intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Văn hóa ẩm thực của người chăm Ahiér ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận

Chia sẻ: Conmeothayxao | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:27

12
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mục đích nghiên cứu của luận án "Văn hóa ẩm thực của người chăm Ahiér ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận" là nghiên cứu ẩm thực của người Chăm Ahiér để hiểu về các khía cạnh văn hoá, xã hội của tộc người, như các vấn đề về thế giới quan, nhân sinh quan và quan hệ xã hội.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Văn hóa ẩm thực của người chăm Ahiér ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận

  1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI TRẦN THỊ THÁI VĂN HÓA ẨM THỰC CỦA NGƯỜI CHĂM AHIÉR Ở HUYỆN NINH PHƯỚC, TỈNH NINH THUẬN Ngành: Văn hóa học Mã số: 9 22 90 40 LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC HÀ NỘI - 2023
  2. Công trình đã được hoàn thành tại: HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Vương Xuân Tình Phản biện 1: GS.TS. Lê Hồng Lý Phản biện 2: GS.TS. Bùi Quang Thanh Phản biện 3: GS.TS. Nguyễn Văn Chính Luận án được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án tiến sĩ, họp tại Học viện Khoa học xã hội, 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội Vào lúc h phút, ngày tháng năm 2023 Có thể tìm hiểu luận án tại: Thư viện Quốc gia Thư viện Học viện Khoa học xã hội.
  3. MỞ ĐẦU 1.Tính cấp thiết của đề tài Trong ngôn ngữ Chăm, bên cạnh từ “yêu” (anit) thì từ “ăn” (mbang) cũng có tần suất rất cao khi biểu đạt. Lúc đói, người Chăm nói Mbang owk bbang lipa - Ăn đói ăn khát, ăn để cầm hơi. Nhà nghèo, khách đến nhà không có món cao sang thì bảo Mbang mưthin mbang xara: Ăn mắm, ăn muối, lấy thảo. Lúc có món ăn thật ngon thì nói Mbang jan gok jan glah - Ăn đập nồi đập niêu. Kẻ thấp hèn đành chấp nhận Mbang lisei hok kamang jruh- Ăn cơm vãi, cơm thừa canh cặn. Người có chữ nghĩa, kẻ sang lại được Mbang ngok dok dahlau - Ăn trên ngồi trước. Người Việt cũng có những đúc kết đa dạng về việc ăn uống như “Ăn vóc học hay”, “Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn”, “Miếng ăn quá khẩu thành tàn”, “Ăn có mời, làm có khiến”. Như vậy, có thể thấy ở mọi thời đại, mọi dân tộc việc ăn uống đều có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống con người. Việc ăn uống không chỉ là hoạt động mang tính sinh học nhằm duy trì sự sống mà còn thể hiện văn hóa của một tộc người hay cộng đồng xã hội khác. Đặc trưng của các món ăn được tạo nên từ những điều kiện địa lý, lịch sử, xã hội. Qua các món ăn chúng ta có thể hiểu được tập quán, cung cách ứng xử của con người với môi trường; thậm chí thân phận hay địa vị của con người cũng được thể hiện qua ăn uống. Bởi vậy, ẩm thực không chỉ mang khía cạnh vật chất mà còn mang ý nghĩa tinh thần, được coi là một thành tố quan trọng tạo nên bản sắc tộc người. Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019, người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận có 67.517 người, đông nhất so với người Chăm trong cả nước. Chăm Ahiér (còn gọi là Chăm Bà la môn) là một trong ba nhóm Chăm sinh sống từ lâu đời ở Ninh Thuận. Đây là nhóm Chăm chiếm số đông trong dân số của người Chăm ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận so với các tín đồ tôn giáo khác. Họ được nhận diện là cộng đồng Ahiér qua hình thức của lễ tang: “khi chết làm đám thiêu”. Họ thờ cúng tổ tiên (muk key, trauk patra), xây dựng đền tháp để thờ vua thần và các vị anh hùng dân tộc, danh nhân 1
  4. văn hóa. Về đời sống tinh thần, người Chăm Ahiér có hệ thống nghi lễ vô cùng phong phú. Ở mỗi giai đoạn trong nghi lễ của người Chăm có những nghi thức khác nhau và lễ vật được chuẩn bị cho các nghi lễ vào giai đoạn đó cũng có những sự khác biệt. Các vật phẩm dâng cúng cho đến đồ ăn thức uống không chỉ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của con người mà còn hàm chứa nhiều giá trị văn hóa, phản ánh thế giới quan và cấu trúc xã hội của tộc người Chăm. Trong bức tranh chung của mỗi tộc người, ẩm thực luôn được xem là thành tố quan trọng thể hiện rõ điều kiện tự nhiên, sự thích ứng của con người với tự nhiên và chứa đựng nhiều khía cạnh đáng quan tâm của sự biểu đạt và kiến tạo văn hoá. Vì vậy, ẩm thực luôn là chủ đề thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Người Chăm là một trong những dân tộc luôn dành được sự quan tâm, chú ý của nhiều nhà nghiên cứu, và nhiều khía cạnh khác nhau của người Chăm và văn hóa Chăm như lịch sử tộc người, sự phân bố dân cư, dân số học tộc người, quan hệ hôn nhân, quan hệ xã hội, quan hệ tộc người, tập tục, lối sống, tôn giáo tín ngưỡng,… đã được đề cập và đào sâu. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, chưa có một công trình chuyên biệt nào nghiên cứu về ẩm thực Chăm dưới góc nhìn văn hoá học, coi ẩm thực như là tấm gương phản chiếu văn hoá xã hội của tộc người. Đề tài luận án “Văn hóa ẩm thực của người Chăm Ahiér ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận” được tác giả lựa chọn thực hiện nhằm hướng đến việc bổ khuyết các khoảng trống này, cả về hướng tiếp cận các thực hành ẩm thực cũng như tìm những diễn giải phù hợp về sự hiện diện của các thực hành văn hoá trong đời sống của người Chăm tại Ninh Thuận. Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ góp phần làm rõ thêm về văn hoá ẩm thực Chăm trong mối quan hệ với các khía cạnh khác nhau của văn hoá như cấu trúc xã hội, giới, vũ trụ quan hay thực hành tôn giáo, tín ngưỡng. Những đóng góp này không chỉ góp thêm nguồn tư liệu khoa học mới cho các công trình nghiên cứu văn hoá Chăm dưới khía cạnh ẩm thực mà còn cung cấp một hệ thống luận cứ có giá trị cho việc tham khảo để thực hiện thành công chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị của ẩm thực trong phát triển kinh 2
  5. tế - xã hội của nhóm Chăm Ahiér tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, luận án cũng góp thêm một nghiên cứu trường hợp cho lĩnh vực nghiên cứu về văn hoá ẩm thực của ngành nghiên cứu Văn hoá. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1 Mục đích nghiên cứu Mục đích nghiên cứu của luận án là nghiên cứu ẩm thực của người Chăm Ahiér để hiểu về các khía cạnh văn hoá, xã hội của tộc người, như các vấn đề về thế giới quan, nhân sinh quan và quan hệ xã hội. Với mục đích như vậy, đề tài sẽ tập trung giải quyết hai câu hỏi chính sau: -Thực hành văn hoá ẩm thực trong đời sống thường ngày và trong nghi lễ của người Chăm Ahiér diễn ra như thế nào? - Các thực hành văn hoá ẩm thực đó phản ánh gì về vũ trụ quan, nhân sinh quan và quan hệ xã hội của người Chăm Ahiér? 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Từ mục đích nghiên cứu trên, luận án đặt ra các nhiệm vụ nghiên cứu sau: - Tổng hợp, phân tích tài liệu thành văn có liên quan đến chủ đề nghiên cứu. Trên cơ sở đó, tổng quan tài liệu và xác định cơ sở lý thuyết làm định hướng cho luận án, lựa chọn phương pháp phù hợp với đề tài nghiên cứu. - Mô tả và phân tích các thực hành văn hoá ẩm thực của người Chăm Ahier trong đời sống hàng ngày và trong nghi lễ. - Phân tích, các đặc điểm về vũ trụ quan, nhân sinh quan và quan hệ xã hội của người Chăm Ahiér thông qua các thực hành văn hóa ẩm thực. - Trao đổi, bàn luận về văn hoá Chăm qua các yếu tố được lưu giữ trong ẩm thực của dân tộc này. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1 Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu của luận án là ẩm thực trong đời sống thường ngày và trong nghi lễ của người Chăm Ahiér ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận giai đoạn hiện nay. Đề tài tập trung vào các vấn đề như cơ cấu và chuẩn bị bữa ăn và lễ vật, tổ chức ăn uống, các kiêng kỵ và những bối 3
  6. cảnh của người thực hành. Luận án lựa chọn đối tượng nghiên cứu chính là vai trò của ẩm thực trong đời sống thường ngày và trong nghi lễ của người Chăm Ahiér tại Ninh Thuận. Do vậy những kết luận của luận án tương ứng với đặc điểm của vùng văn hoá Chăm tại đây. Các tài liệu khảo sát, điền dã, thu thập đều diễn ra trong đời sống xã hội đương đại. 3.2 Phạm vi nghiên cứu Phạm vi nội dung. Văn hoá ẩm thực là khái niệm rộng, vì vậy, trong đề tài này, tác giả giới hạn nghiên cứu trong việc tập trung khảo sát các thực hành ẩm thực của bữa ăn thường ngày tại gia đình và ẩm thực trong nghi lễ. Đối với ẩm thực trong đời sống thường ngày, tác giả giới hạn trong việc mô tả cơ cấu, chuẩn bị, tổ chức bữa ăn và những kiêng kỵ trong ăn uống. Bên cạnh đó, việc mô tả các bữa ăn bên ngoài gia đình như một hình thức mở rộng của bữa ăn hằng ngày cũng được quan tâm trong luận án. Đối với thực hành ẩm thực trong các nghi lễ, tác giả chú trọng đến ẩm thực trong một số nghi lễ lịch tiết và vòng đời quan trọng của người Chăm Ahiér như lễ năm mới Rija Nưgar, lễ hội Kate, lễ cưới và lễ hoả táng. So với các nghi lễ khác, đây là những nghi lễ quan trọng và hiện tại, các nghi lễ này vẫn được thực hành thường xuyên như một phần của đời sống văn hoá tinh thần không thể thiếu của người Chăm Ahiér. Các nghi lễ này cũng được tác giả chú trọng nghiên cứu ở hai vấn đề cơ bản, đó là cơ cấu và chuẩn bị lễ vật và cách tổ chức ăn uống. Đây là những lĩnh vực mà theo tác giả, sẽ phản ánh rõ thế giới quan, nhân sinh quan và quan hệ xã hội của người Chăm Ahiér. Phạm vi không gian nghiên cứu. Đề tài nghiên cứu các thực hành văn hoá ẩm thực trong cộng đồng người Chăm Ahíer tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, tập trung ở 4 làng: Hữu Đức (Hamu Tanran), Bàu Trúc (Hamu Crauk), Mỹ Nghiệp (Caklaing), Như Bình (Dara). Đây là những làng có cư dân đông đúc và có bề dày về truyền thống văn hóa. Phạm vi thời gian nghiên cứu. Đề tài nghiên cứu ẩm thực của người Chăm Ahiér trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở đó, luận án có những so sánh hồi cố với ẩm thực truyền thống. 4
  7. 4. Phương pháp nghiên cứu Trong nghiên cứu này, tác giả luận án sử dụng quan điểm tiếp cận của nghiên cứu văn hóa và ngành nhân học. Theo đó, tác giả quan niệm việc nhìn nhận, đánh giá về giá trị của các thực hành văn hóa phải được đặt trong bối cảnh của chính nền văn hóa đó. Tác giả chú tâm đến các bối cảnh và cách thức mà thực hành văn hoá ẩm thực được sử dụng và hàm nghĩa. Hai phương pháp nghiên cứu chính được tác giả sử dụng trong luận án: Quan sát tham dự và phỏng vấn sâu: Đây là phương pháp chủ đạo được sử dụng để thu thập tư liệu trên thực tế. Trên địa bàn nghiên cứu, NCS chú trọng thu thập các thông tin định tính thông qua các công cụ cơ bản là quan sát tham dự và phỏng vấn sâu. Nguồn thông tin thu thập trên thực địa là nguồn tư liệu chính và quan trọng nhất đối với luận án. Trên thực địa, quy tắc tôn trọng tiếng nói đa chiều của các bên liên quan được tuân thủ. Những người được NCS chọn để phỏng vấn sâu là các nhà quản lý văn hóa, các vị chức sắc Chăm và những người dân trực tiếp tham gia vào quá trình thực hành văn hóa. Đối với các nhà quản lý văn hóa, NCS phỏng vấn để thu thập các thông tin chung về địa bàn nghiên cứu, và đặc biệt là của người Chăm Ahiér trên các phương diện: tình hình dân số, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đối với các vị chức sắc Chăm, NCS phỏng vấn để tìm hiểu ý nghĩa của các nghi lễ, các thực hành văn hóa, những quy định trong các lễ vật cúng và các ý nghĩa biểu tượng của chúng. Đối với nhóm đối tượng là những người dân tham gia vào các thực hành văn hóa, NCS cho rằng đây là nhóm cần được quan tâm nhất. Qua các cuộc phỏng vấn có thể hiểu được suy nghĩ, ứng xử và diễn giải của họ về vấn đề ăn uống từ góc độ của những người trong cuộc. Trong quá trình điền dã, quan sát tham gia cũng là phương pháp quan trọng được áp dụng. Tổng hợp, phân tích tư liệu thứ cấp: Phân tích nguồn tài liệu thứ cấp liên quan đến luận án được lấy từ các nguồn văn bản cổ, các nghiên cứu đã công bố liên quan đến luận án. Những tư liệu này đã cung cấp cho NCS cái nhìn đa chiều về đối tượng nghiên cứu, giúp NCS trong điểm luận các nghiên cứu để tìm ra khoảng trống nghiên cứu, từ đó lên kế hoạch chi tiết 5
  8. cho các chuyến khảo sát thực địa, lập câu hỏi, lựa chọn đối tượng để phỏng vấn phục vụ cho đề tài. Cũng nguồn tư liệu này giúp NCS có những đối chiếu so sánh với các nguồn tư liệu từ khảo sát thực địa. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án Luận án là một nghiên cứu chuyên sâu và có hệ thống về văn hoá ẩm thực của người Chăm Ahiér tại tỉnh Ninh Thuận dưới góc nhìn văn hoá. Kết quả nghiên cứu của luận án cung cấp cái nhìn tổng quát về ẩm thực, từ đời sống thường ngày đến các nghi lễ. Từ đó cho thấy ẩm thực không chỉ đơn thuần đảm bảo dinh dưỡng mà còn truyền tải những thông điệp về văn hóa và xã hội. Luận án là nghiên cứu đầu tiên tiếp cận theo hướng dùng ẩm thực Chăm để diễn giải văn hóa Chăm bằng tiếng nói của người trong cuộc, qua việc khám phá chiều kích của các thực hành ẩm thực, đặt ẩm thực trong hệ thống thế giới quan, cấu trúc và quan hệ xã hội của người Chăm. Thông qua nghiên cứu trường hợp ẩm thực của người Chăm Ahiér, luận án chỉ ra vai trò, ý nghĩa của các thực hành ẩm thực trong đời sống. Kết quả của luận án cho thấy, ẩm thực cần được nhìn nhận như một hiện tượng văn hóa, và hiện tượng này cần được diễn giải trong hệ thống văn hóa của chính nó, với các vấn đề từ vũ trụ quan đến bối cảnh kinh tế, thiết chế xã hội, văn hóa cụ thể. Bởi các thực hành ẩm thực của một cộng đồng sẽ không thể diễn giải nếu bị tách rời khỏi bối cảnh văn hóa nơi chúng sinh ra và tồn tại. Có thể nói, luận án đã bổ sung một minh chứng để khẳng định về phương pháp tiếp cận ẩm thực của ngành văn hóa học và nhân học văn hóa. Ngoài ra, từ trường hợp ẩm thực của người Chăm Ahiér, luận án đóng góp thêm việc kiểm chứng lý thuyết, qua sự khẳng định và nhấn mạnh vai trò quan trọng của thế giới quan tộc người và cấu trúc xã hội khi diễn giải các thực hành ẩm thực. 6. Ý nghĩa về lý luận và thực tiễn của luận án Về lý luận: Dưới góc độ văn hóa học, nghiên cứu này góp phần cung cấp thêm một cách có chọn lọc các khái niệm và vấn đề lý luận về văn hóa ẩm thực nói chung và ẩm thực Chăm nói riêng; làm rõ các quan niệm và thực hành ăn uống của người Chăm và thông qua đó hiểu được cách người Chăm tư 6
  9. duy về thế giới, giải mã ý nghĩa của các món ăn và các lễ vật cúng tế, những biểu tượng đằng sau các món ăn cũng như hiểu được quan hệ xã hội của tộc người này. Về thực tiễn: Nghiên cứu văn hóa ẩm thực của người Chăm Ahiér ở huyện Ninh Phước dưới góc nhìn văn hóa sẽ cho người đọc hiểu nền văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Chăm cũng như để người đọc hiểu rằng ẩm thực không chỉ đơn thuần là đảm bảo dinh dưỡng mà còn truyền tải những thông điệp về văn hóa, chính trị, xã hội. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu này sẽ cung cấp tư liệu cho các nhà nghiên cứu, cho công việc giảng dạy, giúp các nhà hoạch định chính sách có những ứng xử phù hợp đối với văn hóa tộc người. Từ đó dẫn đến sự thấu hiểu, tôn trọng và áp dụng quan điểm đa dạng văn hóa- một vấn đề mang tính sống còn đối với một quốc gia đa dân tộc như Việt Nam. 7. Cấu trúc của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, luận án được cấu trúc thành 4 chương, được trình bày cụ thể trong các phần dưới đây. Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU 1.1 Tổng quan tình hình nghiên cứu 1.1.1 Nghiên cứu ẩm thực từ góc độ chức năng luận Tiếp cận chức năng là do ảnh hưởng từ các nhà nhân học xã hội Anh, như Malinowski, Audrey Richards, Evans-Prichard. Với cách tiếp cận này, nghiên cứu đã làm rõ các khía cạnh như sự chi phối của môi trường tự nhiên, chức năng dinh dưỡng, chức năng xã hội được thể hiện qua ẩm thực. Có thể nói rằng cách tiếp cận chức năng trong nghiên cứu ẩm thực là một khuynh hướng chủ yếu từ trước đến nay. Thuyết chức năng được vận dụng để nhấn mạnh những bối cảnh vật chất như điều kiện địa lý, sinh thái, dinh dưỡng, an ninh lương thực và xem xét thực hành ẩm thực như là sự phản ánh các mối quan hệ giữa con người trong xã hội. 7
  10. 1.1.2 Nghiên cứu ẩm thực từ góc độ cấu trúc luận Tiếp cận cấu trúc khi nghiên cứu về ăn uống là một khuynh hướng của các nhà nhân học Pháp mà đại biểu là Lévi- Strauss. Tiếp cận cấu trúc đi vào tìm kiếm cấu trúc ẩn sâu bên trong tạo nên văn hóa và nhìn nhận trực tiếp các chuẩn mực và thói quen định hình các cách mà ở đó đồ ăn thức uống được phân loại, chuẩn bị và kết hợp với nhau. Ngoài ra, tiếp cận cấu trúc còn được vận dụng trong việc giải mã các biểu tượng của thực phẩm và luôn xem thực phẩm là một thứ tạo tác có nhiều ý nghĩa. 1.1.3 Nghiên cứu ẩm thực từ góc độ phát triển Nghiên cứu dưới góc độ phát triển được một số nhà xã hội học và nhân học xã hội khởi xướng vào khoảng những năm 1980. Đây là xu hướng nghiên cứu quan tâm đến việc lý giải xu hướng phát triển của việc ăn uống trong bối cảnh toàn cầu hóa hay đặt ăn uống trong những chuyển biến của xã hội để biết quá trình và nguồn gốc biến đổi của nó. Ngoài ra, tiếp cận phát triển còn được vận dụng trong việc giải mã các biểu tượng của thực phẩm và việc giải mã luôn được đặt trong các bối cảnh văn hóa của từng xã hội khác nhau. Nói cách khác, khi nhìn nhận khía cạnh biểu tượng (symbol) của ăn uống, không thể chỉ lý giải một cách thuần túy bằng ý nghĩa văn hóa mà cần phân tích trong mối liên quan với dinh dưỡng, sinh thái và kinh tế, bối cảnh xã hội. 1.2. Cơ sở lý luận Các khái niệm cơ bản được sử dụng trong luận án: ẩm thực, văn hoá ẩm thực, thế giới quan, nhân sinh quan. Luận án sử dụng các lý thuyết sau đây để làm rõ mục đích và câu hỏi nghiên cứu mà luận án đặt ra. Lý thuyết chức năng. Thuyết chức năng được vận dụng để xem xét hệ thống ẩm thực của người Chăm Ahiér như một bộ phận, thành tố văn hóa, phản ánh mối quan hệ xã hội của con người và mối liên hệ chức năng giữa các thiết chế xã hội như gia đình, cộng đồng cũng như nhu cầu ăn uống của con người. Lý thuyết cấu trúc. Luận án vận dụng các luận điểm trong nghiên cứu của thuyết cấu trúc về các chuẩn mực và thói quen định hình và các cách 8
  11. mà ở đó đồ ăn thức uống được phân loại, chuẩn bị và kết hợp với nhau. Việc giải mã ý nghĩa văn hoá và biểu tượng của các món ăn, cơ cấu bữa ăn cũng như các kiêng kị liên quan giúp nhà nghiên cứu khám phá đặc trưng sinh thái văn hóa của vùng đất và vũ trụ quan tộc người. Bên cạnh đó, lý thuyết còn xem xét ẩm thực như là tấm gương phản chiếu cấu trúc và quan hệ xã hội, giúp củng cố và phản ánh cấu trúc xã hội đang tồn tại. Lý thuyết phát triển. Luận án vận dụng các quan điểm trong lý thuyết phát triển để mô tả những thay đổi diễn ra trong văn hóa ẩm thực của người Chăm Ahiér khi toàn cầu hóa diễn ra với sự giao lưu văn hóa giữa các tộc người. 1.3 Địa bàn nghiên cứu Luận án tóm lược những vấn đề nổi bật trong đời sống văn hoá xã hội của người Chăm Ahiér như điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, đặc điểm văn hoá xã hội. Các đặc điểm này là cơ sở quan trọng giúp chúng tôi nghiên cứu ẩm thực trong đời sống thường ngày và trong nghi lễ. Tiểu kết: Trong Chương 1, tác giả luận án đã điểm luận, phân tích lịch sử tiếp cận của nhân học ẩm thực trên thế giới và ở Việt Nam. Về cơ sở lý luận, khung lý thuyết của luận án dựa vào ba lý thuyết chính: lý thuyết chức năng, lý thuyết cấu trúc và lý thuyết phát triển. Dựa trên các lý thuyết này, luận án phân tích ẩm thực trong đời sống hằng ngày và trong nghi lễ để hiểu được đặc trưng sinh thái, văn hoá và tư duy tộc người, các vấn đề về vị thế xã hội và quan hệ giới. Bên cạnh đó, trong Chương 1, tác giả luận án cũng khái lược đời sống văn hoá của người Chăm và tạo bối cảnh cho những tiếp cận về ẩm thực trong đời sống văn hoá của tộc người này. Chương 2 ẨM THỰC TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY 2.1. Cơ cấu bữa ăn Người Chăm ăn ba bữa trong một ngày: gồm bữa sáng, bữa trưa và bữa tối. Cơ cấu bữa chính - bữa trưa và tối được cấu trúc theo mô hình “bộ ba” (triad), trong đó hai món chính là cơm, cá, và một thành phần có tính chất bổ trợ là rau. Do điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, người Chăm rất 9
  12. thích ăn các món luộc và ít chuộng các món chiên xào. Trong cách chế biến món ăn, họ cũng rất chú ý đến cân bằng âm dương. Điều đó được thể hiện ở việc dùng các loại gia vị như ớt, hành, tỏi, mắm muối để cân bằng. Khi chế biến món ăn, họ sử dụng chủ yếu ba phương thức chính: luộc, nướng và kho. Ẩm thực trong đời sống người Chăm không có nhiều những món ăn cầu kỳ, những nguyên liệu cao sang quý hiếm mà mang đậm chất bình dân. Hiện nay, đời sống người Chăm đương đại có nhiều thay đổi, các hình thức sinh kế được đa dạng hóa. Cùng với xu thế phát triển chung đó, nhu cầu ăn uống cũng đã có những sự biến chuyển và thay đổi rõ rệt. 2.2 Chuẩn bị bữa ăn Đối với bữa ăn trong đời sống thường ngày, phụ nữ Chăm luôn là người đảm trách công việc nấu nướng, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến việc bày biện. Nam giới chỉ góp phần trợ giúp trong những lúc người phụ nữ có việc vắng nhà hoặc trợ giúp những lúc nhà có khách. Vị trí mà người phụ nữ chuẩn bị nấu nướng thường là trong không gian bếp nhỏ hẹp, gần cuối của ngôi nhà. Không gian bếp, nơi kém sang trọng, là “lãnh địa riêng” của người phụ nữ, đối lập với không gian ngoài, là không gian riêng của nam giới “sang trọng” hơn. Hiện nay, một số gia đình người Chăm có điều kiện đã xây những ngôi nhà mới theo kiểu hiện đại, có bếp nối liền với phòng khách. Tuy nhiên các nhà bếp theo kiểu phương Tây chỉ được sử dụng những lúc cần thiết, còn nơi nấu nướng thực sự vẫn là một bếp củi truyền thống mà khi xây nhà mới họ vẫn còn giữ lại. 2.3 Tổ chức bữa ăn Trong đời sống thường ngày, người Chăm không quá cầu kỳ trong việc bày biện món ăn, hay nói cách khác họ không quá trọng hình thức. Mâm cơm được sắp xếp sao cho phù hợp với các vị trí trong bữa ăn và điều quan trọng là tạo được sự thoải mái. Trong lúc ngồi ăn, nồi cơm hay nồi thức ăn thường để ở phía Tây và bao giờ cũng là phía gần những người phụ nữ. Ngồi trên cùng và đối xứng qua mâm thức ăn là ông nội và cha, kế đến là con trai và bà, tiếp đến mới là mẹ và các con gái. Mẹ và chị hai lúc nào cũng ngồi gần nồi niêu để chăm sóc miếng ăn cho cả nhà. Khi ăn, người 10
  13. Chăm không mời và không gắp thức ăn cho nhau. Tuy nhiên trong xã hội hiện tại, khi kết cấu ngôi nhà truyền thống đã bị phá vỡ, những quy tắc trong việc ăn uống cũng đã có những thay đổi. Hiện nay, nhiều gia đình đã ăn uống trên bàn trong phòng bếp, người phụ nữ vẫn là người ngồi gần nồi cơm và chuẩn bị trong việc dọn các món ăn. Vị trí ngồi ở đâu đã không còn quá quan trọng nữa. Người Chăm là những cư dân hiếu khách. Họ quan niệm, năm nào gia đình có nhiều khách thì năm đó làm ăn có nhiều thuận lợi, may mắn. 2.4 Những kiêng cữ trong ăn uống thường ngày Trong ăn uống thường ngày, người Chăm tuân thủ khá nhiều kiêng cữ. Vì vậy, người phụ nữ với thiên chức nội trợ cũng phải nắm được những nguyên tắc này để chuẩn bị bữa ăn cho gia đình. Đặc biệt là những người vợ có chồng làm trong hệ thống chức sắc, các kiêng cữ phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Các quan niệm về những kiêng cữ trong ẩm thực hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Nếu như trước đây, việc kiêng cữ trong ăn uống được tuân thủ một cách nghiêm ngặt cả trong tầng lớp tu sĩ, chức sắc và các tín đồ của mỗi tôn giáo thì hiện nay đã có những thay đổi nhất định. 2.5 Ăn uống ở bên ngoài gia đình Ăn ở bên ngoài được hiểu là những bữa ăn đơn giản ngoài gia đình, như ăn ở những quán cóc ven làng hay một chuyến dã ngoại, hoặc lên phố, là nơi tổ chức sinh nhật hay tụ họp của những bạn trẻ hay các gia đình nhỏ cuối tuần. Có thể thấy lựa chọn việc ăn uống ở ngoài vẫn còn hạn chế đối với người Chăm Ahiér, ngoại trừ một bộ phận những người trẻ chủ yếu đi làm ở thành phố hay người dân các làng nghề gắn với du lịch. Những gia đình này thường có điều kiện kinh tế khá hơn và mong muốn giải phóng khỏi việc bếp núc, được thoải mái tinh thần sau một ngày hay một tuần làm việc vất vả. Việc ăn uống ở ngoài không chỉ cho vui mà còn là một hình thức giải phóng lao động bếp núc cho người phụ nữ, tạo hòa khí vui vẻ cho gia đình và những mối quan hệ bạn bè hay đối tác. Đây có lẽ cũng là xu thế chung hướng đến cuộc sống hiện đại của người Chăm Ahiér ở huyện Ninh Phước. Lựa chọn việc ăn ở ngoài, ăn ở hàng quán như thế nào cũng thể hiện 11
  14. được phần nào mục đích và hoàn cảnh kinh tế khác nhau. Điều khác biệt cơ bản giữa các bữa ăn gia đình và ăn uống ở ngoài liên quan đến vị trí của cơm. Nếu như trong các bữa ăn thường ngày, cơm luôn là thành phần quan trọng nhất thì khi ăn ở ngoài, cơm trở thành vị trí thứ yếu. Khi đi ăn ở ngoài, người ta thường ưu tiên các món ăn ngon vì nghĩ rằng nên đổi món theo khẩu vị. Tiểu kết: Trong Chương 2, tác giả luận án mô tả những cảnh huống cụ thể trong bữa ăn đời thường. Những mô tả và phân tích ở chương này cho thấy ăn uống thường ngày của người Chăm đơn giản. Họ không có nhiều món ăn cầu kỳ. Tùy theo điều kiện môi trường, họ chế biến các món ăn “mùa nào thức ấy”. Quá trình chuẩn bị bữa ăn, mặc dù đã có xu hướng biến đổi về việc phân công theo giới nhưng người phụ nữ vẫn đóng vai trò chính. Ở khía cạnh ứng xử trong ăn uống, người Chăm luôn thể thiện sự kính trên nhường dưới, truyền thống tôn trọng người lớn tuổi, các vị chức sắc và những người có học; tôn trọng món ăn và khẩu vị khác nhau theo tôn giáo. Đến nay, người Chăm vẫn chú trọng những bữa cơm gia đình. Tuy nhiên, ăn ở ngoài cũng đang là chọn lựa của một số gia đình những người trẻ, dù không nhiều. Có thể coi đây là xu thế tất yếu của xã hội với nhu cầu được giải phóng sức lao động, tiết kiệm thời gian và cải thiện cuộc sống tùy theo hoàn cảnh kinh tế của mỗi nhà. Chương 3 ẨM THỰC TRONG NGHI LỄ 3.1 Ẩm thực trong nghi lễ Rija Nâgar 3.1.1 Cơ cấu lễ vật Lễ Rija Nâgar là nghi lễ chuyển mùa và có ý nghĩa đối với việc canh tác nông nghiệp khá đặc trưng của người Chăm - một nghi lễ quan trọng diễn ra hằng năm để người dân cầu mong một năm mưa thuận gió hoà, mọi công việc làm ăn được diễn ra thuận lợi. Các lễ vật cũng được chia ra nhiều loại như lễ vật dựng bàn tổ, lễ vật chung của ban chức sắc và ban phong tục làng, lễ vật của tộc họ, lễ vật của các gia đình; lễ vật ngày ra, lễ vật ngày vào. Cấu trúc lễ vật thường được chia làm 2 phần: lễ vật chay và lễ vật mặn. 12
  15. Về phần lễ vật chay không thể thiếu chuối, hạt nổ, xôi. Lễ vật mặn trong lễ Rija Nâgar bao gồm hai loại thịt: thịt gà để cúng ngày vào và thịt dê để cúng ngày ra. Lễ cúng ngày vào được thực hiện trong buổi chiều ngày thứ nhất của lễ Rija Nâgar. Lễ vật ngày ra được thực hiện vào buổi sáng ngày cuối cùng kết thúc nghi lễ. Bên cạnh lễ vật của chức sắc và ban phong tục làng, mỗi gia đình, tộc họ trong làng cũng sẽ đem một mâm lễ vật đến dâng lễ cho thần linh. Sau nghi lễ Rija Nâgar đầu năm ở làng, các gia đình trong các làng Chăm Ahiér bắt đầu tiến hành lễ cúng giải hạn đầu năm. 3.1.2 Tổ chức và chuẩn bị Rija Nâgar là một nghi lễ quan trọng được các vị chức sắc rất coi trọng và chuẩn bị chu đáo. Vị trí tổ chức cúng thường là một mảnh đất trống ở đầu cổng làng được dựng lên để làm nhà lễ. Về việc tổ chức cúng, các chức sắc, bô lão là những người chịu trách nhiệm điều hành nghi lễ. Nam giới chủ yếu là thanh niên sẽ phụ trách làm các công việc nặng nhọc như dựng nhà lễ. Phụ nữ là những người chủ chốt đảm nhận các việc chuẩn bị lễ vật. Khi buổi lễ kết thúc, chức sắc sẽ dùng bữa cơm ở đầu mâm lễ, các nam giới phụ lễ và khách khứa sẽ ngồi theo hàng sau dùng cơm trong nhà lễ. Những người phụ nữ chỉ dùng cơm ở ngoài hoặc phía sau rạp lễ. Đây cũng chính là một biểu hiện của sự phân chia, sắp xếp về vai vế khi chuẩn bị, hành lễ và dùng bữa cơm cộng cảm sau lễ, một nét đặc thù trong văn hóa ẩm thực của tộc người Chăm. 3.2. Ẩm thực trong lễ hội Kate 3.2.1 Cơ cấu lễ vật Kate là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chăm nhằm tưởng nhớ các vị thần linh, các nhân vật lịch sử có công với dân tộc, các bậc tiền hiền, hậu hiền dựng nên làng, xóm và ông bà, tổ tiên, những người quá cố. Lễ hội Kate diễn ra thường niên vào khoảng tháng 7 Chăm lịch (khoảng tháng 9-10 dương lịch). Đầu tiên là nghi lễ cúng mở cửa tháp để tấu mời các thần linh về dự lễ. Sau lễ cúng tại ba đền tháp lớn, mỗi làng Chăm sẽ tổ chức các lễ cúng riêng ở từng làng nhằm dâng lễ và tưởng nhớ đến các vị thần, các bậc tiền hiền, hậu hiền đã có công khai làng, lập xóm. Sau lễ cúng Kate ở làng là đến lễ ở nhà 13
  16. thầy Cả sư (Po Adhia) - một chức sắc quan trọng trong cộng đồng người Chăm Ahiér. Cuối cùng sẽ là nghi lễ cúng ở tộc họ và các tư gia. Cấu trúc lễ vật được phân ra làm hai loại lễ vật chay (kaya yuer) và lễ vật mặn (kaya klam). Về lễ vật chay chủ yếu là các loại trái cây, xôi, chè. Lễ vật mặn có 2 lễ vật chủ đạo là dê và gà. Việc cấu trúc lễ vật, bố trí, sắp xếp các lễ vật cũng phải đảm bảo tính hài hòa, phải theo chuẩn mực quy định. Cách bố trí, bày biện các lễ vật cũng phân chia thứ bậc cao thấp dành cho các vị thần ở các đẳng cấp khác nhau theo ngôi thứ trong hệ thống thần điện của người Chăm. Lễ vật cúng trong lễ Kate tại làng và tộc họ là một dạng thức thu nhỏ của lễ vật trên các đền tháp theo một thể đồng dạng. Duy chỉ có lễ vật ở nhà Cả sư có đôi chút khác biệt về cấu trúc mâm lễ. 3.2.2 Tổ chức và chuẩn bị Lễ hội Kate được sự quan tâm không chỉ của cộng đồng Chăm mà còn cả các dân tộc anh em cũng đến tham dự, nên việc chuẩn bị cũng cầu kỳ và công phu. Đối với các lễ vật dâng lên cúng ở đền tháp vào ngày Kate, được Hội đồng chức sắc và ban phong tục điều hành các đền tháp phân công chuẩn bị. Làng đảm nhận trách nhiệm này là làng có vị trí gần với đền tháp. Những người được chọn chuẩn bị lễ vật thường được đề cử từ Hội phụ nữ và đoàn thanh niên. Họ thường là những người nhanh nhẹn khoẻ mạnh, có tài khéo nấu nướng. Thông thường người nấu nướng là phụ nữ nhưng khi bày biện ra mâm và dâng lên tháp để cúng thì nam giới lại đảm nhận trách nhiệm. Đối với nghi lễ cúng trên tháp, khi cúng xong, lễ vật được lấy xuống và người ta sẽ dọn bữa ăn ngay phía sân ngoài của tháp. Lúc này, các vị chức sắc, ban phong tục và các khách mời tham dự lễ hội sẽ cùng ngồi chung thưởng hưởng lễ vật. Tuy nhiên, thường là các chức sắc chỉ ăn làm phép rồi người ta đem về làng để cho những người phục vụ cùng ăn với nhau. 3.3 Ẩm thực trong lễ cưới 3.3.1 Cơ cấu lễ vật Người Chăm Ahiér theo chế độ mẫu hệ. Do đó đàn ông được phụ nữ cưới về nhà. Với quan niệm “đàn bà là đất”, đàn ông đi tìm đất để xây dựng 14
  17. cơ nghiệp. Vì coi cuộc sống trần gian là một nơi cư ngụ tạm bợ, cõi sống là cõi tạm, cõi chết và sự giải thoát mới là đích hướng tới của con người nên trong nghi lễ vòng đời, đám cưới ít được coi trọng hơn so với nghi lễ tang ma. Trong lễ cưới không có sự tham gia của hàng ngũ chức sắc. Lễ vật trong đám cưới khá đơn giản, chủ yếu gồm trầu cau, rượu và các loại bánh được chuẩn bị theo phong tục, bao gồm: bánh tét cây (pei nung), bánh tét cặp (pei nung binah), bánh ít (pei dalik), bánh sakaya, chuối (patei). Điều đặc biệt là trong suốt đám cưới, từ quy trình đến lễ vật cúng bái luôn thể hiện những biểu tượng về sự tái sinh của một con người. Ngày nay, cỗ cưới được mời không có món truyền thống và chủ yếu được nấu theo xu hướng hiện đại. Một số thực phẩm kiêng cữ theo tôn giáo được sử dụng như một món ưa thích trong đám cưới. 3.3.2 Tổ chức và chuẩn bị Tiệc cưới của người Chăm cũng tùy vào gia cảnh hai bên để tổ chức cho phù hợp. Nếu gia cảnh bình thường, gia đình hai bên sẽ thống nhất tổ chức đám cưới tại nhà. Một số gia đình thuê người đến nấu cỗ; còn phần lớn các nhà thường nhờ bà con, anh em họ hàng, những người có tay nghề nấu nướng đến giúp. Trong việc tổ chức đám cưới, mẹ cô dâu là người chịu trách nhiệm chính trong việc lên kế hoạch chuẩn bị. Bà cũng là người phụ trách chính trong việc nội trợ, làm bánh, chuẩn bị cỗ bàn và cả những việc phụ như rửa bát đĩa. Vai trò của đàn ông trong đám cưới là chỉ dẫn các nghi lễ cúng bái, và họ cũng thường được ngồi ở những vị trí trang trọng. Các đám cưới bình dân ở làng, tiệc vui tổ chức vào buổi tối thường dành cho thanh niên nam nữ, bạn bè của cô dâu chú rể tham dự, còn bữa cỗ vào ban ngày thường chỉ có khách của cha mẹ cô dâu, và chủ yếu là khách nữ. Ngược lại, các đám cưới tổ chức ở thành phố, khách đến dự chủ yếu lại là nam giới. Khi đến ăn tiệc cưới, những người lớn tuổi và những người được cho là có vị trí cao trong xã hội thường được bố trí ngồi ở những vị trí quan trọng gần sân khấu. 15
  18. 3.4 Ẩm thực trong nghi lễ hỏa táng 3.4.1 Cơ cấu lễ vật Hỏa táng là nghi lễ quan trọng trong vòng đời của người Chăm Ahiér. Người Chăm cho rằng cuộc đời này chỉ là cõi sống tạm, cuộc sống ở thế giới bên kia mới là vĩnh cữu. Chính vì vậy họ rất xem trọng nghi lễ hỏa táng vì nó đánh dấu thời điểm chuyển tiếp từ cuộc sống trần gian sang một cuộc sống mới. Một phần không thể thiếu trong lễ hỏa táng chính là ẩm thực. Cấu trúc các lễ vật, món ăn, thực phẩm để cúng, để ăn trong bốn ngày của lễ hỏa táng rất đa dạng, phức tạp và được phân ra thành nhiều mâm, nhiều loại theo thứ bậc chức sắc, chức việc, theo từng ngày khác nhau không hề cố định, song được quy định rất chặt chẽ. Các lễ vật trong đám hỏa táng cũng như hầu hết các nghi lễ khác, không thể thiếu là thịt gà, cơm, cá kho, canh môn, trứng gà; ngoài ra còn có các loại bánh tét, bánh ít, trái cây (đặc biệt là chuối), trầu cau, rượu. Về cấu trúc các mâm lễ vật, mâm cơm đãi khách có thể phân ra làm bốn loại chính cho người quá cố và theo vị trí các chức sắc tôn giáo dự lễ. Mâm cơm thờ là dành cho người quá cố (salao padeng). Mâm cơm lễ để cho bốn thầy Basaih và hai thầy chém cây (salao ragang - mâm chân có gọng sắt). Mâm cơm chân cao (salao takai) là cho Po Daman (chức sắc đại diện chủ nhà), bà đơm cơm (muh buh), người bưng mâm cơm lễ cho các chức sắc, ông giữ nhà (khik sang) và cho ông khiêng thi hài trong ngày thiêu (hala car). Mâm cơm thấp (salao bal) dành cho ban nhạc công đánh đàn kanhi và ông heng (thầy trang trí nhà hỏa táng cho thi hài). Điều đặc biệt có thể nhận thấy là toàn bộ quy trình thực hiện nghi lễ đến các lễ vật trên mâm cúng đều mang tính biểu tượng của hình ảnh con người và sự tái sinh sau cái chết. 3.4.2 Tổ chức và chuẩn bị Đối với nghi lễ hỏa táng, công việc chuẩn bị rất công phu vì đây là nghi lễ vòng đời quan trọng nhất của người Chăm Ahíer. Ngay từ một tháng trước đã có sự họp bàn giữa các thành viên trong gia đình về việc đóng góp và phân công công việc. Mặc dù có sự giúp đỡ về công sức của những người ngoại tộc, song vai trò chủ yếu trong việc chuẩn bị mâm lễ, lễ vật, 16
  19. chuẩn bị thực phẩm dâng cúng, đón tiếp khách khứa vẫn thuộc về gia chủ và các người thân trong gia đình, đặc biệt là những người phụ nữ. Trong việc tổ chức lễ hoả táng, người phụ nữ không chỉ có vai trò chính trong lo toan về kinh tế mà còn đảm nhận phụ trách công việc bếp núc. Vào những ngày diễn ra lễ hoả táng, luôn có sự chung tay giúp đỡ của bà con họ hàng và hàng xóm láng giềng. Trong nghi lễ hỏa táng, sự phân chia thứ bậc cũng thể hiện rất rõ nét. 3.5 Những kiêng kỵ trong việc lựa chọn thực phẩm dâng cúng Trong việc chuẩn bị các lễ vật dâng cúng, người Chăm có nhiều điều cấm kỵ và các quy tắc liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Trước hết, lễ vật dâng cúng phải đảm bảo tính tinh khiết, mới, có nguồn gốc rõ ràng. Trong các nghi lễ lịch tiết và nghi lễ vòng đời, người Chăm Ahiér tuyệt đối không được sử dụng thịt heo và thịt dông để cúng. Lễ vật cúng tế trong các nghi lễ của người Chăm Ahiér cũng tuyệt đối cấm thịt bò - loài mà bất kỳ người Chăm Ahiér hay tín đồ Hindu nào cũng phải kiêng kỵ. Ngoài ra, trong các nghi lễ còn có những kiêng cữ khác dành cho các vị chức sắc như không ăn thịt nai, không ăn cá trê, không ăn các loại rau, quả như bí đao, không ăn các rau, củ có mầu đỏ, đậm như rau dền. Trong lễ cúng giải hạn đầu năm, người Chăm cũng cấm kỵ việc dùng rượu như một vật phẩm cúng tế. Trong nghi lễ hoả táng, người Chăm cũng kiêng không được ăn thịt những động vật đẻ con, chỉ được ăn thịt những con vật đẻ trứng. Vì họ cho rằng người chết không sang thế giới bên kia mà sẽ đầu thai làm kiếp khác và chưa biết họ sẽ đầu thai thành con gì/vật gì. Bởi vậy, nếu ăn những con vật đẻ con thì họ lo sợ những người thân của mình sẽ không có cơ hội đầu thai trở về với cuộc sống trần thế. Tiểu kết: Chương ba mô tả và phân tích các thực hành văn hoá ẩm thực trong hai hệ thống nghi lễ vòng đời và nghi lễ lịch tiết. Qua đó cho thấy cấu trúc và ý nghĩa của các thực phẩm, lễ vật dâng cúng biểu đạt quan niệm về vũ trụ quan và nhân sinh quan của người Chăm Ahiér. Bên cạnh đó, cấu trúc mâm lễ cúng còn phản ánh vị thế, thứ bậc trong xã hội, từ đối tượng được thụ lễ (thứ bậc các thần linh và tổ tiên), đến đối tượng hành lễ và dự lễ (chức sắc và dân thường). Trong việc thực hành cúng bái, vai trò các vị chức sắc rất quan trọng, 17
  20. tiếp đến là các vị trưởng lão và nam giới. Phụ nữ, mặc dù có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về mặt kinh tế trong việc tổ chức nghi lễ nhưng lại có vị thế xã hội thấp hơn. Ở phạm vi tổ chức nghi lễ, số lượng khách mời, chất lượng thực phẩm, vị trí đãi tiệc, cách sắp xếp khách mời trong bữa ăn phần nào thể hiện hình ảnh và vị thế của gia chủ. Trong các nghi lễ của người Chăm, còn bảo lưu nhiều ẩm thực truyền thống. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố truyền thống, một số yếu tố phi truyền thống cũng đang dần dần thâm nhập vào các mâm lễ cúng. Chương 4 VĂN HÓA CỦA NGƯỜI CHĂM AHIÉR QUA ẨM THỰC VÀ MỘT SỐ BÀN LUẬN 4.1 Vũ trụ quan và nhân sinh quan của người Chăm Ahiér thể hiện qua ẩm thực 4.1.1 Quan niệm tư duy lưỡng hợp Mô hình cấu trúc luận trong nhân học cho thấy cấu trúc của quá trình suy nghĩ con người trong tất cả các nền văn hoá đều tồn tại theo hình thức đối lập nhị nguyên với những cặp tương phản như nóng - lạnh; nam - nữ; văn hoá - thiên nhiên; sống - chín. Cấu trúc luận cho rằng sự đối lập nhị nguyên được phản ánh trong các mô hình văn hoá khác nhau. Claude Levi- Strauss đã đưa ra và phân tích quan điểm nhị nguyên luận về các cặp đối lập tạo thành hệ thống. Dựa vào cấu trúc luận trong ngôn ngữ của các tác giả Saussure và R.Jakovson, ông cho rằng con người của các bộ tộc thời cổ đều có trình độ tư duy nhận xét thế giới (các nền văn hóa) theo hình thức các cặp đối lập mà cơ bản nhất, nổi trội nhất là hai cặp trời/đất và đực/cái. Từ các cặp đối lập cơ bản này, xuất hiện hình thức đối lập theo kiểu nhị nguyên như văn hóa/tự nhiên, nóng/lạnh, sống/chín. Các luận điểm trong nghiên cứu của thuyết cấu trúc cũng bàn về các chuẩn mực và thói quen định hình mà ở đó đồ ăn, thức uống được phân loại, chuẩn bị và kết hợp với nhau. Chúng tôi thấy rằng cấu trúc nhị nguyên này phản ánh rõ trong văn hoá ẩm thực Chăm và nó được biểu hiện một cách sâu sắc trên tất cả các bình diện của văn hoá Chăm. Theo tinh thần đó, người Chăm luôn phân chia sự vật 18
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
74=>2