VĂN MẪU LỚP 11 PHÂN TÍCH VÀ LÀM RÕ Ý KIẾN SAU: “BÀI THƠ TỰ TÌNH (II) VỪA NÓI LÊN BI KỊCH DUYÊN PHẬN VỪA CHO THẤY KHÁT VỌNG SỐNG, KHÁT VỌNG HẠNH PHÚC CỦA HỒ XUÂN HƯƠNG” I. ĐẶT VẤN ĐỀ – Trong lịch sử văn học Việt Nam, Hồ Xuân Hương là hiện tượng rất độc đáo: nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà trữ tình, đậm đà chất văn học dân gian từ đề tài, cảm hứng đến ngôn ngữ, hình tượng. – Nổi bật trong sáng tác thơ Nôm của bà là tiếng nói thương cảm đối với người phụ nữ, là sự khẳng định, đề cao vẻ đẹp và khát vọng của họ. – Tự tình (bài II) nằm trong chùm thơ Tự tình gồm ba bài của Hồ Xuân Hương. Bài thơ thể hiện hai tâm trạng tưởng chừng trái ngược nhau nhưng thống nhất trong bản lĩnh, tính cách Hồ Xuân Hương: vừa buồn tủi vừa phẫn uất muốn vượt lên trên số phận nhưng cuối cùng vẫn đọng lại nỗi xót xa. Bài thơ vừa nói lên bi kịch duyên phận, vừa cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của bà. II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ 1. Bài thơ Tự tình nói lên bi kịch duyên phận của Hồ Xuân Hương a) Giải thích khái niệm – Bi kịch: chỉ cảnh éo le, trắc trở đau thương của cuộc đời con người. – Bi kịch duyên phận: éo le, trắc trở trong tình duyên. b) Bi kịch về duyên phận của Hồ Xuân Hương thể hiện ở nỗi niềm buồn tủi của bà. – Nỗi niềm buồn tủi của Hồ Xuân hương được gợi lên từ sự tĩnh lặng của đêm khuya thanh vắng. “Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn” Cái nhịp gấp gáp liên hồi của tiếng trống canh vừa là sự cảm nhận vừa là sự thế hiện bước đi dồn dập của thời gian và sự rối bời của tâm trạng. Trong đêm khuya thanh vắng, nhà thờ cảm nhận sự bẽ bàng của duyên phận “Trơ cái hồng nhan với nước non“. Câu thơ vừa nói lên sự dầu dãi, cay đắng vừa gợi lên sự bạc phận, sự bẽ bàng. – Nỗi niềm buồn tủi của bà còn thế hiện qua tâm trạng chán chường: Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại Mảnh tình san sẻ tí con con! “Ngán” là chán ngán, là ngán ngẩm. Hồ Xuân Hương ngán cho nỗi đời éo le, bạc bẽo. Từ xuân mang hai nghĩa, vừa là “mùa xuân” vừa là “tuổi xuân”. Mùa xuân đi rồi mùa xuân trở lại với thiên nhiên, với muôn nghìn hoa lá cỏ cây, nhưng với con người thì tuổi xuân qua sẽ không bao giờ quay trở lại. Hai từ lại trong cụm từ “xuân đi xuân lại lại” mang hai nghĩa khác nhau. Từ lại thứ nhất nghĩa là thêm lần nữa, từ lại thứ hai nghĩa là quay trở lại. Sự trở lại của mùa xuân đồng nghĩa với sự ra đi của tuổi xuân. Đặc biệt, bằng biện pháp nghệ thuật tăng tiến, nhấn mạnh vào sự nho bé dần, làm cho nghịch cảnh càng éo le hơn “Mảnh tình san sẻ tí con con”. “Mảnh tình” đã bé lại “san sẻ” thành ra ít ỏi chỉ còn “tí con con” nên càng xót xa tội nghiệp. Tuổi xuân qua đi tuổi xuân không trở lại. Tình cảm thì san sẻ chỉ còn “tí con con” nên Hồ Xuân Hương buồn tủi cho duyên phận cuộc đời mình. Nỗi lòng của bà cũng là nỗi lòng của những người phụ nữ trong xã hội xưa. c) Bi kịch về duyên phận thể hiện qua nỗi xót xa của Hồ Xuân Hương. Nhà thơ đã cảm nhận được sự bẽ bàng của duyên phận: Trơ cái hồng nhan với nước non. Trơ là tủi hổ, trơ là bẽ bàng. Thêm vào đó, hai chữ hồng nhan là để nói về dung nhan thiếu nữ mà lại đi với từ trơ thì thật rẻ rúng, mỉa mai. Cái hồng nhan trơ với nước non không chỉ là dầu dãi mà còn là cay đắng. Dù câu thơ chỉ nói về một vế hồng nhan nhưng vẫn gợi lên vế bạc phận. Vì vậy, Hồ Xuân Hương càng thấy xót xa, bẽ bàng và cay đắng. 2. Bài thơ tự tình nói lên khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương. – Có thể nói bài thơ Tự tình vừa nói lên bi kịch vừa cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Bi kịch trong bài thơ là bi kịch của tuổi xuân, của duyên phận. Rơi vào hoàn cảnh ấy, nhiều người có thể tuyệt vọng hoặc phó mặc buông xuôi. Thế nhưng, nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì không thế. Trước sự trớ trêu của cuộc đời, của số phận, nhà thơ vẫn luôn khát khao hạnh phúc. Lòng khát khao hạnh phúc được thể hiện ở việc tác giả muốn cưỡng lại sự nghiệt ngã của số phận. Từ trơ kết hợp với từ nước non thể hiện sự bền gan thách đố và cũng là thể hiện sự khát vọng vượt lên sự nghiệt ngã của cuộc đời. – Khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc còn thể hiện ở sức sống mãnh liệt của Hồ Xuân Hương: Xiên ngang mặt đất rêu từng đám Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn. Hai câu thơ gợi cảnh thiên nhiên và cảnh được cảm nhận qua tâm trạng như cũng mang nỗi niềm phẫn uất của con người. Những đám rêu thì xiên mặt đất. Mấy hòn đá thì đâm toạc chân mây. Biện pháp đảo ngữ trong hai câu thơ có tác dụng nhấn mạnh nỗi phẫn uất của tác giả. Cách sử dụng từ xiên ngang, đâm toạc thể hiện thể hiện được sức sống mãnh liệt của thiên nhiên cũng là thể hiện sức sống mãnh liệt của nữ sĩ trong tình cảnh bi thương. Khát khao hạnh phúc của Hồ Xuân Hương cũng chính là khát khao hạnh phúc của những người phụ nữ trong xã hội cũ khắt khe và nghiệt ngã. III. KẾT THÚC VẤN ĐỀ – Qua lời tự tình, bài thơ nói lên cả bi kịch và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương. Bài thơ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc: Trong buồn tủi, người phụ nữ gắng vượt lên trên số phận nhưng cuối cùng vẫn rơi vào bi kịch. – Tác giả sử dụng từ ngữ giản dị mà đặc sắc, hình ảnh giàu sức gợi cảm. Tất cả có tác dụng diễn tả những biểu hiện phong phú, tinh tế của tâm trạng của nữ sĩ. – Bài thơ giúp ta hiểu hơn tại sao Hồ Xuân Hương lại được mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm”.