Bài giảng Quản trị tác nghiệp - Bài 1: Giới thiệu chung về quản trị tác nghiệp
lượt xem 7
download
"Bài giảng Quản trị tác nghiệp - Bài 1: Giới thiệu chung về quản trị tác nghiệp" giới thiệu những kiến thức cơ bản có tính chất tổng quan về môn học; các nội dung chính của toàn bộ bài trình của môn học và nội dung của quản trị tác nghiệp.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Bài giảng Quản trị tác nghiệp - Bài 1: Giới thiệu chung về quản trị tác nghiệp
- Bài 1: Giới thiệu chung về quản trị tác nghiệp BÀI 1 GIỚI THIỆU CHUNG VỀ QUẢN TRỊ TÁC NGHIỆP Hướng dẫn học Để học tốt bài này, sinh viên cần tham khảo các phương pháp học sau: Học đúng lịch trình của môn học theo tuần, làm các bài luyện tập đầy đủ và tham gia thảo luận trên diễn đàn. Đọc tài liệu: Giáo trình Quản trị tác nghiệp – Trường Đại học Kinh tế quốc dân Sinh viên làm việc theo nhóm và trao đổi với giảng viên trực tiếp tại lớp học hoặc qua email. Trang Web môn học. Nội dung Tổng quan về quản trị sản xuất; Nội dung của quản trị sản xuất; Các nhiệm vụ, yêu cầu của nhà quản trị sản xuất; Quá trình hình thành và xu hướng phát triển của quản trị sản xuất; Các loại quá trình sản xuất. Mục tiêu Giới thiệu những kiến thức cơ bản có tính chất tổng quan về môn học; Giới thiệu các nội dung chính của toàn bộ bài trình của môn học và nội dung của quản trị tác nghiệp. NEU_MAN610_Bai1_v1.0013111214 1
- Bài 1: Giới thiệu chung về quản trị tác nghiệp Tình huống dẫn nhập Khó khăn của chị Hòa Chị Hòa chủ một xưởng may gia công, xưởng của chị có rất nhiều đơn hàng. Trước đây, chị Hòa là một thợ may giỏi nhưng chủ yếu chỉ qua kinh nghiệm mà thành công chứ chưa qua một khóa đào tạo nào về quản trị doanh nghiệp và quản trị sản xuất. Do tính cạnh tranh ngày càng găy gắt, hiện nay xưởng của chị còn gặp nhiều khó khăn trong điều hành sản xuất, chi phí đầu vào tăng cao, lượng tồn kho khá nhiều dẫn đến lợi nhuận còn thấp. Chị Hòa quyết định sẽ tham gia một khóa đào tạo về quản trị và điều hành sản xuất để hiểu rõ hơn về việc điều hành sản xuất và kinh doanh. 1. Tại sao chị Hòa lại gặp nhiều khó khăn như vậy? 2. Quyết định tham gia một khóa học về quản trị tác nghiệp của chị có hợp lý hay không? 2 NEU_MAN610_Bai1_v1.0013111214
- Bài 1: Giới thiệu chung về quản trị tác nghiệp 1.1. Thực chất quản trị tác nghiệp 1.1.1. Khái niệm quản trị tác nghiệp Khi nói đến sản xuất nhiều người thường nghĩ tới những doanh nghiệp chế tạo, sản xuất các sản phẩm vật chất cụ thể như bàn, ghế, tủ... và gắn liền với những hình ảnh của nhà máy, xí nghiệp, dây chuyền sản xuất. Trong quá khứ, vấn đề này chỉ được thực hiện riêng biệt trong việc quản lý sản xuất. Trong những năm gần đây, phạm vi của việc tổ chức điều hành sản xuất được mở rộng, trong thực tế có những doanh nghiệp vừa sản xuất sản phẩm dưới dạng vật chất thuần túy lại vừa có những hoạt động khác dưới dạng phi vật chất chằng hạn như tổ chức vận chuyển sản phẩm đến cho khách hàng, cung cấp những dịch vụ sau bán hàng… Sản phẩm do các doanh nghiệp sản xuất ra không chỉ đáp ứng những yêu cầu về mặt giá trị sử dụng vật chất mà cả về những yếu tố tinh thần, văn hóa của người tiêu dùng. Hiện nay, khi nói đến sản phẩm người ta không chỉ nghĩ đến những thuộc tính có tính chất vô hình mà còn cả những yếu tố khác có tính chất hữu hình. Sản phẩm được hình thành từ các thuộc tính vật chất hữu hình và vô hình. Thuộc tính hữu hình phản ánh giá trị sử dụng khác nhau như công năng, công dụng, đặc tính kinh tế - kỹ thuật của sản phẩm. Những thuộc tính vô hình bao gồm các yếu tố như thông tin hay các dịch vụ đi kèm để đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách tốt hơn. Theo quan niệm phổ biến hiện nay thì sản xuất được hiểu là quá trình tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ. Sản xuất là một trong phân hệ chính có ý nghĩa quyết định đến việc tạo ra sản phẩm và cung cấp dịch vụ cho xã hội. Quản lý hệ thống sản xuất sản phẩm, dịch vụ là chức năng, nhiệm vụ cơ bản của từng doanh nghiệp. Hình thành, phát triển và tổ chức điều hành tốt hoạt động sản xuất là cơ sở và yêu cầu thiết yếu để mỗi doanh nghiệp có thể đứng vững và phát triển trên thị trường. Quản trị sản xuất chính là tổng hợp quá trình hoạch định, tổ chức triển khai và kiểm tra hệ thống sản xuất của doanh nghiệp mà trong đó yếu tố trung tâm là quản trị quá trình biến đổi nhằm chuyển hóa các yếu tố đầu vào thành các yếu tố đầu ra nhằm thực hiện những mục tiêu định trước. Dưới nhãn quan hệ thống, sản xuất bao gồm nhiều yếu tố cấu thành, có mối quan hệ qua lại chặt chẽ với nhau. Toàn bộ phân hệ sản xuất và tác nghiệp được thể hiện qua hình 1.1. Yếu tố ngẫu nhiên Đầu vào Đầu ra Quá tình biến đổi (T) Thông tin Kiểm tra Thông tin ngược Thông tin ngược Hình 1.1. Sơ đồ hệ thống sản xuất và tác nghiệp NEU_MAN610_Bai1_v1.0013111214 3
- Bài 1: Giới thiệu chung về quản trị tác nghiệp Bộ phận trung tâm của hệ thống sản xuất là quá trình biến đổi. Đó là quá trình chế biến, chuyển hóa các yếu tố đầu vào thành đầu ra gồm hàng hóa hoặc dịch vụ, đáp ứng nhu cầu xã hội. Vì được xác định là bộ phận hạt nhân của hệ thống sản xuất, do đó kết quả hoạt động của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào việc thiết kế, tổ chức và quản trị quá trình biến đổi này. Các yếu tố đầu vào rất đa dạng bao gồm nguồn tài nguyên thiên nhiên, con người, công nghệ, thông tin, khách hàng… Chúng là những nguồn lực cần thiết cho bất kỳ quá trình sản xuất nào. Muốn quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có hiệu quả đòi hỏi phải khai thác và sử dụng các yếu tố đầu vào một cách hợp lý, tiết kiệm nhất. Đầu ra thường bao gồm hai loại là sản phẩm và dịch vụ. Đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ, đầu ra được thể hiện dưới nhiều dạng khó nhận biết một cách cụ thể như của hoạt động sản xuất. Ngoài những sản phẩm hoặc dịch vụ được tạo ra sau mỗi quá trình sản xuất/cung ứng dịch vụ còn có một số phụ phẩm khác có ích hoặc không có ích cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đôi khi đòi hỏi phải có chi phí lớn cho việc xử lý, giải phóng chúng, nhất là trong yêu cầu phát triển bền vững ngày nay, chẳng hạn phế phẩm, chất thải các loại… Thông tin ngược là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống sản xuất của doanh nghiệp. Những thông tin này cho biết tình hình thực tế diễn ra như thế nào? Từ đó sẽ giúp nhà quản trị có những điều chỉnh hợp lý trong quản trị. Các đột biến ngẫu nhiên ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ hệ thống sản xuất, đôi khi làm cho sản xuất không thực hiện được mục tiêu như mong muốn. Chẳng hạn như thiên tai, lũ lụt, chiến tranh, hỏa hoạn, sự thay đổi về chính sách, thị hiếu của khách hàng thay đổi… Nhiệm vụ của quản trị tác nghiệp là thiết kế và tổ chức hệ thống sản xuất nhằm biến đổi đầu vào thành đầu ra sau mỗi quá trình biến đổi, nhưng với một lượng lớn hơn đầu tư ban đầu. Đó chính là phải tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Giá trị gia tăng là yếu tố quan trọng tạo ra động cơ phấn đấu của mỗi doanh nghiệp. Với xã hội tạo ra ngày càng nhiều giá trị gia tăng sẽ góp phần tăng thu nhập quốc dân, tăng tích lũy của cải cho một xã hội ngày càng giàu có và phát triển. 1.1.2. Nội dung của quản trị tác nghiệp Chúng ta đã biết bộ phận tổ chức điều hành sản xuất chịu trách nhiệm sản xuất sản phẩm và dịch vụ. Quá trình này bao gồm việc tiếp nhận nguồn nguyên vật liệu và biến đổi chúng từ đầu vào thành đầu ra. Nội dung của quản trị tác nghiệp bao gồm: Dự báo nhu cầu sản xuất sản phẩm; Thiết kế sản phẩm và dịch vụ; Hoạch định năng lực sản xuất; Định vị doanh nghiệp; Bố trí mặt bằng sản xuất; Hoạch định tổng hợp các nguồn lực; Hoạch định nhu cầu nguyên vật liệu; Điều độ sản xuất; 4 NEU_MAN610_Bai1_v1.0013111214
- Bài 1: Giới thiệu chung về quản trị tác nghiệp Quản trị dự trữ; Quản trị chất lượng; Kiểm soát hệ thống sản xuất. 1.1.3. Mục tiêu của quản trị tác nghiệp Các doanh nghiệp tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mục tiêu sinh lời (ngoại trừ các doanh nghiệp công ích không vì lợi nhuận). Lợi nhuận tối đa là mục tiêu chung nhất và là mục tiêu cuối cùng của mọi doanh nghiệp khi đầu tư vật lực và tài lực vào các hoạt động kinh doanh trên thị trường. Quản trị tác nghiệp có mục tiêu tổng quát là bảo đảm cung cấp đầu ra cho doanh nghiệp trên cơ sở khai thác có hiệu quả nhất các nguồn lực của doanh nghiệp đồng thời thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Để đạt được mục tiêu chung nhất này, quản trị sản xuất/tác nghiệp có những mục tiêu cụ thể sau: Bảo đảm chất lượng sản phẩm/dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng trên cơ sở khả năng của doanh nghiệp; Bảo đảm đúng dung lượng mong muốn của thị trường; Giảm chi phí sản xuất tới mức thấp nhất có thể khi tạo ra một đơn vị đầu ra; Rút ngắn thời gian sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ; Đảm bảo cung ứng đúng thời điểm, đúng địa điểm, đúng yêu cầu, đúng số lượng và đúng khách hàng; Xây dựng hệ thống sản xuất năng động, linh hoạt; Bảo đảm mối quan hệ qua lại tốt với khách hàng và nhà cung ứng; Xây dựng hệ thống và các phương pháp quản trị gọn nhẹ và không có lỗi với khách hàng. Hệ thống mục tiêu cụ thể trên cần gắn bó chặt chẽ với nhau, tạo ra sức mạnh tổng hợp, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường. 1.1.4. Phân biệt giữa hoạt động sản xuất và hoạt động dịch vụ Những năm gần đây, quản trị tác nghiệp được sử dụng khá phổ biến trong các doanh nghiệp. Những khái niệm và những kỹ thuật được sử dụng trong quản trị sản xuất trong thế giới công nghiệp đã ngày càng được sử dụng rất thành công trong các doanh nghiệp dịch vụ. Đó là khái niệm được dùng để phản ánh chung cho cả hai loại quá trình là quá trình sản xuất và quá trình dịch vụ. Lý do giải thích cho xu hướng mới đó là cả hai loại quá trình này đều có những chức năng chung như hoạch định, thiết kế, tổ chức, kiểm tra hệ thống sản xuất hoặc dịch vụ. Bất kỳ hoạt động nào của sản xuất hay dịch vụ đều cần thực hiện những chức năng trên. Hơn nữa, ngày nay các doanh nghiệp thường tham gia kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm cả hoạt động sản xuất và hoạt động cung cấp dịch vụ. Xu hướng sử dụng khái niệm quản trị tác nghiệp bao trùm được cả hai loại hoạt động trên trong doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp xây dựng được những chiến lược phát triển thích hợp với cả sản xuất và dịch vụ. Ngoài ra cũng còn cần tính đến xu hướng dịch chuyển cơ cấu kinh tế của các nước NEU_MAN610_Bai1_v1.0013111214 5
- Bài 1: Giới thiệu chung về quản trị tác nghiệp trong thời đại ngày nay, đó là khi trình độ kinh tế phát triển càng cao thì vai trò và tỷ trọng của khu vực dịch vụ càng tăng. Đó cũng là lý do các doanh nghiệp càng ngày càng quan tâm tới quá trình dịch vụ và quản trị nó. Tuy có những chức năng chung và xu hướng vận dụng những khái niệm, phương pháp quản trị chung nhưng do đặc điểm của quá trình này có những nét đặc thù cần phải nghiên cứu và vận dụng thỏa đáng. Những điểm khác biệt giữa quá trình sản xuất và quá trình cung cấp dịch vụ thường bao gồm: Đặc điểm đầu vào và đầu ra; Mối quan hệ của doanh nghiệp với khách hàng; Sự tham gia của khách hàng trong quá trình biến đổi; Thời gian từ khi sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ đến khi tiêu dùng; Khả năng đo lường, đánh giá năng suất, chất lượng. Bảng 1.1. Sự khác biệt giữa hoạt động sản xuất và dịnh vụ Đặc điểm Sản xuất Dịch vụ Hữu hình Vô hình Đầu ra Có thể dự trữ Không thể dự trữ Không đồng đều, không ổn Đầu vào Ổn định, tiêu chuẩn hóa định Thời điểm tiêu dùng Tách biệt Đồng thời Tiêu chí đánh giá về chất lượng Dễ dàng Khó xác định Đánh giá trả công Trực tiếp, dễ dàng Gián tiếp, khó Quan hệ với khách hàng Gián tiếp Trực tiếp Đo lường năng suất Dễ Khó Có thể cấp bằng sáng chế Thông thường Không có Những đặc trưng trên đòi hỏi khi thiết kế, hoạch định và quản trị hệ thống sản xuất/tác nghiệp của mỗi doanh nghiệp cần phải nghiên cứu và giải quyết và tìm ra phương pháp quản trị thích hợp và hiệu quả. 1.1.5. Vai trò và mối quan hệ giữa quản trị tác nghiệp với các chức năng quản trị khác Doanh nghiệp là một hệ thống thống nhất bao gồm ba chức năng cơ bản là tài chính, sản xuất và marketing. Ba chức năng này tồn tại một cách độc lập hoặc có mối quan hệ tác động lẫn nhau để đạt mục tiêu đã đề ra. Mối quan hệ này vừa thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy nhau cùng phát triển, lại vừa mâu thuẫn nhau. Marketing chịu trách nhiệm tạo ra nhu cầu, cung cấp thông tin về thị