intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Hán Nôm: Khảo cứu Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ từ góc nhìn văn bản học và diên cách địa danh

Chia sẻ: Kethamoi5 Kethamoi5 | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:153

46
lượt xem
7
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận văn trình bày tóm lược một số vấn đề về lịch sử nghiên cứu bản đồ cổ Việt Nam; diên cách địa danh học lịch sử thông qua so sánh Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ với một số bản đồ cổ khác, từ đó đánh giá mối quan hệ tham khảo qua lại giữa những người vẽ các tấm bản đồ ấy. Mời các bạn cùng tham khảo luận văn để nắm chi tiết nội dung nghiên cứu.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Hán Nôm: Khảo cứu Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ từ góc nhìn văn bản học và diên cách địa danh

  1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI LÊ VĂN ẤT KHẢO CỨU HOÀNG LÊ CẢNH HƯNG BẢN ĐỒ TỪ GÓC NHÌN VĂN BẢN HỌC VÀ DIÊN CÁCH ĐỊA DANH Ngành : HÁN NÔM Mã số: 8.22.01.04 LUẬN VĂN THẠC SĨ HÁN NÔM NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC TS. Nguyễn Tuấn Cường HÀ NỘI – 2019
  2. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan rằng: - Luận văn Thạc sĩ này là kết quả nghiên cứu của riêng tôi dưới sự hướng dẫn của người hướng dẫn khoa học, chưa từng được công bố trong các công trình của ai khác. - Luận văn đã tiến hành nghiên cứu một cách nghiêm túc, cầu thị. - Kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu khác đã được tiếp thu, bình luận và đánh giá khách quan, có dẫn nguồn cụ thể. Tác giả Luận văn
  3. LỜI CÁM ƠN Tôi xin bày tỏ lòng tri ân tới TS Nguyễn Tuấn Cường (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), thầy hướng dẫn khoa học của tôi đã tận tình hướng dẫn và chỉ bảo không chỉ trong giới hạn nghiên cứu đề tài luận văn mà còn trong nhiều vấn đề khoa học khác. Tôi xin gửi lời cám ơn tới PGS Trịnh Khắc Mạnh (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), Th.s NCS Phan Đăng Thuận (Viện Sử Học), Th.s Dương Văn Hà (Viện Trần Nhân Tông), NCS Nguyễn Thụy Đan (Đại học Columbia – Mỹ) đã giúp đỡ tôi rất nhiều để tôi hoàn thành luận văn Thạc sĩ. Luận văn này là phép cộng thời gian mà tôi dành cho gia đình, bạn bè, đặc biệt là người bạn của tôi. Nhân đây tôi cũng gửi lời cám ơn tới mọi người đã luôn tạo điều kiện cũng như động viên tôi hoàn thành luận văn này.
  4. MỤC LỤC MỞ ĐẦU ........................................................................................................................... 6 CHƯƠNG 1: Một số vấn đề về lịch sử nghiên cứu bản đồ cổ Việt Nam .................... 10 1.1 Lý thuyết bản đồ .......................................................................................................... 11 1.2 Nghiên cứu lịch sử bản đồ học Việt Nam .................................................................... 14 1.3 Thư mục học về bản đồ cổ Việt Nam .......................................................................... 15 1.4 Khảo cứu văn bản bản đồ ............................................................................................. 17 1.4.1 Bản đồ Thăng Long................................................................................................... 17 1.4.2 Bản đồ Hoàng Sa....................................................................................................... 18 1.4.3 Các bản đồ khác ........................................................................................................ 22 1.5 Công trình phiên dịch và giới thiệu ............................................................................. 27 Tiểu kết chương 1 .............................................................................................................. 29 CHƯƠNG 2: Các vấn đề văn bản học Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ ......................... 31 2.1 Đôi nét về văn bản Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ ....................................................... 31 2.2 Tên gọi văn bản ............................................................................................................ 33 2.3 Tác giả bản đồ .............................................................................................................. 34 2.4 Niên đại văn bản .......................................................................................................... 35 Tiểu kết chương 2 .............................................................................................................. 46 CHƯƠNG 3: Diên cách địa danh qua đối chiếu Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ với một số bản đồ khác........................................................................................................... 48 3.1 Địa lý học lịch sử và địa danh học lịch sử ................................................................... 48 3.1.1 Địa lý học lịch sử ...................................................................................................... 48 3.1.2 Địa danh học lịch sử.................................................................................................. 49 3.2 Nghiên cứu địa danh học lịch sử qua so sánh bản đồ .................................................. 50 a. Phần Thượng văn ........................................................................................................... 58 b. Phần Hạ đồ ..................................................................................................................... 63 Tiểu kết chương 3 .............................................................................................................. 70 KẾT LUẬN ....................................................................................................................... 72 Danh mục tài liệu trích dẫn ................................................................................................ 75 Phụ Lục .............................................................................................................................. 85 Pục lục 1: Bảng quy đổi địa danh lộ trình đường bộ ......................................................... 86 Phụ lục 2: Bảng quy đổi địa danh nhật trình đường thủy .................................................. 89 Phụ lục 3: Bảng thống kê mật độ phân bố địa danh........................................................... 90 Phụ lục 4: Bảng thống kê nội dung phân bố địa danh ....................................................... 98 Phụ lục 5: Bản dịch Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ ........................................................... 105
  5. DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT 1. ANQĐ: An Nam quốc đồ 2. ANĐQHĐ: An Nam đại quốc họa đồ 3. ĐNNTC: Đại Nam nhất thống chí 4. GNNBNĐ: Giáp Ngọ niên bình Nam đồ 5. HĐBĐ: Hồng Đức bản đồ 6. HLCHBĐ: Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ 7. QTĐST: Quảng Thuận đạo sử tập 8. TTTNTCLĐT: Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư 9. TNTCLĐT: Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư
  6. MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Bản đồ là phương tiện mà qua đó, người ta căn cứ theo một số nguyên tắc toán học nhất định, vận dụng các hệ thống ký hiệu, lấy hình thức vẽ và chữ số để biểu thị các hiện tượng tự nhiên và xã hội về mặt phân bố không gian.1 Nghiên cứu bản đồ cổ ở Việt Nam vốn không phải là một lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm, nhưng trong khoảng chục năm trở lại đây, do nhu cầu phục vụ việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải quốc gia, công tác nghiên cứu bản đồ cổ đã dần khởi sắc, ngày càng được học giới quan tâm nhiều hơn. Gần đây chúng tôi2 may mắn tiếp cận một văn bản Hán Nôm bằng giấy dó, có nhan đề Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ 皇黎景興版圖 (HLCHBĐ) 3 mới được chúng tôi sao chụp từ thư viện Đại học Keio, Tokyo, Nhật Bản. Tên sách này không thấy xuất hiện trong kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hay bất cứ kho sách khác trong nước.4 Văn bản này hiện nay mới được giới thiệu sơ bộ và khai thác phần bản đồ liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, chứ chưa nghiên cứu toàn diện. HLCHBĐ tuy là một bản đồ nhật trình5 chép lại thời Nguyễn nhưng nội dung truyền tải lại ở thế kỷ 17. Đây là tập bản đồ mô tả đường đi từ thành Thăng Long tới khu vực Chiêm Thành xưa, ghi chép về trạm dịch, cầu cống, thành trì, chiến lũy, cửa biển, đơn vị hành chính cùng đặc trưng của từng khu vực… Với nội dung như vậy, đây là một văn bản có giá trị nghiên cứu về nhiều mặt: chính trị, quân sự, diên 1 “ 按照一定数学法则,运用符号系统,以图形或数字的形式表示具有空间分布的自然与社 会现象的载体。” [94, tr.1] 2 Xin lưu ý một điều về nguồn gốc văn bản Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ, là do thầy hướng dẫn của tôi, tức là TS. Nguyễn Tuấn Cường nhân chuyến công tác tại Nhật Bản mà thu thập. 3 Sách thuộc Tư Đạo văn khố 斯道文庫 (Shido Bunko), Đại học Keio (Tokyo, Nhật Bản). Về Tư Đạo văn khố, xem thêm, [47, tr. 761 – 771]. 4 Chúng tôi có tra cứu một số tư liệu, như: [45tr. 38], [46, tr.63 - 77], [18, tr. 317 – 384], [ 44, tr. 148 – 159], [109, tr. 478 – 508]. Tuy nhiên, không có bất cứ thông tin gì về văn bản này. 5 “Một hình thức quan trọng của bản đồ thời Lê là các tập nhật trình (nhật ký đi đường) nó thường vẽ lại, miêu tả các tuyến đường từ Kinh Đô tới các vị trí bên trong hoặc bên ngoài đường biên giới Việt phía Bắc – Nam. Loại bản đồ này bắt đầu với chiến dịch chinh phạt Chiêm Thành năm 1471 của Lê Thánh Tông” [109, tr.490].
  7. cách địa danh hành chính, địa danh cửa biển, cho tới đặc trưng vùng miền và khu vực. Hơn nữa, có thể xem đây là một tài liệu đáng tin cậy để so sánh đối chiếu với những nhật trình đồng đại và lịch đại, như: Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư 天南四至路 圖書 (TNTCLĐT), Giáp Ngọ niên bình Nam đồ 甲午年平南圖 (GNNBNĐ), Quảng Thuận đạo sử tập 廣顺道史集 (QTĐST)… trên nhiều phương diện: phương pháp vẽ, đặc trưng bản đồ, nội dung truyền tải… Vì vậy, khi thực hiện đề tài luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Hán Nôm, tôi mong muốn thực hiện đề tài nghiên cứu về HLCHBĐ.Tuy nhiên, sau một quá trình tìm hiểu, tôi nhận thấy tập bản đồ ẩn chứa nhiều góc độ và khả năng nghiên cứu mà có thể tôi chưa trình bày hết trong khuôn khổ một luận văn Thạc sĩ. Cho nên, tôi lựa chọn đề tài “Khảo cứu HLCHBĐ từ góc độ văn bản học và diên cách địa danh” để có cơ hội giới thiệu, phiên dịch, và nghiên cứu một số phương diện của tập bản đồ. Những vấn đề còn lại, hi vọng tôi sẽ tiếp tục có cơ hội tìm hiểu ở những công trình khác. 2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài Hiện tại, HLCHBĐ đã được giới thiệu sơ bộ và khai thác phần bản đồ liên quan đến quần đảo Hoàng Sa trong một đề tài nghiên cứu cấp Bộ của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, do TS Nguyễn Tuấn Cường chủ trì, TS Trần Trọng Dương làm thư kí, nghiệm thu năm 2017. Tuy nhiên, hai tác giả trên chưa tiến hành giới thiệu tổng thể và nghiên cứu sâu về toàn bộ cuốn sách. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Luận văn đặt ra một số mục tiêu sau: - Trình bày tóm lược một số vấn đề về lịch sử nghiên cứu bản đồ cổ Việt Nam. Đây là nền tảng tri thức quan trọng, tạo tiền đề cho công trình nghiên cứu của tác giả. - Xử lý các vấn đề văn bản học của HLCHBĐ.
  8. - Nghiên cứu về diên cách địa danh học lịch sử thông qua so sánh HLCHBĐ với một số bản đồ cổ khác, từ đó đánh giá mối quan hệ tham khảo qua lại giữa những người vẽ các tấm bản đồ ấy. - Phiên dịch toàn bộ nội dung văn tự trong HLCHBĐ. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của đề tài này là văn bản HLCHBĐ, hiện được lưu trữ tại Tư Đạo văn khố, Đại học Keio, Tokyo, Nhật Bản. 4.2. Phạm vi nghiên cứu Phạm vi nghiên cứu được tập trung vào góc độ văn bản học và diên cách địa danh thông qua việc đối chiếu HLCHBĐ với một số bộ bản đồ cổ khác. 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu Để nghiên cứu đề tài này, tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu cơ bản sau đây: Phương pháp văn bản học: để giám định niên đại, xác định giá trị thời điểm sao chép văn bản. Phương pháp ngữ văn học: phiên âm, dịch nghĩa, chú thích văn bản HLCHBĐ. Phương pháp địa danh học lịch sử, nhằm tìm hiểu diên cách địa danh qua một số bản đồ khác. Phương pháp điền dã, nhằm bổ sung, đánh giá, đối chiếu địa danh học lịch sử. Ngoài ra luận văn còn dùng các thao tác chung trong nghiên cứu khoa học: mô tả, phân tích, thống kê, so sánh…
  9. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn HLCHBĐ là một bản đồ nhật trình từ Thăng Long cho tới Chiêm Thành. Với nội dung truyền tải là tư liệu thế kỷ XVII - XVIII từ dịch trạm, đường xá, cầu cống, hành chính... Cho nên việc nghiên cứu HLCHBĐ chính là nghiên cứu đa phương diện, như: văn hóa, chính trị, lịch sử, tư tưởng… 7. Kết cấu luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, luận văn gồm có 3 chương: Chương 1: Một số vấn đề về lịch sử nghiên cứu bản đồ cổ Việt Nam Ở chương này, nêu ra một số vấn đề nghiên cứu bản đồ cổ Việt Nam, từ đó nhận xét và đánh giá những thành tựu đạt được nghiên cứu bản đồ Việt Nam. Chương 2: Các vấn đề văn bản học Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ Chương này bàn về các vấn đề văn bản học của văn bản, như: tên gọi văn bản, tác giả và niên đại văn bản. Chương 3: Diên cách địa danh qua đối chiếu Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ với một số bản đồ khác Chương này trình bày về địa danh học Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ và nghiên cứu diên cách địa danh học lịch sử qua trường hợp nghiên cứu diên cách địa danh cửa biển.
  10. CHƯƠNG 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU BẢN ĐỒ CỔ VIỆT NAM Nghiên cứu bản đồ cổ Việt Nam được thực hiện khá sớm, vào cuối thế kỷ XIX (1896) học giả người Pháp là Gustave Dumoutier công bố công trình bằng tiếng Pháp Étude sur un portulan Annamite du XV siècle (Nghiên cứu về bản đồ Hàng Hải xứ An Nam thế kỷ XV) [101], đã mở đầu cho các học giả trong và ngoài nước thảo luận về lịch sử bản đồ cổ Việt Nam. Trong phạm vi khảo sát của chúng tôi, từ năm 1896 đến nay (2019), có tất cả khoảng 71 nghiên cứu về bản đồ cổ Việt Nam đến từ các học giả trong và ngoài nước đã được công bố. Những nghiên cứu này chủ yếu thuộc bốn khối ngôn ngữ chính là tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Trung; trong đó, các nghiên cứu bằng tiếng Việt vẫn mang tính chủ đạo. Có thể vẫn còn một số công trình khác bị bỏ sót do quá trình thu thập các tư liệu còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, trong phần này, chúng tôi chỉ xin phép lược thuật tình hình nghiên cứu bản đồ cổ Việt Nam dựa trên những tư liệu mà chúng tôi đã tiếp cận được. Tính từ năm 1896 đến nay (2019), bình quân hơn 2 năm mới có một bài viết được công bố. Các học giả nghiên cứu bản đồ cổ Việt Nam không nhiều, trong 70 năm đầu công bố không quá 3 bài viết, tức là bình quân hơn 20 năm mới có một công trình nghiên cứu. Giai đoạn này nổi bật với công trình “Phiên âm và chú giải tập Hồng Đức bản đồ” năm 1962 của các nhà khoa học miền Nam thuộc Viện Khảo cổ học Sài Gòn [79]. Có thể nói đây là công trình đầu tiên giúp ta có cái nhìn rõ ràng về lịch sử bản đồ Việt Nam [109, tr. 478], góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu bản đồ cổ Việt Nam. Bốn mươi năm tiếp theo, số lượng bài viết gia tăng rất nhiều, khoảng 30 bài viết, nghĩa là bình quân gần 1 năm có một bài viết được công bố. Giai đoạn này nổi bật với bài viết “Cartography in Vietnam” (Bản đồ học Việt Nam) của John K.Whitmore năm 1994. Đây là công trình nghiên cứu lịch sử bản đồ cũng như nghiên cứu tổng thể về bản đồ Việt Nam duy nhất từ trước tới nay. Từ những năm 2000 trở lại đây, có khoảng 37 bài viết được công bố, bình quân công bố hơn hai bài viết trên một năm.
  11. Số liệu: Năm Số lượng công bố Bình quân 1896 > 1962 3 20 Năm / 1 công bố khoa học 1962 > 2000 30 1 Năm/ 1 công bố khoa học 2000 > 2019 37 1 Năm/ 2 công bố khoa học Biểu đồ 1.1: Biểu đồ số lượng công bố khoa học 40 30 20 10 0 1896 1962 2000 2019 số lượng Từ nội dung các công trình nghiên cứu giai đoạn này chúng tôi tổng hợp và phân loại thành từng nhóm để thảo luận: 1/ Lý thuyết bản đồ, 2/ Nghiên cứu lịch sử bản đồ học Việt Nam, 3/ Thư mục học bản đồ cổ Việt Nam, 4/ Công trình khảo cứu văn bản bản đồ Việt Nam, 5/ Các công trình phiên dịch và giới thiệu. Các bài viết này sẽ được chúng tôi lần lượt giới thiệu và bình luận trong những phần dưới đây. 1.1 Lý thuyết bản đồ Theo các học giả quốc tế hiện nay, nhận thức về địa lý được hình thành dựa trên “hình dung/ cấu tưởng”, thông qua phương tiện in ấn đại chúng (đặc biệt là báo chí) dưới ảnh hưởng của chính sách kiến tạo quốc gia dân tộc (nation – building) [12, tr. 65 – 86]. Benedict Anderson được biết đến là người đề xuất quan điểm này trong cuốn Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism. (Những cộng đồng tưởng tượng: suy tư về nguồn gốc và sự lan truyền chủ nghĩa dân tộc) [97]. Dựa trên quan điểm này, Thongchai Winichakul công bố cuốn sách Siam Mapped: A History of a Geo-Body of a Nation (Nước Xiêm bản đồ hóa: một
  12. Lịch sử về địa - thể của quốc gia) [105], công trình này được Duara, Prasẹnit đánh giá là “đây là một chuyên luận được đánh giá có cách tiếp từ góc độ chủ nghĩa dân tộc (Nationalism) mới mẻ” [102]; Trần Trọng Dương đánh giá “Tác giả cho rằng thuật ngữ “địa thể” (geo-body) với nghĩa rằng nó bao hàm lãnh thổ của một quốc gia được nhận thức bởi các công dân quốc gia đó thông qua các hình ảnh/ hình dung được bản đồ hóa. Khái niệm này khác và đối lập với khái niệm bản đồ trước đó về không gian địa lý” [12, tr. 66]. Dựa trên khái niệm “địa - thể” của Thongchai, Momoki Shiro công bố bài viết “Nation and Geo-Body in Early Modern Vietnam: A Preliminary Study through Sources of Geomancy” (Quốc gia và địa thế ở Việt Nam thời hiện đại sơ kỳ: nghiên cứu sơ bộ qua các nguồn tư liệu về thuật phong thủy) [108, tr. 126 – 153]. Tác giả khảo sát một số tư liệu địa lý phong thủy của Việt Nam, như An Nam cửu long kinh, Địa lý đồ chí… để chứng minh rằng các văn bản phong thủy này là một công cụ để “hình dung/cấu tưởng” về địa thể của Việt Nam. Một ví dụ khá điển hình được ông đưa ra là tấm bản đồ An Nam phong thủy, trung tâm của bản đồ là rốn phong thủy tỏa năng lượng theo long mạch, ông cho rằng: “dường như những miêu tả phong thủy giúp người ta tưởng tượng ra “địa – thể” một cách sâu sắc hơn những tấm bản đồ cùng thời. Bởi những tấm bản đồ thời Lê, cả bản đồ của quốc gia và địa phương, đều chứa ít các địa danh, chỉ có tên các đơn vị hành chính, và không rõ ràng về địa hình, như các dãy núi và con sông” [108, tr. 138]. Năm 2016, Liam C. Kelley, công bố một bài viết với dung lượng 34 trang có nhan đề: “From a Reliant Land to a Kingdom in Asia: Premodern Geographic Knowledge and the Emergence of the Geo-Body in Late Imperial Vietnam” (Từ một lãnh địa phụ thuộc đến một Vương quốc ở châu Á: kiến thức địa lý tiền cận đại và sự trỗi dậy địa thể của Việt Nam thời hậu kỳ đế chế) [104, tr. 7 - 39]. Dựa trên văn bản Nam quốc địa dư của Lương Trúc Đàm, tác giả kết luận một số sách địa lý và bản đồ Việt Nam ở cối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX đã phản ánh những nhận thức mới về quan niệm địa lý của phương Tây. Một ví dụ khác được ông dẫn thêm là những thuật ngữ địa lý mới trong cuốn sách Tân đính Nam quốc địa dư giáo khoa:
  13. “Nước ta nằm ở phía Nam của Á Tế Á, Bắc giáp với các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Chi Na….”, cách dùng địa danh mới như Á Tế Á, Trung Quốc, Chi Na, Cơ lô Miệt (km) cho thấy nhận thức về địa lý trong sách này đã chịu ảnh hưởng ít nhiều của tri thức phương Tây. Tác giả kết luận rằng: “Những văn bản như thế này bắt đầu tạo ra một địa thể cho Việt Nam. Rồi khi thông tin này được giảng dạy qua hệ thống nhà trường hiện đại, nơi các lớp học có những tấm bản đồ hiện đại treo tường như chúng ta thấy trong bức ảnh dưới đây, thì địa thể ấy bắt đầu hiện hiện” [104, tr. 33]. Một năm sau (2017), theo dòng quan điểm trên, Trần Trọng Dương đã công bố một bài viết với nhan đề “Bản đồ và tri tạo kiến văn địa lý ở Việt Nam thời tiền cận đại qua mẫu hình nhà Nho và hành đạo Nguyễn Huy Quýnh” [12]. Bài viết này bàn luận về hoạt động tri tạo kiến văn địa lý ở Việt Nam trong quá khứ thông qua trường hợp QTĐST của Nguyễn Huy Quýnh. Bài viết nổi bật với phần thảo luận khái niệm và phương pháp, tác giả thuật lại người khởi xướng quan điểm “Literacy/ tri tạo kiến văn” (Benedict Anderson) cùng một số học giả cùng có cùng quan điểm như: Thongchai Winichakul, K. W. Taylor, Momoki Shiro, Liam C. Kelley… phân tích đánh giá và đưa ra một số vấn đề cần thảo luận thêm. Học giả cho rằng hoạt động tri tạo kiến văn địa lý (geographical literacy practice) ở đây được hiểu là ghi chép về địa lý để tạo nên các văn bản sử liệu thể hiện sự nhận thức của chủ thể/ tham thể (literacy factor) về một vùng lãnh thổ, hoặc một vùng đất nào đó [12, tr. 73], trên cơ sở này, kết luận “QTĐST là một văn bản tri tạo kiến văn được biên soạn trong môi trường văn hóa Nho giáo, là một sản phẩm thực hành chính trị - thực hành đạo đức. Nguyễn Huy Quýnh – với tư cách là một literacy factor, tức một chủ thể tri tạo, đã biên soạn tác phẩm này bằng văn tài, bằng sở học như là một thủ pháp của các nhà Nho hành đạo”.6 Nhìn chung, việc bàn luận lý thuyết bản đồ, đa phần đến từ các tác giả nước ngoài, hơn nữa cơ bản chỉ bàn một khía cạnh là “Geo - Body”. Ở Việt Nam, ngoài 6 Xem thêm: [12, tr. 66- 72].
  14. tác giả Trần Trọng Dương ra thì lý thuyết về bản đồ vẫn là một lĩnh vực còn ít được các tác giả khác quan tâm. 1.2 Nghiên cứu lịch sử bản đồ học Việt Nam Cartography in Vietnam (Bản đồ học Việt Nam) là một chương trong tập 2 Cartography in the Traditional East and Southeast Asian Societies (Bản đồ học trong các xã hội truyền thống ở Đông Nam Á và Đông Á) của bộ The History of Cartography (Lịch sử bản đồ học thế giới) do Nhà xuất bản Đại học Chicago ấn hành năm 1994 [109, tr. 478 – 508]. Bản đồ học trong các xã hội truyền thống ở Đông Nam Á và Đông Á thảo luận về các vấn đề lịch sử bản đồ các nước Đông Nam Á và Đông Á (gồm Nhật bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam). Sách có độ dày 970 trang, chương Bản đồ học Việt Nam chiếm 31 trang và do chuyên gia về lịch sử Việt Nam là John K.Whitmore chấp bút.7 Hơn một nửa dung lượng của bài viết đề cập tới các bản đồ thuộc tấm bản đồ Hồng Đức và tiến hành sửa chữa những quan niệm sai lầm của Viện Khảo cổ về niên đại và người vẽ GNNBNĐ, hay quan điểm của Bùi Thiết về những bản đồ thời Lý – Trần [109, tr. 492 - 493]. Trong bài viết của mình, rất nhiều quan điểm được tác giả nhìn nhận theo bối cảnh lịch sử, đối chiếu quan điểm trong và ngoài nước, như: đặc trưng thành quách trong 13 tấm bản đồ thế kỷ XIX được tác giả so sánh với pháo đài vauban của Pháp [109, tr. 507]; hay bối cảnh lịch sử, tôn giáo cũng được tác giả quy chiếu để lý giải: “Cách thiết kế bản đồ Việt Nam về cơ bản giống như của Trung Quốc, nó phát triển song song cùng mô hình Nho giáo lấy hình mẫu từ Trung Quốc ở Việt Nam trong giai đoạn từ 7 John K. Whitmore xuất thân không phải là ngành địa lý, cũng không phải người nghiên cứu bản đồ cổ, mà là nhà nghiên cứu quan tâm đến nhiều lĩnh vực như lịch sử, tôn giáo Việt Nam, đặc biệt là chính trị, tư tưởng nhà Lê. Việc lựa chọn một chuyên gia viết về bản đồ cổ Việt Nam không nhất định phải là một người chuyên gia về bản đồ cũng như là một người xuất thân về ngành địa lý, đấy là lý do J. Brian và David Woodward mời John K.Whitmore viết về lịch sử bản đồ cổ Việt Nam “chủ trương của J. Brian Harley và David Woodward khác so với những người trước, quan điểm của họ là một quan điểm vĩ mô, họ cho rằng lịch sử bản đồ không những cần nghiên cứu bản đồ thế giới hiện thực, mà còn cần bao quát những vấn đề trên thế giới, bởi vậy họ lựa chọn quan điểm vĩ mô để nhìn lịch sử bản đồ, cho nên họ chẳng cần phải mời các học giả chuyên gia địa đồ học, và hợp tác với các nhà khoa học như lịch sử học, nhân loại học, nghệ thuật học, phê bình học…” [87, tr. 8-9].
  15. thế kỷ XV tới XVII” [109, tr. 479]. Mối quan hệ giữa văn hóa và bản đồ cũng được tác giả đề cập ở tấm bản đồ Thăng Long. Ông cho rằng: “Hình dáng của phần ngoại vi kinh đô không đồng đều và bị chia cắt bởi sông ngòi, hồ nước, thành Thăng Long được xây dựng theo trục Nam – Bắc vốn là hướng kiến trúc quen thuộc của văn hóa Á Đông, bên ngoài bức tường của Thăng Long là tháp Bảo Thiên và bên cạnh đó là đàn Nam Giao, đàn tế trời đất mà mọi quốc gia quân chủ ảnh hưởng bởi Nho giáo đều phải có, hàng năm hoàng đế sẽ đến đây tế vào mùa xuân, bản đồ còn thể hiện đền Bạch Mã, quán Trấn Vũ và Quốc tử giám” [109, tr. 484]. Như vậy, khác với các học giả trước đó, tác giả có cách tiếp cận bản đồ cổ theo một hướng mới là nhìn từ các mối quan hệ giữa tôn giáo, chính trị và văn hóa với bản đồ. Phạm trù mà tác giả đề cập là một phạm trù rộng, lấy bản đồ làm trung tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, công trình này có nhiều quan điểm cần nhìn nhận lại, như: tấm bản đồ Tổng quát đồ được tác giả coi là tấm bản đồ sớm nhất hiện còn [109, tr. 482- 483]. Tiêu chí phân loại bản đồ chỉ tập trung vào các bản đồ được người Việt Nam vẽ ra trong khi bản đồ được người nước ngoài trắc địa thì không được đề cập tới. Hạn chế về tư liệu bản đồ nên một số luận điểm cần thảo luận thêm, như: “Việc nghiên cứu và vẽ bản đồ tại Việt Nam chỉ bắt đầu vào khoảng 5 thế kỷ trước” [109, tr. 478]. Thêm nữa bài viết đa phần là tự thuật, bình luận và đánh giá còn ít, so sánh với các đặc điểm bản đồ các nước trong khu vực còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc đề cập tới phong cách cũng như đặc trưng bản đồ hầu như không có. Tuy nhiên, đóng góp của John. K. Whitmore vẫn có ý nghĩa lớn trong ngành bản đồ cổ Việt Nam. Đây cũng là công trình có thành tựu nhất về bản đồ cổ Việt Nam tính đến nay. 1.3 Thư mục học về bản đồ cổ Việt Nam Một trong những nghiên cứu tiêu biểu về bản đồ học thời kỳ này là thư mục học về bản đồ, hai tác giả chính được chúng tôi đề cập là Trần Văn Giáp và Trần Nghĩa. Năm 1984 Trần Văn Giáp xuất bản một tập sách có nhan đề “Tìm hiểu kho sách Hán Nôm” [18]. Phần địa lý trong quyển sách này đề cập và thống kê các tấm bản đồ hiện còn: “1 cuốn Thiên tải nhàn đàm 天載閒談 với 44 tờ bản đồ, 1 cuốn Bản quốc dư đồ 本國輿圖 với 48 bản đồ, 1 cuốn Bản quốc dư đồ bị lãm 本國輿圖備覽
  16. với 2 bản đồ, và 1 cuốn Bản quốc dư địa đồ luợc 本國輿地圖略 với 1 bản đồ” [18, tr. 317 – 384]. Tuy số liệu thống kê này còn khá khiêm tốn, nhưng là cơ sở cho Trần Nghĩa 6 năm sau (1990) bổ sung trong bài viết “Bản đồ cổ Việt Nam” của mình [44, tr. 148 – 159]. Các bản đồ này được thống kê tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm: “Qua điều tra sơ bộ, đã có thể phát hiện hơn mấy mươi cuốn sách với hàng nghìn trang bản đồ cổ, chỉ tính riêng cho phạm vi kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Nếu kể cả số sách có mang bản đồ cổ Việt Nam hiện tản lạc ở nước ngoài, như tại Pháp chẳng hạn, một nước từng thiết lập Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội từ đầu thế kỷ, thì khối lượng bản đồ vẽ theo lối truyền thống còn phong phú hơn nhiều” [44, tr. 148]. Lần đầu tiên bản đồ cổ Việt Nam được thống kê có 49 bản đồ, gấp khoảng 10 lần kết quả thống kê Trần Văn Giáp, con số này thể hiện một phần nào diện mạo bản đồ Việt Nam. Chỉ tiếc phạm vi bài viết chỉ đề cập tư liệu tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, mà không đề cập tới các thư viện khác trong nước. Đây có lẽ là một gợi dẫn cho việc nghiên cứu thư mục học còn khuyết sau này. Ngoài những bản đồ được thống kê ở trong nước, các bản đồ Việt Nam lưu trữ ở nước ngoài cũng được một số tác giả đề cập, như: Nguyễn Thị Oanh với bài viết “Thư mục sách Hán Nôm tại Đông Dương văn khố Nhật Bản” [46, tr. 63 – 77] đề cập 4 tư liệu bản đồ trong toàn bộ 193 tư liệu thu thập được: (1) Đại Nam nhất thống địa dư đồ 大南一统輿地圖, (2) Đồng Khánh địa dư chí cập đồ 同慶地舆志 及圖,(3) Đồng Khánh ngự lãm địa dư chí đồ 同慶御覽地舆志圖, (4) Hồng Đức bản đồ 洪德版圖 (HĐBĐ) phụ Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư 纂集天南四 至路圖書 (TTTNTCLĐT); năm 2017 trong bài viết của mình “Vài nét về kho sách Hán Nôm của Emile Gaspardone tại Tư Đạo văn khố (Shidobunko) Nhật Bản” [47] tác giả đề cập tới một số tư liệu bản đồ, như: Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ, Đại Nam quốc cương giới vựng biên 大南國彊界彙編, Hồng Đức bản đồ [47, tr. 769]; Phan Văn Các với Tây đê liên khu địa đồ trong bài viết “Thư mục Việt Nam học bằng chữ Hán ở Thư viện Harvard Yenching Mỹ” [4, tr. 83 – 93]; Trần Nghĩa “Thư mục tổng hợp sách Hán Nôm Việt Nam tại bốn tàng thư lớn của Nhật Bản” [45, tr.
  17. 63 – 77] với Bắc thành địa dư chí 北城地輿誌;Trịnh Khắc Mạnh “Thêm một số tư liệu Hán Nôm ghi chép về Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam” [37, tr. 43 – 51] với TTTNTCLĐT và Toản tập An Nam lộ 纂集安南路; hay trong bài viết “Kho sách Hán Nôm Việt Nam tại Đại học Keio ở Tokyo Nhật Bản” đề cập tới Trung Kỳ địa đồ [38, tr. 81 – 83]. Xin nói thêm một điều, các bản đồ được thống kê trên đều nằm trong thư mục thư tịch Hán Nôm nói chung, chứ không phải thống kê mang tính thư mục học bản đồ. Tuy nhiên, cũng góp phần gia tăng tư liệu bản đồ cổ Việt Nam. Thư mục học ở thế kỷ XX của nước ta có vai trò nhất định trong tiến trình nghiên cứu lịch sử bản đồ học sau này. Những công trình nói trên đã đóng góp không nhỏ về tư liệu bản đồ, tạo tiền đề nghiên cứu toàn diện bản đồ học trong tương lai. Trong 4 tác giả nói trên, công trình của Trần Văn Giáp, Nguyễn Thị Oanh Phan Văn Các hay Trịnh Khắc Mạnh là những thống kê mục nhỏ nằm trong một công trình lớn khác, tản mát, mang tính chất điểm xuyết. Riêng công trình của Trần Nghĩa mang tính khoa học, bản chất chủ thể là nghiên cứu bản đồ, và đây cũng là công trình về thư mục học bản đồ có thành tựu nhất cho tới hiện nay. 1.4 Khảo cứu văn bản bản đồ Từ nội dung các bài viết mà chúng tôi thu thập liên quan tới nghiên cứu văn bản bản đồ, chúng tôi đã phân loại thành các nhóm nhỏ để tiện thảo luận: 1.4.1/ Bản đồ Thăng Long, 1.4.2/ Bản đồ Hoàng Sa, 1.4.3/ Nghiên cứu các bản đồ khác. Các thảo luận này như thế nào, lần lượt được giới thiệu như sau. 1.4.1 Bản đồ Thăng Long Trong giai đoạn này, nghiên cứu lịch sử thành Thăng Long cũng được quan tâm khá nhiều. Việc vận dụng các tư liệu Hán Nôm để nghiên cứu diên cách địa lý là cơ sở hàng đầu, trong đó đáng quan tâm nhất là nghiên cứu bản đồ. Từ năm 1959 tới 1999 có tới 6 bài viết đề cập tới vấn đề này. Bài viết đầu tiên có nhan đề “Thử bàn về vị trí thành Thăng Long đời Lý” [3, tr. 77 – 81] của Trần Huy Bá. Ông dùng bản đồ tự tay vẽ lại từ tấm bản đồ Lê Đức Lộc, Nguyễn Công Tiền vẽ ngày 15/5 năm Minh Mệnh thứ 12 (24/6/1831) so sánh với các bản đồ và sử sách có liên quan để
  18. tìm dấu tích thành Thăng Long. Từ dấu tích này xác định được vị trí thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê [3, tr. 81]. Bài viết này có ý nghĩa lớn trong việc mở đầu cho các học giả trong nước tranh luận về diên cách lịch sử thành Thăng Long. Tiếp sau đó, năm 1981 Bùi Thiết công bố một bài viết có nhan đề: “Các tấm bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức” [66, tr. 62 – 70]. Ông dựa vào hệ thống bản đồ Thăng Long (từ thế kỷ XV – XVIII) để so sánh đối chiếu với những ghi chép về thành Thăng Long thời Lê và thử định điểm trên thực địa hiện nay [66, tr. 62]. Sáu năm sau (1987), ông công bố thêm một bài viết: “Thêm một số bản đồ Thăng Long (thế kỉ XV – XVIII)” [67, tr. 66 -77], cung cấp thêm một tư liệu để nghiên cứu về thành Thăng Long. Ngoài Bùi Thiết là học giả quan tâm nhiều về thành Thăng Long thì Phạm Hân cũng là một học giả có nhiều tham luận về vấn đề này. Năm 1983 Phạm Hân công bố bài viết “Từ di tích hồ Ngọc Khánh suy nghĩ về vị trí thành Thăng long” [21, tr. 68 – 69], vận dụng các bản đồ Hà Nội vẽ năm 1831 và 1873 xác định vị trí thành Hà Nội, truy về dấu vết thành Thăng Long xưa. Kết luận cho thấy: “thành Thăng Long thời Lý - Trần và thời Lê là một và nằm trong phạm trù thành Hà Nội thời Nguyễn” [21, tr. 69]. Một công bố khác của ông sau 3 năm “Suy nghĩ sơ bộ về bản đồ Hồng Đức qua tấm bản đồ kinh thành Thăng Long” [22, tr. 59 – 64]. Bài viết này đã thống kê được 11 tấm bản đồ về Thăng Long, chỉ ra ưu nhược của từng bản đồ. Năm 1999 ông công bố một thêm tham luận “Thành Hà Nội thời Nguyễn” [27, tr. G- H]. Địa giới của thành Hà Nội thời Nguyễn được xác định dựa theo tấm bản đồ tỉnh thành Hà Nội vẽ năm 1866 và năm 1873 thời Tự Đức. Từ phong cách vẽ ông cho rằng cách thức mô tả thành Thăng Long trong các bản đồ này giống như vauban của Pháp vào cuối thế kỷ XVII, từ đó xác định vị trí thành Thăng Long thời Nguyễn [27, tr. G - H]. Nhìn chung các bài viết này dựa trên các tấm bản đồ để xác định diên cách lịch sử thành Thăng Long từng thời kỳ, tuy nhiên có nhược điểm là chưa quan tâm nhiều đến niên đại của các bản đồ. Cho nên các kết luận này, có lẽ cần thảo luận nhiều hơn. 1.4.2 Bản đồ Hoàng Sa
  19. Khi nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, các nhà nghiên cứu thường tìm kiếm chứng cứ từ ba nguồn: (1) Thư tịch cổ Việt Nam; (2) Thư tịch cổ Trung Quốc và (3) Thư tịch cổ phương Tây. Năm 1975 Hoàng Xuân Hãn công bố một bài viết có nhan đề “Thử đặt vấn đề Hoàng Sa” [20, tr. 7- 19]. Bài viết này bàn luận về các vấn đề liên quan tới HoàngSa, các tư liệu sử liệu được đề cập khá nhiều, mặc dù vậy bản đồ cũng chiếm một phần đáng kể trong bài viết. Khác với những bài viết trong tập san này, hướng khai thác chủ yếu lại là lịch sử, hoặc trình bày theo phương thức tự thuật. Các bản đồ được ông đề cập: TNTCLĐT, HĐBĐ, Thuận hóa Quảng Nam địa đồ. Ông kết luận rằng: “Xét các bức đồ ấy, thì ta chắc rằng trong địa đồ xưa, Đại Trường Sa hay là Bãi Cát Vàng đều trỏ quần đảo Tràng Sa hoặc Hoàng Sa hay Vạn Lý Tràng Sa mà người Âu gọi là Parcel hay Paracel” [20, tr. 10]. Năm 2011, Trần Văn Quyến công bố một bài viết “Địa danh Hoàng Sa trong TTTNTCLĐT” [56, tr. 81 – 83], giới thiệu ngắn gọn tập bản đồ Hồng Đức có ký hiệu 98846 lưu giữ tại thư viện Hiroshima (Nhật Bản), và đề cập nội dung ghi chép về Bãi Cát Vàng trong TTTNTCLĐT. Hai năm sau (2013) tác giả công bố thêm một bài viết: “Hoàng Sa trong QTĐST của Nguyễn Huy Quýnh” [56, tr. 47 – 51], giản thuật thông tin về đội Hoàng Sa nhị ghi trong văn bản. Có thể thấy nghiên cứu về Hoàng Sa khai thác ở mảng tư liệu trong nước chỉ tồn tại ở những năm trước thể kỷ XX và hầu như không phát triển mạnh mẽ tới nay, bởi phần lớn sử liệu hiện tồn đã khai thác tốt, điều này dễ thấy ở những công trình ở những năm 80 của thể kỷ XX. Sự hạn chế về tư liệu bản đồ, cùng những điểm bất cập ở những bản đồ cổ hiện tồn “bản đồ không có đường phân cách đất liền và biển, biểu thị Bãi Cát Vàng nằm trên đất liền”[53, tr. 64- 65] là những điểm bất cập cho hướng nghiên cứu tư liệu trong nước, đặc biệt là bản đồ cổ Việt Nam, chính điều này là tiền đề cho hướng tiếp cận mới là nghiên cứu tư liệu Trung Quốc cũng như là phương Tây. Là đại diện cho khuynh hướng khai thác tư liệu Trung Quốc thì không thể không nhắc tới Phạm Hoàng Quân, ông cũng là một trong những tác giả ít ỏi khai thác về tư liệu Trung Quốc, đặc biệt là bản đồ cổ. Năm 2012 ông công bố một bài
  20. viết: “Nguyên bản sách Địa dư đồ khảo” [49, tr. 59 – 64], nội dung đề cập tới cuốn sách Địa dư đồ khảo do các học giả Trung Quốc biên soạn, chỉ ra một bản đồ trong tập sách này là Quảng Đông tỉnh đồ đã xác định rõ Quỳnh Châu (đảo Hải Nam) là biên giới cuối cùng của lục địa Trung Hoa. Cũng trong năm này (2012) một chuyên luận được công bố “Địa đồ lịch sử Trung Hoa liên quan tới biển Đông Nam Á” [50, tr. 65 – 82], đây là một phần trong một Biên khảo “địa đồ lịch sử Trung Quốc”, căn cứ những tư liệu bản đồ hành chính Trung Quốc theo tiến trình lịch sử thảo luận các vấn đề liên quan đến biển Đông Nam. Một bài viết khác “Về địa danh và vị trí Vạn Lý Trường Sa – Vạn Lý Thạch Đường trên địa đồ hàng hải thời Minh ở thư viện Đại Học Oxford” [51, tr. 106 - 121], giới thiệu sơ lược về bản đồ The Selden Map of China cùng phong cách và đặc trưng bản đồ. Kết quả cho thấy bản đồ này lần đầu tiên dùng danh xưng Vạn Lý Thạch Đường – Vạn Lý Trường Sa và đặt phương vị chuẩn xác, ngoài ra chỉ ra mục đích được ghi trên bản đồ chỉ nhằm thể hiện tiêu chí giao thông, không có ý biểu thị việc xác định chủ quyền. Năm 2014, ông công bố “Thư tịch cổ Trung Quốc về Hoàng Sa và Trường Sa” [52, tr. 55 – 77], căn cứ vào tư liệu Trung Quốc liên quan tới Hoàng Sa Trường Sa, tác giả đã bóc tách thành các lớp lịch đại: các bản đồ hành chính tỉnh Quảng Đông (10 bức), Bản đồ hành chính toàn quốc (2 bức), Bản đồ biên cương (2 bức), Bản đồ quân sự (1bức). Phương pháp hệ thống này mang nhiều ý nghĩa về mặt pháp lý, khác hoàn toàn với các tư liệu của các học giả Trung Quốc đưa ra “chồng lấn phức tạp, chưa được phân loại rõ ràng, nên tuy có thể coi là sử liệu nhưng giá trị khoa học trong tham khảo kém” [52, tr. 77]. Có thể thấy, các công trình do Phạm Hoàng Quân khảo cứu, phần lớn đều lấy bản đồ làm trung tâm nghiên cứu. Các vấn đề về đặc trưng, phong cách và thể loại bản đồ cũng được tác giả đề cập. Có thể kết luận rằng, các cống hiến của Phạm Hoàng Quân không những ảnh hưởng tới thành tựu nghiên cứu Hoàng Sa, mà quan trọng hơn là nghiên cứu bản đồ cổ Việt Nam. Khai thác theo khuynh hướng thu tập tài liệu phương Tây thì có nhiều tác giả, tiêu biểu như Trần Đức Anh Sơn, Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Quang Ngọc… Năm 2014 Trần Đức Anh Sơn cùng một nhóm tác giả Jerome A.Cohen, Jean-Pierrier,
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
12=>0