Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự - lý luận<br />
và thực tiễn áp dụng trên địa bàn thành phố<br />
Hà Nội<br />
Vũ Quang Dũng<br />
Khoa Luật<br />
Luận văn ThS. ngành: Luật Hình sự; Mã số: 60 38 40<br />
Người hướng dẫn: TS. Nguyễn Ngọc Chí<br />
Năm bảo vệ: 2008<br />
Abstract. Khái quát các vấn đề lý luận về thủ tục rút gọn (TTRG) trong tố tụng hình<br />
sự (TTHS) như: khái niệm, bản chất, ý nghĩa, mục đích, phạm vi, điều kiện, nội<br />
dung của TTRG… cũng như mối quan hệ giữa TTRG với các mô hình tố tụng, với<br />
các nguyên tắc chung của TTHS và với pháp luật Hình sự. Đánh giá sơ lược lịch sử<br />
của chế định TTRG trong pháp luật TTHS Việt Nam từ trước đến nay. Phân tích,<br />
nhận xét một cách toàn diện các vấn đề về thực trạng áp dụng TTRG trong thời gian<br />
từ khi Bộ luật TTHS năm 2003 có hiệu lực thi hành đến hết năm 2007 của các cơ<br />
quan tiến hành tố tụng của 14 quận – huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tham<br />
khảo tình hình xây dựng và áp dụng TTRG trong pháp luật TTHS ở một số nước tiên<br />
tiến trên thế giới. Đưa ra các luận giải về bản chất, ý nghĩa, yêu cầu xây dựng và áp<br />
dụng thủ tục tố tụng trong thời gian tới. Kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện các<br />
quy định về TTRG trong Bộ luật TTHS cũng như nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng<br />
TTRG trong TTHS trên địa bàn thành phố Hà Nội.<br />
Keywords. Pháp luật Việt Nam; Luật hình sự; Thủ tục rút gọn; Tố tụng hình sự; Hà<br />
Nội<br />
<br />
Content<br />
1. Tình cấp thiết của đề tài<br />
Bộ luật tố tụng hình sự đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam<br />
thông qua ngày 28 tháng 6 năm 1988 (có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 01 năm 1989), là<br />
một đạo luật quy định về trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án các<br />
vụ án hình sự. Qua 3 lần được sửa đổi, bổ sung (năm 1990, 1992 và 2000), Bộ luật tố tụng<br />
hình sự đã thực sự là công cụ pháp lý sắc bén, góp phần đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu<br />
tranh phòng - chống tội phạm, bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ<br />
chức và Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước trên tất<br />
cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện, Bộ luật tố tụng hình sự<br />
năm 1988 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, thiếu sót. Thể hiện qua tình trạng quá tải trong<br />
điều tra, truy tố và xét xử, án tồn đọng rất nhiều, sự vi phạm các quy định của Bộ luật tố tụng<br />
hình sự về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử, thời hạn tạm giữ, tạm giam…từ phía các cơ quan<br />
tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng vẫn thường xảy ra ở nhiều địa phương.<br />
<br />
Một trong những hạn chế dẫn đến tình trạng trên là việc Bộ luật không quy định về thủ tục rút<br />
gọn, một loại thủ tục đặc biệt tạo điều kiện cho quá trình giải quyết một số loại án diễn ra<br />
nhanh chóng, kịp thời.<br />
Trước yêu cầu cải cách Tư pháp, cải cách thủ tục tố tụng tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu<br />
xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, Đảng ta đã tổng kết<br />
sâu sắc thực tiễn tổ chức và hoạt động của các cơ quan Tư pháp và đề ra nhiều chủ trương,<br />
biện pháp nhằm xây dựng một nền Tư pháp lành mạnh, mang bản chất nhân dân, hoạt động<br />
thực sự có hiệu quả.<br />
Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII của Đảng đã chỉ rõ: “Nghiên cứu áp dụng thủ tục<br />
rút gọn để xử lý kịp thời một số vụ án đơn giản, rõ ràng.” Tư tưởng này đã được Nghị quyết<br />
số: 08 - NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trong tâm của công<br />
tác Tư pháp trong thời gian tới cụ thể hoá và nhấn mạnh: “Nghiên cứu để quy định và thực<br />
hiện thủ tục tố tụng hình sự rút gọn đối với những vụ án đơn giản, phạm tội quả tang,<br />
chứng cứ rõ ràng, hậu quả ít nghiêm trọng;…” Đây là những cơ sở chính trị và pháp lý<br />
quan trọng cho việc xây dựng thủ tục rút gọn trên thực tế ở nước ta hiện nay.<br />
Thể chế hoá chủ trương và đường lối của Đảng, ngày 17/12/2003, Quốc hội nước ta đã<br />
thông qua Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Đây là bước đột phá quan trọng trong hoạt động<br />
cải cách Tư pháp của nước ta. Đặc biệt là trong cải cách thủ tục tố tụng hình sự. Bộ luật đã<br />
dành chương XXXIV tại phần thứ bảy quy định về thủ tục rút gọn với tính chất là một thủ tục<br />
đặc biệt trong tố tụng hình sự.<br />
Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học pháp lý vẫn còn khá nhiều vấn đề về lý luận và thực<br />
tiễn áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự cần được tiếp tục nghiên cứu và làm sáng tỏ<br />
hơn. Vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự ở nước<br />
ta hiện nay cũng như thực trạng áp dụng thủ tục này ở từng địa phương (nhất là địa bàn thành<br />
phố Hà Nội - Thủ đô của cả nước) để đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng thủ tục<br />
này trong thực tế, góp phần xử lý nhanh chóng, kịp thời, khách quan nhằm bảo vệ tốt hơn các<br />
quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước và xã hội là một nhu cầu khách<br />
quan và cần thiết.<br />
Nghị quyết số: 48 - NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng<br />
và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã tiếp<br />
tục xác định: “Cải cách mạnh mẽ các thủ tục tố tụng Tư pháp theo hướng dân chủ, bình<br />
đẳng, công khai, minh bạch, chặt chẽ nhưng thuận tiện, đảm bảo sự tham gia và giám sát của<br />
nhân dân đối với hoạt động Tư pháp”. Và tiếp đó, Nghị quyết số: 49 - NQ/TW ngày<br />
02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020 cũng đã khẳng<br />
định: “Coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng Tư pháp; xây dựng cơ<br />
chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án có đủ một số điều kiện nhất định”.<br />
Với những lý do trên, tác giả đã chọn đề tài: “Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự Lý luận và thực tiễn áp dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội” làm luận văn tốt nghiệp thạc<br />
sĩ Luật học. Nội dung của đề tài cố gắng nghiên cứu một cách tổng thể về thực trạng áp dụng<br />
thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự của 14 quận - huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đề<br />
tài cũng đưa ra những luận cứ khoa học về phạm vi, điều kiện, nội dung của thủ tục rút gọn<br />
trong tố tụng hình sự; đồng thời đề ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng thủ<br />
tục rút gọn phù hợp với điều kiện thực tiễn của cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói<br />
riêng đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách Tư pháp trong thời gian tới.<br />
2. Tình hình nghiên cứu đề tài<br />
Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự là một thủ tục tố tụng đặc biệt mới được quy định<br />
trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Trong thời gian qua, kể cả trước khi Bộ luật ra đời, ở<br />
nước ta đã có rất nhiều bài viết, công trình khoa học nghiên cứu về việc quy định và áp dụng<br />
thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự như: Xây dựng thủ tục rút gọn trong Bộ luật tố tụng hình<br />
sự - Khuất Văn Nga (1999); Về thủ tục rút ngắn trong tố tụng hình sự - Nguyễn Đức Mai<br />
<br />
(1997); Luận văn thạc sỹ Luật học: Xây dựng thủ tục rút gọn trong luật tố tụng hình sự Việt<br />
Nam - Nguyễn Duy Giảng (2002); Một số vấn đề liên quan đến việc quy định thủ tục rút gọn<br />
trong dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) - Nguyễn Duy Giảng (2003); Luận văn thạc<br />
sỹ Luật học: Thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự - Những vấn đề lý luận và thực tiễn Nguyễn Minh Quang (2001); Sự cần thiết phải áp dụng thủ tục rút ngắn trong xét xử một số<br />
vụ án hình sự - Nguyễn Minh Tiến (2001); Xây dựng thủ tục rút gọn trong Bộ luật tố tụng<br />
hình sự (sửa đổi) - Nguyễn Quốc Việt (2001); Mấy ý kiến về thủ tục rút gọn - những vấn đề lý<br />
luận và thực tiễn cấp bách của tố tụng hình sự Việt Nam - Nguyễn Văn Hoàn (1995); Bàn về<br />
thủ tục rút gọn trong hoạt động tố tụng của các cơ quan Tư pháp nhằm góp phần sửa đổi, bổ<br />
sung Hiến pháp 1992 - Trần Huy Liệu (2001); Bàn thêm về thủ tục rút gọn - Nguyễn Văn<br />
Hoàn (2000); Về thủ tục rút gọn - Nguyễn Thanh Hải (2003). Các bài viết, công trình nghiên<br />
cứu trên đã phân tích, giải quyết và làm rõ được một số vấn đề về lý luận thủ tục rút gọn<br />
trong tố tụng hình sự như: khái niệm, ý nghĩa của thủ tục rút gọn, các kiến nghị về điều kiện,<br />
phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn...Nhưng vẫn còn nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn mà các<br />
công trình nghiên cứu trên chưa đề cập đầy đủ, phương pháp tiếp cận còn chưa phù hợp, chưa<br />
có nghiên cứu về thực trạng áp dụng thủ tục rút gọn của từng địa phương sau khi Bộ luật tố<br />
tụng hình sự năm 2003 ra đời. Do các công trình trên đều đề cập và nghiên cứu vấn đề trước<br />
khi Bộ luật ra đời nên việc đánh giá tình hình chưa có cơ sở thực tiễn.<br />
Bên cạnh đó, có 2 công trình nghiên cứu là: Đề tài cấp cơ sở của Viện khoa học pháp lý:<br />
Thủ tục tố tụng hình sự rút gọn - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn - Bộ Tư pháp (2004) và<br />
luận văn thạc sỹ Luật học: Thủ tục rút gọn trong pháp luật tố tụng hình sự - Lý luận và thực<br />
tiễn - Nguyễn Văn Hiển (2006). Hai công trình trên đã đề cập tương đối đầy đủ các luận cứ<br />
khoa học như: bản chất, ý nghĩa, mục đích của thủ tục rút gọn, tham khảo kinh nghiệm nước<br />
ngoài. Tuy nhiên, việc nghiên cứu ở phạm vi rộng bao trùm ở nhiều địa phương, chưa đi sâu<br />
vào nghiên cứu tình hình áp dụng thủ tục rút gọn của từng địa phương cụ thể để đưa ra những<br />
giải pháp, kiến nghị cho phù hợp nhằm áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự chặt chẽ<br />
và sát với thực tế các địa phương hơn. Nhất là ở địa bàn thành phố Hà Nội - Thủ đô của cả<br />
nước, nơi mà tình hình tội phạm trong thời gian qua đã diễn ra tương đối phức tạp và ngày<br />
càng có chiều hướng gia tăng thì việc nghiên cứu tình hình áp dụng thủ tục rút gọn các vụ án hình<br />
sự trên địa bàn này là hết sức có ý nghĩa, đáp ứng tốt yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm và<br />
công cuộc cải cách Tư pháp của Thủ đô.<br />
Ngoài ra, trong quá trình dự thảo và xây dựng Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, các cơ<br />
quan có thẩm quyền của nước ta đã có nhiều khảo sát và nghiên cứu về tố tụng hình sự của<br />
một số nước trên thế giới về việc áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự rất có ý nghĩa<br />
như: Các báo cáo của đoàn khảo sát pháp luật của Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại các nước: Hàn Quốc, Anh, Trung Quốc, Đan Mạch…; các bản dịch Bộ luật tố tụng hình sự của<br />
một số nước trên thế giới như: Nhật Bản, Pháp, Canada, Nga; các tài liệu dịch về hệ thống Tư<br />
pháp của một số nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ latinh.<br />
3. Mục đích nghiên cứu<br />
Mục đích nghiên cứu của luận văn là đưa ra các luận giải khoa học và một số giải pháp,<br />
kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự Việt Nam nói<br />
chung và nhất là áp dụng có hiệu quả thủ tục này trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng,<br />
góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Qua đó, đáp ứng<br />
yêu cầu của công cuộc cải cách Tư pháp và hoàn thiện pháp luật của nước ta giai đoạn từ nay<br />
đến năm 2020, bảo đảm quyền dân chủ của công dân theo đúng đường lối, chủ trương, chính<br />
sách của Đảng và Nhà nước ta.<br />
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu<br />
Luận văn nghiên cứu các vấn đề lý luận về thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự, thực<br />
trạng pháp luật và thực trạng áp dụng thủ tục rút gọn trên địa bàn thành phố Hà Nội như:<br />
Nghiên cứu lịch sử của chế định thủ tục rút gọn ở nước ta; các quy định cụ thể về phạm vi,<br />
<br />
điều kiện, thẩm quyền, nội dung thủ tục rút gọn và các vấn đề liên quan về bảo đảm quyền<br />
bào chữa của bị can, bị cáo; áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong thủ tục rút gọn; thực<br />
trạng áp dụng thủ tục rút gọn của các cơ quan tiến hành tố tụng tại 14 quận - huyện trên địa<br />
bàn thành phố Hà Nội sau khi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có hiệu lực thi hành. Bên<br />
cạnh đó, luận văn có tham khảo tình hình áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự của<br />
một số nước tiến tiến trên thế giới.<br />
5. Nhiệm vụ nghiên cứu<br />
Trên cơ sở đối tượng và phạm vi nghiên cứu trên, tác giả tập trung vào giải quyết những<br />
nhiệm vụ như sau:<br />
- Khái quát các vấn đề lý luận về thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự như: khái niệm,<br />
bản chất, ý nghĩa, mục đích, phạm vi điều kiện, nội dung của thủ tục rút gọn;<br />
- Đánh giá sơ lược lịch sử của chế định thủ tục rút gọn trong pháp luật tố tụng hình sự<br />
Việt Nam từ trước đến nay và thực trạng áp dụng thủ tục rút gọn trong thời gian từ khi Bộ<br />
luật tố tụng hình sự năm 2003 có hiệu lực thi hành đến hết năm 2007 của các cơ quan tiến<br />
hành tố tụng 14 quận - huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tham khảo tình hình xây dựng<br />
và áp dụng thủ tục rút gọn trong pháp luật tố tụng hình sự ở một số nước tiên tiến trên thế<br />
giới.<br />
- Đề ra những giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng thủ tục rút gọn trong<br />
tố tụng hình sự Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp<br />
quyền XHCN cũng như yêu cầu cải cách Tư pháp đến năm 2020. Đồng thời, đưa ra một số<br />
kiến nghị cụ thể nhằm áp dụng có hiệu quả thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự trên địa bàn<br />
thành phố Hà Nội.<br />
6. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu<br />
- Luận văn được nghiên cứu dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê<br />
Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật;<br />
- Các phương pháp nghiên cứu cụ thể: Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu<br />
khoa học xã hội và khoa học pháp lý cụ thể phù hợp với yêu cầu của từng vấn đề nghiên cứu<br />
như: phương pháp phân tích tài liệu, nghiên cứu lịch sử, tổng hợp, so sánh, thống kê Tư<br />
pháp…<br />
7. Những đóng góp mới của luận văn<br />
- Phân tích, đánh giá một cách có hệ thống, toàn diện các vấn đề về thực trạng áp<br />
dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự trên địa bàn thành phố Hà Nội;<br />
- Đưa ra các luận giải khoa học về bản chất, ý nghĩa, yêu cầu xây dựng và áp dụng thủ<br />
tục tố tụng trong thời gian tới, đưa ra các giải pháp hoàn thiện các quy định về thủ tục rút gọn<br />
trong Bộ luật tố tụng hình sự cũng như các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng thủ tục<br />
rút gọn trong tố tụng hình sự trên địa bàn thành phố Hà Nội.<br />
8. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận văn<br />
- Tăng cường sự nhận thức đúng đắn của nhân dân, cán bộ, công chức nhất là những<br />
người tiến hành tố tụng và các cơ quan tiến hành tố tụng của thành phố Hà Nội về bản chất,<br />
yêu cầu, ý nghĩa của việc quy định và áp dụng thủ tục rút gọn trong pháp luật tố tụng hình sự<br />
Việt Nam;<br />
- Đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự, góp phần<br />
nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục và áp dụng pháp luật của các cơ<br />
quan có thẩm quyền về thủ tục rút gọn trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam.<br />
9. Bố cục của luận văn<br />
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, Luận văn gồm 3 chương<br />
với kết cấu như sau:<br />
Chương 1: Lý luận về thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự<br />
Chương 2: Thực trạng pháp luật và áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự<br />
trên địa bàn thành phố Hà Nội<br />
<br />
Chương 3: Những giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng thủ tục rút gọn trong tố<br />
tụng hình sự<br />
<br />
References<br />
* Văn kiện của Đảng cộng sản Việt Nam<br />
1. Ban chấp hành TW Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 8 khoá VII,<br />
NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội - 1994.<br />
2. Ban chấp hành TW Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 3 khoá VIII,<br />
NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội - 1997.<br />
3. Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung Ương, Tài liệu tập huấn về Bộ luật tố tụng hình sự<br />
năm 2003, tháng 4/2004.<br />
4. Bộ chính trị - BCHTW Đảng cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 08 - NQ/TW ngày<br />
02/01/2002 “ về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác Tư pháp trong thời gian<br />
tới”.<br />
5. Bộ chính trị - BCHTW Đảng cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 48 - NQ/TW ngày<br />
24/5/2005 “ về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến<br />
năm 2010, định hướng đến năm 2020”.<br />
6. Bộ chính trị - BCHTW Đảng cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 49 - NQ/TW ngày 02/6/2005<br />
“ về chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020”.<br />
7. Đảng cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, NXB<br />
Chính trị quốc gia, Hà Nội - 1996.<br />
8. Đảng cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX và lần thứ X,<br />
NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.<br />
* Văn bản pháp luật của Nhà nước<br />
9. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 1992 (sửa<br />
đổi), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.<br />
10. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 và năm 2003,<br />
NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.<br />
11. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Bộ luật hình sự năm 1999, NXB Chính trị quốc<br />
gia, Hà Nội - 2000.<br />
12. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, Luật<br />
tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002.<br />
13. UBTVQH - Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm<br />
nhân dân, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2002.<br />
14. Toà án nhân dân tối cao, Báo cáo tổng kết công tác ngành Toà án nhân dân các năm<br />
2003, 2004, 2005, 2006, 2007.<br />
* Giáo trình, sách, báo và các tài liệu tham khảo khác<br />
15. Bộ Tư pháp - Toà án nhân dân tối cao -Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Cơ quan hợp<br />
tác quốc tế Nhật Bản JICA (2004), Kỷ yếu các toạ đàm tổ chức tại Việt Nam<br />
trong khuôn khổ dự án JICA 2000 - 2003 (quyển 8), Hà Nội.<br />
16. Đại học luật Hà Nội, Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam, NXB Tư pháp, Hà Nội<br />
- 2006.<br />
17. Nguyễn Duy Giảng (2002), luận văn thạc sĩ Luật học, Xây dựng thủ tục rút gọn trong<br />
luật tố tụng hình sự Việt Nam, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.<br />
18. Nguyễn Duy Giảng (2003), Một số vấn đề liên quan về việc quy định thủ tục rút gọn<br />
trong dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự, Tạp chí Kiểm sát số 7.<br />
<br />