intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận án Tiến sĩ Văn học Việt Nam: Đặc điểm loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam

Chia sẻ: Lang Liêu | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:169

90
lượt xem
12
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận án phân tích những điểm đặc trưng của truyện truyền kỳ Việt Nam thông qua việc phát hiện, đánh giá các yếu tố cụ thể thuộc về nội dung và hình thức nghệ thuật (như hệ thống chủ đề, đề tài, thế giới hình tượng, tổ chức tác phẩm, các phương thức trần thuật…) trong các tác phẩm. Tìm hiểu mối quan hệ giữa truyện truyền kỳ với văn hóa - văn học dân gian; vai trò truyện truyền kỳ đối với tiến trình văn học trung đại Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Văn học Việt Nam: Đặc điểm loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam

  1. ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC QUẢNG VĂN NGỌC QUẢNG VĂN NGỌC  LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM ĐẶC ĐIỂM LOẠI HÌNH TRUYỆN TRUYỀN KỲ VIỆT NAM LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM  HUẾ - 2020 HUẾ - 2020 10bìa/170tr
  2. ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC QUẢNG VĂN NGỌC ĐẶC ĐIỂM LOẠI HÌNH TRUYỆN TRUYỀN KỲ VIỆT NAM Chuyên ngành: VĂN HỌC VIỆT NAM Mã số: 9220121 LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. NGUYỄN PHONG NAM 2. TS. HÀ NGỌC HÒA HUẾ - 2020
  3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả nêu trong luận án là trung thực, đảm bảo độ chính xác cao nhất. Các tài liệu tham khảo trích dẫn có xuất xứ rõ ràng. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về công trình nghiên cứu của mình. Tác giả Quảng Văn Ngọc
  4. CHỮ VIẾT TẮT TÊN TÁC PHẨM TRONG LUẬN ÁN ----- CDTK : Công dư tiệp ký DS : Dã sử HĐTD : Hát đông thư dị LNCQL : Lĩnh Nam chích quái lục LTKVL : Lan Trì kiến văn lục MHTL : Mẫn Hiên thuyết loại NOML : Nam Ông mộng lục NTTDT : Nam thiên trân dị tập SCTT : Sơn cư tạp thuật TTTL : Tam tổ thực lục TTKL : Tân truyền kỳ lục TVDL : Thính văn dị lục TKML : Truyền kỳ mạn lục TKTP : Truyền kỳ tân phả TTDT : Thánh Tông di thảo TTNL : Tang thương ngẫu lục TUTANL : Thiền uyển tập anh ngữ lục TTK : Tục truyền kỳ TVDL : Thính văn dị lục VĐULT : Việt điện u linh tập VNKPSL : Việt Nam kỳ phùng sự lục VNTS : Vân nang tiểu sử
  5. MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1 1. Lý do chọn đề tài ................................................................................................1 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu......................................................................2 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ......................................................................3 4. Phương pháp nghiên cứu ....................................................................................5 5. Đóng góp mới của luận án ..................................................................................6 6. Bố cục của luận án ..............................................................................................7 Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU .......................................8 1.1. Tình hình nghiên cứu truyện truyền kỳ nói chung ..........................................8 1.1.1. Vấn đề văn bản truyện truyền kỳ..............................................................8 1.1.2. Vấn đề nghiên cứu so sánh truyện truyền kỳ .........................................13 1.2. Những vấn đề nghiên cứu liên quan đề tài luận án ........................................17 1.2.1. Về nguồn gốc và tiêu chí xếp loại truyện truyền kỳ...............................17 1.2.2. Về nội dung, ý nghĩa của truyện truyền kỳ Việt Nam ............................19 1.2.3. Về đặc điểm nghệ thuật của truyện truyền kỳ Việt Nam .......................21 1.3. Đánh giá về tình hình nghiên cứu và vấn đề đặt ra của luận án ....................23 1.3.1. Một số nhận định chung về tình hình nghiên cứu ..................................23 1.3.2. Những vấn đề đặt ra của luận án ............................................................25 Chương 2. LOẠI HÌNH TRUYỆN TRUYỀN KỲ VIỆT NAM - QUÁ TRÌNH VẬN ĐỘNG VÀ PHÁT TRIỂN ............................................................................26 2.1. Truyện truyền kỳ - một loại hình văn học .....................................................26 2.1.1. Cơ sở lý thuyết về “loại hình”, “loại hình truyện truyền kỳ” .................26 2.1.2. Nguồn gốc và giá trị của truyện truyền kỳ Việt Nam ............................35 2.2. Quá trình vận động của truyện truyền kỳ việt nam xét trên phương diện loại hình ................................................................................................................46 2.2.1. Từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIV - truyện truyền kỳ trong mối tương quan với văn học chức năng, nghi lễ, tôn giáo ..........................................................47 2.2.2. Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII - quá trình hoàn thiện truyện truyền kỳ trên con đường tiếp thu, tiếp biến các giá trị văn hóa, văn học ........................50
  6. 2.2.3. Từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX - quá trình chuyển hóa và kết thúc loại hình truyện truyền kỳ.................................................................................56 TIỂU KẾT .............................................................................................................59 Chương 3. LOẠI HÌNH TRUYỆN TRUYỀN KỲ VIỆT NAM - NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA, LỊCH SỬ .....................................................................................61 3.1. Ký ức lịch sử, văn hóa của dân tộc trong truyện truyền kỳ ...........................61 3.1.1. Truyện truyền kỳ - một lối “sử trong truyện” ........................................61 3.1.2. Truyện truyền kỳ và các giá trị văn hóa Việt Nam ................................82 3.2. Thế giới “linh”, “dị” trong truyện truyền kỳ .................................................92 3.2.1. Truyện “dị nhân”, “quái sự” ...................................................................93 3.2.2. Truyện “nhân - quả”, “báo ứng”...........................................................101 TIỂU KẾT ...........................................................................................................105 Chương 4. ĐẶC ĐIỂM LOẠI HÌNH TRUYỆN TRUYỀN KỲ VIỆT NAM - TỪ PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN ......................................................................107 4.1. Cốt truyện và phương thức tổ chức cốt truyện truyện truyền kỳ .................107 4.1.1. Đặc điểm cốt truyện truyện truyền kỳ ..................................................107 4.1.2. Phương thức tổ chức cốt truyện truyện truyền kỳ ................................112 4.2. Phương thức xây dựng hình tượng nghệ thuật trong truyện truyền kỳ........114 4.2.1. Hình tượng nhân vật trong truyện truyền kỳ ........................................114 4.2.2. Hình tượng không gian, thời gian trong truyện truyền kỳ....................119 4.3. Lời văn trong truyện truyền kỳ ....................................................................125 4.3.1. Lối văn “truyện kể” trong truyện truyền kỳ .........................................125 4.3.2. Sự đa dạng của văn bản truyện truyền kỳ.............................................131 TIỂU KẾT ...........................................................................................................134 KẾT LUẬN ............................................................................................................137 TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC
  7. MỞ ĐẦU 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI Trong số những thành tựu của văn học Việt Nam thời trung đại, truyện truyền kỳ là một trường hợp hết sức độc đáo. Nó không chỉ có giá trị lớn lao về mặt văn chương mà còn chứa đựng nhiều giá trị khác như văn hoá, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng… Ẩn chứa dưới hình thức những chuyện quái lạ, dị thường, truyện truyền kỳ là một phương thức lưu giữ ký ức cộng đồng rất bền bỉ, hiệu quả. Theo một cách thức riêng, nó không chỉ phản ánh hiện thực đời sống đương thời mà còn chuyển tải những thông điệp quan trọng về lịch sử, văn hoá dân tộc cho các thế hệ tiếp nối. Xét trên phương diện văn học sử, truyện truyền kỳ là bằng chứng sinh động cho quy luật tiếp biến thể loại, vốn là một trong những điểm đặc trưng của văn học trung đại Việt Nam. Truyện truyền kỳ được hình thành dựa trên nhiều yếu tố. Một mặt, nó là kết quả của quá trình tiếp thu, tiếp biến những mẫu hình cơ bản trong lối truyện “chí quái”, “chí dị” của văn học cổ điển Trung Hoa; mặt khác, là kết quả do chính sự vận động của văn học dân tộc, đặc biệt là quá trình “thư tịch hoá” các truyền thuyết, giai thoại văn học dân gian. Điều này đã góp phần tạo nên bước đột phá của văn xuôi tự sự giai đoạn thế kỷ XVII - XIX. Không những thế, chính những áng văn xuôi mẫu mực như Lĩnh Nam chích quái lục, Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục, Truyền kỳ tân phả, Lan Trì kiến văn lục… còn ảnh hưởng, tác động đến quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc. Sự nở rộ của lối truyện “phỏng truyền kỳ”, “truyện đường rừng” trong văn xuôi quốc ngữ đầu thế kỷ XX đã chứng minh điều đó. Với vai trò, vị trí như thế, không có gì khó hiểu khi truyện truyền kỳ Việt Nam trở thành đối tượng thu hút mạnh mẽ sự chú ý của giới chuyên môn từ rất sớm. Nhiều kết quả nghiên cứu về truyện truyền kỳ đã được công bố trên các diễn đàn khoa học trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, với một đối tượng như truyện truyền kỳ, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết một cách triệt để. Chẳng hạn, những vấn đề có tính “lý thuyết” như đặc điểm truyện truyền kỳ, nguồn gốc và quá trình vận động của nó; những vấn đề cụ thể, như sự khác biệt của truyện truyền kỳ Việt Nam so với truyện “chí quái”, “chí dị” của các nước thuộc nhóm “đồng văn” 1
  8. (Trung Quốc - Nhật Bản - Triều Tiên), hoặc vai trò của truyện truyền kỳ trong đời sống tinh thần người Việt… Chính vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu truyện truyền kỳ theo những cách thức, phương pháp khác, với mong muốn góp phần nhận thức thấu đáo, đầy đủ hơn về đối tượng này là điều rất cần thiết. Nhìn một cách tổng thể, có thể thấy nguyên nhân của những vướng mắc ở một số công trình nghiên cứu về truyện truyền kỳ từ trước tới nay thường là do cách thức tiếp cận. Truyện truyền kỳ, với tư cách một đối tượng của hoạt động nghiên cứu văn học, luôn được mặc định là một yếu tố/ bộ phận của văn xuôi trung đại và được gọi là thể loại (hoặc “tiểu loại”). Quan niệm như thế ít nhiều cũng tạo ra những điểm bất cập; ảnh hưởng đến việc nhận thức một cách đầy đủ về đối tượng. So với các thể loại khác (như truyện ma, truyện kinh dị, truyện chí quái…), điểm đặc biệt của truyện truyền kỳ Việt Nam nằm ở phương thức hình thành và giá trị cốt lõi của nó. Có thể nói, truyện truyền kỳ Việt Nam là một hiện tượng văn hóa - văn học đặc thù. Nếu nhìn nó dưới quan điểm thể loại thì phải nói rằng truyện truyền kỳ là một “siêu thể loại”; tức là một “thể loại” được hình thành trên cơ sở hỗn dung nhiều (thể loại) khác nhau. Sự trùng lặp, chồng chéo này không chỉ gây khó khăn trong diễn đạt, trình bày kết quả nghiên cứu mà còn ảnh hưởng đến quá trình nhận thức. Để khắc phục tình trạng trên, truyện truyền kỳ cần được mở rộng hướng tiếp cận; đối tượng sẽ được nhìn nhận theo một nhãn quan khác. Ở luận án này, chúng tôi xem nó như một loại hình văn học. Có thể xem đây là một sự bổ sung về mặt phương pháp luận trong quá trình nghiên cứu truyện truyền kỳ Việt Nam. Đấy cũng là những lý do cơ bản để chúng tôi chọn đề tài “Đặc điểm loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam” làm nội dung nghiên cứu của luận án này. 2. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU Mục tiêu chủ yếu của luận án này là hướng đến việc làm rõ những đặc điểm của truyện truyền kỳ Việt Nam trong vị thế một loại hình văn học. Điều đó được thể hiện qua các vấn đề chủ yếu như quy luật vận động, các đặc điểm thuộc phương diện nội dung và nghệ thuật của loại hình truyện truyền kỳ. Trên cơ sở mục tiêu tổng thể đã được xác định như vậy, luận án sẽ tập trung giải quyết những nhiệm vụ cụ thể sau đây: 2
  9. - Thứ nhất, trình bày một cái nhìn tổng quát, có hệ thống về lịch sử của truyện truyền kỳ, từ quá trình hình thành, con đường vận động, các giai đoạn phát triển… đồng thời phác thảo diện mạo của loại hình văn học này. - Thứ hai, phân tích những điểm đặc trưng của truyện truyền kỳ Việt Nam thông qua việc phát hiện, đánh giá các yếu tố cụ thể thuộc về nội dung và hình thức nghệ thuật (như hệ thống chủ đề, đề tài, thế giới hình tượng, tổ chức tác phẩm, các phương thức trần thuật…) trong các tác phẩm. - Thứ ba, tìm hiểu mối quan hệ giữa truyện truyền kỳ với văn hóa - văn học dân gian; vai trò truyện truyền kỳ đối với tiến trình văn học trung đại Việt Nam. Luận án cũng xem xét hiện tượng tương tác của truyện truyền kỳ Việt Nam trong tương quan truyện truyền kỳ khu vực. Ngoài những điểm chính như đã nêu trên, một số vấn đề khác có liên quan đến phương diện lý thuyết, lý luận về loại hình truyện truyền kỳ cũng được chúng tôi đề cập và cố gắng giải quyết phần nào trong luận án. 3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là truyện truyền kỳ Việt Nam. Khái niệm truyện truyền kỳ mà chúng tôi sử dụng trong luận án này được hiểu là một kiểu truyện ký viết bằng chữ Hán, được hình thành trên cơ sở tiếp thu, tiếp biến từ nhiều nguồn, chủ yếu là từ văn học dân gian; nội dung là những câu chuyện kỳ - lạ về nhân vật, sự vật, sự việc ở nước ta; qua đó bổ khuyết, bảo tồn và xiển dương các giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam. Nói cụ thể hơn, đó là những truyện ký Hán văn lấy yếu tố kỳ ảo, dị thường làm phương tiện để bổ sung vào Việt sử những gì không được ghi biên một cách chính thức, với mục tiêu khẳng định tính độc lập, độc đáo của văn hiến dân tộc. Truyện truyền kỳ Việt Nam có quá trình hình thành và phát triển rất dài, khoảng từ thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XX. Loại hình này có nhiều đặc điểm, tính chất riêng, không giống với các thể loại văn xuôi trung đại khác như: truyện, ký, tiểu thuyết... Sự khác biệt thể hiện rất rõ ở nhiều phương diện, từ phương thức hình thành, giá trị nội dung, hình thức nghệ thuật, cho đến hình thái văn bản, chức năng 3
  10. sử dụng... Nhìn chung, đó là con đường “bác học hóa” hay là “thư tịch hóa” các yếu tố văn học dân gian. Nó cũng không giống lối “phỏng truyền kỳ” (mô phỏng tác phẩm truyền kỳ) dưới dạng “yêu ngôn”, “truyện kinh dị”, “truyện đường rừng”… trong văn xuôi quốc ngữ chặng đầu thế kỷ XX. Có thể nói về thực chất, truyện truyền kỳ là kết quả của quá trình “nâng cấp”, “chuẩn hóa” các giai thoại, truyện kể, truyền thuyết, thần tích, chuyện lạ… thuộc phạm trù văn hóa dân gian, theo những thủ pháp, phương pháp nghệ thuật đặc thù. Luận án sẽ tiếp cận để làm rõ những đặc điểm của truyện truyền kỳ trên một số phương diện chủ yếu như quá trình hình thành và phát triển, những giá trị cốt lõi thuộc về nội dung cũng như hình thức của loại hình văn học này. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Trong luận án này, giá trị văn hóa - lịch sử và giá trị nghệ thuật của loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam sẽ là những vấn đề được tập trung nghiên cứu. Vì lý do khách quan và chủ quan, chúng tôi chỉ có thể tiến hành khảo sát một số tác phẩm tiêu biểu, có giá trị nhất, mang tính chất đại diện, điển hình. Đối với truyện truyền kỳ Việt Nam, văn bản tác phẩm vốn là vấn đề rất phức tạp, gây nhiều tranh cãi từ xưa đến nay. Để phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu, trong luận án này, chúng tôi sẽ không đi sâu vào lĩnh vực văn bản học mà chủ yếu dựa vào những văn bản đã tương đối ổn định, lấy đó làm cơ sở cứ liệu để khảo sát. Đó là các văn bản Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên (Trịnh Đình Rư phiên dịch, Đinh Gia Khánh giới thiệu, hiệu đính, 2012), Nxb Hồng Bàng, (tái bản); Lĩnh Nam chích quái lục của Trần Thế Pháp (Vũ Quỳnh - Kiều Phú nhuận chính, Đinh Gia Khánh và Nguyễn Ngọc San phiên dịch, 2013), Nxb Trẻ (tái bản); Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng (Ưu Đàm - La Sơn soạn, dịch và chú giải, Nguyễn Đăng Na giới thiệu, 1999), Nxb Văn học; Thánh Tông di thảo (khuyết danh, Nguyễn Bích Ngô dịch và chú thích, Phạm Văn Thắm giới thiệu, 2001), Nxb Văn học; Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (Trúc Khê dịch, 2016), Nxb Hội Nhà văn (tái bản); Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm (Ngô Lập Chi, Trần Văn Giáp dịch và chú thích, Phạm Văn Thắm giới thiệu, 2001), Nxb Văn học; Mẫn Hiên thuyết loại của Cao Bá Quát - Trương Quốc Dụng (Hoàng Văn Lâu dịch và giới thiệu, 2004), Nxb Hà Nội; Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ (Đông Châu Nguyễn Hữu 4
  11. Tiến dịch, 1998), Nxb Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh; Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ - Nguyễn Án (Trúc Khê - Ngô Văn Triện dịch, Trương Chính giới thiệu, chú thích, 2012), Nxb Hồng Bàng; Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề, 3 tập (Tô Nam Nguyễn Đình Diệm dịch chú, 1961), Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn; Tục biên Công dư tiệp kí của Trần Trợ (Nguyễn Đăng Na, Nguyễn Thanh Chung dịch, Nguyễn Đăng Na chú giải và giới thiệu, 2008), Nxb Văn học; Lan Trì kiến văn lục của Vũ Trinh (Hoàng Văn Lâu dịch chú và giới thiệu, 2013), Nxb Hồng Bàng; Tân truyền kỳ lục của Phạm Quý Thích (Hà Ngọc Xuyền dịch, chú thích, 1969), Trung tâm học liệu xuất bản; Việt Nam kỳ phùng sự lục (Khuyết danh, Phan Văn Các dịch, chú thích, 2008), Nxb Văn học; và một số tác phẩm khác. 4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Do tính chất đặc thù của đối tượng nghiên cứu (truyện truyền kỳ) vì thế trong quá trình triển khai đề tài luận án, chúng tôi đã sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu. Một số phương pháp tiếp cận chủ yếu gồm: 4.1. Phương pháp nghiên cứu loại hình Phương pháp nghiên cứu loại hình thường được vận dụng để nhận thức, khám phá những đối tượng có hình thái đa dạng, phong phú, có số lượng lớn và quy mô khác nhau. Truyện truyền kỳ Việt Nam là một hiện tượng văn học rất phức tạp, không chỉ ở giá trị nội dung, hình thức nghệ thuật, nguồn gốc xuất xứ mà cả về văn bản tác phẩm, phương thức lưu hành… Nó vừa có đặc điểm, tính chất của văn xuôi bác học, văn học thành văn, đồng thời cũng mang đậm dấu ấn của văn học truyền khẩu, của truyện kể dân gian. Sự đa dạng về mặt hình thức, nguồn gốc, chức năng của đối tượng đòi hỏi phải có phương pháp tiếp cận thích hợp. Phương pháp loại hình có thể giúp nhận diện, phân loại, đánh giá truyện truyền kỳ một cách thuận lợi, hiệu quả. 4.2. Phương pháp nghiên cứu điển hình/ trường hợp (case study) Phương pháp nghiên cứu “điển hình”/ “trường hợp” (case study) là cách nhận thức dựa trên kết quả khảo sát đối tượng được lựa chọn có chủ ý. Do đặc trưng của loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam, chúng tôi sẽ đánh giá đặc điểm của nó trên cơ sở các “mẫu” hay “trường hợp” có tính điển hình (những tác phẩm mang tính đại diện). Sử dụng phương pháp điển hình, luận án sẽ không tiến hành nghiên cứu toàn bộ mà chỉ chọn một số trường hợp tiêu biểu. 5
  12. Kết quả khảo sát các “mẫu” sẽ là những căn cứ để từ đó khái quát nên đặc điểm và tính chất chung của truyện truyền kỳ. 4.3. Phương pháp phân tích, tổng hợp Phân tích, tổng hợp thường được xem là những phương pháp (hoặc thao tác) phổ biến trong quá trình nhận thức. Đây là hai cách thức tiếp cận đối tượng nghiên cứu khác nhau. Trong khi phân tích là chia tách, phân xuất đối tượng thành các yếu tố, bộ phận riêng lẻ, thì tổng hợp lại được thực hiện theo xu hướng ngược lại. Ở đề tài này, khi đi sâu tìm hiểu đặc điểm nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm, chúng tôi tiến hành phân tích - tổng hợp đối tượng một cách linh hoạt; nghĩa là tuỳ vào tính chất, đặc điểm của tác phẩm để lựa chọn cách tiếp cận hợp lý nhất. 4.4. Phương pháp so sánh, đối chiếu Mục tiêu của so sánh, đối chiếu là tìm ra những nét tương đồng và dị biệt giữa các đối tượng. Ở luận án này, phương pháp/ thao tác so sánh, đối chiếu được thực hiện ở các cấp độ khác nhau: so sánh tác phẩm với tác phẩm, so sánh các nhóm truyện truyền kỳ với nhau, so sánh truyện truyền kỳ với các thể loại/ loại hình khác; và trong một chừng mực nhất định, chúng tôi còn tiến hành việc so sánh truyện truyền kỳ Việt Nam và truyện của một số nền văn học trong khu vực. Qua so sánh đối chiếu trên nhiều “cấp độ” như vậy, diện mạo và đặc điểm truyện truyền kỳ Việt Nam sẽ được bộc lộ một cách rõ ràng, cụ thể hơn. 5. ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN Nghiên cứu đặc điểm loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam, công trình của chúng tôi có một số đóng góp mới, cụ thể như sau: - Nhận diện, mô tả loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam; phân tích các nhóm truyện truyền kỳ theo một quan niệm mới. - Đưa ra một cách nhìn khác về lịch sử loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam; trình bày quá trình hình thành, phương thức tiếp thu, tiếp biến của loại hình, qua đó nêu bật vị thế văn học sử cũng như quy luật vận động của nó trong tiến trình lịch sử của văn học dân tộc. - Làm rõ giá trị văn hóa - lịch sử của truyện truyền kỳ; chỉ ra vai trò, ý nghĩa của nó trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. 6
  13. 6. BỐ CỤC CỦA LUẬN ÁN Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, nội dung cơ bản của luận án được triển khai thành các chương cụ thể như sau: Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu Trong chương này chúng tôi đề cập đến tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài trên các vấn đề cụ thể như: văn bản, đặc điểm về nội dung, nghệ thuật của loại hình truyện truyền kỳ nói chung và truyện truyền kỳ Việt Nam nói riêng. Trên cơ sở những tư liệu đã thu thập được, chúng tôi đưa ra những nhận định sơ bộ, mang tính khái quát để định hướng nghiên cứu trong các chương tiếp theo của luận án. Chương 2. Loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam - quá trình vận động và phát triển. Trong chương này, những vấn đề chính được chúng tôi tập trung giải quyết gồm: một số vấn đề có tính chất lý thuyết về loại hình truyện truyền kỳ; nguồn gốc, lý do xuất hiện, quá trình vận động của loại hình truyện truyền kỳ. Thông qua đó, luận án phân tích những nguyên nhân, điều kiện cụ thể như: hoàn cảnh lịch sử, môi trường xã hội, tâm thức văn hóa, điều kiện sống của cộng đồng… những yếu tố chủ yếu chi phối đến quá trình hình thành và phát triển của truyện truyền kỳ Việt Nam. Chương 3. Đặc điểm loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam - những giá trị văn hóa, lịch sử. Chương này đi sâu phân tích các giá trị cốt lõi của loại hình truyện truyền kỳ. Đó là ký ức của cộng đồng về những nhân vật, sự kiện lịch sử, những giá trị văn hoá, những vấn đề liên quan đến đời sống tôn giáo, tín ngưỡng… được lưu giữ, thể hiện qua các thiên truyện cụ thể. Chương 4. Đặc điểm loại hình truyện truyền kỳ Việt Nam - từ phương thức thể hiện. Chương này tập trung khảo sát những đặc trưng nghệ thuật của truyện truyền kỳ qua các yếu tố, phương thức thể hiện: đặc điểm cốt truyện, nghệ thuật trần thuật, thế giới hình tượng, đặc điểm lời văn truyện truyền kỳ... Luận án cũng dành một phần có tính chất phụ lục để bổ sung, làm rõ thêm một số thông tin cần thiết liên quan đến nội dung luận án. 7
  14. Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU Truyện truyền kỳ Việt Nam là đối tượng được giới chuyên môn tiến hành nghiên cứu từ rất sớm, các vấn đề được quan tâm tìm hiểu cũng hết sức đa dạng. Rất nhiều công trình dưới dạng bài báo, tham luận, sách, luận văn, luận án… liên tục được công bố trong suốt thời gian dài. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đã tiếp cận truyện truyền kỳ một cách toàn diện, từ những vấn đề chung đến những vấn đề cụ thể. Để có cơ sở triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, ở chương này, chúng tôi sẽ phác thảo lịch sử vấn đề qua hai điểm chính. Thứ nhất, trình bày tình hình nghiên cứu truyện truyền kỳ Việt Nam nói chung và thứ hai, mô tả, bàn luận về những công trình nghiên cứu có liên quan trực tiếp đến đề tài. Trên nền tảng này, chúng tôi sẽ đưa ra những nhận định, đánh giá; đồng thời, nêu vấn đề và hướng giải quyết cụ thể của luận án. 1.1. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TRUYỆN TRUYỀN KỲ NÓI CHUNG 1.1.1. Vấn đề văn bản truyện truyền kỳ Nhìn vào thư mục nghiên cứu truyện truyền kỳ, có thể nói từ trước đến nay, trong lĩnh vực nghiên cứu về truyện truyền kỳ Việt Nam, văn bản tác phẩm là vấn đề thu hút sự chú ý của giới chuyên môn sớm nhất và cũng là mảng đạt những kết quả cụ thể, rõ ràng hơn cả. Có rất nhiều phương diện liên quan đến vấn đề văn bản đã được giải quyết. Chẳng hạn công bố những tác phẩm mới phát hiện, giới thiệu bản dịch, hiệu đính văn bản, trao đổi, tranh luận về các chi tiết, các từ ngữ cụ thể… Điều này thực ra cũng không có gì khó hiểu bởi vì văn bản chính là “chất liệu”, “đầu mối” của mọi hoạt động nghiên cứu văn học, nhất là đối với văn học trung đại. Không có văn bản đáng tin cậy thì mọi bình tán, suy luận về đối tượng đều vô nghĩa. Thời trung đại, công việc trước thuật ở nước ta nhìn chung là rất hạn chế. Những người có điều kiện tham gia vào việc sưu tập, san định, bình chú… văn chương không phải là quá nhiều; số lượng, kiểu loại công trình cũng ít và quy mô hầu hết đều nhỏ lẻ. 8
  15. Trên cái nền chung còn nhiều điểm hạn chế như vậy, thành tựu nghiên cứu văn bản tác phẩm truyện truyền kỳ tất nhiên cũng không quá nhiều. Suốt từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, nổi bật là ý kiến của các nhà Nho như Nguyễn Văn Chất, Vũ Quỳnh, Kiều Phú, Lê Tự Chi, Nguyễn Hãng, Lê Quý Đôn, Lê Hữu Hỷ, Vũ Khâm Lân, Gia Cát Thị, Cao Huy Diệu, Cao Bá Quát… Tuy vậy, những nghiên cứu, bàn luận về truyện truyền kỳ nói chung, văn bản nói riêng thường chỉ giới hạn trong một số tác phẩm cụ thể và phần nhiều đều là những lời đánh giá mang tính khái quát, khuôn mẫu. Bước sang thời hiện đại, việc nghiên cứu văn bản truyện truyền kỳ mới được chú ý nhiều hơn. Nhà thư tịch học Trần Văn Giáp là một trong số những người góp nhiều công sức cho lĩnh vực này. Công trình Lược truyện các tác gia Việt Nam (2 tập, tập I xuất bản vào năm 1962, tập 2 vào năm 1972) của ông đã giới thiệu một cách có hệ thống, đầy đủ về các tác giả, tác phẩm văn chương trung đại Việt Nam, trong đó có mảng văn học truyền kỳ. Tuy nhiên, vì đây là sách thuộc dạng “lược truyện”, tức là giới thiệu tóm tắt. Những thông tin về tác giả, tác phẩm chỉ ở mức sơ lược. Do đó mà sách cũng không thể đề cập sâu đến lĩnh vực văn bản. Dù sao thì Lược truyện các tác gia Việt Nam cũng là một tác phẩm có ý nghĩa rất quan trọng đối với giới nghiên cứu văn học dân tộc nói chung, truyện truyền kỳ nói riêng. Cũng nghiên cứu về văn chương cổ điển, có thể kể thêm cuốn Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại gồm 3 tập, dày trên hai nghìn trang của Nguyễn Đăng Na, được công bố vào năm 2002. Xét trên phương diện khảo cứu thì đây là bộ sách công phu, bề thế hơn cả trong số các chuyên khảo về văn xuôi trung đại kể từ trước cho đến lúc này. Công trình có phần nghiên cứu văn bản truyện truyền kỳ rất đáng chú ý. Nhiều văn bản được tác giả trích tuyển giới thiệu một cách chi tiết, cụ thể. Nhà nghiên cứu đã hiệu đính hoặc dịch lại một số truyện truyền kỳ trong các sách Việt điện u linh tập, Lĩnh Nam chích quái lục, Truyền kỳ mạn lục… rất công phu, tỉ mỉ; đồng thời cũng đưa ra những ý kiến biện giải có sức thuyết phục cao. Ngoài hai công trình mang tính tổng hợp như vừa kể, vấn đề văn bản truyện truyền kỳ chủ yếu được đề cập trong các bài nghiên cứu riêng về từng tác phẩm cụ thể. Các trường hợp được bàn thảo nhiều nhất là văn bản Thiền uyển tập anh ngữ 9
  16. lục, Việt điện u linh tập, Lĩnh Nam chích quái lục, Nam Ông mộng lục, Truyền kỳ mạn lục, Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ tân phả. Văn bản Việt điện u linh tập được giới nghiên cứu chú ý rất nhiều vì tính chất quan trọng của tác phẩm. Đúng như Nguyễn Đăng Na nhận định (trong bài “Quan điểm và phương pháp biên soạn Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên”, Tạp chí văn học, số 1/ 1986; in lại trong Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, 2006), quá trình hoàn thiện văn bản Việt điện u linh tập là một sự tiếp nối liên tục, kéo dài suốt từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XX: “Từ khi ra đời - thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XX, tác phẩm luôn luôn là đối tượng quan tâm của các thế hệ. Chẳng hạn Nguyễn Văn Chất (thế kỷ XV), Lê Tự Chi và Nguyễn Hãng (thế kỷ XVI), Lê Hữu Hỉ, Vũ Khâm Lân và Gia Cát Thị (thế kỷ XVIII), Cao Huy Diệu (thế kỷ XIX), Ngô Giáp Đậu (thế kỷ XX)… đã kế tục nhau sưu tầm, tục biên, tục bổ, tăng bổ, trùng bổ, tân đính hiệu bình, tiếm bình” [93, tr.114]. Từ giữa thế kỷ XX về sau, văn bản Việt điện u linh tập vẫn tiếp tục được nghiên cứu để hoàn thiện. Điều này thể hiện qua khâu hiệu chỉnh văn bản ở các lần xuất bản khác nhau: bản Việt điện u linh tập (Nxb Văn học, 1960) do Trịnh Đình Rư dịch, Đinh Gia Khánh giới thiệu; Việt điện u linh tập (Nxb Khai Trí, 1961) do Lê Hữu Mục dịch và giới thiệu; Việt điện u linh tập (Nxb Sống Mới, 1974) do Ngọc Hồ dịch và giới thiệu… Trong số các văn bản Việt điện u linh tập hiện có, bản được nhà văn Ngô Giáp Đậu (tác giả bộ tiểu thuyết Hoàng Việt long hưng chí) chọn và viết Trùng bổ, Bạt trùng (năm 1919) có lẽ là văn bản đáng tin cậy hơn cả. Bên cạnh Việt điện u linh tập, trường hợp văn bản Lĩnh Nam chích quái lục cũng hết sức phức tạp. Kể từ khi xuất hiện (thế kỷ XV) cho đến nay, Lĩnh Nam chích quái lục đã được các thế hệ học giả bàn thảo, bình luận, đánh giá về nhiều phương diện. Tuy nhiên vấn đề văn bản tác phẩm Lĩnh Nam chích quái lục vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết ổn thỏa. Các câu hỏi như sách này có mấy thiên(?) gồm những thiên nào(?) luôn được quan tâm thảo luận. Ý kiến của các nhà nghiên cứu cũng không thật thống nhất. Có thể kể đến Nguyễn Đăng Na trong Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam (2006), Nguyễn Huệ Chi trong bài “Trên đường đi tìm một văn bản cổ Lĩnh Nam chích quái”, (Tạp chí Văn học, số 6, 1974), Thơ văn Lý 10
  17. Trần, tập 2 (cũng của Nguyễn Huệ Chi, 1978); Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San trong “Lời nói đầu” sách Lĩnh Nam chích quái (1990); Nguyễn Thị Oanh trong bài “Một số vấn đề liên quan đến văn bản Lĩnh Nam chích quái”, (Thông báo Hán Nôm học, 2001); “Về quá trình lưu truyền các loại văn bản Lĩnh Nam chích quái”, Tạp chí Hán Nôm, số 3 (48), 2001)… Đối với vấn đề văn bản Truyền kỳ mạn lục, điều được quan tâm hơn cả chính là số lượng truyện/ thiên trong tác phẩm này. Trên thực tế, dựa vào điều kiện thư tịch hiện có, số truyện trong Truyền kỳ mạn lục có đến 3 khả năng (là 20 thiên, 21 thiên hoặc 22 thiên). Có thể nói, việc minh định một cách dứt khoát số thiên/ truyện ở đây là rất khó khăn. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na, tác giả của nhiều bài viết bàn sâu đến tình trạng văn bản tác phẩm này cũng chỉ nhận xét một cách chung chung là: “xét về phương diện chủ đề cũng như những đặc trưng xã hội - thẩm mĩ, hai truyện Bổ và Phụ truyền kỳ có nhiều nét gần gũi với Truyền kỳ mạn lục. Từ đó ta có thể nghĩ rằng, chúng chính là hai truyện được tăng bổ trong Truyền kỳ mạn lục chăng? Vậy con số 21 hoặc 22 mà các bản trong Lịch triều hiến chương loại chí ghi nhận kia có ý nghĩa riêng của nó. Tuy nhiên, để đi đến khẳng định rằng, truyện Bổ và Phụ truyền kỳ chắc chắn của Truyền kỳ mạn lục thì cần phải thêm tư liệu và nghiên cứu một cách tỉ mỉ hơn” [93, tr.199]. Liên quan đến vấn đề văn bản Truyền kỳ mạn lục còn có các bài viết của Trần Trọng Dương trong bài “Vài ý kiến về cách đọc một số chữ Nôm trong Truyền kỳ mạn lục giải âm”, (Thông báo Hán Nôm học, 2002); Hoàng Hồng Cẩm có bài “Nghiệp oan nàng họ Đào, bản dịch Nôm của Nguyễn Thế Nghi”, (Thông báo Hán Nôm học, 1997)… Về văn bản sách Thánh Tông di thảo, luận điểm của nhà nghiên cứu Trần Bá Chí là rất đáng chú ý. Trong bài “Về sách Thánh Tông di thảo”, (Tạp chí Hán Nôm, số 5 (78) 2006) tác giả cho rằng, có cơ sở để xem các truyện “Yêu nữ Mai Châu”, “Bài ký dòng dõi con thiềm thừ”, “Hai Phật cãi nhau”, “Bức thư của con Muỗi”, “Lời phân xử của anh điếc anh mù”, “Gặp tiên ở hồ Lãng Bạc”, “Bài kí giấc mộng”, “Tinh chuột” là của Lê Thánh Tông. Còn các truyện khác thì ông cho rằng có thể do người sống ở thời Lê Thánh Tông biên soạn. Chẳng hạn như truyện “Hai thần hiếu 11
  18. đễ” có thể “do Nguyễn Nhân Bị hoặc Nguyễn Xung Xác (hội viên Tao Đàn) hoặc do một trong những người họ Nguyễn ở làng Kim Đôi sáng tác. (…) Thế hệ sau là những tác giả được tiếp cận để bảo tồn Thánh Tông di thảo. Di thảo bị rách, bị nát họ tìm cách bổ cứu, sửa chữa, nhuận sắc, viết tựa, viết lời bàn; họ sáng tác thêm những truyện truyền kỳ mà họ biết được, thấy được, nghe được. (…) Họ là những văn nhân sống vào khoảng thời Lê mạt Nguyễn sơ” [26, tr. 33-39]. Cũng theo quan niệm của Trần Bá Chí thì các văn nhân tài tử ẩn danh này có vai trò rất đáng kể trong việc hoàn thiện tác phẩm của tiền nhân. Những kẻ tài hoa lãng tử đó đã nhuận chính, bổ chú, thậm chí bổ sung thêm tác phẩm. “Họ đọc nhiều hiểu rộng, đam mê loại truyện thần tiên và họ đủ tài viết nên những truyện truyền kỳ. Họ đã đọc truyện Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ và viết lời tựa để bảo tồn di thảo. Đối với Thánh Tông di thảo cũng vậy, họ cũng đã đọc kỹ, viết lời bàn, lời tựa với ý thức hoàn thiện, bảo tồn di thảo” [26, tr. 21-26]. Có thể nói đối với việc nghiên cứu văn bản truyện truyền kỳ, thành tựu đạt được là rất nhiều, song vấn đề cần tiếp tục tìm hiểu, xử lý cũng không ít. Hầu như mọi tác phẩm đều có những vướng mắc nhất định. Không chỉ văn bản Việt điện u linh tập, Lĩnh Nam chích quái lục, Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục… mà còn rất nhiều trường hợp khác nữa. Có thể kể đến bài của Lê Mạnh Thát trong “Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh”, (Tu thư Phật học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1976); hoặc bài của Trần Nghĩa, “Góp phần giải quyết những vấn đề văn bản học đang đặt ra đối với Công dư tiệp ký”, (Tạp chí Hán Nôm, số 4, 1996); Phạm Đức Duật trong bài “Sự tích Không Lộ Minh Không qua quyển sách chữ Hán mới sưu tầm”, (Tạp chí Hán Nôm, số 1, 1984)… Một số nhà nghiên cứu người nước ngoài, với những cách nhìn khác nhau cũng có nhiều công trình bàn luận về văn bản truyện truyền kỳ Việt Nam rất đáng chú ý. Có thể kể đến các bài báo, sách của Lưu Ngân Xuân, Vương Tiểu Thuẫn, Trần Ích Nguyên (2000; 2009); Niculin, N.I (2009); Riftin, B. (2006); Tkachev, M. (2006), Jeon Hye Kyung (2004)… 12
  19. 1.1.2. Vấn đề nghiên cứu so sánh truyện truyền kỳ Một vấn đề khác cũng được giới chuyên môn bàn luận nhiều là mối quan hệ giữa truyện truyền kỳ Việt Nam và truyện truyền kỳ các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Tuy nhiên, việc nghiên cứu so sánh này chủ yếu chỉ tập trung vào trường hợp Truyền kỳ mạn lục (Việt Nam), Tiễn đăng tân thoại (Trung Quốc), Kim Ngao tân thoại (Hàn Quốc), Vũ nguyệt vật ngữ (Nhật Bản). Có thể xem đây là lối so sánh dựa theo phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình (case study) vốn rất phổ biến trong các lĩnh vực khoa học khác. Đối tượng so sánh ở đây khá đa dạng. Chẳng hạn so sánh trên phương diện giá trị văn hóa, văn học nói chung. Điều này được thể hiện trong công bố của nhiều tác giả: Trần Đình Sử trong bài “So sánh văn học và văn hóa - Nguyễn Dữ và tiên thoại Trung Quốc qua truyện Từ Thức lấy vợ tiên”, (Tạp chí Văn học số 5, năm 2000); Jeon Hye Kyung trong bài “Ý nghĩa văn học sử của tiểu thuyết truyền kỳ Hàn - Trung - Việt”, (Tạp chí Nghiên cứu văn học số 12, năm 2006)… Tác giả Đinh Thị Khang trong bài “So sánh chuyện tình giữa người và hồn ma trong Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục” tiến hành lý giải hiện tượng gần gũi, thậm chí có cả tình trạng trùng lặp giữa các mô tip nghệ thuật trong tác phẩm của Cù Hựu (Trung Quốc) và Nguyễn Dữ (Việt Nam). Tác giả đã phân tích khá kỹ lưỡng mô tip tình ái giữa hồn ma và người trong hai tác phẩm. Từ kết quả so sánh những tình tiết, chi tiết giống/ tương đồng giữa hai tác phẩm, tác giả Đinh Thị Khang kết luận rằng chính nguyên nhân lịch sử - văn hóa đã tạo nên sự giống nhau về những mô tip, chủ đề, thủ pháp nghệ thuật ở Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn, trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 6, năm 2008 có bài “So sánh kiểu truyện “người lạc cõi tiên” trong văn học Việt Nam với tiểu thuyết Cửu Vân Mộng (Hàn Quốc)”. Thông qua việc khảo sát hai tác phẩm truyền kỳ tiêu biểu của Việt Nam là Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm và một tác phẩm của Hàn Quốc (Cửu Vân Mộng), tác giả cho rằng: “Đặt trong phối cảnh rộng lớn của truyền thống văn hóa phương Đông có thể nhận thấy mẫu hình nhân vật “người lạc cõi tiên” có nguồn gốc từ kho văn liệu cổ Trung Hoa và hệ 13
  20. thống văn học dân gian của các nước trong khu vực. Khảo sát riêng trong nền văn học trung đại sẽ thấy những điểm tương đồng và khác biệt ở kiểu nhân vật cũng như hình thức thể loại. (…) Mặc dù có sự khác biệt về quy mô và mức độ nhưng có thể thấy rõ những tương đồng về sự chi phối của tư tưởng Nho - Phật - Đạo và hình thức các chuyến viễn du đến cõi tiên, thủy cung, địa ngục và những miền đất lạ khác. Đây cũng chính là những đặc điểm cơ bản mang tính cộng đồng của một bộ phận văn xuôi Hàn Quốc và Việt Nam thời trung đại vốn cùng nằm trong quỹ đạo văn hóa Hán” [127, tr. 78-86]. Ở bình diện rộng hơn, tác giả Jeon Hye Kyung tiến hành so sánh 3 tác phẩm: Kim Ngao tân thoại (Hàn Quốc), Tiễn đăng tân thoại (Trung Quốc), Truyền kỳ mạn lục (Việt Nam) với nhau. Bài viết “Ý nghĩa văn học sử của tiểu thuyết truyền kỳ Hàn - Trung - Việt” công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 12/2006 chú ý nhiều đến tính chất loại hình của truyện truyền kỳ và động cơ của các tác giả trong quá trình sáng tác. Theo nhà nghiên cứu thì Kim Ngao tân thoại (Hàn Quốc), Tiễn đăng tân thoại (Trung Quốc), Truyền kỳ mạn lục (Việt Nam) là các trường hợp tiêu biểu nhất cho văn học truyền kỳ của ba nền văn học có liên quan với nhau. Qua so sánh, tác giả đã đưa ra những nhận định đáng chú ý về đặc điểm, mục đích sáng tác và tính chất loại hình của từng tác phẩm: “Kim Ngao ngoài chủ đề diễm tình, kỳ quái còn thể hiện ý đồ sáng tác của tác giả như giải mối hận không thi thố được tài năng và không nhận được chức quan gì ở thế giới hiện thực (các nhà nghiên cứu Hàn Quốc cho rằng điều này đã ngầm thể hiện lòng trung thành của tác giả đối với nhà vua trước đó). Truyền kỳ ngoài chủ đề diễm tình, kỳ quái còn thể hiện ý đồ sáng tác của tác giả như nêu cao lòng yêu nước, diệt trừ yêu quái, giáo huấn con người, nêu cao trinh tiết của người phụ nữ, phê phán hiện thực. Tiễn đăng đã xây dựng được nhân vật, bối cảnh, cốt truyện rất đa dạng nhưng không thấy những nét khắc họa sâu sắc để ngụ ý ý đồ sáng tác của tác giả giống như Kim ngao. Vì vậy, ta có thể nói rằng Tiễn đăng được sáng tác nhằm mục đích gây nhiều hứng thú và giáo huấn cho độc giả. (…) Tác giả truyền kỳ đã tiếp nhận ảnh hưởng phương thức sáng tác của Tiễn đăng để rồi sáng tác nên tác phẩm trên cơ sở truyện cổ dân gian kỳ lạ của Việt Nam. Qua đó, ta có thể thấy truyền kỳ có hình thái của thể loại tiểu thuyết truyền kỳ đầu tiên. Đồng thời, ta có thể nói rằng Tiễn đăng được sáng tác nhằm mục 14
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2