intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận án Tiến sĩ Văn học: Thể loại truyện trinh thám trong văn học Việt Nam hiện đại

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:184

68
lượt xem
27
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận án Tiến sĩ Văn học "Thể loại truyện trinh thám trong văn học Việt Nam hiện đại" trình bày các nội dung chính sau: Sự ra đời và các giai đoạn phát triển thể loại truyện trinh thám Việt Nam; Đặc điểm truyện trinh thám Việt Nam; Xu hướng vận động và phát triển của thể loại truyện trinh thám Việt Nam hiện nay.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Văn học: Thể loại truyện trinh thám trong văn học Việt Nam hiện đại

  1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI Nguyễn Thế Bắc THỂ LOẠI TRUYỆN TRINH THÁM TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM HIỆN ĐẠI LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC Hà Nội, năm 2023
  2. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI Nguyễn Thế Bắc THỂ LOẠI TRUYỆN TRINH THÁM TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM HIỆN ĐẠI Ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 9.22.01.21 Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS. TS. PHAN TRỌNG THƯỞNG 2. PGS. TS. CAO KIM LAN Hà Nội, năm 2023
  3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, các số liệu và kết quả nghiên cứu trong luận án này là trung thực và không trùng lặp với công trình nào của người khác, các thông tin trích dẫn trong luận án đều có xuất xứ rõ ràng và được chỉ rõ nguồn trích dẫn. Hà Nội, tháng 10 năm 2023 Tác giả luận án Nguyễn Thế Bắc
  4. LỜI CẢM ƠN Để hoàn thành luận án này, tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều của các tập thể và cá nhân. Tôi xin cảm ơn lãnh đạo, giảng viên, cán bộ, nhân viên các cơ quan: Học viện Khoa học xã hội; Viện Văn học; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tận tình giảng dạy, tạo mọi điều kiện giúp đỡ tôi học tập, nghiên cứu và thực hiện luận án. Tôi xin chân thành cảm ơn lãnh đạo các cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương; Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; các đồng nghiệp, bằng hữu đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, động viên, khích lệ tôi học tập, nghiên cứu và thực hiện luận án. Đặc biệt, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành sâu sắc đối với PGS. TS. Phan Trọng Thưởng và PGS. TS. Cao Kim Lan đã quan tâm, tận tình hướng dẫn tôi thực hiện nghiên cứu đề tài luận án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tôi hoàn thành luận án này. Xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối gia đình đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, là nguồn động viên và là chỗ dựa tinh thần vững chắc để tôi yên tâm học tập, nghiên cứu, hoàn thành luận án. Xin trân trọng cảm ơn! Hà Nội, tháng 10 năm 2023 Tác giả luận án Nguyễn Thế Bắc
  5. MỤC LỤC MỞ ĐẦU ...........................................................................................................1 1. Lí do chọn đề tài...........................................................................................1 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu .............................................................3 2.1. Mục đích nghiên cứu .............................................................................. 3 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu.............................................................................. 4 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ..............................................................4 3.1. Đối tượng nghiên cứu ............................................................................. 4 3.2. Phạm vi nghiên cứu ................................................................................ 