intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận án Tiến sĩ Lịch sử: Quan hệ bang giao và thương mại của Champa với châu Á từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:178

24
lượt xem
8
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mục đích chính của đề tài là nghiên cứu các mối quan hệ bang giao và thương mại của Champa với khu vực châu Á, đặt Champa trong bối cảnh lịch sử khu vực và toàn cầu để giải mã các vấn đề về tiềm năng, động lực, quá trình hình thành, đặc tính phát triển và sự hội nhập khu vực của Champa trong thời kỳ phát triển đỉnh cao của vương quốc này từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Lịch sử: Quan hệ bang giao và thương mại của Champa với châu Á từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV

  1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI ----------------------- ĐỖ TRƯỜNG GIANG QUAN HỆ BANG GIAO VÀ THƯƠNG MẠI CỦA CHAMPA VỚI CHÂU Á TỪ THẾ KỶ VII ĐẾN THẾ KỶ XV Ngành: Lịch sử Thế giới Mã số: 9 22 90 11 Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. Đinh Quang Hải 2. GS.TS. Nguyễn Văn Kim LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ Hà Nội, 2023 1
  2. MỞ ĐẦU 1.Tính cấp thiết của đề tài Vương quốc Champa đã từng là quốc gia láng giềng phương Nam của Đại Việt. Lãnh thổ của vương quốc này trải dài từ nam Đèo Ngang (tỉnh Quảng Bình) đến vùng châu thổ sông Đồng Nai. Không gian rộng dài của biển và các đường bờ biển tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Chmapa tiến hành các hoạt động hải thương hơn là phát triển nông nghiệp. Do điều kiện tự nhiên, ở miền Trung các châu thổ thường hẹp và bao bọc bởi một bên là dãy Trường Sơn và một bên là Biển Đông. Trong bối cảnh đó, Champa đã sớm có cái nhìn, tư duy hướng biển và hưởng lợi từ các hoạt động thương mại nhộn nhịp giữa Biển Đông với Ấn Độ Dương, điều đã mang lại sự phát triển kinh tế năng động trong suốt lịch sử Đông Nam Á. Dựa trên những nguồn tư liệu và quan điểm nghiên cứu mới, vấn đề lịch sử vương quốc Champa ở miền Trung Việt Nam - một vương quốc biển điển hình của Đông Nam Á cổ trung đại, đã và đang nhận được sự quan tâm của nhiều học giả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, lịch sử Champa từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV hiện đang còn là một “khoảng trống” và cần có những nghiên cứu chuyên sâu để góp phần phục dựng lại lịch sử trọn vẹn của vương quốc Champa từ khi hình thành đến lúc suy tàn. Để làm rõ lịch sử phát triển huy hoàng của Champa từ thế kỷ VII đến cuối thế kỷ XV, một số vấn đề quan trọng cần tập trung khảo cứu và luận giải như dấu ấn và sự lan tỏa văn hóa cổ Champa đến các nền văn hóa, quốc gia khu vực; Về mối liên hệ giữa biển (các tuyến giao thương, trung tâm buôn bán khu vực, quốc tế, nguồn tài nguyên biển...) và lục địa (hoạt động của các trung tâm kinh tế đối ngoại, vai trò của các thể chế chính trị trong việc điều hành hệ thống buôn bán, khai thác tài nguyên, sản xuất thủ công...); Về cấu trúc, chức năng của các thành thị, cảng thị đặt trong mối tương quan so sánh với thành thị và cảng thị tại một số nước trong khu vực đương thời; Về sự trỗi dậy và sự “chuyển giao quyền lực” của một vương quốc trung tâm với các tiểu quốc như đã từng thấy trong lịch sử Champa với sự phát triển nhanh chóng của Amaravati, Vijaya hay Panduranga v.v... Bên cạnh đó, thực tiễn ngày nay cho thấy Nam Trung Bộ là một trong những khu vực kinh tế chưa phát triển đúng với tiềm năng và vị thế của mình. Thế nhưng, từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV, vương quốc Champa cổ đã có những chiến lược khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế của vùng đất này để xây dựng nên một vương quốc có nền thương mại biển phát triển, có quan hệ bang giao và thương mại rộng khắp với 2
  3. các quốc gia láng giềng cũng như các trung tâm kinh tế thế giới lớn đương thời. Do đó, việc nghiên cứu về tiềm năng, hoạt động kinh tế và bang giao, thương mại quốc tế của Champa với châu Á có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn quan trọng, giúp các nhà hoạch định chính sách ngày nay có được một cái nhìn sâu sắc về khu vực có vị trí chiến lược này để từ đó đưa ra những chính sách phù hợp, phát huy đến mức cao nhất tiềm năng và lợi thế của khu vực này. Với những lý do như trên, nghiên cứu sinh chọn đề tài: “Quan hệ bang giao và thương mại của Champa với châu Á từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV” làm chủ đề nghiên cứu. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài 2.1. Mục đích nghiên cứu Mục đích chính của đề tài là nghiên cứu các mối quan hệ bang giao và thương mại của Champa với khu vực châu Á, đặt Champa trong bối cảnh lịch sử khu vực và toàn cầu để giải mã các vấn đề về tiềm năng, động lực, quá trình hình thành, đặc tính phát triển và sự hội nhập khu vực của Champa trong thời kỳ phát triển đỉnh cao của vương quốc này từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để thực hiện được mục đích đề ra khi nghiên cứu luận án, tác giả đã hoàn thành các nhiệm vụ sau: - Tổng quan tình hình nghiên cứu từ trước đến nay ở trong và ngoài nước về những vấn đề liên quan đến đề tài luận án. - Sưu tầm, hệ thống hóa và phân tích dữ liệu các nguồn tư liệu đa ngành phục vụ cho mục đích nghiên cứu của luận án, bao gồm: tư liệu bi ký Champa và Khmer, tư liệu thư tịch cổ của Việt Nam, tư liệu thư tịch cổ của Trung Quốc, các nguồn tư liệu thư tịch khác (của Arab, Malay); tư liệu khảo cổ học (kết quả khai quật các di ti tích, phế tích Champa; tư liệu gốm sứ thương mại nước ngoài tại các địa điểm khảo cổ học Champa; tư liệu gốm sứ cổ Champa…). - Phục dựng lại bối cảnh lịch sử khu vực và thế giới thế kỷ VII-XV; khái quát lịch sử phát triển tư tưởng, chính trị và các nguồn lực tự nhiên, xã hội, kinh tế của Champa; nghiên cứu các điều kiện, động lực làm nền tảng cho sự hình thành, xu thế phát triển và các hoạt động bang giao và thương mại quốc tế của vương quốc. - Nghiên cứu lịch sử phát triển các mối quan hệ bang giao và thương mại của Champa với các đế chế, trung tâm văn minh và các quốc gia trong khu vực từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV. Từ đó, nghiên cứu sinh rút ra nhận xét về đặc trưng, tính chất, 3
  4. phạm vi, mức độ và tác động của các mối quan hệ bang giao, thương mại đối với vương quốc Champa cũng như lịch sử phát triển của khu vực. 3.Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1.Đối tượng nghiên cứu Đề tài tập tập trung nghiên cứu về vấn đề bang giao và thương mại của vương quốc cổ Champa với Châu Á từ thế kỷ VII đến cuối thế kỷ XV. 3.2.Phạm vi nghiên cứu Về thời gian, đề tài nghiên cứu quan hệ bang giao và thương mại quốc tế của Champa trong giai đoạn từ đầu thế kỷ VII đến cuối thế kỷ XV. Đây là giai đoạn được coi là lịch sử phát triển huy hoàng của Champa cũng như của nhiều quốc gia cổ đại Đông Nam Á khác trước khi có sự hiện diện của các thương thuyền Châu Âu. Thế kỷ VII được nghiên cứu sinh chọn mốc mở đầu nghiên cứu đề tài vì đây là thời kỳ danh xưng Champa lần đầu tiên được sử dụng trong các bi ký cổ Champa; trên bình diện quốc tế là thời kỳ ra đời của Hồi giáo ở Trung Đông và sự khởi đầu của triều đại nhà Đường ở Trung Quốc. Mốc cuối thế kỷ XV là mốc kết thúc vì đây là thời điểm đánh dấu sự thất bại của Vương quốc Champa ảnh hưởng Ấn độ giáo trước Đại Việt hùng mạnh ảnh hưởng Nho giáo (1471); trên bình diện quốc tế là thời kỳ hình thành và phát triển mới của hệ thống thương mại Châu Á, đặc biệt là sự xuất hiện của các thương nhân và thuyền buôn Châu Âu tại các vùng biển châu Á, điều này dẫn tới sự thay đổi cấu trúc của mạng lưới thương mại Châu Á, trở thành nhân tố ngoại sinh dẫn tới sự suy tàn của nhiều vương quốc cổ đã từng rất hùng mạnh ở khu vực. Về không gian: đề tài tập trung nghiên cứu về vương quốc Champa kéo dài từ nam Đèo Ngang (cực bắc của vương quốc Champa trong lịch sử, ngày nay là ranh giới giữa tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình) tới lưu vực sông Đồng Nai (cực Nam của vương quốc Champa trong lịch sử); trên bình diện quốc tế, đề tài khảo sát các quan hệ bang giao và thương mại của vương quốc Champa với các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn ở khu vực châu Á bao gồm khu vực Đông Á (với trọng tâm là các triều đại ở Trung Quốc), khu vực Đông Nam Á (với trọng tâm là Đại Việt, Chân Lạp và vùng hải đảo), khu vực Nam Á và Tây Nam Á (với trọng tâm là đế chế Chola ở Ấn Độ và mạng lưới thương nhân Hồi giáo ở Tây Á). Về nội dung: Luận án nghiên cứu tập trung vào các vấn đề cụ thể như: Những tiền đề cho sự phát triển quan hệ bang giao và thương mại quốc tế của Champa: trong đó xem xét các vấn đề như tổ chức nhà nước và các vấn đề văn hóa xã hội Champa, tiềm năng và hoạt động kinh tế của Champa, mạng lưới kinh tế nội địa của Champa; Quan hệ bang giao và thương mại của Champa với khu vực châu Á, trong đó khảo sát các vấn đề về 4
  5. quan hệ ngoại giao và hoạt động thương mại quốc tế của Champa với các triều đại Trung Quốc từ Đường tới Tống, Nguyên, Minh, cũng như các trung tâm chính trị, kinh tế quan trọng khác ở Châu Á gồm Tây Á, Nam Á và Đông Nam Á từ thế kỷ VII đến cuối thế kỷ XV. 4.Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu 4.1.Cơ sở phương pháp luận Đề tài được thực hiện trên cơ sở vận dụng chủ nghĩa duy vật lịch sử và duy vật biện chứng để nhận diện quá trình hình thành, phát triển nội tại của Champa, các mối quan hệ, liên kết và tác động mang tính khu vực và quốc tế qua các thời kỳ của vương quốc Champa. Chủ nghĩa duy vật lịch sử chỉ ra những quy luật chung nhất của sự vận động, phát triển của xã hội, đồng thời chỉ ra vị trí và vai trò của các mặt đời sống trong hệ thống xã hội nói chung, vạch ra những đặc trưng cơ bản nhất của các giai đoạn phát triển của xã hội loài người. 4.2.Phương pháp nghiên cứu Để giải quyết những nội dung của luấn án, nghiên cứu sinh sử dụng chủ yếu là phương pháp lịch sử và phương pháp logic, kết hợp chặt chẽ với các phương pháp nghiên cứu liên ngành khác. Phương pháp lịch sử là phương pháp chủ đạo được vận dụng để trình bày các điều kiện, quá trình hình thành, hoạt động, phát triển và kết quả của các mối quan hệ bang giao và thương mại quốc tế của Champa. Thông qua việc tổng hợp, phân tích, đánh giá các nguồn sử liệu chữ viết (bi ký cổ Champa và Khmer, thư tịch cổ Đại Việt, thư tịch cổ Trung Quốc, thư tịch cổ Malai và Arab…), kết hợp với các nguồn tư liệu khảo cổ học để nghiên cứu các vấn đề luận án đặt ra theo tiến trình lịch đại. Phương pháp logic: là phương pháp nghiên cứu tổng quát các sự kiện, hiện tượng lịch sử để thấy được bản chất của các hiện tượng, từ đó thấy được các bài học lịch sử và các xu hướng phát triển của sự vật, hiện tượng. Với đề tài này, phương pháp logic được áp dụng nhằm xâu chuỗi các sự kiện, hiện tượng liên quan tới sự hình thành, phát triển và hệ quả của các mối quan hệ bang giao và thương mại giữa Champa với các đế chế và vương quốc cổ ở Châu Á thời cổ trung đại. Sử dụng phương pháp khu vực học để có cái nhìn hệ thống, các mối quan hệ bang giao, các mạng lưới thương mại của Champa với mạng lưới thương mại Châu Á thời cổ trung đại vốn trải dài từ Đông Á đến Tây Nam Á. Cùng với cái nhìn lịch đại, 5
  6. Nghiên cứu sinh cũng đặt Champa dưới dòng chảy đồng đại mang tính khu vực để đưa ra những nhận định sâu sắc và khách quan. Phương pháp nghiên cứu liên ngành: là phương pháp nhằm nghiên cứu nhiều mặt chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa và bang giao quốc tế của vương quốc cổ Champa. Tác giả sử dụng những kết quả nghiên cứu về Champa từ các ngành khoa học khác bao gồm khảo cổ học, dân tộc học, nhân học và kinh tế học… từ đó có cái nhìn toàn diện về quy mô, vị trí và tính chất của các hoạt động bang giao, kinh tế, trao đổi thương mại của Champa trong lịch sử. Bên cạnh đó, phương pháp nghiên cứu Hệ thống cấu trúc cũng được áp dụng trong luận án, nhằm đặt các nhân tố cấu thành nên nền thương mại Champa (gồm cả các hoạt động kinh tế nội địa và quan hệ hải thương quốc tế) trong sự tác động, qua lại lẫn nhau, cũng như sự tương tác của môi trường kinh tế nội địa của Champa với thị trường thương mại khu vực và quốc tế. Ngoài ra, Phương pháp thống kê, phân tích số liệu cũng được chúng tôi sử dụng để xây dựng các bảng kê số liệu, hình thành nên cơ sở dữ liệu cho việc nghiên cứu, phân tích và đánh giá lịch sử bang giao và kinh tế đối ngoại của Champa. Cuối cùng, luận án sử dụng Phương pháp so sánh để nghiên cứu các phái bộ ngoại giao của Champa tới Trung Quốc, Đại Việt trong tương quan so sánh với các phái bộ ngoại giao được cử đến Trung Quốc, Đại Việt từ các vương quốc khác trong khu vực; đồng thời sử dụng phương pháp so sánh để nghiên cứu về khối lượng, giá trị hàng hóa, cống phẩm của Champa được ghi chép trong sử liệu và đặt trong tương quan so sánh với các vương quốc khác. 4.3.Nguồn tài liệu nghiên cứu Bi ký cổ Champa và Khmer Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự thiếu vắng các công trình nghiên cứu về hoạt động bang giao và thương mại với châu Á của Champa là nguồn tư liệu để nghiên cứu về vấn đề này rất hạn chế về số lượng tư liệu cũng như hàm lượng thông tin mà các nguồn tư liệu đó cung cấp. Chẳng hạn, bi ký Champa có số lượng rất hạn chế, chỉ khoảng 300 bi ký được lập danh mục cho đến nay. Trong số này, có những bi ký được lập danh mục nhưng số lượng văn tự chỉ là 1 chữ hay 1 dòng chữ với rất ít thông tin. Thêm vào đó, nội dung các bi ký Champa chủ yếu cung cấp thông tin về việc ca tụng các vị thần, việc cúng tiến lên đền tháp, hay hành trạng một số vị vua và vương triều. Qua khảo sát nội dung các bi ký Champa thì có thể thấy rằng phần 6
  7. lớn bi ký được khắc bằng hai ngôn ngữ chính là chữ Sanskrit và chữ Chăm cổ, trong đó các thông tin về hoạt động kinh tế, trao đổi, cúng tiến ruộng đất, mở mang hệ thống thủy lợi… thường được viết bằng chữ Chăm cổ. Tuy nhiên, hầu hết các nội dung bằng chữ Chăm cổ đều không được/không thể chuyển ngữ sang ngôn ngữ hiện đại (tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Việt). Điều này khiến cho các thông tin về lịch sử kinh tế Champa là rất hạn chế và rời rạc, thiếu tính hệ thống. Rất may mắn là trong khoảng 10 năm trở lại đây, các chuyên gia nghiên cứu bi ký Champa của Pháp đã phối hợp với các chuyên gia ngôn ngữ học và nhân học người Chăm bản địa ở Việt Nam tiến hành giải mã nhiều bi ký mới được phát hiện, đặc biệt là giải mã và tiến hành dịch thuật nhiều nội dung bằng tiếng Chăm cổ của các bi ký Champa đã được phát hiện trước đây. Tổng số 52 bi ký cổ Champa đã được Arlo Griffith và các cộng sự của mình khảo sát, dịch thuật, hiệu đính lại các bản dịch cũ và dịch các bi ký mới được phát hiện đã được công bố bằng tiếng Anh [378]. Ngoài ra, với vị thế là một trong những chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu bi ký cổ Champa và Đông Nam Á, Arlo Griffiths đã công bố một loạt các nghiên cứu mới về văn bản học và dịch thuật nội dung của các bi ký Champa, có thể kể đến công trình Văn khắc Champa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, hay loạt bài viết công bố mới trong khuôn khổ Dự án nghiên cứu bi ký Champa cổ [337] [338] [339][378]. Anne Valerie Schweyer của Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) cũng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc công bố các bản dịch thuật bi ký cổ Champa mới, đặc biệt là nhóm các bi ký tại Tháp Bà Po Nagar Nha Trang [334] [335] [336]. Những công trình dịch thuật bi ký cổ Champa do EFEO và CNRS công bố gần đây trở thành nguồn tư liệu vô cùng quan trọng đối với nghiên cứu của luận án này, đặc biệt là các bi ký mới được phát hiện và những bộ phận chữ Chăm cổ của các bi ký cũ chưa được dịch bởi các học giả trước đây. Cùng với các tư liệu khảo cổ học được phát hiện tại các địa điểm khảo cổ học Champa, các tư liệu bi ký Champa có giá trị quan trọng nhất trong việc nghiên cứu về hệ thống chính trị, quan hệ xã hội và hoạt động kinh tế của vương quốc Champa xưa. Hệ thống bi ký cổ Khmer cổ cũng có giá trị quan trọng trong việc nghiên cứu về lịch sử chính trị, bang giao và thương mại của Champa với vương quốc Khmer láng giềng. Do hai vương quốc cổ này có vị trí địa lý gần gũi và chồng lấn với nhau, cũng như những mối liên hệ lịch sử lâu dài và sâu sắc, bởi vậy bi ký Khmer có rất nhiều thông tin về các nhân vật, các sự kiện và các nội dung liên quan tới nền chính trị, các cuộc chiến và triều đình Champa. Hệ thống bi ký này đã được G.Coedes liệt kê danh 7
  8. mục và tiến hành tổng hợp các bản dịch sang tiếng Pháp (G.Coedes). Trong những năm gần đây, các học giả quốc tế, trong đó tiêu biểu nhất là cố học giả Michael Vickery, đã có nhiều nỗ lực trong việc đọc lại các thông tin từ bi ký Khmer để lý giải sâu hơn về mối quan hệ chính trị và bang giao phức tạp giữa Chân Lạp với Champa trong lịch sử. Tài liệu thư tịch cổ Để thực hiện luận án, tác giả cũng đã dựa vào các bộ chính sử, các tài liệu thư tịch của Việt Nam, có thể kể đến như: các bộ sách Việt sử lược tác giả khuyết danh thời Trần; Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê; Đại Việt sử ký Tiền biên của Ngô Thì Sĩ; Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn; Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú… Để tìm hiểu về địa lý và cương vực cổ ở miền Trung, tác giả tham khảo các bộ địa lý học lịch sử như: Đại Nam Nhất thống chí (1883), Đồng Khánh địa dư chí (1886- 1888) của Quốc sử quán triều Nguyễn. Tư liệu chính sử và các thư tịch cổ của Trung Quốc cũng cung cấp rất nhiều thông tin quan trọng về lịch sử chính trị, quan hệ bang giao và hoạt động trao đổi thương mại của vương quốc Champa với các triều đại Trung Quốc và với các vương quốc khác trong nhiều thế kỷ. Tác giả dựa vào các bộ chính sử của Trung Quốc như Tùy thư, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tống sử, Tống Hội yếu, Nguyên sử, Minh sử, Minh sử lược… để khai thác các nguồn thông tin được viết về Champa. Phần lớn các tư liệu thư tịch Trung Quốc liên quan tới Champa đều đã được dịch thuật sang tiếng Việt, tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Chẳng hạn, các tư liệu Trung Quốc viết về Champa trong Cựu Đường Thư, Tân Đường Thư, Tống sử, Nguyên sử, Minh sử... đã được dịch giả Châu Hải Đường chuyển ngữ sang tiếng Việt và xuất bản trong sách An Nam truyện (ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa). Tư liệu Minh thực lục đã được học giả Hồ Bạch Thảo chuyển ngữ sang tiếng Việt. Các học giả quốc tế cũng đã chuyển ngữ sang tiếng Anh nhiều tư liệu Trung Quốc liên quan tới Champa như Lĩnh ngoại Đại đáp, Đảo di chí lược, Tống sử, Nguyên sử, Minh sử, Minh Thực lục, Doanh nhai thắng lãm, Tinh sai thắng lãm... Trong trường hợp được dịch sang tiếng Việt, tác giả sử dụng bản dịch tiếng Việt và đối chiếu với các bản dịch tiếng Anh và tiếng Pháp của các học giả nước ngoài. Ngoài ra, các thương nhân và nhà du hành Arab từ Tây Á cũng đã có lịch sử lâu dài hoạt động ở vùng biển Đông Nam Á và Champa và cũng đã có nhiều ghi chép về 8
  9. Champa. Một số tư liệu có thể kể đến như ghi chép của Ibn Khurdadhbih trong Kitab al-masalik wa’l-mamalik; tư liệu hành trình của Ya’Qubi (thế kỷ IX), Mas’udi (thế kỷ X), Ibn al-Nadim (cuối thế kỷ X), Aja’ib al-Hind (thế kỷ XI), Mukhtasar al-Aja’ib (thế kỷ XI) và Idrisi (giữa thế kỷ XII) [346]. Tài liệu lưu trữ Một số lượng khổng lồ các tư liệu nghiên cứu về Champa, đặc biệt là các tư liệu khảo cổ học và dân tộc học, đã được các học giả người Pháp lưu trữ tại các thư viện, bảo tàng, trung tâm lưu trữ tại Pháp. Tác giả đã trực tiếp tiến hành nghiên cứu các tài liệu lưu trữ tại tại các trung tâm lưu trữ như: nghiên cứu hệ thống bản đồ, bản ảnh và bản vẽ các di tích, di vật Champa được các nhà khảo cổ học người Pháp như H.Parmentier, C.Chapeaux thực hiện vào đầu thế kỷ XX hiện được lưu trữ tại Bảo tàng Guimet, Bảo tàng Cernuschi, Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp và Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp tại Paris (Pháp); nghiên cứu hệ thống tư liệu bản đồ, ảnh và nhật ký khai quật các đồ gốm thương mại, bao gồm đồ gốm Champa và Đại Việt, được phát hiện và khai quật tại Philippines bởi các nhà khảo cổ học Hoa Kỳ nửa đầu thế kỷ XX hiện được lưu trữ tại Bảo tàng Nhân học tại Đại học Michigan (Hoa Kỳ); Khmer Studies Center (SiemReap, Campuchia). Ngoài ra, tác giả cũng dành thời gian thu thập tư liệu lưu trữ của các học giả người Pháp nghiên cứu về Champa hiện được bảo quản tại các thư viện và bảo tàng lớn của Việt Nam liên quan tới di sản của Champa như: Thư viện của Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) hiện đang lưu trữ khối lượng lớn các ảnh tư liệu gốc về các cuộc khai quật khảo cổ học ở Champa đầu thế kỷ XX của người Pháp; Thư viện của Bảo tàng Điêu khắc Chăm ở Đà Nẵng… Tài liệu khảo cổ học Tư liệu khảo cổ học đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu về lịch sử thương mại của Champa, đặc biệt là các tư liệu liên quan tới đồ gốm sứ nước ngoài được phát hiện tại các địa điểm khảo cổ học Champa, cũng như tư liệu về sản xuất và xuất khẩu của đồ gốm sứ Champa ra nước ngoài. Trong nhiều năm qua, các tư liệu khảo cổ học về đồ gốm Trung Quốc và Tây Á được phát hiện tại miền Trung Việt Nam thời kỳ Champa được công bố rải rác trên tạp chí Khảo cổ học và Những phát hiện mới về Khảo cổ học, nhưng không mang tính hệ thống và đầy đủ. Đối với đồ gốm sứ Champa, các chuyên gia của Viện Khảo cổ học, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã có nhiều năm khai quật tại Bình Định và đã tiến hành các nghiên cứu so sánh bước đầu với đồ gốm 9
  10. Champa tìm được tại các nước Đông Nam Á. Có thể thấy rằng các tài liệu khảo cổ học mới được phát hiện có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố tư liệu và đưa đến những nhận thức mới mẻ về lịch sử bang giao và thương mại quốc tế của Champa. Tài liệu điền dã Để thực hiện đề tài luận án này, tác giả đã đi điền dã, khảo sát các địa điểm, di tích, phế tích văn hóa Champa tại miền Trung Việt Nam. Trong đó, đặc biệt dành sự quan tâm tới các trung tâm chính trị, thành lũy cổ của Champa như thành Cha, thành Đồ Bàn ở Bình Định, thành Hồ ở Phú Yên, thành Hóa Châu ở Huế, thành Trà Kiệu ở Quảng Nam, thành Châu Sa ở Quảng Ngãi… Tác giả cũng tiến hành khảo sát các địa điểm có bi ký Champa mới được phát hiện, đặc biệt là hệ thống bi ký cổ Champa có niên đại thế kỷ XV vốn chưa từng được biết đến trước đây bởi các học giả người Pháp như: Bi ký chùa Phật Lồi ở Hải Giang (Quy Nhơn, Bình Định), bi ký Tư Lương ở thung lũng An Khê của tỉnh Gia Lai. (Xem Phụ lục 3: 2, 11 và 12) Các tư liệu điền dã này sau đó đã được tác giả gửi tới các chuyên gia bi ký cổ Champa như Arlo Griffiths (EFEO, Paris), Anne Valerie Schweyer (CNRS, Paris) và hầu hết đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh hoặc tiếng Pháp trong những năm gần đây. Để nghiên cứu về hoạt động sản xuất thủ công nghiệp xưa của Champa, tác giả đã tiến hành khảo sát nhiều di chỉ lò sản xuất gốm cổ Champa ở Bình Định, bao gồm cả những khu lò gốm chưa được khai quật. Tác giả cũng đã đi khảo sát tại các làng chài cổ còn ghi dấu ấn truyền thống sản xuất ghe thuyền cổ ở Hội An để tìm hiểu về dấu ấn kỹ thuật riêng biệt của truyền thống ghe thuyền ở Champa xưa. Để minh định tính xác thực của mô hình lý thuyết mạng lưới trao đổi ven sông ở Champa, tác giả đã tiến hành khảo sát, điền dã tại các dòng sông lớn, nơi được xác định là có nhiều dấu tích văn hóa Champa cổ, bao gồm: mạng lưới trao đổi ven sông Côn ở Bình Định, mạng lưới trao đổi ven sông Thu Bồn ở Quảng Nam, mạng lưới trao đổi ven sông Hương ở Huế, mạng lưới trao đổi ven sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi, mạng lưới trao đổi ven sông Ba ở Phú Yên... Tại các mạng lưới sông này, tác giả tiến hành khảo sát và chấm điểm các di tích phân bố ven sông, từ vùng cửa sông đến vùng thượng nguồn của con sông. Tại các mạng lưới trao đổi có yếu tố Đảo như Cù Lao Chàm ở Quảng Nam, Lý Sơn ở Quảng Ngãi ... tác giả cũng đã tiến hành khảo sát và nghiên cứu thực địa tại các đảo này để tìm hiểu mối liên hệ giữa các đảo ven bờ với mạng lưới sông trong lục địa. Để có cái nhìn nhận sâu sắc hơn về tư tưởng đối ngoại và bang giao của người Chăm xưa, tác giả cũng đã tham dự các khóa đào tạo về chữ Chăm cổ cùng chuyên gia 10
