intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận án Tiến sĩ Triết học: Ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng đến đời sống tinh thần của cư dân ngoại thành Hà Nội hiện nay

Chia sẻ: ViJenlice ViJenlice | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:267

100
lượt xem
13
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng đến đời sống tinh thần của cư dân NTHN hiện nay, luận án đề xuất quan điểm và giải pháp chủ yếu nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng đến đời sống tinh thần của cư dân nơi đây.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Triết học: Ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng đến đời sống tinh thần của cư dân ngoại thành Hà Nội hiện nay

  1. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH TRẦN THỊ HÀ GIANG ẢNH HƯỞNG CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ THÀNH HOÀNG LÀNG ĐẾN ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA CƯ DÂN NGOẠI THÀNH HÀ NỘI HIỆN NAY LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG VÀ CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ HÀ NỘI - 2020
  2. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH TRẦN THỊ HÀ GIANG ẢNH HƯỞNG CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ THÀNH HOÀNG LÀNG ĐẾN ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA CƯ DÂN NGOẠI THÀNH HÀ NỘI HIỆN NAY LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG VÀ CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ Mã số: 9 22 90 02 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: 1. PGS,TS Trần Đăng Sinh 2. PGS,TS Lê Văn Lợi HÀ NỘI - 2020
  3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo quy định. Tác giả Trần Thị Hà Giang
  4. MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 6 1.1. Những công trình nghiên cứu lý luận về ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng đến đời sống tinh thần cư dân ngoại thành Hà Nội hiện nay 6 1.2. Những công trình nghiên cứu về thực trạng ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng đến đời sống tinh thần cư dân ngoại thành Hà Nội hiện nay 14 1.3. Những công trình nghiên cứu về quan điểm và giải pháp nhằm phát huy những ảnh hưởng tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng đến đời sống tinh thần cư dân ngoại thành Hà Nội hiện nay 17 1.4. Khái quát kết quả các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu trong luận án 23 Chương 2: TÍN NGƯỠNG THỜ THÀNH HOÀNG LÀNG VÀ ĐỜI SỐNG TINH THẦN CƯ DÂN NGOẠI THÀNH HÀ NỘI HIỆN NAY - MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN 28 2.1. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng và tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng ở ngoại thành Hà Nội hiện nay 28 2.2. Đời sống tinh thần và những nhân tố ảnh hưởng tới đời sống tinh thần của cư dân ngoại thành Hà Nội hiện nay 52 Chương 3: ẢNH HƯỞNG CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ THÀNH HOÀNG LÀNG ĐẾN ĐỜI SỐNG TINH THẦN CƯ DÂN NGOẠI THÀNH HÀ NỘI HIỆN NAY - THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA 74 3.1. Phương thức ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng đến đời sống tinh thần cư dân ngoại thành Hà Nội hiện nay 74 3.2. Nội dung ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng đến đời sống tinh thần cư dân ngoại thành Hà Nội hiện nay 79 3.3. Nguyên nhân và một số vấn đề đặt ra từ thực trạng ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng đến thần cư dân ngoại thành hiện nay 113 Chương 4: QUAN ĐIỂM VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM PHÁT HUY ẢNH HƯỞNG TÍCH CỰC, HẠN CHẾ ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ THÀNH HOÀNG LÀNG ĐẾN ĐỜI SỐNG TINH THẦN CƯ DÂN NGOẠI THÀNH HÀ NỘI HIỆN NAY 124 4.1. Quan điểm nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng đến đời sống tinh thần cư dân ngoại thành Hà Nội hiện nay 124 4.2. Một số giải pháp chủ yếu nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng đến đời sống tinh thần cư dân ngoại thành Hà Nội hiện nay 135 KẾT LUẬN 147 DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 149 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 150 PHỤ LỤC 162
  5. DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT CNH - HĐH Công nghiệp hoá, hiện đại hoá ĐSTT Đời sống tinh thần NTHN Ngoại thành Hà Nội Nxb Nhà xuất bản TNTTH Tín ngưỡng thờ Thành hoàng UBND Ủy ban nhân dân
  6. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Việt Nam vốn được biết đến là một quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng. Hầu hết cư dân từ nông thôn đến thành thị, từ trí thức đến người nông dân nói chung đều tín và hướng đến một tín ngưỡng nhất định. Hầu hết các tín ngưỡng đều có đặc điểm chung là thể hiện sự biết ơn, kính trọng đối với tổ tiên, dòng họ trong phạm vi huyết thống (tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên); biết ơn các vị anh hùng dân tộc chống giặc ngoại xâm hoặc những người có công với dân làng như dạy dân biết chữ, biết sản xuất nông nghiệp… trong phạm vi làng xã (tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng) và cao hơn là biết ơn người “đã có công dựng nước” trong phạm vi quốc gia, dân tộc (tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương). Từ đó có thể thấy, tín ngưỡng thờ Thành hoàng (TNTTH) làng chính là sự phóng to của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, sự thu nhỏ của thờ cúng Hùng Vương và cũng chính nó trở thành dấu gạch nối giữa hai thờ cúng này khi đều thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ sau với các thế hệ trước. Chính vì vậy, các tín ngưỡng nói chung, TNTTH làng nói riêng đã trở thành một giá trị truyền thống văn hoá tâm linh ăn sâu bám rễ trong tiềm thức, nó luôn thường trực trong đời sống tinh thần (ĐSTT) của nhân dân ta từ ngàn đời nay mà chúng ta cần phải tiếp tục bảo tồn, gìn giữ, phát huy góp phần xây dựng ĐSTT lành mạnh, phong phú cho cư dân ở những vùng mà tín ngưỡng này còn thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia thực hành thờ cúng. Dù cho lịch sử thăng trầm, nhưng Hà Nội vẫn là nơi mang đậm dấu ấn TNTTH làng, tín ngưỡng này sau đó được lan truyền đến các vùng nông thôn - nơi cư dân sống chủ yếu dựa vào nghề trồng lúa nước và nó đã trở thành một trong những nét đặc trưng về văn hóa của cư dân nông nghiệp ở nhiều làng quê ngoại thành Hà Nội (NTHN).
  7. 2 Hiện nay, TNTTH làng vẫn ảnh hưởng khá sâu sắc, phong phú đến ĐSTT của cư dân NTHN ở cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, TNTTH làng đã góp phần đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu về tinh thần của người dân trên địa bàn và là nhân tố quan trọng để gắn kết cộng đồng; góp phần duy trì, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, cũng như tiếp biến những giá trị văn hóa mới và cũng đã góp phần giáo dục lòng tự tôn, tự hào dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, nhân văn cho người dân. Tuy nhiên, việc thực hành TNTTH làng cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế khi có không ít địa phương tiến hành trùng tu, xây dựng lại đình, nghè, miếu thờ Thành hoàng không chỉ gây tốn kém, mà còn làm mất đi nét kiến trúc cổ xưa. Bên cạnh đó, nội dung văn hóa truyền thống của TNTTH làng cũng đang bị mai một, biến tướng. Các hiện tượng mê tín dị đoan, và các vấn đề xã hội phức tạp khác,… đã gây ra nhiều khó khăn trong việc quản lý an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây tâm lý bất an trong cộng đồng cư dân trên địa bàn. Trước thực trạng trên, việc phát huy những ảnh hưởng tích cực, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của TNTTH làng để giáo dục, giúp đỡ cư dân NTHN, nhất là thanh thiếu niên hiểu và sống đoàn kết, hướng thiện, có niềm tin, qua đó góp phần gìn giữ những nét đặc sắc trong văn hóa tâm linh nói riêng và đời sống tinh thần của cư dân NTHN là một việc làm cần thiết. Nghiên cứu sinh chọn đề tài: “Ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng đến đời sống tinh thần của cư dân ngoại thành Hà Nội hiện nay” cho luận án tiến sĩ triết học của mình, với hy vọng góp phần nghiên cứu, làm sáng tỏ thực trạng ảnh hưởng của TNTTH làng đến ĐSTT của cư dân NTHN hiện nay, qua đó đề xuất quan điểm và giải pháp chủ yếu nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của TNTTH làng đến ĐSTT của người dân nơi đây.
  8. 3 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1. Mục đích Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng ảnh hưởng của TNTTH làng đến ĐSTT của cư dân NTHN hiện nay, luận án đề xuất quan điểm và giải pháp chủ yếu nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của TNTTH làng đến ĐSTT của cư dân nơi đây. 2.2. Nhiệm vụ - Làm rõ một số vấn đề lý luận về TNTTH làng và ĐSTT cư dân NTHN hiện nay. - Phân tích phương thức, nội dung và thực trạng ảnh hưởng của TNTTH làng đến ĐSTT cư dân NTHN hiện nay và những vấn đề đặt ra. - Đề xuất quan điểm và giải pháp chủ yếu nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của TNTTH làng đến ĐSTT cư dân NTHN hiện nay. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng của cư dân NTHN hiện nay. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Về không gian: Nghiên cứu ảnh hưởng của TNTTH làng đến một số lĩnh vực của ĐSTT, cụ thể là: quan điểm, tư tưởng; đạo đức, lối sống; văn hóa nghệ thuật, tín ngưỡng tôn giáo của cư dân 1 thị xã và 17 huyện NTHN hiện nay. - Về thời gian: đề tài giới hạn thời gian nghiên cứu từ năm 2008 khi Hà Nội có quyết định mở rộng địa giới hành chính cho đến năm 2019. - Về đối tượng khảo sát: cư dân đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn thị xã Sơn Tây và 17 huyện NTHN hiện nay (cụ thể là cán bộ làm công tác văn hoá, công chức Nhà nước; nông dân, những người làm nghề tự
  9. 4 do; học sinh, sinh viên; người già và hưu trí; các chủ từ, chủ đình, chủ đền, người trông coi hương khói tại các đình, đền ở NTHN hiện nay). 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu 4.1. Cơ sở lý luận Luận án được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về ĐSTT, về tôn giáo, tín ngưỡng. Đồng thời luận án còn dựa vào các điển tích, sự tích các Thành hoàng, phong tục thờ tự các Thành hoàng qua khảo cứu lịch sử và thực tế. Bên cạnh đó, luận án còn kế thừa có chọn lọc, học hỏi, tiếp thu những công trình khoa học đi trước như các sách, báo chí, tư liệu trong và ngoài nước có nội dung hữu ích cho luận án. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Luận án sử dụng phương pháp duy vật lịch sử, đồng thời sử dụng các phương pháp cơ bản khác như phân tích, tổng hợp, so sánh, diễn dịch, quy nạp, logic - lịch sử. Bên cạnh đó luận án còn sử dụng các phương pháp nghiên cứu ngành và liên ngành như: sử học, văn hóa học, tôn giáo học, Hà Nội học, điều tra xã hội học, thống kê,… nhằm thực hiện nhiệm vụ, mục đích đề ra. 5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án - Luận án góp phần làm rõ TNTTH làng ở NTHN, dưới góc độ ảnh hưởng của nó đến một số lĩnh vực của ĐSTT cư dân Hà Nội từ 2008 (từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính) đến năm 2019. - Luận án đề xuất một số quan điểm và giải pháp chủ yếu nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của TNTTH làng đến ĐSTT của cư dân NTHN hiện nay. - Kết quả nghiên cứu của luận án có thể làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, giảng dạy các môn học như: triết học, Tôn giáo học, Văn hóa học,
  10. 5 Cơ sở văn hóa Việt Nam, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Lịch sử tư tưởng Triết học Việt Nam,… ở các cơ sở nghiên cứu, đào tạo thuộc khối ngành khoa học xã hội và nhân văn. 6. Kết cấu của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục công trình khoa học của tác giả liên quan đến luận án, Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án gồm 4 chương, 11 tiết.
  11. 6 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1.1. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LÝ LUẬN VỀ ẢNH HƯỞNG CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ THÀNH HOÀNG LÀNG ĐẾN ĐỜI SỐNG TINH THẦN CƯ DÂN NGOẠI THÀNH HÀ NỘI HIỆN NAY Phan Kế Bính, với công trình Việt Nam phong tục [14], qua 47 mục thuộc 3 thiên trong cuốn sách, đã dày công tìm hiểu những lề thói, tập quán xa xưa của cha ông mang tính làng xã ở các vùng nông thôn Việt Nam. Tác giả cho rằng đất lề quê thói hay những lễ nghi, phong tục luôn thường trực trong tâm hồn cư dân Việt, nó không chỉ có ảnh hưởng đến việc hướng con sống thiện, sống hoà thuận yêu thương gắn kết mà còn giúp cho dòng tộc, quê hương, làng xã mang bản sắc, cốt cách riêng. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh những hủ tục còn đâu đó vô hình kìm hãm sự phát triển của xã hội. Thực chất những yếu tố mà tác giả chỉ ra trong đó phải kể đến những lễ nghi thờ cúng Thành hoàng còn in đậm trong ĐSTT của cư dân làng quê mà Bắc bộ là điển hình. Công trình này được tác giả tìm hiểu, khai thác rất công phu, mang tinh thần khoa học sâu sắc, rất hữu ích cho tác giả luận án nghiên cứu sự ảnh hưởng của TNTTH làng đến ĐSTT của người dân NTHN hiện nay. Leopold Cadiere, với Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo ở người Việt do Đỗ Trinh Huệ dịch [16]. Cuốn sách dày hơn 630 trang, với nhiều nội dung phong phú. Bàn đến nội dung tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng, Leopold Cadiere đã thể hiện sự am hiểu của ông về văn hoá, tín ngưỡng cũng như đức tính, lối sống cư dân Việt một cách tường tận, trân quý nhất. Qua đây tác giả cũng lan toả những giá trị mang âm hưởng tinh thần, hồn cốt đặc sắc chỉ có ở Việt Nam. Tác giả chỉ ra rằng TNTTH làng ở các miền quê có từ rất sớm và rất được coi trọng luôn được người dân gìn giữ, bảo tồn và phát huy
  12. 7 từ nhiều thế hệ. Từ đó, tác giả mong muốn một hướng phát triển bền vững cho bản sắc văn hoá có từ bao đời của dân tộc. Đây là cuốn sách có ý nghĩa về mặt khoa học to lớn để nghiên cứu sinh tiếp tục làm rõ, sâu sắc hơn cơ sở lý luận cho việc tìm hiểu, nghiên cứu một cách công phu nghiêm túc cơ sở lý luận cho sự ảnh hưởng của TNTTH đến ĐSTT cư dân vùng NTHN. Hoàng Hồng Cẩm, với Bà Chúa Kho Thành hoàng làng Giảng Võ [15]. Cuốn sách là sự giới thiệu khá chi tiết về Bà Chúa Kho ở Đình Giảng Võ (Hà Nội). Để tri ân người con gái mang dòng máu anh hùng, người dân đã tôn thờ Bà làm Thành hoàng làng, và lập đền thờ. Đền thờ Bà được nhân dân quen gọi là Đình thờ Bà Chúa Kho. Hiện nay, ngoài nơi thờ chính là Giảng Võ, nhiều địa phương khác cũng lập đền thờ Bà. Thông qua nghiên cứu này thì vị trí, vai trò của TNTTH làng trong đời sống đương đại đã được làm sáng tỏ; đồng thời mang đến cho tác giả luận án những chứng cứ lịch sử quan trọng để lý giải nguồn gốc hình thành TNTTH làng của cư dân vùng NTHN hiện nay. Lại Văn Toàn, Trần Thị Băng Thanh và Nguyễn Như Diệm, trong cuốn Thần tích thần sắc Hà Nam [137] đã ghi lại dấu ấn các Thành hoàng làng gồm các vị thần có công bảo hộ dân làng, các anh hùng đánh giặc bảo vệ Tổ quốc hoặc người có công dạy dân biết chữ, biết sản xuất nông nghiệp. Cuốn sách bước đầu đã cung cấp những dẫn chứng khoa học tin cậy, đầy đủ mang đến một góc nhìn đa chiều về gốc tích, tục thờ các vị Thành hoàng. Đó chính là chỉ dẫn quý báu cho tác giả luận án đi sâu nghiên cứu vai trò của các các vị Thành hoàng trong ĐSTT của cư dân vùng nông thôn nói chung và đời sống gia đình nông thôn vùng NTHN nói riêng. Trần Huy Đĩnh và các cộng sự, trong Sự tích Thành hoàng làng ở Phú Xuyên [24], đã giới thiệu truyện kể về các vị Thành hoàng làng được lưu truyền trong dân gian ở huyện Phú Xuyên, bảng tra tên địa danh kèm theo
  13. 8 một số bản chữ Hán ghi chép về gốc tích các vị Thành hoàng làng ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Cuốn sách là một nguồn tư liệu bổ ích giúp tác giả làm rõ một số nội dung tín ngưỡng của người dân NTHN. Nguyễn Duy Hinh, trong cuốn sách Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam [39] đã chỉ rõ nguồn gốc, ý nghĩa, hình thức biểu hiện; sự tích và việc thờ cúng các vị Thành hoàng ở Việt Nam. Xuyên suốt công trình, với cách diễn đạt súc tích, dễ hiểu, tác giả đã cho người đọc tiếp cận với những kiến thức cơ bản về TNTTH - một nhu cầu tinh thần phổ biến ở các vùng nông thôn ở nước ta. Tuy nhiên, căn cứ vào việc xác định đối tượng nghiên cứu, nên cuốn sách mới chỉ dừng lại phương diện lý thuyết, nhiều vấn đề thực tiễn như ảnh hưởng của TNTTH làng đến ĐSTT của người dân Việt Nam, những biện pháp khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của loại hình tín ngưỡng này trong đời sống sinh hoạt hàng ngày,... chưa được làm rõ. Kết luận lại công trình có nhiều đóng góp để nghiên cứu sinh có thể học hỏi bổ sung cho luận án của mình được đầy đủ hơn. Nguyễn Duy Hinh, với bài viết Thần làng và Thành hoàng [40], đã phân tích làm rõ khái niệm về thần làng, Thành hoàng, phân biệt và so sánh sự giống, khác nhau giữa thần làng, Thành hoàng, nêu ra một vài vấn đề cần nghiên cứu có đề cập đến việc thực hành thờ cúng các vị thần này. Với những tư liệu thu lượm được qua bài viết, tác giả của luận án có thể vận dụng để triển khai, làm rõ một số nội dung lý luận được trình bày trong luận án. Nguyễn Vinh Phúc, Nguyễn Duy Hinh, với cuốn Thần tích Hà Nội và tín ngưỡng thị dân [104]. Cuốn sách gồm 7 chương, ra đời trước bối cảnh còn nhiều hạn chế trong việc nghiên cứu, tìm hiểu những giá trị tâm linh Hà Nội. Cuốn sách với những nghiên cứu cụ thể, giúp người đọc đi sâu khám phá về vùng đất kinh kỳ xưa cũ, qua đó, sẽ thêm hiểu, thêm trân trọng những giá trị văn hóa của Hà Nội nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam nói chung. Tuy
  14. 9 nhiên, những kết quả đã đạt được trong công trình nêu trên mới chỉ là những khám phá bước đầu, cần được nghiên cứu bổ sung, phát triển. Nguyễn Duy Hinh, với cuốn sách Bách khoa thư Hà Nội: Kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội 1010 - 2010 [41]. Cuốn sách bao gồm nhiều nội dung phong phú trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội in đậm dấu ấn một Hà Nội văn hiến ngàn năm. Trong tập 16 (tổng 18 tập) đã giới thiệu về một số loại hình tín ngưỡng lâu đời của Thăng Long - Hà Nội, tiêu biểu như thờ cúng Vua Hùng, thờ Trời, các vị Thành hoàng có công khai phá, lập làng, thờ Tổ của các nghề, thờ tổ tiên. Đây là những tư liệu quý báu mà tác giả luận án tiếp tục vận dụng trong quá trình đi sâu tìm hiểu lĩnh vực mà luận án đang nghiên cứu. Đỗ Quang Hưng, với cuốn sách Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng Thăng Long - Hà Nội [47], đã cung cấp cho chúng ta góc nhìn đầy đủ nhất về đời sống, nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo phong phú của cư dân thủ đô. Cuốn sách đặc biệt dày công nghiên cứu những công trình đi trước của các tác giả nước ngoài, trên cơ sở đó tác giả cuốn sách đã đưa ra kết quả nghiên cứu mới có giá trị rất to lớn về “không gian tín ngưỡng, tôn giáo” của Thăng Long - Hà Nội. Có thể thấy cuốn sách này rất bổ ích cho tác giả luận án trong quá trình nghiên cứu, triển khai nội dung của luận án ở chương 2 và chương 3. Nguyễn Quang Khải, trong Một số nghi lễ, hội thi, trò diễn dân gian và phong tục tập quán có liên quan đến tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng ở Bắc Ninh [54], đã trình bày sơ lược về TNTTH tại các làng ở Bắc Ninh. Tác giả cũng đã nêu lên một số nghi lễ phục vụ cho tín ngưỡng này; mô tả một số trò diễn, trò chơi có liên quan đến tín ngưỡng,... Đây chính là tri thức hữu ích góp phần hoàn thiện hơn công trình nghiên cứu TNTTH ở vùng NTHN hiện nay. Vũ Ngọc Khánh, trong cuốn sách Tín ngưỡng dân gian [56] đã phân tích khá chi tiết nguồn gốc, từng bước phát triển, sự thăng trầm của một số
  15. 10 loại hình tín ngưỡng dân gian Việt Nam như: Tín ngưỡng phồn thực; Tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ; Tín ngưỡng thờ động, thực vật; Tín ngưỡng sùng bái con người. Việc luận giải làm rõ nguồn gốc cũng như sự phát triển của các tín ngưỡng bản địa này chính là cơ sở lý luận quan trọng để tác giả luận án tham khảo trong nghiên cứu TNTTH làng ở vùng NTHN. Lê Tâm Đắc, Tạ Quốc Khánh, trong bài viết “Tính hỗn dung của người Việt thể hiện qua đối tượng thờ trong các ngôi chùa ở Hà Nội” [23] đã phân tích tương đối kỹ về sự giao thoa các tín ngưỡng ở Việt Nam, được trình bày thông qua quan niệm, nghi lễ, tục thờ, hình thức thờ ở các chùa Hà Nội; từ đó chỉ ra những nguyên nhân ảnh hưởng chủ yếu đến sự giao thoa đó và bản sắc văn hóa tâm linh đa dạng, phong phú trong sự hỗn dung của người Việt Nam. Mặc dù chỉ mới tiếp cận vấn đề dưới góc độ tôn giáo, nhưng tác giả cuốn sách đã làm được nhiều hơn mục đích ban đầu đặt ra, thể hiện được tư duy triết học về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Đây chính là nguồn tri thức khoa học quý giá để luận án nghiên cứu sâu hơn về TNTTH làng. Nguyễn Đức Lữ, với cuốn sách Góp phần tìm hiểu tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam [75] bước đầu đã đem đến cho độc giả những hiểu biết về tín ngưỡng bản địa, dân gian như: lễ hội, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ Thành hoàng, thờ Mẫu, tín ngưỡng phồn thực và mê tín dị đoan. Từ đó Nguyễn Đức Lữ đã nêu rõ thực trạng và biểu hiện đặc điểm của các tín ngưỡng bản địa, dân gian trên ở Việt Nam hiện nay. Đây là một công trình đầy giá trị khoa học thiên về khai thác tín ngưỡng dân gian, nên ảnh hưởng của các loại hình tín ngưỡng này, đặc biệt TNTTH tới ĐSTT của người dân chưa được làm rõ. Vấn đề này cần được triển khai tìm hiểu, nghiên cứu và hoàn thiện. Lam Khê, Khánh Minh, trong cuốn 36 thần tích, huyền tích Thăng Long - Hà Nội [59], đã đề cập đến những sự tích, những vị thần, tích của các vị thần được nhân dân suy tôn, được sắc phong và thờ phụng trên đất Thăng
  16. 11 Long: thần Kim Quy, Thánh Gióng, Mẫu Liễu Hạnh, thánh Tản Viên, và các vị thần giữ vị trí trấn tứ phía Hà Nội như Linh Lang Đại Vương (được thờ ở đền Voi Phục), Cao Sơn Đại Vương (thờ ở đền Kim Liên), Thần Long Đỗ (thờ ở đền Bạch Mã), Huyền Thiên Trấn Vũ (thờ ở đền Quán Thánh)… ngoài ra còn thờ các vị Thành hoàng làng ở các địa phương, các vị Tổ nghề. Cuốn sách giúp cho tác giả luận án có thêm nhiều tư liệu thực tiễn để tiếp tục khảo sát, nghiên cứu về tục thờ cũng như sự ảnh hưởng của TNTTH làng đến ĐSTT cư dân NTHN. Nguyễn Hữu Minh, trong cuốn Đời sống văn hoá của cư dân Hà Nội [86], đã phân tích, làm sâu sắc sự phong phú, đa dạng trong nhu cầu tâm linh tinh thần không thể thiếu của cư dân Hà Nội; phân tích phong tục, nghi lễ và các hoạt động thờ cúng, sinh hoạt hàng ngày có liên quan đến đời sống văn hóa của người dân trên địa bàn. Cuốn sách đi sâu về lĩnh vực đời sống xã hội dưới góc nhìn từ phương diện nhà nghiên cứu văn hóa, song nó vẫn được coi là một tài liệu quan trọng để tác giả luận án khai thác, làm rõ hơn đầy đủ hơn một số nội dung trong luận án của mình. Minh Thảo, Xuân Mỹ, trong cuốn sách Truyền thuyết các vị thần Hà Nội [120], đã giới thiệu cho người đọc những hiểu biết nhất định về một số vị thần được thờ trong các đình, đền ở Hà Nội thông qua việc nghiên cứu các câu chuyện lịch sử, sự thêu dệt của nhân dân để tái hiện lên hình ảnh về những vị thần có gốc gác và sự tích từ những con người cụ thể, những gây dựng, bảo vệ làng xóm, rộng hơn là quốc gia xã tắc và khi họ mất đi, để tri ân công trạng, nhân dân đã phong thần và thực hành thờ cúng. Cuốn sách cũng chỉ ra danh tính, công trạng, thời gian và địa điểm được phong thần của các vị thần này. Mặc dù không đề cập nhiều đến hướng nghiên cứu của đề tài luận án, nhưng đây là tài liệu khoa học có giá trị giúp tác giả nắm rõ hơn về nguồn gốc hình thành của các vị thần, trong đó có Thành hoàng làng của người Việt ở vùng NTHN.
  17. 12 Nguyễn Minh Ngọc, trong Bách thần Hà Nội [94], đã nhìn nhận, tiếp cận nguồn gốc các vị thần, Thành hoàng được thờ cúng ở các ngôi đình, đền Hà Nội chẳng hạn có công xây dựng làng, có công truyền nghề cho dân, có công chống ngoại xâm,… Công trình của tác giả Nguyễn Minh Ngọc tuy thiên về phân tích truyền thuyết lịch sử, song nó có giá trị về mặt thực tiễn khoa học rất lớn cho tác giả luận án trong việc nghiên cứu vấn đề TNTTH làng ở vùng NTHN. Vũ Thanh Sơn, với cuốn sách Những vị thần được thờ ở Hà Nội [115]. Trong cuốn sách này, bằng những hiểu biết và khám phá của bản thân (thông qua kết quả của phương pháp nghiên cứu điền dã), tác giả đã giới thiệu cho người đọc những đặc trưng cơ bản nhất của các vị thần được nhân dân suy tôn, thực hành việc cúng bái, thờ tự ở Hà Nội. Trong đó chúng ta sẽ thấy rõ những công trạng, đóng góp của các vị thần ở các cấp độ khác nhau từ làng xã đến quốc gia qua các thời kỳ lịch sử. Tuy bị giới hạn bởi đối tượng nghiên cứu, song cuốn sách là một nguồn tư liệu tham khảo cần thiết cho tác giả luận án khi tiếp tục tìm hiểu về đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân Hà Nội nói chung, cư dân ở vùng NTHN nói riêng. Nguyễn Gia Thiều, trong bài Góp phần tìm hiểu tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng Việt Nam [123], đã khái quát đôi nét về nguồn gốc, ý nghĩa và tục thờ Thành hoàng ở Việt Nam. Ở nước ta từ xa xưa việc cúng bái, thờ tự các vị Thành hoàng đã xuất hiện rất sớm có nguồn gốc ngoại lai và bản địa, nó có mặt khắp nơi khắp vùng miền cả nước. Mỗi thời kỳ, việc thực hành thờ cúng tín ngưỡng này lại có sự biến đổi theo những xu hướng khác nhau. Bằng dẫn chứng khoa học đa dạng, tác giả cũng đã cho chúng ta thấy được rằng, sự tồn tại của TNTTH trong đời sống cộng đồng người Việt là mang tính khách quan và có nguồn gốc từ chính nhu cầu được thoả mãn về mặt tâm linh của quần chúng. Những nội dung triển khai trong công trình khoa học này, mặc dù không sát gần với đề tài luận án, nhưng nó đã cung cấp cho tác giả luận án cái
  18. 13 nhìn toàn diện hơn về TNTTH làng, từ đó tiếp tục đi sâu nghiên cứu luận án một cách có hiệu quả. Ngô Đức Thịnh, trong Tín ngưỡng & văn hoá tín ngưỡng ở Việt Nam [125], đã khái quát những vấn đề cơ bản cả nguồn gốc lý luận và thực tại thờ cúng trong hệ thống tín ngưỡng Việt Nam nói chung và TNTTH làng nói riêng. Tác giả cũng nhấn mạnh việc duy trì các hoạt động, lễ nghi, phong tục thờ cúng Thành hoàng có liên quan mật thiết và có ảnh hưởng sâu rộng đến ĐSTT và các hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của cư dân. Những nội dung triển khai trong công trình khoa học này, mặc dù không sát gần với đề tài luận án, nhưng nó đã cung cấp cho tác giả tri thức, góc tìm hiểu toàn diện hơn về văn hóa, về tín ngưỡng bản địa, từ đó có thể áp dụng một cách hiệu quả vào quá trình nghiên cứu của mình. Doãn Đoan Trinh, trong bài viết “Một dạng Thành hoàng ở Hà Nội” [140], đã vẽ nên một bức tranh sinh động về các tín ngưỡng bản địa, tín ngưỡng dân gian ở Hà Nội, trong đó Doãn Đoan Trinh đề cập chủ yếu đến loại hình TNTTH. Theo tác giả, TNTTH ở Hà Nội có nhiều điểm khác so với TNTTH nơi làng xã. Có nhiều nguyên nhân mang đến sự khác nhau độc đáo ấy, trong đó tác giả chú ý luận giải nhiều về các điều kiện kinh tế - xã hội và tâm lý người dân. Bài viết là một nguồn tư liệu tham khảo bổ ích cho tác giả luận án trong quá trình triển khai các quan niệm về TNTTH làng ở chương 2 của đề tài. Nguyễn Tọa, trong Hội ba làng Kẻ [136], đã khái quát về làng Kẻ xưa nay, Thành hoàng làng và các di tích ở đó có thờ vị Thành hoàng của người làng Kẻ thuộc huyện Từ Liêm - Hà Nội. Tác giả giới thiệu về sự tích và diễn tích trong các lễ hội của ba làng Kẻ là: làng Đống Đa, làng Thượng Cát và làng Đại Cát. Công trình khoa học nêu trên là một gợi ý cho tác giả luận án khi nghiên cứu về gốc tích, nội dung, thực hành và thực chất của việc thờ cúng các vị thần, trong đó có TNTTH làng ở NTHN.
  19. 14 Như vậy, trên cơ sở tổng quan những công trình đi trước có nghiên cứu lý luận về ảnh hưởng của TNTTH làng đến ĐSTT cư dân NTHN hiện nay, là cơ sở khoa học cho tác giả luận án khái lược về nguồn gốc, quá trình hình thành, các hình thức thờ tự của TNTTH. Hầu hết, các nhà khoa học đều cho rằng, TNTTH trở thành hệ thống và phát triển mở rộng từ khi có sự giao thoa văn hóa với người Trung Quốc. Chính vì thế, các vị thần ở nước ta mang tên gọi Thành hoàng theo nghĩa Việt hóa. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, TNTTH của người Việt có điểm khác biệt cơ bản, đó chính là yếu tố làm nên bản sắc trong tư duy tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt Nam. Các công trình khoa học đó là tư liệu thực tiễn sinh động để tác giả luận án tiếp tục tìm hiểu, tham khảo khi nghiên cứu, khái quát về TNTTH của cư dân vùng NTHN, với tư cách là một trong những tín ngưỡng phổ biến và đặc trưng của địa bàn. 1.2. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ THỰC TRẠNG ẢNH HƯỞNG CỦA TÍN NGƯỠNG THỜ THÀNH HOÀNG LÀNG ĐẾN ĐỜI SỐNG TINH THẦN CƯ DÂN NGOẠI THÀNH HÀ NỘI HIỆN NAY Nguyễn Vinh Phúc, Nguyễn Duy Hinh, với Thần tích Hà Nội và tín ngưỡng thị dân [104], đã giới thiệu cho người đọc về các giá trị phi vật thể mang dấu ấn tâm linh gồm các thần tích và nghi lễ, tục thờ Thành hoàng ở Hà Nội. Tác giả cũng cho thấy sự ảnh hưởng của TNTTH Hà Nội đến lối sống, tính cố kết vùng, tâm lý coi các vị Thành hoàng làng là nơi nương náu của tâm hồn, giúp cho tinh thần cư dân được bình an hơn. Những minh chứng này giúp tác giả luận án tiếp tục mở rộng nghiên cứu sự ảnh hưởng của TNTTH làng đến ĐSTT cư dân ở các vùng hành chính mới sát nhập Hà Nội từ năm 2008 đến nay. Đỗ Quang Hưng, với Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng Thăng Long - Hà Nội [47]. Tác giả tập sách đã dày công nghiên cứu và đưa ra được một phương án tốt nhất khi kết hợp phương pháp lịch sử tôn giáo trong việc dựng
  20. 15 lại lịch sử các tôn giáo chính như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài,... cũng như các loại hình tín ngưỡng ở Thăng Long - Hà Nội và đặt nó trong tổng thể không gian tâm linh tín ngưỡng. Tuy nhiên, những hình ảnh của tín đồ mỗi tôn giáo, những cộng đồng tín ngưỡng ở Thăng Long - Hà Nội vẫn chưa được phục hiện đầy đủ trong cuốn sách. Nhưng đối với tác giả luận án, đây được coi là nguồn tư liệu hữu ích cho tác giả khi phân tích, tìm hiểu và làm rõ sự ảnh hưởng của TNTTH làng đến ĐSTT cư dân NTHN hiện nay. Vũ Ngọc Khánh, với Tín ngưỡng dân gian [56] đã cho thấy: Tín ngưỡng này nó đã phản ánh sự hiểu biết ban đầu của con người về thế giới con người sinh sống, về bản thân con người và các mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, xã hội một cách lệch lạc, cảm tính, được lý giải bằng những câu chuyện thần thoại, những sự tích, điển cố,… mang tính chất là những dạng nhận thức ban đầu và đơn giản nhất của con người về thế giới. Bên cạnh đó, ông cũng chỉ rõ rằng tín ngưỡng dân gian nói chung và TNTTH nói riêng có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh - văn hóa - tinh thần của cư dân ở các vùng miền. Nó đã ăn sâu, tồn tại lâu đời trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân và trở thành bản sắc độc đáo, văn hóa riêng của người Việt. Luận điểm này cung cấp tác giả luận án có được cách nhìn sâu sắc trong lý giải nguồn gốc và sự ảnh hưởng của TNTTH làng đến ĐSTT của cư dân ở vùng NTHN. Nguyễn Đức Lữ, trong cuốn sách Góp phần tìm hiểu tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam [75], có trình bày đến sự ảnh hưởng của tín ngưỡng bản địa, dân gian, trong đó có TNTTH đến ĐSTT người Việt. Song do giới hạn bởi đối tượng nghiên cứu, tác giả mới chủ yếu đề cập đến nội dung, hình thức và nghi lễ thờ cúng của các tín ngưỡng. Đây chính là khoảng trống để tác giả luận án tiếp tục khai thác, làm sâu vấn đề luận án cần nghiên cứu.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2