Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trong luật<br />
hình sự Việt Nam<br />
Phạm Thị Bích Ngọc<br />
Khoa Luật<br />
Luận văn ThS. ngành: Luâ ̣t hiǹ h sự; Mã số: 60 38 40<br />
Người hướng dẫn: TS. Nguyễn Ngo ̣c Chí<br />
Năm bảo vệ: 2010<br />
Abstract. Nghiên cứu toàn diê ̣n , có hệ thống những vấn đề về l ập pháp, lý luận và<br />
thực tiễn định tội danh, bản chất, dấu hiệu pháp lý của tội công nhiên chiếm đoạt tài<br />
sản, đường lối xử lý hình sự có so sánh với một số tội phạm theo Bộ luật hình sự<br />
1999. Phân tích lịch sử lập pháp hình sự, đường lối xử lý và thực tiễn định tội danh<br />
đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trong luật hình sự Việt Nam. Đưa ra một số<br />
kiến nghị, đề xuất các giải pháp góp phầ n hoàn thiện pháp luật hình sự, đường lối xử<br />
lý cũng như định tội danh đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, đồ ng thời nhằ m<br />
nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm này trong thời gian tới.<br />
Keywords. Luật hình sự; Pháp luật Việt Nam; Chiế m đoa ̣t tài sản<br />
Content<br />
MỞ ĐẦU<br />
1. Sự cần thiết phải nghiên cứu đề tài<br />
Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo qua hai mươi lăm năm đã thu<br />
được những thành tựu quan trọng. Nền kinh tế đã vượt qua thời kỳ suy giảm, đạt tốc độ tăng<br />
trưởng khá cao. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng và an ninh được giữ vững và ngày<br />
càng được tăng cường; quan hệ đối ngoại có bước phát triển mới, đời sống nhân dân được cải<br />
thiện, nhiều vấn đề xã hội được quan tâm giải quyết. Tuy nhiên, cùng với những thành tựu<br />
mà nhiều tệ nạn xã hội đã và đang nảy sinh do những tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị<br />
trường, trong đó có tình trạng vi phạm pháp luật, đặc biệt là các vụ phạm pháp hình sự, đòi<br />
hỏi Nhà nước và xã hội phải quan tâm, giải quyết.<br />
Qua thực tiễn xét xử các vụ án hình sự những năm gần đây, cho thấy tình hình tội phạm<br />
nói chung, các tội xâm phạm sở hữu nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp, gây ra hậu quả và tác<br />
hại lớn cho xã hội, trong đó có tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Loại tội phạm này không chỉ<br />
tăng về số lượng mà cả về đối tượng phạm tội. Phương thức, thủ đoạn phạm tội cũng ngày càng<br />
tinh vi, xảo quyệt hơn, tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội ngày càng lớn. Tình trạng đó đã<br />
và đang gây ra không ít những khó khăn, thách thức đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, người<br />
tiến hành tố tụng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử cũng như trong chủ động phòng<br />
ngừa, ngăn chặn, đấu tranh và phòng chống tội phạm, bảo đảm phát hiện chính xác, nhanh<br />
chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm<br />
oan người vô tội để góp phần bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước,<br />
quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.<br />
<br />
Hơn nữa, do các quy định của luật hình sự Việt Nam về tội công nhiên chiếm đoạt còn<br />
chưa minh bạch, chưa bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, nhất là thiếu quy phạm định nghĩa và<br />
một số quy định liên quan đến các yếu tố định tội và định khung hình phạt nên dẫn đến nhiều<br />
cách hiểu khác nhau, thậm chí không thống nhất trong nhận thức về dấu hiệu pháp lý, đường<br />
lối xử lý và thực tiễn định tội danh đối với tội phạm này. Do vậy, trong một số vụ án cụ thể<br />
đã có tình trạng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có nhận thức<br />
khác nhau về việc định tội và định khung hình phạt khi tiến hành xử lý hình sự đối với hành<br />
vi công nhiên chiếm đoạt tài sản. Cá biệt, có trường hợp còn nhầm lẫn trong việc xác định tội<br />
danh, áp dụng không đúng pháp luật, thậm chí không làm sáng tỏ được ranh giới giữa tội<br />
phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác hoặc không phân biệt được sự khác nhau giữa<br />
tội công nhiên chiếm đoạt tài sản với một số tội phạm có tính chất chiếm đoạt khác trong Bộ<br />
luật hình sự 1999 như: tội cướp tài sản (Điều 133), tội cướp giật tài sản (Điều 136), tội cưỡng<br />
đoạt tài sản (Điều 135); tội trộm cắp tài sản (Điều 138).<br />
Để tiếp tục nghiên cứu, nhận diện đầy đủ và làm sâu sắc hơn các vấn đề lý luận về cấu<br />
thành tội phạm này cũng như thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử đối với tội công nhiên chiếm<br />
đoạt tài sản làm căn cứ để đề xuất, kiến nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật hình sự; nâng cao<br />
hiệu quả công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm này, việc nghiên cứu đề tài: "Tội<br />
công nhiên chiếm đoạt tài sản trong luật hình sự Việt Nam" là rất cần thiết và thực sự cấp<br />
bách.<br />
2. Tình hình nghiên cứu đề tài<br />
Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản hiện đã được nghiên cứu, đề cập đến trong nhiều công<br />
trình nghiên cứu khoa học cả trong và ngoài nước của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo luật học<br />
cũng như các nhà hình sự học, tội phạm học. Ở Việt Nam, các Giáo trình luật hình sự Việt<br />
Nam của các cơ sở nghiên cứu và đào tạo luật học cũng nghiên cứu về tội này như: Trường<br />
Đại học Luật Hà Nội; Khoa luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật<br />
thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam và một số cơ sở đào tạo khác...<br />
Từ góc độ thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cũng như định tội danh, tội công nhiên chiếm<br />
đoạt cũng được nghiên cứu, bàn luận và làm sáng tỏ cả về lý luận và thực tiễn trong nhiều<br />
cuốn chuyên khảo, trong đó phải kể đến một số công trình nghiên cứu của ThS. Luật học<br />
Đinh Văn Quế như: Bình luận án, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1998; Pháp luật hình sự<br />
thực tiễn xét xử và án lệ, Nxb Lao động xã hội. Hà Nội, 2005); Thực tiễn xét xử và pháp luật<br />
hình sự, Nxb Đà Nẵng, 2000; Bình luận khoa học Bộ luật hình sự Phần các tội phạm, tập II,<br />
các tội xâm phạm sở hữu, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2005; một số chuyên khảo như:<br />
Định tội danh: Lý luận, hướng dẫn mẫu và 350 bài thực hành, của Lê Cảm và Trịnh Quốc<br />
Toản, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004; Bình luận khoa học Bộ luật hình sự phần các tội<br />
phạm, của Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,<br />
1999... Các vấn đề lý luận và thực tiễn định tội danh đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản<br />
còn được nghiên cứu và làm sáng tỏ trong một số bài viết đăng trên Tạp chí chuyên ngành<br />
luật như: Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, của ThS. Mai Bộ, Tạp chí Toà án nhân dân, số<br />
11, 2007; Một số vấn đề cần hoàn thiện đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, của ThS.<br />
Nguyễn Văn Trượng, Tạp chí Kiểm sát, số 24, 2008…Các bài nghiên cứu trên đã nhận diện<br />
và làm sáng tỏ một số vấn đề về khái niệm, đặc trưng, các dấu hiệu pháp lý của tội công<br />
nhiên chiếm đoạt tài sản và thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử hình sự; phân tích, đối chiếu và<br />
phân biệt với một số tội phạm trong Bộ luật hình sự 1999 và đề xuất giải pháp hoàn thiện…<br />
Từ thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự liên quan đến các tội phạm thuộc nhóm tội xâm<br />
phạm sở hữu, có nhiều bài viết đề cập đến tội công nhiên chiếm đoạt tài sản ở góc độ so sánh,<br />
đối chiếu với một số tội phạm khác có nhiều điểm tương đồng như tội trộm cắp tài sản, tội<br />
cướp giật tài sản; tội cướp tài sản; tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là một số bài nghiên<br />
cứu của ThS. Mai Bộ đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân… Trong thực tiễn xét xử, một số<br />
bài viết, tranh luận cũng trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến cấu thành tội công nhiên chiến<br />
<br />
đoạt tài sản qua phân tích, đánh giá, nhận định về một số hành vi phạm tội có tính chất chiếm<br />
đoạt, ngoài ra còn phải kể đến một số luận văn tốt nghiệp Đại học Luật nghiên cứu về tội này<br />
như: Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Bộ luật hình sự 1999 - những vấn đề lý luận và<br />
thực tiễn, của Đặng Đình Chung, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2001 và một số luận văn cử<br />
nhân, thạc sĩ luật khác.<br />
Tuy nhiên, có thể khẳng định, đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào nghiên cứu<br />
một cách toàn diện, có hệ thống các vấn đề pháp lý, lý luận và thực tiễn định tội danh đối<br />
với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.<br />
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài<br />
Luận văn nghiên cứu và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, dấu hiệu pháp lý, đường lối<br />
xử lý và thực tiễn định tội danh đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trong luật hình sự<br />
Việt Nam. Trong khuôn khổ một luận văn thạc sĩ luật học, phạm vi nghiên cứu của luận văn<br />
tập trung vào các dấu hiệu pháp lý đặc trưng, đường lối xử lý và những vấn đề liên quan đến<br />
định tội danh đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản những năm gần đây với tư cách là một<br />
tội phạm trong chương các tội phạm xâm phạm sở hữu của Bộ luật hình sự năm 1999 mà<br />
chưa có điều kiện nghiên cứu, phân tích từ góc độ tội phạm học.<br />
4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu đề tài<br />
Mục đích của luận văn là nghiên cứu toàn diện, có hệ thống những vấn đề về lập pháp, lý<br />
luận và thực tiễn định tội danh đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trong luật hình sự<br />
Việt Nam. Trên cơ sở đó, dựa vào quan điểm và định hướng của Đảng và Nhà nước, nhất là<br />
chính sách hình sự về đấu tranh phòng chống tội phạm xâm phạm sở hữu, luận văn làm sáng<br />
tỏ cơ sở lý luận, nội dung mới đối với tội phạm này từ yêu cầu của thực tiễn đất nước hiện<br />
nay.<br />
Để đạt được mục đích trên, đề tài có nhiệm vụ:<br />
- Phân tích các căn cứ về mặt lập pháp, lý luận và thực tiễn định tội danh, bản chất, dấu hiệu<br />
pháp lý của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, đường lối xử lý hình sự có so sánh với một số tội<br />
phạm theo Bộ luật hình sự 1999.<br />
- Phân tích lịch sử lập pháp hình sự, đường lối xử lý và thực tiễn định tội danh đối với tội<br />
công nhiên chiếm đoạt tài sản trong luật hình sự Việt Nam.<br />
- Từ cơ sở lý luận và thực tiễn, luận văn đề xuất một số kiến nghị, đề xuất dưới góc độ<br />
hoàn thiện pháp luật hình sự, đường lối xử lý cũng như định tội danh đối với tội công nhiên<br />
chiếm đoạt tài sản và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng<br />
chống tội phạm này trong thời gian tới.<br />
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu<br />
Đề tài được nghiên cứu trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh<br />
và quan điểm, định hướng của Đảng về chính sách hình sự; quan điểm, đường lối xử lý các tội<br />
xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt, trong đó có tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trước<br />
yêu cầu mới.<br />
Phương pháp nghiên cứu: Luận văn sử dụng phương pháp luận duy vật biện chứng và duy<br />
vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin. Các phương pháp của khoa học luật hình sự, tội phạm học,<br />
thống kê tư pháp, khoa học lịch sử, so sánh kết hợp với phân tích xã hội học, phương pháp hệ<br />
thống - cấu trúc, phương pháp quy nạp, diễn dịch được sử dụng linh hoạt trong nghiên cứu.<br />
6. Những đóng góp mới của đề tài<br />
Luận văn được hoàn thành sẽ là chuyên khảo khoa học trình bày tương đối toàn diện, có<br />
hệ thống về căn cứ lập pháp hình sự, các vấn đề lý luận và thực tiễn đối với tội công nhiên<br />
chiếm đoạt tài sản, có đóng góp mới sau đây:<br />
Một là, phân tích căn cứ pháp lý, giải quyết những vấn đề lý luận về tội công nhiên chiếm<br />
đoạt tài sản nhằm góp phần bổ sung và hoàn thiện lý luận về tội phạm đối với các tội phạm cụ<br />
thể trong luật hình sự Việt Nam, nhất là các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt.<br />
<br />
Hai là, phân tích, đánh giá lịch sử lập pháp hình sự đối với tội công nhiên chiếm đoạt,<br />
đường lối xử lý và thực tiễn định tội danh đối với tội phạm này.<br />
Ba là, đề xuất các phương hướng tiếp tục hoàn thiện pháp luật hình sự, đường lối xử lý<br />
hình sự và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội công nhiên<br />
chiếm đoạt tài sản.<br />
7. Kết cấu của luận văn<br />
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn<br />
gồm 3 chương:<br />
Chương 1: Khái niệm và dấu hiệu pháp lý của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.<br />
Chương 2: Đường lối xử lý tội công nhiên chiếm đoạt tài sản và phân biệt với một số tội<br />
phạm khác<br />
Chương 3: Thực trạng, giải pháp hoàn thiện pháp luật hình sự và nâng cao hiệu quả công<br />
tác đấu tranh phòng, chống tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.<br />
Chương 1<br />
KHÁI NIỆM VÀ DẤU HIỆU PHÁP LÝ<br />
CỦA TỘI CÔNG NHIÊN CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN<br />
1.1. Khái niệm và lịch sử lập pháp của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản<br />
1.1.1. Khái niệm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản<br />
Trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những điểm hợp lý trong các khái niệm về tội công nhiên<br />
chiếm đoạt tài sản và những vấn đề đã được thực tiễn áp dụng pháp luật kiểm nghiệm, có thể<br />
đưa ra định nghĩa khoa học về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản như sau: Tội công nhiên<br />
chiếm đoạt tài sản là một tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng<br />
lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp xâm phạm đến<br />
quyền sở hữu tài sản của người khác bằng hành vi lợi dụng chủ tài sản trong hoàn cảnh đặc<br />
biệt không có điều kiện bảo vệ tài sản hoặc ngăn cản hành vi phạm tội để công khai chiếm<br />
đoạt tài sản của họ.<br />
1.1.2. Lịch sử lập pháp của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản<br />
Luận văn trình bày lịch sử lập pháp của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trong hai giai<br />
đoạn:<br />
a) Giai đoạn trước năm 1985<br />
b) Giai đoạn từ 1985 đến nay<br />
1.2. Dấu hiệu pháp lý của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản<br />
1.2.1. Khách thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản<br />
Về mặt khách thể, điểm chung được nhiều người thừa nhận, tội công nhiên chiếm đoạt tài<br />
sản phải là hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho các quan hệ sở hữu và sự gây<br />
thiệt hại này phải phán ảnh được đầy đủ nhất bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi<br />
phạm tội. Trong đó, quan hệ sở hữu được hiểu là các quan hệ xã hội trong đó quyền chiếm<br />
hữu, sử dụng và định đoạt được tôn trọng và bảo vệ, hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt<br />
hại cho quan hệ sở hữu là những hành vi xâm phạm các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt<br />
tài sản của chủ sở hữu.<br />
1.2.2. Mặt khách quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản<br />
Mặt khách quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện thông qua hành vi công<br />
nhiên chiếm đoạt tài sản. Hành vi này thuộc hình thức hành động phạm tội - nghĩa là người<br />
phạm tội thực hiện một hành vi gây thiệt hại cho khách thể và hành vi này bị pháp luật hình<br />
sự ngăn cấm.<br />
Hành vi khách quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là cố ý chuyển dịch một cách<br />
trái pháp luật tài sản đang thuộc sự quản lý của chủ tài sản thành tài sản của mình - hành vi<br />
này được thực hiện bằng hình thức công khai - người phạm tội không cần che giấu hành vi<br />
phạm tội của mình - với thủ đoạn lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản hoặc lợi dụng vào<br />
<br />
hoàn cảnh khách quan khác như thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh. Đặc điểm nổi bật của tội<br />
công nhiên chiếm đoạt tài sản là người phạm tội ngang nhiên lấy tài sản trước mắt người<br />
quản lý tài sản mà họ không làm gì được (không có biện pháp nào ngăn cản được hành vi<br />
chiếm đoạt của người phạm tội hoặc nếu có thì biện pháp đó cũng không đem lại hiệu quả, tài<br />
sản vẫn bị người phạm tội lấy đi một cách công khai).<br />
Hậu quả của tội phạm là thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho quan hệ xã hội là khách<br />
thể bảo vệ của luật hình sự. Theo khoản 1 Điều 137 Bộ luật hình sự quy định giá trị tài sản bị<br />
chiếm đoạt từ hai triệu đồng trở lên mới cấu thành tội phạm, còn nếu tài sản bị chiếm đoạt<br />
dưới hai triệu đồng thì phải kèm theo điều kiện gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt<br />
vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt, hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa<br />
được xóa án tích mà còn vi phạm mới cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản,<br />
1.2.3. Chủ thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản<br />
Chủ thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là chủ thể thường và rất đa dạng, bất kỳ ai<br />
nếu nào thỏa mãn đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự<br />
tương ứng với khung hình phạt và thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản thì đều là<br />
chủ thể của tội phạm này.<br />
1.2.4. Mặt chủ quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản<br />
Trong tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, người thực hiện hành vi phạm tội có lỗi cố ý<br />
trực tiếp. Khi thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản. 1) Về mặt lý trí: người phạm<br />
tội nhận thức rõ về hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của mình là nguy hiểm cho xã hội,<br />
thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả đó xảy ra; 2) Về mặt ý chí, người<br />
phạm tội mong muốn hậu quả phát sinh; người phạm tội biết tài sản mà mình chiếm đoạt<br />
đang có người quản lý, không phải là tài sản của mình nhưng vẫn muốn biến tài sản đó thành<br />
tài sản của mình.<br />
Chương 2<br />
ĐƯỜNG LỐI XỬ LÝ TỘI CÔNG NHIÊN CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN VÀ PHÂN BIỆT<br />
VỚI MỘT SỐ TỘI PHẠM KHÁC<br />
2.1. Đường lối xử lý tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo luật hình sự Việt Nam.<br />
2.1.1. Phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản không có các tình tiết định khung hình<br />
phạt<br />
Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 137 Bộ luật hình sự, là cấu thành<br />
cơ bản của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, theo đó, thì không phải mọi hành vi công nhiên<br />
chiếm đoạt tài sản đều là hành vi phạm tội. Hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người<br />
khác chỉ cấu thành tội phạm khi tài sản có giá trị từ hai triệu đồng trở lên. Trường hợp tài sản<br />
bị chiếm đoạt có giá trị dưới hai triệu đồng, thì phải kèm theo một trong ba điều kiện sau: 1)<br />
Gây hậu quả nghiêm trọng; 2) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt; 3) Đã bị kết<br />
án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.<br />
2.1.2. Các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt<br />
a) Công nhiên chiếm đoạt tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 137<br />
Bộ luật hình sự:<br />
Theo khoản 2 Điều 137 Bộ luật hình sự, công nhiên chiếm đoạt tài sản thuộc một trong<br />
các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: 1) Hành hung để tẩu thoát; 2)<br />
Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; 3) Tái<br />
phạm nguy hiểm; 4) Gây hậu quả nghiêm trọng.<br />
b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 137<br />
Bộ luật hình sự:<br />
Theo khoản 3 Điều 137 Bộ luật hình sự, công nhiên chiếm đoạt tài sản thuộc một trong<br />
các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: 1) Chiếm đoạt tài sản có<br />
giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; 2) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.<br />
<br />