intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Hồi sinh tim phổi cơ bản

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

43
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết trình bày việc chẩn đoán được người bệnh ngừng tuần hoàn-hô hấp, nắm được các bước tiến hành hồi sinh tim phổi cơ bản, thực hiện thành thạo quy trình hồi sinh tim phổi cơ bản trên mô hình và trên bệnh nhân ngừng tuần hoàn-hô hấp.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Hồi sinh tim phổi cơ bản

  1. BÀI 1 HỒI SINH TIM PHỔI CƠ BẢN TS. Ngô Đình Trung Mục tiêu - Chẩn đoán được người bệnh ngừng tuần hoàn-hô hấp. - Nắm được các bước tiến hành hồi sinh tim phổi cơ bản - Thực hiện thành thạo quy trình hồi sinh tim phổi cơ bản trên mô hình và trên bệnh nhân ngừng tuần hoàn-hô hấp. - Thể hiện được sự khẩn trương, chính xác, kịp thời trong khi thực hiện hồi sinh tim phổi cơ bản. 1. Đại cương - Ngừng tuần hoàn - hô hấp hay còn gọi là ngừng tim là sự mất đột ngột hoạt động của tim, dẫn đến mất ý thức, không còn nhịp thở bình thường và không có dấu hiệu của tuần hoàn. Nếu các biện pháp cấp cứu không được thực hiện nhanh chóng, tình trạng này sẽ dẫn đến tử vong. Ngừng tuần hoàn - hô hấp có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ở bất kỳ đâu; nguyên nhân phổ biến nhất của ngừng tuần hoàn - hô hấp ở người lớn là bệnh tim thiếu máu cục bộ dẫn đến rối loạn nhịp tim và tử vong. - Cấp cứu ngừng tuần hoàn - hô hấp bao gồm một chuỗi hành động liên hoàn (chain of survival-chuỗi sống còn) cần được thực hiện để cứu sống người bệnh, bao gồm: (1) nhanh chóng nhận diện các trường hợp ngừng tuần hoàn - hô hấp và kích hoạt hệ thống cấp cứu; (2) tiến hành hồi sinh tim phổi cơ bản (Cardiopulmonary resuscitation - CPR); (3) sử dụng máy phá rung tim sớm; (4) thực hiện hồi sinh tim phổi nâng cao (Advanced Cardiac Life Support - ACLS); (5) tiến hành đồng bộ các biện pháp chăm sóc sau ngừng tim. - Cấp cứu ngừng tuần hoàn - hô hấp chia thành hai cấp độ là hồi sinh tim phổi cơ bản và hồi sinh tim phổi nâng cao: + Hồi sinh tim phổi cơ bản hay hỗ trợ sinh mạng cơ bản (Basic Life Support - BLS), bao gồm ba mắt xích đầu tiên của chuỗi sống còn: phát hiện ngừng tuần hoàn - hô hấp và kích hoạt hệ thống cấp cứu, tiến hành hồi sinh tim phổi chất lượng cao và khử rung bằng máy phá rung tự động (Automated External Defibrillation - AED). Hồi sinh tim phổi cơ bản được thực hiện ngay khi tiếp xúc với người bệnh tại nơi xảy ra ngừng tuần hoàn - hô hấp và khi trang thiết bị cấp cứu hạn chế hoặc chỉ có nhân viên cấp cứu không chuyên. 1
  2. + Hồi sinh tim phổi nâng cao (Advanced Cardiac Life Support - ACLS), bao gồm các can thiệp tác động đến tất cả các khâu trong chuỗi sống còn, bao gồm những can thiệp để ngăn chặn ngừng tim, điều trị nguyên nhân gây ngừng tim và cải thiện kết cục của người bệnh đã phục hồi tuần hoàn tự nhiên sau khi tim ngừng đập (xem bài Hồi sinh tim phổi nâng cao). - Quy trình hồi sinh tim phổi cơ bản ở người lớn cần được thực hiện từng bước theo một trình tự bắt buộc. Trước đây, trình tự hồi sinh tim phổi cơ bản được quy ước theo thứ tự A - B - C (Airway/đường thở - Breathing/hô hấp - Chest compressions/Ép tim); từ năm 2010, Hội tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association) đã thay đổi quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn - hô hấp thành C - A - B, tức là bắt đầu tiến hành hồi sinh bằng ép tim ngoài lồng ngực, sau đó đến kiểm soát đường thở và hỗ trợ thở. Sự thay đổi sang quy trình C - A - B nhằm giúp cho việc ép tim ngoài lồng ngực được tiến hành sớm hơn, giảm thiểu được sự trì hoãn và gián đoạn trong thực hiện hồi sinh tim phổi. 2. Chẩn đoán ngừng tuần hoàn-hô hấp - Chẩn đoán ngừng tuần hoàn-hô hấp khi người bệnh có các dấu hiệu sau: - Mất ý thức: được xác định khi bệnh nhân gọi hỏi không có đáp ứng trả lời, không có phản xạ thức tỉnh. - Ngừng thở hoặc thở ngáp: xác định bằng cách quan sát lồng ngực và bụng bệnh nhân (hoàn toàn không có cử động thở hoặc thở rời rạc kiểu ngáp cá). - Mất mạch: kiểm tra thấy mất mạch cảnh hoặc mất mạch bẹn. - Với người bệnh ngừng tuần hoàn-hô hấp, việc tiến hành cấp cứu ngay lập tức là rất quan trọng, vì chỉ sau một vài phút thiếu máu, các tế bào não đã tổn thương không hồi phục, bệnh nhân có thể tử vong sớm hoặc để lại những di chứng lâu dài về thần kinh 3. Quy trình cấp cứu hồi sinh tim phổi cơ bản 3.1. Bước 1: Tiếp cận hiện trường và nhận diện người bệnh ngừng tim phổi - Người cấp cứu đầu tiên tới hiện trường, trước hết phải nhanh chóng kiểm tra hiện trường cấp cứu có an toàn hay không. Nếu hiện trường không an toàn, cần phải tiến hành di chuyển người bệnh tới nơi an toàn trước khi tiến hành cấp cứu. - Tiến hành đánh giá người bệnh: cần vỗ mạnh vào vai và gọi to để đánh giá người bệnh có đáp ứng hay không. - Quan sát nhanh người bệnh còn thở hay không. Nếu người bệnh ngừng thở hoặc thở ngáp, tiến hành ngay bước 2. 2
  3. 3.2. Bước 2: Kích hoạt hệ thống cấp cứu và lấy máy phá rung Khi phát hiện thấy người bệnh hoặc nạn nhân bất tỉnh, không thở, cần gọi hỗ trợ ngay. Ngoài bệnh viện, gọi những người xung quanh trợ giúp và gọi cấp cứu 115; trong viện thì gọi bác sỹ và điều dưỡng trực, cố gắng lấy được máy phá rung tự động (nếu có), sau đó quay trở lại với người bệnh và bắt đầu hồi sinh tim phổi. 3.3. Bước 3: Kiểm tra mạch Dùng 2 - 3 ngón tay để xác định khí quản của người bệnh. Từ khí quản, kéo trượt ngón tay về phía mình, xuống đến bên cạnh khối cơ ức đòn chũm, có thể sờ thấy động mạch cảnh. Dùng ngón tay để cảm nhận có mạch đập hay không, thời gian kiểm tra trong ít nhất 5 giây nhưng không quá 10 giây. Nếu không thấy mạch hoặc nghi ngờ không có mạch, ngừng kiểm tra và tiến hành hồi sinh tim phổi ngay. 3.4. Bước 4: Hồi sinh tim phổi theo trình tự C - A - B - Ép tim ngoài lồng ngực (C - Chest Compression): + Tiến hành ép tim ngay khi kiểm tra không có mạch. Đặt người bệnh nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng. Nếu người bệnh nằm sấp thì cẩn thận lật người bệnh lại. Nếu nghi ngờ người bệnh có chấn thương cột sống cổ, cố gắng lật người bệnh trong khi kiểm soát di chuyển của đầu, cổ, thân, chân cùng lúc. Bộc lộ hoàn toàn vùng ngực của người bệnh. + Người cấp cứu quỳ hoặc đứng bên cạnh người bệnh. Đặt bàn tay vào chính giữa ½ dưới xương ức người bệnh, hai tay đan vào nhau. Duỗi thẳng khuỷu tay sao cho vai, cánh tay và cẳng tay người cấp cứu vuông góc với lồng ngực người bệnh. + Tiến hành ép mạnh (ép sâu 5 - 6cm), ép nhanh (tốc độ 100 - 120 nhịp/phút); người ép không tỳ lên ngực bệnh nhân và để cho lồng ngực nở trở lại hoàn toàn sau mỗi nhịp ép. Hạn chế tối đa việc dừng ép tim. - Mở thông đường thở (A - Airway): Có thể sử dụng các biện pháp sau: + Kỹ thuật ngửa đầu - nâng cằm: đặt lòng bàn tay lên trán và ấn ra sau làm ngửa đầu người bệnh, tay còn lại nhấc hàm dưới lên đưa cằm ra trước. + Kỹ thuật đẩy hàm dưới: chỉ sử dụng kỹ thuật này khi nghi ngờ có chấn thương cột sống cổ vì ít làm cột sống cổ di chuyển. + Sử dụng các dụng cụ đường thở đơn giản như canuyn miệng – hầu, canuyn mũi - hầu (nếu có). + Nếu trong miệng nạn nhân có dị vật, người cấp cứu dùng ngón tay móc dị vật ra nếu có thể. Với dị vật nằm sâu và khó lấy, không nên cố lấy ra vì sẽ làm mất thời gian, thậm chí có thể đẩy dị vật vào sâu thêm gây tắc đường thở hoàn toàn. - Thổi ngạt hay bóp bóng qua mask (B - Breathing) 3
  4. + Có thể thổi ngạt trực tiếp kiểu miệng - miệng hoặc miệng - mũi, nhưng khuyến cáo nên sử dụng các dụng cụ bảo vệ cá nhân như màng lọc hoặc mặt nạ thổi ngạt (nếu có) để tiến hành thổi ngạt cho người bệnh. + Bóp bóng qua mask (mặt nạ): Trong điều kiện có trang bị dụng cụ, người cấp cứu dùng mask úp khít lên mũi và miệng nạn nhân và bóng bóp qua mask. Có thể giữ mask bằng 1 tay nếu chỉ có 1 người cấp cứu hoặc 2 tay nếu có 2 người. Bóng bóp nên được nối với nguồn oxy với lưu lượng là 10-15 lít/phút (nếu có). + Thời gian của mỗi nhịp thổi ngạt hoặc bóp bóng là 1 giây, đạt hiệu quả khi thấy lồng ngực của người bệnh nhô lên. Cần lưu ý tránh tăng thông khí quá mức (thổi hoặc bóp bóng quá nhanh và quá nhiều) vì sẽ tăng áp lực trong lồng ngực, làm giảm dòng máu về tim và giảm hiệu quả của ép tim; dạ dày có thể căng giãn quá mức dẫn đến nguy cơ trào ngược vào phổi. - Phối hợp ép tim và thổi ngạt/bóp bóng: ở người lớn, khi chưa có đường thở nâng cao (ống nội khí quản, mask thanh quản), tiến hành ép tim và thổi ngạt theo chu kỳ 30:2, nghĩa là ép tim 30 lần, sau đó ngừng ép, thổi ngạt hoặc bóp bóng 2 lần và tiếp tục ép tim. Sau mỗi 2 phút ( khoảng 5 chu kỳ), ngừng ép tim để kiểm tra mạch. Thời gian kiểm tra không quá 10 giây. Nếu không có mạch, tiếp tục thực hiện các chu kỳ ép tim và thổi ngạt/bóp bóng như trên. - Nếu có thêm người cấp cứu, nên đổi vị trí người ép tim và người hỗ trợ hô hấp sau mỗi 5 chu kỳ hoặc sau mỗi 2 phút để tránh bị mệt và tăng hiệu quả của ép tim. Phối hợp nhịp nhàng giữa người ép tim và bóp bóng, người ép tim cần vừa ép vừa đếm to số nhịp ép để người bóp bóng có thể chuẩn bị và tiến hành bóp bóng đúng thời điểm. - Hạn chế tối đa thời gian ngừng ép tim, chỉ ngừng ép khi kiểm tra mạch, khi thổi ngạt hoặc bóp bóng qua mask và khi sốc điện. Mục tiêu đảm bảo phân suất ép tim (chest compression fraction) là tỷ lệ thời gian ép tim/tổng thời gian CPR ≥ 60%. 3.5. Sử dụng máy phá rung - Phần lớn các trường hợp ngừng tim, nhịp tim ban đầu là rung thất hoặc nhịp nhanh thất vô mạch. Do vậy, phá rung đóng vai trò quan trọng giúp phục hồi tuần hoàn tự nhiên. - Máy phát rung tự động (AED-Automated External Defibrillation) là một thiết bị đơn giản, dễ sử dụng, cho phép người cấp cứu không chuyên và nhân viên y tế tiến hành phá rung an toàn hiệu quả. Tại các quốc gia phát triển, AED được đặt tại các nơi công cộng có mật độ người cao như sân bay, nhà ga, trường học, rạp chiếu phim… - Sử dụng máy phá rung ngay (nếu có) khi có bệnh nhân ngừng tim. Ngay khi máy được đưa tới hiện trường, người cấp cứu cần đặt máy bên cạnh người bệnh ở vị 4
  5. trí sao cho không cản trở công việc của người đang ép tim; việc ép tim vẫn tiếp tục tiến hành trong khi chuẩn bị máy phá rung. + Bước 1: bật máy phá rung tự động. Máy sẽ đưa ra các thông báo hướng dẫn sử dụng (bằng tiếng Anh). + Bước 2: gắn điện cực vào ngực người bệnh. . Chọn bản điện cực người lớn cho người lớn và trẻ em 8 tuổi trở lên. . Bóc lớp bảo vệ của bản điện cực ra, dán mặt có keo dính vào bệnh nhân. Một bản điện cực vào phía trên bên phải, ngay dưới xương đòn phải. Bản còn lại dán vào phía dưới bên dưới núm vú trái. + Bước 3: phân tích nhịp. Máy sẽ nhắc bạn tránh xa bệnh nhân (clear) để phân tích nhịp, nhóm cấp cứu cần dừng mọi hoạt động và đảm bảo không ai được chạm vào người bệnh. Mất từ 5 - 10 giây để phân tích loại rối loạn nhịp của người bệnh, máy sẽ tự động đưa ra thông báo nhịp có thể sốc (nếu phát hiện thấy rung thất hoặc nhanh thất) hoặc nhịp không thể sốc (vô tâm thu hoặc hoạt động điện vô mạch). + Bước 4: Nếu là nhịp có thể sốc, máy sẽ nhắc những người cấp cứu tránh xa người bệnh (clear) lần nữa. . Đảm bảo không ai chạm vào người bệnh. . Người cấp cứu hô to “tránh xa” và ấn nút sốc điện. Sốc điện sẽ tạo ra hiện tượng đột ngột co cơ được nhìn thấy trên người bệnh. . Nếu là nhịp không có chỉ định sốc hoặc ngay sau khi sốc điện, tiếp tục CPR ngay bắt đầu bằng ép tim ngay. Sau 2 phút, kiểm tra lại nhịp tim theo các bước 3 và 4 và tiếp tục theo chu trình trên. Tiếp tục thực hiện các chu kỳ CPR cho đến khi bệnh nhân có mạch và hô hấp trở lại hoặc đến khi chuyển giao cho đội cấp cứu chuyên nghiệp. 4. Một số chú ý trong cấp cứu hồi sinh tim phổi cơ bản - Vai trò của tiếp cận cấp cứu hồi sinh tim phổi theo nhóm: các bước tiến hành cấp cứu trong hồi sinh tim phổi cơ bản được sắp xếp theo trình tự ưu tiên từng bước phù hợp với việc chỉ có 1 người cấp cứu. Khi có một nhóm cấp cứu, có thể tiến hành cùng một lúc nhiều bước cấp cứu, ví dụ: một người gọi hỗ trợ và lấy máy phá rung, người thứ hai tiến hành ép tim, người thứ ba hỗ trợ hô hấp… - Khi đánh giá xem bệnh nhân còn có đáp ứng không, người cấp cứu cần đồng thời quan sát xem bệnh nhân còn thở hay không nhưng không nên kiểm tra thở bằng “nhìn - nghe - cảm nhận”. Việc này có thể làm trì hoãn việc ép tim ngoài lồng ngực - Biện pháp đấm ngực trong cấp cứu ngừng tuần hoàn đã được chứng minh không có hiệu quả và hiện không được khuyến cáo. 5
  6. - Ấn sụn nhẫn hay thủ thuật Sellick không còn được khuyến cáo sử dụng thường quy trong cấp cứu ngừng tuần hoàn. Thủ thuật này không giúp ngăn ngừa hiệu quả hiện tượng khí vào dạ dày và nguy cơ trào ngược dịch vị khi tiến hành bóp bóng hoặc thổi ngạt. Ấn sụn nhẫn có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp. - Khi đã có đường thở nâng cao (ống nội khí quản, mask thanh quản…), việc ép tim sẽ được diễn ra liên tục với tốc độ 100 -120 lần/phút không dừng lại cho bóp bóng. Người hỗ trợ hô hấp sẽ bóp bóng với tốc độ 10 lần/phút. - Thổi ngạt miệng - miệng, miệng - mũi: kỹ thuật này không còn bắt buộc phải làm trong cấp cứu hồi sinh tim phổi cơ bản, đặc biệt là khi cấp cứu ngừng tuần hoàn ngoài bệnh viện, khi không có màng lọc thổi ngạt. Trong trường hợp này người cấp cứu có thể tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn bằng ép tim đơn thuần (hand-only CPR) - Trong trường hợp kiểm còn mạch nhưng người bệnh ngưng thở, người cấp cứu không ép tim và tiến hành thổi ngạt hoặc bóp bóng hỗ trợ với tốc độ 10 lần/phút 6
  7. TÓM TẮT QUY TRÌNH HỒI SINH TIM PHỔI CƠ BẢN Phát hiện ngừng hô hấp - tuần hoàn • Người bệnh mất ý thức, ngừng thở hoặc thở ngáp • Gọi hỗ trợ cấp cứu ngay Hỗ trợ tuần hoàn • Kiểm tra mạch cảnh: ít nhất 5 giây, không quá 10 giây. • Nếu không có mạch: - Ép tim ngay, vị trí ½ dưới xương ức: tần số 100 -120 lần/phút, ép sâu 5 - 6cm. - Để lồng ngực nở lên hoàn toàn sau mỗi nhịp ép Hỗ trợ hô hấp • Mở thông đường thở bằng tay hoặc bằng dụng cụ cơ bản • Thổi ngạt hoặc bóp bóng qua mask • Chu kỳ ép tim/thổi ngạt hoặc bóp bóng: 30/2 • Nếu có nội khí quản: bóp bóng 10 lần/phút; không dừng ép tim khi bóp bóng. Kiểm tra nhịp tim và khử rung sớm khi có chỉ định 7
  8. CÂU HỎI LƯỢNG GIÁ Chọn 1 đáp án đúng nhất Câu 1. Cấp cứu ban đầu bệnh nhân ngừng tuần hoàn bao gồm: A. Mở đường thở. B. Hỗ trợ thở (thổi ngạt hoặc bóp bóng). C. Hỗ trợ tuần hoàn (ép tim ngoài lồng ngực). D. Tất cả các ý trên. Câu 2. Thứ tự hành động khi tiến hành hồi sinh tim phổi: A. Mở đường thở, hỗ trợ thở (thổi ngạt/bóp bóng), ép tim B. Ép tim, mở đường thở, hỗ trợ thở (thổi ngạt/bóp bóng) C. Mở đường thở, ép tim, hỗ trợ thở (thổi ngạt/bóp bóng) D. Các đáp án trên đều sai Câu 3. Chẩn đoán ngừng tuần hoàn: A. Mất ý thức B. Ngừng thở hoặc thở ngáp C. Mất mạch D. Tất cả các ý trên Câu 4. Ép tim ngoài lồng ngực tại vị trí: A. Mỏm tim. B. 1/2 dưới xương ức. C. Cán xương ức D. Ngực phải Câu 5. Tần số ép tim cần đạt được là A. 60 - 80 lần/phút B. 80-100 lần / phút C. 100-120 lần /phút B. > 120 lần /phút Câu 6. Khi ép tim ở người lớn, lực ép đủ mạnh để lồng ngực lún sâu: A. 3-4 cm B. 4-5 cm C. 5-6 cm D. > 6cm 8
  9. Câu 7. Trong cấp cứu ngừng tuần hoàn, khi thổi ngạt hoặc bóp bóng qua mask: A. Phải dừng ép tim khi bóp bóng/thổi ngạt B. Không cần dừng ép tim khi bóp bóng/thổi ngạt C. Chỉ dừng ép tim khi thổi ngạt, không cần dừng khi bóp bóng qua mask D. Chỉ cần dừng ép tim khi bóp bóng, không cần dừng ép khi thổi ngạt Câu 8. Trong cấp cứu ngừng tuần hoàn ở người lớn, khi chưa có đường thở nâng cao (nội khí quản, mask thanh quản…), chu kỳ ép tim/bóp bóng hoặc thổi ngạt là: A. 15:2 B. 15:1 C. 30:2 D. 30:1 Câu 9. Thời gian kiểm tra mạch ở bệnh nhân nghi có ngừng tuần hoàn: A. Dưới 5 giây B. Ít nhất 5 giây và không quá 10 giây C. 10 – 20 giây. D. > 20 giây Câu 10. Khi cấp cứu ngừng tuần hoàn, kiểm tra lại mạch sau bao nhiêu chu kỳ ép tim/thổi ngạt: A. 1 B. 3 C. 5 D. 7 TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Giáo trình hồi sức cấp cứu (2017), Bệnh viện TWQĐ 108, Nhà xuất bản Y học. 2. Tài liệu đào tạo cấp cứu cơ bản (2014), Cục quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y Tế, Nhà xuất bản Y học. 3. 2015 American Heart Association Guidelines Update for Cardiopulmonary Resuscitation and Emergency Cardiovascular Care, “Part 5: Adult Basic Life Support and Cardiopulmonary Resuscitation Quality”. Circulation. 2015;132(suppl 2):S414–S435. ĐÁP ÁN CÂU HỎI LƯỢNG GIÁ 1: D; 2: B; 3: D; 4: B; 5: C; 6: C; 7: A; 8: C; 9: B; 10: C 9
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2