5 4. Phương pháp nghiên cứu ............................................................................5 5. Đóng góp mới về khoa học ..........................................................................6 6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn .........................................................................6 7. Cấu trúc của luận án ...................................................................................7 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU .............................8 1.1. Tình hình nghiên cứu truyện trinh thám ở nước ngoài ........................8 1.2. Tình hình nghiên cứu truyện trinh thám ở trong nước ......................21 1.2.1. Giai đoạn trước 1945 ......................................................................... 21 1.2.2. Giai đoạn từ 1945 đến 1975 ................................................................ 23 1.2.3. Giai đoạn từ 1975 đến nay................................................................... 25 Tiểu kết chương 1 ..........................................................................................41 Chương 2: SỰ RA ĐỜI VÀ CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA THỂ LOẠI TRUYỆN TRINH THÁM VIỆT NAM...................................43 2.1. Nguồn gốc và những yếu tố ảnh hưởng đến sự ra đời thể loại truyện trinh thám Việt Nam .........................................................................44 2.1.1. Bối cảnh lịch sử-xã hội, văn hóa, văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX 44 2.1.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự ra đời thể loại truyện trinh thám
  6. Việt Nam ...................................................................................................... 50 2.1.2.1. Nhu cầu tinh thần của xã hội và công chúng đương thời ..........50 2.1.2.2. Ảnh hưởng của văn hóa-văn học phương Tây ...........................52 2.1.2.3. Ảnh hưởng của văn hóa-văn học phương Đông.........................54 2.1.2.4. Ảnh hưởng của văn hóa-văn học truyền thống Việt Nam ..........56 2.1.2.5. Ảnh hưởng của xuất bản, báo chí ...............................................58 2.2. Các giai đoạn phát triển thể loại truyện trinh thám Việt Nam ..........59 2.2.1. Giai đoạn hình thành và phát triển thể loại từ đầu thế kỉ XX đến 1945 ............................................................................................................. 59 2.2.2. Giai đoạn biến đổi mô hình thể loại từ 1945 đến 1986 ..................... 65 2.2.3. Giai đoạn đổi mới, cách tân thể loại từ 1986 đến nay ....................... 67 Tiểu kết chương 2 ..........................................................................................69 Chương 3: ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN TRINH THÁM VIỆT NAM ..............71 3.1. Sự hỗn dung, giao thoa thể loại .............................................................71 3.1.1. Yếu tố truyền kì trong truyện trinh thám Việt Nam .......................... 71 3.1.2. Yếu tố kinh dị, đường rừng trong truyện trinh thám Việt Nam ........ 74 3.1.3. Yếu tố kiếm hiệp trong truyện trinh thám Việt Nam ........................ 77 3.2. Đặc điểm một số thủ pháp nghệ thuật ..................................................79 3.2.1. Về đề tài ............................................................................................. 79 3.2.2. Về cốt truyện...................................................................................... 84 3.2.3. Về nhân vật ........................................................................................ 92 3.2.4. Về không gian, thời gian nghệ thuật................................................ 100 3.3. Vấn đề hiệu ứng thẩm mĩ-nghệ thuật .................................................105 Tiểu kết chương 3 ........................................................................................112 Chương 4: XU HƯỚNG VẬN ĐỘNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA THỂ LOẠI TRUYỆN TRINH THÁM VIỆT NAM HIỆN NAY .....................114 4.1. Những yếu tố chi phối sự vận động và phát triển thể loại ................114
  7. 4.1.1. Quan niệm mới về chức năng giải trí của văn học và nhu cầu của công chúng hiện nay .................................................................................. 114 4.1.2. Sự đa dạng, phong phú của chất liệu đời sống ................................ 119 4.1.3. Đội ngũ tác giả có đam mê, khát vọng ............................................ 121 4.1.4. Sự phát triển của báo chí, kênh phát hành và một số loại hình nghệ thuật gần gũi với truyện trinh thám .................................................. 127 4.1.5. Sự giao lưu, hội nhập quốc tế .......................................................... 132 4.2. Xu hướng vận động, phát triển của thể loại.......................................135 4.2.1. Xu hướng truyện trinh thám kinh dị ................................................ 135 4.2.2. Xu hướng truyện trinh thám lịch sử ................................................ 138 4.2.3. Xu hướng truyện trinh thám hình sự ............................................... 141 Tiểu kết chương 4 .........................................................................................147 KẾT LUẬN ...................................................................................................148 DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ ...............151 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ...................................................152 PHỤ LỤC......................................................................................................172
  8. MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Truyện trinh thám hiện đại là thể loại văn học được hình thành ở phương Tây từ giữa thế kỉ XIX với sự đặt nền móng của nhà văn Mĩ Egar Poe bằng truyện trinh thám Vụ giết người ở phố Morgue ra đời năm 1841 và nhanh chóng trở thành một thể loại phát triển mạnh ở nhiều nước như Mĩ, Anh, Pháp, v.v… Tuy nhiên, cả một thời gian dài, thể loại này chỉ được xem là văn học giải trí, văn học hạng hai, là cận văn học và ít nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu. Mãi về sau, từ thập kỉ 70 của thế kỉ XX, khi mà tiểu thuyết trinh thám phát triển ở đỉnh cao và nhu cầu đọc truyện trinh thám trở thành một hiện tượng xã hội quan trọng, đặc biệt là sự ảnh hưởng của thể loại này đối với văn chương tiểu thuyết, các nhà nghiên cứu phương Tây mới đặt vấn đề nghiên cứu truyện trinh thám một cách nghiêm túc. Ở Việt Nam, cuộc xâm chiếm và khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã khiến lịch sử, xã hội, văn hóa Việt Nam có sự chuyển biến sâu sắc. Trên lĩnh vực văn hóa, sự gặp gỡ văn hóa Đông-Tây đã khiến văn hóa Việt Nam dần thoát khỏi cái bóng văn hóa Trung Hoa để bắt đầu mở rộng tiếp xúc với văn hóa phương Tây, chủ yếu là văn hóa Pháp, từ đầu thế kỉ XX. Sự giao thoa, gặp gỡ Đông-Tây khiến nền văn học Việt Nam có sự vận động và phát triển theo hướng hiện đại hoá, dẫn đến sự xuất hiện nhiều thể loại mới, trong đó có thể loại truyện trinh thám. Từ khi ra đời ở thời điểm đầu thế kỉ XX, truyện trinh thám Việt Nam cũng đã nhanh chóng ghi dấu ấn của mình trong nền văn học dân tộc. Đây là thể loại văn học mới ở Việt Nam, song đã có quá trình phát triển, có thành tựu, có đội ngũ tác giả, hệ thống tác phẩm và được ghi nhận, đánh giá trong tiến trình phát triển của lịch sử văn học Việt Nam. 1
  9. Trong lịch sử nghiên cứu văn học nước ta, truyện trinh thám cũng là thể loại văn học từng được giới nghiên cứu quan tâm bàn đến nhưng mới chỉ là bước đầu, còn tản mạn, thiếu tập trung, chưa có tính hệ thống, được thể hiện qua một vài hội thảo quy mô nhỏ, một số bài viết được in trên báo, tạp chí, những lời tựa ở những cuốn sách, một vài luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ hoặc được đề cập đến trong một số công trình liên quan. Mặc dù đã có sự quan tâm bàn đến thể loại này ở nước ta như một sự nỗ lực của giới nghiên cứu, lí luận, phê bình nhằm đưa đến một cái nhìn khách quan, công bằng hơn về vai trò, vị trí của thể loại truyện trinh thám trong văn học Việt Nam nhưng hiện nay vẫn còn khá nhiều vấn đề đặt ra đối với thể loại truyện trinh thám Việt Nam như: vấn đề nguồn gốc, quá trình ảnh hưởng, đặc