intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Từ bản năng đến tâm thức nhân vật trữ tình trong các khúc ngâm thế kỷ XVIII-XIX

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

34
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trước đây, các nhà phê bình xã hội học giai cấp luôn đánh giá không cao về sự xuất hiện của các yếu tố bản năng trong các khúc ngâm thế kỉ XVIII-XIX. Từ bản năng tính dục cho đến các nhu cầu thế tục đều bị xem là mặt hạn chế của những tác giả Trung đại. Tuy nhiên, đứng trên một số phương diện khác, sự ẩn hiện ít nhiều của bản năng trong tác phẩm đã góp phần thể hiện tâm thức nhân vật trữ tình.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Từ bản năng đến tâm thức nhân vật trữ tình trong các khúc ngâm thế kỷ XVIII-XIX

  1. TỪ BẢN NĂNG ĐẾN TÂM THỨC NHÂN VẬT TRỮ TÌNH TRONG CÁC KHÚC NGÂM THẾ KỶ XVIII-XIX VŨ THỊ THÚY HÒA Khoa Ngữ văn Tóm tắt: Trước đây, các nhà phê bình xã hội học giai cấp luôn đánh giá không cao về sự xuất hiện của các yếu tố bản năng trong các khúc ngâm thế kỉ XVIII- XIX. Từ bản năng tính dục cho đến các nhu cầu thế tục đều bị xem là mặt hạn chế của những tác giả Trung đại. Tuy nhiên, đứng trên một số phương diện khác, sự ẩn hiện ít nhiều của bản năng trong tác phẩm đã góp phần thể hiện tâm thức nhân vật trữ tình. Hay nói sâu hơn, những yếu tố bản năng được che đậy bằng thi pháp truyền thống là con đường mới và khá “mạo hiểm” để bộc lộ những tư tưởng phi truyền thống của tác giả Trung đại trong thời kỳ văn học còn ít nhiều chuẩn mực phong kiến đương thời. Từ khóa: bản năng, tâm thức, khúc ngâm, vô thức 1. MỞ ĐẦU Sự phát triển mạnh mẽ của các trường phái phê bình văn học mới xuất hiện đã khiến cho giới nghiên cứu nhận thức được rằng cần phải xem xét văn học dưới nhiều góc độ khác nhau. Và khai thác các yếu tố thuộc về tâm thức con người là một trong những hướng tiếp cận mới mẻ trong trong việc khám phá tác phẩm văn học. Từ góc nhìn này thì để phản ánh tâm thức con người, một trong những yếu tố cơ bản nhất chính là những vấn đề thuộc về bản năng. Đó không chỉ là một đề tài phản ánh trong tác phẩm mà còn là một hệ quy chiếu để giải mã hoặc tạo nghĩa cho tác phẩm văn học. Với mỗi giai đoạn khác nhau, yếu tố bản năng sẽ xuất hiện với mức độ đậm nhạt tương ứng vì nhiều yếu tố khác như tâm lý, thể loại, mỹ học của từng thời đại… Đặc biệt là thời đại mà hàng loạt chính kiến bao trùm lên đó những quy phạm đạo đức và giao tiếp xã hội, con người phải kiềm chế sự buông thả hồn nhiên của sự hoan lạc trong sâu thẳm chính mình. Thêm vào đó, khi đề cập đến yếu tố bản năng, hầu như người ta chỉ nhìn nhận một khía cạnh thuộc về tính dục. Trong khi những công trình nghiên cứu tâm lý học luôn khẳng định con người bị chi phối bởi rất nhiều các yếu tố thuộc về tự nhiên, vô thức. Yếu tố bản năng trong các sáng tác văn học Việt Nam đã được đề cập từ lâu nhưng vẫn tồn tại như là một trong những chủ đề nhạy cảm, không phải bao giờ việc tìm hiểu nó cũng được khuyến khích. Trong tác phẩm hậu hiện đại, các tác giả thường sẽ dễ dàng cởi mở hơn đối với sự xuất hiện của bản năng con người so với những văn bản Trung đại. Với sự thể hiện bút pháp ước lệ đầy tính trang nhã, cổ điển của các khúc ngâm, việc tìm hiểu tâm thức bản năng của nhân vật trữ tình sẽ là một “hướng đi liều lĩnh” và đầy thách thức cho những người làm nghiên cứu. Quan niệm chính thống xem văn chương dùng để thể hiện “tâm, chí, đạo” của con người: Văn dĩ tải đạo, Thi dĩ ngôn chí… thường sẽ không cho phép các thi nhân nói về vấn đề bản năng, từ dục tính cho đến những cái tốt, cái tốt thuộc về tự nhiên của con người. Chỉ đến khi chế độ phong kiến 12
  2. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN NĂM HỌC 2017-2018 xuống dốc, khả năng kiềm toả về mặt tư tưởng giảm bớt, con người mới bắt đầu nhen nhóm những ý niệm muốn bộc lộ điều “vốn có” ấy vào trong thơ ca. Giai đoạn văn học thế kỉ XVIII – XIX, chỉ có một ít tác giả dám đề cập đến vấn đề đó, chủ yếu ở dạng truyền khẩu. (ngay cả hiện tượng thơ Hồ Xuân Hương, cũng được nhiều nhà nghiên cứu gọi là dạng truyền khẩu, dù có tác giả chứ không khuyết danh). Các tác phẩm ngâm khúc trong văn học trung đại giai đoạn từ thế kỉ XVIII đến thế kỉ XIX luôn là nguồn đề tài hấp dẫn giới nghiên cứu. Tuy nhiên, sự thể hiện tâm thức nhân vật qua các yếu tố bản năng trong thể loại ngâm khúc được các tác giả tạo ra một cách rất khéo léo, tinh tế, vừa cao sang vừa thuần túy, vừa chân thật lại vừa rất thâm sâu, thậm chí kín đáo, không phải đã dễ hiểu. Nhiều nhà phê bình đánh giá cao tinh thần nhân đạo trong các khúc ngâm này, song bên cạnh đó họ vẫn đưa ra ý kiến mang tính “phê phán” khi thấy các tác giả đưa vào đó một tình yêu gắn với nhục cảm, với những khát khao về xác thịt (Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều). “Bài ca xác thịt văn vẻ ấy được kết thúc bằng một nỗi hân hoan không chút e lệ ngượng ngùng” – đó sẽ là rào cản làm giảm bớt cảm tình của người đọc cũng như giá trị tình yêu mà tác giả muốn đề cao. Trong khi đó, GS Trần Đình Sử lại cho rằng: “Thế kỉ XVIII đã xảy ra một bước ngoặt lớn trong quan niệm con người cá nhân, làm nở rộ một dòng văn học nhân đạo, khác với văn học nhân nghĩa là chủ đạo trước đó.”[1] Như vậy, rõ ràng yếu tố bản năng không phải là “hạt sạn” dễ ghét cộm lên làm giảm bớt giá trị thẩm mỹ của các khúc ngâm mà nó chính là yếu tố mới, sáng tạo đầy “tính người” trong văn học giai đoạn này. 2. NỘI DUNG Tâm thức nhân vật trữ tình trong các khúc ngâm thế kỷ XVIII-XIX có thể được bộc lộ qua bản năng, bao gồm những khía cạnh như: tình yêu, tình dục, các nhu cầu thế tục và bản năng trong sự chi phối của yếu tố vô thức. 2.1. Bản năng yêu – dục, con đường mới trong việc thể hiện tâm thức nhân vật trữ tình của các khúc ngâm Không gian sống của nhân vật trữ tình trong những khúc ngâm thường là buồng kín. Những người phụ nữ đều nhớ thương chồng/người tình nơi phòng khuê, thâm cung. Chính trong không gian bó hẹp ấy đã khơi gợi khao khát ái ân một cách mạnh mẽ. Bởi lẽ, nó chứa đầy những vật dụng cá nhân xa hoa của người phụ nữ quý tộc. Một mặt, những đồ vật này tạo ra khoái cảm thẩm mỹ về cái đẹp vật chất ở độc giả. Nhưng mặt khác, điều đáng nói là tất cả những vật dụng ấy đều gắn với những kỷ niệm về hạnh phúc lứa đôi ân ái. Vô hình trung, nơi buồng không giường vắng lại khơi gợi những điều chìm sâu trong tâm hồn của họ, những điều lễ giáo phong kiến không cho phép họ thể hiện ra bên ngoài. Với Chinh phụ ngâm, ngay trong những đoạn thơ đầu, chinh phụ đã nghĩ đến cảnh ngộ cô đơn của mình trong căn buồng của hai vợ chồng: “Chàng thì đi cõi xa mưa gió/Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.” Nàng xót xa cho phận mình: “Thương một kẻ phòng không luống giữ/ Thời tiết lành lầm lỡ đòi nau.” Nhà thơ không đề cập cụ thể nhưng vẫn gợi 13
  3. VŨ THỊ THÚY HÒA ra hình ảnh chiếc giường của đôi uyên ương nhờ những vật dụng gắn với giường chiếu như chiếu, chăn… Nhiều câu thơ trong khúc ngâm khắc họa rõ hơn hình ảnh một thiếu phụ cô độc, héo hắt trên chiếc giường trong đêm. Bên cạnh đó, nàng nhìn những vật dụng trong phòng và lại càng nhớ nhung chồng hơn. Chinh phụ nhắc đến thoa, gương, nhẫn, chăn, màn, gối, hương lửa. Với Ai tư vãn, mở đầu khúc ngâm là những tâm trạng lẻ loi, buồn tủi “Gió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo/Trước thềm lan, hoa héo ron ron.” Trong Cung oán ngâm khúc, người cung nữ bị thất sủng nên hình ảnh giường chiếu lạnh ngắt được sử dụng rất đắc dụng và có sức gợi lớn: “Lầu Tần chiều nhạt vẻ thu/ Gối loan tuyết đóng, chăn cù giá đông.”;“Lạnh lùng thay giấc cô miên/ Mùi hương tịch mịch, bóng đèn thâm u”. Nàng cũng đề cập tới những đồ dùng dành cho các phi tần khi ngủ với vua như “đệm hồng thúy”, “bóng bội hoàn”, “ngấn phượng liễn”…Nàng nhắc đến “gối loan”, “chăn cù”, “gương loan”, “dải đồng”, “gối du tiên”, “trướng ngọc”, “rèm ngà”, “gác phượng”, “lầu oanh”… Những yếu tố giàu sức gợi đến vấn đề tình dục thường tránh bị nhắc đến trong văn chương của những nhà nho chính thống trước đó. Tuy nhiên, thi liệu của văn chương diễm tình trên lại được đưa vào tác phẩm của mình như một con đường mới giúp đi sâu hơn vào những ngóc ngách ẩn kín nhất của tâm thức nhân vật trữ tình. Ở nơi đó, không chỉ có nỗi đau vì mất đi hạnh phúc, mà chính những khao khát của bản thân cũng không được thỏa mãn. Soloviev trong “Siêu lý tình yêu” đã làm rõ vấn đề yêu – dục, ông chỉ ra rằng duy chỉ trong những hành vi yêu thương, hiến dâng, cho nhận, con người mới tìm được chính mình. Như vậy qua những yếu tố bản năng về tình yêu, tình dục, nhân vật trữ tình tìm thấy sâu thẳm trong lòng cái khát vọng yêu và được yêu mạnh mẽ. Từ đó, đứng trên lập trường của người phụ nữ, tác giả lên tiếng tố cáo những bất hạnh, chia ly mà nàng phải gánh chịu, khiến tất cả những mong muốn thuộc về lẽ tự nhiên nhất của con người cũng không được đáp ứng. Đó là chiến tranh phi nghĩa, là sự vô tình của lòng người và guồng quay của tạo hóa buộc người phải cách xa. Tiếp đến, để tránh vượt qua bức tường lễ giáo kiên cố với những chuẩn mực khắt khe, nhà thơ không thể nói thẳng, nói chi tiết những yếu tố tình dục như văn học hiện đại. Do đó, các tác giả nhà nho đã lấy hình ảnh sánh đôi trong tự nhiên để nói đến sự quấn quýt lứa đôi của vợ chồng. Theo quan niệm về âm dương của người xưa, vạn vật trong vũ trụ đều có đôi (âm và dương) mới tạo nên sự cân đối, hài hòa. Công thức tả đôi bằng hình ảnh thiên nhiên (như đôi kiêm kiếm, sen chụm đầu, liễu liền thớ, cây tơ hồng ôm cây nữ la…) có thể bắt gặp rất nhiều trong thơ tình Trung Quốc. Còn chinh phụ nhắc đến thiên nhiên, tạo vật luôn có đôi có cặp để đặc tả cảnh ngộ cô độc, lẻ loi trớ trêu của mình. Đó là loài chim uyên, chim yến “bạc đầu không nỡ đôi đường rẽ nhau”, đó là liễu sen “đôi hoa cùng dính đôi dây cùng liền”, là hoa là nguyệt. Ngọc Hân nhắc đến “uyên ương”, “phượng hồng”, để ngậm ngùi cho cái “chữ tình nghĩa trời cao, đất rộng”. Có thể ở đây, Ngọc Hân không nhấn mạnh nhiều về khía cạnh bản năng trong tình yêu hơn là tình dục. Nàng dùng hình ảnh thiên nhiên để tưởng nhớ người chồng quá cố của mình mà thôi. Song “tình yêu là một hiện tượng tính dục” (Freud), do vậy phải nhìn nhận tính dục ở mặt tự nhiên chứ không phải nhục dục tầm thường, các nàng trân trọng, tôn thờ những khoảnh khắc gần gũi chồng là một trong những cách thể hiện tình cảm của mình. 14
  4. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN NĂM HỌC 2017-2018 Còn trong Cung oán ngâm khúc, vua được so sánh như bóng dương, quạt hơi dương vào chốn âm nhai trong khi thân thể cung nữ được ví như hoa lá mơn mởn (đồ mi, đào, mai…) “Cái đêm hôm ấy đêm gì/Bóng dương lồng bóng đồ mi trập trùng.” Các tác giả Trung đại có những cụm từ hay hình ảnh thiên nhiên nhất định để chỉ hoạt động ân ái như “ấp mận ôm đào”, “giọt mây mưa”, “hương lửa” “bóng dương - đồ mi”… Lấy hình ảnh thiên nhiên để miêu tả thân thể con người và hoạt động tính giao không chỉ thể hiện tính nhã của văn chương mà còn bộc lộ quan niệm thẩm mỹ của nhà nho về cái đẹp. Thiên nhiên vũ trụ kết tinh những gì tinh túy nhất, đẹp đẽ nhất. Vì vậy, chuyện ân ái được ví von như những biểu tượng thiên nhiên là cách để nâng tầm yếu tố nhục thể lên một mức độ mới. Nó không phải là hạt sạn cộm lên trong một tác phẩm Trung Đại đầy chuẩn mực, mà là điểm nhìn sâu nhất, xa nhất vào tâm thức của nhân vật trữ tình. Bên cạnh những hình ảnh ước lệ, các tác giả cũng không quên mượn các điển tích ân ái để giảm bớt những thô tục khi nói về vấn đề tình yêu, tình dục. Đồng thời, sự có mặt của các tích tỉ lệ thuận với tính thẩm mỹ, quy phạm của một tác phẩm cổ. Trong Chinh phụ ngâm khúc, khi viết về cảnh vợ chồng chia lìa, Đặng Trần Côn sử dụng những hình ảnh như “sắt cầm”, “dây uyên”, “phím loan” bị thể hiện sai lệch: gượng gãy, kinh đứt, ngại chùng. Điều đó để thấy được nỗi đau từ sâu thẳm trong tâm thức của nhân vật, nỗi đau khi hạnh phúc bị chia lìa. “Kìa loài sâu đôi đầu cùng sánh/ Nọ loài chim chắp cánh cùng bay” hay “Liễu sen là thức cỏ cây/ Đôi hoa cùng dính đôi dây cùng liền”. Những hình ảnh trên đều được lấy điển tích Trung Hoa. Những dục năng, khát vọng được tới bên người yêu khẽ thu mình trong những ẩn ý sâu xa của các tích xưa. Đó là “gậy rút đất”, “khăn gieo cầu”, là thổn thức muốn được quấn quít bên nhau mà chỉ dám cất giấu trong tâm thức khi nghĩ đến bức tranh “tỷ dực” vẽ đôi chim chắp cánh cùng bay - hình ảnh tượng trưng cho tình cảm âu yếm của vợ chồng. Đó là nguyện được làm hai cây chung một cành như “đồ liên chi”, làm những đóa hoa chỉ nguyện nở từ một giò như “hoa tịnh đế”, như “đệm hồng thúy”, “bóng bội hoàn”, “dải đồng”, “giấc hoành môn”… Nhân vật trữ tình cứ thế, vừa cố cất giấu lại vừa tự bộc lộ ra với chính mình. Tác giả vô cùng trân trọng những thổn thức rất Người kia mà khéo léo đưa vào trong các khúc ngâm, sao cho người đọc đương thời vẫn có thể tiếp nhận được tác phẩm, và nhờ vậy, tư tưởng của tác phẩm đã vượt lên trên thời đại. Các nàng chính là các nàng, nhưng trong giây phút nhớ nhung, than thở, khi đối diện với lòng mình, các nàng dường như không còn là bản thân mình nữa. Đó là các nàng của ban sơ, của những điều thuộc về tự nhiên và rất đỗi thành thật, hay đúng hơn là thật nhất so với khi các nàng là những người phụ nữ quyền quý được người đời ca thán xếp vào hàng đài các, cao sang, luôn bĩu môi với thất tình lục dục. Thêm vào đó, niềm khát khao và một lòng chờ đợi, gìn giữ bản thân cũng là hợp với khuôn khổ truyền thống về nữ giới và đạo lý. Hay nói cách khác, thực chất là cách tả các yếu tố bản năng dựa vào thi pháp truyền thống, có thể giúp che đậy các tư tưởng phi truyền thống về tâm thức nhân vật trữ tình mà tác giả có thể đưa vào hình tượng nhân vật. Đây cũng là một cách thức đối phó với cấm kỵ tiêu biể u bên cạnh kiể u đối phó cấm kỵ đậm chất dân gian như Hồ Xuân Hương (dùng lối đố thanh giảng tục, đố tục giảng thanh). 15
  5. VŨ THỊ THÚY HÒA 2.2. Từ bản năng thế tục đến tâm thức nhân vật trữ tình Với khía cạnh trần tục, con người có rất nhiều bản năng (bản năng sợ hãi, bản năng sống, ý thức và kiêu hãnh về vẻ đẹp của bản thân…) Song trong văn học Trung đại, kể cả những bản năng đời thường nhất hầu như đều được phong tỏa rất kỹ. Con người sinh ra, ngay đến thân thể cũng đều do cha mẹ hoặc vua ban. Nhất là với người phụ nữ, họ vốn sống với một khuôn đúc mà xã hội quy định, luôn tồn tại trong cái vòng tròn của nghĩa vụ, bổn phận và thiên chức. Nhưng nếu đứng ở vị trí của các nhà phê bình giai cấp mà đánh giá nội tâm nhân vật trữ tình trong các khúc ngâm là cách bóp méo những con người đang sống đúng với chữ “Người” mà tạo hóa ban cho. Bởi lẽ, một con người không chỉ biết buồn khi chia ly, vui khi đoàn tụ mà ẩn chứa trong đó những bản năng về các nhu cầu thế tục. Khi được tuyể n vào cung và được vua sủng ái rất mực, chưa phải nếm trải nỗi bi đát, cay đắng của thân phận làm cung nữ trong chốn thâm cung, nàng cung nữ còn tỏ ra rất hãnh diện:“Trên trướng gấm chí tôn vòi vọi,/Những khi nào gần gũi quân vương/Dẫu mà tay có nghìn vàng/Đố ai mua được một tràng mộng xuân./Thân này uốn éo vì duyên/Cũng cam một tiếng thuyền quyên với đời”. Sự đắc ý của nàng âu cũng là điều dễ hiể u khi đang chuếnh choáng trong vinh quang tột bậc của một người đàn bà. Nàng sinh ra với một vẻ đẹp và tài năng hơn người, điều đó khiến sự kiêu hãnh trong lòng nàng luôn thường trực, tồn tại song với bản năng đã có từ lâu của phụ nữ - khao khát được xinh đẹp. Sự tồn tại của yếu tố này trong khúc ngâm là vì đến thế kỷ XVIII, quan niệm của các nhà thơ đã đi ngược lại so với quan niệm xem phụ nữ đẹp là “yêu ma”, “những xấu xa, dâm tục” (như Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ). Văn học chuyển sang ca ngợi và yêu thích nhan sắc. Ngâm khúc, đi tiên phong cho trào lưu văn học mới, lần đầu tiên cấp cho “sắc” của người phụ nữ với giá trị tích cực. Thêm vào đó, thích được nuông chiều, dỗ dành và ưa xu nịnh cũng là những yếu tố ẩn tàng trong tâm thức con người. Đó là nguyên nhân khiến nàng cung nữ luôn đắc ý. Song đấng quân vương vốn dễ thay lòng đổi dạ. Càng đắc ý bao nhiêu khi được sủng ái thì càng cay đắng bấy nhiêu khi bị thất sủng. Chính vì không thể đáp ứng được những bản năng thế tục của mình mà nỗi sầu của nàng cung nữ lại càng nhiều cung bậc hơn: buồn, rầu, sầu, oán… Khảo sát các khúc ngâm giai đoạn này đã cho thấy rằng bản năng đầu tiên của người phụ nữ bị bỏ rơi là sự tự động rút vào ẩn dật bên trong khuê phòng khép kín và cách biệt với thế giới bên ngoài (cơ chế tự vệ) khi phải đương đầu với cơn khủng hoảng của tình yêu. Trong con mắt của nhân vật trữ tình, dường như những dấu hiệu giao hoan của mùa xuân ngoài thiên nhiên khiến nàng càng cảm thấy bẽ bàng trước tình cảnh lẻ loi, lạnh lùng của mình. Nàng tìm nơi ẩn náu sau cánh cửa đóng kín của buồng khuê, không mong phải đối mặt với sự tương phản đau đớn giữa thiên nhiên viên mãn, hạnh phúc với tình cảnh cô đơn, sầu não của bản thân. Một số khúc ngâm đã sử dụng hình ảnh tấm gương phản chiếu khuôn mặt của người phụ nữ và ý thức về bản thân của chính nàng. Người phụ nữ đổi khác về hình dung vì sự vắng mặt của người tình. Và nàng nhận thức được rằng khuôn mặt bị tàn phá của nàng là dấu hiệu của tâm hồn bị tổn thương. Những lo sợ đó cũng xuất phát từ bản năng muốn làm đẹp, e sợ cái đẹp sẽ lụi tàn của người phụ 16
  6. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN NĂM HỌC 2017-2018 nữ. Tiếp đến, sau khi tự tách mình khỏi thế giới, bản năng của phụ nữ sẽ khiến nàng ngừng trệ mọi hoạt động và thờ ơ với bản thân và mọi vật xung quanh (cơ chế tự vệ). Rơi vào tình cảnh không còn người tình ở bên, những nhân vật trữ tình sẽ luôn phản ứng lại bằng cách không còn chú ý gì đến môi trường và con người của chính mình. Chốn khuê phòng, khu vườn, những đồ vật sở hữu cá nhân, và dung mạo được miêu tả thông qua những hình ảnh bị bỏ mặc: bụi phủ lên giường, cỏ dại mọc trong vườn, đồ đạc quý giá bị bụi bẩn và mờ xỉn, phấn son cũ hỏng trộn lẫn với nước mắt làm hỏng khuôn mặt xinh đẹp của nàng. Phản ứng đặc trưng thứ hai là sự chấm dứt mọi hoạt động, thường là những hoạt động nhàn tản gắn với sự tận hưởng hạnh phúc ái ân mà xưa kia nàng thường làm khi có người đàn ông ở bên: điể m trang, xông hương, đàn, hát, vẽ tranh, làm thơ tình, thêu hoa ong bướm, uống rượu... Nàng thường chau mày ủ dột hoặc khóc. Đó là phản ứng bản năng của người phụ nữ khi bị tác động bởi những chuyện ngoài tầm kiể m soát của họ. Một yếu tố nữa trong “hội chứng” thờ ơ này là sự lặp đi lặp lại của những từ như: “vô ích”, “không thể”, v.v. Như vậy, trong tâm thức của các nhân vật trữ tình, cuộc sống đã trở nên vô nghĩa một khi người đàn ông bỏ đi: khi tình yêu đã hết thì khát vọng với những nhu cầu thế tục đời thường để tồn tại cũng tàn theo. Từ những bản năng đời thường khác cũng bị xóa bỏ vì cái mà các nhân vật trữ tình gọi là “con tạo”, bi kịch của những “khách má hồng” càng khiến những gì ẩn giấu sâu thẳm bên trong dần bộc lộ ra. Đó là bản năng sống mãnh liệt tồn tại trong tâm thức của người chinh phụ. So với Thúy Kiều của Nguyễn Du, từ lúc gặp mộ Đạm Tiên về, nàng bỗng nảy sinh một mặc cảm – mặc cảm bạc mệnh. Do vậy, ở Kiều luôn ẩn chứa một cái nhìn tuyệt vọng về cuộc đời. Còn nàng chinh phụ, đó là bản năng của một con người chỉ một lần bất mãn với hoàn cảnh. Sau cái một lần ấy, cái nhìn của nàng luôn chiếu dọi cuộc đời, những hy vọng của một ngày khải hoàn đoàn tụ với chồng. Vậy nên ở Kiều và nàng chinh phụ, đó là hai thứ bất mãn: bất mãn tuyệt vọng muốn chết và một thứ bất mãn muốn truất cái chết để giành lại quyền sống cho mình. “Tâm thức lãng mạn của nàng chinh phụ tìm về trong cuộc đời để mong nối lại sức sống của mình đang bị cuộc đời gián đoạn.”[2] Không riêng gì nhân vật chinh phụ, nàng cung nữ hay người vợ mất chồng trong các khúc ngâm vẫn luôn tồn tại tâm thức phản kháng với thực tại như vậy. Trong những tủi hờn, trông ngóng, các nhân vật trữ tình không ngừng chiêm nghiệm về cuộc đời (hay chính là sự chiêm nghiệm của chính tác giả). Tâm thức người Việt luôn tồn tại đức tin với số trời, với những định mệnh đã vạch ra từ khi con người chưa chào đời. Các nàng tin vào việc “ở hiền gặp lành”, những người ân đức sẽ được sống thọ. Các nàng cũng tin cả quy luật “khách má hồng lắm nỗi truân chuyên”, “phận bạc nằm trong má đào”… Nhưng vượt lên trên cả sự buông xuôi trước số kiếp định sẵn, những khao khát được hạnh phúc, yêu thương đã tạo động lực cho tâm thức phản kháng bộc lộ rõ nét. Nhân vật trữ tình cất lên tiếng nói đòi quyền cá nhân, tiếng nói phản chiến “Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong”, tiếng nói đứng trên lập trường nhân đạo thay vì lập trường giai cấp “Trên trướng gấm thấu hay chăng nhẽ/Mặt chinh phu ai vẽ cho nên”, tiếng nói muốn đạp tung tất cả để được giải thoát “Chống tay ngồi ngẫm sự đời/ Muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm!” Tiếng nói đòi hỏi cho quyền sống, quyền hưởng 17
  7. VŨ THỊ THÚY HÒA hạnh phúc ấy của nhân vật trữ tình phải chăng cũng chính là tiếng nói đòi hỏi giải phóng nhu cầu bản năng của chính tác giả khỏi những tín điều đạo đức khắc kỉ? Hay nói cách khác, các tác giả đã “đeo mặt nạ” cho mình khi lên tiếng phản bác lại những cấm kị vô lí của đạo đức Nho giáo đối với những nhu cầu tự nhiên của con người. 2.3. Tâm thức nhân vật trữ tình qua các yếu tố vô thức Về bản chất, theo quan điểm của Freud, vô thức là “tất cả những nội dung bị loại khỏi ý thức bởi quá trình mà ông gọi là sự dồn nén” (repression). Những khao khát bản năng không được thực hiện dưới sự kiềm tỏa của luân lý xã hội sẽ bị dồn nén vào bên trong, tạo thành những ẩn ức. Chúng thuộc về các tầng sâu nhất trong con người nên chỉ có thể nghiên cứu vô thức thông qua một số biểu hiện cụ thể. Ở đây, người viết khai thác ở các hành vi “nhiễu tâm”, ảo tưởng và những giấc mơ của nhân vật trữ tình trong các khúc ngâm. Trước hết, hành vi nhiễu tâm hiểu một cách đơn giản là những hành vi không thuộc về chủ ý của nhân vật. Sự điều khiển không thuộc về lý trí mà là những điều sâu thẳm bên trong không được đáp ứng khiến nhân vật thực hiện hành vi không giống logic thông thường. Nàng chinh phụ khi nhớ chồng lại “tựa bóng ngẩn ngơ”, “Há như ai hồn say bóng lẫn/Bỗng thơ thẩn như không”, rồi đi đi lại lại mà không nhằm một mục đích gì “Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước”. Những hành động vô thức lặp lại như vậy thể hiện tâm trạng bất an, lo âu của một người chờ tin chồng. Nàng cung nữ trong Cung oán ngâm lại “nghe nhịu”, “nghĩ tiếng tiểu đòi” lại ngỡ vua đến mà vội vàng “nghiêng bình phấn mốc mà nhồi má nheo”. Phải ngóng trông đến mức nào mới khiến nàng thấp thỏm chờ đợi đến vậy. Tiếc rằng âm thanh xuất hiện trong ý nghĩ chứ không phải ngoài đời thực, hóa ra lại là tiếng quyên kêu thương tiếc một đoạn xuân nữa lại qua đi. Ở mức độ cao hơn, nhân vật trữ tình còn gặp ảo giác vì quá mong ngóng:“Thấy nhàn luống tưởng thư phong,/Nghe hơi sương sắm áo bông sẵn sàng.”(Chinh phụ ngâm khúc) Thậm chí nàng còn tự mình nhập vai vào chồng, tưởng tượng hình ảnh người chinh phu ra trận, với những khốc liệt nơi chiến trường, những thiếu thốn về vật chất và chết chóc đang chực chờ đã giúp người đọc nhìn sâu hơn vào nội tâm của nhân vật. Đó là một sự đồng cảm của người vợ, khao khát gần chồng, và kể cả việc sẵn sàng gồng gánh giúp chàng những khó khăn ngoài kia. Ngọc Hân thì “ngỡ tàn vàng”, “ngỡ hương trời bảng lảng” mà “vội vàng sửa áo lên chầu” (Ai tư vãn). Nhà tâm lý học Carl Gustav Jung chỉ ra rằng: “Ảo tưởng là một loại kinh nghiệm nguyên thuỷ thực sự, ảo tưởng trong cuộc sống hiện đại bắt nguồn từ nguyên mẫu thần thoại trong vô thức tập thể, đến nay chúng vẫn là một trong những phương pháp không thể thiếu để đạt được cân bằng về tâm lý và bù đắp tâm lý.”[8,378] Từ xa xưa trong tâm thức người Việt, hành vi tự tưởng tượng, mơ ước để cân bằng giữa khao khát và thực tại không thể thực hiện luôn tồn tại trong những tác phẩm văn học. Với những khúc ngâm thế kỷ XVIII- XIX, tâm thức ấy lại được tái sinh ở một dạng thức mới mẻ hơn, đi song song với những yếu tố bản năng để từ đó miêu tả nội tâm nhân vật trữ tình một cách đa diện, đa chiều kích. 18
  8. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC SINH VIÊN NĂM HỌC 2017-2018 Tiếp đó là những giấc mơ. Theo Freud, giấc mơ chính là một sản phẩm tiêu biểu nhất của vô thức, hay như ông gọi, giấc mơ chính là “con đường hoàng kim” để tìm hiểu vô thức. Những khao khát tình yêu, tình dục không thể giải tỏa ra ngoài nên bị đẩy vào trong tiềm thức và chuyển vào những giấc mơ. Motif này được thể hiện trong Chinh phụ ngâm: “Bui còn hồn mộng được gần,/Đêm đêm thường tới giang tân tìm người./Tìm chàng thủa Dương đài lối cũ/Gặp chàng nơi Tương phố bến xưa.” Giấc mơ được gặp gỡ, sum họp thể hiện nỗi nhớ mong đến khắc khoải, ám ảnh. Nhưng giấc mơ chỉ thỏa được cơn khát thiếu thốn tình cảm trong ảo mộng. Còn hiện thực thì thật phũ phàng:“Sum vầy mấy lúc tình cờ,/ Chẳng qua trên gối một giờ mộng xuân!/ Giận thiếp thân lại không bằng mộng/ Được gần chàng bến Lũng thành Quan/ Khi mơ, những tiếc khi tàn,/ Tình trong giấc mộng, muôn vàn cũng không.” (Chinh phụ ngâm) hay “Đương theo bỗng tiếng gà sực tỉnh/ Đau đớn thay ấy cảnh chiêm bao/ Mơ màng thêm nỗi khát khao/ Ngọc kinh chốn ấy ngày nào tới nơi?” (Ai tư vãn). Tâm thức các nàng luôn khao khát được gặp chồng, do đó sự đối lập giữa giấc mơ và hiện thực khiến họ càng thêm chua xót, tiếc nuối. Trong Cung oán ngâm khúc, cung nữ mơ trong lúc thức. Mơ là tái hiện lại thủa được yêu chiều khi xưa:“Giấc chiêm bao những đêm xưa/ Giọt mưa cửu hạn còn mơ đến rày.” Đó là giấc mơ tình yêu hoan lạc, mơ lại quá khứ hạnh phúc khi được quân vương yêu chiều, sủng ái. Mơ thể hiện nỗi thèm muốn, ước ao khi đời sống thân xác thiếu thốn. Vì với chinh phụ, phu quân ở mãi nơi chiến trường xa xôi, không thể tới gần, không biết tìm đâu nên nàng phải gửi nhớ nhung vào trong giấc mơ. Còn đối với nàng cung nữ, giấc mơ ấy có thể rất gần, rất dễ biến thành hiện thực, bởi vua ở ngay bên và ngài có thể ban ân sủng bất kỳ lúc nào. Thế nên cung nữ chờ mong trong thấp thỏm, mơ trong lúc thức, mơ mơ màng màng nghĩ đến vua, tưởng vua đến:“Khi trận gió lung lay cành bích/ Nghe rì rầm tiếng mách ngoài xa/ Mơ hồ nghĩ tiếng xe ra/ Đốt phong hương hả mà hơ áo tàn.” Vẫn trong trạng thái tỉnh nhưng vì ngóng đợi, nàng tự huyễn hoặc mình là xe vua tới. Đó là giấc mơ thường trực mà có lẽ cung nữ đã trải qua hằng đêm. Vua ở rất gần khiến cho nàng luôn trông ngóng nhưng càng bi kịch hơn khi nỗi trông đợi kéo dài vô vọng. Với Ngọc Hân, giấc mơ là khao khát được gặp lại người chồng đã mãi mãi rời xa thế giới. Khi tỉnh mộng, nỗi đau lại chồng chất nỗi đau, bởi lẽ nàng đã không còn chút tia hy vọng nào cho giấc mộng ngày chồng trở về nữa. Giấc mơ của ba người phụ nữ ấy không giống nhau nhưng đều là những khắc khoải, mong nhớ thường trực dồn vào trong tiềm thức. Như vậy, giấc mơ chính là sự trá hình một ham muốn (thường là tính dục) khi mà ý thức cá nhân không thể thực hiện được. Giấc mơ ấy với tư cách một “cơ chế bảo vệ” nhằm giúp nhân vật trữ tình tránh khỏi sự xung đột đó mà vẫn đạt được sự thoả mãn mong muốn của mình. 3. KẾT LUẬN Tóm lại, thông qua các yếu tố bản năng, tâm thức nhân vật trữ tình đã bộc lộ rõ nét. Ở đó, người đọc tìm thấy những con người đời thường nhất, với những khao khát rất Người. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, chính những yếu tố trần tục kia đã làm cho người đọc vơi bớt cảm tình với người phụ nữ. Tuy nhiên, đó là góc nhìn phê bình của những nhà nghiên cứu với quan điểm giai cấp. Phê bình xã hội học giai cấp đã đẩy những bản năng tự nhiên xuất hiện trong các khúc ngâm thế kỷ XVIII-XIX vào nhận 19
  9. VŨ THỊ THÚY HÒA định rằng nó đại diện cho tâm lý hưởng lạc của những kẻ thống trị. Vì vậy, tâm thức của các nhân vật trữ tình cũng không được khai thác đúng nghĩa so với tinh thần nhân đạo của toàn tác phẩm. Các tác giả Trung đại đã thể hiện quan điể m bênh vực đối với những nhu cầu bản năng của thân xác có giới tính của con người. Tiếng nói của những người phụ nữ đó chính là những tiếng nói đầu tiên trong văn học Việt Nam đương thời công khai đặt quyền được hưởng những hạnh phúc cá nhân của con người lên trên những “lợi ích cộng đồng” mà thực chất đã biến thành lợi ích của các tập đoàn thống trị. Tìm hiểu con người trong văn chương trung đại từ quan điểm văn hóa học, dựa trên hai phạm trù “thân” và “tâm” mới là cách tiếp nhận đầy đủ nhất thông điệp của các tác giả Trung đại: Con người, với tấm thân dễ hư nát nhưng vô cùng nhạy cảm của nó, có khả năng và cần được hưởng hạnh phúc trong cuộc đời này. Giống như nhận định của nhà nghiên cứu Vũ Minh Tâm: “Yếu tố nhục cảm trong khúc ngâm không phải là chủ nghĩa thân xác mà chính là nhân tính, nhân tình.” TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Trần Đình Sử (2013), Con người cá nhân trong văn học Việt Nam thế kỷ thứ XVIII, https://trandinhsu.wordpress.com/2013/10/10/con-nguoi-ca-nhan-trong-van-hoc-viet- nam-the-ki-xviii/ [2] Lê Tuyên (1961), Chinh phụ ngâm và Tâm thức lãng mạn của Kẻ lưu đày, https://nhaque.wordpress.com/2007/09/27/chinh-phụ-ngam-va-tam-thức-lang-mạn- của-kẻ-lưu-day/ [3] Freud S. (2004), Phân tâm học và tình yêu, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội. [4] Freud S. (2004), Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội. [5] Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm (2007), Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm diễn ca, NXB Văn học, Hà Nội [6] Nguyễn Hữu Sơn, Trần Đình Sử, Huyền Giang, Trần Ngọc Vương, Trần Nho Thìn, Đoàn Thị Thu Vân, (1997), Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội. [7] Nguyễn Thạch Giang (1994), Những khúc ngâm chọn lọc, NXB Giáo dục. [8] Jean Chevlier, Alain Gheerbrant (1997), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới: Huyền thoại, chiêm mộng, phong tục, cử chỉ, dạng thể, các hình, màu sắc, con số, NXB Đà Nẵng. VŨ THỊ THÚY HÒA SV lớp Văn 4D, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế ĐT: 0122. 3530388, email: cinderella1296@gmail.com 20
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
12=>0