intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo (Trường hợp thôn Nà Lầu, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn)

Chia sẻ: Trinhthamhodang6 Trinhthamhodang6 | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:183

63
lượt xem
9
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận văn thông qua nghiên cứu về văn hóa đảm bảo đời sống, trong đó tập trung chính vào các khía cạnh liên quan đến các thực hành sinh kế, luận án hướng tới cung cấp một nghiên cứu trường hợp về sự thay đổi trong mô hình sinh kế và những ứng xử văn hóa đi cùng của người nông dân Việt Nam trong xã hội đương đại, một chủ đề đã và đang nhận được sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học xã hội ở Việt Nam và trên thế giới.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo (Trường hợp thôn Nà Lầu, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn)

  1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN THỊ VÂN ANH VĂN HÓA ĐẢM BẢO ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI NÙNG CHÁO (TRƯỜNG HỢP THÔN NÀ LẦU, XÃ TÂN THANH, HUYỆN VĂN LÃNG, TỈNH LẠNG SƠN) Ngành: Văn hóa học Mã số: 9 22 90 40 LUẬN ÁN TIẾN SỸ VĂN HÓA HỌC Người hướng dẫn khoa học: 1. TS. Hoàng Cầm 2. TS. Đỗ Lan Phương Hà Nội - 2018
  2. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu đã sử dụng trong luận án là trung thực. Những kết luận trong luận án chưa có công bố ở bất kỳ công trình khoa học nào. TÁC GIẢ LUẬN ÁN Nguyễn Thị Vân Anh
  3. LỜI CẢM ƠN Hoàn thành đề tài, tôi xin trân trọng cảm ơn: - TS. Hoàng Cầm và TS. Đỗ Lan Phương là những người thầy đã hướng dẫn trực tiếp cho tôi trong suốt quá trình thực hiện đề tài, cùng các thầy cô trong Khoa Văn Hóa học của Học viện khoa học xã hội Việt Nam - Gia đình, bạn bè, những người đồng nghiệp đã luôn sát cánh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi trong quá trình làm nghiên cứu - Đặc biệt, những người dân, các cán bộ địa phương tại địa bàn tôi nghiên cứu đã rất nhiệt tình trao đổi, cung cấp thông tin, tư liệu cho tôi để hoàn thành đề tài này!
  4. DANH MỤC CHỮ CÁI VIẾT TẮT A Ảnh KH Kế hoạch NCS Nghiên cứu sinh Nxb Nhà xuất bản PL Phụ lục tr Trang UB Ủy ban UBND Ủy ban nhân dân VHTT Văn hóa thông tin
  5. MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ 7 LUẬN VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 7 1.2. Cơ sở lý luận 20 1.3. Thôn Nà Lầu (xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn 26 Chương 2: VĂN HÓA ĐẢM BẢO ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI NÙNG 40 CHÁO Ở NÀ LẦU TRONG XÃ HỘI CỔ TRUYỀN 2.1. Tập tục cộng đồng trong sở hữu và sử dụng tài nguyên 40 2.2. Sản xuất nông nghiệp với các dàn xếp văn hóa – xã hội và kỹ thuật 46 2.3. Các hoạt động buôn bán trao đổi 63 Chương 3: VĂN HÓA ĐẢM BẢO ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI NÙNG 71 CHÁO Ở NÀ LẦU HIỆN NAY 3.1. Bối cảnh chuyển đổi 71 3.2. Quá trình chuyển đổi kinh tế nông – thương nghiệp 79 3.3. Phương thức mưu sinh mới với cơ sở của nền kinh tế trọng tình 88 Chương 4: VĂN HÓA ĐẢM BẢO ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI NÙNG 110 CHÁO Ở NÀ LẦU: THAY ĐỔI VÀ THÍCH ỨNG 4.1. Yếu tố trọng tình trong thực hành sinh kế của người dân Nà Lầu 110 4.2. Yếu tố duy lý trong thực hành sinh kế của người dân Nà Lầu 113 4.3. Văn hóa đảm bảo đời sống – những vấn đề liên quan trong bối cảnh 125 hiện nay KẾT LUẬN 142 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ 147 TÀI LIỆU THAM KHẢO 148
  6. MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Trong những chuyến khảo sát thực tế để tìm đề tài cho luận án của mình về văn hóa ở vùng biên Lạng Sơn sau Đổi mới (1986), một chủ đề đã từng được phản ánh trong một số công trình gần đây về những thay đổi văn hóa - xã hội và kinh tế nơi này trong sự thay đổi chung của Việt Nam. Một số người cho rằng, những thay đổi kinh tế và văn hóa nơi đây theo chiến lược phát triển vùng biên của nhà nước đã đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Thực tế diễn ra quá trình này đã thu hút tôi tới thôn Nà Lầu (Tân Thanh, Văn Lãng, Lạng Sơn)- nơi vừa trải qua những năm tháng quy hoạch mở rộng vùng thương mại cửa khẩu phía Bắc Việt Nam. Tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với những người Nùng Cháo ở đây, quan sát cuộc sống của họ trong những dãy nhà tại các con phố ở khu buôn bán hay dọc theo tuyến đường giao thương ở Tân Thanh. Rất khó có thể nhận ra họ đã từng là những người “chân lấm, tay bùn, một nắng hai sương” trên những thửa ruộng hay mảnh nương sườn đồi, nay đã thành những “thị dân”. Có lẽ, quá trình thay đổi này đã không đơn giản khi tôi được nghe tâm sự của bà Xéo, người phụ nữ hơn 60 tuổi có cửa hàng buôn bán ở khu chợ Tân Thanh, rằng: “Bây giờ thì đỡ hơn nhiều rồi nhưng cũng không phải như mọi người nghĩ là ngày ngày chỉ cần mở cửa ra là đã có tiền, không còn lo làm ruộng không đủ ăn,... bán hàng lo lỗ vốn, đi vác hàng bị mệt, bị bắt...”. Bà kể, kinh tế của gia đình trước kia chủ yếu là từ làm ruộng, làm vườn, thu hoạch chỉ đủ ăn, không có dư thừa. Sau khi chuyển đổi, bà và các con đã làm rất nhiều nghề: từ làm ruộng, buôn bán nhỏ cho đến làm “cửu vạn” (vác hàng). Trong quá trình mưu sinh đó, nhà bà luôn có sự tương trợ giúp đỡ của họ hàng, xóm giềng, song bản thân bà và gia đình cũng có những toan tính để có một cuộc sống ổn định như hiện nay. Không chỉ có nhà bà mà hầu hết những người Nùng Cháo sống tại thôn Nà 1
  7. Lầu, sau khi đất nông nghiệp của họ bị chuyển đổi, đều phải trải qua những giai đoạn tìm kiếm các cách thức mưu sinh không dễ dàng như vậy. Là một thôn nằm giáp với biên giới Việt - Trung của tỉnh Lạng Sơn và nằm trong khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh, sinh kế cổ truyền của người Nùng Cháo ở Nà Lầu, về cơ bản là nền “kinh tế trọng tình” (moral economy), lối sống thiên về yếu tố tình cảm, sống dựa trên sự tương trợ, giúp đỡ nhau, tính cố kết cộng đồng cao. Trước những năm 1990, nền kinh tế của họ chủ yếu là nông nghiệp trồng lúa nước, làm nương rẫy kết hợp với chăn nuôi và buôn bán nhỏ tại các chợ Na Sầm (huyện Văn Lãng), Đồng Đăng (huyện Cao Lộc), bên cạnh đó còn thực hiện buôn bán, trao đổi hàng hóa với người dân ở thôn Pò Chài (Trung Quốc). Khi quan hệ hai nước Việt - Trung trở nên căng thẳng do cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, hoạt động buôn bán giữa người dân Nà Lầu (Việt Nam) với người dân Pò Chài (Trung Quốc) bị nghiêm cấm. Từ năm 1991 trở đi, quan hệ song phương Việt - Trung chuyển sang thời kỳ mới, chấm dứt cơ bản những căng thẳng, tạo ra sự bình ổn cho cuộc sống người dân. Năm 1992, khu Kinh tế cửa khẩu Tân Thanh được xây dựng trên địa bàn thôn Nà Lầu thì nơi đây đã trở thành nơi giao lưu, trao đổi và mua bán hàng hóa giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, nhiều hoạt động thương mại diễn ra rất sôi động. Tác động của việc xây mới và mở rộng vùng cửa khẩu đã dẫn đến việc toàn bộ người Nùng Cháo ở Nà Lầu mất đất canh tác nông nghiệp vốn là nguồn tài nguyên chính đã gắn bó với kinh tế nông nghiệp lâu đời của họ. Hiện nay, các hoạt động sinh kế truyền thống này đã có nhiều thay đổi so với trước kia, đó là sự đa dạng các phương thức mưu sinh. Kinh tế của người dân Nà Lầu không còn được xem là “thuần nông” trong tổng thể những thay đổi về văn hóa bảo đảm đời sống ở đây. Nếu như, trong quá khứ họ phải tương trợ lẫn nhau để sống, sinh kế của họ vận dụng theo các nguyên lý của một nền kinh tế trọng tình, thì trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế của đất nước tuy tạo ra cho họ những cơ hội mới nhưng cũng nhiều gian nan, thử thách. Họ đã xoay sở để tìm kiếm những phương thức mưu sinh phù hợp, có những ứng 2
  8. xử để có thể đảm bảo được cuộc sống, song cũng không mất đi những cơ sở đạo lý mà trong quá khứ đã tạo dựng được, đồng thời phải thích ứng với hoạt động sinh kế trong bối cảnh mới. Vậy, họ đã làm như thế nào để có thể kết hợp giữa các cơ sở của nền kinh tế trọng tình trước đây với các tính toán kinh tế mang tính duy lý trong cơ chế thị trường hiện nay? Để nghiên cứu sâu hơn vấn đề này, tôi chọn đề tài “Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo (trường hợp thôn Nà Lầu, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn)” làm đề tài luận án Tiến sỹ Văn hóa học của mình. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án Mục đích nghiên cứu Thông qua nghiên cứu về văn hóa đảm bảo đời sống, trong đó tập trung chính vào các khía cạnh liên quan đến các thực hành sinh kế, luận án hướng tới cung cấp một nghiên cứu trường hợp về sự thay đổi trong mô hình sinh kế và những ứng xử văn hóa đi cùng của người nông dân Việt Nam trong xã hội đương đại, một chủ đề đã và đang nhận được sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học xã hội ở Việt Nam và trên thế giới. Nhiệm vụ nghiên cứu - Khái quát tình hình nghiên cứu về văn hóa đảm bảo đời sống nói chung và văn hóa của tộc người Nùng Cháo ở xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn nói riêng. - Làm rõ các hoạt động sinh kế của người Nùng Cháo trong quá khứ để nhận thấy vai trò cơ bản của canh tác nông nghiệp trên nền tảng trọng tình của cư dân nơi đây trong suốt chiều dài lịch sử. - Làm rõ các hoạt động sinh kế và các ứng xử liên quan của người Nùng Cháo hiện nay để nhìn ra sự đa dạng, phong phú, các chiều cạnh chuyển đổi văn hóa - xã hội và lựa chọn sinh kế trên cơ sở duy lý có sự đan xen với trọng tình của người dân trong bối cảnh phát triển kinh tế và dịch vụ tại khu vực cửa khẩu. 3
  9. - Thảo luận về sự kết hợp trọng tình - duy lý trong tư duy và thực hành sinh kế của người dân trong bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay. Theo đó là những vấn đề liên quan đến biến đổi văn hóa - xã hội, nguồn lực lao động, việc làm, những thách thức trong thực hành sinh kế của người Nùng Cháo. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án Đối tượng nghiên cứu Trọng tâm nghiên cứu của luận án là hoạt động sinh kế của người Nùng Cháo ở thôn Nà Lầu (xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) trong quá khứ và trong bối cảnh chuyển đổi hiện nay ở vùng biên giới Lạng Sơn. Phạm vi nghiên cứu Văn hóa đảm bảo đời sống là khái niệm có nội hàm rộng, bao gồm ăn, mặc, ở, đi lại và hoạt động mưu sinh. Trong khuân khổ của luận án này, Nghiên cứu sinh (NCS) chỉ lựa chọn nghiên cứu và phân tích một trong các thành tố quan trọng nhất của văn hóa đảm bảo đời sống là các thực hành sinh kế của người Nùng Cháo cùng những ứng xử văn hóa đi kèm tại thôn Nà Lầu (Tân Thanh, Văn Lãng, Lạng Sơn) từ trước năm 1986, và sau thời kỳ đổi mới được tính từ năm 1986 trở lại đây. 4. Phương pháp nghiên cứu của luận án Từ mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu, luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính (với phỏng vấn sâu, quan sát tham gia) để thu thập thông tin, các dữ liệu, cứ liệu phục vụ đề tài. Các câu hỏi phỏng vấn sâu được soạn thảo dưới hình thức các câu hỏi mở, đôi lúc là gợi ý để đối tượng được phỏng vấn tự kể chuyện. Nhiều thông tin từ phỏng vấn sâu còn được kiểm tra bằng thao tác “điều tra chéo”... Phương pháp nghiên cứu định tính cung cấp thông tin về các tiến trình, động thái, các hành vi kinh tế và các mối quan hệ văn hóa - xã hội liên quan của người Nùng Cháo ở Nà Lầu. Nguồn tư liệu chính của luận án là kết quả thu thập thông tin từ quá trình khảo sát điền dã được NCS thực hiện tại thôn Nà Lầu (Tân Thanh, Văn Lãng, Lạng Sơn). Cụ thể, từ tháng 1 năm 2016 đến tháng 9 năm 2017 tác giả đã tiến hành nhiều chuyến điền dã 4
  10. tại địa bàn nghiên cứu, thực hiện được 30 cuộc phỏng vấn sâu và tiến hành thảo luận nhóm với người dân ở độ tuổi lao động khác nhau, phỏng vấn một số cán bộ lãnh đạo địa phương. Chủ đề của các cuộc phỏng vấn, thảo luận nhóm tập trung xoay quanh các vấn đề về chuyển đổi sinh kế và sự thích ứng trong các loại sinh kế mới, các chính sách liên quan đến môi trường sinh kế của người dân, mạng lưới xã hội, tập quán và các sinh hoạt văn hóa, quan hệ cộng đồng. Các nhóm được phỏng vấn bao gồm: Nhóm thứ nhất, những người già sống trong thôn được phỏng vấn để tìm hiểu về phương thức mưu sinh mà người dân Nà Lầu đã sử dụng trong quá khứ, những thói quen, phong tục tập quán, truyền thống tương trợ, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong suốt quá trình chung sống. Nhóm thứ hai, những phụ nữ ở trong thôn được phỏng vấn để tìm hiểu về công việc của họ hiện nay, so sánh và đối chiếu với công việc của họ trước khi xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh có những điểm khác biệt gì?. Nhóm thứ ba, đối tượng các thanh niên: tìm hiểu công việc hiện tại của họ, có những chiến lược nào để đảm bảo cuộc sống của bản thân? Nhóm thứ tư, các các bộ quản lý ở thôn - xã: tập trung tìm hiểu các quan điểm cá nhân đối với việc chuyển đổi phương thức mưu sinh của người dân; Những thay đổi trong phong tục và tập quán văn hóa và sinh kế ở địa phương. Các cuộc phỏng vấn được thực hiện chủ yếu bằng tiếng phổ thông, được ghi âm, ghi chép lại với sự đồng ý của những người cung cấp tin. Toàn bộ tư liệu từ phỏng vấn, ghi chép đều được phục vụ để phân tích, tên của thông tín viên được mã hóa để đảm bảo nguyên tắc ẩn danh. Bên cạnh phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm, nghiên cứu sinh cũng tham gia vào các hoạt động văn hóa của người dân, dự các đám tiệc, nghi lễ gia đình và cộng đồng, tham dự các cuộc hội họp của thôn - bản hay khu kinh doanh để tìm hiểu thêm các bối cảnh, khơi gợi các vấn đề cho những cuộc phỏng vấn sâu. 5
  11. Kết hợp với nguồn tư liệu thực địa là tư liệu thứ cấp được tập hợp và hệ thống, phân tích, từ các công trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước đã công bố có liên quan tới đề tài. Nghiên cứu sinh cũng tiến hành thu thập và phân tích các bài báo, tạp chí và các tài liệu có liên quan để có những thông tin cơ bản về đặc điểm kinh tế, xã hội và bức tranh toàn cảnh về các loại hình sinh kế mới ở Nà Lầu nói riêng cũng như những thay đổi sinh kế vùng cửa khẩu Lạng Sơn nói chung. Kèm theo đó là các văn bản, tài liệu, báo cáo, số liệu thống kê của chính quyền và các ban ngành ở địa phương. Những ý kiến trao đổi với các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa. Hạn chế của nghiên cứu thực địa: Tuy thông tín viên trong mỗi cuộc phỏng vấn đều nhiệt tình, hưởng ứng trò chuyện và trả lời câu hỏi do nghiên cứu sinh đưa ra, nhưng một số thông tin về các dữ kiện xảy ra trong quá khứ từ phỏng vấn hồi cố không thực sự chính xác. Lý do là, những người già (trên 70 tuổi) hiện còn sống ở Nà Lầu chỉ còn hơn 10 người và không phải tất cả đều còn minh mẫn. Thêm vào đó, hoạt động sinh kế của một thôn giáp biên giới Trung Quốc như Nà Lầu là một vấn đề nhạy cảm, NCS đã gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận và phỏng vấn những người chủ hàng, “đầu cửu”, “cửu vạn”. Việc quan sát và tìm hiểu các cách thức làm ăn, mối hàng, việc vác hàng qua các đường biên cũng không phải là chuyện dễ dàng, bởi tâm lý đề phòng, e ngại người lạ của người dân ở đây. Vì vậy, những trình bày và phân tích trong luận án có thể chưa phản ánh được hết những khía cạnh liên quan đến vấn đề sinh kế và các ứng xử xoay quanh hoạt động sinh tồn của người Nùng Cháo ở Nà Lầu. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án - Là luận án đầu tiên nghiên cứu về văn hóa đảm bảo đời sống của một tộc người thiểu số cụ thể, ở một địa bàn mang tính đặc thù là vùng giáp biên giới Việt - Trung trước những biến đổi về kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Kết quả nghiên cứu góp phần phản ánh và giải quyết vấn đề thực tiễn về 6
  12. biến đổi sinh kế - văn hóa nói chung và vùng giáp biên giới nói riêng, đây là một hướng nghiên cứu mới trong ngành văn hóa. - Luận án cung cấp một nghiên cứu trường hợp cho bức tranh nghiên cứu về văn hóa đảm bảo đời sống của người nông dân trong xã hội đương đại. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn Về ý nghĩa lý luận: Luận án góp thêm một nghiên cứu về văn hóa đảm bảo đời sống qua chiến lược sinh kế của người nông dân trong bối cảnh chuyển đổi, so sánh với các ý kiến đã được thảo luận trong các các công trình nghiên cứu đi trước ở Việt Nam và Đông Nam Á; cung cấp dữ liệu cụ thể ở cấp vi mô nhằm bổ sung vào những lý thuyết về sự thích nghi, sự chủ động về sinh kế của người nông dân ở vùng biên giới. Về ý nghĩa thực tiễn: Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ là nguồn tư liệu quan trọng, cơ sở thực tiễn để các nhà hoạch định chính sách tham khảo, vận dụng vào thiết kế, xây dựng các chương trình và chính sách phát triển sinh kế bền vững ở vùng các tộc người thiểu số Lạng Sơn nói riêng và ở miền núi Việt Nam nói chung. 7. Kết cấu luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, danh mục các công trình của tác giả, phụ lục, luận án bao gồm 04 chương: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và địa bàn nghiên cứu Chương 2: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo ở Nà Lầu trong xã hội cổ truyền Chương 3: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo ở Nà Lầu trong bối cảnh chuyển đổi hiện nay Chương 4: Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo ở Nà Lầu: Thay đổi và thích ứng 7
  13. Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 1.1.1. Khái quát những nghiên cứu về người Nùng a. Nguồn gốc, lịch sử Người Nùng là một trong số các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Những nghiên cứu về nguồn gốc lịch sử của người Nùng cùng với những đặc trưng văn hóa của họ đã được thể hiện trong nhiều công trình nghiên cứu khác nhau, trong đó có các công trình đi sâu nghiên cứu từng nhóm Nùng cụ thể. Về lịch sử của người Nùng các nhà nghiên cứu đề ra hai quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng người Nùng mới di cư sang Việt Nam được mấy trăm năm. Chẳng hạn, năm 2000, Nguyễn Chí Huyên và các cộng sự tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về nguồn gốc, lịch sử tộc người vùng biên giới phía Bắc Việt Nam đã đưa ra những căn cứ và lý giải về nguồn gốc của người Nùng một cách chi tiết và cụ thể. Các tác giả chỉ ra rằng: nguồn gốc xa xưa của tộc danh Nùng có thể bắt nguồn từ dòng họ Nùng- một trong bốn dòng họ đông người cư trú ở vùng Tả Hữu Giang, tức miền biên giới Cao Bằng (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc). Những nhóm Nùng hiện nay vẫn mang tộc danh Nùng mới chỉ di cư sang Việt Nam trong những thế kỷ gần đây từ 9 - 10 đời, tức khoảng 200 - 300 năm nay. Một trong những bằng chứng chứng tỏ người Nùng hiện thời cư trú trên lãnh thổ Việt Nam chưa lâu là những đặc điểm phân bố của họ. Họ ở trong các thung lũng nhỏ hẹp, không đủ điều kiện làm ruộng nước, thường phải khai thác một phần thành nương rẫy, còn gọi là thổ canh [38, tr.200]. Trong nghiên cứu trên, các tác giả còn nhấn mạnh: đại bộ phận người Nùng di cư sang phía Bắc Việt Nam là từ Quảng Tây (Trung Quốc). Họ đến đây theo từng nhóm và do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do bị áp bức, bóc lột, bị chèn ép, bị đàn áp và 8
  14. bị tàn sát sau các cuộc khởi nghĩa không thành công. Loạn lạc, cướp bóc cùng với việc thiếu ruộng đất cũng được cho là nguyên nhân khiến họ thực hiện những cuộc thiên di lớn sang Việt Nam để mong tìm được nơi sinh sống ổn định hơn. Quan điểm thứ 2 cho rằng: lịch sử của người Nùng gắn với nguồn gốc bản địa. Theo Hoàng Nam, tổ tiên của người Nùng chắc chắn đã tham gia vào việc thành lập nước Âu Lạc của Thục Phán An Dương Vương. Lịch sử còn ghi tên tuổi của Nùng Chí Cao đã một thời là thủ lĩnh của người Tày, Nùng ở vùng biên giới Việt - Trung [48, tr 8]. Cuốn Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc) của Viện Dân tộc học đã đưa ra nhận định: “Người Nùng cùng với các nhóm nói tiếng Tày - Thái nằm trong khối Bách Việt. Vào thế kỷ thứ III trước công nguyên, ở lưu vực sông Cầu và sông Hồng, nước Âu Lạc với vị thủ lĩnh Thục Phán đã ra đời mà người Nùng có thể là một thành phần của nó. Một số các nhà nghiên cứu khác cho rằng: người Tày và người Nùng là những cư dân có chung một nguồn gốc, cùng thuộc khối Bách Việt xưa kia” [99, tr.48]. Trong nghiên cứu về người Nùng Cháo ở Nà Lầu, NCS đồng ý với quan điểm nghiên cứu thứ nhất cho rằng: người Nùng hiện nay là được di cư từ Trung Quốc sang, với lịch sử định cư từ 200 đến 300 năm. Một vấn đề cũng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đó là tộc danh Nùng mà trong các công trình của họ đã nêu các tên gọi khác nhau như: Nùng Inh, Nùng Phàn Slình, Nùng Cháo, Nùng An, Nùng Dín, Nùng Lòi, Nùng Tùng Slìn, Nùng Quý Rỉn. Sự khác nhau này có liên quan tới các địa danh ở Trung Quốc trước khi họ di cư vào Việt Nam như: người Nùng Inh di cư từ Long Anh đến, Nùng Phàn Slình di cư từ Vạn Thành đến, Nùng Cháo di cư từ Long Châu, Nùng An đến từ An Kết, Nùng Quý Rỉn đi từ Quý Thuận, Nùng Lòi di cư từ Hạ Lôi, Nùng Tùng Slìn từ Tùng Thiện... Ngoài ra, tên gọi của các nhóm Nùng còn căn cứ trên đặc điểm về y phục và trang sức của phụ nữ như: phụ nữ Nùng Phàn Slình Hua Lài thường đội khăn chàm có những chấm 9
  15. trắng; phụ nữ Phàn Slình Cúm Cọt thì mặc áo ngắn ngang mông, đội khăn chàm có sọc trắng và quấn quanh đầu kiểu khăn xếp. Liên quan tới người Nùng còn có người Choang đang sinh sống tại Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) cũng tên gọi khá phức tạp, thể hiện những ý thức khác nhau trong việc xác định tộc danh. Theo các học giả Trung Quốc, họ được chia thành nhiều chi, hệ và có nhiều tên tự gọi cũng như tên gọi khác nhau như: Pu Nong (Bố Nồng), Pù Nong (Bộc Nồng), Pù Lung (Bộc Long), Long Rén (Long Nhân), Thu Rén (Thổ Nhân), Jin Dai Y (Cân Tải Y)... Pu hay Pù là hai cách ký tự của một từ gốc, có cách luyến láy khác nhau, có nghĩa chỉ người hay tộc. Rén là người trong tiếng Hán, còn Jin Dai Y là ý âm của chữ Cần Tày trong tiếng Tày - Thái [4, tr.104]. Sau năm 1949, tên gọi thống nhất được xác định ban đầu là Đồng tộc, đến năm 1965 đổi thành Tráng tộc (nghĩa là người mạnh khỏe). Ở Việt Nam, các nhà dân tộc học thường dịch theo âm Hán Việt là dân tộc Choang. Trên thực tế, thành phần cơ bản của dân tộc Choang ở Trung Quốc hiện nay gồm rất nhiều tộc người, trong đó có các nhóm Tày-Nùng. Người Nùng và người Tày hiện nay vẫn gọi nhau một cách thân mật là Cần Slửa Khao (người áo trắng- tức người Tày) và Cần Slửa Đăm (người áo đen - tức người Nùng) b. Sinh kế Các nhà nghiên cứu trong nước, khi nghiên cứu về người nông dân Việt Nam và nhất là cộng đồng người thiểu số sống ở miền núi phía Bắc, đều khẳng định kinh tế của họ dựa trên những cơ sở của nền kinh tế trọng tình. Nhận định này được thấy trong công trình của Hoàng Nam (1992), Bế Viết Đẳng và các cộng sự (1993), Khổng Diễn (1995), Vương Xuân Tình (1993, 2004, 2007), Nguyễn Chí Huyên và các cộng sự (2000), Trần Bình (2005), Chu Thái Sơn (2006), Ma Ngọc Dung (2007), Bùi Xuân Đính (2009, 2013), Hoàng Cầm (2014). Các nghiên cứu về dân tộc học, nhân học cũng chỉ ra rằng, suốt chiều dài lịch sử các tộc người thiểu số sinh sống ở miền núi phía Bắc Việt Nam cũng như nhiều dân tộc ở đồng bằng chủ yếu là canh tác lúa 10
  16. nước và làm nương rẫy. Trong đó, những nghiên cứu về dân tộc Nùng cho thấy, địa bàn cư trú trong tự nhiên là tiền đề quy định hoạt động sinh kế, và nơi sinh sống của họ là ở các vùng thung lũng. Trong điều kiện như vậy, họ phải vừa thích nghi với việc khai phá đất bằng để làm ruộng nước (Nà) - tạo nên văn minh lúa nước, đồng thời vừa phải biết khai thác đất dốc, đất núi để làm nương (Lầy) và trồng cây khô cạn. Ngoài ra, họ còn có các hoạt động kinh tế mang tính chất phụ trợ khác như: làm vườn, trồng cây đặc sản, tiểu thủ công nghiệp, săn bắt, đánh cá. Đặc điểm của canh tác lúa nước ở vùng các dân tộc miền núi là thửa ruộng nhỏ, thường cách bản làng không xa và nằm ở ven đồi núi, rìa thung lũng hay ngay trong lòng thung lũng. Họ có kỹ thuật làm đất khá phát triển cũng như việc dùng phân bón khá thành thạo, có nhiều giống lúa cổ truyền đều cho ra gạo rất ngon, thơm. Phân công lao động chủ yếu theo giới tính: nam cày bừa, nữ gieo cấy. Trong canh tác nông nghiệp - ngành kinh tế chủ đạo, cộng đồng nông dân thường có tập quán tương trợ và giúp đỡ nhau với các hình thức như vần công - đổi công. Họ thường lập ra các nhóm tương hỗ mà thành viên không chỉ có quan hệ huyết thống mà còn có quan hệ láng giềng, sự tham gia của mọi người vào các nhóm đều được thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Nền kinh tế nông nghiệp với các thực hành văn hóa, xã hội và kỹ thuật trong các mối quan hệ mang tính trọng tình đã giúp cho cư dân miền núi thích ứng với môi trường có độ dốc cao, đem lại hiệu quả kinh tế, giúp duy trì, bảo vệ khá tốt đa dạng sinh học và môi trường sinh thái. Cũng trong công trình nghiên cứu về các dân dân tộc ít người ở Việt Nam năm 1978, khi giới thiệu thông tin khái quát về văn hóa vật chất của người Nùng, các nhà dân tộc học mô tả các hoạt động sinh kế của họ một cách đơn thuần. Ví dụ: “Người Nùng là cư dân nông nghiệp, họ canh tác ruộng nước một cách thành thạo, tương tự như người Kinh, người Tày. Thế nhưng, hoàn cảnh cư trú khiến cho người Nùng không thể chỉ sinh sống bằng nông nghiệp ruộng nước. Nương và rẫy đối với họ có một vai trò quan trọng” [99, tr.201]. Các nhà nghiên cứu còn cho rằng, kỹ thuật làm rẫy của họ lạc 11
  17. hậu, thô sơ, hoạt động săn bắt, hái lượm tuy giữ một vai trò quan trọng trong đời sống nhưng chỉ là để bảo vệ mùa màng và cải thiện bữa ăn. Nghiên cứu của Hoàng Nam (1992) là một trong những tài liệu nghiên cứu chi tiết đầu tiên về người Nùng. Tác giả đã khái quát toàn bộ những đặc điểm cơ bản đời sống vật chất, sinh hoạt tinh thần, các phong tục tập quán. Về đặc điểm kinh tế, tác giả viết: người Nùng “là cư dân sống ở miền núi, có rừng, có sông, có thung lũng lòng chảo... nguồn sống kinh tế chủ yếu là trồng trọt các loại cây nhiệt đới; ngoài ra đồng bào còn chăn nuôi gia súc, gia cầm và phát triển một số ngành nghề thủ công” [48, tr.58]. Tuy nhiên, tác giả cũng mô tả khá chi tiết các hoạt động canh tác nông nghiệp của người Nùng với trồng trọt trên ruộng nước và ruộng cạn, các kỹ thuật canh tác, chế tác công cụ sản xuất, sử dụng đa dạng các giống lúa, các loại hoa màu: đậu xanh, đậu tương, đậu đũa, lạc, vừng, khoai lang, sắn... các loại cây ăn quả: quýt, hồng, đào... cây công nghiệp: hồi, trẩu, sở, thuốc lá. Và với người Nùng, trồng trọt đi cùng chăn nuôi có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống kinh tế của họ cũng như họ có thêm kinh tế hái lượm, sắn bắt. Ngoài ra, họ còn có đa dạng các nghề thủ công như: dệt, mộc, đan lát, gốm sứ. Nghiên cứu về người Nùng của Chu Thái Sơn và Hoàng Hoa Toàn (2006) đã nêu khái quát toàn bộ các vấn đề liên quan đến người Nùng như lịch sử tộc người, hoạt động kinh tế, văn hóa vật chất, các ứng xử cộng đồng trong làng bản, dòng họ, gia đình, hôn nhân, các tập tục trong cưới xin, sinh và nuôi dạy con, lễ mừng sinh nhật, tập tục ma chay; các hoạt động trong đời sống tinh thần: tín ngưỡng - tôn giáo, văn học nghệ thuật dân gian, các lễ hội truyền thống. Về sinh kế của người Nùng, các tác giả cũng chứng minh rằng: “Dân tộc Nùng là cư dân trồng trọt, cây lương thực chính là cây lúa, sau đến ngô. Làm ruộng là loại hình kinh tế chủ yếu (nương thổ canh và du canh) ở nhiều vùng vẫn giữ vị trí đáng kể. Ngoài ra, các hoạt động kinh tế khác như: làm vườn, trồng cây đặc sản, tiểu thủ công nghiệp, hái lượm, săn bắt, đánh cá... là những nghề mang tính chất phụ trợ” [64, tr.24]. Các kỹ thuật canh tác 12
  18. của người Nùng: cày, bừa tương tự như người Tày. Trong quá trình canh tác họ là những cư dân nắm vững và sử dụng thành thạo các bản tính nông lịch, biết dựa vào sự thay đổi thời tiết thông qua những biến đổi tự nhiên để điều chỉnh hoạt động gieo, cấy cho phù hợp. Các tác giả còn có các mô tả về hoạt động chăn nuôi, giới thiệu các nghề thủ công gia đình như mây tre đan, dệt vải, rèn, làm ngói. Giống với nghiên cứu của Hoàng Nam (1992), trong nghiên cứu này, các tác giả cho rằng việc khai thác các sản phẩm có sẵn trong tự nhiên và hoạt động trao đổi mua bán mang ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của người Nùng. Trong một nghiên cứu về tập quán mưu sinh của các dân tộc thiểu số ở vùng Đông Bắc Việt Nam, Trần Bình (2014) cũng đã chỉ ra những đặc điểm chung của các dân tộc thiểu số với các mô tả dân tộc học theo các hệ ngôn ngữ. Sinh kế của người Nùng thuộc nhóm Tày - Thái đều lấy trồng trọt cây lương thực (trong đó cơ bản là lúa) làm nguồn sống chính. Tác giả khẳng định: “Với cơ chế vận hành của một nền kinh tế tự cấp, tự túc, được tổ chức theo quy mô gia đình, cơ cấu các hoạt động mưu sinh của các tộc người nhóm ngôn ngữ Tày - Thái gồm: trồng trọt cây lương thực, chăn thả gia súc, gia cầm; thủ công gia đình; khai thác chiếm đoạt tự nhiên” [5,tr.115]. Tác giả cũng nêu lên việc trao đổi buôn bán được diễn ra trong cộng đồng làng bản và địa phương, giữa các tộc người với nhau, sản phẩm mang ra trao đổi thường là các sản phẩm dư thừa. Tương tự như các nghiên cứu trên khi bàn về sinh kế của người Nùng, Vương Xuân Tình (2014) nghiên cứu về văn hóa với phát triển vùng biên giới ở Việt Nam, trong đó tập trung vào nhóm người Nùng ở huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) đã chỉ ra: sinh kế của người Nùng chủ yếu là canh tác ruộng nước, nương rẫy, làm vườn và trồng rừng. Chăn nuôi chủ yếu là lợn, gà, vịt với nguồn thức ăn được cung cấp từ sản phẩm trồng trọt (ngô, khoai, sắn). Trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, với các loại như thông, bạch 13
  19. đàn, sa mộc, chám... Ngoài ra, vào những lúc nông nhàn người dân còn đi làm thuê: chặt mía, phát bạch đàn, phát rừng bên Trung Quốc [79]. Tóm lại, trong những công trình nghiên cứu về sinh kế của người Nùng trước đây đều đưa ra những nhận định chung: sản xuất nông nghiệp với trồng lúa nước, nương rẫy là chính, còn chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp và trồng rừng là phụ. Sinh kế mang tính chất tự cấp tự túc. Bên cạnh những mô tả về các dạng thức canh tác, việc sử dụng các loại cây, giống,... cũng như chỉ ra tính chất trọng tình của nền kinh tế tự cấp tự túc với các quan hệ tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất nhưng chưa quan tâm đến những động thái trong phương thức mưu sinh khi điều kiện sống thay đổi. Bên cạnh các công trình nghiên cứu về nguồn gốc, lịch sử, sinh kế, những nghiên cứu khác về người Nùng cũng được đề cập đến dưới các khía cạnh khác nhau: hôn nhân, gia đình, dòng họ, xã hội, phong tục tập quán, nghệ thuật... của các tác giả như Lã Văn Lô-Đặng Nghiêm Vạn (1968), Hoàng Quyết (1972), Lê Văn Bé (2001), Hoàng Thị Quỳnh Nha (2003), Nông Thị Nhình (2004), Hoàng Thị Nhuận, Nguyễn Thị Yên (2005), Đàm Thị Uyên (2011), Triệu Thị Mai (2007, 2011), Nguyễn Thị Thúy (2012), Hà Đình Thành (2010), Lê Minh Anh (2014), Nguyễn Thu Minh (2014).... Những nghiên cứu này góp phần cung cấp thêm thông tin hữu ích về những vẫn đề liên quan đến đề tài trong quá trình nghiên cứu và viết luận án. 1.1.2. Nghiên cứu về sinh kế của người nông dân trong các bối cảnh chuyển đổi Văn hoá đảm bảo đời sống, đặc biệt là hoạt động sinh kế cổ truyền của người nông dân, nông thôn châu Á là chủ đề nghiên cứu được quan tâm nhiều trong ngành nhân học, dân tộc học và nghiên cứu văn hoá. McElwee (2007) trong công trình nghiên cứu về sinh kế của người nông dân ở vùng Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, Việt Nam- “From the Moral Economy to the World Economy: Revisiting Vietnamese Peasants in the Globalizing Era”(Từ nền kinh tế đạo đức đến nền kinh tế thế giới: Xem xét lại người nông 14
  20. dân trong bối cảnh toàn cầu hóa) phát hiện ra rằng: mặc dù có những thay đổi xuyên suốt thế kỷ XX trong cơ cấu lao động làng xã, trong tự nhiên, sở hữu đất đai, tổ chức kinh tế - chính trị, người nông dân Nghệ Tĩnh vẫn tiếp tục duy trì nhiều khía cạnh của một nền kinh tế trọng tình. Tác giả chỉ ra, sau những tàn phá kinh tế trong chiến tranh từ những năm 1950-1970, những người nông dân ở Nghệ Tĩnh chỉ thực hành một nền kinh tế khép kín, các quan hệ có đi có lại (vần công, đổi công) vẫn đặc biệt quan trọng đối với những nông dân sở hữu ít đất đai, duy trì cuộc sống với mô hình gia đình nhỏ. Việc mở cửa chuyển dịch nền kinh tế thị trường theo xu thế toàn cầu hóa dẫn đến việc mọi hàng hóa nông nghiệp đều có thể sản xuất và đáp ứng các nhu cầu của toàn cầu. Song, người dân ở đây không thay đổi hoàn toàn hoạt động sinh kế và triết lý mưu sinh theo định hướng từ các chính sách chuyển dịch kinh tế được đưa vào từ bên ngoài. Họ không dựa trên giá trị lợi nhuận của các loại cây mà chỉ trồng những gì họ thích ăn và dựa vào tập quán trồng cây đã tồn tại lâu dài trong lịch sử canh tác của họ [113, tr.58]. Đa số nông dân quyết định không chuyển từ trồng lúa có năng suất thấp sang trồng ngô lai vốn hứa hẹn một thu nhập cao hơn. Theo tính toán của nông dân ở Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), “lúa là loại cây họ biết rõ nhất phải canh tác ra sao, luôn có thị trường do nhà nước đảm bảo, và là thứ mọi người thích ăn nhất” [113, tr.78], điều này thể hiện việc họ muốn giữ nguyên những cơ sở đạo lý của nền kinh tế trọng tình. McElwee chứng minh: “tương hỗ là hành động xã hội”, “tái phân phối thu nhập là nghĩa vụ xã hội”, “tránh rủi ro là chiến lược xã hội”, “phụ thuộc vào đất công là quyền xã hội” là những đặc trưng của cộng đồng nông dân Hà Tĩnh trong truyền thống và trong bối cảnh chuyển đổi hiện nay. Tác giả kết luận, mặc dù sinh kế của người dân thay đổi, nhất là người nông dân hiện đại và nền kinh tế trọng tình, song các quan hệ được duy trì để đảm bảo đời sống khi sản xuất nông nghiệp truyền thống theo triết lý “an toàn là trên hết” vẫn còn được thực hành một cách phổ biến, đặc biệt là các dàn xếp kỹ thuật và xã hội để tương trợ nhau giữa các nhóm xã hội theo hướng “có đi có lại”. Nó 15
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2