intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Phát triển nguồn nhân lực du lịch trên cơ sở tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

4
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Phát triển nguồn nhân lực du lịch trên cơ sở tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp" trình bày về sự bùng nổ của du lịch trong trong giai đoạn phục hồi tỷ lệ nghịch với số lượng và chất lượng nhân sự du lịch trong chuỗi cung ứng dịch vụ cho du khách. Nút thắt về việc phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cần được tháo gỡ. Trước hết, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào đạo và doanh nghiệp để phát triển một đội ngũ lao động trong du lịch chất lượng, chuyên nghiệp. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Phát triển nguồn nhân lực du lịch trên cơ sở tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp

  1. PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH TRÊN CƠ SỞ ... TĂNG CƯỜNG LIÊN KẾT GIỮA CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO VÀ DOANH NGHIỆP ThS. Bùi Thị Hoa1, ThS. Phạm Thị Phương Loan2, ThS. Nguyễn Thị Duyên3 Tóm tắt: Năm 2024, Du lịch Việt Nam đang bước vào năm thứ ba phục hồi. Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; năm 2023, Việt Nam đón khoảng 12,6 triệu lượt khách quốc tế, 108 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt 678.000 tỷ đồng. Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu trong năm 2024 sẽ đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế và 110 triệu lượt khách nội địa. Mục tiêu lớn sẽ song hành cùng nhiều thách thức. Đặc biệt, “Cơn khát nhân sự” trong lĩnh vực du lịch vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Sự bùng nổ của du lịch trong trong giai đoạn phục hồi tỷ lệ nghịch với số lượng và chất lượng nhân sự du lịch trong chuỗi cung ứng dịch vụ cho du khách. Nút thắt về việc phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cần được tháo gỡ. Trước hết, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào đạo và doanh nghiệp để phát triển một đội ngũ lao động trong du lịch chất lượng, chuyên nghiệp. Từ khóa: phát triển, nhân lực du lịch, liên kết, cơ cở đào tạo, doanh nghiệp. DEVELOPING TOURISM HUMAN RESOURCES ON THE BASIS OF STRENGTHENING LINKS BETWEEN TRAINING INSTITUTIONS AND ENTERPRISES Abstract: In 2024, Vietnamese tourism is entering the third year of recovery. According to the Viet Nam National Tourism Administration; in 2023, Viet Nam will welcome about 12.6 million international visitors and 108 million domestic visitors. Total revenue from tourists reached 678,000 billion VND. Viet Nam tourism aims to welcome about 18 million international visitors and 110 million domestic visitors in 2024. Big goals will go hand in hand with many challenges. In particular, the “HR thirst” in the tourism sector still shows no signs of cooling down. The boom in tourism during the recovery period is inversely proportional to the quantity and quality of tourism personnel in the service supply chain for tourists. The bottleneck in developing quality tourism human resources needs to be removed. First of all, there needs to be a close connection between training institutions and enterprises to develop a quality, professional tourism workforce. Keywords: development, tourism human resources, links, training facilities, enterprises. 1 Trường Đại học Hùng Vương; Email: hoabuivhdl@gmail.com. 2 Trường Đại học Hùng Vương; Email: phamloanpx@gmail.com. 3 Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Hà Nội; Email: duyennt@ pci.edu.vn.
  2. 208 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trước năm 2019, Du lịch Việt Nam đạt được nhiều bước phát triển quan trọng để thực hiện chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trên tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị [1], Luật Du lịch (2017), Chiến lược tổng thể phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021− 2030, tầm nhìn đến 2050 [9]. Các hoat động đầu tư du lịch, các chỉ số thể hiện sự phát triển ngành Du lịch cũng tăng mạnh: số lượng khách sạn, resort được xây dựng và đưa vào hoạt động, số lượng khách du lịch quốc tế, nội địa, các doanh nghiệp du lịch, các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch,… Tuy nhiên, sau hai năm tác động của dịch bệnh, đến cuối năm 2019, đại bộ phận các doanh nghiệp lữ hành đều ngừng hoặc tạm ngừng hoạt động, khách sạn, nhà hàng, khu du lịch, điểm vui chơi giải trí,… đóng cửa, nguồn nhân lực du lịch từ chỗ không đủ phục vụ khách, nay rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc chuyển nghề, “nhảy việc” vô thời hạn. Từ năm 2020, hàng trăm nghìn lao động du lịch đã phải xin trợ cấp thất nghiệp, dẫn đến sự thất thoát nguồn nhân lực du lịch trầm trọng. Theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam là nước bị mất nhiều việc làm hàng đầu thế giới do tác động của COVID-19. Thực trạng khan hiếm nguồn nhân lực rõ ràng khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch được phục hồi trong gần 2 năm vừa qua. Theo đánh giá của Bà Cao Thị Ngọc Lan (Phó Chủ tịch thường trực, Hiệp hội Du lịch Việt Nam), toàn ngành Du lịch Việt Nam hiện cần khoảng 485.000 lao động trong các cơ sở lưu trú du lịch. Dự báo đến năm 2025, nhu cầu về lao động trong khối này lên đến khoảng 800.000 người; Năm 2030 là khoảng hơn 1 triệu người. Bước sang năm thứ 3 phục hồi, bài toán cấp thiết hiện nay là phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng. Các bên liên quan cần có sự liên kết và phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình đào tạo nguồn nhân sự này. Mỗi bên liên quan cần hiện thực hóa, cụ thể hóa một cách rõ ràng kế hoạch, mục tiêu, nội dung, lộ trình nhằm nhanh nhất có thể “bổ khuyết” và “giảm khát” nguồn lao động trong Du lịch hiện nay.
  3. PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH TRÊN CƠ SỞ... 209 2. NỘI DUNG 2.1. Nguồn nhân lực và nguồn nhân lực du lịch Có nhiều cách tiếp cận khác nhau khi bàn về nguồn nhân lực nhưng dù tiếp cận ở góc độ nào thì nguồn nhân lực luôn có vai trò, sức mạnh to lớn và là trung tâm của mọi sự phát triển. Trong những thảo luận gần đây, các nhà nghiên cứu đã có những phân tích cụ thể, sâu sắc và thẳng thắn về vấn đề nhân lực du lịch. Đó là đánh giá của PGS.TS. Lê Anh Tuấn về những tồn tại trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu thực tiễn [9] hay những đề xuất giải pháp mang tính đột phá của PGS.TS. Phạm Xuân Hậu nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập [5]. Có rất nhiều cách phân loại nguồn nhân lực du lịch, cơ bản có thể phân chia thành 3 nhóm dựa trên các đặc điểm cơ bản và chức trách khác nhau: các nhân sự đảm nhận các chức trách khác nhau trong các cơ quan hữu quan về du lịch; các nhân sự quản lý tại các doanh nghiệp kinh doanh du lịch; các nhân sự nghiệp vụ và nhân sự sự nghiệp (nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo,…) [1] [2] [3]. Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đòi hỏi nguồn nhân lực du lịch phải được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản, đảm bảo chất lượng, có khả năng thích ứng với các điều kiện công việc khác nhau kể cả khi chịu tác động nặng nề bởi đại dịch. Hình 1. Lao động trực tiếp trong ngành Du lịch giai đoạn 2011 − 2020 [9] Nguồn: Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch
  4. 210 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... Trên con số thống kê trước dịch COVID-19, tổng số lao động cả nước là trên 1,3 triệu lao động với tỷ lệ tăng trưởng bình quân nhân lực du lịch giai đoạn 2011 − 2018 đạt mức 12%. Trong đó, tỷ lệ lao động có trình độ đại học chỉ chiếm 3,11%. Mặt khác, con số dự báo nhu cầu lao động du lịch bổ sung cho tới năm 2025 lên tới 620.000 lao động [9]. Con số đó có thể lên đến mức khoảng 800.000 lao động và hơn 1 triệu lao động đến năm 2030 như tác giả đã đề cập ở phần trước. Như vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch ngày càng có vai trò quan trọng vì đây là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng của một chuỗi giá trị trong kinh doanh du lịch cũng như sự phát triển bền vững của ngành Du lịch. 2.2. Đánh giá chung về nguồn nhân lực du lịch 2.2.1. Thành tựu Trong giai đoạn vừa qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch đã đạt được một số thành tựu nổi bật: Một là, đã hình thành được một hệ thống các cơ sở đào tạo từ sơ cấp đến đại học và sau đại học. Hiện nay, số lượng các cơ sở tham gia đào tạo nhân sự du lịch đang có chiều hướng tăng thêm về số lượng với hơn 190 cơ sở đào tạo nhân sự du lịch ở bậc đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, ngắn hạn,… Trong đó có tới 62 cơ sở cấp đại học, 80 cơ sở cao đẳng, 117 cơ sở trung cấp [7]. Hình 2. Cơ cấu theo trình độ các cơ sở tham gia đào tạo nhân lực du lịch [7] Đặc biệt, năng lực của các cơ sở giáo dục du lịch ngày càng được nâng cao. Nhiều cơ sở đã nâng cấp, trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật đảm bảo việc dạy, học và thực hành. Hiện nay, hầu hết các địa
  5. PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH TRÊN CƠ SỞ... 211 phương, nhất là các Thành phố lớn đều có cơ sở đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ và đào tạo ngắn hạn. Ngoài ra, việc tham gia đào tạo tại chỗ (đào tạo mới, đào tạo lại, nâng cao tay nghề) của các doanh nghiệp cũng đã góp phần cung ứng thêm nguồn nhân lực du lịch có kỹ năng. Theo khảo sát, đánh giá của các cơ quan hữu quan nhà nước, ngành Du lịch đang rất thiếu và cần nhân lực làm việc trong lĩnh vực du lịch với số lượng lớn đặc biệt là lao động được đào tạo bài bản, chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Theo số liệu khảo sát, mỗi năm, toàn ngành cần hơn 40.000 nhân sự du lịch. Các cơ sở đào tạo đáp ứng được khoảng 20.000 lao động, trong đó 1.800 lao động đạt trình độ đại học, cao đẳng, 2.100 lao động đạt trình độ cao đẳng nghề, còn lại là lao động trình độ trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn [7]. Như vậy, các cơ sở đào tạo mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% so với nhu cầu thị trường lao động du lịch hiện nay. Hai là, hệ thống ngành nghề đào tạo du lịch ngày càng được chuẩn hóa, đã có nhiều đổi mới trong quy định mã ngành đào tạo. Những quy định về danh mục ngành nghề đào tạo ở từng cấp đã được quy định rõ ràng, cụ thể, phân cấp hơn trong các thông tư của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội [1] [2] [3]. Cơ cấu ngành nghề giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp du lịch ngày càng có chuyển biến tích cực theo hướng chuyên nghiệp. Cả nước hiện có khoảng 50 ngành nghề du lịch và liên quan du lịch được đào tạo, gồm cả chính quy và ngắn hạn. Nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, năng động, nhạy bén và tâm huyết với nghề đã góp phần vào sự phát triển du lịch của cả nước. Ba là, hệ thống nhân sự đào tạo, các chuyên gia, các doanh nghiệp tham gia trong quá trình đào tạo trong lĩnh vực du lịch ngày càng tăng, chất lượng được năng cao và nghiệp vụ được chuẩn hóa theo các quy định hiện hành. Đội ngũ giảng viên, giáo viên, chuyên gia ngày càng được chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, năng lực nghiên cứu khoa học với tác phong làm việc chuyên nghiệp, đã góp phần rất lớn vào công tác đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch [6]. Nhìn chung, hệ thống các cơ sở đào
  6. 212 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... tạo du lịch đã bước đầu được đầu tư về hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị trực quan “cơ bản” cho quá trình đào tạo, đặc biệt với các nội dung thực hành, rèn nghề. Chương trình đào tạo đã được cấu trúc lại theo hướng nâng cao tỷ lệ thực hành, rèn nghề, thực tập, thực tế (Công văn số 4929/BGDĐT−GDĐH) ngày 20/10/2017 về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch; áp dụng Bộ tiêu chuẩn VTOS vào làm hệ quy chiếu giảng dạy đối với các nội dung kỹ năng, nghiệp vụ du lịch. Các cơ sở giáo dục du lịch đã chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập để nâng cao chất lượng đào tạo, áp dụng Tiêu chuẩn kỹ năng nghề VTOS để nguồn nhân lực du lịch Việt Nam hội nhập nhanh với khu vực và thế giới, cấu trúc lại chương trình đào tạo, đào tạo theo cơ chế đặc thù để nâng cao chất lượng cho sinh viên, học viên khi ra trường. 2.2.2. Hạn chế Thứ nhất, chương trình và đội ngũ tham gia đào tạo chưa đáp ứng với yêu cầu. Chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết, thiếu thực hành. Thời gian thực tập, thực hành của sinh viên, học viên tại các doanh nghiệp quá ít, khoảng 4 tháng với một khóa học. Vì vậy, sau khi ra trường, người lao động thiếu những kỹ năng cần thiết để làm được việc. Cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa gắn với nhu cầu thực tiễn nên rất lãng phí. Đội ngũ giảng viên, giáo viên ở các cơ sở giáo dục du lịch phần lớn từ các ngành khác đảm nhận. Bên cạnh một bộ phận được đào tạo đúng chuyên ngành, còn lại chủ yếu tự đào tạo, tự học, tổng hợp từ vốn kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn. Trong khi đó, ngành Du lịch đang cần một đội ngũ tham gia đào tạo không những đông đảo mà còn đòi hỏi người dạy phải được đào tạo bài bản và chuyên sâu. Để khắc phục điều này, từ 2018, nhiều trường đại học có đào tạo du lịch đã thực hiện chuyển đổi, thực hiện đào tạo theo cơ chế đặc thù, rút ngắn thời gian đào tạo từ 4 năm xuống còn 3 năm; Thay đổi tỷ lệ lý thuyết − thực hành đảm bảo 50 % − 50%. Một trong những trường thực hiện chương trình đào tạo đặc thù là Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) với khóa sinh viên tốt nghiệp đầu tiên theo chương trình đặc thù (năm học 2020 − 2021) đem lại hiệu
  7. PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH TRÊN CƠ SỞ... 213 quả trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Trong đó phương pháp dạy học thực hành được thiết kế cho phù hợp với yêu cầu mới theo định hướng đào tạo ứng dụng, kết hợp sử dụng linh hoạt phương pháp đào tạo kỹ năng nghề du lịch, đó là: Thứ hai, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và giáo cụ trực quan để đào tạo các nội dung thực hành, rèn nghề, rèn nghiệp vụ tại một số cơ sở đào tạo vẫn chưa thật sự đáp ứng yêu cầu và chưa đồng bộ. Đặc biệt là sự tương thích giữa trang thiết bị trong trường và ngoài doanh nghiệp vẫn có một khoảng cách nhất định. Một số cơ sở diện tích trường lớp hạn hẹp. Một số cơ sở đào tạo chạy theo chỉ tiêu mà không đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học, đặc biệt thiếu điều kiện thực hành. Tình trạng “dạy chay”, nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng thực hành đã tạo sức ép về chi phí lên doanh nghiệp vì phải đào tạo lại sau khi tuyển dụng,... Ngoài ra, các cơ sở đào tạo còn thiếu sự liên kết, thiếu một chiến lược dài hạn trong công tác đào tạo. Sự liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chưa được thực hiện tốt, chưa thống nhất về cơ chế, chính sách giữa 2 bên, sự thống nhất giữa chuẩn đầu vào và đầu ra chưa phù hợp. Một số doanh nghiệp chưa thật sự chú trọng, chưa phối hợp vào việc liên kết với các cơ sở đào tạo, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nguồn nhân sự sau khi ra trường để làm việc tại các doanh nghiệp. Nhiều sinh viên, học viên sau khi ra trường chưa đáp ứng được các yêu cầu công việc ở các vị trí việc làm khác nhau. Các doanh nghiệp gần như đều phải tập huấn, đào tạo lại về nghiệp vụ, kỹ năng theo chuẩn doanh nghiệp, đặc biệt là thái độ nghề nghiệp. Thứ ba, quy mô đào tạo chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và vai trò của ngành Du lịch; ngành nghề đào tạo, cơ cấu nhân lực theo ngành nghề chuyên môn cũng chưa hợp lý, chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện nay, quy mô đào tạo chưa đủ cung ứng nhân lực cho du lịch nên hằng năm vẫn thiếu hụt cả số lượng và chất lượng, đặc biệt là nguồn lực chất lượng cao. Nguồn cung ứng nhân lực du lịch đang thiếu hụt và thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao; mất cân đối trong cơ cấu đào tạo theo các nhóm ngành, nghề và nghiệp vụ (sinh viên, học viên đa số đăng ký vào các lớp
  8. 214 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... như hướng dẫn viên, lễ tân khi thực tế thị trường chỉ cần từ 5 − 15%, ngược lại thiếu đến 70% các vị trí nhân sự houskeeping, chế biến món ăn, nhân viên nhà hàng, bảo vệ,... nhưng sinh viên, học viên ít theo học. Đặc biệt, trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc còn hạn chế (hiện chỉ có khoảng 60% nhân sự toàn ngành Du lịch đáp ứng cơ bản yêu cầu ngoại ngữ trong đó tiếng Anh (42 %), tiếng Trung Quốc chỉ 5%, tiếng Pháp 4%,...) [7]. 2.3. Giải pháp liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong phát triển lực lượng lao động cho ngành Du lịch Một là, chương trình đào tạo: Chương trình đào tạo cần phải gắn với nhu cầu thực tiễn. Chương trình đào tạo cần phải được cập nhật và đổi mới theo hướng nâng cao kỹ năng thực hành, giảm lý thuyết, thực hiện đào tạo theo cơ chế đặc thù. Hiện nay, các cơ sở đào tạo đang áp dụng đào tạo các nội dung rèn nghề, kỹ năng, nghiệp vụ theo bộ tiêu chuẩn VTOS (2008, 2013), Bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN (2022). Khi xây dựng chương trình đào tạo, nhà trường cần xin ý kiến tham vấn từ phía các doanh nghiệp có uy tín trong nghề để có những điều chỉnh, cập nhật phù hợp. Vì vậy, rất cần sự thống nhất trong chương trình, nội dung đào tạo theo hướng chuẩn hóa và từng bước chuyên nghiệp chung cho các cơ sở giáo dục du lịch của Việt Nam. Hai là, nhân sự, chuyên gia đào tạo: Yêu cầu bức thiết hiện nay là đội ngũ giảng viên, chuyên gia đào tạo được tuyển dụng phải đúng chuyên ngành, có năng lực chuyên môn, năng lực nghiên cứu khoa học và kỹ năng thực hành chuyên nghiệp. Đội ngũ giảng viên cần phải được chuẩn hóa, phải đảm bảo trình độ từ thạc sĩ trở lên, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và có phẩm chất đạo đức nhà giáo. Giảng dạy tại các cơ sở đào tạo nghề cần có Chứng chỉ giảng viên tích hợp thực hành nghề quốc gia, có khả năng ngoại ngữ, tin học từ các cơ sở đào tạo uy tín trong nước và quốc tế. Việc xây dựng đội ngũ giảng viên giỏi chuyên môn nghiệp vụ, thành thạo kỹ năng thực hành không những góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch mà còn có thể khám phá những ý tưởng mới trong bối cảnh đại dịch toàn cầu. Các cơ sở đào tạo cần có chính sách khuyến khích,
  9. PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH TRÊN CƠ SỞ... 215 hỗ trợ các giảng viên có nhiều sáng kiến trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, nhà trường cần mời các chuyên gia, nhà quản lý, nhân sự giỏi, uy tín của doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo. Tổ chức các chương trình kiến tập, thực tế, thực tập, ngoại khóa, chuyên đề,… để sinh viên, học viên tiếp cận dần với hệ thống nhân sự, môi trường, cơ sở vật chất tại các doanh nghiệp. Ba là, liên kết đào tạo và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học: Trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch, cần liên kết các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề để quy hoạch mạng lưới đào tạo đồng bộ, liên vùng, liên quốc gia, châu lục nhằm cung ứng nguồn nhân lực du lịch đảm bảo chất lượng, chuẩn trong nước, khu vực và quốc tế. Cần có cơ chế khuyến khích các mô hình liên kết giữa các cơ sở đào tạo du lịch với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch để sinh viên, học viên có cơ hội tiếp cận với môi trường thực tế, “thực chiến”. Mặt khác, bối cảnh thời đại công nghệ 4.0 đòi hỏi các trường đại học, các cơ sở giáo dục, dạy nghề nói chung, đặc biệt là các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch cần phải đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin đồng bộ. Đặc biệt, quá trình chuyển đổi từ giảng dạy trực tiếp được thay thế bằng E−Learning là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ thực hành đi vào chuyên nghiệp, trang bị hạ tầng thông tin để tận dụng công nghệ ở các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch càng là yêu cầu bắt buộc. Bốn là, cơ chế, quy mô đào tạo: Hiện nay, quy mô đào tạo chưa cung ứng đủ nguồn nhân lực du lịch nên hằng năm vẫn thiếu hụt cả số lượng lẫn chất lượng, đặc biệt là nguồn lực chất lượng cao. Hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đều có cơ sở đào tạo dài hạn và các trung tâm bồi dưỡng ngắn hạn nhưng quy mô chưa tương xứng với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, ngành Du lịch cần phải có chiến lược trong mở rộng quy mô đào tạo, xây dựng đề án về quy mô đào tạo; sắp xếp, kiện toàn lại các trường có đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo hướng bền vững và dài hạn. Cơ chế, quy định, yêu cầu liên kết đào tạo giữa hai bên cần nhất quán, rõ ràng, phối hợp nhịp nhàng. Các nội dung cần được ký kết, văn bản
  10. 216 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... hóa, rõ “vai”, rõ quyền lợi, trách nhiệm, cùng hỗ trợ, cùng thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm, cùng đạt được các mục tiêu của mình trong quá trình liên kết đào tạo nguồn lao động. Năm là, chất lượng đào tạo: Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch không kịp chuẩn bị đội ngũ tham gia đào tạo, cơ sở vật chất,... doanh nghiệp cũng chưa thật sự sẵn sàng liên kết đào tạo nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo. Nguồn nhân lực du lịch không đảm bảo chất lượng, nên tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn thấp và đang có xu hướng “nhập khẩu nhân lực chất lượng cao” từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia,... Do đó, cần phải rà soát lại các cơ sở đào tạo không đủ năng lực, chấn chỉnh các cơ sở đào tạo không đảm bảo chất lượng để giảm bớt sự lãng phí xã hội không cần thiết. Mời các doanh nghiệp tham gia xây dựng các chương trình, khóa học đào tạo cơ bản, đào tạo nâng cao dành cho các đối tượng sinh viên, học viên chất lượng cao của ngành. Cùng hỗ trợ đến mức tối đa chuyên môn, nghiệp vụ, trang thiết bị, cơ sở vật chất, kinh nghiệm để đạt hiệu quả cao hơn trong thiết lập các chương trình như vậy. Sáu là, cơ cấu ngành nghề đào tạo: Sự phát triển có tính bùng nổ của du lịch những năm vừa qua kéo theo sự ra đời ồ ạt của các cơ sở đào tạo. Thực tế đó đã góp phần giải quyết việc làm cho nguồn lao động dôi dư và bổ sung nguồn nhân lực kịp thời cho một ngành kinh tế mang tính tổng hợp như du lịch. Tuy nhiên, cơ cấu ngành nghề đào tạo lại mất cân đối, thiếu hợp lý và chưa thực sự gắn với nhu cầu xã hội, nên ngành thừa, ngành lại rất thiếu. Vì vậy, cần xây dựng chiến lược đào tạo gắn liền với nhu cầu thực tế và mang tính thực hành cao, đáp ứng chuẩn đầu ra, tương thích với các vị trí việc làm đang thiếu và yếu của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người học có nhiều cơ hội tham gia thực hành, thực tập tại doanh nghiệp du lịch và có chế độ trả công tương xứng. Bảy là, tăng cường liên kết, mời các nhân sự cao cấp, có nhiều kinh nghiệp, chuyên gia của các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo và hỗ trợ đào tạo cho sinh viên, học viên: Trước bài toán về lao động trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn hiện nay, cần có sự linh hoạt,
  11. PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH TRÊN CƠ SỞ... 217 hợp tác chặt chẽ trong tổ chức liên kết đào tạo, phối hợp giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp, tận dụng tối đa đội ngũ chuyên gia, giảng viên, thợ lành nghề, nhân sự có kinh nghiệp và trình độ. Các chương trình học chính khóa lồng ghép với các khóa học ngắn ngày, tập trung đào tạo kỹ năng hành nghề cho từng vị trí cụ thể như sale tour, điều hành, tiếp thị, nhân viên khách sạn, nhà hàng,... Đẩy mạnh xây dựng và phát triển chương trình đào tạo ngắn hạn đạt chuẩn quốc tế để làm giải pháp ứng cứu, chuyển hóa hiệu quả cho sự mất cân bằng giữa lực lượng lao động đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng,... chưa có việc làm, hoặc làm việc không phù hợp, chuyển đổi để bù đắp sự thiếu hụt nhân lực chất lượng quốc tế từ các khách sạn tiêu chuẩn 4 − 5 sao. Tiến hành đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo tại chỗ đối với các nhân sự đang làm việc tại doanh nghiệp. Đào tạo nhân lực du lịch phải gắn chặt với thực tiễn; sử dụng công nghệ thông tin để đào tạo theo hình thức E-Learning, đào tạo nâng cao với các kỹ năng thực tế ảo,... Từ đó, giúp sinh viên, học viên, người lao động sớm tiếp cận yêu cầu cụ thể của công việc, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn. 3. KẾT LUẬN Du lịch Việt Nam hiện đang trên đà phục hồi và phát triển nhanh, mạnh sau hai năm. Bước sang năm thứ ba, nhu cầu về lao động trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch là rất lớn. Để đạt được các mục tiêu đề ra về lượng khách, tốc độ tăng trưởng và chất lượng dịch vụ thì các biện pháp nhằm phát triển nguồn lao động du lịch có chất lượng là vô cùng cần thiết và cấp thiết. Việc nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện thực trạng nguồn lao động trong bối cảnh hiện nay cần được tiến hành trước và song song với các giải pháp. Các giải pháp cần tiến hành đồng bộ, sau một giai đoạn cần đánh giá lại và điều chỉnh cho phù hợp. Các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cần phát huy hiệu quả hơn nữa “vai” của mình trong, bởi ai cũng có trách nhiệm, nghĩa vụ và đều được hưởng “lợi” nếu thực hiện hiệu quả việc đào tạo và liên kết đào tạo. Khi thực hiện đồng bộ, toàn diện, chặt chẽ, khoa học các nội dung liên kết giữa các cơ sở đào tạo du lịch và doanh nghiệp, một thế hệ nhân sự lao động
  12. 218 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... “tinh”, chuyên nghiệp, thực chiến, đạo đức sẽ được kiến thiết, phát triển đáp ứng cho chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2017), Nghị quyết số 08−QĐ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. [2] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT Ban hành danh mục đào tạo cấp IV trình độ đại học; Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Thông tư số 25/2017/TT-BGDĐT ban hành Danh mục đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. [3] Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2017), Thông tư số 04/2017/ TT-BLĐTBXH ban hành Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng. [4] Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2016), Đề án tăng cường đào tạo theo nhu cầu xã hội lĩnh vực du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030. [5] Phạm Xuân Hậu (2019), Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập − Sự lựa chọn những giải pháp phù hợp” ISBN- 978-604-73-7107-5, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. [6] Klaus Schwab (2018), Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Nxb Chính trị Quốc gia − Sự thật. [7] Phạm Trung Lương (2016), “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh hội nhập”. Kỷ yếu Hội thảo Brexit và cộng đồng kinh tế ASEAN dưới góc nhìn hội nhập. Trường Đại học Văn Hiến. [8] Nguyễn Minh Tuệ, Vũ Đình Hòa (2017), Địa lý du lịch cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển ở Việt Nam. Nxb Giáo dục. [9] Lê Anh Tuấn (2019), Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực du lịch.” ISBN-978-604-73-7107-5. Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. [10] Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2018), Báo cáo phục vụ Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ Việt Nam giai đoạn 2021 − 2030, tầm nhìn đến năm 2050. [11] Nhóm Nghiên cứu đề án − Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (2021), Đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất giải pháp.
  13. PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH TRÊN CƠ SỞ... 219 Tài liệu website [12] Hạnh Nguyên (2020), “Nguy cơ khủng hoảng nhân lực du lịch”, https://baodautu.vn/nguy-co-khunghoang-nhan-luc-du-lich -d131904.html, truy cập 20/4/2021. [13] Lê Anh Tuấn (2019), Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực du lịch, chính sách Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. [14] Lê Kim Anh (2020), “Ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới ngành Du lịch Việt Nam”, http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/anh huong-cua- dich-covid-19-toi-nganh-du-lich-viet-nam-72311.htm nbtv.vn, truy cập 20/4/2021. [15] Bùi Mai Hoàng Lâm (2021), “Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam để hội nhập với các xu hướng trong bối cảnh bình thường mới”, http:/[/itdr.org.vn/nghien_cuu/giai-phap-dao-tao- nguon-nhan-luc-viet-nam-de-hoi-nhap-voi-cac-xu-huong-trong- boi-canh-binh-thuong-moi/, truy cập 20/4/2021. [16] Tổng cục Thống kê Việt Nam (2020), “Thông cáo báo chí tình hình kinh tế – xã hội quý III và 9 tháng năm 2020”,  https://www.gso. gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2020/09/thong-cao-bao-chi- tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iii-va-9-thang-nam-2020/, truy cập ngày 20/4/2021.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
38=>2