intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

LUẬN VĂN: Vấn đề kế thừa giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ tỉnh Bến Tre hiện nay

Chia sẻ: Nguyen Hai | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:105

126
lượt xem
29
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, phụ nữ luôn luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng. Họ vừa là người công dân, người lao động, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Khả năng và điều kiện lao động, trình độ văn hóa, vị trí xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của thế hệ tương lai, đến sự phồn vinh của quê hương, đất nước. Chiếm hơn 50% dân số của tỉnh, phụ nữ Bến Tre...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: LUẬN VĂN: Vấn đề kế thừa giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ tỉnh Bến Tre hiện nay

  1. LUẬN VĂN: Vấn đề kế thừa giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ tỉnh Bến Tre hiện nay
  2. mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, phụ nữ luôn luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng. Họ vừa là người công dân, người lao động, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Khả năng và điều kiện lao động, trình độ văn hóa, vị trí xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ có ảnh h ưởng sâu sắc đến sự phát triển của thế hệ tương lai, đến sự phồn vinh của quê hương, đất nước. Chiếm hơn 50% dân số của tỉnh, phụ nữ Bến Tre đã góp phần quan trọng tạo nên sự rạng rỡ của vùng đất “ba dải cù lao” anh hùng. Đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ Bến Tre đã viết nên những trang sử vô cùng oanh liệt, phát huy mạnh mẽ truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Truyền thống ấy được kế thừa và phát triển một cách sáng tạo trong suốt chiều dài lịch sử, làm hồi sinh lại cuộc sống của quê hương sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt, làm phong ph ú thêm nội dung các giá trị đạo đức truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Đứng trước nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới, đòi hỏi người phụ nữ Bến Tre phải phấn đấu vươn lên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc sống hiện đại, với đầy đủ những phẩm chất: yêu nước, có tri thức, có sức khoẻ, n ăng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu, quan tâm đến lợi ích xã hội và cộng đồng; xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. “Người phụ nữ mới” là sản phẩm của quá trình lịch sử, được lịch sử hun đúc nên, kết hợp hài hoà yếu tố truyền thống với hiện đại. Trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh luôn quan tâm động viên, bồi dưỡng lực lượng và khả năng của người phụ nữ, phát huy truyền thống của người phụ nữ Bến Tre, tạo mọi điều kiện thuận lợi vì sự tiến bộ của phụ nữ. Trong điều kiện đó, phụ nữ Bến Tre đã có những bước tiến đáng kể so với trước đây. Bến Tre là một trong những tỉnh nghèo của miền Tây Nam Bộ, lại phải gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề của chiến tranh để lại. Chính điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất cũng nh ư tinh thần của nhân dân Bến Tre nói
  3. chung, người phụ nữ Bến Tre nói riêng, nhất là việc kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống trong điều kiện mới. Mặt khác, trong xu thế hội nhậ p và giao lưu quốc tế, sự phát triển của nền kinh tế thị tr ường với những mặt trái của nó đã tác động mạnh mẽ đến các tầng lớp xã hội đặc biệt là phụ nữ. Vấn đề việc làm, sự đói nghèo, trình độ học vấn, sự hưởng thụ văn hoá; tệ nạn xã hội, buôn lậu, ma tuý , mại dâm, hiện tượng bạo lực đối với phụ nữ đang là những vấn đề bức bách, nhất là ở những vùng nông thôn trong đó có Bến Tre. Một bộ phận phụ nữ có đạo đức, lối sống không lành mạnh, thiếu thuỷ chung, vô trách nhiệm với gia đình, đi ngược lại giá trị đạo đức truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Những tồn tại trên đã và đang làm mai một dần giá trị đạo đức của phụ nữ Bến Tre nói riêng và đạo đức người phụ nữ Việt Nam nói chung. Giải quyết vấn đề này là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, trách nhiệm của mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là của chính các thế hệ phụ nữ Bến Tre hôm nay và mai sau. Do vậy, việc nhận thức đúng đắn “Vấn đề kế thừa giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ tỉnh Bến Tre hiện nay ” là vấn đề cần thiết và cấp bách, có ý nghĩa lý l uận và thực tiễn đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ, xây dựng người phụ nữ mới đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, H ĐH đất nước ngay trên mảnh đất "quê hương Đồng khởi - Bến Tre". 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Cho đến nay, về giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam và việc kế thừa chúng đã có nhiều công trình nghiên cứu, tiêu biểu như sau: - "Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam" của GS. Trần Văn Giàu, Nxb Khoa học xã hội, 1980. - "Đạo đức mới" GS. Vũ Khiêu chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974. - "Đến hiện đại từ truyền thống" của GS. Trần Đình Hượu, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1996.
  4. Trong các công trình trên nhà nghiên c ứu đã đưa ra những giá trị truyền thống dân tộc nói chung được hình thành trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. - "Phụ nữ Việt Nam qua các thời đại" của Lê Thị Nhâm Tuyết - ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam - Viện Dân tộc học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1973. - "Truyền thống phụ nữ Việt Nam" của GS. Trần Quốc Vượng, Nxb Văn hóa - dân tộc, Hà Nội, 2000. Các công trình này đi sâu nghiên cứu vai trò, những giá trị truyền thống của phụ nữ Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử. - "Ba cuộc cách mạng với vấn đề giải phóng phụ nữ" - Dương Thoa, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1976. - "Bác Hồ với phong trào phụ nữ Việt Nam " của Dương Thoa, Nxb Phụ nữ, 1982. - "Chính sách xã hội đối với phụ nữ nông thôn (quy trình xây dựng và thực hiện) - PTS. Lê Thị Vinh Thi chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998. - "Phụ nữ nông thôn và việc phát triể n các ngành nghề phi nông nghiệp" - GS. Lê Thi chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998. - "Việc làm và đời sống phụ nữ trong chuyển đổi kinh tế ở Việt Nam" của GS. Lê Thi, Nxb Khoa h ọc xã hội. - "Phụ nữ tham gia lãnh đạo quản lý", Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997. Nhìn chung, các công trình này ch ủ yếu nghiên cứu vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và các lĩnh vực hoạt động xã hội khác nhau. Ngoài ra còn có một số bài viết liên quan đến vấn đề giá trị truyền thống dân tộc và giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ, nh ư: - "Vấn đề khai thác các giá trị truyền thống vì mục tiêu phát triển " - GS. Nguyễn Trọng Chuẩn, Tạp chí Triết học, số 2/1998. - "Giá trị truyền thống - nhân lõi và sức sống bên trong của sự phát triển đất nước, dân tộc" của PGS. Nguyễn Văn Huyên, Tạp chí Triết học, số 4/1998.
  5. - "Sự biến đổi của thang giá trị đạo đức trong xã hội ta hiện nay và việc nâng cao phẩm chất đạo đức của cán bộ' c ủa PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ và Nguyễn Thế Kiệt, Tạp chí Cộng sản, số 15/1998. - "Làm thế nào để phụ nữ trở thành chủ thể của quá trình đổi mới đất nước hiện nay" của GS. Lê Thi, Khoa học về Phụ nữ, số 4/1996. - "Phụ nữ Việt Nam bước vào thế kỷ XXI" của GS. Lê Thi, Tạp chí Cộng sản, số 20/2000. - "Về chuẩn mực người phụ nữ mới thời hiện đại" của GS. Lê Thi, Khoa học về Phụ nữ, số 3/2004. Ngoài ra, một số đề tài, luận án tiến sĩ và luận văn thạc sĩ đã nghiên cứu vấn đề kế thừa và phát huy giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc nói chung, của phụ nữ Việt Nam nói riêng, trong đó phải kể đến: - "Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay", Đề tài KX.07.02. - "Kế thừa và đổi mới các giá trị đạo đức truyền thống trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay" của Nguyễn Văn Lý, Luận án tiến sĩ Triết học, Hà Nội, 2000. - "Kế thừa và phát huy giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam trong tình hình hiện nay" của Lê Thị Minh Hiệp, Luận văn thạc sĩ Triết học, Hà Nội, 2000. - "Phát huy giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong việc xây dựng đạo đức mới cho người phụ nữ Việt Nam hiện nay " của Nguyễn Thị Lan, Luận văn thạc sĩ Triết học, Hà Nội, 2001. Năm 2000, tác giả Thạch Phương đã công bố kết quả nghiên cứu về phụ nữ tỉnh Bến Tre qua cuốn sách " Phụ nữ Bến Tre". ở một mức độ khái quát, tác giả Thạch Phương bước đầu đã giới thiệu và phân tích truyền thống phụ nữ Bến Tre qua từng thời kỳ lịch sử, giúp cho người đọc có được một bức tranh về truyền thống phụ nữ Bến Tre.
  6. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu "Vấn đề kế thừa giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ tỉnh Bến Tre hiện nay". Chính vì vậy, tôi lấy đó làm đề tài nghiên cứu cho bản luận văn thạc sĩ của mình. 3. Mục đích, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu của luận văn - Mục đích của luận văn: Trên cơ sở phân tích thực trạng việc kế thừa giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ tỉnh Bến Tre, đưa ra một số giải pháp cơ bản để kế thừa và phát huy có hiệu quả các giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Bến Tre trong giai đoạn hiện nay. - Nhiệm vụ của luận văn: Để đạt được mục đích trên, luận văn tập trung giải quyết những nhiệm vụ sau: + Nêu một cách khái quát giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Bến Tre và cơ sở hình thành của chúng. + Bước đầu làm sáng tỏ nét đặc thù cũng như tính tất yếu của việc kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ tỉnh Bến Tre trong giai đoạn hiện nay. + Phân tích thực trạng của việc kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Bến Tre, tìm ra những vấn đề còn tồn tại và nguyên nhân của nó. + Đề xuất một số giải pháp cơ bản giúp cho việc kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Bến Tre đạt hiệu quả hơn nữa. - Phạm vi nghiên cứu của luận văn: + Vấn đề kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ ở phạm vi P hụ nữ tỉnh Bến Tre. + Chỉ kế thừa những giá trị đạo đức truyền thống nổi bật c ủa phụ nữ Bến Tre. 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên c ứu của luận văn - Cơ sở lý luận: Thực hiện luận văn này, tác giả dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về đạo đức, về phụ nữ, nhất là về vấn đề kế thừa giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam.
  7. - Phương pháp nghiên cứu: Luận văn chủ yếu sử dụng phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, ph ương pháp lịch sử - lôgíc, phân tích - tổng hợp, diễn dịch - quy nạp. 5. Đóng góp mới của luận văn - Luận văn nêu lên nét đặc thù của những giá trị đạo đức truyền thống nổi bật ở người phụ nữ Bến Tre và tính tất yếu của việc kế thừa chúng trong giai đoạn hiện nay. - Góp phần làm rõ sự vận động và phát triển về nội dung của các giá trị đạo đức truyền thống phụ nữ Việt Nam thông qua việc kế thừa chúng của phụ nữ tỉnh Bến Tre. 6. ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận v ăn - Luận văn góp phần nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Bến Tre trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. - Luận văn có thể làm tài liệu tham khảo cho các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành của tỉnh Bến Tre trong việc xây dựng chiến l ược, sách lược phát huy truyền thống phụ nữ Bến Tre trong phong trào " Đồng khởi mới". 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 2 chương, 4 tiết.
  8. Chương 1 Giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Bến Tre và tính tất yếu của việc kế thừa chúng trong giai đoạn hiện nay 1.1. Giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Bến Tre 1.1.1. Giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam Quan niệm về giá trị và giá trị đạo đức Những hiểu biết đầu tiên về giá trị xuất hiện tương đối sớm trong lịch sử nhận thức của nhân loại và gắn liền với triết học. Đến cuối thế kỷ XIX, giá trị học mới tách ra thành một khoa học độc lập và thuật ngữ giá trị được dùng để chỉ một khái niệm của khoa học độc lập. Theo một số từ điển nước ngoài và trong nước, khái niệm "giá trị" thường tập trung vào những nhận thức sau: Từ điển Triết học của Liên Xô (cũ) định nghĩa: Giá trị - những định nghĩa về mặt xã hội của khách thể trong thế giới chung quanh, nhằm nêu bật tác dụng tích cực hoặc tiêu cực của các khách thể ấy đối với con người và xã hội (cái lợi, thiện và ác, cái đẹp, cái xấu nằm trong những hiện tượng của đời sống xã hội hoặc tự nhiên). Xét bề ngoài, các giá trị là các đặc tính của sự vật hoặc của hiện tượng, tuy nhiên, chúng không phải là cái vốn do thiên nhiên ban cho sự vật, hiện tượng, không phải đơn thuần do kết cấu bên trong của bản thân khách thể, mà do khách thể bị thu hút vào phạm vi tồn tại xã hội của con người và trở thành cái mang những quan hệ xã hội nhất định. Đối với chủ thể (con người), các giá trị là những đối tượng lợi ích của nó, còn đối với ý thức của nó thì chúng đóng vai trò những vật định hướng hằng ngày trong thực trạng vật thể và xã hội, chúng biểu thị các quan hệ thực tiễn của con người đối với các sự vật hiện tượng chung quanh [59, tr.52]. Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Xô viết:
  9. Giá trị là sự khẳng định hoặc phủ định ý nghĩa của các đối tượng thuộc thế giới chung quanh đối với con người, giai cấp, nhóm hoặc toàn bộ xã hội nói chung. Giá trị được xác định không phải bởi bản thân các thuộc tính tự nhiên, mà là bởi tính chất cuốn hút (lôi cuốn) của các thuộc tính ấy vào phạm vi hoạt động sống của con người, phạm vi các hứng thú và nhu cầu, các mối quan hệ xã hội, các chuẩn mực và phương thức đánh giá ý nghĩa nói trên được biểu hiện trong các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức , trong lý tưởng, tâm thế và mục đích [59, tr.51-52]. Trong Từ điển Tiếng Việt, giá trị được định nghĩa như sau: Cái làm cho một vật có ích lợi, có ý nghĩa, là đáng quý về một mặt nào đó. Tác dụng và hiệu lực. Lao động xã hội kết tinh trong sản phẩm hàng hóa. Số đo của một đại lượng [58, tr.407]. Như vậy, giá trị được hiểu theo nhiều nghĩa và được tiếp cận dưới nhiều góc độ khoa học khác nhau. Song, quan niệm về giá trị chủ yếu vẫn được xem xét thông qua lăng kính triết học. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã nhấn mạnh bản chất xã hội, tính lịch sử, tính nhận thức được và tính thực tiễn của giá trị, của các lý tưởng, các chuẩn mực của đời sống con người. Giá trị không phải là ý niệm về sự vật hay chuẩn mực chủ quan về sự vật lý tưởng mà là những hiện tượng xã hội có tính đặc thù, là ý nghĩa hiện thực của sự vật đối với con người. Giá trị xuất hiện từ mối quan hệ xã hội giữa chủ thể và đối tượng, nghĩa là từ thực tiễn của con người xã hội. Mọi giá trị đều có nguồn gốc từ lao động sáng tạo của quần chúng. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, có thể xem giá trị là những thành tựu của con người góp vào sự phát triển đi lên của lịch sử xã hội, phục vụ cho lợi ích và hạnh phúc của con người. Giá trị vì thế được xác định bởi sự đánh giá đúng đắn của con người.
  10. Giá trị là các ý tưởng về các loại mục đích hay các loại lối sống của một cá thể, hay được chia sẻ trong một nhóm hay toàn xã hội, được cá thể, nhóm hoặc xã hội mong muốn coi là có ý nghĩa. Đó là những chất lượng cơ bản để bảo đảm con đường sống các chuẩn tối thượng chỉ đạo mọi hoàn cảnh thực tiễn. Như vậy, giá trị ở đây được coi là các giá trị bảo đảm cuộc sống, nói chung là các giá trị tích cực bảo đảm một cuộc sống tốt đẹp [17, tr.60]. Tuy nhiên, cũng có cách nhìn rộng hơn, coi bất cứ cái gì tốt hay xấu, thật hay giả,... đều là giá trị. ở góc độ này, giá trị có tính hai mặt: mặt tích cực (những trường hợp nó định hướng tích cực cho hoạt động của con người nhằm đạt tới những mục đích nhân đạo, cao đẹp của đời sống), và mặt tiêu cực (ta thường gọi là "giá trị trái dấu" hay "phản giá trị"). Thường khi nói "giá trị" người ta chỉ quan tâm đến mặt tích cực của nó mà thôi. Qua các khái niệm về giá trị , chúng ta có thể khái quát một số điểm sau: Mọi sự vật, hiện tượng đều có thể xem là có giá trị, dù là vật thể hay t ư tưởng miễn nó được người ta thừa nhận, cần đến nó như một nhu cầu và góp phần vào sự phát triển xã hội. Với ý nghĩa như thế đã loại trừ những giá trị thuần túy mang tính hưởng lạc. Giá trị vừa mang tính khách quan vừa mang tính lịch sử - xã hội. Sự xuất hiện hay mất đi của giá trị không phụ thuộc vào ý thức của con người (chủ thể) mà nó do yêu cầu của thực tiễn, của từng thời đại lịch sử trong đó con người sống và hoạt động. Dù mang tính khách quan như thế nhưng giá trị không phải là cái gì có tính chất cố hữu, vốn nằm ở bản thân các hiện tượng thiên nhiên như vẻ đẹp của mây, nước, trăng, hoa, như lợi ích của núi, sông, rừng, biển... Giá trị của sự vật, hiện tượng là kết quả của mối quan hệ không tách rời của chủ thể và khách thể. Thông th ường khách thể là nguồn gốc của sự hình thành và tồn tại giá trị, còn chủ thể và mối quan hệ giữa chủ thể với khách thể là điều kiện tồn tại, phát triển các giá trị của khách thể. Có thể nói, giá trị là một phạm trù mang bản chất người, nó được xác định trong mối quan hệ thực tiễn của con người, xuất phát từ thực tiễn và được thực tiễn kiểm nghiệm. Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý về bản chất và về giá trị của khách thể.
  11. Song, trong mọi giá trị đều chứa đựng yếu tố nhận thức, yếu tố tình cảm và yếu tố hành vi của chủ thể trong mối quan hệ với sự vật, hiện tượng mang giá trị, thể hiện sự lựa chọn của chủ thể. Vì thế, thiên nhiên chỉ trở thành đẹp và có ý nghĩa giá trị khi nó được đặt trong mối quan hệ thực tiễn với con người xã hội. Như vậy, “Nói đến giá trị là muốn khẳng định mặt tích cực, mặt chính diện, nghĩa là bao hàm quan điểm coi giá trị gắn liền với cái đúng, cái tốt, cái hay, cái đẹp; là nói đến cái có khả năng thôi thúc con người hành động và nỗ lực vươn tới" [4, tr.16]. Do đó, giá trị đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Nó là cơ sở, chuẩn mực để con người dựa vào lựa chọn cách thức suy nghĩ, xác định mục đích và phương hướng cho hoạt động của mình phù hợp với cái chung của xã hội. Giá trị thể hiện ý kiến và hành vi của cả cộng đồng người trong việc lựa chọn, chấp nhận kế hoạch phát triển xã hội. Vì vậy, sự phát triển các giá trị con người là nhân tố cơ bản đối với sự phát triển quốc gia. Trong việc nghiên cứu giá trị, tùy theo mục đích tiếp cận mà người ta phân loại giá trị theo cách riêng của mình. Căn cứ vào sự thoả mãn nhu cầu vật chất hay nhu cầu tinh thần của con người, người ta chia thành giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Đây là cách phân chia khá phổ biến. Giá trị vật chất thể hiện rõ nhất trong đời sống kinh tế, quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Song, con người không chỉ biết sống mà còn sống đẹp, vượt lên trên những nhu cầu vật chất, hướng tới những giá trị tinh thần cao đẹp. Trong giá trị tinh thần của xã hội, người ta thường đề cập đến các loại giá trị như: giá trị khoa học, giá trị thẩm mỹ, giá trị đạo đức,... đánh dấu sự phát triển về mặt chân - thiện - mỹ của đời sống xã hội. Đó là những quan hệ tốt đẹp mà xã hội đã đạt được nhằm phát triển và hoàn thiện đời sống xã hội. Giá trị khoa học gắn với quá trình con người vươn lên nắm bắt bản chất, quy luật của hiện thực khách quan để ngày càng làm chủ những điều kiện sinh hoạt tự nhiên và xã hội của mình. Giá trị thẩm mỹ gắn với nhu cầu thưởng thức, đánh giá, hưởng thụ và sáng tạo cái đẹp trong cuộc sống và trong nghệ thuật. Giá trị đạo đức gắn với nhu cầu điều chỉnh quan hệ giữa cá nhân và xã hội theo hướng tạo nên sự thống nhất hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội.
