để giảm từ 15 tấn xuống 10 tấn là diện tích b đối với nguồn phát thải 1 ($50/tháng) và diện tích a+b đối với nguồn 2 ($62,5/tháng). Chi phí tiết kiệm được khi áp dụng công nghệ của nguồn 1 là a ($12,5/tháng). Điều gì làm độ dốc hai đường MAC khác nhau khi chúng đều đại diện cho cùng một chất thải? Lý do thông thường thường là sự khác nhau trong công nghệ kiểm soát ô nhiễm. MAC1 sử dụng công nghệ kiểm soát ô nhiễm rẻ hơn so với MAC2, có thể là do ở hai nhà máy khác nhau và nhà máy MAC2 được xây từ lâu còn nhà máy MAC1 thì mới hơn.2 Thay đổi công nghệ do đó có thể hạ thấp đường MAC cho một loại chất thải xác định. Chúng ta có thể dễ dàng đo lường chi phí nhà máy tiết kiệm hàng năm khi áp dụng công nghệ mới. Giả sử rằng lượng chất thải của nhà máy là 10 tấn/tháng. Có thể tiết kiệm được diện tích a nếu nhà máy áp dụng công nghệ mới. Chúng ta đã biết rằng, diện tích a+b=$62.5 và b=$50, do đó chi phí tiết kiệm được là $12.5/tháng. Kiểu phân tích này rất quan trọng khi ta các dạng chính sách kiểm soát ô nhiễm khác nhau, bởi vì một trong những tiêu chí đánh giá chính sách là chính sách đó tạo động lực tiết kiệm được bao nhiêu chi phí khi nhà máy đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển để tạo ra công nghệ kiểm soát ô nhiễm mới. 2 Đường MAC của cùng một nhà máy cũng có thể khác nhau nếu xét tại hai thời điểm khác nhau. Barry Field & Nancy Olewiler 115
- Tổng hợp chi phí giảm ô nhiễm biên Hầu hết các chính sách môi trường, đặc biệt ở cấp tiểu bang và liên bang, đều nhắm vào việc kiểm soát lượng chất thải từ một số nguồn gây ô nhiễm chứ không phải từ một nguồn gây ô nhiễm đơn lẻ. Làm thế nào để tổng hợp chi phí giảm ô nhiễm biên của một nhóm các công ty (trong cùng một ngành công nghiệp hoặc cùng địa phương) khi chi phí ô nhiễm biên của từng công ty khác nhau? Quá trình tổng hợp này sẽ cho thấy một khái niệm quan trọng trong việc thiết kế chính sách môi trường hiệu quả. Hàm chi phí giảm ô nhiễm biên của một công ty cho thấy cách thức giảm ô nhiễm tốn ít chi phí nhất; còn đối với nhóm các công ty, đó là hàm chi phí giảm ô nhiễm biên gộp. Biểu đồ (a) và (b) trong hình 5-5 vẽ lại MAC1 và MAC2 từ hình 5-4. Biểu đồ (c) là đường chi phí giảm ô nhiễm biên gộp. Khi chúng ta có 2 nguồn (hay bất kỳ con số nào nhiều hơn 1) với chi phí giảm ô nhiễm khác nhau, chi phí giảm ô nhiễm gộp sẽ phụ thuộc vào cách chúng ta tính tổng lượng phát thải của các nguồn như thế nào. Nguyên tắc chung là Để tổng hợp chi phí giảm ô nhiễm biên, phải cộng theo chiều ngang các hàm số của cá nhân để tạo ra mức chi phí giảm ô nhiễm biên gộp thấp nhất có thể. Hình 5-5 minh họa một ví dụ làm thế nào tổng hợp các chi phí giảm ô nhiễm biên khác nhau. Các bước thực hiện như sau: Ví dụ: Tổng hợp các đường MAC như thế nào 1. Chọn một mức chi phí giảm ô nhiễm biên nhất định, chẳng hạn $40/tháng. 2. Tìm xem mỗi nhà máy giảm bao nhiêu với chi phí này. Với chi phí $40, nhà máy 1 sẽ muốn giảm 5 tấn một tháng trong khi nhà máy 2 sẽ giảm 7 tấn một tháng. 3. Cộng các mức phát thải lại với nhau: 5 tấn + 7 tấn = 12 tấn. 4. Lặp lại quá trình với các mức chi phí giảm ô nhiễm biên khác. 5. Vẽ đường chi phí biên gộp như trong biểu đồ (c) của hình 5-5. Barry Field & Nancy Olewiler 116
- Hình 5-5: Tổng hợp các đường chi phí giảm ô nhiễm biên 80 80 80 60 60 60 40 40 40 MAC1 MAC2 MACT 20 20 20 0 5 10 15 0 5 10 15 0 5 10 15 20 25 30 Đường MAC được gộp theo chiều ngang bằng cách lấy bất kỳ giá trị chi phí giảm ô nhiễm biên nào và cộng mức phát thải của từng nguồn tại giá trị MAC đó. Với MAC = $40, biểu đồ (a) cho thấy nhà máy 1 thải 5 tấn/tháng (giảm từ 15 – 5 = 10 tấn), biểu đồ (b) cho thấy nhà máy 2 giảm 7 tấn (giảm từ 15 – 7 = 8 tấn). Biểu đồ (c) biểu diễn đường MAC gộp, với MAC = $40 tổng lượng phát thải là 12 tấn/tháng. Xây dựng đường MAC gộp bằng cách cộng theo chiều ngang các hàm chi phí giảm ô nhiễm biên của từng nhà máy với các mức MAC khác nhau. Tổng hợp các đường MAC cần đến nguyên tắc cân bằng biên – là ý tưởng đã được giới thiệu trong chương 4. Để có được đường chi phí giảm ô nhiễm biên gộp tối thiểu, các mức phát thải gộp phải được phân bổ giữa các nguồn phát thải sao cho chúng đều có cùng chi phí giảm ô nhiễm biên. Bắt đầu xem xét tại mức 12 tấn/tháng trên đường MAC gộp. Rõ ràng 12 tấn này có thể được phân bổ cho các nguồn theo nhiều cách khác nhau: 6 tấn cho mỗi nguồn, 10 tấn cho một nguồn và 2 tấn cho nguồn còn lại v.v. Nhưng chỉ có một cách phân bổ tạo ra chi phí giảm ô nhiễm biên gộp thấp nhất; đó là cách phân bổ sao cho các nguồn phát thải đều có chi phí giảm ô nhiễm biên bằng nhau. Đường MAC được xây dựng sao cho thỏa mãn nguyên tắc cân bằng biên. MỨC PHÁT THẢI HIỆU QUẢ XÃ HỘI Đối với một chất thải nhất định được thải ra từ một địa điểm nhất định trong khoảng thời gian nhất định, mức phát thải hiệu quả xã hội là mức tương ứng với điểm tại đó hàm thiệt hại biên bằng hàm chi phí giảm ô nhiễm biên. Chúng ta sẽ biểu diễn khái niệm cân bằng này bằng cả đồ thị và toán học. Bằng đồ thị: hình 5-6 cho thấy MAC giao nhau tại mức phát thải 10 tấn/tháng. Chi phí giảm ô nhiễm biên bằng chi phí thiệt hại biên tại mức phát thải này (đều bằng $20). Bằng toán học: Gọi E là mức phát thải. E* là mức phát thải tối ưu xã hội. Giả sử cả hai đường MAC và MD đều tuyến tính.3 Giả sử: MAC = 60 – 4E MD = 2E Hiệu quả xã hội cần MAC = MD. Cho 2 phương trình bằng nhau ta có: 60 – 4E = 2E 3 MAC tương tự như trong phần trước (MAC1) Barry Field & Nancy Olewiler 117
- Giải ra ta được: E* = 10 tấn/tháng Thế E* vào MAC hoặc MD ta có mức “giá” (chi phí giảm ô nhiễm biên, thiệt hại biên) làm cân bằng 2 phương trình: 60 – 4(10) = $20. Hình 5-6: Xác định mức phát thải 60 MAC 50 40 d MD 30 $ 20 c 10 b a 0 0 2 4 6 8 10 12 14 16 Chấ t thả i (tấ n/tháng) Cân bằng hiệu quả xã hội đạt được tại điểm đường MAC cắt đường MD. Lúc này E*=10 tấn phát thải một tháng. Diện tích (a+b+c) = tổng thiệt hại tại mức phát thải ban đầu 15 tấn/tháng. Tại E*, tổng thiệt hại bằng diện tích a và lợi ích ròng là diện tích (b+c). Tại E*, tổng chi phí giảm ô nhiễm biên bằng diện tích b. Do đó, lợi ích xã hội ròng là diện tích (b+c) trừ b = diện tích c. Tại sao E* lại là mức phát thải hiệu quả xã hội? Hiệu quả xã hội nghĩa là có sự đánh đổi giữa thiệt hại biên tăng lên với chi phí giảm ô nhiễm biên tăng lên. Lượng chất thải nhiều hơn làm cho xã hội chịu nhiều chi phí thiệt hại môi trường hơn. Lượng chất thải giảm nghĩa là xã hội phải bỏ ra nhiều chi phí giảm ô nhiễm hơn. Do đó mức phát thải hiệu quả xã hội là mức tại đó hai loại chi phí này đền bù được cho nhau; nghĩa là chi phí giảm thiểu biên bằng chi phí thiệt hại biên. Có phải mức phát thải hiệu quả xã hội luôn dương? Không. Nếu đường MD và MAC không cắt nhau tại mức phát thải dương, mức phát thải hiệu quả xã hội sẽ bằng 0. Độ dốc và hình dạng các đường MAC và MD quyết định mức cân bằng. Dựa trên quan điểm hiệu quả này, E* là điểm tốt nhất mà nền kinh tế có thể đạt được; xem chứng minh dưới đây. Tính toán giá trị xã hội ròng: cách chứng minh E* tối đa hóa giá trị xã hội ròng E* là điểm tại đó lợi ích xã hội ròng từ việc giảm ô nhiễm được tối đa hóa (chi phí xã hội từ việc kiểm soát ô nhiễm được tối thiểu hóa). Có thể dùng hình 5-6 hoặc tính toán tổng lợi ích và chi phí để chứng minh điều này. Các bước thực hiện như sau: 1. Giả sử ban đầu không có biện pháp kiểm soát ô nhiễm. Như vậy có 15 tấn chất thải mỗi tháng. 2. Tính tổng thiệt hại tại mức 15 tấn/tháng. Bằng đồ thị: tổng thiệt hại là diện tích dưới đường MD giới hạn từ 0 đến 15 tấn. Trong hình 5-6 là diện tích (a+b+c). Barry Field & Nancy Olewiler 118
- Bằng số học: TD = $225 (1/2×[15×$30])4 3. Tính tổng chi phí giảm ô nhiễm biên (TAC) tại mức 15 đơn vị phát thải. TAC sẽ bằng 0 vì không có việc giảm ô nhiễm. 4. Tính chi phí xã hội ròng. Chi phí xã hội ròng là sự chênh lệch giữa tổng thiệt hại và tổng chi phí giảm ô nhiễm (tại mức 15 tấn là bằng $225). Lặp lại từ đầu các bước này với mức phát thải hiệu quả xã hội mới giả sử là E*=10 tấn. 5. Tổng thiệt hại tại mức E* mới là diện tích a và bằng $100.5 6. Tổng chi phí giảm ô nhiễm biên là diện tích b và bằng $50. 7. Tổng chi phí xã hội do đó bằng $100 + $50 = $150. 8. Tính sự chênh lệch tổng chi phí xã hội giữa hai mức phát thải. $150 rõ ràng thấp hơn $225. Phần tiết kiệm ròng là diện tích c = $75 so với trường hợp không kiểm soát ô nhiễm. Xã hội tiết kiệm $75 bằng cách giảm ô nhiễm từ 15 tấn xuống 10 tấn. Đây là lợi ích xã hội ròng do phát thải tại mức tối ưu xã hội so với trường hợp không kiểm soát ô nhiễm. Nhưng làm thế nào chúng ta biết E* là điểm tốt nhất xã hội có thể đạt tới? Giả sử lượng phát thải có thể giảm xuống bằng 0. Do đó tổng thiệt hại bằng 0. Tổng chi phí giảm ô nhiễm là diện tích (a+b+d) = (1/2×$60×15) = $450, lớn hơn $150. Chọn bất cứ mức phát thải nào và tính chi phí xã hội ròng ta đều có kết quả cao hơn kết quả tại E*. Mô hình MAC-MD là mô hình lý thuyết cho phép chúng ta khảo sát nhiều trường hợp. Trong thực tế, mọi vấn đề ô nhiễm đều khác nhau. Phân tích kiểu này cung cấp phương pháp tổng quát giải quyết bất cứ vấn đề ô nhiễm môi trường cụ thể nào. Thực tế mang tính động và điều này rất đúng trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường. Mức phát thải tối ưu năm ngoái hay thập niên trước không nhất thiết là mức tối ưu năm nay hay trong tương lai. Có rất nhiều yếu tố tác động đến hàm thiệt hại biên và chi phí giảm ô nhiễm biên và khi bất kỳ yếu tố nào thay đổi hàm số sẽ dịch chuyển và E* sẽ thay đổi. Hiệu quả xã hội là một khái niệm chuẩn tắc. E*, mức phát thải cân bằng chi phí giảm ô nhiễm và chi phí thiệt hại, chính là mục tiêu của các chính sách công. Nền kinh tế thực sẽ ở tại mức E*? Điều này có thể không xảy ra nếu không có can thiệp của chính phủ. Trừ khi chấp nhận chi phí thiệt hại gây ra cho xã hội, người gây ô nhiễm không có động lực chi tiêu làm giảm ô nhiễm. Họ đơn giản là sản xuất đến mức ô nhiễm tối đa. Phần 4 sẽ khảo sát các chính sách và hành động làm người gây ô nhiễm bằng bất cứ công cụ gì giảm lượng chất thải tới mức cân bằng hiệu quả xã hội. 4 Tìm ra chiều cao của tam giác bằng cách thế 15 đơn vị vào hàm MD, MD=2E, MD tại mức 15 tấn là $30. 5 Diện tích a = 1/2×(10×$20) = $100. Barry Field & Nancy Olewiler 119
- PHỤ LỤC: LIÊN KẾT GIỮA MAC VỚI TỐI ĐA HÓA LỢI NHUẬN Mô hình đơn giản trong chương này tập trung vào tình huống thực tế trong đó người gây ô nhiễm có thể đầu tư vào các công nghệ xử lý chất thải để giảm thải từ chính hoạt động của họ. Chúng ta giả sử đường MAC tồn tại đối với người gây ô nhiễm. Chúng ta hãy nhìn một cách tổng quát hơn vấn đề đánh đổi của người gây ô nhiễm để thấy đường MAC liên kết thế nào với hành vi tối đa hóa lợi nhuận của công ty. Công ty hoạt động trong ngành công nghiệp cạnh tranh hoàn hảo sẽ tối đa hóa lợi nhuận khi giá thị trường, P, bằng với chi phí sản xuất biên, MC. Cho P = MC ta được sản lượng là Q, được thể hiện trong phần trên của hình 5-7. Nhưng công ty cũng tạo ra chất thải. Phần dưới hình 5-7 kết nối sản lượng với phát thải chất ô nhiễm (E). Khi không có biện pháp kiểm soát môi trường, người gây ô nhiễm có thể tự do phát thải bao nhiêu tùy thích. Vậy mức phát thải tối đa là bao nhiêu? Trong hình 5-7 công ty tối đa hóa sản lượng sẽ sản xuất ở mức Q0 đơn vị sản lượng, nghĩa là cũng thải ra EMAX đơn vị chất thải. Với đường MC dốc lên, công ty có thể có lợi nhuận với tất cả các đơn vị sản xuất cho đến Q0, là đơn vị sản lượng khi giá bằng MC. Lợi nhuận biên của công ty bằng (P – MC), và lợi nhuận biên này lớn nhất khi sản xuất đơn vị đầu tiên với mức giá cố định P, sau đó giảm cho đến khi P = MC tại điểm cân bằng cạnh tranh. Công ty có thể bị mất phần lợi nhuận biên này nếu bị bắt buộc phải giảm sản lượng xuống dưới mức Q0 do phải giảm phát thải. Có thể hiểu đường MAC đại diện cho lợi nhuận bị mất của công ty do phải giảm phát thải. Phần dưới hình 5-7 vẽ (P – MC) cho tất cả các mức sản lượng từ 0 đến Q0. Khoảng cách a0 trong biểu đồ ở trên bằng b0 trong biểu đồ dưới. Đường MAC do đó có hình dạng tương tự như đường MC của công ty, nhưng ngược lại. Barry Field & Nancy Olewiler 120
- Hình 5-7: Liên kết đường MAC với hoạt động tối đa hóa lợi nhuận MC MC + MD c P a d 0 Q* Q0 Sản lượng MD b P MAC e f 0 E* EMAX Lượng phát thải Các công ty cạnh tranh thường bỏ qua chi phí thiệt hại từ chất thải họ sản xuất ra và tối đa hóa lợi nhuận khí giá hàng hóa bằng chi phí sản xuất biên. Với tất cả đơn vị sản lượng từ 0 đến Q0, công ty nhận được lợi nhuận biên là hàm số dốc xuống như trong biểu đồ dưới. giả sử một đơ vị sản lượng tạo ra một đơn vị chất thải, lợi nhuận biên thể hiện đường MAC của công ty. Nếu phải giảm ô nhiễm, chi phí giảm ô nhiễm chính là lợi nhuận bị mất. Nếu yêu cầu công ty tính thiệt hại do ô nhiễm thành một yếu tố của chi phí sản xuất, đường MD sẽ được cộng với MC và công ty sẽ phát thải tại mức E* Giả sử bây giờ chính phủ ban hành chính sách môi trường yêu cầu công ty đưa chi phí thiệt hại biên vào trong chi phí sản xuất. Đường thiệt hại biên (MD) trong biểu đồ dưới đại diện cho chi phí này. Do đó ta cộng đường MD vào đường chi phí của công ty MC. Chi phí xã hội của công ty bây giờ bằng MC + MD.6 Với chi phí mới này, công ty tối đa hóa lợi nhuận tại điểm P = MC + MD. Sản lượng Q* tạo ra lượng phát thải E*.7 Cân bằng hiệu quả xã hội trong thị trường là điểm giá thị trường của hàng hóa cân bằng với chi phí xã hội biên của sản xuất, với chi phí xã hội bao gồm chi phí sản xuất biên và chi phí thiệt hại biên. TÓM TẮT Chương này phát triển một mô hình kiểm soát ô nhiễm đơn giản. Mô hình này dựa trên khái niệm đánh đổi giữa thiệt hại môi trường và chi phí kiểm soát ô nhiễm. Chúng ta đã xem xét hàm thiệt hại biên. Hàm số này thể hiện thiệt hại xã hội biên từ các mức phát thải khác nhau hoặc các mức độ tích tụ ô nhiễm khác nhau trong môi trường. Chúng ta cũng xem xét chi phí giảm ô nhiễm biên cho từnng nguồn phát thải và cho một nhóm nguồn. Bằng cách kết hợp hai hàm số này, chúng ta xác định được mức phát thải tối ưu xã hội. Mức phát thải tối ưu xã hội là mức mà thiệt hại biên và chi phí ô nhiễm biên bằng nhau. 6 Chương 4, hình 4-3 cũng đã nhắc đến định nghĩa chi phí xã hội này. Phần phụ lục này nhằm kết nối chi phí xã hội biên vào hình MAC-MD. 7 Cũng chú ý rằng khoảng cách cd trong biểu đồ trên bằng khoảng cách cd trong biểu đồ dưới, đều là chênh lệch giữa chi phí biên và thiệt hại biên tại mức phát thải hiệu quả xã hội E* và sản lượng Q*. Barry Field & Nancy Olewiler 121
- Tại mức phát thải này, chi phí xã hội ròng – tổng chi phí giảm ô nhiễm và chi phí thiệt hại – là thấp nhất. Tuy nhiên cũng cần chú ý rằng mô hình phát triển trong chương này rất đơn giản và chứa đựng rủi ro vì đã đơn giản hóa các vấn đề ô nhiễm trong thực tế. Thật sự có rất ít ví dụ kiểm soát ô nhiễm môi trường cho thấy chúng ta chắc chắn biết các hàm thiệt hại biên và chi phí giảm ô nhiễm biên. Thế giới tự nhiên quá phức tạp, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn để nhận dạng chính xác mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Thêm vào đó, nguồn gây ô nhiễm có rất nhiều dạng, quy mô khác nhau, trong những hoàn cảnh kinh tế khác nhau và do đó chúng ta sẽ tốn rất nhiều công sức chỉ để hiểu biết về những vấn đề đơn giản về chi phí giảm ô nhiễm biên. Công nghệ kiểm soát ô nhiễm thay đổi rất nhanh, do đó có thể công nghệ hiệu quả hôm nay lại lỗi thời ngày mai. Tuy nhiên, mô hình đơn giản rất hữu hiệu để suy nghĩ về các vấn đề căn bản trong kiểm soát ô nhiễm. Trước khi thảo luận các vấn đề chính sách phức tạp, chúng ta nên học cách các nhà kinh tế cố gắng đo lường và khảo sát chi phí giảm ô nhiễm biên và thiệt hại biên trong những trường hợp thay đổi chất lượng môi trường cụ thể. CÁC THUẬT NGỮ CHÍNH Chi phí giảm ô nhiễm Khái niệm chuẩn tắc Hàm thiệt hại theo mức độ tích tụ Công nghệ kiểm soát ô nhiễm Hàm thiệt hại Kinh tế học thực chứng Chi tiêu bảo vệ Ngưỡng Hàm giảm ô nhiễm biên Tổng chi phí giảm ô nhiễm Hàm thiệt hại biên Tổng thiệt hại BÀI TẬP 1. Cho MAC1 = 100 – 10E và MAC2 = 50 – 10E. Vẽ từng hàm số và đường MAC gộp. Cho MD = 30E, xác định điểm cân bằng hiệu quả xã hội. Với các phương trình trên, giả sử chính phủ quy định mức phát thải là 4 đơn vị. Chi phí xã hội ròng của chính sách này là bao nhiêu? 2. Giả sử có sự thay đổi công nghệ làm giảm chi phí giảm ô nhiễm biên của nhà máy 1 ở trên bằng chi phí biên của nhà máy 2. Sự thay đổi này làm ảnh hưởng đến mức phát thải hiệu quả xã hội như thế nào? Giải bằng đồ thị và số học. 3. Khi có quy định kiểm soát ô nhiễm, chính phủ phải chịu chi phí thực thi như là một phần chi phí xã hội. Giả sử chi phí thực thi là khoản cố định, độc lập với lượng ô nhiễm giảm được. Điều này làm điểm cân bằng hiệu quả thay đổi như thế nào? Giải thích bằng đồ thị. CÂU HỎI THẢO LUẬN 1. Các nhà khoa học khám phá ra rằng thiệt hại biên tăng theo hàm mũ với mức phát thải. Điều này làm thay đổi cách tính toán tổng thiệt hại như thế nào khi không áp dụng công nghệ giảm ô nhiễm. 2. Nguyên tắc cân bằng biên liên hệ như thế nào với mức sản lượng hiệu quả xã hội? 3. Giải thích tại sao xã hội muốn tối thiểu hóa chi phí xã hội ròng (tối đa hóa giá trị xã hội ròng) khi chọn mức phát thải. Barry Field & Nancy Olewiler 122
- CHƯƠNG 6 KHUNG PHÂN TÍCH Các quyết định chính sách đòi hỏi thông tin, và mặc dù thông tin tốt sẵn có không có nghĩa là sẽ có quyết định tốt, việc không có thông tin luôn luôn dẫn đến quyết định sai lầm. Có nhiều cách thu thập và trình bày thông tin có ích cho người làm chính sách với những quy trình phân tích và nghiên cứu khác nhau. Chúng ta tập trung vào phân tích lợi ích chi phí như một khung liên kiết những mô hình lý thuyết đã được trình bày trong những chương trước với các phương pháp đo lường thực tế. Chương này sẽ kết thúc bằng phần thảo luận vắn tắt về các khung phân tích thay thế. PHÂN TÍCH LỢI ÍCH CHI PHÍ Phân tích lợi ích - chi phí dành cho khu vực công và việc đánh giá giá trị xã hội, trong khi phân tích lời – lỗ dành cho doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân. Nếu một doanh nghiệp sản xuất ô tô muốn đưa ra một mẫu xe mới, nó sẽ cần đến những thông tin liên quan đế lợi nhuận sẽ thay đổi như thế nào. Mục chi phí có thể bao gồm tất cả các khoản chi phí sản xuất và phân phối: lao động, nguyên liệu thô, nhiên liệu, thiết bị kiểm soát chất thải, vận chuyển, v.v. Các khoản thu bao gồm tất cả những “lợi ích” được tính toán theo giá thị trường nhân với lượng sản phẩm bán ra. Doanh nghiệp khi đó sẽ so sánh doanh thu kỳ vọng với chi phí dự đoán để xem xét có nên đưa ra mẫu xe mới hay không. Phân tích lợi ích - chi phí là công việc tương tự dành cho các chương trình của khu vực công. Có hai sự khác biệt quan trọng giữa phân tích lợi ích - chi phí và các quyết định đầu tư tư nhân: 1. Phân tích lợi ích - chi phí là công cụ giúp đưa ra các quyết định chính sách công – tức là nên thực hiện chính sách hay chương trình nào – đứng trên quan điểm của xã hội nói chung chứ không phải đứng trên quan điểm của một doanh nghiệp nào đó. 2. Phân tích lợi ích chi phí đánh giá dưới góc độ xã hội tất cả nhập lượng và xuất lượng liên quan đến dự án bất kể các giá trị này có được trao đổi trên thị trường tư nhân hay không. Một thách thức quan trọng đối với phân tích lợi ích - chi phí là làm thế nào để đánh giá các chi phí và lợi ích không có giá cả thị trường. Thông tin về giá cả thị trường, chi phí và lợi nhuận là rất quan trọng đối với qui trình này; nó cung cấp những thông tin hữu ích về giá trị đối với các cá nhân. Những kỹ thuật phát triển cho phân tích lợi ích - chi phí bắt đầu với những giá trị cá nhân và tính toán các giá trị xã hội khi có sự chênh lệch giữa hai giá trị này, như thường thấy trong các vấn đề môi trường. Chương 7 và 8 sẽ xem xét các kỹ thuật đánh giá giá trị xã hội. Chương này sẽ trình bày phương pháp tiến hành phân tích lợi ích - chi phí, giả sử rằng tất cả các lợi ích và chi phí đã được đo lường. Phân tích lợi ích - chi phí có hai loại ứng dụng có quan hệ mật thiết với nhau. Đầu tiên là giữa những nhà thực hành, những nhà kinh tế học trong và ngoài khu vực công, những người đã phát triển các kỹ thuật, cố gắng thu thập những thông tin tốt hơn và mở rộng phạm vi phân tích. Thứ hai là giữa những nhà chính trị và những nhà quản lý, những người lập nên các quy tắc và quy trình sử dụng phân tích lợi ích - chi phí cho việc ra các chính sách công. Ở Canada, phân tích lợi ích - chi phí chưa được thừa nhận về mặt pháp lý để có thể sử dụng cho các cơ quan nhà nước ở cấp liên bang và tỉnh. Nó được dùng một cách Barry Field & Nancy Olewiler 123
- ngẫu nhiên, cho những quan tâm riêng có tính chính trị chứ không phải là một kỹ thuật dùng cho việc ra chính sách một cách khách quan. Ngược lại, ở Hoa Kỳ phân tích lợi ích - chi phí có một lịch sử pháp lý mạnh hơn nhiều. Nó được bắt buộc dùng cùng với Đạo luật kiểm soát lũ năm 1936. Đạo luật này quy định rằng những dự án ở cấp liên bang chỉ đáng thực hiện nếu “những lợi ích tạo ra cho bất kỳ ai lớn hơn chi phí ước tính”. Người ta đã thiết lập cá quy trình nhằm đo lường lợi ích và chi phí để xác định liệu các dự án đập kiểm soát lũ và xây dựng đê điều có thoả mãn tiêu chuẩn trên. Quy trình này đã được thực hiện trong nhiều năm, và mặc dù vậy, hiện nay những kỹ thuật đo lường chi phí và lợi ích không có giá vẫn đang được phát triển. Vẫn còn có nhiều tranh cãi về vị trí và vai trò của phân tích lợi ích - chi phí trong việc ra các quyết định về môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Có một số ý kiến phê phán phương pháp này, đó là: • Các cơ quan công cộng chỉ dùng phân tích lợi ích - chi phí theo cách giúp cho họ nhận được kinh phí nhiều hơn. • Phân tích lợi ích - chi phí thật sự là sự cố gắng bỏ qua quy trình thảo luận và các quyết định chính sách mà các dự án và chương trình công cộng nên tuân theo. • Phân tích lợi ích - chi phí là một cách loại bớt các chương trình công cộng do những khó khăn trong đo lường lợi ích so với chi phí Có thể tìm thấy nhiều ví dụ ủng hộ những luận điểm trên. Có lẽ do những vấn đề này mà chính phủ Canada không sử dụng rộng rãi phân tích lợi ích - chi phí. Có một số chương trình được đánh giá theo quan điểm phân tích lợi ích - chi phí; ví dụ như việc xem xét dự án đường ống dẫn gas Mackenzie Valley vào giữa thập niên 1970 (đã không được thực hiện), và những dự án phát triển nguồn lực ở Brishtish Columbia (như Northeast Coal, đã được thực hiện). Nhưng trong những năm gần đây, các cơ quan chính phủ ít thực hiện phân tích phân tích lợi ích - chi phí. Mặc dù vậy, phân tích lợi ích - chi phí vẫn là một công cụ phân tích quan trọng được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Và trong khi các nghiên cứu phân tích phân tích lợi ích - chi phí đầy đủ có thể không do chính phủ thực hiện, việc đo lường các lợi ích và chi phí xã hội đã trở thành một bộ phận quan trọng trong việc quyết định các chính sách công. KHUNG PHÂN TÍCH CƠ BẢN Phân tích lợi ích - chi phí liên quan đến việc đo lường, tổng hợp và so sánh tất cả các lợi ích và chi phí của một dự án hay chương trình công cộng cụ thể. Có 4 bước quan trọng trong phân tích lợi ích - chi phí: 1. Nhận dạng dự án hay chương trình, bao gồm phạm vi và bối cảnh của nghiên cứu. 2. Mô tả theo hướng định lượng các nhân tố nhập lượng và xuất lượng của chương trình. 3. ước lượng các chi phí và lợi ích xã hội của các nhân tố này. 4. So sánh lợi ích và chi phí. Mỗi bước sẽ được trình bày khái quát cùng với ví dụ trong phần sau. Barry Field & Nancy Olewiler 124
- Quy mô và quan điểm của một dự án hay một chương trình phân tích lợi ích - chi phí Phân tích lợi ích - chi phí là một công cụ phân tích chính sách công, nhưng từ “công” có thể mang nhiều cấp độ. Nếu bạn thực hiện nghiên cứu phân tích lợi ích - chi phí cho một cơ quan cấp quốc gia, từ “công” có nghĩa là toàn bộ người dân sống trong một nước. Nhưng nếu bạn được một cơ quan hoạch định chính sách của một thành phố hay một vùng thuê thực hiện phân tích phân tích lợi ích - chi phí cho một chương trình môi trường địa phương, chắc chắn bạn sẽ phải tập trung vào những lợi ích và chi phí phát sinh cho người dân trong vùng. ơỷ một thái cực khác, những vấn đề môi trường toàn cầu nảy sinh đòi hỏi phải đặt phân tích trong bối cảnh toàn cầu. Một khi phạm vi nghiên cứu được xác định, cần phải có một bảng mô tả chi tiết các yếu tố chính của chương trình hay dự án: địa điểm, thời gian, các nhóm liên quan, mối liên kết với các chương trình khác, v.v. Có hai loại chương trình môi trường chính cần thực hiện phân tích lợi ích - chi phí: 1. Các dự án sản xuất: liên quan đến việc sản xuất trực tiếp các dịch vụ công, ví dụ như nhà máy xử lý rác, dự án phục hồi bãi biển, lò thiêu rác thải độc hại, dự án cải thiện môi trường sống, mua đất cho công tác bảo tồn. 2. Các chương trình quản lý: nhằm mục đích thi hành quy định pháp luật về môi trường, như các tiêu chuẩn xả thải, lựa chọn công nghệ, các cách thức xả thải, và các quy định về sử dụng đất. Làm thế nào để xác định phạm vi của dự án? Có nhiều cách tiếp cận khác nhau để giải quyết vấn đề này. Cách tiếp cận chính là liên kết phân tích lợi ích - chi phí với mô hình lý thuyết, đó là quy mô hiệu quả về mặt xã hội. Quy mô hiệu quả về mặt xã hội tối đa hóa lợi ích xã hội ròng của dự án. Lợi ích xã hội ròng được tối đa hóa khi MAC = MD. Hãy xem Hình 6-1 (là Hình 5-6 ở chương trước). Hình này biểu diễn mô hình kiểm soát lượng chất thải điển hình, với đường thiệt hại biên (MD) và đường chi phí giảm ô nhiểm biên. Đồ thị này có thể được dùng để chứng minh rằng quy mô hiệu quả về mặt xã hội sẽ tối đa hóa lợi ích xã hội ròng tại điểm MAC = MD. Barry Field & Nancy Olewiler 125
- Hình 6-1: Quy mô hiệu quả xã hội của một dự án công $ 60 MAC 50 40 MD 30 d 20 a c 10 b 10 12 16 Tấn phát thải 0 2 4 6 8 14 E* Quy mô hiệu quả về mặt xã hội của dự án giảm lượng chất thải được xác định tại nơi đường MAC cắt đường MD. Tức là E *=10 tấn chất thải mỗi tháng. Quy mô hiệu quả về mặt xã hội tối đa hóa lợi ích xã hội ròng của dự án – diện tích a + d. Nếu mục tiêu của dự án là giảm xuống còn 12 tấn, lợi ích xã hội ròng chỉ là diện tích a. Đây không phải là quy mô hiệu quả về mặt xã hội. Chứng minh Trước tiên giả sử không có biện pháp kiểm soát chất thải: E = 15. Một chương trình được đề xuất để giảm lượng xả thải xuống còn 12 tấn. Tại lượng xả thải 12 tấn, tổng lợi ích của chương trình chính là lượng thiệt hại được giảm xuống. Đó là diện tích a + b = $818. Tổng chi phí xử lý là diện tích b = $189. Do vậy, lợi ích ròng của chương trình là diện tích a = $63. Tuy nhiên, để có một chương trình giảm thải đạt mức lợi