intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hóa

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:27

14
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngữ văn "Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hóa" hướng tới việc góp thêm tiếng nói luận bàn về mối quan hệ liên ngành văn chương - nhân học, hình dung một tổng quan về lịch sử nghiên cứu Faulkner, trong đó chọn lọc những đóng góp nổi bật trong việc đọc tiểu thuyết Faulkner từ nhân học văn hoá.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hóa

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI HỒ THỊ VÂN ANH TIỂU THUYẾT WILLIAM FAULKNER TỪ GÓC NHÌN NHÂN HỌC VĂN HOÁ Chuyên ngành: VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI Mã số: 9 22 02 42 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN Hà Nội, 2022
  2. Công trình được hoàn thành tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Người hướng dẫn khoa học: GS. TS. Lê Huy Bắc Phản biện 1: PGS.TS. Phùng Ngọc Kiên Viện Văn học Phản biện 2: PGS.TS. Nguyễn Thu Hiền Trường ĐH KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội Phản biện 3: PGS.TS. Đặng Hoài Thu Trường Đại học Văn hoá Hà Nội Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Trường, tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào hồi … giờ, ngày … tháng … năm 2022 Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện: Thư viện Quốc gia, Hà Nội hoặc Thư viện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
  3. 1 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài 1.1. William Faulkner (1897-1962) là một tên tuổi lớn của văn chương Mĩ và văn chương hiện đại thế giới. Bức tranh nghiên cứu phê bình Faulkner trong suốt gần một thế kỉ qua cho ta một hình dung về sự gắn bó bền chặt và linh động giữa văn chương Faulkner với đời sống văn hóa trong lịch sử và đương đại. Trong nhận thức ban đầu của chúng tôi, văn chương Faulkner là một hiện tượng thú vị, đòi hỏi cách tư duy bao quát khi tiếp cận, nhận diện và đánh giá. 1.2. Nhân học văn hóa (NHVH) (cultural anthropology), với nỗ lực nhìn nhận con người bằng cái nhìn đa chiều và toàn vẹn trong những mối liên hệ với văn hóa, đã đáp ứng tham vọng tiếp cận bao quát nói trên đối với văn chương Faulkner. Chúng tôi đưa ra giả thiết rằng, phải chăng văn chương Faulkner nói chung, tiểu thuyết của ông nói riêng, là đối tượng nghiên cứu thích hợp với cách tiếp cận NHVH? 1.3. Giả thiết này được kiểm chứng khi chúng tôi tiến hành khảo cứu lịch sử nghiên cứu Faulkner gần một thế kỉ qua, đặc biệt trong vài thập niên gần đây. Khảo cứu cho thấy hướng tiếp cận liên ngành và gắn kết với các bình diện văn hóa, xã hội là xu hướng triển vọng đối với tiếp nhận Faulkner. Trong bối cảnh đó, chúng tôi mong đợi đề xuất một khung lí thuyết NHVH cụ thể để phân tích, xử lí hiện tượng cụ thể là tiểu thuyết Faulkner. Với những lí do trên, chúng tôi lựa chọn đề tài: Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hóa. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Luận án hướng tới việc góp thêm tiếng nói luận bàn về mối quan hệ liên ngành văn chương - nhân học, hình dung một tổng quan về lịch
  4. 2 sử nghiên cứu Faulkner, trong đó chọn lọc những đóng góp nổi bật trong việc đọc tiểu thuyết Faulkner từ nhân học văn hoá. Đọc tiểu thuyết Faulkner từ NHVH, luận án nhằm tìm hiểu cách nhà văn diễn giải các vấn đề nhân học và nhận diện những phẩm tính nhân học trong lối viết của Faukner; từ đó, góp phần khẳng định vị trí và đóng góp của ông với nền văn học Mĩ và văn học thế giới. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Luận án giới thuyết về NHVH với tư cách là một lí thuyết có tính ứng dụng cao trong nghiên cứu văn chương, phác thảo những nét chính trong một bức tranh về lịch sử tiếp nhận Faulkner, trong đó, đặt trọng tâm vào hướng tiếp cận nhân học văn hóa. Từ cái nhìn tổng quan đó, luận án lựa chọn một khung lí thuyết nhân học văn hoá phù hợp và vừa sức với việc tiếp cận tiểu thuyết Faulkner. Nhiệm vụ trọng tâm của luận án là khảo sát, phân tích, diễn dịch những tri thức, quan niệm cũng như lối viết nhân học trong tiểu thuyết Faulkner. Trong đó, chương hai và chương ba đọc Faulkner như một nhà nhân học “mô tả sâu” và diễn giải hai khái niệm trụ cột: căn tính cộng đồng và nhân tính. Chương cuối thực hiện nhiệm vụ phân tích những dấu tích huyền thoại - nghi lễ trong tiểu thuyết Faulkner. 3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là tiểu thuyết William Faulkner được nhìn từ lí thuyết NHVH. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Phạm vi khảo sát chính của luận án là 04 tiểu thuyết: Âm thanh và cuồng nộ (Nxb Văn học, 2008), Khi tôi nằm chết (Nxb Hội nhà văn, 2012), Nắng tháng tám (Nxb Hội nhà văn, 2013), Absalom, Absalom! (Vintage, 1990). Đây là những điển phạm trong sự nghiệp Faulkner và
  5. 3 ra đời trong giai đoạn văn hoá đầy biến động và phong phú của Hoa Kì. Một phần nội dung nghiên cứu của luận án là NHVH, với tư cách là điểm tựa lí thuyết để tiếp cận tiểu thuyết Faulkner. Các tư liệu được khai thác trong luận án bao gồm các công trình dẫn nhập về ngành học và các công trình liên quan tới các vấn đề được khảo cứu (các vấn đề về căn tính văn hoá, nhân tính và huyền thoại - nghi lễ). 4. Phương pháp nghiên cứu Luận án tiếp cận tiểu thuyết Faulkner từ góc nhìn NHVH, theo tinh thần của nhân học diễn giải. Luận án sử dụng phối hợp các phương pháp: phương pháp liên ngành, phương pháp lịch sử, phương pháp phương pháp hệ thống. Các thao tác chủ yếu bao gồm phân tích – tổng hợp, so sánh - đối chiếu và thống kê - phân loại. 5. Đóng góp của luận án Trong toàn cảnh lí thuyết nhân học lẫn lịch sử nghiên cứu về Faulkner vô cùng bộn bề, đóng góp của luận án là đã lựa chọn những phạm trù công cụ của lí thuyết nhân học văn hoá có tính khả thi và khoa học để ứng dụng vào phân tích, xử lí một hiện tượng cụ thể là tiểu thuyết Faulkner. Trong đó, trọng tâm nghiên cứu gồm các vấn đề căn tính văn hoá cộng đồng, nhân tính, huyền thoại - nghi lễ đã đem đến một diễn giải riêng về giá trị tiểu thuyết Faulkner. 6. Cấu trúc của luận án Ngoài Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, luận án gồm bốn chương: Chương 1: Tổng quan vấn đề nghiên cứu và cơ sở lí thuyết của đề tài Chương 2: Sự “mô tả sâu” căn tính miền Nam nước Mĩ Chương 3: Sự diễn giải về các phạm trù của nhân tính Chương 4: Huyền thoại - nghi lễ như một phẩm tính nhân học trong tiểu thuyết Faulkner
  6. 4 Chương 1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÍ THUYẾT CỦA ĐỀ TÀI Ở chương này, những nhiệm vụ được đặt ra gồm: giới thuyết về NHVH trong tư cách một lí thuyết có tính ứng dụng cao trong nghiên cứu văn chương; tổng thuật tình hình nghiên cứu tiểu thuyết Faulkner, đặt trọng tâm vào hướng đọc từ NHVH; xác định quan điểm và phương hướng tiếp cận của luận án. 1.1. Nhân học văn hoá và nghiên cứu văn chương từ nhân học văn hoá 1.1.1. Giới thuyết về nhân học, nhân học văn hoá Nhân học văn hóa (Cultural Anthropolgy) là một chuyên ngành chính của khoa học Nhân học (Anthropology). Nhân học có thể nói một cách ngắn gọn là khoa học nghiên cứu về con người trong tính toàn diện bằng cái nhìn so sánh, đối chiếu. Đây cũng là cốt lõi xuyên suốt các định nghĩa về nhân học. NHVH ra đời sau Nhân học thể chất, đáp ứng nhu cầu phân tích tính đa dạng của con người xét ở khía cạnh văn hóa, xã hội. 1.1.2. Lịch sử nghiên cứu mối quan hệ giữa nhân học và văn chương Văn chương không phải là lĩnh vực gần gũi số một với nhân học và cũng không phải ngay từ đầu các nhà nhân học đã lưu tâm tới mối quan hệ giữa nhân học và văn chương. Thế nhưng một khi được ý thức, nó lại tạo nên những “bước ngoặt” trong cả nhân học và văn chương. Phần sau đây là nỗ lực phác thảo những bước đi lớn trong tiến trình vận động của xu hướng nghiên cứu liên ngành nhân học - văn chương. 1.1.2.1. Từ trường phái “nghi lễ” trong nhân học đến phê bình huyền thoại trong văn chương Ban đầu, sự chú ý của giới học thuật về mối quan hệ giữa nhân học và văn chương được khơi lên chủ yếu từ những thực hành nhân học mang phẩm tính văn chương và những nghiên cứu văn chương từ
  7. 5 tri thức nhân học vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Điểm gặp gỡ đầu tiên, kết nối hai lĩnh vực này với nhau lúc bấy giờ chính là mối bận tâm về huyền thoại và sự ra đời của phê bình huyền thoại hiện đại. 1.1.2.2. Mối bận tâm về “viết” và những chuyển động trong lòng nhân học Tới nửa sau thế kỉ XX, cùng với quá trình tự “tái tạo” trong lòng nhân học, vùng giao thoa giữa nhân học và văn chương được truy tìm ở vấn đề lối viết, tính chất biểu tượng và diễn giải của văn hóa. Cuốn sách Văn hoá viết (J. Clifford và G.E. Marcus chủ biên, 1986) và những tác phẩm của C. Geertz là những công trình quan trọng, khẳng định bước ngoặt văn chương trong nhân học đương đại. 1.1.3. Những đặc thù trong việc tiếp cận văn chương từ NHVH Nhân học mang tới cho văn chương một phối cảnh đọc rộng rãi, ở đó, hướng tiếp cận liên ngành được phát huy sức mạnh của nó. Nhưng cũng chính độ co giãn linh hoạt này lại đem đến những vấn đề đáng lưu tâm về quan điểm tiếp cận: sự đánh đồng hay tuyệt đối hóa vai trò và phương pháp của nhà nghiên cứu văn chương hay nhà nhân học đều là điều nên tránh. Nhân học diễn giải, với tinh thần diễn giải văn hóa như “đọc văn bản từ vai kẻ khác” bằng cách “mô tả sâu”, tỏ ra là một phương pháp luận hợp lí để đọc văn chương. 1.2. Nghiên cứu tiểu thuyết Faulkner từ nhân học văn hoá 1.2.1. Khái quát lịch sử nghiên cứu tiểu thuyết Faulkner 1.2.1.1. Xu hướng tập trung vào văn bản: từ lối “đọc kĩ” của các nhà phê bình mới tới cuộc truy tìm “ngữ pháp” văn chương của các nhà cấu trúc Phê bình tiểu thuyết Faulkner trong ba thập niên kể từ năm 1950, dưới ảnh hưởng của Phê bình Mới và Cấu trúc luận, xem văn bản là đối tượng chính. Đối với những tiểu thuyết không hề dễ đọc của Faulkner, lại ở trong giai đoạn đầu của phê bình chính thống, những
  8. 6 thực hành phân tích, khảo cứu cụ thể và kĩ lưỡng như vậy có tác dụng cung cấp chỉ dẫn ban đầu cho đông đảo công chúng lẫn giới học giả. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một hạn chế của hướng nghiên cứu này: sự thiếu quan tâm tới mối liên hệ với bối cảnh văn hóa - xã hội. 1.2.1.2. Xu hướng áp dụng ráo riết các lí thuyết văn chương và mối bận tâm tới bối cảnh văn hóa, xã hội: “kỉ nguyên lí thuyết” trong phê bình Faulkner Kỉ nguyên lí thuyết phát triển rực rỡ vào hai thập niên 1980- 1990, tạo thành một xu hướng vẫn còn tiếp diễn tới ngày nay. Diện mạo chung của xu hướng này là việc áp dụng ráo riết, sôi nổi các lí thuyết văn chương đương thời vào nghiên cứu, phê bình Faulkner. 1.2.1.3. Xu hướng đọc từ góc độ nghiên cứu ảnh hưởng và tiếp nhận: Faulkner toàn cầu và Faulkner liên ngành Đầu thế kỉ XXI, các học giả Faulkner vẫn tiếp tục ứng dụng các lí thuyết tiền nhiệm hay đương đại để nghiên cứu Faulkner. Tuy nhiên, một đặc điểm ưu trội của giai đoạn này lại là sự mở rộng đường biên trong nghiên cứu. Các học giả đương thời đặc biệt chú trọng sự toàn cầu hóa và tiếp cận liên ngành đối với Faulkner. 1.2.2. Những nghiên cứu về tiểu thuyết Faulkner từ góc nhìn NHVH 1.2.2.1. Những nghiên cứu về tiểu thuyết Faulkner từ NHVH trên thế giới Các học giả trong lĩnh vực nhân học, khi quan tâm tới mối quan hệ liên ngành nhân học - văn chương, đã xem tiểu thuyết Faulkner như một minh chứng tiêu biểu. Trong những công trình của F.W. Turner, D. Fabre, J. Jamin, J.B. Vickery, tiểu thuyết Faulkner được khai thác ở những khía cạnh gần gũi với nhân học như: cội nguồn lịch sử, tính chất địa phương, huyền thoại - nghi lễ. Các nhà phê bình văn chương cũng thể nghiệm việc áp dụng các phạm trù NHVH vào đọc tiểu thuyết Faulkner, như B. Ostendorf, C.A. LaLonde, I. Visser, C. Hannon…
  9. 7 Bên cạnh đó, luận án cũng có thể kế thừa từ một số lượng phong phú các công trình có hướng tiếp cận giao cắt, tiệm cận với NHVH. 1.2.2.2. Những nghiên cứu về tiểu thuyết Faulkner giao cắt, tiệm cận với NHVH ở Việt Nam Toàn cảnh tiếp nhận Faulkner ở Việt Nam, bắt đầu từ thập niên 50 của thế kỉ XX, trở nên sôi động trong vài thập niên gần đây, bao gồm xu hướng đọc Faulkner với tư cách nhà cách tân kĩ thuật tiểu thuyết và xu hướng truy tìm, giải mã các tầng ý nghĩa ẩn tàng trong tác phẩm. Xu hướng thứ nhất cung cấp những kiến giải cần thiết cho việc hiểu những tác phẩm vốn không hề dễ đọc của Faulkner. Hướng đọc thứ hai, tuy ít chiếm ưu thế ở Việt Nam, nhưng có khả năng cung cấp một nền tảng rõ hơn để hướng đọc từ nhân học thừa hưởng. Lí do là chúng tập trung vào những chủ đề gần gũi với nhân học, như vấn đề văn hóa dân tộc, văn hóa vùng, chủng tộc và bản tính người. 1.2.3. Hướng nghiên cứu tiểu thuyết Faulkner từ NHVH của luận án Luận án tiếp cận tiểu thuyết Faulkner trên tinh thần nhân học diễn giải. Theo đó, hành trình đọc không chỉ hướng tới việc tìm kiếm những tri thức nhân học dày dặn trong tác phẩm, mà còn là sự diễn giải lại hành trình nhà văn đối thoại, diễn dịch và sáng tạo lại những tri thức nhân học đó trên tiểu thuyết. Các phạm trù cốt lõi sẽ được khảo cứu gồm căn tính cộng đồng, nhân tính và huyền thoại - nghi lễ. Tiểu kết Chương đầu tiên của luận án đưa ra một giới thuyết tổng quan về vấn đề nghiên cứu văn chương từ nhân học văn hóa, phác thảo sơ lược lịch sử tiếp nhận Faulkner trên thế giới và ở Việt Nam, nhằm khẳng định bước đầu rằng hướng đọc tiểu thuyết Faulkner từ NHVH là có ý nghĩa và hợp xu hướng. Nhân học diễn giải được xem như quan điểm phương pháp luận xuyên suốt khi đọc tiểu thuyết Faulkner.
  10. 8 Chương 2. “SỰ MÔ TẢ SÂU” CĂN TÍNH MIỀN NAM NƯỚC MĨ Trong chương này, tiểu thuyết gia Faulkner được nhìn như một nhà nhân học kiên định và nhẫn nại trong việc “mô tả sâu” mảnh đất nơi ông sinh ra - miền Nam nước Mĩ. “Mô tả sâu”, trong tinh thần của nhân học diễn giải, là hành trình liên tục thâm nhập, diễn dịch, phân tích, phỏng đoán những mạng ý nghĩa hàm chứa trong các biểu tượng văn hóa. Từ những ưu tư về các vấn đề dân tộc học như chủng tộc, giới, khuyết tật, cái ác, tiểu thuyết Faulkner chạm tới một vỉa tầng rất sâu của cấu trúc tinh thần cộng đồng: căn tính. Việc phân tích các dữ kiện về thực trạng nhân sinh miền Nam xuyên suốt chương sẽ không tách rời ý hướng kiếm tìm, gọi tên những giá trị căn cốt, cội rễ bền sâu của cả cộng đồng người. Đích đến của chương, vì thế, là đề xuất một bộ từ khóa, gói ghém những nét cá tính, bản sắc, vừa hòa hợp vừa xung khắc, kết nối và đan cài, cùng kiến tạo nên một miền Nam mang tên Faulkner. 2.1. Vấn đề căn tính và quan điểm tiếp cận Về quan điểm tiếp cận, việc hình dung về căn tính miền Nam trong tiểu thuyết Faulkner không nhằm cổ xúy cho chủ nghĩa dị biệt trong văn hóa. Cái làm nên căn cước miền Nam là một kiến tạo văn hóa mà ở đó, sự độc đáo, bền vững không loại trừ tính đa âm, trạng thái bất định, liên tục chuyển hóa trong không gian và thời gian. Con đường tìm về căn tính miền Nam sẽ bắt đầu bằng việc thăm dò những phản ứng xảy ra, ngấm ngầm nhưng dữ dội, trong lòng văn hóa miền Nam sau cuộc đụng độ với miền Bắc. Từ góc độ không gian, ý niệm về căn tính miền Nam Hoa Kì không thể tách rời với phạm trù “căn tính Mĩ”, nơi nó kế thừa những thuộc tính máu thịt nhưng cũng có những giá trị khác biệt. Về phương pháp tiếp cận, hành trình khám phá căn tính cộng đồng trong văn chương có thể bắt đầu từ cửa ngõ của nhân học tâm lí - một phân ngành giao thoa giữa nhân học và tâm lí học. Bộ từ khoá mà
  11. 9 chương hai tìm kiếm, vì thế, tập trung vào những đặc điểm trong tâm thức, phản ứng tâm lí, tính cách, nhân cách của con người và cộng đồng. 2.2. Miền Nam và kí ức Để đi tìm tấm căn cước miền Nam, Faulkner đã trở về một cột mốc lịch sử quan trọng: cuộc nội chiến Hoa Kì 1861-1865. Cuộc đụng độ này tất yếu gây nên những phản ứng tâm lí trong cộng đồng, trở thành phép thử cho căn tính. Hành trình diễn giải căn tính miền Nam trong tiểu thuyết Faulkner sẽ bắt đầu từ việc khảo sát những phản ứng tâm lí của miền Nam sau cuộc đụng độ với phương Bắc: một là, những tàn tích của quá khứ, thể hiện trong kí ức cộng đồng; hai là, những ứng xử hiện tại, thể hiện ở những nan đề trong thực tại nhân sinh miền Nam. 2.2.1. Quá khứ - gánh nặng Trong tiểu thuyết Faulkner, miền Nam là mảnh đất nặng lòng quá khứ. Nhà văn chọn khai thác nét khác biệt của di sản địa phương so với quốc gia đất Mẹ - Hoa Kì. Faulkner khai thác kí ức cộng đồng hiện thân trong bi kịch từng cá nhân. Ý thức về quá khứ khiến Faulkner trở thành một đại diện xuất sắc cho văn học Phục hưng miền Nam. 2.2.2. Quá khứ - cái đẹp đã mất Trong tâm thức người miền Nam, quá khứ đồng nghĩa với cái đẹp đã đánh mất. Cảm thức ấy khiến miền Nam trong văn Faulkner thành một mảnh đất hoài nhớ, u sầu. Miền Nam xưa đã chết, nhưng miền Nam trong họ là cái đẹp, nên con người nơi đây không thôi kiêu hãnh. Tâm thức hoài nhớ, u sầu và niềm kiêu hãnh ấy dẫn đến một cách ứng xử phổ biến trong thế giới Faulkner: gói ghém, đóng băng cái đẹp để nó trở thành một lãnh địa vĩnh hằng, trinh nguyên, bất khả xâm phạm. 2.2.3. Quá khứ - tội lỗi và lời nguyền Quá khứ, trong tâm thức người miền Nam, còn là tội lỗi và lời nguyền. Lịch sử miền Nam còn là lịch sử của chế độ nô lệ và chủ nghĩa
  12. 10 phân biệt chủng tộc; lịch sử ấy gắn với tội ác, định kiến, oán giận và đố kị. Yoknapatawpha, như thế, là mảnh đất bị nguyền rủa. Nó là nạn nhân, là kẻ bị trừng phạt, là người chuộc tội. Faulkner đã bày tỏ quan niệm: con người phải đền chuộc cho những lỗi lầm quá khứ. Đồng thời, ông cũng hi vọng về sự phục sinh, khoan dung và tha thứ. 2.3. Miền Nam và những nan đề hiện tại 2.3.1. Cốt cách nông nghiệp và lối sống công nghiệp Tiểu thuyết Faulkner tái hiện những đụng độ ngấm ngầm giữa cốt cách nông nghiệp và lối sống công nghiệp. Lối sống nông nghiệp không chỉ biểu hiện ở sinh kế, ở tâm thức đất đai mà còn ở lối sống gần gũi, quen thuộc trong một cộng đồng quen biết. Tập tính này va đập, lai ghép với lối sống công nghiệp ở một cộng đồng xa lạ. Cuộc đụng độ này trong các tác phẩm in bóng những dư chấn của cuộc đại khủng hoảng thập niên 1930 ở Mỹ. 2.3.2. Bất chấp định mệnh Các nhân vật trong tiểu thuyết Faulkner mang trong mình nét tính cách tiểu biểu của người miền Nam: sự bất khuất, bất chấp định mệnh, đến mức bảo thủ, cố chấp. Faulkner đặt hoài niệm mang tinh thần Lost Cause trên vai một số nhân vật trên tinh thần phản biện, giễu nhại. Tuy nhiên, tinh thần bất chấp định mệnh, xét ở khía cạnh tích cực, lại mang đến nét tính cách kiên định, gan góc, là cội rễ cho sự trường tồn của người phương Nam. 2.3.3. Tự trị và hoà nhập Tự quyết hay bị can thiệp, tách biệt hay hoà nhập vẫn là một nan đề trong đời sống tinh thần miền Nam hậu nội chiến. Vấn đề này được Faulkner diễn giải một cách kín đáo và sâu sắc trong những tiểu thuyết của mình. Các nhân vật thường tồn tại trong tâm thế kháng cưỡng với sự xâm nhập của văn hoá từ miền đất lạ. Cách các nhân vật
  13. 11 của ông ứng xử với những “kẻ lạ” là cách Faulkner kín đáo gửi bức thông điệp của mình cho những người đang “dò hỏi” mảnh đất quê hương ông: để trở thành một phần của miền Nam, phải sống cho tới phần sâu thẳm trong căn cốt văn hoá của cả cộng đồng. Tiểu kết Yoknapatawpha trong tiểu thuyết Faulkner chính là nơi ghi dấu hành trình “mô tả sâu” của ông đối với miền Nam sâu thẳm. Faulkner đã lựa chọn dừng chân ở ngay khúc gãy lịch sử của miền Nam - nội chiến, cùng những tàn dư của nó, để thâm nhập vào kí ức quá khứ cũng như thực trạng lưỡng nan trong đời sống văn hóa miền Nam. Chương hai là một nỗ lực hình dung về những đặc điểm căn tính miền Nam, được gói ghém trong bộ từ khoá với hai cột trụ chính là gánh nặng quá khứ và cốt cách nông nghiệp. Trong kí ức cộng đồng, quá khứ đồng nghĩa với cái đẹp đã mất, đồng thời gắn liền với lời nguyền và tội lỗi. Miền Nam, mang chở gánh nặng quá khứ, là mảnh đất kiêu hãnh, hoài nhớ, u sầu, là kẻ thương tổn mang phức cảm nạn nhân – tội đồ. Gánh nặng quá khứ ấy, đến lượt nó, không ngừng va đập, gây nên những nan đề hiện tại. Niềm kiêu hãnh, hoài nhớ quá vãng khiến mảnh đất này bảo thủ, cố chấp đến bướng bỉnh, thảm hại. Nhưng ở một phương diện khác, chính cốt cách trưởng giả quý tộc lâu đời và niềm kiêu hãnh ấy lại đem đến cho họ nội lực, để kiên gan, bất khuất. Ý thức thăm dò căn tính miền Nam trong chiều dài lịch sử đã khiến Faulkner thành thủ lĩnh tinh thần của văn học Phục hưng miền Nam. Đóng góp của ông là đã xác định một lập trường và hướng tiếp cận mới về văn hoá mảnh đất này. Khước từ cái nhìn lãng mạn, ảo tưởng hay bóp méo lịch sử, Faulkner đề xướng một thái độ trung thực, nghiêm khắc và lòng dũng cảm, đối mặt với quá khứ đau thương và hiện tại khắc nghiệt.
  14. 12 Chương 3. SỰ DIỄN GIẢI VỀ CÁC PHẠM TRÙ CỦA NHÂN TÍNH Chương ba tập trung vào sự diễn giải của nhà văn về nhân tính - một trong những phạm trù căn cốt của nhân học triết học. Chúng tôi lựa chọn khảo sát các chủ đề nổi bật trong tiểu thuyết Faulkner: trước hết là chủng tộc và giới - những phạm trù chất vấn tính nhị nguyên của bản tính người; sau đó là những phạm trù thách thức ngưỡng giới hạn của nhân tính: sự khuyết tật và cái ác. 3.1. Vấn đề nhân tính và quan điểm tiếp cận Khung lí thuyết nhân học về phạm trù nhân tính trong chương này gồm những nền tảng cơ bản: thứ nhất, sự thừa nhận của nhân học hiện đại về tính thống nhất căn bản về sinh học và tâm lí của nhân loại; thứ hai, sự chú trọng vào mối quan hệ đồng thời giữa nhân tính với các thuộc tính sinh học và môi trường văn hoá; thứ ba, sự gần gũi của hướng tiếp cận đạo đức học với vấn đề nhân tính trong nhân học. 3.2. Truy vấn đường biên nhị nguyên: chủng tộc và giới 3.2.1. Tự sự về màu da và “tâm thức kép” Phần này tiếp cận vấn đề chủng tộc từ khái niệm “tâm thức kép” của W. E. B. Du Bois. Vốn được dùng để nói về xung đột căn tính của người Mỹ gốc Phi, “tâm thức kép”, ở đây, được mở rộng thành câu chuyện của những màu da khác nhau: da trắng, da đen, lai chủng. Đặt trong lịch sử tự sự về màu da trong văn học Mỹ, có thể thấy những đặc trưng trong cách tiếp cận của Faulkner. Thứ nhất, nhà văn viết với tâm thế diễn giải, truy vấn lịch sử, tái dựng những xung đột căn tính màu da trên đất Mỹ hậu Nội chiến. Thứ hai, ông chất vấn đường cắt nhị nguyên giữa các màu da, để thấy những định kiến chủng tộc là một tội ác, một lời nguyền loài người phải lãnh chịu. Tuy vậy, Faulkner vẫn chưa thể vượt thoát ra khỏi những định kiến màu da trong văn mình. Điều này bị chi phối bởi những khuôn
  15. 13 mẫu dài lâu trong văn hoá Mỹ và từ chính “tâm thức kép” của một nhà văn da trắng trên đất Mỹ. 3.2.2. Khủng hoảng bản sắc giới và sự trở về thiên tính nữ Tương tự phạm trù chủng tộc, giới (gender) cũng không tách rời với những đường cắt nhị nguyên: một lần nữa, nó chất vấn lằn ranh sinh học/ văn hoá. Trong tiểu thuyết của Faulkner, khuôn mẫu giới ở người nam và người nữ bị xô lệch ở những chân dung đàn ông thiếu khuyết vẻ nam tính, điển hình như ông Anse, ông Compson, và những phụ nữ mang sắc diện đàn ông - những Addie Burden, Caroline Compson, những người đàn bà gồng lên mạnh mẽ, nhưng cũng rối trí, kiệt quệ, kiêu hãnh trong cô đơn. Sự chất vấn đường cắt nhị nguyên về giới còn được đẩy tới mức ráo riết thành những khủng hoảng bản sắc giới. Có những nhân vật “vượt ranh giới” (passing) giới, tồn tại ở trạng thái phi giới tính, hay lưỡng tính, ví dụ Joe Christmas và Joanna Burden trong Nắng tháng tám. Đặc biệt, ở Joe, có một mối tương liên đặc biệt trong y, giữa dòng máu đen và đàn bà, mà ở sâu trong đó là nỗi ẩn ức của kẻ yếu thế, mặc cảm bị khinh thị và ruồng bỏ. Sự khủng hoảng nam tính trong tiểu thuyết Faulkner giống như ảnh chiếu cho sự sụp đổ của chế độ gia trưởng ở miền Nam hậu nội chiến. Nhưng hơn thế, sự xoá nhoà định kiến giới, ẩn sâu trong nó, là hành trình tìm về tự nhiên thuỷ nguyên của nhân loại. Hành trình của con người, đặc biệt là người nam, trong tiểu thuyết Faulkner, rút cục, là sự hướng đến/ quay trở về nương náu nơi Mẹ. Sự trường tồn và bất diệt của nhân loại, Faukner gửi vào giới nữ, bởi sự gắn kết bẩm sinh và kì diệu của họ với Tự nhiên, Đất Mẹ. Điều đọng lại trong những trang văn đầy cuồng nộ và u ám của Faulkner, vẫn lại là một biểu tượng nữ, với vẻ nữ tính và quyền uy vĩnh cửu.
  16. 14 3.3. Thách thức cái bình thường: khuyết tật và cái ác 3.3.1. Tự sự của cái thiếu khuyết: viết từ vai kẻ khác Khi nói rằng hãy nhìn vào mối quan hệ giữa những người khuyết tật với những “người bình thường”, có một định kiến nằm sâu bên dưới: người khuyết tật mặc nhiên nằm ngoài nhóm chủ lưu, họ sắm vai những “kẻ khác”, những kẻ “bất thường”. Một trong những mối trăn trở của những nhà đấu tranh nhân quyền là ở chỗ làm sao để những kẻ yếu thế đó được “cất tiếng”. Ở đây, có thể coi Faulkner đóng vai người quan sát - tham dự, người cất tiếng từ vai kẻ khác. Thế giới Yoknapatawpha có những nhân vật khuyết tật thân thể, nhưng thành công của Faulkner chủ yếu đến từ tự sự về những khiếm khuyết tâm thần như Benjy, Quentin, Ike, Darl, Vardaman. Thế giới của những gã khùng điên trong văn Faulkner gợi một ý vị riêng: cảm thức về sự hồn nhiên vĩnh cửu. Viết về kẻ cái khuyết tật, Faulkner đưa ra một phản đề về con người hiện đại: ông bày tỏ niềm hoài nhớ về nhân loại thưở hồng hoang, về “sự hồn nhiên” đã mất. Sáng tác của Faulkner là sự đối thoại quyết liệt với thuyết ưu sinh và sự kì thị với người khuyết tật đang lan tràn trong xã hội Mĩ lúc bấy giờ. Faulkner đã “vượt ranh giới” của chính mình, cất tiếng nói của phe yếu thế ngay trong bối cảnh họ bị công kích dữ dội nhất. 3.3.2. Sự tầm thường của cái ác: đám đông phi nhân Lịch sử triết học, thần học, sử học… cung cấp những tranh luận phong phú và phức tạp về bản chất, gốc rễ và ý nghĩa của cái ác. Đối với nhân học, cái ác không chỉ được nhìn nhận như một phẩm tính cá nhân mà chủ yếu được nhìn trong chiều kích xã hội, văn hoá. Dễ thấy, văn Faulkner viết nhiều về cái ác. Những kẻ thủ ác là những người bình thường, nhưng không có khả năng lựa chọn đạo đức, mù quáng tuân theo định kiến cộng đồng. Tình trạng này gợi đến một
  17. 15 cụm từ gây ớn lạnh nổi tiếng: “sự tầm thường của cái ác” (Hannah Arendt). Quá trình phi nhân hoá con người len lỏi trong các trang viết của Faulkner, đặc biệt ở hình ảnh những đám đông phi nhân. Faulkner sáng tác trong thời kì cái ác lên ngôi, không chỉ ở Mĩ, mà trên phạm vi toàn thế giới. Tuy vậy, sẽ không công bằng nếu cho rằng Faulkner tuyệt vọng vào ý chí tự do của con người. Ngược lại, ông vẫn bày tỏ niềm tin của mình. Ở mỗi tác phẩm của ông vẫn thường có một những kẻ dám ngược dòng, hay chí ít, kháng cự giữa dòng. Tiểu kết Chương ba tập trung nghiên cứu vấn đề nhân tính - một phạm trù trọng yếu của nhân học triết học, trong tiểu thuyết Faulkner. Các chủ đề được khảo sát - chủng tộc, giới, sự khuyết tật và cái ác, gặp gỡ nhau ở một điểm cốt lõi: chúng thách thức, chất vấn các đường biên nhị nguyên (giữa sinh học/ văn hoá, kẻ mạnh/ kẻ yếu, mình/ kẻ khác). Chúng là câu chuyện của những định kiến về căn tính người. Tập trung vào căn tính người, Faulkner xoáy vào những xung đột quanh hành trình xác định bản ngã. Đó là “tâm thức kép” của những màu da, là khủng hoảng lung lay bản sắc giới, là sự lệch pha giữa người khuyết tật và những kẻ bình thường, là sự chuyển vai người tốt - quỷ dữ. Những xung đột không hồi kết ấy là vang vọng của những khủng hoảng, náo động trong xã hội Hoa Kì hậu nội chiến cho tới đầu thế kỉ XX. Chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, nạn kì thị giới tính, thuyết ưu sinh, những định kiến ấy được tiếp sức bởi luật pháp không tim, nổi lên trên một cơ thể hậu chiến chưa lành thì đã lâm vào đại suy thoái. Khai thác chủ đề chủng tộc, giới, sự khuyết tật và cái ác, Faulkner thực hành việc “đọc từ vai kẻ khác”. Mặc dù không tránh khỏi việc bị chi phối bởi những định kiến văn hoá của cộng đồng, Faulkner đã chứng tỏ lòng dũng cảm và khả năng trắc ẩn của mình.
  18. 16 Chương 4. HUYỀN THOẠI - NGHI LỄ NHƯ MỘT PHẨM TÍNH NHÂN HỌC TRONG TIỂU THUYẾT FAULKNER Chương cuối của luận án đặt nhiệm vụ tìm hiểu huyền thoại - nghi lễ nguyên thuỷ trong tiểu thuyết Faulkner. Những dấu tích, khuôn mẫu này được gói ghém trong các cổ mẫu. Trong thế giới hình tượng và màu sắc gothic của tiểu thuyết Faulkner, có thể tìm thấy những hiện thân của cổ mẫu nguyên thuỷ. Đồng thời, những vấn đề căn tính cộng đồng và bản tính người đều có thể được nghĩ xa hơn, không chỉ từ bối cảnh Hoa Kì và thế giới hiện đại, mà còn được cắt nghĩa từ những kí ức thuỷ nguyên của nhân loại. 4.1. Dưới bóng Cành vàng: cuộc “gặp gỡ” giữa Faulkner và Frazer Những bằng chứng tiểu sử tác giả cho thấy Faulkner chịu ảnh hưởng sâu sắc từ một nhà nhân loại học vĩ đại, bậc thầy của trường phái nghi lễ: Jame George Frazer, cùng công trình để đời của ông - Cành vàng. Cuộc “gặp gỡ” giữa Faulkner và Frazer trong chương bốn, được tìm hiểu về Frazer theo hai phương diện. Một mặt, công trình Cành vàng được xem như một nguồn tư liệu bách khoa về văn hoá nguyên thuỷ để đối chiếu với tác phẩm của Faulkner. Thứ hai, trường phái phê bình nghi lễ do Frazer tiên phong cung cấp những chỉ dẫn lí thuyết trong quá trình nghiên cứu tiểu thuyết của nhà văn. 4.2. Cổ mẫu chết - tái sinh: ý niệm trung tâm trong xây dựng hình tượng Trong Cành vàng, những huyền thoại, nghi lễ được khảo cứu một cách công phu đều quy tụ xung quanh ý niệm trung tâm: cái chết - sự tái sinh. Có thể nói, cổ mẫu chết - tái sinh tồn tại như cổ mẫu mẹ, có sức mạnh sản sinh và kết nối với những hệ cổ mẫu khác. Trong tiểu thuyết Faulkner, cổ mẫu cái chết - sự tái sinh đóng vai trò như một ý niệm trung tâm, nơi khởi nguồn và hội tụ của hệ thống các cổ mẫu, biểu tượng, motif, ẩn dụ mang tính huyền thoại khác.
  19. 17 4.2.1. Trạng thái suy tàn của thế giới nhân sinh Faulkner quan tâm tới thực trạng nhân sinh ở trạng thái đang suy tàn của nó. Trong các tác phẩm, những chi tiết gợi đến sự chết, sự diệt vong day đi day lại như một định mệnh. Nhưng đáng chú ý là, ở sự tận cùng của diệt vong, có mầm mống của hồi sinh. Cổ mẫu cái chết - sự tái sinh không ngừng hiện diện trong các kết hợp từ ngữ, hay mối tương liên chết - sống, biến mất - xuất hiện của các nhân vật. 4.2.2. Quá khứ phục sinh và cái đẹp vĩnh hằng Sự phục sinh trong tiểu thuyết Faulkner mang dáng dấp huyền thoại - nghi lễ của Frazer là bởi lẽ, nhà văn luôn muốn ươm giữ sự sống, tái sinh vẻ đẹp ngay khi nó chưa đến kiệt cùng tàn lụi! Trong Cành vàng, Frazer đã khảo cứu tập tục hạ sát những ông vua thần thánh ngay khi xuất hiện những dấu hiệu của bệnh tật hay tuổi già. Trong tiểu thuyết, từ những hình tượng như bóng, nước, sự hoài thai… nhà văn tạo một bầu sinh quyển để ươm giữ hoặc tái sinh cái đẹp vĩnh cửu, và ý hướng ấy thường được thực hiện như những hành vi nghi lễ. 4.2.3. Sự bất khả hồi sinh: phản đề của cổ mẫu Khác với huyền thoại cổ, nhân vật trong tiểu thuyết Faulkner có thể nhận phán quyết rằng anh ta không thể tái sinh! Ví dụ, ở Caddy, nhà văn để ngỏ những khả năng tái sinh khác nhau: vừa có sự kế thừa cổ mẫu nguyên thuỷ (Caddy được phục sinh trong cái chết của Quentin), vừa có sự phản biện lại cổ mẫu ấy (Caddy vi phạm điều cấm kị và không thể được phục sinh). Tương tự, hành trình chôn cất bà Addie, một mặt, làm sống lại tình thân trong huyền thoại vua Osiris, khi cả gia đình chung lưng đấu cật đưa tang mẹ, mặt khác, lại phơi trải sự cô độc và cái chết ngay khi đang sống của người mẹ. Faulkner hoài nhớ và khao khát sự hồi sinh những giá trị nguyên sơ, nhưng ông cũng nhận thức được rằng, có những điều mãi mãi không trở lại.
  20. 18 4.3. Cổ mẫu hàm oan - một cách cắt nghĩa lối viết gothic Từ nỗi sợ hãi thuỷ nguyên của loài người về sự diệt vong, tai ương, bất hạnh, con người thực hành các nghi lễ trục xuất cái ác qua đối tượng được gọi là “scapegoat” (có thể được dịch là bung xung, kẻ hàm oan, kẻ gánh tội). Phần sau đây khảo sát cổ mẫu hàm oan và nghi lễ trút tội trong tiểu thuyết Faulkner. Việc đọc tiểu thuyết từ cổ mẫu và nghi lễ này cung cấp thêm một cách diễn giải từ phương diện nhân học cho một đặc trưng nổi bật trong tiểu thuyết của ông: nghệ thuật gothic. 4.3.1. “Kẻ hàm oan” như một khởi nguyên của nhân vật gothic Kiểu nhân vật gothic trong tác phẩm của ông, từ phương diện nhân học, có thể truy nguồn về cổ mẫu hàm oan và nghi lễ trút tội trong văn hoá nguyên thuỷ. Cổ mẫu hàm oan hiện thân trong những nhân vật này ở hai biểu hiện chính: thứ nhất, họ được xem như những kẻ lãnh chịu lấy tai ương, xui xẻo của cả cộng đồng; thứ hai, họ đều bị ruồng bỏ, xua đuổi, bức hại bởi một đám đông hữu hình hay vô hình. Họ hoặc là bị hành hình, truy sát, hoặc là bị dồn vào các không gian lưu đày (nhà tù, nhà thương điên) hoặc rơi vào lãng quên vĩnh viễn (ngôi nhà bị bỏ hoang như những phế tích). 4.3.2. Nghi lễ trút tội và lối viết gothic: ứng xử với “cái khác quái dị” Có một điểm gặp gỡ giữa nghi lễ trút tội và nghệ thuật gothic, đó là lối ứng xử với “cái khác quái dị”, với nhóm người yếu thế, với những phương diện bị xem là khác biệt, và vì thế, thường bị đánh đồng với phần bóng tối, xa lạ, hiểm nguy, tội lỗi. Trong các tác phẩm của ông, những nhân vật mang dáng dấp của kẻ hàm oan thường thuộc nhóm yếu thế. Lấy ví dụ, những kẻ khuyết tật, điên dại (Benjy, Jim Bond), người lai chủng (Joe), kẻ nhạy cảm, hoá điên (Darl), kẻ bị ruồng bỏ (Joanna, Hightower)…. Màu sắc gothic trong văn Faulkner, vì thế, không phải là ở việc dựng nên những sự kì bí kinh dị, hay những
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
6=>0