Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Tín hiệu thẩm mỹ thuộc trường nghĩa
lượt xem 4
download
Mục đích nghiên cứu của Luận án này nhằm đóng góp vào việc giảng dạy, học tập ca dao, thơ ca Việt Nam trong nhà trường phổ thông. Những năm qua, cùng với yêu cầu chung của công cuộc cải cách giáo dục, những yêu cầu về việc đổi mới phương pháp giảng dạy, phân tích tác phẩm văn học cũng được đặt ra cấp bách trong nhà trường phổ thông. Mời các bạn cùng tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Tín hiệu thẩm mỹ thuộc trường nghĩa
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI ĐỖ THỊ HƯƠNG BƯỞI TÍN HIỆU THẨM MỸ THUỘC TRƯỜNG NGHĨA “MẮT” TRONG KHO TÀNG CA DAO NGƯỜI VIỆT VÀ THƠ CA VIỆT NAM 1945-1975 Chuyên ngành: Ngôn ngữ học Mã số: 9229020 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN Hà Nội - 2021
- Công trình được hoàn thành tại: TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI Người hướng dẫn khoa học: GS. TS. Hoàng Trọng Phiến Phản biện 1: GS. TS Nguyễn Văn Khang Viện Ngôn ngữ học Phản biện 2: GS. TS Đỗ Việt Hùng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Phản biện 3: PGS. TS. Phạm Văn Tình Viện từ điển và Bách khoa toàn thư Việt Nam Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Trường họp tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào hồi ...giờ 00 ngày ... tháng ... năm 2021 Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện: - Thư viện Quốc Gia - Thư viện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
- 1 MỞ ĐẦU I/ Lý do chọn đề tài 1. Tín hiệu thẩm mỹ là một trong những phương tiện biểu hiện quan trọng nhất của hoạt động sáng tạo nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng. Với tư cách là một phương tiện đặc thù nhằm truyền tải những thông tin thẩm mĩ, ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương vừa được sử dụng như những THTM, vừa là cái biểu đạt cho các THTM. Đến lượt mình, tác phẩm văn chương cũng chính là THTM. Nghiên cứu THTM là một công việc cần thiết đối với người làm công tác nghiên cứu văn học nói chung, nghiên cứu ngôn ngữ nói riêng. Tác phẩm văn chương tồn tại với tư cách là một hệ thống tín hiệu. Để hiểu và đánh giá đúng đắn, có cơ sở khoa học một tác phẩm văn học cụ thể rất cần sự khảo sát, đánh giá hệ thống các tín hiệu thẩm mĩ trong tác phẩm đó. Nghiên cứu THTM đã có nhiều công trình, riêng THTM thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945-1975 chưa được nghiên cứu. Lựa chọn THTM “mắt” làm đối tượng nghiên cứu vì mắt là nét đẹp tiêu biểu của người con gái Việt Nam, mắt gợi tả tâm hồn, tình cảm của con người Việt Nam trong ca dao và thơ ca, ghi lại đặc điểm tâm hồn, tư duy văn hóa văn học của con người Việt Nam ở thời kì xã hội phong kiến và xã hội hiện đại; mắt trở thành một hình tượng thẩm mỹ đã đi vào tâm thức con người Việt Nam như một thứ cửa sổ chiếu dọi tâm hồn con người. 2. Về trường từ vựng - ngữ nghĩa, nhiều vấn đề đã được các nhà nghiên cứu quan tâm, giải quyết: các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người, từ chỉ tên riêng của người, chỉ quan hệ thân tộc, xưng hô, chỉ y phục; chỉ sự vật, chỉ động vật, thực vật; chỉ hiện tượng tự nhiên, khí tượng, chỉ hướng vận động; chỉ màu sắc… Một số công trình không chỉ dừng ở trong phạm vi ngôn ngữ, mà còn xem xét các mối tương giao giữa ngôn ngữ học với sử học, văn hóa học, xã hội học… Một số công trình đã quan tâm nghiên cứu khả năng hành chức của một trường nghĩa trong thực tế sử dụng ngôn ngữ, trong tác phẩm văn học. Đó là các vấn đề như: các tính từ chỉ màu sắc trong thơ Tố Hữu, các từ chỉ hiện tượng tự nhiên - khí tượng trong ca dao và thơ Nguyễn Trãi, chỉ không gian trong ca dao, chỉ cây cối trong thơ Việt Nam, trường nghĩa lửa, nước trong tiếng Việt…, chỉ động vật trong truyện đồng thoại Việt Nam… Nghiên cứu trường nghĩa trong thực tế sử dụng ngôn ngữ (trong đời sống, trong tác phẩm văn học) cũng là xem xét ngôn ngữ trong hoạt động hành chức để thấy được giá trị của ngôn ngữ đối với đời sống con người. 3. Từ cách tiếp cận ngôn ngữ học, chúng tôi chọn đề tài THTM thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945-1975 nhằm phát hiện giá trị ý nghĩa thẩm mỹ “mắt” trong tri nhận mang tính tư duy văn hóa dân tộc, trong đời sống tâm hồn dân tộc ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Thực hiện luận án này sẽ đóng góp ngữ liệu cụ thể vào lý thuyết THTM và gợi mở cách phân tích ngôn ngữ đối với việc giảng dạy ngôn ngữ văn chương trong nhà trường hiện nay.
- 2 II. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 1. Mục đích nghiên cứu - Vận dụng lý thuyết về THTM để khảo sát tín hiệu thẩm mỹ thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945-1975 góp phần tìm hiểu thi pháp ca dao, thi pháp thơ ca Việt Nam 1945-1975. - Kết quả nghiên cứu sẽ đóng góp vào việc giảng dạy, học tập ca dao, thơ ca Việt Nam trong nhà trường phổ thông. Những năm qua, cùng với yêu cầu chung của công cuộc cải cách giáo dục, những yêu cầu về việc đổi mới phương pháp giảng dạy, phân tích tác phẩm văn học cũng được đặt ra cấp bách trong nhà trường phổ thông. 2. Nhiệm vụ Luận án tập trung giải quyết những nhiệm vụ chính sau đây: - Hệ thống hóa, có phản biện các lý thuyết về trường nghĩa, tín hiệu thẩm mỹ có liên quan đến đề tài THTM thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945-1975. - Thống kê, phân loại THTM thuộc trường nghĩa “mắt” kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945-1975, xác định tần số xuất hiện, phân tích các cách kết hợp của các nhóm THTM hằng thể và các biến thể. - Tìm hiểu ý nghĩa biểu trưng thẩm mĩ của THTM “mắt”, chỉ ra được nét thống nhất và khác biệt về cách sử dụng và ý nghĩa thẩm mỹ của THTM thuộc trường nghĩa “mắt” trong ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945-1975. III. Đối tượng, ngữ liệu nghiên cứu 1. Đối tượng nghiên cứu THTM thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945-1975. Trường nghĩa “mắt” là một trong những trường nghĩa hoạt động rất phong phú trong hệ thống từ vựng tiếng Việt. Ở trường nghĩa này, chúng tôi chỉ tập trung vào tìm hiểu các từ có chức năng kiến tạo nghĩa thẩm mỹ được dùng để biểu thị các hình tượng nghệ thuật trong ca dao và thơ ca. Đây là một trường từ vựng ngữ nghĩa có số lượng nhiều trong các tiểu trường chỉ cơ thể người trong tiếng Việt và có các nghĩa biểu trưng phong phú. Không phải mọi tín hiệu ngôn ngữ thuộc trường nghĩa “mắt” nào cũng được đưa vào thơ, được trở thành chất liệu thơ, thành THTM. Ngay những THTM xuất hiện trong văn chương, tần suất, ý nghĩa của chúng cũng khác nhau ở từng giai đoạn, từng tác giả, từng thời kì sáng tác của cùng một tác giả. Vì thế, hàm lượng giá trị thẩm mĩ của chúng không đồng đều nhau và trong tiến trình vận động chung của cả hệ thống, các đại lượng trong bản thân mỗi THTM ấy cũng không ngừng biến đổi. Đối tượng khảo sát có tính đa dạng, phức tạp nên chúng tôi chỉ tập trung vào những đơn vị có tần suất cao nhất trong toàn bộ kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945-1975. Và, ở thơ ca Việt Nam 1945 -1975, chúng tôi chỉ chọn thơ của một số nhà thơ tiêu biểu. 2. Ngữ liệu nghiên cứu Tài liệu khảo sát về ca dao là cuốn Kho tàng ca dao người Việt do Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật chủ biên (1995) gồm bốn tập. Ngoài ra chúng tôi còn tham khảo thêm một số tài liệu khác như: Hợp tuyển ca dao Việt Nam của Hội văn hoá dân gian Việt Nam, Tục ngữ - Ca dao - Dân ca Việt Nam do Vũ Ngọc Phan chủ biên (2009). Ngữ liệu có được là 1.122/11.825 bài có tín hiệu “mắt”. Tài liệu khảo sát về thơ Việt Nam 1945 - 1975 là cuốn Văn học Việt Nam thế kỷ XX,
- 3 phần thơ ca Việt Nam 1945-1975, quyển bốn, tập VII, VIII, IX của nhóm tác giả PGS.TS. Lưu Khánh Thơ (chủ biên), PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, PGS.TS. Nguyễn Bích Thu, ThS. Đoàn Ánh Dương biên soạn và tuyển chọn. Trong đó, luận án sẽ tập trung nghiên cứu THTM thuộc trường nghĩa “mắt” của các tác giả tiêu biểu cho thời kỳ này là: Tố Hữu, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Vũ Cao, Nông Quốc Chấn, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy. Về tiêu chí lựa chọn, chúng tôi hướng đến tác giả ở các phạm vi khác nhau: có tác giả tiêu biểu cho cả hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có tác giả trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, có tác giả là gương mặt tiêu biểu cho thế hệ thơ trẻ chống Mỹ, có tác giả là gương mặt đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ngữ liệu thơ có 306 bài trong tổng số 415 bài thơ có xuất hiện tín hiệu “mắt”. VI. Phương pháp nghiên cứu Thực hiện đề tài này chúng tôi vận dụng các phương pháp chính sau đây: 1- Phương pháp phân tích thành tố nghĩa: được vận dụng nhằm nhận diện tín hiệu “mắt” trong tổ chức câu ca dao, thơ ca đồng thời làm cơ sở cho việc phân tách THTM thuộc trường nghĩa “mắt” thành các THTM trong các tiểu trường. Ngoài ra, đây cũng là phương pháp được vận dụng để phân tích các hướng chuyển nghĩa của THTM “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945 - 1975. 2 - Phương pháp phân tích trường nghĩa: được vận dụng trước hết nhằm xác định các đơn vị ngôn ngữ thuộc trường nghĩa “mắt”, trên cơ sở đó tìm ra đặc điểm hoạt động cũng như ý nghĩa thẩm mĩ của THTM “mắt” trong ca dao và thơ ca; đồng thời phát hiện mối liên hệ giữa nghĩa gốc và nghĩa chuyển của “mắt” (còn gọi là nghĩa gốc và nghĩa phái sinh). 3 - Phương pháp phân tích ngôn cảnh: được vận dụng trong luận án nhằm giải thích nghĩa hàm ẩn còn gọi là nghĩa biểu trưng của “mắt”. Ở đây chúng tôi dùng thao tác phân tích theo trục hệ hình (thay thế) và trục kết hợp. Từ đó xem xét nghĩa ẩn dụ của THTM “mắt”. Phương pháp phân tích ngữ cảnh ngôn ngữ để tìm hiểu những biến thể quan hệ của THTM “mắt” trong mỗi lần xuất hiện so với THTM hằng thể. 4 - Phương pháp miêu tả: được vận dụng để quan sát, miêu tả THTM “mắt” với các đơn vị định danh cho mắt, các đặc tính của mắt, các mô hình cấu trúc ngôn ngữ của các biến thể kết hợp của mắt. Đây là phương pháp chính cùng với phương pháp phân tích thành tố nghĩa để giải quyết các vấn đề của luận án. Từ những nguồn ngữ liệu đã thu thập, chúng tôi tiến hành phân tích miêu tả đặc điểm ngữ nghĩa và nghĩa biểu trưng của THTM thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945 - 1975. 5 - Dựa trên các phương pháp nghiên cứu được vận dụng, luận án đã sử dụng một số thủ pháp nghiên cứu sau: - Thủ pháp thống kê: được sử dụng nhằm phát hiện tần số xuất hiện và khả năng hoạt động của mắt trong ca dao và thơ ca ở những văn cảnh xuất hiện cụ thể, dưới dạng hằng thể, biến thể các tiểu trường, gồm các từ gọi tên mắt và các bộ phận của mắt, các từ chỉ hoạt động trạng thái, tính chất của mắt; vận dụng các khái niệm tần số, tần xuất, độ phân bố... - Thủ pháp thay thế: được vận dụng khi nghiên cứu các mô hình cấu trúc, các kiểu kết hợp của THTM “mắt” để thấy được cách dùng THTM “mắt” có sự phù hợp góp phần biểu đạt ý nghĩa thẩm mĩ trong các ngôn cảnh cụ thể. - Thủ pháp phân loại, hệ thống hoá được chúng tôi dùng để phân xuất THTM “mắt” thành các tiểu trường, các nhóm nhỏ (ví dụ: nhóm hằng thể, biến thể từ vựng, biến thể kết
- 4 hợp... để thuận lợi cho việc nghiên cứu khả năng hoạt động của THTM “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945 - 1975. - Thủ pháp phân tích thành tố trực tiếp được chúng tôi vận dụng trong việc nghiên cứu kết cấu cú pháp trong các mô hình cấu trúc là các kiểu kết hợp của THTM “mắt”. Ở đây, tổ hợp của các từ, các nhóm từ có mối liên hệ trực tiếp với THTM “mắt” được xem như một kết cấu. Mỗi mô hình kết cấu được thể hiện như một chuỗi các đơn vị giữ vai trò nhất định trong ngữ pháp. Các bộ phận của mỗi mô hình kết cấu có thể là từ (định danh mắt hoặc các hoạt động, trạng thái của mắt) hoặc các nhóm từ, các đơn vị nhỏ được hiểu là các thành tố trực tiếp của nó. Phân tích thành tố trực tiếp không cho ta một bức tranh tĩnh về mô hình cấu trúc các kiểu kết hợp của THTM “mắt” mà cho ta một sự phân tích động, được xây dựng như một chuỗi các bước phân tích mô hình kết hợp của THTM “mắt” - Ngoài ra, luận án còn sử dụng thao tác so sánh hai thể loại văn bản: ca dao và thơ ca. V. Những đóng góp của luận án Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần làm sáng tỏ thêm một số vấn đề về chức năng ngôn ngữ, bản chất TH ngôn ngữ, trường nghĩa và THTM, ngôn ngữ văn chương... Đây cũng là công trình đầu tiên khảo sát cụ thể các đơn vị đại diện của trường từ vựng - ngữ nghĩa “mắt” trong thơ ca dân tộc từ bình diện ngôn ngữ thông thường đến bình diện ngôn ngữ nghệ thuật, từ các ý nghĩa thông thường trong hệ thống, đến các ý nghĩa nghệ thuật cụ thể, mới mẻ, sinh động. Luận án đã chỉ ra những nghĩa biểu trưng của mắt - cửa sổ tâm hồn của người Việt Nam trong sáng tạo ngôn ngữ nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Luận án cung cấp thêm ngữ liệu của THTM “mắt” vào việc nghiên cứu từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt và sự phát triển tư duy thẩm mỹ của con người Việt Nam. Những kết quả đó còn đóng góp vào việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập ca dao, thơ ca Việt Nam trong nhà trường phổ thông. Đặc biệt có thể coi những ngữ liệu, những biện giải trong luận án như là những tham khảo cung cấp thêm cách nhìn mới từ góc độ bản chất ngôn ngữ - văn hóa - nghệ thuật của các từ - THTM “mắt” giúp biên soạn phần mục này trong một cuốn từ điển về Ngôn ngữ - Văn hóa - Dân tộc học. VI. Kết cấu của luận án Căn cứ vào mục đích nghiên cứu và cách triển khai đề tài, luận án được kết cấu thanh ba chương: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý luận. Chương 2: Khảo sát tín hiệu thẩm mỹ thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945 - 1975. Chương 3: Ý nghĩa biểu trưng của tín hiệu thẩm mỹ thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và trong thơ ca Việt Nam 1945 - 1975. - THTM “mắt” biểu trưng cho vẻ đẹp về hình thức của con người. - THTM “mắt” biểu trưng cho vẻ đẹp về tâm hồn của con người. - THTM “mắt” biểu trưng cho vẻ đẹp về trí tuệ của con người.
- 5 NỘI DUNG CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÍ LUẬN 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 1.1.1. Lịch sử nghiên cứu về tín hiệu thẩm mỹ 1.1.1.1. Các nghiên cứu về tín hiệu thẩm mĩ trên thế giới Khái niệm tín hiệu thẩm mỹ (còn gọi là ký hiệu thẩm mỹ) ra đời gắn với khuynh hướng cấu trúc trong nghiên cứu mỹ học và nghệ thuật những năm giữa thế kỉ XX với các công trình của Iu.A.Philipiep, M.B.Khrapchenco. Ngoài ra còn nhiều tác giả khác bàn đến THTM như: E.Cassires, S.Langer, R.Barther, A.Belưi, V.I.Proopp, M.Bakhtin, B.X.Likhasôp… Các tác giả trên đã thống nhất ở điểm: một THTM cần hội đủ các điều kiện: 1, cbh: các hình thức vật chất (chất liệu) nghệ thuật; 2, cđbh: YNTM; 3, chủ thể sáng tạo (thế giới phát ngôn, tạo ngôn - tác giả; thế giới tiếp nhận, thụ ngôn – công chúng, bạn đọc); 4, thuộc về một hệ thống THTM nhất định. Trong Ký hiệu, hay biểu tượng cũng chứa đựng yếu tố văn hóa dân tộc, thời đại và dấu ấn của cá nhân người sáng tác. 1.1.1.2. Các nghiên cứu về Tín hiệu thẩm mĩ ở Việt Nam Ở nước ta, vấn đề tín hiệu và tín hiệu thẩm mỹ đã được nhiều nhà nghiên cứu như Hoàng Tuệ, Hoàng Trinh, Đào Thản, Phan Ngọc, Đái Xuân Ninh, Trần Đình Sử, Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Lai, Lại Nguyên Ân, Phương Lựu, Hoàng Trọng Phiến, Bùi Minh Toán, Đỗ Việt Hùng, Nguyễn Thị Ngân Hoa, Trương Thị Nhàn, Phạm Thị Kim Anh… gần đây nhất có công trình Ký hiệu và liên ký hiệu của Lê Huy Bắc. Người đặt cơ sở nghiên cứu tín hiệu thẩm mỹ là tác giả Đỗ Hữu Châu. Ông đã đưa ra những kiến giải về THTM ngôn ngữ: THTM là phương tiện sơ cấp (primaire) của văn học. Ngôn ngữ thực sự của văn học là ngôn ngữ - THTM, cú pháp-THTM. Rồi các tín hiệu thẩm mỹ đó mới được thể hiện bằng các tín hiệu ngôn ngữ thông thường (và cú pháp thông thường)... Nói một cách tổng quát, các đơn vị ngôn ngữ thông thường là cái biểu hiện của các THTM và ngữ pháp thông thường là CBH của ngữ pháp THTM. Theo Đinh Trọng Lạc thì Tín hiệu ngôn ngữ - văn học ấy đóng vai trò là hệ thống tín hiệu thứ nhất làm cơ sở cho hệ thống thứ hai - THTM. Trần Ngọc Thêm cho rằng đó là sự mã hóa hai bậc. Nguyễn Lai cũng đề cập vấn đề này trong công trình của mình. Bùi Minh Toán trong “Ngôn ngữ với văn chương” đã đưa ra quan niệm về THTM trong văn chương là loại tín hiệu có chức năng thẩm mĩ: biểu hiện cái đẹp, truyền đạt và bồi dưỡng cảm xúc về cái đẹp. Nó cũng cần có hai mặt: cái biểu đạt và cái được biểu đạt, nhưng cái được biểu đạt là ý nghĩa thẩm mĩ. Trong công trình Ngôn ngữ văn chương, các tác giả Hoàng Trọng Phiến và Hoàng Kim Ngọc với cái nhìn từ ngôn ngữ học và văn học đã cho rằng “Tính thẩm mỹ của ngôn ngữ văn chương phải được nghiên cứu theo cách nhìn của tín hiệu thẩm mĩ có cơ sở từ tín hiệu ngôn ngữ nói chung” và “THTM thuộc hệ thống các phương tiện biểu hiện nội dung thẩm mỹ, phục vụ cho một tư tưởng thẩm mĩ nhất định, được nhận thức bởi một chủ thể thẩm mĩ nhất định”. Các ý kiến trao đổi trên đây sẽ là cơ sở để chúng tôi tìm hiểu, xác định hệ thống lý thuyết về THTM và vận dụng lý thuyết này vào đề tài khi nghiên cứu THTM “mắt” để tìm ra các đơn vị ngôn ngữ với vai trò là THTM hằng thể, biến thể; khả năng hoạt động, các mô hình cấu trúc, các ý nghĩa của THTM “mắt” ... 1.1.2. Lịch sử nghiên cứu tín hiệu thẩm mỹ trong ca dao và thơ ca Việt Nam 1945 -1975
- 6 Đối với ca dao: Có rất nhiều công trình nghiên cứu của các tác giả nghiên cứu về THTM trong ca dao như: “Giá trị biểu trưng nghệ thuật của các vật thể nhân tạo trong ca dao cổ truyền Việt Nam” của Trương Thị Nhàn;“Thế giới động vật trong ca dao cổ truyền người Việt của Đỗ Thị Hòa. Lê Thị Lâm với Tín hiệu thẩm mĩ hoa và đặc trưng tư duy văn hóa của người Việt trong ca dao; Đào Thị Dương với Một số tín hiệu thẩm mĩ trong ca dao Việt Nam, Nguyễn Thị Thu Quế với Trường từ vựng tên gọi động vật thủy sinh và tín hiệu thẩm mĩ được tạo nên trong ca dao. Nguyễn Thị Ngọc Điệp với bài viết “Đôi nét về nhóm biểu tượng hoa trong ca dao” và luận án Biểu tượng nghệ thuật trong ca dao truyền thống người Việt... Các công trình nghiên cứu của Chu Xuân Diên, Đinh Gia Khánh đã tìm hiểu các "mẫu đề" (mô típ) được lặp đi lặp lại mang nghĩa cố định trong ca dao, dân ca Việt Nam. Những biểu tượng: con cò, mận, đào, thuyền, bến đã được phân tích trong các công trình của Vũ Ngọc Phan, Phan Đăng Nhật, Nguyễn Xuân Kính. Nguyễn Xuân Lạc với Môtip nghệ thuật dân gian: Cái cầu trong ca dao; Nguyễn Thị Ngân Hoa với Biểu tượng chiếc áo trong đời sống tinh thần người Việt qua thơ ca; Hà Công Tài và Biểu tượng trưng trong thơ ca dân gian... Riêng THTM “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt thì chưa được đề cập hệ thống, toàn diện trong công trình nghiên cứu, chuyên khảo nào. Đối với thơ ca Việt Nam 1945-1975: đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, chuyên khảo, luận án, luận văn nghiên cứu về các THTM: luận án tiến sĩ Nguyễn Thị Ngân Hoa “Sự phát triển ý nghĩa của hệ biểu tượng trang phục trong ngôn ngữ thơ ca Việt Nam” của; Phạm Thị Kim Anh với “Tín hiệu thuộc trường nghĩa cây trong thơ Việt Nam”, Bùi Thị Hồng “Tìm hiểu vấn đề tín hiệu thẩm mỹ trong thơ Huy Cận”, Lê Thị Tuyết Hạnh “Một số tín hiệu thẩm mỹ trong thơ Xuân Quỳnh”, tác giả Thái Phan Hoàng Anh có bài viết “Thơ Hoàng Cầm - nhìn từ mã nhan đề” Võ Tấn Quyên với khóa luận Tín hiệu ngôn ngữ thẩm mĩ thuộc trường nghĩa hiện tượng tự nhiên trong thơ Xuân Quỳnh; Trần Thị Thái với Một số tín hiệu thẩm mỹ trong thơ Tố Hữu, Khảo sát các tín hiệu thẩm mỹ “Mùa xuân - Trái tim” trong thơ tình Xuân Diệu của Đỗ Ngọc Thư; Trường từ vựng ngữ nghĩa chỉ màu sắc trong thơ Tố Hữu của Nguyễn Thị Hòa; Trường từ vựng ngữ nghĩa chỉ bộ phận cơ thể người trong thơ Chế Lan Viên của Nguyễn Chí Trung; Một số tín hiệu thẩm mỹ trong thơ Xuân Quỳnh của Lê Thị Tuyết Hạnh ...… Ngoài ra còn có nhiều công trình nghiên cứu chuyên luận, bài viết, tuyển tập bàn đến giá trị của thơ ca Việt Nam 1945 - 1975 nói chung. Tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu, bài viết nào chuyên sâu nghiên cứu THTM thuộc trường nghĩa mắt trong thơ ca 1945-1975. Những bài viết, luận văn, luận án và các công trình nghiên cứu của tác giả trên đây đã gợi ý cho chúng tôi trong việc đi tìm hiểu Tín hiệu thẩm mỹ thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945-1975, một vấn đề còn bỏ ngỏ. 1.2. Cơ sở lí luận 1.2.1. Lý thuyết trường nghĩa 1.2.1.1. Khái niệm trường nghĩa Đối với trường nghĩa “mắt”, luận án chọn quan niệm của tác giả Đỗ Hữu Châu và những tác giả có cùng quan niệm:“Mỗi tiểu hệ thống ngữ nghĩa được gọi là một trường nghĩa. Đó là những tập hợp từ đồng nhất với nhau về ngữ nghĩa”. 1.2.1.2. Đặc điểm của trường nghĩa
- 7 Cấu trúc nghĩa của trường nghĩa có tính hệ thống, tính tầng bậc, tính giao thoa, hiện tượng đồng nghĩa, trái nghĩa... Tuy nhiên, luận án chỉ đưa ra một số đặc điểm tiêu biểu có liên quan đến các vấn đề luận án cần giải quyết, đó là tính tầng bậc, tính giao thoa. 1.2.1.3. Phân loại trường nghĩa a. Cơ sở phân loại trường Luận án cũng thống nhất quan điểm của Đỗ Hữu Châu và các tác giả có cùng quan niệm về tiêu chí xác lập trường nghĩa. Sau đây là các tiêu chí cơ bản để xác lập trường: Thứ nhất: Xác lập trường nghĩa phải dựa vào ý nghĩa của ngôn ngữ. Thứ hai: Phải tìm được từ điển hình (trung tâm) chỉ mang các đặc trưng từ vựng - ngữ nghĩa của trường đó. Thứ ba: Dựa vào ý nghĩa biểu vật và biểu niệm và sự đồng nhất ở những nghĩa phạm trù (biểu vật và biểu niệm) của từ để xác lập trường biểu vật và trường biểu niệm. Thứ tư: với trường biểu vật, tiêu chí xác lập cũng chỉ là sự đồng nhất ở một nét nghĩa biểu vật. Thứ năm: với trường nghĩa biểu niệm, tiêu chí xác lập cũng chỉ là sự đồng nhất ở một nét nghĩa biểu niệm. Thứ sáu: với trường tuyến tính, là dựa hẳn vào ngữ nghĩa từ trung tâm. Thứ bảy: dùng để xác lập trường liên tưởng. Cơ sở tạo lập trường này là các nghĩa ngữ dụng (meanings in use) của từ trung tâm. b. Các loại trường nghĩa Từ cơ sở phân lập trên, hệ thống từ vựng ngữ nghĩa của một ngôn ngữ có thể được phân lập ra các loại trường nghĩa. - Trường nghĩa biểu vật (trường biểu vật) - Trường nghĩa biểu niệm (trường biểu niệm) - Trường nghĩa tuyến tính (trường nghĩa ngang) - Trường nghĩa liên tưởng (trường liên tưởng) 1.2.1.4. Ngữ nghĩa của trường nghĩa Ngữ nghĩa trường nghĩa trước hết được xem là ngữ nghĩa chung, khái quát nhất của các từ trong trường. Các nghĩa khác nhau của từ trung tâm còn quan hệ với nhau lập nên hệ thống ngữ nghĩa của nó. Đó là tập hợp những nghĩa vị thuộc những cấu trúc nhất định quy định vị trí của từ trong trường làm cơ sở cho hoạt động tạo nghĩa, hoạt động thông báo của từ trong lời nói. 1.2.1.5. Hiện tượng chuyển trường Sự chuyển nghĩa của từ thường kéo theo sự chuyển trường nghĩa. Ở luận án này, chúng tôi nghiên cứu hiện tượng chuyển trường của từ, không nghiên cứu hiện tượng chuyển nghĩa của từ cùng trường. Những từ cùng một trường nghĩa thường có hướng chuyển nghĩa giống nhau. Khi các từ này xuất hiện trong ngữ cảnh với nghĩa mới, chúng vẫn giữ được một sắc thái nghĩa nào đó của nghĩa gốc. Từ “mắt” có nghĩa gốc chỉ cơ quan để nhìn của con người hay động vật. Trong hoạt động hành chức, từ “mắt” chuyển nghĩa và chuyển sang các trường khác. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp chuyển nghĩa đều chuyển trường. Có những trường hợp chỉ chuyển nghĩa trong trường nên không xảy ra hiện tượng chuyển trường, chẳng hạn: vẫn là từ “mắt” với nghĩa gốc như ở trên nhưng đã được chuyển nghĩa để chỉ các bộ phận khác của cơ thể người: mắt cá chân, … Khi hiện tượng chuyển trường nghĩa diễn ra đối với hàng loạt các từ thuộc cùng một trường nghĩa và hướng đến cùng một trường nghĩa khác thì đó chính là một quá trình thể
- 8 hiện một ẩn dụ ý niệm trong sự tri nhận của cộng đồng ngôn ngữ (từ miền nguồn sang miền đích). 1.2.2. Lý thuyết tín hiệu thẩm mỹ 1.2.2.1. Cơ sở ngôn ngữ học: Luận án đã nhận thức, phân tích các khái niệm như: a. Tín hiệu (ký hiệu): b. Tín hiệu ngôn ngữ 1.2.2.2. Cơ sở mỹ học: 1.2.2.2.1. Tín hiệu thẩm mỹ (ký hiệu thẩm mỹ) a) Khái niệm Từ việc nghiên cứu các quan niệm của các nhà ngôn ngữ học về THTM, cùng với các kiến giải được trình bày, chúng tôi đề xuất định nghĩa có tính tác nghiệp về THTM như sau: THTM là TH thuộc hệ thống các phương tiện biểu hiện của các ngành nghệ thuật, bao gồm toàn bộ những yếu tố của hiện thực, của tâm trạng (những chi tiết, những sự vật, hiện tượng, những cảm xúc… trong đời sống hiện thực và tâm trạng) được lựa chọn, xây dựng và sáng tạo trong tác phẩm vì mục đích thẩm mỹ, trong đó cái biểu đạt của THTM là những yếu tố thuộc hệ thống phương tiện vật chất (chất liệu - các yếu tố của chất liệu ngôn ngữ với văn chương, các yếu tố của chất liệu màu sắc với hội họa; âm thanh nhịp điệu với âm nhạc…) được sử dụng trong các ngành nghệ thuật và CĐBĐ của THTM là những nội dung tinh thần mang tính thẩm mỹ. Đó là đời sống tâm hồn, nhận thức trí tuệ, tư duy văn hóa của con người. b) Điều kiện để một tín hiệu ngôn ngữ trở thành một tín hiệu thẩm mỹ Điều kiện thứ nhất: để các yếu tố hiện thực trở thành THTM là phải đảm bảo có một cái biểu hiện mang tính vật chất. Điều kiện thứ hai: điều kiện về nội dung. THTM phải đảm bảo mang một nội dung tinh thần - cái được biểu hiện không giống với bản thân hiện thực được nói tới. Điều kiện thứ ba: về chủ thể lý giải. Một yếu tố hiện thực trở thành THTM là do vai trò của sự liên tưởng trong tư duy của chủ thể tiếp nhận. Điều kiện thứ tư: Một yếu tố hiện thực được coi là THTM chỉ khi nó tham gia vào hệ thống thực hiện chức năng thẩm mỹ, tham gia vào một chỉnh thể nhất định vì mục đích thẩm mỹ. 1.2.2. Ý nghĩa thẩm mỹ Như ở trên vừa đề cập, ý nghĩa thẩm mỹ là những nội dung tinh thần mang tính thẩm mỹ, là loại nghĩa thể hiện cái đẹp giúp con người hiểu thấu và vươn tới cái đẹp trong cuộc sống con người, được con người đánh giá là tích cực theo những chuẩn mực nhất định. 1.3. Tín hiệu thẩm mĩ trong tác phẩm văn chương Trong phần này, luận án đã làm rõ một số vấn đề như: 1.3.1. Chất liệu của THTM văn chương: THTM văn chương được xây dựng từ chất liệu ngôn ngữ tự nhiên. 1.3.2. Sự chuyển hóa THNN thành THTM văn chương 1.3.3. Nguồn gốc của THTM trong tác phẩm văn chương 1.3.4. Các cấp độ của tín hiệu thẩm mĩ trong tác phẩm văn chương 1.3.5. Phương thức cấu tạo tín hiệu thẩm mĩ trong tác phẩm văn chương * Phương thức ẩn dụ:
- 9 * Phương thức hoán dụ: 1.3.5. Tính chất của THTM trong tác phẩm văn chương * Tính nhân loại, tính dân tộc, tính lịch sử của THTM văn chương * Tính phi vật thể và phi trực quan của THTM trong tác phẩm văn chương * Tính hình tuyến của THTM trong ngôn ngữ văn học * Tính biểu trưng của THTM văn chương 1.3.6. Chức năng của THTM trong tác phẩm văn chương * Chức năng biểu hiện của THTM trong tác phẩm văn chương * Chức năng tác động của THTM trong tác phẩm văn chương 1.3.7. Hằng thể và các biến thể của THTM trong tác phẩm văn chương 1.3.7.1. Hằng thể của THTM trong tác phẩm văn chương Hằng thể là dạng thể hiện đơn giản, phổ biến và tiêu biểu nhất của một tín hiệu nói chung và THTM nói riêng. THTM hằng thể (điển dạng) là loại THTM mà cái biểu đạt của nó không thay đổi trong mỗi lần xuất hiện. 1.3.7.2. Biến thể của THTM trong tác phẩm văn chương a. Biến thể từ vựng (BTTV) b. Biến thể kết hợp (BTKH) Tiểu kết chương 1: Trong chương này, chúng tôi đã trình bày một cách hệ thống và cơ bản nhất, khái quát nhất về các vấn đề về lịch sử nghiên cứu THTM, THTM trong ca dao và thơ ca Việt Nam 1945 -1975; về trường nghĩa, tín hiệu, tín hiệu ngôn ngữ, THTM, YNTM, đặc trưng của THTM trong nghệ thuật nói chung, THTM trong tác phẩm văn chương nói riêng… Về trường nghĩa, chúng tôi đã vận dụng quan điểm của Đỗ Hữu Châu về trường nghĩa:“Mỗi tiểu hệ thống ngữ nghĩa được gọi là một trường nghĩa. Đó là những tập hợp từ đồng nhất với nhau về ngữ nghĩa”. Chúng tôi cũng cho rằng đặc trưng ngữ nghĩa chung là cơ sở để tập hợp các đơn vị trong một trường nghĩa, còn đặc trưng ngữ nghĩa riêng của các đơn vị sẽ là dấu hiệu để khu biệt chúng với nhau. Về tín hiệu thẩm mỹ, chúng tôi đã đưa ra một định nghĩa có tính tác nghiệp để vận dụng phân tích, nghiên cứu đề tài. Tín hiệu ngôn ngữ là tổng thể hai mặt: cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Khi xây dựng THTM trong tác phẩm văn học, tổng thể hai mặt này chỉ đóng vai trò là cái biểu đạt của THTM. Còn cái được biểu đạt là ý nghĩa thẩm mỹ, đây là yếu tố mới nảy sinh trong THTM văn chương. Trong tác phẩm văn chương THTM có hai cấp độ cơ bản: cấp độ cơ sở (TH đơn), và cấp độ xây dựng (TH phức). Có hai phương thức cơ bản để xây dựng THTM: phương thức ẩn dụ, phương thức hoán dụ. THTM trong tác phẩm văn chương có các tính chất như: tính phi vật thể và phi trực quan, tính hình tuyến, tính biểu trưng... và hướng đến hai chức năng chủ yếu: chức năng biểu hiện và chức năng tác động. Trong tác phẩm văn chương, THTM được biểu hiện thành các hằng thể và các biến thể từ vựng, biến thể kết hợp. Những điều được trình bày ở trên chính là cơ sở lí luận định hướng cho l uận án trong việc thu thập, thống kê cũng như tiếp cận và tìm hiểu giá trị của tín hiệu thẩm m ỹ thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945- 1975.
- 10 Chương 2. KHẢO SÁT TÍN HIỆU THẨM MỸ THUỘC TRƯỜNG NGHĨA “MẮT” TRONG KHO TÀNG CA DAO NGƯỜI VIỆT VÀ THƠ CA VIỆT NAM 1945 - 1975 2.1. Dẫn nhập Trong chương này, chúng tôi tìm hiểu các phương tiện ngôn ngữ làm thành bình diện hình thức vật chất biểu đạt (gồm các đơn vị thuộc về cái biểu hiện (CBH), sự kết hợp của các đơn vị CBH) của các THTM thuộc trường nghĩa “mắt”. 2.2. Thống kê, phân loại THTM thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945 - 1975 Áp dụng lí thuyết Nguyên mẫu, chúng tôi phân loại 173 đơn vị tập hợp được trong hệ thống từ vựng tiếng Việt thành hai nhóm. Nhóm các THTM trung tâm, điển hình nhất cho mắt (kí hiệu C1) gồm 89 đơn vị và nhóm các THTM ngoại biên, kém điển hình (kí hiệu C2) gồm 84 đơn vị. Nhóm C1: trước hết là từ mắt được coi là nguyên mẫu và những đơn vị - danh từ, động từ có ý nghĩa gần với từ mắt nhất, thể hiện được nét đặc trưng, thuộc tính mà khi nhắc đến nó, người ta hình dung ngay đến mắt và các thuộc tính của mắt: - Các BTTV: con mắt, đôi mắt, khóe thu ba. - Các BTKH chỉ bộ phận của mắt: con ngươi, ánh mắt, lông mày, mi mắt, mí mắt, tròng mắt, hốc mắt, đuôi mắt, khóe mắt, màu mắt, tầm nhìn, cái nhìn, tầm mắt, nước mắt, lệ, lụy, châu… - Các BTKH chỉ hoạt động của mắt: nhìn, trông, ngó, liếc, khóc, ngủ, thức, ngắm, dòm/nhòm… Nhóm C2: là các từ ngoại biên xa trung tâm. Kém điển hình vì chúng chỉ mắt với các đặc điểm, tính chất, hoạt động của mắt theo một mức độ nào đó, trong một ngữ cảnh nhất định khi đi kèm với hằng thể mắt thì nó mới mang ý nghĩa chỉ mắt và các đặc điểm của mắt. Ví dụ: mắt long lanh, mắt lừ đừ, mắt ngơ ngác, mắt đầm ấm, mắt khoan dung, mắt dại, mắt u buồn, mắt viền, mắt thân yêu, mắt hiền, mắt tươi... Theo ngữ liệu thống kê mắt xuất hiện 2.323 lần trong 1.122 / 11.825 bài ca dao trong tuyển tập Kho tàng ca dao người Việt. Mắt xuất hiện 1.681 lần trong 306/415 bài thơ của 08 tác giả được khảo sát trong tuyển tập. Như vậy, tổng số có 1.428/12.240 bài thơ và ca dao có xuất hiện THTM “mắt”. Dựa vào tiêu chí phân loại THTM chúng tôi phân xuất trường nghĩa “mắt” thành hai nhóm: THTM hằng thể và các biến thể như trong chương I chúng tôi đã trình bày. Hằng thể là dạng thể hiện đơn giản, phổ biến và tiêu biểu nhất của một tín hiệu nói chung và THTM nói riêng. Ví dụ: hằng thể "mắt". Biến thể của THTM là THTM trong các "lần xuất hiện" của nó. Trong biến thể, chúng tôi tìm hiểu hai loại: biến thể từ vựng (BTTV) và biến thể kết hợp (BTKH). Như vậy, tổng số có 01 hằng thể và 173 biến thể, trong đó có 03 BTTV, 170 BTKH của THTM thuộc trường nghĩa mắt xuất hiện trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945-1975. Thuộc nhóm các BTKH, THTM chỉ hoạt động của mắt có 52 biến thể, BTKH chỉ nước mắt có 29 biến thể, chỉ hình dáng của mắt có 10 biến thể, chỉ màu sắc của mắt có 10 biến thể, chỉ các bộ phận của mắt có 14 biến thể, chỉ trạng thái của mắt có 57 biến thể.
- 11 2.3. Hình thức ngôn ngữ biểu đạt của THTM thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao và thơ ca Việt Nam 1945 -1975 2.3.1. Hằng thể của THTM thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và Thơ ca Việt Nam 1945-1975 Cái biểu đạt của THTM thuộc trường nghĩa “mắt” trước hết thể hiện ra bằng tín hiệu ngôn ngữ mắt, một danh từ trong hệ thống ngôn ngữ, khi đi vào ca dao và thơ ca, mắt đã trở thành tín hiệu thẩm mỹ, xuất hiện: 19 lần trong kho tàng ca dao người Việt trong tổng số 2 263 lần xuất hiện của THTM thuộc trường nghĩa mắt; xuất hiện 188 lần trong sáng tác của nhóm tác giả được nghiên cứu của thơ ca Việt Nam 1945-1975 trong tổng số 1564 lần xuất hiện của THTM thuộc trường nghĩa mắt. 2.3.2. Các biến thể của THTM thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945 -1975 2.3.2.1. Biến thể từ vựng (BTTV): Biến thể từ vựng (BTTV): Ở đây các biến thể từ vựng - ngữ nghĩa của THTM thuộc trường nghĩa “mắt” được các tác giả sử dụng chủ yếu ở ba biến thể từ vựng như: con mắt, đôi mắt, khóe thu ba. 2.3.2.2. Biến thể kết hợp (BTKH) Có thể hình dung tần số xuất hiện của các biến thể kết hợp của THTM “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945-1975 qua bảng sau: Thơ ca Việt Nam Ca dao người Việt 1945 -1975 Nhóm Số lượng Tần số xuất Số lượng Tần số biến thể hiện biến thể xuất hiện Hình dáng của mắt 05 10 06 16 Màu sắc của mắt 04 11 08 22 Các bộ phận của mắt 09 7 13 47 Nước mắt 16 347 19 87 Trạng thái của mắt 06 24 54 107 Hoạt động của mắt 17 1794 50 1050 Tổng 54 2 193 149 1329 Khảo sát các biến thể kết hợp của THTM “mắt” chúng tôi chia tách ra các tiểu trường dựa trên những nét nghĩa chung; có 6 phương diện được đề cập đến: hình dáng của mắt, màu sắc của mắt, các bộ phận của mắt (nước mắt), hoạt động của mắt, trạng thái của mắt, tính chất của mắt. Cụ thể như sau: a) Tiểu trường chỉ hình dáng của mắt: được thể hiện bằng mô hình: Mắt + yếu tố chỉ hình dáng. Đó là các tín hiệu: mắt bồ câu, mắt lá răm, mắt phượng, mắt ti hí - mắt lươn (Ca dao); mắt tròn, mắt bé, mắt nhỏ, mắt lươn, mắt thỏ, mắt chuồn chuồn (Thơ ca Việt Nam 1945-1975). Các BTKH nói về hình dáng của mắt về cơ bản để thể hiện cách đánh giá bản chất của đối tượng, mắt lươn xuất hiện cả trong ca dao và thơ ca với cùng một sắc thái ý nghĩa tiêu cực. b)Tiểu trường chỉ màu sắc của mắt: được biểu hiện bằng mô hình: Mắt + yếu tố chỉ màu sắc (tính từ). Trong ca dao có 04 biến thể xuất hiện 11 lần, đó là các biến thể: mắt xanh, mắt trắng, mắt đỏ, mắt ngọc. Trong thơ ca Việt Nam 1945-1975 có 08 biến thể xuất hiện 22 lần, đó là các biến thể: mắt đỏ, mắt xanh, mắt huyền, mắt biếc, mắt (sẫm) đen, mắt màu gio, (màu) mắt trong.
- 12 c) Tiểu trường chỉ các bộ phận của mắt: được thể hiện qua mô hình: bộ phận của mắt + x.... Đó là các trường hợp: con ngươi, lông mày, chân mày, ánh mắt (Ca dao); lông mày, mi/hàng mi/ bóng mi, mí mắt, tròng mắt, hốc mắt, đuôi mắt, khóe mắt, đáy mắt, màu mắt, tầm mắt, tầm nhìn, cái nhìn, ánh mắt (Thơ ca Việt Nam 1945-1975). d) Tiểu trường chỉ nước mắt: được thể hiện qua mô hình A (nước mắt) + B (tính từ, động từ…) Như trên đã trình bày, nước mắt cũng là một bộ phận của mắt, nhưng do tần số xuất hiện của BTKH này tương đối nhiều, nên chúng tôi đã tách thành một nhóm từ đứng riêng để thuận tiện cho việc khảo sát và tìm hiểu ý nghĩa thẩm mĩ. Cũng cần lưu ý thêm cấu trúc (động từ) lau + nước mắt xuất hiện trong thơ ca 1945-1975 như là cách thể hiện niềm vui chiến thắng, tâm trạng của con người khi cuộc đời đã sang một trang mới… e) Tiểu trường chỉ trạng thái của mắt, tính chất của mắt: được miêu tả bằng mô hình: Mắt + yếu tố trực tiếp chỉ đặc điểm, trạng thái (tính từ) như mắt long lanh, mắt lúng liếng, mắt lim dim, mắt bần thần… Qua khảo sát có 56 đơn vị có kết hợp kiểu này. Trong đó, ca dao có 06 đơn vị, xuất hiện 24 lần, thơ ca 54 đơn vị, xuất hiện 107 lần. Hai biến thể chỉ xuất hiện trong ca dao, không có trong thơ ca: mắt lúng liếng, mắt toét; 50 biến thể chỉ xuất hiện trong thơ ca mà không có trong ca dao, chẳng hạn: mắt hoang dại, mắt trâm tư, mắt sáng… Trạng thái của mắt được biểu hiện bằng một số từ ngữ với các nét nghĩa: - Trạng thái độ sáng (đặc điểm sinh học): có 17 đơn vị: mắt sáng, mắt sáng trong, mắt sáng bừng, mắt sáng ngời, mắt sáng quắc, mắt mờ, mắt mù, mắt lòa, mắt lóa, mắt toét, mắt ướt, mi trường, lông mày rậm, mắt thâm quầng, tròng mắt cay, mi mọng, mắt viền. Trong đó ca dao chỉ có 01 đơn vị mắt toét và BTKH này không xuất hiện trong thơ ca. - Trạng thái về tâm trạng, thái độ, tính cách: có 22 biến thể và các biến thể này đều không xuất hiện trong ca dao: mắt trừng trợn, mắt tráo trâng, mắt trầm tư, mắt bần thần, mắt rụt rè, mắt ngơ ngác, mắt u buồn, mắt đau buồn, mắt yêu đời, mắt đầm ấm, mắt khoan dung, mắt thân yêu, mắt nhìn vui ấm, mắt bình thản, mắt chan chứa nhân tình, mắt nheo cười, mắt hiền, mắt/mày tươi, mắt hoang dại, mắt biển khơi, mắt u ẩn, ánh mắt lạ kỳ. - Trạng thái độ linh hoạt: có 09 biến thể: mắt long lanh, mắt lóng lánh, mắt lúng liếng, mắt lung linh, mắt linh lợi, mắt lờ đờ, mắt lơ mơ, mắt lim dim, mắt sắc như dao. Trong đó, ca dao xuất hiện 05 đơn vị, thơ ca xuất hiện 08 đơn vị. f) Tiểu trường chỉ hoạt động của mắt: được biểu hiện bằng mô hình: Mắt + Y (động từ) hoặc 0 + Y (động từ) + B. Trong đó: Y là các hoạt động của mắt, B là đối tượng tiếp nhận hoạt động. Cấu trúc này là phổ biến và chiếm số lượng lớn nhất trong thực tế hoạt động của THTM thuộc trường nghĩa “mắt”. Ở đây có các BTKH là động từ rất đặc trưng cho THTM “mắt”: nhìn, trông, ngó, xem, thức, ngủ, khóc… Trong loại cấu trúc này cũng xảy ra hiện tượng: Danh hóa động từ, chẳng hạn: ngủ -> giấc ngủ,cái ngủ, cái áo ngủ; nhìn -> cái nhìn, điểm nhìn, cách nhìn… Có động từ không phải thuộc tính của mắt nhưng lại được dùng chỉ mắt như động từ cười trong kết hợp mắt cười để thể hiện đặc điểm của mắt và bộc lộ tâm trạng con người. Ngoài ra các đặc điểm của mắt còn được biểu hiện bằng mô hình so sánh (kể cả so sánh ngầm) A + như + B; trong đó: A là mắt và các thuộc tính của mắt, B là đối tượng được lựa chọn đem ra so sánh. Nhiều trường hợp A không xuất hiện, lúc đó ta có so sánh ngầm. Cấu trúc này xuất hiện tương đối nhiều trong ca dao, bởi lẽ ví von so sánh là cách nói quen thuộc của tác giả dân gian. Mô hình A (mắt) + B (yếu tố chỉ vị trí, địa danh…) Trong trường hợp này, những yếu tố phụ nghĩa cho mắt vốn là những yếu tố chỉ vị trí như Sơn Tây, Sài Sơn, biển Đông … nhưng khi đi vào tổ hợp, nghĩa chỉ vị trí đã bị mờ đi;
- 13 nghĩa chính của tổ hợp này là nghĩa sắc thái: ấn tượng cảm xúc về một miền quê, kiểu mắt – kiểu tâm hồn… Cấu trúc này chỉ có trong thơ ca 1945-1975 mà không có trong ca dao. Số lượng cụ thể minh chứng cho kiểu mô hình này cũng không nhiều: 03 BTKH Mắt người Sơn Tây (xuất hiện 02 lần), Đôi mắt Sài Sơn (xuất hiện 01 lần), Con mắt biển Đông (xuất hiện 01 lần) và dường như chỉ xuất hiện duy nhất trong một tác phẩm cụ thể của một tác giả cụ thể. Nhìn tổng quát, số lượng biến thể xuất hiện ở mỗi tiểu trường trong thơ ca Việt Nam 1945 - 1975 nhiều hơn trong ca dao. Điều đó cho thấy trải qua hành trình hàng nghìn năm, ngôn ngữ tiếng Việt ngày càng phát triển để đáp ứng tốt hơn nhu cầu biểu đạt của con người trong cuộc sống, nó cũng cho thấy con người hiện đại có tư duy ngôn ngữ đa dạng, phong phú hơn, biết sáng tạo ra, lựa chọn các đơn vị ngôn ngữ để diễn đạt những sắc thái tâm trạng phức tạp và tinh tế hơn. Kết quả khảo sát THTM thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945-1975 xét trong tương quan giữa hằng thể và các biến thể thể hiện trong thống kê sau: Ca dao người Việt Thơ ca Việt Nam 1945 -1975 THTM “mắt” Số lần xuất Số lần xuất Số lượng Số lượng hiện hiện Hằng thể 1 19 1 188 Biến thể từ vựng 3 51 3 49 Biến thể kết hợp 54 2 253 148 1327 Tổng số: 58 2.323 152 1564 Tiểu kết chương 2 Trong chương hai chúng tôi đã thu được kết quả như sau: a) Khảo sát THTM “mắt” ở hai dạng: hằng thể và biến thể. Trong dạng biến thể, chúng tôi đã khảo sát và tìm hiểu hai loại: BTTV và BTKH. Tổng hợp chung có tất cả là 173 đơn vị, trong đó: 01 hằng thể, 03 BTTV, 169 BTKH. Chúng tôi xem xét số lượng biến thể và tần số xuất hiện của từng loại, có sự đối sánh để từ đó bước đầu đưa ra những nhận xét khái quát về giá trị và ý nghĩa thẩm mĩ của THTM “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945-1975. Trong đó các BTKH của THTM “mắt” xuất hiện trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca với số lượng và tần số lớn nhất. Tổng số có 169 biến thể; trong đó, ca dao có 51 biến thể, xuất hiện 2.193 lần; thơ ca có 149 biến thể (38 biến thể trùng với ca dao) với 1.329 lần trong thơ ca Việt Nam 1945-1975 áp đảo so với hằng thể và các BTTV. Điều này cho thấy khả năng hoạt động của THTM dưới dạng BTKH là vô cùng phong phú, từ THTM hằng thể trung tâm, phát triển thành các BTKH với những ý nghĩa thẩm mĩ hết sức đa dạng. Xem xét giá trị của THTM mắt là chủ yếu tìm hiểu các biến thể của nó trong mỗi lần xuất hiện khác nhau. b) Khảo sát 173 đơn vị kiểu mắt (hoặc BTTV của mắt) + x… ; chúng tôi thấy có các phương diện được đề cập đến: bộ phận của mắt, hình dáng của mắt, màu sắc của mắt, hoạt động của mắt, trạng thái của mắt, tính chất của mắt. Mỗi phương diện lại được gọi tên bằng những mô hình khác nhau. Đây chính là cơ sở cho việc luận giải giá trị của THTM mắt trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca 1945 – 1975 Trong loại cấu trúc của BTKH mắt + X (X là động từ) + B (đối tượng tác động) xảy ra hiện tượng: Danh hóa động từ, chẳng hạn: ngủ -> giấc ngủ, cái áo ngủ. Có động từ không phải thuộc tính của mắt nhưng lại được dùng chỉ mắt như mắt cười.
- 14 c) Trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy có một số điểm khác biệt về hình thức ngôn ngữ của THTM thuộc trường nghĩa “mắt” trong thơ ca Việt Nam 1945 -1975 so với ca dao: - Có sự chênh lệch khá lớn giữa số lượng BTKH trong ca dao và thơ ca, thể hiện tư duy thẩm mĩ và sự phát triển ngôn ngữ của dân tộc. Đặc biệt là các BTKH chỉ trạng thái của mắt (ca dao có 06 đơn vị, xuất hiện 24 lần, thơ ca 54 đơn vị, xuất hiện 107 lần). Trong thơ ca Việt Nam 1945 -1975 có nhiều BTKH chỉ xuất hiện duy nhất một lần không lặp lại, có những biến thể xuất hiện một số lần ở một tác giả thể hiện lối tư duy và cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. - Thực tế cho thấy có những tín hiệu xuất hiện trong ca dao, nhưng lại không xuất hiện trong thơ ca, tổng số các biến thể chỉ có trong ca dao mà không có trong thơ ca là 21: đó là các THTM: mắt bồ câu, mắt lá răm, mắt phượng, mắt toét, lụy, châu, giọt (nước mắt), ,(nước mắt) sụt sùi, … Ngược lại có những THTM có trong thơ ca nhưng lại không xuất hiện trong ca dao, tổng số các biến thể chỉ có thơ ca mà không có trong ca dao là 116: đó là các THTM: mắt bé, mắt nhỏ, mắt tròn xoe, mắt chuồn chuồn, hốc mắt, đáy mắt, màu mắt, mắt bần thần, mắt hoang dại, mắt nheo cười, mắt đầm ấm, … Như vậy, so với ca dao, số lượng biến thể của thơ ca phong phú hơn nhiều, thể hiện sự phát triển của ngôn ngữ dân tộc và tư duy thẩm mĩ của các nhà thơ hiện đại cũng như con người thời đại, trải qua mấy nghìn năm lịch sử, con người Việt Nam đã sáng tạo ra các đơn vị từ vựng mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu bộc lộ cách nhìn, thế giới tâm hồn và thực tại cuộc sống phong phú. - Có cấu trúc ngôn ngữ chỉ xuất hiện trong thơ ca mà không có trong ca dao. Đó là mô hình A (mắt) + B (yếu tố chỉ vị trí, địa danh…) Kết quả khảo sát THTM thuộc trường ngĩa “mắt” cho thấy: về sinh học, mắt là bộ phận quan trọng, là cửa sổ tâm hồn con người; về mặt tín hiệu thẩm mỹ, mắt không chỉ là đối tượng miêu tả mà còn là phương tiện biểu hiện “cách nhìn”, “cách cảm” của người nghệ sĩ dân gian và tác giả thơ ca Việt Nam. Chương 3: Ý NGHĨA BIỂU TRƯNG CỦA TÍN HIỆU THẨM MỸ “MẮT” TRONG KHO TÀNG CA DAO NGƯỜI VIỆT VÀ THƠ CA VIỆT NAM 1945-1975 3.1. Dẫn nhập Khi nói về ý nghĩa biểu trưng, Tzvetan Todorov có viết:“chỉ một cái biểu đạt giúp ta nhận thức ra nhiều cái được biểu đạt; hoặc giản đơn hơn… cái được biểu đạt dồi dào hơn cái biểu đạt”. Tiếp theo quan niệm này, chúng tôi sẽ tìm hiểu ý nghĩa thẩm mỹ của THTM mắt ở hai phương diện: nghĩa thông thường của mắt và ý nghĩa biểu trưng của THTM mắt ở các khía cạnh: góp phần thể hiện hình thức, đời sống nội tâm và trí tuệ con người. 3.2. Nghĩa từ vựng (nghĩa gốc) của mắt Theo sự luận giải của hai cuốn từ điển Từ điển Tiếng Việt, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, mắt đã được cắt nghĩa trên hai phương diện: nghĩa đen và nghĩa ẩn dụ (nghĩa biểu tượng). Chúng tôi tóm lược lại như sau: mắt là một bộ phận dùng để nhìn của người (hoặc động vật); mắt còn là biểu tượng cho sự nhìn nhận của con người về thế giới, qua đó thể hiện tâm hồn và trí tuệ của con người… Những nghĩa này cũng là cơ sở để các tác giả dân gian trong ca dao và các nhà thơ hiện đại khai triển các ý nghĩa thẩm mỹ của THTM “mắt”. 3.3. Sơ lược về ý nghĩa biểu trưng của THTM “mắt” trong đời sống văn hóa, văn học
- 15 Từ xưa tới nay, mắt đã trở thành một biểu tượng đẹp giàu ý nghĩa tâm linh, ý nghĩa nhân văn. Riêng đối với tác phẩm văn học, nhiều tác giả đã chọn đôi mắt như một THTM để biểu đạt vẻ đẹp của con người từ hình thức đến tâm hồn với rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: tình yêu đôi lứa, tình cảm quê hương, những day dứt nhân sinh … Đây cũng là cơ sở để chúng tôi tìm hiểu ý nghĩa biểu trưng của THTM mắt trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945 -1975. 3.4. Ý nghĩa biểu trưng của THTM thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945 - 1975 3.4.1. THTM “mắt” biểu trưng vẻ đẹp hình thức của con người Trước hết tín hiệu thẩm mỹ “mắt” thể hiện đặc điểm hình thức của con người. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, tiểu trường các BTTV, BTKH chỉ hình dáng, màu sắc, trạng thái của mắt với số lượng biến thể phong phú đã góp phần thể hiện đặc điểm hình thức của con người trong ca dao và thơ ca. Trước hết là các BTTV. Trong ca dao xuất hiện biến thể “thu ba" tức là sóng nước mùa thu, dùng để ví đôi mắt sáng lóng lánh của người con gái đẹp “khóe thu ba”, chẳng hạn: “Trên thu ba dưới lại thu ba - Con mắt lóng lánh chẳng tu được nào” (Ca dao). Mô hình so sánh A + như + B được sử dụng trong hầu hết các bài ca dao thể hiện đặc điểm hình thức con người; hình ảnh so sánh B, có khi cụ thể, có khi trừu tượng, ước lệ, phiếm chỉ. Chẳng hạn: “Nhác trông con mắt đáng trăm, Miệng cười đáng chục, hàm răng đáng nghìn”(Ca dao). Tiểu trường chỉ hình dáng của mắt được thể hiện qua mô hình: mắt + yếu tố chỉ hình dáng được dùng nhiều để thể hiện hình thức của con người trong ca dao và thơ ca. Ở tiểu trường này có hiện tượng đáng lưu ý về cấu trúc ngôn ngữ của tín hiệu: yếu tố mắt + các yếu tố vốn dùng để chỉ động vật hoặc thực vật (chẳng hạn: bồ câu, phượng, ngài, lá răm…) để nói về hình dáng đôi mắt của con người. Đó là các biến thể con mắt bồ câu, mắt phượng mày ngài, mắt lá răm… Tiểu trường của các BTKH chỉ màu sắc của mắt được biểu hiện qua mô hình: Mắt + yếu tố chỉ màu sắc (chẳng hạn: mắt xanh, mắt đen, mắt ngọc…) cũng góp phần thể hiện hình thức con người. Chẳng hạn: Mắt xanh tươi thắm môi trầu - Miệng cười lúm má cho cầu thêm xinh (Ca dao). Tiểu trường các BTKH chỉ hoạt động của mắt với mô hình: Mắt + Y (động từ) hoặc 0 + Y (động từ) + B cũng góp phần thể hiện đặc điểm hình thức con người: “Gái một con trông mòn con mắt - Gái hai con con mắt liếc ngang” (Ca dao). Trong thơ ca 1945 - 1975, không xuất hiện BTTV khóe thu ba, BTKH mắt bồ câu, mắt lá răm như trong ca dao. Trong tiểu trường của các BTKH chỉ màu sắc của mắt được biểu hiện qua mô hình: Mắt + yếu tố chỉ màu sắc, thơ ca không xuất hiện các biến thể mắt trắng, mắt ngọc như trong ca dao. Ngoài các BTKH: mắt xanh, mắt đen, mắt đỏ giống ca dao, trong thơ ca xuất hiện thêm các biến thể mắt huyền, mắt biếc, mắt màu gio cũng góp phần thể hiện hình thức con người. Ví dụ: “Lóng lánh mắt đen nhìn biển biếc Trưa hè đứng gác, giữ ngày xuân” (Từ Cu ba, Tố Hữu) Tiểu trường các BTKH chỉ hình dáng của mắt cũng được các nhà thơ quan tâm để hiện đặc điểm hình thức con người. THTM (mắt) tròn/tròn xoe cũng không xuất hiện trong ca dao nhưng lại có mặt trong thơ ca 09 lần. Đó vừa là khuôn hình của mắt, đồng thời là vẻ đẹp trong sáng ngây thơ. Chẳng hạn: Cô gái Chăm Pa xinh đẹp nhất làng - Da xanh tái mà mắt tròn rạng rỡ (Hang đèn chín ngọn, Phạm Tiến Duật)
- 16 Thơ ca 1945 - 1975 cũng đã nhiều lần dùng cách nói ví von so sánh của ca dao để biểu hiện đặc điểm hình thức của con người: Vầng trán em mang trời quê hương - Mắt em như giếng nước thôn làng(Mắt người Sơn Tây, Quang Dũng) Như vậy, nhờ THTM “mắt” thông qua sự xuất hiện của hằng thể mắt và các biến thể: BTTV và BTKH, đặc điểm hình thức của con người đã được thể hiện đa dạng, sinh động. Tuy nhiên, cấn thấy rõ ý nghĩa này không phải là loại nghĩa duy nhất trong các THTM được xét, mà cùng với nó còn thể hiện các loại ý nghĩa thẩm mĩ khác, có điều ở đây, nó hiện ra như một loại ý nghĩa nổi bật nhất. Trong ca dao, THTM “mắt” thiên về ca ngợi vẻ đẹp hình thức của người con gái thôn quê trẻ trung, trong sáng, đầy sức quyến rũ, cao quý. Trong thơ ca 1945 - 1975, ý nghĩa thẩm mĩ còn mang thêm những màu sắc biểu cảm phong phú hơn: không chỉ ngợi ca, tin tưởng, yêu mến, tự hào mà còn khâm phục yêu tin, kính trọng. Từ chân dung một con người mà tìm về chân dung của cả một thế hệ con người Việt Nam, chân dung Đất nước. 3.4.2.THTM “mắt” thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của con người 3.4.2.1. THTM “mắt” biểu đạt những cung bậc tâm trạng của tình yêu đôi lứa 3.4.2.1.1. THTM “mắt” biểu trưng cho những cung bậc tâm trạng của tình yêu đôi lứa trong ca dao a) THTM “mắt” với những lời tỏ tình Bắt đầu bằng những lời tỏ tình của ca dao và thơ ca, THTM “mắt” cũng nhiều khi đem đến cho người đọc, người nghe nhiều bất ngờ của cách diễn tả. Đôi mắt là nơi thể hiện tình cảm, đôi mắt nói hộ nhiều điều không thể nói, một thứ ngôn ngữ không lời sâu sắc nhiều ý nghĩa. VD: “Gặp nhau giữa cánh đồng này - Bốn mắt liếc lại, lông mày đưa ngang” (Ca dao) hoặc: “Yêu nhau đứng ở đàng xa - Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần (Ca dao). Nhiều khi những hoạt động, trạng thái của mắt cũng là cái cớ để đôi lứa bày tỏ tâm tình, trao gửi tình cảm. Chẳng hạn: Tìm em như thể tìm chim - Chim ăn bể bắc anh tìm bể đông -Tìm bể đông thấy lông chim nhạn - Tìm bể cạn thấy vạn chim bay - Trông nam rồi lại ngóng tây - Bốn phương non nước cỏ cây mịt mù (Ca dao). Ngó, nom, xem, liếc, thấy, trông ... cũng là một cách nói đưa đẩy của ca dao để bày tỏ chân tình. Tín hiệu thẩm mỹ mắt đã đi vào ca dao và trở thành một trong những tín hiệu tỏ tình được sử dụng nhiều nhất trong kho tàng ca dao Việt Nam. Có thể nói, trong cuộc sống hàng ngày có bao cách tỏ tình thì ca dao có bấy nhiêu cách bày tỏ tình cảm và THTM “mắt” đã giúp bao lứa đôi thể hiện lòng mình ngay cả những điều khó nói nhất. b) THTM “mắt” biểu trưng cho những cung bậc của tình yêu nhớ thương, hờn giận, khắc khoải… Đôi mắt của tình yêu - nỗi nhớ nhiều khi biểu hiện cũng thật đa dạng qua các BTKH chỉ trạng thái của mắt: con mắt lừ đừ, con mắt lim dim, mỏi mắt…và tha thiết hơn nỗi nhớ hóa thành những giọt nước mắt…Chẳng hạn: Nhớ ai con mắt lim dim - Chân đi thất thểu như chim tha mồi - Thương ai con mắt lừ đừ - Sầu riêng nhớ mãi đến giừ chưa nguôi (Ca dao). Nhiều khi phóng đại nỗi thương nhớ, con mắt được mô tả như một trạng thái bệnh lí“đỏ lòm con ngươi”: Vách thành cao lắm khó dòm - Nhớ em anh khóc đỏ lòm con ngươi (Ca dao); Nhớ ai em những khóc thầm - Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa…Ở những bài ca tương tư, mặc dù người ta vẫn thấy nhiều nước mắt, nhưng ở đó là nước mắt của yêu thương, của khao khát yêu thương, dào dạt tình đời, tình người, tình yêu cuộc sống thiết tha, là khúc hát trữ tình lạc quan của người bình dân xưa.
- 17 Hoạt động của mắt với những trông, ngóng, ngó cũng góp phần bộc lộ nỗi nhớ thương trong tình yêu: Qua cầu ngả nón trông cầu - Cầu bao nhiêu nhịp, dạ em sầu bấy nhiêu (Ca dao). Những câu kiểu "em đứng em trông", "trông cá cá lặn trông sao sao mờ" là rất phổ biến, ví dụ: Ngày ngày em đứng em trông - Trông non non ngất trông sông sông dài... c)THTM “mắt” biểu trưng cho những tình yêu không thành trong ca dao Yêu nhau mà không lấy được nhau. Cảnh ngộ ấy đã đi vào ca dao thông qua THTM “mắt” vừa thể hiện xúc động, thấm thía những mối tình thắm thiết, trái ngang vừa thể hiện thái độ chống đối lại những lễ giáo phong kiến hà khắc đã đàn áp họ về mặt tinh thần chia rẽ những lứa đôi. Chẳng hạn: Chạy lên đường thì tâm tâm - Chạy xuống đường thì niệm niệm - Nước mắt lưng tròng nhỏ hạt tuôn châu - Hai đứa mình ăn nói đã lâu - Bữa ni ai bày mưu cho bậu mà bậu dứt bỏ mấy câu ân tình (Ca dao) Ở những bài ca về tình yêu không thành, THTM “mắt” chủ yếu xuất hiện qua biến thể nước mắt. Trong thực tế nước mắt là một thuộc tính của mắt, thứ dịch điều tiết. Nhưng nước mắt cũng thể hiện tâm trạng con người, vui cũng khóc, buồn người ta cũng khóc. Ở đây, nước mắt của chia ly, của tình yêu không thành vì thế có vị đau vị xót, làm day dứt trái tim người đọc. Điều khá đặc biệt, dù đau xót, dù nói trong lụy nhỏ thấm bâu, đôi lứa vẫn gửi lại cho nhau lời nguyện cầu hạnh phúc: Hai hàng luỵ nhỏ thấm bâu - Duyên em cực đã đành phận, em cũng vọng cầu cho anh nên (Ca dao) d)THTM “mắt” biểu trưng cho tình yêu chung thủy trong ca dao Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, lời thề sắt son của đôi lứa vẫn cất lên và THTM “mắt” cũng góp phần bộc lộ điều đó. Vẫn là giọt nước mắt nhưng là nước mắt của sự chia sẻ đầy tình nghĩa vợ chồng chung thủy: Đầu đội chúa vai mang cốt mẹ - Tay dìu dắt cha già - Gặp mặt đây nước mắt nhỏ sa - Thì tay trong túi bà ba - Lấy cái khăn mu soa anh chặm - Đạo vợ chồng ngàn dặm không quên (Ca dao). Như vậy có thể nói với THTM “mắt”, ca dao đã trở thành nơi lưu giữ hầu hết mọi cung bậc của tình yêu đôi lứa một cách sống động đầy xúc cảm: từ lời tỏ tình đến nồng nàn nhung nhớ, đau khổ chia ly, chung thủy… Trong khi thể hiện các cung bậc của tình yêu, THTM “mắt” chủ yếu xuất hiện dưới dạng các BTKH với các cấu trúc: mắt + X (X là động từ) + B (đối tượng tác động) có tần suất hoạt động phong phú, linh hoạt bậc nhất trong các kiểu kết hợp của THTM “mắt”. Cấu trúc A (nước mắt) + B (tính từ, động từ…) thường để nói về những tình yêu không thành trong ca dao, tuy nhiên nước mắt nhiều khi cũng gắn với nỗi nhớ, mừng vui (lẽ đời vui cũng khóc, buồn cũng khóc); ... 3.4.2.1.2. THTM “mắt” biểu trưng cho những cung bậc tình yêu trong thơ ca Việt Nam 1945 - 1975 Trong thơ ca 1945 - 1975 do yêu cầu của lịch sử, cái tôi - tình cảm cá nhân phải lùi về tuyến sau nhường chỗ cho cái ta - tình cảm công dân gắn liền trách nhiệm với Tổ quốc và Nhân dân. Những tình cảm riêng tư, trong đó có tình yêu đôi lứa vẫn có mặt trong thơ ca. Đây là tình yêu thời chiến tranh với gương mặt riêng của nó. Thời chống pháp, tình yêu đôi lứa xuất hiện trong thơ ca vừa vắng vẻ, ít ỏi, vừa khó được chấp nhận công khai như Màu tím hoa sim của Hữu Loan. Đến thời chống Mỹ, tình cảm này xuất hiện dồi dào hơn trong trang thơ của những nhà thơ đồng thời là chiến sỹ.Và dù được nói tới không nhiều, tình yêu vẫn được đề cập tới ở nhiều cung bậc, sắc thái khác nhau. THTM mắt cũng được các nhà thơ quan tâm sử dụng như một phương tiện bộc lộ tình cảm.
- 18 Có khi chỉ là một đôi mắt nhìn bắt gặp giữa cơn mưa mang theo chút xao xuyến: Nhớ mưa Thuận Thành - Long lanh mắt ướt (Mưa Thuận Thành, Hoàng Cầm). Đó có thể là chút vấn vương trong lòng người chiến sĩ với một ánh mắt đọng lại trên đường hành quân: Đôi mắt Sài Sơn sao vấn vương?(Nhớ một bóng núi, Quang Dũng). Có ánh mắt để rồi mang theo bao thương nhớ: Vầng trán em mang trời quê hương - Mắt em như giếng nước thôn làng - Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm - Em đã bao ngày em nhớ thương?(Mắt người Sơn Tây, Quang Dũng). Tình yêu gắn với chia li mất mát, đau thương của chiến tranh và THTM “mắt” đã nói lên điều đó: Anh ngước nhìn lên hai dốc núi - Hàng thông bờ có con đường quen - Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói - Núi vẫn đôi mà anh mất em! (Núi đôi, Vũ Cao) Như vậy, dù hoàn cảnh chiến tranh chi phối, nhưng tình yêu cũng đã đi vào thơ ca như một điều tự nhiên nhất trong tình cảm con người. Ở đó, có những rung động thoáng qua, có những cảm xúc yêu đương hạnh phúc, chút buồn man mác của những mối tình đơn phương hay nỗi đau mất mát do chiến tranh gây ra… Điều này đã góp phần làm nên chất nhân văn đáng quý trong nền văn học kháng chiến. So với ca dao, THTM “mắt” trong thơ ca dùng để biểu trưng cho tình yêu đôi lứa xuất hiện với tần số ít hơn, các trạng thái bộc lộ tinh yêu cũng không phong phú như trong ca dao. Nỗi đau mất mát trong tình yêu chiến tranh thường xuất phát từ yếu tố lịch sử đất nước, còn trong ca dao xuất phát từ nhiều yếu tố song nguyên nhân nổi bật do lễ giáo phong kiến, sự ngăn cấm của cha mẹ. 3.4.2.2. THTM “mắt” là biểu tượng cho tình yêu gia đình, yêu quê hương, đất nước 3.4.2.2.1. THTM “mắt” là biểu tượng cho tình yêu gia đình, yêu quê hương, đất nước trong ca dao THTM “mắt” đã đi vào ca dao góp phần thể hiện những tình cảm gia đình. Đó là đôi mắt đầy âu lo thấu suốt một đời, nuôi con lớn khôn mỗi ngày cũng là mỗi ngày mẹ khóc thầm, chẳng hạn: Miệng ru mắt nhỏ hai hàng - Nuôi con càng lớn mẹ càng thêm lo (Ca dao). Những THTM thuộc tiểu trường hoạt động của mắt: thấy, ngó, xem, trông...thể hiện những sắc thái tình cảm với đất nước.VD: Chiều chiều ra đứng ngõ sau - Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều (Ca dao). Ca dao cũng thường dùng nước mắt để biểu lộ thế giới nội tâm: Cha già tuổi đã dư trăm - Chạnh lòng nhớ tới, đằm đằm luỵ sa (Ca dao) Bằng đôi mắt, người bình dân quan sát được những vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, bộc lộ niềm say mê tự hào về đất nước, quê hương: Mồng sáu đi chợ Chìa chơi - Rạng ngày mồng tám xem bơi cửa Hàn (Ca dao). Đôi mắt đã thấu suốt những phong cảnh giang sơn hùng vĩ của Tổ quốc quê hương. VD: Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ - Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn (Ca dao). THTM “mắt” nhiều khi cũng thể hiện nỗi lòng của người dân mất nước, là nước mắt tủi thương cho phận nước. Trong khi thể hiện ý nghĩa thẩm mỹ về tình cảm với gia đình, quê hương, đất nước trong ca dao, THTM “mắt” ít xuất hiện trong các BTTV mà xuất hiện chủ yếu dưới dạng các BTKH thuộc tiểu trường các động từ chỉ hoạt động của mắt. Người bình dân xưa với con mắt nhìn đời đã khám phá hiện thực về đất nước, quê hương vào trong ca dao, từ đó bộc lộ tâm tình, cảm thức thẩm mỹ sâu kín... 3.4.2.2.2. THTM “mắt” là biểu tượng cho tình yêu gia đình, yêu quê hương, đất nước và nhân dân trong thơ ca Việt Nam 1945 - 1975 * THTM “mắt” biểu trưng cho tình cảm với Tổ quốc, Đất nước THTM “mắt” đã bao quát nhìn Tổ quốc, xem Tổ quốc là gì, ở đâu: Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau - Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu! Đôi mắt mỗi người như
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Kinh tế: An ninh tài chính cho thị trường tài chính Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế
25 p | 303 | 51
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Giáo dục học: Phát triển tư duy vật lý cho học sinh thông qua phương pháp mô hình với sự hỗ trợ của máy tính trong dạy học chương động lực học chất điểm vật lý lớp 10 trung học phổ thông
219 p | 288 | 35
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Chiến lược Marketing đối với hàng mây tre đan xuất khẩu Việt Nam
27 p | 178 | 18
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Hợp đồng dịch vụ logistics theo pháp luật Việt Nam hiện nay
27 p | 266 | 17
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Y học: Nghiên cứu điều kiện lao động, sức khoẻ và bệnh tật của thuyền viên tàu viễn dương tại 2 công ty vận tải biển Việt Nam năm 2011 - 2012
14 p | 269 | 16
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Triết học: Giáo dục Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cho sinh viên trường Đại học Cảnh sát nhân dân hiện nay
26 p | 154 | 12
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kỹ thuật: Nghiên cứu tính toán ứng suất trong nền đất các công trình giao thông
28 p | 222 | 11
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Kinh tế Quốc tế: Rào cản phi thuế quan của Hoa Kỳ đối với xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam
28 p | 173 | 9
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Phát triển kinh tế biển Kiên Giang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế
27 p | 53 | 8
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Các tội xâm phạm tình dục trẻ em trên địa bàn miền Tây Nam bộ: Tình hình, nguyên nhân và phòng ngừa
27 p | 198 | 8
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Xã hội học: Vai trò của các tổ chức chính trị xã hội cấp cơ sở trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho cư dân nông thôn: Nghiên cứu trường hợp tại 2 xã
28 p | 148 | 7
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Phản ứng của nhà đầu tư với thông báo đăng ký giao dịch cổ phiếu của người nội bộ, người liên quan và cổ đông lớn nước ngoài nghiên cứu trên thị trường chứng khoán Việt Nam
32 p | 182 | 6
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Quản lý nhà nước đối với giảng viên các trường Đại học công lập ở Việt Nam hiện nay
26 p | 134 | 5
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam thông qua mô hình hấp dẫn thương mại
28 p | 16 | 4
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học: Phương tiện biểu hiện nghĩa tình thái ở hành động hỏi tiếng Anh và tiếng Việt
27 p | 119 | 4
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Kỹ thuật: Nghiên cứu cơ sở khoa học và khả năng di chuyển của tôm càng xanh (M. rosenbergii) áp dụng cho đường di cư qua đập Phước Hòa
27 p | 8 | 4
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc kỳ hạn nợ phương pháp tiếp cận hồi quy phân vị và phân rã Oaxaca – Blinder
28 p | 27 | 3
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Phát triển sản xuất chè nguyên liệu bền vững trên địa bàn tỉnh Phú Thọ các nhân tố tác động đến việc công bố thông tin kế toán môi trường tại các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản Việt Nam
25 p | 170 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn