intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

SKKN: Một số bài tập giúp học sinh khiếm thính lớp 1 rèn luyện cơ bàn tay

Chia sẻ: Lê Thị Diễm Hương | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

135
lượt xem
13
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Sáng kiến “Một số bài tập giúp học sinh khiếm thính lớp 1 rèn luyện cơ bàn tay” đưa ra các bài tập giúp các em rèn luyện một đôi tay chắc khỏe, khéo léo, linh hoạt và giúp cho việc học tập có hiệu quả. Mời quý thầy cô tham khảo sáng kiến trên.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: SKKN: Một số bài tập giúp học sinh khiếm thính lớp 1 rèn luyện cơ bàn tay

  1. SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM MỘT SỐ BÀI TẬP GIÚP HỌC SINH KHIẾM THỊ LỚP 1 RÈN LUYỆN CƠ BÀN TAY
  2. MỘT SỐ BÀI TẬP GIÚP HỌC SINH KHIẾM THỊ LỚP 1 RÈN LUYỆN CƠ BÀN TAY I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay” Đó là những đúc kết của cha ông ta từ xa xưa về giá trị của đôi mắt và đôi tay. Chúng ta sống và làm việc có hiệu quả là nhờ vào đôi mắt biết quan sát và đôi tay khéo léo. Nếu thiếu một trong hai bộ phận đó, con người sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt cũng như làm chủ thế giới. Đối với người bình thường, có một đôi mắt tinh tường, đôi tay chắc khỏe là có thể dễ dàng làm được mọi việc. Nhưng với người khiếm thị, đôi mắt bị khiếm khuyết đã làm cho họ gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt và công việc hàng ngày. Những người khiếm thị không thể quan sát mọi vật và sự việc xung quanh một cách rõ ràng đầy đủ. Khi đó đôi tay sẽ giúp họ khám phá thế giới bằng việc sờ mó, cầm nắm, cảm nhận. Đôi tay có chức năng gần giống như đôi mắt: phân biệt và xác định các bề mặt, khoảng cách, trọng lượng của sự vật,... Do vậy đôi tay như là đôi mắt thứ hai của người khiếm thị. Trẻ khiếm thị là những em còn nhỏ tuổi, có thể sinh ra đã bị khiếm thị - khiếm thị bẩm sinh; hoặc trong quá trình lớn lên mắc một số bệnh về mắt và bị khiếm thị. Đa số các em có thể chất không được khỏe mạnh như những trẻ bình thường ở cùng độ tuổi. Bên cạnh đó các em được gia đình nuông chiều với quan niệm đã bị khuyết tật thì không làm gì được. Những điều đó làm cho các em khiếm thị rất thụ động trong mọi việc, và quan trọng hơn là các em không được vận động nhiều nên làm cho cơ thể không khỏe mạnh, linh hoạt. Việc sử dụng các cơ khớp vận động của các em khiếm thị rất yếu, nhất là các cơ bàn tay. Đa số các em không biết phối hợp cử động các ngón tay, phối hợp cử động hai bàn tay, cầm nắm lỏng lẻo, không chắc. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học tập và sinh hoạt hàng ngày của các em. Các em có cơ tay yếu sẽ khó có thể cầm bút để viết, thực hiện các thao tác trong những môn học cơ bản. Đặc biệt đối với những em khiếm thị phải học bằng chữ Braille thì quá trình sử dụng bảng, dùi, sách Braille sẽ kéo dài và khó khăn. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học tập và tinh thần học tập của các em khiếm thị: không theo kịp chương trình, chán nản, tự ti, thu mình. Do vậy, vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để giúp các em học sinh khiếm thị nhỏ tuổi có đôi tay khỏe mạnh, linh hoạt và theo kịp chương trình học. Hiện nay chưa có một tài liệu nghiên cứu cụ thể nào đưa ra giải pháp này, mà thường rất chung chung và không đi sâu vào đối tượng là trẻ khiếm thị. Chính vì vậy mà tôi mạnh dạn đưa ra giải pháp để giúp các em khiếm thị trong đề tài: “ Một số bài tập giúp học sinh khiếm thị lớp 1 rèn luyện cơ bàn tay”. Những bài tập này nhằm giúp các em rèn luyện một đôi tay chắc khỏe, khéo léo, linh hoạt và giúp cho việc học tập có hiệu quả. 1
  3. Trong khuôn khổ của đề tài này, tôi đi sâu vào đối tượng là học sinh khiếm thị lớp1 bởi các em còn nhỏ và chưa được trải qua một trường lớp nào, lần đầu tiên đi học, lần đầu tiên làm quen với sách vở, bảng con, bút viết,... Những bài tập cũng là những bài luyện tập cơ bản cho đôi tay như: cầm nắm, phối hợp cử động các ngón tay, phối hợp cử động hai bàn tay. Việc luyện tập các động tác cơ bản sẽ giúp các em có thể đọc viết một cách tốt hơn, hỗ trợ cho việc học tập và giúp các em tự tin, hòa đồng với các bạn trong trường. II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ TÀI 1. Cơ sở lí luận 1.1. Một số khái niệm - Học sinh khiếm thị: được chia làm hai đối tượng khác nhau là mù và nhìn kém. Những em mù là không còn khả năng nhìn thấy hoặc chỉ phân biệt sáng tối. Những em nhìn kém là những em còn khả năng nhìn thấy nhưng mức độ nhìn không được rõ ràng hoặc phải nhìn ở khoảng cách rất gần cho dù được hỗ trợ về kính. - Cơ bàn tay: là hệ thống các bó thịt bao xung quanh các xương khớp của bàn tay. Chúng kết hợp với các khớp ngón tay, dây chằng để thực hiện các thao tác, vận động của bàn tay dưới sự chỉ đạo của trung ương thần kinh trên não. 1.2. Các hoạt động của cơ bàn tay Bàn tay là một trong những bộ phận quan trọng nhất của con người. Nó hỗ trợ cho các hoạt động đơn giản như cầm nắm một vật thể lớn hoặc những hoạt động phức tạp hơn như nhặt một viên sỏi nhỏ. Có thể chia vận động của cơ bàn tay thành hai là vận động tinh và vận động thô. Vận động thô: là những vận động đơn giản, thường không phải luyện tập nhiều, hoặc là những vận động bản năng như: cầm, nắm, ném, vung tay, giơ tay, gãi, ... Thường là sử dụng cả bàn tay, không cần đến sự vận động phối hợp của các ngón tay, phối hợp hai bàn tay. Vận động tinh: là những vận động phức tạp, thể hiện sự linh hoạt và khéo léo, cần được luyện tập và bắt chước, được hoàn thiện dần dần theo thời gian như: viết, sử dụng các đồ vật nhỏ như thìa, kim khâu,...; hoặc nhặt, chọn, tìm kiếm các đồ vật nhỏ;... Thường sử dụng đến sự phối hợp vận động của các ngón tay và phối hợp vận động của hai bàn tay. Đối với trẻ em thì việc thực hiện vận động tinh phải qua một quá trình rèn luyện bằng việc bắt chước hoặc khám phá đồ vật xung quanh. Mỗi một trẻ có quá trình phát triển vận động tinh khác nhau; trẻ bình thường sẽ phát triển nhanh hơn những trẻ có vấn đề về trí tuệ, thể chất hoặc khuyết tật. Việc phát triển còn phụ thuộc vào các điều kiện khác như sự quan tâm của gia đình, điều kiện văn hóa, kinh tế của từng vùng. 1.3. Việc sử dụng cơ bàn tay của học sinh khiếm thị 2
  4. Cũng như những trẻ em khác, trẻ khiếm thị cũng có những hoạt động của bàn tay để phục vụ việc học tập và các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên do bị khiếm khuyết về thị giác nên các hoạt động bàn tay của các em thường không phát triển như các bạn cùng lứa tuổi, nó có thể chậm hơn. Do không có một đôi mắt bình thường nên đa số các em khiếm thị không thể bắt chước được các hoạt động của người xung quanh. Các em rất thụ động trong việc học hỏi. Nếu muốn các em có được các kỹ năng vận động như các trẻ khác thì chúng ta phải dạy, khi dạy phải đưa ra các lời chỉ dẫn kèm hành động thực hành thì các em mới có thể thực hiện được. Ngoài ra, quan niệm về trẻ khiếm thị chưa được hiểu rõ, nên đa số gia đình các em đều có một suy nghĩ chung là các em không thể làm được bất kỳ một việc gì. Chính suy nghĩ đó nên tất cả mọi việc của các em đều được gia đình làm hết, hoặc để các em ngồi một chỗ mà không chơi đùa hay dạy các em bất cứ một kỹ năng hay công việc nào phục vụ cho bản thân. Một số trẻ khiếm thị còn mắc thêm các tật về vận động nên cũng ảnh hưởng đến khả năng vận động của bản thân. Chính vì vậy mà những vận động của cơ bàn tay của trẻ khiếm thị nhỏ tuổi thường không phát triển như các trẻ cùng tuổi: - Cầm nắm thường lỏng lẻo, chỉ cầm được những vật có trọng lượng và kích thước to; không cầm được những vật quá lớn hoặc quá nặng và cầm trong một khoảng thời gian ngắn. - Khó thực hiện các thao tác theo sự hướng dẫn của người khác, khả năng bắt chước kém; khó thực hiện theo các khái niệm như nắm một ngón tay lại, xòe bàn tay, không căng cứng tay, dãn các cơ ngón tay,... - Cử động phối hợp của các ngón tay cứng nhắc, thụ động; việc phối hợp hoạt động hai tay cũng không được linh hoạt, khéo léo. - Hai bàn tay rất mềm yếu, cơ tay nhão, không thể thực hiện một hoạt động nào đó trong một thời gian dài như: viết, giặt quần áo, kéo co,... 2. Nội dung, biện pháp thực hiện các giải pháp của đề tài Áp dụng những lý luận ở trên tôi đưa ra một số bài tập để giúp học sinh khiếm thị lớp 1 rèn luyện cơ bàn tay. Những bài tập này được tiến hành như những trò chơi, giúp học sinh hứng thú và cảm thấy không nhàm chán. Việc chuẩn bị cho các bài tập cũng rất đơn giản, với những nguyên liệu có sẵn hoặc rẻ tiền, bất kì trường học nào, gia đình nào cũng có thể chuẩn bị cho con em của mình. Có thể thực hiện những bài tập này trong thời gian chơi, ở nhà hoặc tích hợp với một số môn học trong chương trình học của các em. Với mỗi dạng bài tập là một cách rèn luyện cơ bàn tay cho các em từ cử động đơn giản đến những cử động linh hoạt, phức tạp khác nhau. Bên cạnh đó, các bài tập không chỉ giúp các em khiếm thị rèn luyện cơ bàn tay mà bất kỳ đối tượng nào có vấn đề về vận động của bàn tay cũng đều có thể áp dụng để luyện tập. 3
  5. 2.1. Dạng 1: Bài tập rèn luyện sự cầm nắm Đây là dạng bài tập giúp các em rèn luyện kỹ năng vận động thô của bàn tay. Đối với những em có đôi tay yếu và mắc thêm tật về vận động thì cần phải luyện tập dạng bài tập này. Khi đã có thể cầm nắm chắc chắn, cơ tay khỏe thì các em tiến hành luyện tập sang các dạng khác, nâng cao các kỹ năng sử dụng cơ bàn tay. Bài 1: Vo giấy vụn, nặn đất sét Mục đích: Rèn luyện kỹ năng cầm, nắm, tạo cho cơ co duỗi của ngón tay khỏe, linh hoạt. Đối với những em có tật về vận động cần luyện tập thường xuyên, trong một thời gian dài mới đạt được kết quả. Chuẩn bị: Giấy báo, tờ lịch hàng ngày, lịch treo tường, giấy bìa cứng, đất sét. Thực hiện: - Đối với giấy: Học sinh dùng tay để vo một tờ giấy thành một nắm tròn. Thực hiện từ giấy mềm trước, khi nào thành thạo thì chuyển sang giấy cứng hơn. Thực hiện từng tay, và thay đổi luân phiên. Có thể tạo hứng thú cho các em bằng việc thi đua xem ai thực hiện nhanh hơn hoặc nhiều hơn trong một khoảng thời gian nhất định. Có thể thực hiện hoạt động này trong thời gian nghỉ giải lao giữa các tiết học. - Đối với đất sét: Học sinh dùng tay để bóp mềm đất, nắm lại thành một nắm tròn, hoặc tạo ra các hình dạng giống đồ vật, hoa quả có dạng tròn. Thực hiện động tác này trong giờ học Thủ công, Mĩ thuật, thay cho một số bài không phù hợp với học sinh khiếm thị. Hình 1+ 2: Bài tập rèn luyện sự cầm nắm. 4
  6. Bài 2: Nhặt các khối hình tròn, vuông, chữ nhật, các quân bài, ... từ nơi này sang nơi khác Mục đích: Rèn kỹ năng cầm nắm nâng cao, giúp cho các cơ ngón tay co duỗi một cách linh hoạt. Chuẩn bị: Các hình khối có hình dạng khác nhau, các quân bài, rổ đựng. Thực hiện: - Yêu cầu học sinh nhặt các hình khối từ rổ bên trái chuyển sang rổ bên phải, và ngược lại. Có thể thực hiện bài học này trong môn toán, học sinh vừa nhặt vừa đếm theo thứ tự hoặc tính toán các phép tính trong phạm vi 10. 2.2. Dạng 2: Bài tập rèn luyện sự phối hợp chuyển động của các ngón tay Khi cầm, nắm đã vững thì vấn đề tiếp theo là các em phải chuyển động phối hợp linh hoạt các ngón tay trong một bàn tay để thực hiện các kỹ năng vận động tinh. Dạng bài tập này giúp các em phối hợp linh hoạt các ngón tay, biết sự vận động của ngón tay nào cho từng hoạt động và sử dụng đúng chuyển động của những ngón tay đó phù hợp với công việc. Bài 1: Đếm lần lượt các ngón tay Mục đích: Rèn sự co duỗi của các ngón tay và cử động linh hoạt phối hợp của các ngón tay trong bàn tay. Chuẩn bị: Chỉ sử dụng hai bàn tay. Thực hiện: - Cho học sinh cụp hết các ngón tay lại và yêu cầu duỗi từng ngón tay, lần lượt từ ngón cái đến ngón út. Có thể kết hợp với trò chơi “nhúc nhích, nhúc nhích”: giáo viên hô “một ngón tay nhúc nhích, nhúc nhích”, học sinh giơ ngón trỏ và nhúc nhích ngón 1lần và cùng hô “nhúc nhích”; lần lượt cho đến hết cả hai bàn tay. Thực hiện bài tập này trong môn toán khi học sinh học về các số đếm trong phạm vi 10. Bài 2: Nhặt các vật có kích thước nhỏ như các loại hạt (hạt nhãn, hạt na, hạt vải) hoặc nhặt các loại hạt dùng để xâu vòng với nhiều chất liệu khác nhau (bằng gỗ, bằng đá, bằng nhựa,...) Mục đích: Rèn sự phối hợp linh hoạt cho các ngón tay, rèn luyện một đôi tay khéo léo, mềm dẻo. Bên cạnh đó rèn kỹ năng cảm nhận xúc giác của đôi tay. Chuẩn bị: Các loại hạt của một số cây; các loại hạt dùng để xâu vòng với chất liệu khác nhau; một số loại ca nhựa hoặc hũ nhựa nhỏ để đựng các loại hạt. Thực hiện: - Yêu cầu học sinh nhặt các loại hạt của cùng một loại cây vào một hũ hoặc nhặt các loại hạt xâu vòng có cùng một chất liệu vào một hũ. Việc nhặt những hạt nhỏ sẽ giúp cho các ngón tay phải vận động một cách khéo léo để vừa nhặt đúng 5
  7. hạt và nhặt được hạt bỏ vào trong hũ. Khác với việc nhặt các đồ vật lớn là những hạt nhỏ không cần phải cầm bằng năm ngón tay mà chúng chỉ cần sử dụng hai hoặc ba ngón tay phối hợp với nhau. Thực hiện bài tập này trong các giờ học Thủ công, hoặc Mĩ thuật, có thể dùng thay thế cho một số bài không phù hợp với đặc điểm của học sinh khiếm thị. Ngoài ra có thể thực hiện ở nhà, trong các giờ giải lao hoặc chơi, có thể tạo sự thi đua bằng cách xem ai nhặt được nhiều và đúng nhất. Hình 2 + 3: Bài tập rèn sự phối hợp chuyển động của các ngón tay. 2.3. Dạng 3: Bài tập rèn luyện sự phối hợp vận động của hai bàn tay. Việc kết hợp vận động của hai bàn tay là rất quan trọng, nó giúp các em hoàn thiện các kỹ năng vận động thô và kỹ năng vận động tinh của bàn tay. Khi các ngón tay đã vận động linh hoạt thì hai bàn tay phải biết phối hợp để thực hiện các vận động phức tạp hơn mà một tay không thể làm được như cài nút áo, giặt quần áo,... Mỗi bàn tay có nhiệm vụ khác nhau để hoàn thành công việc chung đang làm. Bài 1: Trò chơi với nước, cát Mục đích: Rèn kỹ năng phối hợp hai bàn tay, vận động luân phiên nhịp nhàng. Ngoài ra còn giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo. Chuẩn bị: Nước sạch; một số chai, lọ khác nhau; một bãi cát rộng. Thực hiện: - Nước: Yêu cầu đổ nước từ chai, lọ này sang chai, lọ khác; phải đổ từ từ để không bị đổ nước ra ngoài. Có thể chơi trò này trong khi tắm hoặc là một trò chơi giải trí của trẻ khi ở nhà. 6
  8. - Cát: Yêu cầu học sinh tạo ra các hình khối từ cát: hình tròn, hình vuông, hoặc đắp thành những gì mà trẻ thích. Đây cũng là một trò chơi cho trẻ khiếm thị vào thời gian trẻ được nghỉ hoặc ở nhà. Bài 2: Xâu hạt Mục đích: Rèn luyện sự vận động của hai bàn tay, các ngón tay một cách khéo léo và linh hoạt. Chuẩn bị: Các loại hạt với kích thước khác nhau, chất liệu khác nhau; các loại dây to, nhỏ, mềm, cứng khác nhau. Thực hiện: - Yêu cầu xâu thành những vòng với những loại hạt có kích thước, chất liệu khác nhau, hoặc xen kẽ các loại hạt, chất liệu với nhau. Sử dụng loại dây cứng trước, sau khi thành thạo thì chuyển sang dây mềm và nhỏ. Bài tập này có thể thực hiện trong giờ Mĩ Thuật hoặc Thủ công, thay thế cho một số bài không phù hợp với học sinh khiếm thị. Hình 4: Bài tập rèn sự phối hợp vận động của hai bàn tay. 7
  9. III. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ TÀI 1. Vấn đề sử dụng cơ bàn tay của học sinh khiếm thị lớp 1 tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai đầu năm học 2011 - 2012 Sĩ số: 7/4 học sinh Học sinh mù: 2/1 học sinh Học sinh khiếm thị: 5/3 học sinh Học sinh kèm tật vận động: 2/1 học sinh Đạt Chưa đạt Các vận động cơ bàn tay Số lượng % Số lượng % Sử dụng cầm, nắm 5 71.43 2 28.57 Sử dụng phối hợp các ngón tay 3 42.86 4 57.14 Sử dụng phối hợp hai bàn tay 3 42.86 4 57.14 Nguyên nhân: - Học sinh có độ tuổi còn nhỏ, chưa được học ở một trường mần non nào trước khi đi học ở Trung tâm. Các em ở nhà thường không chơi với ai, thường chơi một mình và không chơi với nhiều đồ vật khác nhau. Do vậy mà các em không được rèn luyện đôi tay của mình trước khi đi học. - Một số học sinh có thể chất yếu, hoặc bị suy dinh dưỡng, phát triển không phù hợp với lứa tuổi, một số em còn mắc thêm tật về vận động như không giữ được thăng bằng, các ngón tay có độ dài ngắn không phù hợp với bàn tay,... Điều đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng cơ bàn tay: cơ tay mềm yếu, không thực hiện được các kỹ năng vận động tinh,... - Do nhận thức của gia đình về trẻ khiếm thị còn sai lệch. Gia đình không biết cách chăm sóc các em nên luôn làm mọi việc cho các em hoặc có gia đình còn để cho con mình ngồi một chỗ, không quan tâm, không chơi hay dạy cho các em những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Do vậy các em rất thụ động, không tự mình làm mọi việc và ỷ lại vào người khác. Từ những nguyên nhân trên làm cho việc sử dụng cơ bàn tay của các em học sinh lớp 1 khiếm thị tại Trung tâm còn gặp nhiều khó khăn, không linh hoạt, khéo léo. Từ đó dẫn đến việc học tập của các em gặp nhiều khó khăn như sử dụng bút viết, đọc sách, đọc viết chữ Braille,... Chính vì vậy cần phải luyện tập cho các em có một đôi tay chắc khỏe và linh hoạt để các em có thể tự phục vụ bản thân như ăn, mặc, tắm...; để có thể học tập đạt kết quả cao mà không mặc cảm, tự ti và tự tin hơn với bản thân. 8
  10. 2. Kết quả sau khi thực hiện các bài tập rèn luyện cơ bàn tay cho học sinh khiếm thị lớp 1 tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai cuối năm học 2011 - 2012 Từ những thực trạng trên, thực hiện các bài tập rèn luyện cơ bàn tay cho các em học sinh khiếm thị lớp 1 tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai trong một thời gian, tôi thu được kết quả như sau: Đạt Chưa đạt Các vận động cơ bàn tay Số lượng % Số lượng % Sử dụng cầm, nắm 7 100 0 0 Sử dụng phối hợp các ngón tay 5 71.43 2 28.57 Sử dụng phối hợp hai bàn tay 5 71.43 2 28.57 Có được kết quả trên là do: - Sự luyện tập chăm chỉ, hứng thú từ bản thân các em. - Những bài tập đơn giản và dễ thực hiện được ở mọi nơi: ở lớp, ở nhà, nơi vui chơi. - Phụ huynh tích cực trong việc giúp con luyện tập; những bài tập cũng giúp cha mẹ gần gũi và hiểu con hơn, có cái nhìn đúng đắn về tật của các em hơn. Tuy nhiên để tất cả các em có thể sử dụng cơ bàn tay một cách linh hoạt thì cần phải luyện tập trong thời gian dài và phải hết sức kiên trì nhất là với những em mắc thêm các tật khó khăn về vận động. Việc rèn luyện cơ bàn tay cho các em học sinh khiếm thị, đặc biệt là các em học lớp 1 là việc rất quan trọng và cần thiết. Khi các em có một đôi tay khỏe mạnh, khéo léo, linh hoạt sẽ giúp các em có thể đọc viết tốt hơn, có nhiều tiến bộ trong học tập và theo kịp các bạn cùng lớp. Bên cạnh đó cũng giúp các em tự tin, mạnh dạn và có nhiều kỹ năng tự phục vụ trong cuộc sống như: tự ăn, tự uống, tự mặc, tự tắm giặt,... Những bài tập cũng giúp cho phụ huynh có cái nhìn đúng đắn về khuyết tật của các em, từ đó có những giúp đỡ tích cực cho việc sinh hoạt, học tập hàng ngày của các em. Bên cạnh đó, các em cũng như phụ huynh, người chăm sóc cũng cần phải kiên trì nếu các em luyện tập chưa đạt kết quả. Việc rèn luyện bất kỳ một kỹ năng nào cũng cần phải có thời gian, và đối với mỗi em là có sự tiến bộ khác nhau. Đôi tay có khỏe mạnh, vận động linh hoạt được là do luyện tập mỗi ngày, thường xuyên. Những bài tập trên là những bài tập rất đơn giản và dễ thực hiện. Ngoài việc giúp đỡ các em khiếm thị, chúng cũng có thể giúp cho bất kì học sinh nào có vấn đề về vận động của đôi bàn tay. 9
  11. IV. ĐỀ XUẤT – KHUYẾN NGHỊ KHẢ NĂNG ÁP DỤNG Qua quá trình thực hiện đề tài, tôi nhận thấy để đạt được kết quả tốt là sự nỗ lực của bản thân các học sinh khiếm thị. Các em có kiên trì, hứng thú thì mới có thể thực hiện các bài tập một cách chăm chỉ. Khi thực hiện các em thấy có sự tiến bộ thì các em sẽ dần có sự tự tin vào bản thân, bỏ đi mặc cảm về khiếm khuyết của bản thân. Ngoài ra là sự phối hợp nhịp nhàng giữa giáo viên, phụ huynh – người chăm sóc – bảo mẫu. Chính sự phối hợp này đã giúp cho những người quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ các em nắm bắt kịp thời về sự tiến bộ cũng như những biểu hiện tích cực của các em để đề ra những kế hoạch luyện tập, những điều chỉnh phù hợp. Một phần hỗ trợ quan trọng nữa là sự tạo điều kiện về cơ sở vật chất và sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo Trung tâm, nhà trường, tổ chuyên môn. Điều quan trọng hơn cả là tinh thần, trách nhiệm làm việc của người giáo viên dạy trẻ khuyết tật. Nếu không có sự thương yêu, tinh thần nỗ lực làm việc hết mình vì học sinh cũng như sự tìm tòi những cái mới, chắc chắn sẽ không đạt bất kỳ một kết quả nào để giúp các em vượt lên chính mình. Từ nhưng điều đã nêu ở trên, tôi có một số đề xuất, khuyến nghị sau: - Đối với học sinh: Các em cần có tinh thần học hỏi, mạnh dạn, tự tin, vượt qua mặc cảm khuyết tật để hoàn thiện bản thân. Để thực hiện được bất kỳ việc gì các em cần kiên trì, chăm chỉ luyện tập. - Đối với phụ huynh - người chăm sóc, bảo mẫu: Cần có sự hiểu biết và cái nhìn đúng đắn về khuyết tật của trẻ. Từ đó có sự chăm sóc phù hợp, không làm thay, làm giúp trẻ, mà hướng dẫn trẻ thực hiện từng động tác, từng kỹ năng; cần phải kiên trì nếu thấy trẻ lần đầu chưa làm được; có những lời động viên khuyến khích trẻ, không chê bai, miệt thị trẻ để trẻ tự tin không mặc cảm. - Đối với các cấp lãnh đạo của Trung tâm, Trường học, tổ chuyên môn: Tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất cho học sinh và giáo viên dạy và học; có những chỉ đạo đúng đắn kịp thời để nâng cao chất lượng dạy và học. Có chế độ đãi ngộ hợp lý cho giáo viên, người chăm sóc trẻ, bảo mẫu để khuyến khích tinh thần làm việc và sáng tạo; tổ chức các buổi tham luận, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh để có những sự thấu hiểu, thống nhất trong việc giáo dục trẻ khuyết tật. - Đối với giáo viên: Luôn luôn học hỏi, tự nâng cao trình độ, tìm tòi những hướng đi mới, tích cực để giúp cho các em khuyết tật học tập tốt hơn và hoàn thiện bản thân. Mạnh dạn nêu ý kiến, trao đổi kinh nghiệm dạy học với các đồng nghiệp và các cấp lãnh đạo. Có cái nhìn đúng đắn về trẻ khuyết tật, hiểu tâm lý của các em, có sự trao đổi với phụ huynh để nắm được hoàn cảnh của từng em. Từ đó có đề ra những kế hoạch, mục tiêu phù hợp với từng em để giúp các rèn luyện và phát triển một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Trong khuôn khổ đề tài, những bài tập tôi đưa ra chắc chắn còn những thiếu sót, rất mong nhận được những góp ý chân thành từ các đồng nghiệp và các chuyên gia chuyên sâu trong lĩnh vực vận động để cho đề tài được hoàn thiện. Dẫu cho phải đầu tư thật nhiều công sức của cả thầy và trò nhưng điều quan trọng nhất là 10
  12. giúp cho các em khiếm thị nhỏ tuổi có được sự phát triển về mặt thể chất giống như các bạn bình thường ở cùng độ tuổi. V. TÀI LIỆU THAM KHẢO. 1. Hướng dẫn dạy từng kỹ năng cho trẻ mù và khiếm thị lứa tuổi nhà trẻ - mẫu giáo. The Oregon Project - Trường Nguyễn Đình Chiểu, Tp.Hồ Chí Minh - 2009. 2. Kỹ năng dạy học hòa nhập trẻ khuyết tật - Trung tâm tật học - Viện khoa học giáo dục - 1998 Biên Hòa, ngày 20 tháng 4 năm 2012. Người viết Trần Thị Hương 11
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0