Dẫn độ tội phạm trong Luật quốc tế và liên hệ<br />
thực tiễn Việt Nam<br />
Hà Thanh Hòa<br />
Khoa Luật<br />
Luận văn ThS. ngành: Luật quốc tế; Mã số: 60 38 60<br />
Người hướng dẫn: TS. Lê Văn Bính<br />
Năm bảo vệ: 2012<br />
Abstract. Trình bày về khái niệm, định nghĩa, đặc điểm và các nguyên tắc của dẫn<br />
độ tội phạm. Nghiên cứu quy định của pháp luật quốc tế về dẫn độ tội phạm: Các<br />
quy định trong một số điều ước quốc tế đa phương toàn cầu về dẫn độ tội phạm (về<br />
nghĩa vụ dẫn độ tội phạm, về đối tượng của hoạt động dẫn độ tội phạm… ); một số<br />
điều ước song phương về dẫn độ tội phạm giữa các quốc gia; quy định về dẫn độ<br />
trong pháp luật một số quốc gia; hoạt động dẫn độ thông qua vai trò của tổ chức<br />
cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol). Phân tích thực trạng hợp tác quốc tế về dẫn độ<br />
tội phạm ở Việt Nam và kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam<br />
về vấn đề này qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác về dẫn độ tội phạm giữa<br />
Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.<br />
Keywords. Luật Quốc tế; Tội phạm; Luật hình sự; Pháp luật Việt Nam<br />
Content<br />
MỞ ĐẦU<br />
1. Tính cấp thiết của đề tài<br />
Sự phát triển không ngừng của cộng đồng quốc tế trên mọi lĩnh vực đã mang lại thuận lợi<br />
cho các quốc gia trong quá trình phát triển của mình. Mặt trái của quá trình phát triển này<br />
chính là sự gia tăng không ngừng của tỷ lệ tội phạm cả về mức độ và tính chất của hành vi.<br />
Nhằm tiến hành đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, các quốc gia đã sử dụng<br />
phương thức hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm thông qua hoạt động dẫn độ tội phạm.<br />
Để thực hiện được hoạt động này, các quốc gia luôn ý thức được tầm quan trọng của việc hợp<br />
tác với quốc gia khác trên cơ sở các điều ước quốc tế song phương và đa phương về dẫn độ<br />
tội phạm được xây dựng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, có rất ít điều ước quốc tế đa<br />
phương quy định riêng về dẫn độ tội phạm mà hầu hết các quy phạm về dẫn độ đều nằm<br />
trong các điều ước quốc tế đa phương chuyên ngành của tổ chức quốc tế liên chính phủ. Hơn<br />
nữa, hoạt động dẫn độ chủ yếu được các quốc gia tiến hành trên cơ sở hợp tác song phương<br />
và những điều ước quốc tế song phương được xây dựng đòi hỏi phải có được sự tương thích<br />
nhất định trong hệ thống pháp luật về hình sự của các bên ký kết. Bên cạnh đó, còn rất nhiều<br />
khó khăn trong việc giải thích và áp dụng các nguyên tắc cũng như quy phạm tập quán quốc<br />
tế hoặc trong các điều ước quốc tế về dẫn độ tội phạm giữa các quốc gia.<br />
Xuất phát từ những lý do trên, việc nghiên cứu pháp luật quốc tế về hoạt động dẫn độ tội<br />
phạm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng góp phần hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hợp<br />
tác thực thi pháp luật quốc tế về dẫn độ tội phạm; góp phần thúc đẩy việc hoàn thiện chính sách<br />
<br />
pháp luật về chống khủng bố và hợp tác dẫn độ tội phạm ở Việt Nam.<br />
2. Tình hình nghiên cứu đề tài<br />
Hiện nay ở Việt Nam, các nghiên cứu về dẫn độ tội phạm dưới góc độ Luật quốc tế còn<br />
chưa nhiều. Có thể kể đến một số luận văn, sách tham khảo, các bài viết của học giả nghiên cứu<br />
luật giới thiệu các điều ước quốc tế về dẫn độ tội phạm hoặc đề cập đến hoạt động dẫn độ tội<br />
phạm; một số bài viết tại các hội thảo, tạp chí về vấn đề này… Dưới góc độ quốc tế, cũng có các<br />
bài viết tìm hiểu về dẫn độ tội phạm của các luật sư, các chuyên gia về luật quốc tế như Van den<br />
Wijngaert… Tuy nhiên, thực tế chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu và có hệ thống về<br />
hợp tác quốc tế về dẫn độ tội phạm, đặc biệt là đặt trong tương quan so sánh với pháp luật Việt<br />
Nam.<br />
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài<br />
Mục đích của đề tài là làm rõ những vấn đề lý luận về hoạt động hợp tác dẫn độ tội phạm<br />
nhằm trả lời các câu hỏi: Thế nào là dẫn độ tội phạm? Đặc điểm và các nguyên tắc của dẫn độ<br />
tội phạm? Cơ sở pháp lý quốc tế toàn cầu và song phương về dẫn độ tội phạm? Bên cạnh đó, đề<br />
tài có nhiệm vụ nghiên cứu thực trạng hợp tác quốc tế về dẫn độ tội phạm ở Việt Nam và kiến<br />
nghị một số giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về vấn đề này qua đó góp phần nâng cao<br />
hiệu quả hợp tác về dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.<br />
4. Đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu<br />
Đối tượng, phạm vi nghiên cứu của đề tài: Đề tài tập trung nghiên cứu các khía cạnh pháp<br />
lý xung quanh nội dung về hợp tác dẫn độ tội phạm với nguồn chủ yếu là các điều ước quốc tế<br />
về dẫn độ tội phạm và các quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề này.<br />
Đề tài nghiên cứu về hợp tác dẫn độ tội phạm trên cơ sở tìm hiểu các điều ước quốc tế đa<br />
phương, song phương và pháp luật của một số quốc gia về dẫn độ tội phạm. Trong việc<br />
nghiên cứu cơ sở pháp lý đa phương và song phương về dẫn độ tội phạm, đề tài chỉ nghiên<br />
cứu một số điều ước quốc tế đa phương và ở những khu vực và những quan hệ hợp tác song<br />
phương mang tính điển hình.<br />
Phương pháp nghiên cứu của đề tài: Đề tài chủ yếu sử dụng phương pháp phân tích, so<br />
sánh, liệt kê, tổng hợp dựa trên nền tảng là phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật lịch sử<br />
và phép biện chứng duy vật để làm rõ đối tượng nghiên cứu đã đặt ra.<br />
5. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận văn<br />
- Luận văn hệ thống hóa và làm rõ các vấn đề lý luận và pháp lý cơ bản của pháp luật quốc tế<br />
về dẫn độ tội phạm;<br />
- Luận văn hệ thống và làm rõ các vấn đề pháp lý của pháp luật Việt Nam về dẫn đô tội phạm;<br />
- Luận văn đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về dẫn độ tội phạm.<br />
6. Kết cấu của luận văn<br />
Ngoài Mục lục, Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, Luận văn được kết<br />
cấu thành 3 chương:<br />
Chương 1: Một số vấn đề lý luận cơ bản về dẫn độ tội phạm<br />
Chương 2: Các quy định của pháp luật quốc tế về dẫn độ tội phạm.<br />
Chương 3: Thực trạng và giải pháp cho hoạt động dẫn độ ở Việt Nam./.<br />
Chương 1<br />
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ DẪN ĐỘ TỘI PHẠM<br />
1.1. Quá trình hình thành và phát triển của các quy định về dẫn độ tội phạm<br />
Cùng với sự ra đời của ngành Luật Hình sự quốc tế, hoạt động hợp tác đấu tranh phòng chống<br />
tội phạm cũng có những bước phát triển đáng kể qua các giai đoạn với sự hình thành của các<br />
điều ước quốc tế về dẫn độ tội phạm. Từ Hiệp ước hoà bình năm 1296 trước công nguyên đến<br />
các điều ước quốc tế liên quan đến hoạt động dẫn độ vào các năm 1802, 1889.. Bước phát<br />
triển quan trọng nhất của các quy định về dẫn độ tội phạm trong Luật quốc tế đó là sự ra đời<br />
của tổ chức đa phương toàn cầu có vai trò gìn giữ hoà bình và an ninh quốc tế vào năm 1945<br />
<br />
- Liên hợp quốc. Trong quá trình hoạt động của mình, Liên hợp quốc đã xây dựng các điều<br />
ước quốc tế đa phương chứa đựng các quy định liên quan đến nguyên tắc, trình tự, thủ tục<br />
điều chỉnh hoạt động dẫn độ giữa các quốc gia thành viên như: Hiệp định mẫu về dẫn độ tội<br />
phạm năm 1990, Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia,<br />
Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng năm 2003..<br />
Từ những quy định sơ khai, với những quy tắc xử sự dưới dạng tập quán đến các quy định<br />
trong các điều ước quốc tế cụ thể, các quy phạm về dẫn độ tội phạm trong Luật quốc tế đã có<br />
những bước hoàn thiện dần nhằm góp phần vào hoạt động hợp tác đấu tranh phòng chống tội<br />
phạm giữa các quốc gia.<br />
1.2. Khái niệm dẫn độ tội phạm<br />
1.2.1. Định nghĩa<br />
Có rất nhiều quan điểm khác nhau trong các từ điển, tác phẩm nghiên cứu liên quan đến khái<br />
niệm dẫn độ tội phạm. Tuy nhiên, hầu hết các khái niệm đều cho rằng dẫn độ tội phạm là việc<br />
đưa một cá nhân trở lại quốc gia mà họ đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật của quốc gia<br />
đó để xét xử hoặc thi hành bản án đã có hiệu lực.<br />
Trên thực tế, đây là hoạt động hợp tác dựa trên sự thoả thuận giữa các quốc gia hữu quan<br />
nhằm đưa cá nhân đang hiện diện trên lãnh thổ của quốc gia được yêu cầu cho quốc gia yêu<br />
cầu để tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành bản án đã có hiệu lực đối với cá<br />
nhân đó.<br />
Khi xem xét khái niệm dẫn độ tội phạm, cũng cần phải đặt trong tương quan so sánh với một<br />
số thuật ngữ có liên khác như: trục xuất, chuyển giao, nhượng bộ, để làm rõ hơn khái niệm<br />
dẫn độ cũng như sử dụng các thuật ngữ theo đúng hoàn cảnh của nó.<br />
1.2.2. Đặc điểm của hoạt động dẫn độ tội phạm<br />
Về chủ thể thực hiện hoạt động dẫn độ tội phạm: Các quốc gia độc lập có chủ quyền là chủ<br />
thể cơ bản và chủ yếu của Luật quốc tế, đồng thời cũng chính là chủ thể tham gia vào hoạt<br />
động dẫn độ tội phạm. Trong hoạt động dẫn độ tội phạm sẽ có chủ thể là quốc gia yêu cầu và<br />
quốc gia được yêu cầu. Quốc gia yêu cầu là quốc gia là quyền và lợi ích bị cá nhân tiến hành<br />
hành vi xâm hại một cách trực tiếp, quốc gia được yêu cầu là quốc gia nơi cá nhân này đang<br />
hiện diện. Quốc gia yêu cầu sẽ đưa ra yêu cầu dẫn độ khi phát hiện ra cá nhân đó đang ở trên<br />
lãnh thổ của quốc gia yêu cầu (trên cơ sở sự thoả thuận), quốc gia được yêu cầu căn cứ vào<br />
pháp luật quốc gia và quy định của Luật quốc tế để chấp nhận hoặc từ chối yêu cầu dẫn độ<br />
đó.<br />
Về cơ sở pháp lý của hoạt động dẫn độ: Các điều ước quốc tế được ký kết giữa các quốc gia<br />
hữu quan chính là cơ sở pháp lý cho hoạt động dẫn độ. Vì việc tiến hành dẫn độ tội phạm là<br />
quyền của quốc gia trong quan hệ quốc tế trên cơ sở chủ quyền quốc gia, hoạt động này sẽ<br />
chỉ trở thành nghĩa vụ mà quốc gia phải thực hiện trên cơ sở các điều ước quốc tế được ký kết<br />
với các quốc gia khác.<br />
Về nguồn của hoạt động dẫn độ tội phạm: Điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, luật quốc gia<br />
chính là nguồn của hoạt động dẫn độ tội phạm.<br />
Điều ước quốc tế điều chỉnh hoạt động dẫn độ tội phạm gồm điều ước quốc tế đa phương<br />
toàn cầu hoặc khu vực (Công ước châu Âu về dẫn độ năm 1957, Hiệp định mẫu về dẫn độ<br />
của Liên hợp quốc năm 1990, Hiệp ước dẫn độ giữa các quốc gia thành viên Cộng đồng Kinh<br />
tế Tây Phi năm 1994..); Các điều ước quốc tế song phương (Hiệp định dẫn độ tội phạm giữa<br />
Hoa Kỳ và Pháp năm 1996, Hiệp định dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc<br />
năm 2003..)<br />
Tập quán quốc tế có thể kể đến như: nguyên tắc không dẫn độ công dân nước mình, nguyên<br />
tắc có đi có lại..<br />
Luật quốc gia bao gồm các văn bản pháp lý quốc gia điều chỉnh hoạt động hợp tác về dẫn độ<br />
tội phạm (thẩm quyền, trình tự, thủ tục...) của chính quốc gia trong quan hệ với quốc gia khác<br />
như: Luật dẫn độ năm 1999 của Canada, Đạo luật dẫn độ của Trung Quốc năm 2000…)<br />
<br />
Về đối tượng dẫn độ: Đối tượng chính của hoạt động dẫn độ là các tội phạm mà cá nhân thực<br />
hiện trên lãnh thổ của quốc gia mình và đang hiện diện trên lãnh thổ của quốc gia khác. Khoa<br />
học Luật Hình sự quốc tế ghi nhận 3 hình loại: tội phạm quốc tế, tội phạm có tính chất quốc<br />
tế, tội phạm hình sự chung. Trên thực tế, hoạt động dẫn độ tội phạm chủ yếu được thực hiện<br />
với các cá nhân phạm tội có tính chất quốc tế hoặc một số tội phạm hình sự chung mang tính<br />
chất quốc tế.<br />
1.3. Các nguyên tắc pháp lý về dẫn độ tội phạm<br />
Các nguyên tắc pháp lý về dẫn độ tội phạm là những tư tưởng chính trị, pháp lý mang tính chỉ<br />
đạo, bao trùm, có già trị bắt buộc đối với các chủ thể khi áp dụng chúng trong hoạt động dẫn<br />
độ<br />
1.3.1. Nguyên tắc có đi có lại<br />
Đây là một trong những nguyên tắc rất phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống quốc tế.<br />
Nội dung của nguyên tắc có đi có lại đối với hoạt động dẫn độ tội phạm quy định rằng các<br />
quốc gia được yêu cầu dẫn độ chỉ tiến hành các hoạt động dẫn độ tội phạm, nếu nhận được sự<br />
bảo đảm chắc chắn từ phía quốc gia yêu cầu rằng trong trường hợp dẫn độ tương tự phát sinh<br />
thì quốc gia này cũng sẽ đảm bảo chắc chắn trong thực tế sẽ thực hiện dẫn độ tội phạm cho<br />
quốc gia đối tác hữu quan theo yêu cầu của quốc gia này<br />
1.3.2. Nguyên tắc không dẫn độ công dân nước mình<br />
Xuất phát từ chủ quyền quốc gia đối với dân cư và xuất phát từ việc nhà nước có nghĩa vụ<br />
đảm bảo các quyền và lợi ích của công dân (cá nhân mang quốc tịch của quốc gia đó), thì nội<br />
dung nguyên tắc không dẫn độ công dân nước mình là quốc gia được yêu cầu dẫn độ có<br />
quyền từ chối không thực hiện yêu cầu dẫn độ của quốc gia khác, nếu cá nhân bị yêu cầu dẫn<br />
độ là công dân nước mình (người mang quốc tịch của quốc gia được yêu cầu).<br />
1.3.3. Nguyên tắc không dẫn độ tội phạm chính trị<br />
Đây là một trong những nguyên tắc gây ra khá nhiều tranh cãi về việc áp dụng nguyên tắc<br />
này trong thực tế quan hệ giữa các quốc gia. Nội dung của nguyên tắc này là quốc gia được<br />
yêu cầu có thể từ chối yêu cầu dẫn độ của quốc gia khác đối với các cá nhân mà quốc gia này<br />
cho rằng đã phạm các tội về chính trị (có lý do hoạt động và tư tưởng chính trị đối lập tại<br />
quốc gia yêu cầu). Việc lý giải được “tính chính trị” của các loại tội phạm này phụ thuộc vào<br />
quan điểm chính trị của chính quốc gia được yêu cầu.<br />
1.3.4. Nguyên tắc định danh kép<br />
Nguyên tắc này được coi là nguyên tắc quan trọng và không thể thiếu được của hoạt động<br />
dẫn độ tội phạm. Nội dung của nguyên tắc này hoạt động dẫn độ chỉ được tiến hành khi hành<br />
vi do cá nhân bị dẫn độ thực hiện được định danh là hành vi phạm tội theo quy định hiện<br />
hành của pháp luật cả hai quốc gia (quốc gia yêu cầu và quốc gia được yêu cầu dẫn độ), đồng<br />
thời hành vi phạm tội phải được định án ở mức trừng phạt cụ thể theo ý chí của các quốc gia<br />
hữu quan và được ghi nhận trong pháp luật nước mình, hoặc được các nước này thoả thuận<br />
nhất trí và được quy định trong các điều ước quốc tế giữa các quốc gia hữu quan.<br />
1.4. Các trường hợp không dẫn độ tội phạm<br />
1.4.1. Không dẫn độ nếu cá nhân bị dẫn độ sẽ bị kết án đối với tội phạm khác<br />
Theo đó, cá nhân được yêu cầu dẫn độ sẽ chỉ bị truy tố và xét xử đối với hành vi phạm tội<br />
trên cơ sở định danh tội phạm được áp dụng tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội đó, hành vi<br />
này đã được cung cấp như là cam kết để được dẫn độ của quốc gia yêu cầu. Quốc gia được<br />
yêu cầu hoàn toàn có thể từ chối dẫn độ tội phạm nếu quốc gia yêu cầu tiến hành xét xử đối<br />
với tội phạm khác mà cá nhân đó đã thực hiện trong quá khứ (không nằm trong yêu cầu dẫn<br />
độ).<br />
1.4.2. Không dẫn độ trong trường hợp cá nhân sẽ bị kết án tử hình<br />
Trong quan hệ hợp tác dẫn độ tội phạm, các quốc gia có thể đưa ra thoả thuận về trường hợp<br />
quốc gia được yêu cầu sẽ từ chối dẫn độ nếu như cá nhân được dẫn độ sẽ bị kết án tử hình đối<br />
với hành vi vi phạm của mình tại quốc gia yêu cầu hoặc quốc gia đó sẽ chấp nhận dẫn độ nếu<br />
<br />
nhận được sự cam kết của quốc gia yêu cầu rằng cá nhân đó sẽ không bị lĩnh án tử hình.<br />
1.4.3. Một số trường hợp khác<br />
Một số trường hợp không dẫn độ tội phạm khác bao gồm: Không dẫn độ trong trường hợp cá<br />
nhân bị xét xử về cùng một tội; Không dẫn độ nếu hành vi phạm tội của cá nhân được thực<br />
hiện ở quốc gia này mà quốc gia khác lại đưa ra yêu cầu dẫn độ; Cá nhân không bị dẫn độ<br />
nếu thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã chấm dứt; Cá nhân sẽ không bị dẫn độ nếu các<br />
hành vi phạm tội được ghi nhận trong đề nghị dẫn độ thuộc sự điều chỉnh đặc biệt của quốc<br />
gia được yêu cầu; Một số trường hợp từ chối dẫn độ khi cân nhắc các vấn đề nhân đạo đối với<br />
cá nhân bị dẫn độ.<br />
Chương 2<br />
CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VỀ DẪN ĐỘ TỘI PHẠM<br />
2.1. Các quy định trong một số điều ước quốc tế đa phương về dẫn độ tội phạm<br />
Các quy định về dẫn độ tội phạm nằm trong các điều ước đa phương đa phương khu vực và<br />
toàn cầu có vai trò rất quan trọng với các quốc gia thành viên trong việc áp dụng các quy định<br />
của điều ước trong quan hệ với các quốc gia thành viên khác. Có thể kể đến một số điều ước<br />
quốc tế đa phương như Hiệp định mẫu về dẫn độ tội phạm năm 1990 của Liên hợp quốc, Luật<br />
mẫu về dẫn độ năm 2004 của Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có<br />
tổ chức xuyên quốc gia năm 2000, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003,<br />
Công ước châu Âu về dẫn độ năm 1957 và các Nghị định thư bổ sung năm 1975, 1978,<br />
2010…<br />
2.1.1. Về nghĩa vụ dẫn độ tội phạm<br />
Nghĩa vụ dẫn độ tội phạm trong các điều ước quốc tế đa phương quy định khi nhận được một<br />
yêu cầu dẫn độ của bên ký kết khác, các quốc gia thành viên được yêu cầu sẽ tiến hành dẫn<br />
độ một cá nhân đang hiện diện trên lãnh thổ quốc gia mình nhằm thực hiện việc xét xử hoặc<br />
thi hành bản án đã có hiệu lực đối với cá nhân đó theo pháp luật của quốc gia đưa ra yêu cầu.<br />
Nghĩa vụ này được ghi nhận trong tất cả các điều ước quốc tế đa phương về dẫn độ tội phạm<br />
(Hiệp định mẫu về dẫn độ của Liên hợp quốc, Luật mẫu về dẫn độ năm 2004 của Liên hợp<br />
quốc, Công ước châu Âu về dẫn độ năm 1957<br />
2.1.2. Về đối tượng của hoạt động dẫn độ<br />
Những quy định về đối tượng dẫn độ trong các điều ước quốc tế đa phương sẽ giúp các quốc<br />
gia thành viên đưa ra yêu cầu dẫn độ đối với các loại tội phạm phù hợp được ghi nhận trong<br />
các điều ước quốc tế về dẫn độ tội phạm. Thông thường các điều ước quốc tế chuyên môn sẽ<br />
quy định đối tượng dẫn độ cụ thể là các loại tội phạm liên quan đến lĩnh vực chuyên môn đó.<br />
Còn các điều ước quốc tế khác cũng sẽ ghi nhận đối tượng dẫn độ theo sự thoả thuận của các<br />
quốc gia thành viên.<br />
2.1.3. Về các trường hợp không dẫn độ tội phạm<br />
Đây là một trong những quy định không thể thiếu trong các điều ước quốc tế đa phương về<br />
dẫn độ tội phạm, để giúp các quốc gia thành viên căn cứ vào đó đưa ra yêu cầu hoặc từ chối<br />
dẫn độ đối với yêu cầu của quốc gia khác. Thông thường các điều ước quốc tế đưa ra các<br />
trường hợp như: không dẫn độ công dân nước mình, không dẫn độ nếu án tử hình có thể được<br />
áp dụng đối với cá nhân bị dẫn độ, không dẫn độ nếu hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình<br />
sự, không dẫn độ nếu ảnh hưởng đến quan điểm của quốc gia được yêu cầu về nhân đạo, sức<br />
khoẻ hoặc hoàn cảnh của cá nhân đó..<br />
2.1.4. Về thủ tục dẫn độ tội phạm<br />
Mỗi quốc gia khi tham gia quan hệ quốc gia lại viện dẫn các quy định về trình tự, thủ tục<br />
trong các văn bản pháp luật của quốc gia và việc đáp ứng riêng rẽ như vậy sẽ gây rất nhiều<br />
khó khăn cho các quốc gia khác trong việc đưa ra yêu cầu dẫn độ. Các điều ước quốc tế đa<br />
phương về dẫn độ tội phạm chính là giải pháp hiệu quả cho những khó khăn này. Hầu hết các<br />
điều ước quốc tế về dẫn độ tội phạm hoặc có quy định về dẫn độ tội phạm đều đưa ra các yêu<br />
<br />