intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Sáng kiến kinh nghiệm Tiểu học: Một số biện pháp giúp học sinh lớp 5 học tốt thể loại văn tả cảnh

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: DOC | Số trang:23

11
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mục đích nghiên cứu sáng kiến nhằm đưa ra một số biện pháp để giúp học sinh học tốt thể loại văn tả cảnh; giúp học sinh có hứng thú với phân môn Tập làm văn nói chung và văn tả cảnh nói riêng.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Sáng kiến kinh nghiệm Tiểu học: Một số biện pháp giúp học sinh lớp 5 học tốt thể loại văn tả cảnh

  1. ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN BA VÌ TRƯỜNG TIỂU HỌC CAM THƯỢNG -------- SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP HỌC SINH LỚP 5 HỌC TỐT THỂ LOẠI VĂN TẢ CẢNH Lĩnh vực/Môn: Tập làm văn Cấp học: Tiểu học Tác giả: Đỗ Thị Hòa Đơn vị công tác: Trường TH Cam Thượng Chức vụ: Giáo viên Năm học : 2023 – 2024 1
  2. MỤC LỤC TÊN NỘI DUNG TRANG MỤC 1 Phần mở đầu 1 1.1. Lý do chọn đề tài 1 1.2. Mục đích nghiên cứu 2 1.3. Đối tượng nghiên cứu 2 1.4. Phương pháp nghiên cứu 2 2 Phần nội dung 2 2.1. Cơ sở lý luận 2 2.2. Thực trạng việc dạy và học thể loại văn tả cảnh ở 4 trường Tiểu học Cam Thượng 2.3 Các giải pháp đã sử dụng để dạy văn tả cảnh 5 2.3.1. Giúp học sinh nắm vững thể loại và cấu tạo bài 5 văn tả cảnh 2.3.2.Rèn luyện kĩ năng quan sát khi làm văn tả cảnh 6 2.3.3. Rèn luyện kĩ năng tìm ý khi làm văn tả cảnh. 8 2.3.4. Rèn kĩ năng sử dụng các phương tiện ngôn ngữ và 10 nghệ thuật ngôn từ khi làm văn tả cảnh. 2.3.5. Rèn luyện kĩ năng biểu đạt tư tưởng, tình cảm 16 trong bài văn tả cảnh. 2.4. Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm đối với hoạt động 17 giáo dục, với bản thân, đồng nghiệp và nhà trường. 3 Phần kết luận, kiến nghị 19 3.1. Kết luận 19 3.2. Kiến nghị 20 2
  3. 1. MỞ ĐẦU 1.1. Lí do chọn đề tài Trong chương trình Tiểu học, cùng với môn Toán, môn Tiếng Việt chiếm khá nhiều thời gian so với các môn học khác. Môn Tiếng Việt có nhiệm vụ hình thành và phát triển cho học sinh các kĩ năng sử dụng Tiếng Việt để học tập và giao tiếp trong các môi trường của lứa tuổi. Thông qua việc dạy học Tiếng Việt, góp phần rèn luyện tư duy, cung cấp cho học sinh những kiến thức sơ giản về xã hội, tự nhiên và con người, về văn hóa, văn học của Việt Nam và nước ngoài. Bồi dưỡng tình yêu Tiếng Việt và hình thành thói quen giữ gìn sự trong sáng, giàu đẹp của Tiếng Việt. Môn Tiếng Việt gồm nhiều phân môn khác nhau như Tập đọc, Luyện từ và câu, Tập viết, Chính tả, Kể chuyện, Tập làm văn. Song khó hơn cả đối với người dạy cũng như đối với người học chính là phân môn Tập làm văn. Tập làm văn là một phân môn rất quan trọng trong chương trình dạy học tiểu học, nó không chỉ giúp học sinh tổng hợp các kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết mà còn rèn cho học sinh khả năng giao tiếp, quan sát, phân tích, tổng hợp và đặc biệt còn hình thành cho học sinh những phẩm chất tốt đẹp của con người mới hiện đại và năng động. Dạy tập làm văn là dạy học sinh cách nhìn nhận cuộc sống xung quanh trong thực tế vốn có của nó với cảm xúc thực của các em. Đồng thời cũng dạy các em cách ghi lại sự nhìn nhận ấy qua các văn bản, còn gọi là đoạn văn, bài văn một cách chính xác về đối tượng, về ngữ pháp Tiếng Việt. Tập làm văn lớp 5 gồm nhiều nội dung, một trong những nội dung chính của chương trình Tập làm văn lớp 5 là văn miêu tả. Trong đó tả cảnh là một kiểu bài khó vì học sinh chưa có khả năng quan sát tinh tế, chưa có khả năng cảm nhận được vẻ đẹp của cảnh hay những thay đổi của cảnh, không biết dựa vào cảm xúc của mình để làm cảnh đó trở nên đẹp hơn, sinh động hơn, gần gũi hơn. Làm thế nào để học sinh làm văn hay và có hiệu quả thì lại là một vấn đề rất khó khăn, cần phải suy nghĩ và dày công nghiên cứu của những người làm công tác giáo dục. Thực tế khi giảng dạy kiểu bài văn tả cảnh cho học sinh lớp 5 những năm qua, tôi nhận thấy rằng: Nhiều bài văn tả cảnh của các em chưa hay, chưa đạt được yêu cầu của một bài văn tả cảnh. Nội dung bài văn chưa tái hiện được hình ảnh chân thực vốn có của cảnh vật. Các em chưa biết tìm và khắc sâu những đặc điểm riêng biệt của cảnh vật. Lời văn chưa thể hiện được những tư tưởng, tình cảm chân thực của người viết. Vì vậy, bài văn tả cảnh trở nên máy móc, khô cứng và không chân thực. Để có thể dạy tốt văn tả cảnh cho học sinh lớp 5, mỗi giáo viên cần có những kiến thức cơ bản về văn miêu tả nói chung và tả cảnh nói riêng. Ngoài ra, trong thực tế giảng dạy, bản thân người giáo viên là người hướng dẫn đôi khi cũng cảm thấy lúng túng, khó diễn đạt và không biết phải hướng dẫn thế nào để học sinh có thể viết được bài văn hay, có hình ảnh, có cảm xúc. Khả 3
  4. năng quan sát, tìm ý và làm văn của các em học sinh còn nhiều hạn chế, trong khi đó để giúp học sinh học tốt Tập làm văn, đặc biệt là văn tả cảnh lại chưa có giải pháp hữu hiệu. Là một giáo viên trực tiếp giảng dạy lớp 5, tôi luôn trăn trở suy nghĩ làm thế nào cho học sinh thích làm văn, viết văn chân thật, có cảm xúc và sinh động. Qua nghiên cứu và thực tế giảng dạy, tôi mạnh dạn đưa ra: “Một số biện pháp giúp học sinh lớp 5 học tốt thể loại văn tả cảnh” 1.2. Mục đích nghiên cứu - Đưa ra một số biện pháp để giúp học sinh học tốt thể loại văn tả cảnh. - Giúp học sinh có hứng thú với phân môn Tập làm văn nói chung và văn tả cảnh nói riêng. 1.3. Đối tượng nghiên cứu Tìm hiểu, nghiên cứu cách dạy thể loại văn miêu tả nói chung và văn tả cảnh nói riêng cho học sinh lớp 5. Đồng thời áp dụng các giải pháp nhằm giúp học sinh lớp 5 học tốt thể lọai văn tả cảnh. 1.4. Phương pháp nghiên cứu. Để tìm ra kinh nghiệm giúp học sinh lớp 5 học tốt thể loại văn tả cảnh, tôi đã sử dụng các phương pháp sau: - Phương pháp nghiên cứu lí luận. - Phương pháp nghiên cứu thực tiễn. - Phương pháp thực nghiệm. - Phương pháp phân tích và tổng hợp. 2. NỘI DUNG SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM 2.1. Cơ sở lí luận của sáng kiến kinh nghiệm Văn miêu tả là loại văn nhằm giúp người đọc, người nghe hình dung những đặc điểm, tính chất nổi bật của sự vật, sự việc, con người, phong cảnh,…làm cho những cái đó như hiện lên trước mắt người đọc, người nghe. Trong văn miêu tả, năng lực quan sát của người viết, người nói thường được bộc lộ rõ nhất. Đó là loại văn mang tính thông báo thẩm mĩ. Đó là sự miêu tả thể hiện được cái mới mẻ, cái riêng trong cách quan sát, cách cảm nhận của người viết. Trong văn miêu tả, cái mới, cái riêng phải gắn với cái chân thật. Ngôn ngữ trong văn miêu tả giàu cảm xúc, giàu hình ảnh, giàu nhịp điệu, âm thanh. Muốn miêu tả được, trước hết phải biết quan sát, rồi từ đó nhận xét, liên tưởng, tưởng tượng, ví von, so sánh,… để làm nổi bật lên những đặc điểm tiêu biểu của sự vật. Đúng như lời nhận xét trong Hán Việt từ điển: “Lấy nét vẽ hoặc câu văn để biểu hiện cái chân tướng của sự vật ra.” Văn miêu tả là một trong hai thể loại chủ yếu của chương trình Tập làm văn ở Tiểu học. Ngay từ lớp 2, 3 các em đã được làm quen với văn miêu tả khi được tập quan sát trả lời câu hỏi. Lên lớp 4 các em phải hiểu thế nào là miêu tả, biết cách quan sát, tìm ý, lập dàn ý, viết đoạn văn, liên kết đoạn văn thành một bài văn miêu tả đồ vật, cây cối, hoặc con vật,…đó là những đối tượng gần gũi và thân thiết của các em. Chương trình Tập làm văn lớp 5 tiếp tục dạy về văn miêu 4
  5. tả với hai kiểu bài: Tả cảnh và tả người.Trong đó văn tả cảnh 14 tiết và tả người 12 tiết. Yêu cầu cần đạt khi học văn miêu tả ở lớp 5 là: Học sinh nắm vững được cấu tạo bài văn gồm 3 phần: Mở bài, thân bài, kết bài. Nắm được cách quan sát, tìm ý, lập dàn ý, viết đoạn văn, liên kết đoạn văn thành một bài văn miêu tả. Viết được bài văn miêu tả hoàn chỉnh có đủ 3 phần, thể hiện rõ sự quan sát và chọn lọc chi tiết miêu tả. Diễn đạt thành câu, biết dùng từ ngữ, hình ảnh gợi tả trong bài văn. Trong chương trình Tiểu học, phân môn Tập làm văn lớp 5 nhằm mở rộng vốn sống, rèn luyện tư duy, bồi dưỡng tâm hồn, cảm xúc thẩm mĩ, hình thành nhân cách cho học sinh. Quá trình thực hiện các kĩ năng phân tích đề, tìm ý, quan sát, viết đoạn là những cơ hội giúp trẻ mở rộng kiến thức về cuộc sống theo chủ điểm đã học. Việc phân tích đề bài, lập dàn ý, chia đoạn bài văn góp phần phát triển khả năng phân tích, tổng hợp, phân loại cho học sinh. Tư duy trừu tượng của trẻ cũng được rèn luyện nhờ vận dụng các biện pháp so sánh, nhân hoá khi miêu tả. Học Tập làm văn, học sinh có điều kiện tiếp cận với vẻ đẹp của con người, thiên nhiên qua các bài văn, đoạn văn điển hình. Khi phân tích đề Tập làm văn, học sinh có dịp hướng tới chân, thiện, mĩ được định hướng trong các đề bài, các bài luyện tập báo cáo thống kê, làm đơn, làm biên bản, lập chương trình hoạt động… tạo cơ hội cho học sinh thể hiện mối quan hệ với cộng đồng. Những cơ hội đó làm cho tình cảm yêu mến, gắn bó với thiên nhiên, với con người và việc xung quanh của trẻ nảy nở, tâm hồn, tình cảm của trẻ thêm phong phú. Đó là nhân tố quan trọng góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp của trẻ. Trong chương trình Tập làm văn lớp 5, văn miêu tả là thể loại chiếm tỷ lệ cao. Trong đó văn tả cảnh chiếm 20% tổng thời lượng chương trình lớp 5. Đây là thể loại văn nghệ thuật sử dụng lời văn có hình ảnh và có cảm xúc làm cho người nghe, người đọc hình dung một cách rõ nét, cụ thể, sinh động về sự vật, hiện tượng ... trong đời sống. Như vậy văn tả cảnh có thể xem là một văn bản nghệ thuật có sử dụng ngôn ngữ văn chương để miêu tả sự vật hiện tượng một cách cụ thể sinh động. Bất kì một hiện tượng nào trong thực tế đời sống cũng có thể miêu tả được, tuy nhiên bằng những cảm xúc khác nhau của mỗi người, mỗi hiện tượng lại được miêu tả với cách thể hiện riêng qua việc quan sát, sử dụng từ ngữ và cách diễn đạt khác nhau. Quá trình dạy học sinh viết văn tả cảnh sẽ mang lại kết quả khả quan nếu như thầy biết tổ chức đúng đắn và khêu gợi được những hoạt động cần thiết ở các em, vì tư duy của trẻ ở lứa tuổi tiểu học thường thiên về tính cụ thể. Ở lứa tuổi này có những yếu tố của tư duy trừu tượng nhưng còn hạn chế nhiều so với học sinh ở các lớp trên. Quá trình nhận thức của học sinh lớp 5 khi viết văn tả cảnh đều thông qua thực tiễn các em thấy gì viết nấy.Vì thế người giáo viên cần phải quan tâm đúng mức và khêu gợi để học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp khi viết văn. 5
  6. 2.2.Thực trạng việc dạy và học thể loại văn tả cảnh ở trường Tiểu học 2.2.1. Chương trình và sách giáo khoa Hiện nay theo phân phối chương trình trong sách giáo khoa có 14 tiết tả cảnh, trong đó có 11 tiết lí thuyết kết hợp thực hành, còn lại là kiểm tra và trả bài viết. Nội dung miêu tả tập trung vào các cảnh: Một buổi trong ngày, một hiện tượng thiên nhiên, trường học, cảnh sông nước. Với các nội dung trên, yêu cầu viết lại chủ yếu là đoạn văn. Do đó, với mỗi cảnh học sinh ít được viết hoàn thiện một bài văn hoàn chỉnh ngay trên lớp để thầy cô, bạn bè trực tiếp góp ý. 2.2.2. Việc dạy văn tả cảnh của giáo viên Đối với việc dạy văn tả cảnh cho học sinh, giáo viên đều cho rằng: Qua hệ thống bài tập giáo viên đã giúp học sinh quan sát đối tượng miêu tả, lựa chọn sắp xếp ý, dựng đoạn và viết bài văn miêu tả. Song để học sinh biết dùng khả năng của mình để miêu tả một sự vật, một cảnh đẹp ... lại là rất khó, đòi hỏi giáo viên phải có biện pháp phù hợp để đạt kết quả cao. Qua dự giờ, trao đổi, thống kê tôi thấy: Các tiết dạy theo chương trình nhìn chung giáo viên luôn chú ý để đạt được mục tiêu của tiết học. Việc đổi mới phương pháp dạy học đã được giáo viên quan tâm, giảm hẳn lối dạy học một chiều. Mặc dù vậy việc dạy văn tả cảnh của giáo viên bộc lộ những hạn chế sau: Giáo viên chỉ có một con đường duy nhất là hình thành các hiểu biết về lý thuyết, thể loại văn, kĩ năng làm văn,… Đó là qua phân tích các bài văn mẫu với lý thuyết khô khan, khó hiểu. - Giáo viên chưa chủ động sáng tạo trong dạy học, chưa gây hứng thú cho học sinh khi học văn. - Cho học sinh học thuộc một số bài văn mẫu, không có sáng tạo trong làm bài. - Giáo viên không thực hiện đúng các yêu cầu khi trả bài viết của học sinh, không giúp các em nhận thấy các lỗi sai của mình khi làm bài để có sự chỉnh sửa rút kinh nghiệm cho bài làm sau. - Giáo viên chưa chú ý đến việc rèn kỹ năng ở các tiết khác để làm điểm tựa cho tiết Tập làm văn... Một số tiết học, GV chưa khơi gợi huy động vốn hiểu biết, cách sử dụng từ ngữ mà bắt HS học nhiều 2.2.3.Việc học văn tả cảnh của học sinh. Học sinh hầu như không có hứng thú với phân môn Tập làm văn, đặc biệt là văn tả cảnh. Khi làm văn, các em miêu tả hời hợt, chung chung không có sắc thái riêng biệt nào của đối tượng được miêu tả. Bài văn học sinh làm thường vay mượn ý tình của người khác, các em thường sao chép những bài văn mẫu thành bài văn của mình không kể đề bài quy định như thế nào. Với cách làm ấy các em không cần biết đối tượng cần miêu tả gì, không chú ý tới đặc điểm nổi bật tạo nên nét riêng của cảnh, cũng như không có cảm xúc về nó. Học sinh chưa có ý thức quan sát đối tượng miêu tả và ghi chép những điều quan sát được một cách cụ thể và chi tiết. Không những thế vốn sống, vốn kiến thức và những rung cảm trước cái đẹp còn hạn chế nên chưa thổi được vào cảnh cái hồn để cảnh miêu tả trở nên sinh động, 6
  7. ấn tượng hơn. Việc tiếp thu kiến thức làm văn đến vận dụng kiến thức đó chưa chủ động và linh hoạt. Kĩ năng vận dụng các từ ngữ gợi hình, gợi tả và các biện pháp nghệ thuật tu từ còn lúng túng. Kĩ năng liên kết, sắp xếp các ý trong đoạn bài còn rất hạn chế. Kĩ năng sử dụng ngôn từ, diễn đạt ý thành câu văn còn vụng về . Ngay từ thời điểm vào thực hiện chương trình tuần 3 (Tháng 9), tôi trực tiếp khảo sát chất lượng học sinh lớp tôi dạy với đề bài như sau: Đề bài: Em hãy viết một đoạn văn tả cảnh một buổi sáng trên cánh đồng.( Sách TV5 – Trang 22 tập 1) Qua khảo sát chất lượng và điều tra về học tập đối với phân môn Tập làm văn của lớp, tôi đã thu được kết quả như sau: Số Nắm Bố cục Biết Năng lực sử dụng từ ngữ, Hoàn chỉnh HS vững bài văn cách hình ảnh, nghệ thuật bài văn khảo thể rõ ràng quan Sử dụng hình Biết sử dụng miêu tả sát loại sát, tìm ảnh gợi tả, gợi biện pháp tu ý cảm từ 35 25 22 18 12 5 25 Kết quả khảo sát cho thấy: Một số học sinh chưa thực hiện được các yêu cầu của một bài văn như: + Chưa nắm vững thể loại + Bố cục bài viết không rõ ràng. + Sắp xếp ý còn lộn xộn, diễn đạt câu văn chưa sáng sủa, dùng từ thiếu chính xác. + Bài văn nghèo ý, sơ sài. Đứng trước thực trạng dạy và học như trên yêu cầu đặt ra cấp thiết là phải đổi mới phương pháp dạy học để học sinh đến với phân môn Tập làm văn đặc biệt là văn tả cảnh một cách say mê, hứng thú để từ đó có cảm xúc viết văn. sau đây là các giải pháp mà bản thân đã thực hiện có hiệu quả. 2.3. Các giải pháp đã sử dụng để dạy văn tả cảnh 2.3.1. Giúp học sinh nắm vững thể loại và cấu tạo bài văn tả cảnh: * Đây là một việc làm rất quan trọng, bởi nó giúp học sinh định hướng được công việc mình sẽ làm: Đó là xác định được bài văn thuộc thể loại văn gì? Kiểu bài gì? Đối tượng miêu tả là gì? Trọng tâm miêu tả của cảnh? Khi xác định được như vậy các em sẽ miêu tả đúng trọng tâm không bị lạc đề khi miêu tả. Ví dụ: Tả cảnh buổi sáng trên cánh đồng. - Trước tiên học sinh phải xác định được đây là thể loại văn gì? (Văn miêu tả, tập trung vào tả cảnh) - Yêu cầu học sinh xác định đối tượng miêu tả trong bài văn đó là gì? Giáo viên yêu cầu học sinh gạch chân dưới những từ ngữ quan trọng giúp học sinh biết được trọng tâm miêu tả là gì? (Tả cảnh buổi sáng trên cánh đồng) - Học sinh phải xác định được thời gian tả cánh đồng vào buổi sáng. 7
  8. - Hướng dẫn học sinh xây dựng bố cục bài văn: Bố cục một bài văn phải hợp lý theo ba phần: Mở bài: Giới thiệu về cánh đồng vào buổi sáng. Thân bài: + Tả khái quát: các cảnh vật như: Tiếng gà gáy, ông mặt trời…. + Tả chi tiết: Theo thứ tự thời gian như: Bình minh xuất hiện; Mặt trời lên cao; Các cảnh vật: Gió, chim…., hoạt động của con người. Kết bài: Nêu cảm xúc của em trước cảnh đẹp của cánh đồng. * Các đoạn văn trong bài phải liên kết với nhau thành một văn bản hoàn chỉnh, được bố cục theo ba phần mở bài, thân bài, kết bài. Xong để bài văn hay, logic thì việc tạo lập mở bài, kết bài cũng cần quan tâm. Đặc biệt khuyến khích các em mở bài theo cách gián tiếp và kết bài theo cách mở rộng để bài văn thêm hấp dẫn. Hướng dẫn các em cách mở bài, kết bài sao cho có sự liền mạch về ý, lôi cuốn người đọc. GV đưa ra một số ví dụ để học sinh nhận xét và từ đó rút ra kết luận: Ví dụ: Tả dòng sông quê hương em. GV cho học sinh nhận xét các cách mở bài và kết bài sau: + Mở bài trực tiếp: Quê em có rất nhiều cảnh đẹp nhưng em thích nhất là dòng sông. + Mở bài gián tiếp: Tuổi thơ của em gắn liền với những cảnh đẹp của quê hương. Đó là những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay hay con đường quen thuộc in dấu chân quen.... nhưng gần gũi và thân thiết nhất vẫn là dòng sông nhỏ đầy ắp tiếng cười của bọn trẻ chúng em mỗi buổi chiều hè. + Kết bài không mở rộng: Em rất yêu dòng sông quê hương em. + Kết bài mở rộng: Em yêu dòng sông như yêu người mẹ hiền. Sau này dù thời gian có làm phai mờ những kỉ niệm thời thơ ấu nhưng hình ảnh dòng sông quê hương mãi mãi in sâu trong tâm trí em. Giáo viên giúp học sinh nhận xét hai mở bài, hai kết bài trên và kết luận: Có hai cách mở bài, hai cách kết bài, tuy nhiên mở bài cách gián tiếp và kết bài theo cách mở rộng sẽ hay hơn, tạo cho người nghe có cảm xúc, hứng thú với bài viết hơn. Đoạn kết bài thứ hai không chỉ bộc lộ tình cảm đối với dòng sông quê hương mà tình cảm ấy còn thể hiện bằng hành động, bằng suy nghĩ của một người con luôn hướng về cội nguồn. Vì vậy khi viết văn nên chọn cách mở bài gián tiếp và kết bài theo cách mở rộng. Tập cho học sinh biết mở bài, kết bài theo cả hai cách trên. 2.3.2. Rèn luyện kĩ năng quan sát khi làm văn tả cảnh Quan sát là vận dụng các giác quan để xem xét, nhận biết sự vật hiện tượng. Một yêu cầu cơ bản để viết tốt bài văn tả cảnh đó là học sinh phải có kĩ năng quan sát. Học sinh phải biết cách quan sát và chọn lọc các chi tiết quan sát được. Mọi kết quả quan sát được thể hiện trong bài văn tả cảnh của các em. Quan sát tinh vi, thấu đáo bài viết sẽ đặc sắc hấp dẫn. Quan sát hời hợt phiến 8
  9. diện bài viết sẽ khô khan. Khi quan sát chúng ta có thể quan sát trực tiếp cảnh vật hoặc hồi tưởng lại những cảnh vật mà mình đã từng quan sát. Tôi hướng dẫn cho học sinh lựa chọn trình tự quan sát. Hướng dẫn mỗi em tự tìm một trình tự quan sát thích hợp. Trong các tiết luyện tập tả cảnh, Sách giáo khoa Tiếng Việt 5 đã hướng dẫn học sinh cách quan sát cảnh vật theo trình tự không gian ( từ xa đến gần, từ ngoài vào trong hoặc ngược lại), quan sát sự thay đổi của cảnh vật theo thời gian ( sáng, trưa, chiều, tối; xuân, hạ, thu, đông) và quan sát bằng nhiều giác quan ( thị giác, thính giác, xúc giác…). Tuy nhiên trong khi quan sát, tôi hướng dẫn các em tìm nét riêng biệt và nét tiêu biểu của sự vật, tìm được trọng tâm cần viết, tránh viết lan man không đúng trọng tâm mà phải trải qua sự sàng lọc Ví dụ: Tả cảnh quê em khi mùa xuân về. Tôi hướng dẫn các em sử dụng các giác quan để quan sát và cảm nhận mùa xuân xinh đẹp trên quê em: Dùng mắt để quan sát cảnh vật như cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa đua nhau khoe sắc. Dùng mũi để thấy mùi hoa thoang thoảng bay theo làn gió. Dùng tai để nghe tiếng chim hót líu lo, tiếng mọi người cười đùa vui vẻ. Và qua làn da ta cảm nhận được sự mát mẻ ấm áp khi mùa xuân về. Khi các em sử dụng nhiều giác quan để quan sát các em thu thập được nhiều tư liệu và giúp các em làm bài văn tả cảnh mùa xuân hay. Tuy nhiên, quan sát có thể là trực tiếp, cũng có thể là gián tiếp. Đó là có thể các em quan sát và ghi chép luôn kết quả quan sát (một cơn mưa, cảnh trường em, tả ngôi nhà của em, ...), phục vụ cho bước tìm ý, lập dàn bài và làm bài hoàn chỉnh. Cũng có thể là các em hồi ức lại một cảnh vật (cảnh đẹp đã được đến thăm, một cơn mưa đã qua...) đã từng được quan sát và giờ miêu tả lại. Song một vấn đề khá quan trọng chưa được đề cập đến, đó là chọn vị trí quan sát cảnh vật. Vì thiếu yếu tố này nên các bài văn tả cảnh vật của học sinh tuy đều tả đúng trình tự quan sát: tả từ xa đến gần, tả toàn cảnh rồi đến tả từng bộ phận nhưng đã tạo nên một kiểu bài giống nhau đến nhàm chán và thiếu chân thực. Đó là do các em đã không chọn vị trí thích hợp để quan sát. Các em không biết rằng khi tả một cảnh vật ở mỗi vị trí khác nhau thì có sự quan sát và nhận xét khác nhau, vì thế miêu tả cũng khác nhau khiến cho nội dung bài văn thêm sinh động. Ví dụ: Tả quanh cảnh trường trước buổi học Cùng một đề bài trên nhưng ở góc độ quan sát khác nhau các em có cách miêu tả khác nhau như: - Học sinh A tả như sau: “ Em đến sớm quá nên cổng trường vẫn chưa mở. Đứng bên ngoài, em lặng lẽ nhìn vào. Sân trường như vẫn chìm trong giấc ngủ. Khác hẳn ngày thường, nó thật vắng lặng và như rộng ra thênh thang. Đằng xa, lấp ló sau những tán cây bàng, cây phượng xanh mướt, các phòng học vẫn còn đóng kín cửa.” - Học sinh B tả như sau:“ Trực nhật xong, em vui vẻ ra hành lang chờ các bạn đến. Từ tầng hai nhìn xuống, sân trường như nhỏ hơn, xinh xắn hơn với các bồn 9
  10. hoa gọn gàng và rực rỡ. Những cây bàng, cây phượng nghiêng mình che chở cho những khóm hoa.” Do vậy, hướng dẫn cho từng học sinh chọn cho mình một vị trí quan sát tốt để miêu tả cảnh vật giống như nhà quay phim chọn được góc nhìn đẹp tạo ra những thước phim đầy ấn tượng. 2.3.3. Rèn luyện kĩ năng tìm ý khi làm văn tả cảnh. * Tìm ý theo sự cảm nhận của các giác quan: Để giúp cho mọi học sinh có thể tìm được nhiều ý đúng và hay cho bài văn tả cảnh, trước hết tôi hướng dẫn các em ghi lại kết quả quan sát cảnh vật theo sự cảm nhận của các giác quan. Việc này được làm khi các em chuẩn bị bài ở nhà. Ví dụ: Đề bài “ Tả một buổi sáng ( hoặc trưa, chiều) trong một vườn cây ( hay trong công viên, trên đường phố, trên cánh đồng, nương rẫy)( SGK Tiếng Việt 5 tập 1- trang 14) Học sinh ghi lại kết quả quan sát vào bảng sau: Kết quả quan sát cánh đồng vào buổi sáng Các giác quan Các sự vật cảm nhận được Thị giác Cánh đồng rộng mênh mông, giọt sương đọng trên lá lúa, ông mặt trời nhô lên, đám mây trắng xóa trôi trên bầu trời, đàn cò trắng bay, các bác nông dân ra đồng, bông lúa nặng trĩu hạt, gió thổi, sóng lúa chạy nhấp nhô, … Thính giác Chim họa mi hót líu lo, các bác nông dân trò chuyện, bước chân trâu bò,…. Khứu giác Hương lúa thoang thoảng, hương cỏ man mác,… Xúc giác Không khí trong lành, mát rượi, ánh nắng mặt trời ấm áp,… Tôi hướng dẫn học sinh trình bày kết quả quan sát bằng các câu hỏi: + Buổi sáng, trên cánh đồng, em nhìn thấy những gì? + Nếu nhắm mắt lại, em nghe thấy những âm thanh gì trên cánh đồng? + Em ngửi thấy mùi hương gì trên cánh đồng? + Đứng trên cánh đồng vào buổi sáng, em cảm nhận được gì qua làn da? Khi học sinh trình bày kết quả quan sát, tôi yêu cầu các em không chỉ nêu tên sự vật mình cảm nhận được các giác quan mà cần nêu cả đặc điểm của sự vật đó thành một câu văn. Ví dụ: Khi trả lời câu hỏi “ Buổi sáng, trên cánh đồng, em nhìn thấy những gì?”, nếu học sinh trả lời “ Em nhìn thấy cánh đồng, giọt sương, ông mặt trời…” thì cần hướng dẫn các em trả lời thêm đặc điểm của các sự vật đó như: “ Em nhìn thấy: cánh đồng rộng mênh mông, giọt sương long lanh đọng trên lá lúa, ông mặt trời từ từ nhô lên khỏi lũy tre.” Sau mỗi học sinh trình bày, tôi yêu cầu các học sinh khác bổ sung vào bảng ghi chép của mình những ý tưởng mình còn bỏ sót. Sau hai hoặc ba học sinh trình bày trước lớp thì mỗi học sinh trong lớp, ngoài các ý mình quan sát được còn có thể học hỏi thêm của bạn được rất nhiều ý hay để chuẩn bị cho bài văn miêu tả cảnh vật. 10
  11. * Hướng dẫn học sinh lựa chọn ý tiêu biểu: Tìm ý là việc cần thiết và quan trọng khi làm văn tả cảnh. Song không phải cứ nhiều ý là làm được văn hay. Cảnh vật trong tự nhiên mỗi cái có một đặc điểm riêng, chỉ khi ta nắm được đặc điểm đó thì mới viết ra có hình ảnh như thật. Trong thực tế giảng dạy, ngoài việc không biết tìm ý, thì khi tìm được ý, học sinh thường mắc những lỗi sau: + Ý lan man, không có trọng tâm. + Ý sơ sài, theo khuôn mẫu. Để khắc phục tình trạng này, tôi hướng dẫn học sinh lựa chọn ý trọng tâm và đặc biệt là tìm ra những đặc điểm riêng, tiêu biểu của cảnh mình tả khác với những cảnh vật khác. Ví dụ: Khi tả hồ sen thì trọng tâm là tả hồ, tả sen còn cảnh bầu trời, cảnh vật quanh hồ là phụ. Các em cần biết sắp xếp nội dung theo từng phần dàn ý có thể là theo thứ tự không gian hoặc thứ thự thời gian. Ví dụ: Đề bài Tả quang cảnh trường trước buổi học. Ở bước tìm ý, giáo viên cho học sinh tự do nêu các ý tìm được theo cảm nhận của các giác quan để miêu tả quang cảnh trường như ý tả các cảnh: cổng trường, sân trường, cột cờ, các lớp học, nhà xe, bếp ăn, bầu trời, cây cối,… Nếu với nhiều ý như vậy mà ý nào cũng tả kỹ thì bài văn sẽ dài lê thê và kết quả là người đọc sẽ không còn hứng thú để tưởng tượng ra quang cảnh ngôi trường nữa. Vì vậy, tôi hướng dẫn học sinh lựa chọn các đặc điểm riêng biệt, đặc sắc của cảnh vật bằng các câu hỏi: + Những cảnh vật nào chỉ có ở trường học mà không có ở nơi nào khác? ( Cổng trường, sân trường và các bồn cây, các dãy lớp học, bàn ghế và đồ dùng học tập trong các lớp, học sinh, giáo viên…) + Những ý nào thể hiện đây là cảnh trường em trước buổi học? ( Các lớp học vắng vẻ, sân trường lác đác học sinh, cái trống nằm im, không khí tĩnh lặng, các bạn trực nhật làm vệ sinh…) Tập trung miêu tả kĩ các ý này sẽ làm nổi bật đặc điểm của quang cảnh trường trước buổi học. * Hướng dẫn học sinh sắp xếp ý cho phù hợp: Học sinh đã tìm được ý hay và lựa chọn được những ý miêu tả đặc điểm riêng biệt và đặc sắc của cảnh vật nhưng nếu không biết sắp xếp các ý đó theo một trình tự hợp lý thì bài văn của học sinh cũng sẽ là một mớ câu chữ lộn xộn, không thể hiện được vẻ đẹp của cảnh được tả. Chính vì thế, trước khi viết một bài văn, ta thường phải lập dàn ý cho bài văn đó. Lập dàn ý chính là sắp xếp các ý theo trình tự hợp lý. Đó là: + Theo trình tự không gian: Từ xa đến gần, từ cao xuống thấp,. …. + Theo trình tự thời gian: Sáng, trưa, chiều, tối; xuân, hạ, thu, đông,…. Trên thực tế, phần lớn học sinh cũng đã biết cách sắp xếp các ý theo trình tự không gian hoặc thời gian. Song học sinh gặp nhiều khó khăn nhất là với một đề bài thì nên chọn sắp xếp theo trình tự nào: Sắp xếp theo trình tự từ xa đến gần 11
  12. hay từ cao xuống thấp; sắp xếp theo trình tự sáng, trưa, chiều, tối hay xuân, hạ, thu, đông… Vì vậy, để giúp học sinh chọn được một trình tự sắp xếp ý phù hợp, giáo viên giúp học sinh hiểu được việc viết bài văn tả cảnh giống như vẽ một bức tranh. Trong bức tranh có mảng họa tiết chính và mảng họa tiết phụ để làm nổi bật nội dung tranh. Họa tiết chính bao giờ cũng được vẽ to hơn, có màu sắc nổi bật hơn và thường ở vị trí trung tâm bức tranh, họa tiết phụ bao giờ cũng được vẽ nhỏ hơn và ở vị trí xung quanh. Trong bài văn tả cảnh cũng vậy, cảnh chính bao giờ cũng được tả trước và tả kỹ hơn, cảnh phụ thì được tả sau và tả lướt hơn. Căn cứ vào những điều đó, học sinh đã có cơ sở để lựa chọn cho bài văn của mình một trình tự sắp xếp ý phù hợp. Ví dụ: Đề bài “ Tả cảnh cánh đồng lúa”, để làm nổi bật vẻ đẹp của cánh đồng lúa, học sinh có thể chọn trình tự từ gần đến xa ( tả cảnh chính: ruộng lúa, cây lúa, bờ cỏ… trước rồi mới tả đến cảnh phụ: hàng cây bao quanh cánh đồng, dãy núi phía xa…) hoặc chọn trình tự từ thấp đến cao ( tả cảnh chính dưới mặt đất trước rồi mới tả cảnh phụ trên cao như bầu trời, đám mây, đàn cò, cánh diều…) Đề bài “ Tả một đêm trăng đẹp”, để làm nổi bật vẻ đẹp của đêm trăng, học sinh cần chọn trình tự từ cao xuống thấp ( tả bầu trời, mặt trăng, vì sao… rồi mới tả đến ánh trăng bao trùm vạn vật, vẻ đẹp của mặt đất dưới ánh trăng và hoạt động của con người trong đêm trăng…) Tuy nhiên, trong bài văn tả cảnh không nên cứng nhắc với một trình tự sắp xếp ý mà có thể đan xen các trình tự thời gian và không gian. Ví dụ: Nếu chọn tả dòng sông theo trình tự thời gian sáng, trưa, chiều, tối thì trong khi tả cảnh vật ở mỗi thời điểm( sáng hoặc trưa, chiều, tối), ta lại tả theo trình tự không gian: cảnh bầu trời, cảnh mặt nước, cảnh hai bên bờ…. 2.3.4. Rèn kĩ năng sử dụng các phương tiện ngôn ngữ và nghệ thuật ngôn từ khi làm văn tả cảnh. 2.3.4.1- Giúp học sinh tích lũy vốn từ, vốn hiểu biết qua các phân môn khác và qua hoạt động đọc sách, tham khảo tư liệu. Để có được kĩ năng này, đòi hỏi người viết phải có vốn sống dồi dào, vốn từ phong phú. Do đó, học sinh Tiểu học với vốn sống và vốn từ ít ỏi, các em đã gặp rất nhiều khó khăn khi sử dụng các phương tiện ngôn ngữ để miêu tả một cảnh vật. Nhiều em chỉ biết miêu tả: “ Ngôi nhà ( con đường, mặt biển) rất rộng” mà không biết còn có thể diễn tả: Ngôi nhà rộng rãi – Con đường thênh thang - Mặt biển bao la. Chính vì vậy để giúp các em có vốn từ giáo viên phải giúp các em tích lũy được vốn từ qua việc đọc sách và các môn học như sau: * Phân môn Tập đọc, Chính tả, Tập làm văn: Nhiều bài Tập đọc, bài viết Chính tả và những ngữ liệu trong tiết Tập làm văn của chương trình Tiếng Việt 5 là các đoạn văn, bài văn miêu tả hay của các nhà văn lớn. Số lượng từ ngữ miêu tả ở các bài đó phong phú, cách sử dụng chúng sáng tạo. Giáo viên cần giúp học sinh phát hiện ra các từ ngữ miêu tả và 12
  13. lựa chọn phân tích một số trường hợp đặc sắc để thấy được cái hay và sự sáng tạo của nhà văn khi dùng chúng. Ví dụ: Trong bài Tập đọc “Quang cảnh làng mạc ngày mùa” - Tiếng Việt 5, tập 1, học sinh phát hiện rất nhiều từ ngữ miêu tả các sắc độ khác nhau của màu vàng như: vàng xuộm, vàng hoe, vàng lịm, vàng sẫm, vàng tươi, vàng đốm, vàng óng, vàng xọng, vàng giòn, vàng mượt, vàng như vạt áo nắng, vàng trù phú… Trong bài văn “Mưa rào” – ngữ liệu của tiết Luyện tập tả cảnh (Tiếng Việt 5 tập 1) học sinh cũng phát hiện được nhiều từ ngữ miểu tả cơn mưa như: giọt lách tách, nước tuôn rào rào, mưa sầm sập, giọt ngã, giọt bay, bụi nước tỏa trắng xóa, mưa đồm độp trên phên nứa, đập bùng bùng vào lòng lá chuối, tiếng giọt tranh đổ ồ ồ… Khi học sinh phát hiện được những từ miêu tả hay, giáo viên cần chọn lọc và hướng dẫn các em hiểu cái hay và sáng tạo của các từ ngữ. Ví dụ: + Vàng xọng là màu vàng gợi cảm giác như có nước. + Mưa sầm sập là mưa rất to, mạnh, đổ xuống rất nhiều nước… * Phân môn Luyện từ và câu: Ngoài phát hiện các từ ngữ miêu tả trong các đoạn văn, bài văn của các phân môn Tập đọc, Chính tả, Tập làm văn, giáo viên cần hướng dẫn học sinh tích lũy thêm vốn từ miêu tả qua các bài Luyện từ và câu bằng các hình thức: + Mở rộng vốn từ theo chủ đề. + Tìm từ đồng nghĩa. + Tìm từ trái nghĩa. + Tìm thành ngữ, tục ngữ. Ví dụ: Học bài “Mở rộng vốn từ: Thiên nhiên”, khi làm bài tập 3,4 là tìm những từ ngữ miêu tả không gian và miêu tả sóng nước, học sinh được mở rộng thêm rất nhiều từ ngữ miêu tả như: + Tả chiều rộng: bao la, mênh mông, bát ngát, thênh thang… + Tả chiều cao: cao vút, chót vót, lênh khênh, vòi vọi.. + Tả chiều sâu: hun hút, thăm thẳm, sâu hoắm,… + Tả tiếng sóng: ì ầm, rì rào, ào ạt,… + Tả làn sóng nhẹ: lăn tăn, uốn lượn, dập dềnh, … + Tả đợt sóng mạnh: cuồn cuộn, ào ào, cuộn trào, trào dâng,…. Học bài “ Luyện tập về từ đồng nghĩa”, khi làm bài tập 2 là xếp các từ đã cho thành những nhóm từ đồng nghĩa, học sinh được mở rộng thêm nhiều từ đồng nghĩa có tác dụng miêu tả như: + Tả màu sắc: lung linh, long lanh, lóng lánh, lấp loáng, lấp lánh. + Tả sự vắng vẻ: vắng vẻ, hiu quạnh, vắng teo, vắng ngắt, hiu hắt,.. * Giúp học sinh có thói quen đọc sách, tích lũy tư liệu 13
  14. Ngoài các phân môn của Tiếng Việt, các môn học khác cũng là nguồn cung cấp vốn sống cũng như vốn từ khá phong phú. Ví dụ: Những kiến thức lịch sử giúp các em hiểu hơn về quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông, hiểu về các anh hùng trong lịch sử, giúp các em làm tốt hơn các bài văn tả cảnh là các di tích lịch sử. Những kiến thức tự nhiên xã hội giúp các em hiểu sâu sắc hơn về những hiện tượng thiên nhiên như nắng, gió, mưa, mây,… những con suối, dòng sông, cánh rừng, ngọn núi… những con vật, đồ vật gần gũi, thân thiết…Những bức vẽ về đề tài thiên nhiên, sinh hoạt của con người, về người và vật trong môn Mỹ thuật cũng giúp học sinh rèn kĩ năng quan sát, trí tưởng tượng phong phú, sự cảm nhận tinh tế về màu sắc. Từ đó, lời văn tả cảnh thiên nhiên cũng chân thực và sâu sắc hơn. Để giúp học sinh làm giàu vốn từ thì việc rèn cho học sinh có thói quen tích lũy tư liệu văn học là cần thiết, bởi vì sưu tầm, tích lũy, ghi chép từng câu văn hay, những câu thơ giàu cảm xúc...lâu dần sẽ thấm hình ảnh văn học vào tâm hồn, tâm trí, vào vốn kiến thức, vốn hiểu biết của các em. + Qua bài Tập đọc, học thuộc lòng và đọc thêm sách, giáo viên hướng dẫn học sinh có sổ tay văn học để ghi lại những câu văn, câu thơ hay, những đoạn văn đoạn thơ có giá trị nghệ thuật cao. + Khuyến khích học sinh thường xuyên tích lũy tư liệu vào sổ tay văn học bằng nhiều hình thức như: Sau tiết học giáo viên gọi học sinh đọc cho cả lớp nghe những đoạn văn đoạn thơ mà em đã tích lũy được. Đồng thời hỏi vì sao em thích đoạn văn hay khổ thơ đó? hoặc em thích đoạn văn đó ở điểm nào?...Công việc đó mất rất ít thời gian nhưng lại tạo cho học sinh thi đua tích lũy tư liệu vào sổ tay. Để giúp học sinh có vốn từ giáo viên phải là người giúp học sinh hệ thống, củng cố và mở rộng vốn từ: + Trước hết là hệ thống vốn từ có trong sách giáo khoa theo từng nội dung chủ đề, chủ điểm. + Ngoài các từ đã nêu trong SGK, tổ chức cho các em mở rộng vốn từ bằng nhiều cách như: Tìm từ ngữ khác cùng chủ đề, tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa với những từ đã cho, tìm thêm từ mang nghĩa chuyển so với nghĩa gốc... tìm từ ngữ theo từng đề tài nhỏ là làm tăng vốn từ của các em. Ví dụ: Tìm những từ ngữ miêu tả sóng nước, học sinh tìm như sau: Tả tiếng sóng: ì ầm, ầm ầm, rì rào, lao xao, oàm oạp, ào ào, thì thầm… Tả làn sóng nhẹ: lăn tăn, dập dềnh, lững lờ, trườn lên, bò lên,… Tả đợt sóng mạnh: cuồn cuộn, ào ạt, trào dâng, cuộn trào, điên cuồng, … Hoặc học văn tả người, chúng ta cho học sinh tìm từ ngữ nói về khuôn mặt, mái tóc, đôi mắt, làn da, dáng người.... Qua các bài tập như thế sẽ giúp các em phát hiện ra nhiều từ mới, tích lũy được nhiều từ ngữ làm “vốn” cho việc xây dựng đoạn văn, bài văn. 2.3.4.2- Giúp học sinh sử dụng các biện pháp tu từ khi viết văn tả cảnh. 14
  15. Các biện pháp tu từ: nhân hoá, so sánh cũng là thế mạnh đặc trưng, là phương tiện miêu tả hữu hiệu. So sánh là biện pháp nghệ thuật tạo hình, khiến sự vật được so sánh trở nên đẹp đẽ, sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn và gợi liên tưởng cho người đọc. So sánh có giá trị gợi âm thanh, hình ảnh. Sử dụng so sánh trong bài văn miêu tả còn là cách thức làm đẹp ngôn từ. Trong văn miêu tả có rất nhiều hình ảnh so sánh, cách so sánh khác nhau. Nhân hoá là biện pháp miêu tả sinh động, hấp dẫn, lí thú các sự vật, hiện tượng, làm cho những đối tượng này không phải là người nhưng lại mang dấu hiệu, thuộc tính của con người. Nhân hoá là con đường thú vị nhất, ngắn nhất đưa những vấn đề trừu tượng đến với nhận thức của con người. Khi sử dụng nhân hoá, người viết thả sức vùng vẫy, lựa chọn ngôn từ để làm tăng sự uyển chuyển, mềm mại khi diễn đạt. GV cần hướng dẫn và khuyến khích học sinh có thói quen sử dụng biện pháp nghệ thuật trong viết văn miêu tả. *Hướng dẫn học sinh viết câu văn có hình ảnh, sử dụng từ ngữ gợi tả, gợi cảm: Ví dụ 1: “Tả cảnh mùa xuân”: Tôi cho học sinh nêu câu văn miêu tả về mùa xuân. Học sinh A nêu: “Mùa xuân đến cây cối đâm chồi nảy lộc.” Học sinh B nêu: “Những hạt mưa xuân thường là mưa nhỏ và lất phất bay”. Tôi gợi ý câu văn của học sinh B: Nội dung được, câu văn gọn, rõ ý nhưng để sinh động hơn ta có thể trình bày như thế nào? Học sinh khác trả lời có thể sửa là: “Những hạt mưa xuân bé nhỏ, mềm mại, rơi mà như đang nhảy nhót trong không gian.” Rõ ràng câu văn này đã hay hơn. Với cách làm như vậy, tôi thấy cách vận dụng linh hoạt phù hợp với biện pháp nghệ thuật khi viết văn miêu tả, góp phần tạo nên sinh động, vừa dễ nhận thấy vừa gợi tả. Ví dụ 2: Học sinh đã viết: “Hàng cây được trồng xung quanh hồ”. Đây là một câu đúng ngữ pháp, đúng cả về ý nghĩa nhưng chưa có sức gợi cảm. Vậy ta có thể sửa lại như thế nào? để hình ảnh của hàng cây, hồ nước hiện lên cụ thể hơn. Giữa hàng cây và hồ nước có sự gắn bó hơn. Tôi gợi ý để học sinh sửa lại bằng cách thêm từ ngữ. - Hàng cây như thế nào? (Hàng cây xanh tốt. Hàng cây cao vút. Hàng cây sum sê cao vút) - Hồ nước thế nào? Mặt hồ thế nào? (Mặt hồ như một tấm gương cực lớn. Mặt hồ trong xanh. Mặt hồ lấp lánh mặt trời. Mặt hồ trong veo). Và cuối cùng sửa lại cả câu: - Một hàng cây xanh tốt, cành lá sum sê ôm lấy mặt hồ trong xanh gợn sóng. - Hàng cây xanh tốt nghiêng mình soi bóng xuống hồ nước trong veo. Ví dụ 3: Khi tả con đường có học sinh viết:“Con đường rất thẳng, rất rộng, rất dài”. Tôi gợi ý để các em có thể tìm những từ ngữ thay thế cho từng nhóm từ trong câu sao cho gợi tả hơn. Thay “rất rộng “bằng “rộng rãi ”, “rộng thênh thang”. 15
  16. Thay “rất thẳng” bằng “thẳng tắp”... Học sinh thay: + Chạy xa mãi nhưng không có điểm cuối cùng. + Chạy tít mãi đến chân trời. + Vươn dài mãi về phía Bắc. Cuối cùng từ những gợi ý để các em hoàn chỉnh câu: - Con đường nhựa thẳng tắp, rộng thênh thang, chạy mãi về chân trời phía Bắc. - Con đường nhựa rộng rãi vạch một đường thẳng tắp về phía chân trời. - Con đường nhựa rộng thênh thang như một đường kẻ vươn mãi đến chân trời phía xa. Ví dụ 4: Trong một câu văn học sinh đã viết: “Lá tràm nhỏ, cong cong màu xanh”. Tôi đã gợi ý để các em tìm ra được sự lên tưởng, so sánh: Nhìn lá tràm nhỏ, cong cong em liên tưởng tới những vật gì? Học sinh: Liên tưởng tới: Quả chuối còn non. Vầng trăng khuyết. Trăng đầu tháng. Cái lưỡi liềm. Con thuyền. Từ những liên tưởng ấy em đã dùng phương pháp so sánh để viết lại câu văn trên sao cho hay hơn. Học sinh viết: + Lá tràm màu xanh, cong cong như một vành trăng khuyết. + Lá tràm giống hệt như một vầng trăng đầu tháng màu xanh. + Lá tràm như những vầng trăng đầu tháng treo lơ lửng trên cành cây. + Mỗi chiếc lá tràm là một lưỡi liềm xanh bé xíu. Tương tự như vậy, học sinh đưa ra những suy nghĩ, nhận xét, cảm xúc của mình trước sự vật, sự việc. Bài văn sẽ không đơn giản là sự liệt kê nữa. Nó thấm đẫm suy nghĩ, cảm xúc của người viết tạo nên cái “hồn” chất văn của bài làm * Rèn luyện kỹ năng sử dụng biện pháp nghệ thuật thông qua các dạng bài tập thực hành: a) Điền vào chỗ trống để có hình ảnh so sánh: Ví dụ: Em hãy tìm những hình ảnh so sánh thích hợp điền vào chỗ trống để câu văn có hình ảnh so sánh phù hợp nhất: + Tiếng ve đồng loạt cất lên như..........................(một dàn đồng ca) + Hoa chuối thập thò, hoe hoe đỏ như.................( một mầm lửa non) b) Điền vào chỗ trống để có hình ảnh nhân hóa + Mấy con chim đang ríu rít....................trên cành cây cao.( trò chuyện) + Những bông hoa đang.................trong nắng sớm.(tươi cười) c) Thay thế từ ngữ để có hình ảnh so sánh. Ví dụ: Hãy thêm từ như và thay thế các từ in nghiêng để câu văn có hình ảnh so sánh: + Đất nước mình đâu cũng đẹp. Sửa thành: Đất nước mình đẹp như một bức tranh. + Cây bàng toả bóng mát rượi. Sửa thành: Cây bàng như một chiếc ô khổng lồ toả bóng mát rượi 16
  17. d) Thay thế từ ngữ để có hình ảnh nhân hóa VD: + Con gà mái có bộ lông màu vàng rất đẹp. + Thay thế: Chị gà mái khoác trên mình bộ lông vàng mướt như nhung trông rất đẹp. e) Luyện viết câu văn có sử dụng biện pháp so sánh Ví dụ 1: Em hãy tìm những hình ảnh so sánh với các hình ảnh dưới đây, đặt câu với những hình ảnh so sánh đó. a, Những bông hoa bàng trắng, nhỏ li ti b, Những chùm hoa phượng đỏ c, Bầy chim sổ lồng tung cánh d, Bầy chim non đang hót trong nắng mai Ví dụ 2: Em hãy sử dụng biện pháp so sánh để diễn đạt các câu sau cho sinh động, gợi cảm hơn. a, Mỗi ngày đến lớp, em được nghe những lời giảng bài đầm ấm của cô. b, Bà của em đã già, tóc của bà bạc lắm. c, Bé Hoa vừa hát, vừa múa trông thật đẹp. Ví dụ 3: Em hãy viết hai câu văn thể hiện tình yêu của em đối với ngôi nhà, trong câu văn có hình ảnh so sánh: tiếng ríu rít của bầy chim non, bà tiên trong truyện cổ tích. g) Luyện viết câu văn có sử dụng biện pháp nhân hoá Trong tiết luyện tập thực hành tôi đưa ra một số ví dụ để học sinh thực hành: Ví dụ 1: Em hãy nhân hoá chiếc cặp sách của em, đặt câu có dùng biện pháp nhân hoá đó. Ví dụ 2: Em hãy sử dụng biện pháp nhân hoá theo cách trò chuyện để đặt câu với các sự vật sau: bảng đen, lớp học, cửa sổ. Ví dụ 3: Em hãy sử dụng biện pháp nhân hoá để diễn đạt các ý dưới đây bằng nhiều câu khác nhau. a, Vầng trăng quê em b, Luỹ tre xanh đầu xóm c, Con đường làng Ví dụ 4: Trong đoạn văn tả cảnh vật sau cơn mưa, có bạn đã viết: “Ánh nắng trải dài trên những đồng lúa xanh rờn, ánh nắng chiếu trên những hàng cây, ánh nắng chan hoà trên sông. Trong vườn, từng luống rau xanh non đón ánh nắng vàng, gà mái mơ dẫn đàn con đi kiếm mồi, đàn gà con của mái mơ đi lung tung hết chỗ nọ sang chỗ kia.” Em hãy sử dụng biện pháp nhân hoá diễn đạt lại cho đoạn văn sinh động. Ví dụ 5: Em hãy viết 2 câu văn thể hiện niềm vui của em trong ngày khai trường, trong mỗi câu văn có hình ảnh nhân hoá: hàng cây xanh rì rào đón bước chân em hoặc: cánh cổng trường dang rộng vòng tay đón chúng em. Như vậy, thông qua hệ thống bài tập sẽ giúp học sinh rèn kỹ năng sử dụng biện pháp so sánh, nhân hóa để viết văn miêu tả. GV dạy học sinh rèn kỹ năng từ dễ đến khó, từ hệ thống bài tập dẫn đến việc sử dụng một cách thành thạo biện pháp tu từ khi viết một bài văn hoàn chỉnh. Chúng ta khẳng định, một bài 17
  18. văn miêu tả hay không thể không sử dụng đến biện pháp tu từ và đó cũng là một biện pháp khi giúp học sinh viết văn miêu tả. 2.3.5. Rèn luyện kĩ năng biểu đạt tư tưởng, tình cảm trong bài văn tả cảnh. Một bài văn tả cảnh nếu chỉ làm nổi bật đặc điểm bên ngoài của cảnh vật thì sự miêu tả đó hãy còn nông và hời hợt. Nếu biết thể hiện những đặc sắc ẩn chứa bên trong cảnh vật để rồi ngụ vào đó những suy tư, tình cảm thì thật trọn vẹn biết bao. Nói cách khác, bài văn hay không thể thiếu được cảm xúc của người viết. Cảm xúc không chỉ bộc lộ ở phần kết bài mà từng câu, từng chữ phải chứa đựng những tình cảm chân thực khiến cho người đọc xúc cảm. Đây cũng là một cách để góp phần thông báo chính xác điều mà các em nói, muốn diễn tả, muốn thể hiện. Không chỉ có vậy đây là một biện pháp tạo sức nặng, sức rung động cho bài văn, muốn viết được những câu văn như thế học sinh có thể dùng nhiều cách khác nhau. Bộc lộ qua một từ ngữ nào đó có giá trị tương đương nhưng có sắc thái biến cảm. Ví dụ: Cũng là“ nhìn” ta có thể dùng các từ khác để bộc lộ thái độ khác nhau + Yêu thích: Ngắm. + Tò mò hoặc thờ ơ: Ngó, liếc. + Bình thường: Nhìn, trông. Học sinh tả có câu: “Em nhìn những cánh diều đang bay trên bầu trời”. Tôi gợi ý để các em viết lại sao cho khi đọc lên người ta thấy rõ những cánh diều ấy đẹp và em rất thích chúng. Học sinh viết lại: + Em say sưa ngắm nhìn những cánh diều đang bay lượn trên bầu trời. + Em nhìn những cánh diều đang bay trên trời lòng tràn ngập niềm vui, chính những cánh diều ấy đã nâng cánh ước mơ cho em. Thực tế trong nhiều bài văn của học sinh, tư tưởng, tình cảm chỉ được bộc lộ ở phần kết bài và bộc lộ một cách cứng nhắc, sáo rỗng và gượng ép. Ví dụ: - Tôi rất yêu trường tôi. Tôi sẽ cố gắng học tập tốt để xứng đáng với ngôi trường. - Em rất yêu quý con đường làng em. Em hứa mai sau sẽ học giỏi để giúp ích cho xã hội và xây dựng con đường làng được tươi đẹp hơn nữa. Như vậy, rèn kĩ năng biểu đạt tư tưởng, tình cảm trong bài văn cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết của giáo viên khi dạy văn miêu tả nói chung và tả cảnh nói riêng. Có rất nhiều biện pháp thực hiện nhưng đối với tôi xin đề cập 3 cách làm sau: Một là: Yêu cầu học sinh quan sát kĩ và chân thực cảnh vật. Sau đó tìm tòi và lựa chọn các từ ngữ chính xác nhất để miêu tả. Làm được điều đó chính là các em đã biểu đạt được tình cảm của mình qua từng câu, từng chữ. Bởi lẽ, có yêu nó thì mới quan sát kĩ, mới có thể nhận biết được đặc điểm riêng biệt, đặc sắc của nó để rồi dùng lời lẽ sinh động mà tả lại. Ví dụ: Hai câu văn Nắng chiều chiếu xuống bãi cát. Nắng chiều rọi xuống làm cho bãi cát lấp loáng ánh vàng. 18
  19. Rõ ràng với việc quan sát kĩ và lựa chọn chính xác từ ngữ “ rọi” và “ lấp loáng ánh vàng” đã giúp cho câu văn thứ hai thật gợi hình, gợi tả đồng thời cũng cho người đọc thấy được tình cảm của người viết: thật yêu, thật thích thú với cảnh bãi cát trong nắng chiều. Câu văn bộc lộ tình cảm thật kín đáo và khéo léo. Hai là: Hướng dẫn học sinh khi viết câu văn miêu tả, ngoài việc nêu lên những đặc điểm của sự vật, cần xen thêm việc nhận xét, thái độ, cảm xúc của mình trước những đặc điểm của sự vật đó. Ví dụ: Hai câu văn Mùa thu, thảm cỏ may tím biếc. Mùa thu, thảm cỏ may tím biếc đến nôn nao. Câu văn thứ nhất chỉ miêu tả đặc điểm “ tím biếc” của thảm cỏ may vào mùa thu. Nhưng câu văn thứ hai, ngoài việc miêu tả đặc điểm “ tím biếc”, người viết còn xen thêm cảm xúc “ nôn nao” của mình khi ngắm nhìn thảm cỏ may vào mùa thu. Câu văn vì thế mà giàu cảm xúc. Ba là: Gợi ý cho học sinh bộ lộ những tình cảm của mình ở phần kết bài qua những câu hỏi cụ thể. Ví dụ: Ngày nào cũng qua lại trên con đường tới trường, em có suy nghĩ gì về con đường? ( Đường giống như người bạn thân của em/ Con đường thật thuận tiện cho mọi người….) + Đứng giữa sân trường vắng vẻ trước buổi học, em có cảm giác gì? ( Là lạ, bâng khuâng…) Tương tự như vậy, giáo viên cần yêu cầu học sinh đưa ra những nhận xét, cảm xúc, suy nghĩ của mình trước một cảnh vật bất kỳ và tạo điều kiện cho nhiều em được nói. Nhờ thế, bài văn của học sinh tránh được nhược điểm khô khan, gượng ép mà thấm đượm cảm xúc, suy nghĩ của người viết. Mặc dù xã hội hiện đại ngày nay là xã hội máy tính và công nghệ thông tin, nó luôn đòi hỏi và cũng mang đến cho con người những thông số chính xác và sự tiện ích, nhưng cuộc sống và xã hội vẫn cần những áng thơ văn. Văn chương mang đến cho con người niềm vui, tình yêu và lòng nhân ái. Văn chương cũng giúp con người thể hiện được những tư tưởng, tình cảm, thái độ của mình trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước. Có thể nói, văn chương nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi con người. Chính vì vậy, ngay từ bậc tiểu học, học sinh đã được tiếp xúc với văn chương và được học Tập làm văn, đặc biệt là văn miêu tả. Văn miêu tả trong đó có tả cảnh giúp học sinh nhìn nhận thế giới xung quanh một cách sâu sắc, qua đó trau dồi vốn sống của mình, giúp các em trưởng thành dần lên. 2.4. Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm đối với hoạt động giáo dục, với bản thân, đồng nghiệp và nhà trường. Qua những biện pháp và giải pháp tôi đã áp dụng được nêu ở trên đã giúp cho cả giáo viên và học sinh tự tin, chủ động hơn trong các tiết học Tập làm văn (văn tả cảnh). Các giờ Tập làm văn cũng trở nên nhẹ nhàng, sinh động hơn. 19
  20. Đến cuối học kì I năm học 2023-2024, các em đã nắm được một số vốn kiến thức nhất định để học có hiệu quả phân môn Tập làm văn. Cả lớp đều ham thích môn học. Bài làm của các em đa số đã có tiến bộ, học sinh nắm được cách sắp xếp ý, bố cục chặt chẽ, dùng từ chính xác, viết câu văn trôi chảy, mạch lạc, bước đầu có hình ảnh, cảm xúc, hiểu và vận dụng khá tốt các biện pháp tu từ trong các bài tập làm văn tả cảnh của mình. Học sinh không còn lúng túng trong việc lập dàn ý cho mỗi bài văn; việc viết một đoạn văn, hay bài văn của các em trở nên dễ dàng hơn. Các em đã biết tả cảnh cụ thể theo yêu cầu đề bài, biết viết câu văn đúng ngữ pháp, rõ ý; biết sử dụng những từ ngữ sát nghĩa, có tác dụng gợi tả, gợi cảm; bước đầu biết sử dụng biện pháp tu từ đơn giản khi viết văn. Lời văn, ý văn của các em không còn nặng tính liệt kê hay kể lể, dàn trải nữa. Nhờ vậy mà chất lượng phân môn Tập làm văn sau khi áp dụng đề tài được nâng lên rõ rệt. Kết quả cụ thể cuối năm học như sau: Số Nắm Bố cục Biết Năng lực sử dụng từ ngữ, Hoàn HS vững bài văn cách hình ảnh, nghệ thuật chỉnh bài khảo thể rõ ràng quan Sử dụng hình Biết sử dụng văn miêu sát loại sát, tìm ảnh gợi tả, gợi biện pháp tu tả ý cảm từ 35 35 33 35 30 28 35 Từ kết quả trên cho thấy chất lượng phân môn Tập làm văn sau khi áp dụng đề tài này thật đáng phấn khởi. Chất lượng phân môn Tập làm văn đi lên rõ rệt đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt của lớp, của tổ chuyên môn và của nhà trường. Qua thực tế bài làm của học sinh, tôi thấy phần lớn học sinh có bài văn miêu tả sinh động và hấp dẫn. Đồng thời kĩ năng diễn đạt của các em cũng tốt hơn, các em đã biết sử dụng biện pháp tu từ khi miêu tả. Từ đó giúp các em tránh được lối miêu tả lộn xộn, trùng lặp, thiếu logíc, thiếu tình cảm,…Các em biết kết hợp một cách nhuần nhuyễn các trình tự để quan sát và hoàn chỉnh bài văn miêu tả. Đặc biệt học sinh không còn ngại khi làm văn miêu tả. Tôi khẳng định những biện pháp tôi thực hiện đã giúp cho học sinh yêu thích môn học, thích tìm tòi đọc sách và làm tốt các bài văn miêu tả. Xây dựng trong các em một tâm hồn trong sáng và lành mạnh. 20
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2