intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa ở thành phố Hà Nội

Chia sẻ: Y Y | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

26
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài báo nghiên cứu hoạt động của ngành này theo hướng sản xuất hàng hóa và đề xuất những định hướng phát triển đến năm 2020 nhằm một mặt khai thác có hiệu quả tiềm năng sẵn có và mặt khác, góp phần thỏa mãn nhu cầu về thực phẩm tại chỗ cho nhân dân Thủ đô.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa ở thành phố Hà Nội

  1. JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE 2014, Vol. 59, No. 6BC, pp. 20-27 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN THEO HƯỚNG SẢN XUẤT HÀNG HÓA Ở THÀNH PHỐ HÀ NỘI Lê Mỹ Dung Khoa Địa lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Hà Nội là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước, đồng thời cũng là thành phố triệu dân. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thực phẩm của nhân dân, một “vành đai xanh” của Thành phố đã được hình thành. Bên cạnh các loại thực phẩm thiết yếu như rau, quả, thịt, trứng, sữa không thể không nhắc tới thủy sản. Hà Nội có những tiềm năng nhất định để phát triển nuôi trồng thủy sản. Trên cơ sở đó, bài báo nghiên cứu hoạt động của ngành này theo hướng sản xuất hàng hóa và đề xuất những định hướng phát triển đến năm 2020 nhằm một mặt khai thác có hiệu quả tiềm năng sẵn có và mặt khác, góp phần thỏa mãn nhu cầu về thực phẩm tại chỗ cho nhân dân Thủ đô. Từ khóa: Nuôi trồng thủy sản, sản xuất hàng hóa, Hà Nội . 1. Mở đầu Hà Nội là thành phố triệu dân với nhu cầu ngày càng tăng về nguồn thực phẩm có chất lượng. Ngoài các loại thực phẩm thông dụng như rau, quả, thịt, trứng, sữa thì thủy sản là một trong những mặt hàng không thể thay thế và rất được ưa chuộng. Với một thành phố gần 7 triệu người (năm 2012), trong đó có khoảng 3 triệu dân thành thị mà mức sống lại cao nên nhu cầu hàng ngày về thủy sản là rất lớn. Mặt khác, trên địa bàn Thành phố nuôi trồng thủy sản có những điều kiện thuận lợi hơn hẳn so với đánh bắt với diện tích mặt nước rộng từ mạng lưới ao, hồ, đầm và ruộng trũng. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6 tháng 7 năm 2011 đã chỉ rõ ngành thủy sản, nhất là hoạt động nuôi trồng sẽ phát triển theo hướng hàng hóa, thâm canh và bền vững [6]. Trên thực tế, việc nuôi trồng thủy sản hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có của Thành phố. Vì thế, phát triển hoạt động này theo hướng sản xuất hàng hóa để khai thác có hiệu quả các tiềm năng nhằm tạo ra nhiều sản phẩm tại chỗ phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của nhân dân Thủ đô là vấn đề cần được nghiên cứu. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Vai trò của ngành thủy sản Ngành thủy sản có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn thực phẩm với chất lượng cao cho nhân dân Thành phố. Thủy sản là loại thực phẩm thường xuyên có mặt trong bữa ăn hàng Liên hệ: Lê Mỹ Dung, e-mail: dungle128@yahoo.com.vn 20
  2. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa ở Thành phố Hà Nội ngày của người dân. Theo Ủy ban Quốc gia về an ninh thực phẩm và dinh dưỡng, thủy sản chiếm 29,4% nhu cầu về thực phẩm trong cơ cấu khẩu phần ăn hàng năm của người dân Hà Nội ở giai đoạn 2005 - 2012. Cũng trong giai đoạn này, ngành thủy sản cung cấp bình quân hàng năm khoảng 5 vạn tấn thủy sản nước ngọt cho thị trường Thành phố, trong đó tuyệt đại bộ phận là sản phẩm từ hoạt động nuôi trồng [2]. Ngành thủy sản còn có những đóng góp nhất định vào việc tăng nhanh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các ngành nông - lâm - thủy sản. Trong các ngành này, thủy sản luôn là ngành dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất. Mặc dù bị chi phối nhiều bởi thiên tai, dịch bệnh nhưng trong giai đoạn 2005 - 2012 có những năm tốc độ gia tăng đạt đến hai con số (như các năm 2005, 2009, 2010). Là ngành có khả năng tạo ra giá trị gia tăng lớn, tốc độ tăng trưởng cao, ngành thủy sản đã góp phần làm chuyển dịch cơ cấu giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản. Ngành thủy sản thu hút lực lượng lao động đáng kể, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân ở khu vực nông thôn. Tham gia hoạt động trong ngành này năm 2010 cả Thành phố có gần 21 nghìn hộ với khoảng 37 vạn lao động trực tiếp [2]. Đời sống của họ ngày càng ổn định hơn. Ngành thủy sản cũng góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng về tự nhiên của Thành phố. Việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa năng suất thấp và các vùng thường xuyên bị ngập úng sang nuôi trồng thủy sản đã đem lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế, xã hội, môi trường. Tính đến năm 2010 đã có 7.876 ha ruộng trũng thuộc 14 huyện chuyển sang các mô hình: chăn nuôi kết hợp nuôi trồng thủy sản hoặc chuyên nuôi trồng thủy sản. 2.2. Các điều kiện để phát triển nuôi trồng thủy sản 2.2.1. Thị trường tiêu thụ Đối với một thành phố đông dân như Hà Nội thì thị trường tại chỗ có ý nghĩa quyết định đến việc hình thành và phát triển nuôi trồng thủy sản. Sau khi mở rộng địa giới hành chính ngày 1 tháng 8 năm 2008, dân số Hà Nội tăng lên đáng kể. Tính đến năm 2012, Thành phố có hơn 6.957 nghìn người với mật độ dân số 2.093 người/km2 . Số dân thành thị ở mức trên 2.958 nghìn người, chiếm 42,5% tổng số dân [1]. Đây là một bộ phận dân cư có nhu cầu đáng kể về thủy sản trong bữa ăn hàng ngày của mình, nhất là các sản phẩm sạch, an toàn, có chất lượng. Thêm vào đó, Thành phố hàng năm còn tiếp nhận khoảng 5 vạn người từ các nơi khác di cư tới. Ngoài ra số khách vãng lai, khách du lịch đến Hà Nội cũng rất đông đảo. Chỉ tính riêng số du khách năm 2014, Hà Nội dự kiến đón 2,8 triệu lượt khách quốc tế và 16 triệu lượt khách nội địa. Có thể coi thị trường giàu tiềm năng như vậy là động lực để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của Thủ đô. 2.2.2. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản Diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản của Hà Nội được chia thành 3 loại. Đó là mặt nước của mạng lưới ao - hồ - đầm, của khu vực ruộng trũng và của hệ thống sông ngòi trên địa bàn Thành phố. Hà Nội hiện có khoảng hơn 4,3 nghìn ha diện tích mặt nước quy mô lớn là các hồ chứa gồm hộ tự nhiên, hồ thủy lợi như các hồ Đồng Mô (1.360 ha), Quan Sơn (850 ha), Suối Hai (670 ha), Đồng Xương (210 ha), Văn Sơn (168 ha), Xuân Khanh (104 ha)... Các hồ loại này chiếm hơn 14% tổng diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản của Thành phố với nhiều lợi thế trong 21
