Một cách nhận diện ca dao hiện đại
lượt xem 21
download
Văn học dân gian hiện đại đã từng là vấn đề gây nhiều ý kiến tranh luận trong giới nghiên cứu nước ta. Đã có không ít ý kiến khẳng định sự tồn tại tự nhiên và vai trò quan trọng của nó trong đời sống của xã hội hiện đại. Song, bên cạnh đó cũng có một số ý kiến phân vân, thậm chí phủ nhận cả sự tồn tại của văn học dân gian hiện đại.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Một cách nhận diện ca dao hiện đại
- Một cách nhận diện ca dao hiện đại Nguyễn Hằng Phương TS.Khoa Ngữ văn.Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên - Đại học Thái Nguyên Văn học dân gian hiện đại đã từng là vấn đề gây nhiều ý kiến tranh luận trong giới nghiên cứu nước ta. Đã có không ít ý kiến khẳng định sự tồn tại tự nhiên và vai trò quan trọng của nó trong đời sống của xã hội hiện đại. Song, bên cạnh đó cũng có một số ý kiến phân vân, thậm chí phủ nhận cả sự tồn tại của văn học dân gian hiện đại. Nhiều năm đã trôi qua kể từ khi vấn đề văn học dân gian hiện đại, trong đó có ca dao hiện đại được chính thức nêu ra tranh luận với tư cách là một thông tin khoa học mang tính thời sự, ca dao hiện đại vẫn tồn tại và vận động theo quy luật của nó. Chứng cớ là vẫn có một số cuốn sách sưu tầm, nghiên cứu và những bài viết quan tâm đến thể thơ dân gian này ra đời. Như vậy, những ý kiến khẳng định sự tồn tại của văn học dân gian hiện đại trong đó có ca dao hiện đại đã được thử thách qua thời gian. Ca dao là một thể loại có sức sống lâu bền của sáng tác dân gian. Nhưng trên thực tế, ca dao đã có sự vận động, biến đổi. Để có thể tiếp cận ca dao với tư cách là một thể loại văn học dân gian trong thời kỳ hiện đại, việc trước tiên là tìm ra những cơ sở khoa học để tiến tới nhận diện nó. Đó cũng chính là mục đích chúng tôi đặt ra trong bài viết này. Tuy nhiên, nghiên cứu một hiện tượng văn học nói chung, ca dao hiện đại nói riêng là vấn đề không đơn giản, cần dựa trên quan điểm khoa học duy vật biện chứng và phải có trong tay một số lượng tư liệu nhất định về nó. Do vậy, trước khi tìm cơ sở để định ra tiêu chí nhận diện ca dao hiện đại thì việc xác định quan điểm nghiên cứu và tập hợp, sử lý hệ thống tư liệu là những thao tác khoa học cần thiết phải đặt ra. 1. Cần đứng trên quan điểm "động" khi xem xét một hiện tượng văn học nói chung, ca dao hiện đại nói riêng và cần “làm chủ” hệ thống tư liệu nghiên cứu Đời sống xã hội không ngừng vận động, biến đổi trong tiến trình lịch sử. Là một hình thái ý thức xã hội, có quan hệ mật thiết với đời sống xã hội, văn học cũng không ngừng vận động, biến đổi. Sự biến đổi không chỉ phụ thuộc vào sự vận động của môi trường xã hội mà còn phụ thuộc vào quy luật vận động, biến đổi của bản thân văn học nghệ thuật, cụ thể hơn là của bản thân thể loại văn học đó. Sự vận động, biến đổi của mỗi thể loại lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố cơ bản như bản chất, đặc trưng và nhất là chức năng của chính thể loại đó. Chẳng hạn, lịch sử phát triển văn học nghệ thuật đã chứng kiến sự "một đi không trở lại" của thể loại thần thoại. Nó cũng chứng kiến sự vận động biến đổi của thể loại truyền thuyết, ca dao. Có thể nói, giữa văn học nghệ thuật với đời sống xã hội có mối quan hệ gắn bó, khăng khít. “Nghệ thuật chỉ thực sự phát triển, đóng góp hữu hiệu cho sự phát triển chung của xã hội, khi nó xác lập được mối liên hệ vừa sâu sa, vừa trực tiếp với đời sống chính trị, văn hoá, đạo đức của xã hội , tức là vận động đồng bộ với
- những hình thái ý thức khác của kiến trúc thượng tầng.”(1) Trong quá trình cùng tồn tại và vận động ấy, các hình thái ý thức xã hội nói trên (kể cả văn học nghệ thuật) ảnh hưởng qua lại một cách tự nhiên, biện chứng và cùng tác động, rồi cùng chịu sự tác động của môi trường xã hội, lịch sử. Bởi vậy, một hiện tượng văn học nghệ thuật nói chung, văn học dân gian và ca dao hiện đại nói riêng phải được nhìn nhận bằng quan điểm "động". Có nghĩa là, chúng ta không xem xét một hiện tượng văn học nghệ thuật, xem xét một thể loại văn học trong tiến trình lịch sử ở tư thế đứng yên, không vận động, biến đổi, bởi đó là quan điểm siêu hình, không biện chứng. Khoa học đã chứng minh, vạn vật vận động không ngừng, biến đổi không ngừng. Văn học - một hình thái ý thức xã hội đặc thù cũng vận động, biến đổi không ngừng trước những tác động vô ý thức và có ý thức của con người. Là một thể loại văn học dân gian tiêu biểu, ca dao cũng không nằm ngoài quy luật vận động, biến đổi đó. Thực tế, những lời ca dao hiện đại đã sưu tập có một số đặc điểm khác với ca dao cổ truyền. Sự khác nhau đó thể hiện ở chỗ nó