Tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Luật Hình<br />
sự Việt Nam (trên cơ sở số liệu của địa bàn<br />
Thành phố Hồ Chí Minh)<br />
Trương Văn Út<br />
Khoa Luật<br />
Luận văn ThS Chuyên ngành: Luật hình sự và tố tụng hình sự<br />
Mã số 60 38 01 04<br />
Người hướng dẫn: TS. Chu Thị Trang Vân<br />
Năm bảo vệ: 2013<br />
<br />
Abstract. Một số vấn đề lý luận chung về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Nghiên cứu quy<br />
định về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả trong Bộ luật hình sự hiện hành và thực tiễn điều<br />
tra, truy tố, xét xử Tội sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh<br />
thời gian qua. Một số giải pháp góp phần áp dụng có hiệu quả các quy định pháp luật về tội<br />
sản xuất, buôn bán hàng giả.<br />
Keywords. Pháp luật Việt Nam; Luật hình sự; Tội buôn bán hàng giả; Tội sản xuất hàng<br />
giả.<br />
<br />
Content.<br />
1. Tính cấp thiết của đề tài<br />
Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần VI, Đảng và Nhà nước ta chủ trương chuyển đổi cơ chế<br />
quản lý kinh tế, từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường. Bằng các quy định pháp luật,<br />
Nhà nước ta đã thừa nhận và bảo vệ sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế. Cùng với chủ trương<br />
mở cửa của Nhà nước, nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ở nước ta đã có những bước<br />
phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, từ khi Luật Doanh nghiệp được ban hành, hàng chục nghìn doanh<br />
nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế trong cả nước, với đủ mọi loại hình sản xuất, kinh doanh,<br />
dịch vụ... đã ra đời, thu hút được nguồn lực to lớn cả trong và ngoài nước vào công cuộc xây dựng<br />
kinh tế, phát triển đất nước.<br />
<br />
Một trong những đặc điểm của nền kinh tế thị trường là đa dạng hóa các thành phần kinh<br />
tế, xuất nhập khẩu hàng hóa được mở rộng tự do hơn… Chính vì lẽ đó, thị trường hàng hóa nước<br />
ta ngày nay, bên cạnh sự đa dạng của hàng hóa sản xuất trong nước, còn hiện diện hầu hết sản<br />
phẩm nổi tiếng trên thế giới. Điều đó cho chúng ta thấy rằng, nền kinh tế nước ta đang trong giai<br />
đoạn phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, sản phẩm do xã hội tạo ra phong<br />
phú hơn trước. Đây là thành quả mà Đảng và Nhà nước ta đã đạt được sau hơn 20 năm thực hiện<br />
công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đó, một vấn đề nhức nhối của xã hội mà<br />
chúng ta cần quan tâm là tình hình tội phạm ngày một gia tăng và có chiều hướng phức tạp, với<br />
nhiều thủ đoạn phạm tội tinh vi hơn, đặc biệt là tội phạm kinh tế.<br />
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là một trong những tội phạm kinh tế đã gây nên những tác<br />
hại hết sức to lớn trên nhiều mặt kinh tế, xã hội của đất nước. Trước hết nó gây nên những thiệt hại<br />
về kinh tế cho Nhà nước, cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cho cả người tiêu dùng. Tội phạm<br />
này còn tác động xấu đến môi trường cạnh tranh và phát triển lành mạnh của nền kinh tế, làm giảm<br />
sút lòng tin của người tiêu dùng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh. Và điều đó làm cho các nhà<br />
đầu tư trong nước thiếu an tâm khi đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, hàng giả tại<br />
Việt Nam xuất hiện hầu như trong mọi lĩnh vực và bao gồm nhiều chủng loại hàng hóa. Hàng giả<br />
xuất hiện trong những mặt hàng hóa cao cấp, đắt tiền như vàng bạc, đá quý; trong hàng xa xỉ phẩm<br />
như nước hoa, mỹ phẩm, rượu ngoại hay trong cả các mặt hàng chuyên dùng như thuốc tân dược,<br />
thuốc trừ sâu, phân bón... Hàng giả có mặt từ mặt hàng ngoại nhập như điện tử, các mặt hàng công<br />
nghiệp... đến mặt hàng sản xuất trong nước như giày dép, vật liệu xây dựng.<br />
Trong điều kiện nền kinh tế nước ta đang từng bước hội nhập vào thị trường kinh tế thế<br />
giới, là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì tội phạm sản xuất, buôn bán<br />
hàng giả còn tác hại xấu đến môi trường đầu tư nước ngoài vào nước ta, làm giảm uy tín tiêu<br />
dùng hàng hóa thật trong lòng người tiêu dùng, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất<br />
hàng thật.<br />
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước. Sau hơn 20 năm<br />
đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến<br />
căn bản trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước.<br />
Kinh tế tăng trưởng khá cao, bình quân hơn 11% một năm, bằng 1,2 lần tốc độ tăng trưởng chung<br />
của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và hơn 1,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Cơ<br />
cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỉ trọng khu vực dịch vụ chiếm 54,3% GDP, công nghiệp-xây<br />
<br />
dựng chiếm 44,5% GDP, nông nghiệp chiếm 1,2% GDP, tăng dần tỉ trọng các ngành có giá trị gia<br />
tăng và hàm lượng khoa học-công nghệ cao; mô hình kinh tế tiếp tục được mở rộng, ngày càng<br />
đóng góp tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội<br />
nhập kinh tế quốc tế của cả nước. Tuy chỉ chiếm 0,6% về diện tích tự nhiên, nhưng Thành phố Hồ<br />
Chí Minh chiếm 8,56% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 58,33% khách du lịch quốc tế, 43,72% doanh<br />
thu du lịch, 27,9% kim ngạch xuất khẩu, 26% kim ngạch nhập khẩu, 22,4% giá trị gia tăng ngành<br />
công nghiệp, mức thu nhập bình quân của người dân năm 2011 bằng 2,4 lần so với bình quân đầu<br />
người của cả nước [41].<br />
Thành phố Hồ Chí Minh được cho là đầu tàu kinh tế của cả nước, nơi tập trung nhiều<br />
doanh nghiệp, nhiều trung tâm thương mại, chợ đầu mối, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, xí<br />
nghiệp sản xuất... Đây cũng là một trong những địa bàn rất nhạy cảm và năng động với hoạt động<br />
sản xuất kinh doanh luôn diễn ra sôi động nhất trong cả nước. Sự phát triển của nền kinh tế hàng<br />
hóa nhiều thành phần cùng với chính sách mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong những năm<br />
qua đã tạo cho Thành phố Hồ Chí Minh những bước phát triển mới. Các ngành hàng truyền thống<br />
cùng với những sản phẩm mới đã tạo nên một thị trường hàng hóa hết sức phong phú với các loại<br />
hàng hóa đa dạng, không những đáp ứng được nhu cầu sản xuất tiêu dùng của nhân dân Thành phố<br />
mà còn góp phần cung cấp hàng hóa cho thị trường trong cả nước, cũng như tạo nên những mặt<br />
hàng có giá trị xuất khẩu cao.<br />
Mặc dù tình hình kinh tế cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trong<br />
thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn, thách thức do bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái kinh tế thế giới,<br />
nhưng Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương tạo ra sản phẩm xã hội nhiều nhất nước, cụ thể<br />
tổng sản phẩm nội địa (GDP) trong năm 2012 trên địa bàn thành phố ước đạt 595.375,6 tỷ đồng,<br />
tăng 9,2% so với năm 2011[23].<br />
Tuy nhiên, lợi dụng những “kẽ hở” trong công tác quản lý kinh tế, xã hội và với mục đích<br />
thu lợi bất chính, các đối tượng phạm tội cũng đã tổ chức sản xuất và đưa vào lưu thông khá nhiều<br />
hàng giả, với đủ các chủng loại cả về nhãn hiệu và chất lượng, từ hàng tiêu dùng bình thường đến<br />
các loại đồ dùng thiết yếu, kể cả thuốc chữa bệnh, phân bón...<br />
Trong những năm qua, các cơ quan chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện,<br />
xử lý nhiều vụ sản xuất, buôn bán hàng giả và thu được những kết quả nhất định, góp phần ngăn<br />
chặn tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, bảo vệ hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như lợi<br />
ích của Nhà nước, của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đấu<br />
<br />
tranh phòng chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả cũng còn những mặt hạn chế, chưa đáp<br />
ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, làm rõ những quy định của<br />
Luật Hình sự Việt Nam và đối chiếu với thực trạng điều tra, truy tố, xét xử đối với loại tội phạm<br />
này trên một địa bàn trọng yếu như Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó tìm ra những giải pháp nhằm<br />
nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả là một<br />
vấn đề cấp thiết để góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích của các cơ sở sản xuất kinh<br />
doanh và lợi ích của nhân dân, tạo môi trường lành mạnh để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhằm<br />
thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn Thành phố Hồ<br />
Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.<br />
Xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi nêu trên, tác giả mạnh dạn chọn đề tài: "Tội sản xuất, buôn<br />
bán hàng giả theo Luật Hình sự Việt Nam (trên cơ sở số liệu của địa bàn thành phố Hồ Chí<br />
Minh)" làm Luận văn thạc sỹ Luật học. Đề tài sẽ góp phần làm rõ Tội sản xuất, buôn bán hàng giả<br />
theo quy định của BLHS Việt Nam; thực trạng điều tra, truy tố, xét xử đối với loại tội phạm này<br />
trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp hoàn thiện pháp luật,<br />
góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội sản xuất, buôn bán hàng giả trên<br />
địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.<br />
2. Tình hình nghiên cứu<br />
Đây là một đề tài không mới trong hệ thống khoa học pháp lý hình sự nhưng lại luôn là đề tài<br />
có tính thời sự nên nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nghiên cứu. Đã có một số Công<br />
trình nghiên cứu khoa học tiếp cận đề tài dưới các góc độ khác nhau liên quan đến tình hình tội phạm<br />
sản xuất, buôn bán hàng giả trong phạm vi và đối tượng đấu tranh cụ thể, nhất định. Các công trình<br />
đó tập trung nghiên cứu sâu dưới góc độ chuyên ngành tội phạm học, đề cập đến những vấn đề cụ<br />
thể như: thực trạng công tác tổ chức đấu tranh phòng chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả<br />
của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ hay tập trung phân tích<br />
nguyên nhân, điều kiện phạm tội, thực trạng, diễn biến của tình hình tội phạm này trong một giai<br />
đoạn nhất định… Có thể kể đến một số công trình như: Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự 1999<br />
(Phần các tội phạm) của TS. Phùng Thế Vắc, TS. Trần Văn Luyện, LS. ThS. Phạm Thanh Bình, TS.<br />
Nguyễn Đức Mai, ThS. Nguyễn Sĩ Đại, ThS. Nguyễn Mai Bộ, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội,<br />
2001, Khóa luận tốt nghiệp đại học “Tổ chức hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm sản xuất,<br />
buôn bán hàng giả của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công<br />
an TP. Hồ Chí Minh - Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả” của tác giả Võ Thị Thu Lan - TP.<br />
Hồ Chí Minh -2007, Chuyên đề “Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng<br />
<br />
giả” của tác giả Nguyễn Đình Chiến - Cục Cảnh sát kinh tế - 2003, Luận văn Thạc sỹ Luật học "Tội<br />
sản xuất, buôn bán hàng giả theo pháp luật hình sự Việt Nam" của tác giả Mai Thị Lan - 2008.<br />
Các công trình nêu trên đã đóng góp vào hệ thống khoa học pháp lý hình sự những giá trị lý<br />
luận và thực tiễn nhất định. Tuy nhiên, các công trình đó chưa đi sâu nghiên cứu, phân tích "Tội<br />
sản xuất, buôn bán hàng giả" dưới góc độ pháp lý hình sự, nên chưa đưa ra những kiến nghị giải<br />
pháp hoàn thiện pháp luật để nâng cao hiệu quả của hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đối với loại<br />
tội phạm này.<br />
Quá trình nghiên cứu đề tài này, Tác giả cũng đã tiếp thu, kế thừa những điểm phù hợp từ<br />
các công trình nghiên cứu trước đó để làm sáng tỏ khía cạnh hình sự của đề tài.<br />
3. Mục đích, phạm vi nghiên cứu của đề tài<br />
Mục đích của việc nghiên cứu đề tài này là nghiên cứu khái quát lịch sử pháp luật hình sự<br />
Việt Nam về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả qua các thời kỳ; nghiên cứu phân tích làm rõ Tội sản<br />
xuất, buôn bán hàng giả theo quy định tại BLHS hiện hành; nghiên cứu, đánh giá thực trạng hoạt<br />
động điều tra, truy tố và xét xử đối với loại tội phạm này trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh<br />
trong giai đoạn 2008-2012, để từ đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao<br />
hiệu quả trong hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn<br />
Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, trên phạm vi cả nước nói chung.<br />
Để thực hiện mục đích trên, luận văn có một số giới hạn về phạm vi nghiên cứu như sau:<br />
- Về đối tượng và địa bàn nghiên cứu: Luận văn tập trung nghiên cứu về Tội sản xuất, buôn<br />
bán hàng giả theo các Điều 156, 157, 158 BLHS năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009, quy<br />
định tại Chương XVI: Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; Đề tài nghiên cứu thực tiễn điều<br />
tra, truy tố, xét xử đối với tội phạm này trong những năm gần đây trên địa bàn Thành phố Hồ Chí<br />
Minh.<br />
- Về số liệu thống kê: Đề tài được nghiên cứu, khảo sát dựa trên số liệu về thụ lý điều tra,<br />
truy tố, xét xử về tội sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong<br />
khoảng thời gian 5 năm (từ 2008 đến 2012) của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh<br />
và Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.<br />
4. Phương pháp nghiên cứu<br />
<br />