  3. Lê Mỹ Dung việc nuôi thâm canh, nuôi quảng canh cải tiến (kết hợp với du lịch sinh thái) và nuôi cá lồng bè để tạo ra các sản phẩm hàng hóa lớn. Ngoài ra trên lãnh thổ Hà Nội còn có nhiều hồ, ao loại nhỏ (dưới 5 ha/hồ, ao) nằm ở trong và ngoài khu vực dân cư. Loại hình này có hơn 6,7 nghìn ha hồ ao, chiếm gần 22% tổng diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản, phân bố rải rác ở các huyện [2]. Địa hình của Hà Nội tương đối đa dạng với nhiều khu vực đất thấp, trũng, khó tiêu nước có thể chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Diện tích của các khu vực này vào khoảng hơn 19,8 nghìn ha, chiếm 64% tổng diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản. Các huyện ở tả ngạn sông Hồng và sông Đà có nhiều thuận lợi hơn cho việc nuôi trồng thủy sản vì quy mô khu vực đất trũng lớn, trung bình mỗi khu vực 20 - 30 ha, có nơi đến hơn 100 ha. Điều đó thích hợp cho việc nuôi trồng theo hướng công nghiệp để tạo ra khối lượng hàng hóa lớn phục vụ cho nhu cầu của Thành phố. Các huyện có tiềm năng lớn hơn cả là Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thanh Trì, Thường Tín [2]. Mạng lưới sông ngòi trên lãnh thổ Hà Nội khá dày đặc với các sông như sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Tích, sông Đuống, sông Cầu, sông Nhuệ... Trên một số đoạn của các sông có khả năng nuôi cá lồng, bè. Tuy nhiên việc nuôi trồng gặp nhiều khó khăn do mực nước thấp, nhất là vào mùa khô và ô nhiễm môi trường nước ngày càng gia tăng. 2.2.3. Mạng lưới cung ứng giống, thức ăn và thuốc thủy sản Đối với việc nuôi trồng thủy sản, giống có ý nghĩa đặc biệt bởi nó quyết định đến 80% chất lượng của sản phẩm. Hà Nội hiện có 17 cơ sở sản xuất giống bao gồm 1 trung tâm giống của Nhà nước và 16 cơ sở của tư nhân. Năm 2010 sản xuất được hơn 1 tỉ con giống các loại, trong đó chủ yếu là cá bột. Các hoạt động nghiên cứu và sản xuất giống thủy sản được đẩy mạnh với nhiều loại giống mới đã đưa vào đại trà. Tuy vậy, hàng năm Thành phố mới cung cấp được 60 - 70% nhu cầu về giống. Phần còn lại là phải nhập. Nuôi trồng thủy sản cần đến nhiều loại thức ăn như thức ăn công nghiệp, thức ăn tinh, thức ăn xanh... Về thức ăn công nghiệp, các cơ sở nuôi trồng chuyên đã sử dụng 100% loại thức ăn này. Ở các cơ sở không chuyên thì thường sử dụng trong giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của quá trình nuôi. Sản lượng thức ăn công nghiệp tiêu thụ hàng năm vào khoảng 20 - 25 nghìn tấn, chủ yếu tập trung ở các trang trại nuôi trồng thủy sản có quy mô lớn. Các loại thức ăn khác vẫn được sử dụng phổ biến, nhưng có xu hướng giảm để thay thế bằng thức ăn công nghiệp. Việc sản xuất và cung ứng thuốc cho nuôi trồng thủy sản của Hà Nội còn nhiều hạn chế bởi vì số cơ sở nuôi thâm canh còn ít. Cả Thành phố chưa có cửa hàng nào chuyên kinh doanh về loại thuốc này. 2.2.4. Các điều kiện khác Ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản của Thủ đô còn có một số điều kiện khác, trong đó phải kể đến các chính sách khuyến ngư, vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kĩ thuật... 2.3. Tình hình phát triển và phân bố nuôi trồng thủy sản 2.3.1. Diện tích nuôi trồng Trong giai đoạn 2005 - 2012, diện tích nuôi trồng thủy sản của Hà Nội tăng liên tục, từ 13.847 ha năm 2005 lên 20.811 ha năm 2012 với tốc độ tăng trưởng trung bình năm đạt gần 6,8% (so với 4,2% của cả nước), chiếm gần 18,7% diện tích nuôi trồng thủy sản của vùng Đồng bằng 22
  4. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa ở Thành phố Hà Nội sông Hồng, đứng đầu toàn vùng [4]. Về diện tích nuôi trồng thủy sản phân theo các đơn vị hành chính của Thành phố trong giai đoạn này, không kể các quận có diện tích nuôi trồng giảm do tác động của quá trình đô thị hóa, tất cả các huyện, thị xã đều tăng với mức độ khác nhau. Tăng nhanh nhất là huyện Ba Vì (hơn 4 lần), rồi đến các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa (trên dưới 2 lần/huyện). Trên bình diện quy mô diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2012 thì 10 huyện dẫn đầu bao gồm: Mỹ Đức (2.286 ha), Ba Vì (2.098 ha), Ứng Hòa (2.007 ha), Chương Mỹ (1.802 ha), Phú Xuyên (1.367 ha), Thanh Oai (1.052 ha), Thường Tín (1.042 ha), Thanh Trì (842 ha), Đông Anh (716 ha), Phúc Thọ (708 ha) [1]. Về diện tích nuôi trồng thủy sản phân theo mặt nước của Thành phố thì có đến 45% diện tích nuôi trồng tập trung ở khu vực ruộng trũng, tiếp theo là hơn 33% ở các hồ, ao nhỏ, phần còn lại ở các hồ có diện tích mặt nước lớn. Diện tích nuôi trồng thủy sản của Hà Nội tăng trong giai đoạn 2005 - 2012 chủ yếu là do tăng diện tích nuôi trồng ở các khu vực ruộng trũng. Trong khi đó, diện tích ao hồ nhỏ cũng như diện tích mặt nước lớn không thay đổi nhiều, còn diện tích nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè lại có xu hướng giảm. Việc hình thành vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên các khu vực ruộng trũng trong những năm vừa qua là cơ sở để Hà Nội phát triển nuôi trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Như vậy, việc tăng diện tích nuôi trồng thủy sản đã phản ánh quá trình chuyển đổi từ ngành nuôi trồng nhỏ bé, phân tán thành ngành nuôi trồng tập trung trên quy mô lớn, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, phục vụ cho nhu cầu của nhân dân Thành phố. 2.3.2. Sản lượng thủy sản nuôi trồng Trong giai đoạn 2005 - 2012, sản lượng thủy sản nuôi trồng của Hà Nội cũng liên tục tăng, từ 31.906 tấn năm 2005 lên 67.784 tấn năm 2012 với tốc độ tăng trưởng trung bình năm đạt gần 12%, chiếm 15,9% sản lượng thủy sản của vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng đầu toàn vùng [4]. Sơ đồ 1. Tình hình phát triển ngành thủy sản nuôi trồng của Hà Nội giai đoạn 2005 - 2012 [1] Trong cơ cấu sản lượng thủy sản của Thành phố, thủy sản nuôi trồng chiếm ưu thế tuyệt 23
  5. Lê Mỹ Dung đối (90,2% năm 2005; 95,4% năm 2010 và 94,7% năm 2012), trong đó cá là loại thủy sản chiếm ưu thế tuyệt đối với 99% sản lượng [1]. Các loại thủy sản khác (như tôm, ếch, ba ba, lươn...) tuy sản lượng có tăng, nhưng do tỉ trọng quá nhỏ nên không làm thay đổi cơ cấu sản lượng thủy sản của Hà Nội. Nhóm cá nuôi truyền thống bao gồm các loại cá như trắm, chép, trôi, mè là đối tượng được nuôi nhiều nhất. Các huyện có diện tích nuôi trồng lớn đồng thời là các huyện nuôi nhiều các loại cá này như Mỹ Đức, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thường Tín, Ba Vì và chiếm tới 60% sản lượng thủy sản nuôi trồng của Thành phố. Cá rô phi (dòng thuần và đơn tính) được nuôi tại các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Ứng Hòa. Tôm phân bố ở Gia Lâm, Sóc Sơn, Thanh Trì. Các loại thủy đặc sản (ếch, ba ba, rắn...) tập trung chủ yếu ở huyện Phú Xuyên... Sản lượng thủy sản nuôi trồng phân theo các đơn vị hành chính của Hà Nội có sự phân hóa rõ rệt. Về đại thể, những huyện có nhiều diện tích nuôi trồng đồng thời cũng là những huyện có sản lượng thủy sản lớn. Dẫn đầu là huyện Ứng Hòa (chiếm hơn 1/2 sản lượng thủy sản nuôi trồng của toàn Thành phố), tiếp theo là các huyện Ba Vì, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai. 2.3.3. Hình thức nuôi trồng và mùa vụ Các loại thủy sản nuôi trồng ở Hà Nội được tiến hành chủ yếu theo các hình thức thâm canh, bán thâm canh và quảng canh. Mặc dù cho năng suất cao, nhưng diện tích nuôi thâm canh trên địa bàn Hà Nội còn nhỏ bé. Năm 2010 số diện tích nuôi theo hình thức thâm canh mới chỉ chiếm chưa đầy 4% tổng diện tích nuôi trồng. Nguyên nhân quan trọng hàng đầu là các cơ sở nuôi trồng có quy mô nhỏ, chưa đủ điều kiện để nuôi thâm canh. Hình thức phổ biến hơn cả là nuôi bán thâm canh với khoảng 70% diện tích nuôi trồng thủy sản của Thành phố. Số diện tích còn lại là nuôi theo hình thức quảng canh. Trong những năm gần đây đang mở rộng nuôi quảng canh cải tiến gắn với du lịch sinh thái ở các hồ chứa có diện tích mặt nước lớn. Có thể coi đây là một hướng nuôi trồng tích cực trong tương lai. Mùa vụ nuôi trồng thủy sản thường dựa vào đặc điểm của thời tiết, khí hậu và của đối tượng nuôi. Về lí thuyết, mùa vụ nuôi thủy sản nước ngọt bắt đầu vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 4 và kéo dài đến hết năm, còn thời điểm thu hoạch vào các tháng 12 hoặc tháng 1, tháng 2 năm sau. Tuy nhiên do có thể chủ động trong việc nuôi trồng, áp dụng phương pháp đánh tỉa, thả bù nên trên thực tế thu hoạch cá diễn ra quanh năm và có khả năng đạt mỗi năm 3 - 4 lần thu hoạch. 2.3.4. Thị trường tiêu thụ Hầu như toàn bộ sản lượng thủy sản nuôi trồng trên địa bàn Hà Nội được tiêu thụ tại chỗ thông qua mạng lưới cơ sở phân phối. Thành phố hiện có 402 chợ (bao gồm 23 chợ loại I, 54 chợ loại II, 293 chợ loại III, 10 chợ tạm, 22 chợ chưa phân loại), 13 trung tâm thương mại và khoảng 180 siêu thị [1]. Mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại là kênh trung gian phân phối thủy sản đến tay người tiêu dùng. Ở khu vực nông thôn, người dân mua bán trực tiếp tại các chợ dân sinh. Ở khu vực thành thị, với đặc điểm dân đông và nhu cầu lớn về thủy sản thì có các chợ đầu mối bán buôn trước khi chuyển đến cho mạng lưới bán lẻ. Một trong những chợ cá đầu mối lớn nhất Thành phố là chợ cá Yên Sở thuộc quận Hoàng Mai với sản lượng thủy sản các loại tiêu thụ hàng ngày khoảng 150 - 200 tấn. Từ đây cá và các loại thủy sản khác tỏa về các chợ dân sinh rồi đến tay người tiêu dùng. 24
  6. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa ở Thành phố Hà Nội 2.3.5. Các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trên địa bàn Thành phố đã đưa các khu vực ruộng trũng sang nuôi trồng thủy ản ở 14 huyện. Tính đến năm 2010 có khoảng gần 8 nghìn ha ruộng trũng chuyển sang các mô hình: chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản, chuyên nuôi trồng thủy sản và mô hình lúa - cá. Các huyện có diện tích chuyển đổi lớn là Mỹ Đức (hơn 2,3 nghìn ha), Phú Xuyên (gần 1,2 nghìn ha), Ứng Hòa (gần 1.000 ha), Thường Tín (hơn 700 ha)... Nuôi trồng thủy sản phân bố khắp tất cả các huyện, thị nhưng vùng nuôi tập trung nhất với quy mô lớn nhất là ở phía nam của Thành phố trải dài trên địa bàn của 7 huyện liền kề nhau (Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thanh Trì). Ở mỗi huyện lại hình thành các khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung có quy mô liên xã. Đó là các xã Hợp Thanh, An Phú, Tuy Lai, Hùng Tiến, Lê Thanh (huyện Mỹ Đức); Liên Bạt, Phương Tú, Trung Tú, Trầm Lộng, Minh Đức, Vạn Thái, Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa); Chuyên Mỹ, Văn Nhân, Thụy Phú (huyện Phú Xuyên); Thư Phú,Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín); Trường Yên, Tiên Phương, Thanh Bình (huyện Chương Mỹ); Thanh Văn, Liên Châu (huyện Thanh Oai); Đông Mỹ, Tứ Hiệp, Thanh Liệt, Đại Áng, Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì)... [2]. Đại bộ phận sản lượng thủy sản nuôi trồng của Hà Nội được sản xuất ra và tiêu thụ ở thị trường Thành phố là ở các vùng nuôi trồng tập trung này. 2.4. Phác thảo về định hướng và giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản 2.4.1. Phác thảo về định hướng và mục tiêu - Định hướng phát triển ngành thủy sản nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng của Hà Nội, về nguyên tắc, phải phù hợp với các quy hoạch của Thành phố và với quy hoạch ngành thủy sản của cả nước trên cơ sở hiện đại, hiệu quả và bền vững. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa của Hà Nội cần theo các định hướng chính sau đây [3]: + Đưa vào nuôi trồng thủy sản các diện tích mặt nước khác nhau để đa dạng hóa đối tượng nuôi, hình thức nuôi (thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến...) trên cơ sở ưu tiên các đối tượng có giá trị kinh tế, nhằm tạo ra khối lượng hàng hóa lớn phục vụ cho nhu cầu của nhân dân. + Đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng thủy sản để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. + Hình thành một số vùng nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. - Việc phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa của Hà Nội phải đạt được các mục tiêu chủ yếu như trình bày trong Bảng 1. Bảng 1. Chỉ tiêu nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 của Hà Nội [2] Tốc độ tăng bình quân Quy hoạch Quy hoạch Tiêu chí năm giai đoạn 2016 - 2020 2015 2020 (%) Diện tích nuôi trồng (ha) 21.500 22.500 0,9 Năng suất bình quân (tấn/ha) 5,6 9,4 11,1 Sản lượng (tấn) 119.440 212.026 12,2 Trong đó - Nuôi thâm canh ở ruộng trũng + Diện tích (ha) 500 1.300 21,1 25
  7. Lê Mỹ Dung + Năng suất (tấn/ha) 25 30 3,7 + Sản lượng (tấn) 12.500 39.000 25,6 - Nuôi bán thâm canh ở ruộng trũng + Diện tích (ha) 9.973 10.173 0,4 + Năng suất (tấn/ha) 9 15 10,8 + Sản lượng (tấn) 89.442 152.093 11,2 - Nuôi ở ao, hồ nhỏ + Diện tích (ha) 6.700 6.700 0 + Năng suất (tấn/ha) 2,5 3,0 3,7 + Sản lượng (tấn) 16.750 20.100 3,7 - Nuôi ở các hồ chứa nước lớn + Diện tích (ha) 4.327 4.327 0 + Năng suất (tấn/ha) 0,1 0,1 0 + Sản lượng (tấn) 433 433 0 - Nuôi cá lồng + Số lượng lồng (chiếc) 700 800 2,7 + Sản lượng (tấn) 315 400 4,9 2.4.2. Sơ bộ đề xuất các giải pháp phát triển Để đạt được mục tiêu đề ra, cần phải thực hiện hàng loạt giải pháp. Tựu trung lại có các nhóm giải pháp chính sau đây: - Giải pháp về quy hoạch và triển khai quy hoạch. Muốn phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, giải pháp quy hoạch có vai trò quan trọng hàng đầu, trong đó khai thác tối đa diện tích mặt nước làm sao để tạo ra được khối lượng sản phẩm hàng hóa nhiều nhất phục vụ cho thị trường. - Giải pháp về cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ. Đối với cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, cần hòan thiện mạng lưới giao thông, điện, nước, nhất là cho các vùng nuôi trồng tập trung. Về dịch vụ hỗ trợ, trước hết là đảm bảo về giống và nguồn thức ăn, đặc biệt là thức ăn công nghiệp. - Giải pháp về vốn đầu tư, chủ yếu là các dự án hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn từ Nhà nước và Thành phố, hỗ trợ khi có những rủi ro (dịch bệnh, thị trường...). Ngoài ra cần lưu ý đến các giải pháp khác như giải pháp về khoa học công nghệ, giải pháp về cơ chế chính sách, giải pháp về thị trường... 3. Kết luận Nuôi trồng thủy sản là một ngành đang có những triển vọng để phát triển nhằm đảm bảo một phần nhu cầu về thực phẩm cho nhân dân Hà Nội. Trên cơ sở khai thác tiềm năng hiện có, trong giai đoạn 2005 - 2012 các chỉ tiêu phát triển của ngành như diện tích nuôi trồng, sản lượng thủy sản nuôi trồng đều có mức tăng trưởng cao. Bên cạnh đó Hà Nội đã hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng. Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản của Thành phố mới phát triển theo chiều rộng và chưa thỏa mãn được nhu cầu thị trường tại chỗ. Để khắc phục hạn chế này, trong những năm tới mà trước mắt là đến năm 2020, Thành phố cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu để ngành này phát triển theo chiều 26
  8. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa ở Thành phố Hà Nội sâu và có nhiều sản phẩm hàng hóa hơn nữa phục vụ cho nhu cầu của Thủ đô trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Cục thống kê TP. Hà Nội, 2013. Niên giám thống kê Hà Nội 2012. Nxb Thống kê. [2] Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, 2012. Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. [3] Tổng cục Thủy sản, 2012. Báo cáo tóm tắt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. [4] Tổng cục thống kê, 2014. Niên giám thống kê Việt Nam 2013. Nxb Thống kê. [5] Nguyễn Minh Tuệ, Lê Thông (chủ biên), 2010. Địa lí nông - lâm - thủy sản Việt Nam. Nxb Đại học Sư phạm. [6] Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, 2010. Báo cáo tổng hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. ABSTRACT Aquacultural commodity production development in Hanoi Hanoi is a leading economic center of the country with a population of approximately five million residents at any given time. To meet the increasing demand for food, a ‘green belt’ has been formed around the city to provide vegetables, fruits, meat, eggs and milk. There is also a need for seafood and Hanoi has the potential for aquaculture development. This paper presents the operations of a local seafood industry that focuses on commodity production and proposes an orientation to 2020 that would exploit the existing potentials and meet the local demand for fresh aquaculture products. 27
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2