intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận án Tiến sĩ Nghệ thuật: Nghệ thuật trang trí ở lăng Thiệu Trị - Huế

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:216

16
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận án hướng đến đúc kết và thực tiễn để phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và là nguồn dữ liệu tham khảo trong hoạt động phục hồi, trùng tu, tôn tạo công trình kiến trúc lăng Thiệu Trị trong quần thể kiến trúc lăng tẩm thời Nguyễn tại Huế.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Nghệ thuật: Nghệ thuật trang trí ở lăng Thiệu Trị - Huế

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Nguyễn Vũ Lân NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ Ở LĂNG THIỆU TRỊ - HUẾ LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGHỆ THUẬT Tp. Hồ Chí Minh, 2023
  2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Nguyễn Vũ Lân NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ Ở LĂNG THIỆU TRỊ - HUẾ LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGHỆ THUẬT Chuyên ngành: Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật Mã số: 9210101 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. Phan Thanh Bình Tp. Hồ Chí Minh, 2023
  3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan bản luận án tiến sĩ với đề tài Nghệ thuật trang trí ở lăng Thiệu Trị - Huế là công trình nghiên cứu do tôi thực hiện, các thống kê, số liệu, trích dẫn và kết quả nghiên cứu trong luận án là trung thực và có nguồn xuất xứ rõ ràng. Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 5 năm 2023 Tác giả luận án Nguyễn Vũ Lân
  4. 1 MỤC LỤC Trang LỜI CAM ĐOAN ......................................................................................................... 3 MỤC LỤC...................................................................................................................... 1 DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT ........................................................................ 3 MỞ ĐẦU ........................................................................................................................ 4 1. Lý do chọn đề tài.....................................................................................................4 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu.......................................................................7 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu........................................................................8 4. Câu hỏi nghiên cứu.................................................................................................8 5. Giả thuyết nghiên cứu............................................................................................9 6. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu........................................................9 7. Những đóng góp mới của luận án......................................................................11 8. Kết cấu của luận án ..............................................................................................12 Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ Ở LĂNG THIỆU TRỊ......................................... 13 1.1. Cơ sở lý luận và một số khái niệm về vấn đề nghiên cứu ...........................13 1.2. Khái quát về mỹ thuật thời Nguyễn, lăng Thiệu Trị và một số công trình liên quan .....................................................................................................................24 1.3. Tổng quan tình hình nghiên cứu về mỹ thuật thời Nguyễn và nghệ thuật trang trí lăng Thiệu Trị ...........................................................................................43 Chương 2 NHẬN DIỆN NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ Ở LĂNG THIỆU TRỊ59 2.1 Nhận diện nghệ thuật trang trí lăng Thiệu Trị thông qua nội dung đề tài chủ đạo........................................................................................................................60 2.2. Nhận diện nghệ thuật trang trí lăng Thiệu Trị từ hình thức thể hiện bố cục “Nhất thi, nhất họa”, “Nhất tự, nhất họa” ....................................................73
  5. 2 2.3. Hình thức biểu đạt nghệ thuật trang trí qua các chất liệu ở lăng Thiệu Trị ................................................................................................................................80 Chương 3 ĐẶC ĐIỂM VÀ GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ Ở LĂNG THIỆU TRỊ, LUẬN BÀN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ......................... 105 3.1. Đặc điểm nghệ thuật trang trí ở lăng Thiệu Trị qua yếu tố dân gian và sự đặc sắc các kiểu thức “hóa” .................................................................. 106 3.2. Giá trị nghệ thuật trang trí ở lăng Thiệu Trị qua sự dung hợp của các yếu tố tạo hình ........................................................................................................ 126 3.3 Một số nhận định, đánh giá rút ra từ kết quả nghiên cứu luận án ....... 140 KẾT LUẬN................................................................................................................ 149 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN ......................................................... 153 TÀI LIỆU THAM KHẢO....................................................................................... 154 MỤC LỤC PHỤ LỤC.............................................................................................. 164
  6. 3 DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT B.A.V.H Bullentin des amis du Vieux Húe NCS Nghiên cứu sinh NXB Nhà xuất bản PGS.TS Phó giáo sư. Tiến sĩ PL Phụ lục TG Tác giả TP,HCM Thành phố, Hồ Chí Minh TTBTDT Trung tâm Bảo tồn Di tích USA United States of America VHTT Văn hóa thể thao
  7. 4 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Nghệ thuật triều Nguyễn (1802 - 1945) đã được hình thành và phát triển trải qua chặng đường dài lịch sử, tạo nên một diện mạo kiến trúc cung đình, lăng tẩm rất đặc trưng trên đất Huế. Những di sản văn hóa và các giá trị đặc sắc về nghệ thuật tạo hình là sự kết tinh công sức, trí tuệ và thành quả lao động sáng tạo của nhiều thế hệ nghệ nhân của cả nước. Các đề tài trong nghệ thuật phong kiến nói chung luôn hàm chứa tính đa nghĩa tượng trưng bên cạnh các ý nghĩa tâm linh, thẩm mỹ khác nhau. Đặc biệt đối với thời Nguyễn, ý nghĩa đề tài thể hiện ra rõ nét khi chúng được đặt trong những quan hệ với không gian mà các nghệ nhân thời Nguyễn đã đưa vào sử dụng. Về tương quan nghệ thuật, thời Nguyễn lấy Nho giáo làm tư tưởng chủ đạo, đồng thời dung hòa với nghệ thuật dân gian, đan xen với yếu tố nghệ thuật khác như nghệ thuật Phật giáo, Champa… Nghệ thuật thời Nguyễn đã thể hiện qua nhiều chủ đề tư tưởng, kiểu thức trang trí, điêu khắc, hội họa, tất cả làm cho diện mạo tạo hình trở nên đặc sắc và phong phú. Nghệ thuật thời Nguyễn được nhìn nhận trên hai bình diện là nghệ thuật trang trí cung đình và dân gian. Từ đó đã phản ánh diện mạo của một kinh đô trong quá khứ với các kiểu thức trang trí qua các chất liệu chủ đạo như: nề, đồng, đá, gỗ, gốm, pháp lam… Dưới thời Nguyễn, kiến trúc thường rất quy mô, cấu trúc tuân thủ những nguyên tắc kết cấu qua đề tài, chủ đề và kiểu thức của các loại hình kiến trúc, bên cạnh đó còn phải tuân theo nguyên tắc phong thủy liên quan đến các thực thể địa lý tự nhiên như sông, núi, ao hồ, khe suối… Những đặc điểm ấy đã được nhận thấy thông qua hệ thống kiến trúc trang trí thời Nguyễn. Cấu trúc lăng thường có la thành, nghi môn, tượng chầu hai bên, trụ biểu, nhà bia, hồ, cầu, điện, cổng tam quan… được thể hiện một cách hợp lý, hài hòa và đầy sinh
  8. 5 động. Trong đó việc lựa chọn các hoa văn họa tiết kiến trúc là vấn đề mà các nghệ nhân đặt lên hàng đầu trong việc đưa vào trang trí cung đình. Một trong những nét nổi bật của nghệ thuật thời Nguyễn là nghệ thuật kiến trúc cung điện và lăng tẩm, góp phần tạo nên một hình hài đặc sắc của mỹ thuật Nguyễn và đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong mỹ thuật của dân tộc. Trong hệ thống lăng tẩm của các vua triều Nguyễn, sau hai lăng của các vua tiền nhiệm là lăng vua Gia Long và lăng vua Minh Mạng, đến lăng vua Thiệu Trị có những nét chuyển đổi một cách vượt bậc trong nghệ thuật tạo hình trang trí, tạo cho kiến trúc lăng mang một nét khác lạ riêng biệt, trang nhã, lãng mạn. Quá trình xây dựng lăng Thiệu Trị, vua Tự Đức kết hợp một số nghệ thuật kiến trúc hai lăng trước đó để đưa ra đồ án tối ưu khi xây dựng lăng. Lăng Thiệu Trị (Xương lăng) cách trung tâm thành phố Huế khoảng 11km về phía Tây Nam. Đây là lăng thứ ba trong hệ thống kiến trúc lăng tẩm của các vua triều Nguyễn, trước đó có lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, về sau còn có các