Tổng quan về thuế - Chương 2: Thuế giá trị gia tăng
lượt xem 6
download
Tài liệu trình bày khái niệm, đặc điểm của thuế giá trị gia tăng; thuế giá trị gia tăng hiện hành ở Việt Nam, phạm vi áp dụng, căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế, hóa đơn chứng từ, quy định về khai nộp thuế giá trị gia tăng và hoàn thuế giá trị gia tăng.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Tổng quan về thuế - Chương 2: Thuế giá trị gia tăng
- CHƢƠNG 2 THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG Mục tiêu cần đạt đƣợc: Sau khi học xong chương này người học cần: - Nắm được đặc trưng cơ bản của thuế GTGT - Phân biệt đối tượng chịu thuế, các trường hợp không chịu thuế và không tính thuế GTGT - Hiểu về các căn cứ tính thuế GTGT - Nắm được nội dung cơ bản của phương pháp khấu trừ thuế, của phương pháp tính trực tiếp trên GTGT. - Biết được các loại hóa đơn và sử dụng hóa đơn trong một số trường hợp cụ thể. - Biết về quy định liên quan đến khai thuế, nộp thuế GTGT. - Nắm được quy định về hoàn thuế GTGT. Nội dung chính của chƣơng: - Khái niệm, đặc điểm của thuế GTGT - Nội dung cơ bản của thuế GTGT hiện hành ở Việt Nam như: phạm vi áp dụng, căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế, hóa đơn chứng từ, quy định về khai, nộp thuế GTGT và hoàn thuế GTGT. 2.1. KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM CỦA THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG Thuế GTGT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Thuế GTGT có một số đặc điểm cơ bản sau đây: - Thuế GTGT là sắc thuế tiêu dùng nhiều giai đoạn không trùng lắp. Thuế GTGT đánh vào tất cả các giai đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh nhưng chỉ tính trên phần giá trị tăng thêm của mỗi giai đoạn. Tổng số thuế thu được của tất cả các giai đoạn đúng bằng số thuế tính trên giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng. 1
- Giá trị gia tăng là phần giá trị mới tạo ra trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đại lượng này có thể được xác định bằng phương pháp cộng hoặc phương pháp trừ. Theo phương pháp cộng, GTGT là trị giá các yếu tố cấu thành giá trị tăng thêm bao gồm tiền công và lợi nhuận. Theo phương pháp trừ, GTGT chính là khoản chênh lệch giữa tổng giá trị sản xuất và tiêu thụ trừ đi tổng giá trị hàng hoá, dịch vụ mua vào tương ứng.Tổng giá trị gia tăng ở tất cả các giai đoạn luân chuyển đúng bằng giá bán sản phẩm ở giai đoạn cuối cùng. Do vậy, tổng số thuế thu được của tất cả các giai đoạn đúng bằng số thuế tính trên giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng. - Thuế GTGT có tính trung lập kinh tế. Thuế GTGT không phải là yếu tố chi phí mà đơn thuần là yếu tố cộng thêm ngoài giá bán của người cung cấp hàng hoá, dịch vụ. Thuế GTGT không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi kết quả kinh doanh của người nộp thuế, bởi quá trình tổ chức và phân chia các chu trình kinh tế; sản phẩm được luân chuyển qua nhiều hay ít giai đoạn thì tổng số thuế GTGT phải nộp của tất cả các giai đoạn không thay đổi. Mục tiêu của thuế GTGT không phải để trực tiếp điều chỉnh sự chênh lệch về thu nhập hay tài sản, vì vậy thuế GTGT thường có ít mức thuế suất, ít khi đặt ra vấn đề miễn giảm thuế, đảm bảo đơn giản, ít gây ra sự méo mó. - Thuế GTGT là sắc thuế thuộc loại thuế gián thu. Người nộp thuế GTGT là tổ chức, cá nhân cung ứng hàng hoá, dịch vụ, người chịu thuế là người tiêu dùng cuối cùng.Với tư cách là người bán hàng, các nhà sản xuất, kinh doanh sẽ cộng số thuế GTGT vào giá bán hàng hoá, dịch vụ mà người mua phải trả khi mua hàng hoá, dịch vụ. Tiền thuế GTGT nằm trong giá thanh toán của hàng hoá dịch vụ được các cơ sở sản xuất kinh doanh nộp vào Ngân sách Nhà nước thay cho người tiêu dùng. - Thuế GTGT có tính chất luỹ thoái so với thu nhập. Thuế GTGT đánh vào hàng hoá, dịch vụ, người tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ là người phải trả khoản thuế đó, không phân biệt thu nhập cao hay thấp đều phải trả số thuế như nhau. Như vậy, nếu so sánh giữa số thuế phải trả so với thu nhập thì người nào có thu nhập cao hơn thì tỷ lệ này thấp hơn và ngược lại. 2
- - Thuế GTGT có tính lãnh thổ, đối tượng chịu thuế là người tiêu dùng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Thuế GTGT đánh vào hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nội địa, bất kể hàng hóa dịch vụ đó được tạo ra ở trong nước hay nhập khẩu từ nước ngoài. Thuế GTGT có nguồn gốc từ thuế doanh thu. Năm 1918 người đầu tiên nghĩ ra thuế này là một người Đức tên là CARL FRIEDRICH VON SIEMENS. Mặc dù vậy, ông không thuyết phục được Chính phủ Đức áp dụng vào thời bấy giờ. Nước đầu tiên trên thế giới áp dụng thuế GTGT là Pháp, bắt đầu áp dụng thí điểm trong một số ngành cá biệt từ 01/07/1954 và đến 01/01/1968 đưa vào áp dụng chính thức. Ngay từ buổi đầu thuế GTGT được áp dụng ở Pháp đã đáp ứng được hai mục tiêu cơ bản là đảm bảo số thu kịp thời vào NSNN và khắc phục tình trạng trùng lắp của thuế doanh thu trước đây. Do có những ưu việt nổi trội của thuế GTGT nên ngày càng có nhiều nước trên thế giới đưa vào áp dụng. Ở Việt Nam, thuế GTGT được bắt đầu nghiên cứu từ khi tiến hành cải cách thuế bước 1 (năm 1990). Luật thuế GTGT được Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 10/5/1997 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1999, thay cho thuế doanh thu trước đây. Kể từ khi bắt đầu áp dụng cho đến nay đã có nhiều sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Các lần sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT vào các năm 2003, 2005, 2008, 2013, 2014 và 2016. 2.2. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG HIỆN HÀNH Ở VIỆT NAM 2.2.1. Phạm vi áp dụng 2.2.1.1. Người nộp thuế GTGT Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT ở Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh (gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế GTGT (gọi là người nhập khẩu). 3
- 2.2.1.2. Đối tượng chịu thuế GTGT Đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hoá, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT. 2.2.1.3. Đối tượng không chịu thuế GTGT Tại các văn bản pháp luật về thuế GTGT quy định một số nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT. Nhìn chung, các hàng hoá, dịch vụ này thường có một trong các tính chất cơ bản sau đây: - Các hàng hoá, dịch vụ mang tính chất thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống sản xuất cộng đồng không đặt vấn đề điều tiết tiêu dùng như dịch vụ y tế; văn hoá, giáo dục, đào tạo; vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện;... - Các hàng hoá, dịch vụ thuộc các hoạt động được ưu đãi vì mục tiêu xã hội, nhân đạo, không mang tính chất kinh doanh như hàng nhập khẩu trong các trường hợp hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; hàng hóa bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam; phát sóng truyền thanh, truyền hình theo chương trình, bằng nguồn tiền Ngân sách nhà nước cấp,... - Các hàng hoá, dịch vụ của một số ngành cần khuyến khích như sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc mới sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu; sản phẩm muối; … - Hàng hoá nhập khẩu nhưng thực chất không phục vụ cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam như hàng chuyển khẩu, quá cảnh, mượn đường qua Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công đã ký với nước ngoài. 4
- - Một số dịch vụ khó xác định giá trị tăng thêm như dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán. 2.2.1.4. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT được khái quát thành các nhóm chủ yếu sau đây: - Giao dịch không phải là mua bán hàng hoá, dịch vụ như: + Cơ sở kinh doanh nhận được các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác. + Các khoản thu hộ không liên quan đến việc bán hàng hoá, dịch vụ của cơ sở kinh doanh. + Hàng hóa luân chuyển nội bộ như hàng hoá được xuất để chuyển kho nội bộ, xuất vật tư, bán thành phẩm, để tiếp tục quá trình sản xuất trong một cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc hàng hoá, dịch vụ do cơ sở kinh doanh xuất hoặc cung ứng sử dụng phục vụ hoạt động kinh doanh thì không phải tính, nộp thuế GTGT. + Trường hợp xuất máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa dưới hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả, nếu có hợp đồng và các chứng từ liên quan đến giao dịch phù hợp, cơ sở kinh doanh không phải lập hóa đơn, tính, nộp thuế GTGT. + Điều chuyển tài sản cố định (TSCĐ): TSCĐ đang sử dụng, đã thực hiện trích khấu hao khi điều chuyển theo giá trị ghi trên sổ sách kế toán giữa cơ sở kinh doanh và các đơn vị thành viên do một cơ sở kinh doanh sở hữu 100% vốn hoặc giữa các đơn vị thành viên do một cơ sở kinh doanh sở hữu 100% vốn để phục vụ cho hoạt động SXKD hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT thì không phải lập hoá đơn và kê khai, nộp thuế GTGT. Trường hợp tài sản cố định khi điều chuyển đã thực hiện đánh giá lại giá trị tài sản hoặc điều chuyển cho cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch 5
- vụ không chịu thuế GTGT thì phải lập hoá đơn GTGT, kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định. + Điều chuyển tài sản giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong DN; điều chuyển tài sản khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình DN. + Góp vốn bằng tài sản để thành lập DN - Cơ sở kinh doanh trong nước mua dịch vụ của nước ngoài, dịch vụ diễn ra ngoài Việt Nam: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam, bao gồm các trường hợp: sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (bao gồm cả vật tư, phụ tùng thay thế); quảng cáo, tiếp thị (trừ quảng cáo, tiếp thị trên internet); xúc tiến đầu tư và thương mại; môi giới bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài; đào tạo; chia cước dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam, dịch vụ thuê đường truyền dẫn và băng tần vệ tinh của nước ngoài theo quy định của pháp luật. - Bán tài sản không tham gia hoạt động kinh doanh: Tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế GTGT bán tài sản. - Các trường hợp xuất phát từ quản lý, ngăn ngừa khả năng gian lận thuế, như: + Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hợp tác xã (không phải tính nộp thuế tại cơ sở chuyển nhượng và cũng không phải kê khai thuế đầu vào tại cơ sở nhận chuyển nhượng). + Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. 6
- Trường hợp doanh nghiệp hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán hàng hoá là các sản phẩm nêu trên cho người mua là hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì doanh nghiệp hợp tác xã phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5%. Hộ, cá nhân kinh doanh, DN, HTX và tổ chức kinh tế khác nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu. - Các trường hợp khác: + Thu đòi người thứ 3 của hoạt động bảo hiểm. + Tiền thu về hàng hóa, dịch vụ do nhận bán đại lý và tiền hoa hồng được hưởng từ hoạt động đại lý bán đúng giá quy định của bên giao đại lý hưởng hoa hồng đối với các dịch vụ: bưu chính, viễn thông, bán vé xổ số, vé máy bay, ô tô, tàu hoả, tàu thuỷ; đại lý vận tải quốc tế; đại lý của các dịch vụ ngành hàng không, hàng hải mà được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%; đại lý bán bảo hiểm. + Tiền thu về bán hàng hoá, dịch vụ và tiền hoa hồng đại lý được hưởng từ hoạt động đại lý bán hàng hoá, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT. + Tổ chức, doanh nghiệp nhận các khoản thù lao từ cơ quan nhà nước do thực hiện hoạt động thu hộ, chi hộ các cơ quan nhà nước. + Tổ chức, doanh nghiệp nhận các khoản thù lao từ cơ quan nhà nước do thực hiện hoạt động thu hộ, chi hộ các cơ quan nhà nước. Đây là các khoản thù lao nhận được từ các hoạt động thu hộ bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự nguyện cho cơ quan Bảo hiểm xã hội; chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công và trợ cấp khác cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; thu thuế của hộ, cá nhân cho cơ quan thuế và các khoản thu hộ, chi hộ khác cho cơ quan nhà nước. 2.2.2. Căn cứ tính thuế Thuế GTGT được tính dựa trên hai căn cứ đó là giá tính thuế và thuế suất. 7
- 2.2.2.1. Giá tính thuế Nguyên tắc xác định giá tính thuế GTGT là giá chưa có thuế GTGT. Giá tính thuế GTGT được quy định cụ thể như sau: - Đối với hàng hóa nhập khẩu là giá nhập khẩu tại cửa khẩu cộng (+) với thuế nhập khẩu (nếu có), cộng (+) thuế TTĐB (nếu có). Giá nhập khẩu tại cửa khẩu làm căn cứ tính thuế GTGT được xác định theo các quy định về giá tính thuế hàng hóa nhập khẩu. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế GTGT là giá hàng hoá nhập khẩu cộng với (+) thuế nhập khẩu cộng (+) thuế TTĐB (nếu có) xác định theo mức thuế phải nộp sau khi đã được miễn, giảm. Ví dụ 1: Một doanh nghiệp nhập khẩu 01 chiếc ô tô 4 chỗ ngồi, trị giá nhập khẩu 200 triệu đồng, thuế nhập khẩu ô tô 200 triệu đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt của ô tô 200 triệu đồng. Như vậy giá tính thuế GTGT của ô tô nhập khẩu sẽ là: 200 tr đ + 200 tr đ + 200 tr đ = 600 tr đ Thuế suất thuế GTGT của ô tô nhập khẩu nói trên là 10%. Số thuế GTGT doanh nghiệp phải nộp khi nhập khẩu ô tô là: 600 tr đ x10% = 60 tr đ - Đối với dịch vụ do phía nước ngoài cung ứng cho các đối tượng tiêu dùng ở Việt Nam, giá tính thuế GTGT là giá dịch vụ phải thanh toán cho phía nước ngoài. Ví dụ 2: Công ty A ở Việt nam thuê một công ty ở nước ngoài thiết kế xây dựng, hợp đồng ghi rõ số tiền chưa có thuế GTGT phải trả công ty ở nước ngoài là 100 triệu thì giá tính thuế GTGT trong trường hợp này là 100 triệu đồng. - Đối với hàng hóa, dịch vụ do cơ sở sản xuất, kinh doanh bán ra hoặc cung ứng cho đối tượng khác là giá bán chưa có thuế GTGT, bao gồm cả khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh được hưởng. Trường hợp cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức giảm giá bán thì giá tính thuế GTGT là giá bán 8
- đã giảm ghi trên hoá đơn. Đối với một số trường hợp cụ thể, giá tính thuế được quy định như sau: + Đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thì giá tính thuế GTGT là giá bán đã có thuế TTĐB nhưng chưa có thuế GTGT. + Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, biếu, tặng hoặc để trả thay lương; đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cơ sở kinh doanh xuất để tiêu dùng không phục vụ cho sản xuất, kinh doanh hoặc cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế GTGT thì giá tính thuế GTGT được xác định theo giá tính thuế của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại cùng thời điểm phát sinh các hoạt động này. Ví dụ 3: Một cơ sở sản xuất xe đạp, dùng 100 chiếc xe đạp để đổi lấy nguyên liệu. Giá bán chưa có thuế GTGT một chiếc xe đạp tại thời điểm phát sinh hoạt động trao đổi là 700.000 đ. Như vậy giá tính thuế GTGT của 100 chiếc xe đạp dùng để trao đổi là: 700.000 đ/chiếc x 100 chiếc = 70.000.000 đ. + Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại, giá tính thuế được xác định bằng không (0); trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế như hàng hóa, dịch vụ dùng để tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho. Ví dụ 4: Công ty điện máy Hải Hoàng, tháng 6/N có thực hiện một đợt khuyến mại nhận dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập công ty, theo hình thức mua 3 sản phẩm tặng 1 sản phẩm. Số sản phẩm sử dụng để khuyến mại lại 200 sản phẩm. Chương trình khuyến mại được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại. Theo đó, đối với 200 sản phẩm tặng kèm khi mua sản phẩm trong tháng 6/N, Công ty xác định giá tính thuế bằng không (0). Trường hợp chương trình khuyến mại không được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục khuyến mại theo quy định của pháp luật về 9
- thương mại, Công ty phải kê khai, tính thuế GTGT đối với 200 sản phẩm tặng kèm khi mua sản phẩm trong tháng 6/N. + Giá tính thuế GTGT đối với dịch vụ cho thuê tài sản là giá cho thuê chưa có thuế. Trường hợp cho thuê theo hình thức thu tiền thuê từng kỳ hoặc thu trước tiền thuê cho một thời hạn thuê thì thuế GTGT tính trên số tiền thu từng kỳ hoặc thu trước, bao gồm cả các khoản thu dưới hình thức khác như thu tiền để hoàn thiện, sửa chữa, nâng cấp nhà cho thuê theo yêu cầu của bên thuê. Ví dụ 5: Tháng 2 năm N, công ty M cho thuê 01 kho chưa hàng, hợp đồng ghi rõ: - Thời hạn thuê: 04 năm - Tổng số tiền cho thuê chưa có thuế GTGT cho cả kỳ hạn thuê: 100 triệu đồng - Mỗi năm bên thuê trả tiền một lần vào ngày 10 tháng 2, số tiền hàng năm bên thuê trả là 22 triệu đồng. Ngày 10 tháng 02 năm N công ty M đã nhận được tiền thuê cho năm đầu tiên với số tiền là 25 triệu đồng. Như vậy, giá tính thuế GTGT công ty A phải kê khai khi xác định thuế GTGT phải nộp của tháng 2 năm N đối với hoạt động cho thuê nhà là 25 triệu đồng. Ví dụ 6: Tháng 8 năm N công ty X cho thuê 01 căn nhà. hợp đồng ghi rõ: - Thời hạn thuê: 10 tháng - Tổng số tiền cho thuê chưa có thuế GTGT 70 triệu đồng - Trả tiền một lần cho cả kỳ hạn thuê trong tháng 8 năm N - Theo yêu cầu của bên thuê, công ty N phải sửa chữa, nâng cấp nhà cho thuê, chi phí này theo thực tế hết 50 triệu đồng.Toàn bộ chi phí này bên thuê trả cho công ty N cùng với số tiền thuê nhà. Ngày 05 tháng 08 năm N công ty X đã nhận toàn bộ tiền do bên thuê trả theo đúng cam kết ghi trong hợp đồng. Như vậy, giá tính thuế GTGT công ty X phải 10
- kê khai khi xác định thuế GTGT phải nộp của tháng 8 năm N đối với hoạt động cho thuê nhà là 70 triệu đồng + 50 triệu đồng = 120 triệu đồng . + Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp, trả chậm thì giá tính thuế là giá bán trả một lần chưa có thuế GTGT của hàng hoá đó (không bao gồm lãi trả góp, trả chậm), không tính theo số tiền trả góp, trả chậm từng kỳ. Ví dụ 7: Công ty thương mại bán xe máy loại 100cc. Nếu mua trả tiền ngay, giá bán chưa có thuế GTGT là 24 triệu đồng. Nếu mua trả góp thì phải trả ngay 6 triệu đồng, còn lại trả dần trong 6 tháng, mỗi tháng 3,5 triệu đồng. Vậy tổng số tiền mà người mua phải trả khi mua trả góp là 6 triệu đồng + 6 x3,5 triệu đồng = 27 triệu đồng. Nhưng giá tính thuế GTGT vẫn chỉ là 24 triệu đồng/ chiếc. Giả sử trong tháng 3 năm N công ty đã bán được 20 chiếc xe máy trả góp. Giá tính thuế GTGT công ty phải kê khai khi xác định số thuế GTGT phải nộp của tháng 3 năm N đối với hoạt động bán xe máy trả góp là: 20 chiếc x 24 triệu đồng = 480 triệu đồng. + Đối với gia công hàng hóa, giá tính thuế là giá gia công chưa có thuế GTGT, bao gồm: tiền công, tiền nhiên liệu, động lực, vật liệu phụ và các chi phí khác để gia công do bên nhận gia công phải chịu. Ví dụ 8: Cơ sở A nhận may gia công 200 bộ quần áo đồng phục cho công ty B.Tiền gia công một bộ bao gồm: - Tiền công 100.000 đ - Tiền chỉ 10.000 đ - Khấu hao TSCĐ 8.000 đ - Chi phí khác 22.000 đ ______________ 140.000 đ Vậy giá tính thuế GTGT là 140.000 đ x 200 bộ = 28.000.000 đ 11
- + Giá tính thuế đối với xây dựng, lắp đặt là giá chưa có thuế GTGT mà bên nhận xây dựng nhận được không phân biệt có bao thầu hay không bao thầu nguyên vật liệu. Trường hợp xây dựng, lắp đặt thực hiện thanh toán theo hạng mục công trình hoặc giá trị khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành bàn giao thì giá tính thuế tính theo giá trị hạng mục công trình hoặc giá trị khối lượng công việc hoàn thành bàn giao chưa có thuế GTGT. Ví dụ 9: Công ty xây dựng Hải Nam nhận thầu xây dựng công trình bao gồm cả giá trị vật tư xây dựng, tổng giá trị thanh toán chưa có thuế GTGT là 1.000 triệu đồng, trong đó giá trị vật tư xây dựng là 700 triệu đồng; giá trị xây dựng 300 triệu đồng thì giá tính thuế GTGT là 1.000 triệu đồng. + Đối với dịch vụ hưởng tiền công hoặc tiền hoa hồng, giá tính thuế là tiền công hoặc tiền hoa hồng được hưởng chưa có thuế GTGT. + Đối với vận tải, bốc xếp, giá tính thuế là giá cước vận tải, bốc xếp chưa có thuế GTGT. + Đối với cơ sở hạ tầng kỹ thuật do các cơ sở kinh doanh được nhà nước giao đất xây dựng để chuyển nhượng gắn với chuyển quyền sử dụng đất, thì giá tính thuế GTGT là giá thực tế chuyển nhượng cơ sở hạ tầng cùng với chuyển quyền sử dụng đất chưa có thuế GTGT, trừ tiền sử dụng đất phải nộp vào NSNN theo quy định khi giao đất. Ví dụ 10: Công ty đầu tư và phát triển nhà C được Nhà nước giao 10.000m² đất để xây dựng nhà bán, trong đó 3.000 m² đất sử dụng làm đường nội bộ trong khu quy hoạch không phải nộp tiền sử dụng đất. Tiền sử dụng đất phải nộp NSNN theo giá 200.000 đồng/m². Công ty bán 01 căn nhà có diện tích đất là 50m², giá bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất chưa có thuế GTGT là 300 triệu đồng (trong đó giá nhà 200 triệu đồng, giá chuyển quyền sử dụng đất là 100 triệu) Giá tính thuế GTGT đối với căn nhà trên là: 300 triệu đồng – (50m² x 200.000 đồng/m²) = 290 triệu đồng 12
- + Đối với hàng hóa, dịch vụ có tính đặc thù dùng các chứng từ như tem bưu chính, vé cước vận tải, vé xổ số kiến thiết... ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì giá chưa có thuế được xác định như sau: Giá thanh toán (tiền bán vé, bán tem...) Giá chưa có thuế GTGT = 1 + (%) thuế suất của hàng hóa, dịch vụ đó Ví dụ 11: Một bưu điện tỉnh trong tháng bán 10.000 con tem, giá mỗi con tem 800 đ, thì giá chưa có thuế GTGT được xác định như sau: Giá ghi trên tem 10.000 x 800 đ = 8.000.000 đ Giá chưa có thuế GTGT = 8.000.000 đ / 1 + 10% = 7.272.728 đ + Đối với dịch vụ du lịch theo hình thức lữ hành, hợp đồng ký với khách hàng theo giá trọn gói thì giá trọn gói của cơ sở kinh doanh được xác định là giá đã có thuế GTGT. Trường hợp giá trọn gói bao gồm các khoản chi vé máy bay vận chuyển khách du lịch từ nước ngoài vào Việt nam, từ Việt nam đi nước ngoài, các chi phí ăn nghỉ, tham quan và một số khoản chi ở nước ngoài khác (nếu có chứng từ hợp pháp) thì các khoản thu của khách hàng để chi cho các khoản trên không thuộc diện chịu thuế GTGT tại Việt Nam. Thời điểm để xác định giá tính thuế GTGT là thời điểm cơ sở kinh doanh đã chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa, dịch vụ (đối với trường hợp xây dựng, lắp đặt là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành), không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. 2.2.2.2. Thuế suất thuế GTGT Thuế suất thuế GTGT được áp dụng thống nhất theo loại hàng hoá, dịch vụ ở các khâu nhập khẩu, sản xuất gia công hay kinh doanh thương mại. Hiện hành các mức thuế suất thuế GTGT gồm có 0%, 5% và 10%. Việc quy định các mức thuế suất khác nhau thể hiện chính sách điều tiết thu nhập và hướng dẫn tiêu dùng đối với hàng hoá, dịch vụ. Trong điều kiện hiện nay của nước ta, do mặt bằng kinh doanh của các 13