  11. chữ Chăm cổ là PGS.TS Thành Phần, tiến hành điền dã và thâm nhập đời sống tại các làng Chăm cổ để thu thập tư liệu như các palei/làng Mỹ Nghiệp/Chakleng, Hữu Đức, Tuấn Tú, Bàu Trúc, An Nhơn và Phước Nhơn ở tỉnh Ninh Thuận, các palei/làng Tịnh Mỹ, Lạc Trị, Ma Lâm và Bicam/Tánh Linh ở tỉnh Bình Thuận… Trong quá trình điền dã này, tác giả được tiếp cận với các nguồn tư liệu rất quan trọng như Bộ sưu tập Hoàng gia Chăm của gia đình Bà Thềm – công chúa cuối cùng của Champa, được lưu trữ tại làng Tịnh Mỹ, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Để tìm hiểu về mối quan hệ bang giao và thương mại giữa Champa với các vương quốc cổ trong khu vực, tác giả luận án đã đi khảo sát tại các di tích kiến trúc lịch sử, nghệ thuật và các bảo tàng ở một số nước lưu dấu ấn Champa xưa như: Khảo sát khu thánh địa Vạt Phu và các phế tích kiến trúc ở khu vực Champasak ở Lào; khảo sát quần thể di tích tháp Sambor Prei Kuk và quần thể kiến trúc Angkor Wat – Angkor Thom ở Campuchia; khảo sát các bộ sưu tập đồ gốm thương mại xuất khẩu của Champa được phát hiện và lưu trữ tại các bảo tàng ở Malaysia; khảo sát mối liên hệ về nghệ thuật Phật giáo của Champa với các di tích Mon-Dvaravati ở Thái Lan; khảo sát về mối liên hệ và ảnh hưởng của Phật giáo từ Champa tới đền Đông Đại Tự ở kinh đô Nara của Nhật Bản; khảo sát các trung tâm sản xuất gốm sứ thương mại của Trung Quốc ở Giang Tây, Quảng Đông và Bắc Kinh; khảo sát kinh đô Trường An của nhà Đường tại Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án Thứ nhất, luận án góp phần làm sáng rõ một số vấn đề quan trọng trong lịch sử Champa vốn chưa được nghiên cứu chi tiết và hệ thống, bao gồm: tiềm năng và hoạt động kinh tế của Champa; vai trò và vị thế của Champa trong lịch sử khu vực qua nghiên cứu quan hệ bang giao và thương mại của Champa với các vương quốc khác ở Châu Á từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV. Trong đó, Luận án đặc biệt nhấn mạnh đến quan hệ giữa Champa với các vương triều Trung Quốc, với mạng lưới Hồi giáo ở Châu Á, cũng như với các vương quốc láng giềng ở Đông Nam Á. Thứ hai, hướng nghiên cứu chính của Luận án là đặt lịch sử Champa trong bối cảnh bang giao và thương mại toàn cầu để làm rõ những bước thăng trầm của lịch sử Champa từ khi là một vương quốc biển hùng mạnh cho đến khi trở thành một phần lãnh thổ của Việt Nam. Việc đặt vấn đề nghiên cứu lịch sử Champa trong bối cảnh lịch sử toàn cầu, thay vì trong bối cảnh hẹp là các mối tương tác thường xuyên với 02 vương quốc láng giềng là Đại Việt và Chân Lạp, đã cung cấp những nhận thức mang tính khách quan hơn trong việc nhìn nhận sự suy vong của vương quốc Champa, vốn trước đây được cho là hệ quả của quá trình “Nam tiến” của người Việt. 11
  12. Thứ ba, từ việc nghiên cứu quan hệ bang giao và thương mại của Champa với Châu Á từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV, Luận án cũng đã có những đóng góp quan trọng đối với việc nghiên cứu về lịch sử quan hệ quốc tế ở Châu Á và lịch sử giao thương ở Châu Á thời cổ trung đại. Cụ thể, việc nghiên cứu quan hệ triều cống của Champa tới các vương triều Trung Quốc đã góp phần làm rõ thêm lý thuyết thương mại triều cống trong lịch sử Đông Á. Bên cạnh đó, Luận án góp phần làm sáng rõ thêm vai trò và vị thế của khu vực Đông Nam Á trong quan hệ giao thương quốc tế thời cổ, trong đó nhấn mạnh đến vai trò là những điểm trung chuyển hàng hóa, vai trò là nguồn cung cấp hàng hóa xa xỉ cho thị trường Trung Quốc, Arab và Ấn Độ. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án Ý nghĩa lý luận: Từ việc nghiên cứu về tính chất, đặc trưng và những tác động trong việc thực hành quan hệ đối ngoại của vương quốc Champa, luận án đã đặt vấn đề đánh giá tính xác thực và khả tín của một số lý thuyết nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á và châu Á thời cổ trung đại như: quan hệ chính trị và bang giao theo tư tưởng bang giao truyền thống Ấn Độ và Đông Nam Á (mô hình lý thuyết mandala của Kautilya), lý thuyết về mạng lưới triều cống và trật tự thế giới Trung Hoa ở Châu Á, lý thuyết về mạng lưới trao đổi ven sông (riverine exchange network) và lý thuyết về thương mại biển Châu Á (kỷ nguyên thương mại biển sơ kỳ ở Đông Nam Á). Luận án là tài liệu tham khảo phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập về lịch sử Champa, lịch sử Việt Nam cổ trung đại và lịch sử toàn cầu nói chung. Ý nghĩa thực tiễn: Thông qua việc nghiên cứu các mối quan hệ đối ngoại của vương quốc cổ Champa, Luận án góp phần làm rõ những nguồn lực, vị thế và ý nghĩa chiến lược của miền Trung Việt Nam trong bối cảnh địa chính trị và địa chiến lược ở khu vực Đông Nam Á nói riêng cũng như châu Á nói chung. Việc xác định rõ vị thế quốc tế này của miền Trung trong lịch sử sẽ là cơ sở lý luận cho việc hoạch định chính sách và xây dựng chiến lược kinh tế biển của miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. 7. Cấu trúc của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, nội dung của luận án được bố cục thành 05 chương: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đề tài Luận án 12
  13. Chương 2: Champa trong bối cảnh bang giao và thương mại Châu Á từ thế kỷ VII đến cuối thế kỷ XV Chương 3: Quan hệ bang giao và thương mại của Champa với Châu Á từ thế kỷ VII đến giữa thế kỷ XIII Chương 4: Quan hệ bang giao và thương mại của Champa với Châu Á từ giữa thế kỷ XIII đến cuối thế kỷ XV Chương 5: Nhận xét về quan hệ bang giao và thương mại của Champa với Châu Á từ thế kỷ VII đến cuối thế kỷ XV 13
  14. CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1.1. Những công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước 1.1.1. Vấn đề tổ chức chính trị và hoạt động kinh tế của Champa Nhà sử học Lương Ninh là một trong những chuyên gia có nhiều nghiên cứu chuyên sâu nhất về vấn đề tổ chức chính trị và vấn đề thể chế của vương quốc cổ Champa, trong đó nổi bật là công trình Lịch sử vương quốc Champa xuất bản năm 2004 [107]. Trong công trình quan trọng này, tác giả đã nghiên cứu về các vấn đề lịch sử chính trị, văn hóa, xã hội của Champa từ thế kỉ II đến thế kỷ XVII dựa trên các tư liệu bi ký cổ Champa, thư tịch Trung Hoa và Đại Việt, tư liệu khảo cổ học, cũng như các nghiên cứu trước đó của các học giả Châu Âu. Tác giả cho rằng, Champa là một quốc gia trải dài trên bờ biển miền Trung Việt Nam nên mối liên hệ giữa các vùng cửa sông là một nhu cầu cần thiết và thực tế; dân cư đều là đồng tộc, cùng ngôn ngữ, có văn hóa truyền thống giống nhau; từ thế kỷ II đến thế kỷ XV không có lúc nào mà vương quốc này không phải lo đối phó với các thế lực và cường quốc bên ngoài nên nó thường xuyên có nhu cầu liên kết, thống nhất dân cư và thiết lập một chính quyền tập trung. Bởi vậy, các vua Champa thường xuyên tự gọi là đại vương (Maharaja) và cũng thường xuyên làm bổn phận của mình là đánh bại Trung Quốc thời chính quyền đô hộ phủ triều Đường, đặc biệt, đánh lại Chân Lạp trong cuộc chiến tranh 100 năm năm vì lợi ích của Champa, đánh lại Đại Việt trong thế kỷ cuối Vijaya. Từ đó, nhà sử học Lương Ninh cho rằng, việc xây dựng một vương quốc thống nhất, một vương quyền tập trung là nhu cầu thực sự, các vua Chăm tự xưng là chakravartin (Đấng Tối thượng) để củng cố quyền lực trên toàn lãnh thổ. Từ quan điểm này, tác giả cho rằng “rõ ràng là không đúng nếu hình dung Champa chưa phải là một vương quốc, mà chỉ là sự tập hợp không bền vững của các mảnh dân cư dưới một chính quyền không chắc chắn, không phải của những dòng vua, triều vua” [107, tr.153]. Khác với quan điểm nghiên cứu của tác giả Lương Ninh, một số nhà nghiên cứu khác ở Việt Nam chịu ảnh hưởng từ khái niệm mandala để chỉ các chính thể cổ ở Đông Nam Á của O.Wolters, đã xem xét Champa như một mandala điển hình ở Đông Nam Á [184, tr8-24]. Chẳng hạn nhà khảo cổ học Trần Quốc Vượng với cách tiếp cận địa - văn hóa, địa - lịch sử độc đáo của mình đã giới thiệu một mô hình các vùng văn hóa Champa, từ đó phác dựng nên mô hình: Núi thiêng - Kinh đô (đất thiêng) và Cảng 14
  15. thị, tất cả các không gian đó cùng kết nối với nhau theo trục của một dòng sông (Sông thiêng). Nhà khảo cổ học Trần Quốc Vượng là một trong những chuyên gia đầu tiên của Việt Nam nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc nghiên cứu tiềm năng, động lực phát triển và các hoạt động kinh tế của Champa, đặc biệt là tiềm năng và hoạt động khai thác kinh tế biển. Ông đã đưa ra giả thuyết về sự hiện diện của cả một nền văn hóa cảng thị tại miền Trung của Việt Nam [184; 186; 189]. Ông cho rằng,“người Chăm và văn hóa Champa trong khoảng 15-16 thế kỷ tồn tại đã thích nghi và ứng biến tài tình với mọi hệ sinh thái từ núi rừng tới biển khơi”, và người Chăm cổ đã có tầm nhìn đúng đắn về biển, trên cơ sở đó cấu trúc một nền kinh tế tổng hợp đa ngành để xây dựng nên một vương quốc Champa hưng thịnh [186, tr.330-331]. Những nghiên cứu và nhận định mang tính học thuật của nhà khảo cổ học Trần Quốc Vượng, cho dù chưa thực sự là các chuyên khảo, nhưng mang đầy tính gợi mở và hướng đạo cho các nghiên cứu về sau, mà tác giả của Luận án này là người chịu ảnh hưởng trực tiếp. Chịu ảnh hưởng của O.W.Wolters và Trần Quốc Vượng, nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương coi Champa như một mandala dọc theo các thung lũng ven sông và ven biển. Khảo sát những di tích khảo cổ và kiến trúc ở miền Trung Việt Nam, đặc biệt là vùng Quảng Nam. Ông đã chỉ ra các yếu tố kiến dựng nên một tiểu quốc/mandala Champa bao gồm: Núi thiêng, Sông thiêng và ba trung tâm quan trọng khác gồm: Cảng thị, Trung tâm quyền lực của hoàng gia và Trung tâm tôn giáo của hoàng gia dọc theo các dòng Sông thiêng đó [130; 131]. Việc nghiên cứu làm rõ vấn đề mô hình, thể chế chính trị của Champa có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần nghiên cứu về các hoạt động bang giao và thương mại của Champa. Vì vậy, chủ đề này sẽ được tiếp tục nghiên cứu và thảo luận trong Luận án. Tác giả Trần Kỳ Phương cũng đã có nhiều nghiên cứu về các mạng lưới trao đổi ven sông của Champa, đặc biệt nhấn mạnh vào các hoạt động trao đổi kinh tế diễn ra tại mạng lưới giao thương dọc theo sông Thu Bồn [132; 312]. Bằng việc khảo sát các dấu tích khảo cổ học, dấu ấn nghệ thuật và kết quả của nghiên cứu điền dã, Trần Kỳ Phương đã chứng minh rằng các cư dân cổ Champa đã vận hành các mạng lưới trao đổi ven sông giống như mô hình “mạng lưới trao đổi ven sông” (Riverine Exchange Network) mà Bennet Bronson đã áp dụng khi nghiên cứu trường hợp các vương quốc cổ ở Indonesia. Mô hình hoạt động kinh tế cổ này ở Đông Nam Á và Champa đã được nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương và một số nhà nghiên cứu khác chứng minh dựa trên các tư liệu khảo cổ học và cho thấy tiềm năng lớn cho việc nghiên cứu về lịch sử hoạt động kinh tế của cư dân Champa xưa. Mô hình hoạt động 15
  16. kinh tế này cũng sẽ được tác giả Luận án kế thừa và phát triển trong Luận án của mình để khảo sát và làm sáng tỏ các mạng lưới trao đổi ven sông ở các dòng sông khác ở miền Trung Việt Nam thời Champa như sông Côn (Bình Định), sông Trà Khúc (Quảng Ngãi)... 1.1.2. Các mối bang giao và thương mại Châu Á truyền thống Vấn đề bang giao và thương mại châu Á gần đây nhận được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều chuyên gia và đơn vị nghiên cứu ở Việt Nam, đặc biệt là những đóng góp của Nhóm Nghiên cứu Thương mại châu Á của Đại học Quốc gia Hà Nội do nhà sử học Nguyễn Văn Kim là trưởng Nhóm. Dưới sự hướng dẫn và định hướng của trưởng nhóm, các thành viên của nhóm đã có sự hợp tác sâu, rộng với các chuyên gia trong và ngoài nước, tiến hành các nghiên cứu về quan hệ bang giao, lịch sử hải thương châu Á và mối giao lưu kinh tế Đông - Tây. Những công trình nghiên cứu này đã góp phần quan trọng trong việc làm sáng tỏ truyền thống và hoạt động ngoại thương của người Việt trong suốt chiều dài lịch sử, đặt trong bối cảnh các mạng lưới bang giao và thương mại khu vực và quốc tế. Trong nhiều năm qua, tác giả Nguyễn Văn Kim, với vai trò là Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Toàn cầu và cũng là Trưởng Nhóm Nghiên cứu Biển và Thương mại châu Á của Đại học Quốc gia Hà Nội, đã có nhiều sự phối hợp, nghiên cứu liên ngành để làm sáng tỏ truyền thống và hoạt động ngoại thương của Việt Nam trong bối cảnh và hệ thống thương mại châu Á. Kết quả đạt được là các công trình: Vân Đồn - Thương cảng quốc tế của Việt Nam, Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI-XVII, Người Việt với biển, Việt Nam - Truyền thống kinh tế, văn hóa biển, Việt Nam trong các mối quan hệ khu vực và quốc tế, Biển Việt Nam và các mối giao thương biển, Biển với lục địa - Vai trò và mạng lưới giao lưu ở lưu vực các dòng sông miền Trung, Việt Nam - Tiềm năng và vị thế, Huyền thoại về một vùng đất - Không gian văn hóa Tây Nguyên qua sử thi Êđê... đã góp phần làm sâu sắc hơn những nhận thức về truyền thống khai thác biển, tư duy hướng biển và hoạt động kinh tế biển của Việt Nam (trong đó có quan hệ thương mại của Champa và các thương cảng miền Trung), đồng thời cũng góp phần làm sáng tỏ cơ chế vận hành của các mạng lưới bang giao, thương mại của khu vực. Là một chuyên gia nghiên cứu về lịch sử thương mại toàn cầu, nhà sử học Hoàng Anh Tuấn đã công bố nhiều công trình quan trọng về hoạt động thương mại và bang giao quốc tế ở châu Á, đặc biệt là giai đoạn thế kỷ XVII-XVIII. Một số công trình quan trọng của tác giả Hoàng Anh Tuấn có thể kể đến như: bài viết “Cù Lao Chàm và hoạt động thương mại ở Biển Đông thời Vương quốc Champa” [178, tr.123- 16
  17. 134], bài viết “Regionalizing National History: Ancient and Medieval Vietnamese Maritime Trade in the East Asian Context” [322, tr.87-106], cuốn sách chuyên khảo Silk for Silver: Dutch-Vietnamese relations, 1637-1700 [323], chuyên khảo Thương mại thế giới và hội nhập của Việt Nam thế kỷ XVI-XVIII. Trong đó, công trình chuyên khảo Thương mại thế giới và hội nhập của Việt Nam thế kỷ XVI-XVIII là một trong những công trình quan trọng nghiên cứu trực tiếp về hoạt động bang giao, thương mại quốc tế ở khu vực châu Á, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào giai đoạn thế kỷ XVI- XVIII. Ngoài ra, trong những năm gần đây đã có nhiều công trình nghiên cứu khác của các học giả Việt Nam cũng đã đề cập đến hoạt động bang giao, thương mại của khu vực Châu Á thời cổ trung đại [6], [11], [77], [81], [191]. 1.1.3. Vấn đề bang giao và thương mại của Champa với Châu Á Các nhà nghiên cứu bên cạnh việc thảo luận về vấn đề “Ấn Độ hóa” ở Champa, cũng đã lưu ý tới một “nhân tố Trung Hoa” trong việc định hình và phát triển của văn hóa Champa. Trên cơ sở nhiều năm khảo cứu ở miền Trung, chuyên gia khảo cổ học Lâm Mỹ Dung đã đưa ra một giải thích mới về quá trình thâm nhập của văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa vào miền Trung Việt Nam trong những thế kỷ đầu Công nguyên. Theo đó, những ảnh hưởng ngoại sinh ở Đông Nam Á cũng như Champa bắt đầu từ khoảng đầu thiên kỷ thứ nhất. Các yếu tố Ấn Độ, thay vì có vị trí độc tôn như cách hiểu truyền thống, đã cùng tồn tại với các dòng văn hóa ngoại lai khác, đặc biệt là các yếu tố văn hóa Hán từ Trung Quốc cùng thâm nhập đến Champa. Tác giả cũng đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của những nhân tố nội sinh và sự chủ động của các nhân tố đó trong việc chọn lựa và bản địa hóa các nhân tố ngoại lai của các cộng đồng Champa sớm [35; 39]. Các tác giả Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm đã công bố một chuyên khảo rất quan trọng về lịch sử bang giao giữa Đại Việt với Champa trong bối cảnh hai bên cùng chống lại kẻ thù xâm lược chung là đế quốc Nguyên Mông trong chuyên khảo “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” [152]. Đây là một chuyên khảo rất quan trọng về quan hệ bang giao, chính trị và quân sự giữa đế quốc Nguyên Mông với Đại Việt và Champa trong thế kỷ XIII thông qua việc khai thác triệt để các nguồn tư liệu thư tịch bằng chữ Hán như Nguyên sử, Kinh thế đại điển tự lục, hay Chư phiên chí. Tác giả Hà Bích Liên trong Luận án Tiến sĩ có tiêu đề "Quan hệ giữa vương quốc cổ Champa với các nước trong khu vực" bảo vệ năm 2000, đã nghiên cứu một số 17
  18. mối liên hệ về văn hóa, nghệ thuật, ngôn ngữ và kinh tế của Champa với một số vương quốc cố ở Malaysia, Indonesia và Philippines [8]. Trong đó, tác giả phân chia ra hai giai đoạn chính trong mối quan hệ này: Giai đoạn 1 là trước thế kỷ X, nổi bật lên mối quan hệ về mặt văn hóa và nghệ thuật giữa vương quốc cổ Champa với nền nghệ thuật cổ ở Java; Giai đoạn 2 là thời kỳ Vijaya sau thế kỷ X đến thế kỷ XV với các mối quan hệ về ngôn ngữ và kinh tế giữa Champa với các chính thể như Butuan ở vùng quần đảo Philippines, cùng với đó là quan hệ hôn nhân và truyền bá tôn giáo (Hồi giáo) giữa Champa với Majapahit và Malacca của Indonesia và Malaysia được thể hiện qua Niên giám Mã Lai Sejenat Melayu và bi ký Po Sah của Champa. Công trình nghiên cứu của Hà Bích Liên là một trong những công trình mang tính khái quát nhất và đầy đủ nhất về mối quan hệ của vương quốc cổ Champa với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, nội dung của Luận án chỉ tập trung vào quan hệ của Champa với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á mà không đề cập tới các mối quan hệ quốc tế rộng hơn của Champa như quan hệ với Trung Quốc hay mạng lưới Hồi giáo ở châu Á. Một trong những mối quan tâm nhiều nhất của các nhà nghiên cứu trong nước đó là mối quan hệ triều cống của Champa tới Đại Việt cũng như lịch sử xung đột và quá trình thống nhất lãnh thổ của quốc gia Việt Nam. Luận án Tiến sĩ “Quan hệ Đại Việt – Champa thế kỷ X-XV ở châu thổ Bắc Bộ” của chuyên gia Đinh Đức Tiến đã phác dựng lại mối quan hệ giữa Đại Việt với Champa từ thế kỷ X đến thế kỷ XV trên các phương diện, từ hoạt động ngoại giao đến các hoạt động quân sự. Từ đó, tác giả đã đưa ra các đánh giá về tác động của mối quan hệ này tới lịch sử của hai quốc gia Đại Việt - Champa. Tác giả cho rằng, hệ quả của mối quan hệ giữa Đại Việt - Champa từ thế kỷ X đến XV là những dấu ấn, ảnh hưởng, tác động của văn hóa Champa tới văn hóa Đại Việt mà hiện còn để lại những dấu ấn văn hóa vật thể và phi vật thể ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Đinh Đức Tiến cho rằng, trong quá trình phát triển, bằng nhiều con đường và phương thức khác nhau, Champa còn có nhiều mối liên hệ với vùng cao nguyên miền Trung, Nam Bộ và châu thổ Bắc Bộ [163]. Có thể thấy rằng, Luận án của Đinh Đức Tiến là một trong những công trình nghiên cứu chuyên sâu nhất về mối quan hệ lịch sử giữa Đại Việt với Champa và những hệ quả hay dấu ấn về mặt văn hóa của mối quan hệ ấy. Tuy nhiên, việc tác giả không đặt mối quan hệ Champa với Đại Việt trong bối cảnh rộng lớn hơn là các mối quan hệ bang giao, thương mại khu vực và quốc tế vốn có rất nhiều tác động quan trọng tới cả hai quốc gia này, có thể coi là một điểm hạn chế của công trình nghiên cứu này. Nhà nghiên cứu Văn Món Sakaya đã khai thác thư tịch cổ của người Chăm cũng như khảo sát thực địa việc thực hành tín ngưỡng, lễ hội của cộng đồng người 18
  19. Chăm ở Ninh Thuận và ở Malaysia đã có những công bố quan trọng về mối liên hệ lịch sử, văn hóa giữa người Champa cổ với cộng đồng các cư dân Malay ở bán đảo Malaysia. Các nghiên cứu của tác giả Sakaya về vấn đề này gồm Lịch sử mối quan hệ giữa Champa và thế giới Mã Lai (Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX): Nghiên cứu trường hợp lễ Raja Praong của người Chăm Luận văn thạc sĩ) và Mối quan hệ giữa văn hoá Chăm và văn hoá Mã Lai thông qua lễ Raja Praong và Mak Yong (Luận án tiến sĩ). Theo Văn Món, từ sau thế kỷ XV, khi sự ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ phai dần thì mối quan hệ giữa người Chăm và người Mã Lai càng gần hơn, điều này được thể hiện đậm nét qua nghi lễ Raja Praong của tiểu vương quốc Panduranga-Champa có nguồn gốc từ lễ Mak Yong ở vùng Kelantan từ thời kỳ vua Po Rome thế kỷ XVII. Những nghiên cứu của nhà nghiên cứu Văn Món có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu và làm rõ các mối quan hệ giữa Champa với cộng đồng cư dân trên bán đảo Malay. Chuyên gia Ngô Văn Doanh cũng đã có những nghiên cứu sâu sắc về quan hệ văn hóa, nghệ thuật giữa Champa với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là với vương quốc cổ Java. Dưới góc độ lịch sử nghệ thuật, tác giả đã chứng minh mối liên hệ về nghệ thuật giữa Champa với vương quốc cổ Java. Ông cho rằng các cuộc hành hương của Rajadvara tới Java thể hiện trong bi ký Champa là cơ sở để chúng ta hiểu về những ảnh hưởng khá đậm nét của nghệ thuật Java cổ trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Champa từ đầu thế kỷ X đến hết thế kỷ XI [2]. Có thể nói, tác giả Ngô Văn Doanh là một trong những người có thâm niên nghiên cứu và có những thành tựu nghiên cứu rất quan trọng về lịch sử văn hóa Champa nói chung, cũng như lịch sử bang giao của Champa với các nước trong khu vực nói chung. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu của mình, vấn đề hoạt động kinh tế và quan hệ thương mại quốc tế của Champa ít được tác giả quan tâm nghiên cứu. Năm 2017, Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức một Hội thảo quan trọng về “Gốm cổ Bình Định - Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với kinh đô Thăng Long - Đại Việt (thế kỷ XI-XV)”. Hội thảo đã quy tụ được những chuyên gia hàng đầu Việt Nam và thế giới về nghiên cứu lịch sử, văn hóa Champa và đã đưa ra được những kết quả nghiên cứu mới hết sức thú vị, đặc biệt là việc nhận diện rõ ràng và sâu sắc hơn mối quan hệ giữa vương quốc cổ Champa với các quốc gia trong khu vực. Tác giả Bùi Minh Trí dựa trên các kết quả khai quật khu lò gốm Trường Cửu và Gò Cây Me ở Bình Định của Champa đã chỉ ra rằng, giữa hai quốc gia này đã có những mối liên hệ vô cùng mật thiết vào thế kỷ XIV và XV, thể hiện qua sự kiện lịch sử Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã du hành ở Champa trong thời gian dài, và tác giả nhận định rằng chính trong thời gian này, đã có một sự di chuyển của các thợ gốm cũng như thợ thủ công người Việt từ Thăng Long 19
  20. vào kinh đô Vijaya của Champa. Chính những thợ gốm và thợ thủ công người Việt này đã tham gia vào quá trình sản xuất gốm sứ của Champa thể hiện qua các bằng chứng kỹ thuật học cũng như hoa văn trang trí trên đồ gốm ở Trường Cửu và Gò Cây Me [195]. Đây là những nhận định hết sức quan trọng, chứng minh sức ảnh hưởng của văn hóa Đại Việt đối với văn hóa Champa, cũng như giúp lý giải nhiều xu hướng phát triển của hai quốc gia Đại Việt và Champa trong các thế kỷ XIV - XV. Ngoài ra, tại Hội thảo này, nhiều học giả Việt Nam và quốc tế cũng đã công bố nhiều nghiên cứu mới về quan hệ bang giao và thương mại của Champa với các quốc gia trong khu vực. Có thể nói, Hội thảo quốc tế tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Kinh thành này là một trong những Hội thảo quốc tế lớn nhất về Champa tổ chức tại Việt Nam, qui tụ đông đảo nhất các nhà nghiên cứu Champa cả trong và ngoài nước. Những bài viết được công bố tại Hội thảo này đều là những công bố mang tính phát hiện mới, tư liệu mới, góp phần quan trọng vào việc làm sáng tỏ các quan hệ bang giao và thương mại truyền thống giữa Champa với các quốc gia trong khu vực. 1.2. Những công trình nghiên cứu của các tác giả nước ngoài 1.2.1. Vấn đề tổ chức chính trị và hoạt động kinh tế của Champa Năm 1888, A.Begainge đã công bố một trong những nghiên cứu đầu tiên về lịch sử Champa trong công trình: L'ancien royaume de Campa dans l'Indochine [331]. Tác phẩm này đã phác dựng những suy nghĩ, nhận thức đầu tiên về lịch sử của vương quốc cổ Champa. Không lâu sau đó, A.Begainge và E.Aymonier đã công bố những kết quả khảo cứu mới về minh văn Champa ở miền Trung Việt Nam. Đặc biệt là sự thành lập của Mission Archéologique d‘Indochine (Phái bộ khảo cổ học Đông Dương) vào năm 1898 (từ năm 1900 đổi tên thành École Française d‘Extrême - Orient, EFEO – Viện Viễn Đông bác cổ), đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa Champa. Từ thời điểm này trở đi, các học giả người Pháp đã dành nhiều hơn sự quan tâm đối với các cuộc khai quật khảo cổ học ở miền Trung và nghiên cứu cụ thể nhất có thể thấy qua công trình đồ sộ: Inventaire descriptif des monuments cams de l’Annam của H.Parmentier [352], [353]. Một số công trình nghiên cứu bi ký Champa cũng đã được xuất bản và đưa đến những nhận thức mới mẻ về lịch sử vương quốc này [284], [358], [359], [360], [361]. Dựa trên những bằng chứng mới, G.Maspéro đã có một đóng góp quan trọng trong nghiên cứu lịch sử Champa thông qua việc xuất bản công trình: Le Royaume de Champa vào năm 1928. Công trình này đã nhanh chóng được xem như một trong những diễn ngôn kiểu mẫu về lịch sử Champa. Cho đến gần đây công trình của ông 20
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2