intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tóm tắt luận án Tiến sĩ Luật học: Quyền sở hữu trí tuệ trong mối quan hệ với pháp luật cạnh tranh

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:26

45
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tóm tắt luận án Tiến sĩ Luật học "Quyền sở hữu trí tuệ trong mối quan hệ với pháp luật cạnh tranh" nghiên cứu các cơ sở lý luận và thực tiễn của mối quan hệ giữa quyền sở hữu trí tuệ và pháp luật cạnh tranh. Từ đó chỉ ra sự cần thiết phải điều chỉnh hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng pháp luật cạnh tranh. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết tại đây nhé.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tóm tắt luận án Tiến sĩ Luật học: Quyền sở hữu trí tuệ trong mối quan hệ với pháp luật cạnh tranh

  1. ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - LUẬT BÙI THỊ HẰNG NGA QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI PHÁP LUẬT CẠNH TRANH TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC Chuyên ngành: Luật kinh tế Mã số chuyên ngành: 62.38.01.07 Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2019
  2. Công trình được hoàn thành tại: Trường Đại học Kinh tế - Luật Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Dương Anh Sơn Phản biện độc lập 1: Phản biện độc lập 2: Phản biện 1: Phản biện 2: Phản biện 3: Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án họp tai ………………………………………………………………………………… ………………………………………………………………………………… Vào lúc……………ngày……….tháng………năm ……. Có thể tìm hiểu luận án tại: - Thư viện trung tâm ĐHQG TP.HCM - Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM - Thư viện trường Đại học Kinh tế - Luật
  3. PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do lựa chọn đề tài Với các lợi thế cạnh tranh có được từ độc quyền sở hữu trí tuệ, các chủ thể nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ có thể ngăn cản việc tiếp cận khoa học công nghệ thông qua các ràng buộc mang tính hạn chế cạnh tranh nhằm ngăn cản sự gia nhập thị trường của các doanh nghiệp khác, thậm chí là từ chối chuyển giao dẫn đến ngăn cản sự tiếp cận khoa học công nghệ, phát minh sáng tạo của người tiêu dùng. Tất cả những điều đó, nếu xảy ra, không chỉ ảnh hưởng đến sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và phúc lợi cho cộng đồng. Điều đó đòi hỏi hệ thống pháp luật các quốc gia ngoài các quy định đảm bảo quyền độc quyền cho chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ, cũng như cơ chế đảm bảo cho họ thực hiện các quyền năng của mình một cách thuận lợi, hiệu quả thì cũng cần có các quy định ngăn cản hành vi lạm dụng quyền năng đó của họ gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi hợp pháp của các chủ thể khác, cũng như những yêu cầu chính đáng cho sự phát triển chung của cộng đồng. Tại Việt Nam, tầm quan trọng của việc điều chỉnh pháp luật cạnh tranh đối với thực thi quyền sở hữu trí tuệ bước đầu đã được đề cập trong các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ mới chỉ dừng lại điều chỉnh đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ, các hành vi hạn chế cạnh tranh được dẫn chiếu sang các quy định của pháp luật cạnh tranh. Trong khi đó, Luật Cạnh tranh 2004 và Luật Cạnh tranh 2018 hướng đến điều chỉnh các hành vi hạn chế cạnh tranh nói chung chứ không có các quy định giành riêng cho các hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, các đặc trưng của quyền sở hữu hữu trí tuệ không được tính đến khiến cho rất nhiều các hành vi trên thực tế được xem là quyền hợp pháp của chủ sở hữu theo quy định của luật sở hữu trí tuệ lại trở thành hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh. Vì vậy, việc nghiên cứu một cách tổng thể mối quan hệ giữa quyền sở hữu trí tuệ trong mối quan hệ với pháp luật cạnh tranh nhằm xây dựng các nguyên tắc và phạm vi điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong mối quan hệ cân bằng lợi ích giữa quyền độc quyền của chủ sở hữu và môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng là việc làm cần thiết nhằm xây dựng cơ chế pháp lý thúc đẩy hoạt động đầu tư, nghiên cứu sáng tạo gắn liền với phát triển kinh tế quốc gia, đảm bảo lợi ích cộng đồng, phúc lợi xã hội. Do vậy, việc tác giả lựa chọn đề tài Quyền sở hữu trí tuệ trong mối quan hệ với pháp luật cạnh tranh làm luận án tiến sĩ là việc làm hết sức cần thiết nhằm đảm bảo sự thống nhất của các quy định pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể tại Việt Nam. 1
  4. 2. Mục tiêu nghiên cứu - Nghiên cứu các cơ sở lý luận và thực tiễn của mối quan hệ giữa quyền sở hữu trí tuệ và pháp luật cạnh tranh. Từ đó chỉ ra sự cần thiết phải điều chỉnh hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng pháp luật cạnh tranh. - Dựa trên quy định của pháp luật các quốc gia phát triển, có kinh nghiệm, áp dụng hiệu quả pháp luật cạnh tranh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ để xác định được các nguyên tắc, giới hạn điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể là hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ. - Đánh giá thực trạng quy định của pháp luật Việt Nam điều chỉnh đối với hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong mối tương quan với pháp luật cạnh tranh, chỉ ra các nội dung chưa được pháp luật giải quyết hoặc còn hạn chế nhằm đưa ra các giải pháp hoàn thiện. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Trong nội dung luận án, tác giả chỉ phân tích, đánh giá điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ cụ thể là đối với sáng chế trong quá trình thực hiện chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ. 4.