phản ánh những mảng hiện thực mới, những nhân vật trữ tình mới, ngôn ngữ, thể thơ cũng có những đặc điểm mới và đặc biệt, nhiều lời ca dao hiện đại có ghi tên tác giả. Giải thích hiện trạng này, chúng ta không thể không xem xét sự vận động của hiện thực lịch sử, của quan niệm nghệ thuật dân gian. Như quan điểm đã nêu ở trên, không thể giữ cái nhìn bất biến về thể loại ca dao. Không thể lấy những đặc điểm về nội dung, nghệ thuật... của ca dao cổ truyền làm tiêu chuẩn xem xét ca dao hiện đại. Ca dao hiện đại có những điểm không tương đồng với ca dao cổ truyền là một hiện tượng bình thường, hợp quy luật. Có điều là trong giai đoạn hiện nay, nhiều sáng tác văn học quần chúng và chuyên nghiệp chịu ảnh hưởng rõ rệt nghệ thuật ca dao truyền thống, cho nên phải xem xét ca dao hiện đại như thế nào để vừa không bỏ qua những tác phẩm ca dao đích thực, vừa không lầm lẫn nó với thơ ca quần chúng và những sáng tác của các tác giả chuyên nghiệp mang phong cách dân gian. Rõ ràng là, sự vận động, biến đổi của văn học nghệ thuật nói chung và ca dao hiện đại nói riêng diễn ra đa dạng, phức tạp dưới sự chi phối mạnh mẽ của đời sống xã hội và các hình thái ý thức xã hội khác. Do vậy, quan điểm nhìn nhận khoa học và phù hợp ở đây là: coi văn học nghệ thuật nói chung và ca dao nói riêng như một thực thể có vận động, có biến đổi trong tiến trình lịch sử. Quan điểm trên sẽ chi phối việc nghiên cứu để định ra tiêu chí nhận diện ca dao hiện đại. Song, ở bất cứ lĩnh vực khoa học nào, việc cần thiết trước khi tiến hành nghiên cứu là xem xét hệ thống tư liệu. Hệ thống tư liệu được xác định rõ và càng phong phú bao nhiêu thì độ tin cậy khoa học càng chắc chắn bấy nhiêu. Điều khó khăn đối với tác giả bài viết này là sự chưa phong phú về tư liệu và tình trạng chưa thật thống nhất của giới nghiên cứu về hệ thống tư liệu ca dao hiện đại. Hệ thống tư liệu về ca dao hiện đại chưa phong phú. Đó là một thực tế. Nếu thống kê trên các đầu sách chúng tôi hiện có thì số lời ca dao hiện đại là 1.170 lời. So với 11.825 lời ca dao cổ truyền đã được sưu tập trong Kho tàng ca dao người Việt, đó quả là con số ít ỏi, chưa kể khi đã đưa ra được tiêu chí nhận diện ca dao hiện đại, có thể có một số lời được gọi là ca dao trong các sách sưu tầm không đủ tiêu chuẩn cơ bản để xếp vào hệ thống những lời ca dao hiện đại với tư cách là một thể loại của sáng tác dân gian. Song, thực ra, khoảng thời gian sáng tác và lưu truyền ca dao hiện đại mới hơn nửa thế kỷ. Khoảng thời
- gian đó nếu so với thời gian sáng tác, lưu truyền ca dao truyền thống thì còn quá ngắn ngủi. Hơn nữa, số lời ca dao hiện đại chưa được sưu tầm chắc chắn cũng không phải là nhỏ. Tình trạng chưa thật thống nhất của giới nghiên cứu về hệ thống tư liệu ca dao hiện đại cũng là một thực tế. Nhưng đó là sự hoài nghi khoa học cần thiết. Như ở trên đã nêu, ca dao có sự vận động, biến đổi. Song vận động biến đổi đến đâu và lấy gì làm thước đo sự vận động biến đổi đó thì chưa được các nhà khoa học giải quyết triệt để. Trong tình trạng tư liệu như vậy, chúng tôi chọn phương án tạm thời sử dụng một số cuốn sách ca dao có ghi nguồn gốc, cách thức sưu tầm biên soạn và coi đó là tiêu chí đầu tiên để lựa chọn tư liệu nghiên cứu. Chúng tôi xin nêu vài ví dụ: Cuốn Ca dao sưu tầm (Từ 1945 đến nay) tập hợp hơn 400 lời ca dao và sắp xếp thành 12 mục: Lòng dân đối với Bác và Đảng, Bộ đội chiến đấu, Chiến tranh du kích, Dân công tiếp vận ... Số lời ca dao có ghi tên tác giả 22%). Theo Lời nhà xuất bản thì đây là cuốn sách≈là 90/410 lời (chiếm “Sưu tầm lại những lời ca dao từ hơn 15 năm nay” (Tính đến thời điểm xuất bản 1962) và trong đó “Một số ca dao có mang tên tác giả; một số khác khuyết danh. Số này hoặc của quần chúng nhân dân sáng tác ra, hoặc do những ngòi bút chuyên nghiệp nhưng lâu ngày, nhập vào quần chúng đã trở thành cái gia tài chung của nhân dân rồi”.(2) Sự thật thì nhiều lời ca dao trong cuốn sách này mang “dáng dấp” của những lời ca dao cổ truyền . Thí dụ: Đêm khuya ai gọi sang đò của Hoàng Tuyên, Cơm ăn một bát sao no của Kinh Đào, Hỡi cô má đỏ hây hây (không ghi tên tác giả )... Cuốn Ca dao chống Mỹ cứu nước tập ba cũng là một tư liệu khá dầy dặn gồm 100 lời ca dao sắp xếp theo 4 mục: Chiến đấu, Sinh hoạt, Tình cá nước, Nhân dân anh hùng. ở cuốn sách này, tất cả các lời ca dao đều ghi tên tác giả và hầu hết đều có độ dài từ 6 dòng lục bát trở lên. Trong lời cuối sách Chọn lấy những hạt vàng hạt ngọc, nhà xuất bản ghi: “Nhiều đồng chí yêu thích ca dao đã nhiệt liệt hưởng ứng phong trào, vừa sáng tác vừa sưu tầm, đã góp phần xứng đáng vào các tập Ca dao chống Mỹ đã xuất bản và sẽ tiếp tục xuất bản (...) Chúng tôi nghĩ rằng một người sáng tác hàng trăm bài ca dao mà có vài ba bài có giá trị phổ biến, được lưu truyền trong nhân dân đã là một thành công...”(3) Điều đó hé mở cho chúng tôi suy nghĩ: nhiều lời ca dao có ghi tên tác giả nhưng có thể do đồng đội sưu tầm trong quần chúng gửi đến nhà xuất bản và biết đâu đó đã là dị bản. Trong tập ca dao này, có một số lời rất đáng để chúng ta lưu ý, chẳng hạn: Con kiến mày leo cành đa của Nguyễn Thế Vinh, Mắt em sắc như dao cau của Nguyễn Ngọc Lý, Cưới xưa thách lợn thách vàng của Việt Cường, Hoa thơm thơm cả cánh đồng của Nguyễn Thị Ngân Hà... Hai cuốn sưu tập ca dao xuất bản gần đây mà chúng tôi sử dụng làm tư liệu nghiên cứu là Ca dao Việt Nam 1945-1975 (4) và Cụ Hồ ở giữa lòng dân. (5) Đây cũng là những cuốn tư liệu có cơ sở để tin cậy. Trong cuốn Ca dao Việt Nam 1945-1975, tác giả Nguyễn Nghĩa Dân đã tập hợp được 745 lời ca dao từ nhiều nguồn và sắp xếp theo trật tự chữ cái. Và chính cách sắp xếp đó đã giúp chúng ta phần nào nhận thức rõ hơn về diện mạo ca dao hiện đại. Cuốn Cụ Hồ ở giữa lòng dân do hai tác giả Lê Tiến Dũng và Trần Hoàng sưu tầm, biên soạn cũng là một tư liệu rất đáng trân trọng. Chỉ sưu tầm riêng ca dao về đề tài Bác Hồ lưu truyền ở Bình Trị Thiên đã có tới gần 200 lời.
- Một số tư liệu chúng tôi điểm qua ở trên là cơ sở để chúng ta tin tưởng và hy vọng vào sự tồn tại và vận động của thể loại ca dao trong đời sống hiện tại. Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải thực hiện thao tác rà soát lại tư liệu khi đã đưa ra được những tiêu chí cơ bản dùng để nhận diện ca dao hiện đại. Những vấn đề nêu trên mới là kết quả bước đầu của tác giả bài viết trong việc tập hợp và sử lý hệ thống tư liệu về ca dao hiện đại trước khi tiến hành xem xét những cơ sở khoa học để định ra tiêu chí nhận diện nó. 2. Vấn đề tiêu chí nhận diện ca dao hiện đại Trong một bài viết về vấn đề nghiên cứu văn học dân gian hiện đại, tác giả Chu Xuân Diên đã nêu quan điểm: "Nếu xem xét văn học dân gian hiện đại hay văn học dân gian mới là giai đoạn phát triển của văn học dân gian truyền thống trong những điều kiện lịch sử mới sau cách mạng, thì trước tiên cần phải thống nhất nhận định về bản chất thẩm mỹ, về đặc trưng loại biệt của văn học dân gian nói chung"(6). Đó là một trong những đề xuất lý luận có tính chất gợi mở về hướng nghiên cứu văn học dân gian nói chung, văn học dân gian hiện đại nói riêng. Ca dao hiện đại là một bộ phận thơ dân gian tồn tại và phát triển trong những điều kiện lịch sử mới cũng cần được xem xét theo định hướng nghiên cứu trên. Việc định ra tiêu chí nhận diện ca dao hiện đại cũng phải bắt đầu từ việc xem xét bản chất thẩm mỹ và những đặc trưng cơ bản không chỉ của văn học dân gian cổ truyền mà còn của văn học dân gian hiện đại. Văn học dân gian do nhân dân lao động sáng tác và lưu truyền. Bởi vậy, nó mang tính tập thể và truyền miệng. Theo các nhà nghiên cứu, đó là những đặc trưng cơ bản nhất, phân biệt văn học dân gian với văn học thành văn. Nếu không có cái nhìn sâu sắc về những đặc trưng vừa nêu, có thể chúng ta sẽ sa vào quan niệm phiến diện, hình thức chủ nghĩa dẫn đến những hiểu biếtchưa thấu đáo, thậm chí lệch lạc về những đặc trưng quan trọng của bộ phận văn học loại biệt này. Tính tập thể và tính truyền miệng là những phương thức sáng tác, lưu truyền của văn học dân gian. Vấn đề đó đã được các nhà nghiên cứu thống nhất xác định. Đối với văn học dân gian hiện đại, nó là vấn đề còn gây tranh luận, chưa kể có ý kiến phủ nhận cả sự tồn tại của bản thân văn học dân gian hiện đại. Nhưng, trước tiên, chúng tôi muốn tìm hiểu tính tập thể và tính truyền miệng không chỉ với tư cách là những phương thức sáng tác và lưu truyền, mà còn với tư cách là những phạm trù thẩm mỹ của văn học dân gian. Ngay cả nghiên cứu tính tập thể và tính truyền miệng với tư cách là những phương thức sáng tác và lưu truyền cũng cần thận trọng, tránh nhận định một cách chung chung, thiếu cơ sở khoa học. Chẳng hạn, một nhà nghiên cứu văn học dân gian có tên tuổi đã nhận xét một cách có cơ sở về tính tập thể với tư cách là phương thức sáng tác lưu truyền như sau: "đằng sau khái niệm "sáng tác tập thể" (...) vẫn tồn tại một cách hiểu mơ hồ và trừu tượng về vấn đề tác giả văn học dân gian. Thực chất của cách hiểu này là phủ nhận vai trò của cá nhân trong sự sáng tác văn học dân gian, đồng nhất tính tập thể với tính phi cá nhân..." Và ông cho rằng: " Tập thể không phải là một thứ "công ty vô danh". Lịch sử folklore các dân tộc ghi nhận vai trò của các nghệ nhân dân gian ngay từ thời cổ" (7).
- Do đó, một mặt không thể phủ nhận vai trò quan trọng là những phương thức sáng tác, lưu truyền của tính tập thể và tính truyền miệng, mặt khác, không thể không đi sâu tìm hiểu bản chất thẩm mỹ của các đặc trưng này. Với tư cách là những phạm trù thẩm mỹ của văn học dân gian, tính tập thể và truyền miệng sẽ được nhìn nhận từ góc độ sâu hơn, với diện bao quát hơn, trong sự vận động xa hơn. Trên cơ sở đó, chúng ta có điều kiện xem xét văn học dân gian đúng như sự tồn tại của bản thân nó - một thực thể sống và vận động trong quá trình lịch sử. Tính tập thể được nhìn nhận với tư cách là một phạm trù thẩm mỹ thể hiện rõ nét ở chỗ: những hiện thực đời sống khách quan được phản ánh trong tác phẩm là những hiện tượng đời sống gây được tác động mạnh mẽ vào nhận thức không chỉ của một cá nhân nào đó mà của cả một cộng đồng người nhất định. Từ nhận thức đó sẽ nảy sinh những sáng tác dân gian tập thể. Theo các nhà nghiên cứu, những sáng tác dân gian đó mang tâm lý sáng tác tập thể. Như vậy, đặc trưng tập thể không chỉ phản ánh thực tế sáng tác (sáng tác tập thể) mà còn bộc lộ những giá trị thẩm mỹ (là một phạm trù thẩm mỹ) của tác phẩm dân gian. Những giá trị thẩm mỹ dân gian này không mang dấu ấn nghệ thuật độc đáo cá nhân mà mang dấu ấn nghệ thuật độc đáo tập thể. Có thể nói, ở ca dao cổ truyền , tính tập thể thường thể hiện ở cả hai phương diện: là phương thức sáng tác lưu truyền và là phạm trù thẩm mỹ của tác phẩm. Chẳng hạn, thống kê những lời ca dao cổ truyền bắt đầu bằng “Đêm khuya” trong Kho tàng ca dao người Việt (56 lời), chúng ta thấy hầu hết các lời đều có dung lượng ngắn (2 đến 4 dòng lục bát) phù hợp với sự sáng tác và lưu truyền tập thể, song vẫn phản ánh được những hiện tượng đời sống gây tác động mạnh mẽ vào cộng đồng những người sáng tạo ra nó. Chúng tôi xin đơn cử vài ví dụ: 288. Đêm khuya chong ngọn đèn ngồi Bâng khuâng nhớ bạn bồi hồi lá gan. 298. Đêm khuya kẻ trộm vào nhà Làm thinh nhắm mắt để mà mất trâu 300. Đêm khuya lặng gió thanh trời Khuyên chàng bớt ngủ nghe lời em than (8) vv... ở ca dao hiện đại , tình hình có khác. Điều đáng lưu ý là, tính tập thể với tư cách là một phạm trù thẩm mỹ có vai trò quan trọng trong việc nhận diện tác phẩm văn học dân gian hiện đại nói chung, ca dao hiện đại nói riêng khi trong quá trình vận động lịch sử, tác phẩm không mang đặc trưng tập thể với tư cách là phương thức sáng tác lúc nó mới ra đời. Chẳng hạn, cũng bắt đầu bằng “Đêm khuya”, lời ca dao sau lúc đầu là do một người sáng tác, song trong quá trình lưu truyền, nó đã trở thành tài sản chung của dân gian. Điều đáng nói là, lời ca dao chứa đựng những giá trị thẩm mỹ tập thể và đã có dị bản:
- Đêm khuya ai gọi sang đò Có phải thóc thuế thì cho xuống thuyền Thóc thuế chở không lấy tiền Có nước nóng uống chèo liền sang ngay Mặc trời gió rét đêm nay Thịt da tê buốt cứng tay cũng chèo. Hoàng Tuyên (9) Dị bản: Đêm khuya có tiếng gọi đò, Có phải thóc thuế thì cho xuống thuyền. Thóc thuế xin chở trước tiên, Có nước nóng uống chèo liền sang ngay. Mặc dù gió rét đêm nay, Thịt da tê buốt cứng tay cũng chèo.(10) Tính truyền miệng với tư cách là một phạm trù thẩm mỹ cũng cần được xem xét. Vẫn còn có người quan niệm tính truyền miệng ở văn học dân gian là hệ quả tất yếu của trình độ văn hóa của nhân dân lao động trước Cách mạng hoặc tính truyền miệng đơn thuần là phương thức sáng tác và lưu truyền văn học dân gian. Quan niệm như vậy sẽ dẫn đến chỗ lạc hậu hóa văn học dân gian, đơn giản hóa một đặc trưng quan trọng của văn học dân gian, thậm chí phủ nhận cả sự tồn tại của văn học dân gian hiện đại. Như đã nêu, tính truyền miệng của văn học dân gian có liên quan tới những điều kiện sống của nhân dân lao động thời xưa, đặc biệt, nó có quan hệ mật thiết với hoàn cảnh lịch sử của hình thức văn học sơ khai buổi đầu. Nhưng, tính truyền miệng không chỉ là một phương thức sáng tác và lưu truyền mà còn là một đặc trưng thẩm mỹ của văn học dân gian. Có thể nói, càng ngày ý nghĩa thẩm mỹ của tính truyền miệng càng đóng vai trò quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của văn học dân gian. Nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên còn cho rằng đến văn học dân gian hiện đại, ý nghĩa thẩm mỹ trở thành ý nghĩa duy nhất của tính truyền miệng và "ý nghĩa thẩm mỹ của tính truyền miệng trong văn học dân gian làm cho văn học dân gian trong phần lớn trường hợp mang tính chất là một thứ nghệ thuật biểu diễn "(11). Điều đó phần nào lý giải hiện tượng: đã có chữ viết, thậm chí ngày nay có rất nhiều phương tiện, cách thức chuyển tin, song văn học dân gian vẫn chủ yếu lưu truyền bằng truyền miệng. Ca dao chống Mỹ là một ví dụ tiêu biểu.Nó không chỉ xuất hiện trên báo tường, trong các cuộc thi sáng tác ca dao mà còn được cất lên trên đường hành quân, bên đôi bồ tiếp vận, trong những dịp thanh niên nam nữ gặp gỡ nhau khi sản xuất và chiến đấu...Chính trong những thời điểm giao tiếp trực tiếp sinh động cảm tính ấy, ca dao hiện đại mới phát huy tối đa giá trị thẩm mỹ của lời ca. Trong thực tế, có những lời ca dao hiện đại mang dấu ấn rõ rệt của lối đối đáp nam nữ - một hình thức diễn xướng dân gian, có giá trị nghệ thuật biểu diễn dân gian. Ví dụ: 74. Dù anh văn hoá lớp mười
- Anh chưa ra trận, em thời không yêu Dù anh sắc sảo, mỹ miều Nếu không ra trận, không yêu làm chồng. 75. Dù em nhan sắc tuyệt vời Em không đánh Mỹ, anh thời không yêu Dù em duyên dáng, mỹ miều Nếu không đánh Mỹ, đừng kêu muộn chồng. (12) Trong ca dao cổ truyền, những lời mang dấu ấn của lối đối đáp và “thứ nghệ thuật biểu diễn” dân gian hồn nhiên như trên được sử dụng khá nhiều. Thí dụ: 467. Đêm trăng thanh , anh mới hỏi nàng: “Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?” - Đan sàng thiếp cũng xin vâng Tre vừa đủ lá, non chăng hỡi chàng? 301. Bây giờ em mới hỏi anh Trầu vàng nhá với cau xanh thế nào? - Cau xanh nhá với trầu vàng Tình anh sánh với duyên nàng đẹp đôi 137. Dù ai cho bạc cho tiền Không bằng em được đứng liền với anh Dù ai cho bạc cho chinh Không bằng thiếp đứng với mình, mình ơi! Dù ai cho bạc cho vàng Không bằng em đứng với chàng, chàng ơi! (13) Một đặc trưng nữa của văn học dân gian mà ngày nay chúng ta cần xem xét một cách linh hoạt khi nghiên cứu là tính dị bản. ở bộ phận văn học dân gian cổ truyền, tính dị bản được coi là đặc trưng tất yếu và phổ biến; tuy nhiên, như vậy, không có nghĩa là tất cả các tác phẩm văn học dân gian cũ đều có dị bản hay nói chính xác hơn là đều đã sưu tầm được dị bản. ở bộ phận văn học dân gian hiện đại, số lượng tác phẩm có dị bản còn rất thưa thớt. Chẳng hạn, trong cuốn Ca dao Việt Nam 1945 -1975, tác giả Nguyễn Nghĩa Dân chỉ sưu tập được dị bản của một số lời ca dao. Đó là các lời C 92, Ch 130, L 248, L 249, Q367, A 476, D 544, Tr 732. Song, không thể căn cứ vào hiện tượng đó mà đi đến chỗ nghi ngờ sự tồn tại của văn học dân gian hiện đại. Có thể nghĩ đến nhiều nguyên nhân: Thời gian chưa đủ để nảy sinh dị bản, còn nhiều dị bản lưu truyền trong dân gian mà ta chưa sưu tầm khai thác được, v.v... Bởi vậy, hiện tại, đối với văn học dân gian hiện đại nói chung, ca dao hiện đại nói riêng, vấn đề dị bản chưa thể đặt ra như một đặc trưng bắt buộc phải có. Nhưng, đã là sáng tác dân gian thì sớm muộn gì tác phẩm cũng sẽ có dị bản nếu chúng ta vẫn tạo điều kiện cho nó tồn tại và phát triển. Nên, việc theo dõi sự vận động của tác phẩm và có hình thức sưu tầm, nghiên cứu kịp thời vẫn là hướng đi có cơ sở
- khoa học và cần thiết. Chúng ta không thể nói đến sự tồn tại và phát triển của văn học dân gian hiện đại, của ca dao hiện đại mà không tìm hiểu về tính truyền thống và sự vận động, biến đổi của tính truyền thống trong tiến trình lịch sử. Các nhà nghiên cứu folklore đã bàn khá nhiều về tính truyền thống và mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa truyền thống và ứng tác. ở bài viết này, chúng tôi muốn nói đến vai trò của tính truyền thống không chỉ trong sáng tác lưu truyền mà còn trong việc nhận diện tác phẩm . Vậy, tính truyền thống trong văn học dân gian được hiểu như thế nào? Chúng ta biết rằng, khi đã có một số lượng nhất định tác phẩm, quá trình lựa chọn những truyền thống nghệ thuật hình thành. Những truyền thống nghệ thuật nào phù hợp với tâm lý tập thể, phù hợp với sự sáng tác và lưu truyền bằng miệng sẽ được lưu giữ và trở thành "vốn liếng nghệ thuật" cho các cá nhân tiếp tục khai thác để tham gia ứng tác, ngược lại, nếu không phù hợp sẽ bị đào thải. Như vậy, truyền thống không chỉ bao gồm những nhân tố cũ mà còn gồm những nhân tố cũ đã được cải biên và những nhân tố mới được hình thành nếu như những nhân tố mới đó phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ, với tâm lý tập thể của nhân dân lao động trong từng giai đoạn lịch sử. Và, sự hình thành truyền thống diễn ra liên tục theo quy luật lựa chọn của quá trình sáng tạo văn học nghệ thuật dân gian. Bởi vậy, tính truyền thống trong văn học dân gian cần phải được nghiên cứu theo quan điểm lịch sử. Nghĩa là, tính truyền thống trong văn học dân gian phải được phải được nghiên cứu trong sự vận động, biến đổi của lịch sử xã hội. Tính truyền thống có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình sáng tác và lưu truyền. Đó là điều không thể phủ nhận. Song, điều muốn nhấn mạnh ở đây là, trên cơ sở tính truyền thống, người nghiên cứu có thể đưa ra những tiêu chí nhận diện các sáng tác dân gian hiện đại trong đó có ca dao hiện đại. Chẳng hạn, tiếp cận hai lời ca dao sau: Còn trời, còn nước còn non / Còn người thất học, ta còn phải lo (14), Còn trời, còn nước còn non / Còn lúa chính phủ, em còn cứ đi (15), chúng ta có thể nhận định rằng: đó là những lời ca dao hiện đại được hình thành trên cơ sở “cải biên” lời ca dao cổ truyền Còn trời, còn nước còn non/ Còn cô bán rượu, anh còn say sưa (16). Hay lời ca dao Con gà tốt mã vì lông/ Răng đen vì thuốc, rưọu nồng vì men (17) trong ca dao cổ truyền được tác giả dân gian dùng để tạo ra lời ca dao hiện đại trên cơ sở tiếp nối “tứ thơ” rất tự nhiên và tài tình: Con gà tốt mã vì lông/ Răng đen vì thuốc, rưọu nồng vì men/ ở đời muốn được tiếng khen/ I tờ đi học, đua chen với đời (18) Trên đây là một số phân tích về bản chất thẩm mỹ, về những đặc trưng loại biệt của văn học dân gian. Nghiên cứu sâu về những vấn đề đó chắc chắn sẽ phát hiện ra quy luật vận động của văn học dân gian nói chung, của ca dao nói riêng; đồng thời cũng là để tiến tới giải quyết những vấn đề còn tồn tại của việc nghiên cứu văn học dân gian hiện đại và ca dao hiện đại; nhất là những vấn đề có liên quan đến tiêu chí nhận diện ca dao hiện đại - một bộ phận của thể loại văn học dân gian có sức sống mạnh mẽ, bền bỉ cho đến tận ngày nay.
- Thực tế cho thấy, ranh giới giữa một số thể loại của văn học dân gian cổ truyền và văn học dân gian hiện đại, giữa ca dao cổ truyền và ca dao hiện đại đôi khi chưa có sự phân định rõ ràng. Chẳng hạn, đối với thể loại ca dao, các nhà nghiên cứu lấy mốc lịch sử là cách mạng Tháng Tám năm 1945 để phân biệt hai bộ phận ca dao cổ truyền và hiện đại. Đó là cách phân chia có cơ sở khoa học, phù hợp với sự phát triển của xã hội, văn hóa, lịch sử. Song, nếu chúng ta quan niệm những lời ca dao cổ truyền đã sưu tầm ở dạng "tĩnh" và những lời ca dao cổ truyền còn sống trong môi trường sinh hoạt của dân chúng là những lời ca dao cổ truyền ở dạng "động" thì sẽ xảy ra tình trạng: ở dạng ”động”, chúng có thể tồn tại dưới hai hình thức. Thứ nhất, chúng vận động trong môi trường sinh hoạt và những đặc điểm của truyền thống nghệ thuật cũ đã có sự cải biên. Về vấn đề này, tác giả Chu Xuân Diên trong bài viết Vấn đề nghiên cứu văn học dân gian hiện đại đã có những kiến giải thoả đáng và định hướng nghiên cứu cụ thể. Thứ hai, chúng vận động trong môi trường sinh hoạt nhưng không có sự biến đổi. Những lời ca dao đó vẫn mang những đặc điểm của truyền thống nghệ thuật cũ. Hình thức thứ hai vừa nêu không nhiều song không thể nói là không có. Với những trường hợp ấy, tiêu chí nhận diện là mốc lịch sử rõ ràng chưa thỏa đáng. Sự phân tích có tính chất khái quát ở trên đã phản ánh phần nào quy luật vận động của văn học dân gian trong tiến trình lịch sử. Chúng tôi muốn lưu ý thêm rằng: một bộ phận văn học dân gian, trong đó có ca dao, tồn tại trong môi trường sinh hoạt mà vẫn giữ nguyên toàn bộ những đặc điểm nội dung, hình thức nghệ thuật như chúng vốn có trước cách mạng thì không có lý do gì để xếp nó vào văn học dân gian hiện đại, cụ thể là ca dao hiện đại được. Thực ra, vấn đề truyền thống “động” vừa nói ở trên hết sức phức tạp. Nó liên quan đến công tác sưu tầm, nghiên cứu trên phạm vi lớn mà hiện nay chúng ta chưa có điều kiện thực hiện. Nhưng nó không nằm trong phạm vi nghiên cứu của bài viết này nên được nêu ra như một hướng suy nghĩ chứ chưa phải là một hướng nghiên cứu. Vấn đề chúng tôi quan tâm hơn là ranh giới giữa ca dao hiện đại với thơ của các tác giả chuyên nghiệp và thơ ca trong phong trào sáng tác văn nghệ quần chúng. Vấn đề này thực sự là mấu chốt gây ra những tranh luận về sự tồn tại hay không tồn tại ca dao hiện đại và như thế nào được coi là ca dao với tư cách là một thể loại của sáng tác dân gian?... Điều phức tạp gây ra những tranh luận vừa nêu suy cho cùng bắt nguồn từ chỗ chúng ta chưa chú ý tìm ra quy luật vận động của văn học dân gian nói chung và ca dao nói riêng, chưa nghiên cứu một cách cụ thể bộ phận ca dao hiện đại và nhất là chưa định ra được tiêu chí nhận diện nó. Căn cứ vào thực tế, theo chúng tôi, việc định ra tiêu chí nhận diện ca dao hiện đại là cần thiết và các tiêu chí đó phải thỏa mãn một cách tương đối những yêu cầu cụ thể về xác định ranh giới nêu trên. Ca dao cổ truyền mang những truyền thống nghệ thuật cũ, còn ca dao hiện đại mang những truyền thống nghệ thuật cũ đã được cải biên và những truyền thống nghệ thuật mới được định hình trong thời điểm lịch sử hiện tại. Như vậy, dấu ấn truyền thống đọng lại trong từng lời ca dao và đó là điều mà chúng tôi đặc biệt lưu ý khi tìm kiếm những tiêu chí nhận diện ca dao hiện đại với tư cách là văn bản văn học dân gian đã định hình, với tư
- cách là những văn bản ở "một thời điểm xuất hiện của tác phẩm folklore, nó thể hiện một cách đầy đủ nhất các phẩm chất của tác phẩm folklore ở thời điểm ấy" (19). Có thể nói rằng, ranh giới giữa ca dao cổ truyền và ca dao hiện đại xác định không gặp nhiều trở ngại lắm. Ranh giới giữa ca dao hiện đại với thơ ca của các tác giả chuyên nghiệp, thơ ca nảy sinh trong phong trào văn nghệ quần chúng khó xác định hơn rất nhiều bởi giữa chúng có mối liên hệ chằng chịt, đôi khi có những thời điểm chúng “gặp nhau, trùng lặp với nhau, hoà vào với nhau làm một.” (20) Song, giữa chúng vẫn có sự khác biệt bởi cuộc sống của chúng cơ bản là khác nhau. ở ca dao hiện đại chẳng hạn, với tư cách là một bộ phận của thể loại sáng tác dân gian, đương nhiên ít nhiều nó cũng phải vận động theo quy luật riêng của thơ ca dân gian và mang những truyền thống nghệ thuật của thể loại trữ tình này. Chẳng hạn, là sáng tác dân gian, tác phẩm sẽ mang đặc trưng tập thể, ít nhất với tư cách là một phạm trù thẩm mỹ, mang những đặc điểm nghệ thuật dân gian truyền thống và vận động theo quy luật của sáng tác dân gian như quy luật kế thừa truyền thống, quy luật chọn lọc tập thể... và những quy luật vận động biến đổi của lịch sử xã hội. Lời ca dao có tên tác giả sau có thể xác định là tác phẩm ca dao hiện đại dù nó chưa hội đủ tất cả các đặc trưng của sáng tác dân gian truyền thống bởi nó mang tâm lý sáng tác tập thể, mang dấu ấn nghệ thuật dân gian truyền thống: “Con kiến mày leo cành đa Leo phải cành cụt leo ra leo vào Thằng Mỹ cũng chẳng khác nào Miền Nam leo vào miền Bắc leo ra Loay hoay hơn chục năm qua Leo vào rồi lại leo ra cùng đường...” Nguyễn Thế Vinh (21) Nếu ở ca dao cổ truyền, hiện thực đời sống khách quan thu hút sự chú ý của tác giả dân gian là những vấn đề thiên về tâm sự riêng tư trong cuộc sống lứa đôi, thì ở ca dao hiện đại những sự kiện được quần chúng nhân dân chú ý nhất lại là những vấn đề liên quan tới vận mệnh dân tộc như kháng chiến, xây dựng, Tổ quốc đất nước. Có một số đặc điểm nghệ thuật được duy trì khá bền vững từ ca dao cổ truyền đến ca dao hiện đại là cách diễn đạt giản dị, mộc mạc và lời ca dao thường được làm theo thể thơ dân tộc - thể lục bát. Có lẽ bởi đây là thể thơ có “niêm luật (...) khá giản dị” (22) mà vẫn có sức biểu đạt lớn. Tuy nhiên, không phải lục bát là độc quyền của sáng tác dân gian, song trong ca dao, lục bát được sử dụng với tỷ lệ rất cao (khoảng > 90%) và là phương tiện biểu đạt nội dung hữu hiệu, sâu sắc. Còn thơ ca thành văn và thơ ca trong phong trào văn nghệ quần chúng chắc chắn cũng có quy luật vận động và đặc điểm nội dung, nghệ thuật riêng biệt. Về vấn đề này, có thể tham khảo thêm bài viết Vấn đề nghiên cứu văn học dân gian hiện đại của tác giả Chu Xuân Diên (23). ở đây, chúng tôi muốn lưu ý thêm rằng: quan điểm và thao tác nghiên cứu cần thiết là xem xét các hình thức thơ ca đó trong cùng một lát cắt đồng đại, trong mối quan hệ qua lại biện chứng song đồng thời cũng phải chia tách để khám phá chúng từ nhiều bình diện, đặng có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về bản chất nghệ thuật của từng loại.
- Từ những tìm tòi nghiên cứu trên, chúng tôi xin nêu ra một số suy nghĩ để trên cơ sở đó có thể nhận diện ca dao hiện đại: 1) Ca dao hiện đại là những tác phẩm ca dao mang đặc điểm nghệ thuật dân gian truyền thống, phù hợp với quan niệm nghệ thuật mới và hiện thực đời sống của nhân dân trong thời kỳ hiện đại. Ở đây, chúng tôi xin làm rõ hai điểm: Truyền thống nghệ thuật dân gian phù hợp với quan niệm nghệ thuật mới và hiện thực đời sống của quần chúng nhân dân trong thời kỳ hiện đại gồm những truyền thống nghệ thuật của ca dao cổ truyền được cải biên và những truyền thống nghệ thuật mới được định hình trên cơ sở tiếp thu những truyền thống nghệ thuật cổ truyền. - Truyền thống nghệ thuật dân gian bao gồm cả nội dung và hình thức nghệ thuật song thể hiện rõ nét nhất ở hình thức nghệ thuật như ngôn ngữ, thể thơ, các mô típ mở đầu trong các lời ca dao,... Như thế, cũng có nghĩa đây chủ yếu là tiêu chí nhận diện về mặt hình thức - mặt tác động vào giác quan của người tiếp nhận trước tiên và mạnh mẽ nhất. 2) Ca dao hiện đại là những tác phẩm ca dao mang tâm lý sáng tác tập thể. Nói cách khác, đối tượng được phản ánh trong tác phẩm là những hiện tượng đời sống gây tác động vào một tập thể nhất định chứ không chỉ gây tác động vào từng cá nhân. Ở đây cũng có hai điểm xin nêu rõ: - Tâm lý sáng tác tập thể nảy sinh từ quá trình nhận thức và sáng tạo tập thể. ở ca dao hiện đại, chúng tôi thấy càng cần nhìn nhận đặc trưng tập thể sâu hơn về phương diện nó là một phạm trù thẩm mỹ của văn học dân gian. Không nên máy móc xem xét tính tập thể với tư cách là phương thức sáng tác lúc ca dao hiện đại mới ra đời để phán xét nó. - Tâm lý sáng tác tập thể cũng in dấu ấn ở hình thức nghệ thuật. Thí dụ, điều đó thể hiện ở việc nhiều người cùng ưa thích sử dụng những thể thơ, những biện pháp nghệ thuật, những biểu tượng tạo nên từ những sự vật quen thuộc trong đời sống của cộng đồng,... Tuy nhiên, tâm lý sáng tác tập thể biểu hiện chủ yếu ở nội dung tư tưởng tác phẩm. Bởi vậy, tiêu chí này nghiêng về nhận diện ca dao hiện đại từ góc độ nội dung tác phẩm. 3) Ca dao hiện đại có thể ra đời từ nhiều nguồn: từ những sáng tác mô phỏng của các tác giả chuyên nghiệp, từ những sáng tác của phong trào văn nghệ nghiệp dư, từ trong sinh hoạt văn hóa dân gian. Điều quan trọng là, những tác phẩm ca dao hiện đại ấy phải được lưu truyền rộng rãi trong dân gian bằng phương thức truyền miệng, mang ý nghĩa thẩm mỹ của tính truyền miệng. Ở mục thứ ba này, chúng tôi chưa đặt vấn đề xem xét tính dị bản của ca dao hiện đại dù biết rằng tính dị bản là hệ quả tất yếu của tính tập thể và tính truyền miệng, vì những lý do đã trình bày ở phần phân tích chung. Chúng tôi muốn nhìn nhận ca dao hiện đại với tư cách là những tác phẩm được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, đặc biệt là phải mang ý nghĩa thẩm mỹ của tính truyền miệng, thích hợp với nghệ thuật diễn xướng dân gian.
- Trên đây là một số vấn đề xoay quanh việc nhận diện ca dao hiện đại mà theo chúng tôi nên xem xét trong nghiên cứu thể loại ca dao nói chung, bộ phận ca dao hiện đại nói riêng. Lý giải một cách có cơ sở và đưa ra được những tiêu chí nhận diện ca dao hiện đại còn là công việc khó giải quyết một cách thỏa đáng. Chúng tôi hy vọng rằng, những phân tích ở trên ít nhiều sẽ góp phần định ra được tiêu chí nhận diện ca dao hiện đại, góp phần hiểu đúng bản chất ca dao hiện đại - một bộ phận thơ dân gian vẫn đang tồn tại và vận động trong đời sống xã hội hiện nay. =================
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
SKKN: Một số kinh nghiệm lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi
18 p | 679 | 62
-
SKKN: Một số biện pháp tạo môi trường chữ cho trẻ 5 - 6 tuổi
18 p | 856 | 41
-
Chủ đề : THẾ GIỚI ĐỘNG VẬT - ĐỀ TÀI : CÁ CON ĐẸP XINH
7 p | 341 | 38
-
Bài 3: Ca dao, dân ca: Những câu hát về tình cảm gia đình - Giáo án Ngữ văn 7 - GV: Lê Thị Hạnh
7 p | 1056 | 25
-
Bài 9: Nói quá - Bài giảng Ngữ văn 8
24 p | 311 | 19
-
Giáo án Ngữ văn 11 tuần 24 bài: Tương tư
21 p | 451 | 18
-
Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Tràng trong Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân
8 p | 416 | 11
-
Sáng kiến kinh nghiệm THPT: Giải pháp giúp học sinh làm nhanh các bài toán trắc nghiệm: Xác định khoảng thời gian đặc biệt trong dao động có tính chất điều hòa
43 p | 62 | 5
-
Sáng kiến kinh nghiệm Mầm non: Một số biện pháp chỉ đạo nâng cao chất lượng xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong trường mầm non
32 p | 43 | 5
-
Vẻ đẹp của con sông Hương qua cảm nhận của cái tôi tài hoa mê đắm của hoàng phủ Ngọc Tường
6 p | 67 | 4
-
Tư tưởng Đất Nước của Nhân dân trong đoạn trích "Đất Nước" của trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm
5 p | 152 | 4
-
Sáng kiến kinh nghiệm THCS: Một số kinh nghiệm giáo dục học sinh cá biệt trong trường Trung học cơ sở Vạn Phúc- Thanh Trì- Hà Nội
15 p | 28 | 4
-
Phân tích hai tính cách trái ngược của Gia-ve và Giăng Van Giăng trong Người cầm quyền khôi phục uy quyền
3 p | 65 | 3
-
Sáng kiến kinh nghiệm Mầm non: Một số biện pháp quản lý, chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả chuyên đề phát triển vận động tại trường mầm non
21 p | 36 | 3
-
Phân tích những đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình
6 p | 142 | 3
-
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số biện pháp tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ mầm non 5-6 tuổi vùng dân tộc thiểu số trường mầm non Hoa Pơ Lang
16 p | 52 | 2
-
Sáng kiến kinh nghiệm Tiểu học: Kinh nghiệm một số biện pháp dạy tốt môn Tin học ở Tiểu học 5
23 p | 16 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn