intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bài giảng Chăn nuôi gia cầm - Trường CĐ Cộng đồng Lào Cai

Chia sẻ: Chuheo Dethuong25 | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:61

52
lượt xem
7
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài giảng Chăn nuôi gia cầm cung cấp cho người học những kiến thức như: Đặc điểm giải phẫu - sinh lý của gia cầm; Giống và công tác giống gia cầm; Sức sản xuất của gia cầm; Kỹ thuật nuôi dưỡng gia cầm; Kỹ thuật ấp trứng gia cầm; Chuồng trại, thiết bị và dụng cụ chăn nuôi gia cầm. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bài giảng Chăn nuôi gia cầm - Trường CĐ Cộng đồng Lào Cai

  1. TRƯỜNG CAO ĐẲNG CỘNG ĐỒNG LÀO CAI Lù Thị Lừu Bài giảng CHĂN NUÔI GIA CẦM LÀO CAI, 2011
  2. LỜI NÓI ĐẦU Để góp phần vào sự đổi mới và phát triển ngành chăn nuôi gia cầm, đồng thời góp phần tăng thêm nguồn tài liệu tham khảo, cũng như để phục vụ kịp thời cho công tác giảng dạy và học môn chăn nuôi gia cầm ở tại trường. Chúng tôi biên soạn tập bài giảng chăn nuôi gia cầm gồm 6 chương. Để hoàn thành tập bài giảng này chúng tôi đã tham khảo nhiều giáo trình nhân giống gia cầm và chăn nuôi gia cầm trước và gần đây. Đặc biệt là tài liệu của các tác giả thuộc trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Do trình độ và kinh nghiệm còn có hạn nên tập bài giảng không tránh khỏi những thiếu sót. Chúng tôi mong đợi và chân thành cảm ơn những ý kiến đóng góp của các thầy cô giáo, các bạn đồng nghiệp, sinh viên để bổ sung tập bài giảng hoàn thiện hơn. TÁC GIẢ 3
  3. Chương 1. ĐẶC ĐIỂM GIẢI PHẪU - SINH LÝ CỦA GIA CẦM 1.1. DA VÀ SẢN PHẨM CỦA DA 1.1.1 Da Một đặc điểm nổi bật trong cấu trúc da của gia cầm là trên toàn bộ bề mặt da không có tuyến mồ hôi và tuyến nhờn mà chỉ có tuyến phao câu. Tuyến phao câu là nơi tập trung các tuyến nhờn biến dạng, nằm ở dưới da, trên vùng đốt sống đuôi. Gồm hai thuỳ ovan hoặc hình tròn. Thành phần chất tiết của tuyến phao câu chủ yếu là lipit, protein, axit nucleic... Chất tiết của phao câu giúp cho bộ lông của gia cầm luôn sáng bóng, dai bền, mềm mại và ngăn cản nước, các chất có hại từ bên ngoài xâm nhập vào da. Đối với thuỷ cầm, chất tiết của tuyến phao câu còn giúp cho lông vũ và da không bị ướt, đồng thời làm giảm lực ma sát trượt khi bơi trên mặt nước. 1.1.2 Sản phẩm của da - Lông vũ Khác với gia súc toàn thân gia cầm được bao phủ bởi bộ lông vũ. Cấu trúc của lông vũ gồm 2 phần chính: phần gốc lông (nằm trong da), trục lông (phần lộ ra ngoài). Trục lông gồm thân lông và phiến lông, tuỳ thuộc vào hình dạng và cấu trúc mà người ta chia ra các loại sau: + Lông ống: Gồm lông ống thân, lông ống cánh, lông ống đuôi. Thân lông dày cứng, phiến lông dày xít. + Lông nhung: Hay còn gọi là lông bông, thân ngắn, phiến lông mềm, thường nằm dưới các lông ống. + Lông tơ: Nhỏ và dài, mọc rải rác toàn thân. + Lông hình kim: Có thân lông tương đối dài nhưng phiến lông ngắn. Thường mọc xung quanh các ống dẫn chất tiết của tuyến phao câu. - Mào Mào gồm lớp biểu bì và lớp mô dưới da, ở giữa chứa rất nhiều mạch máu, màng keo, tế bào mỡ và đầu mút các dây thần kinh. Có nhiều dạng mào như mào đơn, mào hoa hồng, mào hạt đào, hạt đậu, trái dâu, mào nụ... Theo màu sắc, trạng thái và sự phát triển của mào người ta có thể phán đoán được sức khoẻ, sự phát dục và khả năng sinh sản của gia cầm. Ngoài ra còn một số sản phẩm khác như tích, lá tai, móng cựa, mỏ và các nốt đậu. - Màu sắc lông và da của gia cầm Da của gia cầm có nhiều màu khác nhau như vàng, trắng, hồng, đen... phụ thuộc vào sắc tố chứa trong các tế bào da. Các sắc tố đó chính là dẫn xuất của melanin hay lipocrom. 1.2. BỘ XƯƠNG Xương gia cầm giòn, ít độ dẻo do chứa nhiều muối canxi nên dễ gãy. Xương nhẹ, nhiều xương không chứa tuỷ mà chứa đầy không khí. Xương gia cầm được chia làm 3 phần chính: - Xương đầu: xương hộp sọ, xương mặt, xương dưới lưỡi, xương tai. - Xương mình: xương sống, xương sườn và xương ngực - Xương chi: xương vai, xương chậu, các xương ngón tự do. 1.2.1 Xương đầu Khác với gia súc, ở gia cầm các xương của hộp sọ gắn liền với nhau nên rất khó phân biệt được. Những xương này có nhiệm vụ bảo vệ não bộ trong hộp sọ. 4
  4. 1.2.2 Xương mình Cột sống của gia cầm được chia thành đoạn cổ, ngực, thắt lưng và đuôi, ở mỗi đoạn, các đốt sống có nét đặc trưng riêng. Các đốt sống hình vòng liên kết với nhau tạo thành cột sống. - Đoạn cổ của cột sống dài nhất, cong hình chữ S. Số lượng đốt sống nhiều cùng với mối liên kết động làm cho cổ gia cầm rất linh hoạt, có thể quay được góc 180 o. - Đoạn xương sống ngực ngắn hơn, mối liên kết giữa các đốt ngực là bất động giúp cho lồng ngực thêm vững chãi. - Xương ngực ở gia cầm rất phát triển. Dọc theo xương ngực có xương lưỡi hái nhô ra phía trước, đây là chỗ bám của cơ ngực ở gia cầm. - Đoạn xương sống thắt lưng ở gia cầm hoàn toàn gắn lại với nhau tạo thành một xương lớn gọi là xương thắt lưng phức hợp. Số lượng đốt sống thay đổi từ 11- 14 đốt. Đoạn xương sống đuôi có từ 5 - 6 đốt ở gà, 7 - 8 đốt ở vịt và ngỗng, những đốt này cử động tự do. 1.2.3 Xương chi Trong quá trình tiến hoá, hai chi trước biến thành cánh. Xương chi trước gồm xương cánh tay, cẳng tay, cổ tay, xương bàn tay với 3 ngón tay kém phát triển. Xương cánh rỗng hoàn toàn, chứa đầy khí nên nhẹ và xốp. Xương đai hông là nơi cho các chi sau bám vào. Xương đai hông gồm xương chậu, xương ngồi, xương háng, các xương này không phân biệt rõ ranh giới. Xương chi sau gồm xương đùi, xương ống chân, xương cổ chân và xương mác, xương cổ bàn nối với các ngón chân. 1.3. HỆ CƠ Hệ cơ đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ các quá trình vận động củae cơ thể. Ngoài ra hệ cơ còn có chức năng về mặt kinh tế như: hệ cơ càng lớn thì lượng thịt càng lớn. Có 3 loại cơ: cơ vân, cơ trơn, cơ tim. - Cơ vân: phân bố chủ yếu ở phía ngoài cơ thể: cơ cổ, cơ cánh, cơ ngực và cơ chân. Đó là lượng thịt của gia cầm. - Cơ trơn: xếp 2 - 3 lớp ở thực quản, dạ dày, ruột, ống dẫn trứng và các cơ quan nội tạng khác. - Cơ tim: tạo thành quả tim, tính co bóp tự động. 1.4. HỆ TUẦN HOÀN Máu là một chất lỏng màu đỏ hơi nhớt. Tỷ trọng của máu gia cầm từ 1,042 - 1,064. Thông thường chỉ có một phần máu ở trong mạch quản và tim gọi là máu tuần hoàn. Phần còn lại ở dạng dự trữ trong các kho máu. Kho máu gồm có lá lách, gan và da. Máu gồm có hai phần: phần huyết tương chiếm 60% và các thành phần hữu hình chiếm 40%. - Huyết tương là một chất lỏng trong suốt hoặc vàng nhạt, gồm có nước và vật chất khô. Protein huyết tương có albumin, globulin và fibrinogen. Kháng thể của máu phần chính là γ globulin. - Các phần hữu hình gồm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. + Hồng cầu: có hình ovan, có nhân. Số lượng hồng cầu ở vịt 3,5 triệu, ngỗng là 3,3 triệu/mm3 máu. + Bạch cầu: hay còn gọi là tế bào máu trắng. Số lượng bạch cầu ở gà là 22 - 34 nghìn, vịt 34 - 35 nghìn, ngỗng 38 - 39 nghìn, gà tây 32 - 34 nghìn/mm 3 máu. 5
  5. + Tiểu cầu: có hình que, kích thước nhỏ hơn hồng cầu. Số lượng tiểu cầu ở gà là 32 - 100 nghìn, vịt 70 - 120 nghìn, ở ngỗng 50 - 200 nghìn/mm 3 máu. Tiểu cầu là tổ chức không cố định, nó bị phá huỷ rất nhanh nhưng có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu. Tần số hoạt động của tim các loài gia cầm cũng khác nhau nằm trong khoảng 200 - 400 lần/phút. Tần số co bóp trung bình ở gà mái 320 – 340 lần/phút, gà trống 270 – 280 lần/ phút, vịt 200 lần/phút, gà tây 100 lần/phút. 1.5. HỆ HÔ HẤP Cơ quan hô hấp của gia cầm có cấu trúc khác biệt so với gia súc. Bao gồm các bộ phận sau: - Xoang mũi của gia cầm ngắn, nằm ở nắp mỏ trên, gồm hai phần xương và sụn. Hai lỗ mũi nằm ở gốc mỏ và có đường kính rất nhỏ. Là nơi thu nhận và lọc khí rồi chuyển vào khí quản. - Khí quản là ống tương đối dài bao gồm nhiều vòng sụn chúng được gắn với nhau bởi các dây chằng mô liên kết. Đến xoang ngực, khí quản chia làm hai phế quản, mỗi phế quản dài 6 - 7cm và nối với một lá phổi. - Phổi nằm trong xoang ngực, sát cột sống. Phổi gia cầm có màu hồng tươi, ít đàn hồi và không phân thuỳ. Thể tích nhỏ và tính đàn hồi yếu của phổi gia cầm được bổ sung bằng hệ thống túi khí tham gia vào quá trình trao đổi khí. Các túi khí là phần lồi có màng mỏng của thành các phế quản chính và phế quản thứ. Gia cầm có chín túi khí, một túi lẻ là túi khí giữa xương đòn và 4 đôi nằm đối xứng nhau là đôi cổ, ngực trước, ngực sau và bụng. Các túi chứa khí hít vào gồm đôi ngực phía sau và đôi túi khí bụng. Các túi khí chứa khí thở ra gồm túi khí giữa xương đòn, đôi cổ và đôi ngực phía trước. Dung tích tất cả các túi khí của gà là 130 - 150cm3, lớn hơn thể tích của phổi 10 - 12 lần. Các túi khí còn có vai trò trong việc điều hoà nhiệt của cơ thể, giảm khối lượng riêng của cơ thể gia cầm, tăng thời gian và cường độ trao đổi khí. 1.6. HỆ TIÊU HÓA 1.6.1 Xoang miệng Tiêu hoá ở miệng: gia cầm lấy thức ăn bằng mỏ, lưỡi gia cầm ở đáy khoang miệng, có hình dạng và kích thước tương ứng với mỏ. Các tuyến nước bọt của gia cầm phát triển kém, song thức ăn đi qua khoang miệng vẫn được thấm ướt tạo điều kiện thuận lợi để thức ăn đi vào thực quản. 1.6.2 Diều Diều là phần phình to của thực quản. Diều lệch về phía bên phải chỗ đi của khoang ngực, bề mặt bên ngoài diều được nối với cơ da, cơ này giúp cho nó giãn nở rộng khi thức ăn rơi vào. 1.6.3 Dạ dày Gồm hai phần: dạ dày tuyến và dạ dày cơ. Dạ dày tuyến là dạng ống ngắn có vách dày, ống được nối với dạ dày cơ bằng một eo nhỏ. Vách dạ dày tuyến gồm có màng nhầy, cơ và mô liên kết. Bề mặt màng nhầy có những nếp gấp, đáy màng nhầy có các tuyến hình túi phức tạp. Dạ dày cơ có dạng hình đĩa, có thành dày, màu đỏ sẫm. Dạ dày cơ không tiết dịch tiêu hoá, tại đây chỉ xảy ra quá trình nghiền trộn thức ăn bằng cơ học và tiêu hóa thức ăn dưới tác dụng của các men của dịch dạ dày tuyến, các enzim thức ăn và vi khuẩn. 6
  6. 1.6.4 Ruột Ruột gia cầm có chiều dài gấp khoảng 4 - 6 lần chiều dài thân. Được chia làm 2 phần: ruột non (tá tràng, không tràng, hồi tràng) và ruột già (manh tràng và trực tràng). Ruột tham gia vào quá trình tiêu hoá và hấp thu các chất dinh dưỡng cho cơ thể. 1.6.5 Gan Gan là tuyến to nhất, nằm phía sau tim, có màu vàng xám hoặc vàng sẫm và chia làm hai thuỳ. Gan làm chức năng khử độc, tổng hợp glycogen và tiết dịch mật. Mật được tiết ra một phần đổ vào túi mật sau đó đổ vào tá tràng, phần còn lại đổ trực tiếp vào tá tràng. Ở chim bồ câu và đà điểu không có túi mật, vì vậy tất cả mật tiết ra đều đi vào tá tràng. Dịch mật ngoài nhiệm vụ làm chức năng tiêu hoá, ở gia cầm mật còn ngăn cản việc tạo thành các vết loét trên màng nhầy của dạ dày cơ và có khả năng diệt khuẩn. Nếu việc tạo mật không đầy đủ sẽ làm tổn thương và ăn mòn màng chất sừng của dạ dày cơ. 1.7. HỆ BÀI TIẾT Hệ thống bài tiết ở gia cầm có đặc điểm riêng. Thận hình bầu dục, màu hồng nhạt ở gia cầm non, màu nâu sẫm ở gia cầm trưởng thành. Thận nằm đối xứng qua trục sống, không có bể thận, không có bàng quang, các niệu quản bắt đầu trong các tiểu thuỳ và kết thúc ở ổ nhớp. Tính chất và thành phần nước tiểu của gia cầm khác với động vật có vú. Độ pH của nước tiểu có thể là trung tính, kiềm nhẹ hoặc axit nhẹ. Khi gia cầm bị đói, nước tiểu có tính kiềm, khi được ăn bằng thức ăn giàu protit thì nước tiểu sẽ có phản ứng axit. Số lượng và thành phần của nước tiểu phụ thuộc vào thức ăn. Trong thành phần các chất vô cơ của nước tiểu gồm có canxi, magiê, kali, natri, photpho, clo, lưu huỳnh. Các chất hữu cơ trong nước tiểu có chứa axit uric, urê, creatin, amoniac. 1.8. HỆ SINH SẢN 1.8.1 Cơ quan sinh dục cái * Buồng trứng Buồng trứng của gia cầm nằm ở phía trái của khoang bụng, kích thước và hình dạng buồng trứng phụ thuộc vào tuổi và trạng thái sinh lý. Ở gà 1 ngày tuổi buồng trứng có dạng phiến mỏng, bốn tháng tuổi có dạng hình thoi, thời kỳ đẻ mạnh buồng trứng như chùm nho. Cấu trúc buồng trứng gồm hai lớp: lớp vỏ và lớp tuỷ Sự phát triển của các tế bào trứng được trải qua ba thời kỳ: - Thời kỳ tăng sinh: Xảy ra trong quá trình phát triển phôi thai của buồng trứng và kết thúc khi gia cầm con nở ra. - Thời kỳ sinh trưởng gồm: thời kỳ sinh trưởng nhỏ và thời kỳ sinh trưởng lớn. Thời kỳ sinh trưởng nhỏ kéo dài từ khi nở đến trước khi thành thục sinh dục. Sự phát triển các tế bào trứng (lòng đỏ) thời kỳ này rất chậm. Thời kỳ sinh trưởng lớn kéo dài 4 - 13 ngày, lòng đỏ tăng nhanh về kích thước và khối lượng. Trong thời gian này hình thành lớp màng lòng đỏ. - Thời kỳ chín: Là thời kỳ cuối của sự hình thành lòng đỏ. Trong thời kỳ này xảy ra quá trình phân bào giảm nhiễm và hoàn thành ở buồng trứng trước khi rụng. Sự rụng trứng ở gia cầm thường xảy ra một lần trong ngày, dưới sự điều khiển của thần kinh và hoocmon. Hoocmon FSH của tuyến yên kích thích sinh trưởng, LH kích thích trứng chín và rụng. * Ống dẫn trứng 7
  7. Ống dẫn trứng là một ống dài có nhiều khúc cuộn, tuỳ thuộc vào hình dạng và chức năng mà ống dẫn trứng được chia làm 5 phần sau. - Loa kèn: là phần đầu tiên của ống dẫn trứng dài khoảng 4 - 7cm, nằm ngay dưới buồng trứng và được cố định nhờ hai nếp màng treo ruột. Niêm mạc cổ phễu có các tuyến hình ống tiết ra chất nhầy dạng hạt đặc bao quanh lòng đỏ tham gia hình thành một phần dây chằng lòng đỏ và lòng trắng đặc trong. Thời gian trứng dừng lại loa kèn từ 15 - 20 phút, tế bào trứng sẽ được thụ tinh tại đây nếu gặp tinh trùng. - Phần tạo lòng trắng: là phần dài nhất của ống dẫn trứng, niêm mạc có nhiều nếp gấp dọc, trong đó có rất nhiều tuyến hình ống để tiết ra lòng trắng. Chất tiết bao quanh lòng đỏ lúc đầu đặc để hoàn thiện dây chằng lòng đỏ và hình thành lớp lòng trắng đặc, sau loãng hơn hình thành lớp lòng trắng loãng. Thời gian trứng dừng lại ở phần tạo lòng trắng không quá 180 phút. Tốc độ di chuyển của trứng ở phần này khoảng 2,0 - 2,3mm/phút. Do sự di chuyển của trứng trong ống dẫn trứng theo chiều xoắn nên dây chằng lòng đỏ cũng bị xoắn theo, giúp cho lòng đỏ luôn nằm ở vị trí trung tâm của trứng. - Bộ phận tạo vỏ: bộ phận tạo vỏ là phần hẹp của ống dẫn trứng dài khoảng 8cm, niêm mạc có những nếp xếp nhỏ và có nhiều tuyến hình ống tiết ra chất hạt giống như Keratin, tạo nên lớp sợi chắc quấn lấy nhau để hình thành nên hai lớp màng dưới vỏ. Dung dịch muối và nước có thể thấm qua hai màng này đi vào lòng trắng. Trứng dừng lại ở đoạn eo khoảng 60 -70 phút. Tốc độ di chuyển của trứng ở đoạn này chậm, khoảng 1,4mm/phút. Khi qua phần này, 40 - 60% khối lượng lòng trắng của trứng đã được hình thành. - Tử cung: đoạn cuối của phần tạo vỏ có một phần nở to ra tạo thành tử cung. Niêm mạc tử cung có rất nhiều nếp nhăn xếp theo chiều ngang và xiên. Tuyến của vách tử cung tiết ra một chất dịch lỏng làm tăng khối lượng lòng trắng và tiết ra một chất dịch hình thành vỏ cứng. Quá trình hình thành vỏ cứng diễn ra rất chậm. Để hình thành một vỏ trứng gà cần phải cung cấp khoảng 5g CaCO 3. Các mô tử cung không chứa canxi dự trữ, nên phải huy động từ trong máu. Vì thế trong máu gà đẻ, lượng canxi thường cao hơn gà không đẻ 2 - 3 lần. Tại tử cung, cùng với sự hình thành vỏ cứng, các tuyến trong tử cung còn tiết ra sắc tố của vỏ, tạo nên các màu khác nhau tuỳ theo giống gia cầm. Sau khi hình thành vỏ cứng, các tế bào biểu mô vỏ tử cung còn tiết ra một chất dịch tạo thành lớp màng keo mỏng trên bề mặt vỏ. Thời gian trứng dừng lại tử cung từ 18 - 20 giờ. - Âm đạo: âm đạo là đoạn cuối của ống dẫn trứng, là cửa ngõ để trứng đi ra ngoài cơ thể. Lớp niêm mạc nhăn, không có tuyến ống. Lớp biểu mô âm đạo tiết ra chất dịch tham gia hình thành lớp màng keo trên bề mặt vỏ cứng. Khi đẻ trứng, âm đạo lồi ra khỏi lỗ huyệt giữ cho trứng không bị bẩn. Thời gian trứng đi qua âm đạo rất nhanh. 1.8.2 Cơ quan sinh dục đực Cơ quan sinh dục đực bao gồm: - Tinh hoàn hình ovan hay hình hạt đậu, màu trắng hoặc gợn vàng. Tinh hoàn bên trái phát triển hơn bên phải. Tinh hoàn được bao bọc bởi một màng mỏng, bên trong có rất nhiều ống sinh tinh. Tinh trùng được hình thành và phát triển trong các ống sinh tinh nhưng chưa có khả năng chuyển động và thụ tinh. Sau đó tinh trùng chuyển vào dịch hoàn phụ và thành thục. - Ống dẫn tinh có dạng hình ống nhỏ gấp khúc. Ống dẫn tinh nối với ống dẫn của dịch hoàn phụ vào tận phần giữa của ổ nhớp. Phần cuối của ống dẫn tinh là chỗ phình hình bong bóng, đây là nơi tích tụ tinh trùng. Tại đây tinh trùng có khả năng vận động và thụ tinh tốt. - Cơ quan giao cấu của gà và gà tây trống không phát triển. Chỉ là chỗ phình hình bong bóng của ống dẫn tinh, nở to hơn khi kích thích sinh dục. Khi giao cấu ổ nhớp của con trống áp sát với lỗ huyệt của con mái và tinh trùng được phóng vào đường sinh dục của con mái. 8
  8. - Cơ quan giao cấu của ngỗng và vịt hình xoắn ốc, được cấu tạo từ hai thể xơ, nó được phồng lên khi bị cương cứng bởi dòng limpho. Cơ quan giao cấu nằm trong ổ nhớp, trên ruột già, khi giao cấu nó lồi ra khỏi ổ nhớp. Khả năng giao phối của gia cầm rất cao, một gà trống có thể giao phối 25 - 41 lần trong một ngày. Sau khi giao phối 10 - 12 ngày tinh trùng gà vẫn có khả năng thụ tinh, vịt Bắc Kinh sau 4 -5 ngày. Quá trình thụ tinh xảy ra ở loa kèn sau khi trứng rụng trong thời gian ngắn (khoảng 15 - 20 phút). Khi thụ tinh chỉ có một tinh trùng kết hợp được với nhân của tế bào trứng. Số còn lại là dinh dưỡng cho phôi phát triển. 9
  9. Chương 2. GIỐNG VÀ CÔNG TÁC GIỐNG GIA CẦM 2.1 GIỐNG GÀ 2.1.1 Giống gà chuyên trứng * Gà Lơ-go (Leghorn) - Nguồn gốc: gà Lơgo có nguồn gốc ở Italia. Người ta đã lai gà địa phương Italia với gà Yokohama, gà Vianđot màu trắng bạc và gà Đominich để tạo ra các dòng gà có màu trắng, đen, vàng và vằn. Nhưng nhiều nhất vẫn là dòng gà Lơgo trắng. - Đặc điểm: mào đơn có dạng cong tròn, lá tai trắng, đôi khi có những chấm vàng. Mống mắt màu đỏ hoặc da cam, mỏ chắc màu vàng, cổ dài trung bình, có nhiều lông và áp sát vào thân màu trắng, về sau hơi ngả vàng, đuôi có gốc rộng và nhiều lông. - Sức sản xuất: ở tuổi trưởng thành con trống có khối lượng 2,0 - 2,6kg, con mái 1,6 - 2,2kg. Sức sinh sản cao, sản lượng trứng/năm đạt 250 - 270 quả, khối lượng trứng từ 55 - 60g. Hiện nay các dòng thuần được nuôi ở trung tâm gà giống hướng trứng Ba Vì. Gà lai được nuôi ở Xí nghiệp gà sinh sản 2/12 (Lương Mỹ), Xí nghiệp liên hợp giống gia cầm I, Xí nghiệp nuôi gà Nhân Lễ (Hà Nội)… Ở nhiều khu vực gia đình cũng đang phát triển nuôi gà Lơgo có hiệu quả cao. * Gà trắng Nga - Nguồn gốc: các nhà chọn giống Nga đã lai tạo gà địa phương với gà Lơgo tạo ra giống gà trắng Nga chuyên trứng thích nghi với khí hậu khác nhau, đặc biệt có khả năng thích nghi với các vùng khí hậu lạnh. - Đặc điểm: thể chất thanh - săn, ngoại hình cân đối, thân dài, rộng và sâu, đầu to, mào đơn to, 5 khía. Ngực rộng và hơi lồi, lông trắng, mỏ và chân màu vàng. - Sức sản xuất: tuổi trưởng thành khối lượng con trống là 2,9 - 3,2kg, con mái là 1,8 - 2,2kg. Sản lượng trứng 200 - 220 quả/năm, trọng lượng trứng trung bình là 55 - 60g. Ngoài ra còn nhiều cơ sở chăn nuôi đạt 230 - 250 quả/năm. * Gà Goldline 54 - Nguồn gốc: bộ giống gà Goldline54 Việt Nam nhập từ Hà Lan năm 1990. - Đặc điểm: gồm 4 dòng, hai dòng trống Ao, Bo và hai dòng mái Co, Do. Khi ghép dòng tạo thành dòng trống (AB) có lông màu đỏ và dòng mái (CD) có lông màu trắng. - Sức sản xuất: + Đối với gà giống bố mẹ Thời kỳ nuôi từ 0 - 25 tuần tuổi: tỷ lệ nuôi sống đạt 95 - 97%, khối lượng cơ thể gà mái lúc 19 tuần tuổi là 1400 - 1450g, 20 tuần tuổi đạt 1550 - 1650g/con. Thời kỳ gà đẻ từ 21 - 68 tuần tuổi: tỷ lệ nuôi sống đạt 92%, đỉnh cao sản xuất trứng là 91%, sản lượng trứng/gà mái đầu kỳ là 237 quả, tỷ lệ ấp nở là 85%. + Đối với gà thương phẩm Giai đoạn gà con và giai đoạn gà hậu bị (từ 0-20 tuần tuổi): khối lượng cơ thể lúc 17 tuần tuổi đạt 1360 - 1420g, lúc 20 tuần tuổi đạt 1620 - 1720g. Giai đoạn gà đẻ (từ 21 - 80 tuần tuổi): tỷ lệ nuôi sống đạt 93 - 94%, sản lượng trứng gà mái đạt 313 quả/ năm, khối lượng trứng bình quân là 60 - 63g/quả, khối lượng gà mái đẻ cuối kỳ là 2100 - 2300 kg/con. * Gà Hy - Line Brown 10
  10. - Nguồn gốc: nhập trực tiếp từ Mỹ - Đặc điểm: gà mái Hy - Line Brown thương phẩm có lông màu đỏ với lông màu trắng sát thân, mào đơn, vỏ trứng màu nâu. Con lai thương phẩm chọn trống mái bằng màu lông (gà mái lông màu đỏ lẫn trắng, gà trống lông màu trắng). -Sức sản xuất: + Gà bố mẹ: tỷ lệ nuôi sống lúc 1-18 tuần tuổi với dòng mái là 95%, dòng trống 94%, đến 18 - 70 tuần tuổi dòng mái và dòng trống đều đạt 91%. Từ 18 - 70 tuần tuổi sản lượng trứng đạt bình quân 257 quả/mái, tiêu tốn thức ăn cho 10 quả trứng là 1,6kg. Khối lượng trưởng thành (60 tuần tuổi) gà mái đạt 2,31kg, gà trống đạt 3,58kg. + Gà thương phẩm: giai đoạn hậu bị 0 - 18 tuần tuổi: tỷ lệ nuôi sống đạt 96 - 98%, khối lượng cơ thể đạt 1,55kg, tiêu tốn thức ăn 5,7 - 6,7 kg. Giai đoạn gà đẻ trứng: tỷ lệ nuôi sống từ 18 - 80 tuần tuổi đạt 94 - 98%, sản lượng trứng/mái bình quân là 339 quả. Tỷ lệ đẻ lúc cao điểm nhất đạt 93 - 96%, khối lượng trứng bình quân là 63,1g, tiêu tốn thức ăn cho 10 quả trứng là 1,7kg. 2.1.2 Các giống gà chuyên thịt * Gà Hybro - Nguồn gốc: tạo ra ở Hà Lan năm 1973, năm 1985 ta nhập từ Cuba nuôi tại Tam Đảo. - Đặc điểm: bộ giống gà Hybro màu trắng có 4 dòng S1(V1), S3(V3), SS(V5) và dòng 12. Mục đích của việc sử dụng 4 dòng này là nhằm tạo con lai 4 máu có năng suất cao để nuôi thịt (Broiler). Hiện nay thường dùng công thức lai 3 máu vẫn cho năng suất cao, công thức lai như sau: + Đặc điểm của dòng V1: là dòng từ giống gà Cornish màu trắng, tầm vóc to, là dòng nặng nhất, khối lượng lúc 49 ngày tuổi đạt 2,2 - 2,5kg. + Đặc điểm dòng V 3: có nguồn gốc từ gà Plymouth màu trắng, lông phát triển ở giai đoạn gà con, mào đơn. Có một gen liên kết với giới tính nhưng tốc độ mọc lông của con trống chậm hơn con mái, nên dựa vào đặc điểm này để chọn trống, mái. + Đặc điểm của dòng V5: có nguồn gốc từ gà Plymouth màu trắng, thể vóc nhỏ hơn 2 dòng V1, V3 nhưng sức đẻ trứng cao hơn 2 dòng trên, đạt 180 quả/năm. - Sức sản xuất: khối lượng 42 ngày tuổi dòng V1 đạt 1kg, dòng V3 là 0,9kg. dòng V5 0,8kg. Lúc 252 ngày đạt: Dòng V1 con trống 4,4kg, con mái 3,7kg Dòng V3 con trống 4,2kg, con mái 3,5kg Dòng V5 con trống 4,1kg, con mái 3,5kg * Gà AA (Arbor Acres) 11
  11. - Nguồn gốc: là giống gà thịt cao sản, có nguồn gốc từ Mỹ. Trong những năm gần đây giống gà AA được nhập về Việt Nam từ đàn gà ông bà của Malaysia hoặc Thái Lan. - Đặc điểm: lông màu trắng, mào đơn, vỏ trứng màu nâu. Nuôi tách riêng con trống của dòng bố, con mái của dòng mẹ từ lúc một ngày tuổi. - Sức sản xuất: là Broiler lúc 1 tuần tuổi đạt khối lượng 159g, tiêu tốn thức ăn/1kg tăng khối lượng là 0,87kg. Lúc 5 tuần tuổi đạt 1.555g, tiêu tốn 1,58kg thức ăn/1kg tăng khối lượng. Đến 10 tuần tuổi đạt khối lượng 3861g, tiêu tốn 2,48kg thức ăn/1kg tăng khối lượng. * Gà thịt Avian - Nguồn gốc: giống gà thịt cao sản Avian thuộc hãng Avian Farms International Inc - Mỹ. Gà bố mẹ Avian mọc lông nhanh, được nhập vào nước ta từ đàn gà ông bà tại Thái Lan. - Đặc điểm: lông màu trắng, mào đơn. - Sức sản xuất: + Gà bố mẹ: khối lượng cơ thể lúc 20 tuần tuổi gà mái đạt 1954 - 2045g, gà trống 2655g. Lúc 65 tuần tuổi gà mái đạt 3591 - 3682g, gà trống là 4720g. Tuổi đẻ đạt đỉnh cao vào 30 - 31 tuần, tỷ lệ đẻ đạt cao nhất là 86%. + Gà Broiler (dòng mọc lông nhanh): khối lượng cơ thể lúc 7 tuần tuổi đạt 2452g, tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng là 1,89kg. Lúc 9 tuần tuổi khối lượng cơ thể đạt 3369g, tiêu tốn 2,27 kg thức ăn/kg tăng khối lượng. 2.1.3. Giống gà địa phương * Gà Ri Phân bố rộng rãi ở các tỉnh của Việt Nam. Mào đơn hoặc mào nụ, lá tai đỏ, da màu vàng hoặc màu trắng. Màu lông pha tạp: nâu, vàng nâu, hơi mơ đỏ tía… Tầm vóc thanh gọn, thân tương đối ngắn, chân cao vừa phải, đầu nhỏ, mào bé xương nhỏ, lông xếp xít vào thân. Ở tuổi trưởng thành con trống nặng 1,5 - 2,0kg, con mái nặng 1,1 - 1,6kg. Sản lượng trứng 70 - 90 quả/năm, khối lượng trứng 45 - 50g. * Gà Mía Có nguồn gốc ở Tùng Thiện (Sơn Tây). Mào đơn hoặc mào hạt đậu, lá tai đỏ, da màu vàng, da bụng đỏ. Màu lông đỏ xẫm, tầm vóc to, chân cao, cổ tương đối dài, to. Hai bên cổ ít lông, thân ngắn - phẳng, ngực sâu, rộng. Chân có 2 đến 3 hàng vảy màu vàng. Ở tuổi trưởng thành con trống nặng 3,5 - 4,0kg, con mái nặng Gà Mía 2,5 - 3,5kg. Sản lượng trứng 50-60 quả/năm, khối lượng trứng 55 - 60g. * Gà Đông Tảo 12
  12. Nguồn gốc: gà Đông Tảo là giống gà hướng thịt, xuất hiện cùng với nghề lúa nước và quá trình hình thành khu dân cư tại xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên . Đặc điểm: gà con mới nở 1 ngày tuổi có lông trắng đục. Gà mái trưởng thành có lông màu vàng nhạt hoặc màu nâu nhạt. Gà trống hầu hết có lông màu mận chín pha lẫn màu đen, đỉnh đuôi và cánh có màu lông đen ánh xanh. Mào gà trống, gà mái có mào kép, mào nụ hay Gà Đông Tảo còn gọi là mào “hoa hồng” hoặc mào “bèo dâu”. Lá tai đỏ, da dầy màu đỏ, cổ to, ngắn, đầu to, lưng phẳng, ngực sâu, rộng, tầm vóc to, thấp. Ít lông, đầu to ít lông, hình vuông, chậm chạp, chân có 3 hàng vảy trở lên, xù xì. Trọng lượng con trống là 5,0 - 6,0kg, con mái 3,5 - 4,5kg. Sản lượng trứng 40 quả/năm, khối lượng trứng 58 - 65g/quả. * Gà Hồ Gà Hồ có nguồn gốc ở Thuận Thành (Bắc Ninh). Nhân dân vùng này chọn lọc theo hướng nuôi gà cảnh. Gà có màu trái dâu hoặc hạt đậu, lá tai đỏ, da dày vàng đỏ, màu lông có màu đất thó, xám, đỏ thẫm. Cổ cao, ít lông, đầu to, thân hình vuông, chân cao, chân có 2 - 3 hàng vảy màu trắng. Khối lượng con trống lúc trưởng thành đạt 4,0 - 5,0 kg, con mái 3,0 - 4,0 kg. Sản lượng trứng 40 - 50 quả/năm, khối lượng trứng 55 - 60g/quả. Gà Hồ 2.2. GIỐNG VỊT 2.2.1 Giống vịt hướng thịt * Giống vịt Bắc Kinh Vịt Bắc kinh được nhập vào nước ta lần đầu tiên năm 1960, năm 1978 được nhập tiếp từ Cộng hoà dân chủ Đức. Hiện nay, giống vịt này được nuôi ở một số vùng để sản xuất vịt thương phẩm và lai với vịt địa phương lấy con lai nuôi thịt. - Đặc điểm: lông trắng tuyền, đầu dài, mỏ màu vàng cam, cổ to vừa phải và tương đối dài, hơi cong và ưỡn ra phía trước. Thân dài, rộng và sâu. Ngực nở, bụng của con cái hơi xệ, vịt dễ nuôi và khả năng cho thịt lớn. - Sản xuất: vào lúc 65 ngày tuổi vịt trống nặng 2,3 - 2,5kg, vịt mái nặng 2,0 - 2,2kg. Lúc trưởng thành vịt trống nặng 2,8 - 3,0kg, vịt mái nặng 2,4 - 2,7kg. Vịt thành thục sinh 13
  13. dục vào 175 - 180 ngày. Sản lượng trứng đạt 130 - 140 quả/mái/năm. Khối lượng trứng 75 - 85 gam/quả. Tiêu tốn thức ăn cho 1 kg tăng khối lượng là 2,8 - 3,2kg. * Giống vịt Anh Đào (Cherry Valley) - Nguồn gốc: được nhập vào nước ta nhiều đợt và từ nhiều nguồn khác nhau. Năm 1970 nhập từ Hungari, năm 1982 - 1983 được nhập từ Anh. - Đặc điểm: vịt có hình dáng nặng nề, đầu to và rộng. Mình dài, ngực rộng, lông màu trắng tuyền, chân, mỏ màu da cam. - Sản xuất: khả năng cho thịt của vịt Anh Đào rất lớn, lúc 49 ngày tuổi có thể đạt 2,7 - 3,2kg. Tiêu tốn thức ăn cho 1kg tăng khối lượng là 2,4 - 2,8kg. Sản lượng trứng đạt 150 - 155 quả/mái/năm. Trong điều kiện nuôi dưỡng tại Việt Nam vịt đạt khối lượng cơ thể 2,2 - 2,3kg lúc 75 ngày tuổi, sản lượng trứng đạt 120 - 130 quả/mái/năm. 2.2.2 Giống vịt hướng trứng * Giống vịt cỏ - Nguồn gốc: Là giống vịt được nuôi lâu đời và phổ biến ở nước ta, phân bố khắp mọi miền đất nước. Vịt có nguồn gốc từ vịt trời được thuần hoá và chọn lọc tự nhiên hình thành nên. - Đặc điểm: vịt Cỏ có màu lông đa dạng từ sẻ sẫm, trắng tuyền, xám hồng, xám đá đến màu đen tuyền, tuy nhiên phổ biến vẫn là màu lông cánh sẻ. Vịt có đầu thanh, mỏ dẹt, dài màu vàng nhạt, ở mỏ Vịt Cỏ một số con đực có màu xanh lá cây nhạt và cổ có màu lông xanh biếc. Thân mình thon dài, ngực lép, dáng đi nhanh nhẹn, thích hợp với lối chăn thả. - Sản xuất: thành thục sớm (150 - 140 ngày), có những con 124 ngày đã bắt đầu đẻ, sản lượng trứng đạt 220 - 240 quả/mái/năm. Khả năng sản xuất thịt của vịt Cỏ thấp, 63 ngày tuổi vịt trống chỉ đạt 1,2 - 1,3kg và vịt mái đạt 1,0 - 1,2kg. Lúc trưởng thành vịt trống đạt 1,5 - 1,8kg, vịt mái đạt 1,4 - 1,5kg. Vịt cỏ chiếm 70 - 75% tổng đàn trong cả nước. - Hướng sử dụng vịt Cỏ: chọn lọc nhân thuần để nâng cao năng suất trứng và có thể làm nái nền để lai tạo với một số giống vịt khác nhằm cải tạo năng suất thịt. * Giống vịt Khaki Campbell - Nguồn gốc: là giống vịt chuyên trứng nổi tiếng của thế giới và được tạo ra ở Vương quốc Anh do lai giữa giống vịt trời với vịt Orpington và vịt chạy Ấn Độ. Được nhập vào nước ta lần đầu vào năm 1958 từ Hà Lan và gần đây là Thái Lan. - Đặc điểm: vịt có màu lông vàng nhạt, đầu to vừa phải, mắt đen, mỏ của con trống có màu xanh lá cây sẫm, của con mái màu xám đá đen. Thân dài, ngực rộng và sâu, chân màu da cam. 14
  14. - Sản xuất: có tầm vóc to vừa phải, lúc trưởng thành con đực nặng 2,2 - 2,4kg, con mái nặng 2,0 - 2,2kg. Khả năng chịu đựng kham khổ tốt, trong điều kiện chăn thả vịt bắt đầu đẻ trứng vào 140 - 150 ngày tuổi. Năng suất đạt 250 - 280 quả/mái/năm, khối lượng trứng 65 - 75 gam. Hiện nay vịt Khaki Campbell được nuôi rộng rãi khắp các tỉnh trong cả nước đặc biệt là ở khu vực duyên Hải miền Trung. * Giống vịt Ômôn - Nguồn gốc: Là giống vịt địa phương có nguồn gốc ở huyện Ômôn, tỉnh Vĩnh Long. - Sức sản xuất: khối lượng trung bình lúc 63 ngày tuổi 1,3 - 1,6kg và lúc trưởng thành là 2,2kg. Sản lượng trứng bình quân 150 - 170 quả/mái/năm. Khối lượng trứng đạt 55 - 60 gam. 2.2.3 Giống vịt kiêm dụng * Giống vịt Bầu - Vịt Bầu được phân bố khá rộng rãi ở miền Bắc và cả miền Nam, đồng thời có nhiều ở các tỉnh duyên Hải miền Trung nước ta. - Đặc điểm: vịt Bầu có đầu to, mỏ màu vàng, con trống có mỏ màu xanh lá cây, lông cổ màu xanh biếc, một số con có vòng lông trắng ở cổ. Vịt Bầu thân hình Vịt Bầu dài, rộng, bụng sâu, dáng đi nặng nề, lạch bạch. Vịt Bầu không được chọn lọc khắt khe trong thời gian dài, do đó màu lông có sự phân ly lớn từ màu trắng, đen xám, đến màu nâu xám. - Sản xuất: vịt Bầu được nuôi lấy thịt, vừa được nuôi lấy trứng, tuy nhiên sản lượng trứng thấp hơn vịt Cỏ, đạt trung bình từ 100 - 130 quả/mái/năm, khối lượng trứng 70 - 80 gam. Khả năng cho thịt của vịt Bầu tương đối tốt, nuôi đến 63 ngày tuổi vịt trống đạt 1,5 - 1,8kg, vịt mái đạt 1,3 - 1,5kg, lúc trưởng thành con trống đạt 2,5 - 3,0kg, con mái 2,2 - 2,5kg. * Giống vịt Kỳ Lừa - Nguồn gốc: gống vịt có nguồn gốc ở Lạng Sơn, được phân bố rộng ở các tỉnh miền núi trung Du bắc Bộ. - Đặc điểm: vịt có màu lông không đồng nhất, ở con mái mỏ màu xám hoặc vàng, con trống có mỏ màu xanh nhạt và cổ có màu lông xanh biếc. Thân hình không dài, ngực sâu, dáng đi lúc lắc sang 2 bên, thân hơi dốc so với mặt đất. - Sản xuất: vịt Kỳ Lừa thành thục sớm thường là 150 - 160 ngày. Sản lượng trứng đạt trung bình 110 - 120 quả/mái/năm. Khả năng sinh trưởng và phát triển của giống vịt này trung bình. Khối lượng cơ thể lúc 63 ngày tuổi bình quân 1,2 - 1,6kg và lúc trưởng thành con trống đạt 2,8 - 3,0kg, con mái 2,2 - 2,5kg. Nhìn chung giống vịt này chưa được phổ biến rộng rãi và số lượng không lớn. * Giống vịt Bạch tuyết 15
  15. - Nguồn gốc: được tạo ra do kết quả lai tạo giữa vịt mái Cỏ và vịt trống Anh Đào. - Đặc điểm: vịt Bạch tuyết có màu lông trắng tuyền, tầm vóc trung bình, ngực sâu rộng, cổ thanh nhẹ. Vịt Bạch tuyết có khả năng mò, lặn tốt, thích hợp với phương thức nuôi chăn thả. - Sản suất: Lúc trưởng thành vịt có khối lượng cơ thể trung bình con trống từ 2,2 - 2,3kg và con mái từ 1,7 - 2,0kg. Vịt bắt đầu đẻ lúc 150 ngày tuổi, sản lượng trứng đạt 140 - 160 qủa/mái/năm. 2.3. GIỐNG NGAN 2.3.1 Giống ngan nội - Nguồn gốc: ngan thực chất là một giống vịt, nên có nơi gọi ngan là vịt Xiêm. Căn cứ vào ngoại hình có thể phân chia ngan nội ra 3 loại hình: ngan Dé: (màu lông trắng), ngan Trâu (lông đen) và ngan Sen (màu lông loang đen trắng). Trong đó ngan trâu có tầm vóc lớn nhất, nhưng ngan Dé có Ngan nội sức đẻ trứng tốt hơn. - Đặc điểm: ngan có đầu to, trán phẳng, nhiều lông, mào phát triển. Đặc biệt ở con trống, thân hình dài, lưng rộng, ngực nở nang, chân ngắn, dáng đi nặng nề. - Sản xuất: khả ngăng cho thịt của ngan tương đối tốt. Lúc 60 ngày tuổi con trống đạt 2,0 - 2,5kg, con mái đạt 1,4 - 1,6kg, trưởng thành con trống đạt 4,0 - 4,5kg, con mái đạt 2,5 - 3,0kg. Ngan đẻ nhiều lứa trong năm dao động từ 3 - 6 lứa. Sản lượng trứng bình quân một lứa 15,5 quả/mái và một năm là 65 - 70 quả/mái, thời gian ấp 32 - 35 ngày, thời gian đẻ lại sau một lứa là 10 - 20 ngày. Tuổi thành thục sinh dục biến động lớn từ 225 - 235 ngày, ngan trắng thành thục sinh dục sớm hơn từ 19 - 25 ngày. Thịt ngan thơm ngon, màu hồng. 2.3.2 Giống ngan nhập nội - Nguồn gốc: Năm 1996, nước ta đã bắt đầu nhập một số giống ngan của Pháp gồm các dòng R31 có màu lông xám đen, vằn ngang và dòng R51 có màu lông trắng. Đây là 2 dòng ngan cao sản có các đặc điểm: khả năng cho thịt và khả năng sinh sản cao, thích ứng với khí hậu nhiệt đới. - Sản xuất: Khối lượng cơ thể lúc 88 ngày tuổi đối với con trống là 4,4 - 4,8kg, lúc 77 ngày tuổi con mái nặng 2,4 - 2,6kg. Sản lượng trứng đạt 195 - 202 quả/mái/2 chu kỳ. Nuôi ở nước ta đến 12 tuần tuổi con trống đạt 3,37kg, con mái đạt 2,48kg. 2.4. CÁC PHƯƠNG PHÁP CHỌN LỌC GIA CẦM Theo quan điểm của công tác giống gia cầm thì chọn lọc là quá trình giữ lại để làm giống và nhân giống những gia cầm phù hợp với sản xuất và loại thải những cá thể không phù hợp. Về bản chất di truyền, chọn lọc là quá trình thay đổi tần số gen của quần thể gia cầm. Trong cả quá trình chọn lọc và nhân giống có 3 giai đoạn làm thay đổi tần số gen: - Giai đoạn 1: chọn lọc để giữ lại những cá thể tốt để làm giống. 16
  16. - Giai đoạn 2: tỷ lệ thụ tinh khác nhau khi cho giao phối giữa các cá thể. - Tỷ lệ nuôi sống và tỷ lệ chết ở đời con làm thay đổi tần số gen. Trong 2 giai đoạn sau, sự thay đổi tần số gen chịu ảnh hưởng của chọn lọc tự nhiên là chủ yếu. Song tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ nuôi sống không liên quan đến các gen chi phối các tính trạng số lượng, vì vậy có thể nói trong công tác giống chọn lọc hầu như thuần tuý là chọn lọc nhân tạo. * Chọn lọc hàng loạt Chọn lọc hàng loạt được tiến hành với tất cả các gia cầm sinh sản ở các cơ sở sản xuất với mục đích là chọn được gia cầm trống và mái thay thế cho đàn gia cầm sinh sản, loại thải những con xấu để giữ quy mô đàn ở mức độ nhất định. Trước khi chọn lọc người ta đặt ra tiêu chuẩn cho những gia cầm sẽ được giữ lại làm giống về năng suất cũng như ngoại hình và chỉ giữ lại những gia cầm đạt tiêu chuẩn. Những số liệu về năng suất của gia cầm, để chính xác có thể được hiệu chỉnh theo các hệ số nhất định như hiệu chỉnh theo năm đẻ, mùa vụ… * Chọn lọc cá thể (kiểm tra năng suất cá thể) Phương pháp này được tiến hành tại các trung tâm giống và cả ở các cơ sở sản xuất nhằm chọn lọc gia cầm dự bị, chủ yếu là đối với con trống. Các gia cầm con được theo dõi chặt chẽ về sinh trưởng, phát triển, ngoại hình thể chất. Trên cơ sở đó người ta đánh giá và giữ lại những cá thể đạt yêu cầu của công tác chọn lọc giống. * Kiểm tra đời sau Để đánh giá con đực được chính xác thì cần thu nhận từ mỗi con đực khoảng 30 - 50 con mái con, 30 - 50 trống con. Để đánh giá gà mái phải thu được ít nhất từ 8 - 10 gà mái con, để tiến hành chọn lọc theo các dấu hiệu mong muốn. Để đánh giá chất lượng thịt, cần nuôi 7 - 8 tuần tuổi, để đánh giá sản lượng trứng phải nuôi qua 10 tháng và đầy đủ nhất phải qua 18 tháng kể từ khi gà con nở ra. Sau thời gian đó so sánh sản lượng trứng, khối lượng trứng, … tức là sức sản xuất của gà con so với mẹ của chúng và rút ra kết luận. Đánh giá nhanh chất lượng giống của con trống có thể được tiến hành bằng phương pháp so sánh sức sản xuất của đời con với bố mẹ chúng ở giai đoạn cùng tuổi hoặc so với chị em gà con cùng tuổi. Để đánh giá sức sản xuất trứng phải khảo sát từ 5 quả trở lên ở 300 và 365 ngày tuổi: xác định khối lượng trứng, vòng máu, độ dày của vỏ, độ bền, thành phần của trứng… Ưu điểm của phương pháp chọn lọc theo kiểm tra đời sau là có độ chính xác của chọn lọc cao và đánh giá được những chỉ tiêu mà người ta không thể xác định được trên bản thân con giống được, nhất là những chỉ tiêu sản xuất trứng của con đực. Nhưng nhược điểm của phương pháp này là thời gian theo dõi và chọn lọc dài, ảnh hưởng đến tiến độ di truyền, đồng thời phải kiểm tra nhiều đời con mới đánh giá được đực giống, gây tốn kém cho quá trình chọn lọc. 2.5. CHỌN PHỐI GIA CẦM 2.5.1 Chọn đôi giao phối theo phẩm chất Người ta ghép trống và mái dựa trên sự đánh giá phẩm chất của chúng, nếu có cùng những đặc điểm quan trọng, cùng hướng sản xuất thì gọi là ghép đôi giao phối đồng chất, nếu khác nhau thì gọi là ghép đôi giao phối dị chất. Phẩm chất ở đây có thể là phẩm chất về kiểu hình, cũng có thể là phẩm chất về kiểu di truyền. Để tránh việc suy giảm sức sống của đời sau, người ta thường dùng hình thức ghép đôi giao phối dị chất, nghĩa là cho giao phối những con trống và mái cùng giống đó 17
  17. nhưng ở những cơ sở khác nhau. Công tác ghép đôi giao phối dị chất tạo ra trong đàn nhiều đặc điểm mới, nâng cao sức sống của gia cầm và góp phần nâng cao phẩm chất giống mà vẫn đảm bảo duy trì được những đặc điểm chung điển hình của giống. 2.5.2 Chọn đôi giao phối theo tuổi Qua các phương pháp đánh giá nhanh chất lượng giống, người ta có thể áp dụng ghép đôi giao phối từ lúc gà trống và gà mái một năm tuổi hoặc sớm hơn. Nhiều thí nghiệm và thực tiễn đã chứng minh rằng việc ghép đôi giao phối giữa con trống một tuổi với con mái hai tuổi sẽ cho kết quả tốt nhất. Riêng trong chăn nuôi ngỗng thì có thể sử dụng con giống từ 4 đến 5 năm tuổi. Thời hạn sử dụng gia cầm giống trong mỗi trường hợp phải chú ý đến chất lượng giống của con trống và con mái, tỷ lệ sống qua từng thời kỳ và khả năng sinh sản ra những con mái cao sản. 2.5.3 Chọn phối theo huyết thống Tức là căn cứ vào huyết thống của gia cầm để ghép đôi giao phối. Tuỳ theo yêu cầu của các phương pháp nhân giống cụ thể mà có thể giao phối đồng huyết (tức là cho giao phối giữa những con trống và con mái có quan hệ họ hàng trong 5 đời), hoặc không đồng huyết. Trong trường hợp giao phối đồng huyết, để tránh sự suy giảm cận huyết, nên cần phải có phương pháp ghép đôi giao phối thật khoa học, dựa trên một kế hoạch chi tiết, theo dõi chặt chẽ và phải dùng những con trống và mái có sức giống cao. 2.6. CHỌN LỌC GIA CẦM THEO NGOẠI HÌNH Chọn lọc gia cầm theo ngoại hình tức là theo dõi sức khỏe, tính tình, cấu trúc thân… Mục đích quan trọng nhất là chọn lọc được một đàn gia cầm phù hợp nhất với các mục tiêu đã đặt ra và loại thải kịp thời những gia cầm không đạt yêu cầu. 2.6.1 Chọn gà con mới nở Chọn gà con được tiến hành ngay trong ngày tuổi đầu tiên và phân gà con một ngày tuổi ra làm 3 loại: - Gà loại 1: là những gà có cơ thể vững chắc và phần hông nở nang, lông tơi bông xốp, đều đặn, phủ kín toàn thân, mỏ cân xứng, mắt sáng, mở to hoàn toàn, cánh áp sát vào thân, thế chân đứng rộng, các ngón chân thẳng. Bụng nhỏ, mềm, không có mấu ở rốn, có phản xạ nhanh với tiếng động. - Gà loại 2: là những gà con yếu, nhỏ, bụng to, lông ướt. - Gà loại 3: là những gà con còn lại cần loại thải Việc phân gà con làm các loại khác nhau nhằm định ra chế độ chăm sóc nuôi dưỡng thích hợp, nhất là đối với gà loại 2. Gà con mới nở được thu vào các hộp giấy cứng có kích thước mỗi hộp là 40 x 60 x 18 cm. Trong mỗi hộp được chia ra làm 4 ngăn nhỏ, mỗi ngăn chứa 25 gà con. 2.6.2 Chọn gà 56 ngày tuổi Chọn gà 56 ngày tuổi phải dựa vào những chỉ tiêu sau: - Tỷ lệ sống ở 56 ngày tuổi - Trọng lượng bình quân - Tổng chi phí thức ăn cho đàn và cho 1 gà/1 kg tăng khối lượng. Quá trình chọn được tiến hành theo 2 bước sau: + Bước 1: chọn những gà có ngoại hình thích hợp với phẩm giống, cụ thể là gà mái phải khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, với các giống lông màu trắng thì lông phải trắng mượt, đầu to, cổ dài vừa phải, mỏ ngắn, chắc chắn, ngực nở, rộng, sâu. Lưng rộng, phẳng, chân cao vừa phải, móng ngắn, xương háng rộng. 18
  18. Sau khi đã có số liệu trên, người ta tính toán chỉ tiêu chung để chọn. Về trọng lượng không chọn những con quá to, quá nhỏ, những đặc điểm ngoại hình phải đảm bảo chỉ tiêu trên. Đối với từng giống, dòng khác nhau thì có những chỉ tiêu khác nhau. + Bước 2: sau khi xác định và ghi chép đầy đủ đặc điểm, trọng lượng của gà theo số chân và số cánh, người ta tiến hành chọn lọc trên sổ sách, lập danh sách những gà không đủ tiêu chuẩn để loại thải và danh sách những gà để làm giống, sau đó sẽ tiến hành trên thực tế đàn gia cầm. 2.6.3 Chọn gà mái đẻ Trước khi gà thành thục có thể phân biệt được gà mái đẻ tốt và xấu dựa trên thực tế đàn gia cầm. Bảng 2.1. Một số đặc điểm chung để phân biệt gà mái tốt xấu Các bộ phận Gà mái tốt Gà mái xấu Đầu Rộng Hẹp, dài Mắt To, lồi, màu da cam Nhỏ, màu nâu xanh Mỏ Ngắn, chắc Dài, mảnh Phát triển tốt, có nhiều Mào và tích mao mạch Thân Dài, rộng Ngắn, hẹp Phát triển tốt, khoảng Phát triển kém, khoảng cách từ Bụng cách từ cuối xương lưỡi cuối xương lưỡi hái và xương hái và xương háng rộng háng hẹp Chân Màu vàng, móng ngắn Nhợt, móng dài Lông Mềm, sáng Xù Tính tình Linh hoạt, nhanh nhẹn Dữ tợn hay uể oải Khi đàn gà đã đẻ, có thể phân biệt gà mái đẻ và gà mái không đẻ dựa trên một số biểu hiện sau đây. Bảng 2.2: Một số đặc điểm chung để phân biệt gà mái đã đẻ Tên bộ phận Gà mái đẻ Gà mái không đẻ Mào và tích To, mềm, đỏ Nhỏ, nhạt màu, khô Dễ tốn, khoảng cách hai Xương háng Cứng, khoảng cách hẹp ba ngón tay Rụng lông hay còn nhiều lông vì Bộ lông Đầy đủ, lông đuôi cong gà ít khi vào ổ đẻ. To, nhờn ướt, cử động, Lỗ huyệt Nhỏ, khô, màu sắc đậm màu sắc nhạt Trong điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng bình thường, số gà như vậy chiếm khoảng 5 - 15% tổng số gà mái đẻ. Điều quan trọng là phải loại thải nhanh những con gà đó. Có thể bắt lên từng con một để xem xét hay quan sát toàn đàn để tìm ra chúng. Công việc kiểm tra đàn cần được tiến hành 3 - 4 lần trong một năm, nếu không thì dù có chăm sóc tốt thì khả năng đẻ trứng của đàn cũng giảm đi tới 40%. Đặc biệt đối với những gà mái đã bắt đầu thay lông một phần hay toàn bộ. Khi gà bắt đầu đẻ lại, cũng tức là sắp hết 19
  19. thời gian sử dụng có ý nghĩa kinh tế, thời gian này gà đẻ ít tới mức không thể bù đắp lại được chi phí cho sự nuôi dưỡng chúng cho thời gian 2 - 3 tháng thay lông, vì vậy việc quyết định để giữ những mái nào nuôi tiếp phải hết sức cẩn thận. 20
  20. Chương 3. SỨC SẢN XUẤT CỦA GIA CẦM 3.1. SỨC SẢN XUẤT TRỨNG 3.1.1 Cấu tạo trứng gia cầm - Vỏ trứng Phía ngoài được phủ một lớp keo dính do âm đạo tiết ra. Lớp keo dính này có tác dụng làm giảm bớt độ ma sát giữa thành âm đạo và trứng, tạo thuận lợi cho việc đẻ trứng. Khi đẻ ra có tác dụng hạn chế sự bốc hơi nước của trứng và ngăn cản sự xâm nhập của tạp khuẩn từ bên ngoài vào. Vỏ cứng là phần chủ yếu của vỏ trứng gia cầm, có độ dày trung bình 0,2 - 0,6mm. Độ dày của vỏ cứng không đều: dày nhất ở đầu nhỏ, giảm dần tới thành bên và mỏng nhất ở đầu to của trứng. Trên bề mặt vỏ có nhiều lỗ khí, trung bình mỗi vỏ cứng của trứng gà có 10.000 lỗ khí, tính trên 1 cm2 có khoảng 150 lỗ khí. Dưới vỏ cứng có 2 lớp màng đàn hồi, hai lớp gắn chặt với nhau và chỉ tách ra ở phía đầu to của trứng, tại đây giữa 2 lớp tạo ra một khoảng trống, gọi là buồng khí. Có ý nghĩa quan trọng trong quá trình trao đổi khí để cho phôi phát triển. - Lòng trắng: gồm 4 lớp + Lớp lãng ngoài (lớp lòng trắng loãng ngoài) + Lớp đặc giữa (lòng trắng đặc ngoài) + Lớp loãng giữa (lớp lòng trắng loãng giữa) + Lớp đặc trong (lớp lòng trắng đặc trong) Trong trứng gà tươi với trọng lượng 58g thì lòng trắng chiếm 56%, lòng đỏ 32%, vỏ và màng vỏ chiếm 12%. Những chỉ số này dao động và phụ thuộc vào khối lượng trứng, độ tươi của trứng, đồng thời phụ thuộc vào đặc điểm của giống, loài và cá thể. Độ keo dính của lòng trắng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nuôi dưỡng gia cầm, bảo quản trứng, … Trong lòng trắng còn chứa những dây chằng lòng đỏ, cấu tạo bằng chất đản bạch, hình xoắn, có tác dụng giữ cho lòng đỏ luôn luôn ở vị trí trung tâm của trứng. Quá trình hình thành dây chằng lòng đỏ bắt đầu từ loa kèn (tạo mầm), do tế bào trứng luôn chuyển động quay trong ống dẫn trứng nên dây chằng được tạo ra có hình xoắn. Lòng trắng là môi trường cung cấp các chất dinh dưỡng và nước cho phôi phát triển. - Lòng đỏ Lòng đỏ là tế bào trứng của gia cầm, có dạng hình cầu và đường kính vào khoảng 35 - 40 mm. Cấu tạo lòng đỏ bao gồm: màng, nguyên sinh chất và nhân. Màng tế bào trứng rất mỏng, dao động trong khoảng 16 - 20µ. Màng có tính đàn hồi, luôn giữ cho tế bào trứng ở dạng hình cầu. Nguyên sinh chất bao gồm: chứa ty lạp thể, lưới golgi, thể vùi chứ protein, lipit, guluxit và các axitamin. Nhân tế bào trứng có hình tròn, đường kính vào khoảng 1 - 2mm, mầu nhạt hơn nguyên sinh chất và nằm trên bề mặt nguyên sinh chất. Trong nhân chứa ADN, ARN, protein và có 40 đôi nhiễm sắc thể. Màu sắc của lòng đỏ phụ thuộc vào hàm lượng caroten trong thức ăn và sắc tố trong cơ thể gia cầm. Trọng lượng lòng đỏ chiếm 32% so với trọng lượng trứng. Chỉ tiêu này phụ thuộc vào nhiều yếu tố: di truyền cá thể, lứa tuổi, giống, loài, điều kiện nuôi dưỡng gia cầm, mùa vụ. 21
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2