intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tiểu luận môn Biến đổi khí hậu: Tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên đất ở đồng bằng sông Cửu Long

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: DOCX | Số trang:33

22
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nghiên cứu đề tài “Biến đổi khí hậu tác động lên tài nguyên đất ở đồng bằng sông Cửu Long” để từ đó có thể phân tích được những tác động của biến đổi khí hậu lên tài nguyên đất ở đông bằng sông Cửu Long, từ đó đề suất các giải pháp giúp thích ứng và giảm nhẹ biến đôi khí hậu.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tiểu luận môn Biến đổi khí hậu: Tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên đất ở đồng bằng sông Cửu Long

  1. ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HCM TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA TIỂU LUẬN MÔN HỌC: BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU (EN3087) ĐỀ TÀI TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐẾN TÀI NGUYÊN ĐẤT Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG SVTH: NGÔ QUỐC TOÀN MSSV: 1912224 GVHD: PGS. TS. VÕ LÊ PHÚ TP. HỒ CHÍ MINH, NĂM 2024
  2. MỤC LỤC
  3. MỞ ĐẦU Biến đổi khí hậu kèm theo đó là những hiện tượng tự nhiên cực đoan như các thiên tai về bão và lốc xoáy, tình trạng nóng lên toàn cầu do phát thải nhiều khí nhà kính, nước biển dâng lên,… hiện đang là những mối nguy lớn nhất đối với đời sống của con người trong thế kỷ 21. Biến đổi khí hậu gây ra nhiều thiệt hại to lớn về nhân mạng, kinh tế cũng như xã hội. Nhận thấy được nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu lên tài nguyên đất ở đồng bằng sông Cửu Long, em xin trình bày về đề tài “Biến đổi khí hậu tác động lên tài nguyên đất ở đồng bằng sông Cửu Long” để từ đó có thể phân tích được những tác động của biến đổi khí hậu lên tài nguyên đất ở đông bằng sông Cửu Long, từ đó đề suất các giải pháp giúp thích ứng và giảm nhẹ biến đôi khí hậu.
  4. CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN 1.1. Khái niệm Khí hậu là tổng hợp của thời tiết được đặc trưng bởi các trị số thống kê dài hạn (trung bình, xác suất các cực trị v.v...) của các yếu tố khí tượng biến động trong một khu vực địa lý trong một thời gian dài, trung bình thường là hang thập kỉ. Biến đổi khí hậu có thể do các yếu tố tự nhiên, như là thay đổi lượng bức xạ mặt trời, nhiệt độ, áp suất, .. hoặc do các tác động của con người. Biến đổi khí hậu là sự thay đổi trạng thái khí hậu có thể xác định thông qua các thay đổi về giá trị trung bình hoặc biến thiên (dao động) của các yếu tố khí hậu trong một thời gian dài, có thể hàng thập kỷ hoặc lâu hơn (IPCC, 2007). 1.2. Hiện trạng 1.2.1. Trên thế giới Biến đổi khí hậu đang gây ra sự nguy hiểm cho tự nhiên và ảnh hưởng đến đời sống của hàng tỷ người dân trên toàn thế giới. Bất chấp những nỗ lực nhằm giảm thiểu rủi ro về việc biến đổi khí hậu, trong 50 năm qua đã có hơn 11.000 thảm họa liên quan đến thời tiết và thiên tai, khiến hơn 2 triệu người chết và nền kinh tế thế giới thiệt hại 3,64 nghìn tỷ đô la Mỹ. (IPCC 2022). Mức thiệt hại này còn có thể tăng nhiều hơn trong tương lai, khi việc Trái đất nóng lên là chắc chắn và những thời tiết khắc nghiệt và thiên tai sẽ tăng lên theo. 1.2.2. Tại Việt Nam Dưới tác động của biến đổi khí hậu, tại Việt Nam thời tiết cực đoan có xu thế gia tăng cả về cường độ lẫn tần suất. Mưa cực đoan hầu như tăng hầu hết ở các vùng trên cả nước, số ngày nắng nóng nhiều hơn cùng với đó là hạn hán thường xuyên. Số lượng các cơn bão mạnh trên biển Đông có xu thế tăng và thời tiết thất thường diễn ra mọi nơi trên cả nước, trong đó điển hình là hiện tượng khô hạn và mưa cực đoan ở miền Trung, rét đậm và rét hại ở miền núi phía Bắc; hạn hán và xâm nhập mặn ở miền Nam (Tổng cục khí tượng thủy văn, 2021). 1.3. Nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu Biến đổi khí hậu đã xảy ra từ hàng triệu, hàng tỷ năm trước bởi các yếu tố tự nhiên, có thể từ hiệu ứng Milankovitch-Croll, sự tiến động, các quá trình địa chất, hoạt động núi lửa hoặc thay đổi nội tại của các thành phần hệ thống khí hậu,… Tuy nhiên, với sự tác động của con người, biến đổi khí hậu mới dần xảy ra theo hướng ngày càng tiêu cực. Các bằng chứng khoa học về biến đổi khí hậu được dựa trên nhiều nguồn khác nhau như các dấu hiệu từ lịch sử và khảo cổ, sông băng, v.v. Các nhà khoa học nhận ra có sự biến động tuyến tính giữa nhiệt độ Trái Đất và các vấn đề như mực nước biển, băng tan và độ phủ của băng tuyết, đồng thời có mối liên hệ mật thiết giữa nhiệt
  5. độ Trái Đất và nồng độ khí nhà kính. Hiện nay, từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu của con người, những hoạt động này đã và đang ảnh hưởng đến môi trường và Trái Đất thông qua nhiều cách thức cùng với việc phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu.
  6. CHƯƠNG 2: TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐẾN TÀI NGUYÊN ĐẤT Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG 2.1. Điều kiện tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long. Đồng bằng châu thổ được hình thành khi một dòng sông mang trầm tích đến một vùng nước, chẳng hạn như hồ, đầm, biển, đại dương, ... Khi dòng chảy đi vào vùng nước đó, nó không còn bị giới hạn trong lòng sông nữa mà mở rộng về chiều rộng. Điều này làm cho tốc độ dòng chảy bị giảm đi, làm giảm khả năng vận chuyển trầm tích của dòng chảy. Kết quả của việc này là trầm tích rơi ra khỏi dòng chảy và lắng đọng dưới dạng phù sa, tích ra một vùng đồng bằng kéo dài xuống biển. (Bogss, Sam, 2006). Độ cao của đồng bằng châu thổ này là động và thay đổi theo thời gian sau nén trầm tích và biến động mực nước biển. Khi mực nước biển dâng cao, độ cao của đồng bằng châu thổ có thể được tăng lên bằng cách lắng đọng trầm tích sông hoặc biển mới trong lũ lụt, hoặc bằng cách sản xuất trầm tích hữu cơ bằng cách thảm thực vật ở đồng bằng châu thổ. Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long là địa hình trẻ về mặt địa chất đã được hình thành trong 6000 năm qua, khi mực nước biển ở Đông Nam Á đạt mức tương đối ổn định sau khi mực nước biển dâng cao sau kỷ băng hà cuối cùng. Dưới sự tràn vào của một lượng lớn trầm tích chủ yếu là sông ngòi mang vào bên sông Mê Kông, đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu hình thành bắt nguồn từ khu vực thuộc Campuchia ngày nay. Nhờ việc nước biển rút đi ngày càng thấp cũng như dòng trầm tích ngày càng nhiều dẫn đến việc đồng bằng sông Cửu Long dần hình thành và nhanh chóng mở rộng thành hình dáng hiện tại. Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long rộng khoảng 40.000 km2, là vùng đồng bằng châu thổ lớn thứ ba trên Trái đất (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam,2008) Do là vùng đồng bằng trẻ về mặt địa chất nên có địa hình bằng phẳng và có độ cao tương đối thấp, từ biên giới Campuchia đến bờ biển chỉ có độ cao trung bình so với mặt biển là 0,7-1,2. Dọc theo biên giới Campuchia cao hơn với cao độ từ 2,0-4,0 m, sau đó thấp dần xuống trung tâm đồng bằng với cao độ 0,8-1,2 m và chỉ còn 0,3-0,5 m ở khu vực giáp triều và ven biển. (Lương Quang Xô, 2012). Điều này làm cho đồng bằng cực kỳ dễ bị tổn thương với thay đổi mực nước biển hoặc sụt lún đất.
  7. 2.2. Biến đổi khí hậu tác động lên tài nguyên đất ở đồng bằng sông Cửu Long Biến đổi khí hậu là mối đe doạ lớn nhất đối với đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, những tác động của nó mang lại ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của vùng đồng bằng này. Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nhanh chóng trên quy mô toàn cầu đồng thời tác động ngày càng mạnh mẽ đến mọi quốc gia, nên chúng ta phải phân tích các mặt biến đối khí hậu gây ra làm ảnh hưởng đến đồng bằng sông Cửu Long, từ đó đưa ra biện pháp giảm nhẹ và thích nghi chúng. 2.2.1. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tình trạng hạn mặn Biến đổi khí hậu gây ra việc thay đổi lượng mưa và chu kì mưa. Đơn cử như từ đầu mùa lũ năm 2020 đến tháng 9 năm 2020, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Công thiếu hụt từ 30-40% so với trung bình nhiều năm, dòng chảy sông Mê Công ở mức rất thấp; Biển Hồ (Campuchia), nơi cung cấp nguồn nước quan trọng bổ sung cho Đồng bằng sông Cửu Long trong các tháng mùa khô hiện mới trữ được gần 9 tỷ m3 nước, thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 23 tỷ m3 nước, thấp hơn năm 2015 khoảng 8 tỷ m3 và thấp hơn năm 2019 khoảng 2 tỷ m3 nước (Mạnh Hùng, 2020). Hình 1. Tổng lượng mưa hàng năm ở trạm Mỹ Tho (Viện Khoa học Môi trường và Phát triển, 2020) Theo hình 1, ta có thể thấy được lượng mưa hàng năm ở nhiều khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long đang có xu hướng giảm. Do đó tác động lên chu kì lũ và cường độ lũ cũng giảm so với trước. Chu kì lũ sẽ thay đổi, trở nên ngắn và nhỏ hơn gây khó khăn cho cuộc sống cũng như sinh kế cho bà con nơi đây
  8. Hình 2: So sánh sự thay đổi của tính chất lũ ở 2 thập niên 2000-2009 và 2010-2019: xu thế số năm lũ lớn và lũ trung bình giảm đi và số năm lũ nhỏ tăng lên (Lê Anh Tuấn, 2020) Qua hình 2 ta có thể thấy được lũ ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nhỏ hơn so với trước. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân gây nên. một phần là do các nước thượng nguồn giữ lại nước để sử dụng và phát triển thuỷ điện, một phần là do hiện tượng El Nino làm cho lượng mưa giảm, một phần rất lớn do biến đổi khí hậu làm thay đổi lượng mưa gây ra giảm lưu lượng nước, ngoài ra biến đổi khí hậu còn làm nhiệt độ tăng làm gia tăng bốc hơi, góp phần gây ra hiện tượng hạn mặn.
  9. Do những yếu tố trên, tình trạng hạn mặn ở đông bằng sông Cửu Long ngày một gia tăng. Vì nước biển nặng hơn nước ngọt nên dễ dàng chìm xuống dưới, đẩy nước sông lên trên. Vì vậy khi nước sông chảy yếu nước mặn sẽ xâm thực vào trong đất liền theo các dòng sông, kênh, rạch gây nên tình trạng hạn mặn. Ngoài ra, việc khai thác cát sông dẫn đến hạ thấp đáy sông cũng tạo thuận lợi cho xâm nhập mặn đi sâu vào trong đất liền. Việc lượng mưa ngày càng ít, lũ có chu kì thay đổi và ngày càng ngắn làm cho việc xâm nhập mặn đang gia tăng. Đơn cử như đợt hạn mặn lịch sử năm 2020, nước mặn đã lấn sâu đến 130km vào trong đất liền và kênh rạch của Đồng bằng sông Cửu Long. 5 trong số 12 tỉnh rơi vào tình huống khẩn cấp trước thiên tai (Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An) và gây ảnh hưởng đến lượng nước ngọt cung cấp cho hàng triệu người dân nơi đây (Nguyễn Tuấn Vũ, 2020). 2.2.2. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sụt lún, nước biển dâng Do địa hình thấp, độ cao trung bình chưa tới 2m nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, tác động của nước biển dâng. Ngoài ra bởi vì là vùng đồng bằng trẻ, nền đất yếu nên rất dễ bị sụt lún. Sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long có nhiều nguyên nhân, nhưng có 3 nguyên nhân chính:
  10. Nguyên nhân đầu tiên có thể nhận ra là các đập thượng nguồn làm giảm phù sa và lượng nước ảnh hưởng. Ước tính tổng lượng phù sa do sông Mekong vận chuyển khoảng 160 triệu tấn/năm, tuy nhiên các ước tính gần đây cho thấy nguồn cung cấp phù sa cho ĐBSCL giảm 40–90% do trầm tích bị giữ lại bởi các đập ở thượng nguồn. Ngoài ra, khai thác cát hiện tại ở ĐBSCL và vùng thượng nguồn ở Lào và Campuchia ước tính lên đến 40–50 triệu tấn/năm, ước tính hơn 100% tổng lượng phù sa phù sa cung cấp. Các tác động quan trọng nhất của việc thiếu hụt phù sa là tốc độ bào mòn đáy sông cao ở ĐBSCL (10-15 cm / năm), làm tăng biên độ thủy triều khoảng 2 cm/năm điều này góp phần đáng kể gây ra tình trạng ngập lụt ở đô thị và gia tăng xâm nhập mặn khoảng 0,2-0,5 PSU/ năm trong hai thập kỷ qua. Nguyên nhân thứ 2 là do mực nước biển dâng tương đối và những thay đổi về lưu lượng nước do biến đổi khí hậu có thể sẽ làm tăng (10%) ranh giới đường đẳng mặn ở các tỉnh ven biển trong nửa đầu thế kỷ. Nguyên nhân thứ 3 là do khai thác nước ngầm quá mức. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng và tăng cường sản xuất lương thực ở Đồng bằng đã gây áp lực to lớn lên tài nguyên nước của đồng bằng sông Cửu Long. Ví dụ, trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhu cầu về nước ngọt/lợ chất lượng đã tăng lên đáng kể trong những thập kỷ qua. Do đó, việc khai thác nước ngầm đã phát triển nhanh chóng, tăng gấp 5 lần trong 20 năm qua. Khối lượng khai thác hiện nay là ~2,5 106 m3/ngày, tăng trưởng hàng năm là 4%/năm. Khai thác quá mức nước ngầm là nguyên nhân chính gây ra tỷ lệ sụt lún đất cao ở Đồng bằng (ở một số nơi lên tới 5 cm/năm), hiện không được bù đắp bằng trầm tích mới. Kết quả là vùng đồng bằng đang bị mất độ cao nhanh chóng. Trong những thập kỷ tới, mực nước biển dâng tương đối sẽ chủ yếu được quyết định bởi mức độ sụt lún, phần lớn phụ thuộc vào việc khai thác nước ngầm. Nếu tốc độ khai thác vẫn ở mức hiện nay thì mức độ sụt lún tích lũy trung bình có thể trên 80 cm vào năm 2100, kết hợp với mực nước biển dâng toàn cầu và thiếu trầm tích ở các vùng đồng bằng ngập lũ, sẽ khiến phần lớn vùng Đồng bằng giảm xuống dưới mực nước biển (Vo Quoc Thanh, 2021). Mực nước biển dâng trung bình hàng năm là 2-3 mm; nhưng tốc độ sụt lún của đồng bằng sông Cửu Long khá lớn, trung bình khoảng 2-3cm, riêng ở TPHCM khoảng gần 4cm (Nguyễn Hùng, 2019). Do đó, yêu cầu chúng ta cần những biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu tác động của việc sụt lún. 2.2.3. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sạt lở Đông bằng sông Cửu Long xảy ra 2 kiểu sạt lở chính là sạt lở bờ sông và sạt lở bờ biển. Một phần nguyên nhân xảy ra là do thiếu các trầm tích do các con sông mang đến do các trầm tích bị ngăn chặn ở các đập thượng nguồn. Đồng thời với đó, việc khai thác cát ngày một nhiều cũng dẫn đến các thiếu hụt nghiêm trọng các trầm tích. Vùng
  11. đất ở các bờ sông, biển không có lớp thực vật hoặc vật chắn sóng để giữ đất nên dễ bị mang đi khi có sóng hoặc dòng chảy tác động. Với các bờ sông, 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long hiện có tới 558 vị trí sạt lở bờ sông với chiều dài hơn 740 km. Trong đó, 81 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 137 vị trí sạt lở nguy hiểm (Cục Quản lý đê điều và PCTT, 2023). Với việc khai thác cát ngày một gia tăng, không có lớp bảo vệ cũng như việc thiếu hụt trầm tích ngày một trầm trọng, sạt lở bờ sông có nguy cơ sẽ ngày một gia tăng và gây ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều người. Cùng với đó, lượng mưa giảm cũng làm cho lượng phù sa về ít hơn nên khả năng bồi lấp lại những vị trí đã khuyết ít hơn. Chính điều này làm thiếu hụt trầm tích - nguồn phù sa quan trọng để bồi lắng, bổ sung cho bờ biển tạo nên cân bằng bùn cát. Sự mất cân bằng bùn cát kết hợp với các yếu tố thủy thạch động lực học bờ biển, sóng gió, nước dâng đã làm cho dải bờ biển bị sạt lở đáng kể. (Roman Sorgenfrei & Stefan Groenewold, 2019). Đồng bằng sông Cửu Long từng tiến ra biển với tốc độ trung bình lớn hơn 30 m/năm nhưng tỷ lệ này đã giảm trong những thập kỷ qua, trở nên âm sau năm 2005. Hiện nay, chỉ có khoảng 10% bờ biển vẫn còn đang bồi tụ hơn 20 m mỗi năm, đặc biệt là ở các mũi đất Tây Nam Cà Mau. Trong khi đó, hơn 50% bờ biển dài 720 km hiện đang bị xói lở, trong đó hơn 70 km đang bị xói lở với tốc độ từ 20 đến 50 mét mỗi
  12. năm, do thiếu trầm tích do các đập ở thượng nguồn và khai thác cát, sụt lún, số lượng bão gia tăng và mực nước biển dâng (Roman Sorgenfrei & Stefan Groenewold, 2019). Xu hướng dâng lên của mực nước biển trong những năm gần đây cũng góp phần gây ra sụt lở mạnh hơn. Biển dâng gây nên những con sóng đi vào bờ sâu hơn, kết hợp với tình trạng sụt lún làm cho nước biển vào càng dễ hơn. Ngoài ra, việc người dân phá rừng ngập mặn làm cho những bờ biển không có lớp bảo vệ làm cho sóng đánh vào dễ mang đi đất hơn, gây ra tình trạng sạt lở ngày cảng nghiêm trọng.
  13. CHƯƠNG 3: Giải pháp Do những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu gây ra với tài nguyên đất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, ta cần những giải pháp thích ứng với những thay đổi, tác động trong tương lai gần và biện pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu để bảo toàn tương lai xa hơn. 3.1. Giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu Những giải pháp dưới đây giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu gây ra cho tài nguyên đất của đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời thích ứng với những thay đổi này. 3.1.1. Trồng cây ngăn sạt lở Một số nghiên cứu cho thấy, trồng cây, cỏ để chống sạt lở chỉ hiệu quả đối với bờ sông ngòi, kinh, rạch có tốc độ sạt lở yếu (dưới 2 m/năm). Sạt lở với tốc độ này thường xảy ra ở những sông nhỏ, kinh, rạch nội đồng nằm ngoài vùng đê bao bị bồi lắng, dòng chảy yếu, ít tàu ghe qua lại hoặc ở những đoạn sông, rạch, kinh bị giáp nước hay ở những bãi bồi trên các cồn, cù lao, bãi sông lớn và biện pháp chống sạt lở có thể áp dụng theo dân gian đã làm. Cụ thể như: trồng cây, cỏ chắn sóng, giữ mé (gồm dừa nước, gừa, lau, sậy, bần, cỏ nga, dứa, mướp gai, mái dầm, ráng, ô rô, cóc kèn, rau muống, lục bình, điên điển…); hoặc sử dụng vật liệu tại chỗ để tấn mé như cọc tràm, tre đóng bên ngoài kết hợp tấn tre, me bồ, tấm bạt nilon, rồi lấp gạch vụn, bao cát, đá vào bên trong. Dừa nước là cây được trồng phổ biến và thích nghi tốt với vùng nước lợ, có nhiều ở các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình, Mang Thít. Cây có sức sống mãnh liệt, giữ đất bờ tốt nhờ bẹ, thân rộng, rễ mọc sâu. Tuy nhiên, dừa nước chỉ phát triển tốt ven những dòng kinh, rạch có mái bờ thoải, mái lài. Kinh, rạch bị nạo vét quá sâu, mái kinh dốc làm cho dừa nước chậm phát triển hoặc chết dần. Cây bần mọc hoang hoặc được trồng nhiều ở những bãi bồi trên các cồn, cù lao, bãi sông lớn trên địa bàn tỉnh như sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên và nhiều kinh, rạch lớn khác. Bần có tác dụng giữ đất và chắn sóng, chắn gió tốt nên hạn chế đáng kể sạt lở bờ sông cũng như nhà ở, công trình gần mảng bần mọc. Có thể trồng thêm dừa nước hoặc lục bình, cây cỏ khác dưới tán bần giúp tăng thêm tác dụng chắn sóng, sạt lở bờ.
  14. Lục bình, bên cạnh có tác dụng chắn sóng, ngăn dòng chảy áp sát bờ, bảo vệ bờ sông mà còn được nhiều hộ ở nông thôn thu hoạch cọng lục bình làm nguyên liệu đan thảm mỹ nghệ xuất khẩu. Lục bình chỉ phát triển tốt ở sông, rạch luôn có nước, có độ chênh lệch thủy triều không lớn. Cây không chịu được tác động của gió mạnh, dòng chảy xiết. Lục bình có hiệu quả bảo vệ bờ sông khi được trồng thành mảng lớn, dày đặc ven bờ sông, vì vậy phải cắm cọc, giăng dây hay làm hàng rào chắc chắn bao xung quanh mảng lục bình để giữ lục bình không bị trôi. Hư hàng rào, cọc chắn là lục bình trôi đi mất, không còn tác dụng giữ bờ. Nhiều nơi thất bại là do vấn đề này (Trung Chánh, 2023). Do đó, ta có thể trồng cây có rễ đâm sâu cũng như có khả năng chắn sóng, chắn gió tốt như cây bần, vừa giúp chắn sóng từ tàu, giảm độ siết gần bờ của dòng chảy, giảm khả năng sạt lở bờ sông còn góp phần làm xanh hoá môi trường, tạo môi trường sống cho nhiều loài sinh vật khác. Có thể kết hợp việc trồng cây ven sông và nuôi thuỷ hải sản nhằm tạo môi trường sống cho thuỷ hải sản đồng thời bảo vệ bờ sông. Ở cửa sông, ven biển, ta có thể kết hợp các biện pháp như phun cát nuôi dưỡng để tạo môi trường sống cho thực vật để trồng rừng ngập mặn. Thực vật ở rừng ngập mặn chủ yếu là các loại cây có bộ rễ nơm, như: đước, sú, vẹt, tràm, mắm, cùng các loài cỏ, cây bụi, … được sử dụng để chắn sóng, giữ đất, tạo điều kiện cho trầm tích bồi tụ nhanh hơn, hạn chế tối đa hiện tượng sụt lở bờ biển đồng thời còn giúp lấn đất ra biển. 3.1.2. Xây dựng đê biển Ta có thể sử dụng giải pháp quản lý bờ biển đa tầng, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai. Có nghĩa là phải quản lý bờ biển với nhiều tuyến phòng vệ khác nhau, từ ngoài biển bằng công trình giảm sóng xa bờ cho đến các công trình gần bờ như hàng rào tre, hệ thống rừng ngập mặn và tuyến phòng thủ cuối cùng là đê biển bằng đất bảo vệ nước biển xâm nhập vào khu vực nội đồng. Đối với công trình xa bờ hiện nay có rất nhiều giải pháp như: đê giảm sóng xa bờ kết cấu rỗng và có khả năng trao đổi môi trường cũng như bẫy bùn cát hạt mịn để khôi phục rừng ngập mặn bên trong. Tiếp theo còn có những giải pháp thân thiện với môi trường hơn: sử dụng các loại vật liệu địa phương như cừ tràm, thân cây dừa, cọc tre trở thành những đê rỗng để bẫy bùn cát, tái tạo lại rừng ngập mặn hiện nay đang suy thoái rất nghiêm trọng. Tuyến phòng thủ cuối cùng đó là đê biển được che chắn bằng rừng ngập mặn, đảm bảo an toàn trong mùa lũ, đặc biệt là mùa nước dâng từ biển khi có bão. Theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong nước cũng như quốc tế, đã có những tìm kiếm nghiên cứu các loại cấu kiện đảm bảo khả năng giảm sóng xa bờ, tái tạo khôi phục rừng ngập mặn bằng cách bẫy bùn cát mịn cho các bãi bồi phía sau đê
  15. giảm sóng. Đó là một trong những mục tiêu của cụm 6 đề tài cấp nhà nước mà Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam vừa thực hiện. Không thể không kể đến những thành công bước đầu là các công trình này đã áp dụng ở tỉnh Tiền Giang và tiếp tục mở rộng ở các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng trong tương lai gần. Đó là toàn bộ những giải pháp quản lý tổng hợp bờ biển và thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu trong tương lai, thách thức và cơ hội đối với vùng đồng bằng này (Trần Ánh Dương, 2022). Việc kết hợp đê biển cùng với các hệ thống kiểm soát mặn khác trong khu vực cửa sông và ven biển, sẽ giúp đồng bằng sông Cửu Long kiểm soát được vấn đề hạn mặn đang gây nhức nhối thời gian gần đây, cũng như bào vệ đường bở biển không còn bị sạt lở 3.1.3. Xây dựng hệ thống thuỷ lợi chứa nước và hạn chế khai thác nguồn nước ngầm Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề về nước mặt, cụ thể là thừa nước vào mùa lũ, thiếu nước vào mùa khô, bên cạnh đó còn bị ô nhiễm và xâm nhập mặn vào mùa khô. Chính vì vậy, để đối phó với tình trạng này, giải pháp xây dựng các hồ chứa trên các đoạn sông ở đồng bằng để tích nước trong mùa lũ và cấp nước cho mùa khô, là một trong những giải pháp quan trọng đặc biệt khu vực Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười là những nơi rất thích hợp để tích trữ nước ngọt. Do vậy, cần thiết xây dựng các hồ chứa nước ngọt lớn để trữ nước cho vùng nhằm điều tiết nước ngọt cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước trong mùa khô hạn. Năm 2019, Bộ cũng đã phê duyệt dự án Dự án “Xây dựng các giải pháp tổng thể trữ nước để giải quyết vấn đề thừa nước vào mùa lũ, thiếu nước vào mùa khô phục vụ cho phát triển bền vững ĐBSCL”, theo đó nghiên cứu một cách tổng thể các giải pháp trữ nước cho vùng ĐBSCL, tận dụng các nhánh sông để trữ nước với chức năng như các hồ chứa nước tự nhiên và xây dựng các hồ chứa nước nhân tạo tại các vùng khan hiếm nước. Bộ cũng đang khẩn trương tập trung xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu và tác động do các hoạt động khai thác sử dụng nước của các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Công. Đồng thời, chúng ta cần phải xem xét để thực hiện sớm việc có một hệ thống về hạ tầng cấp nước liên vùng, liên tỉnh, xử lý nước thải tập trung đối với ĐBSCL theo hướng thuận thiên và việc chuyển đổi quy mô lớn, đặc biệt là nông nghiệp thích ứng với các điều kiện về nguồn nước là hết sức quan trọng.
  16. Một số khu vực đang bị khai thác quá mức, hạ thấp sâu mực nước ngầm dẫn đến các hệ lụy là gây ô nhiễm, xâm nhập mặn và có thể gây ra sụt lún bề mặt đất (ví dụ ở một số khu vực tại các đô thị TP. Cà Mau, TP. Sóc Trăng, TP. Bạc Liêu…). Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng tình với quan điểm nước ngầm là nguồn tài nguyên quý giá, cần phải được bảo vệ, gìn giữ để sử dụng trong tương lai lâu dài. Tuy nhiên cũng như nước mặt, nước ngầm cũng là nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo, được bổ sung từ các nguồn nước mưa, nước mặt. Do đó, cần được khai thác ở mức hợp lý để không làm hạ thấp mực nước ngầm sâu, ảnh hưởng đến môi trường, gây nguy cơ ô nhiễm, xâm nhập mặn, sụt lún bề mặt. Việc khai thác phải căn cứ vào kết quả điều tra, đánh giá nguồn nước ngầm, quan trắc, giám sát việc khai thác, khả năng bổ sung từ nguồn nước mưa, nước mặt dư thừa trong mùa mưa lũ... trên cơ sở quy hoạch đảm bảo tổng lượng khai thác không vượt quá khả năng khai thác, không vượt ngưỡng giới hạn khai thác an toàn… (Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2020) Việc xây dựng thêm hệ thống thuỷ lợi chứa nước sẽ giúp giải quyết vấn đề thiếu nước trong sinh hoạt và tưới tiêu trong thời gian hạn mặn. Nên có chính sách khuyến khích xây dựng hồ chứa nước, các hệ thống thuỷ lợi chứa nước nhằm điều hoà nguồn nước trong các thời gian trong năm. Việc hạn chế khai thác nước ngầm góp phần làm chậm lại quá trình sụt lún, giúp cho chúng ta có đủ thời gian để hoàn thành các công trình đê biển, chắn sóng nhằm hạn chế ảnh hưởng của nước biển dâng. 3.1.4. Nghiên cứu chống mặn, điều chỉnh lịch thời vụ Ta có thể nghiên cứu thêm các giống cây chịu mặn năng suất cao như lúa chịu mặn như các giống OM 5464, OM 5166, OM9916, OM9921, …. Ngoài ra, những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn mặn ta có thể chuyển qua trồng giống cây chịu mặn như xoài, sapo, mãng cầu xiêm. Ngoài ra có thể điều chỉnh mùa vụ sao cho thích hợp với khí hậu hiện tại, ví dụ như khi hạn mặn ta có thể sử dụng để nuôi tôm còn khi lũ về rửa mặn ta có thể trồng lúa. Sử dụng kết hợp nhiều giải pháp, tuỳ từng vùng, điều kiện địa lý sẽ giúp cho người dân vượt qua ảnh hưởng của biến đổi khí hậu 3.1.5. phân bổ lại hệ thống đê sông Ở thượng nguồn của đồng bằng, nhiều năm gần đây người dân địa phương đã đắp đê ngăn lũ để người dân chuyên canh lúa quanh năm. Nhưng mô hình này không còn mang lại giá trị kinh tế cao cũng như bền vững về mặt sinh thái. Dự án của chúng tôi đã cho thấy, trên thực tế người nông dân có thể tận dùng nguồn nước lũ thượng nguồn, thay vì ngăn lũ. Khi mùa nước nổi về, người nông dân để nước lũ tràn đồng, tạo thành môi trường hoàn hảo để nuôi trồng thủy sản. Hình thức canh tác này đã được chứng minh là mang lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa vụ ba.
  17. Khi nước rút vào mùa khô, phân thuỷ sản và phù sa góp phần bồi đắp cho đất đai, giúp đất trở nên màu mỡ cho vụ sau (Benoît Bosquet and Carolyn Turk, 2022) Tuy nhiên, ở những nơi tàu thuyền lớn thường xuyên chạy, chúng ta cần sử dụng hệ thống đê để chặn bớt một phần sóng từ các tàu này khi chạy, làm giảm tốc độ xói mòn bờ sông. Do đó, cần nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của từng vị trí nhằm phân bố hoàn thiện hệ thống đê sông. 3.2. Giảm nhẹ biến đổi khí hậu Ngoài việc thích ứng với biến đổi khí hậu, ta cần phải giảm thiểu biến đổi khí hậu trước khi chúng biến đổi trở nên quá khắc nghiệt với con người để sinh tồn. 3.2.1. Trồng rừng Trồng rừng giúp thu giữ cacbon, ngoài ra nó có thể giúp thu về tín chỉ cacbon, nâng cao thu nhập cho người dân, tăng cường đa dạng sinh học. Đặc biệt, ngoài các lợi ích đã nói ở mục 3.1.1, việc trồng rừng ngập mặn còn giúp thu về nhiều tín chỉ cacbon so với rừng bình thường. Cụ thể, với 1ha rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ carbon cao gấp 5 lần so với 1ha của rừng trên cạn. Điều này tạo lợi thế lớn cho việc trồng diện tích lớn rừng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. 3.2.2. Sử dụng các loại năng lượng xanh Sử dụng các loại năng lượng mới, thân thiện với môi trường như điện gió, điện mặt trời sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính gây ra do việc dùng nguyên liệu hoá thạch. Từ đó giảm thiểu đáng kể việc phát thải khí nhà kính do đa phần khí nhà kính hiện nay sinh ra do việc sử dụng nguyên liệu hoá thạch, từ đó hướng đến việc làm chậm lại tối đa biến đổi khí hậu. 3.2.3. Sử dụng công nghệ mới giảm phát thải Sử dụng những công nghệ mới giúp giảm phát thải như sử dụng xe điện, sử dụng các thiết bị thế hệ mới có chức năng tiết kiệm điện, thu hồi năng lượng nhiệt thừa trong quá trình sản xuất, sử dụng vật liệu tái chế và vật liệu tái tạo; sử dụng những phương thức canh tác, chăn nuôi hiện đại giúp giảm phát thải góp phần làm chậm lại biến đổi khí hậu
  18. KẾT LUẬN Biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả khó lường, từ những hiện tượng thời tiết cực đoan diễn biến ngày càng nhiều đến những thiên tai xảy ra ngày một tăng. Nếu không có những biện pháp thích hợp, những thiên tai sẽ ngày một nhiều và nghiêm trọng hơn, đòi hỏi con người phải có khả năng thích ứng đồng thời giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Nếu chúng ta không tôn trọng tự nhiên, chúng ta sẽ nhận được những hậu quả thảm khốc. Bảo vệ môi trường Trái đất, hạn chế tối đa sự biến đổi khí hậu chính là bảo vệ chính nhân loại khỏi tự nhiên thảm khốc. Hãy nhận thức về hiện tại và suy nghĩ cho thế hệ mai sau, chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời đúng đắn cho việc bảo vệ môi trường và giảm thiểu biến đổi khí hậu
  19. TÀI LIỆU THAM KHẢO
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2