trường để làm căn cứ cho bộ phận sản xuất lập kế hoạch sản xuất, chuẩn bị các nguồn lực cần thiết nhằm tạo điều kiện đáp ứng tốt nhất nhu cầu trên thị trường. Chức năng tài chính đảm bảo đầy đủ, kịp thời tài chính cần thiết cho hoạt động sản xuất; phân tích đánh giá phương án đầu tư mua sắm máy, công nghệ mới; cung cấp các số liệu về chi phí cho hoạt động tác nghiệp. Các doanh nghiệp không thể thành công khi không thực hiện đồng bộ các chức năng này. Không quản trị sản xuất tốt thì không có sản phẩm hoặc dịch vụ tốt; không có Marketing thì sản phẩm hoặc dịch vụ cung ứng không nhiều; không có quản trị tài chính thì các thất bại về tài chính sẽ diễn ra. Trong các hoạt động trên, sản xuất 6 NEU_MAN610_Bai1_v1.0013111214
- Bài 1: Giới thiệu chung về quản trị tác nghiệp được coi là khâu quyết định tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ và giá trị gia tăng. Chỉ có hoạt động sản xuất hay dịch vụ mới là nguồn gốc của mọi sản phẩm và dịch vụ được tạo ra trong doanh nghiệp. Sự phát triển sản xuất và dịch vụ là cơ sở làm tăng giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế cho nền kinh tế quốc dân tạo cơ sở vật chất thúc đẩy xã hội phát triển. Tuy nhiên, giữa các chức năng trên có những mâu thuẫn với nhau. Chẳng hạn, chức năng sản xuất và marketing có những mục tiêu mâu thuẫn với nhau về thời gian, về chất lượng và mức độ đa dạng. Trong khi bộ phận marketing đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đa dạng và thời gian giao hàng nhanh thì quá trình sản xuất lại có những giới hạn về công nghệ, chu kỳ sản xuất, khả năng tiết kiệm chi phí nhất định. Cũng do những giới hạn trên mà không phải lúc nào sản xuất cũng đảm bảo thực hiện đúng những chỉ tiêu tài chính đặt ra và ngược lại nhiều khi những nhu cầu về đầu tư đổi mới công nghệ hoặc tổ chức thiết kế, sắp xếp lại sản xuất không được bộ phận tài chính cung cấp kịp thời. Những mâu thuẫn đôi khi là khách quan, song cũng có khi do những yếu tố chủ quan gây ra. Vì vậy, nhiệm vụ cơ bản là phải tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng hoạt động của các chức năng trên nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu chung của doanh nghiệp đã đề ra. 1.1.6. Các loại hình quá trình sản xuất Có thể chia quá trình sản xuất của doanh nghiệp thành những loại hình khác nhau dựa theo các tiêu thức khác nhau như số lượng và đặc điểm của sản phẩm sản xuất; kết cấu của sản phẩm; tính chất của quá trình sản xuất hoặc khả năng tự chủ trong sản xuất của doanh nghiệp. 1.1.6.1. Theo số lượng sản phẩm sản xuất và tính chất lập lại Sản xuất đơn chiếc Sản xuất đơn chiếc là hình thức sản xuất diễn ra trong các doanh nghiệp có số chủng loại sản xuất nhiều nhưng sản lượng mỗi loại được sản xuất rất nhỏ. Quá trình sản xuất không lặp lại, thường được tiến hành một lần. Thường mỗi loại sản phẩm người ta chỉ sản xuất một chiếc hoặc vài chiếc. Ví dụ: Đóng tàu thuyền, xây dựng cầu, các công trình kiến trúc, thời trang, khuôn dập... Đặc điểm của loại sản xuất này là: Chủng loại sản phẩm đa dạng, quy trình sản xuất không giống nhau; Số lượng đặt hàng mỗi lần ít, thời gian giao hàng không thống nhất; Không có sự chế tạo thử nghiệm sản phẩm trước khi đưa vào sản xuất. Yêu cầu về kỹ năng thao tác và trình độ nghề nghiệp của người công nhân cao vì họ phải làm nhiều loại công việc khác nhau; Máy móc thiết bị chủ yếu là các thiết bị đa năng. Các thiết bị này được sắp xếp theo từng loại máy có cùng tính năng tác dụng phù hợp với những công việc khác nhau và thay đổi liên tục. NEU_MAN610_Bai1_v1.0013111214 7
- Bài 1: Giới thiệu chung về quản trị tác nghiệp Sản xuất hàng khối Sản xuất hàng khối là hình thức sản xuất diễn ra trong các doanh nghiệp có số chủng loại sản phẩm được sản xuất ra ít với khối lượng hàng năm lớn. Quá trình sản xuất ổn định, ít khi có sự thay đổi về kết cấu sản phẩm và yêu cầu kỹ thuật gia công sản phẩm. Ví dụ điển hình của loại sản xuất này là: Sản xuất thép, sản xuất giấy, sản xuất điện, xi măng, báo, tạp chí. Các doanh nghiệp có loại hình sản xuất này thường có những đặc điểm chính sau: Sử dụng máy móc chuyên dụng: Vì gia công chế biên ít loại sản phẩm với khối lượng lớn nên thiết bị máy móc thường là các loại thiết bị chuyên dùng hoặc các loại thiết bị tự động, được sắp xếp thành các dây chuyền khép kín cho từng loại sản phẩm. Phải qua sản xuất thử. Khâu chuẩn bị kỹ thuật sản xuất như thiết kế sản phẩm, chế tạo các mẫu thử sản phẩm và quy trình công nghệ gia công sản phẩm được chuẩn bị rất chu đáo trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt. Tính chuyên môn hoá và năng suất lao động cao. Do tổ chức sản xuất theo kiểu dây chuyền nên trình độ chuyên môn hoá người lao động cao, mỗi người công nhân thường chỉ thực hiện một công việc sản xuất ổn định trong thời gian tương đôí dài nên trình độ nghề nghiệp của người lao động không cao nhưng năng suất lao động thì rất cao. Chất lượng sản phẩm ổn định, giá thành thấp do sản xuất có xu hướng tiêu chuẩn hoá. Với hình thức sản xuất cần quản lý chặt chẽ việc cung ứng nguyên vật liệu, quản lý hàng dự trữ, hàng tồn kho, thường xuyên bảo dưỡng thiết bị, quản lý chặt chẽ đối với công nhân và giám sát chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh việc tiêu thụ, đa dạng hoác các loại khách hàng và các loại thị trường để tận dụng công suất và sản xuất được diễn ra liên tục. Sản xuất hàng loạt Sản xuất hàng loạt là loại hình trung gian giữa sản xuất đơn chiếc và sản xuất hàng khối. Nó phù hợp với các doanh nghiệp sản xuất có số chủng loại sản phẩm tương đối nhiều nhưng khối lượng hàng năm mỗi loại chưa đủ lớn để có thể hình thành một dây chuyền sản xuất độc lập. Mỗi bộ phận sản xuất phải gia công chế biến nhiều loại sản phẩm được lặp đi lặp lại theo chu kỳ. Với mỗi loại sản phẩm người ta thường đưa vào sản xuất theo từng “loạt” nên chúng mang tên là sản xuất hàng loạt. Ví dụ của loại hình sản xuất này là sản xuất trong ngành cơ khí, dệt may, điện dân dụng, đồ gỗ nội thất, sản phẩm cơ khí,điện tử chuyên dùng... với những đặc trưng chủ yếu sau: Máy móc thiết bị chủ yếu là thiết bị đa năng. Máy móc này được sắp xếp bố trí thành những phân xưởng chuyên môn hoá công nghệ. Mỗi phân xưởng đảm nhận một giai đoạn công nghệ nhất định của quá trình sản xuất sản phẩm. 8 NEU_MAN610_Bai1_v1.0013111214
- Bài 1: Giới thiệu chung về quản trị tác nghiệp Năng suất lao động tương đối cao. Chuyên môn hoá sản xuất không cao nhưng quá trình sản xuất lặp đi lặp lại một cách tương đối ổn định nên năng suất lao động tương đối cao. Mỗi bộ phận sản xuất gia công nhiều loại sản phẩm khác nhau về yêu cầu kỹ thuật và quy trình công nghệ nên tổ chức sản xuất thường rất phức tạp. 1.1.6.2. Phân loại theo hình thức tổ chức sản xuất Theo tiêu chí này quá trình sản xuất chia thành quá trình sản xuất liên tục, quá trình sản xuất gián đoạn và dự án sản xuất. Quá trình sản xuất liên tục Sản xuất liên tục là một quá trình mà ở đó người ta xử lý, gia công, chế biến một hoặc một nhóm sản phẩm với khối lượng lớn và có tính chất liên tục. Quá trình sản xuất được tiến hành liên tục trong suốt cả năm không gián đoạn. Đây là quá trình có khối lượng sản phẩm sản xuất lớn, chủng loại ít mang tính chuyên môn cao. Ví dụ: Công nghiệp hoá dầu, công nghiệp xi măng là những ví dụ điển hình về dạng sản xuất này, người ta cũng thấy dạng tổ chức sản xuất này trong quá trình lắp ráp sản phẩm với khối lượng lớn. Đặc điểm của hình thức sản xuất này: Thường gắn liền với tự động hoá quá trình vận chuyển nội bộ bằng hệ thống vận chuyển hàng hoá tự động; Giá thành sản phẩm thấp; Chất lượng cao và ổn định; Ít phải chỉ dẫn công việc; Quá trình điều hành sản xuất đơn giản, dễ kiểm soát chất lượng và hàng dự trữ. Quá trình sản xuất gián đoạn Sản xuất gián đoạn là một hình thức tổ chức sản xuất ở đó người ta xử lý gia công, chế biến nhiều loại sản phẩm với khối lượng sản phẩm mỗi loại tương đối nhỏ. Việc sản xuất được tiến hành một cách gián đoạn. Ví dụ: Công nghiệp cơ khí và công nghiệp may mặc là những ví dụ điển hình về dạng sản xuất loại này. Đặc điểm của hình thức sản xuất này là: Sử dụng thiết bị đa năng. Quá trình sản xuất được thực hiện nhờ vào các thiết bị đa năng. Việc lắp đặt thiết bị được thực hiện theo các xưởng chuyên môn hoá chức năng, ở đó tập hợp tất cả các máy móc thiết bị có cùng chức năng, cùng nhiệm vụ (máy tiện, máy phay...) dòng di chuyển của sản phẩm phụ thuộc vào thứ tự các công việc cần thực hiện. Tính linh hoạt cao. Trong dạng sản xuất này, máy móc thiết bị có khả năng thực hiện nhiều công việc khác nhau vì nó không phải là để chuyên môn hoá sản xuất NEU_MAN610_Bai1_v1.0013111214 9
- Bài 1: Giới thiệu chung về quản trị tác nghiệp một loại sản phẩm nào nên tính linh hoạt của hệ thống sản xuất cao, có khả năng đáp ứng kịp thời những đơn hàng thường xuyên thay đổi và rất đa dạng của khách hàng. Khó kiểm soát chất lượng và chi phí sản xuất cao. Việc triển khai, điều hành quá trình sản xuất gián đoạn rất phức tạp, khó kiểm soát chất lượng và khó cân bằng nhiệm vụ sản xuất, chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm cao. Đối với loại sản xuất này, việc giảm thời gian ngừng máy trong quá trình sản xuất và bố trí sản xuất sao cho tổng thời gian thực hiện ngắn nhất có ý nghĩa rất quan trọng để làm giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Sản xuất theo dự án Sản xuất theo dự án là hình thức sản xuất mà ở đó quá trình xử lý, gia công chế biến gắn với việc thực hiện một dự án sản xuất cụ thể. Ví dụ: Một dự án sản xuất được đặc trưng bởi sản phẩm là độc nhất (xây một con đập, dựng một bộ phim, đóng con tàu, viết một quyển sách...) và thời hạn hoàn thành được ấn định một cách chặt chẽ và vì lẽ đó quá trình sản xuất cũng là duy nhất, không lặp lại. Trong hình thái sản xuất này, quá trình sản xuất không ổn định, cơ cấu tổ chức xáo trộn rất lớn khi chuyển từ dự án này sang dự án khác, tổ chức sản xuất phải đảm bảo tính chất linh hoạt cao để có thể thực hiện đồng thời nhiều dự án sản xuất cùng một lúc. 1.1.6.3. Phân loại theo kết cấu sản phẩm Theo tiêu thức này quá trình sản xuất được chia thành quá trình hội tụ, quá trình phân kì và quá trình hỗn hợp. Quá trình hội tụ (quá trình lắp ráp) Một sản phẩm được ghép nối từ nhiều cụm và nhiều bộ phận chi tiết, tính đa dạng của sản phẩm cuối cùng nhỏ, nhưng các cụm, các bộ phận thì rất nhiều. Quá trình sản xuất được bắt đầu từ nhiều loại nguyên vật liệu, chi tiết phụ tùng và các bộ phận khác nhau. Trong quá trình sản xuất chúng hội tụ dần để tạo ra một vài loại sản phẩm. ví dụ sản xuất và sản phẩm đồ điện dân dụng và sản phẩm cơ khí. Quá trình sản xuất phân kì (quá trình chế biến) Là quá trình sản xuất mà ở đó xuất phát từ một hoặc một vài loại nguyên vật liệu để tạo ra nhiều loại sản phẩm khác nhau. Ví dụ: Trong công nghiệp chế biến sữa, từ một loại nguyên liệu sữa quá trình sản xuất phân rã để tạo ra nhiều loại sản phẩm cuối cùng với những quy cách và bao bì khác nhau như pho mát, sữa chua, bơ... 10 NEU_MAN610_Bai1_v1.0013111214
- Bài 1: Giới thiệu chung về quản trị tác nghiệp 1.2. Lịch sử hình thành và xu hướng phát triển của quản trị tác nghiệp 1.2.1. Lịch sử hình thành của quản trị tác nghiệp Quản trị sản xuất trong thực tế đã xuất hiện từ thời cổ đại nhưng chúng chỉ được coi là "các dự án sản xuất công cộng", quản trị sản xuất với tư cách là đơn vị sản xuất hàng hoá tham gia kinh doanh trên thị trường chỉ mới xuất hiện gần đây. Quản trị sản xuất bắt đầu từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất vào những năm 1770 ở Anh. Thời kỳ đầu trình độ phát triển sản xuất còn thấp, công cụ sản xuất đơn giản, chủ yếu lao động thủ công và nửa cơ khí. Hàng hoá được sản xuất trong những xưởng nhỏ, năng suất rất thấp, khối lượng hàng hoá sản xuất chưa nhiều. Từ sau những năm 70 của thế kỷ XVIII, những phát minh khoa học mới liên tục ra đời, trong giai đoạn này đã tạo ra những thay đổi có tính cách mạng trong phương pháp sản xuất, và công cụ lao động tạo điều kiện chuyển từ lao động thủ công sang lao động cơ khí. Những phát minh cơ bản là phát minh máy se sợi của James Hargreaves năm 1764, máy sợi nước của Arkwright năm 1771, máy dệt của Cartwright năm 1785, máy hơi nước của James Watt năm 1769; máy tiện vít của Henry Maudslay năm 1797… Lý thuyết về sự trao đổi lắp lẫn giữa các chi tiết bộ phận của Eli Whitney, người Mỹ, năm 1798 đã được ứng dụng để thiết lập một hệ thống những sản phẩm có thể thay thế cho nhau khi thực hiện hợp đồng chế tạo 10.000 khẩu súng hoa mai đã góp phần to lớn trong việc phát triển kỹ thuật sản xuất hàng loạt và sự phân công hiệp tác giữa các doanh nghiệp. Bước ngoặt cơ bản trong tổ chức hoạt động sản xuất là sự ra đời của học thuyết “Quản lý lao động khoa học” của Frederick Taylor công bố năm 1911. Taylor xứng đáng được gọi là “Ông tổ của quản lý khoa học”. Ông đã mang những phương pháp phân tích định lượng của khoa học vào quản lý sản xuất và nhận thấy, mấu chốt của việc nâng cao hiệu suất công việc là đặt ra những tiêu chuẩn hoàn thiện và chính đáng cho mỗi công việc. Quá trình lao động được hợp lý hoá thông qua việc quan sát, ghi chép, đánh giá, phân tích và cải tiến các phương pháp làm việc. Công việc được phân chia nhỏ thành những bước đơn giản giao cho một cá nhân thực hiện. Cùng với sự phát triển của khoa học quản lý, quản lý sản xuất đã thoát khỏi sự ràng buộc của quản lý theo kinh nghiệm, bắt đầu trở thành môn khoa học. Những năm đầu thế kỷ XX, học thuyết của Taylor được áp dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp. Con người và hoạt động của họ trong công việc được xem xét "dưới kính hiển vi" nhằm loại bỏ những thao tác thừa, lãng phí thời gian và sức lực. Người lao động được đào tạo, hướng dẫn công việc một cách cặn kẽ để có thể thực hiện tốt nhất các công việc của mình. Việc khai thác triệt để những mặt tích cực của lý thuyết của Taylor làm cho năng suất tăng lên rất nhanh. Tuy nhiên, lý thuyết của Taylor đã bộc lộ những nhược điểm, đó là coi con người như những cỗ máy, chưa đề cập đến những yếu tố tâm lý, tình cảm. NEU_MAN610_Bai1_v1.0013111214 11
- Bài 1: Giới thiệu chung về quản trị tác nghiệp Lý luận của Maslow về các bậc thang nhu cầu của con người, học thuyết của Elton Mayo 1930 về động viên khuyến khích người lao động đã đưa quản trị sản xuất chuyển sang một giai đoạn mới phát triển cao hơn, những khía cạnh xã hội, tâm sinh lý, hành vi của người lao động được đề cập nghiên cứu và đáp ứng ngày càng nhiều nhằm khai thác khả năng vô tận của con người trong nâng cao năng suất. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, tính cạnh tranh ngày càng tăng buộc các doanh nghiệp tăng cường hoàn thiện quản trị sản xuất. Quản trị sản xuất tập trung vào phấn đấu giảm chi phí về tài chính, vật chất và thời gian, tăng chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng... Nhiệm vụ, chức năng của quản trị sản xuất được mở rộng ra bao trùm nhiều lĩnh vực khác nhau từ nghiên cứu nhu cầu thị trường, thiết kế sản phẩm, thiết kế hệ thống sản xuất tới hoạch định, tổ chức thực hiện và kiểm tra, kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất của doanh nghiệp. 1.2.2. Xu hướng phát triển của quản trị tác nghiệp Những năm gần đây, đặc biệt những năm cuối của thế kỷ XX và những năm đầu của thế kỷ XXI, nhân loại đã chứng kiến những thay đổi liên tục của môi trường kinh doanh đối với doanh nghiệp. Từ đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải quan tâm đến vấn đề năng suất, chất lượng và hiệu quả. Khủng hoảng tài chính Châu Á¸ năm 1997 và hiện nay với cuộc suy thoái kinh tế với phạm vi rộng khắp ở toàn cầu càng đòi hỏi các doanh nghiệp trong quản trị sản xuất/tác nghiệp phải có những thay đổi thích hợp. Chính vì vậy trong xác định chiến lược sản xuất/tác nghiệp phải xuất phát từ những phân tích và đánh giá đúng môi trường kinh doanh hiện nay. Những đặc điểm cơ bản của môi trường kinh doanh hiện nay là: Toàn cầu hóa hoạt động kinh tế, tự do trao đổi thương mại và hợp tác kinh doanh trong một thế giới phẳng; Sự phát triển nhanh chóng của khoa học- công nghệ hiện đại. Chu kỳ đổi mới khoa học công nghệ, chu kỳ sống của sản phẩm/dịch vụ càng ngày ngắn lại; Năng suất lao động ngày càng tăng; Sự chuyển cơ cấu kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế của nhiều nước đã và đang diễn ra mang tính phổ biến; Cạnh tranh ngày càng quyết liệt hơn và ở phạm vi toàn cầu; Các quốc gia và các tổ chức thế giới tăng cường kiểm soát và có những biện pháp nhằm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; Những tiến bộ nhanh chóng về kinh tế và xã hội sẽ mang đến những thay đổi nhanh chóng của nhu cầu. Để thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi không ngừng của môi trường kinh doanh, trong thời đại ngày nay đòi hỏi quản trị tác nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến một số vấn đề sau: Tăng cường chú ý đến quản trị chiến lược các hoạt động tác nghiệp; Xây dựng và vận hành hệ thống sản xuất năng động và linh hoạt; 12 NEU_MAN610_Bai1_v1.0013111214
- Bài 1: Giới thiệu chung về quản trị tác nghiệp Hệ thống sản xuất và dịch vụ bảo đảm vấn đề môi trường sinh thái, sản xuất sạch, phát triển bền vững; Quan tâm đến các tiêu chuẩn đạo đức và trách nhiệm xã hội; Coi nhân viên là tài sản của doanh nghiệp, khuyến khích nhân viên, làm việc theo nhóm; Tăng cường các kỹ năng quản trị sự thay đổi; Nghiên cứu, tìm kiếm và đưa vào vận dụng các phương pháp, mô hình quản trị kinh doanh hiện đại như JIT, Kaizen, CRM, Kanban, MRP, ERP, MBO, MBP…; Tăng cường các phương pháp và biện pháp nhằm khai thác tiềm năng vô hạn của nguồn lực con người theo tư tưởng mô hình 3P; Thiết kế lại hệ thống sản xuất của doanh nghiệp nhằm rút ngắn thời gian trong thực hiện hoạt động, giảm thiểu chi phí gây ra sự lãng phí trong quá trình sản xuất và cung ứng dịch vụ; Thiết kế hệ thống sản xuất và cung ứng dịch vụ định hướng vào khách hàng; Đặt quản trị tác nghiệp trong chuỗi cung ứng (SCM); Thể hiện rõ về sự phát triển của sản xuất và dịch vụ với cuộc cách mạng số cả trong quá trình cũng như trong quản trị. NEU_MAN610_Bai1_v1.0013111214 13
- Bài 1: Giới thiệu chung về quản trị tác nghiệp Tóm lược cuối bài Bài học giúp học viên hiểu được các vấn đề sau: Quản trị tác nghiệp là gì? Mô hình quản trị tác nghiệp. Các nội dung của quản trị tác nghiệp (dự báo cầu, thiết kế sản phẩm…). Xu hướng phát triển của quản trị tác nghiệp (từ tập trung vào chi phí, đến chất lượng, và giờ là khách hàng). 14 NEU_MAN610_Bai1_v1.0013111214
- Bài 1: Giới thiệu chung về quản trị tác nghiệp Câu hỏi ôn tập 1. Cho biết khái niệm về quản trị sản xuất và cho ví dụ minh họa. 2. Cho biết quá trình phát triển của quản trị sản xuất và chỉ ra những xu hướng phát triển quản trị sản xuất. 3. Hãy phân tích mối quan hệ của quản trị sản xuất với các chức năng quản trị khác. 4. Hãy trình bày ưu và nhược điểm của các loại quá trình sản xuất khác nhau. 5. Cho biết vai trò và mối quan hệ của sản xuất với các chức năng khác trong doanh nghiệp. 6. Phân tích những mục tiêu cụ thể của quản trị tác nghiệp. 7. Phân tích nội dung của quản trị tác nghiệp. 8. Hãy cho biết và phân tích một số xu hướng phát triển hiện nay của quản trị sản xuất và tác nghiệp. NEU_MAN610_Bai1_v1.0013111214 15
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Bài giảng Quản trị tác nghiệp
112 p | 562 | 102
-
Bài giảng Quản trị tác nghiệp doanh nghiệp lữ hành - ĐH Thương Mại
0 p | 655 | 37
-
Bài giảng Quản trị tác nghiệp doanh nghiệp khách sạn - ĐH Thương Mại
0 p | 368 | 27
-
Bài giảng Quản trị tác nghiệp thương mại điện tử - PGS.TS Nguyễn Văn Minh
249 p | 60 | 21
-
Bài giảng Quản trị tác nghiệp thương mại quốc tế - ThS. Vũ Anh Tuấn
0 p | 411 | 14
-
Bài giảng Quản trị tác nghiệp - Bài 4: Định vị doanh nghiệp và bố trí mặt bằng sản xuất
28 p | 118 | 12
-
Bài giảng Quản trị tác nghiệp thương mại điện tử
166 p | 71 | 11
-
Bài giảng Quản trị tác nghiệp - Bài 6: Hoạch định nhu cầu nguyên vật liệu và quản trị hàng dự trữ
26 p | 73 | 10
-
Bài giảng Quản trị tác nghiệp: Bài 1 - ThS. Trần Mạnh Linh
22 p | 72 | 8
-
Bài giảng Quản trị tác nghiệp thương mại quốc tế - Chương 5: Quản trị rủi ro trong tác nghiệp thương mại quốc tế (Năm 2022)
13 p | 29 | 6
-
Bài giảng Quản trị tác nghiệp thương mại quốc tế - Chương 5: Quản trị rủi ro trong tác nghiệp thương mại quốc tế
6 p | 29 | 5
-
Bài giảng Quản trị tác nghiệp 1: Chương 6 - PGS.TS. Nguyễn Thành Hiếu
20 p | 7 | 4
-
Bài giảng Quản trị tác nghiệp 1: Chương 1 - PGS.TS. Nguyễn Thành Hiếu
17 p | 12 | 3
-
Bài giảng Quản trị tác nghiệp 1: Chương 2 - PGS.TS. Nguyễn Thành Hiếu
22 p | 5 | 3
-
Bài giảng Quản trị tác nghiệp 1: Chương 3+4 - PGS.TS. Nguyễn Thành Hiếu
27 p | 4 | 3
-
Bài giảng Quản trị tác nghiệp 1: Chương 5 - PGS.TS. Nguyễn Thành Hiếu
31 p | 8 | 3
-
Bài giảng Quản trị tác nghiệp 1: Chương 7 - PGS.TS. Nguyễn Thành Hiếu
17 p | 6 | 3
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn