Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại
lượt xem 5
download
Mục đích nghiên cứu của đề tài "Vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại" nhằm xác định đây là một vấn đề mang ý nghĩa xã hội - thẩm mỹ sâu sắc, rộng lớn của văn học Việt Nam đương đại được nhìn qua con mắt của các nhà văn nữ, qua một thể loại văn xuôi mang tính cập nhật và gần gũi nhất với đông đảo công chúng độc - giả: truyện ngắn. Mời các bạn cùng tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH TRẦN THỊ HỒNG NHUNG VẤN ĐỀ TÌNH YÊU - HÔN NHÂN - GIA ĐÌNH TRONG TRUYỆN NGẮN CÁC NHÀ VĂN NỮ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 9220121 NGHỆ AN, 2022
- Công trình được hoàn thành tại: Trường Đại học Vinh Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Biện Minh Điền Phản biện 1: Phản biện 2: Phản biện 3: Luận án được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp cơ sở họp tại: Trường Đại học Vinh Vào hồi giờ phút, ngày tháng năm 2022 Có thể tìm hiểu luận án tại: - Thư viện Quốc gia - Trung tâm Thông tin – Thư viện Nguyễn Thúc Hào, Trường ĐH Vinh
- 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 1.1. Từ sau 1975, đặc biệt từ 1986 đến nay, truyện ngắn Việt Nam phát triển mạnh với nhiều tìm tòi, đổi mới, cách tân quan trọng. Trong xu thế vận động và thành tựu chung ấy của thể loại, rất đáng chú ý là truyện ngắn nữ nổi lên như một hiện tượng văn hóa, xã hội và thẩm mỹ độc đáo. 1.2. Tình yêu – hôn nhân – gia đình là vấn đề có ý nghĩa to lớn đối với đời sống cá nhân mỗi con người, đồng thời có ý nghĩa văn hóa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cộng đồng xã hội, dân tộc. Đây lại là đối tượng chiếm lĩnh cơ bản và là “nơi” thể hiện thành công nhất của truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại. 1.3. Truyện ngắn Việt Nam từ sau năm 1975 nói chung, truyện ngắn nữ nói riêng (đặc biệt với vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình) là những đối tượng quan trọng trong tiếp nhận, nghiên cứu, dạy – học trong nhà trường từ bậc học phổ thông đến đại học, sau đại học. Xuất phát từ những lý do lý luận và thực tiễn như trên, chúng tôi lựa chọn nghiên cứu Vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại. 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 2.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là Vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại. 2.2. Phạm vi nghiên cứu Đề tài bao quát vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình trong truyện ngắn của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại. Khái niệm đương đại được dùng ở đây chỉ khoảng thời gian từ 1975 đến nay. Theo đó, truyện ngắn của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại là truyện ngắn của các nhà văn nữ được công bố, xuất bản từ 1975 đến 2020 – một khối lượng tác phẩm không hề nhỏ và không phải không bề bộn, phức tạp, không phải tất cả đều có giá trị nghệ thuật. Chính vì vậy, chúng tôi chỉ tập trung khảo sát, phân tích những tác phẩm thực sự có giá trị nghệ thuật đồng thời cũng là những tác phẩm được dư luận chú ý. Luận án tập trung khảo sát truyện ngắn của các tác giả nữ tiêu biểu: Phan Thị Vàng Anh, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Võ Thị Hảo, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ, Lê Minh Khuê, Trần Thùy Mai, Dạ Ngân, Nguyễn Ngọc Tư,.... Một số tuyển tập truyện ngắn của các tác giả nữ khác ở trong nước và hải ngoại xuất bản trong khoảng thời gian nói trên dĩ nhiên cũng được luận án chú ý. Trong quá trình triển khai thực thi đề tài, khi cần thiết, luận án cũng tập trung phân tích, so sánh với một số tác
- 2 phẩm của các tác giả nam đương đại và các tác giả nữ trong giai đoạn trước 1975 (Danh mục các tác phẩm được khảo sát, luận án trình bày ở phần Tài liệu tham khảo). Về tài liệu mang tính lý luận/ lý thuyết, một số tài liệu liên quan đến việc thực hiện đề tài, luận án cũng bao quát và vận dụng tùy theo yêu cầu khoa học của các vấn đề cụ thể (xin xem ở mục cơ sở lý thuyết của đề tài). 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Qua khảo sát, phân tích, luận giải vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình trong truyện ngắn của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, luận án nhằm xác định đây là một vấn đề mang ý nghĩa xã hội – thẩm mỹ sâu sắc, rộng lớn của văn học Việt Nam đương đại được nhìn qua con mắt của các nhà văn nữ, qua một thể loại văn xuôi mang tính cập nhật và gần gũi nhất với đông đảo công chúng độc giả: truyện ngắn. Cũng qua đây, luận án nhằm đánh giá những thành công, đóng góp và cả những hạn chế, khiếm khuyết trong nhận thức vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình của truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu 3.2.1. Tổng hợp, hệ thống hóa, phân tích, đánh giá tình hình nghiên cứu vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, trên cơ sở đó thiết lập hướng nghiên cứu và xây dựng cơ sở lý thyết cho đề tài. 3.2.2. Đưa ra cái nhìn chung về truyện ngắn và thiên hướng lựa chọn nghệ thuật đối với vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình của các nhà văn nữ trong văn học Việt Nam đương đại. 3.2.3. Khảo sát, chỉ ra, phân tích, luận giải những nội dung mới trong nhận thức về tình yêu – hôn nhân – gia đình của truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại. 3.2.4. Khảo sát, chỉ ra, phân tích, luận giải nghệ thuật thể hiện tình yêu – hôn nhân – gia đình của truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại. Cuối cùng, rút ra một số kết luận về đặc điểm, về những thành công và hạn chế của truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại trong nhận thức và thể hiện vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình. 4. Phương pháp nghiên cứu Để tiếp cận và giải quyết vấn đề nghiên cứu, tác giả luận án sử dụng nhiề u phương pháp nghiên cứu khác nhau, trong đó chủ yếu là các phương pháp: phương pháp lịch sử, phương pháp phân tích – tổ ng hợp, phương pháp so sánh, phương pháp liên ngành, phương pháp loại hình,
- 3 phương pháp tiếp cận theo lý thuyết thi pháp học, phương pháp cấ u trúc – hê ̣ thố ng,... 5. Đóng góp mới của luận án Luâ ̣n án là công trình nghiên cứu vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại với một cái nhìn vừa bao quát nhiều phương diện khác nhau, vừa mang tính tập trung và hệ thống. Luận án là một sự nỗ lực khảo sát, phân tích và luận giải, chứng minh tình yêu – hôn nhân – gia đình là vấn đề cốt lõi tạo nên tiếng nói, bản sắc và những đóng góp của truyện ngắn các nhà văn nữ cho văn học dân tộc trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế với nhiều thử thách đặt ra, đặc biệt ở đây là thử thách cho người cầm bút. Luận án vận dụng một số lý thuyết và phương pháp nghiên cứu khác nhau làm rõ vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại với tư cách là một thực thể văn hóa, thẩm mỹ độc đáo cũng chính là đã góp phần làm rõ một số vấn đề lý luận văn học cụ thể khi vận dụng vào nghiên cứu thực tiễn văn học. Kế t quả nghiên cứu của luâ ̣n án hy vo ̣ng sẽ là tài liê ̣u tham khảo hữu ich cho viê ̣c tìm hiểu, nghiên cứu vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia ́ đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại nói riêng, trong văn học Việt Nam đương đại nói chung. Kết quả nghiên cứu của luận án một mặt góp phần vào thành quả nghiên cứu nói chung, mặt khác góp phần phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập và giảng dạy bộ môn lí thuyết và lịch sử văn học, văn học Việt Nam hiện đại ở các cấp học trong nhà trường. 6. Cấu trúc của luận án Ngoài Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận án gồm 4 chương. Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý thuyết của đề tài; Chương 2: Truyện ngắn và thiên hướng lựa chọn vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình của các nhà văn nữ trong văn học Việt Nam đương đại; Chương 3: Nhận thức mới về tình yêu - hôn nhân - gia đình của truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại; Chương 4: Nghệ thuật thể hiện tình yêu - hôn nhân - gia đình của truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại
- 4 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT CỦA ĐỀ TÀI 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 1.1.1. Tình hình nghiên cứu ở trong nước 1.1.1.1. Về nghiên cứu truyện ngắn của các nhà văn nữ Việt Nam sau 1975 Trong phạm vi bao quát tư liệu của luận án, chúng tôi đề cập đến ba xu hướng nghiên cứu chính về truyện ngắn nữ Việt Nam từ sau 1975. Thứ nhất, các công trình đã tập trung tổng kết, đánh giá thành tựu và những đóng góp của các cây bút nữ ở thể loại truyện ngắn. Thứ hai, các nghiên cứu đã tập trung phân tích, khẳng định những đổi mới về tư duy thể loại và cách tân thi pháp của các cây bút truyện ngắn nữ. Thứ ba, các tác giả đã cố gắng kiến giải đặc trưng về tư duy nghệ thuật của giới nữ như một đóng góp độc đáo của họ cho bức tranh truyện ngắn Việt Nam đương đại. Ngoài ba xu hướng chính trên đây, những nghiên cứu về các trường hợp cụ thể đối với các tác giả nữ cũng đã mang lại những giá trị nhất định cũng được luận án chú ý, đề cập (các bài phê bình, nghiên cứu đăng trên một số tờ tạp chí khoa học hoặc trong một số công trình tuyển chọn; một số luận văn, luận án ở các trường Đại học). 1.1.1.2. Về nghiên cứu vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình trong truyện ngắn nữ Việt Nam sau 1975 Vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình tuy chưa được đặt ra thành vấn đề nghiên cứu chuyên biệt nhưng ở các mức độ khác nhau đã ít nhiều được đề cập trong các công trình nghiên cứu về văn xuôi nói chung, truyện ngắn nữ Việt Nam từ sau 1975 nói riêng. Phần lớn các công trình, bài viết vẫn chủ yếu dừng lại ở cách tiếp cận xã hội học, xem đây là đề tài phù hợp với thế mạnh của những cây bút nữ. Nghiên cứu về tình yêu - hôn nhân - gia đình trong truyện ngắn nữ từ sau 1975, các tác giả cũng nhận thấy, đây là xu hướng vận động tất yếu trong dòng chảy chung của văn học Việt Nam. Đó là sự phai nhạt các thể tài sử thi để tìm đến với các thể tài thế sự, đời tư trong văn học. Ngoài những vấn đề tiêu biểu mà chúng tôi đề cập ở trên, nghiên cứu về đề tài tình yêu - hôn nhân - gia đình trong truyện ngắn nữ sau 1975 còn có thể kể đến số lượng tương đối lớn các luận văn Thạc sĩ. Ở phạm vi những công trình này, những vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình được
- 5 xem xét riêng rẽ đối với một hoặc một nhóm các nhà văn nữ, vì vậy những khái quát chưa thực sự toàn diện và sâu sắc. Dẫu sao kết quả nghiên cứu của những người đi trước là hết sức quý giá, là tài liệu tham khảo hữu ích cho chúng tôi khi thực hiện công trình này. 1.1.2. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài Truyện ngắn Việt Nam từ sau 1975 nói chung, truyện ngắn nữ nói riêng đã bước đầu thu hút được sự quan tâm nghiên cứu ở nước ngoài. Tuy nhiên, trong phạm vi bao quát tư liệu của luận án, chúng tôi nhận thấy, số lượng các công trình tìm hiểu, nghiên cứu về truyện ngắn nữ Việt Nam của các tác giả nước ngoài còn rất hạn chế, chủ yếu là của các tác giả người Việt ở nước ngoài như Thụy Khuê, Đoàn Cầm Thi, Nguyễn Hưng Quốc,… viết bằng tiếng Việt. Tuy vậy, các tác giả đã cung cấp những góc nhìn mới mẻ về các tác giả, tác phẩm truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại, thiết lập một số luận điểm có thể kế thừa và đối thoại trong luận án của chúng tôi. Tóm lại, trên cơ sở bao quát những tư liệu tiêu biểu liên quan đến vấn đề nghiên cứu của đề tài, có thể khẳng định, truyện ngắn nữ Việt Nam từ sau 1975 là một đối tượng quan trọng. Với những thành tựu đã đạt được, các tác giả nữ đã khẳng định vị thế vững chắc, góp phần lớn tạo dựng diện mạo thể loại truyện ngắn Việt Nam sau 1975. 1.2. Cơ sở lý thuyết của đề tài 1.2.1. Về vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình trong đời sống xã hội và trong văn học Tình yêu - hôn nhân - gia đình là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội của bất kỳ cộng đồng, quốc gia, dân tộc nào trong các giai đoạn lịch sử. Với vai trò và ý nghĩa như vậy, vấn đề này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu theo nhiều lý thuyết và cách thức tiếp cận khác nhau. Trong phạm vi luận án, chúng tôi không đặt mục tiêu nghiên cứu tất cả các lý thuyết về tình yêu - hôn nhân - gia đình bởi đây là nhiệm vụ bất khả thi mà chỉ đề cập một số lý thuyết nổi bật bàn về vấn đề này. 1.2.2. Về thể loại truyện ngắn và chủ thể sáng tác là các nhà văn nữ Truyện ngắn là một khái niệm được dùng phổ biến trong sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học nhưng không phải đã được hiểu hoàn toàn thống nhất. Trong phạm vi luận án, chúng tôi khảo sát quan điểm của các công trình lý luận về thể loại truyện ngắn để đưa ra khái niệm và những đặc trưng cơ bản có tính chất công cụ nghiên cứu.
- 6 Với đặc trưng nghệ thuật cũng như những đòi hỏi trong sáng tạo của thể loại truyện ngắn và thế mạnh của nữ giới trong sáng tạo đã bác bỏ luận điểm cho rằng việc sáng tạo về vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình là sự hạn chế của truyện ngắn nữ thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Vấn đề đặt ra là tầm vóc tư tưởng, nghệ thuật trong quá trình khám phá vấn đề vốn gần gũi với con người ở mọi thời đại, mọi cộng đồng văn hóa này. Tiểu kết: Truyện ngắn của các nhà văn nữ Việt Nam từ 1975 đến nay đã có những bước phát triển mới, có những đóng góp khó có thể thay thế cho văn học Việt Nam đương đại. Đây là đối tượng từng được giới nghiên cứu quan tâm ở khá nhiều vấn đề trên cả hai phương diện cơ bản: nội dung và thi pháp thể loại. Những thành tựu nghiên cứu đã có là rất đáng được khẳng định. Vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình trong truyện ngắn của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại tuy có được giới nghiên cứu cả trong và ngoài nước đề cập ít nhiều ở mặt này, mặt kia, nhưng với tư cách là một vấn đề chuyên biệt, mang tính tính hệ thống chỉnh thể, thực sự vẫn là một đề tài mới, không trùng lặp với các công trình nghiên cứu đi trước. Tuy nhiên những thành tựu nghiên cứu đã có là rất đáng trân trọng vì đó như là những tiền đề, những cơ sở giúp cho các công trình đi sau tham khảo, tiếp bước. Để đi sâu khảo sát, phân tích, luận giải, đánh giá vấn đề này, rất cần vận dụng một số lý thuyết phù hợp và mang tính hữu hiệu (những vấn đề đáng tin cậy đã được giới nghiên cứu khảo luận, xác định), xem đó như là chỗ dựa, điểm tựa đề triển khai thực thi đề tài. Vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình trong sự “chiếm lĩnh” của văn học (mà ở đây là truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại) có thể được soi rọi (và kiểm chứng) từ nhiều quan điểm, nhiều lý thuyết khác nhau. Trong số những quan điểm và lý thuyết ấy, hoàn toàn có cơ sở để xem Nữ quyền luận có nhiều ưu thế nổi trội.
- 7 Chương 2 TRUYỆN NGẮN VÀ THIÊN HƯỚNG LỰA CHỌN VẤN ĐỀ TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH CỦA CÁC NHÀ VĂN NỮ TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI 2.1. Sự phát triển mạnh mẽ của truyện ngắn các nhà văn nữ 2.1.1. Tiền đề cho sự phát triển truyện ngắn các nhà văn nữ 2.1.1.1. Những tiền đề lịch sử, xã hội, văn hóa Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước là bối cảnh lịch sử, văn hóa căn bản, tác động mạnh đến sự vận động, đổi mới văn học nói chung, truyện ngắn nữ Việt Nam nói riêng từ sau 1975. Trong suốt chặng đường mười năm trước đổi mới, nhu cầu được khám phá và phản ánh hiện thực của văn học gặp nhiều khó khăn, trở ngại; phải chờ đến khi chủ trương đổi mới chính thức được thông qua, cơ hội đổi mới mới thực sự xuất hiện. Kinh tế thị trường đã tạo lập không gian dân chủ, kích thích và từng bước hình thành sự đa dạng trong sáng tạo và tiếp nhận văn học. Đó là môi trường thuận lợi để những cơ hội và thế mạnh của các cây bút văn xuôi nữ nói chung, truyện ngắn nữ nói riêng biến thành hiện thực với sự xuất hiện và tạo ấn tượng thực sự. Sự đổi mới tư duy, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với văn học, nghệ thuật đã thúc đẩy những nhân tố ngoại sinh và nội sinh khác, tạo đà cho sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng các tác giả, tác phẩm. Từ sau 1986, đất nước bước vào hành trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã tạo sức hút mạnh mẽ, điều chỉnh và thúc đẩy quá trình đổi mới và tiếp tục hiện đại hóa nền văn học. 2.1.1.2. Những tiền đề thẩm mỹ, tiền đề văn học Sự thay đổi thị hiếu thẩm mỹ của người đọc từ sau 1975, đặc biệt là từ sau 1986 đã diễn ra theo chiều hướng đa dạng hóa, cá thể hóa, phân nhóm và phân hóa. Những đổi mới trong cơ chế sáng tạo và tiếp nhận thẩm mỹ mới là sự đổi mới tất yếu trên hành trình tìm kiếm, biểu đạt những vấn đề thế sự, đời tư trong cuộc sống hiện đại, đóng vai trò làm cơ sở cho những bước phát triển nghệ thuật của truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại. Quan niệm về vai trò, chức năng của văn học, quan niệm về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực cũng có những đổi mới căn bản. Sau năm 1975, chức năng thẩm mỹ của văn học được đưa lên hàng đầu và văn học được trở lại với hành trình đặc biệt vốn có của nó.
- 8 Văn học Việt Nam từ sau 1975 đặc biệt là từ 1986 tiếp thu tư tưởng văn học nước ngoài đã tạo động lực thôi thúc nhà văn ngày càng chủ động hơn, chuyên nghiệp hơn trong hoạt động sáng tạo. Với sự nhạy bén vốn có, các cây bút truyện ngắn nữ đã tiếp cận nhanh chóng những tư tưởng thẩm mỹ hiện đại trên thế giới, trong đó đáng chú ý nhất là trào lưu nữ quyền luận. Trào lưu đó đã lan tỏa cảm hứng, tác động đến hành trình dấn thân của các các tác giả nữ Việt Nam, mở ra chân trời rộng mở cho những thể nghiệm cách tân trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại. 2.1.2. Vị thế tác giả và truyện ngắn của các nhà văn nữ 2.1.2.1. Vị thế tác giả của các nhà văn nữ Suốt chiều dài trung đại sự tương quan giữa lực lượng sáng tác vốn ghi nhận sự áp đảo gần như tuyệt đối của lực lượng các tác giả nam giới mà điều quan trọng hơn, số lượng ít ỏi các tác giả nữ cũng khó có được tiếng nói mang bản sắc của giới mình. Đến đầu thế kỷ XX, vấn đề con người cá nhân mang bản sắc giới nữ đã bắt đầu được khai thác, hướng tới khát vọng giải phóng con người khỏi những ràng buộc của lễ giáo phong kiến. Đó là những cơ sở quan trọng đầu tiên góp phần chuẩn bị cho sự vận động, phát triển và khẳng định vai trò của văn học nữ trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Từ 1945 đến 1975, văn học đồng hành cùng dân tộc trong cuộc trường chinh lịch sử, đấu tranh giải phóng dân tộc. Những quan niệm và thể nghiệm nghệ thuật vốn là đặc trưng và ưu thế của giới nữ đã tạm gác lại để hòa chung vào dòng chảy văn học trực tiếp tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Từ sau 1975, đặc biệt là sau 1986, trong bối cảnh lịch sử, văn hóa mới như chúng tôi đã phân tích, lực lượng sáng tác của các cây bút nữ có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng với sự bổ sung, nối tiếp của các thế hệ. Truyện ngắn chính là địa hạt phát huy được tối đa sở trường, sức mạnh và những đóng góp của các tác giả nữ. Đây có thể xem là sự gặp gỡ đầy cơ duyên giữa những yếu tố khách quan và sự vận động tội tại của văn chương nữ Việt Nam đương đại. 2.1.2.2. Truyện ngắn các nhà văn nữ trong văn học Việt Nam đương đại Góp phần tạo nên thành tựu, vị thế của thể loại truyện ngắn Việt Nam đương đại có vai trò rất quan trọng của truyện ngắn nữ. Trên cơ sở những động lực mạnh mẽ, với lực lượng đông đảo về số lượng và những đặc sắc về phong cách, truyện ngắn nữ từ sau năm 1975 đã thực sự có vị
- 9 thế và vai trò nổi bật của văn học Việt Nam đương đại nói chung, thể loại truyện ngắn nói riêng. Với sự lớn mạnh về lực lượng và sự chủ động trong thể nghiệm sáng tạo, các cây bút truyện ngắn nữ sau năm 1975 đã có những đóng góp quan trọng trong hành trình đổi mới tư duy và lối viết, dần định hình vị thế vững chắc, không thể thay thế ở thể loại truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975. Ở một chiều cạnh khác, những hiện tượng phá cách trong sáng tạo, trở thành những hiện tượng tiêu biểu trong văn học Việt Nam đương đại đều có sự góp mặt của các tác giả truyện ngắn nữ. Có thể nói, truyện ngắn của tác giả nữ đã trở thành “hiện tượng” gây hấn bởi nó trực tiếp thách thức các mô hình tiếp nhận thẩm mỹ truyền thống vốn đã định hình vững chắc từ lâu. Các cây bút truyện ngắn nữ sẵn sàng dấn thân và khẳng định vị thế bằng sự tìm tòi và sáng tạo không mệt mỏi, trực tiếp tạo nên diện mạo đổi mới của văn học Việt Nam đương đại. 2.2. Thiên hướng lựa chọn vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình của truyện ngắn các nhà văn nữ 2.2.1. Tình yêu - hôn nhân - gia đình là đối tượng chính của sự chiếm lĩnh nghệ thuật trong truyện ngắn các nhà văn nữ Tình yêu - hôn nhân - gia đình là vấn đề gắn liền cuộc sống của giới nữ, đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong cuộc đời của họ. Xuất phát từ những đặc trưng về giới, phụ nữ đặc biệt nhạy cảm và luôn quan tâm đặc biệt đến vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình. Hầu hết các tác giả đều khẳng định vấn đề này là ưu tiên trong con đường sáng tạo nghệ thuật của họ. Tất nhiên, ngoài vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình, truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại còn hướng đến những vấn đề khác của đời sống như chiến tranh, lịch sử,…. Nhưng ngay cả khi viết về những đề tài này, các nhà văn nữ cũng luôn hướng về đời sống cá nhân của con người, đặc biệt là người phụ nữ trong tình yêu - hôn nhân - gia đình... 2.2.2. Tình yêu - hôn nhân - gia đình, vấn đề lớn, xuyên suốt trong truyện ngắn của các nhà văn nữ Thực tiễn truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại cho phép khẳng định: tình yêu - hôn nhân - gia đình là vấn đề lớn, xuyên suốt trong truyện ngắn của các nhà văn nữ. Khác với các nhà văn nam, các nhà văn nữ khi viết về vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình thường với tư cách của người trong cuộc, với những trải nghiệm sâu sắc về giới mình. Bên cạnh vai trò là nơi lưu giữ những thể nghiệm nghệ thuật độc đáo nhất, khẳng định thế mạnh của giới nữ trong tương quan với các đồng nghiệp nam, vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại còn là nơi khu trú những khát vọng nữ quyền đầy màu sắc...
- 10 Tiểu kết: Trong xu thế vận động chung của cả nền văn học dân tộc, từ 1975, đặc biệt từ 1986 đến nay, truyện ngắn là thể loại phát triển mạnh, thực sự tỏ rõ vai trò nghệ thuật ưu trội của nó trong chiếm lĩnh các hiện tượng của đời sống. Trong bức tranh chung của truyện ngắn đương đại, truyện ngắn của các nhà văn nữ giữ một mảng màu với tỷ lệ lớn và những đường nét thật ấn tượng. Sự phát triển mạnh mẽ của truyện ngắn các nhà văn nữ do cả hai tiền đề khách quan và chủ quan khác hẳn giai đọan trước. Công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã mở ra cơ hội giải phóng năng lực và cá tính sáng tạo, thiết lập bầu khí quyển thẩm mỹ rộng mở, thu hút các nhà văn nữ dấn thân và khẳng định vị thế của mình trong văn học đương đại. Nhờ những ưu thế và sự nhạy cảm do đặc trưng giới, các cây bút nữ đã nhanh chóng lựa chọn vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình, lấy đó làm nội dung cơ bản của thể loại truyện ngắn, tìm cách khái thác, thể hiện vấn đề bằng những nỗ lực sáng tạo mới mẻ. Đây thực sự là đóng góp quan trọng của các cây bút nữ cho truyện ngắn Việt Nam đương đại trên cả hai phương diện nội dung và thi pháp của thể loại.
- 11 Chương 3 NHẬN THỨC MỚI VỀ TÌNH YÊU - HÔN NHÂN - GIA ĐÌNH CỦA TRUYỆN NGẮN CÁC NHÀ VĂN NỮ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI 3.1. Nhận thức mới về vai trò các thành tố và quan hệ giữa các thành tố tình yêu - hôn nhân - gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại 3.1.1. Về vai trò các thành tố tình yêu, hôn nhân, gia đình trong cấu trúc câu chuyện hạnh phúc/ bất hạnh của con người đương đại Vai trò của các thành tố tình yêu, hôn nhân, gia đình trong cấu trúc câu chuyện hạnh phúc hay bất hạnh của con người thời đương đại qua truyện ngắn các nhà văn nữ đã được luận án chỉ ra và phân tích một cách cụ thể, chi tiết. Dù quan tâm về từng vấn đề riêng lẻ hay đan xen nhiều vấn đề thì truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại đều hướng đến khám phá và biểu hiện khát vọng vươn đến hạnh phúc gia đình... Họ mạnh dạn thăm dò, khám phá, thể hiện và cổ vũ nhiệt thành cho sự thức tỉnh mạnh mẽ của ý thức cá nhân trên tinh thần nhân bản với khát vọng cháy bỏng khẳng định giá trị sống. Cái nhìn hướng nội, từ bên trong của nữ giới là sự bổ khuyết quan trọng đối với truyện ngắn của các cây bút nam trên hành trình đổi mới thể loại truyện ngắn nói riêng, văn học nói chung... 3.1.2. Về mối quan hệ giữa các thành tố tình yêu - hôn nhân - gia đình trong trong cấu trúc câu chuyện hạnh phúc/ bất hạnh thời đương đại Khi thể nghiệm vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình, ở từng tác giả, tác phẩm cụ thể có những sắc diện riêng. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, trong truyện ngắn của các nhà văn nữ đương đại, các thành tố tình yêu - hôn nhân - gia đình có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, đan bện với nhau nhằm hướng đến những quan niệm nhân sinh mới mẻ. Đó thực sự là tiếng nói, là khát vọng của con người, của giới nữ nhằm tìm đến bến bờ hạnh phúc thực sự. Mối quan hệ giữa các thành tố này luôn được soi chiếu, nhìn nhận trong không gian văn hóa, xã hội mới mẻ của thời đương đại. Đi sâu khám phá tình yêu - hôn nhân - gia đình, các cây bút truyện ngắn nữ đã bắc nhịp cầu dẫn đến những nội dung quan trọng trong nhận thức về con người nói chung trong xã hội hiện đại… 3.1.3. Về những hạnh phúc và bi kịch trong câu chuyện tình yêu - hôn nhân - gia đình Viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình, các cây bút truyện ngắn nữ đã kể những câu chuyện về khát vọng và con đường đi tìm hạnh phúc đích thực của con người, nhất là người phụ nữ. Trong một số trường hợp, người nữ đã tìm được hạnh phúc. Tuy nhiên, phần lớn vẫn là những bi
- 12 kịch, bi kịch vì thiếu vắng tình yêu thương... Cũng có không ít những bi kịch xuất phát từ chính tình yêu và sự tận hiến của người nữ (truyện ngắn của các tác giả tiêu biểu như Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Trần Thùy Mai, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Ngọc Tư...). Truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại đã khắc họa sâu sắc những bi kịch và sự tổn thương của người phụ nữ trong tình yêu - hôn nhân - gia đình. Ở phương diện này, truyện ngắn các nhà văn nữ có thể nói đã đi xa hơn truyện ngắn của các nhà văn nam trong khám phá những vấn đề phức tạp của con người trong tình yêu - hôn nhân - gia đình. 3.2. Vấn đề bản năng tính dục trong câu chuyện tình yêu - hôn nhân - gia đình thời đương đại 3.2.1. Bản năng tính dục với vẻ đẹp phồn thực và khát khao cháy bỏng của giới nữ trên con đường tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc Dù mật độ, cường độ, sắc thái và quan niệm có khác nhau nhưng các nhà văn đều rất quan tâm và dụng công khám phá, biểu hiện vấn đề tính dục như là căn bản của nữ tính trong sáng tạo của mình. Lên tiếng về tính dục gắn với tình yêu, với cuộc sống hôn nhân, gia đình, vẻ đẹp phồn thực, nhục cảm mà thanh khiết, thánh thiện đến thiêng liêng của người phụ nữ trong hoan lạc tính giao nhân bản, là bài ca về hạnh phúc thực sự trong cuộc sống đương đại. Các tác giả đã rất nhạy cảm và mạnh bạo khắc họa vẻ đẹp gợi tình, khát tình của những người phụ nữ. Đây thực sự là nguồn năng lượng vô tận của khao khát tình yêu và hạnh phúc. Vẻ đẹp của hình thể, của da thịt đầy sức xuân, của đôi chân, bờ mông cong, bầu vú,… đã thực sự trở thành vũ điệu đầy sức sống, đầy đam mê trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại. Điều đáng nói nhất khi thể nghiệm tính dục trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình là các tác giả đều đặt vấn đề từ chính sự nếm trải mang tính cá nhân. Đó thực sự là cuộc săn đuổi bản thể đầy mê đắm mà cũng rất đỗi nhọc nhằn. Câu chuyện tình dục đã thực sự trở thành đối tượng để các nhà văn truy tìm ý nghĩa đích thực của tình yêu, của hạnh phúc hôn nhân, gia đình. Những khát khao và đam mê tính dục, đam mê khám phá ngọn lửa ẩn sâu trong tâm hồn con người ấy đã trở thành những tác nhân trực tiếp đến câu chuyện hôn nhân, gia đình thời đương đại... 3.2.2. Vấn đề hạnh phúc và bi kịch từ khát khao giải phóng bản năng tính dục trong câu chuyện tình yêu - hôn nhân - gia đình Khi tính dục đã được xem xét như là một vấn đề chính yếu, một mắt khâu quan trọng của chiến lược tự sự, truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại đã nhạy cảm nhận ra và lý giải những bi kịch của sự đổ vỡ của tình yêu - hôn nhân - gia đình, là nguồn cơn của khổ đau bất tận. Chiều theo dục vọng tầm thường thực chất là hiện thân của sự lệch lạc. Sau
- 13 những phút giây thỏa mãn, người nữ luôn đắm chìm vào nỗi khổ đau dằn vặt, để nhận ra đâu là hạnh phúc thực sự thì đã muộn màng. Các nhà văn nữ đã khéo léo khai thác vấn đề này để vừa khẳng định cái nhìn nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn khi khám phá và biểu hiện con người cá nhân trong tình yêu - hôn nhân - gia đình thời đương đại vốn dĩ có quá nhiều bất toàn, dang dở. 3.3. Vấn đề bình đẳng giới và vai trò của giới nam, giới nữ trong câu chuyện tình yêu - hôn nhân - gia đình thời đương đại 3.3.1. Về vấn đề bình đẳng giới Đấu tranh cho bình đẳng của giới nữ trong tình yêu – hôn nhân - gia đình là vấn đề có ý nghĩa xã hội - thẩm mỹ to lớn. Các cây bút truyện ngắn nữ đã lĩnh sứ mệnh ấy một cách chủ động, quyết liệt và đầy say mê. Viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình, truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại đã cất lên tiếng nói thuyết phục nhất về vấn đề bình đẳng giới trong văn học Việt Nam. 3.3.2. Giới nữ và vấn đề bình đẳng giới trong câu chuyện tình yêu - hôn nhân - gia đình Bên cạnh thể nghiệm sáng tạo về vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình, truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại đặc biệt nhạy cảm và nhiệt thành cất lên tiếng nói đòi hỏi sự sẻ chia, cùng vun đắp hạnh phúc với người phụ nữ, đồng thời lên án sự áp đặt của tư tưởng nam quyền. Truyện ngắn của các cây bút nữ đương đại, chúng tôi nhận thấy, ở các cấp độ khác nhau, người phụ nữ vẫn cơ bản hướng tới một cuộc sống vẹn toàn với sự trông cậy vào người đàn ông của cuộc đời mình. cất tiếng nói phá giải sự áp chế nam quyền trong tình yêu, trong hôn nhân và cuộc sống gia đình trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại thực sự đã mang đến tinh thần nữ quyền sâu sắc. 3.3.3. Giới nam và vấn đề bình đẳng giới trong câu chuyện tình yêu - hôn nhân - gia đình Song hành cùng sự khẳng định khát vọng giải phóng phụ nữ khỏi những chế định nam quyền, truyện ngắn nữ, một mặt, có chú ý xây dựng hình tượng những người đàn ông có nhân cách, có tình yêu thương, nhưng mặt khác, tỏ ra quyết liệt trong việc xét lại thế giới đàn ông đương đại. Đó là lý do trong thế giới nghệ thuật phong phú của các cây bút truyện ngắn nữ, rất phổ biến hình tượng những người đàn ông bất toàn, thậm chí méo mó, dị mọ. Họ là những người không tôn trọng tình yêu, sẵn sàng phản bội lại tình yêu của mình. Tiểu kết: Truyện ngắn của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại đã có những nỗ lực lớn trong đưa lại những nhận thức mới (dĩ nhiên là bằng tiếng nói của tư duy nghệ thuật) về tình yêu - hôn nhân - gia đình với
- 14 những nội dung thực sự có sức hấp dẫn. Đấy là nhận thức mới về vai trò của các thành tố tình yêu, hôn nhân, gia đình và mối quan hệ giữa các thành tố trong logic, diễn trình của hạnh phúc đời tư: tình yêu - hôn nhân - gia đình; về bản năng và khát khao giải phóng tính dục kéo theo những hệ lụy hạnh phúc và bi kịch; về vấn đề bình đẳng giới và vai trò của giới nam, giới nữ trong câu chuyện tình yêu - hôn nhân - gia đình thời đương đại. Trong bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội đất nước đã có những đổi mới căn bản, đồng hành cùng các đồng nghiệp nam trong nỗ lực cách tân thể loại hướng về các thể tài thế sự, đời tư, truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại đã tập trung khám phá, biểu hiện hầu như toàn diện vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình. Những ưu thế do đặc thù giới tính đã giúp các chị khai phá và định hình con đường quan trọng đi đến thế giới tâm hồn đặc biệt phong phú, sinh động của người phụ nữ trong thế giới hiện đại. Dù phổ diện được mở rộng khi xem xét những vấn đề nóng bỏng trong cuộc sống hiện nay như vấn đề hậu chiến, vấn đề quan hệ và đạo đức xã hội,… nhưng tâm điểm tạo nên diện mạo sinh sắc nhất của truyện ngắn nữ chính là vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình từ cái nhìn nội quan mang tính nếm trải. Từ đây, hàng loạt những vấn đề về mối quan hệ giữa các thành tố tình yêu - hôn nhân - gia đình, về khát vọng khẳng định nhân vị đàn bà và những đòi hỏi trong bình đẳng giới với cả những hạnh phúc muộn màng hay bi kịch đớn đau,… ý nghĩa của vấn đề đã được đẩy đi xa hơn, chạm đến những miền sâu thẳm của thân phận con người. Dù những vượt thoát ấy có thể chưa nhiều bên cạnh những trường hợp thể nghiệm còn ít nhiều sơ giản, thậm chí sống sượng, nhưng cần phải khẳng định, khai thác vấn đề tình yêu trong tương quan với hôn nhân, gia đình, truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại khắc sâu những khao khát vượt lên, vượt qua những nghịch cảnh để kiếm tìm hạnh phúc thực sự. Những thể nghiệm mang tính chiều sâu như thế đã giúp cho các cây bút truyện ngắn nữ vượt qua những giới hạn của vấn đề mang tính cá nhân để bộc lộ những quan niệm, tư tưởng phổ quát, thường ngày.
- 15 Chương 4 NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN TÌNH YÊU - HÔN NHÂN - GIA ĐÌNH TRONG TRUYỆN NGẮN CÁC NHÀ VĂN NỮ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI 4.1. Nghệ thuật tạo dựng tình huống và xung đột truyện 4.1.1. Kiểu tình huống và nghệ thuật tạo dựng tình huống Với đặc trưng về dung lượng và phương thức khám phá, biểu hiện hiện thực, truyện ngắn đặc biệt coi trọng tình huống truyện. Việc lựa chọn, sáng tạo ra tình huống độc đáo là yếu tố then chốt tạo nên tính độc đáo, chiều sâu tư tưởng và sức sống của mỗi tác phẩm truyện ngắn. Truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại viết về tình yêu – hôn nhân – gia đình cũng đã tạo dựng được nhiều kiểu tình huống truyện khác nhau, tuy nhiên, đặc sắc nhất, vẫn là tập trung ở hai kiểu/ loại tình huống chủ yếu: tình huống tâm trạng và tình huống tự nhận thức. Việc tạo dựng thành công kiểu tình huống tâm trạng đã giúp cho các nhà văn nữ mang đến cái nhìn hướng nội quan trọng, mở toang cánh cửa đưa những tiếng nói đầy ám ảnh của chính những người phụ nữ, những người trong cuộc về vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình... Với kiểu tình huống nhận thức, các nhà văn nữ Việt Nam đương đại đã xây dựng thành công những nhân vật nếm trải, nhân vật kiếm tìm hạnh phúc. Tuy nhiên kiểu tình huống nhận thức ở đây không chủ ý hướng tới những va chạm, xung đột xã hội lớn lao mà cơ bản là những tình huống phổ biến trong đời sống. Có thể xem tình huống nhận thức như tình huống “soi gương” để tự nhận thức về chính mình. Đứng trước những tình huống như thế, các nhân vật buộc phải nghiền ngẫm, xét lại những gì đã qua, để nhận ra đâu là hạnh phúc thực sự. Tình huống nhận thức luôn gắn với những cụm từ như: “hóa ra”, “thì ra”, “thì ra là”, “bỗng thấy”… Khởi đầu từ những tình huống như thế, các nhân vật trong truyện ngắn nữ được xây dựng với bề dày tâm lý, được kiến tạo nên những góc nhìn độc đáo, những biểu hiện phong phú, đa sắc đặc biệt về tình yêu, về cuộc sống hôn nhân, gia đình ở thời đương đại. 4.1.2. Kiểu xung đột và nghệ thuật tạo dựng xung đột Xung đột nghệ thuật được hiểu là “sự đối lập, sự mâu thuẫn được dùng như một nguyên tắc để xây dựng các mối quan hệ tương tác giữa các hình tượng của tác phẩm nghệ thuật”. Các xung đột thường “xuất hiện dưới dạng những va chạm, tức là những đụng độ trực tiếp, sự chống đối giữa các thế lực hoạt động được mô tả trong tác phẩm: giữa tính cách với hoàn cảnh, giữa các tính cách với nhau, giữa những phương diện khác nhau của một tính cách
- 16 Cùng với những cách tân đáng chú ý về phương diện tổ chức tình huống, truyện ngắn nữ mới quan trọng trong kiến tạo và tổ chức xung đột. Thay vì tổ chức những xung đột mang tính loại trừ nghiêm ngặt, các cây bút truyện ngắn nữ đã thể nghiệm rất đa dạng các mức độ tương quan nhằm khắc họa những nhận thức mới về vấn đề này. Truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại chủ yếu tập trung kiến tạo hai kiểu loại xung đột: xung đột thế sự và xung đột đời tư trong bản thể mỗi con người. Những nỗ lực đổi mới đó không chỉ trực tiếp góp phần nhận thức và biểu hiện sâu sắc vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình của con người hiện đại mà còn góp phần cách tân cho thể loại truyện ngắn Việt Nam đương đại. Ở kiểu xung đột thế sự, truyện ngắn các nhà văn nữ viết về vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình thường kiến tạo một mâu thuẫn trung tâm - mâu thuẫn đóng vai trò chủ đạo của xung đột nghệ thuật, trên cơ sở đó tìm cách châu tuần và liên kết các chi tiết, sự kiện trong một thể thống nhất. Ở kiểu xung đột đời tư, truyện ngắn các nhà văn nữ kiến tạo theo hai xu hướng: xu hướng đồng đẳng hóa xung đột truyện kể và xu hướng giảm thiểu xung đột truyện kể. 4.2. Nghệ thuật tạo dựng và tổ chức cốt truyện 4.2.1. Loại truyện có cốt truyện và cách tổ chức cốt truyện Cốt truyện là “hệ thống sự kiện cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc các loại tự sự và kịch” Ở loại truyện có cốt truyện, kiểu cốt truyện truyền thống phần lớn đã được truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại gia công làm mới bằng việc hạn chế cấu trúc tuyến tính của sự kiện truyện kể. Những thể nghiệm đổi mới phương thức tổ chức cốt truyện truyền thống như thế đã phát huy khả năng phản ánh và biểu hiện con người cá nhân trong tình yêu - hôn nhân - gia đình. 4.2.2. Loại truyện có cốt truyện mờ, bị phân rã và cách cấu trúc Gắn với xu thế giảm thiểu tính chuyện của truyện kể, khi viết về vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình, các cây bút truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại đã mạnh dạn thể nghiệm những cách tân mới mẻ ở xu hướng truyện không có cốt truyện. Ở đây, thay vì đặt trọng tâm truyện kể ở những sự kiện và diễn biến tâm lý của nhân vật, các tác giả đã đẩy sự mờ hóa các đường viền tự sự lên cao độ. Trong xu hướng này, thay vì sáng tạo nên câu chuyện, các tác giả truyện ngắn nữ lại thể nghiệm và khắc sâu những ấn tượng để kích hoạt mạnh mẽ hoạt động đồng sáng tạo của độc giả. Trong xu hướng này, người đọc khó mà tóm tắt được một cốt
- 17 truyện hoàn chỉnh, hoặc chỉ nắm bắt được những khung khổ rất sơ lược về truyện kể. Phần quan trọng nhất của câu chuyện chính là những trạng thái tâm lý nhiều khi hết sức mơ hồ hoặc những mảnh ghép hỗn độn của cuộc sống. Nổi bật nhất trong xu hướng tổ chức cốt truyện này là sự thể nghiệm dòng ý thức và ghép mảnh truyện kể. 4.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật 4.3.1. Nhìn chung về thế giới nhân vật trong truyện ngắn của các nhà văn nữ Thế giới nhân vật trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại viết về vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình đặc biệt sinh động, phong phú và đa dạng. Mỗi nhà văn với thế mạnh và phong cách khác nhau đã hướng sự quan tâm đến những con người ở những hoàn cảnh khác nhau. Truyện ngắn nữ đương đại chú trọng xây dựng nhân vật tính cách với chiều sâu tâm lý để biểu lộ tư tưởng nghệ thuật. Dù viết về nhân vật chính là những người đàn ông, phụ nữ hay trẻ em trong mối quan hệ tình yêu, hôn nhân hay gia đình, các cây bút truyện ngắn nữ đã khắc họa những con người đa diện, không thuần nhất với những trạng huống sinh động, đơn nhất mang cảm hứng đời tư sâu sắc. Hầu hết các nhân vật trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình đều là sản phẩm của cái nhìn đa diện, phức hợp 4.3.2. Nhân vật nữ trong truyện ngắn và nghệ thuật xây dựng của các nhà văn nữ Trong thế giới nhân vật phong phú, đa dạng của truyện ngắn nữ khi viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình, hệ thống các nhân vật nữ được đặc biệt quan tâm và là phần tạo nên sự đặc sắc khác biệt của các cây bút nữ so với các đồng nghiệp nam. Để khắc họa thế giới nhân vật nữ đặc sắc trong mối quan hệ với tình yêu, đời sống hôn nhân, gia đình, các cây bút truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại có những đổi mới đáng kể trong nghệ thuật miêu tả ngoại hình, hành động và tính cách nhân vật. Lựa chọn nhân vật người kể chuyện từ ngôi thứ nhất, xưng “tôi”, các cây bút truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại chủ yếu hóa thân vào các nhân vật nữ để “tự thuật” về những nếm trải cuộc đời mình. Từ cái nhìn nếm trải như thế, các nhà văn nữ đã phô bày thế giới đặc biệt sống động với những cảm xúc với vô vàn cung bậc khác nhau của người phụ nữ trong tình yêu, trong hôn nhân và gia đình. Bên cạnh việc lựa chọn người kể chuyện từ ngôi thứ nhất xưng “tôi” mang tính tự thuật, các tác giả truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại cũng nỗ lực làm mới dạng thức kể chuyện khách quan từ ngôi thứ ba. Sử dụng kiểu người kể chuyện này vừa hướng đến khách quan hóa trần thuật, vừa khắc họa những diễn biến nội tâm phong phú của nhân vật.
- 18 4.4. Nghệ thuật tổ chức giọng điệu và ngôn ngữ 4.4.1. Nghệ thuật tổ chức giọng điệu Sự đa đạng trong thể nghiệm giọng điệu vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của hành trình thâm nhập và biểu hiện những sắc điệu phong phú, sinh động của vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình từ cái nhìn nữ giới. Cái nhìn nội cảm và giọng điệu độc đáo là một trong những phương diện quan trọng nhất mang đến hiệu ứng tư tưởng, thẩm mỹ cho truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại. Có thể thấy nổi bật một số sắc giọng cơ bản được tổ chức một cách hợp lý: giọng trữ tình sâu lắng, giọng xót xa thương cảm, giọng triết lý thâm trầm, giọng mỉa mai, châm biếm, giễu nhại. Đi sâu vào thế giới tinh thần đầy bí ẩn, các tác giả nữ đã hết lòng tụng ca, nâng niu những cung bậc hạnh phúc,… Xây dựng những nhân vật hết mình vì tình yêu, sẵn sàng hiến dâng, sẵn sàng hi sinh mọi thứ để với đến mong ước ấy, truyện ngắn nữ đã thể nghiệm những trường đoạn trữ tình tinh tế, sâu lắng, rất gần với thơ. Các cây bút truyện ngắn nữ cũng đã thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia với nỗi đau, với những bi kịch ẩn sâu không lối thoát của người phụ nữ. Giọng điệu xót xa, thương cảm không chỉ được sử dụng trong những trường đoạn viết về thế giới nội cảm của nhân vật. Ở không ít trường hợp, những khoảng lặng trong truyện kể được thiết kế nhằm kích hoạt cảm xúc này trong tiếp nhận. Khám phá con người trên hành trình kiếm tìm ý nghĩa đích thực của cuộc sống, kiếm tìm hạnh phúc trong tình yêu - hôn nhân - gia đình, các tác giả truyện ngắn nữ cũng thường xuyên sử dụng giọng triết lý thâm trầm với hàng loạt những cật vấn: Ta là ai? Ta sống cho ai, vì cái gì? Đâu là giá trị đích thực cần hướng tới trong tình yêu, trong hôn nhân, gia đình?... Vấn đề trọng tâm thu hút những tiếng nói triết lý trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại chính là ý nghĩa của tình yêu, là hạnh phúc trong hôn nhân, gia đình mà các nhân vật mải miết đi tìm Giọng mỉa mai, châm biếm, giễu nhại về cơ bản được sử dụng trong việc khắc họa những chân dung biếm họa về những con người vô trách nhiệm, ham hố, ti tiện, sẵn sàng đùa giỡn với hạnh phúc của chính mình. Sắc giọng này chủ yếu được sử dụng để “xét lại thế giới đàn ông bằng con mắt đàn bà”. Nhại trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại chủ yếu mang cảm hứng phê phán chứ chưa thể nghiệm được nghệ thuật nhại mang cảm hứng hài hước. Đây là sự thiếu hụt đáng tiếc trong thế giới nghệ thuật truyện ngắn nữ khi viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Chiến lược Marketing đối với hàng mây tre đan xuất khẩu Việt Nam
27 p | 187 | 18
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững về kinh tế ở vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030
27 p | 212 | 17
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Hợp đồng dịch vụ logistics theo pháp luật Việt Nam hiện nay
27 p | 279 | 17
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Y học: Nghiên cứu điều kiện lao động, sức khoẻ và bệnh tật của thuyền viên tàu viễn dương tại 2 công ty vận tải biển Việt Nam năm 2011 - 2012
14 p | 272 | 16
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Triết học: Giáo dục Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cho sinh viên trường Đại học Cảnh sát nhân dân hiện nay
26 p | 156 | 12
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ: Nghiên cứu tối ưu các thông số hệ thống treo ô tô khách sử dụng tại Việt Nam
24 p | 254 | 12
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kỹ thuật: Nghiên cứu tính toán ứng suất trong nền đất các công trình giao thông
28 p | 223 | 11
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Kinh tế Quốc tế: Rào cản phi thuế quan của Hoa Kỳ đối với xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam
28 p | 183 | 9
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Phát triển kinh tế biển Kiên Giang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế
27 p | 61 | 8
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Xã hội học: Vai trò của các tổ chức chính trị xã hội cấp cơ sở trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho cư dân nông thôn: Nghiên cứu trường hợp tại 2 xã
28 p | 151 | 8
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Các tội xâm phạm tình dục trẻ em trên địa bàn miền Tây Nam bộ: Tình hình, nguyên nhân và phòng ngừa
27 p | 207 | 8
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Phản ứng của nhà đầu tư với thông báo đăng ký giao dịch cổ phiếu của người nội bộ, người liên quan và cổ đông lớn nước ngoài nghiên cứu trên thị trường chứng khoán Việt Nam
32 p | 185 | 6
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Quản lý nhà nước đối với giảng viên các trường Đại học công lập ở Việt Nam hiện nay
26 p | 137 | 5
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam thông qua mô hình hấp dẫn thương mại
28 p | 21 | 4
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học: Phương tiện biểu hiện nghĩa tình thái ở hành động hỏi tiếng Anh và tiếng Việt
27 p | 124 | 4
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Kỹ thuật: Nghiên cứu cơ sở khoa học và khả năng di chuyển của tôm càng xanh (M. rosenbergii) áp dụng cho đường di cư qua đập Phước Hòa
27 p | 9 | 4
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc kỳ hạn nợ phương pháp tiếp cận hồi quy phân vị và phân rã Oaxaca – Blinder
28 p | 28 | 3
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Phát triển sản xuất chè nguyên liệu bền vững trên địa bàn tỉnh Phú Thọ các nhân tố tác động đến việc công bố thông tin kế toán môi trường tại các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản Việt Nam
25 p | 173 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn