intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận án Tiến sĩ: Khảo sát và nghiên cứu truyền thuyết dân gian xứ Nghệ

Chia sẻ: Phan Phan | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:28

126
lượt xem
15
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận án "Khảo sát và nghiên cứu truyền thuyết dân gian xứ Nghệ" trình bày về các nội dung: tổng quan về truyền thuyết dân gian xứ Nghệ, truyền thuyết dân gian xứ Nghệ nhìn từ đặc trưng thể loại, truyền thuyết dân gian xứ Nghệ trong không gian văn hóa xứ Nghệ. Để biết rõ hơn về nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ: Khảo sát và nghiên cứu truyền thuyết dân gian xứ Nghệ

Khảo sát và nghiên cứu truyền thuyết dân gian xứ Nghệ Nguyễn Thị Thanh Lưu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Luận án TS. ngành: Văn học dân gian; Mã số: 62 22 36 01 Người hướng dẫn: GS.TS. Lê Chí Quế Năm bảo vệ: 2012 Abstract. Tổng quan về truyền thuyết dân gian xứ Nghệ. Nghiên cứu truyền thuyết dân gian xứ Nghệ nhìn từ đặc trưng thể loại: không gian trong truyền thuyết dân gian xứ Nghệ; thời gian trong truyền thuyết dân gian xứ Nghệ; cấu trúc truyền thuyết với các dạng môtit tiêu biểu; nhân vật truyền thuyết. Tìm hiểu truyền thuyết dân gian xứ Nghệ trong không gian văn hóa xứ Nghệ: truyền thuyết dân gian xứ Nghệ trong tương tác văn hóa vùng; truyền thuyết dân gian xứ Nghệ với thần tích và lễ hội; truyền thuyết dân gian xứ Nghệ với các di tích văn hóa vật thể. Keywords. Văn học dân gian; Truyền thuyết dân gian; Xứ Nghệ Content MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 1.1.Truyền thuyết dân gian là một thể loại quan trọng trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Sự công nhận muộn mằn của học giới so với các thể loại khác là một trong những lí do khiến truyền thuyết trở thành thể loại đáng được lưu tâm đặc biệt. Vấn đề đặt ra cho khoa nghiên cứu văn học dân gian không chỉ là xác định một cách tổng quát về bản chất thể loại, cơ chế hình thành và lưu truyền truyền thuyết mà còn là mô tả, phân tích tỉ mỉ những truyền thuyết cụ thể trong sự gắn bó với môi trường hoạt động của nó bởi truyền thuyết là thể loại đậm đặc tính vùng. Chính đặc trưng gắn chặt với vùng văn hóa, với địa phương cụ thể của truyền thuyết đã tự chia nhỏ đối tượng này thành nhiều mảng miếng khác nhau, khiến cho các nhà nghiên cứu khó lòng giải quyết thấu đáo và toàn diện. Nghiên cứu về truyền thuyết dân gian trong thời điểm hiện nay vẫn là một việc làm cần thiết. 1.2. Nghiên cứu văn học dân gian theo vùng đang là một hướng nghiên cứu có khả năng đem lại nhiều đóng góp mới mẻ không trùng lặp với các công trình đi trước. Hướng nghiên cứu này một mặt đáp ứng được yêu cầu cụ thể hóa tối đa các mục tiêu nghiên cứu, mặt khác lại rất phù hợp với đối tượng nghiên cứu là truyền thuyết dân gian - một đối tượng đáng được lưu ý hiện nay. Chọn đề tài Khảo sát và nghiên cứu truyền thuyết dân gian xứ Nghệ chúng tôi hy vọng sẽ có được cái nhìn hệ thống về truyền thuyết dân gian xứ Nghệ trong tương quan với kho tàng truyền thuyết dân gian Việt Nam nói chung và góp thêm phần nào đó trong việc làm đầy đặn hơn, sáng rõ hơn diện mạo của truyền thuyết xứ Nghệ thông qua việc bổ sung thêm một số truyền thuyết dân gian mà chúng tôi sưu tầm được trong quá trình thực hiện luận án của mình. 1.3. Xứ Nghệ là một tiểu vùng văn hóa đóng vai trò quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam với những cá tính văn hóa độc đáo hình thành nên từ khí chất đặc trưng của sông núi, con người xứ sở này. Tuy đã được nghiên cứu từ nhiều góc độ khác nhau song xứ Nghệ với sự dày dặn của văn hóa dân gian vẫn tiếp tục tạo ra hấp lực đối với các nhà nghiên cứu bằng những nét khuyết hao, mờ nhạt chưa được tô vẽ lại của bức tranh văn hóa vùng đặc sắc. Đó chính là lý do khiến chúng tôi chọn xứ Nghệ để nghiên cứu trong khuôn khổ thể loại truyền thuyết. 2. Đối tƣợng và phạm vi tƣ liệu nghiên cứu: 2.1 Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu cơ bản của chúng tôi trong luận án này là truyền thuyết dân gian Nghệ An và Hà Tĩnh dưới các dạng: bản kể đã được sưu tầm và xuất bản nằm trong các thư tịch (văn học trung đại và thần tích, thần phả) cũng như trong các sách sưu tầm thời hiện đại, bản kể mới được sưu tầm qua quá trình điền dã do chúng tôi tự thực hiện. 2.2. Phạm vi nghiên cứu Luận án của chúng tôi tập trung nghiên cứu thể loại truyền thuyết trong giới hạn không gian văn hóa vùng Nghệ Tĩnh cho nên có thể coi giới hạn không gian văn hóa ấy là đường biên xác định phạm vi nghiên cứu. 2.3. Phạm vi tư liệu khảo sát Với mong muốn nhìn đối tượng ở trạng thái phức tạp, bộn bề như nó vốn có, chúng tôi mở rộng tối đa phạm vi tư liệu khảo sát. Trước hết, chúng tôi tìm kiếm truyền thuyết dân gian xứ Nghệ trong các công trình tư liệu đã xuất bản. Bộ phận tư liệu này, ngoài các bộ sách biên soạn sưu tầm chung tầm cỡ như bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam do Nguyễn Đổng Chi biên soạn, Tổng tập văn học dân gian người Việt do Kiều Thu Hoạch chủ biên còn có các sách vở do địa phương xuất bản như: Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ (tập 1) do PGS. Ninh Viết Giao sưu tầm; Văn học dân tộc thiểu số Nghệ An (Phan Đăng Nhật chủ biên), Từ Cổ Loa đến Đền Cuông (Nguyễn Nghĩa Nguyên),… Thứ hai, để tiếp tục cập nhật và bổ sung đối tượng nghiên cứu, chúng tôi sử dụng các tư liệu tự sưu tầm được tại các địa phương khác nhau trên đất Nghệ An qua các chuyến điều tra điền dã thực hiện vào năm 2006, 2008, 2009. Bộ phận tư liệu thứ ba mà chúng tôi khảo sát để tìm kiếm truyền thuyết dân gian xứ Nghệ là các truyện ký thuộc thể loại văn xuôi trung đại như: Lan Trì kiến văn lục; Vũ trung tùy bút … Ngoài ra, các thần tích của xứ Nghệ đã được sưu tầm và xuất bản cũng là nguồn tài liệu nghiên cứu của chúng tôi. Về bộ phận này, chúng tôi chủ yếu khảo sát qua cuốn Tục thờ thần và thần tích Nghệ An (Ninh Viết Giao). Ngoài ra, để thực hiện các so sánh cần thiết trong luận án, chúng tôi cũng sử dụng thêm một số công trình tư liệu về truyền thuyết dân gian các vùng miền khác như: Truyền thuyết Lam Sơn (Nguyễn Sơn Anh); Văn học dân gian xứ Huế (Vũ Nhị Xuyên)… 3. Lịch sử vấn đề 3.1. Vấn đề nghiên cứu bản chất thể loại của truyền thuyết Truyền thuyết là thể loại có số phận khá đặc biệt trong đời sống văn học dân gian Việt Nam bởi sự công nhận tương đối muộn của học giới và những luồng ý kiến trái chiều về sự tồn tại của nó. Thuật ngữ truyền thuyết được Đào Duy Anh nêu ra lần đầu tiên trong bài viết “Những truyền thuyết đời thượng cổ nước ta” (Tri Tân số 30 năm 1942), rồi được thực sự công nhận vào những năm 50 của thế kỷ XX với một số công trình nghiên nhưng nó vẫn chưa thể nào xác lập được một vị trí trong nền văn học dân gian Việt Nam bởi sự bất đồng giữa các nhà nghiên cứu về mặt bản chất thể loại. Sự bất đồng ý kiến trong cách nhìn nhận truyền thuyết của các học giả thể hiện rõ vào những năm 60 của thế kỷ XX, khi hai cuốn giáo trình về Văn học dân gian của Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp công bố hai quan điểm hoàn toàn trái ngược về thể loại truyền thuyết. Việc nghiên cứu truyền thuyết với tư cách là một thể loại được đặc biệt chú trọng và đã tạo ra những bước tiến mới trong những năm 70, 80, 90 của thế kỷ XX, với công trình Truyền thuyết anh hùng trong thời kỳ phong kiến (Kiều Thu Hoạch), Nghiên cứu tiến trình của văn học dân gian Việt Nam (Đỗ Bình Trị), giáo trình Văn học dân gian Việt Nam (Lê Chí Quế chủ biên), cuốn sách Mối quan hệ giữa truyền thuyết người Việt và hội lễ về các anh hùng (Lê Văn Kỳ). Lịch sử nghiên cứu bản chất thể loại truyền thuyết tiếp tục thu được thành tựu vào năm 2000, khi tác giả Trần Thị An bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ mang tên Đặc trưng thể loại và việc văn bản hóa truyền thuyết. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, các nghiên cứu về truyền thuyết xuất hiện rải rác dưới dạng các bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành hoặc các luận văn, luận án với cách tiếp cận từ một cốt truyện, một chủ đề cụ thể hay một vùng truyền thuyết cụ thể. Có thể kể đến luận án tiến sĩ Khảo sát truyện kể dân gian Khơme Nam Bộ (qua thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích) (Phạm Tiết Khánh) bảo vệ năm 2007; bài viết của tác giả Trần Thị An “Sự hình thành truyền thuyết dân gian - Tìm hiểu sự hình thành truyền thuyết Tứ vị thánh nương (qua các nguồn thư tịch, truyền thuyết dân gian và tục thờ cúng)” (Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ ba năm 2008); luận án tiến sĩ Truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1858 - 1918) (Võ Phúc Châu) bảo vệ năm 2010. Ngoài ra, việc sưu tầm truyền thuyết dân gian cũng dần dần thu được nhiều thành tựu. Trong các tuyển tập truyện dân gian ở các địa phương, một phần không thể thiếu là bộ phận truyền thuyết dân gian. Gần đây nhất, hai tậpTruyền thuyết dân gian người Việt (Kiều Thu Hoạch chủ biên) đã sưu tập được một khối lượng lớn các truyền thuyết dân gian ở địa phương cũng như các truyền thuyết dân gian được ghi chép vào kho tàng văn xuôi trung đại và kho thần tích. 3.2. Vấn đề nghiên cứu văn học dân gian vùng Nghệ Tĩnh Hướng nghiên cứu văn học dân gian theo vùng văn hóa đang trở thành một hướng nghiên cứu mang lại nhiều kết quả, có ý nghĩa thực tiễn cao và đã được không ít nhà nghiên cứu theo đuổi. Năm 1978, tác giả Hoàng Tiến Tựu trong bài viết “Về phân vùng văn học dân gian và ý nghĩa phương pháp luận của nó” (Dân tộc học số 2) đã đề cập trực tiếp đến vấn đề này. Trong thập kỷ 80 của thế kỷ XX, hướng nghiên cứu này tiếp tục được học giới quan tâm, thể hiện qua các cuộc hội nghị, hội thảo khoa học như: Hội nghị văn học dân gian miền Trung lần thứ nhất được tổ chức tại Đà Nẵng (1981); Hội thảo khoa học về phân vùng văn hóa do Viện Văn hóa tổ chức. Trong các hội nghị khoa học đó, có không ít bài viết về vùng văn hóa dân gian xứ Nghệ. Thập kỷ 80 cũng đánh dấu sự hoàn thành bản thảo cuốn Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh (1984) do Nguyễn Đổng Chi cùng với các nhà nghiên cứu khác (Ninh Viết Giao, Vũ Ngọc Khánh) biên soạn. Trong cuốn sách này, ở phần Truyện kể dân gian do nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao viết, lần đầu tiên, truyền thuyết dân gian xứ Nghệ được sơ lược tìm hiểu. Tuy nhiên, ngay cả khi đã có ý thức phân loại các thể loại văn học dân gian của xứ Nghệ (với các tiểu mục riêng cho từng thể loại), Ninh Viết Giao vẫn chỉ dành một tiểu mục chung cho hai thể loại cổ tích và truyền thuyết. Thập kỷ 90 của thế kỷ XX, đáng lưu ý nhất là sự ra đời bộ sách Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ (1993) gồm bốn tập - là bộ sách sưu tầm có quy mô và hệ thống đầu tiên về truyện kể dân gian xứ Nghệ. Đây là cơ sở tư liệu quan trọng để chúng tôi tiến hành nghiên cứu luận án này. Ngoài ra, hội thảo Văn hóa truyền thống các tỉnh Bắc Trung Bộ trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam1 và Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An phối hợp tổ chức năm 1994 cũng đã quy tụ được khá nhiều bài viết về văn hóa dân gian xứ Nghệ. Ở thế kỷ XXI, truyền thuyết xứ Nghệ lần đầu tiên được đứng riêng một tiểu mục trong cuốn Về văn học dân gian xứ Nghệ (2004) của Ninh Viết Giao. Bàn về truyền thuyết xứ Nghệ trong phần này, tác giả chủ yếu liệt kê những truyền thuyết trên đất Nghệ qua quá trình lịch sử chứ chưa đi đến những nhận định chung hơn về tính chất, đặc điểm… của thể loại này trong không gian văn hóa xứ Nghệ. Dù vậy, đây vẫn là một trong những tiền đề quan trọng để chúng tôi nghiên cứu đề tài này. 1 Nay là Viện Nghiên cứu Văn hóa Trong lĩnh vực văn học dân gian, xu hướng nghiên cứu theo vùng đã cho ra đời nhiều công trình có giá trị phục hồi vốn cổ ở các địa phương cụ thể. Riêng văn hóa dân gian xứ Nghệ - một miền đất hứa từng được đề cập một cách khái lược trong các cuốn sách địa chí xưa (như: Nghệ An ký, An Tĩnh cổ lục,…) thì mới chỉ có những bài viết lẻ tẻ khai thác. Mảng thể loại truyền thuyết trong giới hạn văn hóa vùng xứ Nghệ thể hiện sự trống vắng trên cả hai phương diện: phương diện tư liệu lẫn phương diện nghiên cứu. Đây là một khó khăn đối với chúng tôi. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu đi trước về truyền thuyết dân gian nói chung và về vùng văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh đã được chúng tôi liệt kê trên đây sẽ là những gợi ý bổ ích và quý báu cho chúng tôi khi nghiên cứu đề tài này. 4. Phƣơng pháp nghiên cứu: Để thực hiện đề tài này, chúng tôi chủ yếu sử dụng 5 phương pháp sau đây: phương pháp hệ thống, thống kê, phân loại; phương pháp điều tra thực địa; phương pháp liên ngành; phương pháp phân tích; phương pháp so sánh. 5. Đóng góp của luận án: 5.1. Lần đầu tiên trình bày một cái nhìn hệ thống về truyền thuyết dân gian xứ Nghệ với các số liệu thống kê tương đối đầy đủ và sự phân loại rõ ràng về đối tượng này. Qua đó, luận án của chúng tôi góp phần bổ sung tư liệu cho việc nghiên cứu và giảng dạy truyền thuyết dân gian Việt Nam nói chung. 5.2. Luận án góp phần tái khẳng định, củng cố hệ thống thi pháp thể loại của truyền thuyết dân gian bằng các phân tích và dẫn chứng cụ thể từ kho tàng truyền thuyết dân gian xứ Nghệ. 5.3. Luận án của chúng tôi sẽ tái dựng diễn biến lưu truyền của truyền thuyết dân gian xứ Nghệ thông qua việc tìm hiểu mối quan hệ qua lại giữa truyền thuyết dân gian và lễ hội dân gian, truyền thuyết dân gian và các di tích vật thể, truyền thuyết đã được sưu tầm, văn bản hóa và truyền thuyết đang sống bằng hơi thở của dân gian. 5.4. Luận án sẽ bước đầu phác thảo những nét đặc trưng của truyền thuyết dân gian xứ Nghệ thông qua việc chỉ ra những tương đồng và dị biệt của chúng với truyền thuyết dân gian Việt Nam nói chung. 6. Cấu trúc của luận án: Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, luận án sẽ gồm 3 chương sau: - Chương I: Tổng quan về truyền thuyết dân gian xứ Nghệ. - Chương II: Truyền thuyết dân gian xứ Nghệ nhìn từ đặc trưng thể loại - Chương III: Truyền thuyết dân gian xứ Nghệ trong không gian văn hóa xứ Nghệ NỘI DUNG CHƢƠNG I: TỔNG QUAN VỀ TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN XỨ NGHỆ 1.1. Diện mạo chung của truyền thuyết dân gian xứ Nghệ 1.1.1 Số lượng truyền thuyết dân gian xứ Nghệ Tiêu chí được chúng tôi lưu ý hàng đầu khi thống kê là lựa chọn những truyện kể thích hợp và đáp ứng đủ các yếu tố cần thiết để làm nên một truyền thuyết. Tuy nhiên, để nhìn thấy được các xu hướng vận động và phát triển của thể loại này, chúng tôi không chỉ chọn những truyền thuyết thuần chất không lẫn vào đâu được mà còn chủ ý lựa những truyền thuyết mờ nhòe, đứng mấp mé, chênh vênh ở ranh giới của cổ tích hay thần thoại. Tiêu chí thứ hai là song hành thống kê các bản kể đã được cố định ở dạng văn bản và các bản kể truyền miệng chưa được ghi chép còn vương sót lại đâu đó trong dân gian. Tiêu chí thứ ba là quy các dị bản về một mối - coi như đó chỉ là một đơn vị thống kê chứ không để mỗi dị bản là một đơn vị riêng lẻ. Với các tiêu chí được định rõ như trên, chúng tôi thống kê được 138 truyền thuyết dân gian xứ Nghệ qua các sách vở, thư tịch và sưu tầm được 9 truyền thuyết vẫn đang lưu truyền trong dân gian mà chưa từng được cố định hóa bằng văn bản. 1.1.2 Tương quan với số lượng các thể loại truyện kể dân gian khác Cuốn KTTKDGX.Nghệ (tập 1) có 98 truyện kể thì có 6 thần thoại (6.2%), 36 truyền thuyết (36.7 %) và 56 truyện cổ tích (57.1%). Những con số mang tính chất tượng trưng trên đây phần nào cho thấy trong khi thần thoại đã trở nên hiếm hoi còn cổ tích chiếm ưu thế về mặt số lượng thì truyền thuyết vẫn giữ được một vị thế đáng kể trong đời sống dân gian. Con số lưng chừng và vị thế ở giữa của truyền thuyết trong kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ một lần nữa minh chứng cho chức năng gạch nối của thể loại này trong tâm thức dân gian. Những con số thống kê ban đầu trên đây đã phần nào phác họa một cách tổng quan diện mạo của thể loại truyền thuyết trong đời sống sinh hoạt văn hóa dân gian xứ Nghệ. 1.2. Các dạng truyền thuyết tiêu biểu 1.2.1. Lý thuyết phân loại Thực tế phức tạp của vấn đề phân loại truyền thuyết đã từng được nhà nghiên cứu Kiều Thu Hoạch mô tả khá tỉ mỉ trong bài viết Xác định thể loại truyền thuyết. Theo nhận định của chúng tôi, mỗi cách phân loại truyền thuyết của các nhà folklore trong và ngoài nước nêu trên đều có lý lẽ riêng do căn cứ vào các hệ tiêu chí khá cụ thể. Tuy nhiên, chưa có một phương án phân loại nào có thể gọi là phương án vạn năng để có thể sử dụng trong mọi tình huống nghiên cứu. Với mục đích nghiên cứu thể loại truyền thuyết gắn với một địa phương cụ thể, trong một môi trường diễn xướng cụ thể, chúng tôi nhận thấy về cơ bản, cách phân loại của nhà nghiên cứu Kiều Thu Hoạch phù hợp nhất cho tình huống nghiên cứu mà luận án này đặt ra. Song, với thực tế tư liệu truyền thuyết đặc thù của địa phương đã được thống kê ở mục 1.1.1, chúng tôi có một chút thay đổi nhỏ trong cách phân chia các tiểu loại cho loại truyền thuyết nhân vật. Trong loại truyền thuyết nhân vật, chúng tôi chia làm 2 bộ phận căn cứ vào đối tượng được kể, gồm: truyền thuyết về nhiên thần và truyền thuyết về nhân thần. Trong bộ phận truyền thuyết nhân thần, chúng tôi gộp mục truyền thuyết về người anh hùng chống xâm lược và truyền thuyết về các anh hùng nông dân thành một tiểu loại chung. Bên cạnh tiểu loại truyền thuyết về người anh hùng chống xâm lược và anh hùng nông dân và tiểu loại truyền thuyết về người anh hùng văn hóa còn có thêm tiểu loại truyền thuyết về các linh nhân hóa thần. Đây là bộ phận truyền thuyết kể về những con người hết sức bình thường nhưng vì những duyên do tình cờ đột nhiên thành thần thánh. Ngoài ra, theo tiêu chí hình thức tồn tại và lưu truyền của truyền thuyết, chúng tôi sẽ chia truyền thuyết làm hai dạng: truyền thuyết định hình trên văn bản và truyền thuyết lưu truyền trong dân gian. 1.2.2. Phân loại theo hình thức tồn tại và lưu truyền - Truyền thuyết định hình trên văn bản: Đặc trưng thể loại gắn liền với lịch sử đã trở thành một phép lợi thế để truyền thuyết đường hoàng bước chân vào lãnh địa của các văn bản thành văn. Nhờ vào phép lợi thế ấy, truyền thuyết được lưu giữ ở vô số văn bản thời trung đại với sự đa dạng về thể loại: sách địa chí, sách sử, truyện chí quái, thần tích, thần phả… Các truyền thuyết đã được định hình qua thời gian và lưu lại trong các thư tịch, sách vở ấy được chúng tôi liệt vào dạng truyền thuyết định hình trên văn bản. Những truyền thuyết được lấy làm đối tượng nghiên cứu trong luận án này chủ yếu ở dạng đã cố định trên văn bản. Những truyền thuyết bất động trong văn bản cũng tựa như những hóa thạch văn hóa - phác nên chân dung một xứ Nghệ đậm màu huyền thoại và dày dạn vết tích văn hóa. - Truyền thuyết lưu truyền trong dân gian: Dạng truyền thuyết lưu truyền thể hiện sức sống và khả năng bám rễ vào mạch chảy xã hội của thể loại này trong quá trình tái tạo không ngơi nghỉ của nó. Độ phong phú của dạng truyền thuyết này vừa phụ thuộc vào khả năng tạo sinh khách quan của thể loại, vừa phụ thuộc vào quá trình tự khảo sát mang tính chủ quan của

ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2