intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Lí luận văn học trước yêu cầu đổi mới và phát triển

Chia sẻ: Milu Nguyen | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

127
lượt xem
24
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

1- Đánh giá thành tựu lí luận văn học Việt Nam thế kỉ XX Từ những thập niên đầu của thế kỉ XX, đồng thời với sự xuất hiện một thực tiễn lịch sử và thực tiễn nghệ thuật mới, khoa nghiên cứu văn học nói chung, bộ môn lí luận văn học nói riêng đã từng bước được hình thành.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Lí luận văn học trước yêu cầu đổi mới và phát triển

  1. Lí luận văn học trước yêu cầu đổi mới và phát triển 1- Đánh giá thành tựu lí luận văn học Việt Nam thế kỉ XX Từ những thập niên đầu của thế kỉ XX, đồng thời với sự xuất hiện một thực tiễn lịch sử và thực tiễn nghệ thuật mới, khoa nghiên cứu văn học nói chung, bộ môn lí luận văn học nói riêng đã từng bước được hình thành. Qua các bài viết có tính chất nhập môn trên báo chí thời kì 1904-1929 của nhóm Đông kinh nghĩa thục và của các tác giả: Phan Bội Châu, Tản Đà, Phạm Quỳnh, Ngô Đức Kế, Trịnh Đình Rư v.v... đã ít nhiều cho thấy không chỉ những quan niệm khác nhau về bản chất, giá trị, về cái hay cái đẹp của văn chương, mà còn cho thấy một sinh khí học thuật mới, một tư duy lí luận
  2. mới đang phát huy ảnh hưởng trong đời sống văn học. Bước sang thời kì 1930-1945, với một thực tiễn văn học phát triển phong phú chưa từng thấy cả về nội dung, hình thức và chất lượng nghệ thuật, về thể loại, trào lưu, khuynh hướng, tác giả, tác phẩm, tạo nên một thời đại hiếm có trong lịch sử văn học thì lí luận văn học lại có thêm những điều kiện thuận lợi mới để phát triển. Dưới ảnh hưởng phương Tây, trực tiếp là ảnh hưởng Pháp, các trào lưu tư tưởng triết học, mĩ học và lí luận văn học hiện đại trên thế giới đã thâm nhập vào nước ta ở những ph ạm vi, mức độ khác nhau, chi phối sự vận động của các trào lưu, khuynh hướng văn học. Đặc biệt là từ 1930 trở đi, với sự xuất hiện của Đảng cộng sản, khuynh hướng tư tưởng mĩ học mácxít đã ra đời, chi phối mạnh mẽ và sâu sắc tiến trình lịch sử và văn học. Với vai trò tiên phong của Hải Triều và các đồng chí của ông, những luận điểm cơ bản của lí luận văn học mácxít và những nguyên tắc tư tưởng thẩm mĩ đầu tiên của văn học vô sản hiện thực xã hội chủ nghĩa cùng những đại biểu ưu tú của nó như: M. Gorki, R.Rolland, H.Barbusse v.v... đã được giới thiệu và truyền bá rộng rãi, mở đường cho khuynh hướng văn học cách mạng phát triển trở thành dòng chủ lưu trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Vào đầu những năm bốn mươi, với các văn kiện Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943), Mấynguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam lúc này (1944) do đồng chí Trường Chinh chấp bút và Văn học khái luận (1944) của Đặng Thai Mai, lí luận văn học mácxít đã thực sự bám rễ vào thực tiễn văn học Việt Nam để trở thành một bộ phận hữu cơ trong lí luận đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. Từ 1945 trở đi, trong điều kiện kháng chiến, một thực tiễn văn học với những phẩm chất mới đã hình thành và phát triển trên cơ sở kế thừa những thành tựu lí luận văn học mácxít và thành tựu sáng tác của văn học cách mạng đã đạt được ở thời kì trước. Bên cạnh việc học tập, tiếp thu các quan điểm lí luận văn học và mĩ học từ Liên Xô, Trung Quốc và các nền văn học
  3. tiến bộ khác, các nhà lí luận Trường Chinh, Tố Hữu, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Xuân Trường, Hồng Lĩnh, Nguyễn Đình Thi v.v... đã tiếp tục truyền bá, cụ thể hóa những quan điểm lí luận văn học mácxít, gắn sự nghiệp văn học với sự nghiệp cách mạng văn hóa và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Văn kiện Chủ nghĩa Marx và văn hóa Việt Nam (1948) của đồng chí Trường Chinh là văn kiện quan trọng thể hiện những quan điểm cơ bản nhất về lí luận văn hóa và văn học được xây dựng trên cơ sở kết hợp những nguyên tắc của mĩ học Marx-Lenin với thực tiễn văn học dân tộc dân chủ nhân dân thời kì kháng chiến chống Pháp. Mặc dù, vào thời kì này, có những lúc trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, vào đầu những năm năm mươi đã bộc lộ những quan điểm tả khuynh cực đoan trong việc nhìn nhận một số giá trị văn học của quá khứ, nhưng về cơ bản, lí luận văn học thời kì này đã tiến dần tới việc xây dựng một hệ thống và khẳng định những nguyên tắc lí luận của nền văn học mới. Tuy nhiên, phải đợi đến cuối những năm nâm mươi, khi kháng chiến kết thúc thắng lợi, đất nước bước vào thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà; khi các Trường đại học, các Viện nghiên cứu được thành lập thì khoa nghiên cứu văn học nói chung và lí luận văn học như một bộ môn của khoa nghiên cứu văn học nói riêng mới chính thức được hình thành và phát triển. Từ đây, khoa học văn học và bộ môn lí luận văn học mới được xác định rõ đối tượng nghiên cứu, được soạn thành giáo trình giảng dạy và học tập trong nhà trường một cách tương đối quy củ và bài bản. Ngay trong lúc mới chập chững, lí luận văn học và mĩ học mácxít đã phải đối mặt với những luồng tư tưởng diễn ra vào cuối những năm năm mươi, đầu những năm sáu mươi để khảng định những nguyên tắc tư tưởng thẩm mĩ của nền văn học mới. Trong điều kiện đó, lí luận về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa được xem như là nòng cốt, là hạt nhân của lí luận văn học. Những quan điểm chủ yếu của Marx, Engels, Lenin và của Đảng ta về văn học nghệ thuật đã lần lượt được cụ thể hóa trong các văn kiện, tài liệu, sách, báo, giáo trình giảng dạy, trở thành một cẩm nang giáo dục tri thức lí luận và thị
  4. hiếu nghệ thu ật, một chỗ dựa cho sáng tác và hoạt động thực tiễn. Trong suốt thời kì chống Mĩ cứu nước (1965-1975), dưới ánh sáng tư tưởng mĩ học Marx-Lenin, quan điểm, đường lối văn nghệ của Đảng, sự tiếp thu thành tựu lí luận văn học của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác, đặc biệt là sự khái quát, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn văn học cách mạng, chúng ta đã xây dựng được một hệ thống lí luận phù hợp với sự vận động nội tại của tiến trình văn học, đáp ứng yêu cầu khách quan của cuộc đấu tranh vì mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đó là tiền đề quan trọng tạo nên thành quả văn học cách mạng với đội ngũ nhà văn nhiều thế hệ, với khối lượng tác phẩm đáng trân trọng gồm nhiều thể loại, có giá trị hiện thực lịch sử, mang đậm dấu ấn tinh thần của thời đại, phản ánh trung thực cuộc kháng chiến trường kì gian khổ và anh dũng của nhân dân ta. Trong điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh, giới nghiên cứu văn học Việt Nam đã nỗ lực chiếm lĩnh những thành tựu lí luận văn học từ các nước xã hội chủ nghĩa lúc đó, chủ yếu là từ Liên Xô như: Lí thuyết về sự thống nhất của phương pháp và sự đa dạng của các trào lưu, phong cách, các phương tiện biểu hiện nghệ thuật xuất hiện vào những năm sáu mươi; hay lí thuyết về Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa như một hệ thống thẩm mĩ mở do Viện sĩ D.Markov đề xuất vào những năm bảy mươi ở Liên Xô... là những ví dụ. Cũng trong thời gian này, giới nghiên cứu Việt Nam cũng có dịp tiếp xúc với một số trào lưu tư tưởng triết học, mĩ học và lí luận văn học xuất hiện ở châu Âu và phương Tây hiện đại như: chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đạ i; thuyết trực giác, thuyết tâm phân học, hiện tượng học; các trào lưu tiểu thuyết mới, phê bình mới. Nhưng, do những hạn chế khách quan, do yêu cầu của lịch sử tư tưởng và nghệ thuật thời kì đó, dường như giới nghiên cứu Việt Nam mới chỉ biết đến các trường phái này như là những hệ thống lí luận phi mácxít và thường diễn ra dị ứng phản vệ trái hẳn với thái độ tiếp xúc từng có ở đô thị miền Nam cùng thời kì. Cho nên, thái độ căn bản của chúng ta khi đó là khước từ và phê phán. Tuy nhiên, giới nghiên cứu Việt Nam cũng đã kịp tiếp thu và bước đầu vận dụng
  5. những thành tựu của Vănhọc so sánh, Kí hiệu học, Lí thuyết thông tin, Thi pháp học, Loại hình học v.v... vào thực tiễn nghiên cứu và đã đạt được những kết quả tương đối khả quan. Nhìn chung, thời kì 1954-1975 là thời kì phát triển độc tôn của lí luận văn học và mĩ học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Bắt đầu từ cuối những năm bảy mươi, đầu những năm tám mươi, đặc biệt là từ 1986; khi công cuộc đổi mới được Đảng ta khởi xướng và phát động; khi các quy luật tác động của thời chiến dần dần tỏ ra hết hiệu lực; khi nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, khi tư duy đã được đổi mới; và nhất là khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã; khi nhu cầu giao lưu và hội nhập với thế giới đặt ra như một thách thức sống còn... thì trên lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung, lí luận văn học và mĩ học nói riêng thực sự diễn ra một nhu cầu nhận thức lại, nhu cầu phát triển, bổ sung và hoàn thiện trên rất nhiều vấn đề của lí luận và lịch sử văn học. Có thể nói, thập niên cuối cùng của thế kỉ XX là thập niên thức tỉnh của tư duy lí luận, trong đó có cả lí luận chung về học thuyết phát triển, về mô hình xã hội, về môi trường sống của con người; có cả lí luận văn học và mĩ học đặt ra như một hệ quả đương nhiên của quá trình đổi mới và phát triển. Cần phải ghi nhận sự thức tỉnh này như là một thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử của lí luận văn học Việt Nam thế kỉ XX. Đó cũng là thành tựu có ý nghĩa mở đường cho lí luận văn học các thế kỉ tiếp theo. 2- Thực trạng lí luận văn học hiện nay - những vấn đề cần nhìn nhận lại Có một thực tế hiển nhiên là, từ 1986 đến nay, khi công cuộc đổi mới được đề khởi, thực tiễn sáng tác văn học một mặt tiếp tục bám vào văn mạch cũ, một mặt khơi thêm những nguồn mạch mới để phát triển khá phong phú và đa dạng. ở tất cả các thể loại đều xuất hiện một đội ngũ tác
  6. giả mới với những sáng tạo mới mang dấu ấn phong cách cá nhân, thể hiện những trăn trở tìm tòi về nghệ thuật và những hình thức biểu hiện mới. Tuy ý kiến về chất lượng sáng tác thơ, văn xuôi, kịch từ 1986 đến nay có thể còn nhiều điểm chưa dễ thống nhất, nhưng điều dễ khảng định là thực tiễn văn học, nhìn chung vẫn phát triển sống động, nhiều màu vẻ, nhiều thành tựu, thu hút được sự quan tâm của công chúng văn học trong và ngoài nước. Trái lại, lí luận văn học lại tỏ ra già cỗi, xơ cứng, kém năng động so với thực tiễn sáng tác, không cập nhật được so với trình độ lí luận văn học và mĩ học chung của thế giới. Dường như sau sự thức tỉnh của tư duy, sự hăm hở phát hiện và nhận thức lại diễn ra vào thời kì đầu đổi mới, từ những năm chín mươi đến nay, không khí chung có vẻ chững lại, dè chừng hơn, thận trọng hơn trong việc nhìn nhận, đề xuất và kiến giải vấn đề. Tinh thần dân chủ lí luận không được phát huy mạnh mẽ và đến độ như lúc mới đề khởi. Bình tĩnh nhìn lại những vấn đề lí luận văn học được giới nghiên cứu xới lên trong khoảng 10 năm từ 1979 đến 1989 chúng ta sẽ thấy hầu hết rơi vào tình trạng bỏ lửng, “đánh trống bỏ dùi”, không có được sự thống nhất chí ít là trên những quan điểm chung, nguyên tắc chung. Nhiều luận điểm ngay chính tác giả của nó cũng không đủ bản lĩnh và kiên nhẫn theo đến tận cùng, trong khi công chúng và giới nghiên cứu thì vẫn không thôi chờ đợi sự lí giải tiếp dựa trên những luận điểm, luận cứ khoa học thuyết phục. Hàng loạt đề xuất xung quanh tính chân thực nghệ thuật; xung quanh mối quan hệ giữa văn học và hiện thực; xung quanh chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, xung quanh bản chất, chức năng văn học nghệ thuật; xung quanh các nguyên lí tính giai cấp, tính đảng, tính nhân loại, tính dân tộc và tính quốc tế... ngay cả vấn đề mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, cho đến nay vẫn còn là những câu hỏi buông xuôi, vừa có vẻ như là những nguyên tắc bất di bất dịch, lại vừa có vẻ như là những khu vực còn bỏ ngỏ, tồn đọng nhiều vấn đề chưa được xác quyết, minh định rõ ràng. Ngay cả vấn đề có hay không có, cần hay không cần một phương pháp sáng tác cũng không nằm ngoài
  7. thực trạng trên. Có thể nói đối với nhiều vấn đề khá cơ bản trong hệ thống lí luận văn học và mĩ học ở ta hiện nay, giới nghiên cứu chưa thật có thái độ và câu trả lời dứt khoát, đàng hoàng. Tình hình đó đưa cục diện lí luận văn học lâm vào bế tắc và khủng hoảng. Trong khi những yếu tố bất cập, lỗi thời của hệ thống lí luận hiện hành chưa được chỉ ra, phân tích có căn cứ, có cơ sở khoa học thuyết phục thì những yếu tố mới lại chậm được nghiên cứu, khảng định để đi đến hoàn thiện. Chương trình giảng dạy và học tập bộ môn Lí luận văn học trong nhà trường các cấp hiện nay, một phần cũng vì thế mà trở nên thiếu ổn định, không cập nhật được với tri thức lí luận mới nhất, thiếu sức hấp dẫn so với thực tế văn học đang không ngừng vận động và biến đổi. Trong khi đó, giới nghiên cứu và dịch thuật dường như nhận thức ra những thiếu hụt, những hiểu biết hạn hẹp, không đến nơi đến chốn về các trường phái tư tưởng triết học, mĩ học và lí luận văn học phương Tây, về những thành tựu lí thuyết tiêu biểu của khoa nghiên cứu văn học... nên đã và đang nỗ lực dịch, giới thiệu và phổ biến những lí thuyết, trường phái đó ở Việt Nam với động cơ khách quan và nhu cầu khoa học thực sự. Tuy nhiên, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu so với yêu cầu nghiên cứu, tham khảo. ở thời điểm này, nhìn lại khoa nghiên cứu văn học của ta, trong đó có bộ môn lí luận văn học, có thể nhận thấy nguy cơ tụt hậu so với yêu cầu phát triển của bộ môn, so với sự phát triển của thực tiễn nghệ thuật, và nhất là so với mặt bằng lí luận nghệ thuật chung của thế giới. Nhiều lí thuyết đối với chúng ta là mới thì hầu hết đều đã xuất hiện từ những năm năm mươi trở về trước và đều đã bị thế giới bỏ xa khá lâu. Nhưng, muộn còn hơn không, chúng ta vẫn phải tiếp xúc toàn diện, phải dịch, giới thiệu một cách cơ bản để có căn cứ phê phán và tiếp thu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong khi tiếp xúc với các trường phái phương Tây đã có những biểu hiện quá vồ vập, sùng bái, thiếu tỉnh táo trong việc nhận ra những cái không phù hợp với quan điểm lựa chọn, với bản chất xã hội và nhân văn của hệ thống mĩ học mácxít của chúng ta. Đồng thời, có cả những biểu hiện kì thị,
  8. những định kiến tư tưởng và học thuật, phê phán thiếu khách quan, thiếu cơ sở lịch sử, thiếu căn cứ khoa học và thực tế, dẫn đến bỏ qua, bỏ sót phần hợp lí có thể tiếp thu để mở rộng khả năng nghiên cứu và sáng tạo. Suy cho cùng, cả hai thái độ đó đều cần phải được điểu chỉnh vì nó trái với nguyên lí phát triển. Mười năm cuối thế kỉ XX, thế giới rung chuyển vì những biến động xã hội - chính trị lớn. Hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lâm vào khủng hoảng và tan rã. Mô hình tổ chức xã hội ở nhiều quốc gia trên thế giới có sự thay đổi. Nền tảng lí luận cho sự phát triển xã hội cũng thay đổi theo. Một trật tự thế giới mới đang được thiết lập, làm đảo lộn căn bản hệ chuẩn mực giá trị vật chất, đạo đức và tinh thần thời đại. ở nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tuy đường lối chính trị giữ được sự ổn định và phát triển, nhưng trên lĩnh vực kinh tế- xã hội, trước sự chuyển đổi ngày càng sâu sắc từ cơ chế quan liêu bao cấp thời chiến sang cơ chế thị trường và sự tác động nhiều mặt của nó đối với đời sống xã hội... cũng đã làm đảo lộn không ít hệ giá trị cũ, tạo lập không ít hệ giá trị mới, trong đó có hệ thống giá trị văn học nghệ thuật. Thực tế cho thấy, do sự thâm nhập và chi phối sâu sắc của yếu tố thị trường vào hoạt động văn chương nên trong những năm qua, ít nhiều có biểu hiện lẫn lộn, nhập nhằng giữa giá trị văn chương với giá trị hàng hóa khiến cho không ít trường hợp rơi vào tình trạng khó thẩm định, khó đánh giá vì tiêu chí không thống nhất. Thực tế đó đang phản biện lại lí luận, đặt ra cho lí luận nhiều yêu cầu cần phải giải quyết. Song, chính thực tiễn cho thấy lí luận văn học của chúng ta trong thời gian qua có nhiều lúng túng, bế tắc, không giữ được vai trò chỉ đạo thực tiễn, soi sáng thực tiễn. Một thực trạng lí luận khác rất đáng quan tâm là không chỉ thực tiễn nghệ thuật thời kì đổi mới, thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa chậm được tổng kết, đúc rút kinh nghiệm lí luận, kinh nghiệm nghệ thuật cần thiết, mà ngay cả thực tiễn văn học cách mạng - một thành tựu quan trọng của văn học thế kỉ XX đã có độ lùi 30 năm cũng vẫn chưa được tổng kết, đúc rút
  9. bao nhiêu về mặt lí luận. Chỉ riêng thời kì đổi mới từ 1986 đến nay, trên bình diện lí luận chung đã có rất nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ như các vấn đề: dân tộc - hiện đại, bản sắc - hội nhập, thị trường - xã hội chủ nghĩa, chủ trương xã hội hóa các hoạt động nghệ thuật v.v... Lí luận văn học với tư cách là một hệ thống năng động và nhậy cảm không thể tự tách ra khỏi các vấn đề trên. Cuối cùng, cho đến thời điểm này, nhận thức và tư duy lí luận của chúng ta còn bộc lộ khá nhiều hạn chế. Ngay trong sự nhập cục lí luận phê bình như lâu nay chúng ta vẫn dùng là một thói quen phi khoa học phản ánh sự đồng nhất lí luận với phê bình vốn là hai bộ môn của khoa nghiên cứu văn học, có đối tượng riêng biệt; phản ánh sự mơ hồ về bản chất, vị trí và chức năng của lí luận văn học. Trên một phương diện khác, không ít người quan niệm lí luận văn học như một bộ luật sáng tác, một tổ hợp các nguyên tắc tư tưởng, nguyên tắc sáng tạo nghệ thuật. Thực ra, cách hiểu đó không hoàn toàn sai nhưng hết sức phiến diện. Ngay cả bản chất triết học, mĩ học trong lí luận văn học cũng chưa được ý thức rõ ràng. Cho nên khuynh hướng lược qui, đơn giản hóa lí luận bằng những khái niệm, những phạm trù thô thiển, làm nghèo hệ thống mĩ học và lí luận văn học mácxít đã diễn ra trong thực tế sáng tác và nghiên cứu văn học thời gian qua là điều dễ hiểu. 3- Luận chứng đổi mới và phát triển lí luận văn học Định hướng tư tưởng lí luận làm nền tảng xây dựng học thuyết phát triển của đất nước ta hiện nay được xác định là chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong định hướng đó, líluận văn học và mĩ học mácxít cần phải được tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo, là sự lựa chọn có tính nguyên tắc cho sự tồn tại và phát triển của nền văn học. Tuy nhiên, chính những nhà sáng lập chủ nghĩa Marx đã xây dựng
  10. học thuyết triết học và mĩ học của mình trên cơ sở tiếp thu có phê phán, kế thừa và phát triển các học thuyết triết học và mĩ học trước đó của Kant, Hegel và Feurbach. Cho nên, chúng ta cũng không thể tiếp thu một cách máy móc, thụ động, biến học thuyết triết học và mĩ học của Marx, Engels, Lenin vốn được xem là một học thuyết có tính khoa học và cách mạng thành một giáo điều tư tưởng nghệ thuật, một công thức cứng nhắc, gò bó mà phải chủ động sáng tạo, phát triển học thuyết Marx trong những điều kiện lịch sử mới, phù hợp với thực tiễn văn hóa, văn học mang đậm bản sắc của mỗi quốc gia, mỗi khu vực. Tinh thần đó sẽ làm cho các chân lí phổ biến của học thuyết Marx được kiểm chứng trong thực tiễn mang vẻ đặc thù của các quốc gia, dân tộc. Lập trường khẳng định vai trò chủ đạo của lí luận văn học và mĩ học mácxít vào thời điểm lịch sử hiện nay bao hàm trong đó yêu cầu đổi mới và phát triển. Tách rời các yêu cầu này, hệ thống lí luận của chúng ta sẽ trở nên xơ cứng, không thỏa mãn được các yêu cầu mới của lịch sử và nghệ thuật và trái với tinh thần cơ bản của học thuyết Marx. - Hệ thống lí luận văn học và mĩ học của ta hiện nay, về cơ bản được thiết lập và lưu hành từ 1985 trở về trước, chủ yếu dựa trên hệ thống quan điểm của Marx, Engels, Lenin và quan điểm của Đảng ta về văn học nghệ thuật; trên những yêu cầu của thực tiễn lịch sử và văn học thời kì chiến tranh cách mạng. Trong quá trình đó, tuy chúng ta có nhiều cơ hội để thừa hưởng thành quả nghiên cứu từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác cùng lấy quan điểm mácxít làm nền tảng, nhưng nhìn chung vẫn còn thiếu tính hệ thống, tính khách quan vốn rất cần cho việc tiếp cận khoa học. Nhiều điểm khả thủ của hệ thống chưa được nghiên cứu, phát triển trong khi việc tiếp thu lại có khuynh hướng công thức, giáo điều, chưa chú trọng đầy đủ đến đặc trưng mĩ học và văn học. Đối với những hệ thống triết học, mĩ học và lí luận văn học phi mácxít của Âu-Mĩ hiện đại, do chúng ta chưa có quan điểm tiếp cận và tiếp thu một cách khách quan, khoa học và phù hợp nên trong một thời gian dài, chúng ta duy trì một thái độ phê phán, loại bỏ. Thái độ đó đã bỏ qua cơ hội tiếp
  11. xúc sớm với những thành tựu hợp lí của khoa nghiên cứu văn học, kìm hãm tư duy lí luận, tự hạn chế giới hạn và khả năng của hệ thống lí luận văn học và mĩ học trong việc khám phá bản chất đích thực và phát hiện các qui luật của nghệ thuật. Ngay cả đối với hệ thống quan niệm lí luận văn học và mĩ học truyền thống phương Đông, trong đó có các quan điểm về văn học của ông cha ta, việc nghiên cứu, tiếp thu chưa phải khi nào cũng thấu đáo, cặn kẽ, khi nào các đặc điểm của tư duy phương Đông cũng tìm được biện chứng phát triển. Trong bối cảnh quốc tế mới, nhiều giá trị dân tộc đang được phát huy. Mặc dù chúng ta chưa có truyền thống lập thuyết, di sản lí luận văn học chưa nhiều, nhưng từ thực tiễn và ứng xử văn chương dân tộc, chúng ta có thể tiếp thu được nhiều kinh nghiệm lịch sử và nghệ thuật quí báu. Từ 1986 đến nay, tiến trình đổi mới đã diễn ra trên đất nước ta ngót 20 năm. Những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, trong đó có đổi mới về tư duy, đổi mới về cơ chế dân chủ, về cơ chế quản lí kinh tế và điều hành đất nước... đã tạo ra những thay đổi căn bản về mọi mặt. Đó là những tiền đề mới, thực tiễn mới cho sự nảy nở và phát triển của tư duy lí luận. Trong thực tiễn này, hệ thống lí luận văn học và mĩ học của chúng ta có điều kiện để nhận thức những yếu tố bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn lịch sử mới, thực tiễn nghệ thuật mới, với tư duy lí luận văn học mới. Đồng thời, phát hiện, bổ sung, đúc kết những thành tựu lí luận mới để hoàn bị hệ thống trên tinh thần gắn lí luận với thực tiễn. 4- Phương hướng đổi mới và phát triển lí luận văn học Sau khi đã xây dựng được luận chứng cho sự đổi mới và phát triển lí luận văn học và mĩ học mácxít, cần phải đề ra được phương hướng đổi mới và phát triển. ở Hội thảo này, chúng tôi xin bước đầu đề xuất 7 điểm, mong được trao đổi để đi đến thống nhất.
  12. 4.1- Trên cơ sở khẳng định vai trò chủ đạo của lí luận văn học và mĩ học mácxít; quán triệt quan điểm của Đảng lấy chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng; bám sát những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn lịch sử và thực tiễn nghệ thuật thời kì công nghiệp hóa và hiện đại hóa; tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, phát triển và hoàn thiện hệ thống lí luận văn học và mĩ học phù hợp với thực tiễn Việt Nam, phù hợp với thực tiễn nghệ thuật mới của thế giới, làm cơ sở cho hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật; xây dựng bộ môn lí luận văn học tương xứng với vị thế là triết học của văn học. 4.2- Nhìn nhận lại vấn đề nghiên cứu, tiếp xúc với các lí thuyết, các quan điểm lí luận văn học và mĩ học hiện đại phương Tây một cách khách quan hơn, khoa học hơn, với thái độ điềm tĩnh hơn, nghiên cứu một cách toàn diện và thấu đáo hơn để có cơ sở phê phán và tiếp thu hợp lí. Thực tế cho thấy trong các lí thuyết, các quan điểm lí luận văn học và mĩ học đó không phải lí thuyết nào, quan điểm nào cũng hoàn toàn phù hợp và cần thiết đối với chúng ta; nhưng không phải lí thuyết nào cũng không đáng nghiên cứu, tham khảo và cần phê phán, phủ định. Vấn đề là ở chỗ quan điểm nghiên cứu tiếp thu và phê phán như thế nào cho phù hợp. Tinh thần tiếp thu một cách thận trọng, có cơ sở khoa học đối với các lí thuyết, các quan điểm lí luận văn học và mĩ học này, trong tình hình thế giới hiện nay sẽ là cơ sở để mở rộng giới hạn và khả năng của hệ thống lí luận văn học và mĩ học mácxít trước thực tiễn nghệ thuật phong phú, rộng lớn của thế giới. Trước mắt, cần có kế hoạch tổ chức dịch một cách khá cơ bản các tài liệu tham khảo cần thiết đề làm căn cứ tiếp thu. 4.3- Nhìn nhận lại việc nghiên cứu, tiếp thu các quan điểm lí luận văn học và mĩ học phương Đông, trong đó có quan điểm văn học và mĩ học truyền thống của Việt Nam theo một quan điểm giá trị mới, một tư duy học thuật và tư duy lí luận mới để phát hiện những nét độc đáo dân tộc, những
  13. đặc thù phương Đông làm căn cứ cho việc hoàn thiện hệ thống lí luận văn học và mĩ học hiện đại. Lịch sử cho thấy từ cuối thế kỉ XIX, phương Đông đã có sức hấp dẫn đối với nhiều nhà nghiên cứu phương Tây. Sự kết hợp nhuần nhuyễn Đông-Tây sẽ là tiền đề để tạo ra tính ưu việt trong hệ thống quan điểm lí luận văn học và mĩ học mà chúng ta phấn đấu xây dựng. 4.4- Nghiên cứu, quán triệt một cách nghiêm túc các quan điểm về văn học nghệ thuật của Đảng; kết hợp lí luận với thực tiễn để xây dựng một hệ thống lí luận văn học tiên tiến, vừa phù hợp với thực tiễn phát triển văn học nghệ thuật của đất nước ta giai đoạn hiện tại, vừa cập nhật được với trình độ thông tin lí luận của thế giới, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển tiến bộ trong tương lai. 4.5- Tiến hành nghiên cứu, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm nghệ thuật từ thực tiễn văn học Việt Nam thế kỉ XX, đặc biệt là từ thực tiễn lịch sử, thực tiễn nghệ thuật thời kì đổi mới; đồng thời mở rộng tầm nhìn, tầm khái quát thực tiễn phát triển của văn học thế giới để đề xuất, kiến giải những luận điểm lí luận mới, giúp cho việc hoàn bị hệ thống lí luận văn học. 4.6- Về phương pháp, cần xúc tiến việc nghiên cứu văn học nói chung, lí luận văn học và mĩ học nói riêng theo quan điểm văn hóa- lịch sử, xem văn học như một bộ phận quan trọng của văn hóa và lí luận văn học như một phạm trù lịch sử vừa có tính khái quát, vừa có tính cụ thể. Đồng thời, sử dụng thành tựu nghiên cứu liên ngành và những phương pháp khoa học tiên tiến để tiếp cận đối tượng, bản chất và những vấn đề của lí luận văn học, tạo ra những thành tựu lí luận văn học mới. 4.7- Đổi mới quan niệm và tư duy lí luận; tăng cường năng lực tư duy lí thuyết, khả năng tiếp thu và cảm nhận lí luận trừu tượng; mở rộng giới hạn nhận thức lí tính; thông qua giảng dạy, học tập và thực tiễn nghiên cứu để xây dựng hệ thống thuật ngữ, khái niệm lí luận văn học chính xác; kiến
  14. tạo hệ thống chuẩn mực lí luận nghệ thuật phù hợp với yêu cầu của đời sống văn học. Trên đây là phương hướng đổi mới và phát triển lí luận văn học gồm 7 điểm. Tại Hội thảo này, Viện Văn học với tư cách là cơ quan tổ chức kì vọng giới nghiên cứu với tinh thần dân chủ khoa học, dân chủ lí luận, trao đổi thẳng thắn, nghiêm túc về thực trạng lí luận văn học, đưa ra được những luận chứng và phương hướng đổi mới, phát triển lí luận văn học và mĩ học trong thời kì mới. Sự thống nhất về nhận thức, quan điểm sẽ là cơ sở để hoạt động nghiên cứu lí luận văn học phát triển đúng hướng và mang lại hiệu quả mong muốn./.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2