TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI<br />
<br />
VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM<br />
<br />
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI &<br />
NHÂN VĂN<br />
<br />
VIỆN XÃ HỘI HỌC<br />
<br />
--------*-------<br />
<br />
NGUYỄN THỊ ÁNH TUYẾT<br />
<br />
QUAN HỆ GIỮA CHA MẸ VÀ CON CÁI TRONG GIA<br />
ĐÌNH NÔNG THÔN HIỆN NAY<br />
(Nghiên cứu trường hợp xã Trịnh Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam)<br />
<br />
Chuyên ngành: Xã hội học<br />
Mã số: 603130<br />
<br />
LUẬN VĂN THẠC SĨ XÃ HỘI HỌC<br />
Người hướng dẫn khoa học:<br />
GS.TS Trịnh Duy Luân<br />
<br />
Hà Nội, 2009<br />
<br />
1<br />
<br />
PHẦN I: MỞ ĐẦU<br />
1. Lý do chọn đề tài<br />
Trong lịch sử phát triển của mình, gia đình vừa là một đơn vị kinh tế, vừa<br />
là cái nôi đầu tiên và suốt đời nuôi dưỡng, giáo dục con người, duy trì và phát<br />
triển ở họ những quan hệ tình cảm đặc biệt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cùng<br />
với thiết chế giáo dục, gia đình có vai trò quan trọng trong việc xã hội hóa con<br />
người, từ con người sinh vật thành con người xã hội. Sự hình thành những chuẩn<br />
mực và định hướng giá trị tốt đẹp của gia đình không chỉ củng cố các mối quan<br />
hệ gia đình mà còn kiến tạo môi trường xã hội thuận lợi cho mỗi cá nhân được<br />
phát triển hài hòa và toàn diện. Về phương diện này, gia đình là cơ sở đầu tiên<br />
cho việc tái sản xuất ra con người và xã hội.<br />
Do những chức năng xã hội đặc thù của mình, gia đình góp phần quan<br />
trọng vào việc duy trì sự tồn tại của đời sống xã hội, phát triển kinh tế, ổn định<br />
xã hội, xây dựng các chuẩn mực và giá trị đạo đức, phong tục tập quán, lối sống<br />
văn hóa, giáo dục. Gia đình cũng là một mắt xích quan trọng trong mối quan hệ<br />
xã hội giữa con người với con người, con người với làng xóm, cộng đồng, đất<br />
nước. Bởi vậy, việc củng cố gia đình, xây dựng các quan hệ gia đình lành mạnh<br />
là cơ sở đầu tiên cho việc xây dựng các quan hệ xã hội tốt đẹp.<br />
Những năm gần đây, đời sống xã hội nước ta đã có nhiều thay đổi. Đời<br />
sống của người dân được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn có những biến đổi<br />
nhanh chóng. Quá trình giao lưu và hội nhập với các nước đã mở ra nhiều cơ hội<br />
nhưng cũng đem đến cho chúng ta nhiều thách thức. Những biến đổi trong quan<br />
hệ xã hội được phản chiếu trong những biến đổi của các quan hệ gia đình. Gia<br />
đình nông thôn nơi có khoảng 70 - 80% dân số Việt Nam sinh sống cũng không<br />
nằm ngoài dòng chảy lịch sử đó.<br />
Chẳng hạn như mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không chỉ<br />
dựa trên tình yêu thương mà còn trên cơ sở của pháp luật về quyền tự do cá<br />
nhân. Năm 1979, Pháp lệnh bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em được ban hành.<br />
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới tham gia<br />
2<br />
<br />
phê chuẩn Công ước Quốc tế về quyền trẻ em của Liên hợp quốc (tháng<br />
2/1990). Các quyền cơ bản của trẻ em được Việt Nam tôn trọng và luật hoá trên<br />
cơ sở phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, đặc biệt được<br />
thể hiện trong Luật chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) được Quốc hội thông<br />
qua ngày 15/6/2004. Bên cạnh đó, Luật Hôn nhân gia đình, Luật chống bạo lực<br />
gia đình cũng dần được ban hành và thực thi. Các chức năng của gia đình như<br />
chức năng kinh tế, giáo dục, duy trì và phát triển nòi giống, chức năng thỏa mãn<br />
tình cảm cũng được khẳng định, ghi nhận rõ ràng và khoa học hơn. Trách nhiệm<br />
và quyền lợi của các thành viên trong gia đình đang tiến dần tới sự công bằng,<br />
mối quan hệ giới cũng được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, trách nhiệm giữa các<br />
thành viên trong gia đình cũng không quá khắt khe như trước, mỗi người chịu<br />
trách nhiệm về hành vi của mình trước gia đình, pháp luật và xã hội. Sự biến đổi<br />
kinh tế - xã hội đã tác động sâu sắc đến sự biến đổi các quan hệ gia đình, trong<br />
đó có quan hệ giữa cha mẹ và con cái.<br />
Cho đến nay việc tìm hiểu thực chất chất keo kết dính trong mối quan hệ<br />
giữa các thành viên gia đình vẫn luôn là một vấn đề phức tạp. Có thể nói, sự gắn<br />
bó giữa các thành viên trong gia đình luôn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nó<br />
không phải chỉ đơn thuần là yếu tố vật chất mà còn là những yếu tố phi vật chất,<br />
những giá trị tinh thần, tình cảm, đạo đức vốn không thể thiếu được trong cuộc<br />
sống hàng ngày của gia đình. Thực tế cho thấy, vượt lên trên tất cả vẫn là những<br />
yếu tố về mặt tình cảm, sự yêu thương gắn bó giữa các thành viên trong gia<br />
đình. Chính những yếu tố này đã là cơ sở quan trọng nhất đối với sự tồn tại của<br />
các quan hệ gia đình.<br />
Mặc dù trên thực tế, nhiều mâu thuẫn bất đồng trong gia đình đã được nảy<br />
sinh từ những thay đổi trong quan niệm sống hay từ những lý do kinh tế nhưng<br />
chính tình cảm, sự yêu thương giữa các thành viên trong gia đình, sự nhường<br />
nhịn, hòa thuận trong mối quan hệ gia đình đã giúp các gia đình vượt qua được<br />
những khó khăn, trở ngại để tiếp tục tồn tại, gắn bó với nhau hơn.<br />
<br />
3<br />
<br />
Chính vì vậy, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đang trở thành một<br />
trong những mối quan tâm hàng đầu trong việc củng cố các mối quan hệ gia<br />
đình. Do đó, việc đánh giá mối quan hệ này trong gia đình là cần thiết để giúp ta<br />
nhận diện được về thực trạng của gia đình, nhận diện được sự thay đổi của gia<br />
đình nông thôn Việt Nam hiện nay.<br />
2. Vài nét về vấn đề nghiên cứu<br />
Gia đình là một trong những thiết chế xã hội cơ bản nhất có vai trò to lớn<br />
đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội, đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều<br />
ngành khoa học, trong đó có xã hội học. Những vấn đề gia đình và nhiều khía<br />
cạnh liên quan khác có nội dung hết sức phong phú đã được các nhà nghiên cứu<br />
tìm tòi, phát hiện và công bố trên các ấn phẩm nghiên cứu chuyên ngành khác<br />
nhau.<br />
Khi đề cập đến gia đình, người ta thường nói đến các chức năng của gia<br />
đình như chức năng tái sản xuất con người, chức năng kinh tế, chức năng xã hội<br />
hóa cá nhân và một số chức năng khác. Hiện nay, người ta còn đề cập đến những<br />
vấn đề xã hội của gia đình như: hôn nhân, ly hôn, bạo lực, giá trị, chuẩn mực, di<br />
cư... Tất cả những vấn đề đó đều có liên quan mật thiết với mối quan hệ cơ bản<br />
nhất trong gia đình: quan hệ giữa các thế hệ, trong đó có quan hệ giữa cha mẹ và<br />
con cái.<br />
Trong “Từ điển xã hội học” do NXB Larousse ấn hành năm 1973, đã định<br />
nghĩa gia đình là “Nhóm người gắn bó với nhau bằng một liên hệ hôn nhân,<br />
huyết thống hay là việc nhận con nuôi. Có sự tác động qua lại giữa chồng và vợ,<br />
giữa bố và mẹ, giữa cha mẹ với con cái, giữa anh chị em và họ hàng xa hơn.<br />
Tình hình đó tạo ra một loại cộng đồng ít nhiều hạn chế và được miêu tả bằng<br />
những nét riêng biệt. Cộng đồng ấy được xác định và được đóng khung trong<br />
những sự điều chỉnh xã hội chủ yếu mà không nhất thiết có liên hệ với tầm quan<br />
trọng của hành vi sinh đẻ” [Larousse, 1973, tr.131].<br />
Cũng bàn về định nghĩa gia đình, trong “Từ điển tâm lý học” (Penguin<br />
Books xuất bản năm 1985): “Theo một nghĩa chặt chẽ nhất, gia đình nói lên một<br />
4<br />
<br />
đơn vị thân tộc cơ bản. Trong hình thức tối thiểu của nó hay là hình thức hạt<br />
nhân, gia đình gồm mẹ, bố và các con. Rộng ra nó có thể nói lên gia đình mở<br />
rộng, có thể gồm ông, bà, anh chị em họ, con nuôi… tất cả đều hành động như<br />
một đơn vị được công nhận…” [Penguin Books, 1985, tr.269].<br />
Mối quan hệ trong gia đình phản ánh kết cấu nội tại của hệ thống gia đình.<br />
Hình thức, nội dung và cách thức quan hệ gia đình phụ thuộc vào các loại hình<br />
gia đình như truyền thống hay hiện đại, hạt nhân hay mở rộng… Ngoài ra, nó<br />
còn phụ thuộc vào cơ cấu gia đình và khung cảnh văn hóa xã hội.<br />
Trong gia đình truyền thống, một hệ thống các chuẩn giá trị cổ truyền được<br />
hình thành và tồn tại với những biểu tượng như “tam tứ đại đồng đường”, “đông<br />
con, nhiều cháu”, “tam tòng tứ đức”, “trên kính dưới nhường” v.v… Vấn đề<br />
quan hệ giữa các thế hệ vốn được xem như một chuẩn mực, giá trị. Các quan hệ<br />
này có sự phân biệt theo trật tự cha mẹ, con cái và chồng vợ, song quyền lực của<br />
cha mẹ và chồng (nam giới) không có tính tuyệt đối như trong gia đình Nho<br />
giáo. Con cái trong gia đình phải nghe lời và tuân thủ ý kiến của cha mẹ. Con<br />
cái phải biết ơn và tôn trọng cha mẹ.<br />
Ở Việt Nam, những khảo luận và phân tích về gia đình cũng đã được chú<br />
ý từ rất lâu. Trong lịch sử, cha ông ta không chỉ để lại cho con cháu những giá<br />
trị truyền thống về tính cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái, sự ham học<br />
hỏi và tôn trọng tri thức mà còn là sự tôn trọng và bảo vệ các giá trị gia đình và<br />
vai trò của nó trong việc tổ chức và điều hành xã hội. Điều này thể hiện rất rõ<br />
trong các câu chuyện lịch sử, trong văn chương bác học và văn học dân gian (Cá<br />
không ăn muối cá ươn. Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư..). Có khi gia<br />
đình là đề tài riêng biệt, cũng có khi nó được đề cập đến trong các đề tài khác và<br />
nó cũng thường được đề cập trong các chính sách, chiến lược xây dựng và phát<br />
triển đất nước.<br />
Khi bàn đến lĩnh vực gia đình không thể không nhắc tới các tác giả như<br />
Vũ Khiêu, Lê Thi, Trần Đình Hượu, Vũ Tuấn Huy, Vũ Mạnh Lợi, Mai Huy<br />
Bích, Lê Ngọc Văn, Mai Quỳnh Nam... với nhiều công trình nghiên cứu về gia<br />
5<br />
<br />