intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phát triển bền vững du lịch cộng đồng ở Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

12
lượt xem
8
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nghiên cứu "Phát triển bền vững du lịch cộng đồng ở Việt Nam" sẽ phân tích sâu hơn thực trạng phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam, chỉ ra những hạn chế, bất cập, đề xuất các giải pháp để loại hình du lịch này phát triển bền vững trong thời gian tới.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phát triển bền vững du lịch cộng đồng ở Việt Nam

  1. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG DU LỊCH CỘNG ĐỒNG Ở VIỆT NAM ThS. Ngô Duy Thanh Sở Xây dựng tỉnh Cao Bằng Tóm tắt: Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương... Do đó, du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế cho bản địa. Trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, hình thức du lịch này đang được phát triển ngày càng mạnh mẽ. Nghiên cứu sẽ phân tích sâu hơn thực trạng phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam, chỉ ra những hạn chế, bất cập, đề xuất các giải pháp để loại hình du lịch này phát triển bền vững trong thời gian tới. Từ khóa: du lịch cộng đồng, tính bền vững của du lịch, phát triển bền vững 1. Giới thiệu Du lịch cộng đồng đã và đang là một trong những xu hướng du lịch quan trọng trong thế kỷ 21. Việc phát triển du lịch cộng đồng tạo ra cơ hội phát triển bền vững cho các địa bàn khó khăn, cho cư dân vùng nông thôn, vùng sinh sống của các dân tộc ít người, cho các làng nghề, làng quê... Việt Nam với thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa ẩm thực độc đáo, tập tính người dân thân thiện cởi mở... từng được giới chuyên gia nhận định có thể trở thành một nước hàng đầu thế giới về phát triển du lịch cộng đồng, nếu được phát triển đúng hướng và có sự quản lý tốt. Năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thực tế ghi nhận, đến nay ngành du lịch cộng đồng đã triển khai đúng hướng và có những bước chuyển đổi mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, loại hình du lịch này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần có những giải pháp khắc phục để có thể phát triển bền vững trong thời gian tới. 2. Du lịch cộng đồng: Một mô hình phát triển bền vững Du lịch cộng đồng là sự phát triển của cộng đồng thông qua du lịch nơi mà giá trị của nó vượt ra ngoài sự phát triển kinh tế (Mayaka và cộng sự, 2019 và Jones, 2005). Mặc dù mối quan hệ giữa phát triển cộng đồng và du lịch trong cộng đồng vẫn gặp nhiều tranh cãi, nhưng đa số các ý kiến cho rằng du lịch cộng đồng mang lại nhiều kết quả tích cực, như: phát triển kinh tế - xã hội, quyền làm chủ của cộng đồng địa phương, phát triển nguồn nhân lực, sức mạnh cộng đồng và đoàn kết, cộng đồng trao quyền, đóng góp/bảo tồn sinh thái, tất cả đã giúp cộng đồng địa phương phát triển bền vững (Mayaka và cộng sự, 2019; Mottiar, Boluk, Kline, 2018; Mtapuri, Giampiccoli, 2013). Economy and Forecast Review 279
  2. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP Du lịch cộng đồng gồm nhiều khía cạnh của văn hóa địa phương, như: giải trí, con người, môi trường tự nhiên, kiến trúc thượng tầng, ẩm thực, sản phẩm, chỗ ở (Kiatkawsin, Han, 2017; Mtapuri, Giampiccoli, 2013; Wearing, Wearing, McDonald, 2010). Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, những yếu tố này cũng là những thuộc tính cần thiết của một điểm đến du lịch (Lee, Jan, 2019; Mtapuri, Giampiccoli, 2013; Simpson, 2008; Han và cộng sự, 2019). Rõ ràng, việc tối đa hóa hiệu suất của các thuộc tính này góp phần khơi gợi hành vi tích cực của khách du lịch khi mua hàng tại các điểm du lịch (Kiatkawsin, Han, 2017; Han và cộng sự, 2019). Bitner và cộng sự (1990) đã chỉ ra rằng, hiệu suất đề cập đến nhận thức đánh giá của khách du lịch về kết quả thu được thông qua trải nghiệm tiêu thụ các thuộc tính sản phẩm. Hiệu quả hoạt động du lịch cộng đồng cũng là kết quả nhận thức của du khách thu được từ trải nghiệm với các thuộc tính du lịch cộng đồng tại điểm đến. Đặc biệt, theo Tổ chức mạng lưới du lịch cộng đồng vì người nghèo: “Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch bền vững thúc đẩy các chiến lược vì người nghèo trong môi trường cộng đồng. Các sáng kiến của du lịch cộng đồng nhằm vào mục tiêu thu hút sự tham gia của người dân địa phương vào việc vận hành và quản lý các dự án du lịch nhỏ như một phương tiện giảm nghèo và mang lại thu nhập thay thế cho cộng đồng. Các sáng kiến của du lịch cộng đồng còn khuyến khích tôn trọng các truyền thống và văn hóa địa phương cũng như các di sản thiên nhiên” (trích theo Nguyễn Văn Đính, 2021). Đây là khái niệm cho thấy rõ nhất tính bền vững có sẵn trong nội hàm của loại hình du lịch này và đây cũng là loại hình du lịch thích hợp với vùng dân tộc thiểu số trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Ở Việt Nam, theo Khoản 15, Điều 3 - Luật Du lịch năm 2017, “Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi”. Khái niệm du lịch cộng đồng này chứa đựng các nội dung chủ yếu như sau: Du khách là tác nhân bên ngoài, là tiền đề mang lại lợi ích kinh tế và sẽ có những tác động nhất định kèm theo việc thụ hưởng các giá trị về môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn khi đến với một cộng đồng địa phương cụ thể; Cộng đồng địa phương là người kiểm soát các giá trị về mặt tài nguyên du lịch để hỗ trợ du khách có cơ hội tìm hiểu và nâng cao nhận thức của mình khi có cơ hội tiếp cận hệ thống tài nguyên du lịch tại không gian sinh sống của cộng đồng địa phương. Cộng đồng địa phương sẽ nhận được lợi ích về mặt kinh tế, mở rộng tầm hiểu biết về đặc điểm tính cách của du khách cũng như có cơ hội nắm bắt các thông tin bên ngoài từ du khách. Cộng đồng địa phương ngày càng được tăng cường về khả năng tổ chức, vận hành và thực hiện các hoạt động, xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ cho du khách. Từ đó, cộng đồng ngày càng phát huy vai trò làm chủ của mình.  Với nội hàm trên, du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế cho người dân bản địa. Du lịch cộng đồng 280 Kinh tế và Dự báo
  3. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương.          3. Xu hướng phát triển du lịch cộng đồng trên thế giới Trên thế giới, du lịch cộng đồng được xuất hiện từ những năm 1970. Đến nay, loại hình du lịch này đã và đang phát triển phổ biến ở hầu hết các châu lục, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số ở châu Phi, khu vực Mỹ Latin và châu Á. Có 5 hình thức du lịch cộng đồng phổ biến trên thế giới, đó là: Du lịch sinh thái; Du lịch văn hóa; Du lịch nông nghiệp; Du lịch bản địa và Du lịch làng (Quỹ châu Á và Viện Nghiên cứu phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam, 2012). Đa số các đối tượng tìm đến loại hình du lịch cộng đồng thường muốn tự trải nghiệm đời sống văn hóa, nhịp sống thường ngày và môi trường hoang sơ. Tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, loại hình du lịch cộng đồng được phát triển khá mạnh mẽ. Tại các quốc gia này, du lịch cộng đồng được phát triển dựa trên sự tham gia và làm chủ của cộng đồng địa phương với các mục tiêu, như: bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn văn hóa địa phương; cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương; giao lưu văn hóa giữa khách du lịch và địa phương; trao quyền cho các cộng đồng quản lý du lịch cộng đồng độc lập. Các quốc gia xây dựng tiêu chuẩn du lịch cộng đồng áp dụng cho các điểm du lịch và chú trọng tới các tiêu chí về quản lý (Chiến Thắng, 2019). Tại châu Âu, các quốc gia đã phát triển mô hình du lịch cộng đồng theo cách tiếp cận bền vững bằng cách quản lý lãnh thổ đặc biệt từ việc quản lý trang trại, vật nuôi, năng lượng tái tạo đến tái chế chất thải, du lịch bền vững và các chương trình xã hội…, được diễn ra với mối liên hệ mật thiết nhất đối với thiên nhiên. 95% diện tích các địa phương phát triển du lịch cộng đồng được canh tác hữu cơ. Các loại rau quả không sử dụng thuốc trừ sâu và các hóa chất khác. Nhiều động vật, như: dê, bò cũng được nuôi theo phương châm thân thiện với sinh thái (Chiến Thắng, 2019). Tại châu Phi, một châu lục nghèo khó với cái nắng gay gắt, cũng nổi tiếng với nhiều kỳ quan nổi tiếng, như: sông Nile, núi lửa Kilimanjaro, thung lũng lớn do vết nứt trái đất, cánh đồng Serengeti và sa mạc Sahara... Du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng, có tầm quan trọng đặc biệt với nền kinh tế châu Phi. Du khách có thể trải nghiệm loại hình du lịch cộng đồng tại châu Phi với phong cảnh thiên nhiên đẹp, hoang dã, khí hậu ấm áp, đặc biệt là con người địa phương rất thân thiện. Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AFDB), hơn 60% tăng trưởng kinh tế của châu Phi là nhờ lĩnh vực kinh tế phi truyền thống, trong đó có du lịch. Các quốc gia châu Phi đang phát triển nhiều dự án du lịch sinh thái để góp phần dung hòa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và mang lại sự sung túc cho cộng đồng (Chiến Thắng, 2019). 4. Thực trạng phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam 4.1. Những kết quả đạt được Ở nước ta có rất nhiều mô hình du lịch cộng đồng phát triển khá thành công. Economy and Forecast Review 281
  4. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP Vùng miền núi Tây Bắc có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như ở Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Ninh; một số tỉnh Trung Bộ, như: Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định; các tỉnh Tây Nguyên, như: Ðắk Lắk, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum; các tỉnh Nam Bộ, như: CầnThơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và nhiều địa phương khác đã có nhiều mô hình du lịch cộng đồng tốt và mang lại hiệu quả cao. Những mô hình này không chỉ phát huy được thế mạnh văn hóa bản địa của các cộng đồng, cảnh quan thiên nhiên, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhiều người dân địa phương, thể hiện qua các khía cạnh chính như sau: 4.1.1. Gia tăng về quy mô du lịch cộng đồng Tại Việt Nam, du lịch cộng đồng đang trở thành xu hướng du lịch mới trong những năm gần đây. Có nhiều mô hình du lịch cộng đồng phát triển khá thành công. Tại miền núi Tây Bắc có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, như: Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Ninh; một số tỉnh Trung Bộ như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định; các tỉnh Tây Nguyên như Ðắk Lắk, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum; các tỉnh Nam Bộ, như: Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và nhiều địa phương khác đã có nhiều mô hình du lịch cộng đồng tốt và mang lại hiệu quả cao (Nguyễn Văn Đính, 2021). Những mô hình này không chỉ phát huy được thế mạnh văn hóa bản địa của các cộng đồng, cảnh quan thiên nhiên, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhiều người dân địa phương. Hình 1: Số lượng làng, bản, buôn, xóm, thôn có hoạt động du lịch cộng đồng Nguồn: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Giai đoạn 2019-2021 là quãng thời gian hoạt động du lịch cộng đồng của Việt Nam phát triển rất sôi động và thu hút sự quan tâm ở rất nhiều địa phương. Nếu năm 2019, cả nước có 290 làng, bản, buôn, xóm, thôn có hoạt động du lịch cộng đồng, thì năm 2020, số lượng làng, bản, buôn, xóm, thôn có hoạt động du lịch cộng đồng tăng lên 312 địa phương và năm 2021 là 451 địa phương (Hình 1). Việc gia tăng các địa phương có hoạt động du lịch cộng đồng để đáp ứng nhu cầu tham gia du lịch cộng đồng ngày càng tăng của du khách trong và ngoài nước. Số lượng khách du lịch trong và ngoài nước tham gia du lịch cộng đồng giai đoạn 2019-2021 ngày càng tăng. 282 Kinh tế và Dự báo
  5. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP 4.1.2. Sự thay đổi về cơ cấu du lịch cộng đồng Cùng với quy mô, loại hình và hình thức du lịch cộng đồng cũng tăng qua các năm. Nếu như năm 2019, chỉ có hoạt động du lịch homestay, thì năm 2020 và 2021, các hình thức du lịch cộng đồng đã mở rộng đáng kể. Khách du lịch còn có nhu cầu tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tìm hiểu lối sống thường ngày của người dân bản địa; tham quan các bản làng dân tộc; tham quan nghiên cứu đa dạng sinh học… tại các tỉnh Đông và Tây Bắc Bộ, khu bảo tồn Cù Lao Chàm, làng rau Trà Quế Hội An, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên… Mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng các hình thức du lịch cộng đồng tại các địa phương vẫn phát triển mạnh, chuẩn bị sẵn sàng ngày du lịch mở cửa. Về mô hình du lịch cộng đồng, tại Việt Nam hiện có 3 mô hình tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch cộng đồng, đó là: (i) Cả cộng đồng cùng tham gia vào du lịch cộng đồng; (ii) Chỉ gồm một bộ phận cộng đồng hoặc hộ gia đình tham gia vào du lịch cộng đồng; (iii) Mô hình liên doanh giữa cộng đồng hoặc một số thành viên cộng đồng và đối tác kinh doanh, mức độ tham gia trong một dự án du lịch cộng đồng của cộng đồng có thể khác nhau tùy theo từng nơi. Tuy nhiên, tại hầu hết các điểm du lịch cộng đồng hiện nay, người dân địa phương chủ yếu tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng theo mô hình thứ hai hoặc thứ ba, tức là chỉ một bộ phận cộng đồng hoặc hộ gia đình tham gia vào du lịch cộng đồng hoặc theo mô hình liên doanh giữa cộng đồng hoặc một số thành viên cộng đồng và đối tác kinh doanh. Hình 2: Số lượng khách quốc tế và khách nội địa tham gia hoạt động du lịch cộng đồng giai đoạn 2019-2021 Nguồn: Tổng cục Du lịch Hình 2 cho thấy, chủ yếu khách du lịch tham gia hoạt động du lịch cộng đồng tại các địa phương của Việt Nam là khách nội địa, chiếm tới 85%. Năm 2020 và 2021, số lượng khách nội địa và khách quốc tế tham gia hoạt động du lịch cộng đồng tại các địa phương của Việt Nam có sự sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt là năm 2021, số lượng khách du lịch cả nội địa và quốc tế đều giảm mạnh, giảm tới 65%. Economy and Forecast Review 283
  6. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP 4.1.3. Về đóng góp của du lịch cộng đồng vào phát triển kinh tế - xã hội Tại Việt Nam, hình thức này không chỉ mang lại mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng mà còn giải quyết việc làm cho một lượng lớn người lao động địa phương. Thực tế giai đoạn 2019-2021 đã chứng minh rằng, loại hình du lịch cộng đồng đang có sự đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước (NSNN) của cả nước nói chung và các địa phương nói riêng, giải quyết tới 40% việc làm cho người dân các địa phương (Bảng). Bảng: Đóng góp về kinh tế và xã hội của loại hình du lịch cộng đồng tại Việt Nam giai đoạn 2019-2021 STT Tiêu chí ĐVT 2019 2020 2021 1 Đóng góp vào NSNN Tỷ đồng 34.320 24.500 18.200 2 Tỷ lệ đóng góp vào NSNN % 1,15 0,95 0,72 3 Giải quyết việc làm cho người lao động Triệu người 0,7 0,61 0,42 4 Tỷ lệ giải quyết việc làm cho người lao động % 8,4 6,1 5,5 Nguồn: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Mặc dù loại hình du lịch cộng đồng tại Việt Nam đang phát triển mạnh trong những năm gần đây, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2020 và 2021, đóng góp của du lịch cộng đồng vào NSNN và tỷ lệ giải quyết việc làm cho người lao động giảm đáng kể so với năm 2019. Tuy nhiên, về cơ bản, du lịch cộng đồng đang có những phát triển nhất định, đóng góp một phần quan trọng vào NSNN và giải quyết một lượng lao động lớn cho các địa phương, đặc biệt là lao động địa phương. Đối với loại hình này, người dân địa phương tại các điểm đến du lịch chính là nhân tố tham gia trực tiếp vào các chương trình và hoạt động du lịch cộng đồng tại địa phương. Họ là một thành tố cấu thành sản phẩm du lịch cộng đồng. Bên cạnh việc mang lại cho du khách những trải nghiệm về văn hóa, lối sống và truyền thống của cộng đồng dân tộc mình, dân cư địa phương còn là những người cung cấp dịch vụ du lịch cho du khách trong quá trình tham gia tại điểm đến du lịch ở các mức độ khác nhau. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch năm 2021, hiện có khoảng 80% nhân lực phục vụ du lịch cộng đồng là người dân địa phương tại chính cộng đồng ấy. 4.2. Những hạn chế Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển du lịch cộng đồng ở nhiều nơi vẫn còn có những hạn chế nhất định, đó là: - Công tác quy hoạch định hướng chưa được quan tâm đúng mức, nên hoạt động du lịch cộng đồng vẫn mang tính chất tự phát, phong trào, thiếu tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức và hạn chế khả năng ngôn ngữ. - Số lượng du khách phần lớn là khách du lịch nội địa. - Nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực du lịch cộng đồng càng ngày càng tăng, nhưng chất lượng rất hạn chế, vì chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ. - Hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, các tuyến đường kết nối đến các 284 Kinh tế và Dự báo
  7. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP địa điểm du lịch cộng đồng còn khó khăn, gây trở ngại cho du khách khi đến du lịch tại các địa điểm du lịch cộng đồng của vùng. - Việc xây dựng sản phẩm cho du lịch cộng đồng còn đơn điệu, chưa tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ đáp ứng nhu cầu của du khách, dẫn đến sự lưu trú của du khách rút ngắn làm giảm nguồn thu của cư dân bản địa. - Vai trò và sự phối hợp của chính quyền trong hỗ trợ cho hình thành mối quan hệ liên kết giữa các chủ thể tham gia hoạt động cung ứng dịch vụ phục vụ cho du lịch cộng đồng chưa hiệu quả; công tác quản lý chưa chặt chẽ dẫn đến nhiều nơi phát triển du lịch cộng đồng gây tổn hại đến môi trường và xuất hiện các dịch vụ biến tướng, gây tác động xấu đến những giá trị văn hóa bản địa truyền thống. Tất cả những tồn tại nói trên nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời, thì không những không đảm bảo sinh kế ổn định và lâu dài cho cư dân bản địa, mà còn gây ra những hệ lụy khó lường trong bảo vệ môi trường và gìn giữ bản sắc văn hóa của cư dân bản địa trong phát triển du lịch cộng đồng. Du lịch cộng đồng vì thế cũng chưa thực sự phát triển một cách bền vững. 5. Một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới Qua nghiên cứu và thực tế những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, theo chúng tôi, để đảm bảo cho sự phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững trong thời gian tới, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau: Một là, cần giáo dục nhận thức và nâng cao hiểu biết cho cán bộ, nhân viên ngành du lịch, nhất là cho cộng đồng dân cư về du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng, trong đó đặc biệt chú ý những vấn đề về môi trường, về ý nghĩa của phát triển du lịch cộng đồng, đảm bảo tính bền vững của loại hình du lịch này.                                Hai là, cần có hướng dẫn và có các quy định đối với cộng đồng cư dân trong hoạt động du lịch để tránh tình trạng lai căng, du nhập văn hóa không lành mạnh, bảo vệ và giữ gìn môi trường xã hội - nhân văn, văn hóa bản địa, bảo vệ và giữ gìn môi trường thiên nhiên, vệ sinh nhà ở, thôn xóm, vệ sinh an toàn thực phẩm; tránh tình trạng bê tông hóa. Đồng thời, có những quy định và hướng dẫn để khách du lịch hiểu và tôn trọng luật pháp Việt Nam, phong tục, tập quán địa phương. Nhanh chóng ban hành bộ tiêu chí về xây dựng chuẩn các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn, từ đó xác nhận các chỉ tiêu xây dựng điểm du lịch cộng đồng đạt chuẩn. Trên cơ sở đó làm căn cứ quản lý, cũng như trao quyền tự chủ cho cộng đồng bản địa trong quản trị, chia sẻ lợi ích, thiết lập quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan; đồng thời, làm cơ sở để bảo tồn và gìn giữ văn hóa bản địa, bảo vệ cảnh quan môi trường phù hợp với phong tục tập quán của địa phương. Ba là, các tỉnh phải có quy hoạch tổng thể và chi tiết đến các điểm du lịch cộng đồng. Quy hoạch phải dựa trên những nghiên cứu đánh giá cụ thể những thế mạnh của từng địa điểm, nhằm tận dụng lợi thế và khai thác tốt tài nguyên cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa bản địa. Đây vừa là căn cứ để định Economy and Forecast Review 285
  8. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP hướng phát triển cho du lịch cộng đồng để bảo tồn bản sắc văn hóa, vừa là căn cứ để xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng đa dạng phù hợp với điều kiện của từng điểm du lịch cộng đồng. Bốn là, sớm đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối các điểm du lịch cộng đồng với hệ thống giao thông nội tỉnh được thông suốt và thuận lợi. Đặc thù của các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn các tỉnh miền núi thường ở vùng xâu, xa, nên việc di chuyển tham quan giữa các điểm của du khách chưa được thuận tiện. Vì vậy, cần phải được ưu tiên đầu tư để tạo điều kiện cho du khách dễ dàng tiếp cận với các địa điểm nói trên. Năm là, cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển đối với các chủ thể kinh doanh du lịch cộng đồng, như: chính sách hỗ trợ hàng sản xuất thủ công mỹ nghệ, sản xuất nông sản sạch, nông sản bản địa để phục vụ cho các điểm du lịch cộng đồng, đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch (nhà vệ sinh công cộng, bãi đỗ xe, trang thiết bị tối thiểu phục vụ khách nghỉ); tạo cơ chế để hộ gia đình, cá nhân bà con dân tộc thiểu số tại các xóm có tiềm năng phát triển du lịch có thể trực tiếp, hoặc gián tiếp tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng. Cần lồng ghép các chương trình có nguồn vốn, như: chương trình nông thôn mới, chương trình hỗ trợ giảm nghèo, các dự án phi chính phủ để có nguồn hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, kỹ năng nghề thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển. Sáu là, nhanh chóng thiết lập sự liên kết kinh tế giữa các chủ thể kinh doanh, các điểm du lịch cộng đồng. Thiết lập các tour du lịch liên hoàn trải nghiệm giữa các loại hình du lịch cộng đồng nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch thỏa mãn yêu cầu của nhiều đối tượng khách du lịch, đồng thời hình thành chuỗi giá trị du lịch khép kín và chuyên nghiệp. Thực hiện tốt công tác quảng bá xúc tiến các sản phẩm du lịch cộng đồng cho du khách trong nước và quốc tế. Bảy là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho du lịch cộng đồng. Mở các lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, thuyết minh để nâng cao chất lượng phục vụ, giao tiếp, điểm lưu ý là cần đào tạo 100% hướng dẫn viên và những người phục vụ trong hoạt động du lịch tại địa phương phải là người bản địa. 6. Kết luận Du lịch cộng đồng đã và đang là một trong những xu hướng du lịch quan trọng trong thể kỷ 21. Việc phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam tạo ra nhiều cơ hội phát triển bền vững cho các địa phương, đặc biệt là các địa bàn khó khăn, các vùng núi, vùng dân tộc thiểu số… Mặc dù việc phát triển du lịch cộng đồng là phù hợp xu thế phát triển chung, nhưng thực tế du lịch cộng đồng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, khiến loại hình này chưa thực sự phát triển một cách bền vững và chưa có những bước phát triển vượt bậc. Một vấn đề mang tính nguyên tắc mà thay cho lời kết tác giả muốn nhận mạnh, đó là: (i) Muốn du lịch cộng đồng phát triển cần giữ nguyên gốc, nguyên sơ, chất phác chân thực của văn hóa bản địa, đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng, không để đánh mất nó; (ii) Phát triển du lịch cộng đồng cần nhấn 286 Kinh tế và Dự báo
  9. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP mạnh đến vấn đề trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm với chính cộng đồng, trách nhiệm với môi trường du lịch; (iii) Chỉ khi nào người dân thực sự được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương, lúc đó du lịch cộng đồng mới phát triển bền vững.■ TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trần Văn Anh (2021). Phát triển du lịch cộng đồng hướng tới sự phát triển bền vững ở Hội An, Trường Đại học Quảng Nam 2. Bitner, M. J.; Boons, B. H.; Tetreault, M. S (1990). The service encounter: Diagnosing favorable and unfavorable incidents, J. Mark, 54, 7184 3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2019, 2020, 2021). Thống kê tình hình du lịch năm 2019, 2020, 2021 4. Nguyễn Văn Đính (2021). Du lịch cộng đồng phát triển bền vững và những bài học kinh nghiệm, Tạp chí Môi trường, số 10/2021 5. Han, H.; Al-Ansi, A.; Olya, H.G.T.; Kim, W (2019). Exploring halal- friendly destination attributes in South Korea: Perceptions and behaviors of Muslim travelers toward a non-Muslim destination, Tour. Manag, 71, 151-164 6. Lê Thu Hương (2011). Phát triển du lịch cộng đồng tại vùng Đông Bắc, Tạp chí Du lịch Việt Nam, số tháng 10/2021 7. Jones, S (2005). Community-based ecotourism: The significance of social capital, Ann. Tour. Res, 32, 303-324 8. Kiatkawsin, K.; Han, H (2017). Young travelers’ intention to behavior pro-environmentally: Merging the value-belief-norm theory and the expectancy theory, Tour. Manag, 59, 76-88 9. Lee, T. H.; Jan, F.-H (2019). Can community-based tourism contribute to sustainable development? Evidence from residents’ perceptions of the sustainability, Tour. Manag, 70, 368-380 10. Ngô Thắng Lợi (2013). Kinh tế Phát triển, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân 11. Mayaka, M.; Croy, W.G.; Cox, J. W (2019). A dimensional approach to community-based tourism: Recognising and differentiating form and context, Ann. Tour. Res, 74, 177-190 12. Mottiar, Z.; Boluk, K.; Kline, C (2018). The roles of social entrepreneurs in rural destination development, Ann. Tour. Res, 68, 77-88 Mtapuri, O.; Giampiccoli, A (2013). Interrogating the role of the state and nonstate actors in community-based tourism ventures: Toward a model for spreading the benefits to the wider community, S. Afr. Geogr. J, 95, 1-15 13. Quỹ Châu Á, Viện Nghiên cứu phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (2012). Tài liệu hướng dẫn phát triển du lịch cộng đồng, Hà Nội 14. Simpson, M.C (2008). Community benefit tourism initiatives: A conceptual oxymoron?, Tour. Manag, 29, 1-18 15. Trần Hữu Sơn (2021). Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch di sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, truy cập từ https://www. tapchicongsan.org.vn Economy and Forecast Review 287
  10. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: KẾT NỐI TẦM NHÌN QUỐC GIA VỚI HÀNH ĐỘNG CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP 16. Nguyễn Công Thảo, Nguyễn Thị Thanh Bình (2020). Du lịch cộng đồng trên thế giới: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 7 năm 2019 17. Chiến Thắng (2019). Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển du lịch cộng đồng hướng tới phát triển du lịch bền vững - Bài học cho vùng Tây Bắc mở rộng, Tổng cục Du lịch, Viện nghiên cứu phát triển du lịch 18. Trần Chí Thiện và Lê Ngọc Nương (2021). Những rào cản tham gia du lịch cộng đồng từ góc nhìn của người dân bản địa ở tỉnh Cao Bằng, Kinh tế và Dự báo, 11/2021 19. Tổng cục Du lịch (2021). Thống kê nhân lực du lịch 20. Wearing, S.L.; Wearing, M.; McDonald, M (2010). Understanding local power and interactional processes in sustainable tourism: Exploring village- tour operator relations on the kokoda track, Papua New Guinea, J. Sustain. Tour, 18, 61-76 288 Kinh tế và Dự báo
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2