trưng thể loại, thi pháp thể loại, bản chất thẩm mĩ của thể loại, thành tựu của thể loại, v.v… Về mặt lịch sử, thông qua việc tiếp thu thể loại truyện trinh thám phương Tây kết hợp với truyện vụ án phương Đông và các thể loại của văn học truyền thống như truyện truyền kì, truyện kiếm hiệp, truyện kinh dị, v.v… truyện trinh thám Việt Nam ra đời, đem đến cho người đọc món ăn tinh thần hấp dẫn. Ra đời, phát triển và có những dấu ấn nhất định ở nửa đầu thế kỉ XX, truyện trinh thám Việt Nam nửa sau thế kỉ XX bị lắng xuống do các tác động của lịch sử-xã hội và văn học. Tuy nhiên, ngày nay, truyện trinh thám Việt Nam đang có dấu hiệu phát triển trở lại thành một hiện tượng văn học với đội ngũ tác giả trẻ tài năng và nhiều khát vọng. Cùng với đó, một thế hệ công chúng mới đang hình thành và có nhu cầu mới về văn học khiến thể loại truyện trinh thám trở thành nhu cầu khách quan của văn học. Đặc biệt, từ 1986 trở lại đây, do ảnh hưởng của nền kinh tế mở cửa và giao lưu văn hóa quốc tế, ở nước ta, nhu cầu đọc truyện trinh thám cũng nhiều hơn. Không chỉ đọc truyện trinh thám nước ngoài được dịch, độc giả nước ta còn có nhu cầu 2
  10. đọc truyện trinh thám Việt Nam. Vì thế mà những tác phẩm truyện trinh thám Việt Nam tiếp tục ra đời, không những đóng góp vào quá trình hiện đại hóa, tạo nên sự phát triển đa dạng cho nền văn học nước nhà mà còn đóng góp lớn vào đời sống giải trí và công cuộc bảo vệ an ninh tổ quốc, giữ gìn trật tự xã hội. Hiện nay, tuy không nhiều tác giả, tác phẩm truyện trinh thám nhưng những tác phẩm trinh thám ra đời đều đặn những năm gần đây đã cho thấy dấu hiệu trở lại của thể loại này, đồng thời cũng cho thấy sức sống tiềm tàng của truyện trinh thám trong dòng chảy chung của văn học dân tộc. Dưới ánh sáng của các thành tựu nghiên văn học và các thông tin cập nhật về văn học, nhất là văn học thế giới, truyện trinh thám đang có nhu cầu được nghiên cứu lí giải một cách hệ thống, đầy đủ hơn. Với những lí do trên, đề tài nghiên cứu Thể loại truyện trinh thám trong văn học Việt Nam hiện đại mà chúng tôi lựa chọn làm đề tài nghiên cứu thực hiện luận án vừa có tính lịch sử, tính khoa học, vừa có tính thời sự cấp thiết không chỉ đối với giới nghiên cứu mà còn đối với giới sáng tác, tiếp nhận và thưởng thức văn học. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Luận án nghiên cứu thể loại truyện trinh thám Việt Nam từ hướng tiếp cận lịch sử văn học nhằm dựng nên diện mạo của một thể loại văn học có nguồn gốc phương Tây nhưng đã xuất hiện, hình thành và phát triển, có thành tựu nhất định trong bối cảnh đặc thù của Việt Nam. Luận án cũng nhằm đánh giá và dự báo về khả năng phát triển và xu hướng vận động của thể loại truyện trinh thám trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện nay và tương lai, đóng góp thêm cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu sự vận động của văn học Việt Nam nói chung trong quá trình đổi mới, giao lưu hội nhập với văn học thế giới. 3
  11. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Từ mục đích nghiên cứu, luận án xác định những nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản là triển khai hệ thống luận điểm, luận cứ để đưa ra được những kết luận khoa học, cụ thể: - Tìm hiểu, phân tích cơ sở lí luận và thực tiễn để lí giải sự ra đời và quá trình vận động, phát triển của thể loại truyện trinh thám trong nền văn học Việt Nam. - Chỉ ra những quan niệm, đặc trưng thể loại truyện trinh thám nói chung và truyện trinh thám Việt Nam nói riêng. - Đưa ra những nhận định, đánh giá khách quan, khoa học về vị trí, vai trò của thể loại này đối với nền văn học Việt Nam hiện đại. - Hệ thống hoá những đặc điểm tiêu biểu của thể loại truyện trinh thám Việt Nam. - Trên cơ sở thực tiễn đời sống văn học và các nhân tố ảnh hưởng, đánh giá xu hướng vận động, nhận định và dự báo về tương lai phát triển của thể loại truyện trinh thám Việt Nam. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Để có thể nhận diện được tiến trình phát triển của thể loại truyện trinh thám Việt Nam, đối tượng khảo sát và nghiên cứu của luận án bao gồm toàn bộ các tác phẩm văn học trinh thám trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, từ khi bắt đầu hình thành thể loại văn học này ở Việt Nam vào đầu thế kỉ XX cho đến nay. Song song với việc khảo sát tác phẩm, luận án cũng tiến hành xem xét đội ngũ tác giả như một trong những nhân tố quan trọng nhằm chỉ ra sự hình thành và vận động của thể loại truyện trinh thám Việt Nam từ điểm nhìn lịch sử văn học. 4
  12. Luận án cũng nghiên cứu những nhân tố tác động đến thể loại truyện trinh thám Việt Nam như: lịch sử-xã hội, văn hoá, văn học, công chúng-bạn đọc văn học, v.v… 3.2. Phạm vi nghiên cứu Với mục tiêu nghiên cứu một cách hệ thống tình hình nghiên cứu, quá trình hình thành, vận động và phát triển, đặc điểm và xu hướng vận động của thể loại truyện trinh thám Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến nay, luận án phải tiếp cận với một khối lượng tác phẩm trinh thám khá lớn. Tuy nhiên, trong khuôn khổ cho phép, trên cái nền chung đó, đối với từng nội dung cụ thể, chúng tôi sẽ tập trung khảo sát, nghiên cứu sâu những tác giả, tác phẩm truyện trinh thám tiêu biểu trong mỗi giai đoạn phát triển của thể loại này từ khi chúng ra đời đến nay. Luận án chỉ nghiên cứu, khảo sát những tác giả, tác phẩm truyện trinh thám của Việt Nam và ở Việt Nam. Những truyện trinh thám dịch và những truyện trinh thám tiếng Việt Nam được phát hành ở nước ngoài chỉ để tham khảo. 4. Phương pháp nghiên cứu Thực hiện luận án này, chúng tôi sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu cơ bản sau đây: - Phương pháp văn hoá-lịch sử: để nghiên cứu yếu tố văn hoá-lịch sử tác động đến sự hình thành và vận động của thể loại truyện trinh thám Việt Nam trong các giai đoạn phát triển. - Phương pháp loại hình: để nghiên cứu, lí giải, phân tích những đặc trưng thể loại và đặc điểm truyện trinh thám Việt Nam. - Phương pháp so sánh: để thấy sự tương đồng và dị biệt giữa truyện trinh thám Việt Nam với truyện trinh thám thế giới. 5
  13. - Phương pháp xã hội học: để nghiên cứu tác động xã hội từ công chúng và người đọc đối với thể loại truyện trinh thám Việt Nam. - Phương pháp liên ngành: để có hệ tham chiếu, tham khảo đầy đủ, rộng rãi với các lĩnh vực, loại hình khác như điện ảnh, sân khấu, v.v... Ngoài ra, chúng tôi sử dụng các thao tác như: khảo sát, thống kê, phân tích, so sánh, tổng hợp, v.v… để hỗ trợ các phương pháp nêu trên trong quá trình nghiên cứu đề tài luận án. 5. Đóng góp mới về khoa học Kế thừa những nghiên cứu đi trước, dựa trên cơ sở lí thuyết loại hình và lịch sử-văn hóa, từ kết quả nghiên cứu lịch sử và thi pháp thể loại, luận án là công trình nghiên cứu một cách hệ thống về thể loại truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn lịch sử văn học. Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần làm rõ quy luật hình thành, vận động, các giai đoạn phát triển, những thành tựu cơ bản, xu hướng vận động của thể loại truyện trinh thám Việt Nam trong các giai đoạn; đánh giá và dự báo xu hướng vận động của thể loại truyện trinh thám Việt Nam hiện nay và tương lai. Luận án góp phần làm sáng rõ, khẳng định đặc trưng chung thể loại truyện trinh thám và đặc điểm truyện trinh thám Việt Nam; đánh giá khách quan những đóng góp, vị trí, vai trò của thể loại truyện trinh thám đối với sự vận động, đa dạng hóa, hiện đại hóa văn học Việt Nam. 6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn Không chỉ góp phần làm sáng tỏ hơn những đóng góp của thể loại truyện trinh thám đối với quá trình phát triển của nền văn học Việt Nam hiện đại, luận án còn là sự đóng góp quan trọng đối với việc khẳng định đặc trưng thể loại truyện trinh thám và đặc điểm thể loại truyện trinh thám Việt Nam. 6
  14. Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần nhận diện rõ sự hình thành, quy luật vận động, những thành tựu cũng như đặc điểm, xu hướng vận động của thể loại truyện trinh thám trong văn học Việt Nam hiện đại. Với những phân tích, đánh giá một cách cụ thể và toàn diện về thể loại truyện trinh thám trong văn học Việt Nam hiện đại, luận án có thể trở thành nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho giới nghiên cứu, giảng dạy và học tập cũng như giới sáng tác và công chúng thưởng thức văn học Việt Nam. 7. Cấu trúc của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, phần Nội dung của luận án được cấu trúc thành 4 chương: - Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu. - Chương 2: Sự ra đời và các giai đoạn phát triển thể loại truyện trinh thám Việt Nam. - Chương 3: Đặc điểm truyện trinh thám Việt Nam. - Chương 4: Xu hướng vận động và phát triển của thể loại truyện trinh thám Việt Nam hiện nay. 7
  15. Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 1.1. Tình hình nghiên cứu truyện trinh thám ở nước ngoài Nguồn gốc thực sự của truyện trinh thám hiện đại ẩn chứa trong báo chí phổ biến vào đầu thế kỉ XIX ở phương Tây, nơi các vụ án, quá trình điều tra trở thành nguồn cứ liệu hấp dẫn cho loại hình kể chuyện này phát triển mạnh mẽ. Nhà văn Mĩ Edgar Allan Poe được coi là cha đẻ thể loại trinh thám đã quan niệm truyện trinh thám là “một thể loại văn học duy lí, một trò chơi trí tuệ” [183]. Trong sáng tác của ông, mỗi cốt truyện đều bắt đầu bằng một vụ án đặt ra những “thách thức” khiến người thám tử phải vận dụng đầu óc xét đoán và phương pháp suy luận khoa học để tìm ra thủ phạm, làm sáng tỏ bí mật. Ở Vụ án đường Morgue và Lá thư bị mất, tác giả Edgar Poe đã miêu tả một cách tỉ mỉ quá trình điều tra của thám tử bằng “một sự nhận dạng trí tuệ trong cách suy luận của chúng ta với cách suy luận của đối phương chúng ta” [183, tr.454] để tìm ra thủ phạm vụ giết người và vụ mất cắp lá thư. Quá trình ấy như một “trò chơi trí tuệ” mà người chiến thắng là người biết “bước vào đầu óc địch thủ, đồng nhất với hắn và thường chỉ bằng nháy mắt là anh ta phát hiện ra cách độc nhất, một cách mà đôi khi đơn giản đến vô lí, là thu hút địch thủ vào một tính toán sai lầm” [183, tr.637]. Nhân vật thám tử Charles Dupin trong truyện của Edgar Poe được xây dựng trở thành một mẫu hình thám tử chuyên nghiệp đầu tiên trong văn học. Trong Edgar Poe và truyện ngắn, nhà văn kiệt xuất của văn chương Mĩ - Latinh thế kỉ XX Jorge Luis Borges đã từng đánh giá giá trị của truyện trinh thám và chỉ ra bản chất, đặc trưng của thể loại này: “Văn học của chúng ta đang hướng về sự hỗn loạn, v.v… Trong thời kì hỗn loạn ấy, có một thứ vẫn giữ, giữ một cách khiêm tốn, những giá trị truyền thống: đó là truyện trinh 8
  16. thám […] ta không thể hình dung một truyện trinh thám không có phần mở đầu và cởi nút” [19, tr.707], tức là ông đã khẳng định vai trò của hành trình điều tra vụ án trong truyện trinh thám. Khi phân tích truyện trinh thám của Edgar Poe, tác giả Jorge Luis Borges đã nhận xét: truyện trinh thám “là một thể loại văn học lí trí, một thể loại kì ảo, v.v… nhưng đó là thể loại kì ảo có nguồn gốc từ trí tuệ chứ không phải chỉ bằng tưởng tượng. Truyện trinh thám có nguồn gốc từ cả hai thứ đó, dĩ nhiên, nhưng trước hết phải bằng trí tuệ” [19, tr.699]. Ông cũng khẳng định sự thành danh của Edgar Poe ở thể loại này đến mức đánh giá Edgar Poe là người không chỉ sáng tạo ra truyện trinh thám mà qua truyện trinh thám của mình, Edgar Poe sáng tạo ra một lớp công chúng riêng, đồng thời đó cũng là độc giả của truyện trinh thám nói chung: Ngày nay có một loại độc giả đặc biệt, những độc giả của truyện trinh thám. Những độc giả này – mà người ta gặp ở mọi nước trên thế giới, với số lượng hàng triệu – chính là những độc giả của Edgar Poe […] độc giả truyện trinh thám là một độc giả hoàn toàn không mê tín và vừa đọc vừa nghi ngờ, một nỗi nghi ngờ đặc biệt […]. Truyện trinh thám đã tạo nên một loại độc giả đặc biệt. Đó là điều người ta thường quên khi đánh giá tác phẩm của Edgar Poe; bởi vì nếu như Edgar Poe đã sáng tạo ra truyện trinh thám thì ông đồng thời cũng sáng tạo ra độc giả của truyện trinh thám [17]. Với bài viết Twenty Rules for Writing Detective Stories (Hai mươi quy tắc của tiểu thuyết trinh thám), (The American Magazine, September, 1928), nhà văn Mĩ S.S Van Dine đã đưa ra 20 quy tắc viết tiểu thuyết trinh thám. Ở quy tắc thứ 5, S.S Van Dine nhấn mạnh: “Thủ phạm phải được xác định bằng những suy luận logic, không phải do ngẫu nhiên hay trùng hợp hoặc thú tội không có động cơ” [51]. Điều đó cho thấy tác giả khẳng định tính lí trí, logic trong quá trình xét đoán của thám tử trong quá trình đi tìm thủ phạm. 9
  17. Năm 1978, Tzvetan Todorov có công trình Thi pháp văn xuôi (Đặng Anh Đào và Lê Hồng Sâm dịch, NXB Đại học Sư phạm, 2014). Trong công trình này, tác giả nghiên cứu và trình bày ở mục 1: Loại hình của tiểu thuyết trinh thám. Ở đây, Todorov đã đánh giá và rút gọn 20 quy tắc viết tiểu thuyết trinh thám mà S. S Van Dine đã nêu thành mấy điểm sau: 1. Cuốn tiểu thuyết phải có nhiều nhất là một thám tử và một thủ phạm, và ít nhất là một nạn nhân (một xác chết). 2. Thủ phạm không được là một tội phạm chuyên nghiệp; không được là thám tử; phải giết người vì lí do riêng của cá nhân. 3. Ái tình không có chỗ trong tiểu thuyết trinh thám. 4. Thủ phạm phải có một tầm quan trọng nào đó: a. Trong đời: không phải là một nam hay nữ hầu phòng. b. Trong sách: là một trong các nhân vật chính. 5. Mọi sự đều phải được giải thích một cách duy lí; cái kì ảo không được chấp nhận ở đây. 6. Không có chỗ cho miêu tả cũng như phân tích tâm lí. 7. Với các thông tin về truyện, cần tuân thủ sự đối ứng sau: “tác giả: độc giả = tội phạm: thám tử”. 8. Cần tránh các tình thế và các giải pháp tầm thường tẻ nhạt [204, tr.17- 18]. Cũng trong công trình Thi pháp văn xuôi, Tzvetan Todorov đã thể hiện quan niệm về thể loại tiểu thuyết trinh thám: Tiểu thuyết trinh thám có những chuẩn mực của nó; làm “tốt hơn” những gì mà các chuẩn mực ấy đòi hỏi, là đồng thời làm “kém đi”: người nào muốn làm cho tiểu thuyết trinh thám “hay hơn”, là người đó đang làm “văn chương”, chứ không phải tiểu thuyết trinh thám. Tiểu thuyết trinh thám tuyệt nhất không phải là cuốn tiểu thuyết vi phạm quy tắc của thể loại, mà là cuốn tiểu thuyết tuân theo những quy tắc này: Không có hoa lan cho cô Blandish là hiện thân của thể loại, chứ không phải một sự vượt quá thể loại [204, tr.9]. 10
  18. Mặc dù thừa nhận về hạn chế và khó khăn trong việc nghiên cứu văn chương theo hướng nghiên cứu thể loại nhưng ông cũng khẳng định văn học trinh thám thuộc lĩnh vực văn học quần chúng, việc xem xét các thể trong dòng văn học này không hề khó khăn: “Vậy việc làm rõ các thể ở bên trong tiểu thuyết trinh thám xem ra tương đối dễ. Nhưng muốn thế, cần phải bắt đầu bằng sự miêu tả các “loại”, như vậy cũng có nghĩa là bắt đầu bằng sự xác định giới hạn của chúng” [204, tr.9-10]. Theo Tzvetan Todorov, truyện trinh thám có ba kiểu loại chính: tiểu thuyết ẩn ngữ, tiểu thuyết đen và tiểu thuyết phiêu lưu. Đồng thời, ông cũng chỉ ra sự khác nhau và những đặc trưng cơ bản của từng loại trinh thám đó. Ông quan niệm truyện trinh thám là một kiểu loại văn học đặc thù, nó cần được đánh giá theo những tiêu chí thích hợp. Qua công trình Thi pháp văn xuôi, ta thấy nhà nghiên cứu Tzvetan Todorov đã tập trung xác định những đặc trưng thể loại và phân loại truyện trinh thám dựa trên những tiêu chí cụ thể, nhất quán và khoa học. Ở cuốn Tiểu thuyết phiêu lưu, Tiểu thuyết trinh thám và Tiểu thuyết lãng mạn (Adventure, Mystery and Romance, Univercity of Chicago Press, 1976), nhà nghiên cứu người Mĩ G. John Cawelti cho rằng tiểu thuyết trinh thám là một thể loại độc lập với tiểu thuyết phiêu lưu và tiểu thuyết lãng mạn. G. John Cawelti cũng đã có nhận định về mô hình và vị thế của thể loại truyện trinh thám, được Laura Behling đồng tình và dẫn lại: “Truyện trinh thám cổ điển đòi hỏi bốn vai cơ bản: nạn nhân, tội phạm, thám tử và những người có nguy cơ bị đe dọa bởi tội ác” [229, tr.34]; “Truyện trinh thám không chỉ là một hình thức nghệ thuật vui vẻ đối với bạn đọc thế kỉ XIX và nửa đầu thế kỉ XX mà còn tạo ra một sự giải thoát lâm thời trước hồ nghi và tội lỗi khởi phát từ những đổi thay quá lớn của văn hóa” [229, tr.34]. Đó là mô hình nhân vật tiểu thuyết trinh thám khá gần gũi với quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu, đồng 11
  19. thời nhận định đó cũng cho thấy G. John Cawelti không chỉ phân loại truyện trinh thám mà còn xác định mô hình nhân vật và đánh giá cao vị thế, vai trò, chức năng của thể loại này. Trong Black novel – Tiểu thuyết đen (tiếng Nga: Черный роман, 1975) của Rainov, nhà nghiên cứu Fosca cũng cho rằng: “Có thể định nghĩa tiểu thuyết trinh thám như một câu chuyện kể về sự săn đuổi con người [...] mà trong đó được sử dụng tiến trình xét đoán đặc biệt, cho phép lí giải những sự kiện bề ngoài không đáng kể để từ chúng có thể có được một kết luận nhất định […] Thiếu điều đó […] sẽ không là tiểu thuyết trinh thám” [240]. Nhận định trên cho thấy, với Fosca, cốt lõi làm nên đặc trưng của thể loại trinh thám là ở “tiến trình xét đoán đặc biệt” chứ không phải nội dung của truyện có tính hình sự hay không có tính hình sự, cũng có nghĩa là ông nhấn mạnh đến tính trí tuệ, khoa học của truyện trinh thám. Trong khi đó, ở cuốn Tiểu thuyết trinh thám (tiếng Pháp: Le Roman Policier, 1997), tác giả Vanoncini đã quan niệm về một mô hình truyện trinh thám bao gồm ba yếu tố chính: nạn nhân - thủ phạm - người điều tra (thám tử) khi cho rằng: “Nội dung trinh thám được bố trí theo chiều dài một trục trung tâm của biện giải, người điều tra tiến lên theo đó từ bí mật ban đầu thường gắn với nạn nhân của một vụ sát hại cho đến bước giải quyết thường là sự nhận biết kẻ sát nhân” [217]. Điều này cũng gần gũi với quan niệm về truyện trinh thám của các nhà văn, các nhà nghiên cứu khác. Ở tác phẩm này, Vanoncini cũng đã phân loại và đánh giá các khuynh hướng tiểu thuyết trinh thám, mà tiêu biểu là khuynh hướng tiểu thuyết đen và tiểu thuyết kinh dị. Theo đó, dù tiểu thuyết trinh thám có nhiều khuynh hướng nhưng phát triển theo khuynh hướng nào thì tiểu thuyết trinh thám vẫn xoay quanh mô hình nhân vật nạn nhân-thủ phạm-người điều tra. Nhận định đó cho thấy Vanoncini cũng xác định mô hình nhân vật cốt lõi của truyện trinh thám tương tự với 12
  20. quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu khác, như quan điểm của Velerdi nêu trong Plot, cheracter & setting: a study of mystery & detective fiction: Tác giả giới thiệu thám tử, tội ác, vài bằng chứng và mối nghi ngờ. Cao trào của câu chuyện xuất hiện khi thám tử công bố tên tội phạm và lí giải làm cách nào mà bí ẩn ấy được giải quyết. Truyện trinh thám là loại truyện xoay quanh một bí ẩn cần khám phá, trong đó nhất định có một tên tội phạm và có một hành trình điều tra phá án [244]. Bên cạnh những nghiên cứu nhằm định hình trinh thám như một thể loại văn học đại chúng hấp dẫn gắn liền với các vấn đề như: truyện trinh thám là gì, những nguyên tắc tổ chức kết cấu truyện trinh thám, các yếu tố đặc trưng và mô hình phổ biến của truyện trinh thám, những nghiên cứu về thể loại này trên thế giới tiếp tục mở rộng ở nhiều phương diện và góc độ khác nhau. Trong Trinh thám và giới hạn: vài lưu ý về hư cấu văn chương hậu hiện đại (The Detective and the Boundary: Some Notes on the Postmodern Literary Imagination, 1972), William Spanos đã dựa trên những sáng tác của Edgar Poe và Conan Doyle để khái quát các nguyên tắc điều tra để giải quyết các nghi vấn trong truyện trinh thám: Cách giải quyết vấn đề trong các truyện trinh thám thường rất lôi cuốn và hồi hộp bởi vì nó dựa vào sự quan sát nhạy bén, dựa vào các tư chất đặc biệt và một số yếu tố khác […]. Sự giải quyết vấn đề ở đây dựa vào những điều chắc chắn mà khoa học và tâm lí học có thể chứng minh được theo phương pháp quy nạp – một quá trình suy luận về mối quan hệ giữa các sự kiện rời rạc, từ đó đưa ra một lời giải thích hợp lí cho những bí ẩn, tội ác có vẻ như tồn tại một cách ngẫu nhiên [243, tr.150]. Quan điểm đó của William Spanos dường như đã khái quát khá toàn diện bản chất đặc trưng của truyện trinh thám: đi tìm bí ẩn, điều tra để tìm ra tội phạm (“cuối cùng các tội ác cũng được làm sáng tỏ”) bằng suy luận logic khoa học (“dựa vào sự quan sát nhạy bén, dựa vào các tư chất đặc biệt và một 13
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2