ĐẠI HỌC HUẾ<br />
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC<br />
<br />
HỒ VĂN QUỐC<br />
<br />
KHUYNH HƯỚNG<br />
THƠ TƯỢNG TRƯNG VIỆT NAM HIỆN ĐẠI<br />
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam<br />
Mã số: 62 22 34 01<br />
<br />
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM<br />
<br />
Người hướng dẫn khoa học:<br />
PGS. TS HỒ THẾ HÀ<br />
<br />
HUẾ - 2016<br />
1<br />
<br />
MỞ ĐẦU<br />
1. Lý do chọn đề tài<br />
1.1. Thơ tượng trưng ra đời ở Pháp vào thập niên 60 - 70 của thế kỉ XIX. Khi vừa<br />
xuất hiện, nó lập tức tạo nên một cơn địa chấn làm xôn xao văn đàn; người khen cũng<br />
lắm, kẻ chê cũng nhiều. Tuy nhiên, vượt qua mọi lời chỉ trích, các nhà thơ tượng trưng<br />
bằng cả lý luận lẫn thực tiễn sáng tác sinh động của mình đã từng bước khẳng định con<br />
đường thi ca mà họ lựa chọn phù hợp với quy luật phát triển của văn học, thị hiếu thẩm<br />
mỹ của thời đại. Và thực tế đã kiểm chứng điều này. Vào nửa sau thế kỉ XIX, thơ<br />
tượng trưng rất được ưa chuộng, tạo thành một trào lưu, dòng chính trong nền thơ<br />
Pháp. Hơn nữa, từ địa hạt văn chương, chủ nghĩa tượng trưng dần lấn sân các loại hình<br />
nghệ thuật khác như âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc..., trở thành một hiện tượng<br />
văn hóa tiêu biểu trên khắp châu Âu. Sang thế kỉ XX, nó tiếp tục mở rộng tầm ảnh<br />
hưởng lên toàn thế giới; đồng thời, thiết lập thành công vị thế của mình ở nền thơ hiện<br />
đại phương Đông, trong đó có Việt Nam.<br />
1.2. Giữa những năm 40 của thế kỉ XX, thơ tượng trưng chính thức "nhập tịch"<br />
vào nước ta nhưng không hình thành chủ nghĩa như ở phương Tây mà chỉ tồn tại với<br />
tư cách một khuynh hướng. Trong sự vận động của nó, khuynh hướng thơ tượng trưng<br />
Việt Nam đã trải qua những bước thăng trầm theo các biến cố lịch sử dân tộc. Có<br />
những thời đoạn, thơ tượng trưng rơi vào tình trạng bị lãng quên, "ngủ đông", rồi lại<br />
bừng thức nhờ sức mạnh nội tại của mình. Đó chính là khả năng ưu trội trong việc giải<br />
mã vẻ đẹp vi diệu, bí ẩn của thế giới và tâm hồn con người dựa trên nguyên tắc tư duy<br />
tương hợp các giác quan, cùng hệ thống thi pháp mới lạ. Phải chăng, đây cũng là<br />
nguyên cớ khiến thơ tượng trưng từng có lúc chiếm thế thượng phong, tạo ra một lực<br />
hấp dẫn đặc biệt đối với người cầm bút lẫn bạn đọc và góp phần quan trọng đưa con<br />
thuyền thơ Việt Nam thoát khỏi khu vực vùng để hòa vào đại dương văn chương hiện<br />
đại thế giới.<br />
1.3. Gần tám mươi năm hiện tồn trong nền thi ca Việt Nam, khuynh hướng thơ<br />
tượng trưng không ngừng biến chuyển. Qua mỗi giai đoạn, ở mỗi nhà thơ, việc tiếp<br />
biến các đặc trưng thẩm mỹ, thi học tượng trưng diễn ra rất linh động, tùy vào thể<br />
tạng, thị hiếu mỗi người, và được tích hợp với các trào lưu thi ca khác, tạo nên tính đa<br />
sắc độ, không thuần chất cho khuynh hướng thơ tượng trưng Việt Nam. Nếu thơ Bích<br />
Khê, Đinh Hùng, Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh, Đoàn Phú Tứ, Đoàn Thêm...<br />
2<br />
<br />
chủ yếu là tượng trưng; thì thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Vũ<br />
Hoàng Chương, Quách Thoại, Lý Quốc Sỉnh, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Đặng<br />
Đình Hưng, Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều... có sự hòa sắc theo những cách<br />
riêng, giữa tượng trưng với cổ điển/ lãng mạn/ siêu thực/ hiện sinh/ thậm chí hậu hiện<br />
đại. Và điều đáng nói, dù sắc độ ảnh hưởng thơ tượng trưng ở các nhà thơ ấy không<br />
giống nhau nhưng việc lựa chọn nó như một trong những định hướng sáng tạo tiêu<br />
biểu đã góp phần làm thay đổi diện mạo, hệ hình tư duy thơ dân tộc khi nỗ lực đưa thơ<br />
trở về bản nguyên của nó - "thuần túy và tượng trưng". Đây là một đóng góp đáng trân<br />
trọng và cần được nghiên cứu chuyên sâu nhằm giúp người đọc có cái nhìn toàn diện,<br />
thấu đáo về khuynh hướng tượng trưng trong thơ hiện đại Việt Nam. Song, cho tới<br />
nay, chúng ta chưa có công trình nào khảo luận đầy đủ, hệ thống vấn đề này; hoặc nếu<br />
có thì chủ yếu đi tìm dấu ấn tượng trưng trong phong trào Thơ mới (1932 - 1945) mà ít<br />
quan tâm đến các giai đoạn sau.<br />
Những lý do trên đặt ra cho chúng tôi nhiều suy ngẫm và đi đến quyết định chọn<br />
đề tài Khuynh hướng thơ tượng trưng Việt Nam hiện đại để nghiên cứu. Tác giả luận<br />
án hy vọng sẽ có những kiến giải mới mẻ, khoa học về thơ tượng trưng trên thế giới<br />
nói chung, ở nước ta nói riêng.<br />
2. Nhiệm vụ nghiên cứu<br />
Xuất phát từ thực tế không thể bác bỏ, thơ tượng trưng giữ vai trò quan trọng<br />
trong lịch sử văn chương nhân loại, nó không chỉ mở ra thời kì hiện đại cho thơ mà<br />
còn ảnh hưởng đến nhiều nền thi ca trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên,<br />
việc nghiên cứu, đánh giá hiện tượng thơ này ở nước ta tới nay vẫn chưa hoàn kết, còn<br />
những khoảng trống cần được lấp đầy. Vì thế, khi thực hiện đề tài, luận án đặt ra<br />
những nhiệm vụ sau:<br />
Thứ nhất, luận án xác lập một hệ thống lý thuyết cho thơ tượng trưng. Khách<br />
quan nhìn nhận, điều này không mới nhưng cần thiết phải làm, vì nó là điểm tựa để<br />
nghiên cứu khuynh hướng thơ tượng trưng Việt Nam. Hơn nữa, trong quá trình triển<br />
khai nhiệm vụ ấy, chúng tôi luôn ý thức đối thoại với các học giả đi trước nhằm tìm<br />
tiếng nói chung, đồng thời làm hiển minh những vấn đề còn gây tranh cãi; từ đó, xây<br />
dựng cho mình một cơ sở lý luận hoàn chỉnh về thơ tượng trưng.<br />
Thứ hai, như tên đề tài, luận án có nhiệm vụ chính yếu khảo cứu khuynh hướng<br />
thơ tượng trưng Việt Nam, cụ thể là làm sáng tỏ sự hình thành, vận động cũng như các<br />
3<br />
<br />
đặc trưng thẩm mỹ, thi học của khuynh hướng thơ này trong sự tiếp biến, gặp gỡ giữa<br />
thơ tượng trưng với truyền thống thi ca dân tộc/ phương Đông. Trên cơ sở đó, luận án<br />
đi đến khẳng định khuynh hướng tượng trưng đã hiện diện trong lịch sử thi ca hiện đại<br />
Việt Nam gần tám thập kỉ qua và góp phần đưa nền thơ dân tộc lên một tầm cao mới.<br />
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu<br />
3.1. Đối tượng nghiên cứu<br />
Như đã nói ở trên, khuynh hướng thơ tượng trưng có một sức sống khá bền bỉ<br />
trong lịch sử thi ca dân tộc. Mỗi giai đoạn trên hành trình thơ hiện đại Việt Nam có<br />
không ít thi sĩ tiếp nhận thơ tượng trưng với những tâm thế, sắc độ khác nhau. Do đó,<br />
xác định đối tượng nghiên cứu cho đề tài này, chúng tôi không định bao quát toàn bộ<br />
các nhà thơ ấy mà chỉ chọn những cây bút tiêu biểu, thể hiện ở chỗ, họ có những phát<br />
ngôn cho thấy sự ý thức, chủ động tiếp biến thơ tượng trưng Pháp; và quan trọng hơn,<br />
thực tiễn sáng tác của họ in rõ dấu ấn lối thơ đó. Với tiêu chí như vậy, chúng tôi hướng<br />
tới các nhà thơ sau: Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Vũ<br />
Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh, Đoàn Phú Tứ,<br />
Đoàn Thêm, Cung Trầm Tưởng, Quách Thoại, Lý Quốc Sỉnh, Hoàng Cầm, Lê Đạt,<br />
Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều.<br />
3.2. Phạm vi nghiên cứu<br />
Xuất phát từ Pháp, thơ tượng trưng đã có cuộc du hành vòng quanh thế giới trong<br />
một thời gian dài. Đến với mỗi quốc gia, nó được tiếp biến thông qua bộ lọc văn hóa<br />
của chính dân tộc đó, tạo ra những màu sắc tượng trưng riêng. Ở nước ta, các nhà thơ<br />
hiện đại đã tiếp nhận thơ tượng trưng trong sự dung hợp với truyền thống thi ca dân<br />
tộc/ phương Đông, làm nên một khuynh hướng thơ mang bản sắc Việt Nam. Phải nói<br />
rằng, thơ tượng trưng là một trong những trào lưu thơ ca có sức lan tỏa sâu rộng và đa<br />
tạp bậc nhất; vì thế, bao quát toàn bộ hiện tượng văn học này là một việc cực kì khó<br />
khăn, vượt quá giới hạn cho phép của một luận án. Cho nên, để nghiên cứu Khuynh<br />
hướng thơ tượng trưng Việt Nam hiện đại, chúng tôi chỉ tập trung vào những vấn đề<br />
cốt yếu, liên quan trực tiếp đến đề tài, cụ thể: Luận án sẽ đi từ ngọn nguồn thơ tượng<br />
trưng và lý giải vì sao nó có thể bén rễ trên mảnh đất văn chương của ta; từ đó, soi<br />
chiếu vào các gương mặt thơ Việt Nam tiêu biểu (đã nêu ở trên) nhằm làm sáng tỏ sự<br />
tiếp biến thơ tượng trưng của họ qua các phương diện như quan niệm nghệ thuật về<br />
thơ, thế giới, con người, lẫn việc sử dụng biểu tượng, ngôn ngữ và nhạc điệu.<br />
4<br />
<br />
4. Phương pháp nghiên cứu<br />
Nghiên cứu Khuynh hướng thơ tượng trưng Việt Nam hiện đại, chúng tôi phối<br />
hợp nhiều phương pháp khác nhau; trong đó, các phương pháp dưới đây có vai trò<br />
quan trọng hơn cả:<br />
Phương pháp lịch sử - logic: Xuất phát từ yêu cầu của đề tài, phương pháp này<br />
dùng để nghiên cứu quá trình hình thành, phát triển của thi phái tượng trưng Pháp và<br />
ảnh hưởng của nó đối với thơ ca thế giới; đồng thời, lý giải nguyên nhân xuất hiện và<br />
sự vận động của khuynh hướng thơ tượng trưng Việt Nam.<br />
Phương pháp so sánh - đối chiếu: Luận án sử dụng phương pháp này nhằm chỉ ra<br />
những điểm tương đồng và dị biệt, tiếp biến và cách tân giữa thơ tượng trưng Pháp và<br />
khuynh hướng thơ tượng trưng Việt Nam, giữa khuynh hướng thơ tượng trưng và các<br />
khuynh hướng thơ khác, giữa các nhà thơ theo khuynh hướng tượng trưng; qua đó, làm<br />
nổi bật những đặc điểm của khuynh hướng tượng trưng ở mỗi nhà thơ và trong thơ<br />
hiện đại Việt Nam.<br />
Phương pháp hệ thống - cấu trúc: Nghiên cứu đề tài này, chúng tôi ý thức đặt các<br />
yếu tố trong một chỉnh thể thống nhất, toàn vẹn hòng làm rõ mối quan hệ nội tại của<br />
nó. Cụ thể ở đây, chúng tôi sẽ luận giải khuynh hướng thơ tượng trưng Việt Nam trong<br />
sự liên hệ đa chiều với thi phái tượng trưng Pháp và truyền thống thơ ca dân tộc/<br />
phương Đông. Bên cạnh đó, khi bình giá các tác giả, tác phẩm và những biểu hiện của<br />
thi học tượng trưng, người viết không xem xét vấn đề một cách cô lập mà đặt nó trong<br />
một hệ thống để xác định các sắc độ tiếp biến nghệ thuật tượng trưng ở mỗi nhà thơ.<br />
Phương pháp phân tích - tổng hợp: Phương pháp này dùng cho mục đích phân<br />
tích tác giả, tác phẩm văn học. Trên cơ sở ấy, chúng tôi rút ra những kết luận mang<br />
tính khái quát về đặc trưng thẩm mỹ và thi học của khuynh hướng thơ tượng trưng<br />
Việt Nam hiện đại. Qua đó, luận án góp thêm một tiếng nói nhằm minh định những<br />
thành tựu cũng như hạn chế của dòng thơ này.<br />
Ngoài những phương pháp trên, để kiến giải các khía cạnh khác nhau của đề tài<br />
một cách sâu sắc, khoa học; chúng tôi còn sử dụng các lý thuyết như xã hội học văn<br />
học, thi pháp học, phân tâm học...<br />
5. Đóng góp khoa học của luận án<br />
Nghiên cứu Khuynh hướng thơ tượng trưng Việt Nam hiện đại, luận án có<br />
những đóng góp khoa học sau:<br />
5<br />
<br />