Ý nghĩa lý luận và thực tiễn Thông qua nội dung trình bày, luận án đã tổng quan được tình hình nghiên cứu liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong mối quan hệ với pháp luật cạnh tranh. Nêu ra được các lý thuyết nghiên cứu làm cơ sở cho việc đánh giá tác động của quyền sở hữu trí tuệ đối với môi trường cạnh tranh từ đó xác định giới hạn điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm đảm bảo hài hòa, cân bằng lợi ích của chủ sở hữu tài sản sở hữu trí tuệ với mối trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, công bằng. Đồng thời, phân tích, đánh giá quy định của pháp luật có liên quan, luận án đã đánh giá cụ thể về thực trạng điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam từ đó đưa ra các giải pháp có tính khả thi trong việc điều chỉnh pháp luật cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam trong thời gian sắp tới. 5. Những điểm mới khoa học của luận án Thông qua nội dung được trình bày, luận án đã làm sáng tỏ các nội dung sau:  Phân tích các cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm đánh giá tác động tiêu cực của việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ đối với môi trường cạnh tranh.  Xác định nhu cầu và giới hạn điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với hoạt động thực hiện quyền sở hữu trí tuệ nhằm đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên liên quan.  Phân tích mối quan hệ giữa pháp luật cạnh tranh và pháp luật sở hữu trí tuệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam nhằm chỉ ra các hạn chế còn tồn tại trong việc điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với hoạt động thực thi quyền 2
  5. sở hữu trí tuệ, từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện cho quá trình xây dựng và áp dụng các quy định pháp luật có liên quan. CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1 Tổng quan về tình hình nghiên cứu 1.1.1 Các công trình nghiên cứu liên quan đến mối quan hệ giữa quyền sở hữu trí tuệ và pháp luật cạnh tranh a. Các công trình nghiên cứu trên thế giới Mối quan hệ giữa quyền sở hữu trí tuệ và pháp luật cạnh tranh là vấn đề phức tạp và được xem xét từ nhiều năm nay tại các diễn đàn pháp lý và kinh tế. Trên thế giới, có khá nhiều các công trình nghiên cứu thể hiện dưới các ấn phẩm là sách chuyên khảo, sách hướng dẫn, các bài báo khoa học đề cập đến vấn đề nêu trên. (1) Đầu tiên phải kể đến ấn phẩm của OECD (Organisation for Economic Co-operation and Development), Competition Policy and Intellectual Property Rights, công bố năm 1997. (2) Research Handbook On Intellectual Property And Competition Law, Edited by Jodef Drexl Published by Edward Elgar 2008 (3) Dr Ioannis Lianos, New Challenges In The Intersection Of Intellectual Property Rights With Competttion Law – A View From Europe And The United States, Centre for Law, Economics and Society CLES Faculty of Laws- UCL, CLES Working Paper Series 4/2013 (4) The interface between intellectual rights anh competition policy Edited by Steven d. Anderman (2007), Cambridge University Press (5) R Ian McEwin, Intellectual property, Competition Law and Economics in Asias, Published by Hart Publishing, 2011 (6) Hillary Greene, International issuse relating to a pro-innovation patent systerm and Competition Law tổ chức tại Đại Học Nagoya – Nhật Bản tháng 9/2013 (7) Atul Patel, Aurobinda Panda, Deo, Siddhartha Khettry And Sujith Philip Mathew, Intellectual property law and competition law, Journal of international commercial law and technology vol. 6, issue 2 (2011) b. Các công trình nghiên cứu tại Việt Nam Tại Việt Nam thì đã có một số tác giả quan tâm và bắt đầu nghiên cứu về vấn đề này dù không nhiều. Do đó, đây vẫn là vấn đề nghiên cứu khá mới mẻ, còn nhiều khó khăn để nghiên cứu, khai thác nhằm làm rõ các khía cạnh liên quan. (1) Đầu tiên phải kể đến sách Pháp luật cạnh tranh và chuyển giao công nghệ và hiệp định Trips, kinh nghiệm cho Việt Nam của tác giả Nguyễn Thanh Tú, nhà xuất bản chính trị quốc gia năm 2010. 3
  6. (2) Luận văn thạc sĩ luật học: So sánh pháp luật về điều khoản hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng có liên quan đến sở hữu trí tuệ của Liên Minh Châu Âu và Việt Nam của tác giả Cù Hồng Anh thực hiện năm 2013. (3) Th.S Nguyễn Như Quỳnh (2009), Xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam, Tạp chí Luật học. (4) Nguyễn Thanh Tâm (2006), Thực trạng Pháp Luật Việt Nam về chống cạnh tranh không lành mạnh và kiểm soát độc quyền liên quan tới quyền sở hữu công nghiệp trong hoạt động thương mại, Tạp chí Luật học. (5) Các tài liệu liên quan đến quá trình sửa đổi Luật Cạnh tranh 2018 (bao gồm Dự thảo, Tờ trình Chính phủ, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Cạnh tranh, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh). 1.1.2 Đánh giá chung về các công trình nghiên cứu liên quan đến mối quan hệ giữa pháp luật cạnh tranh và pháp luật sở hữu trí tuệ Mặc dù, pháp luật của các quốc gia có những ưu tiên và cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, thông qua các công trình nghiên cứu đã được công bố thì các nhà nghiên cứu đã thừa nhận một số vấn đề sau: - Một là, Xuất phát từ mục tiêu dài hạn thì giữa luật cạnh tranh và luật sở hữu trí tuệ có mối quan hệ, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thực thi quyền sở hữu trí tuệ. - Hai là, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ nếu vượt qua những giới hạn được đặt ra bởi pháp luật thì cần được loại bỏ ra khỏi môi trường kinh doanh. - Ba là, hoạt động thực hiện quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu có khả năng tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh dưới hai khía cạnh: (1) Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và (2) lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền có được từ quyền sở hữu trí tuệ. - Bốn là, hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ có thể được thể hiện dưới dạng là hành vi đơn phương của chủ thể nhưng cũng có thể được thể hiện dưới dạng các điều khoản trong hợp đồng mà ở đó với thế mạnh độc quyền của mình chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đã tước bỏ khả năng thỏa thuận của chủ thể còn lại. - Năm là, các hành vi hạn chế cạnh tranh khi thực hiện quyền sở hữu trí tuệ thường gắn liền với việc chuyển giao sáng chế. - Sáu là, tại Việt Nam, mặc dù không có nhiều công trình nghiên cứu có liên quan nhưng bước đầu, các công trình nghiên cứu đó đã bước đầu chỉ ra được sự bất cập của việc áp dụng Luật Cạnh tranh để điều chỉnh việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên thực tế. 1.1.3 Các công trình nghiên cứu liên quan đến các hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ cụ thể theo quy định của pháp luật cạnh tranh Liên quan đến điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, các nhà nghiên cứu pháp luật của các quốc gia trên thế 4
  7. giới đã có khá nhiều công trình nghiên cứu tương ứng với việc thực hiện các quyền cụ thể của chủ sở hữu. Có thể chia thành hai nhóm: - Các công trình liên quan đến các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ - Các công trình liên quan đến hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ Trong khi đó, mối quan hệ giữa quyền sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ với pháp luật cạnh tranh là một vấn đề còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Vậy nên, hiện nay không có công trình nghiên cứu nào tại Việt Nam nghiên cứu về các khía cạnh điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với các hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ cụ thể của chủ sở hữu. 1.1.4 Đánh giá về các công trình nghiên cứu liên quan đến điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ Khi nghiên cứu về quá trình thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật cạnh tranh, các công trình nghiên cứu đều thừa nhận rằng: - Liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, pháp luật trao cho chủ sở hữu quyền độc quyền nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc pháp luật cho phép họ được lạm dụng thế mạnh đó để chèn ép đối tác, gây hạn chế cạnh tranh. - Điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh chỉ xuất hiện khi chủ sở hữu có dấu hiệu lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ thông qua các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền hoặc thông qua các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. - Quyền sở hữu trí tuệ không mặc nhiên mang lại sức mạnh thị trường cho chủ sở hữu. Do đó, để xem xét xem hành vi của chủ sở hữu trí tuệ có vi phạm pháp luật cạnh tranh hay không thì việc đầu tiên, các cơ quan có liên quan phải xác định xem chủ thể đó có sức mạnh thị trường hay không. - Trong mối tương quan với độc quyền sở hữu trí tuệ thì các hành vi hạn chế cạnh tranh khi thực hiện quyền sở hữu trí tuệ cần phải được đánh giá theo nguyên tắc lập luận hợp lý thay vì nguyên tắc vi phạm mặc nhiên. 1.2 Cơ sở lý thuyết nghiên cứu 1.2.1 Lý thuyết về đòn bẩy Với các đặc trưng của mình, quyền sở hữu trí tuệ được xem như là một đòn bẩy hiệu quả để chủ sở hữu đạt được sức mạnh thị trường. Do đó, dưới góc độ của pháp luật cạnh tranh lý thuyết về đòn bẩy được sử dụng để lý giải cho các trường hợp doanh nghiệp lạm dụng sức mạnh thị trường (độc quyền) có được từ quyền sở hữu trí tuệ để gây hạn chế cạnh tranh thông qua hành vi bán kèm, chuyển giao cả gói. 1.2.2 Học thuyết điều kiện thiết yếu (The essential facility doctrine) Học thuyết điều kiện (cơ sở) thiết yếu được phát triển dựa trên Lý thuyết đòn bẩy nhưng với phân tích vào đối tượng cụ thể. Theo đó, việc một doanh nghiệp có sức mạnh thị trường khi sở hữu một điều kiện thiết yếu như cơ sở vật chất hay các quyền sở hữu trí tuệ được xem là tiền đề để gia nhập thị trường sẽ có khuynh hướng ngăn cản các đối thủ cạnh tranh gia nhập thị trường bằng 5
  8. cách không chuyển giao hoặc không cho phép tiếp cận. Điều đó sẽ tạo ra rào cản gia nhập thị trường cho các đối thủ tiềm năng, gây hạn chế cạnh tranh. Học thuyết điều kiện thiết yếu được xây dựng để loại bỏ nguy cơ này, theo đó, trong một số trường hợp, pháp luật sẽ buộc các doanh nghiệp sở hữu điều kiện được xem là cơ bản, thiết yếu phải cung cấp quyền tiếp cận cho các chủ thể có nhu cầu với một mức giá hợp lý nhằm loại bỏ sự độc quyền có thể gây hại đến cạnh tranh của chủ sở hữu. 1.2.3 Học thuyết lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ (A misuse doctrine) Học thuyết lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ được đề cập đến như một cách thức bảo vệ các bên bị cáo buộc có hành vi vi phạm độc quyền sáng chế khi họ chứng minh được chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đã cố gắng mở rộng tính độc quyền của quyền sở hữu trí tuệ của mình vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật gây hạn chế cạnh tranh. Theo đó, khi một chủ thể bị khởi kiện (bị đơn) có hành vi vi phạm độc quyền đối với bằng sáng chế từ chủ sở hữu sáng chế đó (nguyên đơn) và không muốn phải gánh chịu các chế tài (chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn) thì bị đơn có thể chứng minh rằng nguyên đơn đã có hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ. Điều đó chỉ được thừa nhận nếu bị đơn chứng minh được rằng nguyên đơn đã (1) thực hiện quyền sở hữu trí tuệ vượt quá phạm vi cho phép của pháp luật sở hữu trí tuệ (2) tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh. 1.2.4 Nguyên tắc vi phạm mặc nhiên (per ser) và nguyên tắc lập luận hợp lý (rule of reason) Vi phạm mặc nhiên là nguyên tắc coi một số hành vi là mặc nhiên vi phạm pháp luật cạnh tranh. Nguyên tắc này được áp dụng để quy định cấm tuyệt đối đối với những hành vi, thỏa thuận điển hình có bản chất hạn chế cạnh tranh nghiêm trọng . Trái ngược lại với nguyên tắc vi phạm mặc nhiên là nguyên tắc lập luận hợp lý (rule of reason). Đây là nguyên tắc đánh giá các khía cạnh kinh tế cũng như những tác động tích cực của các hành vi hạn chế cạnh tranh bên cạnh tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh để cân nhắc thừa nhận hay không đối với các hành vi, thỏa thuận đó. 1.3 Câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu Luận án hướng đến nghiên cứu những tác động của quyền sở hữu trí tuệ đối với môi trường cạnh tranh từ đó đặt ra nhu cầu cũng như giới hạn điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể trên thực tế nhằm cân bằng hợp lý giữa quyền năng của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ với việc đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, minh bạch hay nói cách khác luận án hướng đến trả lời cho câu hỏi đặt trong mối quan hệ với pháp luật cạnh tranh quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện như thế nào? 6
  9. Để làm sáng tỏ vấn đề nêu trên, luận án hướng đến giải quyết các câu hỏi nghiên cứu sau đây: Câu hỏi nghiên cứu 1: tại sao hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ cần phải được điều chỉnh bằng cả pháp luật cạnh tranh bên cạnh các quy định của luật sở hữu trí tuệ. Giả thuyết nghiên cứu: Với các đặc trưng của mình, hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ có nguy cơ gây ra các tác động tiêu cực đến cạnh tranh đặc biệt là trong trường hợp chủ sở hữu lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ để mở rộng lợi thế cạnh tranh, độc quyền của mình trên thị trường. Đó chính là lý do quan trọng khiến cho việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ cần được điều chỉnh bằng cả pháp luật cạnh tranh bên cạnh luật sở hữu trí tuệ. Câu hỏi nghiên cứu số 2: giới hạn điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên thực tế cần được xác định như thế nào. Giả thuyết nghiên cứu: Nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ, trong mối quan hệ với pháp luật sở hữu trí tuệ,“các quy định của pháp luật cạnh tranh chính là kết quả của việc đặt ra những giới hạn cho việc tự do thực hiện những quyền liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đã được cho phép và bảo vệ bởi luật sở hữu trí tuệ”. Câu hỏi nghiên cứu số 3: pháp luật Việt Nam cần được xây dựng như thế nào nhằm đảm bảo cân bằng quyền lợi của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ trong mối tương quan với pháp luật cạnh tranh. Giả thuyết nghiên cứu: Để đảm bảo quyền hợp pháp của chủ sở hữu khi thực hiện quyền của chủ thể đối với tài sản thuộc sở hữu của mình thì điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ phải đặt trong mối tương quan song song với pháp luật sở hữu trí tuệ. Do đó, hệ thống pháp cần phải có các quy định riêng để điều chỉnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. 1.4 Phương pháp nghiên cứu Luận án được trình bày dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác- Lenin về nhà nước và pháp luật với phương pháp nghiên cứu nền tảng là phương pháp duy vật biện chứng. Bên cạnh đó tác giả còn sử dụng các phương pháp cụ thể như: phương pháp phân tích, tổng hợp tài liệu, phương pháp so sánh luật học, phương pháp nghiên cứu tình huống và phương pháp phân tích luật viết. 1.5 Bố cục của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận án được trình bày thông qua 4 chương: Chương 1: Tổng quan về vấn đề nghiên cứu 7
  10. Chương 2: Quyền sở hữu trí tuệ và tác động của quyền sở hữu trí tuệ đối với môi trường cạnh tranh Chương 3: Điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ Chương 4: Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong mối quan hệ với pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam CHƯƠNG 2: QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ TÁC ĐỘNG CỦA QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG CẠNH TRANH 2.1 Khái quát chung về quyền sở hữu trí tuệ 2.1.1 Khái niệm, đặc điểm của tài sản sở hữu trí tuệ Có nhiều cách diễn đạt khác nhau nhưng nhìn chung, cả WIPO lẫn IPOS đều nhấn mạnh tài sản trí tuệ là các sản phẩm do hoạt động sáng tạo trí óc tạo ra và chủ thể được hưởng các độc quyền đối với các sản phẩm đó. Từ khái niệm trên, có thể nhận thấy tài sản trí tuệ có những đặc trưng riêng biệt so với các loại tài sản thông thường. Một là, tài sản trí tuệ là loại tài sản vô hình Hai là, tài sản trí tuệ không thể nắm giữ về mặt cơ học nên rất khó quản lý. Ba là, tài sản trí tuệ là loại tài sản rất khó thay thế Bốn là, tài sản sở hữu trí tuệ là nền tảng cho việc phát triển bền vững 2.1.2 Khái niệm, đặc trưng của quyền sở hữu trí tuệ Quyền sở hữu trí tuệ hiểu một cách đơn giản là quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ hay nói cách khác đó là các quyền được trao cho chủ thể với các sáng tạo trí óc của họ nó bao gồm hai phần chính là quyền tác giả, các quyền liên quan đến quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp. Nhìn chung, do xuất phát từ đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ là các tài sản trí tuệ có những đặc trưng riêng nên quyền sở hữu trí tuệ cũng có những điểm khác biệt nhất định so với quyền sở hữu các tài sản thông thường: Thứ nhất, độc quyền của quyền sở hữu trí tuệ bị giới hạn bởi thời gian bảo hộ Thứ hai, quyền sở hữu trí tuệ mang lại lợi thế cạnh tranh cho chủ sở hữu Thứ ba, quyền sở hữu trí tuệ giúp chủ sở hữu có được sức mạnh thị trường Thứ tư, quyền sở hữu trí tuệ tạo cho chủ sở hữu có được đòn bẩy độc quyền Thứ năm, việc thực hiện quyền của chủ sở hữu sẽ bị hạn chế trong một số trường hợp cụ thể. 2.1.3 Ảnh hưởng của quyền sở hữu trí tuệ đối với môi trường cạnh tranh Xuất phát từ bản chất đặc trưng cũng như lợi thế mà quyền sở hữu trí tuệ mang lại cho chủ sở hữu cho nên trong quá trình thực hiện quyền năng 8
  11. được pháp luật thừa nhận, trong mối tương quan với cấu trúc thị trường, tính cạnh tranh của nền kinh tế thì hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ ngoài tác động tích cực còn có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh. Tác động tiêu cực của quyền sở hữu trí tuệ có thể xuất phát từ chính (1) các quy định của pháp luật liên quan đến việc thừa nhận và bảo vệ sự độc quyền của nó (2) hoặc có thể gây ra bởi hành vi lạm dụng của chủ sở hữu. 2.2 Lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ và hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh Nguy cơ gây hạn chế cạnh tranh khi thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên thực tế là có thực bởi chính những đặc trưng của quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, hành vi của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ chỉ bị xem là vi phạm pháp luật cạnh tranh chỉ khi đó là kết quả của việc lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ, nghĩa là chủ sở hữu đã cố gắng mở rộng tính độc quyền của quyền sở hữu trí tuệ vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật và gây hạn chế cạnh tranh. 2.2.1 Xác định hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ Việc xem xét nhằm chứng minh rằng hành vi của chủ thể là kết quả của lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện dựa trên Học thuyết lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ (A misuse doctrine). Theo đó, một hành vi của một chủ thể bị xem là lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ khi: (i) Thực hiện quyền sở hữu trí tuệ vượt quá phạm vi cho phép của pháp luật sở hữu trí tuệ (chủ thể đã có hành vi lạm quyền) (ii) Tác động tiêu cực tới cạnh tranh 2.2.2 Tác động hạn chế cạnh tranh của hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ Về nguyên tắc, yếu tố đủ để đánh giá một hành vi cụ thể của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ là hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ chính là tác động hạn chế cạnh tranh của hành vi đó. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng hành vi cụ thể của chủ thể mà tác động hạn chế cạnh tranh của hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ sẽ được thể hiện khác nhau trên thực tế. Cụ thể, tác động hạn chế cạnh tranh có thể được thể hiện thông qua các khía cạnh sau: - Lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ tạo ra rào cản gia nhập thị trường - Lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ ngăn cản quyền tự do giao kết hợp đồng - Lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ dẫn đến hậu quả loại bỏ đối thủ cạnh tranh - Lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng 2.3 Nhu cầu điều chỉnh hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng pháp luật cạnh tranh 2.3.1 Sự cần thiết phải điều chỉnh bằng pháp luật cạnh tranh đối với hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ 9
  12. Mục tiêu chính của sở hữu trí tuệ là khuyến khích đổi mới bằng các biện pháp bảo vệ quyền lợi cho các nhà phát minh. Trong khi đó, mục tiêu của chính sách cạnh tranh nói chung và pháp luật cạnh tranh nói riêng là tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng cách sửa chữa những thất bại của thị trường. Tuy vậy, cả chính sách sở hữu trí tuệ và cạnh tranh đều có chung mục tiêu cuối cùng là tăng cường tăng trưởng kinh tế và phúc lợi tiêu dùng. Do đó, trong mối tương quan với hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu, pháp luật cạnh tranh có vai trò quan trọng thể hiện qua các khía cạnh: (1) Đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng, minh bạch (2) Bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ (3) Nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ, xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường (4) Thúc đẩy việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong kinh doanh. (5) Góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng 2.3.2 Yêu cầu của việc điều chỉnh hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng pháp luật cạnh tranh Xuất phát từ sự tác động của việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với môi trường cạnh tranh thì chúng ta đều thừa nhận rằng: thực thi quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu cần phải được đặt trong mối tương quan với pháp luật cạnh tranh. Sự cần thiết đó phát sinh dựa trên các lý do cơ bản sau:  Đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia  Đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các chủ thể  Tạo sự cân xứng về các lợi ích mà pháp luật bảo vệ  Đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh  Góp phần thực thi các cam kết quốc tế 2.4 Giới hạn điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ Mặc dù mối quan hệ giữa quyền sở hữu trí tuệ, pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật cạnh tranh được thể hiện ở các mức độ khác nhau trong hệ thống pháp luật của các quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, pháp luật các quốc gia đều thừa nhận một số nguyên tắc nhất định liên quan đến giới hạn điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với quyền sở hữu trí tuệ và việc thực thi chúng. Theo đó, quyền sở hữu trí tuệ không nên xem là yếu tố gây mâu thuẫn, hạn chế cạnh tranh, nếu không, hệ thống pháp luật bảo vệ thành quả của phát minh, sáng tạo sẽ bị khuyết đi một phần. Do đó, giới hạn điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ phải được xác định trong từng vụ việc cụ thể theo nguyên tắc lập luận hợp lý thông qua các khía cạnh: (1) đối tượng nào sẽ chịu 10
  13. sự điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh; (2) chủ thể thực hiện là ai; (3) hành vi nào của chủ thể bị xem là vi phạm; (4) pháp luật cần kiểm soát điều gì. CHƯƠNG 3: ĐIỀU CHỈNH CỦA PHÁP LUẬT CẠNH TRANH ĐỐI VỚI HÀNH VI LẠM DỤNG QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ Dựa vào phạm vi nghiên cứu của luận án đã được tác giả xác định thì điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh sẽ được xem xét đối với các hành vi thể hiện ý chí áp đặt của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Hay nói cách khác đó là kết quả của việc lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ như: định giá bất hợp lý, từ chối chuyển giao, điều khoản bán kèm, yêu cầu chuyển giao ngược... 3.1 Hành vi ấn định giá bán lại độc quyền trong hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ 3.1.1 Khái niệm về ấn định giá Ấn định giá bán là một thỏa thuận giữa những người tham gia cùng phía trong một thị trường để mua hoặc bán một sản phẩm, dịch vụ hoặc hàng hóa chỉ ở một mức giá cố định hoặc duy trì các điều kiện thị trường sao cho giá được duy trì ở một mức nhất định bằng cách kiểm soát nguồn cung và nhu cầu. Ấn định giá bán lại hay còn được gọi là duy trì giá (resale price maintenance - RPM) được hiểu là hành vi bắt buộc các nhà phân phối, các nhà bán lẻ phải bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ với một mức giá bắt buộc hoặc mức giá tối thiểu (hoặc tối đa). 3.1.2 Các hình thức ấn định giá bán lại và tác động của nó đối với môi trường cạnh tranh Cách thức ấn định giá bán lại hàng hóa- dịch vụ trong thực tế rất đa dạng, có thể bao gồm: - Mức giá cố định (fixing price) - Mức giá tối thiểu (minimum prices) - Mức giá tối đa (maximum prices) 3.1.3. Điều chỉnh của pháp luật đối với hành vi ấn định giá bán trong hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ a.Pháp luật Hoa Kỳ Tại Hoa Kỳ, hành vi ấn định giá lại được xem xét đánh giá theo nguyên tắc lập luận hợp lý cho dù mức giá ấn định là mức giá tối đa, tối thiểu hay mức giá cố định. Theo đó, hành vi ấn định giá bán lại của một chủ thể sẽ bị xem là vi phạm pháp luật khi thỏa mẫn các tiêu chí thể hiện tác động hạn chế cạnh tranh: - Sức mạnh thị trường - Chính sách áp đặt của người bán. - Sự phổ biến của hành vi b.Pháp luật Châu Âu 11
  14. Tại Châu Âu, hành vi ấn định giá được điều chỉnh bởi Điều 101 (1) Hiệp ước về hoạt động của liên minh châu âu TFEU quy định: “trực tiếp hoặc gián tiếp ấn định giá mua bán hàng hóa hoặc các điều kiện thương mại khác là hành vi bị cấm”. Tuy nhiên, hành vi ấn định giá bán lại vẫn có thể được xem xét miễn trừ theo quy định tại Điều 101(3) TFEU và Quy chế chuyển giao công nghệ của EU năm 2004 -TTBER (sửa đổi năm 2014). Cụ thể, khi xem xét thỏa thuận ấn định giá bán lại có được xem là an toàn và được miễn trừ hay không tòa án sẽ đánh gia dựa trên ba tiêu chí: - Các bên tham gia thỏa thuận có là đối thủ cạnh tranh hay không - Mức thị phần của các bên tham gia là bao nhiêu - Liệu thỏa thuận đó có chứa đựng bất kỳ điều khoản vi phạm nghiêm trọng (harcode or excluded restrictions) c. Pháp luật Việt Nam Theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018, mặc dù điều khoản ấn định giá là một điều khoản trong hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ nhưng đó là ý chí đơn phương, áp đặt của bên chuyển giao dựa trên sức mạnh về độc quyền quyền sở hữu trí tuệ. Vậy nên, trong hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, điều khoản ấn định giá bán hàng hóa, dịch vụ cần được xem xét là hành vi lạm dụng của bên chuyển giao áp đặt cho bên nhận chuyển giao theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 27. Theo đó, pháp luật Việt Nam chỉ ngăn cản doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan “Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng” . 3.2 Hành vi định hủy diệt trong hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ 3.2.1 Khái niệm hành vi định giá hủy diệt Hành vi định giá hủy diệt là hành vi ép giá diễn ra tại thị trường cuối nguồn bằng cách ấn định giá đầu ra (giá bán hàng hóa, dịch vụ chứa đựng quyền sở hữu trí tuệ) quá thấp nhằm loại trừ khả năng cạnh tranh về giá của chủ thể nhận chuyển giao (đồng thời là chủ thể cạnh tranh ở thị trường cuối nguồn). 3.2.2 Xác định hành vi định giá hủy diệt Với các cơ sở khoa học và pháp lý đã được thừa nhận thì bản chất bất hợp pháp của hành vi định giá hủy diệt là: - Giá bán sản phẩm quá thấp - Nhằm mục đích loại bỏ đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường hoặc ngăn cản đối thủ cạnh tranh gia nhập thị trường 12
  15. 3.2.3 Điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với hành vi định giá hủy diệt Tại Hoa Kỳ liên quan đến hành vi định giá hủy diệt trước đây có nhiều quan điểm khác nhau, tuy nhiên sau này đã được thống nhất bởi quan điểm của tòa án tối cao trong hai vụ việc Cargill, inc. v. Monfort of Colorado, Inc., and Matsushita Electric Industrial Co., Lid. v. Zenith Radio Corp. Theo đó, nếu như tòa án chứng minh được rằng một doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đã đưa ra một mức giá hủy diệt thì hành vi đó bị xem là vi phạm mặc nhiên theo quy định của Điều 2 Đạo Luật Sherman. Theo quy định của Luật Cạnh tranh Canada thì hành vi định giá hủy diệt có thể được xem là một hình thức của hành vi ấn định giá bán hàng hóa, dịch vụ dưới giá thành sản phẩm nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Tương tự như pháp luật của Hoa Kỳ và Canada, tại Châu Âu hành vi định giá hủy diệt sẽ bị ngăn cấm theo quy định tại Điều 102 TFEU (Hiệp định về hoạt động của Liên minh Châu Âu) “…cấm đối với bất kỳ một hành vi lạm dụng nào do một hoặc một nhóm chủ thể kinh doanh trên thị trường có vị trí thống lĩnh thực hiện trong khuôn khổ thị trường chung hoặc phần khu vực trọng yếu có liên quan”. Tại Việt Nam, Luật Cạnh tranh 2018 không đề cập trực tiếp đến hành vi hủy diệt. Tuy vậy, nếu dựa vào bản chất của vấn đề có thể nhận thấy rằng hành vi định giá hủy diệt được xem xét dưới dạng là hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền để bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh theo quy định tại Khoản 1 Điều 27. Tuy nhiên, trong tương quan với quyền sở hữu trí tuệ các tiêu chí để xác định tính bất hợp pháp của hành vi còn nhiều hạn chế như các xác định mức giá hủy diệt (dưới giá thành toàn bộ) hoặc cách thức xác định vị trí thống lĩnh của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. 3.3 Hành vi từ chối chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ 3.3.1 Xác định tính bất hợp pháp của hành vi từ chối chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ Dưới góc độ của pháp luật cạnh tranh, hành vi từ chối chuyển giao sẽ bị xem là vi phạm pháp luật nếu nó rơi vào trường hợp bắt buộc phải chuyển giao hoặc hành vi đó gây ra hậu quả hạn chế cạnh tranh. 3.3.2 Điều chỉnh pháp luật đối với hành vi từ chối chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ a.Theo quy định của Hiệp định TRIPS Với cách tiếp cận từ chối chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ là một trong những quyền được bảo hộ theo quy định của pháp luật. Cho nên pháp luật không thể ngăn cản quyền từ chối chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho dù chủ thể nhận chuyển giao có là đối thủ cạnh tranh hay không. Tuy nhiên, Hiệp định 13
  16. TRIPS cũng đã trao cho các thành viên quyền áp dụng pháp luật cạnh tranh của quốc gia mình nhằm hạn chế các hành vi lạm dụng của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật cạnh tranh tại Điều 8 và 40 của Hiệp định. b.Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ Trong hệ thống pháp luật Hoa Kỳ, hành vi đơn phương từ chối thỏa thuận là hành vi vi phạm Điều 2 của Đạo luật Sherman về chống độc quyền và bị xem là hành vi vi phạm mặc nhiên. Tuy nhiên, trong mối tương quan với bản chất của quyền sở hữu trí tuệ thì trong một số trường hợp, việc từ chối đó lại được xem là hợp pháp. Do đó, Tòa án Liên bang Hoa Kỳ đã thừa nhận một nguyên tắc: việc chuyển giao không phải là nghĩa vụ mặc nhiên của chủ sở hữu các quyền sở hữu trí tuệ. Hiện nay, theo hệ thống pháp luật Hoa Kỳ hành vi đơn phương từ chối chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ có thể xem xét ở 2 nhóm trường hợp khác nhau: vi phạm hoặc không vi phạm tùy thuộc quá trình đầu tư, nghiên cứu, sáng tạo của chủ thể, sự cần thiết của việc phổ biến quyền sở hữu trí và mức độ tác động của hành vi từ chối đến môi trường cạnh tranh. c . Hệ thống pháp luật Châu Âu Trái ngược với hệ thống pháp luật Hoa Kỳ, trong hệ thống pháp luật Châu Âu thì cả Tòa án và Ủy Ban Châu Âu đều có thể bắt buộc thực hiện nghĩa vụ chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ trong một số trường hợp cần thiết. Bao gồm cả trường hợp, hành vi từ chối chuyển giao của chủ sở hữu là hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh và bị ngăn cấm theo quy định của Điều 102 TFEU. d. Quy định của pháp Luật Việt Nam Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, hành vi từ chối chuyển giao sẽ bị xem là vi phạm pháp luật nếu rôi vào các trường hợp liệt kê tại Khoản 1 Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định của Điều 144 trong bối cảnh đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu và bảo vệ môi trường cạnh tranh cần phải xem xét, phân tích kỹ lưỡng các tình tiết của vụ việc trong mối quan hệ giữa pháp luật cạnh tranh và pháp luật về sở hữu trí tuệ, nhằm đảm bảo tính cạnh tranh của thị trường nhưng cũng không xâm phạm đến quyền sở hữu của chủ thể cũng như không ngăn cản động lực đầu tư, sáng tạo của họ nhằm cân bằng lợi ích của các chủ thể trong mối quan hệ tổng hòa. 3.4 Ràng buộc bán kèm (chuyển giao cả gói) trong hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ 3.4.1 Khái quát chung về hành vi bán kèm Bán kèm được hiểu một cách đơn giản là yêu cầu khách hàng phải mua kèm một hoặc một số sản phẩm với sản phẩm mình muốn mua. Do đó, dưới góc độ của pháp luật cạnh tranh thì hành vi bán kèm có thể được xem là hành vi gây hạn chế cạnh tranh bởi (1) nó có thể hạn chế sự lựa chọn của người mua (người nhận chuyển giao) đối với sản phẩm được bán kèm 14
  17. (hay nói cách khác trong trường hợp này họ không có quyền quyết định đối với giá cả và chất lượng của sản phẩm được bán kèm đó; (2) hành vi này sẽ làm cản trở sự gia nhập thì trường cũng như có thể loại bỏ sự cạnh tranh của các chủ thể đối với thị trường sản phẩm được bán kèm. Bởi lúc này các giao dịch đối với sản phẩm đó không còn được thực hiện trên cơ sở cung cầu. 3.4.2 Điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với thỏa thuận bán kèm a.Quy định pháp luật của Hoa Kỳ và Châu âu Trước đây trong hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ, hành vi bán kèm có thể bị Tòa án Tối cao xem là vi phạm mặc nhiên (Per se) nếu như, chủ thể thực hiện hành vi có vị trí thống lĩnh trên thị trường hàng hóa bán kèm. Tuy nhiên, hiện nay quan điểm của Tòa Án Tối Cao cho rằng nếu chỉ dựa vào sức mạnh thị trường để kết luận rằng thỏa thuận bán kèm gây hạn chế cạnh tranh là không đầy đủ mà cần phải chứng minh những tác động hạn chế cạnh tranh của thỏa thuận đó dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Chính vì thế cho nên, hiện nay, thỏa thuận bán kèm được Tòa án xem xét theo nguyên tắc cân bằng hợp lý (The Rule of reason) thay vì nguyên tắc vi phạm mặc nhiên. Tương tự như quy định của hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ, tại Châu Âu, thỏa thuận bán kèm sẽ bị ngăn cấm theo quy định tại Điều 102 TFEU (Hiệp định về hoạt động của Liên minh Châu Âu) khi thỏa mãn 4 tiêu chí: (1) Sản phẩm chính và sản phẩm được bán kèm là 2 sản phẩm tách rời, độc lập với nhau; (2) Chủ thể thực hiện có vị trí thống lĩnh trên thị trường; (3) Khách hàng bị tước bỏ quyền lựa chọn mua hay không mua sản phẩm kèm theo sản phẩm chính; (4) Hành vi đó gây cản trở cạnh tranh. b. Quy định của pháp luật Việt Nam Trong hệ thống pháp luật Việt Nam thỏa thuận bán kèm (chuyển giao cả gói) được điều chỉnh bởi cả Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung 2099) và Luật Cạnh tranh 2018. Dưới góc độ của Luật sở hữu trí tuệ thì điều khoản bán kèm là quy định mặc nhiên vi phạm và bị ngăn cấm trừ khi các bên chứng minh được nó là cần thiết phải ghi nhận theo quy định tại Khoản 2,3 Điều 144 Luật SHTT. Trong khi đó, theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018, điều khoản bán kèm này được xem là thỏa thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác (bên được chuyển quyền) điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc các doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng theo quy định tại khoản 8 Điều 11 và sẽ bị ngăn cấm khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường. 15
  18. 3.5 Yêu cầu chuyển giao ngược trong hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ 3.5.1 Khái niệm về chuyển giao ngược Chuyển giao ngược (Grant back) là một điều khoản, theo đó bên chuyển giao có quyền yêu cầu bên nhận chuyển giao phải chuyển lại tất cả các cải tiến công nghệ hoặc các ứng dụng liên quan được bên nhận chuyển giao phát triển từ công nghệ được chuyển giao trong suốt thời hạn chuyển giao. 3.5.2 Điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với điều khoản chuyển giao ngược Hiện nay, theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ, yêu cầu chuyển giao ngược trong hợp đồng chuyển giao công nghệ sẽ không mặc nhiên vi phạm theo nguyên tắc Per Se mà phải được xem xét theo nguyên tắc cân bằng hợp lý (Rule of reason) dựa trên các tiêu chí: (i) Sức mạnh thị trường của bên chuyển giao (ii) Mối tương quan giữa bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao (hai bên có phải là đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ được chuyển giao hay không) (iii) Yêu cầu chuyển giao đó có phải là chuyển giao độc quyền không (iv) Quyền của bên nhận chuyển giao đối với các cải tiến của mình (quyền khai thác trực tiếp hoặc chuyển giao cho chủ thể thứ ba) (v) Mối liên quan giữa phần cải tiến đối với công nghệ gốc (tách rời hay không thể tách rời) (vi) Thời hạn thực hiện nghĩa vụ chuyển giao (vii) Tác động của điều khoản chuyển giao ngược đối với hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Tại Châu Âu, liên quan đến điều khoản chuyển giao ngược, Quy chế chuyển giao công nghệ của EU năm 2004 -TTBER (sửa đổi năm 2014) quy định: Nghĩa vụ chuyển giao ngược hoặc yêu cầu chuyển giao độc quyền những cải tiến kỹ thuật cho bên chuyển giao là hành vi không được miễn trừ theo quy định miễn trừ chung. Tuy nhiên, theo quy định của Điều 101 Hiệp ước về hoạt động của Liên Minh Châu Âu (TFEU) thì việc ghi nhận điều khoản chuyển giao ngược được xem xét như việc áp đặt điều kiện giao kết hợp đồng và nên được đánh giá cụ thể cho từng vụ việc trên nguyên tắc cân bằng hợp lý giữa tác động đến môi trường cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kỹ thuật, bảo vệ lợi ích của các bên. Theo đó, yếu tố để xem xét điều khoản chuyển giao ngược có vi phạm hay không cần phải được đánh giá theo các tiêu chí sau: - Yêu cầu chuyển giao ngược là yêu cầu chuyển giao độc quyền - Những cải tiến buộc chuyển giao là những cải tiến độc lập so với công nghệ gốc - Vị trí thị trường của bên yêu cầu chuyển giao ngược 16
  19. Trong hệ thống Pháp luật Việt Nam, việc ghi nhận điều khoản chuyển giao ngược trong hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng quyền sở hữu trí tuệ là quyền đương nhiên của bên chuyển giao nhằm đảm bảo độc quyền khai thác cho chủ sở hữu sáng chế cũng như tính đồng bộ của công nghệ trừ trường hợp yêu cầu chuyển giao đó phải được thực hiện miễn phí hoặc là căn cứ để ngăn cản bên nhận chuyển giao đăng ký bảo hộ đối với các cải tiến đã được mình thực hiện trong thời hạn chuyển giao. CHƯƠNG 4: HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN THỰC THI QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI PHÁP LUẬT CẠNH TRANH TẠI VIỆT NAM 4.1 Điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong hệ thống pháp luật của các quốc gia Với vai trò của mình đối với sự phát triển kinh tế quốc gia và thế giới thì việc xây dựng một khuôn khổ pháp luật quốc tế không chỉ giành riêng cho lĩnh vực thực thi quyền sở hữu trí tuệ mà còn cho cả lĩnh vực cạnh tranh là điều cần thiết vì sự phát triển chung của tất cả các quốc gia. Trong vài năm qua, rất nhiều các quốc gia đã ban hành các văn bản pháp lý nhằm xác định mối quan hệ giữa chính sách cạnh tranh và sở hữu trí tuệ. 4.1.1 Pháp Luật của các quốc gia phát triển Với lịch sử phát triển lâu dài, vấn đề quyền sở hữu trí tuệ trong mối quan hệ với pháp luật cạnh tranh được quy định và thừa nhận khá sớm theo nguyên tắc các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh liên quan đến việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ đôi khi lại là chính đáng, hợp lý nhằm đảm bảo độc quyền của chủ sở hữu nhằm khuyến khích các chủ thể thực hiện nghiên cứu, sáng tạo, công bố các thành quả nghiên cứu của mình mà điển hình là Hoa Kỳ, Canada, Liên minh Châu Âu và Nhật Bản. 4.1.2 Pháp luật của các quốc gia đang phát triển Hiện nay điều chỉnh hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong mối quan hệ với pháp luật cạnh tranh. Pháp luật của các quốc gia đang phát triển chủ yếu chia thành hai mô hình phổ biến: nhóm các quốc gia có quy định cụ thể về hướng dẫn pháp luật cạnh tranh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và nhóm các quốc gia không có các quy định cụ thể. a. Nhóm các quốc gia có quy định cụ thể hướng dẫn áp dụng pháp luật cạnh tranh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ Là các quốc gia có các quy định hướng dẫn cụ thể áp dụng pháp luật cạnh tranh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ dựa trên các đặc thù của quyền ở hữu trí tuệ mà điển hình là Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và Singapore. b.Nhóm các quốc gia không có quy định cụ thể hướng dẫn áp dụng pháp luật cạnh tranh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ 17
  20. Là các quốc gia mà việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và việc đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh được điều chỉnh bởi hai văn bản pháp luật khác nhau. Trong khi đó, giữa các văn bản này không có sự kết nối hiệu quả, nhằm điều chỉnh các khía cạnh liên quan đến cạnh tranh trong quá trình thực thi quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể. Điển hình là Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. 4.2 Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong mối quan hệ với pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam Tại Việt Nam, các khía cạnh cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ hiện đang được điều chỉnh bởi Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và Luật Cạnh Tranh 2018. Tuy nhiên, trên thực tế thì giữa hai văn bản pháp luật này chưa có sự kết nối đồng bộ dẫn đến các quy định dẫn chiếu trở nên dở dang, hiệu quả thực thi không cao. Không chỉ ở khía cạnh cơ quan có thẩm quyền thực thi mà ngay các các quy định điều chỉnh cũng còn nhiều bất cập. Bởi lẽ, theo cách tiếp cận của Luật Cạnh tranh 2018 thì quyền sở hữu trí tuệ nói chung và sáng chế nói riêng là một trong những yếu tố tạo nên khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của các doanh nghiệp nắm giữ. Điều đó có nghĩa là việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ của các chủ sở hữu sẽ gây ra hành vi hạn chế cạnh tranh khi chủ sở hữu có sức mạnh thị trường đáng kể hoặc thị phần chiếm 30% trở lên, bất chấp đó là quyền đương nhiên của chủ sở hữu đã được luật sở hữu trí tuệ thừa nhận (tại Điều 20, 123, 143, 144 Luật Sở hữu trí tuệ 2005). Điều đó ít nhiều đã ảnh hưởng đến quyền của chủ sở hữu trong quá trình thực thi, khai thác các phát minh, sáng chế của mình. Bên cạnh sự thiếu kết nối đồng bộ về nội dung thì hiệu quả thực thi qua lại giữa hai văn bản pháp luật này còn kém hiệu quả. 4.3 Mục đích và nguyên tắc xây dựng hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong mối quan hệ với pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam 4.3.1 Mục đích của việc xây dựng pháp luật cạnh tranh điều chỉnh cho hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ Một chế định pháp luật cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ hợp lý sẽ góp phần giúp các quốc gia kiểm soát hiệu quả các hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ gây cản trở cạnh tranh, đồng thời nó cũng là một công cụ nhằm yêu cầu, thúc đẩy quyền tiếp cận khoa học, công nghệ vì lợi ích của cộng đồng, xã hội thông qua yêu cầu bắt buộc chuyển giao. Vì vậy cho nên, trong bối cảnh hiện nay một hệ thống pháp luật cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ phù hợp và hiệu quả là một công cụ, giải pháp tốt cho các quốc gia trong quá trình tiếp cận công nghệ, pháp triển kinh tế. Việt Nam cũng không ngoại lệ. 18
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2