lăng như: lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh, lăng Khải Định… Có một điểm chung là tất cả các lăng vua đều nằm ở phía tây thành phố Huế, nơi mặt trời lặn (khuất núi) biểu thị ẩn dụ về cõi vĩnh hằng. Quá trình xây dựng lăng Thiệu Trị chỉ trong vòng chưa đầy 10 tháng (1848) đã hoàn tất các công trình chủ yếu và vua Thiệu Trị được an táng tại chân một dãy núi thấp tên là núi Thuận Đạo, thuộc làng Cư Chánh, huyện Hương Thủy. Lăng được xây dựng thành hai tiểu khuôn viên song song với khoảng cách chừng 100m trên núi Thuận Đạo, tổng diện tích là 475 ha. Phía trước là dòng sông Hương chảy qua tạo cho kiến trúc lăng hòa hợp với thiên nhiên, thơ mộng, từ xa có đồi Vọng Cảnh và núi Ngọc Trản hình thành thế phong thủy rồng chầu, hổ phục. Kiến trúc lăng Thiệu Trị được thể hiện bởi ngôn ngữ kiến trúc, phong thủy khá riêng biệt, mang ý nghĩa thâm sâu qua từng chi tiết về bố cục, đề tài, kiểu thức hoa văn trang trí hòa quyện vào thiên nhiên. Với triết lý dung hòa
  9. 6 giữa đạo và đời, khiến cho kiến trúc lăng không chỉ giàu tính nghệ thuật mà còn là dấu ấn cõi trần của người đã khuất. Khi xây dựng lăng triều đình đã có những cải tạo, biến đổi một phần không gian để thích ứng với địa hình, địa mạo, lẫn nguyên vật liệu chế tác, thích hợp với khí hậu, thời tiết. Do điều kiện hết sức hạn hẹp về sức người và sức của, khi xây dựng lăng triều đình cho tận dụng thiên nhiên xung quanh và những gì có sẵn để trang trí, vì vậy mà ở lăng, từ kiến trúc đến trang trí cho ta thoáng nhìn rất đơn sơ, giản dị, nhưng khi chuyên sâu vào từng mảng hoa văn, họa tiết và chất liệu trang trí mới thấy được sự phát triển nghệ thuật một cách khác lạ so với các lăng tẩm thời Nguyễn khác. Lăng Thiệu Trị có những nét riêng biệt góp phần trong việc tạo dựng phong cách nghệ thuật trang trí thời Nguyễn phong phú hơn. Tuy nhiên, cho đến nay các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước chưa quan tâm và đề cập nhiều đến vấn đề này, nếu có chỉ mang tính khái quát về lịch sử, văn hóa. Việc nghiên cứu, đánh giá nghệ thuật trang trí ở lăng Thiệu Trị từ trước tới nay vẫn chưa được đi sâu một cách đầy đủ, toàn diện những giá trị riêng biệt, độc đáo và rất xứng đáng được trân trọng lưu giữ. Nghệ thuật trang trí thể hiện rất rõ nét một phần dấu ấn đặc trưng của lăng Thiệu Trị và những giá trị sáng tạo của các nghệ nhân cung đình thế kỉ XIX trong chặng đường dài của lịch sử là vô cùng to lớn. Điều này cho thấy việc đi sâu nghiên cứu, khẳng định, làm sáng tỏ giá trị nghệ thuật trang trí ở lăng Thiệu Trị là điều rất cần thiết. Từ những vấn đề đặt ra và hướng tiếp cận trên, nghiên cứu sinh (NCS) chọn đề tài Nghệ thuật trang trí ở lăng Thiệu Trị - Huế để nghiên cứu, góp thêm tiếng nói trong việc phát huy và gìn giữ các giá trị nghệ thuật, hướng đến vận dụng trong bảo tồn, trùng tu nghệ thuật lăng Thiệu Trị đang được đặt ra cấp thiết hiện nay.
  10. 7 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Dựa trên cơ sở lý thuyết mỹ thuật học, luận án xác định và phân tích nghệ thuật tạo hình trang trí mang tính đặc thù ở lăng Thiệu Trị - Huế. Qua đó khẳng định vị trí của kiến trúc lăng Thiệu Trị với sự tiếp nối của mỹ thuật thời Nguyễn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX trong dòng chảy mỹ thuật truyền thống dân tộc. Luận án hướng đến đúc kết và thực tiễn để phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và là nguồn dữ liệu tham khảo trong hoạt động phục hồi, trùng tu, tôn tạo công trình kiến trúc lăng Thiệu Trị trong quần thể kiến trúc lăng tẩm thời Nguyễn tại Huế. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Hệ thống hóa các tài liệu có liên quan đến nghệ thuật trang trí lăng Thiệu Trị Tìm hiểu nghệ thuật trang trí ở lăng Thiệu Trị với các mô típ trang trí, phong cách, hình tượng, đặc trưng, ý nghĩa nhân văn và tính tượng trưng của các đề tài. Xác định những giá trị tạo hình độc đáo, tiêu biểu trong trang trí kiến trúc lăng vua Thiệu Trị; đối chiếu, so sánh giá trị nghệ thuật trang trí ở lăng Thiệu Trị với các hệ thống lăng tẩm khác dưới thời Nguyễn, qua đó làm rõ những nét riêng biệt và những đóng góp của di sản kiến trúc này. Xây dựng luận cứ khoa học trong hoạt động trùng tu, tôn tạo lăng Thiệu Trị nói riêng cũng như các di sản kiến trúc thời Nguyễn ở Huế nói chung trong tương lai, qua đó góp phần vào sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa Cố đô Huế đã được thế giới vinh danh.
  11. 8 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Luận án tập trung nghiên cứu nghệ thuật trang trí ở lăng Thiệu Trị - Huế từ các khía cạnh: các chất liệu tạo hình, đề tài và hiệu quả của nghệ thuật trang trí. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Về phạm vi không gian nghiên cứu Luận án nghiên cứu nghệ thuật trang trí ngoại thất, nội thất gắn liền với kiến trúc, bao gồm các chất liệu trang trí, hội họa, điêu khắc, ở lăng Thiệu Trị, Huế. Tuy nhiên, để làm rõ diện mạo và sự đóng góp dưới góc độ nghệ thuật trang trí lăng Thiệu Trị, luận án nghiên cứu ở một số công trình lăng tẩm thời Nguyễn khác ở Huế dưới góc nhìn liên hệ, so sánh. Về phạm vi thời gian nghiên cứu Luận án tập trung nghiên cứu nghệ thuật trang trí lăng Thiệu Trị, tuy nhiên khi phân tích những vấn đề liên quan, NCS mở rộng phạm vi thời gian về trước và sau để đưa ra những nhận định, đánh giá về các giá trị nghệ thuật, yếu tố tạo hình trang trí ở lăng Thiệu Trị. 4. Câu hỏi nghiên cứu Để làm rõ các vấn đề nghiên cứu của luận án, NCS đã đưa ra một số câu hỏi nghiên cứu sau: Nghệ thuật trang trí thời Thiệu Trị có những đặc điểm nổi bật gì so với trang trí lăng tẩm khác dưới thời Nguyễn? Nho giáo là tư tưởng chủ đạo, nhưng tại sao Phật giáo và Đạo giáo có ảnh hưởng khá rõ nét đến nghệ thuật trang trí lăng Thiệu Trị? Không chỉ tác động đến nghệ thuật trang trí ở lăng mà yếu tố Phật giáo còn in đậm nét trong hệ thống trang trí kiến trúc qua ý nghĩa đề tài và cách thức thể hiện? Yếu tố Champa đã xuất hiện như thế nào trên các công trình kiến trúc trang trí lăng Thiệu Trị?
  12. 9 Nét đặc sắc và nổi bật của nghệ thuật trang trí dân gian ở lăng Thiệu Trị đã thể hiện sự tiếp biến và tương tác qua lại giữa các yếu tố văn hóa trực tiếp liên quan như thế nào? 5. Giả thuyết nghiên cứu Luận án chỉ ra phong cách riêng của nghệ thuật trang trí ở lăng Thiệu Trị so với các lăng tẩm khác thời Nguyễn qua nghệ thuật nề họa, pháp lam, chạm khắc gỗ thô mộc, đồ đồng nổi bật và tiêu biểu nhất, hệ thống bát bửu đan xen nhau theo lối bố cục “Nhất thi, nhất họa” chạm nổi trên chất liệu gỗ nhiều nhất… Những đặc trưng của nghệ thuật thời Thiệu Trị đã phản ánh được giá trị thẩm mỹ, yếu tố tạo hình trang trí, hình thức biểu hiện, hay các chủ đề. Đặc điểm riêng về nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, mô típ trang trí hoa văn có sự ảnh hưởng của văn hóa Champa hay Trung Hoa và quá trình Việt hóa. Ảnh hưởng Phật giáo trong nghệ thuật trang trí lăng Thiệu Trị đã tạo nên một nét độc đáo của nghệ thuật trang trí thời Nguyễn. Những hoa văn trang trí được chọn lọc một cách hài hòa, mang tính gắn kết sâu sắc với tư tưởng của Phật giáo. Từ đó làm sáng tỏ các giá trị tư tưởng và đặc trưng nghệ thuật trang trí ở lăng Thiệu Trị. Tính dân gian trong trang trí lăng Thiệu Trị đã góp phần vào sự hình thành phong cách tạo hình, bố cục, không gian họa tiết một cách gần gũi với đời sống. Điều này cho thấy, nghệ thuật trang trí dân gian đã tạo được ấn tượng, đồng thời làm tăng thêm tính chất đặc trưng trong trang trí kiến trúc lăng. 6. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu 6.1. Phương pháp luận Trên cơ sở nắm vững quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nghệ thuật, từ các phương pháp luận, đề tài luận án nhìn nhận đối tượng nghiên cứu nghệ thuật trang trí ở lăng Thiệu Trị về tổng thể là một hiện tượng văn hóa nghệ thuật lịch sử, ở đó thể hiện sự
  13. 10 tương tác giữa các lĩnh vực mỹ thuật - kiến trúc đã và đang tồn tại khách quan và nằm trong mối quan hệ tổng thể với những phương diện khác... Coi trọng sự trải nghiệm khảo sát trên thực địa và việc tiếp cận các vấn đề lý thuyết của các học giả trong và ngoài nước, kế thừa kết quả nghiên cứu của các công trình đi trước, trên cơ sở đó vận dụng hài hòa giữa lý thuyết và thực tiễn vào giải quyết các vấn đề khoa học của luận án. 6.2. Cách tiếp cận Xuất phát từ việc nhận diện đối tượng nghiên cứu từ góc độ tổng thể là một hiện tượng văn hóa nghệ thuật, NCS đã lựa chọn và vận dụng cách tiếp cận liên ngành - cách tiếp cận đang là xu thế của khoa học xã hội và nhân văn trong thời gian gần đây để nhìn nhận hiện tượng, lý giải các vấn đề nghiên cứu từ nhiều góc độ khác nhau. Theo hướng tiếp cận liên ngành, các giá trị nghệ thuật trang trí ở lăng Thiệu Trị, với tư cách là “cái tổng thể” - tức là một hệ thống phức tạp hợp thành từ nhiều thành phần (chất liệu, đề tài, ý nghĩa...), ở đó có những thuộc tính của cái tổng thể và có cả thuộc tính của các thành phần. 6.3. Phương pháp nghiên cứu Luận án sử dụng cách tiếp cận liên ngành, với sự kết hợp và hỗ trợ của nhiều ngành khoa học khác nhau nhằm tìm hiểu và khai thác các khía cạnh nhiều mặt của đối tượng nghiên cứu. Trong đó, bao gồm các thao tác nghiên cứu cụ thể sau đây: Khảo sát điền dã tại quần thể kiến trúc lăng Thiệu Trị và các công trình có liên quan, kết hợp với các phương pháp quan sát tham dự, tiếp cận với các nguồn sử liệu, điều tra hồi cố... Vận dụng phương pháp Mỹ thuật học trong phân tích, đánh giá, so sánh, tạo hình và tiếp biến thẩm mỹ của nghệ thuật trang trí tại lăng Thiệu Trị. Từ các nguyên lý mỹ thuật, tiếp cận sâu về đặc trưng tạo hình, trang trí, lý giải các đặc điểm và sự vận dụng của bố cục trang trí, nét mảng, cấu trúc và tính chất,
  14. 11 sự chuyển dịch của màu sắc, khối trong trang trí tạo hình lăng Thiệu Trị Sử dụng kết hợp các phương pháp phân tích, tổng hợp, thống kê, so sánh...trong việc thu thập những cứ liệu cụ thể nhằm làm sáng tỏ nội dung nghiên cứu của luận án. Lưu ý đến mối quan hệ, ảnh hưởng tác động qua lại giữa các yếu tố lịch sử - văn hóa - mỹ thuật - kiến trúc. Đây là hướng tiếp cận cần thiết khi nghiên cứu về nghệ thuật trang trí lăng Thiệu Trị trong tư cách là một hiện tượng nghệ thuật mang tính tổng thể Thu thập các tài liệu có liên quan đến đề tài luận án ở nhiều hình thức khác nhau: các tài liệu đã xuất bản thành sách, các bài đăng trên báo, tạp chí, các tài liệu còn ở dạng bản thảo đánh máy, tư liệu thư tịch gồm chính sử, hương ước, sắc phong... đang được lưu giữ tại địa phương, các viện nghiên cứu và thư viện. Sử dụng những tiện ích của Internet (ở những mức độ phù hợp) trong việc thu thập tài liệu cũng là một thao tác được sử dụng trong quá trình thực hiện đề tài này. 7. Những đóng góp mới của luận án Kết quả nghiên cứu của luận án là sự bổ sung hữu ích vào lịch sử nghiên cứu về nghệ thuật thời Nguyễn vốn đã được nhiều thế hệ học giả khảo cứu và bồi đắp... Từ trường hợp nghiên cứu cụ thể là nghệ thuật trang trí lăng Thiệu Trị, luận án còn góp phần hướng mọi người quan tâm hơn nữa đến vấn đề gìn giữ các di sản văn hóa nghệ thuật thời Nguyễn nói riêng và vốn di sản văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung. Nghiên cứu nghệ thuật trang trí lăng Thiệu Trị góp phần bổ sung những thông tin tư liệu về nghệ thuật thời Nguyễn, qua đó đóng góp vào việc nghiên cứu và cung cấp những cứ liệu cho công tác bảo tồn các giá trị nghệ thuật thời Nguyễn ở Cố đô Huế trong bối cảnh hiện nay.
  15. 12 8. Kết cấu của luận án Ngoài phần Mở đầu (9 trang), Kết luận (04 trang), Tài liệu tham khảo (10 trang) và Phụ lục (49 trang), nội dung của luận án được kết cấu thành 3 chương: Chương 1. Cơ sở lý luận, thực tiễn và tổng quan tình hình nghiên cứu nghệ thuật trang trí ở lăng Thiệu Trị (46 trang) Chương 2. Nhận diện nghệ thuật trang trí ở lăng Thiệu Trị (46 trang) Chương 3. Đặc điểm và giá trị nghệ thuật trang trí ở lăng Thiệu Trị, luận bàn kết quả nghiên cứu (44 trang)
  16. 13 Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ Ở LĂNG THIỆU TRỊ Mỹ thuật thời Nguyễn nói chung và ở lăng Thiệu Trị nói riêng đã được nghiên cứu, đánh giá qua nhiều công trình khoa học, bài báo, các hội thảo khoa học trong nhiều năm qua. Trong quá trình đó, nhiều khái niệm, thuật ngữ về văn hóa Huế đã được hình thành và ứng dụng, triển khai trong nghiên cứu văn hóa mỹ thuật thời Nguyễn, trong đó có một phần đáng kể được sử dụng trong nghiên cứu, đánh giá về mỹ thuật thời Thiệu Trị ở bình diện thẩm mỹ, nghệ thuật với những giá trị đích thực của nó. Trong nghiên cứu trang trí ở lăng Thiệu Trị, những cơ sở học thuật, khái niệm, thuật ngữ và những vấn đề nghiên cứu tổng quan đó đã được các nhà nghiên cứu vận dụng thành công khi tiếp cận nghiên cứu mỹ thuật ở lăng Thiệu Trị. Từ đó hình thành nên một hệ thống lý luận và cơ sở lịch sử xã hội, văn hóa giúp cho việc nghiên cứu nghệ thuật Nguyễn được triển khai có kết quả. 1.1. Cơ sở lý luận và một số khái niệm về vấn đề nghiên cứu 1.1.1.Cơ sở lý luận Nghệ thuật trang trí lăng Thiệu Trị từ góc độ tạo hình với tư cách là đối tượng nghiên cứu của đề tài luận án được nhìn nhận là một hiện tượng văn hóa mỹ thuật, ở đó thể hiện mối tương tác giữa các lĩnh vực mỹ thuật - kiến trúc trên nền tảng văn hóa Việt Nam, nó tồn tại và vận động trong một khu vực/vùng địa lý - văn hóa cụ thể, với quan niệm như vậy NCS đã chọn một số lý thuyết, luận điểm làm cơ sở lý luận cho nghiên cứu của mình, đó là: 1.1.1.1 Lý thuyết tiếp biến văn hóa Lý thuyết tiếp biến văn hóa, là một lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, xã hội, tập trung vào sự phát triển và thay đổi của văn hóa qua thời gian. Nó được áp dụng để hiểu quá trình tiến hóa văn hóa, không những chỉ tồn tại
  17. 14 trong mỗi cá nhân mà còn được truyền đạt và thay đổi qua các thế hệ. Đồng thời, nó được xem như một hệ thống thông tin, kiến thức, giá trị và thực hành mà con người học hỏi chia sẽ với nhau trong phong cách sống, kỹ thuật, quy tắc xã hội, truyền đạt tạo nên sự thay đổi và phát triển của văn hóa. Lý thuyết tiếp biến văn hóa đóng vai trò rất lớn trong quá trình tiếp xúc và trao đổi văn hóa giữa các thời kỳ với nhau bao gồm ngôn ngữ, phong cách thời trang, quá trình phát triển và thay đổi các yếu tố văn hóa trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình trang trí. Đây là quá trình mà phong cách, kỹ thuật, ý tưởng và hình thức nghệ thuật tiếp xúc thay đổi và phát triển theo thời gian thông qua tương tác với các yếu tố văn hóa khác. Lĩnh vực nghệ thuật tạo hình thường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố văn hóa xung quanh nó và điều này thể hiện sự ảnh hưởng từ các nền văn hóa truyền thống, giá trị xã hội, tôn giáo. Từ sự tiếp xúc và tương tác với các yếu tố văn hóa có thể tạo ra sự thay đổi và phát triển trong nghệ thuật. Tiếp biến văn hóa trong nghệ thuật trang trí thời Nguyễn cho thấy đã in dấu sâu đậm trong nghệ thuật trang trí ở lăng Thiệu Trị và tạo ra dấu ấn sâu sắc trong nghệ thuật trang tri thời kỳ này. Sự tiếp xúc và tiếp biến văn hóa Champa và ảnh hưởng nghệ thuật Phật giáo là điều tất yếu của quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa. Nhờ sự tiếp biến sinh động đó mà ở nghệ thuật lăng Thiệu Trị đã tạo ra sự đa dạng và đặc sắc trong trang trí. Các nghệ nhận đã tìm ra cách sử dụng và biến đổi các vật liệu trước đó như gốm, sành sứ, đồng, gỗ… để tạo ra sự phù hợp cho những đề tài, kiểu thức, hoa văn trang trí rất tinh tế và độc đáo. Như vậy, tiếp biến văn hóa trong nghệ thuật trang trí đã phản ảnh sự phát triển, tương tác của nghệ thuật với môi trường xã hội qua các thời kỳ tạo nên một nền văn hóa mà đặc biệt là dưới thời Nguyễn đã khẵng định một phong cách, kỹ thuật, ý tưởng và hình thức thể hiện một nền văn hoá riêng biệt.
  18. 15 1.1.1.2. Lý thuyết, luận điểm về mỹ thuật học Có thể nói, các yếu tố thẩm mỹ trong nghệ thuật trang trí ở lăng Thiệu Trị chính là sự thể hiện theo một cách riêng - điều kiện lịch sử - văn hoá, phần nào thể hiện được quan niệm thẩm mỹ, tính đặc thù về phong cách sống của chủ thể đó. Trong phạm vi đề tài luận án, khi nghiên cứu về nghệ thuật trang trí lăng Thiệu Trị chúng ta có thể thấy rằng giá trị tạo hình và hoa văn trang trí độc đáo, đặc trưng cùng ý nghĩa nhân văn và tượng trưng của đề tài mang một phong cách riêng in đậm dấu ấn, thể hiện những khát vọng và lý tưởng của một thời kỳ lịch sử với sự biến đổi phù hợp theo quan niệm thẩm mỹ cũng như ý nghĩa biểu hiện vương quyền của triều đại. Từ các luận điểm mỹ thuật học đã phần nào giúp NCS tiếp cận trực tiếp đến đối tượng nghiên cứu từ góc độ mỹ thuật mang tính chuyên ngành của nghệ thuật tạo hình tác động của phương pháp đến đối tượng nghiên cứu một cách hiệu quả. Nghiên cứu mỹ thuật có một lợi thế là bám sát và xoáy sâu vào được các thuộc tính ngôn ngữ trong nghệ thuật tạo hình trang trí, tạo cơ sở cho việc lý giải một cách thuyết phục các kỹ thuật, các thủ pháp xử lý ngôn ngữ và biểu hiện hình tượng, trong đó cấu trúc hình thái của ngôn ngữ trang trí được nhận diện rõ nét nhất cả về chiều sâu không gian tạo hình, về đặc trưng thẩm mỹ ngôn ngữ và các thuộc tính của đường nét, hình mảng, nhịp điệu, trang trí, đồng thời nó cũng giúp NCS có thể đúc rút được những đặc điểm nổi bật tiêu biểu và bản chất nhất của đối tượng nghiên cứu. Tuy nhiên phương pháp mỹ thuật học có những hạn chế nhất định khi đánh giá về những đặc trưng văn hóa, lịch sử, tư tưởng thẩm mỹ và đời sống nội tâm, đặc trưng sáng tạo của nghệ nhân. Điều đó cũng cho thấy lý thuyết, luận điểm về mỹ thuật học nếu được vận dụng một cách nhuần nhuyễn đúng lúc và tạo nên bình diện tác động đa chiều thì sẽ góp phần vô cùng quan trọng đối với người nghiên cứu khi tiếp cận một cách có chiều sâu các nội dung cơ
  19. 16 bản. Mặt khác, luận điểm mỹ thuật học cũng không thể đứng độc lập một cách tuyệt đối mà nó phải có sự chia sẻ, tương tác với các phương pháp như: phương pháp thông tin, , phương pháp thống kê, điền dã thực địa, phân tích, đánh giá, so sánh, đối chiếu… Việc đánh giá, xác định là những phương pháp định hướng cho việc nghiên cứu của đề tài, ngoài ra giúp cho luận án đi vào tìm hiểu giá trị nghệ thuật trang trí lăng Thiệu Trị ở Huế dưới góc độ chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật nên tác giả đã lựa chọn thêm một số lý thuyết, luận điểm khác của các nhà nghiên cứu mỹ thuật trong hệ thống cơ sở lý luận cho nghiên cứu của mình. 1.1.2. Khái niệm về tính biểu tượng, hình tượng, hoa văn trang trí 1.1.2.1. Khái niệm về tính biểu tượng Trong một số nghiên cứu về nghệ thuật trang trí kiến trúc truyền thống của một số tác giả đã trình bày luận điểm về tính biểu tượng trong nghệ thuật trang trí kiến trúc, biểu tượng là những tính chất đặc thù tiêu biểu nhất, tác phẩm nghệ thuật thông qua các tính chất đặc thù này để biểu hiện nội dung muốn truyền tải. Ước lệ là sự hiện thực hoá một cách cô đọng trong sáng tạo thẩm mỹ, khả năng biểu đạt cùng một nội dung của nhiều hệ thống ký hiệu bằng những phương tiện cấu trúc khác nhau. Biểu tượng là hình ảnh cụ thể trong đó bao hàm nhiều ý nghĩa, gây được ấn tượng sâu sắc đối với người xem. Biểu tượng nghệ thuật được coi là ký hiệu thẩm mỹ đa nghĩa, bao gồm cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Ước lệ và biểu tượng thường được dùng nhiều trong nghệ thuật và dần trở thành phương tiện diễn đạt có tính cô đọng, hàm súc, có sức khai mở rất lớn trong sự tiếp nhận của người xem. Các yếu tố được sử dụng trong nghệ thuật trang trí thường mang tính ước lệ với những mức độ khác nhau, một số được nhìn từ góc độ của mối liên hệ giữa việc sử dụng chúng một cách thông thường bên ngoài nghệ thuật và một số khác được nhìn vào ý nghĩa mà chúng có được đằng sau sự biểu hiện của các hình thức đã được sắp đặt theo chủ ý có yếu tố ước lệ. Theo đó, một
  20. 17 hệ thống biểu đạt ước lệ được sử dụng cho các yếu tố trong nghệ thuật trang trí, tạo hình nếu thành công, tất yếu sẽ dẫn dắt và chuyển tải những nội dung, những quy định mà đôi lúc người tiếp nhận không nhận ra, thay vào đó những nội dung, những quy định được xem là một cái gì đó vốn dĩ tự nhiên, phi ước lệ. Chẳng hạn, con rồng thời Nguyễn ở nhiều công trình kiến trúc các nghệ nhân thể hiện sâu sắc, vẻ đẹp uy nghiêm, huyền diệu đặc trưng của biểu tượng. Nhưng hình tượng rồng lăng Thiệu Trị lại mang những điểm khác biệt so với hai thời kỳ trước như: sừng dài có chạc vòng cung cuộn tròn như ngọn sóng, mắt lồi to tròn với những đường nét sắc nhọn, râu và bờm căng đầy, vây lưng chạy dài suốt thân mình, móng rồng diễn tả sắc nhọn, hai chân trước ôm lấy quả cầu được mô phỏng theo hoa văn mai rùa, đuôi uốn lượn với những đường nét chạm sâu dài thẳng, với thân mập tròn đầy đặn, ít khúc kết hợp với những hoa văn mây chồng lên nhau, tạo cho hình tượng rồng bay bổng, nhẹ nhàng, thanh thoát và mang một vẻ đẹp hiền hòa nhưng vẫn không mất đi vẻ uy nghiêm, đặc trưng của biểu tượng chốn cung đình. Rồng chủ yếu là cách điệu thành hoa văn mây chồng nhiều lớp, những hình tượng đó chúng ta rất dễ bắt gặp trong quần thể lăng Thiệu Trị đúng với tinh thần như trong Từ điển biểu tượng văn hóa Thế giới, tác giả Jean Chevalier, Alain Gheerbrant đã đề cập: Là sức mạnh thần thánh, sáng tạo, xếp đặt, rồng đương nhiên là biểu tượng của đế vương… Thật vậy, rồng được gắn với sét (nó khạc ra lửa) và với sự phì nhiêu (nó mang mưa đến). Như vậy, nó tượng trưng cho các chức năng của vua chúa và các nhịp điệu đảm bảo trật tự và phồn vinh. Vì vậy nó trở trành phù hiệu của hoàng đế [43, tr.781]. Ở một khía cạnh khác, trong các kiểu thức mặt rồng ngang, hay mặt hổ phù cũng được sử dụng khá nhiều trên các công trình kiến trúc, nhiều kiểu thức mặt rồng được diễn tả làm nổi bật cả một hệ thống trang trí ở lăng Thiệu Trị. Như vậy, các kiểu thức rồng trong hệ thống các giá trị nghệ thuật trang trí ở lăng mang ý nghĩa tượng trưng thể hiện sức mạnh, uy quyền của nhà vua và triều đại.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
5=>2