Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Lai Châu lớp 10
lượt xem 7
download
Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lai Châu lớp 10 giúp các em tìm hiểu 8 chủ đề xoay quanh các vấn đề về lịch sử Lai Châu từ tiền sử đến năm 1884; truyện thơ của các dân tộc; nghệ nhân văn hoá; tổ chức và hoạt động của thôn, bản, tổ dân phố; môi trường và các hoạt động kinh tế ở Lai Châu. Bên cạnh đó, các em còn được tìm hiểu về giáo dục nghề nghiệp ở Lai Châu, từ đó có thêm thông tin để lựa chọn được con đường nghề nghiệp phù hợp.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Lai Châu lớp 10
- 3477/UBND-VX 16/09/2022 10:03:27 UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐINH TRUNG TUẤN (Tổng Chủ biên) – PHẠM QUỲNH (Chủ biên) NGUYỄN THỊ BÍCH – NGUYỄN NGỌC CHIẾN – PHẠM THỊ THU HẰNG – TRẦN THỊ HUỆ NGUYỄN VIỆT HÙNG – TRẦN THỊ THU HƯƠNG – NGUYỄN PHƯƠNG LIÊN TRẦN THỊ BÍCH NGỌC – ĐẶNG ĐÌNH SƠN – LƯU HỒNG PHƯƠNG – ĐỖ THỊ TẤC LƯƠNG MINH TÂN – ĐOÀN THỊ TRỊNH – PHẠM DUY THẮNG TÀI LIỆU 10 GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG TỈNH Lai Châu LỚP
- 2
- LỜI NÓI ĐẦU Các em học sinh yêu quý! Nội dung giáo dục địa phương là một bộ phận của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ở cấp Trung học phổ thông, nội dung giáo dục địa phương có vị trí tương đương với các môn học và hoạt động giáo dục. Các em đang cầm trong tay cuốn Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lai Châu lớp 10. Cuốn tài liệu này được biên soạn giúp các em khám phá, trải nghiệm những giá trị đặc trưng của địa phương, qua đó góp phần bồi dưỡng tình yêu quê hương và thêm trân trọng truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu. Đến với cuốn Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lai Châu lớp 10, các em sẽ được tìm hiểu 8 chủ đề xoay quanh các vấn đề về lịch sử Lai Châu từ tiền sử đến năm 1884; truyện thơ của các dân tộc; nghệ nhân văn hoá; tổ chức và hoạt động của thôn, bản, tổ dân phố; môi trường và các hoạt động kinh tế ở Lai Châu. Bên cạnh đó, các em còn được tìm hiểu về giáo dục nghề nghiệp ở Lai Châu, từ đó có thêm thông tin để lựa chọn được con đường nghề nghiệp phù hợp. Theo từng trang sách, các em sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động đa dạng, phong phú như: chơi trò chơi; làm tờ rơi; điều tra, khảo sát;… giúp phát huy tối đa tính tự giác, tích cực, sáng tạo của các em. Hi vọng rằng, cuốn Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lai Châu lớp 10 sẽ là người bạn đồng hành với các em trên con đường khám phá về quê hương Lai Châu. Chúc các em có những trải nghiệm thật thú vị và bổ ích với cuốn tài liệu này! CÁC TÁC GIẢ 3
- HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG TÀI LIỆU MỞ ĐẦU − Xác định nhiệm vụ, vấn đề học tập học sinh cần giải quyết. – Kết nối với những điều học sinh đã biết. – Nêu vấn đề nhằm kích thích tư duy, tạo hứng thú đối với bài học. HÌNH THÀNH KIẾN THỨC Cung cấp thông tin liên quan đến chủ đề và các hoạt động học tập, giúp học sinh khai thác, chiếm lĩnh kiến thức mới. LUYỆN TẬP Gồm các câu hỏi, bài tập, nhiệm vụ, hoạt động để học sinh củng cố, rèn luyện các kĩ năng gắn với kiến thức vừa học. VẬN DỤNG − MỞ RỘNG Học sinh sử dụng các kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết các tình huống trong thực tiễn, liên hệ mở rộng để xử lí các vấn đề liên quan gắn với địa phương. Hãy bảo quản, giữ gìn cuốn tài liệu này để dành tặng các em học sinh lớp sau. 4
- MỤC LỤC Chủ đề 1. Lai Châu từ thời tiền sử đến năm 1884 6 Chủ đề 2. Truyện thơ của các dân tộc ở Lai Châu 14 C hủ đề 3. Nghệ nhân hát dân ca, trường ca, truyện thơ, 25 sử thi của Lai Châu Chủ đề 4. Hoạt động sản xuất nông, lâm, thuỷ sản 34 ở Lai Châu Chủ đề 5. Hoạt động sản xuất công nghiệp, 42 tiểu thủ công nghiệp ở Lai Châu C hủ đề 6. Tổ chức và hoạt động của thôn, bản, tổ dân phố ở 50 Lai Châu C hủ đề 7. Thực trạng môi trường ở Lai Châu 60 C hủ đề 8. Kế hoạch nghề nghiệp của tôi 66 5
- Chủ đề LAI CHÂU TỪ THỜI TIỀN SỬ 1 ĐẾN NĂM 1884 Sau khi tìm hiểu chủ đề này, em sẽ: − Khái quát được vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên của vùng đất Lai Châu. − Trình bày được sự phát triển của vùng đất Lai Châu thời tiền sử. − Nêu được một số nét chính về tình hình chính trị, tổ chức hành chính, kinh tế, văn hoá và cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ ở vùng đất Lai Châu thời kì Bắc thuộc và phong kiến tự chủ. ? Hãy chia sẻ với bạn điều em biết về một di tích lịch sử ở tỉnh Lai Châu. Vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên của vùng đất Lai Châu Vùng đất Lai Châu nằm ở khu vực Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí địa lí từ 21o41’ đến 22o50’ vĩ độ bắc và từ 102o19’ đến 103o59’ độ kinh đông, đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam – Trung Quốc dài 265,165 km. Vùng đất này có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và phòng hộ đầu nguồn sông Đà. Địa hình của vùng đất Lai Châu rất phức tạp, phổ biến là kiểu núi cao và trung bình, có độ dốc lớn, mức độ chia cắt sâu và ngang rất mạnh, chủ yếu là núi đất và các dãy núi đá vôi với dạng địa chất caster tạo nên hệ thống hang động và sông suối ngầm,… Xen kẽ giữa các dãy núi cao là các thung lũng hoặc các lòng chảo có địa hình tương đối bằng phẳng tạo ra các vùng đồng bằng giữa núi như Mường So, Bình Lư, Than Uyên,... thích hợp cho trồng trọt và chăn nuôi. 6
- Khí hậu Lai Châu điển hình cho vùng núi cao Tây Bắc chịu ảnh hưởng của gió phơn Tây Nam, ngày nóng đêm lạnh. Nhiệt độ trung bình năm là khoảng 23oC. Lượng mưa khá lớn, phân bố không đều trong năm. Hướng gió chủ đạo là gió Tây và gió Đông Nam, ít chịu ảnh hưởng của bão và gió mùa Đông Bắc. Lai Châu có nhiều sông, suối có lưu lượng nước lớn như: sông Nậm Mu, sông Nậm Mạ và sông Nậm Na. Các con sông này là phụ lưu chính của sông Đà và chảy qua các khu vực khác nhau của tỉnh Lai Châu. Rừng nhiệt đới ẩm gió mùa với quần thể thực vật rất phong phú. Có một số loại khoáng sản giá trị cao như vàng, đồng, chì, kẽm, đất hiếm, các mỏ đá đen, đá trắng, đá màu, đá vôi với trữ lượng lớn,… Em có biết? Lai Châu là một trong ba tỉnh thuộc khu vực thượng du sông Đà của Việt Nam, là vùng có điều kiện môi trường sinh thái mang tính đa dạng sinh học cao; quần thể động thực vật phong phú; nguồn nước tự nhiên dồi dào, nhiều thung lũng, bãi bồi ven sông suối màu mỡ, phì nhiêu, thuận lợi cho việc cư trú, sinh sống của con người. – Trình bày vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên của vùng đất Lai Châu. ? – Vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên ảnh hưởng như thế nào đến sự hình thành và phát triển vùng đất Lai Châu? Vùng đất Lai Châu thời tiền sử Thời tiền sử, vùng đất Lai Châu sớm có con người đến cư trú. Nhiều di chỉ khảo cổ được phát hiện trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện nay đã khẳng định những dấu tích về sự tồn tại của con người từ thời văn hoá Sơn Vi, văn hoá Hoà Bình và văn hoá Đông Sơn. “Người cổ ở Lai Châu cư trú trong các hang động có cửa quay ra sông hoặc suối, gần thung lũng,... thuận tiện cho việc đảm bảo nguồn nước và lương thực phục vụ cho cuộc sống hằng ngày. Việc sống trong các hang động cũng giúp họ tránh được các loài thú dữ, tránh mưa, nắng theo mùa. Trong hang, họ thường đốt bếp lửa ở khu vực cửa hang, ngoài phục vụ việc nấu chín thức ăn hằng ngày, còn có tác dụng sưởi ấm, xua đuổi thú dữ và làn khói là dấu hiệu để trở về hang sau mỗi lần đi kiếm ăn xa”.(1) (1) Theo Tỉnh uỷ – Hội đồng nhân dân – Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu, Địa chí Lai Châu, NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2020, tr. 319. 7
- Em có biết? Trên địa bàn tỉnh Lai Châu, đã phát hiện 17 địa điểm có di vật đặc trưng của giai đoạn văn hoá Sơn Vi (20 000 – 12 000 TCN) như: Nậm Tun, Đán Min, Chiềng Ban, Nậm Dôn, Hát Đấu, Huổi Ca, Nậm Mạ, Co Đớ, Nậm Hăn, Hát Hỷ, Hát Hí, Nậm Cha, Bản Sỏ, Nậm Hàng, Bản Xanh, Bản Xi, Bản Khá. Bên cạnh các loại hình công cụ đặc trưng Sơn Vi, tại các di tích này, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều công cụ đá cũ có phong cách khác Sơn Vi,… Năm 2010 đã phát hiện di chỉ khảo cổ học Thẩm Đán Chể (xã Mường Kim, huyện Than Uyên), di chỉ này là cái nôi địa bàn cư trú lâu đời của người Việt cổ. Một số di tích trên đã được công nhận là di sản cấp quốc gia như di tích Nậm Tun (năm 2013) và di tích cấp tỉnh như di chỉ khảo cổ học Thẩm Đán Chể (năm 2011). ? – Kể tên những dấu tích được tìm thấy ở vùng đất Lai Châu chứng tỏ thời tiền sử đã có con người sinh sống. Điều này có ý nghĩa gì? – Các dấu tích trên thuộc xã, huyện nào của tỉnh Lai Châu hiện nay? – Ở thời tiền sử, cuộc sống của con người Lai Châu như thế nào? hình chính trị, kinh tế, văn hoá vùng đất Lai Châu thời Bắc thuộc và Tình phong kiến a. Tổ chức hành chính Thời nhà nước Văn Lang, vùng thượng lưu sông Đà trong đó có Lai Châu thuộc bộ Tân Hưng. Đến thời kì Bắc thuộc, chính quyền đô hộ chỉ tập trung quản lí chủ yếu ở trung du, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Việc quản lí, cắt đặt hành chính đối với vùng Tây Bắc còn mờ nhạt, chưa thực rõ ràng. Trước thời Lê sơ, chính quyền phong kiến trung ương ít chú ý tới và cũng không có nhiều điều kiện để quản lí thường xuyên, chặt chẽ vùng đất Tây Bắc trong đó có Lai Châu. “Căn cứ vào các ghi chép trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi (biên soạn vào đầu thế kỉ XV) và sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn (biên soạn vào cuối thế kỉ XIX), thì vào thời Lý vùng đất Lai Châu thuộc đạo Lâm Tây. Sách Hưng Hoá kí lược cho biết vùng đất Lai Châu thời Trần thuộc đạo Đà Giang, sau đó thuộc 8
- trấn Thiên Hưng. Chính quyền nhà Trần chưa thật sự quản lí được các cấp hành chính địa phương ở miền núi mà hầu hết do các thổ hào địa phương chi phối, thực hiện nghĩa vụ cống nạp về triều đình.”(1) Từ thời Lê sơ, chính quyền trung ương bắt đầu quản lí chặt chẽ hơn đối với vùng Tây Bắc. Vùng đất Lai Châu lúc này thuộc trấn Hưng Hoá. Ban đầu triều đình Lê sơ trao các chức đoàn luyện, thủ ngự cho tù trưởng các dân tộc thiểu số bản địa nắm giữ, vừa để cai quản vùng đất và con người, vừa giữ gìn trật tự địa phương và bảo vệ lãnh thổ. Về sau, triều đình phong cho các tù trưởng địa phương các chức tri châu, cai châu, phó châu, đồng tri châu, hoặc tuyên uý sứ, chiêu thảo sứ, phòng ngự sứ,... Năm 1802, triều Nguyễn được thiết lập đã tăng cường kiểm soát cộng đồng các dân tộc thiểu số. Tại vùng đất Lai Châu thuộc tỉnh Hưng Hoá, nhà Nguyễn tiếp tục duy trì cơ cấu tổ chức truyền thống, sử dụng đội ngũ tù trưởng cai quản dưới hình thức các phủ, huyện, châu. Em có biết? Khu vực tỉnh Lai Châu hiện nay tương ứng với một phần diện tích của ba châu gồm châu Lai (thuộc huyện Mường Tè ngày nay); châu Quỳnh Nhai (một phần huyện Tân Uyên, Than Uyên ngày nay) và châu Chiêu Tấn (huyện Phong Thổ; thành phố Lai Châu; huyện Tam Đường; một phần huyện Tân Uyên, Than Uyên ngày nay),... ? – Vùng đất Lai Châu thời Bắc thuộc và phong kiến được tổ chức theo các đơn vị hành chính nào? – Chính quyền Bắc thuộc và phong kiến đã thực hiện những chính sách nào để cai quản vùng đất Lai Châu? Vì sao? b. Tình hình kinh tế Thời Bắc thuộc Đời sống của cư dân vùng đất Lai Châu còn rất tự nhiên, công cụ lao động khá thô sơ. Cư dân sống chủ yếu bằng hái lượm, săn bắn, đánh cá; bước đầu hình thành các hình thức trồng trọt và chăn nuôi. Sự phân hoá giai cấp chưa rõ ràng, tính cộng đồng được phát huy trong đời sống kinh tế và văn hoá. (1) Theo Tỉnh uỷ – Hội đồng nhân dân – Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu, Địa chí Lai Châu – Phần 2: Lịch sử, NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2020. 9
- Thời phong kiến độc lập Về nông nghiệp: Các cộng đồng cư dân sinh sống trên vùng đất Lai Châu tiêu biểu là người Thái chủ yếu làm ruộng nước ở các thung lũng có đời sống khá ổn định. Họ định canh định cư làm ruộng nước, đúc kết được nhiều kinh nghiệm canh tác trên những thửa ruộng tương đối bằng phẳng, đắp bờ, giữ nước, chống úng, dẫn thuỷ nhập điền để cày cấy các loại lúa, hoa màu thích hợp với từng vụ, từng chất đất. Công cụ canh tác hầu như chỉ dùng cày, bừa, cuốc bàn, xẻng, cào cỏ,... Trong đó, đặc trưng là chiếc cày chìa vôi và chiếc bừa đơn làm bằng gỗ, tre. Mương phai (đập) đóng vai trò quan trọng trong công tác thuỷ lợi, ngăn dòng suối để chuyển hướng dòng chảy cho nước vào mương rồi chảy về từng thửa ruộng. Ngoài ra, chiếc cọn nước được dùng để lợi dụng sức nước chảy xiết của sông suối nhằm đưa nước lên cao đổ vào ruộng cày cấy ở những nơi không đủ điều kiện đắp đập, làm mương phai. Nhóm các cộng đồng định cư du canh hoặc du cư du canh chủ yếu phát nương làm rẫy như dân tộc Mông, Dao và các dân tộc khác,... “Các cộng đồng cư dân du canh/du cư thường canh tác trên hai loại nương bằng và nương dốc. Nương bằng là những khoảnh đất bằng phẳng ở chân núi, ven sông, bờ suối, có thể dùng trâu cày bừa, canh tác lâu dài để trồng lúa và các loại hoa màu phụ. Nương dốc là những khoảnh đất có độ dốc cao, không cày bừa được, phải sử dụng cuốc làm đất và trồng lúa nương, sau 2 – 3 vụ sẽ bị nước mưa trôi hết đất màu, phải tạm bỏ hoang vài năm cho đất nghỉ mới canh tác tiếp, cứ tuần tự luân chuyển. Công cụ làm nương chỉ có dao quắm, rìu chặt cây to, dao cắt cây nhỏ, liềm, cuốc bàn để dọn cỏ,... Hằng năm, sau khi phát nương, đốt cháy để lấy tro than, cư dân dùng gậy vạt nhọn một đầu chọc lỗ rồi tra hạt thóc hoặc ngô giống hay gieo vãi các hạt bầu, bí, vừng,...”. Ngoài nông nghiệp, các cộng đồng cư dân ở đây còn chăn nuôi, săn bắn và đánh bắt cá vào những khoảng thời gian nhàn rỗi ngoài mùa vụ. “Ở những vùng định canh định cư, cư dân chủ yếu chăn nuôi trâu, bò, ngựa, lợn, gà, thả cá,... Trong đó, nuôi trâu, bò là quan trọng vừa để cung cấp sức kéo, vừa cung cấp thực phẩm và là một tài sản có giá trị trong trao đổi. Một số cộng đồng cư dân sinh sống ở miền núi cao còn nuôi nhiều ngựa dùng làm phương tiện di chuyển và vận tải hiệu quả. Kĩ thuật chăn nuôi còn đơn giản, lạc hậu, mang đậm tính chất quảng canh, tự nhiên. Các hoạt động săn bắn không chỉ để cải thiện đời sống mà còn bảo vệ mùa màng. Dụng cụ săn bắn rất thô sơ, phổ biến dùng bẫy, nỏ, cung tên, hố chông, súng kíp và đạn tự tạo,... Ở những khu vực ven sông, suối, nhất là sông Đà, nghề đánh bắt cá đóng vai trò quan trọng, đặc biệt vào 10
- mùa nước lũ từ tháng 2 đến tháng 7 hằng năm. Dụng cụ đánh bắt cá có nhiều loại như chài, lưới, vó, cần câu,...”. Về thủ công nghiệp: Cộng đồng cư dân Lai Châu xưa đã có một số nghề thủ công cổ truyền sử dụng gỗ, tre, nứa, trúc, mai, vầu, song, mây,... có sẵn để làm nhà, đóng bàn ghế, tủ, đan lát,... mang tính tự cung tự cấp trong gia đình và làng bản. Hầu hết các cộng đồng cư dân đều biết nghề dệt và một số nghề thủ công khác như nấu đường, nấu rượu, làm bánh,... phục vụ trong sinh hoạt hằng ngày và những ngày giỗ tết, đám cưới, đám tang,... Để thắt chặt khối đoàn kết dân tộc và mở rộng ảnh hưởng của triều đình lên vùng biên giới, chính quyền phong kiến đã giao cho các tù trưởng đảm nhiệm chức châu mục và chỉ phải cống nạp lâm sản hay khoáng sản. Từ thời Lê sơ, chính quyền đã có nhiều biện pháp tăng cường quản lí và khai thác vùng đất Tây Bắc, trong đó có Lai Châu như quy định ngạch thuế phải nộp hằng năm, cho phép các quan trấn thủ và tù trưởng, thổ mục được khai mỏ và nộp thuế cho nhà nước,... Đến thế kỉ XIX, cùng với việc tăng cường tổ chức bộ máy quản lí nhà nước, triều Nguyễn đã ban hành một loạt chính sách về dân cư, kinh tế, tài chính, trong đó có những chính sách dành riêng cho vùng dân tộc và miền núi như đo đạc lại ruộng đất, quy định khoản thuế hằng năm.(1) ? – Trình bày những nét chính về tình hình kinh tế của cư dân vùng đất Lai Châu thời Bắc thuộc và phong kiến. – Nêu nhận xét về sự phát triển đó. c. Về văn hoá Điều kiện sinh sống đã hình thành nên nét văn hoá truyền thống riêng của mỗi dân tộc ở vùng đất Lai Châu như: phong tục, tập quán,... Đồng thời, mỗi dân tộc còn có sự ảnh hưởng, tiếp thu những giá trị văn hoá của các dân tộc khác để tạo nên kho tàng văn hoá đa dạng, phong phú. Những giá trị văn hoá ấy được kết tinh trong tinh thần cố kết cộng đồng bền chặt, trong đời sống văn hoá tinh thần và ngay cả trong phong cách giao tiếp ứng xử và lối sống của con người nơi đây. Từ thời Bắc thuộc và thời phong kiến, do Nhà nước chưa thực hiện các chính sách quản lí hành chính và kinh tế chặt chẽ đối với vùng đất Lai Châu nên các triều đại phong (1) Theo Tỉnh uỷ – Hội đồng nhân dân – Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu, Địa chí Lai Châu, NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2020. 11
- kiến cũng chưa quan tâm nhiều đến đời sống văn hoá của các dân tộc. Đến thế kỉ XIX, nhà Nguyễn mới thực hiện nhiều chính sách nhằm “giáo hoá” các cộng đồng cư dân trên vùng đất Lai Châu như quy định về trang phục và chế độ thi cử để khuyến khích phát triển văn hoá, giáo dục,... Em có biết? Năm 1807, vua Gia Long ban hành quy định các sĩ tử trấn Hưng Hoá (khu vực tỉnh Lai Châu) tham gia thi Hương ở trường thi Sơn Tây. Năm 1824, vua Minh Mệnh quy định các nho sĩ ở trấn Hưng Hoá về dự thi Hương ở Bắc Thành (Hà Nội). Năm 1827, vua Minh Mệnh quy định đổi lại kiểu trang phục của ngoại trấn Hưng Hoá (khu vực tỉnh Lai Châu) cùng với Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Quảng, Sơn Nam, Nam Định, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Dương và phủ Hoài Đức theo kiểu mẫu từ Quảng Bình trở vào phía Nam, áp dụng từ đầu năm 1829,... ? – Trình bày tình hình văn hoá của các dân tộc ở Lai Châu thời Bắc thuộc và thời phong kiến. – Nhà nước phong kiến đã có những quy định nào để phát triển văn hoá ở vùng đất Lai Châu? Những quy định đó có ý nghĩa gì với đời sống văn hoá của các cộng đồng cư dân Lai Châu? Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ ở vùng đất Lai Châu thời kì phong kiến tự chủ Trong thời kì phong kiến, để bảo vệ vùng biên viễn phía Tây Bắc, nhiều cư dân đã có những đóng góp tích cực. Thổ ty Đèo Cát Hãn ủng hộ nghĩa quân Lam Sơn chống lại quân Minh, được Lê Lợi giao cho cai quản vùng đất Mường Lễ. Các thủ lĩnh người Thái là Ngải và Khanh đã phối hợp với Hoàng Công Chất đem quân đánh giặc Phẻ tại thành Tam Vạn cứu dân khỏi ách giặc Phẻ và sự lệ thuộc vào các chúa phong kiến Lào, bảo vệ miền biên giới. Tuần phủ Hưng Hoá là Ngô Quang Bích và thủ lĩnh Đèo Văn Toa dựa vào các bản mường, tổ chức nhân dân vùng Thập Châu ở Tây Bắc chống Pháp sau khi nhà Nguyễn đầu hàng. “Tuần phủ Nguyễn Quang Bích tổ chức quân dân Hưng Hoá kiên trì ủng hộ phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết phát động. Đến năm 1886, thủ lĩnh Đèo Văn Trì chỉ huy nghĩa quân Mường Lay kết hợp với nghĩa quân Phong Thổ do thủ lĩnh Đèo Văn Toa chỉ huy, tổ chức xây dựng phòng tuyến từ Than Uyên đến phía 12
- Nam Lào Cai, dùng lối đánh mai phục, tập kích, dựa vào địa hình rừng núi ngăn chặn các cuộc tấn công của quân Pháp. Trước các thủ đoạn thâm độc của quân Pháp, lực lượng kháng Pháp ở Lai Châu suy yếu dần và tan rã. Đến giữa năm 1890, toàn bộ Lai Châu rơi vào tay giặc Pháp, thời kì phong kiến độc lập tự chủ trên vùng đất Lai Châu kết thúc”.(1) Em có biết? Giặc Phẻ do Phạ Chậu Tin Tòng cầm đầu từ miền Thượng Lào tràn sang đánh chiếm Mường Thanh. Chúng đánh đuổi các chúa Lự chạy bạt lên vùng Mường Lự (Bình Lư) và Sình Hồ (nay là Sìn Hồ), chiếm cánh đồng Mường Thanh và thành Tam Vạn. Đi đến đâu chúng cướp phá thậm tệ, giết hại nhân dân tới đó. ? – Cư dân Lai Châu đã có đóng góp gì trong việc góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ nước ta thời phong kiến? – Thiết kế thẻ ghi nhớ về một nhân vật lịch sử ở Lai Châu đã có những đóng góp trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thời phong kiến. Vì sao vùng đất Lai Châu thời tiền sử sớm có con người đến sinh sống? Lập bảng thống kê những nét chính về tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá ở Lai Châu thời Bắc thuộc và phong kiến. Giới thiệu một di tích khảo cổ thời tiền sử trên vùng đất Lai Châu bằng một trong ba hình thức: – Viết bài thuyết minh. – Làm báo ảnh. – Làm clip giới thiệu. (1) Theo Tỉnh uỷ – Hội đồng nhân dân – Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu, Địa chí Lai Châu – Phần 2: Lịch sử, NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2020. 13
- Chủ đề TRUYỆN THƠ CỦA CÁC DÂN TỘC 2 Ở LAI CHÂU Sau khi tìm hiểu chủ đề này, em sẽ: − Phân tích được một số yếu tố của truyện thơ dân gian như: cốt truyện, nhân vật, người kể chuyện, sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình,… − Phân tích, đánh giá được tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo và giá trị đạo đức, văn hoá từ văn bản. − Thể hiện được thái độ trân trọng di sản nghệ thuật dân gian và có ý thức, trách nhiệm bảo tồn truyện thơ dân gian trong đời sống cộng đồng các dân tộc ở Lai Châu. − Làm được sản phẩm để giới thiệu các hình thức diễn xướng truyện thơ ở Lai Châu. Kể tên một số truyện thơ ở Lai Châu mà em biết. Em đã nghe những truyện thơ đó ở đâu? Em được nghe dưới hình thức nào? Kẻ bảng dưới đây vào vở và viết vào các cột theo hướng dẫn: − Cột K (KNOW): Những điều em đã biết về truyện thơ của các dân tộc ở Lai Châu. − Cột W (WANT): Những điều em muốn biết về truyện thơ của các dân tộc ở Lai Châu. − Cột L (LEARNED): Những điều em đã học được về truyện thơ các dân tộc ở Lai Châu. K W L 14
- Giới thiệu một số truyện thơ của các dân tộc ở Lai Châu Truyện thơ là một trong những di sản văn hoá, kết tinh giá trị nghệ thuật nhiều mặt của các dân tộc Đông Nam Á, được xem là cầu nối giữa văn học dân gian và văn học viết, là đại diện tiêu biểu cho văn học truyền thống của nhiều tộc người. Truyện thơ ra đời trên cơ sở sự phát triển của hai thể loại là truyện cổ dân gian và dân ca. Sự ra đời của truyện thơ thể hiện sự thay đổi về quan niệm nghệ thuật, quan niệm về con người của thời đại. Đó là nhu cầu cần phản ánh con người toàn vẹn hơn. Hình thức câu chuyện nhằm truyền tải những vấn đề xã hội và thời đại, đề cập đến thân phận người dân thường nghèo khổ dưới chế độ xưa. Bên cạnh đó, những diễn biến tâm lí, cảm xúc của con người được khắc hoạ sâu sắc, sinh động qua những lời thơ và sự tham gia của hình thức dân ca. Chính vì thế, truyện thơ có đặc trưng quan trọng là sự kết hợp hài hoà giữa trữ tình và tự sự, giữa hát và kể. Đó là hình thức thơ ở trong truyện và truyện ở trong thơ. Truyện thơ được chuyển thể từ truyện kể, cốt truyện, tên nhân vật chính hầu như được giữ nguyên nhưng không gian, thời gian và những nhân vật phụ đã được thay đổi, bổ sung và sáng tạo, nâng tầm tư tưởng. Ngoài ra, còn có rất nhiều truyện thơ do các nhà thơ khuyết danh của dân tộc sáng tạo, mang đậm dấu ấn cuộc sống, môi trường, sinh hoạt, tín ngưỡng của đồng bào xưa, chẳng hạn một số truyện thơ của người Thái như Tạo Khun Tưng – nàng É Khạy, Năm anh em Cha Lang,… Mặc dù một số dân tộc đã có chữ viết riêng, nhưng vì nhiều lí do nên văn bản truyện thơ của các dân tộc ở Lai Châu cũng bị mai một rất nhiều. Một số tổ chức, nhà nghiên cứu đã đi điền dã để sưu tầm, ghi chép, ghi âm lại những truyện thơ từ người già nên giữ lại được phần nào tài sản tinh thần vô giá này. Trong thời gian dài hàng ngàn năm, truyện thơ được lưu truyền, sáng tạo, hiện hữu sống động trong đời sống hằng ngày của người dân khắp các bản mường bằng nhiều hình thức đa dạng như: ngâm (khắp xan), kể (khán), hát (khắp),… Đồng bào xưa thể hiện truyện thơ bất cứ lúc nào rảnh rỗi như trước khi ngủ họ ngâm, hát ngân nga để ru con vào giấc ngủ; khi đi làm nương, làm ruộng xa nhà phải ở lại vài ngày, buổi tối tụ tập nhau dưới một cái lán, đốt lửa hát cho nhau nghe. Vào dịp đám cưới, về nhà mới họ cũng ngâm, cũng hát truyện thơ. Ngay cả trong các dịp lễ tết như hội Then, hội mường, hội bản, hội cốm,… mọi người cũng ngồi quây quần đủ mọi lứa tuổi, thành phần,... bên bếp lửa hay mâm rượu, trổ tài ngâm, hát truyện thơ. Người này tiếp người kia, truyện này tiếp truyện kia, hai ba ngày không hết. Đó cũng là phương thức để truyền dạy và học truyện thơ trong cộng đồng các dân tộc Lai Châu. 15
- Dựa trên nguồn tư liệu hiện có ở Lai Châu, có thể chia truyện thơ thành các loại sau: – Truyện phóng tác từ tích truyện của người Việt: Lang Chang Nguyên phóng tác từ tích truyện thơ Tống Trân – Cúc Hoa,… – Truyện phóng tác từ tích truyện của Trung Quốc: Bàn cổ khai thiên lập địa ca, Tạo An Đức – nàng Chiêu Công, Tạo Xam Lương – nàng Anh Đài,... – Truyện phóng tác từ tích truyện cổ tích: Sự tích cây tính tảu (1), Năm anh em Cha Lang, Chíp Chèng – Vuồng Măng, Ý Nọi nàng Xơ,… Ở Lai Châu, có một số truyện thơ đã được sưu tầm, xuất bản như: Truyện thơ dân tộc Thái, quyển 1, 2, 3; Truyện thơ Thái (Sự tích cây Tính tảu, Năm anh em Cha Lang, Chíp Chèng – Vuồng Măng); Truyện thơ Thái (Nàng Hiến Hom, Nàng Ý Tú, Ý Nọi nàng Xơ); Truyện thơ của người Dao Khâu ở Sìn Hồ – Lai Châu (Phiêu dương quá hải ca, Truyện Khai Trung Nghĩa, Truyện Thái Bá Giai, Bài ca Cô Nhị Nương); Truyện thơ của người Dao Khâu ở Sìn Hồ – Lai Châu, tập hai (Bàn Cổ khai thiên lập địa ca, Lưu Ngư Võng ca, Truyện thơ Sơn Bá – Anh Đài); Tiếng hát làm dâu (Gầu Ua Nhéng – Gầu Uô Nháng); Truyện thơ dân tộc Thái (Truyện nàng Chiêu Quân, Anh Khó giết muỗi thần, Truyện Khua Tưng và nàng É Khạy). ? – Trình bày đặc trưng của truyện thơ và nêu các hình thức lưu truyền, diễn xướng truyện thơ ở Lai Châu. – Truyện thơ ở Lai Châu được chia thành mấy loại? – Nêu hiện trạng truyện thơ trong đời sống cộng đồng các dân tộc ở Lai Châu. Giới thiệu truyện thơ Lưu Ngư Võng ca (Trích Truyện thơ người Dao Khâu ở Sìn Hồ − Lai Châu(2)) Lưu Ngư Võng ca là truyện thơ của người Dao Khâu do nghệ nhân Tẩn Kim Phu sưu tầm và biên dịch gồm 420 câu. Lưu Ngư Võng vốn xuất thân trong một gia đình giàu có. Tai hoạ ập đến khi cha bị kẻ cướp là Chiêu Đại giết hại, mẹ cũng bị bắt ép làm thiếp của tướng cướp. Lưu Ngư Võng bị thả trôi sông và được người dân chài tên Lưu Hà Vạn cứu sống. Lưu Hà Vạn nhận cậu làm con nuôi và đặt tên là Lưu Ngư Võng (Họ Lưu, tên “Ngư Võng” nghĩa là “lưới cá”). (1) Tính tảu hay còn gọi là tính tẩu. (2) Tẩn Kim Phu, Truyện thơ của người Dao Khâu ở Sìn Hồ – Lai Châu, tập 2, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2015. 16
- Lưu Ngư Võng được ăn học, lớn lên thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú. Cậu quyết tâm tìm cho ra gốc tích của mình. Sau khi lưu lạc nhiều nơi, cậu đến làm thuê tại hiệu buôn lớn của ông chủ Chiêu Đại (kẻ đã giết cha mình năm xưa mà Ngư Võng không hề hay biết). Một ngày, ngồi buồn, Ngư Võng đem đàn ra hát, kể lể cuộc đời mình. Phu nhân của Chiêu Đại giật mình nhận ra đây là đứa con lưu lạc bao năm. Hiểu được nguồn cơn sự tình, cậu kiện lên quan phủ về tội ác của Chiêu Đại. Chiêu Đại tập hợp lực lượng đánh nhau với quan phủ nhưng thất bại phải tự vẫn. Ngư Võng làm lễ tạ ơn trời đất, cha nuôi, về sống với mẹ. Lưu Ngư Võng ca là bài ca về khát vọng công lí. Dù rằng hành trình đấu tranh cho công lí chẳng phải dễ dàng nhưng cuối cùng kẻ ác cũng phải đền tội, người tốt được đền đáp. Đó là quan niệm sống “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” mà ta vẫn thường gặp trong các sáng tác dân gian của nhiều dân tộc. Lưu Ngư Võng ca cũng là bài ca về tình người. Trước hết là tình mẫu tử thiêng liêng. Mẹ của Lưu Ngư Võng trong hoàn cảnh ngặt nghèo đã xin kẻ cướp đừng giết con mình một cách dã man như chúng vẫn làm mà cho đứa trẻ được thả trôi sông với hi vọng con mình có cơ hội sống sót. Bà cũng không quên để lại tín vật mong có ngày được nhận mặt con. Tác phẩm cũng là bài ca về lòng nhân ái bao la giữa người với người. Cha nuôi Lưu Hà Vạn đã nuôi nấng, dạy dỗ Ngư Võng nên người bằng tình thương yêu. Cũng chính cha nuôi Lưu Hà Vạn đã ủng hộ chàng trong hành trình ra đi tìm kiếm sự thật về gốc gác của mình. Khi sự thật đã sáng tỏ, Lưu Ngư Võng không quên tạ ơn trời đất, tạ ơn cha nuôi. Đó là bài ca đẹp về đạo lí, về những tình cảm cao quý của con người. Dưới đây là trích đoạn kể về việc Lưu Ngư Võng trở về nhận ra mẹ. Lưu Ngư Võng trở về (Trích Truyện thơ Lưu Ngư Võng ca) Phu nhân mang trâm ra đối chiếu Hai cái trâm này thật đúng đôi Trong trâm đều có khắc kí hiệu Mẹ cha trang bị cho con đi Ngư Võng nghĩ người cần tìm là đây Cúi đầu ba lậy người sinh ra mình Tình cảm mẹ con được nối lại Thù kia không trả uổng làm người. 17
- – Vẽ sơ đồ tóm tắt các thông tin chính trong phần giới thiệu truyện thơ Lưu Ngư ? Võng ca. – Hãy nêu và phân tích một nhận xét mà em tâm đắc trong phần giới thiệu về truyện thơ Lưu Ngư Võng ca. Vì sao em tâm đắc với nhận xét đó? – Đoạn trích trên kể về sự việc gì? Có những nhân vật nào xuất hiện trong đoạn trích? – Hai mẹ con Lưu Ngư Võng đã nhận ra nhau qua tín vật nào? Liệt kê một số truyện cổ dân gian có sự việc tương tự. Giới thiệu truyện thơ Sự tích cây Tính tảu (Trích Truyện thơ dân tộc Thái (1)) Truyện thơ Sự tích cây tính tảu do nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Đỗ Thị Tấc sưu tầm gồm 2 092 câu thơ, có thể chia làm hai phần lớn. Phần một là câu chuyện về chàng Láng Khắm và nàng tiên nữ Chiếu Niên, cùng với sự hình thành của trời đất, muôn loài, quá trình dựng nước An Nam, lập bản mường. Cây đàn tính là quà tặng của Then(2) mường trời đã cùng Láng Khắm xuống trần gian, giúp chàng kết nhân duyên với nàng Chiếu Niên và trở thành vua Thái (từ đầu đến câu 923). Phần hai là câu chuyện về chàng An Pháu cùng nàng Bua Khắm (con gái của vua Láng Khắm) gắn với quá trình đánh giặc Ngô, đánh gian thần, giữ bình yên cho bản mường. Cây đàn tính đã giúp chàng An Pháu lấy được con gái vua, sau đó trở thành vũ khí giúp chàng đánh thắng quân Ngô, được vua cha nhường ngôi. Nhân dân học làm theo cây đàn tính tảu của vua. Cây đàn gắn bó với cuộc sống thanh bình, thịnh vượng khắp các bản mường (từ câu 924 đến câu 2 092). Nội dung chính của câu chuyện kể về đàn tính nhưng người Thái còn đưa vào đây cả một chuỗi những thần thoại về sự hình thành vũ trụ, về những trận đại hồng thuỷ hay hạn hán thiêu đốt mặt đất vào thuở khai thiên lập địa. Qua đó, chúng ta có thể hình dung được những nẻo đường tổ tiên người Thái đã đi Hình 2.1. Trình diễn nhạc cụ đàn tính tảu qua, đã dừng chân tổ chức cuộc tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc sống bản mường trên Tây Bắc, (1) Đỗ Thị Tấc (Sưu tầm, dịch, biên soạn), Truyện thơ dân tộc Thái (Sự tích cây tính tảu, Năm anh em Cha Lang, Chíp Chèng – Vuồng Măng), NXB Văn hoá Dân tộc, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lai Châu, Hà Nội, 2012. (2) Then là lực lượng siêu tự nhiên, sáng tạo ra thế giới theo quan niệm của người Thái. 18
- với những thiết chế xã hội của người Thái,… Chúng ta có thể hình dung, trong quá trình dài ấy, tổ tiên người Thái đã vật lộn với thiên nhiên, đã lao động vất vả đầy sáng tạo ra sao, đã chiến thắng các trở ngại trong quan hệ giữa người với người quyết liệt như thế nào,… Và vượt lên tất cả, người Thái đã xây dựng nên một nền tảng văn hoá cho con cháu muôn đời sau, trong đó có cả kho tàng nhạc cụ độc đáo. Cây tính tảu cô đúc trong mình bao mồ hôi, nước mắt và máu, biết bao khát vọng, nỗi đau và hạnh phúc của biết bao thế hệ người Thái là thế, nên cây tính tảu có sức quyến rũ người nghe, khiến người nghe bỏ ăn, bỏ ngủ, “gái mường xa chết mê, gái có chồng đang ở rể quên cả chồng yêu”. Dưới đây là đoạn trích đậm chất thơ, bay bổng, thể hiện niềm tự hào về văn hoá truyền thống của dân tộc, gợi liên tưởng đến sức mạnh của nghệ thuật đối với đời sống con người: CÂY ĐÀN TÍNH XUỐNG MƯỜNG TRẦN GIAN (Trích truyện thơ Sự tích cây tính tảu) 310. “Láng Khắm con xin ghi lòng tạc dạ những điều dạy dỗ của Then” Then Chiêu rủ lòng thương nên mới bảo ban Dạy cho tạo Láng Khắm nhiều điều hiểu biết Then căn dặn tạo nhiều lời hay điều đúng Rồi Then bảo Láng Khắm hãy đi xuống hạ giới trần gian. 315. Có điều chi mắc mớ thì gọi tìm đến Then chủ “Hãy xuống hạ giới vui với ruộng nương làm ăn sinh sống nhé”. Rồi Then Chiêu lấy ban cho tạo nhiều của đủ thứ Cả cây đàn tính tảu xinh xắn có ba dây Gẩy dây nào ngân lên điệu dây đó. 320. Gẩy đều ba dây tiếng tưng bừng ngân vang Tay gẩy đi gẩy lại càng ngân nhiều thanh điệu Then Chiêu còn cho cả sáo gióng, sáo nối, cả nhị, đồ chơi Cả trống chiêng để múa hát xoè vui nữa đó Ban quà xong Then Chiêu còn dặn dò thêm: 325. “Láng Khắm ngươi xuống tới nơi trời và đất nối liền nhau Thì hãy nghỉ đem tính tảu ba dây ra gẩy cho lại sức Tiếng đàn tính sẽ ngân thành trầm vang tới nhà vua Tiên Hoàng trên cao Âm thanh sẽ vọng tới tim nàng Chiếu Niên tiên nữ Câu yêu thương theo tiếng đàn khắc xao xuyến thành lời. 19
- 330. Ngươi xuống tới đó hãy nhớ làm theo như ta dặn.” Tạo Láng Khắm cáo từ xin phép Then Chiêu ra về Tạo Láng Khắm đi xuống hạ giới trần gian chỗ cũ Láng Khắm đi tới nơi nối giữa đất và trời Tạo mới dừng chân nghỉ ngơi cho lại sức. 335. Tạo đem cây đàn tính nhỏ ba dây ra để gẩy Gẩy cho tình bé nhỏ ở nơi đỉnh cao nao lòng Gẩy cho người tình say đắm mặn nồng nơi núi rừng hoang vu buồn nhớ Gẩy cho muôn vật trần gian chết nửa thân mình Gẩy cho người tình ở nơi xa xôi cách mường mê đắm. 340. Gẩy cho em thân ngọc vợ hồn đến cùng Tiếng đàn tính của tạo vang khắp bốn phương Tiếng đàn tính tạo vọng khắp đất mường bốn hướng Tất cả lợn, hổ, nai, hoẵng, tê giác và voi Cùng ve, chim chóc nơi núi rộng rừng thẳm kéo tới tụ họp. 345. Cả rồng, phượng ở nơi núi cao hang đá Cả thuồng luồng cổ vằn ở dưới vực sâu cũng tới chầu Tiếng đàn tính ngân xuống nước, cá quên đẻ trứng Tiếng đàn tính vọng tới mường, gà quên không gáy Cả tê giác, voi, nai, hoẵng, cũng quên dậy đi ăn cỏ. 350. Chó sói, hổ vằn nơi hang sâu vách đá cũng quên không kiếm ăn Cả chim chóc ve sầu ở nơi núi cao rừng sâu cũng quên kêu Tiếng đàn ngâm thánh thót vọng lên xuyên thấu trái tim người Nàng Chiếu Niên tiên nữ mới chăm chú lắng nghe Tiếng đàn tính của Láng Khắm gợi lên bao nỗi nhớ. ? – Vẽ sơ đồ tóm tắt các thông tin chính của phần giới thiệu truyện thơ Sự tích cây tính tảu. – Không gian trong đoạn trích được thể hiện qua những hình ảnh và từ ngữ nào? Em có ấn tượng gì về không gian trong đoạn trích? – Chỉ ra sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình trong đoạn trích. – Nghe/xem một trích đoạn đàn tính hoặc tìm đọc một số bài viết về cây tính tảu mà em biết, từ đó rút ra nhận xét về vai trò của cây tính tảu trong đời sống của các dân tộc ở Lai Châu hiện nay. 20
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Tiền Giang lớp 6
64 p | 212 | 35
-
Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Long An lớp 6
76 p | 226 | 19
-
Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Hà Tĩnh lớp 6
56 p | 84 | 17
-
Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Hưng Yên lớp 7
64 p | 201 | 16
-
Tài liệu Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội lớp 2
48 p | 95 | 16
-
Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Bình Phước lớp 7
64 p | 102 | 15
-
Tài liệu Giáo dục địa phương thành phố Đà Nẵng lớp 6
48 p | 173 | 15
-
Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lớp 4
84 p | 115 | 14
-
Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lớp 8
76 p | 96 | 9
-
Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Bắc Ninh lớp 6
76 p | 79 | 9
-
Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Tiền Giang 6
66 p | 63 | 9
-
Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Hoà Bình lớp 1
72 p | 63 | 9
-
Tài liệu Giáo dục địa phương thành phố Cần Thơ lớp 10
97 p | 87 | 8
-
Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Vĩnh Phúc lớp 6 (Sách giáo viên)
69 p | 81 | 6
-
Tài liệu Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội lớp 3
44 p | 25 | 6
-
Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Bạc Liêu lớp 6
95 p | 25 | 6
-
Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Bình Phước lớp 3
52 p | 18 | 5
-
Tài liệu Giáo dục địa phương môn Địa lí lớp 9
35 p | 8 | 3
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn