intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thực trạng và bài học sử dụng hoạt động ngoại bảng để nâng cao hiệu quả hoạt động tại các ngân hàng thương mại Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:16

18
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài nghiên cứu này phân tích thực trạng hoạt động đầu tư vào các công cụ ngoại bảng tại các NHTM Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020, từ đó, đưa ra một số khuyến nghị cho các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách nhằm giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh của các NHTM Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thực trạng và bài học sử dụng hoạt động ngoại bảng để nâng cao hiệu quả hoạt động tại các ngân hàng thương mại Việt Nam

  1. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 24. THỰC TRẠNG VÀ BÀI HỌC SỬ DỤNG HOẠT ĐỘNG NGOẠI BẢNG ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG TẠI CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM ThS. Ngô Thanh Xuân* Bùi Mai Anh**, Nguyễn Thị Kiều Nga**, Phùng Thị Thu Trang** Tóm tắt Ngày nay, song hành với sự phát triển của nền kinh tế thế giới và tiến bộ công nghệ, ngày càng có nhiều các sản phẩm tài chính mới được ra đời, trong đó có các công cụ ngoại bảng. Ở Việt Nam, các hoạt động đầu tư ngoại bảng được nhận định là một hình thức phát triển mới trong thị trường tài chính - ngân hàng, giúp mở ra hướng đi hợp lý cho các ngân hàng thương mại (NHTM) hội nhập quốc tế và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động kinh doanh. Bài nghiên cứu này phân tích thực trạng hoạt động đầu tư vào các công cụ ngoại bảng tại các NHTM Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020, từ đó, đưa ra một số khuyến nghị cho các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách nhằm giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh của các NHTM Việt Nam. Từ khóa: Ngân hàng thương mại, hoạt động ngoại bảng, hiệu quả kinh doanh 1. GIỚI THIỆU Để bắt kịp hơn với xu thế của thế giới, hệ thống NHTM Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện, phát triển và tối ưu hóa khả năng hoạt động kinh doanh của mình. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến khó lường, các hoạt động của NHTM trên toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng đều bị ảnh hưởng không nhỏ. Chính vì vậy, việc đưa những sản phẩm tài chính mới vào kế hoạch kinh doanh của ngân hàng đang được coi là bước tiến quan trọng trong giai đoạn gần đây. Một trong những sản phẩm trên thực tế đang được hầu hết NHTM lựa chọn triển khai đó là đầu tư vào các công cụ ngoại bảng. * Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân ** Sinh viên NHTM 60B, Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân 300
  2. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 Thứ nhất, nguồn thu từ tiền hoa hồng hay từ phí khi triển khai các hoạt động ngoại bảng (HĐNB) sẽ giúp gia tăng thu nhập chung cho các ngân hàng, trong một số trường hợp, các khoản này có thể bù đắp cho sự thiếu hụt thu nhập từ các hoạt động truyền thống. Bên cạnh đó, NHTM không phải chi trả cho các khoản chi phí về thuế, chi phí dự trữ bắt buộc, chi phí cho bảo hiểm tiền gửi hoặc một số các khoản chi phí khác (Nguyễn Minh Sáng và Nguyễn Thị Hạnh Hoa, 2013). Có thể nói, ngoài chức năng phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra, việc phát triển HĐNB là giải pháp cấp thiết giúp các NHTM tăng cường lợi nhuận, mở rộng thị trường. Chính vì những chức năng tiềm tàng đó mà việc chú trọng phát triển các giao dịch ngoại bảng đã, đang và sẽ trở thành nhu cầu tất yếu của mỗi ngân hàng. Thứ hai, với mức độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, việc áp dụng những công cụ tài chính hiện đại như công cụ ngoại bảng đang là xu hướng cho sự trỗi dậy của ngành ngân hàng trong thời điểm hiện tại. Các công cụ này ngày càng phổ biến và có tốc độ tăng trưởng về doanh số không ngừng tăng qua các năm. Tại Việt Nam, ở nhiều thời điểm, một số ngân hàng đã chứng kiến sự tăng mạnh của hoạt động này, thậm chí tổng tài sản ngoại bảng vượt quá tổng tài sản nội bảng (Hình 1). Nhìn thấy được tiềm năng đó, các NHTM tại Việt Nam muốn khai thác điểm mạnh này nhằm hchế được những tổn thất do sự biến động thị trường gây ra và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, sự chênh lệch khá lớn trong việc sử dụng các khoản mục ngoại bảng trong chính sách kinh doanh của từng ngân hàng là khác nhau, dẫn đến lợi nhuận đem lại cho mỗi ngân hàng là khác nhau. Hình 1. Tỷ trọng tổng tài sản ngoại bảng trên tổng tài sản nội bảng của các NHTM Việt Nam giai đoạn Quý I/2015 - Quý IV/2020 Đơn vị: % Nguồn: Nhóm nghiên tổng hợp và tính toán (2021) Thứ ba, việc sử dụng các công cụ ngoại bảng ở Việt Nam còn nhiều bất cập và khó khăn; nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng như doanh nghiệp cũng chưa hiểu rõ về các nghiệp vụ xung quanh hoạt động này. Tại Việt Nam, khi thực hiện các giao dịch ngoại bảng, ngân hàng đối 301
  3. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA mặt với nhiều vấn đề rủi ro như: rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Việc xác định rủi ro ngoại bảng trở nên khó khăn hơn vì hoạt động này là những hoạt động phức tạp (Nguyễn Minh Sáng và Nguyễn Thị Hạnh Hoa, 2013). Chính vì vậy, nghiên cứu về các hoạt động ngoại bảng sẽ giúp các ngân hàng có được cho mình những chính sách phát triển đa dạng hơn nữa trong lĩnh vực này. Nghiên cứu của Nachane và Ghosh (2007) chỉ ra rằng, một trong những giả định phổ biến liên quan đến sự tăng trưởng mạnh mẽ của các hoạt động ngoài bảng cân đối kế toán là các ngân hàng đã sử dụng các hoạt động này như một cách để tăng lợi nhuận, bù đắp sự sụt giảm tỷ suất lợi nhuận của các hoạt động thu nhập trong ngân sách khi cho vay các doanh nghiệp. Tuy nhiên Obeidan (2006) lại cho rằng, việc mở rộng thiếu kiểm soát đã làm giảm hiệu quả sử dụng các nguồn lực kinh tế vĩ mô của các ngân hàng này. Vì vậy, tìm hiểu kỹ lưỡng về hoạt động ngoại bảng sẽ giúp cho các thành phần tham gia vào thị trường tài chính, đặc biệt là các NHTM có những hoạch định rõ ràng, từng bước phát triển trên nền tảng, kinh nghiệm của các ngân hàng trên thế giới. 2. TỔNG QUAN LÝ THUYẾT 2.1. Quan điểm về hoạt động ngoại bảng Trong hai thập kỷ qua, các ngân hàng trên toàn thế giới đã thay đổi đáng kể từ các hoạt động trên bảng cân đối kế toán sang các hoạt động ngoại bảng phi truyền thống (Lozano- Vivas và Pasiouras, 2010). Rose và Hudgins (2008) cho rằng, về mặt kinh tế, các khoản mục ngoại bảng là tài sản và nợ tiềm tàng. Một khoản mục hoặc hoạt động được coi là một tài sản ngoại bảng khi một sự kiện tiềm ẩn xảy ra, khoản mục hoặc hoạt động đó sẽ chuyển sang bên tài sản của bảng cân đối kế toán. Ngược lại, một khoản mục hoặc hoạt động là nợ phải trả của HĐNB khi sự kiện tiềm ẩn xảy ra, khoản mục hoặc hoạt động đó chuyển sang bên nợ phải trả của bảng cân đối kế toán. Theo Nachane và Ghosh (2007), HĐNB đề cập đến các sản phẩm và thông lệ ngân hàng không liên quan đến các hình thức cho vay danh mục đầu tư truyền thống. Công cụ ngoại bảng là các hợp đồng tiềm ẩn tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng, nhưng không được coi là tài sản hoặc nợ phải trả theo quy trình kế toán thông thường. Theo Nguyễn Minh Sáng và Nguyễn Thị Hạnh Hoa (2013), HĐNB liên quan đến các nguồn thu nhập cho ngân hàng nhưng không được ghi nhận trên báo cáo tài chính theo thủ tục kế toán thông thường. Đồng quan điểm trên, Bùi Tín Nghị và Phạm Thị Hoàng Anh (2019) cho rằng, các khoản mục ngoại bảng được ghi nhận phía dưới các khoản mục nội bảng trong hệ thống báo cáo của ngân hàng. 2.2. Phân loại các công cụ ngoại bảng Các giao dịch ngoại bảng, chẳng hạn như cho vay theo cam kết, chứng khoán hóa, thư tín dụng (L/C) và chứng khoán phái sinh, đã mở rộng nhanh chóng và dẫn đến sự gia tăng đáng kể về tỷ trọng thu nhập từ phí và thu nhập phi lãi suất khác trên tổng thu nhập của ngân 302
  4. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 hàng (Hou và cộng sự, 2015). Tổ chức FDIC1 khi bàn về các HĐNB đã chia các hoạt động này thành các hoạt động sau: hoạt động phái sinh (off-balance sheet items and derivatives); hoạt động cho vay ngoại bảng (off-balance sheet lending activities); chuyển giao tài sản ngoại bảng (off-balance sheet asset transfer); khoản nợ tiềm ẩn ngoại bảng (off-balance sheet contingent liabilities) (Bùi Tín Nghị và Phạm Thị Hoàng Anh, 2019). Theo Rose và Hudgins (2008), các khoản mục ngoại bảng được chia ra thành các khoản cho vay, chứng từ tín dụng, hợp đồng phái sinh, giao dịch khi phát hành và các khoản cho vay đã bán. Trong các hợp đồng phái sinh, tác giả chia thành hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn và hoán đổi. Ở Việt Nam, khoản mục ngoại bảng chủ yếu là các giao dịch phái sinh, các cam kết và nợ tiềm ẩn như hoạt động bảo lãnh, phát hành thư tín dụng (L/C) (Phạm Thị Hoàng Anh và cộng sự, 2020). 2.2.1. Bảo lãnh ngân hàng Theo Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày 25/6/2015 của Ngân hàng Nhà nước quy định về bảo lãnh ngân hàng: “Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên bảo lãnh cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh; bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh”. Xét về mặt lý thuyết, bảo lãnh ngân hàng là một hình thức “tín dụng chữ ký” (signature credit), là hoạt động sinh lãi mà ngân hàng không phải bỏ vốn. Trong thanh toán quốc tế, bảo lãnh được coi là hình thức tài trợ ngoại thương, nhằm phòng ngừa những tổn thất cho người thụ hưởng bảo lãnh do sự vi phạm nghĩa vụ của bên đối tác liên quan (Nguyễn Văn Tiến và Nguyễn Thị Hồng Hải, 2018). Tóm lại, bảo lãnh là một trong những công cụ ngoại bảng của NHTM, bởi khi phát hành cam kết bảo lãnh cho khách hàng, ngân hàng chưa phải xuất quỹ tiền ngay. Đến năm 2017, Thông tư số 13/2017/TT-NHNN ngày 29/9/2017 của Ngân hàng Nhà nước quy định về bảo lãnh ngân hàng được đưa ra nhằm sửa đổi một số điều trong Thông tư số 07/2015/TT-NHNN. Tại Việt Nam, các hình thức bảo lãnh hiện đang được NHTM sử dụng chủ yếu bao gồm: bảo lãnh vay vốn, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, dự thầu, bảo lãnh chất lượng sản phẩm, bảo lãnh đối ứng... Bảo lãnh ngân hàng được phân loại theo nhiều phương thức khác nhau, tuy nhiên, để phù hợp với mục tiêu nghiên cứu và căn cứ trên thị trường NHTM Việt Nam, nhóm nghiên cứu sẽ phân loại bảo lãnh căn cứ trên mục đích sử dụng hợp đồng. Do đó, bảo lãnh bao gồm những loại cơ bản sau: Bảo lãnh vay vốn: Bảo lãnh vay vốn là “hình thức bảo lãnh do tổ chức tín dụng (TCTD) phát hành một chứng thư bảo lãnh cho bên nhận bảo lãnh (bên cho vay, thường là một TCTD khác), về việc cam kết trả nợ thay cho người được bảo lãnh (là khách hàng của TCTD) trong trường hợp người được bảo lãnh không trả nợ hoặc trả nợ không đầy đủ, đúng hạn theo quy định của hợp đồng vay vốn ký kết giữa người được bảo lãnh (bên vay) và người nhận bảo lãnh (bên cho vay)” (Bùi Tín Nghị và Phạm Thị Hoàng Anh, 2019). 1 FDIC: Tổ chức bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ. 303
  5. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Bảo lãnh dự thầu: Phan Thị Thu Hà (2014) cho rằng, bảo lãnh dự thầu là “cam kết của ngân hàng với chủ đầu tư (hay chủ thầu) về việc trả tiền phạt thay cho bên dự thầu nếu bên dự thầu vi phạm các quy định trong hợp đồng dự thầu”. Các bên tham gia đấu thầu bao gồm: (i) người mời thầu hay chủ thầu (người mua, người nhập khẩu) là người thụ hưởng bảo lãnh; (ii) người dự thầu (người bán, cung ứng, nhà xuất khẩu) là người xin bảo lãnh, người dự thầu phải nộp kèm đơn dự thầu một thư bảo lãnh dự thầu do một ngân hàng phát hành. Mục đích của bảo lãnh dự thầu là đảm bảo cho việc người dự thầu không rút lui, không ký hợp đồng hay thay đổi ý định khi đã trúng thầu (Bùi Tín Nghị và Phạm Thị Hoàng Anh, 2019). Bảo lãnh thực hiện hợp đồng: Bảo lãnh thực hiện hợp đồng “là cam kết của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh để bảo đảm việc thực hiện đúng đầy đủ các nghĩa vụ của bên được bảo lãnh theo hợp đồng đã ký kết với bên nhận bảo lãnh” (Nguyễn Văn Tiến và Nguyễn Thị Hồng Hải, 2018). Trường hợp bên được bảo lãnh vi phạm hợp đồng bị phạt hoặc phải bồi thường cho bên nhận bảo lãnh mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính thì bên bảo lãnh sẽ thực hiện thay. Mức bảo lãnh thực hiện hợp đồng thường từ 5% - 10% giá trị của hợp đồng. Hiệu lực của các loại bảo lãnh này chấm dứt khi người được bảo lãnh hoàn thành nghĩa vụ cung ứng hàng hóa. Bảo lãnh thanh toán: Bảo lãnh thanh toán là “cam kết của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thanh toán của mình khi hết hạn”. Bảo lãnh thanh toán được dùng chủ yếu trong hợp đồng mua bán thiết bị hàng hóa trả chậm (Phan Thị Thu Hà, 2014). 2.2.2. Thư tín dụng chứng từ Thư tín dụng (L/C) là chứng từ do NHTM phát hành thay mặt khách hàng ủy quyền cho bên thứ ba ký phát hối phiếu tại ngân hàng với số lượng quy định theo các điều khoản và điều kiện cụ thể (Phan Thị Thu Hà, 2014). Thư tín dụng là một cam kết có điều kiện (trừ khi được bên tài khoản trả trước) về phía ngân hàng để thanh toán các hối phiếu được ký phát theo các điều khoản của chứng từ. Chứng từ tín dụng được chia thành nhiều loại khác nhau, tuy nhiên, tại Việt Nam, các NHTM phổ biến chia L/C căn cứ vào tính chất thông dụng và được chia thành hai loại cơ bản: L/C có thể hủy ngang và L/C không thể hủy ngang. - L/C có thể hủy ngang và L/C không thể hủy ngang. L/C có thể hủy ngang là L/C mà nhà nhập khẩu (người mở) có quyền đề nghị ngân hàng phát hành sửa đổi, bổ sung, hoặc hủy bỏ bất cứ lúc nào mà không cần có sự chấp thuận và thông báo trước của nhà xuất khẩu (người thụ hưởng). Nếu hàng hóa đã được giao mà ngân hàng mới thông báo lệnh hủy bỏ hoặc sửa đổi bổ sung thì lệnh này không có giá trị; ngân hàng phát hành vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán như đã cam kết. - L/C không thể hủy ngang là thư tín dụng mà sau khi đã mở thì ngân hàng phát hành không được sửa đổi, bổ sung hay hủy bỏ trong thời hạn hiệu lực của L/C nếu không có sự 304
  6. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 đồng thuận người thụ hưởng và ngân hàng xác nhận (nếu có). Do quyền lợi của người xuất khẩu được bảo đảm nên loại L/C này được sử dụng nhiều trong thanh toán quốc tế (Phan Thị Thu Hà, 2014). 2.2.3. Các cam kết giao dịch hối đoái Theo Pháp lệnh Ngoại hối 07/VBHN-VPQH ngày 11/7/2013, Nghị định số 70/2014/ NĐ-CP ngày 17/7/2014 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Thông tư số 15/2015/ TT-NHNN ngày 02/10/2015 về hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các TCTD được phép hoạt động ngoại hối: “Giao dịch ngoại tệ bao gồm giao dịch mua, bán ngoại tệ giao ngay; giao dịch mua, bán ngoại tệ kỳ hạn; giao dịch hoán đổi ngoại tệ và giao dịch quyền chọn mua, bán ngoại tệ”. Theo Thông tư số 15/2015/TT-NHNN ngày 02/10/2015: “Giao dịch mua, bán ngoại tệ giao ngay (sau đây gọi là giao dịch giao ngay) là giao dịch hai bên thực hiện mua, bán với nhau một lượng ngoại tệ với Đồng Việt Nam hoặc với một ngoại tệ khác theo tỷ giá giao ngay xác định tại ngày giao dịch”. Tại Điều 2 của Thông tư này cũng quy định về giao dịch mua, bán ngoại tệ kỳ hạn: “Giao dịch mua, bán ngoại tệ kỳ hạn (sau đây gọi là giao dịch kỳ hạn) là giao dịch hai bên cam kết mua, bán với nhau một lượng ngoại tệ với Đồng Việt Nam hoặc với một ngoại tệ khác theo tỷ giá kỳ hạn xác định tại ngày giao dịch”. Kỳ hạn của giao dịch được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này. Giao dịch hoán đổi ngoại tệ được giải thích như sau: “Giao dịch hoán đổi ngoại tệ (sau đây gọi là giao dịch hoán đổi) là giao dịch giữa hai bên, bao gồm một giao dịch mua và một giao dịch bán cùng một lượng ngoại tệ với Đồng Việt Nam hoặc với một ngoại tệ khác, trong đó ngày thanh toán của hai giao dịch là khác nhau và tỷ giá của hai giao dịch được xác định tại ngày giao dịch”. Giao dịch hoán đổi bao gồm hai giao dịch giao ngay hoặc hai giao dịch kỳ hạn hoặc một giao dịch giao ngay và một giao dịch kỳ hạn. Giao dịch hoán đổi giữa Đồng Việt Nam và ngoại tệ phải có ít nhất một giao dịch là giao dịch kỳ hạn. Giao dịch quyền chọn mua, bán ngoại tệ: Thông tư số 15/2015/TT-NHNN ngày 02/10/2015 quy định: “Giao dịch quyền chọn mua, bán ngoại tệ (sau đây gọi là giao dịch quyền chọn) là giao dịch giữa hai bên, trong đó bên mua trả cho bên bán giá mua quyền chọn để có quyền nhưng không có nghĩa vụ mua hoặc bán giao ngay một lượng ngoại tệ với một ngoại tệ khác trong một khoảng thời gian do hai bên thỏa thuận theo tỷ giá xác định tại ngày giao dịch”. Bên bán có nghĩa vụ bán hoặc mua nếu bên mua chọn thực hiện quyền mua hoặc quyền bán ngoại tệ của mình; giá cả thỏa thuận. 2.2.4. Giao dịch phái sinh Deutsche Boerse AG (2010) cho rằng, “Giao dịch phái sinh là một khái niệm rộng được thể hiện dưới dạng hợp đồng giữa hai bên mua và bán, có giá trị được xác định dựa trên giá trị của tài sản cơ sở và được thanh toán vào một thời điểm trong tương lai”. 305
  7. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Redhead (2010) nhấn mạnh: “Giao dịch phái sinh chính là một loại hình bảo hiểm rủi ro tài chính khi thực hiện các hợp đồng kinh tế và bản chất là phân tán rủi ro tiềm ẩn và đương nhiên, lợi nhuận của các giao dịch cùng được chia sẻ cho các bên. Giao dịch phái sinh gồm các giao dịch kỳ hạn (forward), hoán đổi (swaps), quyền chọn (options) và tương lai (futures)”. Như vậy, giao dịch phái sinh là nghiệp vụ sử dụng các công cụ phái sinh nhằm nhiều phân tán, phòng ngừa rủi ro về giá hàng hóa, lãi suất, chứng khoán, tỷ giá...; kinh doanh, bảo vệ lợi nhuận hoặc tạo lợi nhuận; lợi dụng chênh lệch giá và đầu cơ. Theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tại khoản 23, Điều 4 Luật Các TCTD năm 2010, sản phẩm phái sinh bao gồm: “(i) Sản phẩm phái sinh tín dụng gồm các hợp đồng bảo hiểm tín dụng, hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng, hợp đồng đầu tư gắn với rủi ro tín dụng, hợp đồng phái sinh tín dụng khác theo quy định của pháp luật; (ii) Sản phẩm phái sinh lãi suất gồm hợp đồng lãi suất kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi lãi suất một đồng tiền, hợp đồng hoán đổi lãi suất hai đồng tiền hoặc hợp đồng hoán đổi tiền tệ chéo, hợp đồng quyền chọn lãi suất, các hợp đồng phái sinh lãi suất khác theo quy định của pháp luật; (iii) Sản phẩm phái sinh ngoại tệ gồm các giao dịch mua, bán ngoại tệ kỳ hạn, giao dịch hoán đổi ngoại tệ, giao dịch quyền chọn mua, bán ngoại tệ, các giao dịch phái sinh ngoại tệ khác theo quy định của pháp luật; (iv) Sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa gồm các hợp đồng hoán đổi giá cả hàng hóa, hợp đồng tương lai giá cả hàng hóa, hợp đồng quyền chọn giá cả hàng hóa và các hợp đồng phái sinh giá cả hàng hóa khác theo quy định của pháp luật”. Ngoài ra, giao dịch ngoại bảng của các ngân hàng còn tồn tại dưới dạng các khoản nợ ngoại bảng. Đây là các khoản nợ bị tổn thất trong thời gian theo dõi (nợ nhóm 5) và bao gồm cả dư nợ xấu đã bán cho VAMC1 chưa thu hồi được. Hay là các khoản chuyển giao tài sản ngoại bảng bao gồm các dịch vụ liên quan đến thế chấp ngân hàng (mortgage banking); bán tài sản có quyền truy đòi (assets sold with recourse) và các hình thức thay thế tín dụng trực tiếp. 3. THỰC TRẠNG VỀ HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ NGOẠI BẢNG CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2015 - 2020 3.1. Tổng quan chung Trong vòng một thập kỷ trở lại đây, hệ thống ngân hàng trên thế giới đã chứng kiến những thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ chưa từng thấy. Bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008 và suy thoái kinh tế toàn cầu đã đặt hệ thống ngân hàng đứng trước những thách thức lớn về quản trị rủi ro, đòi hỏi đánh giá lại tính hiệu quả của các mô hình kinh doanh cũng như cấu trúc lại các nguồn thu nhập để đảm bảo tính an toàn và bền vững. Các ngân hàng đều đã nhận thấy khả năng quản trị rủi ro hiện tại khó có thể đáp ứng một cấu trúc hoạt động quá đa dạng với nhiều lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn. Do đó, HĐNB ngày càng phát triển được các ngân hàng chú trọng và phát triển. 1 VAMC: Công ty Quản lý tài sản VAMC có tên đầy đủ là Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam. 306
  8. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 Quy mô tài sản trong bảng và ngoài bảng tại các NHTM tại Việt Nam tính đến Quý IV/2020 được thể hiện trong Bảng 1. Bảng 1. Tài sản ngoại bảng và nội bảng của các NHTM Việt Nam giai đoạn Quý I/2015 - Quý IV/2020 Đơn vị: tỷ đồng, % Tổng tài sản Tổng tài sản Tỷ lệ tài sản ngoại bảng Ngân hàng ngoại bảng nội bảng trên tài sản nội bảng Nguồn: Nhóm nghiên tổng hợp và tính toán (2021) Các NHTM có quy mô tài sản ngoài bảng khá chênh lệch từ 236 tỷ đồng (thấp nhất) của Ngân hàng TMCP Kiên Long đến 540,303 tỷ đồng (cao nhất) của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) (Bảng 1). Các NHTM mà Nhà nước chiếm cổ phần chi phối có quy mô tài sản ngoại bảng khá cao. Tỷ lệ tài sản ngoại bảng trên tài sản nội bảng đối với các NHTM Nhà nước chiếm cổ phần chi phối cao nhất là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) với 34,45% và còn lại là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có tỷ lệ này lần lượt là 16,83% và 16,19%. Tỷ trọng tài sản ngoại bảng trên tài sản nội bảng nhỏ nhất là 0,41% của Ngân hàng TMCP Kiên Long và cao nhất là 138,86% của Ngân hàng TMCP An Bình. 307
  9. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Hình 2. Tỷ lệ tài sản ngoại bảng trên nội bảng của các NHTM Nhà nước chiếm cổ phần chi phối tại Việt Nam giai đoạn Quý I/2015 - Quý IV/2020 Đơn vị: % Nguồn: Nhóm nghiên cứu tổng hợp và tính toán (2021) Hình 2 thể hiện tỷ lệ tài sản ngoại bảng trên tài sản nội bảng của ba NHTM Nhà nước chiếm cổ phần chi phối qua giai đoạn Quý I/2015 - Quý IV/2020. Trong ba NHTM này thì BIDV và Vietcombank duy trì tỷ lệ tương đương nhau qua các giai đoạn, dao động từ 10% - 20%, nhưng có thể thấy Vietcombank có tỷ lệ tài sản ngoại bảng trên tài sản nội bảng tăng dần qua các quý còn BIDV thì duy trì ở mức trên dưới 18%. Cao nhất trong nhóm NHTM Nhà nước chiếm cổ phần chi phối là Vietinbank, duy trì tỷ lệ tài sản ngoại bảng/nội bảng trong khoảng 20% - 40%. Hình 3. Tỷ lệ tài sản ngoại bảng trên nội bảng của các Ngân hàng TMCP lớn tại Việt Nam giai đoạn Quý I/2015 - Quý IV/2020 Đơn vị: % Nguồn: Nhóm nghiên cứu tổng hợp và tính toán (2021) 308
  10. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 Hình 3 cho thấy, so với các ngân hàng TMCP Nhà nước chiếm cổ phần chi phối thì nhóm các ngân hàng TMCP còn lại duy trì tỷ lệ tài sản ngoại bảng trên tài sản nội bảng ở mức cao hơn nhiều. So với các ngân hàng trong nhóm, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) có tỷ lệ tài sản ngoại bảng trên tài sản nội bảng là thấp hơn hai ngân hàng còn lại. Ở chiều ngược lại, Techcombank và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam khá ưa chuộng các giao dịch ngoại bảng khi tỷ lệ tài sản ngoại bảng trên nội bảng khá cao so với mức trung bình nhóm, trên 100%. Giai đoạn từ Quý I/2015 - Quý IV/2019, tỷ lệ tài sản ngoại bảng trên tài sản nội bảng của các NHTM tăng nhẹ theo các năm, độ biến động không mạnh, thậm chí còn có sự giảm nhẹ ở một vài giai đoạn, đặc biệt là Techcombank có sự tăng trưởng rõ rệt về tỷ lệ tài sản ngoại bảng từ Quý III/2018. Điều này cho thấy các ngân hàng có xu hướng đầu tư nhiều hơn về các khoản mục ngoại bảng, cũng giống như các ngân hàng TMCP, Nhà nước chiếm cổ phần chi phối. Giai đoạn Quý I/2020 - Quý IV/2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có thể thấy tỷ lệ tài sản ngoại bảng trên nội bảng của các ngân hàng luôn duy trì ở mức rất cao trên 100%. 3.2. Thực trạng chi tiết Số liệu từ báo cáo tài chính của các NHTM cho thấy, tính đến hết Quý IV/2020, nhìn chung, nhóm HĐNB được quan tâm nhất là các hoạt động liên quan đến hối đoái, đặc biệt là cam kết giao dịch hối đoái (Hình 4). Nhóm HĐNB được quan tâm thứ hai là nhóm liên quan đến các cam kết, bảo lãnh, cho vay, L/C. Hai nhóm hoạt động này chiếm tới 85% - 100% các HĐNB tại các NHTM. Nhóm còn lại liên quan đến hoạt động hoán đổi lãi suất và các cam kết khác chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 0% - 15%, trừ ba NHTM là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) với tỷ trọng 30% - 60%. Hình 4. Các hoạt động ngoại bảng tại 26 NHTM Việt Nam giai đoạn Quý I/2015 - Quý IV/2020 Đơn vị: tỷ đồng Nguồn: Nhóm nghiên cứu tổng hợp và tính toán (2021) 309
  11. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Các giao dịch phái sinh và các cam kết giao dịch hối đoái Trong các NHTM Nhà nước chiếm cổ phần chi phối thì Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng sử dụng ít các cam kết giao dịch hối đoái nhất với 2,723 tỷ đồng cam kết, tương ứng với 1% so với tổng cam kết, thấp hơn rất nhiều so với những ngân hàng còn lại (Hình 5). Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) sử dụng nhiều cam kết giao dịch hối đoái nhất với 303,101 tỷ đồng cam kết tương ứng với 72%, gấp 72 lần so với BIDV. Đối với các NHTM khác thì ưa chuộng các cam kết giao dịch hoán đổi hơn là các cam kết giao dịch mua bán ngoại tệ như Techcombank với tỷ lệ cam kết giao dịch hoán đổi trên tổng cam kết giao dịch hối đoái là 97,52% hay Sacombank với 96,3%. Hình 5. Hoạt động cam kết giao dịch hối đoái liên quan đến ngoại tệ tại các NHTM Việt Nam giai đoạn Quý I/2015 - Quý IV/2020 Đơn vị: tỷ đồng Nguồn: Nhóm nghiên cứu tổng hợp và tính toán (2021) Các cam kết thư tín dụng (L/C) Hình 6 cho thấy, một trong những hoạt động được ưa chuộng trong các HĐNB của NHTM Việt Nam là cam kết trong nghiệp vụ thư tín dụng. NHTM Nhà nước chiếm cổ phần BIDV có tỷ lệ cung ứng cam kết trong nghiệp vụ L/C cao nhất với 79,827 tỷ đồng và thấp nhất là Ngân hàng TMCP Kiên Long với 50 tỷ đồng. Hiện nay, tại các NHTM Việt Nam hoạt động cung cấp các cam kết cho vay không hủy ngang chỉ được số ít các ngân hàng quan tâm. Có thể thấy, nhóm NHTM Nhà nước chiếm cổ phần chi phối có số lượng cam kết trong nghiệp vụ L/C cao hơn nhóm các NHTM. 310
  12. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 Hình 6. Hoạt động cam kết cho vay và L/C tại các NHTM Việt Nam giai đoạn Quý I/2019 - Quý IV/2020 Đơn vị: tỷ đồng Nguồn: Nhóm nghiên cứu tổng hợp và tính toán (2021) Các cam kết bảo lãnh Đối với các NHTM, bảo lãnh ngân hàng có vai trò rất quan trọng trong hoạt động của ngân hàng. Phí bảo lãnh đóng góp tích cực đến lợi nhuận của ngân hàng, chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng phí dịch vụ. Không những vậy, hoạt động bảo lãnh giúp ngân hàng phát triển và đa dạng hóa tốt các loại hình dịch vụ để thu hút khách hàng. Với xu hướng phát triển kinh tế, hoạt động bảo lãnh ngân hàng giúp tăng thêm nguồn vốn cho các doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư cho nền kinh tế, nhờ vào uy tín của ngân hàng bảo lãnh, bảo lãnh trở thành công cụ để thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận tới các nguồn vốn của nước ngoài. Trên thị trường Việt Nam có rất nhiều loại hình bảo lãnh được quan tâm, tuy nhiên, mức độ mỗi loại khác nhau tại mỗi ngân hàng. Tại một số NHTM Nhà nước chiếm cổ phần chi phối có quy mô lớn như: Vietinbank, Vietcombank hay BIDV cung ứng tương đối đa dạng các loại hình bảo lãnh. Các NHTM khác có quy mô nhỏ hơn thì khả năng cung ứng bảo lãnh thấp hơn. Theo Hình 7, BIDV đầu tư cho hoạt động bảo lãnh cao nhất với 155,955 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Kiên Long đầu tư cho hoạt động bảo lãnh khác thấp nhất với 186 tỷ đồng. 311
  13. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Hình 7. Hoạt động bảo lãnh tại các NHTM Việt Nam giai đoạn Quý I/2015 - Quý IV/2020 Đơn vị: tỷ đồng Nguồn: Nhóm nghiên cứu tổng hợp và tính toán (2021) 4. BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRONG SỬ DỤNG CÁC CÔNG CỤ NGOẠI BẢNG ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI Xu hướng phát triển các HĐNB của các NHTM ngày càng cao. Kể từ khi những tổ chức tài chính đầu tiên của Mỹ liên quan đến tín dụng nhà ở thứ cấp bị phá sản vào giữa năm 2007 đã mở màn cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sự đổ vỡ đã lan rộng đối với hệ thống tài chính ở nhiều quốc gia. Nhiều ngân hàng lớn đã phá sản, hoặc phải sáp nhập vào các tổ chức khác, thực hiện tái cơ cấu một cách toàn diện. Trong đó, trọng tâm của các cuộc tái cơ cấu ngân hàng, dù là ở các tổ chức đã xảy ra đổ vỡ hay chưa có đổ vỡ, cũng đều tập trung vào vấn đề quản trị rủi ro. Các ngân hàng có xu hướng cơ cấu lại các lĩnh vực hoạt động, tập trung vào các lĩnh vực chính, ít rủi ro và có biên lợi nhuận cao. Giao dịch ngoại bảng đã đóng góp vai trò quan trọng trong các hoạt động của ngân hàng. Vai trò của các giao dịch ngoại bảng đã được chứng minh trong rất nhiều các nghiên cứu. Đối với các NHTM, giao dịch ngoại bảng không những đem lại lợi nhuận cho ngân hàng mà còn góp phần giảm thiểu rủi ro cho các ngân hàng, dự phòng rủi ro là một bài toán rất lớn mà NHTM cần phải chú ý. Đặc biệt, tại các nước có nguồn nhân lực có hạn, phát triển các HĐNB sẽ có tác động tích cực lên lợi nhuận của các NHTM. Mọi khu vực đều có tầm vóc địa lý, chính trị, kinh tế và luật pháp ảnh hưởng đáng kể đến HĐNB và các yếu tố ảnh hưởng đến tài sản ngoại bảng khác nhau giữa các quốc gia và từ khu vực này sang khu vực khác. Ví dụ, đối với sự khác biệt giữa hệ thống ngân hàng ở châu Phi và hệ thống ngân hàng ở châu Âu, các yếu tố khác nhau sẽ ảnh hưởng đến quyết định của các ngân hàng về việc sử dụng các HĐNB ở cả hai khu vực. Do đó, rõ ràng là các yếu tố quyết định đến các HĐNB của ngân hàng và thực hành các HĐNB sẽ khác nhau giữa các 312
  14. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 khu vực dựa vào đặc điểm phân biệt của từng vùng. Ahmad và Ariff (2007) chỉ ra rằng, quy mô ngân hàng có ý nghĩa thống kê đối với châu Phi, Trung Đông, NAFTA, Viễn Đông và Trung Á, Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu và không có ý nghĩa thống kê đối với G7, Tây Âu và Đông Âu. Ahmad và Ariff (2007) cũng chỉ ra rằng, các yếu tố quy định đang ảnh hưởng đến các HĐNB của các ngân hàng ở châu Phi và Viễn Đông và Trung Á, nhưng không phải là các ngân hàng ở các nước còn lại. Điều này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Ahmad và Misman (2012). Các NHTM tại Việt Nam về các HĐNB của ngân hàng, trong những năm gần đây hầu hết các ngân hàng chú trọng và phát triển các HĐNB bao gồm cam kết cho vay, L/C và bảo lãnh. Đặc biệt là các NHTM Nhà nước chiếm cổ phần chi phối có xu hướng phát triển các giao dịch ngoại bảng ngày càng mạnh. Có thể rút ra được một số bài học kinh nghiệm để đảm bảo xây dựng phát triển HĐNB ở Việt Nam như sau: Thứ nhất, coi trọng vai trò của Nhà nước trong việc phát triển các HĐNB với việc ban hành các chính sách kinh tế vĩ mô, ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, đề ra các chính sách hỗ trợ, các chính sách quản lý... Thứ hai, các giao dịch ngoại bảng tại các NHTM hiện nay rất ít, chủ yếu là bảo lãnh và cam kết ngoại hối với quy mô và mức độ thực hiện thấp. Do đó, các NHTM cần phải phát triển các giao dịch ngoại bảng đa dạng và phong phú hơn nhằm thu hút doanh nghiệp từ chính những tiện ích mang lại từ các dịch vụ này. Thứ ba, nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng trong công tác phối hợp quản trị rủi ro. Các loại rủi ro trong hoạt động ngân hàng đều có mối liên hệ qua lại tác động đến nhau và đều gây ra thiệt hại cho ngân hàng. Thứ tư, các ngân hàng phải nhanh chóng đào tạo được đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp trong lĩnh vực này. Chìa khóa của mọi sự thành công là yếu tố con người, các ngân hàng cần phải có đội ngũ nhân viên am hiểu những kiến thức về tài chính, pháp lý và thông lệ quốc tế trong các giao dịch công cụ ngoại bảng. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ahmad, N.H. and Ariff, M. (2007), Multi-country study of bank credit risk determinants, International Journal of Banking and Finance, 5, 135 - 152. 2. Ahmad, W. and Misman, F.N. (2012), Off-balance sheet risk: Evidence from Malaysian Islamic and conventional banks, The Journal of Muamalat and Islamic Finance Research, 9(1), 125 - 142. 3. Buckova, V. (2012), Off-balance sheet activities and the assessment of off-balance sheet credit risk management in the banking sector of the Czech Republic, Banks & Bank Systems, 7(3), 18 - 24. 313
  15. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 4. Bùi Tín Nghị & Phạm Thị Hoàng Anh (2019), “Hoạt động ngoại bảng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam”, Tạp chí Khoa học và Đào tạo ngân hàng, 209, 20 - 26. 5. Deutsche Boerse AG (2010), The Global Derivatives Market A Blueprint for Market Safety and Integrity, White paper, Frankfurt, truy nhập ngày 1 tháng 3 năm 2020 tại < https://bitly.com.vn/79zb3v> 6. Hou, X., Wang, Q., & Li, C. (2015), Role of off-balance sheet operations on bank scale economies: Evidence from China’s banking sector, Emerging Markets Review, 22, 140 - 153. 7. Lozano-Vivas, A., Pasiouras, F., (2010), “The impact of non-traditional activities on the estimation of bank efficiency: international evidence”, J. Bank. Finance, 34, 1436 - 1449. 8. Nachane, D. M., & Ghosh, S. (2007), “An Empirical Analysis of the Off-Balance Sheet Activities of Indian Banks”, Journal of Emerging Market Finance, 6(1), 39 - 59. 9. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2013), Thông tư số 02/2013/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ban hành ngày 21/01/2013. 10. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015), Thông tư số 07/2015/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về bảo lãnh ngân hàng, ban hành ngày 25/06/2015. 11. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015), Thông tư số 15/2015/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng nhà nước hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối, ban hành ngày 02/10/2015. 12. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2016), Thông tư số 41/2016/TT-NN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ban hành ngày 30/12/2016. 13. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2017), Thông tư số 13/2017/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2015/TT- NHNN ngày 25/6/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về bảo lãnh ngân hàng, ban hành ngày 25/06/2015. 14. Nachane, D. M., & Ghosh, S. (2007), “An Empirical Analysis of the Off-Balance Sheet Activities of Indian Banks”, Journal of Emerging Market Finance, 6(1), 39 - 59. 15. Nguyễn Minh Sáng & Nguyễn Thị Hạnh Hoa (2013), “Phân tích thực nghiệm các nhân tố tác động đến thu nhập ngoài lãi của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam”, Tạp chí Ngân hàng, 22, 27 - 34. 16. Nguyễn Văn Tiến và Nguyễn Thị Hồng Hải, (2018), Giáo trình Thanh toán quốc tế, NXB Lao động. 314
  16. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 17. Obeidan, A. M. (2006), “The impact of the off-balance sheet items on the Kuwaiti commercial banks’ efficiency”, Journal of King Abdulaziz University: Economics and Management, 20(1), 35 - 71. 18. Phạm Thị Hoàng Anh và cộng sự (2020), “Tác động của giao dịch ngoại bảng đến lợi nhuận của ngân hàng thương mại tại Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 282, 2 - 11. 19. Phan Thị Thu Hà (2014), Giáo trình Ngân hàng thương mại, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội. 20. Redhead, K. (1996), Financial Derivatives: An Introduction to Futures, Forwards, Options and Swaps, Prentice Hall, New York. 21. Rose, P. S. & Hudgins, S. C. (2008), Bank Management and Financial Services, McGraw-Hill. 315
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2