  12. Có thể nói, “ Giá trị đạo đức là những cái được con người lựa chọn và đánh giá như việc làm có ý nghĩa tích cực đối với đời sống xã hội được lương tâm đồng tình và dư luận biểu dương” [44, tr.62]. Bản thân giá trị đạo đức, xét về mặt thời gian có thể chia thành giá trị đạo đức truyền thống và giá trị đạo đức hiện đại. Mỗi dân tộc đều có truyền thống của mình do lịch sử tạo nên. Truyền thống là sản phẩm của quá trình phát triển của mỗi dân tộc. Nó là điều kiện để duy trì và phát triển cuộc sống. Đó là những đức tính hay những thói tục kéo dài nhiều thế hệ, nhiều thời kỳ lịch sử, có nhiều tác dụng, có thể tích cực cũng có thể tiêu cực. Như vậy, truyền thống có cái tốt, cái xấu, vì thế mà C.Mác nói rằng: "Truyền thống của tất cả các thế hệ đã chết đè nặng như quả núi lên đầu óc những người đang sống" [37, tr.145]. Còn Ph.Ăngghen coi "Truyền thống (lạc hậu) còn là thế lực trong khoa học tự nhiên nữa" [39, tr.468]. Với Hồ Chí Minh, "thói quen và truyền thống lạc hậu là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Chúng ta lại không thể trấn áp nó, mà phải cải tạo nó một cách rất cẩn thận, rất khó chịu, rất lâu dài" [41, tr.287]. Nhưng khi nói đến “giá trị truyền thống” người ta chỉ muốn nói đến cái tốt, bởi lẽ trong ý nghĩa đích thực của nó chỉ những cái tốt, đẹp mới được gọi là giá trị truyền thống. Song, không phải mọi cái tốt đều gọi là giá trị truyền thống mà phải là những cái tốt phổ biến, cơ bản có nhiều tác dụng tích cực cho đạo đức luân lý, có cả tác dụng hướng dẫn sự nhận định và hành động của con người chúng được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Quan niệm về giá trị đạo đức truyền thống Giá trị đạo đức truyền thống là một bộ phận trong hệ giá trị tinh thần của dân tộc. Nó chiếm vị trí nổi bật, là yếu tố cốt lõi của hệ giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam, thể hiện nét đặc thù của đạo đức Việt Nam với những phẩm chất tốt đẹp đã hình thành và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Các giá trị đạo đức truyền thống là kết quả của các mối quan hệ giữa người với người, của những điều kiện sinh hoạt vật chất nhất định. Mỗi giá trị đều góp phần vào việc tạo nên nét riêng biệt của con người Việt Nam, bản sắc Việt Nam. Trong suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao thử thách, hy sinh để đấu tranh cho sự tồn tại và phát triển của mình. Đất nước Việt Nam không chỉ là nơi ở, nơi sinh
  13. sống mà còn là thành quả kết tinh từ mồ hôi nước mắt, xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam. Nó thăng hoa trong tâm thức người Việt Nam thành Tổ quốc thiêng liêng, thành quê hương yêu dấu. Những điều kiện lịch sử - xã hội ấy là cơ sở cho sự hình thành và phát triển các giá trị đạo đức truyền thống mang bản sắc Việt Nam. Lòng yêu quê hương, đất nước của con người Việt Nam được bắt nguồn từ đó; tinh thần cố kết cộng đồng, lối sống tình nghĩa của dân tộc Việt Nam cũng bắt xuất phát từ đây... Đó là những giá trị đạo đức truyền thống bền vững, trường tồn của dân tộc Việt Nam. Nó luôn luôn được bồi đắp thêm bởi những tinh hoa văn hóa của nhân loại, nhất là khi có sự du nhập của Chủ nghĩa Mác – Lênin, sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với ý nghĩa đó, từ lâu, giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Giáo sư Trần Văn Giàu cho rằng: Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc là những nguyên lý đạo đức lớn mà con người trong nước thuộc các thời đại, các giai đoạn lịch sử đều dựa vào để phân biệt phải trái, để nhận định nên chăng nhằm xây dựng độc lập, tự do và tiến bộ của dân tộc đó. Cũng là những nguyên lý đạo đức đã tàng ẩn trong tâm trí sâu xa của mỗi người dân trong nước, khiến họ tự nhiên phản ứng đúng với lẽ phải, đúng với quyền lợi và danh dự dân tộc khi phải đụng chạm một sự cố nào [16, tr.50-51]. Và giáo sư khẳng định, dù trải qua bao vật đổi sao dời, từ thời Văn Lang xa xưa cho đến thời hiện đại, hễ nói đến giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc ta là nói: yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa. Giáo sư Vũ Khiêu thì cho rằng, giá trị đạo đức truyền thống cao đẹp của dân tộc ta bao gồm: lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết, lao động cần cù và sáng tạo, tinh thần nhân đạo, lòng yêu thương và quý trọng con người, trong đó yêu nước là bậc thang cao nhất trong hệ thống giá trị đạo đức của dân tộc. Theo GS. Nguyễn Hồng Phong, tính cách dân tộc gần nh ư là tất cả nội dung của giá trị đạo đức truyền thống, bao gồm: tính tập thể - cộng đồng; trọng đạo đức; cần kiệm, giản dị, thực tiễn; tinh thần yêu nước bất khuất và lòng yêu chuộng hòa bình, nhân đạo; lạc quan [47, tr.453-454].
  14. Ngoài ra, giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cũng được đề cập đến trong một số văn kiện của Đảng. Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đã khẳng định: "Những giá trị văn hóa truyền thống vững bền của dân tộc Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc, đạo lý "thương người như thể thương thân", đức tính cần cù, vượt khó, sáng tạo trong lao động" [10, tr.19]. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) một lần nữa khẳng định: Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử; tính giản dị trong lối sống [12, tr.56]. Từ những quan niệm của các nhà khoa học và quan điểm của Đảng ta về giá trị đạo đức truyền thống, có thể khẳng định các giá trị đạo đức truyền thống cơ bản của dân tộc ta bao gồm: yêu nước, anh hùng; lòng nhân ái, khoan dung; tinh thần đoàn kết; cần cù sáng tạo... Trong đó, yêu nước là giá trị cốt lõi, giá trị hàng đầu của bậc thang giá trị đạo đức truyền thống dân tộc Việt Nam. Nó là tiêu điểm của các tiêu điểm, là sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử của dân tộc ta, là động lực tình cảm lớn nhất trong đời sống của mỗi con người Việt Nam. Đối với người phụ nữ Việt Nam, các giá trị đạo đức của họ không tách rời những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Bởi lẽ, truyền thống và tinh hoa của phụ nữ là sự biểu hiện truyền thống và tinh hoa của dân tộc, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: “Phụ nữ là người có tính dân tộc hơn ai hết, và cái đẹp đẽ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, trước hết là của phụ nữ Việt Nam” [57, tr.16]. Điều đó được lý giải qua những cơ sở hình thành các giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Giá trị đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam Lịch sử phụ nữ Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của lịch sử dân tộc. Vì vậy, đạo đức phụ nữ Việt Nam phải gắn liền với đạo đức dân tộc, nó được hình thành từ hoàn
  15. cảnh lịch sử của dân tộc và thông qua vai trò của người phụ nữ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Thứ nhất, vai trò của người phụ nữ trong lao động sản xuất Trong thời kỳ nguyên thủy, sức sản xuất thấp kém, con người chỉ có thể tồn tại và phát triển được khi lao động gắn với cộng đồng. Mọi người cùng săn bắt và hái lượm nhưng người phụ nữ giữ vai trò quan trọng. Kinh tế hái lượm chủ yếu do những người phụ nữ đảm trách, còn săn bắt dần trở thành chức nghiệp chủ yếu của đàn ông. Sự phân công lao động theo giới tính phát sinh và phát triển dần lên trong lòng xã hội cộng sản nguyên thủy. Nghề săn bắt muông thú ngày càng gặp nhiều khó khăn, đôi khi người đàn ông không tìm được nguồn thức ăn nào cho cộng đồng. Khi đó, những người đàn bà hái lượm, đào tìm những hạt, cây, rễ, củ,... bắt trai, sò, ốc, hến, tôm cua,... là những sản vật không quá hiếm trong thiên nhiên nhiệt đới của nước ta trở nên có hiệu quả. Dần dần, vai trò đảm nhiệm nguồn thức ăn thường xuyên và quan trọng về số lượng cho các tập đoàn người nguyên thủy chủ yếu thuộc về phụ nữ. Ngay từ buổi đầu, vai trò này đã thể hiện tinh thần sẵn sàng gánh vác công việc chung của người phụ nữ Việt Nam. Người phụ nữ còn thể hiện vai trò quan trọng của mình đối với sự sinh tồn của cộng đồng người nguyên thủy trong việc phát hiện ra nghề đánh cá, chăn nuôi và nghề gốm. Đặc biệt, nghề gốm ra đời đã đánh dấu bước phát triển, thể hiện sự khéo léo sáng tạo của người phụ nữ Việt Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế, xã hội, nghệ thuật... trong sản xuất vật phẩm tiêu dùng ở nước ta. Trong nền kinh tế hái lượm, từ chỗ hái lượm tự nhiên, người phụ nữ nguyên thủy tiến dần đến hái lượm theo mùa. Tiến thêm một bước nữa, với những công cụ lao động bằng lưỡi rìu, cuốc đá, gậy nhọn bằng tre, gỗ, người phụ nữ đã trồng các loại cây ăn quả. Nghề nông nguyên thủy ra đời, bao gồm cả việc trồng lúa và những loại cây lương thực khác. Dưới bàn tay của người phụ nữ nguyên thủy, nhiều loại lúa hoang đã trở thành tổ tiên của các giống lúa ngày nay. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà ở nhiều dân tộc, thần lúa nói riêng và thần nông nghiệp nói chung đều mang hình tượng người phụ nữ.
  16. Kinh tế nông nghiệp ra đời đánh dấu bước phát triển mới của nền kinh tế nguyên thuỷ, cung cấp nguồn thức ăn thường xuyên và ổn định cho con người. Tuy nhiên, nó vẫn do phụ nữ đảm nhiệm song song với việc hái lượm của mình. Nghề nông nguyên thuỷ với quy mô nhỏ, đòi hỏi sự mềm mại, dẻo dai, cần cù, điều này phù hợp với thể chất và thiên tính của người phụ nữ. Với sự đảm nhiệm và chăm sóc của người phụ nữ nguyên thuỷ, nông nghiệp dần dần phát triển. Sự phát triển nền kinh tế nông nghiệp là kết quả của quá trình lao động phức tạp và vất vả mà người phụ nữ phải gánh vác. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trước hết là hình ảnh của con người lao động chân lấm tay bùn, dãi nắng dầm sương, chịu đựng gian khổ từ đời này qua đời khác. Chính trong hoàn cảnh khó khăn của buổi đầu lịch sử đã hình thành nên những phẩm chất đạo đức đặc sắc của người phụ nữ Việt Nam: đảm đang, sáng tạo, cần cù, nhẫn nại, chịu thương chịu khó, tinh thần làm chủ, ý thức cộng đồng... Những phẩm chất, những giá trị đó được kế thừa và phát huy mãi đến ngày nay trở thành một trong những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng. Thứ hai, vai trò của người phụ nữ trong đánh giặc giữ làng, giữ nước Trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của dân tộc Việt Nam, dựng nước gắn liền với giữ nước. Chống xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do, đó là điều kiện tiên quyết để dân tộc ta tồn tại và phát triển. Có thể khẳng định rằng, những người đầu tiên đứng lên giành độc lập cho Tổ quốc là phụ nữ. “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” là truyền thống đặc biệt của phụ nữ Việt Nam từ thời đại Hùng Vương - Trưng Vương dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh chống Mỹ cứu nước. Lịch sử đã khắc sâu một chân lý: Phụ nữ Việt Nam không chỉ lo việc nhà mà còn lo việc nước. Bởi lẽ, ở Việt Nam, nước và nhà, làng và nước không bao giờ tách rời nhau, đó là những tiếng thân thương, quen thuộc trong tâm thức của người Việt Nam, nó biểu thị rõ rệt và cô đúc sự gắn bó của các tổ chức xã hội Việt Nam xưa. Con người ở đây ý thức được rằng: nước mất thì nhà tan. Vì thế, cứu nước không chỉ là nhiệm vụ của đàn ông mà đàn bà cũng lo cứu nước. Mặt khác, trong các cuộc chiến tranh, bọn xâm lược trực tiếp đánh vào người phụ nữ, chà đạp nhân phẩm, cướp đi quyền sống, quyền làm mẹ của họ, chúng không chỉ “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn” mà còn “Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”. Trước tai hoạ trực
  17. tiếp đó, người phụ nữ chỉ còn con đường quyết liệt đấu tranh, đứng lên cầm vũ khí, tham gia vào những cuộc đấu tranh chống xâm lược. Trong suốt chiều dài hơn bốn nghìn năm lịch sử, biết bao thế hệ phụ nữ đã trở thành chiến sĩ trong những lần vận nước gặp nguy nan, từ đội ngũ nữ tướng thời Bà Trưng đến “đội quân tóc dài” thời đại mới. Hai Bà Trưng và các nữ tướng của hai bà là những người mẹ, người chị, những người con gái Việt Nam đã nêu cao tấm gương “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Đấy là những con người “sinh vi tướng, tử vi thần”, những nữ anh hùng tiêu biểu cho tinh hoa dân tộc trong giai đoạn phôi thai của lịch sử. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 41-43) là sự phủ định hiên ngang cái thế “bình thiên hạ” của triều đại nhà Hán, đồng thời khẳng định chắc chắn sự nghiệp giành độc lập tự chủ của dân tộc và mở đường cho các thế kỷ sau đi tới thắng lợi. Sử gia Lê Văn Hươu sau này có viết: "Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà nổi lên đánh lấy được 65 thành trì, lập quốc xưng vương dễ như giở bàn tay" [29, tr.40]. Góp phần vào ngọn nguồn của truyền thống đánh giặc của phụ nữ Việt Nam xưa, 200 năm sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa của “Vua bà” Triệu Thị Trinh, cuộc khởi nghĩa ấy một lần nữa khẳng định ý chí tự chủ, tinh thần độc lập dân tộc và khí phách của người phụ nữ Việt Nam với câu nói bất hủ: Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá Kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người. Truyền thống đánh giặc của Bà Trưng, Bà Triệu đã được phụ nữ Việt Nam kế thừa và phát huy từ thế hệ này qua thế hệ khác. Không chỉ có một Trưng Vương, một “Vua bà” mà còn có hàng vạn Trưng Vương, hàng vạn “Vua bà” vô danh khác đã góp phần xương máu của mình làm cho dòng truyền thống đánh giặc giữ nước quý báu này phát triển mạnh mẽ và liên tục. Trong quá trình chiến đấu lâu dài, người phụ nữ xưa đã rèn luyện và bộc lộ khí phách anh hùng, tinh thần dũng cảm, ý chí bất khuất, kiên cường, tạo nên truyền thống quang vinh của phụ nữ Việt Nam. Với thứ vũ khí tinh thần không gì sánh nổi ấy, những người phụ nữ bị coi là “chân yếu tay mềm” đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đó là
  18. những con người yêu nước sâu sắc, sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh. Đó là những con người bất khuất, kiên cường không sức mạnh nào có thể khuất phục được. Tất cả những đức tính đặc sắc của người chiến sĩ - phụ nữ Việt Nam đã tạo nên hình tượng thơ bi tráng: Trên đất nước nghìn năm máu chảy Nghìn năm người con gái vẫn cầm gươm. Chính hoàn cảnh lịch sử đó đã hình thành nên những giá trị đạo đức phổ quát và bền vững ở người phụ nữ Việt Nam: Lòng yêu nước nồng nàn, khí phách anh hùng, kiên cường, bất khuất và ý chí tự cường dân tộc. Thứ ba, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội Người phụ nữ xưa không chỉ là con người lao động đảm đang, con người chiến sĩ dũng cảm mà còn là con người nội trợ trung hậu, gánh vác mọi công việc gia đình và xã hội. Trước khi có sự phân công lao động theo giới tính, đã có sự phân công giữa đàn ông và đàn bà trong việc bảo tồn và duy trì nòi giống. Trong điều kiện sinh hoạt cộng đồng của người nguyên thủy, người phụ nữ vừa thường xuyên lao động sản xuất, đảm nhiệm chức năng kinh tế vừa gánh vác cả chức năng sinh đẻ và nuôi dạy con cái. Đấy là chức năng thiêng liêng của người phụ nữ, đồng thời cũng là một loại lao động nặng nhọc không ai có thể thay thế. Người phụ nữ Việt Nam là những người mẹ hiền, tình cảm dành cho con như biển trời rộng lớn. Con cái khỏe mạnh, ngoan ngoãn, vui chơi, chăm chỉ học hành là nguồn hạnh phúc lớn lao của người phụ nữ. Có ai yêu con hơn những người mẹ, người đã suốt đời tảo tần khuya sớm, nhịn ăn, nhịn mặc để nuôi nấng, săn sóc dạy dỗ con cái. Người đã gửi vào con tất cả những ước mong và hạnh phúc. Trong gia đình, phụ nữ là người thường xuyên, trực tiếp nuôi dạy con cái, là người thầy, nhà giáo dục đầu tiên của con người. Cùng với việc sinh đẻ và nuôi dạy con cái, phụ nữ nguyên thủy còn gánh vác cả những công việc trong nhà. Trước hết là việc sửa sang nơi ăn chốn ở, chế biến, phân chia và dự trữ thức ăn, từ việc giữ lửa, nấu nướng thức ăn cho cả gia tộc, đến việc xây dựng hang ở, cửa nhà. Sau đó là đảm nhiệm kinh tế gia đình, cung cấp những nhu cầu
  19. vật dụng quan trọng cho xã hội nguyên thủy. Với hình ảnh của nữ Thần Lửa và nữ thần nghề mộc trong thần thoại Việt Nam, nếu lột bỏ cái vỏ thần linh đi, sẽ thấy hình ảnh của những con người nội trợ đảm đang, gánh vác công việc gia đình và xây dựng cuộc sống gia đình ấm no hạnh phúc. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà người Việt Nam ta quan niệm gia đình là “tổ ấm” của mỗi con người. Tuy nhiên, vai trò của người phụ nữ trong việc đảm nhiệm, phụ trách toàn bộ thể chế và đời sống tinh thần của gia đình mới là lĩnh vực kết tinh đức tính đảm đang của người phụ nữ Việt Nam. ở đây, phụ nữ là những người vợ thủy chung son sắt với chồng, những người mẹ hy sinh trọn vẹn cho con cái, những người con gái, con dâu nết na thảo hiền đối với bậc trên. Đấy là hình ảnh của con người nội trợ trung hậu, đảm đang. Sự trung hậu ở đây thể hiện thông qua vai trò lịch sử của người phụ nữ đối với gia đình Việt Nam mà họ đã đảm nhiệm một cách tự nhiên và bình dị. Đó là cơ sở quan trọng để hình thành nên những giá trị đạo đức truyền thống: anh hùng, bất khuất, đảm đang, tần tảo, yêu chồng, thương con, thủy chung son sắt, đức hy sinh cao cả của người phụ nữ Việt Nam. Người phụ nữ xưa không chỉ lo cho cuộc sống gia đình mà còn đảm nhiệm cả những công việc xã hội, tổ chức và quản lý xã hội. Họ giữ vai trò hòa giải, phân xử những mâu thuẫn trong nội bộ thị tộc, đồng thời giao thiệp và giải quyết những “công việc đối ngoại” với thị tộc khác. Chính phụ nữ luôn là sứ giả hòa bình bởi họ mềm mại, khéo léo, dịu dàng hơn ai hết. Vai trò đó càng tô đậm thêm nét đẹp của những truyền thống quý báu: đảm đang, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng,... ở người phụ nữ. Truyền thống ấy ngày càng được bồi đắp và phát triển phong phú, tạo nên danh hiệu cao quý cho người phụ nữ Việt Nam hiện đại “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Chính vai trò quan trọng của người phụ nữ trong suốt mấy ngàn năm lịch sử, đã hun đúc nên những phẩm chất đạo đức truyền thống cao đẹp ở người phụ nữ Việt Nam. Vai trò ấy là một sự thật khách quan mà cả dân tộc ta đã khẳng định. Có thể hình dung ra ba con người khác nhau mà thống nhất, tập trung ở người phụ nữ Việt Nam: con người lao động đảm đang, con người chiến sĩ dũng cảm, anh hùng, con người nội trợ trung hậu. Hình ảnh ấy được hình thành và ổn định trong suốt quá trình lịch sử lâu dài.
  20. Ngày nay, những người phụ nữ hiện đại mang trong mình truyền thống đó và ngày càng tự giác phát huy mạnh mẽ trong hoàn cảnh mới. 1.1.2. Những giá trị đạo đức truyền thống nổi bật của người phụ nữ Bến Tre Giá trị đạo đức truyền thống của người phụ nữ Bến Tre không nằm ngoài những giá trị đạo đức của người phụ nữ Việt Nam. Nổi bật vẫn là truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, thủy chung được phụ nữ Bến Tre kế thừa và phát huy trong điều kiện sinh hoạt vật chất xã hội của vùng đất ba dải cù lao. Có thể nói, những giá trị đạo đức truyền thống ấy là hệ quả tất yếu của lòng yêu n ước nồng nàn tiềm ẩn trong mỗi con người phụ nữ Bến Tre, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của quê hương. Nó thẩm thấu và đan xen nhau tạo nên nét độc đáo ở người phụ nữ: vừa dịu hiền vừa anh hùng, bất khuất. Truyền thống trung hậu, đảm đang, thủy chung ở người phụ nữ Bến Tre Bến Tre là một vùng đất mới với những cù lao lớn, đất đai màu mỡ, lại nằm ở cuối dòng Cửu Long, cận biển... hội đủ những điều kiện tốt để những lưu dân đến khai phá sớm định cư. Tuy nhiên, công cuộc khai hoang, mở đất đâu chỉ có thuận lợi, những ưu đãi của thiên nhiên, con người nơi đây còn phải đương đầu với bao khó khăn và khắc nghiệt. Với khát vọng đổi đời, ý chí vươn lên kiến tạo một cuộc sống ấm no hạnh phúc, họ đã vượt lên trên mọi hoàn cảnh. Từ một vùng đất hoang vu, xứ sở lạ lùng, sình lầy đầy thú dữ, đến nỗi “con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh”,... mảnh đất cù lao đã trở thành một vùng đất kinh tế trù phú, ruộng vườn tươi tốt. Đó là kết quả của công sức khai phá và tạo dựng của biết bao thế hệ người Việt Nam nối tiếp nhau bền bỉ và nhẫn nại, bằng sức lực, trí tuệ và lòng dũng cảm vô song, thậm chí cả bằng sinh mạng của mình. Công cuộc chinh phục vùng đất hoang vu này là cuộc chiến đấu vượt qua mọi trở lực, khắc phục mọi hiện tượng tự nhiên bất lợi khi con người chưa nắm bắt được quy luật của nó. Chỉ có những con người có ý chí, lòng dũng cảm, mưu trí, cần mẫn, sáng tạo cùng với tinh thần đoàn kết mới có thể vượt qua để tồn tại và phát triển. Chính cuộc đọ sức kiên trì và quyết liệt này là nhân tố thử thách, đào luyện nên bản sắc và tính cách con người nơi đây.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2