ích ròng tối đa, mức thải phải giảm xuống còn E = 10 tấn, tại mức mà MD = MAC. Lợi ích xã hội ròng tại mức thải 10 tấn là diện tích (d+a) = $7510. Lợi ích ròng khi đạt quy mô hiệu quả về mặt xã hội 10 tấn thay vì 12 tấn là diện tích d, bằng $12. Con số có thể không lớn, nhưng thử tưởng tượng đó là 12 triệu đôla để hình dung rõ hơn con số trên thực tế. Vấn đề của việc phân tích lợi ích - chi phí một dự án cụ thể là làm thế nào để người ra quyết định biết rằng mức phát thải 10 tấn là mức hiệu quả về mặt xã hội? Nếu họ có thể vẽ hoặc viết phương trình MAC và MD, việc tính E * sẽ dễ dàng như Hình 6-1 đã minh họa. Khi không xác định được MAC và MD, có thể thực hiện một quy trình gọi là phân tích độ nhạy. Có nghĩa là tính toán lại lợi ích và chi phí tại mức cao hơn và thấp hơn mức mục tiêu đã lựa chọn; điều này có nghĩa là phải tính lợi ích xã hội ròng của những chương trình với mức phát thải khác nhau để xác định xem mức nào tối đa lợi ích xã hội ròng. 8 Cách đơn giản để tính diện tích a + b là tính khoản chênh lệch giữa tổng thiệt hại tại mức thải ban đầu 15 tấn và tổng thiệt hại tại mức thải 12 tấn. Đây là phần chênh lệch giữa hai tam giác. Tại mức 15 tấn, MD = $30/đơn vị. Có thể tính bằng cách dùng hàm số của hàm thiệt hại biên MD = 2E. tổng thiệt hại ở mức 15 tấn là $225. Tại mức 12 tấn, MD = $24/đơn vị. Tổng thiệt hại là $144. Khoản chênh lệch là $81. 9 Tại mức thải 12 tấn, MAC trên đơn vị là $12. Có thể tính được con số này bằng cách thay 12 vào hàm MAC = 60 – 4E. Diện t1ch b khi đó là phần chênh lệch giữa mức thải 12 và 15 tấn. 10 Cách đơn giản nhất để tính lixar là tính phần thay đổi trong tổng thiệt hại (TD) do chương trình, trừ đi phần thay đổi trong tổng chi phí xử lý (TAC). Tại E * = 10, thay đổi trong TD là diện tích (a+b+c+d), bằng $125 (TD tại E = 15 là $225, TD tại E = 10 là $100). Thay đổi trong TAC là diện tích (c+b), bằng $50. lợi ích xã hội ròng là (a+d). bạn có thể chứng minh lợi ích xã hội ròng là tối đa tại MD = MAC. Barry Field & Nancy Olewiler 126
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Kinh tế và quản lý môi trường ( Chủ biên PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh ) - Chương 6
79 p | 409 | 167
-
Kinh tế và quản lý môi trường ( Chủ biên PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh ) - Chương 2
105 p | 275 | 97
-
Kinh tế và quản lý môi trường ( Chủ biên PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh ) - Chương 3
33 p | 180 | 64
-
Bài giảng Kinh tế môi trường - Chương 2: Chất lượng môi trường
92 p | 398 | 55
-
Bài giảng kinh tế môi trường: Bài 3. Kinh tế học về ô nhiễm - Thuế và trợ cấp phát thải (khuyến khích kinh tế) - Phùng Thanh Bình
29 p | 173 | 32
-
Bài giảng Kinh tế môi trường: Chương 2
51 p | 193 | 29
-
Kinh tế môi trường - Chương 5
21 p | 152 | 21
-
Bài giảng kinh tế môi trường: Bài 3. Kinh tế học về ô nhiễm - Tiêu chuẩn môi trường - Phùng Thanh Bình
17 p | 110 | 16
-
Bài giảng kinh tế môi trường: Bài 3. Kinh tế học về ô nhiễm - Các chính sách phi tập trung - Phùng Thanh Bình
19 p | 140 | 15
-
Bài giảng Kinh tế môi trường: Phần 1 - ĐH Phạm Văn Đồng
111 p | 70 | 7
-
Kinh tế môi trường (Field & Olewiler) - Chương 5: Kinh tế học về chất lượng môi trường
16 p | 57 | 7
-
Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021 - Kỷ yếu hội thảo khoa học Quốc gia: Phần 1
342 p | 11 | 6
-
Bài giảng môn Kinh tế môi trường: Chương 2 - ĐH Ngoại Thương (p3)
51 p | 106 | 5
-
Giáo trình Kinh tế môi trường: Phần 1 - TS. Nguyễn Đức Lợi
243 p | 14 | 4
-
Bài giảng Kinh tế môi trường: Chương 2 - Nguyễn Quang Hồng
103 p | 50 | 3
-
Bài giảng Kinh tế môi trường: Chương 4 - Nguyễn Ngọc Lan
70 p | 45 | 2
-
Nghiên cứu kinh tế môi trường (Environmental economics): Phần 1
110 p | 7 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn