intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Sáng kiến kinh nghiệm Mầm non: Một số biện pháp giáo dục cảm xúc cho trẻ 4-5 tuổi thông qua hoạt động trải nghiệm

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: DOCX | Số trang:13

4
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nghiên cứu đề tài “Một số biện pháp giáo dục cảm xúc cho trẻ 4-5 tuổi thông qua hoạt động trải nghiệm” đối với trẻ Nhỡ 4 nhằm giúp trẻ hiểu được cảm xúc của mình và của người khác từ đó kiểm soát cảm xúc của bản thân, đặc biệt hình thành cho trẻ nhiều cảm xúc tích cực, góp phần xây dựng trường học hạnh phúc, thân thiện.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Sáng kiến kinh nghiệm Mầm non: Một số biện pháp giáo dục cảm xúc cho trẻ 4-5 tuổi thông qua hoạt động trải nghiệm

  1. CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc BÁO CÁO SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM 1. Tên sáng kiến: Một số biện pháp giáo dục cảm xúc cho trẻ 4-5 tuổi thông qua hoạt động trải nghiệm. 2. Mô tả bản chất của sáng kiến Khi hạnh phúc con biết Ánh mắt mình long lanh Nhảy chân sáo vòng quanh Trọn vẹn từng khoảnh khắc Vâng, đó là cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc của trẻ ở lứa tuổi mầm non. Ngoài ra,  trẻ lứa tuổi mầm non không chỉ có nhu cầu giao tiếp với các bạn đồng trang lứa mà  nhu cầu giao tiếp được nói, được thể hiện cảm xúc, được người lớn lắng nghe cũng   rất lớn.  Cảm xúc là cơ  sở  hình thành tình cảm và tình cảm là cốt lõi nhân cách của   con người.  Giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non là một phần quan trọng trong hành trình  học cách kiểm soát cảm xúc và thấu hiểu được những người xung quanh giúp trẻ  kiểm soát được hành vi và cuộc đời của chính mình.  Chính vì thế, cảm xúc có vai  trò quan trọng trong cách của bé tư duy và hành động sẽ kích thích não bộ và đưa   ra các quyết định tác động tới mọi mặt trong đời sống xã hội. Vậy nên việc giáo  dục cảm xúc là điều hết sức cần thiết và quan trọng đối với trẻ. Giáo dục cảm xúc qua trải nghiệm là hoạt động sư phạm của nhà giáo thực hiện việc thiết kế, tổ chức, điều khiển quá trình dạy học bằng cách tạo điều kiện cho trẻ tích cực thử nghiệm, khám phá, suy ngẫm và phản hồi các kinh nghiệm về cảm xúc đã trải nghiệm để hình thành ở trẻ những kinh nghiệm mới về kiến thức, kỹ năng hoặc thái độ nhất định. Ngay từ đầu năm học, đa số trẻ lớp tôi có tính tình ích kỉ, không biết quan tâm đến mọi người xung quanh, bướng bỉnh, nhút nhát, kém hòa đồng. Không những thế trong lớp trẻ có thể đánh bạn vì bạn không nhường đồ chơi, có cháu thì khi tiếp xúc với bạn trong lớp hay a vào cắn bạn trong mọi trường hợp. Ngoài ra, cháu có biểu hiện cáu gắt, khóc òa khi đòi ba mẹ mua quà vặt nhưng không được như ý và hay nói những câu trống không với người lớn. Những vấn đề này ảnh hưởng lớn đến khả năng giao tiếp xã hội và xuất hiện nhiều hành vi sai lệch của trẻ. Vì vậy, làm sao để trẻ biết làm chủ cảm xúc, nhận ra cảm xúc của người khác để kịp thời kiểm soát cảm xúc của bản thân, điều chỉnh hành vi và thái độ của trẻ là điều vô cùng cần thiết.
  2. Giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non trước đây chưa được chú trọng, hiện nay việc giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non được quan tâm hơn. Do đó ngay từ đầu năm học khi được ban giám hiệu nhà trường phân công giảng dạy tại lớp Mẫu giáo Nhỡ tôi đã chú ý đến vấn đề cảm xúc của trẻ. Và qua khảo sát đầu vào năm học tôi nhận thấy trẻ lớp tôi chưa có nhiều cảm xúc tích cực mà thay vào đó đa số là cảm xúc tiêu cực làm ảnh hưởng đến nhận thức về hành vi của trẻ chưa đúng đắn và ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ và xa hơn nữa là ảnh hưởng đến sự phát triển các lĩnh vực của trẻ không đồng đều. Ngoài ra, trẻ lớp tôi rất đông nên việc quan tâm, chăm sóc, giáo dục cảm xúc cho từng trẻ cũng gặp nhiều khó khăn, do đó trẻ ít được bày tỏ ý kiến, cảm xúc của mình với cô giáo. Vì vậy, tôi chọn đề tài “Một số biện pháp giáo dục cảm xúc cho trẻ 4-5 tuổi thông qua hoạt động trải nghiệm” đối với trẻ Nhỡ 4 . Nhằm giúp trẻ hiểu được cảm xúc của mình và của người khác từ đó kiểm soát cảm xúc của bản thân, đặc biệt hình thành cho trẻ nhiều cảm xúc tích cực, góp phần xây dựng trường học hạnh phúc, thân thiện. 2.1. Các bước và cách thức thực hiện giải pháp: Giải pháp 1: Giáo dục trẻ nhận biết được những cảm xúc của mình và người khác cũng như kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Khi nhức đến cảm xúc chúng ta nghỉ đến ngay có hai loại cảm xúc đó là cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực. Cảm xúc tích cực là cảm xúc có liên quan đến cảm giác dễ chịu, hiểu tình hình là có lợi và được duy trì trong một khoảng thời gian ngắn như là: hạnh phúc, vui vẻ, sảng khoái…Cảm xúc tiêu cực là tập hợp của các cảm xúc kích thích cảm giác khó chịu và coi tình huống đang được xuất hiện tại ngay lúc đó là có hại, cho phép người đó kích hoạt các nguồn lực nhằm để đối phó với tình huống đó như chán nản, uể oải, giận dữ, buồn bã, xấu hổ... Cả hai loại cảm xúc đều là những cảm xúc hết sức bình thường đối với bất cứ một con người nào. Tuy nhiên, cảm xúc tích cực thường sẽ chiếm ưu thế dẫn đến cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn, trong khi sự hiện diện của nhiều cảm xúc tiêu cực hơn tích cực dễ dẫn đến căng thẳng và choáng ngợp, có thể khiến các vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Với vai trò của một giáo viên thì tôi thấy việc giáo dục cảm xúc cho trẻ rất quan trọng. Vì một đứa trẻ không tự nhiên biết cách kiểm soát cảm xúc của mình do đó ở mọi lúc mọi nơi, khi trẻ có biểu hiện cảm xúc thì tôi luôn lắng nghe cảm xúc của trẻ bằng sự ân cần sẽ mang lại hạnh phúc tuyệt vời cho đứa trẻ vì trẻ cảm thấy mình được công nhận. Tôi luôn tỏ thái độ phù hợp đối với trẻ như: nói về cảm xúc của trẻ (ví dụ: con buồn, con sợ…); thông cảm với trẻ để hiểu cảm xúc (điều đó thật là khó đối với con) và để xoa dịu trẻ bằng một giọng điệu ấm áp, trìu mến giúp cho trẻ cảm thấy an toàn và tự tin, thoải mái và hạnh phúc. Tôi luôn dạy trẻ nhận biết cảm xúc của mình, những từ ngữ diễn tả cảm xúc của bản thân và người khác như: sợ hãi, buồn bã, vui vẻ, hạnh phúc... đó là điều cần thiết để trẻ nhận biết chúng, học cách gọi tên chúng, trải nghiệm chúng và bắt đầu vượt qua chúng từng chút một thông qua nhiều hoạt động ở nhóm, lớp, trường mầm non và gia đình của trẻ như:
  3. + Hoạt động “Thể hiện và đánh giá cảm xúc” Tôi cho trẻ gọi tên một loạt các cảm xúc khác nhau “vui, buồn, tức giận, sợ hãi”. Khi gọi tên một cảm xúc tôi yêu cầu trẻ tưởng tượng ra xem những gì đang diễn ra trong cơ thể mình khi trẻ trải nghiệm cảm xúc và thể hiện các biểu hiện của các cảm xúc đó qua cử chỉ, điệu bộ, nét mặt... Yêu cầu trẻ nói những gì mình cảm thấy thay đổi ở cơ thể khi nghe cô giáo nói đến các cảm xúc đó bắt đầu từ trên rồi chuyển dần xuống đến ngón chân, các trẻ sẽ cố gắng nói đến sự thay đổi từng phần của cơ thể. Tôi cùng chia sẻ với trẻ về những trạng thái cảm xúc trẻ vừa trải qua, suy nghĩ của trẻ về cảm xúc, trẻ cảm thấy thoải mái ở cảm xúc nào khi nghe biểu hiện cảm xúc với các bạn và mọi người xung quanh, trẻ thấy mọi người như thế nào? (Khi vui con biểu hiện thế nào? Khi buồn con biểu hiện ra sao?) Ngoài ra, khi thể hiện cảm xúc thì các con cần tập trung vào các phần của cơ thể như biểu hiện nét mặt, giao tiếp bằng mắt, cử chỉ, điệu bộ, vui thì nét mặt rạng rỡ, reo hò nhảy lên, ôm bạn, buồn thì nét mặt buồn bã, mắt cụp xuống, đầu cúi xuống, khóc, đi trốn, sợ thì mắt mở to, tay chân run, khóc, đi trốn tránh... Tôi khuyến khích trẻ thể hiện các cảm xúc như vui vẻ, hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày. Tôi cũng có thể giao nhiệm vụ cho trẻ về tự rèn luyện ở nhà để nâng cao kỹ năng nhận diện cảm xúc của bản thân khuyến khích các trẻ rèn luyện cùng với nhau (theo nhóm) sẽ hiệu quả hơn. + Hoạt động “Các thông báo” Với hoạt động này giúp trẻ hình thành kinh nghiệm về cảm xúc vui, buồn, giận... ở trẻ: Tôi sử dụng các ký hiệu, biểu tượng có nội dung thông báo sau: “Tôi hạnh phúc quá”, “Tôi buồn quá”, “Tôi cảm thấy xấu hổ”, “Tôi sợ quá”. Tôi giải thích cho trẻ biết các thông báo này cho mọi người biết bản thân đang cảm thấy thế nào. Sau đó, tôi lần lượt cho từng trẻ trải nghiệm. Tôi sẽ gọi tên một loạt các thông báo. Sau mỗi thông báo được gọi ra, trẻ sẽ thể hiện cảm xúc thông qua biểu hiện cơ thể của mình. Tôi yêu cầu trẻ chia sẻ cảm xúc của mình với bạn. Tôi khuyến khích trẻ thể hiện các cảm xúc như vui vẻ, hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày. + Hoạt động “Hiểu cảm xúc của những người khác” Với hoạt đông này giúp trẻ hiểu được cảm xúc vui vẻ, bực tức, sợ hãi... của những người khác. Ví dụ: Tôi yêu cầu trẻ ngồi theo vòng tròn. Tôi hướng dẫn trẻ thảo luận về những cảm xúc (vui vẻ, buồn, sợ hãi...) của người khác, bằng cách yêu cầu trẻ trả lời hoàn thành câu “Con có thể biết khi nào...bạn ấy cảm thấy buồn vì...” (Đôi mắt của bạn ấy nhìn xuống, nét mặt buồn bã); “Khi cảm thấy vui mừng, bạn ấy...(nhảy lên và vỗ tay...) Tôi đọc một câu chuyện cho trẻ nghe hoặc cho trẻ xem video một câu chuyện (Ví dụ: Thỏ và rùa, cô bé quàng khăn đỏ...) Phát cho trẻ các tấm thẻ có khuôn mặt biểu thị cảm xúc (vui vẻ, buồn, bực tức, sợ hãi...). Hỏi trẻ về cảm xúc các nhân vật trong câu chuyện được xem. Tôi yêu cầu trẻ tìm và xác định cảm xúc của một nhân vật khi xem bằng cách giơ thẻ có khuôn mặt thể hiện cảm xúc (vui vẻ, buồn bã, sợ hãi ...). Tôi tổng kết các trạng thái cảm xúc vui vẻ, tức giận, sợ hãi có
  4. biểu hiện cụ thể. Qua đó tôi giáo dục cho trẻ biết mỗi người ở mỗi thời điểm khác nhau sẽ có những cảm xúc khác nhau, vì thế mọi người xung quanh cần phải nhận ra, hiểu và chia sẻ. Ví dụ: Trong giờ hoạt động học, ở giờ hoạt động tạo hình tôi cho trẻ thực hiện tạo ra “Khuôn mặt cảm xúc” bằng cách đưa cho trẻ các tấm bìa vẽ hình khuôn mặt, yêu cầu trẻ vẽ các bộ phận trên khuôn mặt (Mắt, mũi, miệng...) thể hiện những cảm xúc khác nhau bằng cách sử dụng bút vẽ hoặc giấy màu và hồ dán. + Hoạt động “Hiểu sự khác biệt giữa cảm xúc và hành động” Tôi cho trẻ ngồi thành hai hàng đối diện nhau. Tôi yêu cầu trẻ lần lượt nói về cảm xúc của một bạn ngồi bên cạnh và mô tả hành động, lời nói thể hiện cảm xúc của bạn ấy. Tôi hỏi trẻ về hành động nào của bạn là chấp nhận được/ không chấp nhận được trong tình huống đó. Tôi yêu cầu trẻ hoàn thành câu: “Khi con cảm thấy buồn, con sẽ...” (rủ bạn/ bố/ mẹ/ anh/ chị chơi với con, đi đến thăm/ nói chuyện với ông, bà; khóc, ngồi một mình...). Tôi yêu cầu trẻ chia sẻ hành động của mình trong các tình huống: Con cảm thấy buồn, giận vì bạn lấy đồ chơi. Trẻ có thể trả lời nhường cho bạn/ bỏ đi/ đá/ đánh lại khi bạn lấy đồ chơi... Sau đó tôi hướng dẫn, khuyến khích trẻ nghĩ ra cách để kiểm soát cảm xúc tức giận của trẻ. + Hoạt động “Điều chỉnh cơ thể” Giúp trẻ thể hiện cảm xúc phù hợp qua cử chỉ, điệu bộ. Ví dụ: Tôi yêu cầu trẻ đóng vai một người đang có cảm xúc buồn. Hướng dẫn trẻ cách ngồi, tư thế của vai, cách thở, thể hiện cơ mặt, ánh mắt. Yêu cầu trẻ quan sát và nhận xét về nhau. Yêu cầu trẻ chuyển sang đóng vai một người đang có cảm xúc ngược lại hoàn toàn. Đó là một người có cảm xúc vui vẻ, phấn chấn. Tôi hướng dẫn trẻ cách thể hiện dáng đứng, nét mặt, nụ cười, tư thế hai vai, đôi mắt. Đồng thời yêu cầu trẻ tự theo dõi chuyển biến cảm xúc của bản thân. Tôi nhận xét và chốt lại: Mỗi người đều có thể thay đổi được cảm xúc của mình thông qua việc thay đổi tư thế, điệu bộ. Để làm được điều đó, cần có sự luyện tập thường xuyên cho đến khi thành thạo và cơ thể có thể tự động thay đổi. Tôi khuyến khích trẻ thể hiện đa dạng, phong phú các biểu cảm, cảm xúc qua gương mặt, hành vi, lời nói phù hợp. Từ những cảm xúc riêng của từng trẻ cũng như của người khác tôi nhận thấy trẻ lớp tôi đã nhận thức rõ được cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực và trẻ đã kiểm soát được cảm xúc của mình tốt hơn. Trẻ hòa đồng với bạn, và khi có mâu thuẩn xãy ra trẻ cũng biết cách kìm chế được cảm xúc nóng giận mà thay vào đó giải quyết vấn đề nhẹ nhàng hơn, vui vẻ hơn. Giải pháp 2: Tổ chức các hoạt động giáo dục cảm xúc cho trẻ thông qua hoạt động trải nghiệm. Giáo dục cảm xúc cho trẻ được tiến hành thường xuyên mọi lúc, mọi nơi ở tất cả các thời điểm trong chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ ở trường mầm non. Ở độ tuổi mầm non, khi nhận thức còn chưa được hình thành sắc nét, trẻ rất dễ bị ảnh hưởng và tiếp thu những thói xấu và tốt của mọi người xung quanh. Duy trì giáo dục cảm xúc liên tục bằng cách tăng cường cho trẻ tham gia các trải nghiệm, thực hành gắn với cuộc sống thực tế là một cách để giúp trẻ nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng xử với những tình huống trong đời sống hàng ngày.
  5. Mỗi buổi sáng đến lớp, các con thể hiện trạng thái cảm xúc với cô khi cô đón vào lớp. Sau đó, trong giờ trò chuyện buổi sáng tôi sẽ quan tâm trò chuyện cùng với trẻ, tại sao con buồn? Vì sao mẹ lại la mắng con? Mẹ có công việc phải đi làm sớm thì buổi tối con sẽ ngủ sớm, thức dậy sớm để mẹ đưa đến trường sớm, con sẽ là cô bé ngoan, mẹ sẽ không la con nữa, sẽ yêu thương con nhiều hơn nhé! Con sẽ không buồn và giận mẹ nữa con nhé! Cứ như vậy, từng lời chia sẻ của cô giáo kết hợp thái độ ân cần, ánh mắt dịu dàng và cử chỉ thân mật sẽ giúp trẻ thể hiện được cảm xúc của mình, hiểu được cảm xúc và quản lý được cảm xúc đó. Sau đó trẻ sẽ lựa chọn một hình thức chào cô để vào lớp như: cái ôm, nhún nhảy, bắt tay, cụng tay cô giáo... Thông qua hoạt động này thì trẻ lớp tôi rất gần gũi với cô giáo, luôn thể hiện cảm xúc của mình với cô, tự tin khi giao tiếp hơn nữa là mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình chứ không còn sợ sệt hay nhút nhát nữa. Để hỗ trợ phát triển năng lực cảm xúc của trẻ thì cần dạy trẻ biết được các cảm xúc khác nhau. Ví dụ: Khi tôi cảm thấy vui tôi chia sẻ với trẻ bằng lời, bằng ánh mắt. Khi tôi buồn, tôi thể hiện bằng thái độ, tôi ngồi im lặng, nếu trẻ không thể hiện được sự quan tâm đến cô giáo thì cô sẽ gợi ý với trẻ “Cô buồn, sao không thấy bạn nào quan tâm, hỏi thăm cô hết vậy?”. Từ tình huống trên mở ra cho trẻ cơ hội được nói, được quan tâm đến cô giáo, tôi chấp nhận sự quan tâm của trẻ bằng lời, bằng cái gật đầu, bằng ánh mắt và lời cảm ơn. Tôi giáo dục trẻ rằng khi nào mình cảm thấy vui, buồn, tức giận đều có thể tâm sự cùng cô và bạn. Sau cùng, tôi nói “Cô đã cảm thấy bớt buồn rồi, vậy mình cùng chơi trò chơi gì đó cho vui đi”. Thế là cô sẽ cùng trẻ chơi một trò chơi vui nhộn, cùng trẻ nhảy, nhún theo điệu nhạc sôi động. Hoặc khi tôi bực tức vì các bạn không nghe lời tôi sẽ hít thật sâu, thở thật mạnh, nhắm nghiền mắt lại hoặc quay đi chỗ khác hoặc ngồi thiền trong vòng 3 phút hoặc chạy tại chỗ 5 phút để xả cơn bực tức. Từ đó, tôi giáo dục trẻ khi nào con cảm thấy giận bạn hoặc ai có thể làm giống như cô chứ không dùng cách đánh lại bạn bè của mình, như vậy là sẽ không tốt chút nào đâu. Tôi dạy trẻ biết giúp đỡ, quan tâm, chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn, những người kém may mắn hơn mình để trẻ có tấm lòng nhân ái, biết yêu thương đến mọi người bằng cách kể cho trẻ nghe những câu chuyện về tấm lòng nhân ái, về những hoàn cảnh khó khăn, trẻ cảm thông và giúp đỡ bằng chính sức lực nhỏ bé trong giới hạn của mình. Qua đó trẻ thể hiện được tấm lòng nhân ái sự cảm thông và sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn. Không những vậy, thông qua các hoạt động trong ngày ở trường mẫu giáo tôi luôn chú trọng vào việc giáo dục cảm xúc cho trẻ với những trải nghiệm thú vị giúp cho trẻ thể hiện được cảm xúc của mình và bày tỏ cảm xúc đó với cô giáo một cách tự nhiên nhất. Ví dụ: Thông qua hoạt động ngoài trời, với chủ đề “Bản thân” để hổ trợ phát triển năng lực cảm xúc của trẻ. Tôi cho trẻ cảm nhận cảm xúc của trẻ qua trò chơi với: Nước đá, bông, đá, cát. Tôi chuẩn bị tất cả các nguyên liệu và cho trẻ chơi với chúng, trẻ đi qua từng ô mà cô chuẩn bị, quan sát trẻ có biểu hiện gì khi nhúng chân vào các vật đó. Khi đi qua nước đá lạnh thì các con sẽ nhăn mặt vì đôi chân lạnh buốt, khi đi vào đá thì chân các con bị đau các con sẽ cảm thấy khó chịu, cát
  6. thì êm ái dễ chịu nhưng hơi dơ chân, bông thì mềm mại các bạn rất thích. Qua hoạt động này giúp trẻ giải tỏa được cảm xúc của mình, kích thích tính kiềm chế của trẻ. Để giúp trẻ nhận biết được cảm xúc của mình và của bạn tôi lên kế hoạch giáo dục dạy trẻ nhận biết cảm xúc và giải tỏa cảm xúc của mình. Qua đó, giúp trẻ ghi nhớ được đó là loại cảm xúc gì và nhận biết được cảm xúc vui, buồn khi được khen và chê. Ví dụ: Thông qua hoạt động học: Trong giờ dạy khám phá khoa học tôi lên kế hoạch với tên gọi “Cảm xúc bé yêu”. Khi đầu tiết dạy tôi mở đầu tiết học bằng cách chê một cháu nào đó “Bạn Quyên lớp mình nhìn xấu ơi là xấu và mặc quần áo không đẹp, không gọn gàng gì cả và tôi rủ các cháu khác trong lớp chê cháu đó” Thì trẻ đó khóc òa lên. Cô lại vỗ về và hỏi trẻ tại sao con lại khóc, cô nhẹ nhàng xoa đầu đây là giờ hoạt động học cô chỉ tạo tình huống bất ngờ cho các bạn hiểu cảm xúc thôi, và con cũng đã hiểu được cảm xúc của mình phải không nào. Và khi cô nói hôm nay con rất xinh đẹp con mặc cái váy rất xinh thì bạn lại tũm tỉm cười. Qua đó tôi cũng đã cho trẻ biết thế nào là cảm xúc khi được người khác khen hoặc chê của ai đó dành cho mình. Hoặc tôi dùng búp bê để đưa ra tình huống cho trẻ như sau: Búp bê ngày nào cũng đòi mẹ mua bánh kẹo mang đến lớp, khi đến lớp, các bạn giành giật kẹo của búp bê ăn, vất vỏ kẹo lung tung và cô giáo nhắc nhở. Cô hỏi trẻ: - Vì sao búp bê lại bị cô giáo nhắc nhở? - Khi cô giáo khuyên bảo búp bê, búp bê sẽ cảm thấy thế nào nhỉ? - Nếu là con con phải làm gì để không phải có cảm giác buồn bã, khó chịu như bạn búp bê? Bằng những cách thức như trên giúp trẻ phân biệt được cảm xúc tiêu cực, tích cực, quản lý được cảm xúc của bản thân mình. Giúp trẻ dễ dàng xây dựng các mối quan hệ tích cực và lành mạnh. Tùy vào tính cách của mỗi trẻ mà đưa ra nội dung giáo dục cụ thể. Đối với bé hay nóng tính, có thể hướng dẫn bé cách kiểm soát tâm trạng, từ từ rèn luyện sự kiên nhẫn; với bé nhút nhát ít nói, tôi luôn quan tâm, hỏi han bé để bé có thể lên tiếng thể hiện quan điểm của mình nhiều hơn. Ở độ tuổi 4-5 tuổi, trẻ cũng sẽ bắt đầu kết bạn và giao lưu. Tôi có thể ghép nhóm để các trẻ cùng thực hiện thử thách, một nhiệm vụ như biểu diễn một tiết mục hát nhảy, lắp ráp một mô hình trong thời gian quy định..., qua đó trẻ sẽ học được cách điều khiển cảm xúc khi giao tiếp và tương tác với mọi người. Những hoạt động này đồng thời cũng giúp trẻ hiểu hơn về sự chia sẻ, tinh thần làm việc nhóm và biết tôn trọng lẫn nhau. Trong một ngày ở trường mẫu giáo thì trẻ trải qua rất nhiều hoạt động, hoạt động nào tôi cũng có thể lồng ghép giáo dục cảm xúc cho trẻ. Tuy nhiên, việc giáo dục cảm xúc cho trẻ qua tình huống thật, qua trò chơi vì “trẻ học bằng chơi, chơi mà học” sẽ giúp trẻ trẻ học cách kiềm chế hành vi, thay đổi sự biểu lộ cảm xúc nhanh nhất. Tôi đã áp dụng một số trò chơi cụ thể trong các hoạt động giáo dục
  7. cảm xúc cho trẻ theo quy trình 4 giai đoạn trẻ được trải nghiệm, phân tích trải nghiệm, hình thành kinh nghiệm về cảm xúc và khuyến khích trẻ thể hiện cảm xúc trong hoạt động và sinh hoạt hằng ngày. Các trò chơi như sau: Trò chơi: “Biểu cảm gương mặt theo thẻ cảm xúc” Cô chuẩn bị rất nhiều thẻ cảm xúc trong hộp, cô cho 1 trẻ lên thò tay vào hộp chọn 1 thẻ, trẻ nói tên được cảm xúc trong thẻ sau đó thể hiện được cảm xúc theo thẻ. Cho cả lớp cùng thể hiện cảm xúc theo thẻ cảm xúc, cứ như vậy, lần lượt cho trẻ chọn nhiều thẻ bài cảm xúc khác nhau và thể hiện gương mặt theo thẻ bài cảm xúc khác nhau. Trò chơi: “Cảm xúc của thỏ con” Vẽ 3, 4 vòng tròn, mỗi vòng tròn để một khuôn mặt thể hiện trạng thái cảm xúc (buồn, vui, tức giận, bình thản ...). Cô đóng vai thỏ mẹ cùng trẻ là các chú thỏ con tự do làm các động tác vận động của thỏ hoặc cầm tay nhau cùng hát: "Trên bãi cỏ, các chú thỏ, tìm rau ăn, thỏ ngoan, vâng lời mẹ, mẹ thỏ khen, thỏ rất vui". Khi thỏ mẹ dừng lại và hỏi: "Thỏ con cảm thấy thế nào nhỉ?" thì tất cả trẻ phải tìm thấy vòng tròn có khuôn mặt biểu tượng cho cảm xúc của thỏ con. Tương tự như vậy với cảm xúc "buồn", "tức giận", "bình thản". Cô có thể cho trẻ thể hiện cùng lúc các trạng thái cảm xúc khác nhau bằng cách hỏi trẻ thích thể hiện trạng thái cảm xúc nào. Sau đó bật nhạc cho trẻ vận động theo ý thích. Khi bản nhạc kết thúc, trẻ phải chạy nhanh về vòng tròn có khuôn mặt thể hiện trạng thái cảm xúc mà trẻ đã chọn và thể hiện khuôn mặt phù hợp cảm xúc đó. Hoặc cô gợi ý thêm cho trẻ khi tức giận con sẽ làm gì? Có thể trẻ sẽ lựa chọn sẽ uống nhiều nước, muốn rửa mặt hoặc là vào góc tĩnh lặng để đọc sách... Ví dụ: Trong giờ hoạt động học qua hoạt động Thể dục tôi dạy trẻ trò chơi vận động “Ai nhanh nhất” thì bên cạnh việc đặt ra mục đích yêu cầu là trẻ được phát triển về phản xạ nhanh, bản thân tôi còn đặt ra mục tiêu là giáo dục trẻ biết chia sẻ với bạn. Thay vì mời 5 trẻ chơi và 4 cái vòng, khi có tín hiệu của cô thì các bạn sẽ nhảy vào vòng của mình thì lúc này tôi chuẩn bị 4 cái vòng nhưng mời 8 trẻ chơi. Khi có tín hiệu thì 4 trẻ nhanh chân sẽ nhảy được vào vòng, 4 trẻ còn lại sẽ không có vòng. Thay vì cô sẽ phạt 4 thì cô hỏi trẻ “để 4 bạn còn lại cũng có vòng để nhảy vào thì con phải làm gì?” Trẻ sẽ suy nghĩ và trả lời, cuối cùng tôi giáo dục trẻ cần sẻ chia với bạn của mình vì mình nhanh hơn, mạnh hơn cần giúp và chia sẻ với bạn yếu thế hơn. Lúc này, các trẻ sẽ tìm cách giúp nhau đứng vững trong cùng một chiếc vòng, điều này giúp trẻ trải nghiệm được cảm xúc gần gũi với bạn bè, yêu thương bạn hơn, nhất là những cặp bạn hay đánh nhau. Ví dụ: Qua trò chơi dân gian, tôi cũng có thể xây dựng được việc phát triển cảm xúc cho trẻ. Ví dụ trò chơi “Rồng rắn lên mây” tôi sẽ đóng vai ông chủ, trẻ sẽ làm mẹ còn rồng rắn. Khi đối đáp mẹ con hỏi ông chủ đi đâu tôi sẽ tìm ra những lý do để trẻ thể hiện và chia sẻ cảm xúc như: “Ông chủ đi ăn đám giỗ” – “Ngon quá, ngon quá”; Ông chủ hôm nay buồn quá nên không có nhà. Mẹ con rồng rắn hỏi: “vì sao ông chủ buồn”, ông chủ: “vì bị bạn bè chọc và ông chủ khóc”, mẹ con rồng
  8. rắn sẽ dỗ ông chủ, động viên ông chủ theo ngôn ngữ của trẻ một cách tự nhiên nhất, thể hiện được sự quan tâm đến cảm xúc người khác của trẻ. Thông qua hoạt động kể chuyện tôi giáo dục cảm xúc cho trẻ rất nhiều, nhất là truyện cổ tích. Tôi sử dụng rối, hình ảnh, ngôn ngữ các nhân vật để giáo dục cảm xúc cho trẻ. Đối với độ tuổi mẫu giáo nhỡ trẻ sẽ bắt đầu cho bé làm quen với những chi tiết “sợ” trong Cô bé quàng khăn đỏ khi sói nuốt chửng hai bà cháu, Tấm Cám với những việc làm “kỳ lạ” của cả Cám và Tấm, chú bé tí hon rơi vào bụng sói tối đen, bà chúa Tuyết thổi khí lạnh vào làm đứa trẻ đóng băng..v..v.. Sau những tình huống cao trào như vậy trẻ sẽ phải được học giải quyết các vấn đề của mình, kể cả nỗi sợ, bằng niềm tin, người tốt, người tử tế sẽ chiến thắng dù phải trải qua vất vả, nguy hiểm, sợ hãi. Qua câu chuyện đem lại cho trẻ sự tự tin vào sức mạnh của mình. Người muốn làm việc tốt, việc thiện luôn gặp may mắn và được giúp đỡ. Tôi hướng dẫn trẻ hoạt động thể hiện cảm xúc vào giờ đón trẻ. Tôi quy định rằng nếu con vui con chọn cắm cờ vào biểu tượng khuôn mặt vui, con buồn con chọn cắm cờ vào biểu tượng khuôn mặt buồn, con cảm thấy sợ hãi thì chọn cắm cờ vào khuôn mặt sợ hãi và nếu tức giận điều gì đó trước khi vào lớp con chọn cắm cờ vào khuôn mặt giận dữ. Có một trẻ lớp tôi hôm đó tự cắm 3 chiếc cờ vào biểu tượng khuôn mặt buồn rồi lại ghế ngồi rất buồn. Tôi hỏi trẻ vì sao như vậy? vì trẻ không muốn nói to cho cả lớp nghe nên lí nhí, tôi gọi trẻ ra bên ngoài, cùng trò chuyện riêng thì được biết lý do là con rất yêu ba của mình nhưng sáng nay ba đi công tác sớm không chào tạm biệt con. Sau khi tìm hiểu được nguyên nhân của trẻ tôi lập tức chia sẻ rằng, nếu là cô thì cô sẽ cũng rất buồn, tuy nhiên có lẽ ba con đi rất sớm không muốn đánh thức con dậy làm mất giấc ngủ của con. Chiều về ba sẽ nhắn với mẹ con lý do, rồi ba sẽ điện thăm hỏi con và về với con nhanh thôi. Lúc đó, trẻ như được vỡ òa và xoa dịu nỗi buồn rồi cùng cô đi vào lớp với khuôn mặt tươi tỉnh, tự chạy lên tháo và đổi chiếc cờ sangbiểu tượng khuôn mặt vui. Qua hoạt động trên, tôi đã tạo cơ hội cho trẻ thể hiện được cảm xúc của mình qua đó trẻ cũng cảm nhận được cảm xúc tích cực khi được cô giáo quan tâm, chia sẻ. Ví dụ: Vào buổi chiều trước khi ra về, tôi cho trẻ về góc cảm xúc, tô màu lên khuôn mặt của ngày hôm đó trong nhật ký ngày của mình theo quy ước màu sắc về cảm xúc như buổi sáng. Có nghĩa là trong ngày trẻ vui sẽ dùng màu vàng tô vào khuôn mặt hình tròn, sau đó vẽ các đường nét thể hiện sự vui vẻ (mắt cong xuống, miệng cười cong lên), màu xanh dương tô vào hình tròn và vẽ biểu tượng buồn...cô thông qua nhật ký bằng hình về cảm xúc của trẻ để trò chuyện cùng trẻ vì sao ngày hôm nay con thấy vui, trẻ có thể trả lời là “con được cô khen”, “con thích học tiếng anh”, “con được cô cho chơi trò chơi vui nhộn”...vì sao hôm nay con lại tức giận, điều gì làm con tức giận? trẻ trả lời “Bạn Quân đánh con”, “Bạn Khang chọc con nói con là rùa chậm chạp”, “Bạn Bảo trêu con là mít ướt, khóc nhè”... Qua đó tôi biết được cảm xúc của trẻ sau một ngày ở trường như thế nào và giúp tôi dễ dàng nắm bắt được tâm lý của các con như thế nào và có cách giúp các con giải tỏa cảm xúc của mình, giúp các con tràn đầy niềm vui khi đến lớp. Không những vậy thông qua hoạt động này tôi cũng dễ dàng trao đổi với phụ huynh về tình tình của các con khi ở trường.
  9. Giải pháp 3: Đặt nhiều câu hỏi liên quan đến cảm xúc nhằm giúp trẻ  phát triển tư duy. Khi đặt câu hỏi về cảm xúc, trẻ sẽ được khuyến khích nhận biết các cảm xúc khác nhau mà các bé trải qua. Mỗi lúc được hỏi khi trải qua một cảm xúc cụ thể, trẻ phải dừng lại và xem xét những gì đang xảy ra trong tâm trí và cơ thể của mình. Điều này giúp phát triển khả năng tự nhận thức và khả năng quản lý cảm xúc. Bên cạnh đó, khi tự nhìn nhận cảm xúc của mình, trẻ sẽ có cơ hội tìm hiểu những yếu tố gây ra cảm xúc đó và cách tương tác của mình với cảm xúc đó. Điều này khuyến khích tư duy phản biện logic, giúp trẻ phát triển kỹ năng phân tích và suy luận. Giáo dục cảm xúc cần thực hiện thường xuyên, mọi lúc và mọi nơi. Kể cả những sinh hoạt trong thường ngày cũng có thể giáo dục cảm xúc cho trẻ. Ở độ tuổi mầm non này, trẻ chưa nhận thức được hết mọi việc, dễ ảnh hưởng và tiếp thu các thói quen xấu tốt của mọi người xung quanh. Vậy nên, duy trì giáo dục cảm xúc cho trẻ bằng cách tăng cường cho trẻ tham gia nhiều trải nghiệm và thực hành gắn với cuộc sống sẽ giúp trẻ nâng cao nhận thức và ứng xử hơn. Ví dụ: Trên lớp cô giáo có thể kể những câu chuyện về cảm xúc thể hiện những hành vi tốt - xấu. Sau đó đưa ra những câu hỏi để tác động vào tâm lý và cảm xúc của trẻ từ đó giáo dục cảm xúc tích cực cho trẻ. VD: (câu truyện sinh nhật của thỏ trắng, vì sao bé Bin nín khóc...) "Bạn Bin vì sao lại khóc vậy nhỉ?; Yêu và thương mẹ, con cần làm gì?; Thỏ trắng đã cư xử với mẹ của mình ra sao?” Bài thơ: Giận dữ Khi con giận, con biết Mặt mày đỏ tía tai Chớ vội làm gì sai Dành vài giây hít thở Để não mình trăn trở Làm điều gì đúng đây Bình tĩnh sẽ tới ngay Con đừng lo con nhé! Qua bài thơ trẻ biết kiềm chế cảm xúc của mình, khi giận dữ chúng ta nên biết giữ bình tĩnh, không nên vội vàng mà đưa ra quyết định gì. Từ đó giúp trẻ trở nên biết lắng nghe, giữ bình tĩnh khi có tình huống xấu xảy ra với mình. Khi trẻ được yêu cầu diễn đạt về cảm xúc thông qua việc trả lời các câu hỏi, các bé sẽ có cơ hội học và sử dụng từ vựng liên quan đến cảm xúc. Điều này giúp mở rộng vốn từ vựng của trẻ và cho phép các bé diễn đạt một cách chính xác hơn về cảm xúc của mình. Không chỉ hỏi về cảm xúc các bé, tôi có thể đặt câu hỏi về cảm xúc của những người xung quanh. Đây là cách để tăng sự thông cảm và hiểu biết về người khác. Đặc biệt, khi thường xuyên hỏi bé về vấn đề cảm xúc, là giáo
  10. viên tôi kịp thời vỗ về, giúp đỡ, cùng bé tháo gỡ những nỗi lo lắng, thắc mắc. Việc này sẽ giúp bé không cảm thấy cô đơn trên hành trình lớn lên của mình. Ví dụ: Trong giờ hoạt động ngoài trời “Thí nghiệm về hạt gạo nhảy múa” tôi tạo tình huống và đặt ra nhiều câu hỏi gợi mở để phát triển tư duy cho trẻ và thích thú khi thực hiện thí nghiệm. Từ lúc quan sát cô thực hiện trẻ rất thích thú và hào hứng. Khi thấy hạt gạo nổi lên trên mặt nước thì các bạn òa lên thể hiện sự vui sướng khi thấy được hiện tượng này. Qua đó kích thích tính khám phá của trẻ, từ đó cảm xúc của trẻ cũng thể hiện một cách rõ ràng hơn. Giải pháp 4: Phối hợp với cha mẹ trẻ trong việc khuyến khích phát triển cảm xúc tích cực cho trẻ. Giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non không phải đơn thuần là việc giáo dục cho trẻ riêng của nhà trường mà gia đình đóng một vai trò hết sức quan trọng, cha mẹ cùng chơi với con, cùng theo dõi và uốn nắn những hành vi, thái độ của con, điều chỉnh những cảm xúc tiêu cực của con và định hướng phát triển cảm xúc tích cực cho trẻ. Như vậy, việc phối hợp với cha mẹ trẻ, tuyên truyền đến cha mẹ trẻ các biện pháp giáo dục cảm xúc tích cực cho trẻ thông qua hoạt động trải nghiệm là hết sức cần thiết. Trẻ là tấm gương phản chiếu cảm xúc của gia đình mình. Đối với những trẻ trong gia đình giáo dục tốt, trẻ rất điềm tĩnh, biết kiềm chế cảm xúc của mình nhưng đối với gia đình thường xuyên mẫu thuẫn, ít quan tâm đến trẻ thì đứa trẻ cũng thể hiện sự tức tối, cáu giận, bực dọc đối với bạn bè. Tôi trao đổi trực tiếp với cha mẹ trẻ về cảm xúc của trẻ trong ngày vào giờ đón, trả trẻ để phụ huynh biết, tìm hiểu trẻ thêm và có hướng giáo dục cảm xúc tích cực cho trẻ tốt hơn. Ví dụ: Tôi luôn chú trọng tuyên truyền giáo dục cảm xúc của trẻ thông qua bảng tuyên truyền hằng tháng tại lớp với các tiêu đề “Không dùng roi vọt vẫn dạy con ngoan” hoặc “Dạy con ngoan trong ngày tết”... Tôi phát cho mỗi trẻ câu chuyện “Bàn tay có nụ hôn” dặn trẻ về nói ba mẹ đọc cho con nghe câu chuyện này, rồi thực hiện giống nhân vật trong câu chuyện là mẹ hôn lên bàn tay của con rồi áp lên má con, có như vậy mẹ sẽ luôn bên con khi con đến trường và con cũng vậy, trẻ sẽ hôn lên tay mẹ thì trong trái tim mẹ cả ngày sẽ có hình bóng của con mình... Thông qua zalo nhóm lớp tôi nhắn tin cho phụ phuynh nhằm nhắc nhở phụ huynh cùng thực hiện nhiệm vụ với cháu để giúp cháu luôn có cảm xúc thân thiện và gắn kết tình cảm giữ bố mẹ và trẻ. Cũng như giúp phát triển cảm xúc rất tích cực cho trẻ và giúp trẻ mạnh dạn hơn, tự tin hơn khi đến trường, đến lớp. Ngoài ra mỗi khi tổ  chức chuyên đề  cho các cháu tôi thường vận động cha  mẹ tham gia vào hoạt động của trẻ tại trường (ngày Tết trung thu, Cô giáo như mẹ  hiền, 8/3,...), Giúp cha mẹ  nhận thấy được hình thức, phương pháp và các hoạt   động tổ  chức giáo dục kỹ  năng nhận biết và thể  hiện cảm xúc để  giáo dục trẻ  tại  nhà. Sự có mặt tham gia của cha mẹ sẽ tăng thêm hứng thú và trẻ  sẽ  thấy được ý   nghĩa trong mỗi hoạt động. 
  11. Không những vậy tôi hướng dẫn cho phụ huynh cùng chơi trò chơi với trẻ như: “Đặt tên cảm xúc” bằng cách bố mẹ diễn tả cảm xúc thông qua biểu cảm trên  khuôn mặt và trẻ sẽ gọi tên cảm xúc đó. Bố mẹ cũng có thể dùng gấu bông để tăng  phần thú vị cho trò chơi. Sau khi trẻ đoán đúng, hãy thể hiện cảm xúc tích cực với  con để tăng sự gắn kết và thấu hiểu cảm xúc của bé.  Tuyên truyền cho cha mẹ tầm quan trọng cũng như biện pháp để giáo dục kỹ  năng nhận biết và thể  hiện cảm xúc cho trẻ tại nhà, cha mẹ  cần giáo dục trẻ  bằng  tình yêu thương là tấm gương cho trẻ  học tập và noi theo, tận dụng cơ  hội để  trẻ  nhận biết cảm xúc và đối phó với cảm xúc của mình. Nhìn chung, tôi tận dụng mọi thời điểm, mọi cơ hội, mọi hoạt động để giáo dục cảm xúc cho trẻ, nhẹ nhàng, gần gũi trẻ, quan tâm trẻ để trẻ bộc lộ cảm xúc và được cô chia sẻ cảm xúc, trao đổi với cha mẹ trẻ từ đó giải tỏa, hạn chế cho trẻ những cảm xúc tiêu cực nhất, mang đến cho trẻ cảm xúc tích cực thì mỗi ngày đến trường của trẻ mới thật sự là một ngày vui, trường học mới là nơi an toàn và hạnh phúc. 2.2. Phân tích tình trạng của giải pháp đã biết (nếu là giải pháp cải tiến giải pháp đã biết trước đó tại cơ sở) Giáo dục cảm xúc cho trẻ mầm non là một phần giáo dục phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ, vì vậy một số giải pháp trước đây được đưa ra nhằm phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội là một việc chung chung chứ không đi sâu vào việc giáo dục cảm xúc cho trẻ. Trước đây, giáo dục cảm xúc cho trẻ thường được lồng ghép, tích hợp vào các hoạt động giáo dục, hoạt động chơi chứ chưa thực sự đưa ra là một hoạt động trải nghiệm riêng biệt có kế hoạch, có tổ chức, có đánh giá cụ thể. Việc giáo dục cảm xúc cho trẻ thường chưa thực hiện đảm bảo quy trình 4 bước như đã nêu ở trên. 2.3. Nội dung đã cải tiến, sáng tạo để khắc phục những nhược điểm hiện tại (nếu là giải pháp đã biết trước đó tại cơ sở) Trong sáng kiến này, bản thân tôi đã đưa ra các giải pháp cụ thể, các hoạt động trải nghiệm theo quy trình 4 bước cụ thể nhằm phát triển cảm xúc gì cho trẻ, thông qua các hoạt động giáo dục. Tôi luôn quan tâm đến cảm xúc của trẻ từ đó kịp thời điều chỉnh, động viên, an ủi trẻ tạo cho trẻ niềm vui, khuyến khích trẻ mạnh dạn tham gia vào các hoạt động một cách tích cực nhất để đối với trẻ mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui, cô giáo như là một người mẹ hiền và lớp học thực sự là nơi hạnh phúc với trẻ. Qua các biện pháp của sáng kiến trên giúp trẻ nhận biết và hiểu được cảm xúc của bản thân mình và người khác, sau đó giúp trẻ quản lý cảm xúc của bản thân theo hướng tích cực tại trường mầm non và gia đình trẻ. 2.4. Khả năng áp dụng của sáng kiến Bản sáng kiến này tôi đã áp dụng ở lớp và thấy có hiệu quả và tôi nghĩ có khả năng áp dụng cho tất cả các giáo viên dạy trẻ độ tuổi 4 trên địa bàn huyện thực hiện được.
  12. Hiện tại sáng kiến được áp dụng thử tại lớp mẫu giáo Nhỡ 2 mang lại hiệu quả cao. Sử dụng các biện pháp trên đảm bảo lợi ích về kinh tế, không tốn kém nhiều về tiền bạc, chất lượng dạy và học được nâng cao. Tác động tốt đến nhận thức của phụ huynh, làm cho phụ huynh tích cực hơn trong việc tham gia phối hợp cùng giáo viên để giáo dục cảm xúc tích cực cho trẻ, chuẩn bị những kỹ năng, điều kiện cần thiết giúp trẻ có thể thể hiện cảm xúc của mình một cách tự tin, vững vàng. 2.5. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả và theo ý kiến của tổ chức, cá nhân đã tham gia áp dụng sáng kiến lần đầu, kể cả áp dụng thử (nếu có): 2.5.1. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả: * Hiệu quả xã hội - Bản thân tôi đã có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc giáo dục cảm xúc cho trẻ, vận dụng các phương pháp thích hợp để hình thành cảm xúc phù hợp đối với trẻ ở lớp. * Đối với trẻ: - 100% trẻ năng động, mạnh dạn, tự tin. - Trẻ biết thể hiện cảm xúc của mình với mọi người trẻ biết vâng lời cô, biết kiềm chế cảm xúc của mình, chơi hòa đồng và đoàn kết cùng với bạn bè thông qua các hoạt động hàng ngày trong cuộc sống của trẻ. - Trẻ được rèn luyện kỹ năng xã hội; kỹ năng về cảm xúc, giao tiếp; biết quan tâm giúp đỡ, chia sẻ với bạn bè, cô giáo, nhận thức được việc làm nào nên, hay không nên, biết kính trọng cô giáo và người lớn. 2.5.2. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tổ chức, cá nhân đã tham gia áp dụng sáng kiến lần đầu, kể cả áp dụng thử: Giáo dục cảm xúc cho trẻ 4-5 tuổi qua hoạt động trải nghiệm là quá trình tổ chức các hoạt động trải nghiệm giúp trẻ hình thành những rung động, thể hiện thái độ tích cực của trẻ với mọi người xung quanh hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Qua việc áp dụng các biện pháp trên tôi nhận thấy trẻ đã nhận biết được cảm xúc của bản thân và nhận biết được cảm xúc của người khác, trẻ biết thể hiện cảm xúc, tạo ra và sử dụng cảm xúc phù hợp với hoàn cảnh từ đó trẻ kiểm soát, điều chỉnh được cảm xúc của bản thân mình. Cụ thể: - Trước khi áp dụng các giải pháp của sáng kiến, có hơn 60% trẻ rụt rè, nhút nhát sau khi áp dụng giải pháp con số này còn 15%. Trẻ mạnh dạn tự tin tham gia các hoạt động, mạnh dạn phát biểu bài, tự tin trò chuyện với cô giáo, biết cách tham gia cùng chơi trong nhóm bạn.
  13. - Đối với trẻ hiếu động, hay nóng giận đánh bạn, vứt ném đồ đạc sau khi áp dụng sáng kiến tỉ lệ này giảm nhiều, trẻ biết vâng lời cô, biết kiềm chế cảm xúc của mình, chơi hòa đồng và đoàn kết cùng với bạn bè. - Trẻ nhận ra được bạn vui hay buồn từ đó chia sẻ, cảm thông, động viên, khích lệ, giúp đỡ bạn bè và người khác. - Trẻ cảm thấy vui, được giải tỏa cảm xúc khi đến trường, được trò chuyện cùng cô giáo, cùng bạn bè, đối với trẻ trường học thật sự là nơi thân thiện, hạnh phúc. - Từ việc phát triển tốt cảm xúc tích cực của trẻ thì các lĩnh vực khác như: thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cũng phát triển tốt. - Trẻ vui sẽ khỏe mạnh, mạnh dạn, tự tin, có ý thức tham gia tốt các hoạt động của lớp, của trường và có những kỹ năng sống cần thiết: tự phục vụ và bảo vệ bản thân, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tự tin, kỹ năng tự lập, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng học và tự học cần thiết cho trẻ. 3. Những thông tin cần được bảo mật (nếu có): Không có 4. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến - Điều kiện: + Trẻ độ tuổi 4-5 tuổi, được khảo sát đặc điểm phát triển cảm xúc. + Môi trường vật chất trong và ngoài lớp học đảm bảo, đầy đủ đồ dùng, trang thiết bị để trẻ trải nghiệm phát triển cảm xúc. - Phương tiện: + Sách chương trình giáo dục mầm non. + Sách hướng dẫn thực hiện chương trình cho trẻ 4-5 tuổi. + Sách hướng dẫn phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo. 5. Danh sách những thành viên đã tham gia áp dụng thử hoặc áp dụng sáng kiến lần đầu (nếu có): TT Họ và tên Nơi công tác Nơi áp dụng Ghi chú sáng kiến
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2