Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về hình<br />
phạt cảnh cáo theo luật hình sự Việt Nam<br />
Đinh Thị Hoài Phương<br />
Khoa Luật<br />
Luận văn ThS. ngành: Luật hình sự; Mã số: 60 38 40<br />
Người hướng dẫn: TS. Trịnh Tiến Việt<br />
Năm bảo vệ: 2010<br />
Abstract. Trình bày một số vấn đề chung về hình phạt cảnh cáo như: khái niệm, đặc<br />
điểm của hình phạt cảnh cáo; phân biệt hình phạt cảnh cáo với miễn trách nhiệm<br />
hình sự, miễn hình phạt, miễn chấp hành hình phạt và cảnh cáo với tính cách là biện<br />
pháp xử lý vi phạm hành chính. Khái quát sự phát triển của chế định hình phạt nói<br />
chung, hình phạt cảnh cáo nói riêng, nghiên cứu các quy định cụ thể và đánh giá<br />
thực tiễn áp dụng các quy định về hình phạt cảnh cáo trong Bộ luật hình sự hiện<br />
hành của Việt Nam trong lịch sử pháp luật hình sự của nước ta từ năm 1945 đến nay,<br />
đánh giá những mặt ưu, những tồn tại và các nguyên nhân cơ bản của những tồn tại<br />
đó. Đề xuất những định hướng và giải pháp hoàn thiện các quy định về hình phạt<br />
cảnh cáo trong Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành, cũng như những giải pháp nâng<br />
cao hiệu quả áp dụng của hình phạt này trong thực tiễn.<br />
Keywords. Luật hình sự; Pháp luật Việt Nam; Hình phạt; Cảnh cáo<br />
<br />
Content<br />
MỞ ĐẦU<br />
1. Tính cấp thiết của đề tài<br />
Pháp luật hình sự là một trong những công cụ sắc bén và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước<br />
ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nhằm bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo<br />
vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, quyền làm chủ của nhân dân, quyền<br />
bình đẳng giữa các dân tộc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, duy trì trật tự, an<br />
toàn xã hội, đồng thời, pháp luật hình sự còn góp phần chống lại mọi hành vi phạm tội, giáo<br />
dục mọi người ý thức chấp hành và tuân theo pháp luật.<br />
Nghiên cứu lịch sử lập pháp hình sự của Việt Nam từ năm 1945 đến nay cho thấy hệ<br />
thống hình phạt được quy định phong phú và đa dạng, có sự kế thừa và bổ sung hoàn thiện<br />
qua từng thời kỳ. Hệ thống hình phạt trong Bộ luật hình sự năm 1999 là kết quả của nhiều lần<br />
sửa đổi và bổ sung trên cơ sở tổng kết thực tiễn áp dụng và thi hành các loại hình phạt của<br />
các cơ quan bảo vệ pháp luật và Tòa án.<br />
Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, các hình phạt có ý nghĩa quyết định và<br />
góp phần phát huy được vai trò tích cực là một bộ phận cấu thành không thể thiếu trong hệ<br />
thống các biện pháp tác động của Nhà nước và xã hội đến tội phạm. Tuy nhiên, cùng với quá<br />
trình phát triển toàn diện của đất nước trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và qua<br />
thực tiễn áp dụng, nhiều quy định về hình phạt trong hệ thống hình phạt nói chung và hình<br />
<br />
phạt cảnh cáo nói riêng của Bộ luật hình sự năm 1999, mặc dù Bộ luật này đã được sửa đổi,<br />
bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12 ngày 19/6/2009 vẫn còn một số bất cập và hạn chế (như:<br />
chưa đưa ra định nghĩa pháp lý của khái niệm hình phạt cảnh cáo, ở một chừng mực nhất<br />
định, điều kiện áp dụng hình phạt cảnh cáo chưa được quy định chặt chẽ và hợp lý, đồng thời,<br />
cần bổ sung quy định của Bộ luật hình sự với nội dung tăng tính cưỡng chế của hình phạt<br />
cảnh cáo; v.v...).<br />
Một số tồn tại và hạn chế nêu trên đã gây ra những vướng mắc, lúng túng và có không ít<br />
trường hợp áp dụng còn chưa thống nhất các quy định của Bộ luật hình sự trong hoạt động<br />
xét xử của Tòa án các cấp. Mặt khác, trong thực tiễn áp dụng, do chưa đánh giá hết vai trò,<br />
chức năng, công dụng của hình phạt cảnh cáo trong cải tạo, giáo dục người phạm tội, phòng<br />
ngừa tội phạm, nên các Tòa án còn ít quan tâm áp dụng hình phạt; khi áp dụng còn có trường<br />
hợp không đúng, vi phạm nội dung, điều kiện, phạm vi áp dụng hình phạt cảnh cáo. Tất cả<br />
những vấn đề này là nguyên nhân làm giảm hiệu quả trong áp dụng và thi hành hình phạt<br />
cảnh cáo.<br />
Hiện nay, khoa học luật hình sự trong và ngoài nước đã có nhiều công trình khoa học nghiên<br />
cứu về hình phạt, nhưng chủ yếu chỉ đề cập một cách tổng thể và có hệ thống những khía cạnh lý<br />
luận chung nhất về hình phạt hoặc về các hình phạt chính hay hình phạt bổ sung mà chưa có một<br />
công trình khoa học nào nghiên cứu có hệ thống, toàn diện và sâu sắc riêng về hình phạt cảnh cáo<br />
dưới góc độ lý luận cũng như thực tiễn áp dụng. Ngoài ra, trong bối cảnh Việt Nam đang thực<br />
hiện công cuộc cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 08 ngày 02/01/2002 của Bộ Chính<br />
trị về "Một số nhiệm vụ trong tâm công tác tư pháp trong thời gian tới"; Nghị quyết số 48NQ/TW ngày 25/4/2005 của Bộ Chính trị về "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp<br />
luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020"; và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày<br />
02/06/2005 của Bộ Chính trị về "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020" với nội dung "sớm<br />
hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp phù hợp mục tiêu của chiến lược<br />
xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật…, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện<br />
trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù…". Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu các quy<br />
định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành về hình phạt cảnh cáo và thực tiễn áp dụng để<br />
làm sáng tỏ về mặt khoa học và đưa ra giải pháp hoàn thiện pháp luật và những giải pháp nâng<br />
cao hiệu quả của việc áp dụng những quy định đó không chỉ có ý nghĩa lý luận, thực tiễn và pháp<br />
lý quan trọng mà còn là lý do luận chứng cho sự cần thiết để chúng tôi lựa chọn đề tài "Một số<br />
vấn đề lý luận và thực tiễn về hình phạt cảnh cáo theo luật hình sự Việt Nam" làm luận văn<br />
thạc sĩ luật học.<br />
2. Tình hình nghiên cứu của đề tài<br />
Do hình phạt có vị trí, vai trò quan trọng trong luật hình sự, nên ở trong và ngoài nước đã<br />
có nhiều công trình nghiên cứu khoa học ở những mức độ khác nhau, những khía cạnh,<br />
phương diện khác nhau về hình phạt và hệ thống hình phạt, trong đó có hình phạt cảnh cáo.<br />
Vấn đề hình phạt đã được nhiều chuyên gia ở nước ngoài nghiên cứu như: Sargorotxki,<br />
Hình phạt, mục đích và hiệu quả của nó, Leningrat 1973 (tiếng Nga); A. Merle và A. Vitu,<br />
Những vấn đề chung về khoa học hình sự. Luật hình sự Phần chung, Paris, 1981 (tiếng Pháp);<br />
Hình phạt, những khía cạnh pháp lý, xã hội và lịch sử, Berlin, 1982 (tiếng Đức); Galperin I.M,<br />
Hình phạt, chức năng xã hội và thực tiễn áp dụng, Matxcơva, 1983 (tiếng Nga); v.v...<br />
Ở Việt Nam, khoa học luật hình sự là một trong những ngành khoa học pháp lý phát triển<br />
nhất so với các ngành khoa học pháp lý khác, do đó, xét riêng về hình phạt, cho thấy có các<br />
công trình nghiên cứu tiêu biểu như sau:<br />
Cấp độ luận văn thạc sĩ thực hiện ở Viện Nhà nước và pháp luật (Viện Khoa học Xã hội Việt<br />
Nam) có các đề tài của các tác giả Nguyễn Văn Vĩnh, Hệ thống hình phạt trong luật hình sự Việt<br />
Nam, Hà Nội, 1996; Vũ Lai Bằng, Hình phạt tiền trong luật hình sự Việt Nam, Hà Nội, 1997;<br />
Đặng Đức Thạo, Hệ thống hình phạt trong luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt<br />
Nam, 2002; v.v...<br />
<br />
Còn ở cấp độ luận án tiến sĩ luật học có các đề tài của các tác giả Nguyễn Sơn, Các hình<br />
phạt chính trong luật hình sự Việt Nam, Viện Nhà nước và Pháp luật, Hà Nội, 2003; Phạm<br />
Văn Beo, Hình phạt tử hình trong luật hình sự Việt Nam, Viện Nhà nước và Pháp luật, Hà<br />
Nội, 2007 và gần đây nhất là của tác giả Trịnh Quốc Toản, Các hình phạt bổ sung trong luật<br />
hình sự Việt Nam, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010.<br />
Bên cạnh đó, về giáo trình, sách chuyên khảo, bình luận có các công trình sau:<br />
GS.TSKH. Lê Văn Cảm, Chương thứ bảy - Hình phạt và biện pháp tư pháp, Sách chuyên<br />
khảo Sau đại học: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), Nxb Đại<br />
học Quốc gia Hà Nội, 2005; GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa (chủ biên), Trách nhiệm hình sự và<br />
hình phạt, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2001; Viện Nhà nước và Pháp luật, Tội phạm học,<br />
luật hình sự và luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994; Viện<br />
Nhà nước và Pháp luật, Những vấn đề lý luận của việc đổi mới pháp luật hình sự trong giai<br />
đoạn hiện nay, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1994; Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp,<br />
Hình phạt trong luật hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995; TS. Đặng<br />
Quang Phương (Chủ nhiệm đề tài), Cơ sở lý luận và thực tiễn nâng cao hiệu quả của các<br />
biện pháp tư pháp và các hình phạt không phải là tù và tử hình, Hà Nội, 1996; v.v...<br />
Ngoài ra, một số tác giả cũng đã công bố những bài báo khoa học có đề cập đến hình phạt<br />
như: GS. TSKH. Lê Văn Cảm, Hình phạt và các biện pháp tư pháp trong luật hình sự Việt Nam,<br />
Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 8/2000; Một số vấn đề cơ bản về hình phạt, Tạp chí Công an<br />
nhân dân, số 5/2001 và Hình phạt và hệ thống hình phạt, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 7/2007;<br />
GS. TS. Võ Khánh Vinh, Những đòi hỏi của nguyên tắc công bằng đối với việc quy định hệ<br />
thống chế tài ở Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 6/1993;<br />
GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa, Mục đích của hình phạt, Tạp chí Luật học, số 1/1999; PGS. TS.<br />
Trần Văn Độ, Một số vấn đề về hình phạt cải tạo không giam giữ, Tạp chí Tòa án nhân dân,<br />
số 5/1995; PGS. TS. Nguyễn Mạnh Kháng, Hình phạt - Một số vấn đề lý luận, Tạp chí Nhà<br />
nước và pháp luật, số 10/2000; TS. Trịnh Quốc Toản, Một số vấn đề về hình phạt quản chế<br />
trong luật hình sự Việt Nam, chuyên san Kinh tế - Luật, số 1/2004; Về hình phạt cấm cư trú<br />
trong luật hình sự Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 6/2004 và Về hình phạt tiền<br />
trong luật hình sự một số nước trên thế giới, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 7/2003; TS.<br />
Phạm Văn Beo, Một số vấn đề về khái niệm hình phạt, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số<br />
11/2005; TS. Trịnh Tiến Việt, Một số vấn đề mới về hình phạt tiền trong Bộ luật hình sự năm<br />
1999, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 7/2003; TS. Trịnh Tiến Việt, ThS. Trần Thị Quỳnh, Về<br />
chế định miễn hình phạt trong luật hình sự Việt Nam, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 1/2006;<br />
v.v...<br />
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, khảo sát trên đây cho thấy, ở nước ta đã có một số công<br />
trình nghiên cứu cơ bản và trực diện về hình phạt chính và hình phạt bổ sung, còn đối với<br />
riêng hình phạt cảnh cáo, nhìn một cách tổng quan có thể khẳng định chưa được khoa học<br />
luật hình sự Việt Nam quan tâm nghiên cứu đúng mức. Những nghiên cứu về hình phạt cảnh<br />
cáo mới chỉ dừng lại ở các công trình nghiên cứu chung về hệ thống hình phạt hoặc hình phạt<br />
chính, hoặc là được thể hiện một phần trong kết quả của các công trình nghiên cứu khác về<br />
hình phạt, phân biệt với miễn hình phạt chứ chưa được triển khai nghiên cứu độc lập, đánh<br />
giá lý luận và tổng kết thực tiễn với tính cách là một hình phạt chính quan trọng của hệ thống<br />
hình phạt.<br />
Như vậy, tình hình nghiên cứu trên đây lại một lần nữa cho phép khẳng định việc nghiên<br />
cứu đề tài "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về hình phạt cảnh cáo theo luật hình sự Việt<br />
Nam" là đòi hỏi khách quan, cấp thiết, vừa có tính lý luận, vừa có tính thực tiễn.<br />
3. Mục đích, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu của luận văn<br />
3.1. Mục đích nghiên cứu<br />
Mục đích của luận văn là nghiên cứu các quy định của pháp luật về hình phạt cảnh cáo<br />
dưới khía cạnh lập pháp hình sự và áp dụng chúng trong thực tiễn, từ đó luận văn đưa ra<br />
<br />
những giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định về hình phạt cảnh cáo trong luật hình sự Việt<br />
Nam, cũng như đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả của hình phạt này trong thực tiễn<br />
áp dụng.<br />
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu<br />
Từ mục đích nghiên cứu nêu trên, luận văn có những nhiệm vụ chủ yếu sau:<br />
- Từ cơ sở kết quả tổng hợp các quan điểm của các tác giả trong và ngoài nước về hình<br />
phạt và hình phạt cảnh cáo, luận văn nghiên cứu làm sáng tỏ một số vấn đề chung về hình<br />
phạt cảnh cáo như: Khái niệm, đặc điểm của hình phạt cảnh cáo; phân biệt hình phạt cảnh cáo<br />
với miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, miễn chấp hành hình phạt và cảnh cáo với tính<br />
cách là biện pháp xử lý vi phạm hành chính;<br />
- Khái quát sự phát triển của chế định hình phạt nói chung, hình phạt cảnh cáo nói riêng<br />
trong lịch sử pháp luật hình sự của nước ta từ năm 1945 đến nay để rút ra những nhận xét,<br />
đánh giá;<br />
- Nghiên cứu các quy định cụ thể về hình phạt cảnh cáo trong Bộ luật hình sự hiện hành<br />
của Việt Nam, từ đó rút ra những nhận xét, đánh giá;<br />
- Nghiên cứu, đánh giá thực tiễn áp dụng các quy định về hình phạt cảnh cáo, đồng thời<br />
phân tích làm rõ những tồn tại, hạn chế xung quanh việc áp dụng và những nguyên nhân cơ<br />
bản của nó;<br />
- Từ đó đề xuất những định hướng và giải pháp hoàn thiện các quy định về hình phạt cảnh cáo<br />
trong Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành, cũng như những giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng<br />
của hình phạt này trong thực tiễn.<br />
3.3. Phạm vi nghiên cứu<br />
Luận văn nghiên cứu và giải quyết những vấn đề xung quanh hình phạt cảnh cáo trong<br />
luật hình sự Việt Nam, kết hợp với việc nghiên cứu đánh giá tình hình áp dụng hình phạt<br />
cảnh cáo trong thực tiễn xét xử của Tòa án các cấp và những nguyên nhân của những tồn tại,<br />
hạn chế để kiến nghị những giải pháp hoàn thiện luật thực định và nâng cao hiệu quả áp dụng<br />
hình phạt cảnh cáo trong thực tiễn.<br />
Luận văn cũng có tham khảo những bài học kinh nghiệm lập pháp một số nước trong khi<br />
nghiên cứu hình phạt cảnh cáo.<br />
Về thời gian: Luận văn nghiên cứu thực tiễn áp dụng hình phạt cảnh cáo trong 10 năm<br />
(2000-2009).<br />
4. Phương pháp luận và các phương pháp nghiên cứu<br />
Đề tài được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ<br />
nghĩa duy vật biện chứng mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, quan<br />
điểm của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền, về chính sách hình sự, về<br />
vấn đề cải cách tư pháp được thể hiện trong các Nghị quyết Đại hội Đảng VIII, IX, X và các<br />
Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 26/5/2005 về<br />
Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị.<br />
Trong quá trình nghiên cứu đề tài, tác giả luận văn đã sử dụng các phương pháp cụ thể và<br />
đặc thù của khoa học luật hình sự như: phương pháp phân tích và tổng hợp; phương pháp so<br />
sánh, đối chiếu; phương pháp diễn dịch; phương pháp quy nạp; phương pháp thống kê, điều<br />
tra xã hội học để tổng hợp các tri thức khoa học luật hình sự và luận chứng các vấn đề tương<br />
ứng được nghiên cứu trong luận văn.<br />
5. Những điểm mới và đóng góp của luận văn<br />
Kết quả nghiên cứu của luận văn có ý nghĩa quan trọng về phương diện lý luận và thực<br />
tiễn, vì đây là công trình nghiên cứu đầu tiên và có hệ thống ở cấp độ một luận văn thạc sĩ<br />
luật học về hình phạt cảnh cáo, mà trong đó giải quyết nhiều vấn đề quan trọng về lý luận và<br />
thực tiễn liên quan tới hình phạt cảnh cáo trong luật hình sự Việt Nam. Những điểm mới cơ<br />
bản của luận văn là:<br />
<br />
- Tổng hợp các quan điểm khoa học trong và ngoài nước về hình phạt, hình phạt cảnh cáo<br />
để xây dựng nên khái niệm hình phạt cảnh cáo, bảo đảm tính chính xác, khoa học, đồng thời<br />
chỉ ra các đặc điểm cơ bản của hình phạt cảnh cáo trong mối tương quan so sánh với một số<br />
chế định khác;<br />
- Nghiên cứu chỉ ra những đặc điểm chủ yếu của quá trình hình thành và phát triển của<br />
hình phạt cảnh cáo trong luật hình sự Việt Nam từ năm 1945 cho đến nay;<br />
- Nghiên cứu, đánh giá làm sáng tỏ bức tranh về tình hình áp dụng hình phạt cảnh cáo<br />
của Tòa án các cấp; những tồn tại, hạn chế của thực tiễn áp dụng hình phạt cảnh cáo, cũng<br />
như những nguyên nhân cơ bản của các tồn tại, hạn chế đó;<br />
- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn, luận văn đã đề xuất các định hướng<br />
và giải pháp hoàn thiện pháp luật thực định và nâng cao hiệu quả áp dụng hình phạt này trong<br />
giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp hiện nay ở Việt Nam.<br />
Bên cạnh đó, luận văn sẽ là một tài liệu tham khảo cần thiết và bổ ích dành cho không chỉ<br />
các nhà lập pháp, mà còn cho các nhà nghiên cứu, các cán bộ giảng dạy pháp luật, các nghiên<br />
cứu sinh, học viên cao học và sinh viên thuộc chuyên ngành Tư pháp hình sự tại các cơ sở<br />
đào tạo luật. Kết quả nghiên cứu của luận văn còn phục vụ cho việc trang bị những kiến thức<br />
chuyên sâu cho các cán bộ thực tiễn đang công tác tại các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát,<br />
Tòa án và cơ quan Thi hành án trong quá trình giải quyết vụ án hình sự được khách quan, có<br />
căn cứ và đúng pháp luật.<br />
6. Kết cấu của luận văn<br />
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn<br />
gồm 3 chương:<br />
Chương 1: Một số vấn đề chung về hình phạt cảnh cáo theo luật hình sự Việt Nam.<br />
Chương 2: Các quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 về hình phạt cảnh cáo<br />
và thực tiễn áp dụng.<br />
Chương 3: Hoàn thiện pháp luật và những giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng các quy<br />
định của Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 về hình phạt cảnh cáo.<br />
Chương 1<br />
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ HÌNH PHẠT<br />
CẢNH CÁO THEO LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM<br />
1.1. Khái niệm và các đặc điểm cơ bản của hình phạt cảnh cáo theo luật hình sự Việt<br />
Nam<br />
1.1.1. Khái niệm hình phạt và mục đích của hình phạt<br />
Trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những quan điểm của các học giả trong và ngoài nước về<br />
khái niệm hình phạt và phân tích tính chất, đặc điểm, nội dung của hình phạt chúng tôi có thể<br />
nêu một cách khái quát định nghĩa về khái niệm hình phạt như sau: Hình phạt là biện pháp<br />
cưỡng chế nghiêm khắc của Nhà nước, được quyết định trong bản án kết tội có hiệu lực pháp<br />
luật của Tòa án đối với chính người đã thực hiện hành vi phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn<br />
chế những quyền, tự do của người bị kết án hoặc đặt ra những nghĩa vụ pháp lý nhất định đối<br />
với họ theo quy định của pháp luật hình sự.<br />
1.1.2. Khái niệm hình phạt cảnh cáo<br />
Để đưa ra một khái niệm đầy đủ và chính xác về nội dung, ngắn gọn và nhất quán về mặt<br />
pháp lý, đồng thời phù hợp với thực tiễn xét xử và chính sách nhân đạo của Nhà nước, theo<br />
chúng tôi, khái niệm hình phạt cảnh cáo phải bao gồm các nội dung như: Thứ nhất, bản chất<br />
pháp lý của hình phạt cảnh cáo; thứ hai, hình thức thể hiện; thứ ba, cơ quan có thẩm quyền<br />
nào áp dụng; thứ tư, đối tượng bị áp dụng; và, thứ năm, căn cứ pháp lý và những điều kiện áp<br />
dụng.<br />
<br />