Pháp luật về công ty luật ở Việt Nam<br />
Đậu Huy Giang<br />
Khoa Luật<br />
Luận văn ThS Chuyên ngành: Luật kinh tế; Mã số 60 38 01 07<br />
Người hướng dẫn: TS. Đặng Vũ Huân<br />
Năm bảo vệ: 2014<br />
<br />
Keywords. Luật kinh tế; Pháp luật Việt Nam; Công ty luật.<br />
<br />
Content<br />
MỞ ĐẦU<br />
1. Lý do chọn đề tài<br />
Nghề luật sư là một nghề đặc thù riêng, không giống như các ngành nghề kinh doanh,<br />
thương mại và dịch vụ khác. Người hành nghề luật sư không dựa trên nguồn vốn mà cần phải<br />
có kiến thức pháp luật và kỹ năng hành nghề. Đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của luật sư là<br />
hành nghề độc lập và chịu trách nhiệm cá nhân về hoạt động nghề nghiệp của mình. Tuy<br />
nhiên, để hỗ trợ, giúp đỡ nhau, đồng thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao uy tín<br />
trước khách hàng, các luật sư có thể hợp tác với nhau trong các tổ chức hành nghề nhất định.<br />
Pháp luật nhiều nước trên thế giới quy định hình thức hành nghề của luật sư phổ biến là văn<br />
phòng luật sư cá nhân và công ty luật. Ở một số nước như Hy Lạp, Achentina, Brazil, Thụy<br />
Sỹ, Nhật Bản hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn không được chấp nhận, vì không phù<br />
hợp với chế độ trách nhiệm vô hạn của luật sư trong hoạt động nghề nghiệp. Đối với nghề luật<br />
sư ở Anh, Mỹ, thì hình thức hành nghề phổ biến là công ty hợp danh. Một số nước như Pháp,<br />
Canada, Bỉ, Singapore, Thái Lan, Đức không bắt buộc phải hành nghề dưới hình thức nhất<br />
định. Hình thức hành nghề luật sư của các nước này tương đối đa dạng, bên cạnh công ty hợp<br />
danh, các luật sư có thể chọn những hình thức kinh doanh thông thường như công ty liên<br />
doanh… Ngoài ra, còn quy định luật sư có thể hành nghề độc lập, mà không cần thành lập văn<br />
phòng hay công ty.<br />
Ở Việt Nam, theo quy định của Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987, thì Đoàn luật sư<br />
vừa là tổ chức mang tính xã hội - nghề nghiệp của luật sư, vừa là nơi hành nghề của luật sư.<br />
<br />
Hình thức tổ chức này không phù hợp với tính chất của nghề luật sư, chưa phát huy được tính<br />
năng động, tự chủ của luật sư và chưa đề cao trách nhiệm của cá nhân luật sư. Sau khi Quốc<br />
hội thông qua Luật Doanh nghiệp năm 1999, thì một vấn đề được đặt ra là liệu luật sư có<br />
được hành nghề theo các loại hình doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp hay<br />
không? Có ý kiến cho rằng, luật sư được lựa chọn các hình thức hành nghề theo quy định của<br />
Luật Doanh nghiệp. Nhưng có ý kiến khác lại cho rằng, do đặc thù của nghề luật sư là phải<br />
chịu trách nhiệm vô hạn, nên chỉ có hình thức công ty hợp danh là phù hợp với nghề luật sư.<br />
Dựa vào mô hình bố trí các loại hình doanh nghiệp của Luật Doanh nghiệp năm 1999, Pháp<br />
lệnh Luật sư năm 2001 đã xác định các hình thức tổ chức hành nghề luật sư với đặc trưng<br />
riêng của nghề luật sư, theo đó, luật sư có thể tự mình thành lập văn phòng luật sư riêng của<br />
mình, cùng với các luật sư khác thành lập văn phòng luật sư hoặc công ty luật hợp danh. Theo<br />
Pháp lệnh này, công ty luật hợp danh là hình thức hành nghề của luật sư, song vì công ty luật<br />
hợp danh là hình thức kinh doanh không phù hợp với hoạt động tham gia tố tụng, đặc biệt với<br />
điều kiện của Việt Nam thời điểm đó, nên Pháp lệnh quy định công ty luật hợp danh được<br />
thực hiện tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý khác, nhưng không được thực hiện dịch vụ pháp lý<br />
trong lĩnh vực tố tụng (khoản 2 Điều 18 Pháp lệnh Luật sư).<br />
Luật Doanh nghiệp năm 2005 được ban hành đã quy định cụ thể hơn về các loại hình<br />
doanh nghiệp, theo đó hình thức hành nghề của luật sư cũng đã có bước tiến mới. Luật Luật<br />
sư năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012 đã có các quy<br />
định theo hướng đưa các tổ chức hành nghề luật sư xích lại gần với các loại hình doanh<br />
nghiệp. Theo quy định của Luật Luật sư, thì tổ chức hành nghề luật sư bao gồm: (i) Văn<br />
phòng luật sư là tổ chức hành nghề luật sư do một luật sư thành lập được tổ chức và hoạt động<br />
theo loại hình doanh nghiệp tư nhân; luật sư thành lập văn phòng luật sư là trưởng văn phòng<br />
và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của văn phòng. Trưởng<br />
văn phòng là người đại diện theo pháp luật của văn phòng; (ii) Công ty luật bao gồm công ty<br />
luật hợp danh và công ty luật trách nhiệm hữu hạn. So với Pháp lệnh Luật sư năm 2001, Luật<br />
Luật sư đã quy định thêm loại hình công ty luật trách nhiệm hữu hạn. Hơn nữa, để phù hợp<br />
với quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Luật sư còn quy định công ty luật trách nhiệm hữu<br />
hạn có thể là công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty luật trách<br />
nhiệm hữu hạn một thành viên. Thành viên của công ty luật phải là luật sư. Công ty luật hợp<br />
danh do ít nhất hai luật sư thành lập và không có thành viên góp vốn. Công ty luật trách<br />
nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do ít nhất hai luật sư thành lập. Công ty luật trách nhiệm<br />
hữu hạn một thành viên do một luật sư thành lập và là chủ sở hữu. Các thành viên công ty luật<br />
hợp danh, công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thỏa thuận cử một thành<br />
<br />
viên làm giám đốc công ty. Luật sư làm chủ sở hữu công ty luật trách nhiệm hữu hạn một<br />
thành viên làm giám đốc công ty. Văn phòng luật sư, công ty luật có các quyền, nghĩa vụ theo<br />
quy định của Luật Luật sư, Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.<br />
Qua thời gian thực hiện và thi hành Luật Luật sư, có thế thấy về mô hình tổ chức hành<br />
nghề luật sư của Việt Nam hiện tại là chưa hợp lý, còn nhiều bất cập, cụ thể: (i) Luật Luật sư<br />
hiện hành mở rộng hình thức tổ chức hành nghề luật sư theo hướng cho phép thành lập công<br />
ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên và công ty luật trách nhiệm một thành viên là chưa<br />
hợp lý. Bởi lẽ, nghề luật sư là một nghề đặc thù không giống các ngành nghề kinh doanh<br />
khác. Đặc điểm hoạt động nghề luật sư là hành nghề độc lập và chịu trách nhiệm cá nhân về<br />
hoạt động nghề nghiệp của mình. Hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn không phù hợp<br />
với chế độ trách nhiệm vô hạn của luật sư trong hoạt động nghề nghiệp; (ii) Có sự không<br />
thống nhất, mâu thuận giữa Luật Luật sư, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Luật sư và Luật<br />
Doanh nghiệp. Đây là mâu thuận khá nghiêm trọng bởi Luật Doanh nghiệp không cho phép<br />
chuyển đổi công ty hợp danh thành công ty trách nhiệm hữu hạn và ngược lại. Ngoài ra còn<br />
một số bất cập trong quy định pháp luật về công ty luật như vấn đề áp dụng pháp luật…<br />
Xuất phát từ những đòi hỏi của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và thực trạng<br />
của tổ chức và hoạt động của các công ty luật ở nước ta, việc nghiên cứu đề tài “Pháp luật về<br />
công ty luật ở Việt Nam” là cần thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Thông qua việc<br />
nghiên cứu sẽ bổ sung thêm cơ sở lý luận và thực tiễn đối với việc hoàn thiện pháp luật về<br />
công ty luật ở Việt Nam trong điều kiện cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền<br />
Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là lý do mà tác giả đã lựa chọn đề tài này để nghiên cứu<br />
và làm Luận văn Thạc sĩ luật học.<br />
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận văn<br />
Pháp luật về hình thức tổ chức hành nghề luật sư nói chung và pháp luật về công ty<br />
luật nói riêng là đề tài thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học và đã có rất nhiều công<br />
trình nghiên cứu liên quan đến vấn đề này.<br />
(i) Trong lĩnh vực luật sư và hành nghề luật sư đã có một số công trình:<br />
- Đề tài khoa học cấp Bộ: “Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hoàn thiện pháp luật về<br />
tổ chức và hành nghề luật sư trong điều kiện mới ở Việt Nam”do đồng chí Nguyễn Văn Thảo,<br />
Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp làm chủ nhiệm đề tài, năm 2003;<br />
<br />
- Đề tài khoa học cấp Bộ: “Dịch vụ pháp lý ở Việt Nam, thực trạng, nhu cầu, và định<br />
hướng phát triển” do TS. Nguyễn Văn Tuân, Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Bộ<br />
Tư pháp làm chủ nhiệm đề tài, năm 2005;<br />
- Luận văn Thạc sĩ luật học của tác giả Dương Đình Khuyến về: “Vấn đề xã hội hóa<br />
về hoạt động luật sư và tư vấn pháp luật”, năm 2001.<br />
(ii) Nghiên cứu pháp luật về hình thức tổ chức hành nghề luật sư:<br />
- Luận án Tiến sĩ luật học của Luật sư Phan Trung Hoài với đề tài: “Hoàn thiện pháp<br />
luật về tổ chức và hành nghề luật sư trong điều kiện mới ở Việt Nam”, năm 2003;<br />
- Luận văn Thạc sĩ luật học của tác giả Nguyễn Anh Minh với đề tài “Luật sư và tổ<br />
chức hành nghề luật sư ở Việt Nam hiện nay”, năm 2009.<br />
(iii) Nghiên cứu về các loại hình công ty, đã có một số công trình cụ thể:<br />
- Luận văn Thạc sĩ luật học của tác giả Nguyễn Thị Thùy Giang “Pháp luật Việt Nam<br />
về công ty hợp danh”, năm 2012;<br />
- Luận án Tiến sĩ luật học của tác giả Nguyễn Thị Huế với đề tài: “Pháp luật về công<br />
ty hợp danh ở Việt Nam”.<br />
Những công trình nghiên cứu khoa học trên đây đề cập nhiều về các vấn đề lý luận<br />
liên quan đến tổ chức luật sư và hành nghề luật sư ở Việt Nam, góp phần làm rõ hơn lý luận<br />
và thực tiễn về tổ chức luật sư và hành nghề luật sư, trong đó, có nhiều kiến giải, luận điểm<br />
khoa học đã được vận dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, chưa có công trình nào tập trung nghiên<br />
cứu chuyên sâu, toàn diện pháp luật về công ty luật ở Việt Nam với tư cách là hành lang pháp<br />
lý cho hình thức hành nghề của luật sư, những kết quả nghiên cứu của các công trình đã công<br />
bố sẽ là các tư liệu quý giá để tác giả kế thừa và tham khảo trong quá trình nghiên cứu đề tài.<br />
3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn<br />
3.1. Mục đích<br />
Mục đích của Luận văn là nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn của pháp luật<br />
về công ty luật ở Việt Nam, để từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật về công ty<br />
luật, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty luật ở Việt Nam.<br />
<br />
3.2. Nhiệm vụ<br />
Để đạt được mục tiêu nghiên cứu đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu của Luận văn được xác<br />
định là:<br />
(i) Nghiên cứu những vấn đề lý luận pháp luật về công ty luật;<br />
(ii) Nghiên cứu, đánh giá thực trạng pháp luật về công ty luật ở Việt Nam;<br />
(iii) Đề xuất các định hướng và giải pháp để hoàn thiện pháp luật về công ty luật ở<br />
Việt Nam.<br />
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn<br />
4.1. Đối tượng nghiên cứu<br />
Đối tượng nghiên cứu là hệ thống các quy định pháp luật về công ty luật ở Việt Nam.<br />
Bên cạnh đó, luận văn cũng tham khảo kinh nghiệm pháp luật của một số nước về vấn đề này.<br />
4.2. Phạm vi nghiên cứu<br />
+ Về thời gian: Luận văn nghiên cứu pháp luật về công ty luật từ khi Luật Luật sư năm<br />
2006 được ban hành đến nay.<br />
+ Về không gian: Pháp luật của Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm pháp luật của<br />
một số nước trên thế giới.<br />
5. Phương pháp nghiên cứu của luận văn<br />
Để tiếp cận nghiên cứu đề tài này một cách hệ thống và hiệu quả, tác giả sử dụng các<br />
phương pháp nghiên cứu ch ủ yếu là phân tích, tổng hợp, suy luận logic, so sánh đối chiếu,<br />
thống kê và dùng sự kiện để chứng minh nhận định dựa trên nền tảng phương pháp tư duy của<br />
chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử theo tư tưởng Mác - Lênin về nhà nước và<br />
pháp luật.<br />
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận văn<br />
Về mặt khoa học, kết quả nghiên cứu của luận văn góp phần làm sáng tỏ thêm những<br />
vấn đề lý luận pháp luật về công ty luật, đồng thời làm phong phú thêm cơ sở khoa học về áp<br />
<br />