Trường Đại học Thủ Dầu Một và việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng phục vụ phát triển địa phương và khu vực
lượt xem 1
download
Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích và đánh giá vai trò của Trường Đại học Thủ Dầu Một trong việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương và khu vực Đông Nam Bộ. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng của Trường Đại học Thủ Dầu Một trong thời gian tới.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Trường Đại học Thủ Dầu Một và việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng phục vụ phát triển địa phương và khu vực
- TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ DẦU MỘT VÀ VIỆC CUNG ỨNG NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN ĐỊA PHƯƠNG VÀ KHU VỰC Nguyễn Hoàng Anh1 Tóm tắt: Con người là trung tâm của mọi chiến lược phát triển, chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố quyết định sự thành công của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Bình Dương. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bình Dương xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững. Trong thời gian tới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những thế mạnh giúp Bình Dương thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. Vì vậy, sứ mệnh Trường Đại học Thủ Dầu Một là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm đầu tiên thành lập trường với 06 ngành đào tạo, đến nay trường đào tạo đa ngành và đa lĩnh vực. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích và đánh giá vai trò của Trường Đại học Thủ Dầu Một trong việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương và khu vực Đông Nam Bộ. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng của Trường Đại học Thủ Dầu Một trong thời gian tới. Từ khóa: Trường Đại học Thủ Dầu Một, cung cấp nguồn nhân lực, nguồn nhân lực, nguồn nhân lực Bình Dương THU DAU MOT UNIVERSITY AND THE SUPPLY OF HIGH-QUALITY HUMAN RESOURCES FOR LOCAL AND REGIONAL DEVELOPMENT Abstract: People are the center of every development strategy, the quality of human resources is the decisive factor in the success of industrialization and modernization. Human resource development is one of the important strategic tasks to meet the requirements of socio-economic development in Binh Duong province. In the context of the fourth industrial revolution, Binh Duong identifies high-quality human resources as a key factor for sustainable development. In the coming time, improving the quality of human resources is one of the strengths that will help Binh Duong attract stronger investment. Therefore, the mission of Thu Dau Mot University is to train human resources to serve the socio- economic development of the province. The first year of establishment of the school with 6 training majors, now the school offers multi-disciplinary and multi-field training. Within the scope of this article, the author focuses on analyzing and evaluating the role of Thu Dau Mot University in providing quality human resources to serve socio-economic development in Binh Duong province and Southeast region. At the same time, propose some solutions to improve the ability to provide quality human resources of Thu Dau Mot University in the future. Keywords: Thu Dau Mot University, providing human resources, human resources, Binh Duong human resources 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Nguồn nhân lực trình độ cao là sản phẩm trực tiếp của giáo dục đại học. Trong xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc ứng dụng khoa học công nghệ đã làm thay đổi nhu cầu nguồn nhân lực theo hướng chuyên môn hóa, sử dụng công nghệ để thay thế lao động. Vì vậy, yêu cầu 1. Cựu học viên cao học Luật, Trường Đại học Thủ Dầu Một (Former graduate student of Law, Thu Dau Mot University). Corresponding email: nguyenhoanganhvn1998@gmail.com. 243
- đối với người lao động cũng ngày càng cao, phải có tri thức bậc cao, có kỹ năng chuyên môn sâu, ứng dụng khoa học công nghệ trong công việc. Điều này đã đặt ra yêu cầu cao hơn đối với giáo dục đại học vì nâng cao chất lượng giáo dục đại học sẽ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội đã đặt ra cho ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Dương nhiệm vụ rất nặng nề. Trên cơ sở tiếp nối và phát huy thành quả đã đạt được, việc định hướng phát triển giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tỉnh Bình Dương, đồng thời thực hiện Chương trình số 19-CTr/TU ngày 31/5/2021 của Tỉnh ủy Bình Dương về “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết đối với ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà, trong đó đặc biệt là Trường Đại học Thủ Dầu Một. Điểm nổi bật của chính sách phát triển giáo dục trong các văn kiện trên là xác định vai trò, tầm quan trọng của giáo dục đại học đối với việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đồng thời đưa ra các giải pháp mang tính đột phá về đổi mới quản trị đại học, đẩy mạnh kiểm định chất lượng, đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế để phát triển giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Là trường đại học đào tạo đa ngành, Trường Đại học Thủ Dầu Một đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tham gia vào đổi mới và phát triển giáo dục đại học Việt Nam. Để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực, trường đã xây dựng các chương trình đào tạo chuyên biệt, đặc thù, gắn với nhu cầu sử dụng của tỉnh. Bên cạnh đó, trường và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và khu vực cũng tăng cường hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học thông qua việc ký kết các hợp đồng, thỏa thuận đào tạo, sử dụng nhân lực. Đối tượng nghiên cứu của bài viết là Trường Đại học Thủ Dầu Một trong quá trình nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao tại Bình Dương. Phạm vi thời gian nghiên cứu bao gồm những năm gần đây của Nhà trường trong quá trình kiểm định chất lượng giáo dục cấp quốc gia, gia nhập tổ chức CDIO thế giới và kiểm định AUN đối với một số chương trình đào tạo. Bài viết kết hợp phương pháp định tính và định lượng để đánh giá thực trạng giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn hiện nay của Trường Đại học Thủ Dầu Một cũng như của tỉnh Bình Dương. Tác giả phân tích các số liệu thống kê của trường và của tỉnh công bố hàng năm, bài viết thu được kết quả về sự phát triển của giáo dục đại học và vấn đề cung ứng nguồn nhân lực của trường Đại học Thủ Dầu Một. Từ đó đánh giá thành công và hạn chế trong đào tạo nguồn nhân lực của Đại học Thủ Dầu Một. Từ thực trạng phát triển giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực của trường, bài viết đề xuất giải pháp nâng cao khả năng cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao của Trường Đại học Thủ Dầu Một. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Trong bài viết, tác giả sử dụng chủ yếu là phương pháp nghiên cứu phân tích và tổng hợp các nguồn dữ liệu đầu vào là các tạp chí, sách báo, thông tin trên mạng internet, những thông tin về chất lượng đào tạo thu thập tại Trường Đại học Thủ Dầu Một nhằm đưa ra kết quả là những nhận xét và đánh giá về năng lực của Trường Đại học Thủ Dầu Một trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường địa phương và khu vực. Có khá nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học về vấn đề chất lượng nguồn nhân lực giáo dục đại học và những bài viết về Trường Đại học Thủ Dầu Một, kết quả nghiên cứu dưới những góc độ khác nhau của các tác giả là tài liệu tham khảo quan trọng để hoàn thành bài viết này. Bài viết đưa ra những phân tích chi tiết và đề xuất những giải pháp mang tính thực tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của trường để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cấp bách về nguồn nhân lực chất lượng cao tại tỉnh Bình Dương và khu vực Đông Nam Bộ. 244
- 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN 3.1. Khái niệm nguồn nhân lực chất lượng cao Các nhà kinh tế học cho rằng: nhân lực chất lượng cao là hạt nhân của nguồn nhân lực, là toàn bộ thể thực, trí lực với trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng mà con người tích lũy được, có khả năng đem lại thu nhập vượt trội trong tương lai. “Nguồn nhân lực chất lượng cao là đội ngũ nhân lực có trình độ và năng lực cao, là lực lượng xung kích tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, thực hiện việc ứng dụng vào điều kiện nước ta, là hạt nhân đưa lĩnh vực của mình vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa được mở rộng theo kiểu “vết dầu loang”, bằng cách dẫn dắt những bộ phận có trình độ và năng lực thấp hơn, đi lên với tốc độ nhanh” (Phạm Minh Hạc, 2001). Ý kiến khác lại cho rằng “nhân lực chất lượng cao là một bộ phận của nguồn nhân lực, có trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật cao, có kỹ năng lao động giỏi và có sự thích ứng nhanh với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ sản xuất; có sức khỏe và phẩm chất tốt, có khả năng vận dụng sáng tạo những tri thức, những kỹ năng đã được đào tạo vào quá trình lao động sản xuất nhằm đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao” (Lê Quang Hùng, 2012). Theo cách hiểu mang tính chất định tính thì nguồn nhân lực chất lượng cao là một bộ phận của lực lượng lao động, có khả năng đáp ứng những yêu cầu phức tạp của công việc, từ đó tạo ra năng suất và hiệu quả cao. Theo cách hiểu mang tính chất định lượng thì nguồn nhân lực chất lượng cao là những người lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp và trình độ chuyên môn kỹ thuật. Một cách hiểu theo tính chất định lượng hẹp hơn: nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng, nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và hoạch định chính sách, nguồn nhân lực khoa học, công nghệ, đội ngũ giảng viên các trường đại học, cao đẳng,… Có thể thấy, khái niệm nguồn nhân lực chất lượng cao chưa có sự thống nhất. Vì vậy, theo tác giả, nguồn nhân lực chất lượng cao là một bộ phận của nguồn nhân lực nói chung, bao gồm những người có trình độ học vấn từ trung cấp, cao đẳng, đại học trở lên đang làm việc trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, có những đóng góp thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển của xã hội. 3.2. Đặc điểm của giáo dục đại học, mối quan hệ giữa giáo dục đại học và nguồn nhân lực chất lượng cao Giáo dục đại học là nguồn cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học còn thấp. Hiện nay, Việt Nam phân bổ 5% tổng GDP của cả nước cho giáo dục, riêng giáo dục bậc đại học được đầu tư 0,33% chiếm 6,1% tổng mức đầu tư của Chính phủ cho giáo dục. Mức đầu tư này rất thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Số lượng sinh viên đạt yêu cầu tiếng Anh không nhiều và đa số thuộc nhóm chuyên ngành. Được học tiếng Anh từ bậc tiểu học, học thêm ở các trung tâm Anh ngữ nhưng nhiều sinh viên không đủ điều kiện tốt nghiệp do còn nợ môn tiếng Anh. Điều này gây lãng phí cho xã hội, gia đình và cho chính bản thân người học. Năng lực ngoại ngữ kém còn dẫn đến việc khó xin việc làm. Không ít sinh viên khi xin việc không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng, khả năng giao tiếp tiếng Anh của các doanh nghiệp khi cần tuyển dụng nhân lực có trình độ cao. Thiếu định hướng nghề nghiệp là một trong những vấn đề lớn nhất mà sinh viên gặp phải. Nhiều sinh viên chưa có định hướng rõ ràng về ngành học của mình. Một số chọn ngành theo sự sắp đặt của cha mẹ, hoặc theo xu hướng đám đông mà không biết có thật sự phù hợp với khả năng của mình hay không. Chính điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo dẫn đến tình trạng nguồn nhân lực đầu ra yếu kém, khó đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Việc chú trọng lý thuyết hơn thực hành trong phương pháp giảng dạy đã khiến cho sinh viên không nắm bắt được thực tế công việc, vì luôn có khoảng cách từ lý thuyết đến thực hành, dẫn đến số lượng sinh viên có thể đáp ứng nhu cầu công việc thực tế ở các doanh nghiệp còn hạn chế. Sinh viên yếu về kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành xã hội, như giao tiếp tiếng Anh, kỹ năng làm việc nhóm, xử lý vấn đề, kỹ năng tin học, sử dụng các phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ hỗ trợ công việc. Sinh viên yếu kỹ năng mềm sẽ khó hòa nhập và làm việc thiếu hiệu quả, do vậy mất đi cơ hội được các doanh nghiệp tuyển dụng. 245
- Mối quan hệ giữa giáo dục đại học và nguồn nhân lực chất lượng cao có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội: - Giáo dục đại học giúp cho người học có tri thức, trình độ chuyên môn, trình độ tư duy đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Văn kiện hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII khẳng định: Nguồn nhân lực chất lượng cao là bộ phận ưu tú nhất của nguồn nhân lực đất nước, bao gồm những người tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống; có trình độ học vấn, chuyên môn cao; có sức khỏe tốt (theo độ tuổi); luôn đi đầu trong lao động, sáng tạo khoa học, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vậy nguồn nhân lực chất lượng cao có năng lực tư duy lý luận. Nhiệm vụ hàng đầu của giáo dục đại học là trang bị tri thức và trình độ chuyên môn, trình độ tư duy cho nguồn nhân lực. - Giáo dục đại học giúp cho sinh viên phát triển và hoàn thiện nhân cách, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao thể chất. Nhân cách con người được hình thành, phát triển thông qua các mối quan hệ tác động giữa con người với thiên nhiên, với xã hội, đồng thời thông qua các mối quan hệ lao động, văn hóa, xã hội, giáo dục,... trong đó giáo dục giữ vai trò chủ đạo. Giáo dục xác định nội dung, chương trình nhằm đào tạo nên những con người theo các giá trị, chuẩn mực nhân cách nhất định. - Giáo dục đại học giúp sinh viên có được phương pháp làm việc khoa học và khả năng thích ứng nhanh với biến đổi của môi trường làm việc. Giáo dục đại học trực tiếp bồi dưỡng cho phương pháp làm việc khoa học và khả năng thích ứng nhanh với sự biến đổi của môi trường làm việc, phương pháp làm việc khoa học của sinh viên được hình thành và từng bước nâng cao. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giáo dục đại học ở nước ta đã thể hiện rõ vai trò của mình đối với việc phát triển nguồn nhân lực, tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao có tri thức, đạo đức, trình độ chuyên môn, trình độ tư duy khoa học, kỹ năng, kỹ xảo. Nguồn nhân lực chất lượng cao này đã đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 3.3. Nhu cầu của Bình Dương và khu vực về nguồn nhân lực có chất lượng Trong các nguồn lực của sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia thì con người có vai trò quyết định quan trọng nhất. Nguồn nhân lực chính là yếu tố quyết định việc xã hội có phát triển nhanh và bền vững hay không. Xã hội càng phát triển thì vai trò của nguồn nhân lực càng quan trọng. Chính vì thế, chăm lo phát triển nguồn nhân lực là yếu tố bảo đảm chắc chắn nhất cho sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước; đầu tư cho nguồn nhân lực là đầu tư chiến lược và hiệu quả. Phát triển nguồn nhân lực không những nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn vì sự hoàn thiện bản thân con người. Văn kiện Đại hội XIII đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 - 2030. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của giáo dục. Người khẳng định: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh thời cũng đã nói “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Bình Dương đang phát triển theo định hướng xanh, thông minh, bền vững, xây dựng đô thị thông minh, đáng sống, nghĩa tình, đầu tư hạ tầng hiện đại để phục vụ cho sự phát triển. Mục tiêu đến năm 2030, các tỉnh, thành trong Vùng Đông Nam bộ, trong đó có Bình Dương phấn đấu đạt mức thu nhập bình quân đầu người trên 14.000 đô la Mỹ (Bộ Chính trị, 2022). Để đạt được mục tiêu này, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt quyết định và Trường Đại học Thủ Dầu Một có vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Tỉnh Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương đã tạo dựng được những thành tựu to lớn về nhiều mặt. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Bình Dương đặt ra yêu cầu thu hút ngày càng lớn nguồn nhân lực có trình độ cao để đáp ứng cho các ngành kinh tế, kỹ thuật, dịch vụ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền 246
- vững (Nguyễn Văn Hiệp & Đinh Thị Hoa, 2014). Với lợi về vị trí địa lý, hạ tầng, chính sách phát triển nguồn nhân lực của tỉnh được triển khai tích cực, đồng bộ, góp phần đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Công tác đào tạo nguồn nhân lực; thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao vào các ngành có nhu cầu, đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp (Trịnh Bình, 2018). Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, Bình Dương và khu vực Đông Nam Bộ vẫn đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho sản xuất tại các doanh nghiệp nước ngoài. Mặc dù tỷ lệ lao động qua đào tạo tại Bình Dương đang gia tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Ông Kim Won Sik - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc nhận định doanh nghiệp hiện gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn nhân lực chất lượng cao: “Chúng tôi hiểu rằng, các doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm lao động nhưng nếu doanh nghiệp tốt thì nền kinh tế của tỉnh Bình Dương mới phát triển mạnh. Chính vì thế, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng nên có kế hoạch và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về nhân lực chất lượng cao để chúng tôi yên tâm đầu tư lâu dài” (Thiên Lý, 2020). Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn thấp, trình độ và tay nghề chưa cao. Tỷ lệ người lao động đã qua đào tạo (có văn bằng hoặc chứng chỉ) ở Bình Dương chưa cao. Những năm gần đây, nhu cầu nhân lực chất lượng cao tại Bình Dương ngày càng lớn. Phần lớn các doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động đã qua đào tạo nghề, có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp đã tiến hành cải tiến, đầu tư trang thiết bị hiện đại để đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường nên rất cần đội ngũ công nhân kỹ thuật, người lao động có tay nghề cao. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, lao động đã qua đào tạo nghề hiện nay còn gặp nhiều khó khăn; tình trạng thiếu và thừa nguồn lao động vẫn đang tiếp diễn. Cụ thể, quý I năm 2024, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang cần nhiều lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Trong đó, các ngành may, giày da, gỗ cần nhiều lao động phổ thông, kể cả lao động không có tay nghề và liên tục thông báo tuyển dụng (Quang Tâm, 2024). Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng lao động ở các vị trí yêu cầu chuyên môn kỹ thuật cao như: quản lý lãnh đạo, kế toán, quản lý và cán bộ kỹ thuật. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn quan ngại vấn đề về chi phí cho đào tạo lại, đào tạo lao động, tình trạng lao động nhảy việc, bỏ việc sau khi được đào tạo. Thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ quá trình phát triển và hội nhập kinh tế; ngành nghề đào tạo tuy đa dạng về số lượng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, chưa phát triển các ngành nghề về tài chính - tín dụng, bảo hiểm, logistics, quản lý doanh nghiệp,... Vì vậy, yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng, lao động có trình độ, tay nghề trở nên cấp thiết đối với Bình Dương cũng như khu vực Đông Nam Bộ. Với lợi thế từ 08 trường đại học trên địa bàn, Bình Dương cần tận dụng nguồn nhân lực là giảng viên, sinh viên, các cơ sở thí nghiệm để khai thác khả năng sáng tạo của nguồn lực lao động, nhằm đào tạo ra một thế hệ lao động có kỹ năng tốt, sáng tạo trong tương lai. 3.4. Trường Đại học Thủ Dầu Một và khả năng cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng Sứ mệnh của Trường Đại học Thủ Dầu Một: là trung tâm văn hóa, giáo dục và khoa học, công nghệ; cung cấp nguồn nhân lực và sản phẩm khoa học công nghệ có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế tỉnh Bình Dương, miền Đông Nam Bộ và cả nước. Với tầm nhìn: trở thành trường đại học thông minh với nhiều trường thành viên, vào bảng xếp hạng 350 Châu Á năm 2030, người học có năng lực làm việc trong và ngoài nước (Trường Đại học Thủ Dầu Một, 2018). Trường đã nỗ lực trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo. Năm 2023, trường đã nhận Giấy chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp cơ sở giáo dục - chu kỳ 2 (Hồng Phương, 2023). Hiện tại, trường có 08 ngành đạt chuẩn kiểm định AUN-QA. Trường xếp vị trí thứ 20 các trường đại học tại Việt Nam theo hệ thống đánh giá 247
- Webometics, xếp vị trí 15 trong Top 100 trường theo bảng xếp hạng đại học Việt Nam VNUR và đạt chuẩn 4 sao UPM. Hiện nay, Trường Đại học Thủ Dầu Một đào tạo 47 chương trình đại học, 11 chương trình thạc sĩ, 1 chương trình tiến sĩ. Đến nay, đã có 35.000 sinh viên và học viên của trường tốt nghiệp tham gia vào thị trường lao động tại tỉnh Bình Dương, Đông Nam Bộ và cả nước (Xuân Mai, 2024) được người sử dụng lao động đánh giá cao. Trường thiết kế chương trình đào tạo theo khung trình độ quốc gia, chuẩn kiểm định MOET, AUN và điều chỉnh phù hợp theo yêu cầu của thị trường lao động, cũng như theo khuyến nghị của các chuyên gia kiểm định. Trong những năm gần đây, trường đã tổ chức đào tạo hai giai đoạn để sinh viên có thể lựa chọn chuyên ngành. Cùng với việc sắp xếp, thiết kế lại nội dung chương trình dạy và học phù hợp với những yêu cầu về năng lực nghề nghiệp của thị trường lao động. Vấn đề đào tạo công nghệ thông tin - chuyển đổi số, ngoại ngữ, kỹ năng xã hội cho sinh viên cũng được trường quan tâm, chú trọng. Trường đã tổ chức được học phần học tại nước ngoài, đi thực tế ở nước ngoài đối với một số ngành kinh tế, ngoại ngữ. Trường cũng đã phát triển lĩnh vực đào tạo bồi dưỡng về ngoại ngữ, công nghệ thông tin - chuyển đổi số cho doanh nghiệp, công chức, viên chức; bồi dưỡng các chức danh nghề nghiệp cho giáo viên phổ thông; mở các lớp đào tạo nguồn nhân lực theo đặt hàng của các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Ninh Thuận. Từ năm 2022, Trường được tỉnh giao trọng trách thực hiện Đề án đào tạo chuyển đổi số cho cán bộ công chức, người lao động, sinh viên, học sinh và người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025 (BTT, 2022). Ngày 26/12, Trường Đại học Thủ Dầu Một và Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Sun Edu đã ký thỏa thuận hợp tác (MOU) về chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn tại miền Đông Nam Bộ (Ngọc Tấn, 2023). Trường đã tăng cường các giải pháp bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực như: Xây dựng đội ngũ giảng viên trên cơ sở bảo đảm chuẩn nghề nghiệp; bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất. Mỗi chương trình chọn giảng dạy bằng tiếng Anh với 10-20% tín chỉ. Trường đẩy mạnh quản trị đại học theo hướng tự chủ và hội nhập quốc tế, bám sát xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trường nghiên cứu mở ngành đào tạo mới và đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng phát triển tư duy biện luận, tư duy sáng tạo, trang bị kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên. Trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với thực tiễn sản xuất, đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của xã hội. Trong công tác đào tạo, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã có những chuyển biến tích cực về việc đổi mới công tác đào tạo; đổi mới nội dung chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy. Thứ nhất, trường xác định đổi mới công tác đào tạo là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển; đổi mới công tác đào tạo là trách nhiệm của tất cả các đơn vị khoa, phòng, cán bộ, giảng viên và đổi mới trên tất cả các phương diện như nội dung chương trình, quy mô đào tạo, phương pháp giảng dạy, công tác quản trị. Thứ hai, về đổi mới nội dung chương trình đào tạo, Trường Đại học Thủ Dầu Một tiếp cận các chuẩn mực giáo dục đại học tiên tiến; trường xây dựng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn CDIO; tất các các ngành học đều được giảng dạy về tư duy phản biện, tư duy sáng tạo. Thứ ba, về phương pháp giảng dạy, trường đã tiếp cận nhiều phương pháp giảng dạy và hình thành nên phương pháp giảng dạy chủ đạo là hoà hợp tích cực. Bên cạnh đó, về công tác quản trị đại học, trường chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng quản trị đại học theo hướng tiên tiến, hiện đại, phù hợp với xu thế hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam. Với những nỗ lực liên tục, chất lượng hoạt động đào tạo chuyển biến tích cực; trên 85% sinh viên ra trường có việc ngay sau khi tốt nghiệp; trường đã có uy tín xã hội và dần tiến tới đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu ngày càng cấp bách của địa phương và khu vực (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 2018). Ngày 13/10/2022, Trường Đại học Thủ Dầu Một và doanh nghiệp Lazada Logistics đã ký kết hợp đồng hợp tác đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực lĩnh vực logistics. Trường trở thành đối tác chiến lược cung ứng nguồn nhân lực logistic cho Lazada Việt Nam. Theo đó, trường sẽ tiếp nhận hồ sơ tuyển dụng, giới thiệu người học, sinh viên tốt nghiệp của khối ngành logistic và quản lý chuỗi cung ứng cho Lazada. Trường Đại học Thủ Dầu Một đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực theo “đặt hàng” từ phía Lazada. Đồng thời, Lazada hỗ trợ tiếp nhận sinh viên kiến tập, thực tập, tuyển dụng 248
- sinh viên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng làm việc tại doanh nghiệp. Nguồn nhân lực logistics đang thiếu hụt nghiêm trọng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vì vậy, đồng hành cùng các doanh nghiệp, Trường Đại học Thủ Dầu Một sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế. Doanh nghiệp Lazada sẽ tiếp nhận sinh viên của trường đến thực tập, trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh, vận hành hệ thống, điều phối khai thác vận tải, kho hàng của doanh nghiệp tại Bình Dương và thị trường phía Nam. Đội ngũ chuyên gia Lazada đóng góp ý kiến góp phần hoàn chỉnh và phát triển chương trình đào tạo gắn với yêu cầu của thị trường lao động trong lĩnh vực logistics, kinh tế và cử chuyên gia, nhà quản lý tham gia giảng dạy, trình bày seminar chuyên môn cho giảng viên, sinh viên; tham gia các chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp, ngày hội việc làm; hỗ trợ tiếp nhận, hướng dẫn sinh viên đến tham quan, thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Mặt khác, Trường Đại học Thủ Dầu Một cũng triển khai các khóa học để đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phối hợp tổ chức tọa đàm, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng. 3.5. Nâng cao khả năng cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng của Trường Đại học Thủ Dầu Một Nền kinh tế số với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mang lại những thay đổi to lớn cho nền kinh tế, từ đó cũng thay đổi lực lượng lao động. Những lao động mang tính chất giản đơn, lắp ráp sẽ dần được thay thế bằng máy móc, robot, mặt khác những lao động thích nghi được sẽ cần thêm các kỹ năng mới phù hợp với các phương thức sản xuất trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính vì vậy, một trong những yêu cầu đặt ra đối với tỉnh Bình Dương và khu vực Đông Nam Bộ là cần xây dựng chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực có chất lượng trong thời kỳ mới mà lực lượng nòng cốt chính là Trường Đại học Thủ Dầu Một. Vì thế, tác giả đưa ra một số giải pháp đề xuất nhằm nâng cao khả năng cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng của Trường Đại học Thủ Dầu Một, như sau: Thứ nhất, phân tích và dự báo cung - cầu nguồn nhân lực trình độ cao làm cơ sở xây dựng chiến lược đào tạo. Trường Đại học Thủ Dầu Một cần đổi mới công tác tuyển sinh trên cơ sở dự báo khoa học về nguồn nhân lực của địa phương và khu vực. Để khắc phục tình trạng thất nghiệp hoặc làm việc trái ngành, việc tuyển sinh phải căn cứ trên số liệu điều tra, khảo sát nhu cầu nhân lực của tỉnh Bình Dương và khu vực trong khoảng 5 – 10 năm, từ đó có kế hoạch phát triển ngành đào tạo và quy mô tuyển sinh, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời có đội ngũ tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Hiện tại, trường tuyển sinh chủ yếu dựa vào năng lực của nhà trường như đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất mà chưa dựa trên nhu cầu của thị trường. Những ngành học “hot” được thí sinh đăng ký rất nhiều, điểm đầu vào rất cao, nhưng sau khi ra trường, nhu cầu lao động ngành đó giảm, dẫn đến tình trạng sinh viên khó tìm được việc làm. Vì vậy, phân tích và dự báo cung - cầu nguồn nhân lực rất quan trọng làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược đào tạo của trường, đào tạo nguồn nhân lực cần gắn với thực tiễn của thị trường lao động. Thứ hai, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng phù hợp với tiêu chuẩn và xu thế phát triển của thời đại. Việc đào tạo cần gắn với nhu cầu nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương và khu vực. Cần chú trọng phát triển đào tạo các ngành nghề ưu tiên đang phát triển theo nhu cầu của các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương và khu vực. Cần duy trì các chương trình, các hệ đào tạo khác nhau để đảm bảo tính linh hoạt, đa dạng cho sinh viên theo học đồng thời đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội. Chuyển hướng đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu thực tiễn. Với đề án Thành phố thông minh, Bình Dương đã đề ra mục tiêu phấn đấu trở thành địa phương có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, đào tạo phát triển. Vì vậy, trường cần xây dựng các chương trình đào tạo tiêu chuẩn quốc tế để giúp Bình Dương có được lực lượng lao động chất lượng cao. Trường Đại học Thủ Dầu Một cần chú trọng đào tạo thực hành và kỹ năng mềm cho sinh viên. Theo đó, mô hình “đào tạo kép”, phối hợp chương trình đào tạo của nhà trường với nhu cầu của nhà tuyển dụng sẽ giúp sinh viên có việc ngay sau khi ra trường và doanh nghiệp có nguồn nhân lực không phải đào tạo lại. Thứ ba, đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá, tăng cường nghiên cứu khoa học trong sinh viên. Việc dạy học đại học cần hướng tới tiếp cận năng lực người học, đảm bảo tính khoa học, tiên tiến, hiện đại cả về nội dung, phương pháp và phương tiện dạy học; cần hướng nhiều 249
- hơn tới hoạt động thực hành trong và ngoài trường, rèn luyện, phát triển kỹ năng nghề gắn với các công việc cụ thể mà sinh viên sẽ hành nghề sau khi tốt nghiệp. Hình thức dạy học cần linh hoạt, có thể trên giảng đường, lớp học, trong phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh,… Song song với việc rèn luyện kỹ năng nghề, cần bồi dưỡng kỹ năng tư duy, kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên. Cần xây dựng chuẩn đầu ra với sự tham gia của doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn, các chuyên gia trong cùng lĩnh vực, các cựu sinh viên đang làm việc cùng chuyên ngành. Cần đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển tư duy độc lập, sáng tạo của sinh viên. Trường cần đào tạo kiến thức “học phải đi đôi với hành”, lý thuyết phải gắn với thực tiễn; cần phải phân bổ và tổ chức chương trình học sao cho phù hợp giữa thời gian học lý thuyết và thời gian thực hành. Hơn nữa, sinh viên cần được đào tạo, trang bị bài bản về ngoại ngữ và tin học để đáp ứng yêu cầu công việc chuyên môn ngày càng cao. Ngoài ngoại ngữ là tiếng Anh, trường cũng cần quan tâm đào tạo thêm các loại ngoại ngữ khác như tiếng Nhật, tiếng Hoa cho sinh viên. Đồng thời đào tạo một số kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình và đạo đức nghề nghiệp. Thứ tư, xây dựng đội ngũ giảng viên trình độ chuyên môn cao, đạo đức và trách nhiệm. Thường xuyên có kế hoạch dự giờ của bộ môn, khoa và nhà trường để trao đổi chia sẻ kiến thức, phương pháp giảng dạy. Thường xuyên đánh giá phương pháp giảng dạy của giảng viên từ sinh viên và có phương pháp phù hợp nhất giúp sinh viên có thể tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất. Để cải thiện chất lượng giáo dục và đảm bảo sự phát triển bền vững của nhà trường, việc xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, đạo đức và trách nhiệm là vô cùng quan trọng. Cụ thể như sau: - Tuyển chọn giảng viên chất lượng: Tiêu chí tuyển dụng cần đặt ra các tiêu chí rõ ràng về trình độ học vấn (bằng cấp từ các trường đại học danh tiếng, các chứng chỉ chuyên môn), kinh nghiệm giảng dạy (ít nhất 3-5 năm kinh nghiệm) và thành tích nghiên cứu (các công bố khoa học, dự án nghiên cứu). Quy trình phỏng vấn cần tổ chức các vòng phỏng vấn nghiêm túc, bao gồm phỏng vấn chuyên môn, bài kiểm tra thực tế giảng dạy và đánh giá đạo đức nghề nghiệp. Lấy ý kiến phản hồi từ đồng nghiệp và sinh viên tại nơi làm việc trước đó để đảm bảo ứng viên có phẩm chất đạo đức tốt. - Đào tạo và phát triển chuyên môn: Cung cấp các khóa đào tạo, các buổi hội thảo và hội nghị chuyên môn định kỳ để giảng viên cập nhật kiến thức và kỹ năng mới. Khuyến khích giảng viên tham gia các khóa học nâng cao, các chương trình đào tạo ở nước ngoài hoặc các chương trình hợp tác quốc tế. Tạo điều kiện và hỗ trợ tài chính cho giảng viên tham gia các dự án nghiên cứu, viết bài báo khoa học và tham gia các hội thảo quốc tế. Thiết lập các quỹ nghiên cứu nội bộ để tài trợ cho các dự án nghiên cứu của giảng viên. - Phát triển đạo đức nghề nghiệp: Xây dựng và phổ biến bộ quy tắc ứng xử trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp. Tổ chức các khóa học, buổi thảo luận về đạo đức nghề nghiệp để giảng viên hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc hướng dẫn sinh viên và thực hiện nghiên cứu khoa học. - Đánh giá phương pháp giảng dạy từ sinh viên: Khảo sát định kỳ và liên tục, thiết kế các bảng khảo sát chi tiết với các câu hỏi liên quan đến phương pháp giảng dạy, mức độ tiếp thu kiến thức, sự hứng thú của sinh viên và các yếu tố khác ảnh hưởng đến quá trình học tập. Thực hiện khảo sát vào giữa và cuối mỗi học kỳ để thu thập thông tin liên tục và kịp thời. Sử dụng phần mềm phân tích dữ liệu để xử lý và phân tích kết quả khảo sát, từ đó xác định các vấn đề cần cải thiện. Tổ chức các buổi họp để thông báo kết quả cho giảng viên, thảo luận về các giải pháp và lên kế hoạch hành động cụ thể để cải thiện phương pháp giảng dạy. - Đưa ra phương pháp giảng dạy phù hợp nhất: Đa dạng hóa phương pháp giảng dạy. Sử dụng mô hình giảng dạy kết hợp giữa giảng dạy trực tiếp và trực tuyến, tạo điều kiện để sinh viên học tập linh hoạt và tiếp cận nhiều nguồn tài liệu. Áp dụng phương pháp học tập theo dự án, giúp sinh viên phát triển kỹ năng thực hành và làm việc nhóm. - Liên kết với thực tiễn: Mời các chuyên gia từ doanh nghiệp và các lĩnh vực chuyên môn khác 250
- đến giảng dạy hoặc thuyết trình, giúp sinh viên có cái nhìn thực tế hơn về ngành học. Tạo cơ hội cho sinh viên tham gia vào các dự án thực tế và chương trình thực tập, giúp họ áp dụng kiến thức vào thực tiễn và phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Thực tế, trường đã thực hiện hoạt động liên kết thực tiễn trong quá trình quản lý. Đặc biệt về hoạt động đào tạo, hàng năm nhà trường hoặc các chương trình đào tạo đều có nhiều hoạt động, sự kiện liên quan đến liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, mời các chuyên gia tham gia góp ý chương trình đào tạo, tổ chức các diễn đàn, buổi tham quan học tập thực tế. Ngoài ra các chương trình đào tạo cũng lồng ghép các học phần thực tập, thực tế cho sinh viên tiếp cận với thực tiễn môi trường làm việc. Những giải pháp này sẽ tạo ra một môi trường học tập tích cực, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của giảng viên và sinh viên, đảm bảo chất lượng giáo dục cao và bền vững cho nhà trường. Tuy nhiên, hằng năm, tình trạng giảng viên nghỉ việc, điều chuyển công việc rất nhiều, ngoài vấn đề tuyển chọn thì việc giữ chân nhân tài cũng vô cùng quan trọng. Nhà trường phải tạo điều kiện, hỗ trợ, giảng viên trong việc tạo ra môi trường làm việc hòa nhập và năng động, giúp cân đối và phù hợp các mục tiêu cá nhân với mục tiêu của nhà trường bằng các yếu tố chính sách về lương, thưởng, phúc lợi, yếu tố về lãnh đạo chuyển đổi, vai trò của môi trường làm việc phù hợp. Thứ năm, tăng cường cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ đào tạo, thiết bị hỗ trợ cho sinh viên có điều kiện học tập, thực hành tốt nhất. Thư viện cần được đầu tư và nâng cao hiệu quả hoạt động. Trang bị đầy đủ các dụng cụ, máy móc hiện đại, vật tư cho các phòng thí nghiệm. Việc tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật là yếu tố then chốt để đảm bảo chất lượng đào tạo. Để sinh viên có điều kiện học tập và thực hành tốt nhất, cần đầu tư vào các hạng mục sau: - Đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị hỗ trợ học tập: Trang bị công nghệ giảng dạy tiên tiến, mỗi phòng học nên được trang bị hệ thống âm thanh chất lượng cao, máy chiếu hoặc màn hình lớn và bảng tương tác điện tử. Các công nghệ này không chỉ hỗ trợ giảng viên trong việc trình bày mà còn tăng cường sự tham gia của sinh viên trong các bài giảng. Thiết kế không gian học tập linh hoạt, phòng học nên có thiết kế linh hoạt, cho phép dễ dàng thay đổi bố trí bàn ghế để phục vụ các hoạt động học nhóm, thảo luận hoặc các buổi hội thảo. Điều này tạo ra một môi trường học tập động, khuyến khích sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên. Trường học nên cung cấp các thiết bị như máy tính xách tay hoặc máy tính bảng cho sinh viên, đặc biệt là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Các thiết bị này giúp sinh viên có thể truy cập tài liệu học tập và thực hiện các bài tập một cách hiệu quả hơn. Đầu tư vào các phần mềm học tập và các công cụ quản lý học tập trực tuyến như Moodle, Blackboard hay Canvas, giúp giảng viên và sinh viên dễ dàng quản lý, chia sẻ tài liệu và theo dõi tiến độ học tập. - Nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện và website trường: Phát triển thư viện số, tăng cường số hóa tài liệu, cung cấp các tài liệu học thuật, sách điện tử, bài báo khoa học và các cơ sở dữ liệu trực tuyến. Điều này giúp sinh viên và giảng viên có thể truy cập tài liệu học tập mọi lúc, mọi nơi. Cải tạo và mở rộng không gian thư viện để tạo ra các khu vực học tập nhóm, khu vực nghiên cứu cá nhân và các phòng học nhỏ. Đảm bảo thư viện có đủ chỗ ngồi và các tiện nghi như wifi mạnh, ổ cắm điện và các thiết bị hỗ trợ học tập khác. Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ như tư vấn nghiên cứu, hướng dẫn sử dụng thư viện số và các khóa học ngắn hạn về kỹ năng tìm kiếm và sử dụng tài liệu học thuật. Website nhà trường cần có giao diện thân thiện, dễ sử dụng và cung cấp đầy đủ thông tin về các khóa học, lịch học, tài liệu giảng dạy và các dịch vụ hỗ trợ sinh viên. Cải tiến hệ thống quản lý thông tin sinh viên để giúp sinh viên và giảng viên dễ dàng truy cập và quản lý thông tin học tập. Xây dựng các diễn đàn, kênh thông tin và ứng dụng di động để sinh viên và giảng viên có thể tương tác, trao đổi và cập nhật thông tin nhanh chóng. Điều này giúp tạo nên một cộng đồng học tập gắn kết và hiệu quả. - Trang bị phòng thí nghiệm và các dụng cụ hiện đại. Đầu tư thiết bị hiện đại, mỗi phòng thí nghiệm cần được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại phù hợp với từng ngành học. Ví dụ, các ngành kỹ thuật cần có máy in 3D, máy cắt laser, các hệ thống mô phỏng; ngành hóa học cần có các máy phân tích phổ, máy đo nhiệt độ cao và các dụng cụ phân tích hóa chất. Đảm bảo các thiết bị thí nghiệm luôn trong tình trạng hoạt động tốt bằng cách thực hiện bảo trì định kỳ và nâng cấp khi cần thiết. Thiết lập các quy trình quản lý và sử dụng thiết bị rõ ràng, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong 251
- quá trình sử dụng. Đảm bảo cung cấp đầy đủ các vật tư tiêu hao như hóa chất, mẫu vật, linh kiện điện tử, để sinh viên có thể tiến hành các thí nghiệm và thực hành một cách liên tục và không bị gián đoạn. Thiết lập hệ thống quản lý và theo dõi tình trạng vật tư, đảm bảo việc tái cung ứng kịp thời và tránh lãng phí. Sử dụng các phần mềm quản lý kho để theo dõi và quản lý vật tư hiệu quả. - Liên kết với doanh nghiệp và các tổ chức bên ngoài: Hợp tác với doanh nghiệp, thiết lập các chương trình hợp tác đào tạo với các doanh nghiệp, giúp sinh viên có cơ hội thực tập, tham gia các dự án thực tế và tiếp cận với công nghệ hiện đại tại các doanh nghiệp. Điều này không chỉ giúp sinh viên áp dụng kiến thức vào thực tế mà còn tạo điều kiện để họ có thể tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp tài trợ các trang thiết bị hiện đại, các vật tư tiêu hao, hoặc cung cấp học bổng cho sinh viên. Điều này giúp tăng cường mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, đồng thời nâng cao chất lượng cơ sở vật chất của nhà trường. Hợp tác với các tổ chức nghiên cứu, hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và các viện khoa học để cùng thực hiện các dự án nghiên cứu, chia sẻ tài liệu và trang thiết bị nghiên cứu. Điều này giúp giảng viên và sinh viên tiếp cận với các công nghệ tiên tiến và phát triển kỹ năng nghiên cứu. Những giải pháp này, khi được thực hiện đồng bộ và hiệu quả, sẽ không chỉ nâng cao chất lượng cơ sở vật chất và kỹ thuật phục vụ đào tạo, mà còn tạo ra môi trường học tập hiện đại và tiên tiến, giúp sinh viên phát triển toàn diện về kiến thức và kỹ năng. Điều này sẽ góp phần nâng cao uy tín và chất lượng giáo dục của nhà trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động. Thứ sáu, tổ chức quản lý đào tạo. Tổ chức quy mô đào tạo hợp lý dựa vào tiềm lực của từng khoa, ngành để nâng cao chất lượng đào tạo. Giảng viên chủ nhiệm sẽ thay thế bằng cán bộ chuyên trách tư vấn học tập tại các khoa. Trường, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà tuyển dụng cần tăng cường phối hợp trong việc phát triển chương trình, địa bàn học tập, hướng dẫn tay nghề và sử dụng lao động. Tổ chức các lớp đào tạo ngoài giờ về tin học và ngoại ngữ để sinh viên đạt chuẩn trước khi ra trường. - Phân tích giải pháp tổ chức quản lý đào tạo: Phát triển quy mô đào tạo hợp lý theo tiềm lực của từng khoa, ngành. Đánh giá tiềm lực hiện tại, trước tiên, cần tiến hành đánh giá chi tiết về nguồn lực hiện có của từng khoa, bao gồm số lượng giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, và các nguồn lực tài chính. Dựa trên đánh giá này, xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn lực một cách hợp lý. Các ngành có tiềm năng phát triển mạnh mẽ và nhu cầu nhân lực cao từ thị trường lao động nên được ưu tiên đầu tư thêm về nhân sự và cơ sở vật chất. - Cán bộ chuyên trách tư vấn học tập: Tuyển dụng các cán bộ có chuyên môn sâu về tư vấn học tập và quản lý giáo dục. Đảm bảo rằng họ được đào tạo về các kỹ năng tư vấn, hướng nghiệp và quản lý sinh viên. Thay thế hình thức giảng viên chủ nhiệm bằng đội ngũ cán bộ chuyên trách, nhằm chuyên nghiệp hóa công tác tư vấn học tập và hướng dẫn sinh viên. Cán bộ này sẽ có trách nhiệm hỗ trợ sinh viên trong việc lập kế hoạch học tập, giải quyết các vấn đề học tập và định hướng nghề nghiệp. Đội ngũ cán bộ này cần phối hợp chặt chẽ với giảng viên và bộ phận quản lý để cung cấp hỗ trợ toàn diện cho sinh viên, từ việc lựa chọn môn học, chuẩn bị cho kỳ thi, đến tìm kiếm cơ hội thực tập và việc làm. - Phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp và nhà tuyển dụng: Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức tuyển dụng trong việc phát triển chương trình đào tạo. Điều này đảm bảo rằng chương trình học được cập nhật thường xuyên và phản ánh đúng nhu cầu của thị trường lao động. Tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các chương trình thực tập và hướng dẫn tay nghề tại các doanh nghiệp. Điều này không chỉ giúp sinh viên áp dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn mà còn nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và tạo mối quan hệ với các nhà tuyển dụng tiềm năng. Xây dựng các mối quan hệ hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp để tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tổ chức các buổi gặp gỡ, hội thảo và ngày hội việc làm để kết nối sinh viên với các nhà tuyển dụng. Tổ chức quản lý đào tạo một cách hiệu quả và khoa học là nền tảng quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Bằng cách phát triển quy mô đào tạo hợp lý theo tiềm lực của từng khoa, thay 252
- thế giảng viên chủ nhiệm bằng cán bộ chuyên trách tư vấn học tập, tăng cường phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp, và nhà tuyển dụng, cũng như tổ chức các lớp đào tạo ngoài giờ về tin học và ngoại ngữ, nhà trường không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mà còn chuẩn bị tốt hơn cho sinh viên bước vào thị trường lao động. Điều này sẽ tạo ra một môi trường học tập toàn diện và hiệu quả, giúp sinh viên phát triển tối đa khả năng và kỹ năng của mình. 4. KẾT LUẬN Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đến thành công và phát triển của xã hội. Bình Dương là một trong những tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh đứng đầu Việt Nam. Việc đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng sẽ góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng của tỉnh, để xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại trong tương lai. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI nhiệm kỳ 2021 – 2025 xác định “phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại”. Sứ mệnh của Trường Đại học Thủ Dầu Một là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Đông Nam Bộ. Trường Đại học Thủ Dầu Một là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực phát triển theo định hướng nghiên cứu ứng dụng. Hiện nay, trường đang đẩy mạnh tiến độ xây dựng chương trình đào tạo theo mô hình CDIO đối với tất cả các ngành đào tạo. Với những nỗ lực không ngừng, trường đã đạt được những kết quả bước đầu trong công tác đào tạo đội ngũ giảng viên đáp ứng được yêu cầu, xứng đáng là cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín của tỉnh Bình Dương và khu vực phía Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì cũng có những vấn đề cơ bản cần hoàn thiện. Trường Đại học Thủ Dầu Một cần làm tốt công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động để xây dựng chiến lược đào tạo. Trường cũng cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác hơn nữa với các doanh nghiệp. Khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng, gắn trường học với thực tiễn xã hội. Trường cũng cần thực hiện tốt Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 – 2025, ngày 15/01/2019 của Chính phủ về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ đó, giáo dục đại học sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của Bình Dương và khu vực. TÀI LIỆU THAM KHẢO BTT. (2022, April 15). “Lễ công bố Đề án Đào tạo chuyển đổi số và Quyết định thành lập Trung tâm Dự báo”. https://tdmu.edu.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/le-cong-bo-de-an-dao-tao-chuyen-doi-so-va-quyet-dinh- thanh-lap-trung-tam-du-bao. Bộ Chính trị. (2022, October 7). Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hồng, P. (2023, May 29). “Trường Đại học Thủ Dầu Một đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp cơ sở giáo dục - chu kỳ 2”. https://baobinhduong.vn/truong-dai-hoc-thu-dau-mot-dat-chuan-kiem-dinh- chat-luong-giao-duc-cap-co-so-giao-duc-chu-ky-2-a293552.html. Lê, Q. H. (2012, April 15). Phát triển nhân lực chất lượng cao vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Luận án Tiến sĩ Kinh tế. Ngọc, T. (2023, December 26). “Trường Đại học Thủ Dầu Một hợp tác với Sun Edu về đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn”. https://khcn.tdmu.edu.vn/Menu/ChiTietBaiViet/81. Nguyễn, V.H., & Đinh, T.H. (2014). “Bình Dương – nơi đang cần nguồn nhân lực có trình độ cao”. Tạp chí Trường Đại học Thủ Dầu Một, (16). https://vjol.info.vn/index.php/tdm/article/view/17599. Phạm, M.H. (2001). Nghiên cứu con người và nguồn nhân lực đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. 253
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. (2018, May 7). “Xây dựng Trường Đại học Thủ Dầu Một phát triển theo định hướng ứng dụng, tiên tiến và chuẩn quốc tế”. https://vccinews.vn/print/ 24233/%E2%80%9Cxay-dung-truong-dai-hoc-thu-dau-mot-phat-trien-theo-dinh-huong-ung-dung- tien-tien-va-chuan-quoc-te%E2%80%9D.html Quang, T. (2024, May 29). “Nhiều doanh nghiệp vẫn “khát” lao động”. https://baobinhduong.vn/nhieu- doanh-nghiep-van-khat-lao-dong-a318634.html Thiên, L. (2020, October 7). “Bình Dương chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. https://vovworld.vn/vi-VN/xa-hoi-doi-song/binh-duong-chu-trong-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan- luc-908461.vov. Trịnh, B. (2018, May 29). “Bình Dương chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. https://nhandan.vn/nhan-dinh/binh-duong-chu-trong-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-315961. Trường Đại học Thủ Dầu Một. (2018). Nghị quyết số 05/NQ-HĐTr ngày 22/06/2018, cập nhật theo công văn số 161/ĐHTDM-HDTr(VP) ngày 10/12/2021. Xuân, M. (2024, May 18). “Trường Đại học Thủ Dầu Một: Tọa đàm về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp”. https://www.binhduong.gov.vn/tin-tuc/2024/05/735-truong-dai-hoc-thu-dau- mot-toa-dam-ve-dao-tao-nguon-nhan-luc-dap-ung-nhu-cau-cua-doanh-nghiep. 254
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Các nhân tố tác động đến động lực học tập của sinh viên hiện nay: Trường hợp sinh viên đại học ngành Quản lý nhà nước, trường Đại học Thủ Dầu Một
12 p | 6 | 2
-
Văn hóa ứng xử của sinh viên ngành Quản lý Nhà nước, Trường Đại học Thủ Dầu Một
9 p | 3 | 1
-
Thiết kế Pavilion tại khu vực I4 trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương
9 p | 3 | 1
-
Xây dựng đội ngũ giảng viên giai đoạn chuẩn bị thành lập Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Thủ Dầu Một
7 p | 3 | 1
-
Nâng cao chất lượng đào tạo khối ngành Khoa học xã hội và nhân văn Trường Đại học Thủ Dầu Một
6 p | 2 | 1
-
Xây dựng trường học hạnh phúc từ góc nhìn của sinh viên Trường đại học Thủ Dầu Một
9 p | 9 | 1
-
Ý thức tự học của sinh viên: Trường hợp của sinh viên ngành Quản lý Nhà nước, Trường Đại học Thủ Dầu Một
11 p | 6 | 1
-
Một cách tiếp cận triển khai kho dữ liệu phục vụ các tác vụ ELT tại Trường Đại học Thủ Dầu Một
5 p | 2 | 1
-
Dự án “Triển lãm hình hình học” cho sinh viên ngành Giáo dục tiểu học Trường Đại học Thủ Dầu Một
11 p | 2 | 1
-
Nhận thức của sinh viên về những vấn đề trong việc đi làm thêm: Trường hợp của sinh viên ngành Quản lý Nhà nước, trường Đại học Thủ Dầu Một
11 p | 2 | 1
-
Giáo dục lòng yêu nước trong dạy học Giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một
6 p | 2 | 1
-
Vị trí, tầm quan trọng của trường đại học địa phương trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương - Thành tựu và thách thức từ thực tiễn Trường Đại học Thủ Dầu Một
7 p | 3 | 1
-
Nghiên cứu sự lựa chọn kênh tiếp cận thông tin ngành của sinh viên ngành Quản lý Nhà nước, Trường Đại học Thủ Dầu Một
6 p | 2 | 0
-
Một số giải pháp phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên sau đại học tại Trường Đại học Thủ Dầu Một
8 p | 2 | 0
-
Một số định hướng chuyển đổi số tại Trường Đại học Thủ Dầu Một và cách tiếp cận của giảng viên ngành kỹ thuật
7 p | 3 | 0
-
Kiểm thử và cải tiến hiệu năng của hệ thống thi nội bộ “TDMU Exam” sử dụng mã nguồn Moodle tại Trường Đại học Thủ Dầu Một
8 p | 4 | 0
-
Trải nghiệm và cách ứng phó với quấy rối tình dục nơi công cộng của sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một
6 p | 1 | 0
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn