intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thực hiện mục tiêu xã hội dựa trên các nguyên tắc của mua sắm chính phủ – Bài học từ Liên Minh Châu Âu

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

11
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết xác định câu hỏi nghiên cứu: Liệu Việt Nam có thể học được gì từ các mục tiêu xã hội dựa trên các nguyên tắc của mua sắm công? Sử dụng phương pháp định tính và so sánh, các tác giả sẽ so sánh giữa hệ thống pháp luật về mua sắm công của EU và pháp luật về đầu tư công của Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thực hiện mục tiêu xã hội dựa trên các nguyên tắc của mua sắm chính phủ – Bài học từ Liên Minh Châu Âu

  1. ICYREB 2021 | Chủ đề 1: Tăng trưởng kinh tế và Toàn cầu hóa 89 THỰC HIỆN MỤC TIÊU XÃ HỘI DỰA TRÊN CÁC NGUYÊN TẮC CỦA MUA SẮM CHÍNH PHỦ – BÀI HỌC TỪ LIÊN MINH CHÂU ÂU Mai Nguyễn Dũng Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh Trần Thị Diện Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh Tóm tắt Hoạt động mua sắm chính phủ (hay còn gọi là mua sắm công) là một trong những hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy các mục tiêu xã hội (trong đó bao gồm cả mục tiêu về môi trường và phát triển bền vững) của một quốc gia. Từ 2014, Liên minh Châu Âu (EU) đã ban hành một số chỉ thị liên quan đến hoạt động này, trong đó nhấn mạnh đến các nguyên tắc và mục tiêu xã hội mà các dự án mua sắm công mang lại. Bài viết xác định câu hỏi nghiên cứu: Liệu Việt Nam có thể học được gì từ các mục tiêu xã hội dựa trên các nguyên tắc của mua sắm công? Sử dụng phương pháp định tính và so sánh, các tác giả sẽ so sánh giữa hệ thống pháp luật về mua sắm công của EU và pháp luật về đầu tư công của Việt Nam. Kết quả cho thấy, dù có nhiều điểm tiến bộ so với trước đây, Việt Nam vẫn lựa chọn các phương pháp tính dựa trên giá chứ chưa thật sự đánh giá dựa trên chất lượng và tính bền vững của sản phẩm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề xuất việc cần phải cho phép các bên thứ ba tham gia vào công tác giám sát để đảm bảo tránh thất thoát và các mục tiêu xã hội của các dự án. Từ khoá: đấu thầu, mua sắm chính phủ, mục tiêu xã hội. IMPLEMENTATION OF SOCIAL GOALS BASED ON THE PRINCIPLES OF PUBLIC PROCUREMENT – LESSONS FROM THE EU Abstract Government procurement (also known as public procurement) is one of the important activities to promote the social goals (including environmental and sustainable development goals) of a country. Since 2014, the European Union (EU) has issued several directives related to this activity, which emphasize the principles and social goals that public procurement projects bring to society. The article identifies the research question: Whether Vietnam may learn from social goals based on the principles of public procurement? Using qualitative and comparative methods, the authors will compare the legal system on public procurement of the EU and the law on public investment of Vietnam. The results show that, despite many improvements compared to the past, Vietnam still chooses methods of calculation based on price, not really evaluating based on product quality and sustainability. In addition, we also recommend allowing third parties to participate in monitoring to ensure loss avoidance and social goals of projects. Keywords: bidding, public procurement, social goals.
  2. 90 ICYREB 2021 | Chủ đề 1: Tăng trưởng kinh tế và Toàn cầu hóa 1. Đặt vấn đề Hoạt động mua sắm chính phủ (public procurement – hay còn gọi là mua sắm công) không chỉ dừng ở việc mua lại các hàng hóa hay dịch vụ cho các cơ quan công quyền hay thực hiện dự án đấu thầu, mà hiện nay, hoạt động này còn đang được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng như một phương tiện để thúc đẩy các mục tiêu xã hội và phát triển bền vững (Outhwaite & Martin-ortega, 2016). Điều này gắn liền với việc khuyến khích các quyền, tiêu chuẩn lao động trong nước, bảo vệ môi trường và các vấn đề xã hội khác. Tất cả những vấn đề này được gọi bằng một thuật ngữ bao trùm: các mục tiêu xã hội. Theo thống kê, phần lớn tổng sản phẩm nội địa (GDP) được chi cho mua sắm công, có thể dao động từ khoảng 10% ở các nước phát triển đến 80% đối với một số nước đang phát triển (Knight, 2007). Tuy nhiên, các hoạt động này rất rộng và có nhiều chủ đề cần được bàn luận. Trong số đó, các nguyên tắc cơ bản đóng vai trò quan trọng và là kim chỉ nam để định hướng xu hướng lập pháp, cách thức quản lý của cơ quan chủ quản và các tổ chức kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu xã hội. Từ cơ sở trên, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu so sánh giữa hai hệ thống pháp luật của Liên minh Châu Âu (EU) và Việt Nam để chỉ ra những kinh nghiệm của EU để từ đó cung cấp một số gợi ý nhằm góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các mục tiêu xã hội ở Việt Nam. Bài viết có cấu trúc gồm hai phần: phần thứ nhất, đề cập đến các mục tiêu xã hội và các nguyên tắc của luật mua sắm của EU; phần thứ hai, thực trạng mua sắm công tại Việt Nam, một số đề xuất cho chính phủ trong thực tiễn thi hành và đưa ra kết luận. 2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 2.1. Cơ sở lý thuyết Thông thường, người ta thường nhắc đến mục tiêu truyền thống của mua sắm công là yếu tố hiệu quả về kinh tế. Bởi lẽ, họ cho rằng các giao dịch mua này được tài trợ thông qua tiền của người nộp thuế nên các thủ tục mua sắm công thường được bắt đầu để các bên tham gia thị trường gửi giá thầu cạnh tranh nhất của họ. Do đó, trong các thủ tục mua sắm công, một tiêu chí quan trọng thường được các bên cân nhắc là liệu rằng dự án đó đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng với chi phí thấp nhất hay không. Tuy nhiên, trên thực tế, bên cạnh mục tiêu truyền thống, trong các thủ tục mua sắm công, các cân nhắc xã hội (social considerations) cũng được đưa vào để cân nhắc, xem xét và từ đó cơ quan nhà nước có thể lựa chọn các dự án thích hợp (van den Engh et al., 2018, pp. 139–158). Bởi lẽ, các hợp đồng mua sắm công có tiềm năng to lớn như một công cụ để phát triển và áp dụng các chính sách kinh tế - xã hội. Một số tác giả đã chỉ ra rằng mua sắm công là một trong những phương tiện chính để đảm bảo phát triển bền vững, chống thất nghiệp và giúp đỡ các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, cũng như nhằm một số mục tiêu xã hội khác (Kanapinskas et al., 2014). Trong khi đó, các tác giả khác thì nhấn mạnh vai trò hai mặt của các cơ quan hành chính nhà nước: một mặt, với tư cách là người mua hàng hóa và dịch vụ thị trường, và mặt khác, với tư cách là một bên quan tâm đến tác động tổng thể khác (tức là, kích hoạt các quá trình sản xuất và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho người dân) (Falagario et al., 2012; McCrudden, 2004). Lấy ví dụ, các dự án mua sắm chính phủ có thể đóng một vai
  3. ICYREB 2021 | Chủ đề 1: Tăng trưởng kinh tế và Toàn cầu hóa 91 trò quan trọng trong việc thúc việc phát triển bền vững, nhân quyền và các khía cạnh xã hội. Điều này có nghĩa là các mục tiêu xã hội (ví dụ: cân nhắc xã hội và phát triển bền vững liên quan đến phát thải CO2 và NOX, điều kiện làm việc của người lao động...) cũng có thể được tính đến. Các vấn đề này được gọi chung bằng thuật ngữ các cân nhắc xã hội. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là tầm quan trọng không đáng kể của thuật ngữ “xã hội” trong nghiên cứu về mua sắm công. Thuật ngữ này sử dụng nhằm tương thích và phù hợp với các giá trị xã hội, chẳng hạn như “mua sắm công xanh” hoặc “mua sắm công bền vững”. Walker và Brammer là một trong những tác giả đầu tiên đề cập đến các quá trình mua sắm bền vững. Họ định nghĩa đó là một khái niệm phù hợp với các nguyên tắc phát triển bền vững, chẳng hạn như đảm bảo một xã hội mạnh mẽ, lành mạnh và công bằng; sống trong giới hạn môi trường; và thúc đẩy quản trị tốt (Walker & Brammer, 2009). Akhavan và Beckmann cho rằng các quy trình đấu thầu bền vững tạo thành một cách tiếp cận đa chiều dựa trên ba trục sau: xã hội, môi trường và quản trị. Họ đã xây dựng một mô hình cho phép thiết lập nên sáu nhóm sau: (1) hội nhập nội bộ và quản trị; (2) các thủ tục lựa chọn nhà cung cấp dựa trên các cân nhắc về xã hội hoặc (3) về môi trường; (4) trao quyền cho nhà cung cấp, có liên quan cụ thể đến các cân nhắc về xã hội hoặc (5) về môi trường; và (6) quản trị bên ngoài và hợp tác giữa các tổ chức. Họ cho rằng sáu nhóm này bao gồm một khuôn khổ có giá trị để phân tích cách thức tính toán sự bền vững và có thể được đưa vào các chiến lược và thực tiễn mua sắm công (Akhavan & Beckmann, 2017). Cần lưu ý rằng việc đưa các cân nhắc xã hội vào các dự án mua sắm công bắt nguồn từ ý tưởng chi tiêu hiệu quả về mặt kinh tế: nếu chính phủ định chi tiền mua sắm, chính phủ có thể nhận được nhiều giá trị hơn nếu tính đến các mục tiêu rộng lớn hơn và xa hơn so với việc mua sắm đơn lẻ. Như vậy, các cơ quan đấu thầu không còn phải chọn ưu đãi có lợi nhất về mặt kinh tế mà có thể chọn ưu đãi có tỷ lệ giá cả/chất lượng tốt nhất. Các cơ quan có thể kết hợp các cân nhắc xã hội bằng cách đặt ra các tiêu chí định tính phù hợp với những cân nhắc này (de Boer et al., 1998). Có thể thấy, nhà nước có một số lượng lớn các cân nhắc xã hội cần phải được triển khai. Vậy làm thế nào để cơ quan mua sắm có thể đưa ra lựa chọn khách quan? Làm thế nào chúng ta có thể thể hiện tầm quan trọng của các yếu tố không liên quan đến giá cả? Rõ ràng, việc từ bỏ cách tiếp cận kinh tế chặt chẽ liên quan đến so sánh giá đã làm cho các thủ tục mua sắm công trở nên phức tạp hơn dẫn đến chắc chắn sẽ làm phát sinh sự không chắc chắn về mặt pháp lý. Các phần tiếp theo của nghiên cứu sẽ trình bày cách mà EU đã giải quyết vấn đề trên, trong tương quan so sánh với pháp luật Việt Nam. 2.2. Phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu tập trung vào các phương thức chính sau đây: - Phương pháp định tính: nghiên cứu tập trung vào khía cạnh pháp luật nên đây là phương thức chính và được sử dụng ở hầu hết các mục trong bài viết. - Phương pháp so sánh: phương pháp này được sử dụng để so sánh và đối chiếu giữa hệ thống pháp luật EU về mua sắm công và hệ thống pháp luật Việt Nam về đầu tư công.
  4. 92 ICYREB 2021 | Chủ đề 1: Tăng trưởng kinh tế và Toàn cầu hóa - Phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết: bài viết sẽ sử dụng phương pháp này ở mục 2.1 từ các nguồn học thuật như sách, báo cáo, tạp chí pháp lý và các tài liệu khác. - Phương pháp nghiên cứu từ các văn bản quy phạm pháp luật: các văn bản pháp luật từ EU và Việt Nam sẽ được phân tích. 3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận 3.1. Mục tiêu và nguyên tắc trong mua sắm chính phủ tại Liên minh Châu Âu 3.1.1. Mục tiêu xã hội Tháng 12/2019, EU đã thông qua Thỏa thuận xanh cho thập kỷ tương lai (Green Deal for the future decades – hay còn gọi là Thoả thuận xanh). Theo đó, Thoả thuận đã đặt ra tầm nhìn để đưa Châu Âu trở thành lục địa trung hòa về khí hậu đầu tiên vào năm 2050, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân, quan tâm đến thiên nhiên và không để ai bị bỏ lại phía sau (European Commission, 2019b). Trong số đó, liên quan đến nội dung của nghiên cứu này, Thỏa thuận xanh đã vạch ra một số mục tiêu chiến lược, trong đó liên quan đến mua sắm công bao gồm việc đưa các tiêu chí về mục tiêu xã hội vào quy trình khi xem xét các dự án mua sắm công. Các tiêu chí này bao gồm khả năng sử dụng lao động, thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, hiệu quả tiêu thụ năng lượng và chống lại biến đổi khí hậu. Các mục tiêu xã hội (còn gọi là giá trị xã hội) chủ yếu tập trung vào bốn khía cạnh chủ yếu: (i) tính bền vững của hàng hoá được mua sắm, (ii) việc mua sắm phải giải quyết việc làm dài hạn cho những người thất nghiệp hoặc người khuyết tật trong quá trình thực thi công vụ, (iii) tính đổi mới và thúc đẩy sáng tạo của hành vi mua sắm, và (iv) tính công bằng khi mua sắm (Brink et al., 2015, pp. 173–195). Lấy ví dụ, sự đổi mới nhằm phát triển và sử dụng năng lượng hiệu quả chủ yếu tập trung vào năng lượng tái tạo với mục đích nâng cao sức khỏe và bảo vệ môi trường, chính vì vậy các nhà thầu phải xem xét tính bền vững đối với các dự án của họ để đáp ứng đủ tiêu chuẩn mà Thỏa thuận xanh đã đề ra. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước là bên ký kết hợp đồng luôn phải xem xét đến việc liệu có khả năng tạo ra một phương thức “xanh”, hiệu quả hơn, và có thể có sự đổi mới hơn với các dự án đấu thầu hay không. Liên quan đến tính cạnh tranh trên thị trường, cạnh tranh không lành mạnh có thể phát sinh khi các nhà thầu thông đồng với chủ đầu tư hoặc chính chủ đầu tư là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền muốn tìm kiếm lợi nhuận qua hành vi tham nhũng từ những dự án này. Do đó, cũng như một phần của mục tiêu bảo vệ sự cạnh tranh lành mạnh trong mua sắm công, cần đặt ra nguyên tắc đạo đức và bình đẳng trong hoạt động đấu thầu. Với nguyên tắc này, chúng ta không chỉ đảm bảo quyền và lợi ích của các bên dự thầu mà còn tạo ra cơ chế giám sát cơ quan chức năng trong việc thi hành. Nhìn chung, mua sắm công có những mục tiêu xã hội cụ thể trong từng lĩnh vực, tuy nhiên chính phủ nên cân nhắc về việc điều tiết hiệu quả những mục tiêu này khi thực thi chính sách về hành vi mua sắm công. Các chỉ thị về mua sắm công đặt ra các nguyên tắc pháp lý là
  5. ICYREB 2021 | Chủ đề 1: Tăng trưởng kinh tế và Toàn cầu hóa 93 cơ sở để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các bên dự thầu cần tuân theo trong suốt quá trình tham gia đấu thầu nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu xã hội đề ra. 3.1.2. Nguyên tắc Các nguyên tắc mua sắm công được luật hóa chính là cơ sở và nền tảng cho hoạt động mua sắm công diễn ra trên thực tế. Thoả thuận xanh đã ghi nhận những nguyên tắc chính như sau: (i) minh bạch, (ii) trách nhiệm giải trình, (iii) công khai, (iv) cạnh tranh, (v) liêm chính, (vi) cân xứng, (vii) tiết kiệm và (viii) công bằng (Lynch, 2015). Minh bạch, công bằng, công khai và cạnh tranh đóng vai trò then chốt và quan trọng nhất. Trước hết, thông tin do các cơ quan có thẩm quyền công bố phải công khai cho tất cả các bên dự thầu, và các cơ quan chức năng không nên đặt ra một số ưu tiên cho hoạt động đấu thầu cụ thể để đảm bảo quyền lợi ngang nhau của tất cả các bên dự thầu. Thêm vào đó, trong quá trình thực hiện thủ tục đấu thầu, các chỉ thị đặt ra một số phương pháp chấm điểm và tiêu chí trúng thầu minh bạch, công bằng, đồng thời các cơ quan chức năng không được phép lạm quyền và đặt ra những điều kiện không công bằng để thiên vị cho một bên dự thầu trúng thầu theo cách này. Việc đặt ra những nguyên tắc này có thể tránh nguy cơ gây ra tham nhũng và giúp các cơ quan quản lý giám sát các hành vi của cơ quan có thẩm quyền dễ dàng hơn. Sự công khai góp phần đảm bảo tất cả các yêu cầu đối với hoạt động mua sắm công này rõ ràng, minh bạch và các nhà thầu sẽ có cơ sở để cân nhắc các hành động cần thực hiện để đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn đã được đưa ra (Lynch, 2015). Tính cân xứng cũng là một nguyên tắc quan trọng nhằm đảm bảo sự cân bằng phù hợp giữa kết quả tích cực và hậu quả tiêu cực phát sinh từ một hành vi mua sắm chính phủ. Trên thực tế, điều này có nghĩa là các điều kiện liên quan đến hợp đồng công hoặc hợp đồng nhượng quyền phải tương xứng và hợp lý. Nói cách khác, khi tham gia vào hợp đồng, các cơ quan nhà nước phải cân đối giữa các yếu tố có lợi và hậu quả của sản phẩm mình mua, từ đó lựa chọn ra được nhà thầu tốt nhất, chứ không phải là nhà thầu mời thầu với giá thấp nhất (Janssen, 2018). Về nguyên tắc cạnh tranh, đây là tiêu chí cần được đáp ứng trong mọi hoàn cảnh, các yêu cầu mua sắm công theo nguyên tắc này cần được phổ biến rộng rãi để tăng cơ hội tiếp cận thị trường từ đó có thể lựa chọn được những hợp đồng thầu với giá cạnh tranh. Tuy nhiên, đây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của các bên dự thầu – cần lưu ý rằng cạnh tranh trên thị trường mua sắm công phải là một chu trình lành mạnh và họ phải đảm bảo các hành vi cạnh tranh của mình là hợp pháp và tuân theo các quy định hướng dẫn đã ban hành. Đối với EU, yếu tố cạnh tranh thể hiện ở việc xem xét các nhà thầu đến từ các quốc gia là như nhau và không có sự phân biệt đối xử giữa các nhà thầu (Lynch, 2015). Nói tóm lại, các nguyên tắc này không chỉ chi phối việc quản lý mua sắm công mà còn đặt ra khuôn khổ cho quy tắc ứng xử của cơ quan nhà nước và tất cả các bên tham gia đấu
  6. 94 ICYREB 2021 | Chủ đề 1: Tăng trưởng kinh tế và Toàn cầu hóa thầu. Điều này sẽ giúp cơ quan quản lý giám sát chú trọng vào những nội dung, nguyên tắc chính mà các cơ quan nhà nước và nhà thầu phải tuân thủ. 3.2. Mục tiêu và nguyên tắc trong mua sắm chính phủ tại Việt Nam 3.2.1. Bối cảnh Khác với EU, pháp luật về mua sắm công của Việt Nam được quy định rải rác ở một số luật chuyên ngành như Luật đấu thầu năm 2013, Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và gần đây nhất là Luật đầu tư công năm 2019. Trong đó, có thể thấy hầu hết các quy định trong Luật đấu thầu quy định về lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa và xây dựng đối với: dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước; dự án của doanh nghiệp nhà nước; mua sắm để duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan công quyền... Luật đấu thầu 2013 được coi là sự cải tiến so với phiên bản năm 2005, theo đó, luật đã nâng cao tính minh bạch và tạo sự thống nhất chung trong các quy định của Nhà nước về đấu thầu (Võ Hoàng Quân, 2015). Hiện nay, Việt Nam cũng đã ký một số Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và toàn diện như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CP-TPP) với các nước Châu Á - Thái Bình Dương và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EU-Vietnam Investment Protection Agreement – EVFTA) với EU, trong đó có một chương về mua sắm chính phủ và các cam kết về mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp. 3.2.2. Mục tiêu xã hội và nguyên tắc Đối với Việt Nam, vì đặc thù là một quốc gia xã hội chủ nghĩa, vì vậy các chiến lược và mục tiêu xã hội cần phải xem xét dựa trên các nghị quyết, văn kiện của Đảng Cộng sản (mang tính lãnh đạo và định hướng), bên cạnh Quốc hội và Chính phủ (với vai trò cụ thể hóa quan điểm của Đảng). Trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI và XII, việc mua sắm công và sử dụng ngân sách nhà nước cho các dự án đã được nêu trong Kế hoạch phát triển 5 năm (giai đoạn 2011 – 2015 và giai đoạn 2016 – 2020) (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016). Văn kiện đã đặt ra yêu cầu phải công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách, các dự án đầu tư, xây dựng hạ tầng và mua sắm từ ngân sách nhà nước. Ngay sau đó, tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2011 – 2015 và 2016 – 2020, Quốc hội Việt Nam đã khẳng định việc phát triển các dự án sử dụng ngân sách nhà nước và đầu tư công nhằm mục tiêu (i) thúc đẩy kinh tế ở các vùng khó khăn, (ii) phát triển kinh tế khu vực tư nhân, (iii) ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời tăng tính minh bạch, quyền con người và giá trị kinh tế (Quốc hội Việt Nam, 2011, 2016). Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò của đầu tư công trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030. Theo đó, cần “Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Đổi mới toàn diện thể chế quản lý đầu tư công, thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư công. Công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát đối với đầu tư công” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021).
  7. ICYREB 2021 | Chủ đề 1: Tăng trưởng kinh tế và Toàn cầu hóa 95 Đối với hoạt động mua sắm công xanh ở Việt Nam, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh (2011 - 2020) đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 thực hiện mua sắm công xanh; Kế hoạch hành động quốc gia nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh… Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tại Điều 146 quy định: “Mua sắm xanh là việc mua sắm các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam hoặc được công nhận theo quy định của pháp luật. Ưu tiên thực hiện mua sắm xanh đối với dự án đầu tư, nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ.” Đây là cơ sở quan trọng để hình thành nền kinh tế xanh, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh. Kế hoạch hành động quốc gia trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam cũng khẳng định vai trò của mua sắm công bền vững trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Pháp luật nước ta cũng nêu rõ các nguyên tắc mua sắm công, bao gồm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế (Điều 86 Luật Đấu thầu 2013). Như vậy, với chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có thể thấy Việt Nam đã xác định được các nguyên tắc và mục tiêu xã hội đối với hoạt động mua sắm công (Thủ tướng Chính phủ, 2017). 3.2.3. Đánh giá hệ thống các quy định về mua sắm chính phủ của Việt Nam trên khía cạnh thực hiện các mục tiêu xã hội Mặc dù đã xác định nguyên tắc và mục tiêu xã hội trong mua sắm công nhưng Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong việc thực hiện các mục tiêu và nguyên tắc này. Thứ nhất, Việt Nam không nêu rõ các nguyên tắc và mục tiêu xã hội trong từng dự án đấu thầu. Điều này dẫn tới việc các nguyên tắc này không được đảm bảo trong thực tế. Tình trạng lạm dụng chỉ định thầu trực tiếp để lựa chọn nhà thầu vẫn còn tồn tại, nhiều cơ quan nhà nước tìm mọi cách áp dụng phương thức lựa chọn này để thay thế phương thức đấu thầu rộng rãi nhằm thao túng, hạn chế cơ hội đối với các nhà thầu có năng lực. Năm 2017, hình thức chỉ định thầu vẫn là hình thức chiếm số lượng nhiều nhất với 153.287 gói thầu (chiếm 69,21% trong tổng số) nhưng tỷ lệ tiết kiệm thấp nhất chỉ đạt 2,62% (Đỗ Kiến Vọng, 2019). Về nguyên tắc minh bạch, mặc dù đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về đấu thầu nhưng còn chậm triển khai trên thực tế. Thông tin được đề cập trong cơ sở dữ liệu còn sơ sài nên tạo ra kẽ hở cho tham nhũng. Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2018 cho biết Việt Nam xếp thứ 117/180 quốc gia, giảm 10 bậc so với năm trước (Transparency International, 2018). Hơn nữa, các chỉ tiêu loại trừ đối với nhà thầu chỉ tính đến các tiêu chuẩn về tỷ lệ sử dụng lao động trong nước và đối tượng lao động đặc biệt như thương binh, nữ giới, người khuyết tật, chứ không tính đến yếu tố khác như sử dụng lao động trẻ em, buôn người hoặc rửa tiền (Điều 14 Luật Đấu thầu 2013). Thứ hai, về các phương pháp tính điểm trong các dự án đầu tư công. Theo quy định của pháp luật EU, các quốc gia thành viên EU có quyền tùy ý trong việc lựa chọn phương pháp tính điểm với việc sử dụng linh hoạt hơn các tiêu chí trúng thầu. Ví dụ, lần đầu tiên EU cho phép tính cạnh tranh được thực hiện trong các điều kiện giá cố định và chỉ được dựa trên
  8. 96 ICYREB 2021 | Chủ đề 1: Tăng trưởng kinh tế và Toàn cầu hóa yếu tố chất lượng (van den Engh et al., 2018, pp. 139–158). Điều này mang lại những lựa chọn cho các cơ quan ký hợp đồng không chỉ về bảo vệ môi trường mà còn bảo vệ xã hội. Ngược lại, Việt Nam giới hạn số lượng các phương thức này và quy định cụ thể các loại gói thầu áp dụng cho từng phương thức. Có ba phương pháp được quy định trong luật đấu thầu năm 2013: (i) phương pháp giá thấp nhất; (ii) phương pháp giá đánh giá; và (iii) phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá (Điều 39 Luật Đấu thầu 2013). Có thể thấy, những quy định chặt chẽ này một mặt làm giảm tham nhũng, tăng cường tính minh bạch nhưng mặt khác, các cơ quan chức năng không thể xem xét các yếu tố xã hội và mục tiêu để lựa chọn nhà thầu. Thứ ba, Việt Nam chưa có cơ chế theo dõi và giám sát hiệu quả để đạt được các mục tiêu và nguyên tắc xã hội. Công tác thanh tra, kiểm tra diễn ra thường xuyên nhưng chưa đạt hiệu quả (Đỗ Kiến Vọng, 2019). Ở nhiều nơi, chính quyền các cấp vẫn còn hạn chế cho phép người dân tham gia vào công tác giám sát khu vực công, không công khai khi giải quyết bất đồng và không tạo hành lang minh bạch để người dân tham gia giám sát (Đỗ Kiến Vọng, 2019). Cụ thể, có tới 73% người Việt Nam coi tham nhũng trong khu vực công là nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng (Towards Transparency, 2019). Bên cạnh đó, 6,7% nhà thầu cho rằng kết quả về xử lý khiếu nại là không công bằng. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, có thể còn nhiều nhà thầu khác chưa có ý kiến do lo ngại những hậu quả bất lợi cho việc đấu thầu trong tương lai. Nhiều nhà thầu chọn cách im lặng, không khiếu nại khi bị đối xử không công bằng (45,7%) và “quy trình, thủ tục phức tạp” là nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các nhà thầu không muốn yêu cầu bồi thường (Đào Văn Hùng et al., 2018). Nhiều dự án sử dụng vốn nhà nước như Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, vốn ban đầu chỉ 500 triệu đô la Mỹ, nay đã tăng lên 1 tỷ đô la Mỹ vẫn chưa hoàn thành. Thậm chí, dự án này còn gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn lao động và cho đến thời điểm cuối năm 2020, vẫn còn thiếu chứng nhận an toàn hệ thống (Nhóm PV Thời sự, 2019). 3.3. Một số đề xuất nhằm tăng cường mục tiêu xã hội của quá trình mua sắm công Trong phạm vi bài nghiên cứu, nhóm tác giả đưa ra một số đề xuất mạng tính gợi mở trên đây nhằm góp phần hoàn thiện thiện quy định pháp luật về đấu thầu mua sắm công dựa trên mục tiêu xã hội trong thời gian tới. 3.3.1. Sự tham gia của bên thứ ba: một giải pháp khả thi? Xét trên khía cạnh về phòng chống tham nhũng, EU là một trong những khu vực có thành tích tốt nhất trên thế giới. EU đã cố gắng cải thiện tính minh bạch và xây dựng các tiêu chí cụ thể và rõ ràng hơn đối với mọi cuộc đấu thầu, dẫn đến tỷ lệ tham nhũng thấp hơn các nước khác (European Commission, 2019a). Bằng cách này, Việt Nam có thể xem xét việc thiết lập một quy tắc và nguyên tắc rõ ràng để làm cho các bên mời thầu lên kế hoạch thực hiện phù hợp. Một số quốc gia thành viên trong EU đã áp dụng cơ chế giám sát tự nguyện các thủ tục mua sắm chính phủ, theo đó, các quốc gia này cho phép bên thứ ba tham gia vào quá trình giám sát từ bên ngoài một số gói mua sắm được lựa chọn. Do đó, Việt Nam có thể cân nhắc đến việc lựa chọn bên thứ ba tham gia như một giải pháp cải thiện.
  9. ICYREB 2021 | Chủ đề 1: Tăng trưởng kinh tế và Toàn cầu hóa 97 Bên thứ ba này có thể được gọi là Cơ quan Giám sát Đấu thầu (Procurement Supervision Agency – PSA). Đây là một cơ quan độc lập bao gồm nhiều chuyên gia, không chỉ giám sát về vận hành, kết cấu mà còn về tài chính. Hình thức PSA có thể là một viện nghiên cứu bao gồm các chuyên gia về luật và kinh tế. Vai trò của cơ quan này là tư vấn các mục tiêu phát triển bền vững và các mục tiêu xã hội khác để hoàn thiện các kế hoạch mua sắm và đầu tư của chính phủ. Bên cạnh đó, nó cũng có thể tư vấn về các mục tiêu xã hội và giám sát các dự án có tổng giá trị trên một ngưỡng nhất định. PSA sẽ phối hợp với Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân các cấp để thực hiện các mục tiêu xã hội trong các dự án khu vực, vùng và địa phương. Để đảm bảo tính hiệu quả và năng lực quyền hạn, chúng ta có thể đặt ra câu hỏi về trách nhiệm và vai trò pháp lý của PSA. Trong thời gian đầu khi PSA mới được thành lập, cơ quan này nên đặt dưới sự kiểm soát của Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền giám sát tối cao. Về lâu dài, sau thời gian bảo lưu theo cam kết trong CPTPP và EVIPA, PSA sẽ hoàn toàn độc lập với các thiết chế truyền thống. 3.3.2. Nâng cao nhận thức qua các tài liệu và hướng dẫn đào tạo về tác hại của gian lận trong quá trình mua sắm công và tầm quan trọng của mục tiêu xã hội trong mua sắm công Để bắt đầu cho hoạt động này, các tài liệu đào tạo cần được thiết kế và biên tập với nội dung là các hướng dẫn về dấu hiệu gian lận thầu, cách ngăn chặn gian lận và tầm quan trọng của việc thực hiện mục tiêu xã hội trong mua sắm công cho các cán bộ công chức tại trung ương và địa phương tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động mua sắm công. Các nhà quản lý có thể tham khảo các tài liệu huấn luyện của các thành viên EU trong lĩnh vực này. Tại Anh, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường (CMA), hợp tác với Crown Commercial Service tổ chức các khóa học trực tuyến về mua sắm công và gian lận trong mua sắm công, cụ thể tài liệu này đã nêu ra các tác hại của gian lận trong mua sắm công, dấu hiệu đáng ngờ và các giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, CMA còn thiết kế một bức thư ngỏ gửi cho những cơ quan tổ chức mua sắm công để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện và ngăn ngừa gian lận trong mua sắm công. Đặc biệt, một bản tóm tắt 60 giây về cách phát hiện và giải quyết gian lận trong mua sắm công cũng được gửi đến cho các công chức chính phủ. Tại Hà Lan, một hướng dẫn được gọi là “Mẫu thông báo” nêu ra các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong các dự án đấu thầu xây dựng đã được thông qua để cung cấp những thông tin cơ bản về gian lận đấu thầu cho những cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động mua sắm công. 3.3.3. Hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động mua sắm công trên khía cạnh thực hiện các mục tiêu xã hội: Để đạt được hiệu quả trong việc thực hiện các mục tiêu xã hội, một trong những công cụ quan trọng cần được đề cập đó chính là việc hoàn thiện khung pháp lý liên quan nhằm điều chỉnh những bất cập và hạn chế đang tồn tại trong công tác mua sắm công. Việc Luật Bảo vệ môi trường 2020 lần đầu tiên quy định về mua sắm xanh cho thấy sự tiến bộ trong quá trình lập pháp. Các yếu tố về môi trường trở nên ưu tiên trong mua sắm chính phủ. Tuy vậy, điều này là chưa đầy đủ và tương thích với các quy định của luật khác như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công. Từ đó, các tác giả đề xuất thêm một số biện pháp vụ thể như sau:
  10. 98 ICYREB 2021 | Chủ đề 1: Tăng trưởng kinh tế và Toàn cầu hóa - Mua sắm xanh và thân thiện với môi trường chỉ là một phần của vấn đề. Do đó, Việt Nam có thể cân nhắc bổ sung thêm các quy định ưu tiên những dự án đề cao tính xã hội như cân nhắc đến tỉ lệ sử dụng lao động khuyết tật, tỉ lệ sử dụng các vật liệu có nguồn gốc địa phương… Ngoài ra, pháp luật cũng có thể bổ sung các quy định về đánh giá nhà thầu thông qua hồ sơ của họ, xem xét đến tính chuyên nghiệp, tính bền vững và tính xã hội trong các dự án mà họ từng thực hiện trước đây. - Cần bổ sung quy định yêu cầu nêu rõ các nguyên tắc và mục tiêu xã hội trong từng dự án đấu thầu làm cơ sở lựa chọn nhà thầu để hạn chế việc ưu tiên những tiêu chí khác không đúng trọng tâm của dự án. - Xem xét cơ chế áp dụng phương thức tính điểm linh hoạt với các tiêu chí trúng thầu cạnh tranh theo cách mà Liên minh Châu Âu đang áp dụng để có thể lựa chọn được nhà thầu phù hợp mà vẫn đảm bảo được mục tiêu xã hội. - Việt Nam cần rà soát các văn bản quy định về mua sắm công và các văn bản quy định trong lĩnh vực quy định về đầu tư công như bảo vệ môi trường và phát triển bền vững để xây dựng một khung pháp lý về mua sắm công xanh, cũng như tích hợp các tiêu chí môi trường vào quy trình mua sắm. - Cần hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến đấu thầu qua mạng – một công cụ tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động mua sắm công. Theo đó, nhà nước cần thống kê và công khai tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (https://muasamcong.mpi.gov.vn/), xây dựng hệ thống thông tin về nhà thầu làm cơ sở cho việc thực hiện các hoạt động đấu thầu qua mạng, từ đó hướng đến một chính phủ điện tử nhằm tiết kiệm thời gian, tránh lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước. - Ban hành các quy định về chế tài giải quyết tranh chấp, xử phạt liên quan đến các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu thầu mua sắm công. 4. Kết luận và khuyến nghị Nhìn chung có một số khác biệt đáng kể giữa mua sắm công của Việt Nam và EU do hệ thống pháp luật khác nhau. EU tập trung nhiều hơn vào các mục tiêu xã hội và khuyến khích tất cả các nhà thầu có thể tham gia đấu thầu, trong khi Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như đã đề cập ở trên. Ngoài ra, Việt Nam cũng khắt khe hơn khi chỉ cung cấp một số ít tuỳ chọn cho các thủ tục mua sắm chính phủ, cũng như phương thức tính điểm cho nhà thầu và chỉ cho phép một số loại hợp đồng cụ thể. Một mặt, đây là một cách để tránh các quyết định tùy tiện, mặt khác, nó cũng ngăn cản/ hạn chế chính quyền địa phương lựa chọn các nhà thầu tốt nhất để đạt được các mục tiêu xã hội cụ thể đã đề ra. Trong khi Việt Nam vẫn khẳng định ưu tiên về giá (tức gói thầu nào có giá thấp thấp hơn sẽ được ưu tiên lựa chọn), EU có cách tiếp cận xa hơn để cân bằng giữa giá và chất lượng. Ví dụ, lần đầu tiên, Chỉ thị số 24/2014/EU đã cho phép các cơ quan nhà nước tổ chức một cuộc đấu thầu mà các bên dự thầu chỉ cạnh tranh với nhau dựa trên tiêu chí về chất lượng,
  11. ICYREB 2021 | Chủ đề 1: Tăng trưởng kinh tế và Toàn cầu hóa 99 thay vì giá. Ngoài ra, nghiên cứu đưa ra đề xuất cho Việt Nam. Theo đó, Việt Nam có thể thành lập một cơ quan giám sát độc lập nhằm giám sát thủ tục đối với các gói thầu có giá trị lớn. Đây có thể là cách phù hợp để Việt Nam giải quyết vấn đề tham nhũng và những hạn chế trong việc thực hiện các mục tiêu xã hội. Có thể thấy, hệ thống quy định về mua sắm công của EU có thể có đóng góp tốt hơn cho các mục tiêu về phát triển bền vững và các mục tiêu xã hội, trong khi Việt Nam vẫn đang cố gắng hết sức để cải thiện các cách thức và quy trình khi thực hiện các thủ tục mua sắm này. Việt Nam có thể học hỏi EU từ việc đưa ra các nguyên tắc và mục tiêu xã hội cụ thể và rõ ràng, cho đến việc thiết lập nên một bên thứ ba độc lập để giám sát quy trình mua sắm và quá trình đảm bảo mục tiêu. Thêm vào đó, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo và nâng cao nhận thức đối với các bên liên quan đến quá trình mua sắm công về cách nhận diện cũng như ngăn chặn các gian lận trong mua sắm công và tầm quan trọng của việc thực hiện mục tiêu chính sách mua sắm công thông qua các khóa đào tạo hay tài liệu hướng dẫn. Với định hướng này, mua sắm công của Việt Nam có thể mang lại lợi ích tốt hơn không chỉ cho cơ quan nhà nước, các nhà thầu mà còn cho người dân và xã hội. GHI CHÚ: Tỷ lệ phần trăm được tính theo công thức: KĐT = 100% - (mt / MK) * 100, trong đó KĐT là tỉ lệ tiết kiệm, mt là tổng giá trị thực tế sau khi đấu thầu, MK là tổng giá trị được duyệt trong phương án ban đầu. Theo Vọng (2019), tỷ lệ tiết kiệm cao thì có hai nguyên nhân có thể xảy ra: thứ nhất, quản lý nhà nước về đấu thầu có hiệu lực, phát huy được vai trò bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế; khả năng thứ hai là chất lượng công tác lập kế hoạch đấu thầu và phê duyệt giá gói thầu, dự án công chưa sát với thực tế. Tài liệu tham khảo Akhavan, R. M., & Beckmann, M. (2017). A configuration of sustainable sourcing and supply management strategies. Journal of Purchasing and Supply Management, 23(2), 137– 151. https://doi.org/10.1016/j.pursup.2016.07.006 Brink, A. van den, Luchtman, M., & Scholten, M. (Eds.). (2015). Sovereignty in the shared legal order of the EU: Core values of regulation and enforcement. Intersentia. Đảng Cộng sản Việt Nam. (2016, March 31). Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế—Xã hội 5 năm 2011—2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016—2020. Đảng Cộng Sản Việt Nam. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi- dang/lan-thu-xii/bao-cao-danh-gia-ket-qua-thuc-hien-nhiem-vu-phat-trien-kinh-te-xa- hoi-5-nam-2011-2015-va-phuong-huong-1599 Đảng Cộng sản Việt Nam. (2021, March 22). Chiến lược phát triển kinh tế—Xã hội 10 năm 2021-2030. Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam.
  12. 100 ICYREB 2021 | Chủ đề 1: Tăng trưởng kinh tế và Toàn cầu hóa https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi- dang/lan-thu-xiii/chien-luoc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-10-nam-2021-2030-3671 Đào Văn Hùng, Lê Văn Tăng, Nguyễn Thế Vinh, Phạm Thế Dũng, Nguyễn Thị Thu Hiền, & Phạm Ngọc Thạch. (2018, May). Báo cáo đánh giá tình hình giải quyết kiến nghị trong đấu thầu mua sắm công ở Việt Nam và đề xuất giải pháp cải thiện tình hình. Học Viện Chính Sách và Phát Triển. http://apd.edu.vn/documents/419774/455592/B%C3%A1o+c%C3%A1o+KS+Kien+n ghi+Dau+thau_Final+version_20180905_%C4%90%C4%83ng+web+Hv.docx/fc6fbd f9-4314-46f3-885a-bb82c6b266e5 de Boer, L., van der Wegen, L., & Telgen, J. (1998). Outranking methods in support of supplier selection. European Journal of Purchasing & Supply Management, 4(2–3), 109–118. https://doi.org/10.1016/S0969-7012(97)00034-8 Đỗ Kiến Vọng. (2019). Quản lý nhà nước về Đấu thầu mua sắm công ở Việt Nam [Học viện Khoa học Xã hội]. https://gass.edu.vn/CMS/Lists/LuanVan_LuanAn/Attachments/17323/LA%20DoKien Vong.pdf European Commission. (2019a). The Corruption Perception Index 2019: The EU is the best performer in the world. European Commission. https://ec.europa.eu/regional_policy/en/newsroom/news/2020/01/27-01-2020-the- corruption-perception-index-2019-the-eu-is-the-best-performer-in-the-world European Commission. (2019b, December 11). A European Green Deal. European Commission. https://ec.europa.eu/info/strategy/priorities-2019-2024/european-green- deal_en Falagario, M., Sciancalepore, F., Costantino, N., & Pietroforte, R. (2012). Using a DEA-cross efficiency approach in public procurement tenders. European Journal of Operational Research, 218(2), 523–529. https://doi.org/10.1016/j.ejor.2011.10.031 Janssen, W. (2018). EU public procurement law & self-organisation: A nexus of tensions & reconciliations. eleven International Publishing. Kanapinskas, V., Plytnikas, Ž., & Tvaronavičienė, A. (2014). Sustainable Public Procurement: Realization of the Social Aspect in Republic of Lithuania. Business: Theory and Practice, 15(4), 302–315. https://doi.org/10.3846/btp.2014.529 Knight, L. (Ed.). (2007). Public procurement: International cases and commentary. Routledge. Lynch, J. (2015). Public Procurement: Principles, Categories and Methods. https://leanpub.com/procurement-principles-categories-and-methods/read McCrudden, C. (2004). Using public procurement to achieve social outcomes. Natural Resources Forum, 28(4), 257–267. https://doi.org/10.1111/j.1477-8947.2004.00099.x
  13. ICYREB 2021 | Chủ đề 1: Tăng trưởng kinh tế và Toàn cầu hóa 101 Nhóm PV Thời sự. (2019, November 13). Cận cảnh các công trình thi công ‘rùa’ gây ô nhiễm bụi. Tiền Phong. https://tienphong.vn/can-canh-cac-cong-trinh-thi-cong-rua-gay-o- nhiem-bui-post1149965.tpo Outhwaite, O., & Martin-ortega, O. (2016). Human Rights in Global Supply Chains: Corporate Social Responsibility and Public Procurement in the European Union. Human Rights & International Legal Discourse (HR&ILD), 10(1), 41–72. Quốc hội Việt Nam. (2011, November 8). Nghị quyết 10/2011/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế—Xã hội 5 năm 2011—2015. Cơ Sở Dữ Liệu Quốc Gia về Văn Bản Pháp Luật. http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-van-ban-goc.aspx?dvid=13&ItemID=27120 Quốc hội Việt Nam. (2016, April 12). Nghị quyết 142/2016/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế—Xã hội 5 năm 2016—2020. Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Nghi-quyet-142-2016-QH13-ke- hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-5-nam-2016-2020-310005.aspx Thủ tướng Chính phủ. (2017, May 10). Quyết định số 622/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Cổng Thông Tin Điện Tử Chính Phủ Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_p age=1&mode=detail&document_id=189713 Towards Transparency. (2019). Vietnam Corruption Barometer 2019. Towards Transparency. https://towardstransparency.vn/wp-content/uploads/2018/11/VCB-2019_EN.pdf Transparency International. (2018). Corruption Perceptions Index. Transparency International. https://www.transparency.org/en/cpi/2018/index/dnk van den Engh, G., Nijenhuis, Y., Schotanus, F., Telgen, J., Manunza, E., & Schotanus, F. (2018). Supplier selection with a lottery component—Empirical analyses of rank reversal and the effects of a losing bid on which bid wins a tender. Võ Hoàng Quân. (2015, January 12). Những bước đột phá trong Luật Đấu thầu 2013. Tạp Chí Tài Chính. https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/nhung- buoc-dot-pha-trong-luat-dau-thau-2013-92819.html Walker, H., & Brammer, S. (2009). Sustainable procurement in the United Kingdom public sector. Supply Chain Management: An International Journal, 14(2), 128–137. https://doi.org/10.1108/13598540910941993
  14. 102 ICYREB 2021 | Chủ đề 1: Tăng trưởng kinh tế và Toàn cầu hóa
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
8=>2