- nghành nghề chưa đồng nhất nên sự phân biệt về thuế suất là phù hợp, tuy nhiên mặt trái của cơ chế nhiều thuế suất là tính phức tạp, làm tăng chi phí quản lý và chấp hành luật thuế, có thể “bóp méo” giá cả tương đối giữa các hàng hoá chịu thuế suất khác nhau. Các mức thuế suất cụ thể hiện hành được quy định như sau: - Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0%. Hàng hóa xuất khẩu bao gồm:Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, kể cả ủy thác xuất khẩu; Hàng hóa bán vào khu phi thuế quan theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; hàng bán cho cửa hàng miễn thuế; Hàng hóa bán mà điểm giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam; Phụ tùng, vật tư thay thế để sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, máy móc thiết bị cho bên nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; Các trường hợp được coi là xuất khẩu theo quy định của pháp luật: Hàng hóa gia công chuyển tiếp theo quy định của pháp luật thương mại về hoạt động mua, bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công hàng hóa với nước ngoài; Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật; Hàng hóa xuất khẩu để bán tại hội chợ, triển lãm ở nước ngoài. Dịch vụ xuất khẩu bao gồm dịch vụ cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan và tiêu dùng trong khu phi thuế quan. Vận tải quốc tế bao gồm vận tải hành khách, hành lý, hàng hóa theo chặng quốc tế từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài đến Việt Nam, hoặc cả điểm đi và đến ở nước ngoài, không phân biệt có phương tiện trực tiếp vận tải hay không có phương tiện. Trường hợp, hợp đồng vận tải quốc tế bao gồm cả chặng vận tải nội địa thì vận tải quốc tế bao gồm cả chặng nội địa. 14
- Dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung cấp trực tiếp cho tổ chức ở nước ngoài hoặc thông qua đại lý Các hàng hóa, dịch vụ khác: Hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan; Hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0%; Dịch vụ sửa chữa tàu bay, tàu biển cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Điều kiện áp dụng thuế suất 0%: Có hợp đồng bán, gia công hàng hóa xuất khẩu; hợp đồng ủy thác xuất khẩu; Có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật; Có tờ khai hải quan (đối với hàng hóa xuất khấu). Các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% gồm: +Tái bảo hiểm ra nước ngoài; chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài; chuyển nhượng vốn, cấp tín dụng, đầu tư chứng khoán ra nước ngoài; dịch vụ tài chính phái sinh; dịch vụ bưu chính, viễn thông chiều đi ra nước ngoài (bao gồm cả dịch vụ bưu chính viễn thông cung cấp cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; cung cấp thẻ cào điện thoại di động đã có mã số, mệnh giá đưa ra nước ngoài hoặc đưa vào khu phi thuế quan); sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản; + Thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu; + Hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan, trừ các trường hợp khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ + Xăng, dầu bán cho xe ô tô của cơ sở kinh doanh trong khu phi thuế quan mua tại nội địa; + Xe ô tô bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; + Các dịch vụ do cơ sở kinh doanh cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan bao gồm: cho thuê nhà, hội trường, văn phòng, khách sạn, kho bãi; dịch 15
- vụ vận chuyển đưa đón người lao động; dịch vụ ăn uống (trừ dịch vụ cung cấp suất ăn công nghiệp, dịch vụ ăn uống trong khu phi thuế quan); + Các dịch vụ sau cung ứng tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài không được áp dụng thuế suất 0% gồm: Thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật, văn hóa, giải trí, hội nghị, khách sạn, đào tạo, quảng cáo, du lịch lữ hành; Dịch vụ thanh toán qua mạng; Dịch vụ cung cấp gắn với việc bán, phân phối, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam. - Mức thuế suất 5%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng và các hàng hoá, dịch vụ cần ưu đãi như nước sạch phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt; thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; giáo cụ, đồ dùng để giảng dạy và học tập; thực phẩm tươi sống chưa qua chế biến ở khâu kinh doanh thương mại; dịch vụ khoa học và công nghệ;… - Mức thuế suất 10%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc trường hợp áp dụng thuế suất 0%, 5%; như sản phẩm điện tử; dầu mỏ, khí đốt; sản phẩm may mặc; xây dựng, lắp đặt; dịch vụ tư vấn;… 2.2.3. Phƣơng pháp tính thuế giá trị gia tăng Thuế GTGT cơ sở kinh doanh phải nộp được tính theo một trong hai phương pháp: phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp trên GTGT. Đối tượng áp dụng và việc xác định thuế phải nộp theo từng phương pháp như sau: 2.2.3.1. Phương pháp khấu trừ thuế a. Đối tượng áp dụng: cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ bao gồm: - Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên và thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp; 16
- - Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp; - Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam kê khai khấu trừ nộp thay. b. Cách tính thuế GTGT phải nộp: Thuế GTGT Thuế GTGT đầu vào Số thuế GTGT phải nộp = - đầu ra được khấu trừ Trong đó: - Số thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng tổng số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn GTGT. Thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT bằng giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra nhân (x) với thuế suất thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ đó. Trường hợp sử dụng chứng từ ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì thuế GTGT đầu ra được xác định bằng giá thanh toán trừ (-) giá chưa có thuế GTGT. Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng tính thuế theo phương pháp khấu trừ thuế khi bán hàng hóa, dịch vụ phải tính và nộp thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra. Khi lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ, cơ sở kinh doanh phải ghi rõ giá bán chưa có thuế, thuế GTGT và tổng số tiền người mua phải thanh toán. Trường hợp hóa đơn chỉ ghi giá thanh toán (trừ trường hợp được phép dùng chứng từ đặc thù), không ghi giá chưa có thuế và thuế GTGT thì thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra phải tính trên giá thanh toán ghi trên hóa đơn, chứng từ. Ví dụ 12: Một công ty sản xuất hàng may mặc trong kỳ tính thuế có tình hình tiêu thụ trong tháng như sau: - Bán 100 bộ quần áo cho công ty thương mại A, giá bán chưa có thuế GTGT 100.000 đ/ bộ 17
- - Bán 50 bộ quần áo cho doanh nghiệp B, hóa đơn chỉ ghi giá thanh toán 110.000 đ/ bộ. - Biết thuế suất thuế GTGT của sản phẩm may mặc là 10%. Trong trường hợp này thuế GTGT đầu ra sẽ tính như sau: - Đối với số quần áo bán cho công ty thương mại A, thuế GTGT đầu ra sẽ là: 100 bộ x 100.000 x 10% = 1.000.000 đ - Đối với số quần áo bán cho doanh nghiệp B, thuế GTGT đầu ra sẽ là: 50 bộ x 110.000 x 10% =550.000 đ - Tổng thuế GTGT đầu ra của công ty 1.550.000 đ Cơ sở kinh doanh phải chấp hành chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hoá đơn, chứng từ. Trường hợp hoá đơn ghi sai mức thuế suất thuế giá trị gia tăng mà cơ sở kinh doanh chưa tự điều chỉnh, cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện thì xử lý như sau: Đối với cơ sở kinh doanh bán hàng hoá, dịch vụ: Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hoá đơn cao hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì phải kê khai, nộp thuế GTGT theo thuế suất đã ghi trên hoá đơn; Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hoá đơn thấp hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì phải kê khai, nộp thuế GTGT theo thuế suất thuế GTGT quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT. - Thuế GTGT đầu vào bằng (=) tổng số thuế GTGT ghi trên hoá đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định) dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT, số thuế GTGT ghi trên chứng từ nộp thuế của hàng hoá nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam. 18
- Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào là loại được dùng chứng từ đặc thù ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì cơ sở được căn cứ vào giá đã có thuế để xác định giá không có thuế và thuế GTGT đầu vào được khấu trừ. Ví dụ 13: Trong kỳ, Công ty A thanh toán dịch vụ đầu vào được tính khấu trừ là loại đặc thù: Tổng giá thanh toán 110 triệu đồng (giá có thuế GTGT), dịch vụ này chịu thuế là 10%, số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ tính như sau: 110 triệu ---------- x 10% = 10 triệu đồng 1 + 10% Giá chưa có thuế là 100 triệu đồng, thuế GTGT là 10 triệu đồng. Trường hợp hoá đơn ghi sai mức thuế suất thuế giá trị gia tăng mà các cơ sở kinh doanh chưa tự điều chỉnh, cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện thì xử lý như sau: Đối với cơ sở kinh doanh mua hàng hoá, dịch vụ: Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hoá đơn cao hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT; Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hoá đơn thấp hơn thuế suất quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất ghi trên hoá đơn. - Nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào: Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ dựa trên các nguyên tắc sau: Nguyên tắc 1: thuế GTGT đầu vào được khấu trừ là thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ, tài sản cố định dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT. 19
- Điều đó có nghĩa là thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ, nguyên nhiên vật liệu, tài sản cố định mua vào dùng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT thì sẽ không được khấu trừ. Nếu hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định, nguyên nhiên vật liệu mua vào dùng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế và không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ thuế số thuế đầu vào của các yếu tố mua vào dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế GTGT. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào của các yếu tố mua vào dùng cho từng hoạt động chịu thuế và không chịu thuế GTGT để làm căn cứ khấu trừ thuế. Trường hợp không thể hạch toán riêng được thuế đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ thì thuế đầu vào được tính khấu trừ theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu chịu thuế GTGT, doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra bao gồm cả doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế không hạch toán riêng được Một số trường hợp đặc thù của nguyên tắc 1 cần lưu ý: + Thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất cũng được khấu trừ. + Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ hình thành tài sản cố định là nhà ăn ca, nhà nghỉ giữa ca, phòng thay quần áo, nhà để xe, nhà vệ sinh, bể nước phục vụ cho người lao động trong khu vực sản xuất, kinh doanh và nhà ở, trạm y tế cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp được khấu trừ toàn bộ. + Thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định, máy móc, thiết bị, kể cả thuế GTGT đầu vào của hoạt động đi thuê những tài sản, máy móc, thiết bị này và thuế GTGT đầu vào khác liên quan đến tài sản, máy móc, thiết bị như bảo hành, sửa chữa trong các trường hợp sau đây không được khấu trừ mà tính vào nguyên giá của tài sản cố định hoặc chi phí được trừ theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành: Tài sản cố định chuyên dùng phục vụ sản xuất vũ khí, 20
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Bài giảng Luật kinh tế - TS. Phạm Văn Chắt
167 p | 1744 | 603
-
Bài giảng Luật thuế giá trị gia tăng - TS. Nguyễn Thanh Dương
50 p | 190 | 47
-
Bài giảng Trị giá hải quan: Bài 1 - Tổng quan về trị giá hải quan
26 p | 183 | 29
-
Bài giảng Luật Thuế và Luật Quản lý thuế trong lãnh vực hải quan - ThS. Đỗ Ngọc Dung
168 p | 96 | 16
-
Bài giảng Hướng dẫn Kê khai thuế (Sử dụng phần mềm Hỗ trợ kê khai (HTKK) 3.0)
84 p | 123 | 15
-
Bài giảng Chính sách thuế
117 p | 90 | 12
-
Bài giảng Tổng quan về luật thuế Việt Nam
20 p | 93 | 10
-
hệ thống văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng - phần 2
114 p | 92 | 9
-
Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 2014 - Những vấn đề đặt ra
10 p | 83 | 9
-
Báo cáo tập huấn: Những quy định pháp luật doanh nghiệp cần quan tâm
122 p | 113 | 8
-
Tổng luận Các chính sách thúc đẩy chuỗi giá trị toàn cầu
49 p | 39 | 8
-
Bài giảng TỔNG QUAN VỀ THẨM ĐỊNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ
62 p | 95 | 7
-
Câu hỏi và hướng dẫn giải về Thuế: Phần 2
140 p | 65 | 7
-
Câu hỏi và hướng dẫn giải về Thuế: Phần 1
111 p | 40 | 6
-
Bài giảng Hàng hóa là gì ?
8 p | 140 | 5
-
Tổng hợp phương pháp ước lượng thuế suất tương đương của các biện pháp phi thuế quan trong thương mại quốc tế
16 p | 56 | 5
-
Thực trạng và tác động của thuế hồng đối với người tiêu dùng nữ giới – Một số hàm ý chính sách
11 p | 40 | 3
-
Pháp luật Việt Nam về chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện
12 p | 27 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn