Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đóng góp của thể loại ký giai đoạn Văn học thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX
lượt xem 17
download
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đóng góp của thể loại ký giai đoạn Văn học thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX gồm có 3 chương trình bày về khái quát thể loại ký trung đại Việt Nam; đóng góp của thể loại ký về phương tiện nội dung; đóng góp của thể loại ký về phương diện hình thức.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đóng góp của thể loại ký giai đoạn Văn học thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH --------------------------- VŨ THỊ HẠNG ĐÓNG GÓP CỦA THỂ LOẠI KÝ GIAI ĐOẠN VĂN HỌC THẾ KỶ XVIII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. LÊ THU YẾN Thành phố Hồ Chí Minh - 2007
- LỜI CẢM ƠN Tôi xin chân thành cảm ơn sự nhiệt tình giúp đỡ của Ban Giám hiệu trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Khoa học Công nghệ Sau đại học, quý thầy cô khoa Ngữ văn đã tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu. Tôi xin đặc biệt tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến PGS.TS. Lê Thu Yến - người trực tiếp hướng dẫn tôi hoàn thành luận văn khoa học này. Tôi xin chân thành cảm ơn những đóng góp quý báu của quý thầy cô trong hội đồng chấm luận văn đã giúp tôi trong quá trình hoàn thành luận văn khoa học. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn quý đồng nghiệp, bạn bè, gia đình đã động viên, khích lệ tôi trong thời gian học tập và hoàn thành luận văn này. Xin chân thành cảm ơn tất cả.
- MỞ ĐẦU 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI Văn học Việt Nam phát triển gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của lịch sử. Những thành tựu văn học mà chúng ta có được ngày nay là sự kế thừa thành quả lao động nghệ thuật của cha ông ta ngày trước. Để tìm hiểu một bộ phận của văn học ta cần đặt nó trong lịch sử văn học dân tộc. Thể loại ký trung đại Việt Nam là một bộ phận không nhỏ trong di sản văn học dân tộc. Ký ra đời từ rất sớm nhưng phải đến giai đoạn thế kỷ XVIII -XIX mới đạt đến đỉnh cao. Ký không chỉ là những ghi chép thông thường mà nó còn phản ánh những vấn đề mang tầm cỡ rộng lớn. Với thể ký người viết có thể bộc lộ một cách trực diện, rõ ràng về bản thân cũng như để ghi lại các sự kiện diễn ra trong thực tế. Trước nay, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về văn học trung đại Việt Nam nhưng thể loại ký dường như ít được đề cập đến trong các bộ sách viết về lịch sử văn học Việt Nam. Có những công trình nghiên cứu nhưng chỉ dừng lại ở phương diện hạn hẹp mà chưa có một phác thảo chung về đóng góp của bộ phận văn học này. Từ năm 2002, các tác phẩm ký trung đại Việt Nam được đưa vào giảng dạy trong chương trình Văn 11 thí điểm phân ban ở cả hai bộ sách (bộ 1 do Trần Đình Sử chủ biên; bộ 2 do Phan Trọng Luận chủ biên) với đoạn ký “Về thăm cố hương” (trích Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác) và “Tự thuật” (trích Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ). Đây là một sự ghi nhận đáng kể về vị trí của ký trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX đối với nền văn học nước nhà. Từ thực tế trên, cùng với những hướng dẫn và gợi ý của PGS.TS. Lê Thu Yến, chúng tôi đã mạnh dạn thực hiện đề tài: “Đóng góp của thể loại ký giai đoạn văn học thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX”. Thực hiện đề tài này là cơ hội để chúng tôi có cái nhìn khoa học hơn về những đóng góp của một thể loại văn học đối với nền văn học nước nhà. Do đặc trưng riêng của thể loại ký là ghi chép sự thật, con người có thật nên lịch sử và xã hội nước ta được khắc họa một cách rõ nét. Và bên cạnh khả năng phản ánh hiện thực ấy thì ký Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX còn là những tác phẩm ký nghệ thuật đặc sắc và nó đã đem đến cho người đọc những cảm xúc thẩm mỹ thực sự.
- Tìm hiểu kỹ về đề tài trên, chúng tôi nghĩ không chỉ là dịp có điều kiện đi sâu để phát hiện những nét độc đáo riêng của thể loại văn học giai đoạn này, mà trên cơ sở đó còn mở ra một cái nhìn mới với loại ký hiện đại về sau. Hơn nữa nó còn giúp cho người viết có thêm một lượng kiến thức về giai đoạn văn học trung đại để giảng dạy được tốt hơn. 2. PHẠM VI NGHIÊN CỨU Ký Việt Nam thời trung đại phát triển qua ba giai đoạn từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX. Để tìm hiểu một vấn đề rộng lớn như vậy thiết nghĩ phải cần đến công sức của nhiều nhà nghiên cứu với những điều kiện cho phép. Tiếp thu những thành tựu có trước, với quy mô vừa của một luận văn chúng tôi chỉ nghiên cứu, tìm hiểu những đóng góp của thể loại ký giai đoạn văn học thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX. Chúng tôi cũng chỉ tập trung vào ba tác phẩm tiêu biểu trong số các tác phẩm ký trung đại Việt Nam. - Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác - Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ - Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái Bên cạnh đó, chúng tôi cũng so sánh với một số tác phẩm khác để làm rõ vấn đề mà ký phản ánh. Dẫu sao với một vấn đề rộng lớn như vậy, thì việc khai thác này cũng chưa thể nói hết được tất cả những đóng góp của ký trung đại Việt Nam đối với nền văn học dân tộc. Nó chỉ là một bước khởi đầu cho những công trình lớn hơn, toàn diện hơn. 3. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ Thể loại ký trung đại Việt Nam đã đi hết hành trình lịch sử mười thế kỷ của mình và nhường chỗ cho thể loại ký hiện đại. Mặc dầu kết thúc vai trò lịch sử nhưng ký viết bằng chữ Hán đã để lại cho văn học dân tộc một kho tàng quý giá về kinh nghiệm nghệ thuật cũng như nội dung phản ánh. Trong lịch sử phát triển của văn học Việt Nam, các tác phẩm ký có một vị trí đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, những đóng góp của thể loại ký giai đoạn văn học thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo. Song, tài năng và sự kết tinh nghệ thuật ở các tác phẩm ký giai đoạn văn học này vẫn được bạn đọc nhiều thế hệ yêu thích. Cho đến nay, các tác phẩm ký trung đại được tái bản và đến
- với bạn đọc rộng rãi hơn. Vì thế, đã có những công trình nghiên cứu về giai đoạn văn học cũng như những tác phẩm ký giai đoạn thế kỷ XVIII - XIX. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, việc nghiên cứu ký trung đại còn nhiều khó khăn. Thời gian này các bộ lịch sử văn học Việt Nam lần lượt ra đời như Đại Việt văn học lịch sử, Việt Nam cổ văn học sử, Việt Nam văn học sử yếu, … Sau Cánh mạng lại có thêm bộ Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX,… Đó là chưa kể đến các bộ sách lịch sử văn học Việt Nam của các trường Đại học tổng hợp Hà Nội, Đại học sư phạm Hà Nội… Trong quá trình phác thảo xây dựng các bộ sách trên, các nhà nghiên cứu luôn chú ý đến hiện thực lịch sử chi phối đến văn học. Nhìn chung, việc nghiên cứu thể ký trung đại ở giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám chủ yếu tập trung vào các bộ lịch sử văn học mà chưa có những công trình độc lập riêng. Việc đánh giá về những đóng góp của ký trung đại Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX vì vậy khó tránh khỏi nhiều chỗ còn sơ sài. Từ sau những năm 1990 một số công trình nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam ra đời. Chẳng hạn công trình Đặc trưng văn học trung đại của giáo sư Lê Trí Viễn (1996), Văn học trung đại Việt Nam do GS. Lê Trí Viễn chủ biên (1997), Lý luận văn học do GS. Hà Minh Đức chủ biên (1998), Văn học Việt Nam - Văn học trung đại: Những công trình nghiên cứu của Lê Thu Yến, Đoàn Thị Thu Vân, Lê Văn Lực (2000). Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 2: Ký của Nguyễn Đăng Na (2001), Lý luận và phê bình văn học của Trần Đình Sử (2003)… Khi nghiên cứu về Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, Nguyễn Đăng Na đã đưa ra nhận định: “Ký trước hết là một bộ phận cùng với truyện ngắn và tiểu thuyết chương hồi hợp thành văn xuôi tự sự” [35, tr.22]. Và từ đó đi đến kết luận: Ký trung đại là loại hình văn xuôi tự sự dùng để ghi chép về con người, sự vật, phong cảnh,… Ký của Việt Nam khá đa dạng, phong phú và thực sự ra đời vào thế kỷ XVIII. Mở đầu cho ký trung đại thế kỷ XVIII - XIX là Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề. Tiếp theo là hàng loạt các tác phẩm ký khác như Cát xuyên tiệp bút của Trần Tiến, Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, Bắc hành tùng ký của Lê Quýnh, Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ,… Đến thế kỷ XIX, những tác phẩm ký viết về phương Tây bắt đầu xuất hiện như: Tây hành kiến văn kỷ lược của Lý Văn Phức, Giá viên biệt lục của nhóm tác giả Phạm Phú Thứ… Trong công trình nghiên cứu Lý luận văn học
- (1998) Hà Minh Đức cho rằng: “Các thể ký văn học chủ yếu là những hình thức ghi chép linh hoạt trong văn xuôi với nhiều dạng tường thuật, miêu tả, biểu hiện, bình luận về những sự kiện và con người có thật trong cuộc sống, với nguyên tắc phải tôn trọng tính xác thực và chú ý đến tính thời sự của đối tượng được miêu tả” [17, tr.217]. Cũng trong thời gian này, trên những tạp chí khoa học chuyên ngành xuất hiện một số bài báo có liên quan đến vấn đề mà chúng tôi đang khảo sát. Một số bài nghiên cứu về tác phẩm ký nổi tiếng Thượng kinh ký sự được đăng trên tạp chí Văn học như: “Mấy suy nghĩ về thơ văn Lê Hữu Trác”, 1964 của Nguyễn Huệ Chi. “Lê Hữu Trác và con đường của một người trí thức trong cơn phong ba dữ dội nửa cuối thế kỷ XVIII”, 1970 của Nguyễn Huệ Chi. “Mấy đoạn văn hay của Lê Hữu Trác”, 1971 của Nguyễn Huệ Chi. Nhà phê bình Nguyễn Huệ Chi đã đưa ra nhận định và đánh giá về tác phẩm Thượng kinh ký sự trên Tạp chí Văn học số 6/1970: “Đây là cuốn ký sự về chuyến đi thăm kinh đô năm 1782 của Lê Hữu Trác, theo lệnh của chúa Trịnh. Con đường dẫn nhà danh y ra Thăng Long chữa bệnh cho cha con Trịnh Sâm cũng là con đường dẫn ông trở lại quá khứ, trở lại cái xã hội “trâm anh thế phiệt” cũ, thậm chí nếu muốn, còn có thể trở lại cái địa vị một “bề tôi” của thiên tử, mà ông từng rời bỏ xưa kia. Cho nên Thượng kinh ký sự trước hết là câu chuyện của một tâm trạng: bàng hoàng thao thức, đấu tranh với mình, chống lại mọi cám dỗ, tìm mọi cách để được trở về”. Bên cạnh đó còn có những bài nghiên cứu về Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ. “Đọc Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ”, của Mai Trân (Nghiên cứu văn học số 7/1960). “Phạm Đình Hổ - nhà khảo cứu, nhà văn”, của Trần Thị Băng Thanh (Nghiên cứu văn học nghệ thuật, số 5/1993). Đồng thời hàng loạt bài viết về tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí có liên quan trực tiếp đến đề tài luận văn: “Tính cách điển hình trong Hoàng Lê nhất thống chí”, của Đỗ Đức Dục (Tạp chí Văn học số 9/1968). “Phong trào khởi nghĩa nông dân và văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX” của Nguyễn Văn Hoàn (Tạp chí Văn học số 4/1973).
- “Hoàng Lê nhất thống chí và sự thật lịch sử chung quanh việc Quang Trung phá quân Thanh” của Vũ Đức Phúc (Tạp chí Văn học số 3/1974). “Mấy vấn đề Ngô Thì Nhậm, một mưu sỹ lỗi lạc của Quang Trung” của Văn Tân (Nghiên cứu lịch sử số 154/1974). “Những nhân vật nữ trong Hoàng Lê nhất thống chí” của Phạm Tú Châu (Tạp chí Văn học số 1/1978). “Đọc lại Hoàng Lê nhất thống chí” của Phạm Tú Châu (Tạp chí Văn học số 2/1979). “Bàn thêm về Ngô Thì Chí - Ngô Thì Du, tác giả của Hoàng Lê nhất thống chí” của Phạm Tú Châu (Tạp chí Văn học số 6/1982). “Hoàng Lê nhất thống chí và truyền thống của tiểu thuyết Viễn Đông” của B.LRiptin (Tạp chí Văn học số 2/1984). Những bài viết trên đã đưa ra những nhận xét rất xác đáng về đóng góp của tác phẩm đối với nền văn học. Đặc biệt, những bài viết phần nào cho thấy bức tranh xã hội phong kiến nước ta vào thời kỳ ấy. Vấn đề hiện thực luôn được các tác giả quan tâm. Tuy nhiên, vì chỉ dừng ở phạm vi những bài viết ngắn nên còn nhiều vấn đề tác giả chưa bàn sâu được. Gần đây hơn, có công trình luận án tiến sĩ với đề tài Sự tiếp nhận văn xuôi tự sự Trung Quốc trong văn học trung đại Việt Nam của tiến sĩ Đinh Phan Cẩm Vân (2001). Công trình nghiên cứu này đề cập đến vấn đề tiếp nhận văn xuôi tự sự Trung Quốc trong văn học trung đại Việt Nam trong đó có tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí. Có thể nói từ khi Hoàng Lê nhất thống chí ra đời đã có nhiều công trình nghiên cứu tác phẩm ở bình diện văn học cũng như sử học. Trong khi xem xét về vấn đề thể loại của Hoàng Lê nhất thống chí, nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc đã gọi nó là một cuốn ký sự lịch sử. Có thể nói, Nguyễn Lộc đã đi khai thác một cách tổng quan hầu hết các mặt của tác phẩm, từ tác giả, tác phẩm cho đến nội dung phản ánh hay nghệ thuật của nó. Đồng thời với việc điểm qua một vài nhân vật tiêu biểu cho thấy phần nào bức tranh xã hội phong kiến nước ta vào thời điểm ấy. Hoàng Lê nhất thống chí là một tác phẩm ký sự lịch sử có giá trị to lớn cả về sử học lẫn văn học. Nguyễn Phương Chi cũng cho rằng Hoàng Lê nhất thống chí thuộc thể ký như Thượng kinh ký sự và Vũ trung tùy bút khi bàn về tính hiện thực trong tác phẩm. Nói
- như Nguyễn Phương Chi: “Cùng với Hoàng Lê nhất thống chí và Thượng kinh ký sự, Vũ trung tùy bút là thiên ký tiêu biểu xuất sắc của mảng văn xuôi giàu tính hiện thực của văn học Việt Nam thế kỷ XVIII” [18, tr.2037]. Về hình thức ký sự nhà nghiên cứu Hà Minh Đức trong công trình Lý luận văn học (1998) cho rằng: “Hình thức ký sự đã có từ lâu trong văn học Việt Nam như Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, một số bài ký trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ… Hoàng Lê nhất thống chí là một thiên ký sự lịch sử có giá trị. Tính xác thực lịch sử của những sự kiện được tôn trọng. Tác phẩm lại dựng được khá rõ và đầy đủ bộ mặt chung của thời đại qua những bức tranh miêu tả sinh động” [17, tr.288]. Từ khi những tác phẩm ký ra đời đã có khá nhiều các công trình nghiên cứu về nhiều khía cạnh sử học cũng như văn học. Năm 2001, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na cho ra đời công trình Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 2: ký (Nhà xuất bản Giáo Dục, Hà Nội). Trong khi nghiên cứu những vấn đề thể loại ký trung đại Việt Nam, tác giả cũng có bàn đến một số điểm có liên quan đến đề tài. Nguyễn Đăng Na cho rằng: “Ký là loại hình văn học phức tạp nhất trong văn xuôi tự sự thời trung đại bởi bản thân khái niệm ký hàm chứa một nội diên có biên độ hết sức co dãn” [35, tr.9]. Đến năm 2003, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na cho ra đời công trình Đặc điểm văn học Việt Nam trung đại - những vấn đề văn xuôi tự sự (Nhà xuất bản Giáo dục, Đà Nẵng). Trong công trình này tác giả bàn đến những vấn đề văn xuôi tự sự trung đại Việt Nam. Tác giả đã mở ra một cách tiếp cận, đi sâu vào việc nghiên cứu văn xuôi tự sự trên cơ sở khảo sát các tác phẩm. Trên đây là những bước phác thảo về quá trình nghiên cứu các tác phẩm ký từ trước Cách mạng tháng Tám - 1945 đến sau 1975. Nhìn chung việc nghiên cứu về việc đóng góp của thể loại ký trung đại giai đoạn thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX đã có nhiều bước phát triển đáng kể. Những công trình lớn với nội dung phong phú đã chứng minh thể ký giai đoạn này đã có bước phát triển mới. Song đi sâu vào vấn đề đóng góp của thể ký như một công trình chuyên biệt thì chưa có. Với đề tài “Đóng góp của thể loại ký giai đoạn văn học thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX”, người viết nghiêm túc lĩnh hội và phát triển sâu hơn một mảng nhỏ trong thể loại ký trung đại Việt Nam. 4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
- Do tính chất, đặc điểm của đề tài, chúng tôi sử dụng một số phương pháp nghiên cứu sau: 4.1 . PHƯƠNG PHÁP THỐNG KÊ - PHÂN LOẠI Luận văn đặt vấn đề tìm hiểu những đóng góp của thể loại ký giai đoạn văn học thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX, do vậy, phương pháp thống kê - phân loại được dùng để nghiên cứu những cứ liệu cụ thể, chính xác, giúp cho việc trình bày vấn đề trong luận văn thêm thuyết phục. 4.2 . PHƯƠNG PHÁP SO SÁNH ĐỐI CHIẾU Phương pháp này được áp dụng để làm rõ những đóng góp của thể loại ký trung đại Việt Nam đối với nền văn học dân tộc. Nhưng một điều quan trọng hơn nữa là bằng phương pháp này chúng tôi muốn chỉ ra nét đặc sắc riêng của từng tác phẩm. Hơn nữa phương pháp so sánh đối chiếu sẽ làm phong phú thêm cho luận văn. Việc tiến hành đối chiếu giữa các giai đoạn ký trung đại để làm rõ những đóng góp của thể loại ký giai đoạn từ thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX trong lịch sử văn học dân tộc. 4.3 . PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH TỔNG HỢP Phương pháp này giúp phân loại nội dung để làm rõ vấn đề. Sau đó ở từng nội dung phân tích theo các khía cạnh khác nhau của nó. Trong quá trình phân tích, người viết trình bày lần lượt các nội dung theo các vấn đề cụ thể. đặc biệt, người viết chú tâm đến hiện thực lịch sử xã hội để làm rõ vấn đề mà các tác phẩm ký giai đoạn này phản ánh. 5. BỐ CỤC LUẬN VĂN Ngoài phần Mở đầu trình bày những vấn đề mang tính trường quy, trọng tâm luận văn gồm 3 chương: Chương 1: Khái quát về thể loại ký trung đại Việt Nam Chương 2: Đóng góp của thể loại ký về phương tiện nội dung Chương 3: Đóng góp của thể loại ký về phương diện hình thức Cuối cùng là Kết luận và Tài liệu tham khảo
- Chương 1 - KHÁI QUÁT VỀ THỂ LOẠI KÝ TRUNG ĐẠI VIỆT NAM 1.1. KHÁI NIỆM 1.1.1. KHÁI NIỆM Trong văn xuôi, bên cạnh tiểu thuyết, ký có một tầm quan trọng đặc biệt. Ký là thể loại cơ động, linh hoạt trong việc phản ánh hiện thực một cách sinh động nhất. Tác phẩm ký vừa có khả năng đáp ứng yêu cầu của thời đại nhưng đồng thời vẫn mang đậm chất trữ tình. Ký bao gồm nhiều thể loại khác nhau như ký sự, phóng sự, tùy bút, bút ký… Ký có khả năng bám sát cuộc sống và phản ánh hiện thực bằng nhiều dạng thức khác nhau. Ký sự thiên về tái hiện những sự kiện phong phú của đời sống; hồi ký ghi lại những diễn biến của câu chuyện và nhân vật theo bước đi của thời gian qua sự hồi tưởng; bút ký thể hiện một cách linh hoạt việc phản ánh cuộc sống khách quan… Có thể nói tùy theo hình thức khác nhau của đối tượng miêu tả mà ký có cách tái hiện riêng cho phù hợp. Trong lịch sử phát triển của văn học Việt Nam, các tác phẩm ký có một vị trí đặc biệt quan trọng, từ hình thức truyện ký như Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, Lĩnh Nam chích quái lục của Trần Thế Pháp, đến Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ và đặc biệt là thiên ký sự lịch sử Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái. Từ sau Cách mạng tháng Tám thể loại ký phát triển gắn liền với những chuyển biến của xã hội qua hai cuộc kháng chiến cứu nước. Rất nhiều tác phẩm có giá trị như Truyện và ký của Trần Đăng, Ký sự Cao - Lạng của Nguyễn Huy Tưởng, Tùy bút kháng chiến và Sông Đà của Nguyễn Tuân, Sống như anh của Trần Đình Vân, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Những ngày nổi giận của Chế Lan Viên, Họ sống và chiến đấu của Nguyễn Khải, Hà Nội ta đánh mỹ giỏi của Nguyễn Tuân, Rất nhiều ánh lửa của Hoàng Phủ Ngọc Tường… Theo Hà Minh Đức: “Các thể ký văn học chủ yếu là những hình thức ghi chép linh hoạt trong văn xuôi với nhiều dạng tường thuật, miêu tả, biểu hiện, bình luận về những sự kiện và con người có thật trong cuộc sống, với nguyên tắc phải tôn trọng tính xác thực và chú ý đến tính thời sự của đối tượng được miêu tả” [17, tr.217].
- Do nguyên tắc tôn trọng tính xác thực của đối tượng miêu tả nên ký có những mối liên hệ chặt chẽ với hiện thực xã hội. Nếu nhà thơ quan tâm đến những tâm trạng và cảm xúc thẩm mỹ, tác giả kịch chú ý đến xung đột hành động kịch thì người viết ký quan tâm đến tính tự nhiên của đối tượng. Ký là ghi lại những cái có thật trong cuộc sống, tôn trọng tính xác thực của đối tượng miêu tả cho dù đó là một tác phẩm tường thuật lại những sự kiện hoặc phát biểu cảm nghĩ về những sự việc trong đời sống hay thiên về sự bình luận phân tích. Ký văn học rất đa dạng và phong phú và tùy theo hình thức khác nhau của đối tượng miêu tả mà ký có những cách tái hiện riêng. Từ các loại ký tự sự như phóng sự, ký sự, hồi ký, ký sự lịch sử... đến các loại ký trữ tình như tùy bút, nhật ký hoặc ký chính luận như các dạng tiểu phẩm văn học, tạp văn, tạp ký... Loại ký tự sự nghiêng về miêu tả những sự kiện và con người trong đời sống khách quan. Ký tự sự bảo đảm tính xác thực trong miêu tả. Ký sự chủ yếu ghi lại những diễn biến khách quan của cuộc sống và con người thông qua những sự kiện. Người viết chọn lọc và làm nổi lên những điển hình xã hội tiêu biểu, những con người và sự việc có sức khái quát. Ký sự ngắn hay dài tùy theo nội dung câu chuyện thực mà tác giả tham dự. Ký sự khác với hồi ký ở chỗ sự việc được kể trong thì hiện tại. Nhưng so với phóng sự, ký sự lại ít chất thời sự hơn. Phóng sự thật sự ra đời khi báo chí hiện đại đã xuất hiện còn ký sự đã xuất hiện từ lâu. Trong văn học cổ phương Đông, thể ký vốn có mặt từ thời Tiên Tần và về sau phân thành hai nhánh: có ký của sử và có ký của truyện. Trong một thời gian khá dài thì ký là tiền thân của tiểu thuyết, có khi tên gọi ký cũng dùng cho tiểu thuyết hay một câu chuyện có kịch tính như Tây du ký, Tây sương ký... Trong văn học Việt Nam thì thể ký có từ rất lâu đời nhưng ký sự thì về sau mới có như Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, một số bài ký trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ. Thượng kinh ký sự viết về chuyến đi ra kinh đô Thăng Long của tác giả năm 1782 để chữa bệnh cho cha con Trịnh Sâm và Trịnh Cán theo lời mời của chúa. Thượng kinh ký sự mang tính chất một du ký, tác giả trình bày sự việc như đã diễn ra tuần tự trong cuộc hành trình từ lúc xuất phát cho đến khi trở về nhà. Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái là một thiên ký sự lịch sử có giá trị. Tác phẩm dựng được khá rõ và đầy đủ bộ mặt chung của thời đại qua những bức tranh miêu tả sinh động. Vào thế kỷ XIX, có tác phẩm Tây hành nhật ký (Nhật ký đi
- Tây) của Phạm Phú Thứ, tuy mang tên nhật ký nhưng thực chất là một thiên ký sự phong phú và sinh động về chuyến đi Pháp năm 1863 của phái bộ Phan Thanh Giản nhằm chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ vừa mất vào tay Pháp. Từ sau cách mạng tháng Tám ký sự có điều kiện thuận lợi để phát triển. Ký sự của Nguyễn Huy Tưởng thì phản ánh chân thực cuộc chiến đấu qua một chiến dịch. Ký sự Cao Lạng ghi chép rất sát những diễn biến phức tạp, gay go của chiến dịch biên giới vào năm 1950, mở đầu cho những trận đánh quy mô giữa quân dân Việt Nam và lực lượng chính quy của Pháp về sau. Một số ký sự trong những năm chống Mỹ cứu nước đã gây nhiều tác động đến người đọc như Nguyễn Khải với Họ sống và chiến đấu, Hồ Phương với Chúng tôi ở cồn cỏ, Hoàng Phủ Ngọc Tường với Rất nhiều ánh lửa... Trong văn học Việt Nam thời kỳ hiện đại, thể phóng sự phát triển mạnh. Phóng sự cũng có đặc tính của một thiên ký sự cũng tôn trọng tính xác thực của đối tượng miêu tả. Nhưng phóng sự lại đòi hỏi tính thời sự trực tiếp. Phóng sự đòi hỏi phải kịp thời, phản ánh được câu chuyện đang diễn biến hoặc vừa kết thúc. Ngô Tất Tố có những phóng sự nổi tiếng về nông thôn như Việc làng và Tập án cái đình, Tam Lang viết về người phu xe, Vũ Trọng Phụng viết về các nạn cờ bạc, mại dâm. Cùng với phóng sự, hồi ký cũng là một thể văn quan trọng. Người viết hồi ký kể lại những điều mà mình có dịp quan sát hoặc nghe trực tiếp về những sự kiện lịch sử hoặc những nhân vật tiêu biểu. Hồi ký Sống như Anh và Bất khuất vừa có giá trị về xã hội đồng thời cũng có giá trị về văn học. Loại ký trữ tình thì những cảm xúc trữ tình lại chiếm một vị trí quan trọng. Các loại ký trữ tình như: nhật ký, bút ký, tùy bút... Nhật ký là những ghi chép về cuộc đời theo sự diễn ra hàng ngày. Nhật ký Ở rừng của Nam Cao gây xúc động cho người đọc. Bên cạnh nhật ký thì tùy bút là một trong những thể ký mang chất trữ tình cao. Có thể nói tùy bút của Nguyễn Tuân là một phong cách ký độc đáo mang dấu ấn cá nhân. Tùy bút kháng chiến, Sông Đà là những tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật. Loại ký chính luận này có sự kết hợp chặt chẽ giữa tư duy hình tượng của người nghệ sĩ với tư duy chính luận. Các loại ký chính luận như: các dạng tiểu phẩm văn học, tạp văn, tạp ký… Dựa vào sự phân loại các thể ký văn học Hà Minh Đức đã viết:
- “Nhiệm vụ của chúng ta là nhận thức cho đầy đủ những đặc trưng thể loại của thể ký, phát huy đến mức tối đa chỗ mạnh của thể loại này” [17, tr.234]. 1.1.2. NHỮNG TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH THỂ LOẠI KÝ Ký trung đại Việt Nam ra đời từ rất sớm và là loại hình văn học phức tạp nhất trong văn xuôi tự sự thời trung đại. Có thể nói “về mặt lý luận, các nhà thư tịch học như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú và các nhà văn học sử thế kỷ XX không tách ký khỏi truyện. Đối với họ chỉ có cái gọi chung là Truyện ký hoặc Tự sự truyện ký” [35, tr.20]. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na “Người đầu tiên tiến hành phân loại Văn học Việt Nam là Lê Quý Đôn (1726 - 1784). Ông viết: “Nay theo sử cũ đã chép và sách riêng của các nhà (…) sao lấy các tên sách (…) chia làm bốn loại, một là Hiến chương, hai là Thi văn, ba là Truyện ký, bốn là Phương kỹ” [35, tr.16]. Hơn nửa thế kỷ sau, Phan Huy Chú (1782 - 1840) có điều kiện thời gian để sưu tầm và phân loại thư tịch Việt Nam. Ông dựa vào chức năng và đặc trưng của văn học để phân loại vì thế đã bỏ được loại Phương kỹ và thêm loại Kinh sử. “Tôi bèn tìm xét sử cũ, tham khảo các nhà, biên hết tên sách, chia làm 4 loại: 1. Hiến chương; 2. Kinh sử; 3. Thi văn; 4. Truyện ký” [35, tr.18]. Trong văn học trung đại có một thời kỳ bộ phận của văn học nghệ thuật tiếp giáp với văn học chức năng tạo thành thế quân bằng. Bộ phận văn học này tạo nên cái mà người ta gọi là “văn - sử - triết bất phân”. Tính đa chức năng của văn học trung đại là điểm phổ quát của văn học trung đại từ Đông sang Tây. Nhưng văn học tiến triển đến một trình độ nào đó, đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải phân loại để chỉ ra đặc trưng và công năng của từng thể loại. Trong công trình nghiên cứu của mình, Nguyễn Đăng Na đưa ra những dẫn chứng cho thấy rằng, trên thực tiễn sáng tác chúng ta có một hệ thống tác phẩm ký thực sự. Khi viết bài giới thiệu cho từng tác phẩm cụ thể trong cái gọi là Truyện ký như Thượng kinh ký sự, Tang thương ngẫu lục, Thoái thực ký văn, Bắc hành tùng ký… thì các dịch giả hoặc người giới thiệu đều gọi chúng là ký sự. Chẳng hạn, trong lời giới thiệu cho sách Tang thương ngẫu lục, Trương Chính viết: “Có điều, tập ký sự này lại giàu chất hoang đường”. Còn đây là nhận xét của Hoàng Xuân Hãn: “Lê Quýnh còn để lại một tập ký sự Bắc hành tùng ký ghi lại những biến cố xảy ra có quan hệ đến bản thân …”. Và nhà xuất bản Tân Việt có đôi lời cùng bạn đọc rằng: “… trong lòng chúng tôi sẽ hết
- băn khoăn khi cho ra mắt bạn đọc tập tùy bút Thoái thực ký văn của Trương Quốc Dụng”. Ở một chỗ khác, giới thiệu Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, Trương Chính giải thích: “Tùy bút là viết theo ngọn bút, gặp đâu nói đó, không có hệ thống”. Thái Nhân Hòa thì lấy làm phấn khởi quảng cáo: “Văn đàn lần lượt cống hiến bạn đọc một sử liệu quý giá và cũng là một áng văn hiếm có về loại du ký: bản dịch toàn bộ Tây hành nhật ký…” [35, tr.21]. Tiêu chí để phân biệt giữa truyện và ký gặp rất nhiều khó khăn bởi ký trung đại còn dựa vào văn học chức năng. Nếu như ở giai đoạn thế kỷ X - XIV loại hình truyện ngắn đã đạt được những thành tựu đáng kể thì ký không có được như vậy. Thành tựu của ký giai đoạn này là các bài ký thuộc loại hình văn khắc và tự bạt. Giai đoạn thế kỷ XV - XVII ký chưa thành một thể riêng mà chỉ xuất hiện trong một số tập truyện ngắn như Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục… Như vậy, ký chỉ thực sự ra đời khi người cầm bút trực diện trình bày đối tượng mình đang phản ánh bằng cảm quan của chính mình. Ký khác truyện không chỉ ở chức năng và kết cấu tác phẩm mà điều làm nên sự phân biệt giữa truyện và ký về bản chất là thái độ người cầm bút. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na đưa ra nhận định: “Nếu người cầm bút tách mình khỏi các sự kiện, các nhân vật mình miêu tả như người ngoài cuộc thì đấy là truyện; còn tác giả hòa mình vào các sự kiện, các nhân vật với tư cách là người trong cuộc thì đấy là ký” [35, tr.37]. Đến giai đoạn thế kỷ XVIII - XIX xuất hiện hàng loạt những tác phẩm ghi chép tỉ mỉ, chân xác hiện thực xã hội. Người sáng tác trở thành nhân vật trung tâm trong tác phẩm, cái tôi cá nhân tác giả bắt đầu xuất hiện và thể ký đích thực đã ra đời. Mặc dù giữa ký và truyện khó phân biệt rạch ròi nhưng dựa vào đặc trưng thể loại chúng vẫn có những điểm khác biệt. Ký: - Ghi chép sự kiện lịch sử có thật (con người, sự kiện, thời gian, không gian…) chính xác. - Có hư cấu ở một số chi tiết nhỏ. - Nhân vật xuất hiện trong sự kiện. Truyện: - Gắn sự kiện lịch sử với những sáng tạo nghệ thuật.
- - Hư cấu nhiều. - Nhân vật xuất hiện từ đầu đến cuối tác phẩm, có sự phát triển tính cách. Có quan điểm cho rằng Hoàng Lê nhất thống chí là tiểu thuyết chương hồi bởi cấu tạo của nó không khác mấy so với tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa. Nó có phần đề hồi và hạ hồi với những sự kiện, nhân vật trong lịch sử. Nhưng nếu xét kỹ đặc trưng thể loại của tiểu thuyết với đặc trưng thể loại của ký sự ta thấy chúng có những đặc trưng hoàn toàn khác nhau. Nếu đem những đặc trưng đó đặt vào tác phẩm thì ta thấy những đặc trưng của thể loại ký sự thích hợp hơn bởi ký sự rất linh hoạt trong việc thể hiện các phong cách nghệ thuật. Tiểu thuyết chương hồi đó là “Một thể loại tác phẩm tự sự dài hơi của Trung Quốc, thịnh hành vào đời Minh, Thanh… thoát thai từ thoại bản, kết cấu có đặc điểm: đầu mỗi thiên có nhập thoại bằng thơ hay mẩu chuyện nhỏ, liên hệ với chính văn bằng ý nghĩa tương tự hay tương phản, ngoài câu chuyện còn dùng thơ, từ, phú để tả cảnh, tả vật khi phải khắc hoạ tỉ mỉ nhân vật và sự kiện, vừa để nối trên, tiếp dưới hoặc nói lên sự tán thưởng của tác giả. Cuối thiên được kết thúc bằng thơ, phần lớn có ý nghĩa khuyên răn. Thoại bản giảng sử thường là trường thiên. Câu chuyện lịch sử dài phải chia làm nhiều đoạn , kể làm nhiều lần hồi. Để phân biệt, người ta đặt tiêu đề cho mỗi hồi, và để hấp dẫn, người ta ngắt ở những đoạn có tình tiết quan trọng, và kết bằng câu “muốn biết sự việc ra sao, xin xem hồi sau phân giải” [20, tr.225 - 226]. Thượng kinh ký sự là tác phẩm ký nghệ thuật đích thực đầu tiên của văn học Việt Nam. Nó không chỉ là đỉnh cao, là sự hoàn thiện thể ký thời trung đại, mà còn là mực thước cho lối viết ký về sau này. Đây là một tác phẩm ký sự bằng chữ Hán rất có giá trị trong văn học Việt Nam thế kỷ XVIII. Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ thì khá đa dạng về bút pháp và gồm nhiều mẩu chuyện nhỏ. Đây là những câu chuyện riêng lẻ được tác giả ghi chép lại những sự việc xảy ra cuối đời Lê và đời Tây Sơn chứ không phải là những sáng tạo của tác giả. Hoàng Lê nhất thống chí được các tác giả họ Ngô viết với mục đích là ghi chép lại lịch sử xã hội nước ta khoảng 30 năm cuối thế kỷ XVIII, kể từ khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa (1786) cho đến lúc Nguyễn Ánh lên ngôi vua (1802). Đây là giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, giai đoạn đen tối, bế tắc nhất của xã hội phong
- kiến Việt Nam. Đồng thời, cũng là giai đoạn có nhiều biến động lớn lao, nhiều thay đổi mạnh mẽ. Có thể nói, những sự kiện quan trọng của giai đoạn lịch sử này đều được các tác giả họ Ngô ghi chép lại chính xác như những sự kiện trong một tác phẩm sử học. Về phương diện nghệ thuật, nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc cho rằng thành công của Hoàng Lê nhất thống chí là “sự kết hợp tương đối hài hòa giữa chân lý lịch sử với chân lý nghệ thuật. Tác giả không chỉ kể lại những gì đã xảy ra, mà kết hợp việc kể với việc miêu tả cái không khí của sự việc ấy. Tác giả không phải chỉ thấy các nhân vật lịch sử làm gì, mà đã cố gắng nói lên cái cách mà các nhân vật ấy làm như thế nào” [18, tr.615]. Và khi xem xét về vấn đề thể loại của Hoàng Lê nhất thống chí, Nguyễn Lộc đã gọi nó là một cuốn ký sự lịch sử. Về hình thức ký sự nhà nghiên cứu Hà Minh Đức trong công trình Lý luận văn học (1998) cho rằng: “hình thức ký đã có từ lâu trong văn học Việt Nam như Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, một số bài ký trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ… Hoàng Lê nhất thống chí là một thiên ký sự lịch sử có giá trị. Tính xác thực lịch sử của những sự kiện được tôn trọng. Tác phẩm lại dựng được khá rõ và đầy đủ bộ mặt chung của thời đại qua bức tranh miêu tả sinh động” [17, tr.288]. Hoặc là bàn về tính hiện thực trong tác phẩm, Nguyễn Phương Chi cũng cho rằng Hoàng Lê nhất thống chí thuộc thể ký như Thượng kinh ký sự và Vũ trung tùy bút. Nói như Nguyễn Phương Chi: “Cùng với Hoàng Lê nhất thống chí và Thượng kinh ký sự, Vũ trung tùy bút là thiên ký tiêu biểu xuất sắc của mảng văn xuôi giàu tính hiện thực của văn học Việt Nam thế kỷ XVIII” [18, tr.203]. Như vậy, mặc dù còn một vài quan điểm cho rằng Hoàng Lê nhất thống chí là tiểu thuyết lịch sử bởi cấu tạo của nó không khác mấy so tiểu thuyết chương hồi của Trung Hoa. Nhưng nếu xét kỹ đặc trưng thể loại của tiểu thuyết với đặc trưng thể loại của ký sự ta thấy chúng có những đặc trưng hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa nếu đi sâu vào đặc trưng kết cấu của tác phẩm thì Hoàng Lê nhất thống chí gần với ký sự lịch sử hơn. Hoàng Lê nhất thống chí viết về những sự kiện lịch sử vừa mới xảy ra chứ không phải là những sự kiện lịch sử xa xưa. Tất cả con người, sự kiện, năm tháng ở đây đều có thật và đã diễn ra trong lịch sử. Nếu như tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc thoát thai từ thoại bản, kết cấu có những đặc điểm như đã nêu ở trên thì Hoàng Lê nhất thống chí hiện thực lịch sử gần như đi thẳng vào trong tác phẩm. Mặt khác,
- hiện thực thực lịch sử được đề cập trong tác phẩm so với thời điểm tác phẩm ra đời có khoảng cách thời gian không đáng kể. Chính vì vậy mà giá trị sử học trong Hoàng Lê nhất thống chí là một đặc điểm khá nổi bật, là tài liệu tin cậy để nhà nghiên cứu lịch sử tham khảo. 1.2. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA KÝ TRUNG ĐẠI VIỆT NAM 1.2.1. KÝ TRUNG ĐẠI VIỆT NAM TỪ THẾ KỶ X ĐẾN THẾ KỶ XIX Văn học trung đại Việt Nam được tính từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX từ khi dân tộc ta giành được độc lập từ tay người phương Bắc đến lúc đất nước bị người phương Tây xâm lược. Văn học trung đại Việt Nam đa dạng về thể loại nhưng ký là loại hình phức tạp nhất trong văn xuôi tự sự thời trung đại. Ký là một bộ phận cùng với truyện ngắn và tiểu thuyết chương hồi hợp thành văn xuôi tự sự. Cũng như truyện ngắn và tiểu thuyết chương hồi, ký chủ yếu được viết bằng chữ Hán dưới hình thức các thể văn Trung Hoa. Ký Việt Nam thời trung đại tiến triển qua ba giai đoạn . Giai đoạn từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV Thế kỷ X - XIV không chỉ là thời kỳ đặt nền móng cho loại hình truyện ngắn, mà còn đặt nền móng cho cả dòng tự sự viết dưới dạng ký. Đặc điểm giai đoạn này là văn xuôi tự sự chưa tách khỏi văn học dân gian và văn học chức năng. Ký phải dựa hoàn toàn vào văn học chức năng. Loại hình truyện ngắn đạt được những thành tựu đáng kể như Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên, Lĩnh Nam chính quái lục của Trần Thế Pháp, Ngoại sử ký của Đỗ Thiện, phần Ngoại kỷ sách Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu... So với truyện thì ký không có được thành tựu như vậy. Đề tài của ký bị hạn chế trong khuôn khổ viết về hiện tại, về những điều mắt thấy tai nghe. Ký không được viết về quá khứ, nếu có chỉ là quá khứ gần xoay quanh nhân vật hiện tại. Đề tài của ký không phong phú, dồi dào như truyện và cuộc sống xã hội lại không đặt ra nhu cầu về ký cho nên về cơ bản ký vẫn thuộc văn học chức năng. Ký giai đoạn thể kỷ X - XIV gồm hai loại chính: văn khắc và tự bạt. Các văn bản viết bằng dao, bằng đục trên chất liệu rắn như gỗ, đồng, đá, gốm, xương thú, mai rùa... đều có thể gọi là văn khắc. Văn khắc còn bao hàm cả tác phẩm ký viết trên chất liệu rắn bằng dao và đục. Đó là văn bia và văn chuông khánh. Những tác phẩm văn thuộc thể ký khắc trên đá là văn bia. Nội dung văn bia thế kỷ X - XIV không phong phú nhưng văn phong khá đa dạng. Mỗi bài là sự kết hợp giữa tả cảnh, tả tình, kể việc, kể người với phát biểu trực tiếp cảm nghĩ cá nhân người cầm bút nên
- chúng mang đậm chất ký. Một số bài văn bia nổi tiếng thế kỷ X - XIV như: Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi, Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh (Khuyết danh), Thiên phúc tự hồng chung minh văn của Samô Thích Hưng Huệ. Bên cạnh văn bia thì văn chuông khánh ở giai đoạn này không nhiều nhưng nội dung và nghệ thuật của chúng cũng tương tự như văn bia. Thế kỷ X - XIV, về ký còn có tự bạt. Tự và bạt viết ra đều nhằm mục đích giới thiệu, để bày tỏ quan điểm của mình đối với văn chương, học thuật. Giữa chúng có sự khác biệt: tự thì đặt trước tác phẩm, còn bạt đặt cuối tác phẩm. Các bài tự bạt hiện còn như: Thiền tông chỉ nam tự, Kim Cương tam muội kinh tự, Bình đẳng lễ sám văn tự, Lục thì sám hối khoa tự của Trần Thái Tông, Vạn Kiếp tông bí truyền thư tự của Trần Khánh Dư, Việt điện u linh tập tự của Lý Tế Xuyên, Thượng Sĩ ngữ lục bạt của Trần Khắc Chung... Như vậy, tự bạt cùng với văn khắc đã tạo nên diện mạo của thể ký văn học Việt Nam thế kỷ X - XIV. Đến giai đoạn sau thì văn khắc trở thành một loại hình riêng thuộc loại hình văn học chức năng và lễ nghi còn tự bạt lại đi sâu vào chức năng khảo cứu, giới thiệu sách. Giai đoạn từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII Thế kỷ XV - XVII thể văn tự bạt phát triển hơn nhiều so với giai đoạn trước về số lượng và dài hơn về dung lượng. Người viết chủ yếu trình bày trực tiếp quan điểm của mình trên các lĩnh vực văn học và nghệ thuật, phương pháp sưu tầm và sáng tác. Ký dưới dạng tự bạt giai đoạn này tách dần ra thành môn khoa học riêng đặt nền móng cho loại hình ký nghệ thuật. Cùng với tự bạt, thế kỷ XV - XVII còn có những tác phẩm văn xuôi tự sự như: Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng, Thánh Tông di thảo của Lê Thánh Tông, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, Thiên Nam vân lục liệt truyện của Nguyễn Hàng... Thế nhưng đặc điểm nổi bật của văn xuôi tự sự giai đoạn này là ký chưa thành một thể riêng mà chỉ là một phần nhỏ nằm trong tác phẩm tự sự nhiều thiên. Truyện ngắn thế kỷ XV - XVII đã đạt đến đỉnh cao nhưng ký nghệ thuật đích thực chỉ mới bắt đầu. Ranh giới giữa truyện và ký cũng hết sức mờ mỏng. Tác phẩm Thánh Tông
- di thảo do người đời sau sưu tầm gồm 19 thiên thì 6 thiên không ghi tên thể loại, 13 thiên còn lại chia thành 6 thể: - Truyện (5 thiên: Mai Châu yêu nữ truyện, Phú cái truyện, Nhị thần nữ truyện, Dương phu truyện, Thử tinh truyện) - Ký (4 thiên: Thiềm thừ miêu duệ ký, Lưỡng Phật đấu thuyết ký, Hiếu đễ nhị thần ký, Mộng ký) - Lục (1 thiên: Mấn thư lục) - Phả (1 thiên: Sơn quân phả) - Chí dị (1 thiên: Ngư gia chí dị) - Từ (1 thiên: Lung cổ phán từ) Đối với Truyền kỳ mạn lục - tác phẩm được khắc in vào khoảng giữa thế kỷ XVI thì lại không giống với Thánh Tông di thảo. Như vậy 6 thiên trong Thánh Tông di thảo không ghi tên thể loại cho ta thấy tác phẩm được sưu tầm rất muộn khi mà tính nghiêm ngặt của thể loại bị phá bỏ dần nhất là đối với loại hình truyện. Nguyễn Dữ chia Truyền kỳ mạn lục làm ba thể: lục, truyện, ký. - Lục 9 thiên: Trà đồng đản sinh lục, Long đình đối tụng lục, Tản Viên từ phán sự lục, Từ Thức tiên hôn lục, Phạm Tử Hư du Thiên tào lục, Xương Giang yêu quái lục, Na sơn điều đối lục, Đông Trào phế tự lục, Dạ xoa bộ soái lục. - Truyện 6 thiên: Khoái Châu nghĩa phụ truyện, Mộc miên thụ truyện, Tuý Tiêu truyện, Lý Tướng quân truyện, Nam Xương nữ tử truyện, Lệ Nương truyện. - Ký 5 thiên: Hạng vương từ ký, Tây viên kỳ ngộ ký, Đào thị nghiệp oan ký, Đà Giang dạ ẩm ký, Kim Hoa thi thoại ký. Tính chất ký trong văn xuôi tự sự thế kỷ XV - XVII chưa rõ vì vậy muốn tách ký ra khỏi truyện là một việc làm khó. Theo Nguyễn Đăng Na: “Điều làm nên sự phân biệt giữa truyện và ký về bản chất là thái độ người cầm bút. Nếu người cầm bút tách mình khỏi các sự kiện, các nhân vật mình miêu tả như người ngoài cuộc thì đấy là truyện; còn tác giả hòa mình vào sự kiện, các nhân vật với tư cách là người trong cuộc thì đấy là ký” [35, tr.37]. Hồ Nguyên Trừng với tác phẩm Nam Ông mộng lục là người mở đầu cho lối viết tự sự nhiều thiên thế kỷ XV - XVII. Cùng với Lê Thánh Tông và Nguyễn Dữ, ông là người đặt nền móng cho thể ký Việt Nam thời trung đại và là đại diện cho
- những tác giả ký giai đoạn này. Thế nhưng thế kỷ XV - XVII tính chất ký trong những thiên tự sự vẫn còn mờ nhạt mà phải đợi đến thế kỷ XVIII - XIX khi ý thức cá nhân xuất hiện và được thức tỉnh thì ký mới thật sự ra đời. Giai đoạn từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX Ký là loại hình văn xuôi tự sự, có nguồn gốc từ ký lịch sử, dùng để ghi chép về con người, sự vật, phong cảnh... Ký của Việt Nam khá đa dạng, phong phú và thực sự ra đời vào thế kỷ XVIII. Ta có thể coi Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề là tác phẩm mở đầu cho thể ký ở Việt Nam. Tuy nhiên tác phẩm của ông còn nặng về tính truyện dân gian và chất khảo cứu. Mặc dù còn có những hạn chế nhưng Vũ Phương Đề vẫn là người có công đánh dấu bước phát triển của thể ký trung đại. Sau Vũ Phương Đề là hàng loạt các tác phẩm ký khác như Cát Xuyên tiệp bút của Trần Tiến, Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, Bắc hành tùng ký của Lê Quýnh, Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, Tang thương ngẫu lục của Nguyễn Án, Tây hành kiến văn kỷ lược của Lý Văn Phức... lần lượt xuất hiện và đạt đỉnh cao về nghệ thuật. Đến Lê Hữu Trác và Phạm Đình Hổ thì thể ký đã đạt đến đỉnh cao và đa dạng về hình thức. Sau đó ký có bước chuyển mới về nội dung và những tác phẩm ký viết về phương Tây bắt đầu xuất hiện. Tây hành kiến văn kỷ lược của Lý Văn Phức không chỉ là tác phẩm ký đầu tiên viết về phương Tây mà nó còn mở ra một khuynh hướng sáng tác mới cho các tác giả khác khi viết về đề tài này. Đề tài về phương Tây có sự hấp dẫn của cái mới mẻ lạ lùng trong cách quan sát của Lý Văn Phức. Nếu Lý Văn Phức đến phương Tây là để “đới công chuộc tội” thì nhóm của Phạm Phú Thứ đi với tư thế thay mặt triều đình để bàn quốc sự ngoại giao. Tác phẩm Giá Viên biệt lục do ba người là Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguỵ Khắc Đản cùng viết, trong đó Giá Viên Phạm Phú Thứ giữ vai trò biệt lục (sưu tầm, tập hợp, chỉnh lý, cắt chọn, sắp xếp). Có thể nói Giá Viên biệt lục hơn hẳn Tây hành kiến văn kỷ lược về quy mô và phong phú về nội dung. Hơn 9 tháng ở Tây Âu nhóm của Phạm Phú Thứ có điều kiện xem xét, khảo sát phương Tây về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ... và ghi chép lại tỉ mỉ để khi về dâng lên vua Tự Đức. Chính thái độ trung thực, thận trọng, tỉ mỉ và khoa học ấy càng làm tăng thêm giá trị của tác phẩm. Cái gì trong tác phẩm cũng lạ, cũng mới đối với người Việt Nam vì đây là lần đầu tiên họ được biết đến.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn viết về đề tài tình yêu của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh
185 p | 265 | 50
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thiên nhiên trong thơ chữ Hán Nguyễn Du
152 p | 307 | 46
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc trưng nghệ thuật của văn tế Nôm trung đại
132 p | 119 | 32
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học nước ngoài: Kiểu nhân vật kiếm tìm trong tiểu thuyết
20 p | 214 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Yếu tố kì ảo trong văn xuôi trung đại (thế kỉ XV đến thế kỉ XIX)
115 p | 115 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận Văn học ở Việt Nam từ 1975 đến nay
166 p | 154 | 28
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Hồn - Tình - Hình - Nhạc trong thơ Hoàng Cầm
184 p | 158 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết
114 p | 153 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm nghệ thuật thơ Bùi Giáng
168 p | 148 | 22
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Nhân vật trí thức văn nghệ sĩ trong văn xuôi Việt Nam hiện đại
151 p | 101 | 20
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay (qua một số tác giả tiêu biểu)
121 p | 173 | 18
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm văn học tầm căn qua sáng tác của Phùng Ký Tài (Roi thần, Gót sen ba tấc, Âm dương bát quái)
132 p | 145 | 17
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Khảo sát truyện cổ dân gian Ê Đê dưới góc độ loại hình
167 p | 123 | 16
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Những đóng góp của Tuệ Trung Thượng sĩ cho thơ Thiền Việt Nam
132 p | 161 | 16
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm văn xuôi nghệ thuật Dạ Ngân
168 p | 147 | 15
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thiền uyển tập anh từ góc nhìn văn chương
108 p | 124 | 14
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân
172 p | 82 | 10
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học Việt Nam: Tìm hiểu đặc sắc nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945
91 p | 64 | 8
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn